What holy cities are to nomadic tribes - a symbol of race and a bond of union - great books are to the wandering souls of men: they are the Meccas of the mind.

G.E. Woodberry

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4312 / 68
Cập nhật: 2017-06-11 10:57:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Vỡ Tỉnh
ới vỡ nhẽ ra rằng bấy lâu lão Nhã chỉ toàn nói dối!
Chiều hôm trước, tự dưng lão lù lù từ Nghĩa Đô sang bên Bạc. Lục hỏi, lão bảo: “Giêng Hai thong thả, đi chơi”, lão nói thế, chứ Lục đã biết trên nhà lý Kiền sắp có cái giỗ đầu năm. Năm nào lão Nhã cũng khéo nhớ, và cũng mò lên. Vả lại, trông ông lão càng rõ không phải là con người đương rỗi, đi chơi. Nước da bủng màu nghệ thối: cái đói đã vẽ lên tận mặt!
Tuy vậy, Lục không hay dài dòng lôi thôi. Thấy ông lão đến vào giữa thời buổi xác xơ, đôi khi Lục cũng có ý bực thân và tức lão. Nhưng, tức để bụng, vì một đời mới một lần người ta đến nhà! Hôm lão đến, Lục không nhóm bếp. Hôm sau Lục mới bê cái hũ gạo trên giàn bếp xuống. Tinh ý, lão Nhã đã nói đón:
- Chú mặc tôi, mặc tôi. Cứ tự nhiên, đừng lo cho tôi. Tôi cũng có cái ăn rồi. Tôi chỉ ở đỗ vài hôm rồi tôi lên với chú Tư nó...
Ông khoe: “Chú Tư mở cửa hàng thợ cạo trên tỉnh Sơn, trừ chi tiêu, mỗi ngày còn phát tài được chục bạc”. Lục xuýt xoa:
- Ở tỉnh lúc này may ra mới có gạo, nhà quê ta thì đành tiệt rồi. Mẹ cháu cũng phải lên kiếm miếng trên tỉnh từ năm sớm. Nhưng thế nào ông cũng phải đợi cái “rúi” [1] trên chú lý Kiền rồi ông hẵng đi chứ?
- Thôi, chả. Năm nào chứ năm nay thì rúi với ráy gì. Giời đất này chẳng ông bà nào trách đâu mà sợ. Chú bảo hộ vợ chồng anh lý rằng lão Nhã nói thế đấy. Nhà nó có, mình chẳng muốn đến, sợ cái tiếng đói khát vác miệng vào chơi. Đến nhà chú, anh em nghèo với nhau.
Lục nghĩ thầm: “Thôi đi bố! Đánh đến chết thì bố cũng đã tạt vào lý Kiền, không một bữa tất hai rồi”.
Rồi, “mai” mãi cũng chưa thấy ông lão lên Sơn. Hôm nào lão cũng đi, chẳng biết đi đâu. Có khi sẩm tối mới về, sặc sụa hơi rượu. Lão lăn vào một xó ổ lá, suốt đêm làm nhàm nói mê.
Buổi sáng mới hửng nắng, lão ra ngồi giữa sân, cởi áo, vạch quần, săn rận một lúc rồi mới đi.
Ngồi bắt rận, lão kể những chuyện chết đói, chuyện trên tỉnh, chuyện buồn, chuyện vui bông phèng. Này, đi qua làng nào cũng không nghe một tiếng chó cắn. Người đói lử đử hàng lũ ngoài đồng. Có những cái xác nằm chẳng ai chôn, từng đàn quạ bâu quanh, mổ, rỉa, mắt, mũi. Một đoàn quảy thóc đi nộp kho, vừa vuốt tràn vừa chửi rủa, đằng sau có những toán đàn bà chạy theo hu hu khóc. Lão lại nghe kể ở bên Phú Gia có nhà đói quá, bốn mẹ con nấu một nồi cháo lẫn nhân ngôn, cùng ăn cho chết. Mẹ con lử lả nằm cạnh bếp lửa đợi cháo chín. Bất đồ, một bọn cướp đói đi qua, thấy nhà có khói bếp, bèn xông vào. Vớ được nồi cháo, cả lũ vục đầu húp sạch. Húp xong, giãy giụa lăn ra. Thế là mẹ con nhà nọ lại không được chết. Người ta còn kể dưới vùng Nam, hàng cơm nào còn bán thịt thì phải để cả miếng to, không được thái nhỏ hay nấu canh, nấu đông. Sợ chủ quán đánh tráo thịt người! Dưới ấy thịt người nhiều lắm. Nhưng lão không tin. Lão bảo:
- Đói lắm thì chết đi, chứ Nam quốc Nam nhân mà ăn thịt nhau thì không bằng con chó.
Lục cãi:
- Ô hay, con chó còn có giá hơn con người bây giờ. Bán con chó phải bả mà cũng được sáu chục. Tôi hay ông bây giờ mà ăn phải bả thì chết thối ra, ma nào khiêng!
- Là nói con chó khôn nó cũng không chịu ăn thịt chó, chứ chó bây giờ thì đúng là đắt hơn người rồi. Này, mai lên tỉnh, ta buôn một con lên, khéo cũng gỡ được cái tiền nước nôi, chú Lục ạ.
Thế rồi, mai, ngoài sân có nắng ấm, lão Nhã lại ngồi tuốt rận buổi sáng và kể những chuyện chết đói, chuyện trên tỉnh, chuyện vui chuyện buồn, như thường ngày.
Lão ở đã hơn một phiên chợ. Lục cũng không biết lão đã ăn bằng gì. Được cái, đương giữa lúc đói kém, cái việc cơm ai người ấy ăn, nó cũng quen, rồi Lục không áy náy gì nữa.
Lục vẫn đi làm cả ngày. Mấy hôm nay lên làm cỏ vườn, ăn một bữa cơm không, nhà lý Kiền. Cứ vai vế trong họ, Lục là vai trên lý Kiền. Lục mới rõ chuyện lão Nhã. Lão có vào nhà lý Kiền, đúng như Lục đã đoán.
Người làm trong nhà nói rằng lão đến ăn dầm ở đấy. Rượu vào, lão lè nhè tán lý Kiền: “Nhờ giời thì anh chị cũng được hơn người. Tôi năm nay sáu mươi rồi. Chuyến này tôi sang định ở dối già với anh chị dăm bảy tháng đấy”. Lý Kiền cười khanh khách: “Trên này đương chết đói hàng rừng người, ông giữ từ cửa đình bên ấy còn sướng chán. Say thì ông ngủ đi”. Lão Nhã giơ tay, trừng trợn: “Không, nói bằng thực đấy. Tôi bỏ chân thủ từ rồi. Thời buổi này mà giữ đình giữ đền để đói rã họng ra à? Không, tôi đã định thế mà. Có miếng vườn miếng bãi nào cho tôi cuốc xới cũng được”. Lý Kiền vẫn cười: “Được, được. Ông cứ ngủ đi. Mai hẵng hay”.
Sáng hôm sau, lý Kiền dậy sớm, gọi ông Nhã xuống bếp, đưa cho một bát gạo và rỉ tai:
- Cái giỗ đầu năm tôi định không làm gì. Ăn uống lúc này nó ai oán thiên hạ, mà người ta nói cho. Ông về, cầm tạm lẻ gạo này ăn đường, khi khác thong thả lên chơi.
- Thế cái việc tôi nói với anh hôm qua...
- Cái nhà tôi nó như con dở người, tính nết mặt tam mặt tứ. Thà tôi nói trước với ông còn hơn là rồi nó nói không tiện. Tôi chỉ tiếng cả nhà không, cũng kham khổ lắm, nếu có gì thì đã giữ ông lại ăn cơm sáng.
- Tôi kham khổ đã quen...
- Cò mỗi nơi một thung, ông ạ. Thôi đi đi, nhà tôi nó giở dậy, trông thấy tôi thì thào thế này thì khó nói lắm.
Không cách nào bíu lại được, ông lão Nhã đành xách nón đi. Chiều hôm ấy, ông xuống nhà Lục. Ra thế đấy!
Lão Nhã định lên kiếm cơm trên đấy này. Ông lão biết đâu ở đây cũng như ở Nghĩa Đô, nhà nào có mới dám ăn mỗi ngày một bữa cơm ngữ. Người ta lũ lượt bỏ làng đi tránh chết. Vợ Lục đi ở vú trên tỉnh, con chủ thôi bú rồi, mà cứ lạy van xin ở. Thằng Khoai, cái Đĩ mẹ nó đem theo lên, cho làm đầu con nuôi các cửa người ta. Anh Ngũ - anh ruột Lục, cũng biệt tăm đâu từ năm ngoái. Có người nói Ngũ lên tỉnh, làm ăn phát tài. Nhưng Lục cũng không biết đâu. Ông lão Nhã chẳng khác con chuột chạy quanh trong cái nhà cháy.
Hôm Lục lên làm, ông lý Kiền gọi vào, bảo:
- Lão Nhã ở dưới bác, phỏng? Bác phải về tống ngay lão đi! Đầu trộm đuôi cướp chuyên dắt đất đấy. Bác mà chứa, rồi lão đem cướp vào làng, người ta đổ vạ cho bác, bác chết. Tôi đã phải tống tiễn, tưởng bước rồi, ai ngờ vẫn nấp dưới ấy. Về đuổi ngay lão đi.
Mới vỡ nhẽ ra rằng bấy nay lão Nhã nói dối là thế.
o O o
Lục về, quyết đuổi cổ lão Nhã đi. Đến cổng, thấy cành rong rấp ngõ vẫn nguyên như lúc sáng lão chưa về. Hay lão đi rồi?
Trong cánh đồng, tiếng quạ kêu quang quác. Lục nhớ hôm “sắp ấm” [2] năm ngoái, hai vợ chồng ngồi trước cửa, nhìn cái nền nhà trơ trụi mới dỡ, hơi đất còn nóng hổi. Ngoài lũy, quạ kêu tha thiết. Gió rét buốt như cứa thịt. Hàng xóm bên Đông, hàng xóm bên Tây khóc rưng rức. Tết đến sau lưng, không nhà nào còn một hạt gạo.
Vợ Lục vừa ở tỉnh về, đưa cho Lục mười lăm đồng. Mười lăm đồng bạc chỉ đong nổi ca gạo, chị tính với chồng:
- Nhà ạ, ta bán quách mấy gian nhà trên, lấy cái ăn mà đợi việc. Chứ bây giờ cứ ngồi bóp bụng cho đến lúc có việc thì quỵ mất.
Ngay hôm ấy, chồng hì hụi dỡ nhà. Vợ chạy khắp bốn xóm dạm người mua củi. Hai vợ chồng bó rạ, lá tre, nan rừng, quẩy đi. Ai cũng chặc lưỡi, bảo: “Thôi, túng thì phải tính” và khen mụ Lục tháo vát. Nhờ thế, Lục dè sẻn ăn dần, thành thử cũng chưa đến nỗi giơ xương như lắm người khác. Nhưng bây giờ mỗi khi trông cái nền nhà đã giồng cải, anh bùi ngùi nhớ hôm “sắp ấm”, nhà đã dỡ đi rồi. Vợ chồng lẩn thẩn quanh quẩn trên cái nền đất ấm, chỉ còn trơ hòn gạch chân cột và mấy hàng hột trám chôn thành hình bàn cờ.
Tiếng quạ kêu nhỏ dần, như bạt gió. Những chấm hoa cải rỗ vàng nằm rạt nghiêng bên hàng cọc tre. Ô hay không gió to mưa lớn mà hàng rào lại đổ rạp thế kia? À, có đứa nhổ trộm cải, hai lỗ đất bật tung. Chả có ai vào đây, lại có kẻ trộm trong nhà này thôi. Chứ không có thì vặn răng ra mà ăn. Lão nhổ cải. Lão lấy cái niêu đất kia lão luộc. Lão ăn vã rau cải, nhá hết cả rễ, rồi đổ nước ra lỗ rãnh. Đích thế!
Cơn giận cứ bốc ngùn ngụt. Lục nhen lửa, rít một hơi thuốc lào. Xa xa, tiếng quạ trong sương lại thảm thiết, bồi hồi. Qua khói thuốc, lờ mờ nền đất cũ... những rúm hoa cải vàng khè... Lục càng bực mình. Lục tưởng tượng cơ chừng lão Nhã ngộ gió, đã còng queo ngoài ruộng. Quạ ngửi thấy mùi tanh, kéo đến lượn trên xác lão. Nếu không, sao quạ lại kêu chiều nhiều vậy? Cái giống quạ đánh hơi xác chết giỏi lắm.
Lục dọn ổ lá, soạn chỗ nằm.
Ngoài ngõ, ai kéo cành rong lạch đạch. Lão đã về! Lão không chết. Lục núp nhìn lỗ vách. Lão đã vào đến trong sân. Như bóng cây nứa lêu đêu trên nền sân tờ mờ. Hai cái vạt áo nâu rách phơ phất như phướn nhà chùa. Một mẩu khăn quấn chéo trên đầu, hệt lão lái lợn. Tay vẫn khư khư thu trong bọc, giữ cái gì. Lão thở khà, chẹp mép. Cái người lúc nào cũng thèm ăn. Bóng mái bếp đổ xuống, chẳng nom rõ mặt lão nữa.
Lục ngả lưng vào ổ, vờ ngủ. Trong bụng vẫn nhớ một câu người ta nói: Ai hay chóp chép mồm là cái người suốt đời đói khát.
Lão Nhã chửi:
- Tiên nhân cái thằng cu này, giờ mà chưa về!
Tuy vậy, Lục không ngồi dậy, cũng không sừng sộ. Lão Nhã loạng quạng thò đầu vào bếp. Chân bỗng đụng vào Lục. Lão tru lên:
- À chú ta đây rồi. Ngủ sớm thế? Dậy, dậy, anh bảo cái này, hay lắm.
Lão ngồi thụp xuống, thổi đống rấm. Ánh lửa nhen lên, lom đom trên cái nòm dạ giữa ba hòn gạch đầu rau.
- Mua được hai tiền bánh, một lẻ rượu. Giời đất này, nhịn thèm nhịn lạt mãi thì để cái sướng cho chó à, phải không chú?
Lão đặt cút rượu vào nửa cái vành mâm gỗ. Lục ngồi lên, ngó qua vai lão, thấy lão đương cời củ khoai nướng.
- Khoai đâu thế này?
- Nó rỡ non hay của ăn trộm, không biết. Thấy rẻ, tớ mua. Rượu đấy, rượu...
- Không, tôi không uống.
- Một tợp thôi, cũng chẳng có đâu.
- Không uống mà!
Lão lại ngứa cổ tu cái cút con, chẳng biết thật là còn hay hết. Lão bới trong tàn than ra một củ khoai dài ngoằng, quắt queo như cái ruột gà. Những cái này chỉ là của ăn sương [3]. Chắc lúc nãy lão đã xuống ruộng móc vội vài củ.
Lục toan hỏi toạc vào mặt, rồi mắng cho lão mấy câu. Nhưng không hiểu sao, Lục đã nhỏm dậy từ lúc nào và đã ngồi thủ thỉ chén hết hai củ khoai. Lão Nhã gật gù. Cái đầu rập rờn trên bóng lửa, hiện ra một vẻ lì lầm, kỳ quái. Hai mẩu ria vểnh xoắn nhọn. Ánh lửa sáng bập bùng, hẩng một bên má hõm sâu hoắm. Lục thủng thẳng hỏi:
- Ông đi đâu về thế?
Lão ngước lên, tròng mắt lóe như mắt mèo. Cành củi dương tươi lép bép nổ. Giữa hai cái chẹp mép, lão cười khà khà:
- Chả giấu chú, tớ đi đánh thò lò. Lạy thánh mớ bái, hôm nay thánh cho ăn lộc. Thôi thì mong sao cho qua thời đói, khỏi thời loạn này...
Rồi lão bỗng nói to:
- Tao cần gì những thằng giàu. Đứa nào có đứa ấy ăn, chứ đã đến cái nước vác mặt đi ăn xin thì nhục lắm. Thằng lý Kiền ấy a? Tao chẳng thèm đến nhà nó. Phải không nào! Tôi không có thì tôi bỏ đất tôi đi, tôi đi tôi kiếm.
Từ nãy, Lục loay hoay tìm một câu đuổi khéo. Đến khi nghe lão khề khà... tôi đi... tôi kiếm chác... thì thật tình, Lục lại động lòng thương hại. Lão cứ ba hoa thế, chứ lão ấy còn biết đi đâu, đi đến đâu chăng nữa cũng chỉ là đi chết chứ chẳng phải đi để sống chỗ nào. Và Lục buồn bã hỏi:
- Bao giờ ông lên tỉnh? Ông lên Sơn hay ông về dưới làng? Chứ ông là ông từ giữ đình...
- Tôi ôm lấy cái đình tôi gặm được ư? Làng nước cũng phải tha cho tôi đi cầu thực chứ.
Rồi ông kể lể:
- Anh buồn lắm, chú Lục ạ. Chú còn có thím ấy làm ăn đỡ đần, chứ thân phận anh là cái bèo trôi dưới ao. Cái thằng Nhỡ mà ngày trước năm nào tôi cũng dắt nó sang ăn cỗ ấy. Ngày xưa còn mẹ nó, tôi còn có... Ngày xưa còn mẹ nó, nó sướng hơn vàng... hơn vàng...
Than đã vạc. Bàn tay lão lù lù trên ánh đỏ. Cái đầu trĩu xuống, hai cái sừng khăn tai chó vểnh như sừng trâu. Ngoài sân tối mịt. Vỏ cút rượu lăn lóc cóc ra ngoài mảnh mâm gỗ. Lão chép miệng, bưng hai tay lên trán, nói nho nhỏ, xa xôi:
- Ngày xưa, tôi còn có, chú Tư nó cũng nhờ vả tôi nhiều. Bây giờ chú ấy làm ăn khá giả.
Lục lại bực mình, nói kháy:
- Ông thì có cóc gì bao giờ! Chỉ thấy nói đi mà không thấy đi. Ông Tư ông ấy không nhìn ông rồi.
- Đừng tưởng thế. Chết cha còn anh chứ. Nhà nào cũng phải có nóc. Năm nay tôi sáu mươi. Chuyến này lên tỉnh tôi phải ở dối già với chú Tư nó dăm bảy tháng. Tôi nhất định thế rồi.
Lục bật cười:
- Ngộ chú ấy không chứa thì ông nhất định làm sao? Như nhà lý Kiền ấy.
Lão trợn trạo, dường sợ hãi, quát to:
- Láo nào! Láo!
Rồi lão hạ giọng:
- Ngày mai thì tôi lên Sơn sớm. Cùng đi nhé, ta kiếm...
Lục không nghe hết, cũng không nói, lẳng lặng nằm xuống ổ. Tiếng sột soạt cựa quậy trong vách tối. Lục cũng không nghĩ gì về lão Nhã nữa. Chỉ còn hai tiếng “mai đi” lại khiến Lục vụt nhớ đến vợ con. Từ năm ngoái, khi “nhà nó” về đem các con đi, “nhà nó” đã dặn: Đừng có lên tỉnh. Thì “nó” muốn sao cũng được. Nghe nói đứa nào bây giờ cũng béo mũm... Chao ôi, thóc lúa thiên hạ đầy đồng, mà ba bố con nhà ta chỉ nhồi nhét rặt rau sam, rau má, củ gấu, củ chuối. Ba bố con ngồi đầu ngõ. Ai đi trông vào cũng thấy sáu con mắt hau háu, sáu cái đầu gối trô trố. Nếu “nhà nó” năm ngoái mà chậm về, có lẽ bây giờ bố con đã nằm ngoài đồng cả rồi.
Lão Nhã hỏi bóng tối:
- Ngủ đấy à?
- Ừ.
- Này nghe nói trên tỉnh Sơn bây giờ có thằng lính Nhật hay mượn thợ mộc. Dưới tôi khối người không biết cầm tràng, gõ cái đục không nổi, mà cũng vênh vác phó nhì, phó nhất cho cái thằng Nhật ấy. Chú đi với anh, thế nào cũng có cơm, anh bảo thực.
Đã dịu cơn tức, lại nghe lão cứ huyên thuyên hái ra tiền thế, Lục lại tức. Cứ nói hươu với vượn, chắc đâu lão đã biết mặt mũi giống Tây, giống Nhật thế nào.
Nhưng một lát sau, Lục nói một câu đương nghĩ, không ăn nhập gì vào câu hỏi của ông lão Nhã:
- Ông ạ, anh Ngũ tôi ấy mà, anh ấy đương phải ngồi tù trên tỉnh, tôi chả mặt mũi nào lên.
- Sao bảo thằng Ngũ buôn bán phát tài cơ mà?
- Nào biết được. Cũng nghe như thế, tưởng đứa xấu mồm hay nói nhăng, đến lúc một hôm mẹ cái Đĩ nhà tôi trông thấy anh ấy mặc áo số làm cỏ vê quét đường. Ngờ ngợ, đến lúc gọi, hóa đúng ông anh chồng. Thế có chết người ta không.
- Thời bây giờ ai đội mũ lệch thì người ấy xấu, chẳng quan ngại.
Hai người lảm nhảm chuyện. Lục đã quên hẳn cái ý định đuổi lão Nhã đi. Từ lúc nói đến cảnh mình, vợ con một nơi, anh thì phải tù, bây giờ Lục thấy thương lão cũng như mình mà thôi. Càng khuya, ông lão vẫn lảu bảu, rì rầm, nói cho tai lão nghe. Một lúc sau, đã nghe lão ngáy rền từng nhịp. Lục vẫn chưa ngủ. Trong lòng nghĩ ngợi nhiều bề. Ngoài sân trăng suông.
Một hồi chó sủa, sâu thẳm, xa vời vợi.
o O o
Lục trở dậy từ lúc còn tối đất. Mắt nhắm mắt mở, Lục tất tả đi làm buổi cho nhà lý Kiền, như mọi ngày.
Lục rấp cành rong ngõ lại. Cũng không buồn ngó đến lão Nhã vẫn đương co quắp, khò khò ngáy trong đống lá chuối khô. Chuyện “mai lên tỉnh” của lão vốn dĩ vẫn là chuyện để đấy rồi.
“Mày ăn hai củ mày chết hai đứa... Mày ăn ba củ mày chết cả nhà mày... ới thằng liền ông, ới con liền bà kia...”
Tiếng con mụ chua như mẻ đương léo nhéo đầu xóm. Thôi, đích đêm qua lão Nhã móc trộm khoai của người ta rồi. Đã biết mà. Tức quá, Lục quay ngay về.
Nghĩ thế nào, Lục lại trở đi.
Trong cánh đồng sương chưa tan, chơi vơi trắng như biển mù. Những con quạ ở đâu về sớm, đã buông từng tiếng rời rạc, bảng lảng trên đầu, trước mặt. Nghe chân người lẹt xẹt qua ruộng, Lục ngẩng lên, thấy một người mặc quần áo nâu đương cung cúc bước tới. Đấy là người phu lò, hôm nào cũng vào xe gạch ra bến đò. Thấy Lục, người ấy nói choang choác:
- Tối hôm qua loạn vỡ tỉnh, có biết không?
Lục đứng sững:
- Thế nào cơ?
- Đêm qua thằng Nhật đánh tỉnh vỡ rồi.
Người ấy lại cắm cúi đi.
Lục ngẩn người, rồi Lục quay lại, đuổi theo, hỏi:
- Người ở tỉnh có ai việc gì không, a bác?
- Thế đêm qua không nghe loạn súng à?
Lục vẫn hỏi:
- Có người chết không?
- Lắm lắm...
Sao? Chết nhiều lắm? Lục nghĩ đến vợ. Sao dạo Tết về, không thấy “nó” nói gì cả, loạn lạc thế nào? Ngày trước, Lục đã nghe nói loạn Cờ Đen, loạn Tây hạ thành. Năm Lục lên mười, một lần vỡ chợ Tổng, người ta nói hôm ấy loạn tỉnh Thái Nguyên. Bây giờ lại loạn. Mấy năm nay tiếng đồn nhiều nơi có loạn, có đánh nhau. Ở Hà Nội, tàu bay Mỹ đến thả bom, đổ nhà, chết cả phố. Ở làng, dạo trước nhiều người phải vào lính sang dẹp loạn bên Tây. Người ta bảo rằng: Tây thua rồi, ta chết hết người rồi. Tây thua rồi cho nên Nhật mới tràn sang ta. Từ khi ấy, đồng tiền rẻ hơn bèo, thóc gạo biến đi đâu mất cả. Làng xóm nhếch nhác, thất thểu kéo đi, không biết đi đâu.
Bấy lâu, có người vẫn bảo: Rồi còn khổ, còn loạn to. Bởi thằng Nhật còn ở đây, còn nhiều nước sắp kéo đến đánh nhau với nó. Lục chưa được biết cái thằng Nhật mặt ngang mũi dọc thế nào, chỉ nghe nó thấp lùn, khỏe và ác trần đời. Đi chợ tổng, Lục được nghe kể chuyện: Nhật mua cỏ ngựa. Chẳng may, con ngựa ốm rồi chết. Nó gọi người bán cỏ đến. Nó mổ bụng con ngựa bắt người đàn bà bán cỏ ngựa chui vào. Nó khâu bụng ngựa lại rồi đem chôn cả ngựa lẫn người. Ác thế, ác hơn cả Tây. Mà thôi thế là Nhật hay Tây đã đánh nhau vỡ tỉnh đêm qua. Loạn đến tỉnh Sơn rồi... Ngộ cái thằng xe gạch nói tam toạng? Nhưng, nếu thằng xe gạch nói thật, nếu cái thằng xe gạch nói đúng... Thế thì mẹ con nhà nó bây giờ ra thế nào?
Sương đã tan. Con đường cái lớn lên Sơn hiện ra một vạch kẻ thẳng xuyên giữa cánh đồng. Xa trông, lốm đốm vài bóng người đi im lặng.
Không có cái gì khác. Cũng như mọi khi.
Đầu ngõ, một đám người đứng trước nhà lý Kiền. Cả lý Kiền cũng ra đấy. Mặt lý Kiền khô quắt, đen thủi, nhăn nhó, vẻ lo lắng, chốc chốc lại ngác nhìn cánh đồng. Họ xúm quanh quang gánh của hai người đàn bà đi mua tro, đương nói nói chỉ trỏ ra phía bến đò.
Những người này lên tỉnh mua khô dầu từ sáng sớm. Đến bến đò, họ gặp nhiều người chạy về, bảo rằng đêm qua Nhật Tây đánh nhau vỡ tỉnh. Họ cứ đi. Đi một lúc thì gặp hai thằng Tây, mặt tái ngoét, lêu đêu chạy. Họ hoảng quá, phải lộn trở lại.
Nghe thấy thế, Lục cũng đùng đùng bỏ chạy. Mặc kệ lý Kiền gọi réo đằng sau lưng. Lục chạy ngay về.
Nhưng xóm nhà Lục vẫn vắng lặng. Có lẽ chưa ai biết gì cả. Cái mụ mất khoai vẫn đứng giữa ruộng, hai tay chống ngoắt lên mạng sườn, lại bắt đầu: “Mày ăn hai củ, mày chết hai đứa... ới thằng liền ông, ới con liền bà kia...” Mấy đứa trẻ con cởi trần run rẩy xúm đến, hiếng mắt ngó ruộng khoai. Lão Nhã đã ra đấy từ lúc nào, đương chẹp chẹp mép:
- Khoai nhà bà lên giời rồi, chửi làm gì cho mỏi mồm.
Lão Nhã thấy Lục về, quay ra hỏi:
- Chú có thấy gì ngoài ấy không?
Lục không hiểu câu hỏi thế nào, buông một tiếng:
- Không.
Lão Nhã lại chép miệng:
- Chỉ loạn mồm!
Rồi lão Nhã về, lại rúc vào đống lá, ngủ nữa.
Tiếng ốc rúc từng hồi ánh ỏi.
Lục còn chưa ngớt phân vân. Lên điếm tuần đầu đình xem ra sao. Chẳng có ai.
Mặt trời đã đóng đầu ngọn tre. Lục đành lỡ một buổi làm. Lục đăm chiêu nhìn phía tỉnh. Cánh đồng màu óng ả xanh rờn. Bỗng trong ao có tiếng hỏi:
- Lục đấy phỏng?
Từ trong cầu ao oang oang tiếng ai nói:
- Nhà Ngũ vừa ở trên tỉnh về đấy.
Lục choáng cả người. Thế thì có nhẽ cả mẹ con nhà nó cũng về?
- Anh Ngũ béo quá, khuân về nhà là quần áo, của cải, cả hòm tiền.
Lục khấp khểnh nửa mừng nửa lo. Này bây giờ về mà gặp vợ. Này nó béo nung núc. Nó vác về một ôm sống áo mới. Mẹ con nó đem về bao nhiêu là của, là tiền.
Trong nhà đã đen nghịt như ổ kiến. Cái lều của Lục hôm nay nom vẻ lạ lùng và chật hẹp quá. Trẻ con xúm xít chen nhau, ngõ vào. Anh Ngũ đứng giữa nhà, mặc cái áo ba-đờ-xuy lính, màu cứt ngựa. Anh ấy đứng im, mặt chín lừ không cười không nói còn lão Nhã cứ cúi lom khom, hai tay vuốt tấm áo xám cứt ngựa, vuốt đến đâu lại dí mũi ngửi theo, và luôn luôn chẹp miệng: “Quý quá! Quý quá! Thành ông quan, rồi đáng trăm bạc đây, đáng nghìn bạc đây...”
Lục chạy xổ vào:
- Bác có gặp mẹ con nhà nó trên ấy không?
- Không!
- Thế thì trên ấy bây giờ ra làm sao?
- Như thường! Chẳng sợ cóc gì cả.
Cũng trong khi ấy, khắp làng nhao lên như cá úi. Người ta cứ ngốt ngát bàn tán về anh Ngũ bây giờ giàu to.
Lúc nãy Lục cũng cứ nghĩ tưởng tượng theo người ngoài ngõ đồn đại. Nhưng bây giờ thì Lục biết hơn người ngoài ngõ, anh Ngũ chỉ đem về cái áo ba-đờ-xuy, chẳng có của nả gì nữa.
Buổi tối, Ngũ mới kể.
Năm ngoái, Ngũ đi làm cho lò bánh. Vì Ngũ đánh nhau, phải vào nhà pha ngồi tù một năm rưỡi. Đêm hôm kia, nghe súng nổ ầm ầm, Nhật đánh trại lính. Cả nhà tù nhao chạy ra sân. Có người reo: “Phá được cửa nhà pha rồi”. Người ùa ra, súng bắn cũng mặc. Có người kêu: “Tây chết rồi. Tha cho anh em về nhà ăn! Không tha thì chúng ông cũng phá toang cái song sắt”. Lại có người kêu: “Nước ta sắp độc lập. Cứ về theo Việt Minh đi đánh Tây đuổi Nhật. Đâu bây giờ cũng có Việt Minh!” Người ta nháo nhào đẩy lưng nhau, chạy. Mấy trăm con người tràn ra các phố, vừa chạy vừa múa chân múa tay, xô vào cướp cả nhà quan công sứ. Ngũ quơ được cái áo ba-đờ-xuy này...
Ngũ nói:
- Ta không lấy thì Nhật nó cũng đốt ráo. Tòa sứ cháy rồi. Tây tích trữ thóc gạo lắm quá, tiếc đứt ruột ra mà đành bỏ về đây tìm Việt Minh.
Vẫn cái thói “gì cũng biết”, lão Nhã chẹp miệng:
- Việt Minh thì ở đây cũng sẵn.
- Đâu?
- Phiên chợ tổng nào chẳng có Việt Minh về nói chuyện.
Ngũ nói:
- Đấy, đấy. Ở trong tù, tôi đã nghe nói Việt Minh nhiều lắm.
Lão Nhã im lặng, không nói thêm. Từ nãy, ông luôn “úi chà”, luôn miệng chẹp đánh dấu từng câu Ngũ nói. Lão hau háu nhìn Ngũ. Tự dưng lão hỏi Ngũ:
- Mai lên tỉnh liệu có còn gì không?
- Có mà khuân mấy ngày chưa hết.
Lão Nhã lại chẹp miệng, nói lửng lơ:
- Mai mình phải lên chú Tư xem sao. Chú Lục có lên thím ấy không?
Lục không nói.
Nửa đêm ấy, lão Nhã bò dậy, lay Lục, thì thào:
- Lên tỉnh.
Hai người chạy đến gần tỉnh, mới tang tảng sáng. Tuy sắp tới nơi, nhưng họ vẫn vừa rảo cẳng, vừa thở. Lão Nhã ấn luôn cái khăn tai chó trên đầu cho quàng vắt xuống cổ.
Đằng xa, lớp mái nhà đo đỏ, rập rờn trên khoảng đồng sương. Nhưng từ hai bên bờ ruộng, trong các đầu làng, lố nhố kéo ra vô khối người. Lục quay sang nhìn lão Nhã, ý hỏi. Lão này tru tréo:
- Người ta vào tỉnh cướp của đấy, ối giời ôi! Nhanh lên.
Hai người lao đầu chạy. Chốc chốc lại gặp một đám đông cũng chạy. Lại càng hối hả nhanh hơn, hơn nữa. Trong đầu họ, cái tỉnh lỵ trước mặt đương xôn xao, ngổn ngang biết bao nhiêu của!
Đã đến Chốt Nghệ. Rồi qua mấy phố, Lục thấy có vẻ vẫn thường, như thường. Bấy giờ mới để ý những hòn đá đường lổn nhổn, chốc chốc nhói dưới chân, đau tưởng thủng thịt. Hai dãy bàng trụi lá, cành khô giơ ngược như những cái cây chết cháy. Từng dãy nhà so le, tường mốc thếch như tường đình. Hàng phố còn ngái ngủ, chưa ai mở cửa. Họa hoằn mới có một cửa hé một cánh, lọt ra một người đứng đái vào gốc cây rồi nhìn những người chạy qua. Bỗng nhiên, lão Nhã giật lưng áo Lục:
- Gì?
- Nhật.
- Nhật à?
- Đấy!
Lục trông vào một cái cổng chấn song sắt. Lục nhìn thấy một người như người ta, không giống Tây. Cái đó cũng làm Lục bớt sợ. Nhưng thanh lưỡi lê sáng trắng trên đầu súng lại khiến Lục sợ cuống. Trên đầu người ấy úp một cái mũ đen tròn tựa cái nồi đất. Mặt nó to tròn, cái cổ cũng bằng cái mặt. Tất cả, trắng phốp, thin thít như sáp nặn. Quần áo thì một màu đất thó như mũ. Hai con mắt không chớp, giương lỗ đáo, tròn xoe. Rồi tự dưng nhúc nhích, đưa nghiêng lưỡi lê ra. Lục cúi mặt, sợ quá. Lục nhón gót, chạy nhanh, vừa chạy vừa nghĩ: nó khác ta, nó có khác ta.
Đã đi qua chỗ sợ ấy. Một điều khiến ông lão Nhã và cả anh Lục cùng ngơ ngác. Họ không thấy các phố lung tung như khi nghe Ngũ kể. Không có người vừa chạy vừa múa. Chốc chốc, lại gặp mấy người ta cầm roi gân bò, quát: “Đồ nhà quê, cút đi” cánh tay người nào cũng đeo băng có chữ “An” đỏ. Ai cũng đi đôi ủng thổ công giống hệt nhau. Ông lão Nhã chẹp chẹp miệng:
- Lại giống cái độ Tây mới sang, những tay này rồi sắp lên tri phủ, tri huyện cho Nhật đây. Quái, sao không thấy bọn vác đòn càn lúc nãy.
- Vừa trông có lũ nào đi đầu ngả đằng kia. Đấy... đấy...
Không biết có phải bọn vác đòn càn lúc nãy trong làng ra không, nhưng trong các ngõ lại thấy tuôn ra nhiều người chạy đến trại Con Gái. Thường ngày, lính Tây và lính ta vẫn ra vào ở đấy. Trong ấy còn có cái gì thì người ta vào khuân nốt. Lũ lượt rộn rịch chạy phấp phới như cờ.
Họ cứ xô vào tay không rồi lại ôm vác ra đủ thứ. Cái hòm phản. Cái nồi. Một bu gà. Một con vịt. Một rổ bát. Cái bình hương. Người xô đến mỗi lúc càng lắm...
Ông lão Nhã nhảy vào. Lục cùng chạy theo, quên cả việc đương đi tìm vợ.
Lục chúi sau mấy cái lưng. Dãy nhà, bên tay phải, đương cháy đùng đùng. Một người vác bó đuốc đâm lên cái phèn nửa đầu mái nhà hét to:
- Đốt bỏ cha nó đi, anh em ơi!
Lửa lò vào lớp rui trên đầu, nóng rực xuống. Lục cuống cuồng như mất cắp cái gì. Bởi vì chưa lấy được cái gì cả. Cái gì lấy được thì người ta bê đi cả rồi. A, cái chậu thau. Nhưng vừa chạy đến thì mấy người đằng kia nhanh tay đã ùa đến nẫng mất. Chẳng nhẽ lại khiêng cái vại? - mà cũng chẳng còn chiếc nào lành. Một lũ người đương rầm rộ qua các cửa buồng vợ lính, cứ trông thấy chum vại là phang vỡ luôn.
Ánh lửa đã đỏ khé xung quanh, nóng rộp trên mặt Lục. Giữa tiếng lửa đùng đùng, tiếng người la hét dữ dội bên ngoài. Lực càng luýnh quýnh hơn. Không ra mau thì chết cháy. Lục ngó quanh xem có thấy lão Nhã. Chỉ thấy lửa và tiếng lửa reo ngùn ngụt.
Lửa đã rọi sáng hẳn gian buồng. Lục đụng vào một cái giường, bốn chân lênh khênh như cái chuồng lợn, còn trơ bộ khung. Lục cúi xuống. Cái giường to bằng cả tấm liếp. Lục chui vào thang giường, hai tay bíu chặt hai thành. Lục giáng sức đứng hẳn lên, gân lưng nồi chão. Lục nhảy ra đường cái, cổ đóng cái gông giường khủng khiếp ấy. Đụng vào ai cũng mặc, Lục phăng phăng chạy. Người ta nhìn theo Lục, nhưng Lục không nhìn ai hết.
Bên đường cái, ba thằng Nhật đội mũ nồi đất, chồm ra, hét một tiếng. Một tiếng súng nổ chói hai màng tai. Lục tối tăm mặt mũi. Lục quăng bừa cái giường xuống, rồi lao người chạy. Được một quãng, hai đầu gối Lục ríu lại, dồn xuống. Lục nằm nhoài ra, như người say thuốc.
Nơi Lục ngã xuống là một bãi cỏ, bên chân một bức tường thấp. Người ta tưởng đấy là một cái xác chết đói, mấy lâu nay thường thấy rải rác, ít ai nhìn kỹ.
Lát sau, Lục tỉnh dậy, thất thểu, đi.
Trên đường cái, lại như không có gì lạ. Lục quay vào tỉnh. Bây giờ thì Lục chỉ bồn chồn nghĩ đến vợ.
Nhưng tìm đâu cho ra mẹ con nhà nó bây giờ? Lục hỏi thăm mấy người, mấy nhà. Chẳng ai biết cái người đi ở vú ấy là ai.
Đi quẩn quanh thế nào, một chốc, lại vòng về cái phố có chỏm nhà thờ mốc đen lúc nãy.
Bỗng nhiên, Lục thấy các nhà xung quanh bảo nhau tấp nập lên cửa. Tiếng rối rít, lốp bốp vỗ cánh cửa gỗ. Nhiều người thập thò, ngấp nghé trước thềm nhà. Trong khoảnh khắc nhà phố đóng cửa hết, dưới đường cái chỉ còn mấy cái xe sắt. Người ta hỏi truyền cửa này sang cửa khác: “Cái gì thế hở ông? Hở bác?” Chẳng ai biết cái gì. Mãi sau mới có một người chạy qua, thở thở, nói:
- Nhật sắp đem bắn Tây trước cửa Tòa Sứ.
Khoảng ngã tư trước cái vườn hoa ngay cửa sắt Tòa Sứ trông ra đã đen ngòm như đỗ đen. Lục lách vào, nghe người ta lào xào nói sau gáy: “Không phải bắn Tây”. Lục nhìn ra một quãng trống trước mặt. Mỗi bên đứng một hàng lính Nhật đều đặn như những cái nấm mọc. Người ta tạt ra phía sau.
Còn đương chưa biết để mắt vào đâu, bỗng một dãy người bên cạnh cùng kêu to:
- Thôi thế là chết rồi!
Đám đông dưới chân tường xôn xao nghiêng ngả. Lục nhìn thấy bên hồ nằm một người không đầu, như cái cây chuối cụt. Máu ở lỗ cổ còn đương xối ra, chảy tưới xuống hồ. Lục lạnh tê run cầm cập hai hàm răng. Cái xác cụt đầu ấy mặc áo nâu da bò, một vòng thắt lưng thắt ngang. Lục nhớ lúc lão Nhã vào tỉnh đã cởi chiếc khăn trên đầu, rồi quấn xuống lưng cho gọn. Cái áo, cái thắt lưng ấy là ông lão Nhã. Lục lại đâm đầu chạy. Lục chạy thục mạng.
Đến giữa cánh đồng kia. Lục ngồi nghỉ bên gốc đa. Bấy giờ là đầu xuân. Ngô mùa xanh bát ngát đầy đồng. Thế là lão Nhã chết rồi. Rõ ràng cái áo nâu da bò quấn mảnh khăn cháo lòng của lão. Tại sao lão chết? Tại sao thằng Nhật lại chém đầu lão?
Những con quạ khoang xù lông đứng trên cành đa. Chúng đậu im như những bọng kiến. Lục tưởng như có hồn lão Nhã ở trong lũ quạ.
Mấy người cũng ngồi nghỉ đấy. Họ cũng đương nói chuyện với nhau về “Nhật chém người trước cửa Tòa sứ”. Một ông áo the khăn lượt, tay nải đỏ, dáng ông đồ hay thày tự, lẻ nhẻ nói:
- Tôi vừa ở Bắc Giang xuống đây. Trên ấy đương đánh nhau to. Nhật đánh Tây, ta lại đánh Tây, ta đánh cả Nhật. Không còn đường nào chạy...
Một người khác:
- Ở Hà Giang cũng đương loạn. Việt Minh nổi lên ghê lắm. Giết hết các quan châu rồi.
Một anh, tay xách cái đòn ống, băn khoăn hỏi:
- Dưới xuôi này cũng có Việt Minh, có thấy người Việt Minh đánh ai đâu.
Ngồi trong gốc đa, một ông đứng tuổi, dáng xốc vác như lái lợn, lái trâu, không biết đương nhăn nhó điều gì, buông chõ xuống một câu:
- Mỗi nơi một khác chứ.
Lục cho là cũng có nhẽ thế. Vài lần, Lục đã gặp các người Việt Minh ở chợ Tổng. Họ đeo súng lục, dao găm nhưng chỉ đứng nói chuyện.
Về nhà, Lục trông thấy anh Ngũ đang ngồi buộc nức lại một cái rọ lợn thật to. Lục hỏi buộc làm gì. Ngũ bảo: “Buộc có việc!” Rồi Ngũ hỏi lại Lục:
- Ông Nhã đâu?
- Nhật chém chết rồi.
Ngũ tặc lưỡi:
- Lão dại thì chết. Chúa ác là cái thằng Nhật. Phúc cho chú đấy.
Ngũ bảo Lục:
- Chú đi đằng này với tôi.
- Đi đâu?
- Đi bắt thằng Tây đem bán cho Nhật.
- Sao?
- Chả có hai thằng Tây chạy về núp cánh đồng làng ta. Chú không trông tôi đương đan rọ đây à!
- Nó có súng không?
- Xì, nước mẹ gì.
Ngoài ngõ ồn ào, nhiều người rậm rịch chạy qua. Trông ra thấy một lũ vác rá kéo ra. Lục hỏi:
- Người ta đi bắt Tây, hả?
Ngũ ngó ra:
- Không phải, bọn này sang bên kia sông đợi Việt Minh phá kho phát chẩn. Mẹ nó chứ, bắt xong hai thằng Tây này, tớ cũng đi theo Việt Minh phá thóc.
Một lúc đã buộc xong, Ngũ vác rọ đi.
Lục ngần ngại, định theo, rồi thôi.
Đợi Ngũ đi khuất, Lục ra ngõ, đi về phía bờ sông. Gặp lý Kiền xắn quần móng heo. Đầu hắn lù lù đội nón. Hắn tất tả ra bến đò. Lục hỏi chặn:
- Chú lý sang xin các ông Việt Minh phát chẩn, phỏng?
Lý Kiền lúng búng:
- Tôi thấy người ta nói...
- Này, Nhật chém chết lão Nhã giữa tỉnh rồi, ông biết chưa?
Xa xa, đằng đầu cánh đồng vẳng một hồi tù và. Có lẽ đằng ấy anh Ngũ đương đi bắt Tây. Hay là đương phá thóc đánh Nhật? Lục nhớ cái dáng anh Ngũ vác rọ, huỳnh huỵch chạy. Anh ấy đã đi đây đi đó nhiều, đâm ra bạo.
Lý Kiền cứ hỏi đi hỏi lại: “Có thật, có thật lão Nhã chết chém không?”
Lục gắt:
- Rõ ràng cụt cổ rồi.
Lý Kiền bỗng đứng lại, nói một câu ngang dạ:
- Bác Lục này, nghe đâu kho thóc bên sông cũng có Nhật về giữ.
Lục hầm hầm, không đáp.
Rồi Lục vụt lên trước. Lục đoán lý Kiền đội cái nón ấy để làm cái bưng gạo. Lục chửi một câu. Lục chạy lội ùa xuống mặt nước cạn. Bên kia sông, tiếng tù và vẫn tu tu kéo dài. Chắc anh Ngũ đã sang đến kho thóc. Lục càng chạy nhanh. Cũng không quay lại xem lý Kiền có đi nữa hay không.
1946
[1] Tiếng địa phương: ngày giỗ nhỏ, thường lệ.
[2] Ngày 27 tháng Chạp âm lịch.
[3] Ăn trộm.
Khách Nợ Khách Nợ - Tô Hoài Khách Nợ