Butterflies don't know the color of their wings, but human eyes know how beautiful it is. Likewise, you don't know how good you are, but others can see that you are special.

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4312 / 68
Cập nhật: 2017-06-11 10:57:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Bức Vẽ Truyền Thần
đây người ta ít cho trẻ con mang sách đến trường. Không cần mấy. Bởi vì đất này là đất công nghệ. Từ những đứa trẻ lên năm cũng đã tập tành giúp đỡ được công việc trong nhà. Làm là ra tiền, còn đi học không ra tiền, người ta để trẻ con ở nhà, cũng có cái lý cứng của người ta. Nhưng đó mới chỉ là một lý vật chất, mà người ta đã phê bình hộ cho cái làng này. Các cụ trong làng thì nghĩ khác. Có phải tại người ta hà tiện sợ tốn kém mà chẳng muốn cho con đi học đâu. Không, không. Người ta sợ là sợ cái khác kia. Sợ cái việc phong thủy. Sợ cái sự của trời đất sinh ra thế.
Bởi vì làng này không có đất làm việc, không có đất đi học. Ngoài đồng có thế đất hình cái mũ đồng cân, thì mũ vua mũ quan lại chầu quay hướng về làng Phú Gia. Thành thử, thiên hạ làng khác người ta tranh đi học, tranh biết chữ mất cả. Cái lẽ tạo hóa đã bày ra như vậy, không thể cưỡng. Người ta được dốt nát mà người ta bằng lòng.
Như nhà ông nhang Chỉnh. Nhà ông thuộc vào hạng khá trong hàng thôn. Ông có hai con trai. Chúng nó chỉ biết làm khỏe. Lệch vai đi vì làm. Ngoẹo cổ đi vì làm. Trông thấy cái bút chì thì chúng nó tấm tắc khen rằng: “Gớm nhỉ! Cái đầu mẩu nhọn kia mà viết được ra chữ thì tài thực”.
Tuy không lấy các con làm ra việc là sung sướng, nhưng ông nhang Chỉnh cũng không lấy thế làm buồn bao giờ. Chúng nó đã làm ra của cho ông. Ông mà được trở nên mát mặt như ngày nay cũng nhờ có hai thằng con hay làm ấy.
Nhà ông nhang Chỉnh bây giờ khá. Trong năm, sáu năm trời, ông trình bày với làng nước, rất khéo léo, sự của nả nhà ông như sau này.
Bắt đầu, ông xây một cái cổng gạch có hai tấm cánh cửa gỗ. Trên nóc, đắp bốn chữ số ngòng ngoèo: 1940 vờn vào nhau. Rồi một con đường gạch nhỏ một hàng con kiến lát từ cổng nối liền vào đến thềm hè. Ấy là cái năm ông dỡ tất cả bốn bức vách xung quanh để xây con kiến hai đầu hồi và lớp tường hậu. Còn thừa gạch, ông lại cho lát hai vỉa xung quanh thềm ra đến gần giữa sân. Như thế, là ông yên chí lắm. Vì, rất có thể, một vài năm nữa, có đồng ra đồng vào hơn nữa, ông dỡ cái mái lợp ngói lên, là đã ra một nếp nhà gạch tươm tất rồi. Ông chờ.
Bây giờ ông nghĩ cách bày biện ở trong nhà. Gian giữa, lù lù một cái tủ chè. Cái tủ chè bằng gỗ mộc, trắng lôm lốp. Tuy trông nó không được đẹp lắm, nhưng thiếu nó là thiếu tất cả, là cái nhà không có hồn. Trong khi lại ngóng dịp có tiền để tậu một cái tủ chè gỗ gụ, đánh bóng đen sẫm, thì ông nhang Chỉnh hãy cứ chơi tạm cái này để ước lấy chỗ kê. Hai gian bên, treo la liệt những ảnh và tranh Tàu lòe loẹt. Trên bàn thờ, cái đỉnh đồng bóng nhoáng làm át cả những chiếc mâm đồng đỏ và chiếc đèn ba dây đen xỉn. Gian bên phải, một cái phản bằng ba tấm gỗ mít. Bên trái, nơi tiếp khách, song song hai chiếc tràng kỷ. Thế là nhà ông nhang Chỉnh sang ra phết rồi. Trong làng, chẳng có mấy nhà được lịch sự như vậy.
Ông thích khoe cho bà con biết mọi vẻ sang trọng của nhà ông. Nhưng ông biết cách khoe. Ông không nói trắng rằng: Nhà tôi có cái này... nhà tôi có cái nọ... đẹp lắm... quý lắm. Không, ông không nói thế. Ông đứng chơi lơ phơ ngoài đầu ngõ. Ai quen mà đi qua, ông đon đả:
- Đi đâu thế?
- Tôi lên kia có chút việc.
- Thong thả chứ?
- Thong thả ạ.
- Mấy khi, mời ông vào tôi chơi xơi nước cái đã.
Mời người ta vào xơi nước thôi, thế là nhà mình có cái gì người ta cũng biết. Người ta đi nói lại với người khác, những cái miệng là những cái cống chảy ra chuyện. Thế là ai cũng biết nhà ông nhang Chỉnh bây giờ tươm lắm, tươm lắm.
Một hôm, bác quyền Vực được nghỉ phép, về làng. Ông nhang đương thơ thẩn quạt mát ở đầu sân, nghe tiếng giầy lệt kệt ngoài đầu ngõ, vội chạy ra.
- Kìa bác Vực!
- Bông-xua ông. Xà-và chứ?
- Hè... hè... Ăn cơm rồi. Bác về phép đấy chứ?
- Vâng.
- Mời bác vào nhà xơi nước. Mấy khi. Đường từ đây về xóm còn để đấy, hãy vào tạm làm chén nước cho vui cái đã.
- Bôồng!
Rồi bác quyền ngả cái mũ vàng, tha đôi giầy da to tổ bố vào trong sân. Lũ chó thất kinh, sủa lạc cả tiếng. Bác Vực uống luôn mấy chén nước chè mạn. Rồi bác nhìn quanh quất:
- Ái chà! Nhà ông ngang bốp phạm. Bốp thực! Không kém nhà ngoài tỉnh mấy.
- Bác cứ khen quá thế chứ?
- Thực đấy. Bôồng lắm.
- Bác bảo bôồng là thế nào?
- Bôồng tiếng Tây là đủ tất cả các nhẽ. Sang trọng, danh giá, lịch sự. Đủ hết. Tuốt mo.
- Gớm nhỉ!
- Nhưng nhà này...
- Thưa, gì ạ?
Bác Vực trỏ tay lên đầu hồi bên trái:
- Chỗ khoảng tường trắng kia mà treo một bức truyền thần thì ăn phom lắm.
- Truyền thần là thế nào?
- Là cái ảnh chụp ông ấy. Ảnh chụp rồi vẽ to bằng cái mâm xếp vuông kia kìa.
- Làng ta chưa ai có nhỉ?
- Xì, gớm. Ngoài Kẻ Chợ người ta mới biết chơi chứ. Ở đây, ai đã vạch mắt ra cho. Ông cũng nên chơi một cái truyền thần. Vài đồng bạc thôi.
- Ồ...
- Rẻ lắm.
- Để hôm nào thong thả tôi ra ngoài tỉnh nhờ bác.
- Được... Bôồng.
Từ hôm ấy, ông nhang Chỉnh cứ tơ tưởng đến cái ảnh truyền thần. Giá đem treo ở cái đầu hồi kia thì bôồng lắm, cừ lắm. Bác Vực bảo thế. Chưa ai biết chơi cái ấy. Đến chính ông cũng lờ mờ chưa thể rõ được cái truyền thần nó là cái gì. Nhưng mà kể chơi như vậy thì rẻ. Chơi một thứ cả làng chưa ai biết mà tốn chỉ có vài đồng bạc. Thế ra, ở đời, cứ tinh thạo là biết chơi sang mà chẳng mất mấy nỗi tiền.
Một hôm, ông nhang Chỉnh vận áo the, quần trắng tề chỉnh. Ông cầm ô, móc cái khăn gói điều vào cán, vác ghếch lên trên vai. Con ông hỏi:
- Bố đi đâu?
- Tao lên Kẻ Chợ.
Mươi hôm, ông nhang Chỉnh về. Vẫn như hôm đi, ông không mang gì ở ngoài tỉnh về. Cả ngày, ông kỳ cục cưa một ống vầu lớn. Cái ống vừa dài, lại vừa to. Ông cắt thủng một đầu mấu, lấy giấy bịt kín lại.
Rồi ông lễ mễ ôm cái ống vầu kỳ quái ra tỉnh. Chiều hôm đó, người ta thấy ông nhang Chỉnh đi thủng thỉnh trên đường cái Tây xuống. Mặt và tai ông đỏ gay. Ông vừa uống rượu ngoài chợ. Cái khăn lượt tụt xuống tròng lọng quanh cổ. Cả cái áo the cũng quấn vào bụng. Một vai ông vác ngược cái ống vầu. Một tay ông cắp cái gì to, như cái mâm xếp, bọc kín hai mặt những giấy nhật trình.
Ông đi khệnh khạng, với điệu vung vinh ghê. Mặt ông vểnh lên. Hai cánh ria mũi mác đen đen cũng vểnh ra. Hai cái ria, nom thú vị lạ. Nó tựa như là ai viết một chữ bát vào giữa mặt ông nhang Chỉnh. Cái chữ bát hơi mấp máy, động đậy. Ấy là lúc ông đương có vẻ hể hả lắm. Ông đương sửa soạn một nụ cười tủm.
Mà ông đương sung sức, hể hả thực. Bởi vì, về đến nhà, ông cởi các thứ kia ra, thì đó là những thứ mà bấy lâu nay ông hằng ao ước - do bác quyền Vực khơi mào cho.
Này, những tờ giấy nhật trình được bóc ra. Một cái khung gỗ, đã đánh bóng, lắp mặt kính nhấp nhánh. Màu gỗ vàng sọng, tươi như nghệ, bao quanh mặt kính sáng loáng. Soi vào thấy rõ cả mặt người.
Đến khi ông nhang Chỉnh trịnh trọng giở nút đầu cái ống vầu, tụt ra một tờ giấy trắng phốp. Ôi chao! Cái hình ông nhang Chỉnh. Đúng lắm. Đúng quá đi mất.
Ông nhang Chỉnh chít khăn đen nhánh. Cái mặt ông hệt là... cái mặt ông. Đủ hai tai, hai mắt, có lông mày cẩn thận. Trên mồm, chỉnh chện hai cái mác ria đen nhọn hoắt. Sao mà khéo thế, tài thế. Ông mặc áo gấm (ô hay, ông nhang có áo gấm bao giờ) gấm hoa tròn như cái bát cẩn thận, ông ngồi trên một bộ ghế rất sang. Cánh tay ông khuỳnh ra, tựa vào mép cái bàn, một tay ông cầm chiếc quạt. Rõ ra điệu bộ một người đúng bậc và phong lưu.
o O o
Người trong khắp xóm và khắp cả làng kéo đến xem cái ảnh truyền thần của ông nhang Chỉnh. Ai cũng khen:
- Tài thực. Giống ông nhang như đúc.
Một buổi trưa, đương nắng to, ông nhiêu Phận bên Phú Gia, đội nón sang chơi với ông nhang Chỉnh. Ông vừa lau mồ hôi, vừa hổn hển nói:
- Nghe thấy người ta đồn bên bác mới có cái hình gì tài lắm.
Ông nhang cười, trỏ lên tường:
- Đây này...
Ông nhiêu Phận nhìn đến tròn mắt lại:
- Ối giời ơi kìa, hệt quá! Chết chửa, sao mà lại giống như lột ấy. Mà gớm sao bác ăn mặc chững chạc đến như thế, bằng khăn áo quan phủ!
Ông nhang Chỉnh cắt nghĩa:
- Tôi chỉ chụp có cái ảnh con con ba hào thôi. Thế là người ta vẽ luôn ngay ra to như thế đấy. Vẽ được cả áo gấm, bác tính có láu không?
Ông nhiêu Phận tặc lưỡi:
- Chịu! Thiên hạ lắm người tài!
1942
Khách Nợ Khách Nợ - Tô Hoài Khách Nợ