If you only read the books that everyone else is reading, you can only think what everyone else is thinking.

Haruki Murakami, Norwegian Wood

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4312 / 68
Cập nhật: 2017-06-11 10:57:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Vàng Phai
ó lá lốt tình phụ xương xông,
Có chùa bên Bắc, bỏ miếu bên Đông tồi tàn.
Có bát sứ tình phụ bát sành...
(Ca dao)
Hẹn phải lòng Mây từ một ngày giữa năm ngoái.
Chàng trai ấy chẳng bạo dạn một chút nào! Đến bây giờ, Hẹn chỉ mới dám nhìn Mây mà tủm tỉm cười nụ. Mỗi khi gặp Hẹn, hai má Mây cũng bừng đỏ, và Mây đi rảo bước, nghiêng nón về một phía.
Lòng Hẹn càng thêm nao nao. Chẳng lẽ đã “thầm yêu” những bảy tám tháng ròng rồi mà lại “cứ vậy” mãi. Biết đến bao giờ Hẹn mới dám nói với Mây một lời? Không thể thế này được. Phải khác và phải hơn nữa.
Vốn Hẹn đã quen Mây. Nhưng chỉ sơ sơ thôi. Ra lối ấy, nói đến yêu mới lại là sự khó. Bởi đã quen biết nhau mà ngỏ ý tán tỉnh, người ta bằng lòng đã đành, ngộ chẳng may nếu không, cái mặt mình sẽ ra thế nào? Chao ôi, khó khăn thay là cái bước ban đầu này.
Mây ở xóm Giếng, Hẹn ở xóm Giữa. Cả đôi bên đều là người làng Nghĩa Đô. Nhà Mây làm lụa. Nhà Hẹn cũng sinh nhai nghề ấy. Mây mười tám tuổi, mà Hẹn vừa hai mươi.
Từ xóm Giếng vào xóm Giữa, phải đi một độ ngõ ngoắt và mấy đường bờ ao nhỏ mấp mô. Hẹn mà quen Mây là bởi cớ ngày trước hai đứa cùng học với nhau một trường.
Cũng như các trẻ khác ở trong làng, những năm còn nhỏ xíu, chưa đầy mười tuổi, Hẹn và Mây được thày mẹ cho đến trường làng. Học cho biết đọc, biết viết. Bởi thế, học được chừng hai ba năm, khi chúng đã kể được chuyện Hoàng Trừu, viết được tọc tạch, và làm nổi cái tính cộng, thì thày mẹ chúng nghĩ rằng: “Thế là đủ. Học ngần ấy cũng nhiều rồi. Ngày xưa, thời các cụ ta, nhà nước phải cho đánh trống gõ mõ, bắt dân gian đi học, ai đến trường lại được thưởng giấy bút mà cũng chẳng mãnh đại nào đến. Bây giờ thời buổi này, học được bấy nhiêu đã là tốt lắm”.
Họ bắt con cái ở nhà. Hẹn nối nghề tổ là tập việc dệt lụa. Còn Mây thì tập quay tơ, làm hồ và đi chợ Bưởi mua rau.
Chỉ chừng ít lâu, bao nhiêu chữ nghĩa gần trả công thày ráo! Hẹn và Mây đều chả cần. Bởi vì thế cũng còn thừa đủ chữ để đọc Kim Vân Kiều tân truyện.
Vậy sự giao tình của đôi bên khởi tự cái thủa đồng môn ấy.
Một hôm đương dệt cửi, Hẹn bỗng nhớ ra một điều:
- À phải rồi, phải rồi. Nếu cứ rình để nói được một đôi câu với Mây thì chắc hẳn lâu lắm. Mà cái tính mình lại cả thẹn, chưa chắc đã dám nói. Mình viết một bức thư, ờ tả một bức thư để đưa cho Mây. Hà! hà! Bút huê tay thảo thư đào, có thế mới ra con người lịch thiệp được!
Hẹn bèn hì hục viết thư. Chàng phải nhấm mãi đầu bút chì mới nghĩ được một câu. Viết xong, Hẹn ư ử đọc lại mỗi câu. Rồi xóa rồi viết, mất mấy đêm liền mới đoạn được cái công trình kỳ khu ấy. Này đây là những lời thư:
Thưa em Mây,
Bút huê tay thảo thư đào
Sự tình mấy chữ gửi chào tình nhân
Thấy em là gái má hồng
Hãy còn nghiêm cấm trong phòng đợi xuân
Cho nên trong dạ ước ao
Chỉ hiềm một nỗi ra vào chưa quen
Thường khi tôi vẫn gặp nàng
Cũng toan uớm hỏi, nhưng tình còn e
Ước gì như sợi chỉ xe
Muốn đi lại lắm, còn e ông bà
Tôi thấy nàng thật thà tử tế
Muốn tạc gương chỉ để soi chung
Nên ra nàng quyết cho xong
Chớ phụ lòng khách bõ công đợi chờ.
Cái tác phẩm tuyệt cú đây viết trên một tờ giấy trắng mới nguyên mua ở hàng xén và được gấp nếp làm tám, bỏ cẩn thận trong xó cùng cái dạ cá của Hẹn đeo ở trước thắt lưng.
o O o
Một ngày phiên chợ lụa, Hẹn đưa được cho cô nàng Mây cái bức thư đào đó. Hẹn run run đưa. Mây chúm chím cười, cầm lấy. Ồ, làm sao mà dễ dàng. Chàng nghĩ ngợi khó khăn những trên trời dưới đất, mà chỉ phải hành động có một cái giơ tay, đã làm được việc.
Mây bỏ thư vào túi. Và Mây nói:
- Vẽ! Lại còn phải thư với từ...
Hẹn cảm động run cả người. Chả biết chàng ấp úng nói những gì. Thế là cái sự bắt đầu khó khăn trong cuộc yêu đương qua nổi rồi.
Mấy hôm sau, Hẹn cũng được Mây giúi cho một mảnh giấy. Đó là tờ thư trả lời của Mây.
Thư rằng:
Anh Hẹn ơi!
Quế trên trăng, nhạn trên trời
Nghĩ chi cho nát dạ người như tương
Hắc huyền phó giả con hương
Làm chi mượn ấp cầu hôn bận lòng
Nhỡ nhàng nước đục chưa trong
Trăm năm để một tấm lòng từ đây
Sông dù cạn, núi dù lay
Dẫu mòn bia đá, dám sai lòng vàng
Ngồi một mình lại nghĩ một mình
Than thân chẳng dám bạc tình với ai
Ngồi cành trúc tựa cành mai
Đông đào tây liễu lấy ai bạn cùng
Bức thư hồng phong tờ giấy đỏ
Gửi lời thăm hai họ bình an.
Hẹn nhận thư.
Hẹn đọc đi đọc lại bài thơ không biết bao nhiêu lần. Anh sung sướng đến nỗi hoang mang, bối rối, như chưa bao giờ có cảm giác ấy. Anh học thuộc lòng nó như cháo.
Những đêm dệt cửi khuya, dưới ánh đèn dầu hiu hiu, anh Hẹn cao giọng hát ngâm từng câu một. Tiếng vang ngân như lẫn với tiếng con thoi chạy thậm thọt qua mặt lụa kêu lách cách.
o O o
Đã đến lúc hai người gặp nhau kín đáo ở một nơi hẹn hò. Chỗ đó là một khoảng vườn tre phía ngoài đầu xóm Giếng. Qua bờ giếng thơi, tiếp mấy khoảng ruộng trống, rồi đến vườn tre, ngoài kia lại là đồng ruộng mênh mông.
Vườn ấy người ta bỏ hoang. Bên những gốc tre sần sùi, mọc ken bề bộn những thứ cây dại, không có lối đi. Tha hồ các giống cỏ được trổ tự do, cao đến lưng ống chân. Ở bên góc vườn có một cái cổng tán, bởi lâu ngày không người mở tới, những dây bìm bìm hoa tím được bò ngủ đầy ở trên nóc làm cho cái cán tre gẫy mục, đổ quỵ cả tấm thân cổng xuống.
Một buổi trưa, Hẹn và Mây đứng với nhau ở đấy.
Anh chàng lúng túng trong cuộc hẹn lần đầu. Anh chẳng biết nói gì cả, còn Mây thì cứ cười tít đi. Mây hay cười quá. Đôi má phúng phính lúm lại và đỏ hây lên. Cặp mắt long lanh giữa đôi mi húp híp. Cái mắt mới tình tứ làm sao! Mây cười cả má, cả mắt.
- Anh Hẹn, anh làm thơ hay quá.
- Em nói khen dối.
- Không em bảo thật mà.
- Em cũng thế, em lại còn làm giỏi hơn tôi.
Những lời vụn vặt ấy trao đổi nhau. Và đôi tình nhân ấy đứng với nhau rất khờ khạo. Hẹn đứng xa Mây tới một xoạc chân dài. Có khi chính Hẹn cũng muốn mem chân lại gần xít xít một chút. Nhưng chỉ muốn thôi chứ không dám.
Rồi Hẹn cũng đâm ra bạo. Bởi vì nếu chẳng liều một tí thì biết bao giờ mới dám cầm tay người bạn tình. Hẹn bèn nói rằng:
- Cái thắt lưng lụa bạch này Mây chuội nhà hả?
Mây nói:
- Vâng, em chuội lấy. Trông được đấy chứ?
Mây nhấc mảnh thắt lưng lên. Hẹn cầm lấy ngắm và nhân tiện nắm ngay bàn tay Mây. Mây yên lặng.
- Mây ơi! Mây có yêu tôi không?
- Em chả biết.
- Ồ, tôi hỏi thật đấy.
Mây tóm lại đôi bàn tay Hẹn vào lòng bàn tay nóng hôi hổi của mình mà nói:
- Yêu lắm chứ!
Hẹn cười:
- Thế hử?
Rồi anh chàng bần thần nhìn người yêu. Tay Hẹn cứ nắn vuốt tỉ mỉ từng ngón tay của Mây. Mặt Mây đỏ hồng, đôi môi mọng như hai múi quýt ngọt. Tấm ngực hơi đầy đầy trong cái yếm trắng bong. Nhưng Hẹn chỉ ngắm các thứ ấy và thở ra đằng mũi một hơi dài.
- Mây ơi! Thế nào tôi cũng lấy Mây.
Mây núng nính người, nói ngoay ngoảy:
- Em chả lấy.
Rồi Mây giơ tay tát nhẹ vào má Hẹn một cái.
- Chừa nói nhảm nhé!
- Tôi nói nhảm đâu.
Hẹn nhìn Mây, rất đù đờ, rồi im lặng. Gió nổi dạt dào trong ngàn lá tre, nghe quen quen như một thứ tiếng lúc nào cũng có. Những mảnh nắng nhỏ in hoa trên vai áo, trên tóc hai người. Bỗng Mây nói:
- Em về anh ạ. Đứng đây lâu ai biết thì chết.
Hẹn ngẩn ngơ buông tay Mây:
- Ừ, Mây về. Bận khác nhá!
Mây về. Cái bóng người cao cao mặc áo tấc trắng nổi trên nền cỏ, và cây xanh xanh đi thoăn thoắt về ngả bờ giếng.
Hẹn đứng tần ngần. Anh chàng tưởng như nói thế hãy còn thiếu, còn muốn thêm và còn đương lúc dở dang câu chuyện nhiều lắm. Hẹn nhìn bâng quơ lên trời, mủm mỉm. Anh nghĩ: “Ối dào! Còn khối, ngày rộng tháng dài, lo gì!” và Hẹn đi về xóm Giữa, bước những bước nhẹ lâng lâng.
Bây giờ Hẹn đâm ra sính làm thơ quá. Cả ngày chỉ vừa co cổ dệt cửi, vừa đăm chiêu nghĩ thơ. Vì anh cho rằng cái môn nói chuyện hẳn mình kém. Chỉ có tả thơ thì chắc Mây phải phục và yêu mình.
Nên có đâu năm ba bữa sau, Hẹn lại gò xong một bài thơ để gửi cho Mây:
Bút huê thảo tình thư nhất bức
Tâm thư này tri thức nên chăng
Lần lần ngày gió đêm giăng
Thời anh mượn gió cát đằng đưa duyên.
o O o
Bỗng có một buổi chiều, có tiếng giầy Tây nện cồm cộp trên con đường gạch đi vào lối xóm Giếng gần làng. Cái tiếng động lạ ấy làm bao nhiêu chó và trẻ con trong xóm chạy nháo ra xem. Những người đàn bà đứng ngấp nghé sau những bờ rào râm bụt và cúc tần. Bởi vì ở trong cái xóm tĩnh mạc ấy, cả năm cũng chả một lần có cái âm thanh kỳ lạ như vậy.
Kẻ đi đôi giầy hùng dũng đó là một người lính tập. Người ta ngó bác lính rồi nói với nhau:
- Tưởng ai, bác Vực. Trông bác ta bây giờ oai phạm.
Những người đàn ông đang mải dệt cửi cũng ngừng thoi lại, ngó đầu ra ngoài nan cửa, nói lớn:
- Kìa bác quyền Vực về chơi.
Đáp lại những người hỏi thăm, bác quyền Vực ngả cái mũ vàng ra chào theo kiểu Tây.
Bác ta đi. Mỗi một tiếng giầy cộp trên nền gạch, một người tặc lưỡi: “Hừ? Cái tiếng giầy Tây có đinh mới khiếp chứ!”.
Có đầy người hàng xóm tới nhà bác Vực để hỏi thăm. Bà mẹ bác ta phải đun nước, têm trầu, tíu tít mời mọi người.
Nhà bác Vực ở gần nhà cô Mây. Cách có mấy ngõ.
Từ cái chiều mà Vực về, hôm nào bác cũng sang chơi bên nhà Mây. Sang chơi để nói chuyện Kẻ Chợ với thày mẹ Mây. Bao nhiêu là chuyện tân kỳ ở ngoài kinh thành phù hoa ấy. Gớm, sao con người mới uống nước máy chảy ngược bằng vòi có ba tháng mà đã có được cái giọng đặc phố. Những câu chuyện kể thực có duyên.
Thành ra cô Mây cũng phải chú ý và nghĩ ngợi.
Thoạt tiên, Mây thấy bác quyền cũng thường, chỉ hơi lạ một chút. Bởi mới năm ngoái, năm kia bác ở nhà, Mây chẳng để ý gì đến.
Thỉnh thoảng, bác quyền cũng nói chuyện với Mây, bác bảo:
- Chứ như cô Mây, chỉ ra Kẻ Chợ mà ăn mặc theo kiểu tân thời vào, thì đến con gái Hà Nội chính tông cũng phải thua đứt đuôi.
Mây cười:
- Bác cứ nói xấu con gái làng làm gì thế. Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chĩnh, mảnh chai ngoài đồng.
- Chẳng tin bữa nào cô cứ ra Kẻ Chợ với tôi.
Bác quyền liếc nhanh sang mắt Mây mà nói câu ấy. Mây hỏi:
- Hôm nào bác ra tỉnh?
- Tôi được nghỉ một tuần chủ nhật nữa.
Rồi có một bận, lúc chập choạng tối, bác quyền gặp Mây ở bên bờ giếng. Đường ngõ vắng lạnh. Bác liền mời Mây đứng lại nói chuyện. Mây chủng chẳng, nhưng rồi Mây cũng đứng. Ngoài đồng trời mờ mờ, trăng đầu tháng nhô lên một mảnh lưỡi liềm vàng hoe ở cuối đồng xa. Chiều hoàn toàn. Bác quyền nói nho nhỏ:
- Thưa cô, tôi yêu cô lắm.
- Em xin bác, chỗ hàng xóm ta...
- Cô để tôi nói nào... Suốt cả tỉnh Hà Nội, chả ai đẹp như cô, tôi biết. Tôi chỉ muốn yêu cô. Sự tâng bốc ấy khiến Mây đứng lặng, cúi đầu, vuốt mái tóc. Quyền Vực ta đến sát tận nơi, giơ hai tay quàng chặt vai cô ả. Mây vùng vằng. Bác Quyền thủ thỉ:
- Mình ơi! Tôi yêu mình quá. Mình đừng nguây nguẩy thế. Tôi bảo mẹ tôi cho tôi lấy mình. Chúng ta lên Hà Nội ở với nhau, sướng lắm.
Mây rừng rực cả người bởi sự đụng chạm của một thân trai lạ và bởi những câu nói êm dịu, ngọt như đường. Mọi khi Mây hay lí láo lắm, mà bây giờ chỉ nói được một câu gắt khẽ: “Buông ra nào, có người kia kìa”. Rồi im.
- Thôi vậy. Mình bằng lòng chứ? Tôi cứ phải hỏi trước thế cho cẩn thận đấy. Mình về nhé!
Quyền Vực buông Mây ra. Bác Vực cũng không quên cái lối gặp nhân tình Hà Nội là phải hôn một cái. Quyền Vực ta bèn cúi xuống hôn đánh choét một cái vào má Mây. Cái má phính nóng rừ.
Mây chạy đùng về nhà. Nằm đến quá nửa phần đêm mà Mây vẫn chưa ngủ được vì nghĩ đến cái hôn ấm áp - như hãy còn hằn lốt trên má - của bác quyền Vực giỏi trai và lịch sự “mốt” mới.
Thôi thế là cái mảnh tình của anh cu Hẹn bay lên trời rồi.
o O o
Đám cưới cô Mây lấy bác quyền Vực thực linh đình. Hỏi xong, người ta xin cưới ngay. Làng xóm kéo đến ăn cỗ rất đông đảo. Giết hai con lợn thì vừa đủ cỗ chén hai hôm. Tong ơ đi mấy chục bạc, nhưng bác quyền Vực và mẹ rất vui được cái hân hạnh tiêu tốn với làng xóm như thế.
Công việc cứ xuôi nhẹ như nước sông Lịch chảy. Đến hôm hết nghỉ phép, bác quyền Vực đã ra tỉnh, đi cả với bác gái.
Cô quyền Vực vận cái áo vải rồng mới, đeo trên vai cái tay nải to tướng, miệng nhai trầu mủm mỉm, đi ve vảy bên cạnh chồng - anh chồng bảnh bao có đôi giầy to, bước nghe cồm cộp vui tai.
o O o
Chao ôi! Ai đo được nỗi khổ lòng của anh chàng Hẹn bây giờ. Khi cái việc tầy đình kia đến tai thì anh ta choáng váng cả người. Thơ của anh làm hay đến thế mà cô ta phụ tình nhanh chóng vậy. Tình chàng coi như nặng đá đeo, mà ở người lại chỉ thoáng bằng một cơn gió may về sớm.
Nhưng nghĩ đến anh quyền Vực thì Hẹn thôi không tư lự gì nữa. Hẹn biết rồi. Bởi vì Hẹn không sộp. Khi Hẹn không sộp và mạnh bạo và mốt mới như cái người đã ra thị thành ấy, thì vài câu thơ thẩn lôi thôi, còn có nghĩa chi chi nữa!
Những lời thơ của con người ấy vẫn còn đây. Anh Hẹn vẫn gấp nếp mảnh giấy cẩn thận, nhét vào một bên cái thắt lưng da cũ. Giữ lấy chút hương thừa vậy.
Từ đó những khi châm đèn dệt cửi khuya, Hẹn thôi không hát ầm nhà lên như xưa.
Song thỉnh thoảng, buồn miệng quá, anh cũng hát. Nhưng anh bỏ cả mấy cái bài tình tứ trước đi. Anh chỉ rền rĩ có mỗi một câu rằng:
Tham vàng bỏ ngãi ai ơi!
Vàng thời ăn hết, ngãi tôi hãy còn.
Ý giả Hẹn ta hát kháy đời.
1942
Khách Nợ Khách Nợ - Tô Hoài Khách Nợ