Books serve to show a man that those original thoughts of his aren't very new after all.

Abraham Lincoln

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4312 / 68
Cập nhật: 2017-06-11 10:57:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Ông Dỗi
ữa cơm chiều vừa ăn xong. Nhưng lão Múi vẫn chưa đứng dậy. Trong khi ấy, vợ lão lục đục dọn dẹp mâm bát, bỏ vào rổ, đem ra ngoài ao để rửa. Rửa bát xong, bà lão vẫn thấy ông chồng ngồi lì ở góc phản. À, lại muốn có sự gì đây. Bà lão vừa úp bát vào chạn, vừa ngắm trộm ông lão. Lão ngồi cái điệu khác thường lắm. Hai tay chống xuống phản. Cái mặt đầy ngòm những râu ria rậm rạp thì thưỡi ra. Đuôi mắt cá ngão, giương bạnh, tròn xoe. Y như lối ngồi của một chú ễnh ương bụng ỏng và lồi mắt. Nhìn chán, xong bà lão không nói, không hỏi gì. Bà lẳng lặng đi ra ngoài đầu hè.
Bấy giờ chiếc mặt thưỡi ấy mới động đậy. Chòm râu hơi rung rung. Thực cho đến lúc cái chòm vừa râu vừa ria ghê gớm ấy chuyển động, người ta mới kịp nhớ để biết rằng trong đó, còn có cái miệng ông lão. Miệng ông lão mấp máy. Đầu tiên, nảy ra mấy tiếng tóp tép, tóp tép. Rồi ông thở khà. Và chợt cười nức lên một hồi khớ khớ quái quỷ như nứt vỡ ở trong cổ họng và đưa ra ngoài từng miếng, từng miếng.
Bà lão không lạ gì lối cười của ông lão. Lão làm như ông thái sư mõm đốm trên rạp chèo, vuốt râu mà cười khểnh. Lão Múi cười khẩy đấy. Bà lão biết. Và bà lão lấy thế làm sốt ruột. Bà cũng cười, nhưng cười nhạt:
- Mát mẻ gì thế?
- Hừm, ông lại thèm mát mẻ đứa nào à? Này ông bảo thực... Này ông bảo thực cho mà biết...
- Biết cái gì?
- Ông không phải con chó, biết chửa? Cu soong bú dù cái nhà quê nhà mày!
- À à... ông có là con chó đâu, ông chỉ được ăn hai bát cơm ngữ. Con chó thì vào nồi rồi.
Ra từ nãy, ông Múi đã tức bà lão Múi, vì bà ấy chỉ cho ông ăn có hai bát cơm. Thế thì đáng giận thực. Bụng ông to ngần này. Miệng ông to ngần này. Ông có thể ăn bốn bát đầy. Làm sao chỉ cho ông ăn có hai bát cơm? Cớ làm sao, hỡi con mẹ chột một mắt kia?
Bình tĩnh, vợ ông đáp thủng thẳng:
- Hết gạo... Còn có từng ấy gạo. Mai đong được thêm thì mới có mà ăn đủ.
Rồi bà lão ung dung xỉa răng, nhìn lên trời. Trên trời có gì mà nhìn. Có mỗi một ông sao Hôm long lanh. Nhưng, không phải bà lão chú ý nhìn ông sao Hôm. Bởi vì, có tiếng bà lẩm bẩm:
- Ngồi giữ vua bếp ở nhà, thì nốc gì lắm cho hại gạo nhà nước!
o O o
Chao ôi! Ông lão Múi đã nghe, nghe rõ tất cả cái câu xỏ xiên của vợ nói ra. Nó nói như lấy cái sào nứa dài mà chọc vào bụng ông. Nó bảo ông giữ vua bếp. Nó bảo ông ăn hại gạo nhà nước. Nó nói một câu ngu hết sức. Chính ông đã từng là thằng người nhà nước rồi đấy.
Ngày xưa, ông đi lính. Ông đi lính thổi kèn. Ông cũng được đi giầy săng đá, đeo thắt lưng da, đội mũ chào mào như những ai. Ngày ấy, mỗi tháng ông gửi từng đồng bạc, từng nắm tiền về cho vợ. Vợ ông đã tiêu hết tất cả tiền bạc của ông rồi. Cho đến khi mãn khóa trở về, hai bàn tay ông vẫn trắng bạch, không có một đồng xu nhỏ dính túi.
Bây giờ lão cũ kỹ. Lão là đồ bỏ ra ngoài đồng rồi. Vợ lão khinh lão ra mặt. Nó cậy thế rằng bây giờ nó phải làm để nuôi lão. Lão cần cóc gì. Lão có cần một tí gì đâu. Chẳng qua là nó không ra gì, nó thiếu âm đức, nên nó cụt cuối cụt ngọn, con cái không có. Lão cũng vô phúc mà lấy phải nó.
Lão Múi đã nghĩ đến chuyện lấy nhau như xưa kia người con trai mười tám. Lão nghĩ như là ở những ngày mà đôi vợ chồng còn son rỗi.
Thế là, nhất định lão không thèm ăn cơm của vợ nữa. Bắt đầu từ ngày mai trở đi, lão thèm vào!
o O o
Từ ngày hôm sau, lão Múi không ăn cơm thực.
Bà lão già thấy chồng giở chứng như vậy, cũng không nói năng gì. Bà lão không sợ, bà lão cũng không bực mình. Sự chịu đựng lâu năm đã đến với bao nhiêu nỗi quen thuộc. Vả vốn tính bà lão không thích nói, không thích nghĩ xa nghĩ gần. Bà lão chỉ nghĩ độc có mỗi một câu khôn ngoan và thiết thực: “Ông lão dỗi cơm hầy? Mặc! Không đưa cái khóa hòm gạo cho ông lão nữa”.
Cả ngày bà Múi bán hàng ngoài chợ. Hàng của bà là một cái thúng, trong đựng kim chỉ, lơ, nến và vài thứ linh tinh, lặt vặt. Vậy, cũng sống. Người ra vốn sống dễ dàng. Vào cảnh nào cũng xong. Kiếm được ít, ăn ít. Trong cuộc đời tần tảo, rất đỗi khó khăn, chẳng có gì là khó, hình như thế, bởi cứ thấy khổ mãi.
Hôm ấy, bà lão ăn quà vơ váo ngoài chợ. Bà yên chí chiều về, thế nào lão Múi cũng phải làm lành với mình. Nhưng không, chiều đến, bà lão về, vẫn thấy chồng ngồi im tây ngây trên phản. Hai mắt - và cả một lũ râu - trừng trừng nhìn bà. Nhưng không phải con mắt đói. Vẫn ung dung, bình tĩnh như thường và lại có ý thách thức nữa. Ra điệu ta no rồi đây. Ta chẳng cần phải lụy đứa nào.
Bà lão đoán:
- Chắc lão còn có một hào trong túi.
o O o
Chiều hôm sau, bà lão ở chợ về nhà. Ông lão đi đâu vắng. Lão vẫn dỗi cơm. Một lát, lão sừng sực về, một bên tay xách lủng lẳng cái vò. Chiếc khố đơn dính sát vào người, ướt sũng. Những đầu ngón chân, ngón tay nhăn lại, tím bệch. Dáng lão vừa mò mẫm dưới ao lên.
Lão đứng giữa sân. Một tay lão thò vào trong vò. Bỗng trong cái miệng vò tối om om, rộn lên những tiếng ngóe ngóe thảm thiết. Như có rắn bắt nhái. Không là rắn bắt, nhưng là một bàn tay lão Múi thò vào vò, lôi ra từng con nhái lớn chỉ xanh, quật đét từng con xuống mặt đất. Những chú nhái khốn nạn run rẩy, nhuỗi hai tay, hai chân ra, chết cứng. Cả thảy chừng mười lăm nhách. Rồi lão lăn cái vò xuống đất. Độ từng nấy con ốc nhồi đen nháy đổ ra.
Bỏ cả ốc và nhái vào rổ, lão cắp xuống cầu ao. Một lúc sau, lão đem lên một xâu nhái lột da, đã chặt đầu, chặt chân cẩn thận. Những con nhái trắng phếch, thịt gợn tia gân đỏ, tanh nhức mũi.
Ốc thì bỏ vào nồi luộc. Nhái, hơ lên ngọn lửa, nướng như nướng chả. Vụt chốc, một mùi thơm gây gây dâng lên ngạt ngào. Lão tíu tít loay hoay vừa nướng vừa đun.
Chẳng bao lâu, lão Múi đã làm xong cả các công việc. Lão khệ nệ bưng nồi ốc lên đặt ngoài đầu hè. Lão ngồi xuống, xếp bằng tròn hai gối, chĩnh chện như ngồi ăn cỗ. Có nhẽ lão cũng tưởng như lão đương ngồi ăn cỗ thực. Những con ốc nhồi cữ tháng Bảy béo lắm. Nhai sừn sựt tựa nhai thịt gà mái ghẹ. Lại chấm thêm một chút muối. Tuyệt, điểm món ấy, còn món chả nhái. Chả nhái cũng chẳng kém chả lợn. Có phần ngon hơn chả lợn. Lại thơm vô cùng. Thơm điếc cả mũi hàng xóm. Thơm điếc cả hai lỗ mũi bà lão chột mắt kia. Cho con mụ biết rằng lão đây không cần gì con mụ. Trời sinh voi thì trời sinh cỏ. Con mụ không cho lão ăn, lão cũng chẳng chết đói nào. Của trời, khối ra đấy. Ốc dưới ao. Nhái ngoài vườn. Tha hồ ăn suốt năm, cũng không thể hết được ốc, được nhái. Con mụ cậy con mụ làm ra tiền. Ngày xưa, lão cũng làm ra bao nhiêu tiền. Cái thúng kim chỉ nát của con mụ? Ra chó gì. Lão chỉ đá phốc cho một cái thì bồng cả thúng lẫn người lên nóc nhà! Nhưng ghét cái giống đàn bà bạc bẽo, lão không thèm đá. Lão chỉ khinh vào mặt. Lão nhai thực rõ to. Tóp tép... tóp tép...
Bấy giờ, trời sầm tối. Ông sao Hôm quen thuộc lại lấp lánh trên ngọn tre, đương hờ hững nhìn xuống. Ngồi xa, bà lão Múi không trông thấy chồng. Nhưng bà cũng nghe rõ ràng những tiếng rau ráu, tiếng tóp tép. Bà không có những ý nghĩ khinh người và bướng bỉnh như ông lão. Bà chỉ đoán:
- Nốc lắm ốc, lắm nhái vào! Tối hôm nay, miệng nôn trôn tháo sớm!
o O o
Quả nhiên. Suốt đêm đó, lão Múi không chợp được mắt. Những quân vô danh vô thức nổi loạn trong bụng lão, kéo binh đi rầm rầm, ục ục... Lão nằm một tí, lại chạy ra đầu nhà. Cứ thế! Cứ thế! Đến tận sáng bạch.
Sáng ngày ra, ông mặt trời ló xuống, xiên vào ngắm nghía cái mặt tái ngoét của lão già. Những chòm râu vô tri, dường như cũng phờ phạc, ngơ ngác. Lão nhọc quá, mệt quá.
Đến lúc vợ lão sắp bưng thúng hàng ra chợ, lão khẽ gọi:
- Này...
...
- Đưa cái chìa khóa hòm gạo cho tôi...
Lẳng lặng, bà lão cởi hầu bao, lấy cái chìa khóa, đặt xuống đầu phản. Bà lão định nói một câu: “Ăn thêm nhái nữa vào! Sao chẳng nhất định dỗi nữa đi?”.
Song bà lão Múi không nói ra như thế. Hình như bà ta thở dài. Từ ngày xửa ngày xưa mà đôi bên lấy nhau, đã có đến mấy mươi nghìn lần, lão Múi “nhất định” như thế rồi.
1942
Khách Nợ Khách Nợ - Tô Hoài Khách Nợ