Worrying does not empty tomorrow of its troubles. It empties today of its strength.

Corrie Ten Boom

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4312 / 68
Cập nhật: 2017-06-11 10:57:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Giữa Thành Phố
rên tầu hỏa bước xuống ga đầu cầu, Lấm đã trông thấy chú Tư nghểnh cổ trong đám người lố nhố trước mặt. Lấm vừa reo, vừa nhảy, vừa kêu lên:
- A chú Tư! Ối, ối kìa chú Tư!
Hắn xô cả mọi người, chạy lại với chú Tư. Hắn nói vội ngay một câu đầu tiên:
- Hết cái cầu sắt thì đến ngay ga, chú nhẩy? Đúng quá.
Làm như cái sự đúng ấy là một việc gì kỳ dị.
Hai chú cháu, kẻ trước người sau, vòng theo cái cầu bậc đá, đi xuống vệ đường. Vừa đi bác Tư vừa nói:
- Đem làm gì khoai với củ ra thế này. Ở nhà đã chả có.
Lấm cúi nhìn xâu khoai đeo lủng lẳng dưới cái tay nải. Lấm nhìn chú. Và Lấm ngơ ngác nhìn xung quanh. Hắn nhéch mép để hểnh hai hàm răng mái hiên màu cải mả nhờ nhờ. Không hiểu Lấm cười hay là Lấm mếu!
o O o
Hôm xưa, về quê ăn giỗ ông nội, bác Tư dặn cháu Lấm đến mười tư thì sang Hà Nội chơi. Bác đưa sẵn cả cho Lấm một suất tiền tầu và thêm mấy xu cho uống nước.
Bác hơi huếnh một tí. Bởi bác nghĩ tội nghiệp thằng cháu ngốc nghếch ngót hai mươi tuổi đầu mà chưa được trông thấy cái đèn điện sáng nó ra thế nào. Hôm về làng, ngoài mấy phong bánh khảo nhân đậu, bác Tư còn bọc được vào đáy bị mạt cưa một cân nước đá. Để làm cái quà lạ mắt. Và cả nhà đều lấy làm lạ mắt thật. Cân đá chảy ngót gần hết, nhưng cũng còn đủ để bác Tư chặt mảnh đá nhỏ, đem đặt vào lòng bàn tay Lấm. Thấy lạnh, Lấm cười khì khì. Đến lúc buốt, Lấm giãy nảy, kêu rầm lên. Lấm bảo với chú: “Cái thứ đá Tây quái nhẩy? Nó buốt tê thin thít. Ai có tội, đem bỏ vào mồm thì đến rụng ráo cả răng!”.
Sáng nay, Lấm trở dậy tự lúc gà mới gáy tam canh. Mẹ Lấm, thầy Lấm và cả cái Hoe, em gái Lấm cũng dậy sớm như thế. Cả nhà rộn rịch sửa soạn cho Lấm sang tỉnh. Thầy Lấm soi đèn vào buồng, chọn từng củ khoai nghệ mẫm, đem xâu cái lạt tre. Mẹ Lấm và cái Hoe xuống bếp thổi cơm. Cơm chín, Hoa lấy vuông khăn vải, bóp nhào nhuyễn lại thành một nắm lớn rồi bọc kẹp vào hai mảnh mo cau non để Lấm mang đi làm lương ăn đường. Mẹ Lấm cứ nhắc đi nhắc lại: “Lên tầu thì ngồi vào giữa ghế, không được trông nghênh, trông ngáo, không được thò cổ ra ngoài. Nhớ để cái tay nải kẹp vào hai đầu gối, kẻ cắp tầu hỏa là chúa ranh đấy. Mà ngồi thì phải chọn chỗ ngồi với ông già bà cả. Mỗi bận tầu đỗ phải hỏi người ta xem đã đến nơi chưa. Ga gì nào? Ga Đầu Cầu. Tầu đi hết cái cầu sắt kêu xoành xạch điếc tai một lúc là đến nơi. Nghe kỹ chứ đừng nhăn răng ra cười mà có khi trắng mắt ra đấy, nỡm ạ!”
Lấm ra vẻ ngoan ngoãn nghe. Nhưng mà ra vẻ thế thôi, chứ từ hôm chú Tư cho tiền để đi Kẻ Chợ, Lấm được nghe những câu mẹ dặn đã tới tám mươi nhăm bận rồi.
Lấm rối rít đi rửa mặt và vuốt nước lên chỏm tóc đỏ hung hung. Hàm răng vẩu như chìa dài thêm ra, Lấm mặc cái áo tấc chồi vàng chóe, còn nguyên cả đầu mấu. Cái quần vải ta của Lấm, hai ống rộng huếch, cứng cành cạnh. Lấm định mượn đôi giầy của anh Điềm để diện, nhưng thầy Lấm mắng: “Chớ có mó đuôi ngựa. Mày lại không biết tính cách thằng Điềm keo cú! Đi lên chỗ đô hội, kẻ cắp như rươi, mà mất của nó thì gọi là đền mượt. Đi chân đất thì làm sao? Càng thanh mảnh, càng mát mẻ cái chân. Tao, tao cứ đi đất hàng đời”. Cho nên, Lấm lại thôi không dám mượn. Và quả tình với sự quen xưa nay, cũng thấy đi đất là nhẹ nhàng, chả có khác gì cả.
Chỉnh tề rồi, Lấm đeo lên vai cái tay nải trong đựng nắm cơm. Xâu khoai thì buộc vào núm đầu vai.
Trời chưa tan sương. Từ làng Lấm đi ra cái ga xép gần nhất, phải qua hai cánh đồng. Mẹ và cái Hoe đi với Lấm ra tận cổng làng.
Và bây giờ Lấm đã để chân được xuống ga Đầu Cầu.
o O o
- Vào đây, cháu.
Từ lúc vào đến trong phố, đôi mắt, đôi tai, hai lỗ mũi và cả mồm dẩu của Lấm cứ trông, cứ nghe, cứ rối rít tang bồng. Người ta và các thứ xe cộ đi lại nhộn nhịp leng keng cả lên. Bao nhiêu tiếng động rầm rầm, to bằng mấy họp việc làng, như sắp vỡ chợ, như trong xóm có đám cháy. Lấm để tinh thần vào tất cả đến nỗi chú gọi mà cũng chẳng nghe thấy tiếng.
Bác Tư tóm lấy cánh tay Lấm:
- Vào đây chứ, Lấm!
Lấm hốt hoảng chìa răng ra cười:
- Hờ. Đã đến nhà rồi? Chỗ nào, chú?
Chú dẫn cháu vào một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu. Cái cửa hàng đó ở giữa một phố cụt, lúc nhúc những nhà hẹp và tối, rộng bằng bề ngang cửa như những bao diêm để cạnh nhau.
Chẳng biết đây có phải là một cái nhà không, hay là một cái đình con con. Nếu cứ trông lên nóc nhà của các phố buôn bán thì không thể nhịn cười được. Những mái hẹp, ngắn, méo, dài cổ lỗ tự đời kiếp nghiệp lai nào! Mái nhà, tường nhà chen chúc nhau, kèn cựa nhau để lấy một chỗ ló mặt. Những mái nhà trong những phố đông đúc, khổ sở, khốn nạn, bẩn mắt. Đến ngay cu Lấm, ngắm nghía mãi, mà cũng phải lấy làm không thích cái chật hẹp quá thế.
Lấm bước chân vào trong nhà, đụng phải vô khối người. Cả người cũng lủng củng, chật hẹp thế. Nào đàn bà, nào đàn ông, nào trẻ con. Nhưng dường như chẳng một ai chú ý đến chú cháu nhà Lấm. Bác Tư cũng không để Lấm đứng ở đấy. Bác đưa Lấm vào một góc nhà tối om. Mắt Lấm bỗng sầm lại. Bác bảo Lấm: “Trèo lên”. Lấm ngẩng đầu để xem là mình trèo lên cái gì.
Ồ! Lấm sẽ trèo lên một cái thang. Ở phố phường mà cũng có cái thang. Ừ, cái thang. Nhưng cớ làm sao, trông thấy cái thang để trèo lên, Lấm lại ngần ngừ và quay lại nhìn chú? Ấy bởi những cái bậc gỗ, lắp vào hai gióng gỗ và gắn dựng đứng lên cái tường xám. Nó thẳng như một thân cây cau. Nó thẳng nghiêm chỉnh, không nghiêng, không vẹo về phía nào hết. Những bậc gỗ, vì lên xuống nhiều, đã lên nước bóng nhoáng.
Thấy thằng cháu nhìn mình thì bác Tư hiểu ra cơ sự nó lạ nó sợ. Không nói, bác thực hành luôn để cho nó trông thấy. Víu cái bậc gỗ, bác cong người lại. Tay bác lên một bậc thì chân bác lên một bậc, y như thằng người leo cột mỡ. Trên đầu bác Tư hổng ra một cái lỗ vuông. Bác chui lọt vào cái lỗ rồi đưa tay xuống với lấy cái tay nải và xâu khoai. Bác ra hiệu:
- Oách... oán... oong... đơ. Trèo dễ như bỡn. Cứ như trèo cây ổi ở nhà ấy mà.
Lấm nghe lời chú, bám cái bậc gỗ, khom lưng lại mà trèo. Ở nhà, ngày nào Lấm chẳng trèo cây. Thì quả dễ y như rằng. Lên khỏi thang, Lấm luồn được người vào trong một cái bục gỗ. Cái bục này ba phía giáp với mái nhà, một phía có cửa nhìn ra đường chằng một lượt dây thép mắt cáo. Để cho ai vô ý khỏi lăn thòm xuống thềm hè dưới kia. Người ta không thể đứng được. Hay nếu có gọi được là đứng, thì chỉ khom người, khòng khòng cái lưng.
Hai người ngồi trong cái gác thì vừa vặn. Những tiếng lắc rắc chuyển động xung quanh cái mộng ván nghe đều đều vui tai nhưng sao cứ cảm như mảnh ván bập bênh có thể sập xuống như một cái cạm chuột, lúc nào không biết chừng.
o O o
Chui rúc trong cái gác đó đến sáng hôm sau thì Lấm chỉ để ý để mắt cũng thông thuộc cả nhà dưới, nhà trên, nhà ngoài - nói là hai gian nhà ngoài thì đúng hơn - nhà ngoài là một hàng bán tương cà, mắm, muối và kim chỉ của vợ chồng một “thày ký” mà chú Lấm bảo: “Ông ấy đi làm việc Tây”. Nhà ấy có một đàn bốn đứa con.
Nhà trong chỉ là một chiếc giường rộng, kê vừa khít vào cái ô buồng, lối lên thang gác nhà chú Tư. Ban ngày, giường ấy chẳng có ai. Nhưng tối đến, có năm người đàn ông nằm song song. Tính ra, kể tất cả lớn bé, tới xấp xỉ mười lăm mười sáu người nhét trong cái bao diêm nhà chồng lên nhau này. Gác của bác Tư ở lơ lửng quãng giữa. Chui vào gác tối om như thể chui vào cái vỏ chai. Chưa bao giờ Lấm nghĩ ra Kẻ Chợ lại như thế.
Nhưng thế mà Lấm cũng thấy thích đáo để. Cả ngày chú Tư đi làm. Chú Tư làm việc sở lục lộ. Chẳng hiểu chú làm việc gì. Lạ lùng, có hôm thấy chú vác về cái chổi tre cán dài như chiếc đòn gánh. Chỉ biết dẫu sao sở lục lộ cũng là nhà nước. Chú Tư mặc quần áo nâu và đeo ở bên cánh tay trái một cái biển đồng bóng nhoáng to bằng cái lá mít. Chú thổi cơm buổi sáng, ăn cơm rồi còn bao nhiêu đem nắm làm hai nắm. Một đem đi ăn trưa, một để lại cho Lấm. Như thế tiện và đỡ diệu vợi bếp nước. Bởi vì đỡ phải khó chịu về sự thổi cơm nhờ bếp lại thêm việc bưng nồi lên cái thang kỳ quái ấy còn là một điều khó nhọc hơn.
Lấm cũng ăn cơm như chú. Lấm ngồi nhòm nhõm trên gác, nhìn qua cái lưới mắt cáo, xem những người đi lại dưới đường. Cũng vui mắt. Đêm đến, không phải thắp đèn. Cái đèn điện của nhà nước ở luồng dây thép giữa đường sáng cả vào chỗ chú cháu Lấm nằm.
Lắm đêm, chợt thức giấc, thấy sáng vằng vặc, giật mình, quên không biết nằm ở đâu. Mãi mới tỉnh ra. Tẩn mẩn, Lấm nằm nhìn xem những con muỗi đất bay lăng nhăng xung quanh cái chao đèn trắng bong. Lại cũng không tưởng tượng ra được cái cảnh ngoài Kẻ Chợ như thế này.
Lấm bảo chú:
- Nghe thấy bảo ngoài Kẻ Chợ có tượng bà đầm xòe?
- Ừ, tối hôm nay tao cho mày đi xem.
Cả ngày hôm đó. Lấm ngồi ôm khối hy vọng.
1942
Khách Nợ Khách Nợ - Tô Hoài Khách Nợ