To read without reflecting is like eating without digesting.

Edmund Burke

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 607 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
uê tôi ở miền Đông, thời đó nghèo lắm, nghèo đến nỗi cái tên cũng chỉ có một chữ trơ trụi: Trầu, ấp Trầu. Không biết từ thuở nào người ta gọi quê tôi như thế, dù đi từ đầu xóm tới cuối xóm, tìm hoài, tìm mỏi con mắt cũng chẳng thấy một cọng trầu nào. Ấp Trầu gồm chừng vài chục nóc nhà tranh, hiền hoà nằm rải rác ven quốc lộ 15, trên tuyến đường Sài gòn – Vũng Tàu. Ai từng đi tắm biển Vũng Tàu hay Long Hải nhất định đã đi ngang quê tôi. Người dân quê tôi sống âm thầm, an phận, tờ mờ sáng thì đã ra đồng, ra ruộng, chiều xẩm tối mới về nhà, gia đình quay quần bên ngọn đèn dầu le lói ….ngày này tiếp ngày kia y chang nhau …Hồi đó tôi thích ngồi từ ngoài cánh đồng ngó về trong xóm, ngó những mảng khói bốc lên lơ lửng từ những mái bếp xiêu vẹo, những làn khói quyện vào nhau khắn khít trước khi tan ra. Đời người cũng chỉ có một thời thân cận như thế …và rồi bóng chiều cũng sẽ tràn về, chia cắt, loãng tan …Bây giờ ngồi đây để tiếc nhớ, để hình dung, để mường tượng bóng dáng ngày xưa, những ngày xưa thân ái …và dĩ nhiên chẳng ai có thể đi ngược lại thời gian, và …ngày xưa chỉ còn là ký ức.
Nhưng bỗng một hôm, ấp Trầu nhộn nhịp hẳn lên, mọi người như thoát ra khỏi cái bao thầm lặng nhiều năm bọc vây kín mình. Nhất là các cậu con trai choai choai trạc tuổi tôi, tự dưng có vẻ …lịch sự hơn, chững chạc hơn, người lớn hơn …và chính bản thân tôi cũng thế. Chúng tôi không còn ăn nói bộp chộp, cãi nhau, chửi thề văng tục búa xua ngoài đường ngoài xá như ngày hôm qua nữa…Các bạn có hiểu tại sao không? Chắc chả ai đoán ra được cái lý do đã làm thay đổi “bộ vó” của ấp Trầu đâu, vì cái lý do rất đơn giản và cũng thiệt lạ kỳ: Đó là vì, mấy bữa nay có một gia đình mới dọn về đây từ thành phố. Dân thành phố mà chịu về ở trong cái xóm này là một điều khá lạ đối với người dân ở đây, và nhất là gia đình này lại có hai cô con gái xinh ơi là xinh, mốt ơi là mốt, lúc nào cũng có nụ cười tươi nở trên đôi môi, dễ mến chi lạ. Các bạn chắc có người đã kêu “Trời, chỉ có vậy thôi mà …” Vâng chỉ có vậy thôi mà ấp Trầu như đã đổi mới, chỉ có vậy thôi mà ấp Trầu đã thay đổi khá nhiều …
- Chị Tám ơi, hôm nay chúa nhựt nghỉ mà chị hổng có đi chợ sao? Tiếng cô Chín gọi má tôi ngoài ngõ …
- Đâu cần đi chợ chi cho xa lắc cô, cần vài thứ, ghé quán bà Hai mua được rồi …
Bà Hai là người mới dọn tới đó. Bà đâu có biết làm ruộng chi mô nên mở ra cái quán tạp hoá nho nhỏ, gọi là nhỏ chứ bà bán đủ thứ hết á, từ cây kim, sợi chỉ, đồ ăn thức uống, gạo, cá và thứ bảy, chúa nhựt còn có cả thịt heo …Nghe đâu chừng bà còn tính mở thêm cái quán giải khát …Đúng là dân thành phố, người ta lanh lợi ghê nơi, giỏi làm ăn …coi bộ nhàn hạ mà kiếm tiền bộn. Đấy, ấp Trầu của tôi đã thay đổi nhiều quá đi chứ phải không bạn? Chỉ đơn giản như vậy. Mộng ước hầu như chẳng có gì, êm đềm như giòng sông quanh năm nước đục phù sa, bồi đắp màu mỡ cho ruộng đồng, khác hẳn với những thành phố nhộn nhịp, hào phóng của các bạn. Ngày đó được ra tỉnh ở là giấc mơ lên thiên đàng, chúng tôi thèm nhỏ rãi và chỉ biết ngồi một góc để tưởng tượng mà thôi. Cả xóm chỉ có một mình thằng Tuấn còm là được diễm phúc đó. Tuấn con nhà giàu mà, Tuấn không phải ra đồng làm việc như bọn tôi, nên hắn chả có vai u thịt bắp, vì thế chúng tôi gọi hắn là Tuấn còm dù so ra thì hắn cũng chẳng có còm là bao. Nhà hắn dư ăn dư để mà còm sao nổi. Tuấn kênh kiệu ghê lắm, Tuấn ỷ con nhà giàu nên có vẻ ta đây, nhất là từ khi hắn lên Sài Gòn trọ học. Chỉ mình hắn có chiếc Honda 67 mới cáu cạnh ông bô hắn mua cho hắn để đi về cho tiện. Hắn mới mười bảy tuổi thôi mà đả có xế nổ,lại ra tỉnh học nữa, hỏi làm sao mà hắn không dương dương tự đắc cho được chứ, nếu là mình, mình cũng ….thế mà thôi. Trong đám con trai của xóm Tuấn chỉ chơi với một mình tôi, tương đối gọi là thân, vì thiệt ra tôi cũng mặc cảm ghê lắm, mình nghèo mà. Một hôm Tuấn từ Sài gòn về chạy tới nhà tôi rủ tôi đi chơi, chiếc xế 67 của hắn bóng lưỡng, tôi xoa nhẹ trên chiếc yên xe, xít xoa
- Xe của cậu đẹp quá …
Tuấn có vẻ khoái chí:
- Đẹp gì, dân Sài gòn đi toàn xế xịn …Này cậu có muốn chạy thử không?
Tuấn chìa cái chìa khoá cho tôi. Tôi lắc đầu quầy quậy:
- Thôi mà, bộ cậu chơi tớ hay sao …Tớ đâu có biết chạy chứ, chỉ biết đạp xe đạp thôi à …
- Dễ lắm, tớ chỉ cho.
- Thôi cậu chở tớ đi …
Tôi ngồi đàng sau Tuấn, Tuấn cho xe chạy từ từ ra ngõ, hắn ngoái cổ ra sau nói nhỏ: “Tâm ơi, cậu hơi mùi rơm quá đi.”. Rồi hắn cười như nắc nẻ. Tôi không biết trả lời sao với Tuấn. Tự dưng một nỗi buồn nhè nhẹ lướt qua buổi chiều, những buổi chiều êm ả của thời niên thiếu trong tôi. Dân làm ruộng mà, chân lấm tay bùn, không hơi mùi bùn, mùi rơm thì hơi mùi gì bây giờ.
- Tuấn à, …Bộ cậu không thích mùi …rơm hay sao?
Tôi không đợi Tuấn trả lời, tôi liền triết lý vụn:” Mùi rơm là mùi quê hương mình đó Tuấn, mùi rơm là mùi thơm của sữa mẹ nuôi mình khôn lớn đó Tuấn, mùi rơm là mùi hương thơm của những giọt mồ hôi mà cha ông mình đã bao đời đổ trên ruộng đồng …và Tuấn có được ngày ra tỉnh học là nhờ mùi đó, đó Tuấn. Tuấn có biết vậy không? “ Tuấn im bặt tiếng cười, đưa tay ra sau nắm nhẹ trên cánh tay tôi. Tôi biết Tuấn đã hối hận nói ra câu nói đó, dù tôi biết bạn chỉ nói đùa, không ẩn ý. Tuấn cho xe chạy ngược về phố quận, tiếng xe nồ lẫn trong tiếng gió vi vu nghe êm tai. Buổi chiều thiệt mát, tôi đang thả giấc mơ mình về một ngày nào đó ba mẹ trúng sổ số kiến thiết, ông bả có tiền, mua cho mình chiếc xe, cũ thôi cũng được, chắc lúc đó …mình dễ bắt mắt mấy cô gái …Nghĩ tới đó tôi liền hỏi Tuấn: “Có xế nổ, tán gái dễ lắm nhỉ?’ Tuấn cười cười “ cậu nói thế thôi, không dễ đâu, không phải cô nào cũng thích xế đâu, con gái khó hiểu lắm”, Rồi Tuấn hỏi lại tôi:
- Xóm mình mới có hai nàng tiên …dễ thương lắm. Cậu có biết tên họ không?
- Tôi cười:” Ờ, dễ thương lắm, nhưng tớ cũng chưa biết các cô ấy tên gì “, “Trời sao cậu dở quá vậy?”
- “Ừ, thì tớ vẫn dở tán gái mà, tớ vẫn nhát gái như lúc cậu còn ở nhà, có đôi lần ghé quán bà Hai mua gìum mẹ nhánh hành nhưng chưa bao giờ dám hỏi đến tên cô ta, tớ còn chưa dám nhìn kỹ khuôn mặt cô ấy nữa là …” Có thằng nào bén mảng tới …” “ Có thằng Phúc mập, thằng Thọ kều…tớ thấy tụi nó ghé quán bà Hai, cười cười nói nói hoài, chắc có ý gì …”
Tuấn im lặng một lúc rồi cười cười:
- Thế còn cậu, cậu có ý định gì không?
Tôi giật mình khi nghe hắn hỏi như vậy, tôi vội vàng nói; không đâu, tớ nhà nghèo lắm lại dân nhà quê, hơi mùi …rơm làm sao dám.
Tôi đang ngồi ôn bài với ngọn đèn dầu trên bàn học thì có tiếng gõ cửa. Tôi sợ quá, bèn tắt đèn đi. Ở đây sợ lắm, nhất là về đêm, đêm về khuya mà có tiếng chó sủa rải từ cuối xóm rải đi là khỏi phải nói nhà nào nhà nấy tắt hết đèn làm như là đã đi ngủ, nhưng thật ra thì người ta chưa ngủ, mà hồi hộp, lo lắng, nghe ngóng. Tiếng gõ cửa dồn dập hơn và có tiếng gọi nhỏ:
- Ông Tám còn thức không, mở cửa đi.
Tôi nghe giọng nói quen của thằng Dân con chú Sáu, nên rón rén ra mở cửa. Cánh cửa gỗ kêu cót két, trong bóng đêm nhờ nhờ tôi trông thấy thằng Dân đi cùng với một người lạ mang khẩu súng AK báng gấp. Thằng Dân hỏi tôi: “Ba mày đâu rồi?”. “ Ba tao ngủ, bữa nay ông đi ruộng suốt ngày, mệt quá, ngủ sớm rồi, có chuyện chi không?”. Người thanh niên mang súng bây giờ mới lên tiếng.” Ủy ban giải phóng xã mời ông Tám tới nhà đồng chí Sáu họp khẩn, kêu ổng dậy tới liền nhá “. Nói xong họ thầm lặng đi qua ngõ nhà bên. Tôi rón rén lại giường ba tôi, lay nhè nhẹ ông, rồi thầm thì vào tai ổng: “ Ba ơi, ba ơi …Dậy đi ba, mấy ổng trong bưng dzìa kêu ba lại nhà chú Sáu họp kìa ba “. Ba tôi trở mình, lồm cồm ngồi dậy, xua xua đôi chân dưới đất tìm đôi dép:
- Mấy ổng …?
- Da, mấy ổng gọi chú Sáu là đồng chí đó ba …
- Ừ thì chú Sáu hồi nào tới giờ luôn nói hay nói tốt cho mấy ổng mà …
Nói xong rồi ba tôi hấp tấp ra đi. Tôi nhìn theo ái ngại. Mẹ tui cũng giật mình thức giấc, nhưng nằm yên trong mùng hỏi vọng ra giọng ngái ngủ: “ Cha con bay có chuyện gì mà xì xào hoài, chưa chịu đi ngủ vậy?”. “ Dạ hổng có chi má “. Tôi ngồi lại bên bàn học trong đêm khuya. Xóm tôi năm nay không còn yên ổn như nhiều năm trước nữa. Ban ngày thì lính trên quận về nằm gọi là giữ an ninh, ban đêm khi lính quận rút đi thì mấy ông du kích về hội họp. Tôi thơ thẩn mò về giường của mình. Tôi nằm xuống với bao điều lo nghĩ, không tài nào nhắm mắt. Tôi lại nhớ tới những thằng bạn học trên trường quận, chúng gọi tuị tôi, những đứa ở vùng xôi đậu là “mấy thằng học trò Việt cộng “. Nghe tức hùi hụi, tôi tự hỏi không biết làm sao để thoát ra khỏi cái cảnh một cổ hai tròng. Trằn trọc mãi với những trăn trở, tôi lại nghe tiếng chó sủa từ xa, rồi tiếng chó sủa gần nhà. Tôi đứng lên hé cửa nhìn ra ngoài. Tôi thấy bóng dáng xiêu vẹo của ba tôi. Tôi chạy ra ngoài đón Ba:
- Họp chi vậy ba?
- Sao chưa đi ngủ con. Ngày mai còn đi học chớ
- Ngủ được sao ba?
- Ờ …Mấy ổng họp để lập ban giải phóng thôn …Ôi chuyện người lớn, con hỏi làm chi.
Tôi cài cửa, ba tôi thở dài vén mùng chui vào giường:” Đi ngủ, mai ba còn ra ruộng,”. Ba tôi nói vậy chứ tôi biết ba tôi không thể nào ngủ đâu, ông cứ trở mình hoài. Chả mấy chốc mà gà đã gáy sáng. Má tôi uể oải thức dậy, bà bắt đầu lo cơm nước cho gia đình.Một ngày mới lại bắt đầu ở xóm Trầu.
Chiều về trên ấp Trầu.
Chiều nay cũng như mọi chiều, nắng vàng hiu hắt trên những ngọn cây, những cụm khói bay lên từ những mái bếp. Người ta đánh trâu bò về chuồng, những con bò bước đi uể oải sau một ngày làm việc cật lực, những đứa trẻ vô tư nô đùa, thả diều trên cánh đồng cỏ, những bước chân tươi vui của tuổi thơ đã vẽ lên một cảnh yên bình của miền quê, nhưng trên khuôn mặt người lớn dường như có điều gì không ổn. Ba tôi về đến nhà ông hối hả: “ Má thằng Tâm nè, lo cơm nước sớm hơn mọi bữa nha bà “, “ Chi vậy ông?“. “ Thì cứ làm như tui nói đi mà, đừng hỏi nhiều bà ơi. “. Ba tôi chưa bao giờ nói cái giọng đó với má tôi. Tôi buồn buồn nhìn ông:” Sao bữa nay ba cộc quá hà “. Ba tôi chợt như nhận ra mình thô lỗ, ông liền kéo tay má và tôi sát lại bên ông rồi nói nhỏ “Đêm nay mấy ổng bắt dân mình đi đắp mô ngoài lộ đó, tôi lo quá.”
Bóng đêm đã bao trùm xóm nhỏ. Đêm nay tôi cảm thấy như nghẹt thở, không khí căng thẳng dường như đang đè nặng trên mọi người. Tiếng chó bắt đầu sủa râm rang trong xóm. Ba tôi ngồi ủ rũ một đống trước cửa. Ông vê một điếu thuốc, ánh lửa bùng lên. Ông kéo một hơi, nhả khói:
- Cầu trời đêm nay được yên ổn. Lỡ mà trên Quận phát hiện, họ bắn đại bác xuống là chết hết.
Má tôi thở dài, lấy tay lau nước mắt. Má tôi luôn yếu lòng và hay khóc. Tôi lại ôm vai Má, xiết nhẹ, chả biết nói gì để chia xẻ nỗi buồn với Má.
- Ông Tám ơi đi thôi, người ta kéo nhau đi cả rồi kìa.
Bác hàng xóm tới rủ ba tôi. Tôi và ba đi theo tới điểm tập trung. Một đám người lố nhố giữa đêm đen kịt. Giọng nói của anh cán bộ Việt cộng rít lên nghe lạnh như lưỡi dao bén
- Bà con vận dụng dao, cưa và mọi thứ có thể, để cưa cây đặt ngang đường, gánh đất đắp lên ở giữa đường, cốt làm tắc nghẽn lưu thông, không cho địch di chuyển trên đoạn đường ngang qua thôn mình. Thể hiện tính cách mình làm chủ, dân làm chủ đất đai đường xá của thôn xóm mình. Các đồng chí võ trang khẩn trương chia ra từng toán, để bảo đảm an ninh cho đồng bào trong khi làm việc. Chúng ta bắt đầu.
Đoàn người âm thầm lặng lẽ như những bóng ma, chặt cây, đào đất, gánh gồng bất cứ thứ gì bỏ ra giữa đường. Tôi đứng sớ rớ chưa biết phải làm gì, ngó lại bên kia, một chiếc áo trắng. “ Trời ai lại bận áo trắng lúc này “. Tôi đang cố nhìn xem là ai thì một tiếng nổ “Ầm”, trời sáng rực.
- Lộ rồi bà con ơi.
Đám đông bỏ chạy tứ tung. Tôi chạy về phía bóng áo trắng mà tôi chợt nhận ra là Nga con gái bà chủ quán tạp hoá. Tôi kéo cô ta nhảy xuống hố mương bên cạnh đường
- Sao Nga lại mặc áo trắng vậy?
- Bộ không được mặc áo trắng hả? Nga đâu có biết.
- Áo trắng … nguy hiểm lắm …
Một tiếng nổ chát chúa lại vang lên, khói bay mù mịt. Trên Quận đã bắn trái sáng và đạn pháo xuống. Tôi kéo Nga bỏ đường mương chạy hối hả về hướng nhà. Một tiếng nổ nữa lại vang lên, đất văng tung toé. Tôi và Nga ngã xuống bên cạnh cây rơm nhà ai. Nga sợ quá đã ôm mặt khóc thút thít. Chúng tôi không dám chạy nữa, nằm nép vào đống rơm. Tôi nói thì thầm với Nga:” Không sao đâu, rồi sẽ yên thôi.” Mùi rơm mới phảng phất làm tôi chợt nhớ lại lời nói của Tuấn “còm” hôm nào “ Tâm ơi, cậu hơi mùi rơm quá “. Tôi liền xích ra. Nga nín khóc hỏi tôi:” Sao vậy,có chuyện gì? Mình về nhà được chưa? “ “Không sao đâu, chờ chút nữa cho êm hẳn đã..” Tôi im lặng một lúc rồi hỏi Nga:” Nga có sợ mùi rơm không hả Nga?” Nga mỉm cười:
- Mùi rơm thơm ngai ngái. Nga thích mùi rơm lắm.
- Nga xạo …
- Nga nói thiệt.
Nói xong Nga kéo một nắm rơm khô đưa lên mặt hít hà.Trong bóng tối, tôi nhìn thấy đôi mắt tròn, to của Nga. Tôi tin đôi mắt ấy đã nói lời thiệt lòng. Có cái gì dâng nghẹn trong tim làm tôi lúng túng, tôi né tránh đôi mắt ấy. Đôi mắt đã nhiều lần làm tôi bối rối. Tôi nhớ một buổi sáng nọ chúng tôi đi học. Tôi thường đi học bằng xe đạp, còn Nga thì đi xe Lam. Tôi muốn làm quen với Nga mà chả biết cách nào, nên hôm đó tôi nghĩ ra một cách, mình cũng đi xe Lam, cùng đón chuyến xe Lam buổi sáng với nàng. Tôi lò dò ra đường thì đã thấy Nga đứng đó từ lúc nào. Tôi sượng chín người như biết Nga đọc được ẩn ý của mình, nên tôi đứng xa xa. Khi chiếc xe Lam trờ tới, Nga đưa mắt nhìn tôi, mỉm cười, rồi bước lên xe. Bắt gặp đôi mắt và nụ cười ấy tôi ngượng ngập quay đi và thế là chiếc xe Lam đã vọt tới bỏ tôi đứng bơ vơ một mình bên lề đường. Cuối cùng tôi phải về nhà lấy xe đạp, đạp đi vội vã, mồ hôi, mồ kê chảy ra ướt cả áo. Hôm đó tôi đã vào lớp trễ.
Hoả châu đã tắt trên bầu trời và tiếng đạn pháo cũng đã ngưng bặt. Sự yên tĩnh đến rợn người. Mọi người chắc cũng đã ra khỏi nơi ẩn nấp để vội vã trở về nhà. Nga vỗ nhẹ trên vai tôi: “ Mình về chứ Tâm?” Tôi như chợt tỉnh cơn mê:” Ờ, ờ …Mình về thôi “. Nga vịn vai tôi đứng lên, tôi đứng lên theo. Nga đi sát vào người tôi, tôi nhích ra xa một tí, tôi rung quá, mười bẩy tuổi đầu, đây là lần đầu tiên tôi bước bên cạnh một cô gái, bước rất gần nhau giữa đêm hôm khuya khoắt, mặt tôi nóng bừng, tay tôi cứng đờ, may mà trời tối Nga không nhìn thấy cái quê một cục của tôi. Chợt Nga hỏi tôi “ Tâm có sợ không?” “Sợ gì?” “ Thì …sợ súng đạn lúc nãy đó “ “ Sợ chứ “ “ Mai Tâm đi học bằng xe đạp hay xe Lam …?”.Tôi cười chữa thẹn:” Nga phá Tâm hoài “. Tôi lảng qua chuyện khác:
- Sao Nga không về Sài gòn học như chị Ngọc?
- Nga ở lại đây để còn phụ giúp Mẹ nữa mà.
Đã tới cửa nhà Nga, Nga chúc tôi ngủ ngon. Tôi thờ thẫn quên cả chúc lại Nga. Làm sao đêm nay tôi ngủ được, Nga biết tỏng điều đó mà. Nga khép cửa lại, tôi đứng ngẩn ra một lát rồi quay bước trở về. Trên đường về tôi thấy lòng rạo rực reo vui. Tôi bước nhanh, tôi nhảy cà tưng với niềm vui trào dâng trong người.
Đêm rồi cũng qua. Sáng dậy lính trên Quận kéo xuống, bắt dân ra dọn mô mà chính mình đã đắp hồi đêm. Đêm qua may mắn mọi người bình an vô sự. Một ngày lại tiếp diễn bình thường như mọi ngày trên quê tôi. Ba má tôi đã ra ruộng. Tôi dẫn chiếc xe đạp ra khỏi nhà.Tôi đạp thật nhanh ra đường lộ, tôi mong được nhìn thấy Nga còn đứng đón xe Lam ở đó. Nga còn đứng đó, áo dài trắng xinh xinh, chiếc cặp e ấp trên ngực. Tôi trờ xe tới, lấy hết can đảm vậy mà giọng nói vẫn run run:
- Tâm… chở Nga …
- Chở nổi không đó? Nga …nặng lắm à nhen…
Vừa nói Nga vừa cười, ôi nụ cười dễ thương làm sao. Nga leo lên ngồi sau xe tôi. Tôi đạp xe đi. Quả là chiếc xe nặng hơn mọi ngày, nhưng có sao đâu, tôi đã từng chở cả tạ lúa được mà. Tôi còn mong cho quãng đường đến trường dài hơn nữa dể tôi được chở Nga lâu hơn
- Tâm có mệt không?
- Đâu có …mệt..
- Mồ hôi ra ướt áo Tâm rồi nè, còn bảo không mệt.
- Tâm đạp xe vẫn ra …mồ hôi như vậy mà …
Bọn thằng Phúc “mập” và Thọ “kều” thấy tôi chở Nga, chúng nó có vẻ tức tối. Chúng đạp xe lạng qua, lạng lại trước mặt tôi, cố tình gây khó cho tôi. Tôi thây kệ, cứ ung dung đạp, còn Nga kéo chiếc nón lá thấp xuống che mặt. Chúng lạng chán rồi cũng bỏ đi trước.
- Phúc và Thọ hay ghé quán lắm phải không Nga?
- Thỉnh thoảng thôi. Bọn họ quậy lắm …không giống Tâm.
- Ừ, Tâm …cù lần mà …
- Ơ …đâu phải …
Sao mà nhanh thế, cổng trường đã hiện ra. Nga xuống xe, vuốt lại chiếc áo. Tôi nói nhỏ vừa đủ cho Nga nghe:
- Tan trường …Tâm chờ, Tâm chở Nga về nhá.
- Thôi mà. Trưa nắng đạp mệt lắm, Nga không muốn thấy Tâm phải đổ mồ hôi. Thấy tội nghiệp.
Nói xong Nga bước nhanh vào cổng trường không thèm nghe tôi năn nỉ. Buổi học hôm đó tôi chẳng học được gì. Tôi ngồi lơ đãng ngó ra ngoài cửa lớp. Những vệt nắng lung linh chiếu qua những tàn cây, làm xôn xao mảng sân trường. Tôi nhớ Nga, nhớ đôi mắt, nhớ nụ cười. Bất chợt tôi thở dài. Cái mặc cảm nghèo, chân lấm tay bùn lại kéo về làm cản trở giấc mơ tôi. Tôi nhủ lòng:” Tâm ơi, mày đừng mơ mộng nữa, chả đi tới đâu. Hồn bướm mơ tiên thôi Tâm ạ.”.
Tuấn “còm” đang chở cô nào trên chiếx xe 67 của nó. Tôi ngạc nhiên và thắc mắc. Nó chưa bao giờ chở con gái ở vùng này. Tôi tò mò chạy ra mé đường để nhìn cho kỹ. Tuấn cho xe ghé vào quán bà Hai. Hắn ngừng xe, tắt máy và tươi cười đưa tay hất mái tóc đang che mặt. Cô gái ngồi sau bước xuống xe. Thì ra là Nga. Ủa thằng này làm quen với Nga từ hồi nào mà tui không biết kià. Hắn chưa bao giờ nói với tôi hắn đã làm quen với Nga. Thì ra tay này dấu tôi nhiều chuyện quá. Tuần này hắn về quê mà không thèm ghé rủ tôi đi chơi như những lần trước. Hắn đã có mục riêng rồi.Từ xa tôi thấy Nga và hắn vui vẻ cùng nhau bước vào nhà. Lòng tôi chợt quặn thắt. Chẳng lẽ nào họ đã có tình ý với nhau nhanh như thế. Tôi ngồi bịt xuống lề đường. Những chiếc xe đò chạy qua hắt những đám bụi trùm lên nỗi buồn của tôi. Chuyến xe Lam quen thuộc hàng ngày vừa ào qua kéo theo niềm hy vọng mong manh của tôi. Buổi sáng chủ nhật như vỡ oà trước mặt, nghẹn ngào. Tôi đứng dậy, lững thững bước về nhà, xách cái phảng ra ruộng. Mẹ tôi hỏi:” Con ra ruộng bữa nay à ". “ Dạ, nghỉ ở nhà buồn quá nên con ra ruộng …”. Mẹ tôi nhìn tôi lo lắng:” Con có sao không?”. “Đâu có gì mẹ.”. Tôi uể oải bước đi. Cánh đồng bữa nay vắng hoe, vắng như cõi hồn tôi. Chủ nhật người ta nghỉ để lo chuyện chợ búa, mua sắm thức ăn và đồ dùng cho cả tuần. Tôi quơ cây phạng trên bờ đường ruộng một cách vô thức, những nhát chém nham nhở làm cho bờ cỏ thêm lổm chổm, luộm thuộm hơn.
Tôi lang thang hết miếng ruộng này qua miếng ruộng kia. Nắng đã lên cao, nắng làm rát mặt. Tôi ghé vào cái chòi trống, nằm ngả lưng trên thảm rơm khô. Nga nói với tôi Nga thích mùi thơm ngai ngái của rơm mà. Tôi miên man nghĩ về Nga rồi thiếp vào giấc ngủ lúc nào không biết. Tôi giật mình tỉnh giấc khi ngọn gío lùa những hạt nước vào chòi làm ướt đôi chân tôi. Thì ra trời đang mưa. Trời ở đây mưa nắng bất chợt. Cơn mưa thường kéo tới rất nhanh, mưa ào ào rồi chợt tắt. Tôi co chân ngồi lên nhìn những hạt mưa rơi xuống từ mái rơm mà nghe lòng lạnh ngắt. Tôi chui ra khỏi chòi, vẫn còn ít hạt mưa nho nhỏ đủ làm ướt tóc, tôi nghe vẳng vẳng như có tiếng gọi tôi:
- Tâm ơi! Tâm ơi! …
Tôi nhìn về hướng đó. Tôi không tin vào đôi mắt của mình nên đưa tay lên xoa những giọt mưa trên mặt, rồi dụi mắt để nhìn kỹ hơn: Nga đang đưa tay vẫy tôi. Tôi nửa muốn chạy nhanh lại, nửa lại đứng như trời trồng. Và cuối cùng tôi vẫn đứng nguyên tại chỗ. Nga chạy ùa về phía tôi, bước chân cuống quit mấy lần tưởng chừng như muốn té. Nga ôm lấy tôi; ‘ Chủ nhật nghỉ sao không ở nhà mà lại ra đây dầm mưa chi vậy “. ‘ Sao Nga biết Tâm ở đây?” “ Em tới nhà tìm anh thì bác Tám nói là anh ra ruộng. Bác nói hình như anh buồn chuyện gì. Anh có chuyện gì buồn vậy Tâm? Kể cho em nghe được không? Tôi ngẩn ngơ với vòng tay và tiếng xưng hô anh, em của Nga.Tôi dìu Nga vào chòi. Tôi vuốt những hạt nước còn bám trên tóc Nga: “Tâm thấy Nga đi chơi với Tuấn lúc sớm …”.” Em nhờ Tuấn chở em ghé chợ mua ít đồ thôi mà. Bộ anh nghĩ tụi này đi chơi …rồi …buồn hả? Đâu có buồn gì đâu. Còn làm bộ dấu … Nói xong Nga kéo tôi sát lại rồi đặt môi hôn trên môi tôi. Thật là bất ngờ. Nụ hôn đầu đời vụng dại của hai đứa đã làm toàn thân tôi ngây ngất, nóng ran. Tôi chết chìm trong nỗi êm ái ngọt ngào khi Nga nói nhỏ bên tai tôi: “ Tin em chưa?”. Tôi im lặng. Tôi ôm Nga chặt hơn. Tôi ước gì được ôm Nga suốt đời tôi. Tôi ước gì ngoài kia mưa mù trời, mưa hết buổi chiều nay, mưa suốt đêm nay.
Ấp Trầu dạo này vắng tiếng chó sủa. Đêm khuya không tiếng chó sủa nhiều khi thấy cũng nhớ. Chả là vì mấy ổng ở trong bưng về muốn được kín đáo và bí mật hơn nên đã ngầm ra lệnh cho dân chúng trong ấp không được nuôi chó. Những chú chó được đám lái buôn mua gần hết. Tình hình an ninh của ấp Trầu càng ngày càng tồi tệ. Người người ngao ngán. Đêm nay mấy ông du kích lại về xục xạo từng nhà yêu cầu bà con tụ họp ở cuối ấp để dự mít tinh. Con dân trong ấp già trẻ lớn bé lại miễn cưỡng kéo nhau đi từng đám, âm thầm, chịu đựng. Lúc tôi đến nơi tập trung thì buổi mít tinh đã bắt đầu. Tôi dáo dác nhìn quanh để tìm Nga, nhưng không thấy Nga đâu. Người cán bộ giải phóng đang lớn tiếng chửi rủa Mỹ Ngụy là bè lũ bán nước, thực dân mới bóc lột tận xương tuỷ đồng bào, là con đỉa hai vòi hút máu mủ nhân dân. Xen kẽ là một chương trình văn nghệ bỏ túi do mấy cô du kích và mấy chú du kích hát chay không đờn không trống. Họ vận động các bạn thanh niên nam nữ nên xung phong vào bưng để gia nhập lực lượng vũ trang giải phóng, cầm súng đánh kẻ thù chung là Mỹ Ngụy.
Phần thứ hai của buổi mít tinh là một cảnh rung rợn, cả đời tôi còn nhớ, chân tay tôi lạnh toát, rướm mồ hôi mỗi khi nhớ lại cảnh này. Người cán bộ sắc mặt lạnh như tiền, hai hàm răng sít lại theo từng tiếng nói, căm thù bốc lửa trong ánh mắt trắng dã giữa đêm khuya:
- Phần cuối của chương tình mit tinh đêm nay là phần toàn dân ấp Trầu xử tội tên việt gian bán nước có nhiều nợ máu với nhân dân. Yêu cầu các đồng chí cho dẫn tên việt gian bảy Lúa ra pháp trường.
Nghe tới đây mọi người cùng nhốn nháo nhìn về hướng lùm cây. Hai tên du kích cầm súng lôi một ông già bị trói dặt cánh khỉ ra trước mặt mọi người. Ông bảy Lúa là ấp trưởng của ấp Trầu. Trời ơi! Sao ông lại để bị bắt như vậy? Mọi người đang ngơ ngác, lo sợ thì giọng nói đanh thép của người cán bộ lại vang lên
- Đây là tên giặc ngụy, đã bóc lột xương máu của nhân dân, làm tay sai cho đế quốc để giết hại dân lành, gây nhiều nợ máu với nhân dân. Đả đảo tên việt gian bảy Lúa.
Mọi người ngồi im lặng. Tên cán bộ lại hô vang:” Đả đảo Mỹ Ngụy. Đả đảo việt gian bảy Lúa …” Lác đác vài tiếng hô theo: Đả đảo “.
- Tôi xin tuyên đọc bản án của toà án giải phóng xã Long Phước. Tên bảy Lúa tội ác tày trời. Toà tuyên án tử hình.
Nói xong hắn lại gần ông bảy Lúa. Hắn đá ông ta qụy xuống. Nắm tóc ông ta cho cái đầu hơi cúi xuống xong hắn rút con dao dài khoảng hai gang tay đeo ở bên người quơ lên và chém xuống. Một vài tiếng kêu thất thanh. Tôi nhắm mắt, ôm mặt không dám nhìn. May mà đêm nay Nga không tới đây. Rồi mọi người xôn xao, nhốn nháo
- Yêu cầu đồng bào giữ trật tự
Lúc này tôi mới mở mắt ra. Ông bảy nằm nghiêng trên mặt đất, cái đầu chưa đứt hẳn, nằm gập trên cần cổ, máu tuôn xối xả và thân hình ông đang co giật từng hồi. Một số người chắc sợ quá bỏ chạy về, nhưng bị các tên du kích chận xua lại chỗ ngồi cũ. Xong đâu đó tên cán bộ ghim cái bản án trên người ông bảy, rồi thản nhiên phủi hai tay vào nhau.
- Thưa đồng bào. Chúng ta vừa trừ khử xong một tên việt gian. Chúng ta sẽ còn tiếp tục xử nhiều tên việt gian nữa. Xử cho đến khi không còn bóng tên Mỹ Ngụy nào trên quê hương đất nước. Có bạn thanh niên nam nữ nào xung phong đi bộ đội đêm nay không?
Đám đông giải tán. Đêm đó thằng Thọ “kều”và vài thằng nữa ở cuối thôn bỏ ấp thoát ly vào bưng. Lần đầu tiên đám bạn của tôi có đứa bỏ cuộc chơi chung. Bỏ lại sau lưng mùi rơm, mùi lúa than quen.Sau này Thọ đã chết trong trận đánh đồn nghĩa quân Long Phước. Xác của nó dính trên hàng rào kẽm gai
Quán tạp hoá của nhà Nga mỗi ngày một xập xệ. Hàng bán ra vẫn lai rai nhưng hàng nhập vào thì ít. Chuyện nhỏ nhặt ấy cũng làm tôi suy nghĩ, có lần ngồi trò chuyện với Nga, tôi tò mò đã hỏi: “ Quán của mẹ Nga …hình như mỗi ngày một ít hàng hơn …không đủ mặt hàng như mấy năm trước …” Nga thở dài nhìn trước nhìn sau rồi nói thật nhỏ như sợ có người khác nghe: “Mẹ Nga muốn …dẹp quán anh ạ “. “Tại sao?”. Nga cúi thấp đầu xuống chậm rãi nói:” Mấy ổng về bắt má đóng thuế hàng tháng Tâm ạ. Lời lãi bao nhiêu mà còn phải đóng thuế …nuôi quân gì đó …Má chịu không nổi. Má chán lắm …Má muốn dọn nhà về phố lại ….”. Nghe Nga nói, tôi buồn sũng ướt. Nếu đúng thế thì tôi và Nga sẽ xa nhau. Xa mặt cách lòng. Rồi Nga sẽ quên tôi, rồi tôi sẽ héo khô trên đồng ruộng với nỗi nhớ mênh mông. Rồi tôi sẽ …hoá đá giữa gò cỏ quạnh hiu với những kỷ niệm xôn xao. Tôi đang nghĩ lung tung thì Nga ngước mặt lên, đưa tay vén mớ tóc ra sau gáy:” Nếu em về thành phố thì Tâm có nhớ em không? Tôi mơ màng, tôi muốn ôm hôn Nga như hôm nào Nga đã hôn tôi, nhưng tôi hồi hộp quá, tôi không dám. Chân tay tôi thừa thãi, tôi lấy ngón tay vẽ nghuệch ngoạc trên mặt đất:” Nhớ. Nhớ lắm “.
Rồi chuyện đến cũng đã đến, gia đình Nga về lại thành phố. Những ngày tháng này sao lại dài đến thế. Mỗi sáng đạp xe đi học ngang qua ngôi nhà cũ của Nga tôi thẫn thờ như người mất hồn. Ngồi trong lớp mà đầu óc tôi lạc ở mãi đâu. Từng góc sân trường, hình bóng Nga như vẫn còn chập chờn đâu đó, nụ cười, ánh mắt Nga như còn rớt lại, quẩn quanh làm ray rứt nỗi buồn trong tôi. Tính ra thì cũng đã cả tháng rồi tôi với Nga xa nhau. Chủ nhật vừa qua Tuấn “còm” có về ghé thăm tôi. Nó rủ tôi đi uống cà phê. Ngồi trong một góc quán êm vắng nó kể cho tôi nghe là nó cũng thường ghé thăm Nga. Nga có hỏi thăm về tôi. Nó hỏi tôi tình cảm giữa tôi và Nga tiến triển ra sao. Tôi trả lời với nó là giữa chúng tôi không có gì ngoài tình bạn. Tôi hỏi lại Tuấn:” Hình như cậu mến Nga lắm đúng không?” Tuấn cười cười không trả lời. Nụ cười của hắn như một lời xác nhận tôi nghĩ thế. Nụ cười đó làm cho tôi bức xúc, khó chịu. Nhưng nghĩ cho công bằng thì Tuấn xứng đáng với Nga hơn tôi.
Năm học đã hết. Đợt thi Tú tài vừa qua tôi đã rớt. Tôi có học hành được gì đâu nên rớt là đương nhiên thôi. Tôi đã quyết định tình nguyện lên đường nhập ngũ dù tôi có quyền được hoãn dịch vì là con trai duy nhất trong gia đình. Ba mẹ tôi cũng không phản đối. Ổng bà nghĩ rằng ở cái ấp trái độn này, có ở lại nhà thì cũng chẳng dễ gì được yên ổn với mấy ổng ở trong bưng. Tôi gĩa từ ấp Trầu, gĩa từ tuổi thơ, giã từ những kỷ niệm của một thời mới lớn. Tôi ra đi không cho Tuấn biết và dĩ nhiên cũng chả nhắn gởi gì với Nga. Những ngày tháng quân ngũ đã làm tôi dần nguôi ngoai nỗi nhớ. Chiến trường sôi động đã làm cho tôi mệt nhoài vật lộn giữa cái sống và cái chết. Những lúc dừng quân, trong phiên gác khuya, ngồi ngắm sao đêm thỉnh thoảng tôi cũng mơ về ấp Trầu, mơ về bạn bè cũ. Tôi thật lòng mong cho Nga và Tuấn thành đôi, hạnh phúc. Tôi vẫn miệt mài với chiến trận và trong một trận đánh khốc liệt của vùng cao nguyên tôi đã bị cộng quân bắt làm tù binh. Tôi biết thế là chấm dứt đời mình. Hơn một năm làm tù binh khốn khổ, đói khát, bệnh tật không thuốc men, tôi còn sống để kể vế chuyện tình của mình thật là một phép lạ tôi không bao giờ ngờ. Năm một chín bảy ba tôi được trao trả tù binh. Tôi về phép thăm lại ấp Trầu. Tôi bàng hoàng nghe tin Tuấn cũng đã lên dường nhập ngũ và nó đã hy sinh trong mùa hè đỏ lửa. Hôm tôi về lại quê xưa cũng là ngày giỗ đầu của Tuấn. Nga cũng từ thành phố về dự đám giỗ Tuấn. Tôi gặp Nga ngỡ ngàng, tim tôi nhói đau khi Nga giới thiệu chồng Nga với tôi. Chồng Nga là một anh ba Tàu thật thà chất phác. Nga trách tôi đủ diều. Tôi nhìn thấy những gịot nước long lanh trong mắt Nga. Tôi cúi đầu chả biết nói gì. Chiều hôm đó tôi tiễn vợ chồng Nga về lại thành phố như tiễn một cuộc tình. Một cuộc tình đã vĩnh viễn rời xa;
Vợ chồng Nga lên xe rồi. Tôi đi lang thang nơi phố quận, ngang qua ngôi trường cũ tôi đứng lại nhìn mái ngói rêu phong để thấy rêu phong cũng ủ kín đời mình. Đêm hôm đó tôi không về nhà. Tôi ghé vào quán cà phê mà ngày trước tôi với Tuấn hay ngồi. Tôi nhớ Tuấn quá đỗi. Tôi ra đi để mong Tuấn hạnh phúc nào ngờ. Ly cà phê đêm đó sao đắng hơn mọi lần rất nhiều. Tôi bỏ thêm đường vào ly, khuấy đều. Tiếng hát Khánh Ly vẳng vẳng bên tai:” Khi bước chân ta về, đêm khuya nhìn đường phố. Thành phố hoang vu như đời mình như cuộc tình. Làm sao em biết đời sống buồn tênh …..” Ừ nhỉ! Làm sao Nga biết đời Tâm buồn tênh, Nga ơi. “Đôi khi trên mái tình ta nghe những giọt mưa, tình réo tình âm thầm, sầu réo sầu bên bờ vực sâu …”. Tôi liên tưởng tới những gịot mưa rớt trên mái chòi rơm năm nào.Nơi mà tôi và Nga đã hôn nhau một lần, chỉ một lần thôi. Mới vài năm trôi qua mà nghe như đã xa xôi quá. Mùi ngái của rơm cũ vẫn thoang thoảng quanh đây mà hương vị môi xưa đã phai mờ. Nước mắt tôi chợt ứa ra từ lúc nào.
Hương Rơm Hương Rơm - Sưu Tầm