You can never get a cup of tea large enough or a book long enough to suit me.

C.S. Lewis

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 560 / 0
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
iệp ngoạ bịnh đã ba năm nay. Gia đình cô không còn biết đến Tết Nguyên Đán là gì nữa. Không kể hai đứa con nhỏ, cả nhà không ai thiết ăn uống. Nuốt không vô. Tết năm 90, cánh HO ra đi lên tới con số 15. Sốt ruột, Điệp buồn bã hỏi chồng:
- Tết đã đến sau lưng. Ba nó tính sao đây?
- Tính toán gì nữa hả em? Hoàng ngao ngán đáp. Mồng một, anh với các con đi chúc tuổi ông bà nội. Rồi về nhà. Đóng cửa. Không tiếp ai cả. Dẹp cái Tết đi. Xong.
Hoàng là một thợ mây. Gia công cho nhiều tổ hợp tư nhân ở Bình Đa, Tam Hiệp. Hồi bấy giờ, sản phẩm mây được xuất khẩu sang Đông Âu. Năm 89, khối Đông Âu sụp đổ tan tành. Thợ xịn, tay nghề cao như Hoàng, anh đâu có chịu thúc thủ. Xoay ra làm hàng nội địa. Cung cấp hàng cho thầy Quý ỏ Hố Nai. Hàng đẹp và bền. Cho nên được ông thầy tu sĩ ấy biệt dụng. Khoán cho làm sa-lông mây. Kiểu Nữ Hoàng, mẫu mã thanh lịch do Hợp tác xã Thành Công đặc chế. Dạo ấy, Hoa Kỳ đã khởi sự mang sang Mỹ các sĩ quan cải tạo trên ba năm cùng với vợ con. Sau mấy năm ra sức thi công, Hoàng đã tạo được số vốn khả quan. Bốn cây vàng. Đủ để lập thủ tục xuất cảnh. Ngặt nỗi bà xã anh lại ngã bịnh. Sạn mật, thứ bịnh ác ôn, nan trị. Thế là bao nhiêu vốn liếng ký cóp đổ ra hêt để trị bịnh cho vợ. Cầy cục lắm mới đưa được Điệp vào bịnh viện Vì Dân. Nằm được đúng một tuần. Máy bắn tia laser bị hỏng. Hội Đồng Giám Định Y Khoa chào thua. Cho xuất viện. Đành điều trị theo kiểu cầm cự. Hoàng thường trấn an vợ mà bảo:
- Sớm muộn cũng rời khỏi Việt Nam thôi. Gọi rẻ cho là ba năm nữa đi. Gồng nổi qua năm 93 thì, sang bên Mỹ, sẽ trị. Nhất định khỏi bịnh. Em đừng bi quan. Đừng lo nghĩ gì hết.
Mỗi bận nghe chồng lặp lại cái điệp khúc nhàm chán ấy, Điệp không nói gì. Cô vẫn tỏ vẻ băn khoăn. Đôi khi cũng cười nhưng là cười gượng.
Trưa ngày 28 Tết. Yến, cô em họ của Hoàng, lại nhà trong lúc Điệp nằm dài trên giường bịnh. Ở cái đất Đồng Nai này, về mùa Đông, hoạ hoằn lắm trời mới se se lạnh. Tàn Đông rồi. Nhà lợp mái tôn, bắt nắng. Căn phòng chật chội, kín như bưng. Nóng ơi là nóng! Y như lò lửa cháy hừng hực. Ban đêm, ngủ trong phòng thì được. Ban ngày, muốn ngả lưng phải ra ngoài hè. Ấy vậy mà, chỉ vì bịnh, vạn bất đắc dĩ Điệp phải giam mình trong cái lò bát quái kinh niên ấy. Thường ngày, Hoàng chia thì giờ ra mà ngồi bên giường, cầm quạt phe phẩy cho vợ.
Cái Oanh, đứa con gái lớn, đứng ngoài, gọi vọng vào:
- Ba ơi, ba! Có cô Yến lại nhà nè.
- Ba đang bận. Con tiếp cô dùm ba đi.
- Ý! Không được đâu, ba. Cô mang biếu nhà ta cặp bánh chưng đấy. Bảo có chuyện cần kíp, đòi gặp ba cơ.
Hoàng phân vân. Rất ngại phải tiếp Yến. Điệp bèn nói:
- Yến đã lại nhà, mang theo quà cáp. Chẳng lẽ không tiếp. Khó coi. Anh cứ ra mà đáp lễ. Nhắm xem thế nào. Rồi em cho hay. Vả lại, nóng chảy mỡ ra. Hãy ra ngoài một chập cho mát. Tội nghiệp chồng tôi! Quạt cho vợ có mỏi tay không? Giải lao, lấy lại sức, còn uốn mây chớ, ông xã.
Hoàng ra ngoài phòng khách. Anh chưa kịp mở miệng, Yến đã đon đả lên tiếng trước:
- Anh hai, ba má sai em mang cho anh chị cặp bánh chưng đấy. Thế nào? Bịnh tình chị ra sao rồi? Cho em vào thăm chị nhá.
- Thật quý hoá quá, Yến. Nhờ em chuyển lời anh chị cảm ơn ba má nhá. Chị vẫn bịnh, có mòi nặng thêm nữa, em ơi! Chị cần tĩnh dưỡng. Em có lòng tốt nghĩ đến chị, vậy là đủ rồi. Không nên quấy rầy người bịnh. Thương chị thì để cho chị được yên. Đừng phá giấc ngủ của chị. Em cũng đừng buồn.
- Vâng, anh đã dạy vậy thì em đâu có buồn.
- Không buồn thì tươi tỉnh lên chớ. Chi mà mặt ủ, mày chau thế kia.
Nhỏn nụ cười duyên, Yến hỏi:
- Thế nào, anh Hoàng? Anh đã lập hồ sơ đăng ký xuất cảnh chưa nhỉ?
- Chưa. Cớ sao Yến cứ phải lo dùm cho anh chị như vậy?
Yến đáp rất xuông xẻ:
- Ồ! Có gì đâu mà anh không hiểu. Anh chị có sang được bên ấy thì, mai này, em mới có hy vọng được nhờ vả chớ. Cơ hội ngàn năm một thuở mà không nắm lấy, mà để mất thì uổng ghê lắm. Biết đâu đấy HO lại chẳng đình hoãn. Bãi bỏ luôn không chừng. Hết đi Mỹ.
- Không đi thì ở lại! Hoàng gằn giọng nói. Chỉ vì trị bình cho Điệp, trị bịnh cầm chừng như cô đã biết mà tôi kẹt tiền. Đâu có làm giấy tờ cấp kỳ được. Tôi phải nhận thêm hàng. Làm không ngơi tay. Đầu tắt, mặt tối. Cả một đống mây kia, tính uốn thì cô tới.
Yến nhún vai. Nàng nói lớn tiếng:
- Anh Hoàng, anh nghĩ coi. Bốn cây vàng đã tiêu tùng. Những thứ anh làm toàn là hàng nội địa, giá hạ, lời ít. Đâu phải là hàng xuất khẩu, giá cao, lời nhiều. Dẫu cho anh có làm cố xác, làm chết bỏ, cũng chẳng kiếm được bao nhiêu. Ngã bịnh một cái là oan gia to. Chị đã bịnh nặng, anh cũng bịnh nữa, loay hoay ra làm sao đây. Đừng hòng đặt chân lên nước Mỹ.
- Không thì ở lại!
Hoàng nói như thét lên. Tiếng thét cuồng nộ trong thời điểm khẩn trương. Báo động đỏ về mối nguy cơ thọ tử của vợ anh sắp ập đến bất cứ giờ nào, phút nào.
Yến hạ thấp giọng. Ôn tồn, nhỏ nhẹ. Vì điều nàng sắp ngỏ chỉ nhắm đối tượng là Hoàng, chớ không phải là Điệp:
- Cứ gạt ra như anh thì còn bàn tính làm gì cho mệt. Người ta mong mua được cái thế để mà đi. Ném ra cả chục cây vàng mà không tiếc. Anh có cái thế. Hà cớ gì không lợi dụng cái thế đó? Liệu anh có tự lực đi được không? Biết đến bao giờ mới có nổi bốn cây vàng. Chạy vạ đâu ra. Chi bằng để em giúp cho. Không phải là bốn cây vàng. Sáu cây vàng lận.
- Cô tính mua chuộc tôi đấy à?
- Anh muốn nghĩ sao thì nghĩ. Chớ em đây, em chỉ có lòng thành thôi. Tin hay không tin, quyền anh.
Dứt lời, Yến nhìn Hoàng chầm bầm. Cái nhìn thôi miên, xiêu hồn, lạc phách. Một luồng gió mạnh từ bên ngoài thổi thốc vào làm bay tung mái tóc rối bòng mộng mị của cô gái. Nàng đưa tay gạt mái tóc sang hai bên. Không cho cái rèm tóc tiên ấy nó che lấy gương nga mỹ miều của nàng. Không cho nó biến thành rào cản tia mắt nhung long lanh như chất kim khí. Cần phóng tia nhìn xuyên xoáy của đôi mắt hồ ly nó áp đảo, nó bức chế, nó kích ái, nó sai khiến thần trí đối tượng. Hoàng rùng mình. Tâm tư rối loạn, anh càng lúng túng khi Yến đứng dậy, kéo ghế sát lại gần anh. Nàng thản nhiên ngồi xuống. Điệu bộ ngả ngớn, muốn lấn tới nữa. Thật liều lĩnh. Thật táo bạo. Nhà là nhà anh. Vợ anh nằm trong phòng kế cận. Không cách nào phản ứng khác hơn, Hoàng đứng phắt lên. Toan bước vội ra ngoài hè thì có tiếng gọi giật giọng. Bèn lật đật vào với vợ.
- Em đã nghe, đã thấy hết rồi. Hãy cứ biết vậy. Tính sau. Không tiếp Yến nữa. Mặc kệ cô ả. Bẽ bàng là mặc nhiên phải tháo lui thôi. Anh yêu, em đang cần anh. Ngồi đây với em. Trông coi em. Canh giấc ngủ cho em.
Điệp nũng nịu bảo chồng. Giọng trầm ấm, dịu dàng, êm ái dễ thương. Mỗi một tiếng nói của cô là một mệnh lệnh ban ra từ trái tim. Hoàng chấp hành liền. Ngoan ngoãn như một hoàng đế được sủng ái khi nữ hoàng hạ chỉ.
Hồng Cho Cánh Bướm Hồng Cho Cánh Bướm - Sưu Tầm