Biển lặng không làm nên những thủy thủ tài giỏi.

Tục ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Tác giả: K. Dombrovsky
Thể loại: Tuổi Học Trò
Dịch giả: Minh Đăng Khánh
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 174 / 10
Cập nhật: 2019-11-19 14:36:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Trò Chơi Chưa Thể Thực Hiện Được
àm gì bây giờ? - Yashka hỏi.
- Chẳng có gì mà làm cả. - Vytka trả lời.
- Chán ơi là chán! - Seryoga nói.
- Ừ, chán thật! - Alek xác nhận và ngáp dài.
Các cậu bé ngồi trên bãi cỏ bên bờ sông, uể oải nhìn những cụm bông trắng trôi theo dòng nước. Gió cuốn những cụm to màu ấy từ các cây dương mọc ở bờ sông bên kia.
- Nghỉ hè mà chẳng có việc gì làm cả thì đúng là chán ốm. - Yashka nhận xét. - Mong sao cho chóng đến ngày đi trại hè.
- Bọn mình sắp được đi trại hè rồi. Còn một tuần nữa thôi các cậu ạ. - Seryoga nói.
Một con cá quẫy ở bên bờ, tạo thành những vòng tròn chạy lan trên mặt nước.
- Chẳng phải một tuần, mà còn những mười ngày nữa kia… - Yashka chữa lại. - Thà cứ đi câu cá mà lại hay đấy!
- Cậu nào cũng đòi đi câu, nhưng chẳng có cậu nào câu được cá cho nó ra hồn cả. - Alek phản đối.
- Ấy thế mà tớ đã từng bắt được cá đấy!
- Đằng ấy bắt được cá bao giờ nào?
- Năm ngoái.
- Ồ, từ đời tám hoánh!
Vytka nằm ngửa và nhìn lên trời.
- Một chiếc máy bay đang bay. - Cậu ta nói.
- "TU - 104". - Yashka xác nhận.
- Chiếc máy bay này sẽ hạ cánh ở Sheremetyevo[1] - Seryoga nói thêm. - Bây giờ mà được ngồi trên máy bay và bay đến một nơi xa lắc xa lơ thì tuyệt quá, các cậu nhỉ? Bay sang Cuba, sang châu Phi, hoặc bay đến đảo Rapa Nui[2]… Hay tuyệt hơn nữa, nếu bây giờ cả mấy đứa mình được ở trên một chiếc bè rẽ sóng Thái Bình Dương, đi đến vùng quần đảo San hô…
- Phải đấy! Đi bè thì không chê vào đâu được rồi. - Vytka tán thành. - nhưng phải gắn vào chiếc bè ấy một cái máy đuôi tôm nữa thì mới hay.
Mỗi cậu một phách đều tưởng tượng mình đang ở giữa đại dương mênh mông, trong chiếc máy bay xuyên qua các tầng mây, hoặc trên chiếc bè có gắn máy đuôi tôm. Sóng vỗ ầm ầm, gió rít qua các sợi dây căng trên bè, hắt vào mặt những tia nước mặn và thổi đến hương thơm lừng của các hòn đảo phương Nam… Ước mơ rất hấp dẫn, nhưng nhanh chóng tan biến, như phần lớn các ước mơ vẫn thường vậy.
- Dẫu sao thì bà tớ cũng chẳng cho tớ đi đâu. - Alek nói.
- Còn tớ thì muốn đi đâu cũng được. Dĩ nhiên là đừng có đi lâu quá… - Seryoga tiếp tục mơ mộng.
Trong tất cả các môn học ở trường, cậu ta thích môn địa lý hơn cả. Thực ra, sở dĩ cậu ta thích như vậy không hẳn là chính cái môn học ấy, mà đúng hơn là vì cậu ta mê đọc những cuốn truyện phiêu lưu mạo hiểm. "Đảo châu báu", "Đảo bí mật", "Đảo các tàu đắm", và tất tần tật các "Đảo…" khác đều là những cuốn truyện ưa thích của Seryoga. Cậu ta nói tiếp:
- Bọn mình có thể đổ bộ lên một hoang đảo. Bọn cướp biển có thể sẽ tiến công bọn mình ở đấy và bọn mình sẽ đánh nhau với chúng…
- Bây giờ chẳng còn bọn cướp biển nào nữa đâu, ông bạn ơi. - Yashka buồn bã nói.
- Ấy là tớ giả dụ thế. Đã bảo là "có thể" mà… Tất nhiên, cuộc sống bây giờ chẳng còn lý thú như xưa nữa vì tất cả đều trở nên bình thường, tất cả đều đã biết trước, hằng ngày cứ việc đi đến trường và cứ việc học. Chỉ còn mỗi cái lo là làm sao đừng có mà vớ "ngỗng"[3] thôi… Hẵng để tớ nói tiếp đã nhé! Bọn mình sẽ đánh thắng lũ cướp biển ấy và giải phóng những người bị chúng giam cầm. Ở trên đảo, bọn mình tìm được một cái kho chứa cơ man nào là vàng, hay tốt hơn, không phải vàng, mà là uraniom, hoặc một chất nguyên tử gì gì đó, rồi bọn mình trở về Moskva và được đón tiếp như những anh hùng du hành vũ trụ ấy. Mọi người phải phát ghen với bọn mình.
- Thế cậu không muốn bay lên mặt trăng à? - Alek hỏi.
Trong lớp, Alek được coi là học sinh ưu tú toàn diện. Cậu ta thích nêu ra đủ thứ câu hỏi và bao giờ cũng giơ tay phát biểu đầu tiên trong các buổi học.
- Tớ không muốn bay lên mặt trăng. Bây giờ, tất cả bọn học sinh lớp một đều mơ ước bay lên mặt trăng, chuyện đó chẳng còn gì là thú nữa.
- Thế đổ bộ lên hoang đảo thì thú ư?
- Dĩ nhiên là thú rồi! Ở đấy, có thể có đủ thứ trò mạo hiểm. Bọn mình sẽ dựng lều, sẽ đi săn… Cậu thử hình dung xem: sau đó vào giờ nghỉ giải lao, tớ và cậu hệt như Tom Sawyer và Huckleberry Finn[4], lững thững đi dọc hành lang trong trường và bọn mình sẽ nói với nhau: "Alek, cậu có nhớ lúc những con hổ xông tới bọn mình ở trên đảo hoang không?…"
- Hổ chỉ xông từng con một thôi, ông bạn ạ!
- Thì từng con một chứ sao! Có thể có hai con hổ, mỗi con xông vào một đứa…
- Thôi đi các cậu ơi, các cậu chỉ bàn rặt những chuyện chẳng đâu vào đâu cả! - Vytka nói. - Bây giờ làm gì còn đảo hoang nào nữa? Tất cả các đảo hoang đã được khám phá từ đời nảo đời nào rồi ấy và bây giờ người ta đang thử bom ở các đảo đó. Giờ đây, nếu còn có một cái gì đó chưa ai biết đến thì chỉ còn ở trong khoa học và kỹ thuật mà thôi.
- Thế mà cũng đòi nói! Trong khoa học, mọi thứ cũng đã được khám phá từ đời tám hoánh!
- Đâu mà bảo là mọi thứ?
- Mọi thứ quá đi chứ! Máy bay đã sáng chế được rồi nhé! Rađiô đã sáng chế được rồi nhé! Năng lượng nguyên tử đã chinh phục được rồi nhé! Các con tàu vũ trụ đã bắt đầu bay rồi nhé! Còn lại những gì cho chúng ta khám phá nữa nào?
- Vẫn còn ối thứ mà chưa ai biết. - Vytka uể oải nhận xét, mắt nheo lại vì ánh nắng gắt.
Nằm ngửa mãi cũng bất tiện, Vytka quay sang nằm sấp và cậu ta bắt đầu trông ra đường cái thỉnh thoảng lại có một chiếc xe hơi chạy qua.
- Nhìn những chiếc xe hơi kia, tớ nghĩ bụng, người ta chế tạo xe hơi mới vô lý làm sao.
- Sao lại vô lý?
- Vô lý là ở chỗ phải chế tạo ra những chiếc xe phức tạp, bao gồm có đến hàng nghìn chi tiết, vậy mà tất cả chỉ để chở có mấy người hoặc một tấn gạch.
- Làm sao có thể khác được?
- Tớ không biết làm thế nào cả, nhưng vẫn có thể làm khác chứ?
- Ví dụ?
- Chẳng hạn, nếu như không còn trọng lượng nữa. Nếu như tất cả đều không có một chút trọng lượng nào. Nếu như có được cái trạng thái hoàn toàn không có trọng lượng như ở trong tàu vũ trụ ấy. Có thể có được như vậy không? Cho dù không phải ở trên trái đất, mà ở trên một hành tinh nào khác đó giống như trái đất? Bấy giờ, tấn gạch kia tớ có thể chỉ cần cầm một tay như cầm quả bong bóng ấy, và mang nó đến đâu cũng được, chẳng cần phải xe cộ gì cả. Hoặc nếu không có sức cản của không khí thì xe hơi và máy bay có thể có hình dạng tùy thích, chẳng ai còn phải quan tâm đến cái dạng thuôn của chúng nữa… Tớ tin chắc rằng đến một lúc nào đấy, con người sẽ đạt tới tất cả những cái đó.
- Có thể sẽ đạt tới, nhưng vẫn còn là lâu. - Yashka nhận xét.
- Không, chóng thôi! Khoa học có thể đạt được tất cả những gì mà cậu muốn.
- Ấy thế mà tớ chẳng muốn gì cả.
- Chẳng lẽ cậu lại không muốn một cái gì cả ư, Yashka?
- Tớ cũng có muốn đấy, nhưng cái mà tớ muốn thì không thể đạt được. Ở đây, khoa học chẳng giúp được gì.
- Thế cậu muốn gì?
- Ồ, tớ muốn đủ thứ.
- Thì hẵng cứ nói thử xem nào!
- Tớ cần phải đổi một con tem, đó là cái muốn thứ nhất. Một cậu có con tem Na Uy in hình chiếc bè "Kon Tiki[5]". Tớ gạ đổi cái gì, cậu ta vẫn cứ lắc.
- Cậu còn muốn gì nữa?
- Gì nữa à? Thầy giáo vật lý vừa cho tớ chén một chú "ngỗng" về định luật Archimède. Phải hủy bỏ định luật ấy đi, đó là cái muốn thứ hai. Nếu không, tớ sẽ phải ngồi học vật lý suốt cả mùa hè. Cậu tưởng thế thì khoái lắm đấy phỏng?
- Sao, vì cái chuyện chén "ngỗng" ấy mà cậu muốn hủy bỏ cả định luật Archimède ư? - Alek hóm hỉnh hỏi.
- Tớ thì thế nào cũng được thôi, miễn là không phải thi lại.
Các cậu bạn phá lên cười.
- Nếu vì chú "ngỗng" mà phải hủy bỏ các định luật thì còn gì là môn vật lý nữa! - Vytka nhận xét với giọng quyết đoán. - Kể ra mà được thấy những gì sẽ xảy đến khi hủy bỏ một định luật nào đó, hoặc phát minh ra một định luật mới thì cũng lý thú đấy.
Ở trường, Vytka được thừa nhận là "nhân vật có uy tín" về mọi vấn đề vật lý, đặc biệt là sau khi cậu ta tự làm được một chiếc máy thu thanh bán dẫn bỏ túi, chỉ nhỉnh hơn bao diêm một chút. Việc đó thậm chí đã dẫn đến một cuộc thảo luận nghiêm chỉnh về bản đồ án thiết kế một chiếc máy nhắc bài vô tuyến điện tử để dùng trong các kỳ thi. Bản đồ án bị lờ đi chỉ vì ngoài Vytka ra, không một cậu nào thuộc nổi bản ký hiệu moócxơ.
- Tất cả các định luật vật lý đều được khám phá từ lâu rồi, cũng như các đảo hoang của Seryoga ấy. - Alek nhận xét.
- Chớ có nói thế, Alek! - Vytka phản đối. - Trong vật lý, người ta luôn luôn khám phá ra một cái mới gì đó. Và nếu người ta tìm được cách thay đổi một số định luật thì điều đó sẽ có một ý nghĩa to lớn. Hẵng cứ lấy thử lực ma sát. Nếu như có thể thủ tiêu được lực ma sát chẳng hạn thì cậu không thể tưởng tượng nổi việc đó sẽ mang lại cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân một lợi ích lớn lao như thế nào đâu. Chiếc xe hơi đang chạy trên đường kia, các cậu có biết nó phải xài hết tất cả năng lượng chỉ để thắng độc "cái anh" ma sát không?
- Tất cả kia à?
- Đúng thế! Chính tớ đã đọc trong quyển "Vật lý học vui": nếu một chiếc xe hơi chạy trên đường bằng phẳng, không có dốc, thì tất cả năng lượng xăng hoàn toàn chỉ tiêu thụ vào mỗi việc là thắng ma sát. Ma sát bên trong động cơ, ma sát giữa các bánh xe và mặt đường, ma sát với không khí, vân… vân… Nếu như lực ma sát biến mất thì bấy giờ có thể chế tạo được động cơ vĩnh cửu. Tất cả các máy móc đều quay tự động hết.
- Không thể có chuyện ấy được. - Alek không đồng ý.
- Sao lại không?
- Lúc bấy giờ, định luật bảo toàn năng lượng sẽ bị vi phạm. Thậm chí các máy móc đều quay tự động được thì chúng không thể sản ra một công có ích. Chúng chỉ quay một cách vô tích sự mà thôi.
- "Nếu như" với chả "nếu như"! - Yashka ngắt lời Vytka. - Làm sao mà lực ma sát có thể bỗng dưng biến mất được? Rặt những chuyện vớ vẩn!
Yashka vốn là một người theo "chủ nghĩa hiện thực" và cậu ta thường tỏ thái độ rất hoài nghi đối với mọi chuyện tưởng tượng.
- Chẳng có gì là vớ vẩn cả! - Vytka vẫn không chịu. - Bây giờ ai cũng biết: trong khoa học hiện đại, cần phải suy nghĩ một cách độc đáo, đồng thời phải suy nghĩ với một đầu óc có phê phán.
- Ấy, chính tớ cũng đang suy nghĩ với một đầu óc có phê-ê pha-án đấy!
- Không phải đâu. Đó chẳng qua chỉ là vì chúng ta đã quen nghĩ rằng mọi thứ trên trái đất này đã sắp xếp thế nào thì cứ theo như thế, và chúng ta thường không thể nào làm khác được. Cho đến lúc con người đã bay vào vũ trụ và trong thực tế đã cảm nhận ra thế nào là trạng thái không trọng lượng, thì lúc ấy người ta mới nhận ra rằng: khi mọi thứ đều không có một chút trọng lượng nào, thì rất tiện lợi. Hẵng trở lại cái chuyện ma sát: trong xe cộ, người ta phải chế tạo các ổ bi, ổ đĩa đủ các loại và các hệ thống bôi trơn đặc biệt, tất cả chỉ để nhằm mỗi một việc là làm giảm ma sát. Còn nếu triệt tiêu được hoàn toàn lực ma sát, thì bấy giờ tất cả các xe cộ sẽ giản tiện hơn hai lần, vấn đề chuyên chở hàng hóa gần như không phải để ý đến nữa vì một đầu máy điêden có thể kéo tới hàng nghìn toa tàu! Và có thể chạy với bất cứ tốc độ nào…
- Chắc đằng ấy lấy làm tiếc là bây giờ không còn những thầy phù thủy có thể làm được những phép lạ nữa chứ gì? - Alek nói.
- Tiếc quá đi chứ!
- Bây giờ không còn những thầy phù thủy nữa đâu. - Yashka vừa buồn bã nhận xét, vừa lơ đãng chọc chọc cái gậy xuống đất ẩm. Sau đó, cậu ta vung tay và bực bội ném cái gậy gần ra giữa sông. - Rất tiếc là không còn nữa. - Cậu ta nhắc lại với vẻ trầm ngâm.
- Ồ, nếu không còn những thầy phù thủy nữa thì ta có thể tự nghĩ ra một thầy phù thủy của riêng ta, hệt như người mà ta đang cần ấy. - Vytka bàn.
- Cậu hãy nghĩ thử xem!
- Tớ sẽ thử…
… Thầy phù thủy xuất hiện, hoàn toàn không ai nhìn thấy, dường như tự nhiên hiện ra vậy.
Một phút trước đó, ngoài các cậu bé ra, trên bờ sông không hề có một bóng người, ấy thế mà bây giờ lại có một người đàn ông đứng tuổi, mặc chiếc áo bludông da cũ có khóa kéo, đang ngồi ngay trên bãi cỏ trước mặt các cậu bé nọ. Mái tóc ông ta dài bạc phơ, chải lật ra đằng sau, nhẹ nhàng rung trong gió. Ông ta không đi đến, mà cứ như là từ đâu đó vụt hiện ra vậy.
Người đàn ông đó móc túi lấy ra một cái kính, lau kính bằng chiếc khăn tay kẻ carô, rồi không hiểu vì sao đút kính vào túi, tủm tỉm cười hỏi Yashka:
- Cậu tin chắc rằng bây giờ không còn thầy phù thủy nữa ư?
- Cháu… cháu không biết… Ông đi đến đây bằng cách nào mà chúng cháu không nhận ra ông?
- Ta không đi đâu… Ta chỉ hiện ra thôi.
Yashka nhấp nhổm và dịch ra xa một chút. Nhưng điệu bộ của người đàn ông nọ có vẻ hiền lành, và ông ta tiếp tục tủm tỉm cười.
- Ta là một phù thủy, một phù thủy bình thường, như người ta vẫn thường nói đến trong tất cả các sách ấy. Chỉ có điều ta là một phù thủy hiện đại. Ta chính là phù thủy mà các cậu nói đến ấy.
Yashka ngắm nghía người lạ mặt với vẻ hoài nghi và thậm chí còn hơi có ác cảm nữa.
- Cháu đã từng được thấy những phù thủy ở rạp xiếc rồi. - cậu ta nói với giọng coi thường. - người ta giấu một người như vậy vào trong một cái hòm, sau đó mở ra thì thấy hòm rỗng tuếch… và người đó lại từ phía kia bước ra vũ đài rạp xiếc!
- Đó hẳn là người làm trò ảo thuật, còn ta là một phù thủy.
- Vậy ông có thể làm được gì nào? - Seryoga hỏi.
- Ta có thể làm được những gì ấy à? - Người lạ mặt hỏi lại. - Ta có thể làm được đủ thứ. Chẳng hạn, ta có thể biết được cái không ai biết, thấy được cái vô hình, tính được cái đã qua và cái sẽ tới, ta có thể khám phá những quy luật mới của thiên nhiên. Ta còn có thể làm được nhiều thứ khác nữa. Nói tóm lại, ta đang nghiên cứu khoa học, mà khoa học thì có thể làm nên mọi thứ!
- Vậy thì… - Seryoga ngẫm nghĩ, cố chọn một việc gì thật khó để người lạ mặt làm thử. - vậy thì… ông hãy thay đổi dòng nước sông kia đi!
- Ồ, việc đó dễ ợt! Các kỹ sư thời nay còn nắn được cả những dòng sông ấy chứ! Các bạn xem đây!
Con sông Moskva ở chỗ này không rộng lắm và dòng nước tuy không chảy nhanh, nhưng cũng thấy rõ. Các cậu bé nhìn dòng sông, thấy nước sông và những cụm tơ màu trắng đang trôi xuôi theo dòng bỗng dưng quay ngược trở lại. Cái gậy xù xì mà Yashka ném xuống sông lúc nãy, bây giờ quay tròn ở chỗ xoáy nước và trôi ngược dòng ngay giữa sông.
- Cừ quá! - Seryoga nói.
- Sao ông làm được như thế ạ? - Alek hỏi.
- Muốn hiểu tại sao, phải giải thích dài dòng lắm. Cần phải biết toán học cao cấp và các thứ khoa học phù thủy khác nữa.
- Thế ông có thể… - Yashka rụt rè nói.
- Có thể làm gì? - Người lạ mặt hỏi.
- Thế ông có thể… hủy bỏ được định luật Archimède không ạ?
- Ai nói gì mặc ai, Yashka thì chỉ nói về Archimède! - Alek châm chọc.
- Sao, hủy bỏ định luật Archimède à? - người lạ mặt hỏi lại. - Định luật ấy làm phiền các cậu lắm ư?
- Phải làm sao để cái định luật ấy hoàn toàn không còn nữa. Cháu đã ăn một con "2" về cái định luật ấy, bây giờ vì cái ông Archimède ấy mà đến mùa thu này, cháu phải thi lại môn vật lý đấy.
Thầy phù thủy ngẫm nghĩ.
- Việc này hơi khó đấy, các cậu ạ… - Ông ta lúng túng nhận xét. - Có thể nói là không thể thực hiện được. Các cậu cần phải hủy bỏ hoàn toàn định luật ấy sao?
- Dĩ nhiên là hoàn toàn! - Yashka nói. - Cháu không cần cái định luật ấy.
- Không, ta không thể hủy bỏ hoàn toàn định luật Archimède được. Nếu các cậu muốn cái gì khác thì cứ nói ra.
Ta có thể đổi dòng thời gian, kéo dài không gian, bay trên chiếc máy bay có phép lạ với vận tốc ánh sáng…
- Việc đó chẳng có gì là lý thú cả. - Yashka nói. - Mọi người đều có thể bay như thế trên máy bay. Chao ôi, bay trên máy bay mà cũng bảo là một phép lạ!
- Ta muốn nói là bay trên chiếc thảm bay.
- Cũng vậy thôi!
- Ở trên ấy chắc là gió thổi ghê lắm. - Alek nói.
- Thế có nghĩa là ông không thể hủy bỏ được các định luật vật lý? - Vytka hỏi.
Người lạ mặt im lặng, dường như đang cân nhắc các khả năng của mình.
- Không. - Ông ta trả lời. - không ai có thể làm được việc đó.
- Vậy thì ông là phù thủy loại nào đây? Hay đó cũng chỉ là chuyện tào lao thôi? - Yashka thốt lên.
Người lạ mặt nhìn Yashka chằm chằm và khẽ búng ngón tay như những phù thủy vẫn thường làm lúc trổ phép lạ.
Đúng lúc ấy, Yashka cảm thấy cậu ta không còn ngồi trên bãi cỏ nữa, mà lại lượn một cách dễ dàng ở trên không, tựa như phi công trong khoảng không vũ trụ ấy. Một làn gió nhẹ từ từ đưa cậu ta về phía sông.
- Ôi các cậu ơi! - Yashka hét ầm ĩ.
Người lạ mặt lại búng ngón tay và Yashka liền rơi bịch xuống bãi cỏ, cách xa nơi cậu ta ngồi trước đó đến năm bước.
Các cậu bé bối rối, lúc thì nhìn thầy phù thủy, lúc thì nhìn cu cậu Yashka vẫn chưa hoàn hồn sau cái biến cố bất ngờ ấy.
- Đó mới chính là một phép lạ! - Seryoga thốt lên.
- Đấy đâu đã phải là phép lạ! Đối với những phù thủy như bọn ta, việc đó dễ như trở bàn tay.
- Nhưng sao ông lại có thể làm được như vậy ạ? - Vytka hỏi. - Chính ở đây, tất cả các quy luật của thiên nhiên đều bị vi phạm!
- Cậu tin chắc như thế chứ? - Người lạ mặt chăm chú nhìn Vytka. - Cậu tin chắc là ta đã vi phạm các quy luật của thiên nhiên ư? Có thể, ngược lại, tất cả đều diễn ra theo đúng các quy luật của thiên nhiên thì sao?
- Nhưng chính trong đời sống không hề có chuyện như vậy. - Alek nhận xét.
- Tại sao lại không có? Ta không đồng ý như thế! Người ta đã được biết nhiều định luật vật lý cho phép lượn ở trên không. Thứ nhất, theo định luật sức hút của Newton, có thể trở thành không có trọng lượng, nếu chuyển động với tốc độ vũ trụ. Ở trên không, theo định luật Zhukovsky[6], có thể làm cân bằng trọng lực bởi lực nâng khí động lực. Theo định luật Archimède, các khí cầu có thể bay dễ dàng trên không trung. Theo định luật Tsyolkovsky[7], có thể làm cân bằng trọng lực bởi sức kéo dùng phản lực. Cuối cùng, còn có cả những quy luật của thiên nhiên mà các nhà bác học vẫn chưa biết được.
- Ấy thế mà ông lại biết được những quy luật ấy? - Vytka hỏi.
Người lạ mặt mỉm cười.
- Có thể…
- Thế ông búng ngón tay để làm gì kia ạ? - Yashka hỏi, giọng châm chọc. - Cái đó cũng liên quan đến vật lý chăng?
- Cái đó liên quan đến phép phù thủy. - Người lạ mặt nghiêm chỉnh trả lời.
- Ông nghĩ sao. - Vytka hỏi. - liệu có thể tạo được một cái máy, giả dụ như không thể hủy bỏ được hoàn toàn các định luật vật lý, thì cũng có thể thay đổi được các định luật đó, dù chỉ là đôi chút?
- Có lẽ cũng chế tạo được đấy. - người lạ mặt nói. - nhưng chưa một ai trong số những phù thủy như bọn ta thử chế tạo.
- Vậy ông hãy thử chế tạo đi! Chính ông đã bảo là ông có thể làm được mọi thứ kia mà!
- Ta có thể làm được mọi thứ chính là vì có các định luật vật lý. Còn nếu hủy bỏ tất cả các định luật ấy đi thì quyền lực của ta đối với thiên nhiên sẽ mất hết ngay lập tức! Nếu quả là các cậu rất muốn thì ta có thể thay đổi không phải là các định luật, mà là một số hằng số, hằng lượng vật lý. Chẳng hạn, vận tốc ánh sáng, vận tốc ánh sáng trong chân không hay một cái gì đó nữa… Ta có thể hủy bỏ một số định đề, nhưng ta không khuyên các cậu động chạm đến các định luật vật lý đã được xác định một cách vững chắc.
- Thế nào là định đề hả ông? - Seryoga hỏi.
- Cậu không biết thế nào là định đề à? Đó là những sự xác nhận mà trên thực tế thì có hiệu lực như các định luật, tuy chưa được chứng minh một cách chặt chẽ, nhưng người ta vẫn tin chúng là đúng, như tin vào các tiền đề vậy. Thỉnh thoảng có định đề trong một thời gian dài được coi là đúng, nhưng trên thực tế thì lại sai, hoặc chỉ đúng trong những trường hợp cá biệt.
- Vậy là chẳng bao giờ hủy bỏ được các định luật vật lý cả! - Yashka nhận xét với thái độ hoài nghi. - Thầy giáo kể cho chúng cháu nghe rằng xưa kia, trong thời cổ đại, mọi người đều cho là bất cứ một vật thể nào cũng chỉ chuyển động khi có một lực tác động vào nó, còn nếu không có lực nào tác động thì vật thể đó đứng yên. Về sau, Newton nghĩ ra định luật quán tính và tất cả đều đảo lộn: bất cứ vật thể nào cũng bảo toàn trạng thái đứng yên, hoặc trạng thái chuyển động thẳng đều của nó…
- Cái ý kiến cũ hoàn toàn không phải là một định luật thật sự. Đó là một sai lầm và vì thế cần phải sửa đổi nó.
- Có thể cả các định luật khác cũng sai chăng?
Thầy phù thủy lắc đầu không tin.
- Ta không nghĩ như vậy. - Ông ta nói. - Bây giờ, con người đã thông minh hơn và có kinh nghiệm hơn. Bây giờ, chỉ một định luật nào đã qua kiểm tra kỹ càng mới được gọi là định luật vật lý.
- Dẫu sao thì vẫn là lý thú nếu hủy bỏ được một số định luật vật lý. - Vytka nói. - Chỉ cốt để xem xem cái gì sẽ xảy ra thôi, ông ạ.
- Có thể làm thử. - Thầy phù thủy ngẫm nghĩ rồi nói. - Ta sẽ không hủy bỏ hoàn toàn các định luật vật lý, nhưng ta sẽ thay đổi đôi chút tác động của chúng, và không phải là thay đổi ở khắp mọi nơi, ở khắp vũ trụ, mà chỉ thay đổi ở một phạm vi nhỏ. Nhưng để làm việc đó, phải chế tạo một cái máy rất phức tạp.
- Máy có phép lạ phải không ạ? - Seryoga hỏi.
- Nếu các cậu muốn thì đó không phải là cái máy có phép lạ, mà là cái máy tưởng tượng, vì rằng chúng ta sẽ chế tạo nó bằng sức tưởng tượng của mình. Nó sẽ giúp các cậu tiến hành một cuộc thí nghiệm trong ý nghĩ.
- Thế nào là cuộc thí nghiệm trong ý nghĩ hả ông? - Yashka hỏi.
- Cuộc thí nghiệm trong ý nghĩ là cuộc thí nghiệm chưa thể thực hiện được trong thực tế, nhưng người ta có thể dựa vào những quy luật đã từng biết của thiên nhiên mà tưởng tượng ra cuộc thí nghiệm đó. Các nhà bác học vẫn thường làm như vậy. Chẳng hạn, họ hình dung một điểm toán học không có kích thước, đồng thời lại tồn tại về mặt thực tế.
Hoặc họ tưởng tượng ra một sợi chỉ không hề có trọng lượng lẫn độ dày nhưng lại chắc vô cùng, và người ta dùng sợi chỉ đó để kéo dài một điểm toán học không có kích thước, nhưng lại có một khối lượng nhất định… Những thí nghiệm khác cũng đại loại như vậy. Khi ta nói với các cậu là ta có thể kéo dài không gian hay thay đổi tiến trình của thời gian, ấy là ta nói đến chính cái chuyện đó. Ta có thể làm cho thời gian xung quanh các cậu trôi nhanh hơn, hoặc chậm hơn, còn bản thân các cậu thì vẫn như sống trong thời gian bình thường. Điều đó là cần thiết, bởi vì chính cái khái niệm thời gian cũng chỉ là tương đối thôi. Nhưng muốn làm được việc đó, phải làm phép phù thủy toán học phức tạp.
- Chả có gì là lý thú cả. - Yashka nhận xét, vẻ mặt ỉu xỉu. - Tưởng tượng thì chán ốm. Phải làm sao để mọi thứ đều là thật kia…
- Chúng ta hãy thử xem! - Thầy phù thủy đề nghị.
Ông ta móc túi lấy ra cuốn sổ tay và bắt đầu tính toán gì đó.
- Trước khi bắt tay vào công việc, bao giờ cũng phải hình dung thật rõ từ trước những gì ta định làm. - Thầy phù thủy nói. - Cần phải thấy trong óc cái tác phẩm tương lai, càng tỉ mỉ càng tốt. Đảm bảo của thành công là ở đó. Vậy cái máy của chúng ta phải như thế nào và nó cần phải thực hiện những gì?
- Nó phải thay đổi các định luật vật lý. Nghĩa là không phải các định luật, mà là các hằng lượng. - Vytka nói.
- Tất cả hay chỉ một số thôi?
- Có lẽ bước đầu chỉ cần thay đổi vài hằng lượng…
- Những hằng lượng nào?
- Định luật Archimède có được không ạ? - Yashka hỏi. - Nếu được thì hãy thay đổi độ đặc của nước xem sao!
- Được. - Thầy phù thủy nói và ghi vào cuốn sổ của mình.
- Còn gì nữa?
- Phải hủy bỏ lực ma sát!
- Định luật bảo toàn năng lượng!
- Định luật quán tính!
- Thay đổi vận tốc ánh sáng!
- Thong thả đã, các cậu! - Thầy phù thủy yêu cầu. - Đừng có nói cả một lúc như thế, kẻo tôi chẳng kịp ghi đâu. Gì nữa nào?
- Đủ rồi ông ạ. - Alek nói.
- Ông hãy thêm một cái gì nữa tùy ý ông. - Vytka đề nghị.
Thầy phù thủy tính toán gì đó trên trang sổ tay.
- Bây giờ, chúng ta hãy thử hình dung sơ đồ mẫu của cái máy ấy…
Ở trên không, trước mặt các cậu bé, bắt đầu hiện ra những đường viền của một cái máy lớn nào đó. Thoạt tiên những đường viền này còn lờ mờ, về sau mỗi lúc một rõ hơn. Đó là một khối dày đặc những dây dẫn, những bóng điện tử, những thấu kính quang học, những chi tiết sáng loáng, những thanh hồng ngọc và nhiều thứ nữa mà các cậu bé nọ đều mù tịt. Cái máy mỗi lúc một to lên, phức tạp hơn, bổ sung những chi tiết mới và cả những tổ máy mới, thay đổi cách mắc các dây dẫn và cách bố trí các bộ phận riêng biệt. Tất cả những cái đó diễn ra nhanh tới mức gần như không thể theo dõi được.
- Cái máy này chắc là lớn lắm đây. - Vytka nói.
Các chi tiết máy bắt đầu đổi chỗ. Một số chi tiết bị thay thế bằng những chi tiết khác chắc chắn hơn nhiều, một số chi tiết nữa thì biến hẳn. Những dây dẫn, nom như con rắn nhỏ đủ màu tự tìm đường đến các tiếp điểm mà chúng phải nối liền lại.
- Liệu có thể nhờ cái máy này mà di chuyển ngay tức khắc đến bất cứ một nơi nào trên thế giới không hả ông? - Seryoga hỏi.
- Di chuyển ngay tức khắc thì không được. - người lạ mặt trả lời. - nhưng có thể di chuyển với một tốc độ gần bằng vận tốc ánh sáng. Ở cái máy này, ta không muốn làm trái với các nguyên lý cơ bản trong vật lý. - Ông ta nói thêm.
Trong cái máy lại xuất hiện những bộ phận mới. Chúng tự thu xếp chỗ đứng của mình, cứ như là cố tìm lấy một vị trí thuận tiện nhất vậy.
Bây giờ, cái máy đã thu nhỏ lại rất nhiều và có thể dễ dàng bỏ gọn trong một chiếc vali bé.
Lúc theo dõi những biến hóa dần dần ấy, Vytka nghĩ rằng trong bộ óc của nhà thiết kế, quá trình sáng tạo một cái máy mới hẳn là cũng diễn ra như vậy như vậy. Thoạt tiên cái máy đó có những đường viền lờ mờ, chỉ gồm mấy bộ phận chủ yếu, sau đó nó dần dần được thêm những chi tiết thứ yếu, và cuối cùng, trong óc của nhà thiết kế hiện lên một cái máy hẳn hoi, gần giống như cái máy sẽ chế tạo trong thực tế.
- Phải lắp cho cái máy này một chiếc tay cầm để có thể xách nó đi, ông ạ. - Seryoga nói.
- Các cậu đợi chút đã, rồi sẽ có cả tay cầm. - Thầy phù thủy nói. - Nhưng trước hết, phải làm hệ thống điều khiển đã.
Cả cái khối chằng chịt những dây dẫn và chi tiết ấy đã được phủ một lớp vỏ kim loại có bảng điều khiển màu đen phẳng lì ở phía trước.
- Ta nghĩ rằng để chuyển từ định luật này sang định luật khác, tốt hơn hết là làm hệ thống điều khiển bằng nút bấm, còn để kiểm tra sự di chuyển trong không gian thì chúng ta sẽ làm một cái máy báo truyền hình và một quả địa cầu di động…
Trên bảng điều khiển màu đen bỗng hiện lên những nút bấm, những hàng chữ, những mặt số, những cái chuyển mạch như ở một chiếc máy thu thanh bình thường, và một quả địa cầu nhỏ có phủ kính lồi. Cuối cùng, cả cái máy được bỏ trong một chiếc bao da màu vàng rất đẹp để có thể đeo lên vai.
- Các cậu bé, cái máy đã làm xong rồi đấy! Chúng ta đặt cho nó cái tên gì chứ?
Các cậu bé ngồi trên bãi cỏ và băn khoăn nhìn chiếc bao da màu vàng đang lơ lửng ngay trước mắt mà chẳng cần đến cái giá đỡ nào cả. Thầy phù thủy cầm lấy chiếc bao đựng máy và đặt xuống bãi cỏ ngay cạnh mình.
- Theo ta, nên đặt cho nó cái tên là "Máy biến đổi cybernétique các định luật vật lý". - Thầy phù thủy nói.
- Tại sao lại "cybernétique" ạ? - Alek hỏi.
- Tại vì cái máy này có thể tự điều khiển trong giới hạn của chương trình đặt ra cho nó.
- Sử dụng nó thế nào hả ông?
- Rất đơn giản. - Thầy phù thủy mở chiếc khóa cài sáng loáng và lật cái nắp bao ra. - Ở những nút bấm này có ghi các định luật vật lý khác nhau và một số hằng lượng. Ví dụ, vận tốc âm thanh, định luật quán tính, vân vân… Nếu bấm một trong những cái nút ấy thì hằng lượng hoặc định luật tương ứng sẽ thay đổi giá trị của mình. Nếu bấm nút khác thì định luật đầu tiên được phục hồi, còn định luật khác kia thì mất hiệu lực. Ngoài ra, trên bảng điều khiển còn có hai nút bấm phụ: một nút trắng và một nút đỏ. Hai nút này dùng để di chuyển đến bất cứ một địa điểm nào trên trái đất. Để làm việc đó, trước hết phải xác định trên quả địa cầu tọa độ nơi cần đến. Phía dưới bảng điều khiển có một công tắc chung dùng để phục hồi ngay lập tức tất cả những gì bị hủy bỏ trước đó. Chỉ có điều là sẽ không thể mở máy biến đổi các định luật vật lý này hai lần trên cùng một nút bấm, nếu không các cậu sẽ phải ở lại đúng cái nơi mà các cậu ngắt máy đấy.
Thầy phù thủy đưa cái máy cho Vytka.
Vytka thận trọng đỡ lấy cái máy, các cậu khác bèn xúm lại để xem cho rõ hơn. Cái máy rất đẹp.
- Làm gì bây giờ? - Yashka hỏi.
- Chẳng có gì đặc biệt cả. Cậu hãy bấm cái nút đầu tiên, lực ma sát sẽ giảm đi nhiều lần. Ma sát gần như biến mất.
- Ông không đánh lừa chúng cháu đấy chứ?
- Hãy cứ thử đi!
- Nếu có chuyện gì đó xảy ra thì sao ạ? - Alek hỏi.
- Rồi tự các cậu sẽ thấy. Nếu các định luật vật lý bị hủy bỏ thì tôi sẽ không thể giúp các cậu được đâu. - Thầy phù thủy mỉm cười.
- Thế có nghĩa là chỉ bấm nút một cái là xong à? Cứ như là chuyện hoang đường ấy! - Yashka nhận xét.
- Thôi được. - Thầy phù thủy nói. - Ta đã giải thích đủ điều cho các cậu rồi, bây giờ các cậu hãy tự sử dụng đi. Các cậu có thể bắt đầu cuộc thí nghiệm theo ý nghĩ của mình. Nếu có gì không hiểu, các cậu cứ xem bản hướng dẫn để trong cái túi con ở bao máy. Ở đấy đã ghi tỉ mỉ từng chi tiết. Chúc các cậu thành công…
Thầy phù thủy bắt đầu biến dần đi cùng với những lời nói cuối cùng, như vẫn thường xảy ra trong điện ảnh, khi một hình ảnh này dần chuyển sang một hình ảnh khác.
Tất cả vẫn như cũ. Các cậu bé vẫn ngồi bên bờ sông. Con sông vẫn chảy về phía mà nó từng chảy xưa nay. Cái gậy xù xì lại trôi trên sông, rõ ràng là nó vừa theo dòng nước xuôi về.
Nắng hè ơi bức chói chang. Một người mặc áo mayô đỏ đang chạy xe đạp trên đường cái. Đằng xa, sau chỗ ngoặt, hiện ra chiếc xe hơi "Pobeda". Vytka cầm trong tay cái máy đặt trong bao da.
Yashka bước lại nơi người lạ mặt vừa mới đây còn ngồi và nhìn chỗ cỏ bị xẹp với vẻ nghi nghi hoặc hoặc.
Vytka xem bản hướng dẫn mà cậu ta vừa móc trong cái túi nhỏ ở bên bao máy ra. Bản hướng dẫn dày hơn chục trang, mỗi trang đều có vẽ cái máy ở các vị trí khác nhau, và những nút bấm, quả vặn cần sử dụng trong trường hợp này hoặc trường hợp khác đều được đánh dấu bằng những mũi tên nhỏ. Vytka xem mục lục. Ở đấy có mấy phần: "Mở máy", "Xác định vị trí", "Điều chỉnh", v.v…
Seryoga và Alek đang uể oải tranh cãi. Alek không có ý kiến rõ ràng về thầy phù thủy, cậu ta cho rằng "phải tìm hiểu kỹ càng toàn bộ câu chuyện này". Seryoga thì quả quyết rằng người lạ mặt huyền bí nọ là một nhà thôi miên. Seryoga lúc thì định trở thành nhà du lịch, lúc thì định trở thành nhà sinh vật hoặc, và có lẽ là định trở thành cả hai cũng nên. Dù sao đi nữa, cậu ta vẫn tự cho mình là người hiểu nhiều về các vấn đề y học.
- Alek, tớ cam đoan với cậu rằng ông ta chả phải là một thầy phù thủy, mà chỉ là một nhà thôi miên thôi. Tớ đã nhiều lần được đọc về những người như vậy. Ông ta dùng hai bàn tay làm những cử chỉ nhịp nhàng và ám thị người khác tất cả những gì mà ông ta muốn. Chẳng hạn, ông ta có thể cùng một lúc ám thị tất cả khán giả trong rạp hát rằng mưa đang rơi, và lúc bấy giờ mọi người trong rạp đều bắt đầu tưởng như mình bị ướt đầm. Thực ra thì chẳng có gì cả. Người lạ mặt nọ chẳng qua chỉ thôi miên bọn mình thôi! Chẳng có chuyện gì xảy ra cả đâu. Đối với bọn mình, tất cả những cái đó đều hiện lên như trong một giấc mơ vậy!
- Thế còn cái máy này thì sao? - Vytka vặn lại.
- Đây mà bảo là cái máy à? - Yashka nói. - Ông ta giúi cho cậu một cái đài bán dẫn bình thường nhất, còn cậu thì cứ giỏng tai lên mà nghe cái chuyện tào lao ấy! Có vậy thôi! Nào, đưa nó lại đây!
Yashka cầm lấy cái máy và lật nắp bao da ra.
- Dĩ nhiên, đây chỉ là một cái đài bán dẫn bình thường, nhưng nó có một chức năng đặc biệt. Còn những cái nút bấm thì chắc là để bắt các đài phát thanh khác. Tớ thử ngay cho mà xem… - Yashka bấm nút đầu tiên.
Chẳng có gì đặc biệt xảy ra cả.
Việc chiếc mũ cátkét mà Yashka thích đội phía sau gáy tuột khỏi đầu cậu ta cũng chẳng có gì là đặc biệt cả.
- Có vậy thôi! - Yashka nhắc lại và chực đứng dậy, nhưng cậu ta không tài nào đứng lên được: mặt đất, bãi cỏ mà Yashka ngồi bỗng trơn đến mức cậu ta bị ngã ngay lúc vừa mới cử động.
Seryoga và Vytka chăm chú nhìn Yashka đang giãy giụa trên mặt đất, cố đứng dậy. Cuối cùng, Yashka cũng đứng dậy được, nhưng cậu ta lại phải ngồi thụp xuống ngay vì khó mà giữ được thăng bằng trên cái bãi cỏ trơn như mỡ ấy.
- Yashka, cậu làm sao thế? Chân bị tê à?
- Không phải, mặt đất trơn quá. Các cậu ơi, ở cái nút tớ vừa bấm ấy có ghi chữ gì vậy?
- Có chữ gì đấy về ma sát.
- Ra thế đấy! Chắc hẳn cái nhà ông làm trò ảo thuật kia vẫn còn thôi miên chúng mình…
Đúng lúc ấy, từ phía đường cái vọng lại tiếng còi báo nguy của chiếc xe hơi. Có chuyện gì không bình thường xảy ra ở đấy. Người đi xe đạp mặc áo mayô đỏ trước đó vẫn đạp xe như thường, bây giờ lái xe loạng quạng và cuối cùng ngã nhào xuống con mương. Chiếc "Pobeda" chạy sau người đi xe đạp thì trượt nghiêng qua đường. Sau đó, nó quành trở lại đâm sầm vào một đống cát ở vệ đường và dừng lại. Động cơ vẫn hoạt động, bánh xe vẫn quay, vậy mà chiếc xe vẫn cứ đứng nguyên tại chỗ!
Các cậu bé nhỏm dậy để chạy đến nơi xảy ra tai nạn, nhưng bị ngã ngay lập tức: trên mặt đất trơn tuột gần như không thể đứng vững được. Chỉ cần hơi cử động một chút là hai chân doãng ra cứ như con bò cái đứng trên mặt băng vậy.
Trong lúc Yashka, Seryoga và Alek đang cố đứng dậy, thì Vytka thử gài nắp bao máy lại, cái nắp này cũng trơn tuột như mọi thứ. Khi làm việc đó, cậu ta sơ ý tuột tay đánh rơi mất bản hướng dẫn. Cuốn sổ mỏng dính trượt nhẹ trên cỏ và lướt xa dần xuống sông.
Vytka vùng ngay dậy, định vồ lấy cuốn sổ đó, nhưng lúc ấy chính cậu ta lại bị trượt về phía bờ sông. May mà cậu ta bám được bụi cây trăn, chứ không thì đã lăn tòm xuống sông rồi. Vytka vẫn không buông cái máy vì để phòng xa, cậu ta đã quấn cái dây đeo vào cổ tay. Trong giây lát cuối cùng, Vytka thấy bản hướng dẫn bị gió cuốn xuống sông và trôi theo dòng nước.
Vytka ngoảnh lại xem các bạn đang làm gì.
Yashka đã đứng dậy được, còn Seryoga và Alek thì vẫn bò lổm ngổm.
Vytka thử trèo lên phía các bạn, nhưng bị trôi tuột trở lại ngay lập tức. Bờ sông ở chỗ này chẳng lấy gì làm dốc, nhưng ngay cả trên cái dốc thoai thoải này cũng gần như không thể trèo lên được. Mọi thứ đều trượt xuống phía dưới, không gì ngăn nổi. Bấy giờ, Vytka bỗng nảy ra một sáng kiến. Trong bụi cây trăn mà cậu ta bám được ấy còn vướng mấy nhánh cây gãy do nước lũ cuốn đến đấy. Thận trọng, cố không có một cử động nào đột ngột, Vytka chọn hai nhánh cây thích hợp và cắm chúng xuống chỗ đất vừa tầm tay với ở trên dốc. Hai nhánh cây đã đứng vững, mặc dầu không được chắc cho lắm. Bấy giờ Vytka mới quàng dây đeo máy qua vai, nắm chặt lấy hai nhánh cây cắm xuống đất và rướn người lên. Sau đó, một tay cậu ta vẫn bám vào một nhánh cây, tay kia cậu cắm nhánh cây kia lên một chỗ cao hơn và lại rướn người lên. Cứ chuyển dần hai nhánh cây như thế, cuối cùng cậu ta đã lên một chỗ bằng phẳng và đứng dậy được.
- Cậu làm sao thế, Vytka? - Seryoga hỏi.
- A, tớ bị trượt xuống sông…
- Lại đằng chiếc xe hơi đi!
Các cậu bé đi về phía đường cái, hết ngã, trượt, rồi lại đứng dậy.
Hòn Đảo Các Nhà Vật Lý Thiếu Kinh Nghiệm Hòn Đảo Các Nhà Vật Lý Thiếu Kinh Nghiệm - K. Dombrovsky Hòn Đảo Các Nhà Vật Lý Thiếu Kinh Nghiệm