Reading well is one of the great pleasures that solitude can afford you.

Harold Bloom

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 5
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1841 / 70
Cập nhật: 2021-10-27 16:44:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Gặp Lại Người Xưa
(Lời BBT: Bài nầy nằm trong loạt bài HỒI KÝ VĂN NGHỆ Bình-nguyên Lộc dành cho báo ÐỜI của Nguyên Sa. Ông chưa kịp gởi bài đi cùng với bức thơ đã viết cho Nguyên Sa thì bất ngờ từ trần.)
Hôm đó tôi đang đứng nói chuyện với anh Lưu-Ðình-Khải tại hành-lang của bộ Văn-Hóa hay bộ Quốc-gia giáo-dục gì đó, đã quên mất rồi, vì lý do sau đây. Chúng tôi thường được mời làm giám khảo của cuộc thi văn-nghệ toàn quốc, mà các cuộc thi nầy thì có năm giao cho bộ Thông-Tin tổ chức, có năm giao cho bộ Văn-Hóa, có năm giao cho bộ Quốc-gia giáo-dục, hóa ra chẳng còn ai nhớ được năm nào họp ở đâu nữa.
Thình lình, tôi bị ai vổ vai từ sau lưng. Tôi day lại, thì ra đó là anh Năm Châu, tức diễn viên sân khấu, kiêm soạn giả Nguyễn-Thành-Châu. Tôi hơi ngạc nhiên. Tôi biết Năm Châu rất nhiều, nhưng anh ấy chỉ biết tôi vậy vậy thôi, gặp nhau thì chào hỏi qua loa theo phép xã giao. Nay sao lại có cử chỉ thân mật nầy. Câu hỏi của anh Năm Châu lại càng làm cho tôi ngơ ngác hơn:
- Mê Háo lắm hả?
Trời đất! Háo là cô nào mà anh ấy bảo rằng là tôi mê? Trong khi anh Lưu-Ðình-Khải cười ngất, tỏ vẻ hiểu lắm, thì tôi cứ trố mắt mà nhìn Năm Châu. Nhưng sau đó, người hỏi giải thích thì tôi mới vỡ lẽ ra, và cả ba chúng tôi cùng cười với nhau. Số là dạo đó, tôi đang viết một tiểu thuyết đăng báo tên là „ Mối tình của thằng ôm đít ông Táo". Trong số báo phát hành cách đó ba hôm, báo đăng tới cái đoạn mà nhân vật chánh trong truyện, vào trà thất Kim Ðô, không phải để nghe ca, hay để ngắm các cô ca-sĩ, mà để „Xem" Háo đánh trống.
Háo là một tay trống cừ khôi ở Sàigòn, vào năm đó, nên rất nhiều người vào vũ trường, hoặc trà thất thường không có mục-đích nào khác hơn là để thưởng thức sự biểu diễn rất huê dạng của cặp roi trống của người nghệ sĩ đó. Háo là em vợ (hay anh vợ?) của Năm Châu. Anh ấy đồng hóa nhân vật tiểu thuyết với tác-giả. Tác-giả mê em vợ của anh ấy thì anh ấy khoái tác-giả chăng? Tôi đáp:
- Tiểu thuyết đó, tôi viết riêng cho các bạn trẻ đọc, anh đã có cháu rồi, mà cũng theo dõi nó nữa à?
- Theo dõi chớ! Văn-nghệ sĩ đâu có bao giờ già. Tụi mình phải uống rượu chung một bữa mới được.
- Rất hoan-nghinh. Ðại-ca ở trên cao chót vót, nên từ bao lâu nay, đệ ngại không dám làm thân đó chớ. Ðệ rất cần tâm sự với đại-ca.
- Ðừng có lộn-xộn. Tôi chỉ cao niên thôi, chớ không có cao ghế đâu. Vậy ta sẽ gặp lại nhau.
Năm Châu không có cho cái hẹn nào hết, và cũng không cho biết nơi chốn gặp nhau khi nào cần gặp. Nhưng là người viết báo và làm báo, cho dẫu chỉ là một tay làm báo xoàng xoàng, tôi vẫn phải làm thổ công phần nào. Năm Châu hình như làm chủ một hiệu cà-phê trong Ða kao, hiệu nầy ở gần một cái đình cổ mà người địa phương gọi là đình Tân An, tên một làng xưa. Ông ta không trông coi trực tiếp quán đó, nhưng cứ tới đó, nhờ người mời là được gặp.
Vừa thấy mặt nhau, tôi nói:
- Tôi tự giới thiệu trước cái đã.
- Khỉ dộc. Ai lại không biết nhà văn mà phải tự giới thiệu.
- Không, anh Năm chưa biết bí mật của tôi đâu. Tôi là em rể của Dương-Thành-Phát đây mà.
Tôi trả thù, bắt Năm Châu ngạc-nhiên chơi, như tôi đã ngạc-nhiên hôm nọ. Và quả người kép già nầy, chẳng những ngạc-nhiên mà còn bối rối vô cùng. Anh cố moi trí để tìm lại cái gì đã thoát khỏi ký-ức của anh. Lâu lắm, như chụp lấy được món lẩn lút, đang ba chìm bảy nổi trong dạ anh, anh trố mắt nhìn tôi trừng trừng rồi kêu lên:
- À... em... em nhỏ.... thằng gì, quên mất rồi! À thằng Tuấn. Trời ơi, nửa thế kỷ đã qua rồi!
- Ừ, nửa thế kỷ.
- Còn vợ em đâu? Con gì... con út gì, cũng đã quên mất rồi?
- Vợ em đang phục-vụ tại Kontum.
- Ðàn bà con gái, sao lại lên rừng làm gì?
- Vợ em làm cô đỡ ở Từ Dũ. Xích mích với xếp nên bị đày lên trên ấy.
Dương-Thành-Phát không phải là tên người, mà cũng không phải là hiệu. Ðó là tên của một hiệu tủ bàn đầu tiên tại Sàigòn, nằm ngang sau chợ Bến Thành, vào thời Năm Châu mới lừng danh. Người chủ hiệu hồi đó là bạn của anh rể tôi. Thuở bé, tôi đi Sàigòn chơi thì ở nhà Dương-Thành-Phát, vì anh Dương-Thành-Phát và anh rể tôi lại làm ăn chung về một nghề khác, nghề mua giàng hát cải lương.
Thuở đó, Sàigòn không có nhà hát nào của ta cho ra hồn cả, nên các ban cải lương thường diễn ở một rạp chiếu bóng tên là rạp Moderne, đường Lê-Thánh-Tôn, rất gần hiệu Dương-Thành-Phát. Tôi ở đó, mà không ở nhà anh rể tôi, chỉ để được đi coi cọp cải lương cùng với người vợ tương lai của tôi mà thôi. Gia-đình cấm trẻ con coi hát, không cho vé nên chi chúng tôi phải coi cọp. Gia-đình thiếu người nên chiều chiều, hai anh ấy ra chợ Bến Thành mà quơ dân thất-nghiệp để làm công việc soát vé. Họ lạ mặt không biết tụi tôi là em của chủ giàng, nên tụi tôi cứ bị bắt mãi. Thuở ấy anh Năm Châu và chị Bảy Phùng Há tới lui hiệu Dương-Thành-Phát rất thường nên biết tụi tôi, và thường đùa, cắp đôi tụi tôi với nhau, không dè sau lớn lên, lời đùa của người lớn trở nên sự thật.
Tôi hỏi:
- Em nhắc lại thời oanh-liệt của anh, anh nghe ra sao?
- Anh muốn khóc. Buồn quá, nhưng cũng vui quá! Còn anh Dương-Thành-Phát?
- Ðã ra người thiên cổ rồi.
- Còn anh ba Tuẩn?
Anh Tuẩn, tục danh là Tuẩn còm, là chú của tôi. Chú ấy mắc bịnh Pott nên còm lưng từ thuở 25 tuổi. Chú ấy đàn tranh cho các ban cải lương.
- Chú ấy không vợ không con, đã qua đời rồi, và không còn mấy ai nhắc nhở tới chú ấy.
- Còn Trương-Quang-Tiền?
- Ðã chết từ năm 1947 vì đau tim.
- Trời ơi! Người xưa đã ra đi hết ráo.
- Nhưng còn anh em ta.
- Nhưng tại sao từ bao lâu nay, em chẳng hề nhắc chuyện cũ?
- Ðể làm gì?
- Buồn quá em ơi!
- Ừ, nhưng ta nên cố mà vui, cho đỡ buồn.
- Anh cũng vậy. Nhưng thỉnh-thoảng, có ai nhắc cái gì....
- Xin lỗi, em đã lỡ dại....
- Không có gì đâu. Anh rất vui hôm nay mà đã được buồn. À.... anh thích truyện của em lắm đó.
- Chúng ta ca ngợi lẫn nhau nè. Em cũng mê xem anh diễn kịch lắm.
- Nhưng trình diễn thì hết, mà văn thì còn. Anh chết rồi thì chẳng còn gì nữa hết.
- Em sẽ nhắc đến anh, khi nào phải lúc nhắc. Còn lắm chuyện mà em chưa tiết lộ với anh. Em có viết tuồng cải lương.
- Ðâu, đưa anh coi, anh sẽ nâng đỡ em.
- Khỏi, đó là chuyện đời xưa. Anh đã biết Trương-Quang-Tiền, người cũng đã ăn dầm nằm dề ở hiệu Dương-Thành-Phát. Anh Trương đã giúp em về cải lương. Anh có biết hay không là kép đẹp Châu-Hồng-Ðào, tức là soạn giả Ðão-Châu cũng là người cùng làng với em.
- Vậy à? Nhưng anh ấy đã là nhà buôn triệu-phú và ít tới lui với làng hia mão.
- Còn Tô-Kim-Hồng cũng là người cùng làng với em.
- Em, cháu gì của em? Cũng họ Tô?
- Không, nó họ Ðinh. Tô-Kim-Hồng chỉ là biệt hiệu. Nó là con của bạn em.
Thuở còn thanh xuân, Năm Châu rất đẹp trai, nhứt là trong những bộ Âu-phục đắt tiền, nhưng năm đó, anh đã rụng răng, chưa trồng răng giả. Nay tôi nhắc Châu-Hồng-Ðào, vốn đẹp trai hơn anh Năm, và tới già vẫn còn đẹp trai, khiến anh Năm và cả tôi đều rất ngậm ngùi trước cảnh xế bóng của anh.
Nỗi buồn nầy chắc cũng không kém nỗi buồn của Charlie Chaplin khi người nghệ sĩ nầy giã từ sân khấu. Anh Năm đi qua trên đường đời, kiêu-sa và hiên-ngang, chỉ nghe toàn tiếng vổ tay tán thưởng, quên hết mọi thứ quanh mình. Giờ, dừng chơn lại, anh chợt thấy mình đang đi vào quên lãng của người đời, anh không sao mà khỏi ngậm ngùi được. Ánh đèn sân khấu ơi, giã biệt nhé!
Hồi Ký Văn Nghệ Hồi Ký Văn Nghệ - Bình Nguyên Lộc Hồi Ký Văn Nghệ