Đừng để tâm đến thất bại mà chỉ nên nhìn vào những sai sót của mình.

Ngạn ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 5
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1841 / 69
Cập nhật: 2021-10-27 16:44:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hai Thi Sĩ Nguyễn Nhược Pháp Và Hà Thượng Nhân
ẻ viết bài nầy chưa có thì giờ để thảo hồi ký. Và có thể chẳng bao giờ thảo ra cũng nên, vì tử thần có thể mau chơn hơn. Mặc dầu vậy, những bài sau đây, cũng cứ là hồi ký phần nào, nhưng chỉ được hạn chế trong vòng liên hệ giữa thuật giả và làng văn nghệ với lại làng báo mà thôi. Nếu may ra không chết gắp, thuật giả sẽ cứ viết mãi, và bấy giờ sẽ nói đến những chuyện ở ngoài làng, chuyên từ lên sáu cho đến ngày nay, và tập hồi ký đó sẽ mang tên khác là "Nếu tôi nhớ kỹ".
Hồi còn thanh xuân, tôi chuyên môn viết thơ cho các nhà văn, nhà thơ mà tôi phục tài. Viết lu bù, viết tối ngày không biết mõi. Tôi cứ tưởng chỉ có một mình tôi là làm như vậy thôi. Không dè lớn lên, tôi làm văn thì cũng nhận được lu bù thơ, đa số cũng là của tuổi trẻ viết. Cuộc đời cứ vần xoay, lớp sau, chẳng khác lớp trước đáng kể.
Viết thì nhiều, mà nhận được chẳng bao nhiêu. Mình viết một bức thơ thường, chưa ra hồn, thì ai thèm phúc đáp thơ mình. Tôi chỉ nhớ có ba người mà tôi gởi thơ dai dẳng. Người thứ nhứt là Nguyễn Tuân. Ông ấy không bao giờ trả lời tôi cả. Người thứ nhì là Nhất Linh. Ông chỉ đáp có một bức thôi, mà lời lẽ có vẻ đùa cợt, chế giễu tôi. Không dè bao nhiêu năm sau, chính ông ấy lại phải viết thơ cho tôi trước. Người thứ ba thì trả lời đều đều, ban đầu chỉ đủ lịch sự thôi, nhưng càng ngày càng thân mật, mặc dầu thuở ấy tôi vẫn cứ còn ở trong bóng tối của đời công chức tập sự. Người nầy cùng tuổi với tôi, chớ không phải cao nièn hơn tôi như Nguyễn Tuân và Nhất Linh. Có lẽ vì thế mà anh ấy dễ thông cảm với tôi chăng? Mặc dầu còn trẻ như tôi, nhưng anh ấy đã vang danh rồi. Đó là nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, tác giả tập thơ bất hủ "Ngày xưa".
Một nhà thơ đã nổi danh mà bằng lòng làm bạn hàm thụ với một ký toán-viên tối tăm của Ngân Khố Sài Gòn thì thật là chuyện hy hữu vậy. Trong thời thơ từ qua lại, thì tôi nỗ lực tập viết văn xuôi và làm thơ, thường thì là thơ hơi hơi tự do mà tôi chạy theo phong trào Phong Hóa. Thản hoặc vì bị nhiễm thơ luật, tôi cũng làm thơ luật, nhưng sẵn sàng bất kể niêm luật, mãi cho đến già, khiến anh Bàng Bá Lân rất lấy làm bực mình. Nhưng tôi cứ mặc kệ họ Bàng. Tôi có quyết tâm làm thơ luật hồi nào đâu kia chớ? Tại rủi ro bị nhiễm thơ luật, tôi buột tay viết ra hơi giông giống thơ luật vậy thôi, bắt bẻ tôi sao được.
Nhưng Nguyễn Nhược Pháp bỗng thình lình qua đời. Thật là quá sớm. Và tôi mất một người bạn. Anh ấy qua đời chưa được bao lâu thì tôi có văn xuôi xuất hiện trên mặt báo ở Sài Gòn. Khi đọc lại bài văn đầu tay, được in trên giấy, tôi bùi ngùi nhớ đến người bạn vắn số, người ấy đã khuyên tôi nỗ lực. Tôi đã nỗ lực, giờ có chút ít kết quả rồi thì người ấy lại không còn nữa, để mà thấy tôi không phụ lòng ai? Tôi xúc động quá, lấy bút viết ra ngay bài thơ dưới đây, bị bỏ quên từ 43 năm nay, trong tủ của tôi mà giấy má chồng chất vô trật tự.
Trong cái tháng mà tôi đoán biết rằng tôi sắp lên đường ly hương, tôi xốc xáo tất cả giấy tờ cũ, vì nhiều mục đích. Tôi gặp lại bài thơ bỏ quên nầy, khiến tôi ngồi đó mà hồn đi vắng hằng giờ. Những hồn ma cũ lũ lượt lướt qua trong trí tôi, trong lòng tôi. Một thời quá khứ, một thời xuân trẻ đã qua, chẳng bao giờ trở lại cả. Hồn người xưa đâu rồi?
Nhưng tại sao tôi lại bỏ quên bài thơ nầy? Tôi rất ít cho đăng thơ trên các báo Sài Gòn. Thỉnh thoảng, có dịp gởi Bách Khoa và Văn vài bài lấy lệ thôi. Bài thơ nầy, lại chẳng hay, mặc dầu tôi quí nó lắm. Tôi cất nó thật kỹ, kỹ quá, đến đỗi quên mất nó. Và trước khi đốt bỏ vì không mang theo được, tôi học thuộc lòng, nay chép lại đây, gọi là tưởng nhớ linh hồn một thi hữu vắn số vậy:
VỚI HỒN NGUYỄN NHƯỢC PHÁP
Anh và tôi đều sanh cùng răm
Ta trưởng thành, anh nổi tiếng tăm,
Tôi thì chỉ bắt đầu tập viết,
Thỉnh thoảng làm gan gởi thơ thăm.
°
Đồng niên, tôi mặc cảm học trò,
Ham chường mặt báo, lại cứ lo...
Anh cười, anh chế văn thơ dở,
Tác phẩm xong rồi, giữ bo bo.
°
Sao anh vụt chết? Dốt lý do...... Tôi đành cởi bỏ áo học trò,
Múa lia ngòi bút cùn công chức,
Mơ hão tiếp lời thi sĩ to.
°
Rồi những gì xảy ra sau đó
Chúng đi qua, anh không được rõ
Nơi nơi, chiến tranh bắt đầu nổ
Hơn Đông Chu thịt rơi máu đổ.
°
Tôi làm văn thơ, anh chẳng hay
Tôi qua trăm đắng với ngàn cay
Anh thảnh thơi, Niết Bàn, tiên cảnh
Tôi khóc thì anh lại cười dài.
°
Ngày nay và mãi mãi về sau,
Người đời ngâm vịnh, hát nghêu ngao:
Chùa Hương cô gái nhiều mơ mộng 1
Với chuyện Thủy Tinh hụt vợ giàu 2
°
Nếu có linh hồn anh ở đâu?
Xin về báo mộng kẻ đi sau.
Đi xa? Đi ngắn? Xin cho biết
Để tớ dừng chơn hoặc vụt lao.
°
Anh chỉ làm một lập thơ thôi
Sợ tủi lòng ai đã lánh đời
Tôi xin cũng một tập thơ nhé
Để dành chất xám hiến văn xuôi.
°
Tập thơ anh mỏng, tôi sẽ dày
Mỏng, dày chẳng phải là thơ hay
Miễn sao tả được lòng hai đứa
Anh mến "Ngày Xưa", tôi yêu Nay
°
Đôi ta có khác điều nầy đây
Nhưng cũng gặp nhau cách tỏ bày.
Cả hai hoài cổ rồi khúc khích,
Khóc chơi chốc lát tỉnh mộng ngay
°
Âm dương đôi ngã hỡi người xa
Nhớ anh tôi quyết viết nhiều ra
Bên kia thế giới dù anh điếc
Anh cũng phải nghe Lộc-ba-hoa.
°
Vĩnh biệt từ đây thi hữu ma!
Ngậm câm làm việc tới khi già
Diêm đài, anh chắc không thất vọng
Ai hiểu nhau bằng đó với ta.
Khi đốt mấy tờ giấy đã ngã màu vàng, tôi nghe như là mình hủy diệt cả quá khứ của chính mình, mặc dầu bài thơ chỉ xoàng thôi. Chưa chắc gì khi sang tới xứ người, óc của tôi đủ khả năng trả lại cho bút của tôi những gì mà bút ấy cần sao chép lại. Vậy là có thể mất hết, mất luôn cho đến mãi mãi "Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ? Có giống như mình lưu luyến chăng?" Bổn mươi ba năm đã qua ra, Nguyễn Nhược Pháp ơi, nhưng sao tớ cứ nghe như là mới hôm qua đây thôi, tớ còn vui mừng cầm một bức thơ Hà nội mà chưa dám xé ra đọc. Đó là thời sung sướng nhứt của chúng ta và của bao người khác. Những ánh tuyết của ngày xưa đã tan hết rồi, nhưng nó biến thành nước và tớ nghe như đâu đây vẳng lên tiếng sơn khê róc rách, reo vui mà cũng hạ giọng trầm buồn. Cái thời thập niên ba mươi mà văn thơ của ta lên cao chưa từng thấy đó, với đông đảo nhà văn nhà thơ trong ấy, mà ngày nay hơn hai phần ba đã ra ma cả rồi, còn sót lại những cây bút già nua, tiếc nhớ người cũ một cách hoài công. Vĩnh biệt dĩ váng!
Bài Thơ nửa bước
Đêm ấy, ông Đinh Văn Khai, chủ nhơn của nhựt báo Tiếng Chuông đãi tiệc. Nói đãi tiệc thì hơi quá đáng, mặc dầu bữa ăn đêm đó, cũng là ăn ở cao lâu to có ca nhạc. Dân miền Nam ham nhậu, thì ai có tiền thì thỉnh thoảng mời bạn hữu và thân hữu nhậu nhẹt, tất cả đều không cần ăn, chỉ ham uống và ham nói thôi. Thằng nào mà không tiền như bọn tôi thì được mời, đôi khi lại bị mời nữa, vào tháng chạp ta là bị mời đấy, vì các ông có tiền họ thay phiên nhau mà mời tất niên từ đầu tháng chạp đến hăm bảy tháng chạp, mãi rồi thằng nào cũng phải trốn hết, vì đã ngấy tới cổ.
Khách không đông lắm, trong bữa ăn đó. Chắc chỉ có bốn mươi tám người thôi. Đây là nói phóng mạng, dựa vào lệ mỗi bàn mười hai người. Bốn bàn ăn, được 48 người. Nhưng chắc cũng có người đau ốm, hay trốn vì lẽ gì đó.
Ông bạn Ch. giữa bữa ăn nói lớn cho cả bốn bàn đều nghe:
- Đêm nay ở đây có một thi sĩ lớn nhứt thế giới, ta nên yêu cầu thi sĩ trổ tài vậy.
Người ta đưa mắt rảo quanh coi nhà thơ to ấy là ai? Rất là khó biết. Đến ba nhà thơ có mặt, nhưng xem ra thì họ chẳng lớn bao nhiêu, không lớn trong nước Việt Nam nữa, mà nói lớn nhứt thế giới thì rất khả nghi. Hơn thế có một nhà thơ bị một số anh em không nhìn nhận là nhà thơ. Đó là ông nhà binh Hà Thượng Nhân. Ông quan quân sự nầy được mời, không phải với tư cách sĩ quan, mà với tư cách nhà thơ. Như vậy thì đã chết ai đâu nào, thế mà có người lại xầm xì. Ông ấy biết làm thơ thì gọi ông ấy là nhà thơ, đâu có sai hồi nào. Tại sao cứ đòi thơ phải như thế nầy, phải như thế khác, ở một nơi hoàn toàn không phải là trường thơ thi phú.
- Thi bá đó ai? Một thực khách hỏi.
- Tôi đã trót nói là lớn nhứt thế giới nên ông ấy sẽ không bao giờ ra mặt đâu, phải chỉ ông ấy mới được.
- Yêu cầu chỉ.
Người bị chỉ, chính là Hà Thượng Nhân.
Ai cũng mỉm cười. Hà thi sĩ mỉm cười vì không lẽ lại khóc. Bọn khác mỉm cười là tức cười ông bạn Ch. Ông nầy có một anh con trai đi lính. Ông nhà thơ thì là sĩ quan cao cấp, nhưng mà là sĩ quan ở Sài Gòn, chớ không phải ở mặt trận. Nếu con trai của ông bạn Ch. mà được làm cận vệ của Hà thi sĩ thì tuyệt, khỏi đeo ba lô để trèo đèo lặn suối. Người ta mỉm cười mà nghĩ ngay đến mục đích bốc thơm của ông Ch.
- Nhứt thế giới thật hả? Một tân khách hỏi. Xin giới thiệu thêm.
- Ông ấy làm thơ nhanh hơn Tào Thực. Tào Thực phải đi bảy bước mà chỉ làm được có một bài thơ bốn câu. Thi sĩ của tôi mà đi bảy bước thì thơ sẽ dài hơn nhiều.
- Vậy, âm nhạc yêu cầu đây. Xin Hà tiên sinh gieo vần.
Hà Thượng Nhân cứ ngồi cười, không nói năng gì hết. Ký giả Nguyễn Kiên Giang đã hơi có chén, nói: "Ông ấy mỉm cười, tức là Em chả rồi đó. Yêu cầu ông anh xuất khẩu vậy." Nhưng một thực khách già, và có lẽ cũng đã có chén phần nào, đặt ra trò dè dặt. Ông ấy bảo: "Chưa được. Nhà thơ có thể ăn gian, làm trước vài chục bài, giờ ta xin nghe, nhà thơ sẽ cho băng cát sét chạy, thơ sẽ ra lu bù, thì ta làm sao biết có nhanh bằng Tào Thực hay không?"
Rất nhiều người tán thành cái ý hay nầy. Nhưng khi ai đó đề nghị cụ thể kiểm soát thi nhân, thì chằng có ma nào nghĩ được cách kiểm soát hết. Ký giả Việt Nhân nói: "Ta chỉ biết có ta thôi thì sao được. Phải có sự đồng ý của Hà Đại Nhân mới được chớ." Rồi ông bạn ký giả nầy nói lớn cho mọi người nghe, nhưng chỉ mói riêng với Hà Thượng Nhân: "Tiểu đệ xin tiên sinh nhận lời: Bấy lâu nay nghe tiếng cũng từng khao khát...". Tôi (B.N.L.) đề nghị: "Hà thi nhân sẽ nhận, tôi tin như vậy, nhưng các anh lại đòi kiểm soát mà không đưa ra giải pháp, thì ai sẽ nhận? Xin đề nghị lối nầy: mỗi người trong chúng ta sẽ nói lên một tiếng rồi thì Hà thi nhân sẽ làm một câu thơ trong đó có tiếng ấy. Tôi chờ đợi ý kiến của nhà thơ". Bấy giờ Hà Thượng Nhân mới mở lời: "Thôi thì cũng được. Kiểm soát bằng lối ấy, cũng khá hay". Tiếng vỗ tay nổi lên như pháo Tết. Không ai dè ông thi sĩ nầy lại dám nhận một điều kiện vô cùng khắt khe đến thế.
Ký giả Nguyễn Kiên Giang bắn tiếng súng đầu: "Tôi xướng đây. Xin lấy tên khổ chủ đêm nay làm đầu đề cho câu thơ đầu. Xin xướng: Đinh Văn Khai."
Im lặng hoàn toàn. Chỉ trong chớp mắt thôi. Nhà thơ nói to:
Ông Khai mở tiệc
"Ồ... ồ... ồ... đó là tiếng kêu phản đối. Ai đó, nói rõ to ra:
- Làm thơ như vậy thì quá dễ, ai làm chẳng được. Thơ gì mà: "Ông Khai mở tiệc"?
Ký giả Việt Nhân: "Xuỵt! Im. Thi nhân muốn nói cái gì kia". Quả thật thi sĩ nói chậm rãi, điềm đạm: "Đành rằng câu đầu: "Ông Khai mở tiệc" chẳng hay ho gì hết. Nhưng xin đợi xem các câu sau có dính líu gì đến câu đầu hay chăng. Nếu dính được thì có lẽ tạm chấp nhận được chớ. Có phải thơ hay không nầy. Thử hỏi câu đầu của nào Tào Thực "Củi đậu chụm nấu đậu", nếu đứng riêng một mình nó, có hay gì chăng?"
Vỗ tay tán thưởng. Nguyễn Kiên Giang lại hét to: Trường Sơn! Trường Sơn là bút hiệu của một ký giả hiện có mặt. Nhanh như cắt Hà Thượng Nhân làm câu thơ thứ nhì:
Sơn hải đủ mùi
Thiên hạ lại nhao nhao phản đối. Họ nói: "Ở đây chỉ có Hải mà không có Sơn thì dường cái ý "Sơn trâm hải vị" là không ổn? Bào ngư thuộc về Hải, Vi cá cũng thế. Nhưng chấp nhận câu thơ nầy".
Nhưng Hà Thượng Nhân lại bình tĩnh trả lời: "Món yến xào lấy tột đỉnh núi đá cao xuống, nếu không phải là Sơn thì là gì?" Im lặng giây lát rồi thì đa số tán thành. Nguyễn Kiên Giang lại xướng: Nguyễn Ang Ca. Đó là bút hiệu của ký giả Nguyễn Ang Ca. Còn nhanh hơn lúc nãy nữa, Hà Thượng Nhân nói ngay tức khắc:
Ca hát. Vui tươi
Lại phản đối. Họ nói: "Các cô ca sĩ từ nãy đến giờ, ca toàn các điệu buồn, vậy không có việc vui tươi được". Nhưng ký giả Việt Nhân binh vực thi sĩ: "Chấp nhận được. Đúng là ca sĩ chỉ ca nhạc buồn. Nhưng ta có nghe ca sĩ đâu. Ta chỉ nghe ta thôi. Và không khí ở đây quá vui tươi thật sự." Lại tán thành và đây là tán thành Việt Nhân chớ không phải tán thành Hà Thượng Nhân. Nguyễn Ang Ca lên tiếng hỏi: "Nãy giờ có ai ghi chú gì hay không để xem coi các câu thơ ấy có dính lại hay chăng về ý tứ", hay là một câu đi đường anh, câu khác đi đường tôi" Ai đó, đọc to lên:
Ông Khai mở tiệc
Sơn hải đủ mùi
Ca hát vui tươi
- Được, và tốt lắm. Ông Đinh Văn Khai phê. Tất cả đều dính lại chặt chẽ với nhau. Câu thứ nhì và thứ ba, tả không khí bữa tiệc, thì cũng được lắm đó chớ.
Đến phiên tôi xướng: Hà Thượng Nhân! Và thơ ta tức khắc quả là xuất khẩu thành thi:
Hồng Hà đỏ rực
Nguyễn Kiên Giang bắt bẻ: "Làm gì có sông Hồng Hà ở đây cha nội". Ký giả Việt Nhân giải thích: "Hà là ráng chiều. Ráng chiều là mây chiều bị mặt trời nhuộm đỏ. Được và hay: Cái tiếng xướng là Hà Thượng Nhân là một tiếng xướng khó. Nhưng thi sĩ đã làm tròn nhiệm vụ."
- Nhưng cũng đâu có ráng ở đây? Ai đó lại bắt bẻ.
Việt Nhân chỉ tay vào tấm tường ở đàng xa. Đây là cao lâu Tàu. Tường không treo tranh, nhưng một họa sĩ vô danh nào đó đã vẽ lên tường cảnh "ngũ sắc tường vân". Có ráng vàng, có ráng đỏ. Vậy quả có Ráng hồng đỏ rực thật sự. Ông Đinh Văn Khai lại phê:
- Cả bốn đều tả khí hậu bữa tiệc. Cũng hay đó chớ.
Nguyễn Ang Ca xướng: Bình Nguyên Lộc. Thơ ra ngaỵ:
Lộc nhung rượu cúc
- Rượu cúc là rượu gì? Ai đó hỏi.
Hà Thượng Nhân trỏ chai rượu Tàu trên bàn.
- Nhưng sao lại lộc nhung?
- Nhung là sừng nai non, mà ta cũng gọi là lộc nhung. Trong rượu nầy, họ có thêm hai chất: Sâm và Nhung.
- Đọc lại xem nào, Trường Sơn đề nghị, nhưng rồi chính anh ta đọc, hơn thế, ngâm chớ không phải đọc:
Ông Khai mở tiệc
Sơn hải, đủ mùi
Ca hát vui tươi
Hồng Hà đỏ rực
Lộc nhung rượu cúc
- Tốt lắm, Việt Nhân khen. Không phải dễ làm được như thế đâu nha các tía nội. Phải dính lại như keo sơn mới được. Bời rời như cơm nguội mắc mưa thì không xong. Về kỹ thuật thơ cũng ổn lắm. Câu đầu khai phá. Bốn câu sau, đi vào chi tiết. Thoạt tiên tả tổng quát là Sơn hải đủ mùi. Rồi thì tả khí hậu bằng hai câu Ca hát vui tươi - Hồng hà đỏ rực. Câu thứ năm bắt đầu chi tiết và tả rượu trước hết, đối với tụi mình, món rượu là món chánh.
Tên của người cả bốn bàn đều đuợc xướng lên, và bài thơ nầy, dài ít lắm cũng đtrợc 40 câu. Nhưng thuật giả không nhớ hết vì một phần tư thế kỷ đã qua rồi, thì còn làm sao để nhớ đủ cho được. Tôi chỉ cố nhớ được đến câu thơ thứ sáu thôi. Câu đó là "Bổ thận tráng dương". Dương là tên của một thực khách, do ai đó, xướng lên.
Và đây là sáu câu dựng lại được hôm nay:
Ông Khai mở tiệc
Sơn hải, đủ mùi
Ca hát vui tươi
Hồng Hà đỏ rực
Lộc nhung rượu cúc
Bổ thận tráng dương
Các cụ hay nói đến sự kiện xuất khẩu thành thi, nhưng không ai tin. Mà quả có thật đó các bạn ạ, như ta vừa thấy. Có người lại nói: "Thơ hay hay dở, nào phải do làm nhanh.hay chậm." Đành vậy, nhưng đây chỉ là một trò chơi, chớ không phải là văn thơ thật sự. Trò chơi nầy, rất tao nhã và rất khó chơi: Ai chơi được, ta nên khen họ, đừng làm bộ lên mặt thầy, chê thơ hay, thơ dở. Đã bảo, chỉ là một trò chơi thôi, và ta nên nhìn nó dưới khía cạnh một trò chơi là đủ rồi.
Đời. Số 46, tháng 10.1986
--------------------------------
1 ám chỉ đến bài thơ hay nhứt của Pháp, bài Đi Chùa Hương.
2 ám chỉ đến bài thơ nhì của Pháp, bài Sơn Tinh Thủy Tinh.
Hồi Ký Văn Nghệ Hồi Ký Văn Nghệ - Bình Nguyên Lộc Hồi Ký Văn Nghệ