A lot of parents will do anything for their kids except let them be themselves.

Bansky

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 5
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1841 / 69
Cập nhật: 2021-10-27 16:44:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Ông, Bà Bút-Trà
(Chương ký ức về Ông Bà Bút-Trà có thể là bài viết cuối cùng của tập „HỒI KÝ VĂN NGHỆ" để sau đó BNL bước sang „Hồi Ký về viết báo", và thời điểm viết xong bài nầy có lẽ là khoảng đầu năm 1987, không bao lâu trước ngày nhà văn Bình-nguyên Lộc qua đời. Lời BBT)
Trước năm 1928, thì ở Sàgòn chỉ vỏn vẹn có ba trường trung học công lập, cả ba đều dạy chương trình Pháp, dĩ nhiên là như vậy vì thời đó Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp. Ba trường đó là: Trường áo tím, tên mà dân chúng đặt ra để gọi với nhau. Tên thật của nó là Trường nữ Trung học Nam Kỳ, nhưng bằng tiếng Pháp là Collège des Jeunes filles de la Cochinchine, về sau ông Ngô Ðình Diệm cho đặt tên lại là Nữ Trung học Gia Long. Trường thứ nhì là Trường Sư phạm, chỉ để dành cho con trai, và chuyên luyện thầy giáo. Trường thứ ba cần được nói hơi dài, vì nó là đầu dây mối nhợ gây ra cuộc ly-khai Việt-Pháp. Ðó là trường Chasseloup Laubat (Lycée Chasseloup Laubat) Pháp và Việt học chung. Có học sinh nội trú và học sinh ngoại trú, không mục đích đào luyện cái gì hết, hay nói cho đúng là đào luyện bọn tú tài đủ khả năng vào các đại học Pháp.
Ngày nào học sinh nội trú của trường nầy cũng đánh nhau chí tử. Chắc không cần giải thích dài dòng mà ai cũng đoán biết được đôi bên tham chiến là ai. Ðó là Việt và Pháp. Họ đánh nhau suốt mấy chục năm trường như vậy thì Pháp đầu hàng, đành phải xây cất trường Lycée Trương-Vĩnh-Ký để dành cho học sinh Việt Nam. Chỉ có cậu Việt nào mà là Pháp mũi tẹt mới còn được cho tiếp tục học ở Chasseloup Laubat, còn thì tất cả đều bị đẩy sang Trương-Vĩnh-Ký. Vào năm 1928 thì trường nầy chỉ mới được xây cất có non hai phần ba, chưa có hàng rào, chưa có cây trồng, nhưng trường cứ mở cửa khai giảng: tống cổ mấy thằng An nam mít ra khỏi Chasseloup Laubat sớm chừng nào hay chừng nấy. (Ông hoàng Si-hà-núc thì còn được ở lại với Pháp mặc dầu ông ta không có Pháp tịch).
Cho tới năm 1929 thì tôi mới rời trường tiểu học tỉnh để xuống Sàigòn, cách nhà tôi 30 miles, để theo học trung học. Dĩ nhiên là tôi phải học ở Trương-Vĩnh-Ký. Tôi tự hỏi, nếu không có trường Trương-Vĩnh-Ký, tôi sẽ ra sao vì trường Chasseloup Laubat, lấy học phí và trú phí cao lắm, đến năm mươi đồng mỗi tháng, vượt quá khả năng tài chánh của gia đình tôi. Vào năm 1929 thì 50 đồng là món tiền khá to tác. Ở nông thôn, nhà giàu làm một bữa giỗ thật to mà chỉ phải tiêu có 15 đồng thôi. Tôi có lợi vì nghèo mà vẫn học được bởi trường Trương-Vĩnh-Ký chỉ lấy có 25 đồng. Lợi thứ nhì là khỏi bị Tây đánh. Mặc dầu Tây cũng bị đánh nhừ tử (theo lời chú tôi kể lại), nhưng Tây nó to con, đánh đau hơn ta.
° ° °
Tôi học được vài năm thì đã 17 tuổi. Con trai thuở đó còn khờ, 17 rồi mà chỉ biết học, chuyện đời dốt thấy mồ. Tôi có người anh họ tên là Tô-văn-Giỏi. Anh nầy cũng là con nhà nghèo, nên học trung học tư thục (trường đạo Taberd) được vài năm thì phải bỏ học, vì tư thục cũng lấy học phí rất cao, mà anh ấy học dở nên không thi vào trường công lập được cho đỡ tốn tiền. (Trường công lập chỉ nhận học trò ưu-tú, phải qua lọt một kỳ thi khó-khăn mới được kết nạp, cho dẫu là phải đóng tiền hằng tháng, chưa nói đến các anh thi lấy học bổng thì lại còn phải vượt Vũ Môn, khó-khăn hơn nhiều).
Anh Giỏi ấy bỏ học, ra đời kiếm ăn. (Anh ấy cao niên hơn tôi 10 tuổi) Và anh ấy rơi vào hũ nếp. Anh làm thư ký kế toán cho một bà nhà giàu kia, tên là bà Tô-Thị-Thân. Viết tới đây, kẻ viết bài nầy cần nói ngay là bà Tô-thị-Thân chẳng ai đâu lạ. Về sau bà nầy là bà Bút-Trà, một nhân vật mà bất kỳ ai cũng biết tên, vì bà ấy làm chủ một tờ báo hằng ngày, có một dạo nhiều năm, là tờ báo bán mạnh nhứt ở miền Nam nước Việt. Sở dĩ là tôi phải nêu ngay tên của bà Bút-Trà ra, vì nay bà đã ra người thiên cổ. Tôi có bổn phận để yên người quá cố, nên tôi cần cầu xin sự tha thứ của linh hồn bà. Nhưng trong bài nầy, tôi chỉ khen ngợi bà, chớ không hề nói xấu bà lần nào hết, nên tôi thấy rằng tôi chẳng có phạm tội nào cả đối với một người vắng mặt.
Bà Tô-Thị-Thân là người đàn bà Việt Nam thuộc vào hạng phụ-nữ Việt Nam cao lớn nhứt nước. Bà có đẹp hay không vào thuở đó? Tôi bảo đảm là bà ấy rất đẹp. Nhưng tình-trạng giàu có của bà với lại sắc đẹp của bà thật ra chẳng có gì đáng kể đối với tài tháo-vát của bà mà tôi sẽ kể ra dưới đây.
Bà ấy kết hôn với một ông nhà giàu người Tàu. Ông ấy làm chủ đến hai mươi cơ-sở doanh thương ở Sàigòn-Chợ lớn, cả hai mươi cơ sở đều do bà ấy đứng tên làm chủ chánh thức, ông Tàu kia không thích chường mặt ra, theo thói quen của người Hoa kiều ở miền Nam nước ta. Vì lấy chồng Tàu, nên bà ấy tiêm nhiễm Tàu, mà một điểm là xem bất kỳ người nào mang họ Tô, xem kẻ ấy như là bà con cật ruột. Người anh họ tôi được bà ấy rất tin cậy, chỉ vì anh ấy họ Tô, chớ thật ra thì anh ấy chẳng có tài-cán gì đặc biệt, mà đạo-đức thì cũng chỉ lè-phè vậy thôi. Ðạo-đức ở đây là đạo-đức về mặt phụ-nữ, chớ về mặt tiền bạc thì anh ấy rất tốt, đó cũng là một điều khiến bà Tô-Thị-Thân mến anh ấy thêm. Bà nhà giàu nầy, về sau, khi lấy chồng Việt Nam, đã xây cất biệt thự lớn ở Phú Nhuận, nhưng bà ấy nhứt định tiếp tục sống trong căn nhà liên-kế, tòa soạn của tờ nhựt báo Sàigòn Mới, chớ không chịu dọn về ngôi biệt thự đẹp, vốn bỏ không, chớ không phải là cho Hoa Kỳ thuê đâu. Ấy, đó là một điểm nhiễm Tàu nữa. Người Tàu họ rất ngại đổi chỗ cư ngụ, hoặc dời cơ sở làm ăn của họ đến một địa-điểm khác. Bà mang tục danh là Bà chị Bồn binh, chỉ vì bà bám mãi vào căn nhà thuê trước cái bồn cỏ tròn, nằm giữa tòa soạn của bà và chợ Bến Thành.
° ° °
Vào cái năm mà tôi được 17 tuổi thì báo chí ở Sàigòn đang cạn đề tài giựt gân ăn khách, nên họ moi óc tìm chuyện sensationnelle. Họ đã tìm được: bao nhiêu tờ báo đều đua nhau chửi các tiệm cầm đồ. Ấy, hai mươi cơ sở doanh thương của bà Thân là hai mươi hiệu cầm đồ. Nói là " Ðồ ", là ám chỉ đủ thứ đồ vật, kể cả bàn ghế, nhưng thật ra thì những hiệu nầy, chỉ cần thế nữ trang vàng và hột xoàn mà thôi. Báo chí đưa ra đề tài chủ-lực nầy: " Tiệm cầm đồ hút máu dân, cần phải bị rút lại giấy phép ".
Ta cần bình tĩnh để nghĩ lại. Hỏi vậy mấy mươi người Ấn Ðộ cho vay thật nặng lãi, nặng bằng mười bà Bút-Trà thì sao chẳng ai nói đến, chẳng bị ai chửi là hút máu dân?
Vì thế mà bà Tô-Thị-Thân mới phẫn nộ. Nhưng bà phẫn nộ ngầm, bề ngoài vẫn tươi cười như chẳng có gì hết. Thế mới là ghê gớm. Và bà hành-động còn ghê gớm hơn nhiều. Một hôm bà gọi anh Tô-văn-Giỏi mà hỏi: " Em Giỏi nè, em có biết ông nào viết nhựt trình thiệt giỏi, mà ăn lương rẻ hay không? " Về sau mỗi lần anh em tôi nhắc đến bà Bút-Trà, là chúng tôi không bao giờ quên cái điểm giỏi mà ăn rẻ hết. Thật là đáng tức cười. Bà ấy đứng vào quan-điểm người lái buôn để nói chuyện mà người lái buôn nào cũng thế cả, đòi hàng tốt mà giá rẻ, chớ không riêng gì bà ấy. Mà kể cả khách hàng là ta đây cũng thế, chính ta cũng đòi hàng tốt mà giá rẻ kia mà!
Anh Giỏi tôi rất bối-rối. Anh ấy nào có quen biết với ông nào viết nhựt trình (viết báo) đâu. Nhưng anh vốn được bà Tô-Thị-Thân xem là nhân viên lỗi lạc, nên anh chẳng dám thẳng-thắn thú nhận rằng mình dốt. Anh ấy hỏi bậy một câu để tìm kế hoãn binh.
- Chi vậy, thưa bà chủ?
- Chị muốn lập ra một tờ nhựt trình (ý bà ấy nói muốn ra báo, mở báo) để chửi lại cái tụi đã chửi chị.
Anh Giỏi tôi rụng rời. Không bao giờ mà anh ấy nghĩ đến một chuyện động trời như vậy. Từ bao lâu nay, con buôn nào cũng chỉ hành động có một trong ba cách: Thứ nhứt cắn răng mà chịu đựng khi nào bị báo chí chửi. Thứ nhì hối lộ cho các ký giả viết bài chửi bới. Thứ ba thuê du côn đánh các ký giả đó. Bà Tô-Thị-Thân là người đầu tiên nghĩ ra giải pháp thứ tư. Mà bà là người chẳng viết được câu văn nào cả. Thật là oanh liệt. Hàn Tín đâu có giỏi múa gươm chém ai, thế nên đã phải lòn trôn một tên vũ phu vô lại. Ấy thế mà về sau Hàn Tín đã làm rung chuyển cả nước Tàu. Người oanh liệt là người như thế đó.
- Ðược, bà chủ để em lo cho.
Anh ấy nói liều, nhưng cũng cơ sở phần nào: anh ấy nghĩ đến tôi. Hôm đó là hôm thứ sáu trong tuần. Tôi đang bị bỏ tù trong nội trú, nên chẳng phải là chứng nhân của cuộc đối thoại giữa bà chủ và anh kế toán viên của bà. Tại sao anh ấy lại nghĩ đến tôi? Thuở đó tôi đã bắt đầu ham văn chương lắm, mặc dầu tôi, cũng như bà Bút-Trà, chưa biết viết câu văn nào hết. Anh họ của tôi biết tôi hay tìm chơi với ai nhà văn, nhà thơ. Những nhà văn mà tôi thường tới thăm nhứt là hai người kia. Người thứ nhứt, tên thật là Lê-Hoằng-Mưu, bút hiệu là Mộng-Huê-Lầu. Mộng-Huê-Lầu, không có nghĩa là cái lầu trong đó có những giấc mộng hoa nào hết mà chỉ là mấy chữ trong cái tên thật Lê-Hoằng-Mưu, rút ra, rồi ghép lại đó thôi, cũng như Khái Hưng về sau, chỉ là mấy chữ trong tên thật Khánh-Giư ghép lại. Năm đó Lê-Hoằng-Mưu đã già rồi, không còn viết lách nữa, như nhà văn đang lên là Hồ-Biểu-Chánh. Nhưng Hồ-Biểu-Chánh đang làm quan to, tôi chẳng dám làm quen như với Lê-Hoằng-Mưu là người rất bình dị. Người thứ nhì không có biệt hiệu, tên thật là Trương-Quang-Tiền (chữ Quang, bị nhân viên hộ tịch viết sai thành Quan, thành thử anh ấy suốt đời phải mang tục danh: "Một quan tiền tốt mang đi, anh mua những gì mà tính chẳng ra?")
Anh Trương-Quang-Tiền là một nhân vật mà sự nghiệp đáng được nhắc lại đây. Ðó là người đầu tiên có can đảm mở báo hằng ngày ở tỉnh xa. Ðó là tờ An Hà nhựt báo, xuất bản tại Cần Thơ vào những năm 1920. Non nửa thế kỷ sau, nhà văn An Khê, được sự hỗ trợ của một tỷ phú ở Sàigòn, ông Thành, chủ nhựt báo Tin Sáng, lại đi theo lối mòn của Trương-Quang-Tiền, mà vẫn chẳng thành công gì hơn Trương-Quang-Tiền tí nào cả.
Anh ký giả lão thành họ Trương, năm đó cũng đã thôi viết báo, nhưng còn hoạt động: anh sống về nghề viết tuồng cải-lương tại Sàigòn. Anh ấy là người đồng hương với chúng tôi, nhưng anh Giỏi chẳng phải là bạn đồng tâm với anh Tiền, nên định nhờ tôi tiếp xúc với anh Tiền và Lê-Hoằng-Mưu, hai người có thể chấp nhận "lương rẻ" của bà Bút-Trà, vì một đàng đang thất nghiệp, một đàng thích trở lại nghề báo.
Anh Giỏi là người bảo trợ của tôi. Chẳng biết cái chức gì ấy, nói tiếng Việt là sao, chỉ biết tiếng Pháp mà trường Lycée Trương-Vĩnh-Ký dùng là Correspondant. Bất kỳ học sinh nội trú nào cũng phải có Correspondant trong thành phố mà trường học tọa lạc. Người nầy có quyền lãnh em út ra chơi, ngay từ chiều thứ bảy, thay vì vào ngày chúa-nhựt, theo qui chế của nhà trường. Và chiều hôm sau, anh ấy vào trường rước tôi ra chơi, mà nội đêm ấy, anh yêu cầu tôi cứu anh để anh khỏi mất mặt với bà Tô-Thị-Thân.
Tôi chẳng biết Ất, Giáp vì về báo chí hết, nhưng tôi nhận lời, và hơn thế, tôi đi tìm Trương-Quang-Tiền tức thì. Tôi đâu có dè Lê-Hoằng-Mưu và Trương-Quang-Tiền đã lụt nghề rồi, bị bọn sau vượt quá xa, chẳng giúp ích gì được bà Tô-Thị-Thân hết, nếu hai ông ấy mà nhận lời đi nữa. Nhưng anh Trương-Quang-Tiền lại giúp tôi, bằng cách khác, và nhờ vậy mà hai nhân vật đang tối tăm, hóa ra vang danh một thời: đó là bà và ông Bút-Trà, ông nầy tôi cũng có gặp đôi lần, tại nhà Trương-Quang-Tiền, mà tôi chỉ "Kính nhi viễn chi" thôi.
° ° °
Ông Bút-Trà quê ở miền Trung, giữa núi Bút Sơn và sông Trà Khúc. Thuở đó ông vào Sàigòn, sống như là một ông thầy thuốc du phương. Nhưng ông hay thơ, làm thơ cổ thật đúng niêm luật, còn chữ thì đối nhau chan chát. Văn tài như thế thì cam phận làm thầy thuốc du phương là rất biết điều vậy. Chỉ có tôi là ngớ-ngẩn, tin rằng ông ta có thể viết báo được, nhứt là sẽ đủ khả năng đương đầu với báo chí Sàigòn. Anh Trương-Quang-Tiền cũng ngớ-ngẩn không kém. Anh ấy thích làm thơ Ðường, nhưng dở hơn ông Bút-Trà, thế mà anh ấy cũng tin rằng ông Bút-Trà sẽ làm được việc hơn anh, là người kém thơ Ðường. Thật là một lũ điếc chẳng sợ súng. Dầu sao anh Tiền cũng là người tốt. Riêng anh, anh còn kiếm đưọc tiền trong giới cải lương, còn bạn anh, ông thầy thuốc du phương thì rất ế khách, nên anh nhường cái Rốp lương thấp cho bạn vậy.
Tôi còn nhớ ông Bút-Trà thấy tôi phục ông lắm nên ông có cho tôi sáu câu đối, chẳng biết do ông sáng tác, hay là cóp ở sách nào. Sáu câu ấy, chia ra làm ba cặp như sau:
Ba kỷ Nhan-Hồi, ba kỷ báu
Một đời Bành-Tổ, một đời thừa
Nước non cố diễn tuồng ưu-liệt
Mưa gió đâu lay chí Hộc-Hồng
Ngũ Hồ ký tích Ðào-Công nghiệp
Tứ Hải giao tình Án-Tử phong
Và nhân vật điếc không sợ súng, to hơn cả trong vụ nầy, là chính ông Bút-Trà, ông ấy tin rằng ông ấy thành công, nên sau khi anh Tiền đưa tôi đi tìm ông ấy, nói rõ mục đích của tôi, thì ông ấy nhận lời ngay tức khắc.
° ° °
Tờ hằng ngày mà bà Tô-Thị-Thân muốn cho nó gia nhập chiến trường Sàigòn, để chửi bới, mang tên là Sàigòn Họa báo. Cái tên là như thế, nhưng trên báo, chẳng có bức tranh vẽ nào cả. Và người đứng tên cứ là Bà, chớ chẳng có ông nào hết, y như trong việc doanh thương.
Và điều nầy kỳ lạ hơn hết là bà Tô-Thị-Thân cấm không cho ông Bút-Trà chửi ai cả.
Tôi nói cấm, là nói đúng sự thật. Chính bà Tô-Thị-Thân làm chủ bút thật sự, một trăm phần trăm. Chính mắt bà xem lại bài vở của nhân viên tòa soạn. Chính tay bà chọn bài lai cảo, như thế mãi cho đến ngày tờ báo bị đốt nhà, vào dịp đảo-chánh ông Ngô -Ðình-Diệm. Rõ ràng đó là một người đàn bà oanh-liệt. Và tờ báo bán mạnh là nhờ cả ở bà, chớ ông Bút-Trà chẳng trổ tài được lần nào hết.
Tiểu-thuyết gia Trọng Nguyên, Tổng thư ký tòa soạn của nhựt báo Sàigòn Mới có tâm sự với tôi: "Khi nào bà ấy quá bận về việc khác, bà ấy chỉ-thị cho tôi làm việc, đúng y như bà đã làm. Có tôi, bà cũng cứ thủ vai chánh. Bà chỉ cần tôi về mặt kỹ thuật mà thôi. Tôi chết đi, bất kỳ ai thay thế cũng được, bởi cứ còn bà."
Về sau, tôi đã có tên tuổi rồi, mà tôi đề nghị giúp bà, bà ấy thẳng thắn từ chối. Bà nói một câu khiến tôi phục lăn bà: "Tôi chỉ đăng bài mà chị bán cá có đọc cũng hiểu. Cậu viết khó hiểu, người bình dân không đọc đâu." Thật là chí lý. Và nhờ đường lối đó mà báo của bà có đông độc giả. Việc tặng quà, việc ra báo có màu có mè, quả có giúp thêm cho bà rất nhiều, nhưng đường lối hạ thấp phong độ vẫn cứ giữ vai trò hữu hiệu của nó.
Thiên hạ đều chê bà Bút-Trà, đều chửi bà, riêng tôi, tôi cứ thấy là bà có lý của bà, và cái lý ấy, không là cái lý điên cuồng đâu. Bà là người buôn bán chớ đâu phải là nhà văn hóa. Và người buôn bán ấy cứ tiếp tục giỏi buôn bán, giỏi ngoài thương trường và giỏi cả trong làng báo.
Ở Sàigòn, chẳng ai biết tôi đã quen nhiều với bà họ Tô, vì tôi rất ít tìm cách gặp bà. Vả lại tôi thừa biết rằng bà cũng tránh tôi, vì tôi là nhơn chứng của một thời mà bà không thích ai nhắc tới. Hơn thế có thể nói tôi là kẻ đã đưa bà lên cái địa vị cao sang về sau nầy. Thường thì con người thích nhơn chứng của việc làm phước thiện hay anh hùng của họ, thí dụ thấy họ đã vớt được người chết đuối, chớ không ham bị ai biết quá nhiều về bước đầu không hay của họ, nhứt là họ thích lên cao một mình, rủi ro có ai đưa họ lên cao, tài của họ sẽ bị giảm đi.
Nếu ông Bút-Trà có thật quyền, chắc ông đã cho đăng rất nhiều bài thơ Ðường đúng niêm luật của ông, trong một tờ báo hằng ngày mà độc giả chẳng còn ai biết chữ nho và niêm luật là gì nữa hết.
Thái độ của tờ báo của bà Bút-Trà, cũng rất đáng được nói đến, và tôi tin rằng đó là mưu lược của bà, chớ không phải của ông đâu. Người ta chửi bà, gọi bà là thím Xồi (chồng Tàu của bà có tục danh là chú Xồi). Báo bà trả lời ngắn gọn: " Ừ, tôi tên là thím Xồi thì đã sao kia chớ? Thím ấy có làm hại xã hội bằng những bài vở khiêu dâm chăng? Có nêu gương đồi phong bại tục chăng? " Chỉ giản dị có thế.
Và bà Bút-Trà, theo tôi nghĩ, là người có đức hạnh. Báo ra được một thời gian, thì bà đặt vấn đề với ông chồng cũ một cách đường hoàng: " Tôi không phản bội ba nó (Họ ở với nhau đã có con) nhưng tôi phải nói thật với ba nó là tôi hết thương ba nó, và thương ông làm nhựt -trình, định kết hôn với ông ấy. "
Ông Tàu toát mồ hôi lạnh, không phải vì tình, mà vì chuyện khác. Bà họ Tô lại nói thêm: " Tài sản của vợ chồng ta, do tôi đứng tên hết, nhưng tôi không cướp của ba nó. Vậy, của chồng, công vợ, thôi thì ta chia hai vậy. " Ông chồng cũ bấy giờ mới hoàn hồn và đâm ra mến phục vô cùng người vợ cũ sòng phẳng nầy.
Thế thì nếu là thím Xồi, thì đã sao kia chớ?
Người ta tiếp tục chửi nghề cầm đồ. Báo bà đáp ngắn gọn: " Hằng ngàn người khác cho vay cắt cổ, sao cứ bà họ Tô mà chửi? " Thiên hạ bảo rằng bà quá lì, nên rồi họ thôi chửi. Và bà Tô-Thị-Thân thành công lớn, và cũng có thể nói là thành danh phần nào.
Khi anh Giỏi của tôi, cho bà biết sự thật về vai trò của tôi, bà chỉ thưởng tôi bằng một cái xoa đầu một thằng học sinh 17 tuổi, và cười nói: " Cậu bé nầy tiến dẫn người được việc. " Và chẳng có cho tôi đồng xu nào cả. Về sau lâu lắm, khi đã có cháu rồi, bà bị ông bỏ bê. Ðêm đêm bà thường xuống hiệu ăn Ngân Ðình ở bờ sông ngồi suông một mình, buồn xo. Có lần tôi định bụng tới bàn bà để an-ủi bà nhưng bạn hữu tôi họ ngăn: " Ðừng, sẽ có thằng hiểu lầm, và ngỡ mầy làm thân để xin tiền mụ ấy thì chết mầy. " Tôi nghe lời bạn, nên thôi, và chỉ có vài người là biết bà với tôi xưa kia đã quen nhau nhiều, và chính tôi đã tạo ra bà Bút-Trà, một cách gián tiếp.
Ðó là thời buồn bã nhứt trong đời bà Bút-Trà. Nơi đó, đêm đêm có bàn của Thanh Nam, có bàn của Quốc Phong, v.v... bàn nào cũng đông đảo người trong làng báo hay làng văn. Chỉ có bàn của nhà nữ triệu phú Bút-Trà là vắng teo như chùa Bà Ðanh. Thỉnh thoảng có cô con gái của bà, vợ của một ông tướng hiện đang còn bị cộng sản giam cầm, đến đó với bà, còn thì bà chỉ đơn phưong độc mã suốt nhiều năm trường, cho đến ngày cộng sản về và bà qua đời, trong đơn lạnh, vì con bà, cả hai dòng con đều đã dông mất hết.
Tôi nói là bà Bút-Trà chỉ thưởng công tôi bằng một cái xoa đầu một cậu học sinh 17 tuổi. May là tôi họ Tô, chớ nếu tôi họ Nguyễn, chắc chẳng được thưởng gì hết. Nhưng sự thật là bà Tô-Thị-Thân đã cho tôi rất nhiều, mà mãi về sau tôi mới biết.
Số là sau đó, tôi được nước, nên đi sâu vào làng báo, làng văn, và càng ngày càng đi sâu mãi, cho đến ngày mà tôi có tác phẩm đầu tay để trình làng. Có thể nói mà không sợ sai là chính tôi đã tạo ra bà Bút-Trà. Và ngược lại chính bà Bút-Trà đã tạo ra Bình-nguyên Lộc. Duyên văn là như thế. Bà họ Tô ấy quả đã có công thật lớn với kẻ họ Tô là tôi đây. Về sau, khi tôi đã thành danh, có vô số báo ở Sàigòn phỏng vấn tôi, để biết nguyên động lực nào đã thúc đẩy tôi bước vào làng văn, và vào năm nào. Với mỗi báo tôi đều trả lời mỗi khác, khiến các anh ấy nói với nhau: " Thằng Bình-nguyên Lộc là thằng nói dóc tổ bố, nay nói thế nầy, mai nói thế khác, chẳng còn biết đâu là sự thật nữa. " Nhưng sự thật là tôi đã thành thật với tất cả mọi người. Tại vụt thình lình các anh ấy đâm sầm vào nhà tôi rồi rút giấy, rút bút ra, phỏng vấn ngay và bắt trả lời ngay, không cho tôi kịp nhớ gì hết một cách đích xác, trong khi đó thì các động lực nó lại là cái gì rất là đa nguyên. Trong trường hợp làm việc hối hả, tôi chỉ còn biết nhớ cái gì, nói ra cái ấy, hôm nay trình cái nguyên nầy, hôm sau trình cái nguyên khác, so lại thấy chúng nó chẳng ăn khớp với nhau, nên các anh ấy cho rằng tôi đã nói dối. Hôm nay, nhơn dịp viết một thứ như là hồi ký, tôi mới có đủ thì giờ để mà lội ngược thời gian thật là xa, xa tận thời tôi 17 tuổi, và mới đi tới một cái nguyên chưa hề khai với các bạn bao giờ hết.
° ° °
Viết tới đây, có thể chấm dứt chương nầy được rồi. Nhân vật thứ nhì là ông Bút-Trà, chẳng có dính líu gì đến duyên văn của tôi, tôi có thể không nói đến ông ấy. Nhưng có thể có người muốn biết về ông ấy, thành thử tôi xin thêm một đoạn ngắn.
Sau khi được cái chức ông chủ báo rồi, ông Bút-Trà không còn tới lui với anh Trương-Quang-Tiền nữa, vì quá bận thi hành chỉ thị của bà Bút-Trà hay vì quên bạn cũ thì không rõ. Vì thế mà tôi cũng không còn được gặp ông Bút-Trà nữa cho đến mấy mươi năm sau. Anh Trương-Quang-Tiền thì buồn vô hạn, không phải là anh mong đợi phần thưởng nào đâu. Anh ấy buồn đã mất một thi hữu, chỉ có thế thôi.
Mấy mươi năm sau, tôi mới gặp lại ông Bút-Trà ở một nơi rất là bất ngờ. Trong tứ đổ tường, tôi chẳng dính vào bức tường nào cả. Còn ông Bút-Trà thì nổi danh mê gái, và thích rượu. Nhưng rượu cũng chỉ là gái thôi, vì tụi nó gọi ông là ông anh Bìm-Bịp, cũng như gọi bà là bà chị Bồn Binh. Ông ưa bỏ con chim bìm-bịp vào rượu để ngâm. Người ta đồn rằng uống rượu bìm-bịp thì tráng dương bổ thận. Thế thì rượu cũng chỉ là gái thôi. Trong hai người, chẳng có ai nghiện thuốc phiện cả. Ấy thế mà chúng tôi lại gặp nhau trong một tiệm hút thuốc phiện lậu. Chắc nhiều người còn nhớ ông Tú Nguyễn Ngọc Phương, tục danh là Tú bớ tí (Tout petit - Very Dwarfish), vì ông rất bé người. Ông " nổi danh tài sắc một thì " trong làng báo hằng ngày Sàigòn, sau 1945. Ðến thời ông Ngô-Ðình-Diệm, ông lụt nghề, không làm gì được hết, đói quá, ông bạo gan về quê ở Cao Lãnh (tỉnh Sadec) để bán ruộng, và ông bị cộng sản thủ tiêu với con trai ổng, một đứa bé lên chín. Chị Phương chẳng có nghề ngỗng gì hết, bèn mở một hiệu hút thuốc phiện lậu. Nhà đó hạn chế khách, chỉ tiếp bạn của anh Phương mà thôi. Tôi với ông Bút-Trà gặp nhau ở đó. Ông ấy quên cậu học sinh 17 tuổi rồi. Tôi tránh nhắc lại chuyện xưa, chỉ đọc ba cặp câu đối cũ mà thôi. Thế là ông vồ lấy tôi, hỏi tôi lấy đâu ra ba cặp câu đối ấy. Tôi chỉ cười mà không đáp. Mặc dầu vậy, ông cũng cho tôi là bạn đồng chí, đồng tâm, mặc dầu cả ông lẫn tôi không có ai nghiện thuốc phiện cả. Chúng tôi đến đó để an ủi, giúp đỡ chị Phương.
Và ông đọc thơ Ðường của ông cho tôi nghe. Tôi đọc thơ tự do của tôi cho ông nghe, và ông bắt đầu biết thưởng thức thơ tự do, kể từ cuộc tái ngộ đó mà ông cho là tân ngộ. Ông có biết Bình-nguyên Lộc qua tiểu thuyết và truyện ngắn rồi, nay ông lại biết thêm Bình-nguyên Lộc có làm thơ con cóc. Ðó là thời kỳ mà ông bắt đầu bỏ bê bà. Chị tú bớ tí đã tâm sự với tôi rằng cháu bé Ph. Con gái của anh chị đã phải đi làm vũ nữ để nuôi gia đình, khiến tôi muốn khóc vì thương vong hồn anh tú Phương.
Anh bạn Nguyễn Ang Ca vừa viết ở báo Văn-Nghệ Tiền Phong rằng cộng sản mới lấy tên anh tú bớ tí làm tên một con phố ở Sàigòn. Thoạt tiên, tôi không tin, cho rằng báo V.N.T.P. in lầm, hoặc Nguyễn Ang Ca lấy tin lầm, vì có thể đó là tên của người khác, ông Nguyễn-Thế-Phương, chủ nhân của nhựt báo Thần Chung, vốn là cán bộ nằm vùng. Nhưng tôi nghĩ kỹ lại thì có thể Nguyễn Ang Ca đã viết đúng. Ðó là một trong nhiều mưu lược của cộng sản thế giới. Họ lấy tên Nguyễn Ngọc Phương để đặt tên đường, là lối đính chánh tài tình: " À, tụi bây đồn xuyên tạc là tao thủ tiêu tú Phương hả? Ðâu có, bằng chứng là tao suy tôn tú Phương đây chớ. "
Cộng sản về Sàigòn rồi thì chị tú Phương dẹp tiệm, và ông Bút-Trà với tôi không còn gặp lại nhau nữa. Rồi thì sau đó, tôi và vài bạn hữu lại nghe một tin động trời là ông Bút-Trà nghèo lắm, thèm một tách cà phê mà chẳng có tiền để uống.
Tôi cùng một nhà thơ (xin giấu tên vì anh ấy còn kẹt lại ở Sàigòn) bèn rủ nhau đi thăm ông Bút-Trà. Ông cứ ở căn nhà dùng làm tòa soạn báo Sàigòn Mới. (Tiền bạc của bà, gởi cả ở các ngân hàng và bị tịch thu hết, nên hai ông bà mới nghèo đến thế).
Chúng tôi đến nơi thì một thiếu phụ héo úa và mặc rách tiếp chúng tôi. Bà ấy tự xưng là con dâu của ông Bút-Trà, khiến chúng tôi rất ngạc nhiên. Con dâu của ông bà Bút-Trà đều đẹp và sang. Người nầy là ai? Chỉ biết đó là người độc nhứt ở lại với ông, bao nhiêu người sang khác đều đã dông mất. Bà ấy xin lỗi chúng tôi, và cho biết rằng ông Bút-Trà đã lú-lẫn, chẳng còn nhận ra ai nữa hết. Chúng tôi buồn quá, lặng lẽ thở dài và kiếu từ ra về. Chúng tôi định bụng mời ông đi uống rượu đế và cà phê, nhưng chúng tôi đành phải đi một mình, và thương cho chúng tôi hơn là thương ông Bút-Trà. Vì ngày sau, chúng tôi chắc chắn cũng sẽ lâm vào cảnh ấy. Cái ngày sau ấy không lâu đâu. Một năm sau đó thì bọn cầm bút, tất cả đều thèm một tách cà phê, nhưng chẳng có tiền để mà uống.
Tưởng cũng nên để dành cho nhân vật thứ tư và thứ năm trong bài nầy vài hàng. Ðó là nhà văn Lê-Hoằng-Mưu, biệt hiệu Mộng-Huê-Lầu. Vào năm 1929 đó, Lê-Hoằng-Mưu đã viết được nhiều tiểu thuyết lắm rồi, mà quyển nổi danh nhứt là quyển "Hà Hương phong-nguyệt". Ðó là tác phẩm bị các cụ phê bình thuở ấy lên án là dâm thư. Nhưng nếu ai còn được quyển tiểu thuyết đó trong tay, chắc phải cười bể bụng, không phải là cười tác giả đâu, mà là cười các cụ phê bình. Trong tiểu thuyết ấy chỉ có một chi tiết nầy là "phản đạo đức": một tư chức hiếp dâm một cô gái đẹp. Tác giả chỉ viết ngắn thôi, không tả dài dòng những pha gay cấn trong đó, nhưng vẫn bị lên án như thường. Các cụ phê bình ngày nay, cũng có cụ ham lên án, nhưng 40 năm sau, phong tục thay đổi, chắc thiên hạ cũng sẽ cười các cụ ghê lắm đó nhé.
Lê-Hoằng-Mưu cũng đã qua đời trong nghèo khổ, thiếu thốn, giữa một nếp nhà lá ở ngoại-ô Sàigòn, gần trường Trương-Vĩnh-Ký mà thuở đó được xem là ngoại-ô xa nhứt, vì nó là ranh giới giữa hai thành-phố Sàigòn và Chợ lớn. Hai thành-phố nầy chưa phát triển mạnh như về sau, chưa dính lại với nhau, và vùng ranh giới ấy là vùng hoang-vu. Thuở đó học sinh, chúa nhựt ra chơi thì tám giờ tối phải có mặt tại trường. Nhưng lũ chúng tôi, chơi xong, về trường, không dám về một mình, toàn thể đều sợ ăn cướp, phần nữa lại sợ ma, nên phải tìm nhau, vầy đoàn ba bốn chục đứa thành một đội, mới dám về trường.
Nhân vật thứ năm là anh Trương-Quang-Tiền. Anh nầy qua đời tại Sàigòn năm 1947, tức 37 năm trước ông Bút-Trà. Anh ấy không thọ được như người bạn thơ đã bỏ rơi anh, chắc cũng vì thiếu-thốn thuốc men, nhưng vẫn chết được trong một căn nhà gạch, không thê thảm như nhà văn Lê-Hoằng-Mưu.
Hồi Ký Văn Nghệ Hồi Ký Văn Nghệ - Bình Nguyên Lộc Hồi Ký Văn Nghệ