Reading - the best state yet to keep absolute loneliness at bay.

William Styron

 
 
 
 
 
Tác giả: Lý Quang Diệu
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Little Rain
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 46
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 9908 / 277
Cập nhật: 2015-07-20 15:38:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
40. Chiến Dịch “Đè Nát Lee” Của Umno
ên dưới những trao đổi ngày càng gay gắt giữa Singapore và Kuala Lumpur là cuộc xung đột sâu xa và căng hơn giữa Tan Siew Sin và Keng Swee. Tan toan tính ngăn chặn tiến bộ kinh tế của Singapore, và điều này thể hiện rõ qua việc cấp chứng nhận tiên phong. Ủy ban phát triển kinh tế Singapore (EDB) đã phải trình Kuala Lumpur phê duyệt đơn của các nhà đầu tư tương lai trên hòn đảo này xin được cấp chứng nhận tiên phong, vốn sẽ cho phép họ được hưởng quy chế miễn thuế từ năm đến mười năm. Nhưng trong suốt hai năm nằm trong khối Malaysia, chỉ có 2 trong 69 đơn là được duyệt, một trong hai giấy phép đó lại kèm theo quá nhiều hạn định nên nó gần như một lời từ chối. Để cản trở Singapore hơn nữa, ngày 16/2, Tan công khai khuyên các nhà công nghiệp hãy tham khảo ý kiến chính phủ trung ương trước khi đầu tư vào Singapore nhằm tránh tình trạng “thất vọng và hiểu lầm” do giả định và tính toán sai. Ông ta lại còn nói thêm rằng “các bảo đảm do chuyên gia (ở Singapore) đưa ra không cứ luôn luôn là khả thi”.
Không thỏa mãn với chuyện ngăn chặn chúng tôi, Tan còn muốn chiếm luôn toàn bộ hạn ngạch dệt của chúng tôi. Chính phủ liên bang đặt ra hạn ngạch vải vóc và quần áo may sẵn trong khi họ thậm chí chẳng có xưởng sản xuất nào cả. Trong khi đó, ba nhà máy dệt của Singapore bắt buộc phải giảm bớt gần 2.000 công nhân. Keng Swee nói một cách mỉa mai rằng Singapore đang bị đối xử không phải như một tiểu bang thành viên của Malaysia mà như một đối thủ nguy hiểm cần hạ gục bằng bất cứ giá nào. Chính phủ trung ương muốn sử dụng hạn ngạch của Singapore để thiết lập một công nghiệp dệt may tại Malaysia trong khi lại tước đi cơ hội kiếm lại được việc làm của bao nhiêu công nhân ngành may Singapore đang bị thất nghiệp. Cuối cùng, dưới áp lực tế nhị của Antony Head, Kuala Lumpur đã phải ê chề trả lại hạn ngạch đó cho Singapore. Đến lúc đó thì Keng Swee tin rằng không những chúng tôi sẽ không thể có được một thị trường chung, mà Tan sẽ còn tìm cách thu hút tất cả các đầu tư công nghiệp qua Malaya bất kể các nhà đầu tư muốn gì. Ông ta cảm thấy thất vọng hết sức.
Keng Swee ghi lại điều này năm 1981 như sau:
“Tan Siew Sin đã đích thân quấy rối chúng tôi. Tan rất ghét Singapore và đố kị với ông Lee. Ông ta xem PAP là mối đe dọa cho sự lãnh đạo người Hoa của MCA trên bán đảo (Malaya) và do đó không muốn Singapore thành công. Họ (các Bộ trưởng thuộc đảng MCA gồm Tan và Lim Swee Aun) đã hành động với niềm tin xấu xa. Và đó là lý do tại sao chúng tôi ở lại trong Liên bang Malaysia lâu chừng nào, thì chúng tôi lại càng nghi ngờ tính đúng đắn của những chuyện mình đã làm chừng đó.”
Thế rồi Keng Swee đề cập tới một cuộc nói chuyện giữa ông với Lenard Rist, chuyên viên của Ngân hàng Thế giới đang tư vấn cho các chính phủ Malaysia và Singapore về thị trường chung. Ông này từng khuyến cáo rằng nó phải được thực thi qua các giai đoạn liên tiến.
Keng Swee hỏi: “Giả sử ông ta (Tan) không chịu vào cuộc và thị trường chung không đạt được bước tiến nào – thì điều gì sẽ xảy ra?”
Rist trả lời: “Trong trường hợp đó, thưa ngài Bộ trưởng, không chỉ thị trường chung sẽ bị nguy hiểm; mà toàn bộ khái niệm Malaysia cũng gặp nguy cơ luôn.”
Keng Swee đã tan mộng hoàn toàn. Mặc dù ông đã chống việc chúng tôi tham gia vào cuộc tuyển cử năm 1964 tại Malaya, nhưng giờ đây ông thừa nhận việc đó như chúng tôi, bởi việc đó cho phép chúng tôi tập hợp được dư luận chính trị, một điều có thể hãm bớt những việc làm thái quá của chính quyền trung ương. Ông đã từ bỏ mọi hy vọng hợp tác, không còn mong đợi điều gì tốt đẹp từ Malaysia nữa. Mà ông còn e ngại sẽ gặp những gay go bất tận nữa. Nỗi sầu của ông ta đã khiến Chin Chye quyết tâm tạo một đối trọng với sự độc đoán của trung ương. Sự ác ý của Tan là một trong những lý do chính khiến chúng tôi phải vận động quần chúng trên cùng khắp Liên bang.
Vấn đề chủng tộc đã làm lu mờ mọi điều khác. Trong một kỳ họp của quốc hội liên bang vào tháng 11/1964, Tiến sĩ Lim Chong Eu, đại biểu Quốc hội và là lãnh tụ của đảng đối lập Dân chủ Thống nhất (UDP) trụ sở chính ở Penang, đã bày tỏ lòng ái ngại của ông với tôi về hai vụ bạo loạn chủng tộc mà chúng tôi đã gánh chịu tại Singapore. Ông nói ông cũng đã trải qua chuyện đó rồi. Từ mô tả của ông về những rối loạn tại Penang trong thập niên 1950, tôi nhận ra những gì Albar và những người Thổ Nhĩ Kỳ của đảng UMNO đã áp dụng ở Singapore là một phương pháp đã từng qua thử nghiệm. Cảnh sát và quân đội vây quanh, đồng thời cứ để mặc cho các tay bạo loạn Malay – thường là các nhóm võ thuật (bersilat), bọn ác ôn và các tay găng-tơ được tự do hoành hành. Một khi cuồng vọng đã dâng cao, và có đủ một số người Hoa phản ứng lại, thì ngay cả một người Malaysia bình thường cũng nhập bọn luôn. Khi người Hoa đánh trả, họ liền bị cảnh sát và quân đội dập ngay: luật pháp và kỷ cương được thi hành để chống họ, chứ không phải người Malay. Kết quả là dân chúng trở nên ủ rũ và nhút nhát.
Chúng tôi đã thoát khỏi thế đối đầu với người cộng sản để rồi chạm trán những tay kỳ thị sắc tộc Malay còn tồi tệ hơn. Chúng tôi đã phải tìm cách đối đầu lại guồng máy răn đe thông qua các vụ bạo loạn chủng tộc như vậy, với bao cảnh người Hoa bị giết và bị tật nguyền mỗi khi họ dám cả gan chống lại sự thống trị của người Malay. Chúng tôi quyết định cách phòng vệ hay nhất là liên kết các phe đối lập tại tất cả các tỉnh thành trong Liên bang thành một mạng lưới, để khi bạo loạn nổ ra tại một thành phố lớn sẽ kéo theo bạo loạn tại những nơi khác tới một mức mà cảnh sát và quân đội sẽ chẳng thể nào ứng phó được, và mọi chuyện sẽ trở nên ầm ĩ và lộn xộn. Do đó, chúng tôi tiến hành vận động những người đau khổ có thể cùng nhau gắn bó cho công cuộc chống đe dọa này. Nếu chúng tôi có thể tìm ra những người như thế ở Sabah và Sarawak lẫn ở nội địa, thì người Hoa ở Kuching, Sibu và Jesselton (giờ được đổi tên là Kota Kinabalu) cũng sẽ bạo loạn theo, và bất kỳ dọa dẫm chủng tộc nào của Kuala Lumpur cũng sẽ rước lấy cái họa là làm Malaysia tan rã.
Các vận động của chúng tôi không tránh khỏi bị để ý. Vào ngày 24/4/1965, Tunku đưa ra bài phát biểu rằng mình đang có những kế hoạch để liên kết cánh đối lập lại. Ông biết những người không–Malay đang kết hợp lực lượng để đòi một Malaysia đa chủng tộc, chống lại một Malaysia của người Malay, và ông nghĩ tôi là người cầm đầu. Ông cảnh cáo: “Thế nhưng, dân chúng phải nghiên cứu con người này trước khi trao trái tim và khối óc của mình cho bất kỳ một hành động nào như vậy. Liên hiệp và ông Lee Kuan Yew đã hợp tác với nhau vì Malaysia, nhưng chúng tôi thấy khó có thể tiếp tục được nữa rồi.” Tunku có lý do đúng để lo âu. Các nghị viên đối lập trong quốc hội liên bang đang ngày càng trở nên chột dạ khi nghe thấy những bài phát biểu có tính chất kỳ thị chủng tộc của Albar và các nhà lãnh đạo trẻ của UMNO. Tiến sĩ Lim Chong Eu của đảng UDP ở Penang, hai anh em nhà Seenivasgam của Đảng Nhân dân Tiến bộ (PPP) tại Perak, Ong Kee Hui và Stephens Yong của Đảng Nhân dân Thống nhất Sarawak (SUPP) và Donald Stephens và Peter Mojuntin của Tổ chức Pasok Momogun Kadazan Thống nhất (UPKO) tại Sabah đều có những đề nghị liên kết với PAP.
Tiến trình này xảy ra vào tháng Giêng khi Tiến sĩ Lim, rồi Stephens đến gặp tôi. Chưa có cuộc họp nào trong cả hai lần ấy đạt được trọn vẹn điều gì. Tiến sĩ Lim muốn tôi làm chủ tịch hiệp hội người tiêu dùng của ông để khai sinh ra một mặt trận thống nhất rộng rãi bao gồm tất cả các đảng phái phi kỳ thị sắc tộc tại Malaysia. Tôi từ chối. Nếu chúng ta hợp tác với nhau, điều đó phải được làm công khai, chứ không phải kiểu lập lờ thông qua một hiệp hội người tiêu dùng, bằng không chúng ta sẽ đánh mất sự tín nhiệm. Stephens đề nghị tách khỏi Liên hiệp, bản thân ông cũng từ bỏ chức vụ Bộ trưởng sự vụ Sabah trong chính quyền Liên bang, và cho các thành viên UPKO của ông từ chức khỏi nội các Sabah để chuẩn bị cho kỳ tuyển cử sắp tới của tiểu bang này. Ông muốn PAP hợp nhất với UPKO trước, để giúp ông giành được phiếu của người Hoa tại các thành phố, và do đó đảm bảo cho ông thế đa số trong Quốc hội bang Sabah. Thân sinh của ông là người Úc, mẹ là người Kadazan; ông là một nhà báo to con, lịch sự, ham vui, ông có cả một tờ báo tại Sabah. Ông đã làm tổng ủy viên (chức vụ ở một thuộc địa tự trị tương đương Thủ tướng) cho đến khi gia nhập chính quyền liên bang. Ông là con người năng lực nhất trong số những người Kadazan cùng thời. Nhưng ông lại không quan tâm lắm tới kế hoạch rộng lớn của tôi về một mặt trận thống nhất có sự tham gia của những đảng đối lập khác.
Mặc dù có những bước khởi đầu không mấy thuận lợi, tôi vẫn gửi thư cho các Bộ trưởng:
“Nếu chúng ta để lỡ dịp này, thì có thể phải mất mấy năm nữa chúng ta mới có thể kiếm lại được cơ hội quá tốt như vậy để liên minh các lực lượng trong Malaysia lại được. Mặt khác, việc tiến hành liên minh các đảng phái phi sắc tộc như vậy phải có nghĩa là một sự đối lập rộng lớn của những người không–Malay chống lại khối chính phủ Liên hiệp do những người Malay trong UMNO lãnh đạo. Một khi đã có hô hào về một hiệp ước như thế và một phản ứng dây chuyền đã khởi lên trong tâm trí của mọi người, chúng ta có thể chắc rằng cuộc đấu tranh sẽ nhanh chóng trở nên quyết liệt và rộng lớn.”
Khi UMNO đã cư xử với chúng tôi như địch thủ và rõ ràng sẽ không chịu hợp tác với chúng tôi, thì trì hoãn một quyết định như vậy là lãng phí thời gian. Trong chừng mực có liên quan tới UMNO, cuộc chiến còn tiếp tục, và trừ phi chúng tôi tập hợp được sức mạnh để đối đầu, bằng không UMNO sẽ cứ đi theo con đường của họ.
Vào ngày 12/3, các lãnh tụ đối lập Malaysia đã gặp Chin Chye, Raja và tôi tại Sri Temasek ở Singapore, và lần nữa vào ngày 1/3 ở Nhà khách Singapore tại Kuala Lumpur; tại đây, Stephens đã đến bằng xe công vụ có gắn cờ và một vệ sĩ đi kèm. Chúng tôi nghĩ ông ta khá can đảm để làm việc này, cho đến khi Tunku đưa ra lời phát biểu vào ngày 24/4 lúc chúng tôi suy diễn rằng chính Stephens đã tiết lộ kế hoạch này của chúng tôi cho Tunku biết. Chúng tôi quyết định phải thật cẩn thận và đã cử Lee Khoon Coy cùng Eddie Barker (ông này là bạn cũ của tôi và cũng là người cùng góp vốn trong công ty Lee & Lee, khi ấy đang là Bộ trưởng Tư pháp) đến Sarawak và Sabah để đánh giá tình hình tại những nơi này. Họ trở về và thuyết phục chúng tôi rằng không nên mở các chi nhánh PAP tại Sarawak. Người Hoa ở đây rất khuynh tả y như thời của đảng Barisan tại Singapore; họ cũng đang còn bất mãn vì bị tống bừa vào Malaysia và việc PAP tiếp tay khai sinh ra liên bang này. Tại Sabah, chúng tôi dễ kiếm được sự ủng hộ của người Hoa và mở các chi nhánh tại đây được, nhưng chúng tôi phải hình thành thế liên minh với đảng UPKO của Stephens, một đảng được người Kadazan chiếm đa số ủng hộ. Tôi quyết định không trực tiếp vận động tại Đông Malaysia mà làm việc với các lãnh tụ đối lập hiện tại ở đó. Chin Chye đã mời họ đến Singapore vào ngày 8/5. Stephens vắng mặt, nhưng lãnh tụ của các đảng UDP, PPP và SUPP của Sabah và đảng Machinda của Sarawak có đến dự và cùng ký vào một bản tuyên bố kêu gọi cho một đất nước Malaysia của người Malaysia:
“Một đất nước Malaysia của người Malaysia có nghĩa là một đất nước không vì chủ quyền, sự thịnh vượng và lợi ích của bất kỳ một chủng tộc hay cộng đồng riêng rẽ nào. Một Malaysia của người Malaysia là một phản đề của Malaysia của người Malay, một Malaysia của người Hoa, một Malaysia của người Dayak, một Malaysia của người Ấn hay một Malaysia của người Kadazan, vân vân. Lợi ích chuyên biệt và hợp pháp của các cộng đồng khác nhau phải được tôn trọng và khuyến khích trong khuôn khổ quyền hạn, lợi ích và trách nhiệm tập thể của tất cả các chủng tộc.
Xu hướng ngày càng tăng nơi một số nhà lãnh đạo là công khai kêu gọi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, nhằm lôi cuốn sự ủng hộ, đã khiến họ dần dần đi đến chỗ gần như khước từ khái niệm một đất nước Malaysia của người Malaysia… Nếu dân chúng bị bài xích và kết án là không giữ lòng trung thành chủng tộc bởi họ đã tìm ra cơ sở chung cho hành động chính trị cùng với những người Malaysia thuộc các chủng tộc khác, thì cái tự nhận là mối quan tâm tới một Malaysia của người Malaysia tất sẽ rất đáng ngờ.”
Bản tuyên bố kết luận:
“Một Malaysia của người Malaysia là một cuộc đấu tranh xứng đáng bởi chỉ có một đất nước Malaysia như thế thì mới có được tương lai sáng sủa và đàng hoàng cho tất cả những người Malaysia. Chính trên tinh thần và kỳ vọng này mà chúng tôi, những người ký tên dưới đây, kêu gọi mọi người dân Malaysia hãy ủng hộ công ước này.”
Mặc dù trong suốt thời gian này tôi thường không có mặt, lúc dự Hội nghị thanh niên Xã hội chủ nghĩa ở Bombay, rồi sang viếng thăm Lào và Campuchia, nhưng UMNO vẫn khẳng quyết tôi là kẻ xúi giục đứng đằng sau công ước, và đã tấn công tôi kịch liệt. Albar và tờ Utusan Melayu đã có những lời lẽ buộc tội ngông cuồng hơn. Tức giận vì một bài báo đăng trên tờ London Observer, Albar đã gửi một thư ngỏ đến cho Dennis Bloodworth, phái viên Viễn đông của tờ báo này, vào giữa tháng 4. Thư này được đăng trên tờ Utusan và có đoạn như sau:
“Như ông cũng biết, người Malay đang gặp một thời kỳ khó khăn tại Singapore và giờ đây đang bị đảng PAP áp chế. Lee Kuan Yew đang liên tục thách thức tình cảm dân tộc của họ bằng những tuyên bố khiêu khích, mặc dù vậy, không phải chính người Malaysia đã gây ra những cuộc bạo loạn vào năm 1964. Những cuộc bạo loạn đó là do những kẻ kích động thuộc loại mật vụ, những kẻ thậm chí có lẽ đang ăn lương của Lee Kuan Yew. Chủ tâm của Lee là tạo ra hỗn loạn tại Singapore chính vào lúc mà người Malay đang tụ tập để làm lễ mừng ngày đản sinh của đấng Mohammed, nhằm làm cho thế giới có ấn tượng rằng người Malay đã bị ảnh hưởng của Indonesia.”
Tôi quyết định kiện ông ta vì tội bôi nhọ nhằm chặn đứng những luận điệu quá đáng đó, và các luật sư của tôi đã hỏi ý kiến của một luật sư hàng đầu ở London. Ông này khẳng định đó là một lời phỉ báng, và khi Albar cùng Utusan từ chối xin lỗi và rút lại lời nói, các cố vấn pháp luật của tôi đã đệ đơn kiện họ. Trong các chứng lý của mình, họ giải thích rõ hàm ý phỉ báng nằm ở chỗ muốn nói tôi là một kẻ đạo đức giả, một kẻ thù, một kẻ phản bội đối với quê hương mình, một tội nhân có trách nhiệm đối với các rối loạn và tai biến do bạo loạn, dẫn đến thương tích và tử vong cho dân chúng, và vì đó tôi không đáng là Thủ tướng của Singapore.
Trong vụ kiện này, tôi cho trích một bài của tờ Utusan đăng vào ngày 25/3/1965: “Lee bị buộc tội là kẻ thù của Malaysia và là mật vụ của Indonesia. PHẢI BƯỚC QUA XÁC CHẾT CỦA TÔI TRƯỚC ĐÃ – ALBAR… Tuan Syed Ja’afar Albar, tổng thư ký của UMNO Malaya tối qua đã tố cáo Thủ tướng Singapore, ông Lee Kuan Yew, là kẻ thù của Malaysia và là gián điệp của Indonesia.” Tôi cũng trích một bài đăng vào ngày 27/3: “Albar tố cáo Kuan Yew là gián điệp của cộng sản… Thủ tướng Singapore, ông Lee Kuan Yew, gián điệp của cộng sản và chính quyền Jakarta, có chủ tâm xấu xa là phá hoại đất nước Malaysia và kích cho người Hoa và người Malay chống lại nhau.”
Giờ đây tất cả những lời lẽ ấy đều sẽ được tòa xem xét, nên họ trở nên thận trọng hơn. (Năm 1966, sau khi chia tách, Albar và tờ Utusan đã đồng ý xin lỗi trước tòa thông qua các luật sư của họ và chịu mọi án phí.)
Tôi không chỉ dùng lý lẽ đập vào dã tâm của Albar, mà lời lẽ của tôi cũng còn đạt được sự đồng tình của các nhà lãnh đạo thứ cấp của UMNO. Trước sự sửng sốt của Albar, bí thư UMNO ở Perlis, bang cực bắc của Malaysia, đã nồng nhiệt chào đón lời tuyên bố của tôi, bằng cách nhắc lại lập luận của tôi rằng các đặc quyền dành cho người Malay sẽ chỉ có lợi cho một nhóm nhỏ những người có tiền của, trong khi điều cần thiết là làm sao cho đại đa số người Malay chân lấm tay bùn ở nông thôn gia tăng khả năng kiếm tiền.
Thế rồi Razak đã tấn công tôi về một “phát biểu” tôi chưa từng nói và cũng đã từng phủ nhận một phát biểu như thế – ấy là người Malay không phải là dân bản địa của đất Malaysia. Sau khi cho rằng lời nói như vậy là ác tâm và hiểm độc, ông đã đưa ra tối hậu thư rằng chính phủ Liên hiệp sẽ không làm việc với tôi nữa và “nếu dân chúng Singapore muốn duy trì quan hệ với chúng tôi, họ phải tìm một nhà lãnh đạo khác, một người thành thực.” Hai ngày sau, một nhóm thanh niên UMNO tại Kuala Lumpur đã đốt hình nộm của tôi, và vào ngày 16/5, một nhóm khác đã vây quanh Viện Ngôn ngữ, nơi sắp diễn ra đại hội của UMNO. Họ mang những biểu ngữ bằng tiếng Malay như “Hãy đình chỉ Hiến pháp Singapore”, “Hãy nhốt Lee Kuan Yew lại”, “Bóp chết Lee Kuan Yew ”, và khi Tunku đến, họ la lên: “Hãy nhốt Lee Kuan Yew lại”, “Hãy nhốt Lee Kuan Yew!” Tại cuộc họp, nhiều đại biểu đòi tống giam tôi, nhưng Ismail bảo: "Đây không phải là cách làm việc ở Malaysia. Chúng ta phải hành động theo hiến pháp.” Tunku sau đó đã mô tả phát biểu bị gán cho tôi rằng người Malay không phải dân bản địa là ấu trĩ, mà quên rằng tôi chưa hề phát biểu như vậy bao giờ.
Tan Siew Sin một lần nữa cảnh cáo chúng tôi rằng Singapore không thể tự mình làm việc gì một mình được. “Tôi yêu cầu họ nhớ cho là Singapore không thể tự thân tồn tại được. Ngay cả việc ly khai khỏi Malaysia cũng không thể xóa tan sự thật là chưa tới 1,5 triệu người Hoa ở đó đang bị tràn ngập trong khối hơn 100 triệu người Malay ở khu vực này.” Sau chuyến viếng thăm New Zealand và Úc trở về, tôi đã trả lời rằng chuyện ly khai là không bàn tới nữa, nhưng điều này cũng đã không được lưu ý đến, và tờ Utusan Melayu đã thuật lại rằng vào ngày 24/5, Albar một lần nữa đã hối thúc Ismail có hành động chống lại tôi:
“Nếu Lee Kuan Yew thật sự là một con người, ông ta không nên phát biểu quanh co và nên can đảm nói thẳng ra là ‘Tôi muốn ly khai khỏi Malaysia bởi vì tôi không hài lòng’. Ông ta đã gia nhập vào Malaysia với cái nhìn cảnh giác và Malaysia ngày nay cũng chính là Malaysia mà ông ta đã ủng hộ. Tại sao trước đó ông không phản đối đi? Tại sao tới bây giờ ông ta mới hối tiếc? Tại sao? Albar cao giọng hỏi. Những người nghe ông trả lời: “Bóp chết Lee đi, bóp chết Lee”, và nhiều tiếng khác la lên: “Hãy bắt Lee và ướp hắn như ướp lòng vậy.” Dato Albar mỉm cười một lát rồi trả lời: “Hãy thét to hơn nữa để Tiến sĩ Ismail có thể nghe được sự giận dữ của nhân dân. Tôi muốn chắc chắn rằng mọi người đều nghe thấy sự giận dữ của nhân dân.”
Albar đã sử dụng lại kỹ thuật mà ông ta đã dùng ở Singapore trước thời bạo loạn năm 1964. Ngày hôm sau, tờ Utusan cho đăng một bài trích lời của đảng bộ UMNO ở bang Selangor, tiêu đề của bài là: “Lee Kuan Yew là kẻ thù của nhân dân Malaya”, và một tờ báo khác bằng tiếng Malay, tờ Berita Harian, cũng tường thuật rằng đảng bộ UMNO ở bang Perak đã tố cáo tôi là “mối đe đọa nguy hiểm nhất cho an ninh của xứ sở.” Bọn họ đã hè nhau kích động.
Các cuộc tấn công như vậy đạt tới cao độ khi Tiến sĩ Mahathir bin Mohammad, một nghị viên thuộc đảng UMNO (sau này là Thủ tướng Malaysia), tuyên bố tại quốc hội liên bang rằng PAP “thiên vị người Hoa, theo cộng sản và tích cực chống người Malay”, dựa vào lý do là Singapore vẫn theo chủ nghĩa đa ngôn ngữ trong khi lại đãi bôi với ngôn ngữ quốc gia, và “Tại một số đồn cảnh sát, tiếng Hoa là ngôn ngữ chính thức, và các tuyên bố đều bằng tiếng Hoa.” Các trường quốc ngữ, ông ta nói, bị đối xử tàn tệ trên hòn đảo này, và mãi cho đến gần đây cũng chỉ được dành cho những tiện nghi rất tối thiểu. “Về công nghiệp, chính sách của PAP không chỉ khuyến khích người Malay trở thành những người làm công, mà còn cả việc người Malay không được dành cho những phương tiện để mà đầu tư nữa.” Mahathir phát biểu điều này khi bàn cãi về bài diễn văn của Yang di–Pertuan Agong, quốc vương.
Ngày hôm sau, tôi đã có một bài phát biểu quan trọng nhất trong đời tôi tại quốc hội liên bang trước một cử tọa thù địch và căng thẳng, bao gồm rất đông các nghị viên Malay đã hằng ngày bị Utusan nhồi nhét luận điệu tuyên truyền chống PAP, chống Lee Kuan Yew, chống người Hoa suốt một năm qua. Tôi đề nghị một tu sửa để bày tỏ sự lấy làm tiếc rằng diễn văn của nhà vua đã không xác quyết lại với cả nước rằng sẽ vẫn tiếp tục tiến bước đúng theo hiến pháp dân chủ của mình để hướng đến một đất nước Malaysia của người Malaysia. Tôi trích dẫn: “Chúng ta cũng đang đứng trước những mối đe dọa từ bên trong nước.” Tôi hy vọng Tunku sẽ giải thích ý nghĩa của câu này. Tôi có nói với ông lời đoan chắc như thế này: “Chúng tôi có quyền lợi thiết thân với chủ nghĩa lập hiến, với sự trung thành bởi chúng tôi biết rằng – ngay từ trước khi chúng tôi gia nhập Malaysia – nếu chúng tôi kiên nhẫn, nếu chúng tôi kiên định, hiến pháp này phải có nghĩa là một đất nước của người Malaysia sẽ hình thành.”
Thế nhưng diễn văn của Tiến sĩ Mahathir ám chỉ rằng điều đó có thể sẽ chẳng bao giờ có. Tôi trích những gì ông ta đã phát biểu hôm trước đó nói về người Hoa ở Singapore: “Họ chẳng bao giờ biết đến luật tắc39 Malay và không thể chịu đựng nổi ý nghĩ rằng những người đã bị họ đè quá lâu dưới chân giờ đây sẽ ở vị trí cai trị họ.” Cai trị họ? Tôi đã vạch ra sự khác biệt giữa bình đẳng chính trị và các đặc quyền để nâng cao người Malay về mặt xã hội và kinh tế. Tôi chấp nhận chuyện đặc quyền, nhưng nếu những dân tộc khác của Malaysia không được hưởng bình đẳng chính trị với người Malay, thì không cần gì Sukarno và cuộc chiến đối đầu của ông ta mới bóp chết được chúng ta đâu. Vẫy bản hiến pháp trong tay phải, tôi nói: “Một khi bạn ném cái này vào lửa và nói ‘Thế là xong’, điều đó có nghĩa là bạn đã làm điều đó từ lâu rồi; và lịch sử đã là một tiến trình dài không ngừng nghỉ.” Tôi nói Albar muốn chúng tôi rút lui và phó mặc bạn bè ở Sabah, Penang, Malacca và những nơi khác nữa trên đất Malaysia trong bàn tay sinh sát của UMNO; chúng tôi sẽ không làm như vậy dâu.
Tôi đập tan lời cáo buộc chúng tôi thiên trọng người Hoa. Nếu chúng tôi ủng hộ một Malaysia của người Hoa, chúng tôi không thể lôi cuốn được sự ủng hộ của đa số, bởi người Hoa chỉ chiếm 42% dân số. Nếu tôi cứ đi khắp nơi để nói về người Hoa như những gì Albar đã nói về vai trò là người Malay – “dù ở đâu tôi cũng là người Hoa” – thì điều đó sẽ dẫn chúng ta đi về đâu? Trái lại, tôi luôn nhắc nhở dân chúng rằng: “Tôi là một người Malaysia, tôi đang học tiếng Bahasa Kebangsaan (quốc ngữ) và tôi chấp nhận Điều 153 của hiến pháp (nói về các đặc quyền dành cho người Malay).”
Đã đến phần cảm xúc nhất trong bài diễn văn của mình, trong đó tôi bày tỏ sự thiếu thỏa đáng trong các chính sách của UMNO, nên tôi quyết định phát biểu bằng tiếng Malay. Mặc dù tôi không giỏi tiếng Malay như tiếng Anh, nhưng cũng lưu loát không thua những đại biểu quốc hội không–Malay khác. Tôi nói rằng trong khi tôi chấp nhận tiếng Malay là ngôn ngữ chính thức duy nhất, tôi vẫn không thấy nó có thể giúp nâng cao địa vị kinh tế của dân chúng ở chỗ nào. Điều đó sẽ có nghĩa rằng sản phẩm của người nông dân Malay sẽ có giá hơn, rằng anh ta sẽ được hưởng những mức giá thuận lợi hơn chăng? Liệu anh ta sẽ được hưởng những tiện ích tốt hơn do chính quyền mang lại không? Tôi nói thêm rằng nếu chính phủ Liên hiệp không có những giải pháp đích thực cho các vấn đề kinh tế hiện nay, thì chính phủ không nên bóp nghẹt đối lập. Bởi vì chúng tôi đang có một giải pháp khác, và nó sẽ hữu hiệu: “Trong mười năm, chúng ta sẽ vun bồi một thế hệ người Malay, có học, có hiểu biết về các kỹ thuật khoa học và quản lý công nghiệp hiện đại”.
Tới đây, tôi trích dẫn lời của Tiến sĩ Mahathir đã phát biểu trước đó:
“Dĩ nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng có hai loại người Hoa… những người ủng hộ MCA là những người Hoa đã mấy đời sống và làm việc chung với người Malay và dân tộc bản địa khác, và một loại người Hoa xa cách, ích kỷ, ngạo mạn, điển hình trong số này là ông Lee. Loại người Hoa thứ hai này sống trong khung cảnh thuần túy Hoa, trong đó người Malay chỉ tồn tại ở mức tôi đòi… Đa phần trong số họ chưa từng băng qua đường đê (nối Singapore và bán đảo Malaya). Họ thật ra trước hết là những người Hoa hải ngoại, xem Trung Quốc như là trung tâm thế giới và Malaysia là một xứ thứ yếu rất nghèo.”
Tôi nói tiếp: “Điều đó có nghĩa là gì, thưa ngài chủ tọa? Chúng không phải là những lời thốt ra trong lúc vội vã, chúng được biên soạn, được chuẩn bị và được đọc lên một cách thành khẩn, và nếu chúng ta rút ra những hàm ngụ từ đó, câu trả lời đơn giản sẽ là: Malaysia sẽ không phải là quốc gia của người Malaysia. Tôi nói, có nói như vậy, thì bây giờ chúng ta biết rồi đấy.”
Còn về chuyện người Malay “chỉ tồn tại ở mức tôi đòi”, tôi đã nói rằng chính Tunku thường phát biểu trước công chúng và cũng như trong chỗ riêng tư rằng người Hoa giàu và người Malay nghèo, nhưng tôi đã dùng một số ví dụ đơn giản để làm sáng tỏ một vài điểm, vẫn dùng tiếng Malay. Các đặc quyền và tiếng Malay quốc ngữ chẳng phải là câu trả lời cho vấn đề kinh tế này. Nếu trong số bốn triệu rưỡi người Malay cùng ba phần tư triệu người Iban, người Kadazan và các dân tộc khác nữa, chúng ta biến được 0,3% số đó thành cổ đông trong các công ty, liệu chúng ta có thể giải quyết được vấn đề nghèo đói của người Malay không?
“Làm thế nào để người dân quê Malay tìm được cách bước được vào xã hội hiện đại hóa này? Bằng cách trở thành tôi tớ của con số 0,3% gồm những người có tiền thuê họ lau giày, mở cửa xe chăng?… Dĩ nhiên, có những người Hoa triệu phú, có xe hơi to, có nhà rộng. Tạo ra được vài người Malay triệu phú có nhà cao cửa rộng thì có phải là câu trả lời không? Làm thế nào mà việc thuyết phục một tài xế xe buýt người Malay rằng anh ta phải ủng hộ đảng của giám đốc người Malay (UMNO) và bảo nhân viên soát vé xe buýt người Hoa là phải tham gia vào một đảng khác của ông chủ người Hoa của anh ta (MCA) – làm thế nào mà việc đó cải thiện được mức sống của anh tài xế người Malay và anh soát vé người Hoa vốn đều là công nhân trong cùng một công ty?
Nếu chúng ta cứ đánh lừa làm công chúng tưởng rằng họ nghèo bởi vì không có những quyền dành cho người Malay hay bởi vì các phe đối lập chống lại các quyền dành cho người Malay, chúng ta sẽ đi được tới đâu? Các ông cứ để cho dân chúng nơi làng quê tin rằng họ nghèo bởi vì chúng tôi không nói tiếng Malay, bởi chính quyền không viết tiếng Malay, tất anh ta sẽ chờ đợi một điều thần kỳ xảy ra vào năm 1967 (thời điểm mà tiếng Malay sẽ trở thành quốc ngữ chính thức duy nhất). Lúc tất cả chúng ta đều khởi sự nói tiếng Malay, thì anh ta sẽ có một mức sống khá hơn, và nếu điều đó không xảy ra, thì chuyện gì sẽ xảy ra?Cùng lúc đó, mỗi khi có một thất bại trong chính sách kinh tế, xã hội và giáo dục là các ông quay lại nói, ồ, bọn người Hoa, người Ấn và những dân tộc xấu xa khác đang chống các quyền dành cho người Malay. Họ không chống lại các quyền dành cho người Malay. Họ, những người Malay, đều có quyền, với tư cách những công dân Malaysia, để vươn lên tầm cao trong đào tạo và giáo dục mà các xã hội có tính cạnh tranh hơn, xã hội phi–Malay, đang có. Đó là những gì nên làm, có phải không? Đừng nuôi dưỡng họ bằng thứ lý thuyết ngu dân rằng tất cả những gì họ phải làm là giành lấy những đặc quyền Malay cho một số ít người Malay nào đó và vấn đề của họ sẽ được giải quyết…"
Trong tranh luận chính trị của Malaysia từ trước tới nay, người ta chưa từng được nghe những lập luận như thế, được đưa ra bằng những ngôn từ kinh tế và xã hội rất thực tế, bình dân và bằng tiếng Malay. PAP đã đưa ra công khai những vấn đề cốt lõi và bức xúc, theo một cách thức hợp lý để vạch trần sự phiến diện trong lập luận chính trị của UMNO, rằng bởi vì các nhà lãnh đạo Malay (phần lớn là các nhà quý tộc và tầng lớp ưu tú có học) đã làm việc chung với các nhà lãnh đạo người Hoa (phần lớn là những thương nhân thành công) và các nhà lãnh đạo Ấn (phần lớn là những nhà chuyên môn), nên tất cả đều sẽ tốt đẹp.
Đó là bài diễn văn bằng tiếng Malay có ý nghĩa nhất của tôi từ trước tới nay, và tôi đã phát biểu nó trước cử tọa là những đại biểu quốc hội người Malay, nhiều người trong số họ đại diện cho các vùng nông thôn, và trước đám đông người Malay đứng chật ních ở hành lang. Tôi đã nói mà không hề có bài viết sẵn, và do vậy nó đã gây được rất nhiều ấn tượng cho mọi người. Lúc tôi đang phát biểu, đã có một sự im lặng đến rợn người. Bầu không khí thật sôi động.
Hai mươi năm sau đó, trong dịp kỷ niệm ngày độc lập của Singapore, Eddie đã nói về tôi trong một cuộc phỏng vấn: “Ông đã nói suốt nửa tiếng đồng hồ. Đã có khoảng trên dưới 500 người trong Hội trường và trong hành lang, nhưng bạn vẫn có thể nghe được tiếng cây kim rơi. Tôi nghĩ nếu họ hoan hô được, họ tất sẽ làm. Nhìn lại, tôi nghĩ đó chính là giây phút Tunku và các đồng sự của ông nghĩ tốt nhất là nên để cho Singapore và ông Lee ra đi.”
Đồng sự người Malay trong nội các của tôi, Othman Wok, cũng có mặt ở hội trường. Ông nhớ lại: “Hội trường im phăng phắc và chẳng một ai nhúc nhích. Các Bộ trưởng của chính quyền trung ương thụt người xuống ghế đến nỗi chỉ thấy trán của họ ló lên khỏi mặt bàn. Các nghị viên bình thường thì cứ như đang xuất thần. Họ có thể hiểu được từng lời từng chữ. Đó là một bước ngoặt. Họ đã cảm nhận ra rằng Lee quả là một tay nguy hiểm, một người mà ngày nào đó có thể trở thành Thủ tướng Malaysia.”
Tôi không có những ảo vọng như vậy. Trong một thời gian, rất dài, Malaysia sẽ không thể có một Thủ tướng người Hoa đâu.
Người Malaysia hiện nay không ngờ chuyện tôi, một kẻ được cho là một tên người Hoa mang tư tưởng dân tộc hẹp hòi và quyết chống lại người Malay, lại đang nói bằng tiếng Malay mà không hề có tí âm sắc tiếng Hoa nào như phần đông người Hoa khác vẫn mắc phải. Tôi đã được sinh ra và lớn lên tại Singapore, nói thứ tiếng này từ khi còn nhỏ. Tôi có thể truy ngược tổ tiên của mình đến ba đời đều là người Singapore. Họ đã có những đóng góp lớn cũng không kém gì bất cứ người Malay nào đang có mặt trong hội trường này. Và tôi đang đứng bên cạnh họ, chứ không phải chống họ. Tôi muốn cải thiện số phận của họ.
Tunku và Razak trông có vẻ không vui. Tôi đang chạm trán với họ trên chính mảnh đất Malay của họ và đang tranh thủ sự ủng hộ một cách hòa bình bằng những lý luận trong một cuộc tranh luận công khai. Tôi không phải lo lắng vì những tiếng kêu la lạm dụng và chê bai the thé, ầm ĩ và thậm chí cuồng nộ của họ. Tôi có thể giữ vững được lập trường của mình. Nếu được phép tiếp tục, tôi có thể bắt đầu chinh phục được một số người Malay. Họ có thể thấy rằng trong số các vị dân biểu đội mũ chỏm Haji của những vị đã từng hành hương sang tận Mecca, có những người đang gật gù đồng ý khi tôi vạch ra rằng chuyện đơn thuần lấy tiếng Malay làm quốc ngữ sẽ không cải thiện số phận kinh tế của họ được. Họ cần phải có những chương trình thực tiễn hướng vào các lĩnh vực nông nghiệp và giáo dục.
Bài diễn văn đó đã dấy lên sự bất an nơi các nhà lãnh đạo chính phủ Liên hiệp và các nghị viên đến nỗi, trái với trình tự nghị sự, viên chủ tịch Hạ viện đã quyết định không cho tôi trả lời những ý kiến phản biện. Đó là một đòn trả đũa gián tiếp cho hiệu năng sử dụng tiếng Malay của tôi. Thay vào đó, ông đã mời Razak, thế vào chỗ của Tunku, lên kết thúc buổi tranh luận. Razak tuôn ra một bài diễn văn lê thê đầy những lời cáo buộc: tôi đang tạo ra hỗn loạn và âu lo, những mong để được xuất hiện như một lãnh tụ cứu rỗi cho đất nước. Tôi là một chuyên gia tạo ra những tình huống không hề có. Tôi đã bóp méo sự thực và gieo các mối nghi ngờ trong lòng công chúng. Tôi mưu đồ chia cắt đất nước ra làm đôi – “một Malaysia của người Malay, và một Malaysia của Lee Kuan Yew.” Razak đã cực kỳ cay đắng khi kết luận rằng: “Hố sâu phân cách PAP và chính phủ Liên hiệp giờ đây đã quá rõ ràng. PAP có nghĩa là Chia ly và Hủy diệt.”
Tôi không ngờ diễn văn của tôi đã đóng vai trò cốt lõi trong quyết định của Tunku là cho Singapore ly khai khỏi Malaysia. Mười hai năm sau đó, năm 1977, trong tác phẩm Looking Back (Nhìn lại), Tunku đã viết: “Giọt nước cuối cùng làm tràn ly chính là bài diễn văn của ông Lee Kuan Yew đọc tại Quốc hội, lúc ông ta đề nghị tu sửa ‘ý kiến cám ơn quốc vương vì bài phát biểu của ngài hồi tháng 5/1965’. Ông ta đã đưa ra nhiều vấn đề làm rối loạn sự ổn định tư tưởng của các dân biểu Hạ viện thuộc loại ôn hòa nhất.” Ông gửi tặng tôi một bản, có lời ghi rằng:
“Ông Lee Kuan Yew
Người bạn đã hết mình cho sự thành lập đất nước Malaysia và thậm chí còn hết mình hơn nữa để nó được chia tách.
Với lời thăm hỏi tốt đẹp,
Tunku Abdul Rahman, 26/5/77”
Năm năm sau, 1982, Tunku đã nói với tác giả của một quyển sách về Singapore: “Ông ta (Lee Kuan Yew) nghĩ mình cũng chính thống như tôi vậy trong vai trò một nhà lãnh đạo của Malaya bởi ông ta nói tiếng Malay hay còn hơn cả tôi nữa.” Tôi không nói tiếng Malay hay hơn cả Tunku đâu. Thậm chí có như vậy đi nữa tôi cũng vẫn không phải là người Malay và không thể trở thành nhà lãnh đạo của Malaysia được. Nhưng khi nghe tôi vào cái ngày ấy ở quốc hội, ông nhận ra rằng tôi đã làm cho ngay cả những nghị viên bình thường cũng hiểu được và tán đồng ý nghĩ của tôi. Điều đó là không thể chấp nhận được.
Hồi Ký Lý Quang Diệu - Tập 1 Hồi Ký Lý Quang Diệu - Tập 1 - Lý Quang Diệu Hồi Ký Lý Quang Diệu - Tập 1