Books serve to show a man that those original thoughts of his aren't very new after all.

Abraham Lincoln

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6963 / 228
Cập nhật: 2015-11-09 00:34:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương Xxxiii - Lại Tiếp Tục Viết
ồi kí kết Hiệp định Paris, tôi đã tính sáu mươi lăm tuổi, hoà bình trở lại rồi tôi sẽ nghỉ. Cuối năm 1975, tôi vừa đúng sáu mươi lăm tuổi, nói với một bạn thân:
- Chúng mình già rồi, không nên làm gì nữa, chỉ mong người ta cho mình ở yên để coi những bước thăng trầm trong buổi giao thời.
Bạn tôi đáp:
- Như vậy là tốt nhất.
May mắn là chính quyến thấy tôi đa bịnh và tuổi cao, cho tôi được thong thả. Nghe nói ở Nga, những người già khỏi học chính trị, vì người ta nghỉ tuổi đó nan hoá, mà lại "gần đất" rồi nên chú trọng vào sự huấn luyện bọn trẻ hơn.
Tuy nhiên hai năm đầu, vì đã lỡ có một chút danh, tôi cũng không được nhàn, phải học tập đường lối chính phủ, làm một số bổn phận công dân, dự vài ba cuộc họp với tư cách trí thức yêu nước, hoặc nhân sĩ, và tiếp nhiều bạn văn ở bưng về, ở Bắc vô.
Tôi lại may mắn là khỏi phải lo về gia đình. Vợ tôi, bà họ Trịnh mắc kẹt ở bên Pháp từ 1972 vì phải trông hai đứa cháu nội, vì con tôi đã li thân với vợ, đương xin toà li dị. Một hai tháng sau ngày Giải phóng, liên lạc được với ngoại quốc tôi báo tin nhà cho họ biết, và ít tháng sau tôi cũng được tin bên đó.
Ở bên đây chỉ còn tôi và bà họ Nguyễn. Chị giúp việc nhà xin nghỉ luôn để về quê ở Thừa Thiên làm ruộng. Nhà tôi kêu một đứa cháu, nữ sinh Đại học sư phạm lại ở cho bớt hiu quạnh và tôi yêu cầu nhà tôi ở lại Sài Gòn với tôi tới khi mọi việc ổn định rồi hai vợ chồng sẽ về Long Xuyên luôn cho gần bà con, họ hàng và khi chết khỏi phải xa quê.
° °
°
TIẾP BẠN VĂN - DỰ CÁC CUỘC HỌP
Như một chương trên tôi đã nói, chiều ngày 1.5.1947 tôi mới ra khỏi nhà đi thăm bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, nhưng ông đã cùng gia đình di tản tới đảo Guam rồi từ đó qua Pháp. Cô em ruột tôi và cô Mộng Đơn em nhà tôi cũng ở đảo đó để đợi qua Mĩ.
Tối ngày 3.5, nhà văn Nguyễn Văn Bổng bút hiệu Trần Hiếu Minh, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng Con trâu - và Rừng U minh, hồi giải phóng chắc đương hoạt động tại thành nên lại thăm tôi trước hết, do một bạn văn giới thiệu. Ông ta đã đọc một số sách của tôi, thích cuốn Tô Đông Pha, nên lại làm quen. Người Trung, ngoài ngũ tuần, có học khá, ăn nói thận trọng.
Vài hôm sau, cũng vào buổi tối, nhà văn Nguyễn Huy Khánh cùng với cô Hợp Phố (em Thiên Giang) cũng lại chơi. Tôi quen ông Khánh từ non hai chục năm trước, viết bài tựa cho cuốn Khảo về tiểu thuyết Trung Hoa của ông. Ông là nhà biên khảo, biết chữ Pháp, chữ Hán, nghe nói có nhiệm vụ khá quan trọng trong thời kháng chiến. Về Sài Gòn, ông điều khiển tờ Giải phóng, rồi qua tờ Đại đoàn kết cơ quan thông tin của Mặt trận tổ quốc. Hồi nằm vùng ở thành ông có viết ít bài cho tờ Bách Khoa nên có cảm tình với anh em Bách Khoa, và giúp đỡ cho tôi được ít việc trong buổi đầu sau ngày Giải phóng. Đối với tôi, ông thành thực, cởi mở.
Khoảng một tháng sau, Thiên Giang (theo kháng chiến sau Tết Mậu Thân) từ Hà Nội mới vô, cùng với ông Khai Trí lại thăm tôi, đương lúc tôi đau. Về chí hướng chúng tôi đã xa nhau từ lâu, cho nên gặp nhau tuy niềm nở mà không thân mật.
Tôi không tham dự cuộc mít tinh đầu tiên ở Dinh Độc lập để mừng chiến thắng (không nhớ ngày nào) vì vừa lớn tuổi, vừa đau. Nghe nói có tới nửa triệu người. Phải đi từ một hai giờ khuya, sáu giờ tới dinh, chín mười giờ mới giải tán. Nhiều ông già bị một cơn mưa, mà phải đứng bốn giờ liền, về nhà đau cả tuần lễ.
Sau ngày mít tinh đó, tôi mới lại toà soạn Bách Khoa. Tấm bảng đã bị hạ. Gặp bốn năm anh em, ai cũng có vẻ lo lắng. Họ cho hay từ ngày 2.5, nhiều nhà báo, nhà văn ở Sài Gòn, mỗi ngày lại trụ sở tạm thời của cơ quan văn hoá nào đó ở đường Nguyễn Du, từ bảy giờ sáng tới trưa để xin "chỉ thị" của cách mạng. Họ tự ý tới chớ không ai mời; các cán bộ cách mạng bận việc tíu tít mà cũng chưa có chỉ thị của cấp trên, mặc cho họ ngồi đó, sau đưa cho họ tờ giấy bảo họ ghi những hoạt động của họ trong thời Diệm, Thiệu. Ngồi không suốt một tuần, họ chán, lần lần không tới họp nữa. Họ có mặc cảm tội lỗi.
Trước ngày Giải phóng tôi đã bị chứng nước tiểu đục, đi tiểu buốt, bác sĩ Phiếm trị không hết hẳn, mà da qui đầu co lại muốn bít lỗ tiểu. Sau ngày Giải phóng tôi nhờ bác sĩ trẻ Nguyễn Chấn Hùng, độc giả của tôi trị cho. Cậu ấy cho là tại da qui đầu cả, cắt đi, cho uống ít thứ thuốc nữa, hết luôn.
Trong thời gian trị bệnh, hội Nhà văn Giải phóng Sài Gòn - Gia Định mời tôi dự buổi bầu Ban chấp hành, tôi không dự được.
Một hôm đi mua thuốc, tôi gặp ông bà Trần Thúc Linh, ông lái xe hơi, thấy tôi vẫy tôi lại đưa tôi về nhà. Tôi thấy ông bà đều có vẻ buồn, đoán được lí do, nhưng không hỏi. Mấy năm trước Giải phóng, ông hoạt động ngầm cho cách mạng, bị chính phủ Thiệu giam hai lần; một người con trai của ông tên Chương, đương học Y khoa, ra bưng một hai năm rồi về, ít lâu sau bị giết một cách tàn nhẫn: xô hay liệng từ từng lầu thứ ba trường Y khoa xuống đất, chết tức thì. Cái chết đó làm ông đau xót. Ngày đưa đám cháu Chương - cháu rất mến tôi - trông thấy tôi, ông nức nở khóc ròng, tôi không hiểu nước mắt ở đâu ra nhiều thế.
Giải phóng rồi mà ông buồn, ít nói, chắc có nhiều tâm sự. Ít lâu sau, tôi thấy ông trong danh sách Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh. Năm kia (1978), bà Linh xin qua Pháp thăm con, đợi cả năm mới được phép. Ông ở lại Sài Gòn với người con út, cũng ở trong Mặt trận Tổ quốc. Tháng 3.1980, tôi hay tin ông đứt mặch máu, tê liệt nửa người, mê man một tuần, ở trong Bệnh viện Thống Nhất, như ông Nguyễn Ngọc Thơ trước kia. Bệnh viện Thống Nhất trị cho ông gần hết, ông xin qua Pháp trị tiếp. Hiện ông ở Pháp. Ông ham hoạt động, có sáng kiến, có đởm thức, có nhiệt tâm, ăn nói rất hoạt bát.
Tháng 6.1975, cô Cao Thị Quế Hương trong Ban Trí vận khu Sài Gòn - Gia Định dắt Nguyễn Kim Thản, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Hà Nội lại thăm tôi. Nói chuyện với nhau khoảng một giờ về vấn đề giữ cho tiếng Việt được trong sáng. Tôi tuyên bố rằng đã thôi nghiên cứu về Ngữ pháp hơn mười năm rồi, lúc này chỉ đọc Trung triết thôi, và bảo ông nên tìm thăm ông Trương Văn Chình và bác sĩ Trần Ngọc Ninh, hai người này biết nhiều hơn tôi về Ngôn ngữ học.
Vài tổ chức Văn hóa mời tôi dự các buổi diển thuyết, tôi đều không dự được.
Tháng bảy, Hội Nhà văn Giải phóng mời tôi dự một cuộc toạ đàm với hai cán bộ Văn hoá cao cấp ở Bắc vô: Thứ trưởng Hà Huy Giáp và thứ trưởng Hà Xuân Trường. Chỉ có năm nhà văn ở Sài Gòn được mời: Vũ Hạnh, bà Phương Đài, Nguyễn Ngọc Linh mà tôi là nhà văn duy nhất không nằm vùng.
Tôi lớn tuổi nhất, đưa ý kiến trước hết, yêu cầu chính quyền vạch rõ đường lối văn hóa của Bắc, giải toả nỗi thắc mắc và lo ngại của cả ngàn nhà văn trong Nam - như trường hợp nhà văn Bình Nguyên Lộc - và nên cho họ biết sớm có thể dùng họ được hay không, nếu không thì họ kiếm cách khác mưu sinh.
Ông Hà Huy Giáp có vẻ cởi mở, bảo cứ phục vụ nhân dân là đúng đường lối của chính phủ rồi; nhà văn nào cũng được tự do phát biểu ý kiến, tự do sáng tác theo cảm nghỉ của mình, và những nhà văn như Bình Nguyên Lộc - có lần thách đố học giả miền Bắc - nên yên tâm, đừng có mặc cảm gì hết.
Chính quyền theo chính sách đoàn kết và khoan hồng mà! Ông nói thêm: "Dĩ nhiên, những tác phẩm nào không hợp với chủ trương của chính phủ thì chính phủ không dùng".
Ông phàn nàn rằng cán bộ văn hóa Sài Gòn đã đốt nhiều sách viết về văn thơ của ta, cả nhiều bộ tự điển nữa.
Tôi hỏi ông: "Trong bộ Văn học Trung Quốc hiện đại, tôi chê cuộc cách mạng Văn hóa 1966 của Mao Trạch Đông, ông nghỉ sao?". Ông đáp: "Tôi không biết cuộc cách mạng đó ra sao, nhưng Trung Hoa có đường lối Văn hóa của Trung Hoa, mình có đường lối Văn hoá của mình".
Sở dĩ tôi hỏi vậy vì hồi đó, Sở Thông tin Văn hoá thành phố đương kiểm duyệt những tác phẩm của tôi. Kết quả là họ không cấm một cuốn nào của tôi cả, như một chương trên tôi đã nói, chỉ bảo bộ Văn học Trung Quốc hiện đại còn phải xét lại (rồi họ im luôn); còn cuốn Bài học Iraël thì họ chỉ khuyên các sạp sách cũ đừng nên bày bán. Lần đó họ cấm toàn bộ tác phẩm của 56 nhà văn trong Nam mà họ cho là phản động hay đồi truỵ.
Tháng 8.75, Đại hội trí thức yêu nước ở Nhà hát thành phố (Quốc hội thời Thiệu), tôi được mời dự với tư cách nhân sĩ thành phố. Hai người dìu cụ Trần Tuấn Khải bước lên bàn chủ toạ trên sân khấu. Cụ ngồi yên, trước sau chỉ nói một câu đại ý: "Tôi đã tám mươi tuổi rồi, nhưng thực ra tôi chỉ mới một tuổi, mới sanh ngày Giải phóng". Cử toạ im lặng, cảm động hay buồn cho cụ? Ít tháng sau cụ làm bài "Mừng anh khoá về" đăng trên tờ Văn nghệ 13.9.75. Không ai để ý tới bài đó cả. Cụ lẩy bẩy đứng vậy ngó hình Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trổi bản Quốc ca. Nghe nói mãi năm ngoái chính quyền mới trợ cấp cụ mỗi tháng 150đ.
Khi nghỉ để giải khát, tôi về trước.
Hai tháng sau, có Đại hội Văn nghệ thành phố cũng hợp tại Nhà hát thành phố, để giới thiệu các hội viên trong đợt đầu, toàn là những văn nghệ sĩ nằm vùng tôi không hề biết tên. Nhà văn Lý Văn Sâm mời tôi phát biểu ý kiến, tôi từ chối, ông ta có vẻ thất vọng.
Trong Đại hội đó tôi ngồi cạnh nhà văn Thiếu Sơn Lê Văn Sĩ, tác giả cuốn Phê bình và Cảo luận mà tôi đọc từ đầu thế kỉ. Hồi làm việc ở Sở Thuỷ lợi Sài Gòn, tôi biết ông có họ xa với bên ngoại của tôi (ông quê ở Đoan Loan), làm việc ở Sở Bưu điện Gia Định, nhưng không có dịp gặp nhau. Mập, lùn, lớn hơn tôi vài tuổi, có bệnh huyết áp cao. Ông khen tác phẩm và bài báo của tôi, bảo: "Ở trong khu bị chiếm và viết được như vậy - ông muốn nói: tôi can đảm, thẳng thắn chỉ trích chính phủ - là được lắm".
Hồi trẻ ông theo đảng SFIO của Pháp, thời kháng chiến ra bưng ít lâu; thời kháng Mĩ theo Mặt trận giải phóng rồi ra Bắc được chính phủ ngoài Bắc cho qua Pháp "tham quan" một thời gian; giải phóng rồi trở về Sài Gòn, làm một nhân sĩ. Tôi hỏi ông sẽ viết lách gì những không, ông mỉm cười, đáp:
- Thời trước mình viết, nguỵ nó bỏ tù mình cũng không sao; bây giờ viết để cho cách mạng bắt giam mình thì kì quá, mà lại kẹt cho họ nữa.
Tôi cười, quí ông là người hiền lương, thành thực, có tư cách.
Hai năm sau ông mất vì đứt mạch máu. Trong hai năm đó, tôi chỉ thấy ông viết vài bài ngắn, một đăng trên tờ Sài Gòn Giải phóng vào cuối 1975, đại ý là: muốn đoàn kết thì đồng bào miền Bắc nên bớt mặc cảm tự cao đi, còn đồng bào miền Nam nên bớt mặc cảm tự ti đi.
Đọc bài đó, tôi viết thư cho ông bảo: "Không biết đồng bào Bắc có bớt được chút mặc cảm tự cao nào không, chứ người miền Nam rất ít ai còn mặc cảm tự ti".
Ông không đáp, nhưng khoảng một tháng sau ghé toà soạn của Bách Khoa, nói với Lê Ngộ Châu: "Anh Lê không làm cách mạng nhưng đáng quí hơn nhiều người làm cách mạng".
Chính ông dắt ông Như Phong, giám đốc Nhà xuất bản Văn học Hà Nội lại thăm tôi. Tôi tặng ông và Như Phong mỗi người vài cuốn biên khảo của tôi. Như Phong hỏi tôi có tác phẩm nào có thể in hoặc in lại thì đưa cho ông coi. Tôi đưa cho ông cuốn Đông Kinh nghĩa thục, cuốn Chiến Quốc sách mà ở Bắc chưa ai viết, với tập bản thảo Tôi tập viết tiếng Việt. Ông trở ra Hà Nội, một năm sau không có tin tức gì cho tôi cả, tôi viết thư đòi tập bản thảo, nửa năm sau nữa ông mới trả.
Cuối năm 1975, chính quyền phát động phong trào thống nhất tổ quốc. Nhà văn Nguyễn Đỗng Chi, tác giả cuốn Cổ văn học sử, lại thăm tôi, xin tôi viết một bài về vấn đề thống nhất để đăng trong một tạp chí nào đó. Tôi từ chối, lấy cớ là đau và không có tài liệu lịch sử. Giá tôi có viết thì cũng uổng công vì tạp chí ông nói đó sau không thấy ra.
Cũng vào khoảng đó, Đào Duy Anh ở Hà Nội vào, tìm tôi. Hôm đó, khoảng bảy giờ, tôi đang ăn sáng thì một ông già tóc râu bạc phơ, mập, lùn, to xương đứng ở ngoài sân nhìn qua cửa sổ có lưới sắt hỏi tôi.
- Ông Nguyễn Hiến Lê có nhà không?
Tôi không biết là ông, mà không muốn tiếp người lạ, nên đáp:
- Không, ông ấy về Long Xuyên rồi. Chưa biết bao giờ về.
Ông ta quay ra. Ít bữa sau ông trở lại, gặp nhà tôi, xưng danh, nhà tôi cho tôi hay, tôi ở trên lầu xuống tiếp liền.
Hỏi nhau về gia đình, hoạt động văn hóa của nhau, rồi nói chuyện thời cuộc. Ông khuyên tôi nên coi các cán bộ ở bưng về như con cháu mình, tìm hiểu họ chứ đừng trách họ. Họ gian lao chiến đấu cả chục năm, thành công thì tất nhiên muốn được hưởng lạc, muốn được nắm quyền và tin chắc rằng chính sách của họ đúng, phải có tin như vậy mới làm việc được. Họ ít được học, không có kinh nghiệm hành chánh, cho nên phải dò dẫm Khi ra về ông hỏi con trai tôi ở đâu, tôi đáp làm kĩ sư ở Pháp, ông bảo: "Tốt, Pháp là một nước văn minh".
Tôi hỏi ông:
- Làm sao anh biết tôi mà lại thăm?
Ông đáp:
- Tôi vô đây kiếm tài liệu viết về trí thức tiến bộ miền Nam. Khi tới Huế tôi đã nghe nhiều người nói về anh; tới Nha Trang Quách Tấn khuyên tôi vào Sài Gòn nên lại tìm anh; sau cùng tới Sài Gòn, Phạm Văn Diêu bảo nên lại thăm anh trước.
Năm đó (1975) tôi gặp ông một lần nữa, tặng ông ít cuốn sách, ông tặng tôi cuốn Tự điển Truyện Kiều (viết công phu) soạn xong đã lâu, đưa nhà xuất bản, bị họ dìm cả chục năm, sau nhờ thủ tướng Pham Văn Đồng can thiệp, họ mới in cho. Sách mới phát hành mấy tháng đã hết.
Năm sau ông lại vô Sài Gòn, chúng tôi gặp nhau vài lần.
Năm 1978 ông trở vô một lần nữa, tôi mời ông ở lại chơi ít ngày, được biết rõ ông hơn. Ông ân hận rằng có hồi làm chính trị, thất bại, tự xét kĩ không làm chính trị được, nên chuyên về Văn hoá. Ông ngại rằng hai ba chục năm nữa, kinh tế vẫn chưa tiến được, và xã hội chủ nghĩa vài trăm năm nữa cũng chưa xây dựng xong, mình sẽ bị phương Tây bỏ lùi lại sau rất xa nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ.
Năm ngoái (1979), ông lại vô Sài Gòn, ở sáu bảy tháng, nhưng tôi bận việc nên ít có dịp gặp ông. Ông mất một lá phổi, một vai xệ xuống, hơn tôi bảy tuổi mà còn mạnh quá: nói chuyện suốt ngày được, ngồi nghe ông tôi thấy rất mệt. Ông mượn tôi ít cuốn sách Trung Hoa về Hàn Phi và bản thảo tôi viết về Hàn Phi để kiếm tài liệu.
Tôi đọc được một tập Hồi kí khoảng 50 trang đánh máy, chép lại những hoạt động chính trị và văn hóa của ông từ hồi trẻ (thời dạy học) đến năm 1970. Cơ hồ ông muốn minh oan rằng suốt đời ông trung thành với cách mạng. Ông viết được khoảng bốn chục tác phẩm (kể cả những tập chưa in, như dịch Đạo đức kinh, Thi kinh, dịch Thơ Đường), chuyên khảo về sử, hiệu đính văn thơ Nôm (Kiều, Hoa Tiên), và nghiên cứu về chữ Nôm. Ông đào tạo được ba nhà biên khảo về sử: Hà Văn Tấn tác giả cuốn Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Phan Huy Lê tác giả cuốn Lam Sơn khởi nghĩa, và Trần Quốc Vượng, người soạn chung với Vũ Tuân Sán cuốn Hà Nội nghìn xưa. Ông là học giả siêng năng, có uy tín nhất ở Bắc. Hè năm 1981, ông vô Nam nữa, ở 5-6 tháng, đi thăm Rạch Giá, Long Xuyên, ghé chơi tôi một ngày. Trong lúc tậm sự, ông tỏ vẻ buồn về thời cuộc, hy vọng có sự thay đổi lớn; và bảo rằng đọc tác phẩm của tôi ông càng thấy thích, thèm một cuộc đời viết văn tự do, độc lập như tôi. Chính ông đã sống một cuộc đời như vậy khi mở nhà xuất bản Quan Hải tùng thư còn bà thì mở tiệm sách ở Huế. Ông tiếc thời đó chăng?
Quê ông ở làng Thanh Oai (Hà Đông), hồi nhỏ học ở Thanh Hoá, rồi Vinh, sau dạy học ở Quảng Bình, bà con một vị tổng đốc ở Huế cũng có một thời dạy học. Con cái thành tài hết. Em ruột ông có vài người làm cán bộ cao cấp.
Mấy năm sau 1975 tôi còn gặp non mười nhà văn và học giả miền Bắc như Vũ Tuân Sán, bạn học trường Bưởi của tôi, có cử nhân luật, thông chữ Hán, chuyên khảo về danh nhân và bia Hà Nội; Thạch Giang, nghiên cứu chữ Nôm và Truyện Kiều; Hoàng Phê soạn Tự điển Việt; Hướng Minh, bạn học trường Bưởi, dịch sách Pháp và viết báo v.v
Có vài người ngỏ ý muốn lại thăm tôi, nhưng tôi nhờ bạn từ chối khéo cho. Ai lại thăm tôi cũng niềm nở tiếp nhưng không đáp lễ ai cả.
Xét chung, các học giả miền Bắc có cảm tình với tôi, chính quyền đối với tôi cũng có biệt nhãn. Sở Thông tin Văn hoá Thành phố coi tôi như một nhân sĩ; Ban Tuyên huấn Thành phố có lần phái một nhân viên lại thăm tôi, nghe tôi sức khoẻ mỗi ngày mỗi suy, nhân viên đó đề nghị giới thiệu tôi để vào điều trị ở bệnh viện Thống Nhất (bệnh viện cho hạng cán bộ cao cấp, nhiều máy móc và thuốc men nhất thành phố). Tôi từ chối, tự xét bệnh chưa nặng có thể điều trị ở ngoài được.
Khi nhân viên đó ra về rồi, ông Đào Duy Anh hỏi tôi:
- Người ta săn sóc sức khoẻ của anh như vậy mà sao anh tỏ vẻ lơ là?
Tôi đáp:
- Tôi có công gì với cách mạng đâu mà vô đó nằm? Hưởng một ân huệ mà mình không đáng hưởng, tôi cho không phải là phúc. Vô đó người ta gọi tôi là đồng chí tôi sẽ mắc cỡ, chịu không nỗi. Tôi chỉ mong được sống yên ổn, không ai nhắc tới tôi, không ai nhớ tên tôi nữa.
Khi có phong trào vượt biên rầm rộ, có tháng 65.000 người bỏ quê hương. Cơ quan cho người lại dò xét xem tôi có ý định đi ngoại quốc không và khuyên tôi đừng nên đi đâu cả. Tôi bảo họ: "Nếu tôi muốn đi Pháp thì đã đi từ lâu rồi vì tôi có đủ điều kiện để đi theo cách chính thức".
Tôi biết thái độ của chánh quyền đối với hạng nhà văn miền Nam mà họ gọi là "Tiến bộ" như tôi. Cứ yên ổn sống, đừng thắc mắc gì cả, vài ba năm xuất hiện một lần trong một cuộc hội nghị nào đó, chẳng cần đưa ý kiến, hoặc viết một bài báo dài ngắn gì cũng được, ngắn thì tốt hơn, vô thưởng vô phạt, để tỏ rằng mình còn ở trong nước và hợp tác với chính quyền, như vậy là được rồi; còn đường lối chính trị, kinh tế, văn hóa đã có chủ trương của cấp trên.
° °
°
Năm 1976, tôi lại khạc ra máu như năm 1954, mới lên Sài Gòn, nhưng lần này nhẹ hơn. Tôi uống đọt chùm ruột hai lần thì hết. Bác sĩ Liêu Thanh Tâm rọi phổi, chụp hình quang tuyến, so với năm 1954 thấy không tăng, nên tôi chỉ cần nghỉ ngơi và uống thuốc bổ. Bác sĩ Trần Ngọc Ninh hay tôi đau lại thăm và giúp đỡ vài việc.
Nhờ có bệnh đó tôi xin phép miễn dự Đại hội Văn nghệ thành phố thảo luận về đường lối văn nghệ. Hội họp làm ba đợt, mỗi đợt khoảng một tuần, cho vài trăm nhà văn. Các nhà biên khảo dự đợt đầu, rồi tới các thi sĩ, tiểu thuyết gia v.v Gọi là thảo luận, chứ thực ra Uỷ ban của Hội đem ra mổ xẻ tác phẩm một số nhà văn, có ý mong họ tự kiểm thảo. Đa số nhà văn trách Uỷ ban không hiểu hoàn cảnh của họ: ở dưới chế độ kiểm duyệt của chính phủ Thiệu không thể muốn viết gì là viết được. Một vài nhà văn còn can đảm nhận rằng đã viết những tác phẩm mà cách mạng gọi là đồi truỵ, nhưng như vậy không phải là tội lỗi: những truyện đó tả đúng xã hội thời đó, và ở trong xã hội nhà văn có hoá đồi truỵ cũng là chuyện thường.
Rốt cuộc ba tuần kiểm thảo chẳng đi tới đâu, so với phong trào chỉnh huấn ở Bắc năm 1953 thì dễ dãi, cởi mở hơn nhiều, mà đa số nhà văn Nam có thái độ đàng hoàng hơn.
Nhưng sau đó cũng có khoảng hai chục nhà văn bị đưa đi "cải tạo tư tưởng", một số được thả về sau ba bốn năm như Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu, Tạ Tị, một số chết trong trại như Nguyễn Mạnh Côn, hoặc gần chết mới được thả về, tới nhà vài ngày thì chết như Hồ Hữu Tường, Vũ Hoàng Chương (Vũ bị giam ở Chí Hoà, khỏi phải đi trại cải tạo), hiện (1981) còn một số ít chưa được về như Duyên Anh. Võ Phiến, Lê Tất Điều, Nguyên Sa qua Mĩ trước ngày giải phóng; Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan cũng đã đi từ lâu.
Suốt một năm rưỡi từ 5/75 đến cuối thu 76, tôi sống tương đối thảnh thơi: sách của tôi được phép bán, và nhiều người, cả Bắc lẫn Nam, mua; giá mỗi ngày mỗi tăng như cuốn Đắc nhân tâm: năm 1975 giá 2đ thì năm 1981 giá 50đ ở chợ sách cũ. Năm 1983 giá 300đ. Tôi không làm gì cả, nằm nhà dưỡng sức, vài ba ngày lại toà soạn Bách Khoa cũ một lần để gặp lại bạn văn (ngày nào cũng có 5-6 anh em cầm bút lại đó tán gẫu); rồi dạo khu chợ trời từ đường Lê Lợi tới Chợ Cũ, đường Nguyễn Huệ. Mỗi tuần họp tổ một lần. Mỗi tháng lại chen chúc, chờ đợi ở ngân hàng xin rút ra 60đ cho hai vợ chồng.
° °
°
SÁCH BÁO MIỀN BẮC
Tôi để nhiều thì giờ nhất vào việc đọc sách báo miền Bắc: Báo Nhân dân, Hà Nội mới, Dân chủ, Tổ quốc, một số tạp chí chính trị, triết học, khoa học, nhất là tạp chí văn học. Sách của nhà xuất bản Văn học, Khoa học xã hội, sách cho trẻ em và dăm ba tiểu thuyết sáng tác hoặc dịch.
Xét chung tôi thấy ngành xuất bản ở Bắc không phát triển bằng trong Nam, đa số nhà văn, nhà biên khảo làm việc ít, chậm, không hăng say, không "đua nở". Trong hai chục năm sau ngày tiếp thu Hà Nội, không có nhà văn nào cho ra được chín mười tác phẩm, trung bình chỉ được một hai.
Không có gì kích thích cho họ sáng tác mạnh. Họ đều là công chức, dù không viết gì thì cũng lãnh được khoảng 60đ mỗi tháng; nếu viết thì phải có danh lớn, hoặc bồ bịch, bè phái mới hi vọng được in, vì vậy ta thấy nhiều cuốn có lời đề tựa của một "Anh lớn" nào đó vào hàng bộ trưởng, thứ trưởng, điều tối kị ở trong Nam.
Về loại sáng tác, tôi thấy thơ và tiểu thuyết kém, các nhà nổi danh thời đó như Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Tô Hoài, Bùi Hiển viết ít hơn trước mà nghệ thuật cũng không hơn gì trước.
Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng, đóng góp rất lớn cho cách mạng, có bài có hồn thơ, nhưng có những câu rất khó hiểu, như bài Đời đời nhớ Ông, ông viết:
"Thương cha thương mẹ thương chồng,
Thương mình thương một thương ông thương mười".
Hay trong một bài kỉ niệm Nguyễn Du, ông gọi Nguyễn Du là anh, bài đó tôi không thể hiểu nổi!
Một thiếu niên (tên Trần Đăng Khoa?) 12 tuổi đã in tập thơ đầu tiên, cảm hứng dồi dào, giọng thơ hồn nhiên, ai cũng tưởng là có tương lai, nhưng lớn lên, chưa thấy bài nào hay cả.
Về tiểu thuyết thì có dăm tác phẩm nổi tiếng tả tinh thần kháng thực dân như cuốn Con trâu của Nguyễn Văn Bổng nhưng tưởng tượng không dồi dào, tâm lí không sâu sắc, bút pháp không có gì mới mẻ. Truyện ngắn được vài cây viết như Lê Vĩnh Hoà (em ruột Võ Phiến) cũng toàn là viết về chiến tranh, đọc vài tập rồi không muốn đọc thêm nữa. Tiểu thuyết gia được trọng dụng nhất là Nguyễn Đình Thi. Nguyễn Tuân vẫn được nể.
Thơ và tiểu thuyết ngoài đó không đa diện, nhà văn ngoài đó có ít hình ảnh mới, dùng chữ không táo bạo. Nhưng phải nhận rằng Bắc không có những tác phẩm tệ lắm như trong Nam; tác phẩm nào cũng lành mạnh, sàn sàn, trung trung, ít có tác phẩm nổi bật, thật sâu sắc. Chỉ có Nguyễn Tuân là giữ được ít nhiều bản sắc trong một cuốn viết về Sông Đà.
Trước ngày giải phóng tôi thấy công trình khảo cứu tập thể, xét chung thì thận trọng hơn, công phu hơn, ít lỗi hơn trong Nam. Nhưng lối làm việc tập thể đó có nhược điểm: rất chậm, thiếu phối hợp chặt chẽ nên không nhất trí, chẳng hạn bộ Chiến tranh và Hoà bình của Léon Tolstoi do bốn người dịch chung, không đều tay mà một số danh từ đầu sách dịch khác, cuối sách dịch khác. Cái tệ lớn nhất là gây tật thiếu tinh thần trách nhiệm.
Mới mở tập đầu A-C bộ Tự điển tiếng Việt phổ thông của Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam (Hà Nội - 1975), tôi thấy Ban biên tập gồm 12 nhà, với sự cộng tác trên một trăm học giả, văn nhân, thi sĩ, từ Đào Duy Anh, Hoa Bằng tới Nguyễn Công Hoan, Nguỵ Như Kontum, Nguyễn Xiển, Thanh Tịnh, Tô Hoài, Trần Văn Giáp v.v, rồi tới một Hội đồng xét duyệt gồm 9 nhà: Nguyễn Khánh Toàn, Cù Huy Cận, Bùi Huy Đáp, Đào Văn Tiến, Hoàng Phê (ông này vừa là chủ biên, vừa là một hội viên trong hội đồng xét duyệt!), Phan Triều, Tạ Quang Bửu, Trần Quỳnh, Tú Mỡ. Trước sau mất 11 năm (1964-1975) mới ra được tập đó. Thấy họ làm việc đông đủ, lâu năm, kỹ lưỡng như vậy, tưởng công trình phải đồ sộ, gần đạt được mức hoàn hảo (không có tự điển nào hoàn toàn không có lỗi), nhưng khi lật ra một số từ thì tôi thất vọng.
Có những điều vô lý, bất tiện như từ a pa tít ghi là xem apatit, tôi phải lật trên mười trang sau mới tìm được apatit: "khoảng vật chủ yếu canxi photphat", tôi không hiểu tại sao Ban biên tập dùng tới hai cách viết, một cách rời, một cách liền; sao không viết liền như canxi, photphat. Sao lại bất nhất trên nguyên tắc như vậy?
Có những lỗi rất nặng như từ cọng, biến thể ngữ âm của cộng, mà Ban biên tập gọi là "tiếng địa phương", thì sai quá. Cọng chỉ là cách phát âm sai của người Nam, cũng như cây cau, họ phát âm là cây cao, như con tôi họ phát âm là coong tui v.v không thể gọi là tiếng địa phương được.
Có những từ định nghĩa chưa sát, hoặc mù mờ như:
Biến tốc, không thấy ghi danh từ hay động từ, theo nghĩa: "làm thay đổi tốc độ", tôi đoán nó là động từ. Nhưng "hộp biến tốc" thì là danh từ?
Khi ông Hoàng Phê, chủ Ban biên tập lại chơi, tôi đưa ra mấy nhận xét đó với dăm sáu nhận xét nữa, ông làm thinh, bảo ông Hoàng Văn Hoành (cũng trong Ban biên tập) ghi chép, và lúc ra về, ông Hoành bảo tôi rằng nhiều nhận xét của tôi có lí.
Các sách biên khảo tập thể khác cũng vậy, tuy công phu mà cũng có vài lỗi nặng, khiến tôi có cảm tưởng rằng họ làm việc tập thể đấy, nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm cả; ngay cả Hội đồng xét duyệt cũng chưa chắc đã đọc lại tác phẩm, có đọc thì chỉ lật lật, lướt qua vài chỗ thôi.
Trái lại, một số công trình biên khảo cá nhân rất có giá trị, như bộ sử Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của Hà Văn Tấn, rồi tới bộ Lam Sơn khởi nghĩa của Phan Huy Lê
Xét chung, công việc khảo cứu về sử (sử dân tộc cũng như sử văn học) và công việc khảo cổ, khai quật để tìm di tích miền núi Hùng Vương ở Bắc hơn hẳn trong Nam.
Về Việt ngữ, ngoài đó cũng tốn công nghiên cứu nhưng kết quả không được bao nhiêu (trừ ngành chữ Nôm), không bằng kết quả vài cá nhân trong Nam như Lê Ngọc Trụ, Trương Văn Chình
Họ hiệu đính được vài ba truyện bằng thơ của ta, nhưng lại không in chữ Nôm, kém hẳn cuốn Lục Vân Tiên của nhóm Lê Thọ Xuân trong này.
° °
°
TÔI GÓP Ý
Khi Việt Nam đã thống nhất, tôi viết một bài Góp ý về việc Thống nhất tiếng Việt đăng trên tờ Giải phóng chủ nhật ngày 12.9.76. Đại ý tôi bảo rằng tiếng Việt từ hồi nào tới giờ vẫn thống nhất, nay chỉ cần "nhất trí" hay "qui định" một số tiếng thôi; công việc đó mới xét tưởng là dễ dàng nhưng thực ra cũng có khá nhiều vấn đề nan giải và tôi nêu ra một số vấn đề về thống nhất:
1. phát âm, 2. chính tả, 3. từ ngữ, 4. ngữ pháp.
Bài đó không dài, được độc giả ở Nam và Bắc khen. Chẳng hạn Vũ Tuân Sán bảo: Bài viết sâu sắc, chứng tỏ một kiến thức có tầm khái quát lớn, thật "Bách khoa"; được đăng lại trên báo Đoàn kết của Hội Việt kiều ở Pháp, (có lẽ ở Tây Đức nữa), và trên một tờ báo của đồng bào di cư qua Mĩ, với một trang giới thiệu tôi, do Nguyên Sa viết.
Một bạn đọc cũ của tôi di cư qua Gia Nã Đại đọc bài báo đó bảo tôi là một trong số ít nhà văn được cảm tình của cả Nam và Bắc.
Vấn đề thống nhất tiếng Việt nêu lên rầm rộ ở khắp nước năm 1976 rồi lặng xuống. Năm 1978, tháng 10, có một hội nghi thống nhất chính tả ở Sài gòn, trưởng ban tổ chức là học giả Hoàng Tuệ ở ngoài Hà Nội vô. Tôi không dự mà chỉ viết thư góp ý kiến, đại ý bảo "Gần hoàn toàn đồng ý với Ban tổ chức về nguyên tắc tiêu chuẩn hoá chính tả, chỉ xin nhắc lại chủ trương của tôi (đã đăng trên tờ Giải phóng chủ nhật năm 1976) là giữ đúng cách viết tên người tên đất của nước ngoài như Napoléon, Marseille, Shakespeare, London; chỉ một số thuật ngữ khoa học là cần phiên âm; muốn vậy phải mạnh bạo "cải tiến và bổ sung chữ quốc ngữ", chẳng hạn:
- Tạo một số phụ âm mới: bl, cl, fl, gl, pl, vl, sl,, br, cr, fr.
- Tạo một số vần mới: ab, eb, ib, ob, ub,, ad, ed,,, ar, er
để giữ được gần đúng dạng chữ của phương Tây mà khi đọc sách ngoại quốc, dễ nhận ra, đỡ bỡ ngỡ. Ví dụ Nil, Broglie, Chrome sẽ phiên âm là Nil, Brogli, Crôm chứ không phiên âm là Nin, Bờ-rô-gờ-li, Cờ-rôm như ngày nay.
Cuối tháng 10 năm 1979, Ban tổ chức Hội nghị Khoa học toàn quốc ở Hà Nội, mời tôi ra dự về vấn đề "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt", tôi đã định đi, rồi vì sức khoẻ kém, đi không được. Sau đọc các báo cáo đăng trên báo, tôi thấy Hội nghị đã gần như nhất trí về việc để nguyên các tên người, tên đất ngoại quốc, mà không cần phiên âm. Như vậy là sau ba năm (1976-1979), mới tiến được một bước nhỏ. Tôi ngại tới cuối thế kỉ vấn đề thống nhất chính tả vẫn chưa giải quyết xong.
Năm 1977, tôi viết một bài nhan đề là Đoàn kết, gởi báo Đại đoàn kết, đại ý buồn rằng tinh thần phục vụ của anh em kháng chiến xuống nhiều rồi, gây nhiều bất mãn trong dân chúng (tôi dẫn chứng vài trường hợp có thật), muốn "Đoàn kết" thì chính cán bộ phải khiêm tốn và làm gương cho dân, việc khó nhọc thì làm trước dân, hưởng thụ thì sau dân; nhưng báo không đăng, sợ gây sự bất bình của tất cả cán bộ trong nước chăng?
Ngoài ra, do theo lời yêu cầu của Lê Huy Dân, bạn học cũ của tôi ở trường Yên Phụ, thư kí toà soạn tờ Nguyện san Tổ quốc, tờ báo của Đảng Xã hội (được coi là tờ báo của giới trí thức), tôi viết hai bài cho báo đó:
- Một truyện ngắn làm tôi xúc động, đăng trên số tháng chạp 1977. Tôi phê bình các truyện ngắn của Nam Cao, viết trước cách mạng 8/1945, đặc biệt khen truyện Một đám cưới; nhưng toà soạn cắt bỏ đi khoảng một phần ba, chỉ giữ phần phê bình riêng truyện Một đám cưới thôi.
- Chủ nghĩa thực dân và vấn đề kì thị chủng tộc ở Nam Phi, đang trên số 11 năm 1978. Bài này cũng bị cắt bỏ đi nhiều. Từ đó có vài tờ báo xin bài tôi đều từ chối hết.
Năm 1978 Thứ trưởng Văn hoá Hà Xuân Trường mà tôi đã gặp ở Sài Gòn trong một cuộc toạ đàm năm 1975, vào Sài Gòn, phái một nhân viên rất lanh lợi tên là Hải, lại mời tôi dự một cuộc họp để lập một Uỷ ban Trung Hoa học (Sinologie) nghiên cứu về Trung Hoa. Tôi không dự, cho rằng chương trình đó lớn quá, thực hiện không nổi.
Cũng trong năm 1978 thì phải, một cán bộ trong Hội Văn nghệ Giải phóng thành phố Hồ Chí Minh lại bảo hội muốn đề nghị lên chính quyền trợ cấp mỗi tháng 30đ cho năm sáu nhà văn ở Sài Gòn, trong số đó có cụ Trần Tuấn Khải, ông Giản Chi, ông Thuần Phong, và tôi. Tôi bảo tôi còn tự túc được, không dám làm phiền chính quyền trợ cấp; nhưng cụ Trần Tuần Khải chắc cần lắm, mà 30đ một tháng chẳng nhằm gì đâu, phần tôi nên để tặng cụ. Sau đó cũng chìm luôn, và năm ngoái tôi hay rằng riêng cụ Trần được trợ cấp một tháng 150đ. Vậy người ta đã theo đề nghị của tôi.
Một bạn học cũ của tôi ở trường Bưởi, anh Phó Đức Vinh, có tú tài bản xứ, hợp tác với tờ Thanh Nghị (bút hiệu Hướng Minh) trước 1945 đã đăng vài truyện ngắn. Sau khi tiếp thu Hà Nội, thỉnh thoảng viết ít bài trên vài tờ báo ngoài đó, lúc này hợp tác với nhà xuất bản Văn học; năm ngoái (1979) đề nghị tôi dịch cho nhà đó một danh tác của Anh hay Pháp do tôi tự lựa, tôi từ chối vì không có thì giờ, còn bận làm xong vài công việc đã dự định.
Mới đây ông lại bảo tôi không có thì giờ dịch thì xem trong số các tác phẩm văn học tôi đã dịch và in trước ngày Giải phóng như Cầu sông Drina, Mưa, Kiếp người, Cổ văn Trung Quốc có cuốn nào nên in lại thì sửa chữa rồi gởi cho ông cùng với nguyên tác để ông đề nghị với nhà Văn học tái bản; lòng ông rất tốt, nhưng ông không hiểu nỗi lòng của tôi. Ngày 30.6.80 tôi viết thư tạ tấm lòng ông, kể qua tâm sự tôi, tự nhận định giá trị mấy cuốn ông nêu ra đó và bảo chỉ có cuốn Cổ văn Trung Quốc là đáng tái bản hơn cả, nhưng lúc này tôi đã dời về Long Xuyên, không thể trở lên Sài Gòn mà sửa ấn cảo (chữ Hán) được, ông tính sao thì tính (bức thư đó tôi còn giữ phó bản).
Tưởng như vậy ông hiểu ý tôi mà cho tôi được yên thân, không ngờ giữa năm nay (1981) ông lại viết thư cho hay nhà Văn hoá đã lựa cuốn Kiếp người, yêu cầu tôi sửa sớm sớm cho để nhà xuất bản sắp chữ liền. Tôi lại đáp hiện còn bận việc lắm, sức khoẻ lại kém, chư thể sửa được.
Nữa tháng sau tôi được thư ông Vũ Tuân Sán ở ban Hán Nôm, cho hay nhà Văn học đã nhờ ông đọc cuốn Cổ văn Trung Quốc của tôi; ông đọc xong đưa hai người nữa đọc, tất cả đều "đáng giá rất cao" cuốn đó, và ông sẽ viết "Đề cương" (tôi đoán là Compte rendu) cho nhà Văn học. Vậy thì rất có thể họ sẽ xin phép tôi tái bản cuốn đó nữa.
(Sau mục Tôi góp ý từ trang 593 của bản thảo cho đến trang 617 đã in trong Đời viết văn của tôi, Văn Nghệ xuất bản năm 1986.)
° °
°
BẠN BÈ
Trong ba năm viết lách liên tiếp đó, nửa tháng tôi mới ra khỏi nhà một lần, nhưng nhận được rất nhiều thư từ bốn phương và được rất nhiều bạn tới thăm.
Ngoài thư của người thân, họ hàng ở Pháp, Mỹ, thư các bạn cũ ở Nam, còn thêm thư của bà con, thư các bạn cũ ở miền Nam, còn thêm thư các bà con, bạn cũ mới ở Bắc và nhiều thanh niên nhờ tôi khuyên bảo hoặc chỉ xin được gặp mặt tôi để "vững tin những giá trị cũ" trong buổi giao thời này.
Bốn bạn văn (Đông Xuyên, Quách Tấn, Bàng Bá Lân, Toan Ánh) buồn, không biết làm gì cũng viết lách cho qua ngày, viết rồi để đó như tôi; có bạn gởi tôi đọc rồi góp ý kiến.
Thường lại thăm tôi có các bạn Giản Chi, Học Năng, Dã Lan, Trần Thúc Linh, Lê Ngộ Châu, nhất là Vương Hồng Sển.
Tôi quen ông Vương từ hồi mới lên Sài Gòn, khoảng 1956, nhưng hồi đó mỗi người đi một đường nên ít khi gặp nhau; mãi đến ngày Giải phóng mới gặp nhau thường. Ông hơn tôi tới chín tuổi, tóc bạc phơ nhưng vẫn còn mạnh, mỗi tuần xách ba toong từ Gia Định ra Sài Gòn tìm kiếm sách cũ, và cứ khoảng nửa tháng ghé tôi, cho tôi mượn vài cuốn sách hay, nói chuyện một hai giờ. Ông nhớ rất nhiều phong tục, nhân vật trong Nam nên câu chuyện của ông rất vui. Tủ sách của ông rất nhiều sách quý; chẳng đợi tôi hỏi ông cũng tự mang lại cho tôi mượn. Mỗi ngày ông còn có thể đánh máy bản thảo được 8 giờ. Ông đã có cả ngàn trang hồi ký và biên khảo chưa in, mấy ngàn tấm thẻ về địa danh Nam Việt.
(Mục Về vườn từ trang 620 đến hết trang 624 của bản thảo đã in trong Đời viết văn của tôi, Văn Nghệ xuất bản năm 1986. Và Phụ lục Một cũng đã in trong Đời viết văn của tôi.)
Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê - Nguyễn Hiến Lê Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê