If you love someone you would be willing to give up everything for them, but if they loved you back they’d never ask you to.

Anon

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 55
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4267 / 133
Cập nhật: 2016-02-24 12:08:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
hi bức tượng hoàn thành, Phạm Sinh được thái sư thưởng rất hậu. Lại có lần, quan nội thị Nguyễn Cẩn đến tận nơi ở của Phạm, tức ngôi chùa đổ, mang tặng vải lụa, quà của thái sư, Cẩn nói:
- Thái sư biết anh là học trò có chí. Gắng dùi mài kinh sử, chờ đến khoa thi. Thái sư còn dặn, mà có khi chưa đến khoa thi, có dịp người sẽ cất nhắc.
Phạm Sinh tỏ vẻ cảm động, tạ ơn. Cẩn về, trong lòng Phạm thấy hồi hộp. Anh biết Cẩn là người tâm phúc của Quý Ly; Cẩn đến đây cái chính là để xem xét chàng. Anh thầm nghĩ: như vậy Quý Ly có ý định dùng ta.
Hai mẹ con cô Hạnh, từ ngày về ở tại túp lều hoang bên đầm Vạc, lo việc cơm nước luôn cả cho Phạm Sinh. Hàng ngày, cứ buổi chiều, cô lại mang cơm sang ngôi chùa đổ. Còn bữa trưa, Sinh ăn cơm hàng ngoài chợ Báo Thiên. Trưa hôm ấy, ăn cơm xong Sinh đang lúi húi bên gốc đa nghe thấy tiếng người tíu tít gọi: "Phạm Huynh! Phạm huynh". Ngẩng đầu lên, thấy cô Hạnh đang rảo bước đi tới. Phạm thầm nghĩ: Hạnh rất hiếm khi xuất hiện ở chỗ đông người, vì sợ lộ hình tích. Sao hôm nay cô ấy lại ra đây? Hạnh đứng trước mặt anh lau mồ hôi trán, má ửng đỏ, vừa nói vừa thở, đôi mắt tươi cười:
- Huynh ơi! Mừng rồi. Mừng quá rồi?
- Nàng nói mừng gì? Sao lại ra đây? Quên cả lời dặn dò mất rồi?
- Huynh ơi? Cha em... Cha em đã về.
- Sao? Nói lại anh nghe.
- Cha em về rồi... Cô gái báo tin vui sung sướng quá đến nỗi hai dòng nước mắt chảy ra. Cha được tha sáng hôm nay... Mẹ bảo mời Phạm huynh về ngay uống rượu với cha em... mừng cho mẹ con em.
Hai người vội vã quay về ngôi chùa đổ. Họ thấy hai ông bà Sử Văn Hoa đang đứng nói chuyện bên cạnh con trâu đá, dưới tán cây nhãn. Hạnh giữ Phạm Sinh đứng lại, thì thầm:
- Ngày xưa cha mẹ em quen nhau ở chỗ con trâu đá ấy.
- Sao?
- Cha bảo, lúc mới ra Thăng Long, cha ở trọ trong chùa đổ. Còn mẹ thỉnh thoảng đến bán rượu, vẫn đặt gánh ở chỗ con trâu đá. Vì ở đó có bóng mát, lại có cái bệ đá dưới chân con trâu, ngồi rất tiện.
Cô gái nói xong cười khúc khích. Phạm cũng cười.
- Thảo nào lúc chạy nạn, đêm hôm đó tối trời đến thế, bác vẫn nhớ đường đến chỗ con trâu đá. Mà này...
- Làm sao?
Cả chúng mình cũng gặp nhau lần đầu tiên ở chỗ con trâu đá... Em không nhận ra ư?... Điều lành đấy... Hạnh đỏ mặt lúng túng, và trông cô càng xinh đẹp. Phạm Sinh đến trước mặt ông già, cúi đầu vái chào. Ông Sử gầy gò lom thom, tươi cười:
- Gia đình tôi được đoàn tụ ngày hôm nay, phải chịu ơn sự cưu mang của công tử nhiều lắm.
Nói xong, ông lễ phép cúi mình vái. Phạm lúng túng không dám nhận lễ. Ông già đi dẫn đầu mọi người vào trong chùa. Ông chỉ một cây đề to, bóng mát toả một vùng:
- Chỗ này xưa kia, người ta xếp giàn củi để thiêu sư Đà La. Sau khi sư chết, có người để tưởng nhớ ông thày chùa từ bi, chết oan uổng, đã trồng một cây đề con vào nơi đó. Thế mà, nay cây đề đã thành đại thụ xum xuê... Còn ngôi chùa thì tiêu điều đổ nát. Nhanh thế đấy - ông nhìn bà và hỏi - Từ dạo ấy đến nay đã bao nhiêu năm rồi nhỉ?
- Từ dạo quân Chiêm đốt phá Thăng Long đến nay đã ngót nghét ba chục năm.
- Nhanh thật! Tôi với bà nay đã thành người già cả rồi.
Ông ngậm ngùi đứng trước pho tượng hộ pháp lở lói:
- Xưa kia, pho ông Thiện đẹp nhất chùa này. Nơi đây vàng son chói lọi. Hương khói không bao giờ tắt. Thế mà ông Thiện nay đã cụt tay.
Cô Hạnh thật khéo. Không biết bằng cách nào đã tìm được một hũ rượu mơ thơm nức. Ông nhấp hớp rượu rồi sáng mắt nhìn vợ:
- Đúng là rượu nhà ta. Những ngày gian truân ấy mà bà vẫn giữ được nó sao?
- Những ngày gần đây, đã thấy nguôi nguôi, chẳng còn ai để ý đến mẹ con tôi nữa. Không hiểu sao tôi cứ tin rằng ông sẽ tai qua nạn khỏi. Tôi bảo con Hạnh: "Nhà mình còn hũ rượu quý chôn ngoài vườn. Con về đào lên. Bố mày sắp về rồi đó...". Con Hạnh về làng. Nhà mình ở rìa đồng, vang vẻ, không ai để ý...
Ông Sử Văn Hoa tinh ý, đã thấy Hạnh nhìn Phạm mỉm cười và đỏ mặt lên. Ông cũng mỉm cười nói: Con gái tôi mang rượu ngon về, thứ nhất để mừng cha, nhưng thứ hai cũng để tạ ơn Phạm công tử nữa chứ.
Mọi người đều vui vẻ cười ran. Lúc chỉ còn hai người đàn ông bên mâm rượu, ông Sử hỏi:
- Bác nghe em Hạnh nói vừa qua cháu vào hoàng cung làm tượng, được thái sư Quý Ly ban thưởng?
- Bẩm... vâng... thưa bác...
- Nếu ta không lầm... cháu có ý định... đến gàn thái sư.
Phạm nghĩ ngợi, rồi nói:
- Cháu nghĩ... bác là người đã bị ông ta làm cho điêu đứng?
- Đúng vậy. Bác chỉ bị... Ông ta làm cho khổ thôi, còn nhiều người khác bị ông ta cướp đi cả tính mạng.
- Vậy phải làm thế nào? ý đồ của ông ta, hầu khắp mọi người đã biết... Ông ta là một người tài giỏi ư?.. Một kẻ bất trắc ư?... Hay một hôn quân, bạo chúa ngày mai? Phải ủng hộ ông ta hay phải tiêu diệt ông? Cháu là đứa con mồ côi. Ai là người đã giết cha mẹ cháu? Ai là người gây nên sự hôn độn, điêu linh hôm nay? Nhà Trần đã đến thời mạt vận hay sao?... Bao nhiêu câu hỏi cháu đã suy ngẫm, cháu đã thấy lý lẽ của bao nhiêu người và thấy ai cũng có cái lý riêng. Tuy nhiên, chỉ có một điều ai ai cũng thấy, ông ta là một con người quá ư tàn nhẫn...
- Cháu có biết Quý Ly định nay mai đặt quốc hiệu cho nước ta là gì không?
- Cháu chưa được rõ.
Đã có tiếng xì xào ông ta sẽ đặt tên cho nước Đại Việt mình là nước Đại Ngu (Ngu Thuấn). Ông ta có kỳ vọng tạo nên một đất nước rạng rỡ như thời Nghiêu Thuẫn.
- Hồ Quý Ly có niềm say mê quá đỗi. Nó biến ông thành con người việc gì cũng dám làm.
Theo bác tựu trung phải nghĩ tới cái hồn nước cháu ạ. Hồn nước là giấc mơ của người dân. Dân ta mơ như thế nào, ai đi quá giấc mơ ấy cũng không được, chậm hơn cũng chẳng xong. Đi chệch, đi chậm, đi nhanh đều phải thất bại... Hồn nước có cách đi của nó. Có thể vinh quang... tàn lụi.. và máu nữa... Nó chẳng xót thương cho riêng từng người... Ai đi đúng cái đạo nó vạch ra sẽ thành công. Nhưng đạo ấy lại ẩn ngầm... phải tự tìm ra. Chẳng ai có thể thông minh hơn cái hồn của đất nước mình...
- Ý bác định khuyên cháu ra sao?
- Cháu phải tự ngẫm lấy... Những lúc như lúc này có bao nhiêu là gió... Đừng bị cuốn theo các cơn lốc... có khi một cơn lốc mạnh lại dễ làm ta loạng choạng. Môi người một nghiệp. Nghiệp ai người ấy đi. Nghiệp của cháu ra sao? Ma đưa lối quỷ đưa đường... tất nhiên cháu sẽ phải đi theo con đường mà tiền kiếp, quá khứ, gia đình, hoàn cảnh... đã vạch ra cho cháu.. Bác ngăn cũng chẳng được... Ai cản trở cũng chẳng được...
Phạm Sinh mơ màng:
- Cháu đã hiểu... cháu đã mất công toan tính... Cháu như kẻ đi câu... thả miếng mồi thơm... nhử con cá lớn... Cá cắn mồi... và cháu phải giật. Cháu sẽ bắt được cá nhưng cũng có thể.. con cá lớn quá nó sẽ kéo phăng cháu đi...
Phạm Sinh nói xong, anh khẽ mỉm cười.
Một hôm, Sử Văn Hoa đến dinh Trần Khát Chân, thượng tướng hoan hỉ:
- May quá? May quá! Thật mừng cho lão huynh. Trong triều ai ai cũng tưởng thái sư sẽ chẳng tha cho ông.
- Cũng nhờ hồng phúc tổ tiên... Vả lại, tôi bao giờ cũng lấy lòng thành đối đãi với mọi người...
- Lòng thành ư? Cái đức của nó lớn đến mức cảm hoá được cả con người sắt đá như thái sư?
Sử Văn Hoa đem mọi việc, nào chuyện viết sách trong ngục, nào chuyện gặp gỡ Quý Ly kể cho Khát Chân nghe. Quan thượng tướng rất chăm chú; nghe xong ông lặng im không nhận xét, mà chỉ hỏi tới chuyện sau này của Sử. Viên thái sử trả lời:
- Tôi nay đã là người dân thường. Việc sinh kế cũng chẳng đáng lo. Bán mấy mẫu ruộng ở làng đi, mua ít ruộng bên đầm Vạc. Tôi thấy đất chỗ ấy cũng tốt, lại cạnh Đại Hồ, phong cảnh hữu tình. Có thể tôi hứng lên, cắp cái tráp ra tháp Báo Thiên làm nghề tướng số cũng nên. Nghề ấy chắc tôi làm được - ông chợt cười xoà thú vị - Còn chiếc bút lông của tôi nữa chứ. Tôi không làm quan, nhưng có ai cấm tôi chép sử đâu...
Khát Chân cũng cười theo. Ông bảo lão Mai lấy vò rượu quý tặng ông già, rồi ân cần nói:
- Khi nào rỗi rãi lão huynh nhớ ghé chơi - Nhưng thượng tướng chợt sững lại, vẻ buồn rầu - Quên mất một điều. Trong vòng hai tuần trăng nữa, triều đình sẽ đi hết vào Tây Đô. Riêng tôi, một tháng nữa đã phải đi. Tình hình gấp gáp lắm rồi, lão huynh biết không?
Hai người nắm tay nhau lắc lắc, gương mặt xốn xang. Hôm sau, thượng tướng gặp quan Thái bảo, Khát Chân nói:
- Quái lạ! Quý Ly vốn tính đa sát, xưa nay có bao giờ tha chết cho kẻ thù của mình đâu, nhất là khi kẻ ấy đả kích ông ta chính diện... Hay là... Ông ta chỉ tha chết cho những ai đổi hướng.
Nguyên Hàng ngẫm nghĩ:
- Con người ấy đầy mưu mô... Cũng có thể ông ta muốn gây lục đục trong phe đối lập... Thả một người ra, để đối phương nghi ngờ lẫn nhau.
- Dù sao cũng phải giữ ông Sử lại với mình... Sử Văn Hoa ]à người có uy tín...
Nguyên Hàng im lặng hồi lâu, rồi gật gù.
- Tôi đã có cách.
Cũng thời gian ấy, thái sư nói với Nguyễn Cẩn:
- Phạm Sinh là người có tài - Anh ta có thể là danh hoạ. Không những vẽ giỏi, Phạm còn uyên bác. Chúng ta cần những người trẻ tuổi như vậy. Có bận ta đã ướm hỏi, nói xa xa với anh ta. Phạm bảo: "Thưa đất trời có bao giờ ngừng đắp đổi. Xưa nay, có cái gì vĩnh hằng đâu. Chuyển vần vốn là lẽ thường." Mấy đêm liền, ta đều mơ gặp phu nhân. Phu nhân khuyên ta liền dùng Phạm... Nhưng dùng như thế nào? Khoa thi còn lâu mới mở được... Và lòng ta vẫn như... e ngại.
- Bẩm, thái sư e ngại là phải. Sĩ tử đi thi, lai lịch rõ ràng... còn anh ta... quê quán ở đâu, con cái nhà ai... Có xã quan nào biết mà chứng nhận?
Nguyễn Cẩn sai người đi dò tìm gốc gác của Phạm.
Cuối cùng, Cẩn tâu với Quý Ly:
- Bẩm mẹ Phạm là tam bảo nô. Bà ta đã bị bệnh, chết rồi.
- Cha hắn là ai?
- Bẩm, bọn nô tỳ lấy nhau thường chẳng cưới cheo.
Thời gian qua, đánh nhau với quân Chiêm Thành liên miên, rồi lập đồn điền ở Hoá Châu, rồi hạn nô nữa, dân cư xáo trộn, biến động. Vả lại, số đàn ông ở thôn quê vợi đi phân nửa. Các nơi chỉ thấy nhan nhản toàn đàn bà con gái. Rất khó truy tìm tung tích người bố...
- Thầy học của hắn là ai?
- Bẩm, một ông sư già tu hạnh đầu đà, luôn đi du phương, nay đây, mai đó. Ông ta đã già lắm. Không chừng chết ở một xó nào rồi.
Quý Ly ngẫm nghĩ:
- Ngày xưa, Đoàn Nhữ Hài là học trò đã đội biểu quỳ trước cung Trùng Hoa, xin đức thượng hoàng Trần Nhân Tôn tha lỗi cho Trần Anh Tôn. Nhữ Hài không đi thi, cũng trở thành người tài của nhà Trần, Ngày nay, ta thấy Phạm Sinh cũng có cái phong thái của Nhữ Hài... Nhà ngươi nghĩ thử xem có cách nào để ta khỏi mang tiếng bỏ phí người hiền...
Cẩn biết ý thái sư, suy ngẫm rồi nói:
- Bẩm, hạ quan đã nghĩ ra.
Hồ Quý Ly Hồ Quý Ly - Nguyễn Xuân Khánh Hồ Quý Ly