Books are the glass of council to dress ourselves by.

Bulstrode Whitlock

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 55
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4267 / 133
Cập nhật: 2016-02-24 12:08:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần VII: Vua Thuận Tôn Và Bà Hoàng Thánh Ngẫu – Chương 1
ăm Mậu Thìn (1388) Trần Ngung được vua cha Nghệ Hoàng lập lên làm vua, tức vua Trần Thuận Tôn. Lúc đó, Thuận Tôn mới mười ba tuổi. Ông dáng người cao, gày, khôi ngô tuấn tú. Trí thông minh hơn người, tuy còn ít tuổi nhưng đã làu thông kinh sử. Thái thượng hoàng Nghệ Tôn lập Ngung làm vua vì nhiều lẽ: thứ nhất, vì là con út giống cha như đúc về mọi mặt; thứ nhì, vì Ngung hiền; mà theo ý Nghệ Hoàng, hiền là điều quan trọng nhất của một ông vua; thứ ba, vì Ngung thông minh sáng láng. Thái bảo Trần Nguyên Hàng nói với Nghệ Hoàng:
- Thần nghĩ nên lập Trang Định Vương Ngạc, vì ông đã là người đứng tuổi.
- Ngạc đã lớn mà cỏn hồ đồ. Vả lại, nó đã nói với ta không muốn nhận ngôi báu. Còn Chiêu Định Vương Ngung tuy còn bé nhưng đã hiền lại thông minh. Lúc này xã tắc phải đối phó nhiều việc. Mặt bắc lo nhà Minh, mặt nam lo chống với Chế Bồng Nga. Cần một ông vua cứng rắn quyết đoán hơn một ông vua hiền. Khanh muốn lập Ngạc, chắc còn ẩn ý gì. Khanh cứ tâu rõ ta xem.
Ngạc và vua Trần Phế Đế Bàn nhau định diệt trừ Lê Quý Ly nên cách đây mấy tháng đã bị Quý Ly dùng mưu chống lại. Quý Ly tâu với Nghệ Hoàng, "Vua Phế Đế tin nghe lời bọn tiểu nhân, lập mưu định hại hạ thần, ý định của nhà vua không sao lường được. Phế Đế là cháu, còn Chiêu định Vương Ngung là con. Xưa, chỉ thấy bán cháu nuôi con, chưa hề bao giờ thấy ai bán con nuôi cháu".
Câu nói làm rung động tâm can Nghệ Hoàng. Thượng Hoàng đã nghe lời Quý Ly giết Phế Đế và bè đảng. Còn Trang Định Vương Ngạc là con lớn của Nghệ Hoàng, nhưng đã theo Phế Đế nên Nghệ Hoàng không muốn cho làm vua.
Thái bảo Nguyên Hàng thấy thượng hoàng nói đến "ẩn ý", ông biết Nghệ Hoàng đã quyết, nếu nói thêm sẽ gây sự nghi ngờ cho mình nên thôi không can gián nữa. Thực ra, Ngung không muốn làm vua, chàng chỉ thích được đọc sách. Vả lại, mới mười ba tuổi nhưng chàng còn lạ gì những chuyện bê bối, chuyện chém giết trong cung đình. Ngung quỳ xuống nói:
- Xin cha thương con. Con vốn không có chí làm vua. Con chỉ muốn một cuộc đời nhàn rỗi, sống ngoài vòng cương toả. Sao con nghĩ vậy? Con tưởng cha cũng thích làm vua hay sao? Lúc loạn Dương Nhật Lễ, mọi người trong tôn thất bắt cha phải đứng ra gánh vác dành lại ngôi báu, cha cũng chối từ như con bây giờ. Công chúa Thiên Ninh là chị của cha nói với cha rằng: "Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông mình, sao lại bỏ được. Ông nên đứng lên phất cờ, chúng tôi đem bọn gia nô sẽ dẹp yên được" Ông vua già rớm nước mắt:
- Bây giờ cha chỉ biết cậy vào con... Con không thương cha sao? Cơ nghiệp nhà Trần ta lúc này cần phải có một vị vua hiền... Cha tin con sẽ là một vua hiền.
Ngung thở dài. Chàng vốn yếu đuối. Chàng không muốn trông thấy nước mắt của một ông vua già tóc bạc, nhất khi người đó lại là cha mình. Sau khi lên ngôi vua, Ngung có bận nói với thái uý Trang Đình Vương Ngạc:
- Ngôi báu này vốn không phải của em. Chính anh mới xứng đáng lên ngôi đại thống.
- Em đừng nên phân tâm. Việc của em bây giờ là phải học. Học cho giỏi việc trị nước. Chỉ vài năm nữa em sẽ điều hành chính sự. Em nên nhớ, đức thượng hoàng chúng ta nay đã già lắm rồi. Em là người hiền, họ nhà Trần chúng ta đang cần một vua hiền.
- Có bận em đã nói riêng với cha: "Nay cha đã già và hay đau ốm. Cha nên nghỉ việc đi, để cho anh Ngạc làm phụ chính cho con cũng được". Nghe em nói xong, cha chỉ cười.
- Em chớ nên nói với cha những chuyện như thế nữa. Em không hiểu, từ khi anh thân cận với vua Phế Đế, rồi Phế Đế bị giết, cha không tin anh nữa... Mà này, em đừng hở với ai những điều anh nói.
Ngạc và Quý Ly vốn hiềm khích với nhau từ mấy năm trước. Khi xưa Quý Ly có lần đánh thắng Chế Bồng Nga, ông được Nghệ Hoàng phong chức bình chương vào hàng quan nhất phẩm triều đình. Theo lệ cũ của nhà Trần, các quan từ chức bình chương trở lên, khi ngồi bàn việc chính sự, được ngồi ghế tựa sơn then, không phải đứng. Thái uý Ngạc đã bỏ ghế của Quý Ly không cho ngồi cùng hàng, việc đó làm Quý Ly giận thâm tím ruột gan. Tiếp đó, Ngạc lại bàn với vua cũ tức Trần Phế Đế, ngầm mưu giết Quý Ly; việc đó bại lộ, Quý Ly phản kích thắng lợi. Từ đó, Ngạc bị lép vế hoàn toàn. Mặc dù được phong tước đại vương, chức Thái uý, chức tước tột đỉnh nhưng thực chất chỉ là bù nhìn. Nghệ Hoàng có ba con trai: Húc, Ngạc và Ngung đều là người văn nhã.
Con cả là Ngự Câu Vương Húc. Húc theo Duệ Tôn đi đánh Chiêm Thành. Sau khi Duệ Tôn tử trận, Húc bị bắt, Chế Bồng Nga gả con gái cho và dùng làm vua bù nhìn Đại Việt, dùng làm kẻ dẫn đường tiến đánh Thăng Long. Điều đó Nghệ Hoàng rất uất, cho là điều sỉ nhục nhất của mình.
Con thứ hai là Trang Định Vương Ngạc cũng là kẻ văn tài. Khi Ngạc lên làm Thái sư, quan tư đồ Trần Nguyên Đán cáo lão về ở Côn Sơn gửi hai câu thơ cho Ngạc:
Còn mất xưa nay xem đã rõ.
Cớ sao ông nỡ ít thư can?
Ngạc gửi tới Côn Sơn bài thơ trả lời
Tôi nay vào hạng vứt đi rồi
Ông chống nhà to chẳng có tài
Cùng một phường già suy yếu cả
Điền viên sớm liệu thoái về thôi.
Xem xong bài thơ, ông Đán thở dài.
- Dòng dõi đức thượng hoàng đều là những kẻ văn nhã, song khẩu khí u buồn quá, nhu nhược quá... Mà kẻ lắm văn tài liệu lúc này có gì ích lợi cho xã tắc không?
Người con thứ ba là Chiêu Định Vương Ngung, tức Trần Thuận Tôn. Ông vua trẻ rất kính trọng Trang Định Vương Ngạc, chỉ tiếc tuổi còn ít, chưa được điều hành chính sự nên không trọng dụng được anh mình. Trong khi đó mọi việc vẫn do Nghệ Hoàng điều khiển.
Tiếng là Nghệ Hoàng nắm việc đất nước. nhưng thực ra ông vua già rất tin Quý Ly nên đã dần dần trao hết quyền bính cho thái sư.
Tháng chạp năm ấy Ngung lên ngôi vua, tháng giêng năm sau Quý Ly đã bàn ngay với Nghệ Hoàng.
- Vào mùa xuân năm nay đức vua Thuận Tôn đã sang tuổi mười bốn, cũng nên lo đến việc lập hoàng hậu, tìm người làm mẫu nghi thiên hạ, để cho trăm họ được an lòng. Bây giờ nhiều chuyện biến động nên lo sớm để đức vua chóng có người nối dõi cơ nghiệp tổ tông. Thần nghĩ việc đó phải lo liệu ngay. Ông vua già cười:
- Ta cũng đã nghĩ đến việc lập hoàng hậu cho "quan gia". Chưa kịp nói, khanh đã tâu bày. Vậy ý khanh đã nhằm vào ai chưa?
- Thần đã bàn với Phạm Cự Luận, đã xem xét con cái các bậc đại thần, kê ra một bản các cô từ mười ba đến mười tám tuổi. Sẽ tổ chức một cuộc tuyển phi, chọn ra ba cô. Cô nào đủ điều kiện nhất sẽ lập làm hoàng hậu.
Ông vua già xua tay cười mỉm:
- Thôi! Khỏi phải bày vẽ. Thực ra, ta đã nhằm rồi, thái sư ạ. Ta nghĩ mẹ ta là người họ Lê. Mẹ em ta, vua Duệ tôn quá cố, cũng người họ Lê, thì con dâu của ta cũng nên là người họ Lê.
Nghệ Hoàng cười to:
- Hôm tết nguyên đán, công chúa Huy Ninh, em gái ta cùng đi với Thánh Ngẫu và Hán Thương đến chúc mừng. Ta thấy con gái khanh đã lớn bổng hẳn lên. Ta hỏi chuyện thấy con bé học hành rất khá, lại xinh đẹp nữa. Rất giống cô Huy Ninh lúc bằng trang tuổi nó. Lúc Huy Ninh còn nhỏ, ta rất quý cô ấy. Rồi lấy chồng, gặp ngay nạn Dương Nhật Lễ, cô ấy thật vất vả. May gặp được khanh. sinh được hai đứa trẻ đều thông minh dĩnh ngộ. Ta lấy làm mừng cho em gái ta. Chỉ phải một điều Huy Ninh tạng người yếu đuối. Hôm tết gặp ta cứ ho húng hắng. Mới đây lại nghe thấy nói công chúa đang mệt?
Quý Ly vội cúi đầu nói:
- Dạ tâu, phu nhân của hạ thần đã mệt, ho từ đợt gió đông trước tết, tưởng rằng mùa xuân ấm lên sẽ đỡ. Nhưng xuân này mưa nhiều quá, nên bệnh không thuyên giảm, mặc dầu thần đã cho mời khắp các danh y.
Nghệ Hoàng buồn rầu:
- Thế đấy!... Chính vì vậy nên ta mới nảy ra ý định, lập Thánh Ngẫu làm hoàng hậu cho Thuận Tôn... ý khanh...
- Thật là phúc lớn cho gia đình hạ thần - Quý Ly quỳ xuống bái tạ.
Nghệ Hoàng nghiêm trang:
- Cuộc hôn nhân này ta nghĩ có nhiều điều tốt đẹp. Thứ nhất, vì Thánh Ngẫu là người dòng dõi, phúc hậu, đoan trang rất xứng với Thuận Tôn. Thứ hai, vì ta muốn công chúa Huy Ninh em gái ta được vui mừng khi con gái được làm mẫu nghi thiên hạ. Ta muốn sự vui mừng làm cô ấy khỏi bệnh. Vả lại, Thánh Ngẫu ở trong cung, cứ nhìn thấy nó là ta lại nhớ đến lúc anh em ta khi còn nhỏ được sống hạnh phúc thế nào. Chắc điều đó làm khuây khoả tuổi già của ta. Thứ ba, điều này rất quan trọng... - ông vua già nói đến đây bỗng cầm lấy tay Quý Ly - Khi hai trẻ lấy nhau, tức thị Thuận Tôn là con rể của khanh. Ta già lắm rồi, ít lâu nay thấy trong người không khỏe. Nếu chẳng may ta có ra đi, ta cũng yên lòng vì đã giao phó được nó cho người cha vợ của nó...
Như vậy, cuộc tâm sự đã biến thành cuộc uỷ thác. Nghệ Hoàng muốn cuộc hôn nhân sẽ như một lời cam kết, một bó buộc. Ông vua già rất hiểu tài năng của người anh em họ ngoại của mình. Chỉ có Quý Ly lúc này mới đủ tầm vóc, trí lực để giữ con thuyền xã tắc trong cơn giông bão. Nhưng ông cũng hiểu con người mưu lược ấy đầy tham vọng, cần phải dùng mọi giây nhợ, kể cả mối liên hệ hôn nhân để kiềm chế, sau khi mình chết...
Nghệ Hoàng, từ khi về già đâm thích những nghi lễ, ông cho tổ chức lễ sắc phong hoàng hậu thật trọng thể. Quý Ly sai Phạm Cự Luận, người thân tín, làm bài văn sách phong:
"Một âm một dương là đạo trời đất. Trời đất cùng chở che, mặt trời mặt trăng cùng sáng soi, cho nên mới sinh thành muôn vật. Hoàng hậu sánh đôi với vua, nên có thể làm gương mẫu cho trăm họ.
Chọn lấy ngày giờ tốt lành, ban cho sách vàng rục rỡ. Nay ban cho chính cung họ Lê tên Thánh Ngẫu làm hoàng hậu.
Ban cho áo vàng, khăn vàng, trâm ngọc.
Ban cho chỗ ở đặt tên là điện Hoàng Nguyên.
Mong sẽ gìn giữ nề nếp tổ tông, gìn giữ đầu mối luân thường, làm nền tảng giáo hoá thiên hạ, để giữ nghiệp đế vương cùng nhau rạng rỡ vui vầy..."
Nghi lễ tiến hành ở điện Đại Minh, án thư sách phong mầu vàng đạt ở phía đông sân rồng. Cắm hai chiếc tàn vàng ở hai bên tả hữu án ấy. Sai đặt đồ đại nhạc ở hai bên sân rồng... trăm quan đều có mặt. Khi lễ sắc phong kết thúc, vua Thuận trôn và hoàng hậu Thánh Ngẫu đi kiệu đến cung để làm lễ tạ thái thượng hoàng, ông vua già rất hài lòng. Ông cầm tay hai người và nói:
- Chỉ nhìn thấy gương mặt hai con bên nhau, cha cũng đủ thấy vui lòng. Trai thì thông minh tuấn tú, gái thì yểu điệu đoan trang. Cha cầu mong cho đời các con là đời hiền minh hạnh phúc. Các con còn nhỏ tuổi trước hết phải học đã. Gái thì học để làm hoàng hậu. Trong kinh dịch, phần hạ kinh để quẻ Hàm quẻ Hằng nói về đạo vợ chồng lên đầu. Quẻ Hằng nói "Hằng kỳ đức trinh, phụ nhân cát" tức là cái đức lúc nào cũng bền bỉ là trinh, đức ấy ở người đàn bà thì tốt. Còn trai thì nên chuyên cần gắng sức học để làm vua, đất nước này là của con, ta sắp trao lại cho con rồi...
Ông vua già như xúc động, ngừng lại một lúc rồi tiếp:
- Từ nay Bình chương Lê Quý Ly vừa là thái sư, cũng là bố vợ, đồng thời là thày dạy học của con. Ta đã bàn với thái sư rồi. Sẽ chọn hai vị học sĩ hàng ngày giảng bài. Nhưng cứ cách ba ngày, thái sư sẽ đích thân giảng cho con một buổi. Vậy là con phải học miệt mài. Phải gấp rút thế, vì ta tính khi con mười sáu tuổi, ta sẽ trao lại quyền hành cho con...
Sau đám cưới, vua Thuận Tôn phải suốt ngày tháng ở cung quan triều để học tập; còn hoàng hậu Thánh Ngẫu, ở điện Hoàng Nguyên, cũng suốt ngày miệt mài nghe các nữ quan giảng sách. Thi thoảng họ mới gặp nhau, dạo chơi với nhau trong vườn Ngự uyển. Thái sư Quý Ly bận việc triều chính, nhưng cũng không quên con gái và con rể. Ông làm hai cuốn sách. Đó là Thi Nghĩa và Vô Dật Nghĩa. Thi Nghĩa là sách giải nghĩa kinh Thi. Vô Dật Nghĩa là sách giải nghĩa thiên Vô Dật trong kinh Thư. Điểm đặc sắc: cả hai cuốn đều viết bằng quốc ngữ (chữ nôm). Ông tâu với Nghệ Hoàng: Bắc và Nam đều có nền văn hiến riêng. Từ xưa ta vẫn đọc và hiểu theo chữ nghĩa của người phương bắc, nay thần muốn cho người Nam ta đọc và hiểu theo chữ nghĩa của người phương Nam ta. Nghệ Hoàng bảo:
- Xưa kia, Hàn Thuyên sáng tạo ra loại chữ nam (nôm). Đức Trần Nhân Tôn dùng chữ nam làm thơ phú. Rồi tới Nguyễn Sĩ Cố, sư Huyền Quang là những người giỏi thơ phú bằng chữ Nam. Nay khanh lại dùng chữ Nam để giải nghĩa kinh Thi, kinh Thư, không nệ cổ, giải nghĩa theo ý người Nam ta, Trẫm nghĩ đó là việc nên làm.
Triều thần nhiều người đọc hai cuốn sách của Qúy Ly phản ứng dữ dội, nhưng chẳng ai trực tiếp phản đối, vì sợ uy thái sư; chỉ có Đoàn Xuân Lôi đỗ thái học sinh khoa Giáp Tí (1384) làm trung thư thị lang đã dâng thư can khéo:
"Từ sau khi thày Mạnh Tử mất, người làm thầy đều chuyên về môn của mình, thành thử việc giải nghĩa kinh sách đâm chia tách. Các bậc đại nho tuy có chỗ đáng khen nhưng vẫn chưa đại thuần; việc giải kinh chưa khỏi những tì vết.
Phải đến Chu Tử ở cuối đời Tống, nối tiếp các tiên nho Hán Đường, đã chú giải sáu kinh, hiểu ý được thánh nhân, rõ được đạo thánh hiền, nghiền ngẫm xa rộng, nên lời lẽ chú giải đáng gọi là tập đại thành, làm khuôn mẫu cho hậu học. Người sau chỉ mở cho rộng thêm, tô chuốt cho bóng thêm. Chỉ có thế thôi, chứ sao dám thay đổi, chê cãi, thêm bớt tuy tiện... ".
Thượng hoàng đưa cho Qúy Ly xem bức thư. Qúy Ly mang về nhà, đề sang bên lề: "Các nhà khoa bảng của ta thảm hại thế sao! Họ học rộng nhưng chỉ biết tích cóp nhặt nhạnh câu ý của người đời xưa. Buồn thay1 buồn thay!":..
Mặc sự phản đối. thái sư vẫn đưa cuốn Thi nghĩa cho các nữ quan dậy hoàng hậu Thánh Ngẫu, rồi sau đó se dậy cho toàn thể cung phi.
Còn đích thân ông dậy cuốn Vô Dật Nghĩa cho vua Thuận Tôn. Cả đời, từ lúc còn trẻ cho đến nay đã về già, thái sư vẫn lấy bốn chữ "Vô dật, nãi dật" làm châm ngôn cho mình. Trong gia đình, ông dậy Nguyên Trừng rồi sau đó đến Thánh Ngẫu và Hán Thương bốn chữ ấy: "Hãy tránh hưởng lạc, rồi tự khắc nguồn vui sẽ đến". Ông nói với các con:
- Phải hiểu nghĩa hai chữ dật hoàn toàn khác nhau. Chữ dật thứ nhất là đam mê thú vui, chữ dật thứ hai là hưởng niềm vui sướng chinh đáng.
Còn nhớ, có một lần Nguyên Trừng mất một ngày ngồi nghe người vũ nữ Chiêm Thành đánh đàn. Bận ấy ông nổi giận đùng đùng, phạt con một tháng trời không được ra khỏi buồng học. Ông bảo:
- Con phải ghi nhớ suốt đời hai chữt vô dật. Ngoài nghĩa không được ham thú vui, nó còn nghĩa phải chăm chỉ làm việc. Hai tay luôn phải làm việc. Nếu tay không làm việc thì đầu óc phải làm việc. Đừng để con người mình nhàn rỗi. Phải kiếm việc mà làm. Hết việc rồi, thì đọc sách, vắt óc suy nghĩ. Cứ thư thế, ngày này qua tháng khác, nguồn vui sẽ tới. Cái tinh túy của thiên Vô dật trong Kinh Thư nằm ở chỗ ấy.
Ngày nay, ông lại đem thiên sách tâm đắc của mình dạy cho con rể, ông vua trẻ:
- Bệ hạ nên biết, phàm những ai ở ngôi chí tôn, lúc nào cũng cần nhớ đinh ninh bốn chữ "Vô dật, nãi dật", bởi vì càng ở ngôi cao người ta càng có nhiều điều kiện hưởng lạc. Kiệt. Trụ vì ham lạc thú nên thân bại danh liệt bêu tiếng xấu ngàn thu. Các vua Trung Tông, Cao Tông, Tổ Giáp vì hiểu và thi hành bốn chữ ấy nên được hưởng ngôi báu dài lâu. Không nói chuyện phương Bắc. ngay ở nước Nam ta, vua Lý Thái Tôn, trước lúc lên ngôi, đã phụng mệnh vua cha, ra ngoài hoàng thành sống với dân một thời gian dài, nên hiểu rõ nỗi thống khổ của dân, nên khi lên ngôi vua, phía nam đánh vào Chiêm Thành, chém đầu vua Chiêm Xạ Đẩu mở mang bở cõi; phía bắc dẹp yên bọn giặc Nùng Trí Cao. Vua nổi tiếng anh minh, nhân từ, đất nước văn hiến rực rỡ. Ngay ở triều đại nhà Trần ta, đức Trần Nhân Tôn, hai lần đánh thắng giặc Nguyên hung bạo. Vua nhân từ, thân dân, nên cả nước một lòng tin theo. Về già, vua tu hạnh đầu đà, sống đạm bạc, đi chân đất trải khắp miền đất nước. Đó là vị vua đại anh minh, chưa từng thấy. Dưới thời ông, đất nước thịnh trị... không một tiếng oán hờn. Được như vậy, tất cả đều dựa vào chữ Vô dật.
Hồ Quý Ly Hồ Quý Ly - Nguyễn Xuân Khánh Hồ Quý Ly