Đôi khi, những thành quả tuyệt vời lại xuất phát từ những thất bại sớm gặp phải.

Thomas H. Huxley

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 55
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4267 / 135
Cập nhật: 2016-02-24 12:08:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ha tôi có hai bà vợ. Bà chính thất con một cụ lang nổi tiếng đất Thăng Long: cụ Phạm Công. Bà họ Phạm chính là mẹ đẻ ra tôi. Mẹ tôi mất khi tôi còn nhỏ. Cha đi bước nữa. Bà thứ thất ấy là một công chúa nhà Trần.
Chuyện kể lại rằng: hồi trai trẻ cha tôi là một con người thông minh dĩnh ngộ. Ông học giỏi. lại chăm đọc sách, có tài ứng đối rất nhanh. Nhờ hai bà cô lúc đó là ái phi của vua Trần Minh Tông nên cha tôi được một chức quan nhỏ.
Một hôm, trời nóng bức, vua Minh Tông và triều thần ra chơi hóng mát ở điện Thanh Thử nằm trong vườn ngự uyển. Trước cửa điện Thanh Thử, người ta trồng một rừng quế, những cây quế to toả bóng mát, thơm phức, làm dịu đi cái oi bức ngày hè. Minh Tông là ông vua hay chữ. Nhìn rừng quế, ông ngẫu hứng ra ngay một vế câu đối:
Thanh Thử điện tiền, thiên thụ quế
(Trước điện Thanh Thử, ngàn gộc quế)
Các quan tả hữu nhìn nhau, lúng túng. Toàn những bậc khoa bảng tài danh, nhưng chưa ai kịp nghĩ ngay được một câu văn hay để đối lại.
Giữa lúc ấy, chàng trai trẻ Lê Quý Ly, cũng đi theo hầu xin được đối. Một chàng trẻ tuổi, thứ học trò vô danh, thật quả to gan. Quý Ly quỳ xuống đọc:
Quảng Hàn cung lý, nhất chi mai
(Trong cung Quảng Hàn, một nhành mai)
- Bá quan đều tròn mắt, phục tài ứng đối mẫn tiệp của cha tôi. "Thiên thụ quế" mà đối bằng "nhất chi mai" thật là tuyệt. Một cánh rừng hùng vĩ, thơm ngát mà đối bằng một nhành mai mỏng manh, yểu diệu thật thần tình.
Nhưng người ngạc nhiên hơn cả là vua Trần Minh Tông. Trăm quan đều không rõ vua có một cô con gái út vừa thông minh, vừa xinh đẹp. Minh Tông rất yêu quý công chúa út. Vua lại rất thích bài thơ của đại sư Mãn Giác đời Lý vịnh mùa xuân. Vua cho rằng bài thơ ấy là một áng thơ tuyệt diệu, hiếm có, nhất là hai câu cuối cùng:
Mạc vị xuân tàn, hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ, nhất chi mai
(Đừng trọng xuân tàn, hoa rụng hết.
Đêm qua, sân trước, một nhành mai).
Minh Tông liền dùng chữ "Nhất Chi Mai" của câu thơ đặt tên cho cô con gái yêu. Rồi lại xây riêng cho con một cung điện nhỏ xinh nhưng tráng lệ và gọi là cung Quảng Hàn. Không hiểu ở đây có sự trùng hợp gì không. Hay chàng nho sinh láu lỉnh đã nghe lỏm được câu chuyện về cô Nhất Chi Mai nên ngẫu hứng thốt ra vế thứ hai câu đối. Cũng có thể người thư sinh tài ba ấy đã tơ tưởng đến cô công chúa từ thời xa xưa lắm, bởi vì hai bà vương phi họ Lê, những sủng phi của vua đều là cô ruột cha tôi.
Công chúa Nhất Chi Mai tên tục là Huy Ninh, là bạn thời thơ ấu, đồng thời là anh em con cô con cậu với cha tôi. Vua Minh Tông gả bà cho tôn thất Trần Nhân Vinh. Trong loạn vua phường chèo, Nhân Vinh bị giết. Vua Nghệ Tôn sau đó gả bà cho cha tôi. Ông muốn dùng quan hệ hôn nhân để gàn chặt cha với nhà Trần.
Như vậy bà Nhất Chi Mai, một mặt là mẹ kế của tôi, một mặt là bà cô họ của tôi. Bà hiền hậu nhưng yếu ớt, trái ngược với cha tôi là một con người chắc nịch, đậm, bộ mạt vuông vức có chòm râu đen nhánh. Cả mẹ tôi, cả bà Nhất Chi Mai đều là những phụ nữ yểu điệu, mảnh mai. Lúc bà về nhà tôi, bà ôm lấy tôi mà rằng:
- Con đừng sợ. Ta yêu quý con. Ta sẽ là mẹ của con.
Lúc đó, tôi là một thằng bé cao ngỏng, gầy gò. có đôi mắt rất to. Hồi đó, mới năm tuổi tôi đã phải học chữ với một vị lão nho. Ông thày của tôi uyên thâm nhưng rất nghiêm khắc; cứ thấy mặt ông là trong tôi như thất thần, toàn thân co rúm lại, chữ học vào trong đầu lại bật ra. Cha tôi vốn thiên kinh vạn quyển nên rất bực mình, không thể nào nghĩ được rằng con trai ông mà lại học dốt. Ông nghiêm khắc mắng:
- Làm con trai mà lười học, sau này sẽ vô dụng.
Bà Nhất Chi Mai cười, bảo ông:
- Để thiếp dậy tháng bé cho.
Lạ thay khi học với bà, tôi học rất nhanh. Hơn một năm sau tôi đã đọc chữ vanh vách. Lên bẩy tuổi đã thuộc lòng sách Đại Học.
Cha tôi thấy mẹ Nhất Chi Mai dạy tôi học nhanh như vậy, rất hài lòng. Tôi thường bắt gặp ánh mắt sáng lên của ông mỗi lúc hai mẹ con tôi ngồi học với nhau. Dần dần, tôi yêu quý bà Nhất Chi Mai, quấn quýt bên bà như mẹ ruột của mình. Có lẽ tôi đã tìm thấy ở bà những nét mơ hồ giống như mẹ tôi. Tôi nói mơ hồ, bởi vì mẹ tôi chết lúc tôi còn quá nhỏ. Hình ảnh về người mẹ đẻ chỉ còn là hình ảnh nhòe nhoà của một người phụ nữ gầy gò, xanh lướt với nét mặt thanh tú và cao thượng, lúc nào cũng nằm dài trên giường, lặng lẽ, buồn bã nhìn tôi. Đứa bé côi cút ấy đã tìm lại được tình cảm mẹ con ở bà công chúa.
Song, tình cảm ấy rồi cũng vụt trôi đi, vì bà Nhất Chi Mai sinh Thánh Ngẫu em gái tôi. Hơn một năm sau, bà lại sinh em Hán Thương. Bà công chúa cũng hay ốm đau, bà lại phải bận bịu lo lắng cho hai đứa em; vậy nên cuối cùng bà phải ngừng dạy tôi học.
Thánh Ngẫu còn đỡ. Cô em gái xinh xắn dễ thương ấy đôi lúc còn nhường mẹ cho tôi. Thỉnh thoảng em vẫn để bà Nhất Chi Mai âu yếm vuốt ve tôi. Nhưng Hán Thương thật ghê gớm. Cứ môi lần tôi đến gần bà công chúa, nó lại hét to:
- Đi đi? Giả mẹ đây?
Những lúc như vậy, lòng tôi như bị xát muối. Tôi tủi thân, nén nỗi tức giận, dìm nó xuống đáy lòng. Có lẽ đó là lý do đầu tiên làm anh em tôi suốt đời bất hoà; đối địch nhau, thậm chí có lúc như hận thù nhau. Người ta còn giải thích sự xung dột ấy theo nhiều cách khác. Có thể, vì Hán Thương là con một bà công chúa, còn tôi là con một người đàn bà bình thường. Có thể, vì khi lớn lên, Hán Thương đã thầm cảm thấy ngôi vua nước Nam sẽ về tay mình, nên em tôi đã tranh ngôi báu ngay từ lúc chiếc ngai vàng còn chưa đến tay. Cũng còn có thể vì Hán Thương giống cha tôi. Nó cũng khỏe mạnh, cũng cương nghị, cũng đầy tham vọng, cũng quyết đoán như cha. Còn về phần tôi, tôi là loại người yếu đuối, mặc dù về mặt trí thông minh, có thể nói, tôi hơn hẳn Hán Thương. Còn cha tôi đối với chúng tôi thì sao? Người đàn ông cương nghị có thể yêu một người đàn bà yếu đuối, nhưng ít khi có thể yêu một người đàn ông khác mà tính chất lại yếu đuối. Hơn nữa, cha lại là một con người lạnh lùng tính toán. Đối với ông, sự nghiệp là điều trên hết; tất cả phải phục vụ sự nghiệp. Có thể, từ khi chúng tôi còn nhỏ, cha đã lặng lẽ quan sát hai đứa con, rồi cân nhắc mọi điều lợi hại, để trù biện cho tương lai, nhưng thôi, đó là chuyện về sau...
Và như tôi đã kể, cũng vì sinh Hán Thương nên từ dạo ấy, tôi chuyển sang ở trại thuốc cùng với ông ngoại.
Hồ Quý Ly Hồ Quý Ly - Nguyễn Xuân Khánh Hồ Quý Ly