Tôi chưa từng biết ai phải khổ sở vì làm việc nhiều quá. Chỉ có rất nhiều người khổ sở vì có tham vọng nhiều quá mà lại không có đủ hành động.

Dr. James Mantague

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 55
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4267 / 135
Cập nhật: 2016-02-24 12:08:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
uan kiểm pháp Nguyên Trừng vừa đi thanh sát Thanh đô trấn về. Người ngây ngất mệt mỏi nên ông không đi dự hội thề. Buổi sáng sớm người thư lại tâm phúc vào bẩm công việc, nhưng Trừng không dậy nổi; đến quá trưa ông mới gượng dậy. Lão bộc pha cho ông một ấm trà, rồi bưng cháo nóng đến. Ăn bát cháo xong, Trừng mới thấy khỏe khoắn lên đôi chút. Ông ăn mặc tề chỉnh từ hậu đường bước sang thư phòng.
Bảy năm về trước khi Nguyên Trừng cưới quận chúa Quỳnh Hoa, con Thái bảo Trần Nguyên Hàng, thái sư Quý Ly định xin vua cắm đất cho người con cả xây dựng phủ đệ, nhưng Nguyên Trừng xin cho được về ở cùng ông ngoại.
Dòng dõi họ Phạm vốn là danh y truyền thế. Đời Trần Anh Tông cụ Phạm Bân làm quan thái y nổi tiếng một thời. Tiếp đến đời con trai cũng làm thầy thuốc. Cháu cụ Phạm Bân là Phạm Công cũng nối nghề tổ và là danh y đương thời. Phạm Công đẻ ra Phạm Thị là vợ quan thái sư và là mẹ Nguyên Trừng. Người cậu ruột của Nguyên Trừng đi hái thuốc ở vùng Yên Tử, không may bị mưa rừng hãm trong núi, rồi bị lũ cuốn mất tích. Do vậy, Nguyên Trừng về ở với ông ngoại cô đơn. Điền trang nhà họ Phạm rộng chừng vài chục mẫu nằm bên hồ Lục Thuỷ. Giữa trang có chiếc ao sen vài sào nhìn ra hướng đông, bên phải ao sen là nhà ở của Nguyên Trừng, bên trái ao là nhà thuốc của cụ Phạm Công, còn gọi dược thảo am. Từ ao sen có con ngòi thông ra hồ Lục Thuỷ. Ông lại cho người lấy đá đẽo gọt bắc cầu qua con ngòi. Hai bên đường, từ hữu sang tả ngạn ao, trồng hoè, tạo nên phong cảnh thật thanh u, kỳ thú.
Viên thư lại đã ngồi chờ ở thư phòng, khi thấy Nguyên Trừng bước ra, ông đứng dậy thi lễ. Nguyên Trừng lặng lẽ ngồi xuống bên cái kỷ. Anh ta nói:
- Dạ bẩm đức ông - Tôi đã cho người đi lấy tin tức ở các nơi.
Nguyên Trừng mệt mỏi gật đầu. Ông lơ đãng, nửa suy nghĩ, nửa lắng tai nghe. Giọng người thư lại đều đều, vô cảm. Trừng khoát tay nói:
- Xin ông chỉ kể lại những điều đáng chú ý nhất.
- Sáng hôm nay, ở Quảng Phúc môn có một thư sinh trà trộn vào đám người đi xem, định ngăn đường dâng thư lên đức thượng hoàng. Anh ta chưa kịp làm đã bị cấm vệ quân bắt.
- Chắc lại một cuồng sĩ dâng sớ phản đối chính sách phiền hà của quan thái sư cha ta - Nguyên Trừng buồn rầu lắc đầu - Nào thay tiền đồng bằng tiền giấy ư. Nào hạn nô hạn điền ư... Có phải vậy không?
Người thư lại cười nửa miệng:
- Dạ, không phải. Lá thư chỉ là một tờ giấy hồng trên đó viết bằng một nét bút như rồng bay phượng múa, nét bút của một tay đại bút làm cho bất cứ ai đã theo nghề nghiên bút đều phải tấm tắc khen.
- Câu chuyện của ông làm ta chú ý rồi đấy. Này, nhưng chẳng lẽ anh ta chỉ định khoe chữ đẹp thôi sao? Ông nói ta nghe dòng chữ trên đó...
- Dạ trên đó là dòng chữ: "Cung chúc đại y sư" - Một lời chúc tụng ư?... à, cũng có thể là một lời mai mỉa... Hay... chỉ là một lời kín đáo. Này, thế cha ta xử sự ra sao?
- Thưa đức ông, quan thái sư chỉ cười. Và người im lặng hồi lâu rồi nói: Thả hắn ra.
- Vậy sao... Nhưng mà... Thế là phải... Thôi ông cho ta nghe tiếp những sự việc ở đền Đồng cổ.
- Trăm quan có mặt đầy đủ. Chỉ vắng mặt mấy người mắc bệnh, trong đó có ông Sử Văn Hoa đang chữa bệnh ở chùa Sùng Quang.
- Ta biết Sử tiên sinh ốm đã mấy tháng nay.
- Đức Thượng hoàng Trần Nghệ Tôn, hôm nay, hầu như khỏi bệnh. Người đọc câu minh thệ: "Làm tôi bất trung thần minh tru diệt!" giọng sang sảng dõng dạc, to hơn tất cả mọi người. Buổi lễ được quan thái bảo Nguyên Hàng tổ chức rất chu đáo, lại được thượng tướng quân Khát Chân đôn đốc nên rất nghiêm ngặt chẳng xảy ra điều gì đáng tiếc. Duy chỉ xảy ra một việc rất nhỏ.
- Việc rất nhỏ?...
Vâng... Khi đến lượt đức vua Trần Thuận Tôn uống huyết tửu, người đã run tay...
- Rượu thề bị đổ à?
- Thưa đức ông, không, mới chỉ sóng sánh...
- Sóng sánh?
- Chỉ có một giọt rượu rớt ra, rơi xuống áo long bào, nhưng không ai trông thấy.
- Không ai trông thấy sao lại biết?
- Chỉ một mình quan nội thị đứng đằng sau thái sư trông thấy.
- Thế cha ta có trông thấy không?
Dạ, dạ... gia thần không biết... Nhưng nhưng ông nội thị nói rằng quan thái sư mắt lúc nào cũng lặng lẽ nhìn chén rượu của người minh thệ.
- Đúng, đúng... Cha ta... à... không ai biết được... Ông cũng không biết được... cha ta mà cả đến ta... Này... Thế đức ông Trần Khát Chân thì sao?
- Không ai nhận thấy một điều gì khác lạ...
- Sao lại khác lạ - Trừng nhìn thẳng vào đôi mắt bối rối của người thư lại. Rồi ông chợt nhớ ra một điều - Bây giờ ngươi làm ngay cho ta một việc. Hôm qua, quan thượng tướng có viết thư mời ta tối hôm rằm đến dự tiệc thưởng hoa, ông hãy sai người đến ngay Trại Mai báo rằng ra nhận lời. Ta sẽ đến.
Khi người thư lại quay ra, Nguyên Trừng gọi ông lão bộc chuẩn bị qua cầu, sang thăm ông ngoại.
o O o
Nguyên Trừng đi men bờ ao sen, ra con đường hoè, ngang qua cầu đá dẫn đến dược thảo am nơi ở của cụ Phạm Công. Khu trại bây giờ được gọi là Dinh ông Trừng, nhưng dân gian vẫn quen gọi là Trại Thuốc. Cụ Phạm Bân hồi làm thái y dưới thời Trần Anh Tông, có công to đã chữa khỏi bệnh hiểm nghèo cho hoàng tử, nên được vua ban cho đất, mở trại bên hồ Lục Thuỷ.
Ông cụ sưu tầm cây thuốc ở khắp nơi đem về trồng thêm, thành thử trại thuốc đã biến thành một rừng cây. Nhưng phần lớn cây thuốc lại là những cây hoa nên trại của nhà họ Phạm đã trở thành một vườn hoa lạ. Ta gặp ở đây dáng dấp một hoa viên dân dã, hoang dại. Vắt ngang dòng nước nhỏ, có cây cầu đá rồi tiếp tới một đường hoè. Sau ao sen là một rừng bàng lá đỏ. Ở một góc trại là một bãi lau trắng để nuôi loại sâu tên gọi "đông trùng hạ thảo". Dọc bờ khe nước, những luống rau diếp dại, bồ công anh, rau vòi voi, cây cỏ xước, cây xấu hổ tía... Những nô tì trồng những ruộng sâm, ruộng tam thất, ruộng nghệ đen... Bốn mùa ở đây hoa nở. Mầu xanh, mầu hồng, mầu vàng, mầu tím, mầu đỏ luôn hiện ra trước mắt khi bước vào khu trại.
Nguyên Trừng về ở với ông ngoại khi bà công chúa Huy Ninh sinh em Hán Thương. Từ khi con trai đi hái thuốc trong rừng bị lũ cuốn mất tích, cụ Phạm Công sống hiu quạnh cùng với người gia bộc tên là ông Lặc. Hồi Lê Quý Ly hành quân vào Hoá châu, cụ Phạm Công đi theo con rể làm thầy thuốc. Ông Lặc người Chiêm Thành bị thương sắp chết đã được cụ Phạm cứu sống. Cảm ơn cải từ hoàn sinh, ông Lặc xin theo hầu cụ lang Phạm và trở nên người lão bộc trung thành.
Cụ Phạm vốn người trầm tĩnh, ít nói. Ngoài việc làm thuốc chữa bệnh, cụ dành tất cả thời gian cho việc đọc sách, cụ học rộng, uyên thâm tam giáo. Ngoài ba gian nhà thuốc, cụ còn cho xây ở đằng sau một thư đình, nơi đó cụ lưu giữ sách của trăm nhà. Trong trại thuốc có hai cây lan cổ thụ: cây hoàng lan trồng trước dược thảo am, và cây ngọc lan trồng cạnh thư đình. Cụ thường mắc võng, cầm cuốn sách, nằm dưới gốc lan, nơi nhắm mắt lại cụ vẫn ngửi thấy mùi hoa thoang thoảng và vẫn nghe thấy tiếng xì xào của gió đùa trên những đoá hoa ngọc ngà.
Khi Trừng lên tám tuổi, thái sư Quý Ly đưa Trừng đến cho ông bố vợ. Quan thái sư làm việc ấy vì hai lý do. Thứ nhất, Quý Ly muốn làm trọn cái đạo của người rể hiền; ông vừa trọng vừa thương ông bố vợ, Phạm Thị vợ thái sư chết đã là một đòn nặng nề với ông lang già, nay đến lượt người con trai chết, cụ Phạm trở nên suy sụp như kẻ mất hồn, có đứa cháu ngoại ở bên cạnh may ra cụ còn khuây khoả. Thứ hai Quý Ly muốn nhờ cậy ông nhạc rèn giũa cho Nguyên Trừng nên người; ở kinh thành Thăng Long này ai chẳng biết cụ Phạm là người học rộng. Quý Ly bảo Trừng:
- Con quỳ xuống lạy ông ngoại đi.
Đáng lẽ đến chào ông, cháu chỉ phải cúi đầu xuống vái; đằng này Quý Ly bắt con quỳ lạy. Ông ngoại đang ngồi trên giường, vội bước xuống đỡ cháu. Ông hiểu thâm ý của chàng rể:
- Anh định giao phó hẳn nó cho tôi sao?
- Thưa thầy, cháu còn bé nhưng thông minh, xem ra là đứa có hiếu. Cháu sẽ thay mẹ nó và thay con... Bẩm nhạc phụ, công việc triều chính trăm việc bề bộn, con thẹn không thể ở bên thầy...
- Tôi hiểu... tôi hiểu...
- Vả lại, ở bên thầy, sự học hành của cháu... con cũng được yên tâm.
Quý Ly quả là người nhìn việc giỏi. Từ khi có Nguyên Trừng ở bên, ông lang Phạm dần dần vui trở lại ông và cháu rất hợp nhau. Ngoài việc chữa bệnh cho đời, Phạm Công dồn hết công sức dạy dỗ cháu ngoại. Thằng bé thông minh xuất chúng; ông dạy đến đâu, cháu biết ngay không cần nhắc lại. Đứa cháu học có kết quả, ông cụ cũng nhận được sự tác động trở ngược của kết quả ấy. Đứa cháu đã trở thành một lý do để cụ sống ở đời. Nguyên Trừng rất giống mẹ. Bà Phạm Thị cũng thông minh, nhưng Trừng còn thông minh gấp bội. Bà Phạm Thị cũng kín đáo đa cảm, nhưng sự đa cảm của Trừng lại nhiều khi làm cụ lo lắng. Không biết trong hoàn cảnh đất nước rối ren như hiện nay, sự đa cảm ấy là tốt hay xấu, điều đó cụ lang cũng không hiểu được.
Nguyên Trừng bị ảnh hưởng ông ngoại, suốt ngày miệt mài đèn sách. Nhìn cái dáng gầy guộc của cháu, ông ngoại vô cùng lo lắng. May thay, người lão bộc Chiêm Thành một hôm nói với ông cụ:
- Thưa cụ, sao cụ không rèn cho cậu Trừng văn võ toàn tài.
- Ông nói đúng, có văn lại phải có võ mới thật là đạo trung. Nhưng đáng tiếc, ta không biết võ.
- Con sẽ lo việc ấy.
Cụ lang cười:
- Ta quên khuấy mất. Ông vốn là võ tướng. Ha, ha!... bao năm nay ở bên ta, chẳng bao giờ ông dụng võ thành thử...
Từ đó, Trừng lại có thêm một ông thày thứ hai là người lão bộc.
Lúc đầu, Nguyên Trừng học Nho. Năm Trừng 14 tuổi một hôm, hai ông cháu ngồi nói chuyện với nhau. Ông bảo:
- Biển học mênh mông và Nho đạo chỉ là một phần nhỏ trong cái biển mênh mông sâu thẳm đó.
- Ông ơi, trên đời cái gì là sâu thẳm?
- Cốc thần? (Hang trời) - Còn cái gì sâu hơn cả hang trời?
- Ông chưa dám nói đã hiểu hết, nhưng chắc đó là giếng trời.
- Giếng trời là gì?
- Là cái tâm.
- Tâm là gì?
Ông ngoại lúc đó mới mang đạo thiền ra giảng cho Trừng:
- Người xưa nói: "Đạo Phật như giếng trời, còn Khổng và Lão chỉ giống như hang và khe. Đạo Phật như mặt trời, còn Khổng và Lão chỉ như những bó đuốc " Ông lại dặn:
- Cái tâm, không ai tìm hộ cho đâu.
- Cháu sẽ cố gắng đọc sách.
Ông cười:
- Ngày xưa, có ông sư đọc hết một nhà kinh vẫn chưa tìm thấy nó. Ông bèn đốt kinh làm đuốc, đêm đêm lần mò trong rừng thiền đi tìm Phật. Đốt trọn kho sách vẫn chẳng thấy gì. Buồn quá, ông ngồi tựa gốc cây, nhìn đống tro tàn, khói lên leo lét. Nhìn làn khói nhạt, đột nhiên ông động tâm, bừng tỉnh.
- Ông sư nhìn thấy gì trong đống tro tàn?
- Chắc là một điều gì quý báu lắm.
Nhìn Trừng trầm ngâm, cụ Phạm mỉm cười. Từ đó Trừng mang sách Phật ra đọc. Cụ Phạm dặn:
- Con đừng nên chỉ học Phật. Hãy đọc cả trăm nhà, con có duyên với nhà nào, lòng con sẽ dừng ở đó, không nên cưỡng lại lòng mình.
Trừng nghe theo lời ông, miệt mài với bách gia. Cụ Phạm thấy cháu hiếu học, đem cả sách thuốc ra dạy. Từ đó, ông và cháu càng thân thiết như đôi bạn vong niên. Ông ngoại nói với Trừng:
- Y là cái gốc. Phật cũng là y. Nho, Lão cùng là y... Có thứ vương y, có thứ bá y. Vương y là làm cho con người được âm dương điều hoà, trở về quân bình. Con đường ấy lâu và khó, nhưng bền gốc. Còn bá y thì giống như ông tướng cầm quân nóng nảy và quyết liệt. Nó nhanh đấy, tưởng như kết quả đấy, nhưng căn nguyên thì không dứt.
Năm ấy mất mùa, sao chổi lại hiện ở phương đông nên sinh lắm bệnh tật. Cụ Phạm bỏ tiền ra mua thóc gạo và tích trữ cả thuốc. Cụ cho dựng mấy căn nhà tranh tạm ở góc vườn. Gặp những người bệnh nặng lại đói nghèo, cụ cho đến ở tại đó, cho ăn lại cho thuốc. Thái sư Quý Ly đến thăm:
- Thưa nhạc phụ, đức độ của thầy khắp kinh thành Thăng Long ca ngợi, tiếng thơm lan đến cả triều môn. Ông ngoại cười:
- Tôi để phúc lại cho thằng Trừng đó.
Thấy Trừng săn sóc người bệnh, quan thái sư cười:
- Con cố mà học hết nghề của ông ngoại.
- Thưa cha, ông ngoại dạy con muốn hiểu rõ ràng sự lý trên đời thì đầu tiên phải thâm sâu y đạo.
Quý Ly cười to:
- Cha có trách con đâu. Cha cũng đang học ông ngoại. Cha đang muốn tìm một phương thuốc... khó.
Cụ Phạm cũng cười theo con rể. Cả hai người cười giòn, nhìn chàng thiếu niên như muốn tìm hiểu sự suy nghĩ của Trừng. Thực ra, Trừng hiểu ý tứ của quan thái sư cha mình lắm chứ. Ông ấy đang muốn tìm cho thiên hạ một phương thuốc lớn. Lòng chàng thiếu niên chợt dâng lên một tình cảm, vừa như kính phục, vừa như xót thương... Trừng đâu phải kẻ ngờ nghệch. Anh còn lạ gì những lời đồn đại trong bá quan, và cả trong dân gian nữa. Người ta bảo cha anh là kẻ gian hùng.
Người ta bảo ông đặt ra lắm chuyện phiền hà. Người ta bảo ông là kẻ gian thần rắp tâm... Một phương thuốc lớn? Ông muốn đi tìm một phương thuốc lớn! Liệu đó là một thiện ý hay chỉ là một sự xảo ngôn như người đời vẫn nghĩ. Nghe cha mình cười sao Trừng chẳng muốn cười mà chỉ thấy trong lòng dâng lên một nỗi buồn. Cha ta có ảo tưởng không? Cha ta có tham vọng quá không? Nỗi bi đát, nỗi khốn cùng của cả ta chính là ở chỗ đó. Một phương thuốc lớn? Ai sẽ tin cha? Dân chúng chăng? Bá quan chăng? Ông vua già Nghệ Tôn chăng? Cả riêng ta nữa chăng? Hay những kẻ đang đồng mưu với cha? Có đúng họ theo cha chỉ vì một phương thuốc lớn? Kìa, nghe cha ta đang cười. Tiếng cười đang vang giòn bỗng tắt dần và trở thành những tiếng khục khục lịm đi trong cổ họng. Tiếng cười kết thúc sao mà ngơ ngác. Ông ngoại đã thôi cười từ lâu. Còn ta, ta không cười. Ta chỉ nhìn cha bằng đôi mắt thương cảm. Ôi! Tiếng cười sao mà cô độc. Quý Ly chợt đặt tay lên vai con trai, nhìn lạnh lẽo vào đôi mắt Trừng, chắc ông tìm thấy cái ý nghĩa trong những tia nhìn của người con, chắc ông hiểu những ý nghĩ của Trừng, bởi vì Trừng thấy ông quay mặt đi, lặng lẽ nhìn lên những vòm lá cây hòe.
o O o
Đi giữa con đường hoè, Trừng như còn nghe rõ cả tiếng cười của cha mình năm xưa. Thế mà thấm thoát đã mười lăm năm. Bao nhiêu biến thiên. Phương thuốc lớn ư? Minh đạo ư? Cha ta đã viết cuốn Minh đạo. Một cuốn sách với những ý nghĩ táo tợn, nhưng cũng đầy khinh bạc. - Trừng chợt rùng mình vì một ý nghĩ lóe hiện - Có lẽ ta giống cha ta quá nhiều. Có những lúc, những cảm giác kiêu bạc thầm kín đã len lỏi vào óc ta. ý thức mơ hồ về một nòi giống. Có phải nhiều lúc ta đã muốn giang cánh tay ra mà bay lên trời. Đêm đêm, ta vẫn thường gặp những giấc mơ, những giấc mơ kỳ lạ, siêu thường, giấc mơ của một người điên. Vâng, đó là những giấc mơ bay. Thấy cảm giác len lén của một vật gì mọc ra từ thân xác, ta ngạc nhiên ngắm nhìn vật trăng trắng đâm chồi từ bên sườn; cái chồi ấy là một bí ẩn, một dấu hiệu đặc biệt mà chỉ riêng ta có; rồi chồi mọc thành cánh, và ta giang cánh ra bay vút lên trời...
Trừng đã đi hết hàng hoè, đã thấy con chó tràng từ thảo am ve vẩy đuôi ra đón. Con chó có nhà tức là ông ngoại đã đi chăm sóc người bệnh trở về.
Cụ Phạm ngồi trên chiếc ghế mây, cạnh bàn nước. Cụ mừng rỡ hỏi cháu:
- Con về tự lúc nào?
- Dạ, con về đêm qua.
- Quá nửa đêm hôm qua, nghe tiếng lao xao bên kia ao sen, ta ra sân thấy đèn sáng ở nhà tiền đường bên ấy, ta biết con đã về. Sáng nay, lão Lặc sang bảo con còn ngủ mê mệt... ta biết quá ngọ con sẽ sang thăm ta.
Nghe giọng nói và nhìn ánh mắt ân cần của ông ngoại, Trừng cảm động, cầm chiếc túi gấm, hai tay dâng lên:
- Con vào Thanh đô trấn, kiếm được mấy thanh quế quý, đem về biếu ông. Quế này con mua ở vùng Thường Xuân.
Cụ Phạm mở chiếc túi gấm, lấy ra hai chiếc hộp gỗ, mỗi chiếc hộp đựng một thanh quế rộng dài chừng như cẳng tay. Mặt trong thanh quế được lau chùi đến bóng nhoáng. Hai đầu thanh quế gắn sáp ong. Cụ gật gù:
- Đúng là loại quế thượng châu, mọc đã trăm năm. Quý vật đấy con ạ.
Nhìn đôi bàn tay già run run cầm hai thanh quế và gương mặt sung sướng của ông ngoại, Nguyên Trừng cũng thấy vui lây. Người lão bộc đã mang trà ra. Cụ Phạm nhấp chén trà hỏi:
- Cháu mới về đã biết được tình hình ngày hội thề chưa?
- Sáng nay, viên thư lại đã cho con biết qua tình hình.
- Ta cũng vừa đi thăm bệnh cho ông Sử Văn Hoa ở chùa Sùng quan về.
Nghe nói ông Sử đột nhiên lâm bệnh, không đi dự được hội thề. Ông ấy vốn có chứng đau đầu.
Đúng vậy, nhưng ít ngày qua đột nhiên đau nặng: Sử Văn Hoa và cụ Phạm Công vốn là bạn vong niên. Sử mới ngoài năm mươi, cụ Phạm đã ngấp nghé bát tuần, thêm ông sư chùa Sùng Quang tròn bẩy mươi vốn là bộ ba tâm đắc. Sử Văn Hoa không phải họ Sử, nhưng làm quan thái sử. Ông học rộng, tính tình cương trực, văn tài cứng cáp, được vua Nghệ Tông quý trọng ban cho chữ Sử làm họ, từ đó triều đình gọi ông là Sử Văn Hoa, và gọi mãi thành quen, đến nay chẳng ai còn nhớ họ cũ của ông là gì nữa. Sử Văn Hoa có tài chiêm mộng. Việc bói toán, việc đoán mộng trong triều đình đều do ông làm.
Nguyên Trừng cũng có kỷ niệm về ông nhờ giấc mộng bay. Một hôm, Sử đến thăm cụ Phạm, gặp Trừng ở Dược thảo am. Trừng đem giấc mộng ra nói với Sử: vãn sinh đã mơ thấy mình biết bay...
- Chuyện bay ấy có hay xảy ra không?
- Cũng đã nhiều lần - Xin quý công tử kể cho tỉ mỉ.
- Nghĩa là...
- Nghĩa là bay cao hay thấp? Bay ở đâu? Cảm giác ra sao?...
Ông Sử Văn Hoa, mắt hơi lim dim, vẻ mặt nghiêm trọng, nghe từng lời Trừng kể.
- Vãn sinh thấy mình mọc cánh. Vâng, đúng là đôi cánh chim. Tự mình vẫy cánh và thân xác cất lên khỏi mặt đất. Vãn sinh ra sức vẫy, nhưng lạ thật. Chẳng hiểu đã có một cái gì đó níu kéo lại. Thú thực là ý muốn bay rất cao. Nhưng không hiểu sao lại chỉ bay được là là trên đầu những ngọn tre, trên đầu những ngôi nhà. Cảm giác như mình là một cánh diều. Cũng không phải, vì diều thì đứng im, còn mình thì bay thật sự như một cánh chim - Vãn sinh cười và tự nói đùa mình - một loại chim không biết bay cao...
Ông Sử bỗng choàng mở mắt, và phát ra một câu nói lạ lùng:
- Cũng là cái may cho cậu đó.
Ông ngoại Trừng chen ngay vào:
- Phản mộng ư? Bay lên trời là điềm gở sao?
- Không gở. Không xấu cũng không tốt. Là cái chí của công tử đấy thôi. Tức là luỹ tre, nếp nhà, mạt đất còn níu kéo cậu lại, vì cậu gắn bó với chúng. Nếu không cậu sẽ bay vút lên trời cao, và biết đâu đấy... bầu trời thì to rộng, ai mà lường hết được cái kết cục.
Nguyên Trừng gặng hỏi cái kết cục, nhưng ông Sử không muốn trả lời.
Giọng nói của ông ngoại kéo Trừng về hiện tại:
- Ông Sử Văn Hoa ốm nửa tháng nay, đó là điều thật lạ.
- Sao lại lạ, thưa ông?
- Mỗi lần ông Sử lên cơn đau đầu, thể nào cũng có một chuyện lạ xẩy ra. Năm nhà sư Phạm Sư Ôn nổi loạn đốt phá Thăng Long, ông Sử đau đầu dữ dội đến nỗi nôn mửa cả ra mật xanh mật vàng. Năm kia, đê sông Cái vỡ ở Châu Hồng, ông Sử cũng đau. Đến năm nay, đúng vào lúc sắp mở hội thề, ông ta cũng đau. Cơn đau quái lạ! Ông Sử nói với ta nghe như có ai đập búa trong óc.
Nguyên Trừng cười:
- Hội thề năm nào chả có... Mà hội thề cũng đã xong rồi. Thầy thư lại nói cho cháu biết trong hội thề chẳng có chuyện gì quan trọng xảy ra.
Cụ Phạm Công cứ như không nghe thấy Trừng nói, cụ tiếp tục bộc lộ dòng suy nghĩ của mình:
- Điều kỳ lạ là đúng đến ngày hội thề, bệnh ông giảm, đã ngồi được dậy nói chuyện. Ta bảo nhân ngày quốc lễ xin ông bói cho một quẻ xem vận nước. Ông cười: "Bói mà làm gì?". Ta không nghe cứ thắp hương trên bàn thờ Phật mà gieo quẻ được chính quái là quẻ Quải và biến quái là quẻ cách. Ông cười to: "Năm hào dương đuổi một hào âm (quẻ quải), năm chàng quân tử đuổi một tiểu nhân". Ta xin ông đoán tiếp nhưng ông chỉ nói: "Rành rành ra đấy cần gì phải đoán nữa". Nói rồi ông kêu lại đau đầu và cáo từ đi nằm.
Nguyên Trừng lắc đầu:
- Cháu không tin vào bốc phệ.
Cụ Phạm gật đầu:
- Đã tạo nghiệp thì phải gánh lấy nghiệp. Ta cũng biết, bói toán cũng không giải được nghiệp. Tuy nhiên, ta vẫn cứ băn khoăn; trong quẻ quải, hào thượng lục trên cùng là âm, vậy cái gì là âm và năm dương ở dưới thì cái gì là dương.
Nguyên Trừng cười:
- Chắc ông biết rõ hơn cháu, bốc sư tán ngang tán dọc thế nào chả được.
Cụ Phạm dường như vẫn băn khoăn:
- Và còn một điều lạ lùng này nữa: ông Sử đoán rằng sắp được đức Nghệ Hoàng vời vào hoàng cung hỏi chuyện.
- Thưa ông, thế thượng hoàng đã có lệnh triệu chưa?
- Chưa?
- Thế mà ông ta đã quả quyết mới lạ chứ.
Hồ Quý Ly Hồ Quý Ly - Nguyễn Xuân Khánh Hồ Quý Ly