Những gì làm bạn đau khổ sẽ dạy bạn nhiều điều.

Benjamin Franklin

 
 
 
 
 
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Golden Olive
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3612 / 134
Cập nhật: 2015-10-14 13:11:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hãy Luôn Mở Cửa
gôi nhà được "khởi công" vào một ngày cuối năm 1978, trước khi tôi ra đời đúng hai tháng tròn và hoàn tất sau năm mươi hai ngày. Ông Nội đã tích góp từng tấm tôn, từng bao xi măng, từng thiên gạch... từ nhiều vụ lúa trước, và mặc dù nguyên liệu chưa được bao nhiêu nhưng ông vẫn quyết định bắt tay xây dựng ngôi nhà.
Vì đứa cháu nội đầu lòng của ông sắp chào đời. Mùa lạnh thì đang đến, và căn chòi trống lốc quây bằng cót, lợp bằng lá dừa nằm chơ vơ giữa rẫy mì mà ba mẹ tôi đang ở chắc chắn không thể che chở nổi cho sinh linh bé nhỏ (là tôi) qua những cơn gió buốt da tháng Chạp.
Thế là, trong khi ba tôi đi cày, mẹ tôi đi dạy, bà Nội đi bán hàng ngoài chợ thì ông Nội hì hục một mình đào móng, trộn vữa, đặt từng viên gạch... trên mảnh đất mà ông khai phá được từ nhiều năm trước. Và rồi căn nhà hoàn thành, rất đơn giản, chỉ là hai gian phòng chữ nhật ghép vào nhau thành hình L, lợp tôn, vách bằng gạch, quét vôi màu mỡ gà, những cánh cửa sơn xanh... và một chái bếp nhỏ chìa ra như cái đuôi xấu xí. Đối với ba mẹ tôi, món quà của ông là một thiên đường. Ông chỉ dặn một câu: "Trong ngôi nhà này, các con hãy yêu thương nhau, và hãy luôn mở rộng cửa!"
Trong ngôi nhà ấy, tôi đã lớn lên. Những ngày thơ ấu êm đềm. Ban đêm, tiếng mưa xối, tiếng gió đưa những cành xoài ràn rạt trên mái tôn, cả tiếng xe chạy qua lại ngoài đường quốc lộ, những âm thanh quen thuộc dỗ tôi vào giấc ngủ. Buổi sáng mở mắt, chạy ra sân đã thấy những hàng bắp, những luống dưa leo tươi nõn, xanh ngắt mà ông Nội trồng quanh sân. Cỏ lóng lánh sương. Chim ríu rít trên cành ổi sau nhà... Con bò vàng cất tiếng "ụm bò... ò" bên cạnh cây rơm.
Lớn lên một chút, ngôi nhà cùng chúng tôi trải qua những sự kiện đáng nhớ. Nhà tôi ở ngay mặt đường quốc lộ, lại có vườn xoài râm mát nên nhiều xe tải, xe khách Bắc Nam dừng lại cho khách nghỉ ngơi hoặc bị hỏng xe cả hai ba ngày trời. Sau một thời gian phải trả lời cho quá nhiều khách vào hỏi xin nước uống, tắm giặt, nấu ăn... Ba tôi quyết định dỡ cả hàng rào, chặt bớt cành xoài để xe có thể vào đậu hẳn trong sân. Đồng thời, đóng một tấm biển đề chỉ dẫn đến nhà bếp, nhà vệ sinh, giếng nước, và chua thêm câu: "Miễn phí!". Tôi nhớ mãi những buổi trưa, mấy chị em ngồi chơi trước hiên, nhìn ra sân la liệt người trải chiếu, tấm nilông, nằm ngồi dưới bóng xoài đợi sửa xe, nói chuyện ồn ào với đủ giọng...
Cũng một buổi trưa như thế, khi mẹ tôi đang nấu ăn trong bếp thì có người đàn bà mang bầu chạy vào kéo tay: "Chị ơi làm ơn làm phước. Em sắp sanh rồi!" Những người khách lỡ đường rỗi rãi liền nhao nhao chạy vào xem và la lên, bảo mẹ tôi đưa người phụ nữ ấy ra gốc xoài ngay, chứ để bà ấy đẻ rớt trong nhà mình thì... xui lắm! Mẹ rất bình tĩnh, lịch sự mời mọi người yên lặng ra ngoài, đóng cửa lại, lấy khăn gối sạch trải lên tấm phản gỗ cho người kia nằm, bảo tôi chạy đi gọi cô mụ gần đó. Cô mụ đến chưa được 10 phút thì đứa bé oe oe chào đời, ngay trên tấm phản mà chị em tôi vẫn ngủ trên đó. Cảm giác lạ lẫm mà tôi trải qua buổi trưa hôm ấy chưa bao giờ tan biến.
Vài năm sau sự kiện đó, ba tôi mua giường mới cho mấy chị em, còn tấm phản thì mang ra hiên để ngủ trưa cho mát. Đêm nọ, một ông lão hành khất đột nhiên xuất hiện, xin được tá túc trên chiếc phản. Mẹ mang ra cho ông thêm cái gối và tấm mền. Cứ sáng sớm, ông xếp chăn gọn gàng rồi tay bị tay gậy mà đi cho đến tận khuya, khi cả nhà tôi đã ngủ, ông mới về. Đến khi trời trở lạnh, và đột ngột đổ mưa xối xả, mẹ đi qua đi lại ngó ra hiên vài lần, rồi bảo ba mời ông lão vào ngủ luôn trong nhà. Sáng mai, tỉnh dậy thì ông lão đã đi, không lời từ biệt, để chăn gối lại, chỉ mang theo... chiếc áo len của ba tôi vẫn treo ở đầu giường.
Nhiều năm sau, gia đình tôi thỉnh thoảng vẫn nhắc lại những chuyện xưa cũ ấy. Tôi cười rằng: "Mẹ gan thật, chẳng may ông ấy không phải là người tốt và khiêng hết đi thì sao". Mẹ cười hiền lành: "Ừ, cũng có thể. Nhưng để ông ấy ngủ ngoài mưa thì mẹ không chịu được. Con không biết cái cảnh đó khổ sở như thế nào đâu. Ông Nội cũng đã luôn nói là "hãy mở rộng cửa". Mà mẹ nghĩ, mình đối xử như vậy, lẽ nào..."
Cái triết lý đó của ba mẹ tôi, cũng đơn sơ giản dị như ngôi nhà vậy, cứ thế mà qua bao thăng trầm cuộc đời. Và cứ mỗi năm, cho đến gần 20 năm sau, đứa bé tên Rớt ngày nào bây giờ đã thành chàng trai chững chạc, vẫn theo cha (mẹ của cậu bé thì không bao giờ đến vì...mắc cỡ) trở lại cám ơn ba mẹ tôi và rất áy náy khi thấy gia đình tôi vẫn cứ thế, vẫn ngôi nhà cũ, khu vườn xưa, chứng tỏ chẳng làm ăn "lên" được, trong khi gia đình họ thì khá giả hơn xưa rất nhiều.
Thật ra, mẹ nói, bây giờ ba mẹ đã có dư khả năng xây một căn nhà mới. Nhưng mỗi lần nhìn lại tường vôi loang lổ, cánh cửa gỗ sơn xanh, mẹ lại nhớ ông Nội nay đã về với đất mà không đành lòng. Vả lại, mẹ nhấn mạnh: "Ba mẹ vẫn thấy mãn nguyện khi sống trong căn nhà này!". Tôi hiểu mẹ, bởi tôi cũng vậy, ngay cả khi đã lấy chồng, và đến sống trong một ngôi nhà khác, tiện nghi và đẹp đẽ hơn rất nhiều, nhưng chỉ khi về lại ngôi nhà cũ, tôi mới có được những giấc ngủ thật sâu. Ngôi nhà không chỉ là ngôi nhà, mà là tổ ấm thương yêu, là kỷ niệm. Nó cũ kĩ đơn sơ vậy, nhưng đã chở che cho cả một gia đình, từ khi đứa con đầu lòng của ba mẹ tôi ra đời cho đến khi đứa con út tốt nghiệp đại học. Nó nhỏ bé chật chội vậy, nhưng luôn mở rộng cửa, để chở che cả những mảnh đời nào đó tình cờ ghé ngang.
Hãy Tìm Tôi Giữa Cánh Đồng Hãy Tìm Tôi Giữa Cánh Đồng - Đặng Nguyễn Đông Vy Hãy Tìm Tôi Giữa Cánh Đồng