Hope is important because it can make the present moment less difficult to bear. If we believe that tomorrow will be better, we can bear a hardship today.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Phan Nhật Nam
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 5
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1293 / 34
Cập nhật: 2016-06-03 15:59:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2: Sau Lần Thanh Toán Thượng Ðế
rong thời gian dài lâu, từ thập niên 60, lúc tuổi đời chưa tới ba mươi, khi bắt đầu xử dụng chữ viết, anh đã nhiều lần, thường trực lập lại với riêng bản thân: "Sau khi đã ngang ngược thanh toán Thượng Ðế không thương tiếc thì con người có còn không lương năng, tri giác đích thực; có còn không tính trung trực của người trí thức; có còn không bản lĩnh Kẻ Sĩ- Người Dụng Văn- giới sáng tạo chữ nghĩa?".. mỗi khi chứng kiến, nghe, đọc lại về những điều ác độc mặc nhiên được thực hiện, xem trọng, đề cao; bọn bạo ngược trân tráo đoạt thắng, và người hiền lương vô tội, kẻ trung chính bị ngược đãi, bức bách, mà trong rất nhiều trường hợp phải chịu nạn thảm sát thương tâm.. C.V. Gheorghiu, Arthur Koestler, Elie Wiesel trước Thế Chiến 2 ở Châu Âu.
Sau năm 1945, chiến tranh chấm dứt, nhưng bi kịch về thân phận kẻ sĩ, người trí thức, quần chúng vô tội (bị lôi kéo vào vòng tranh chấp, củng cố quyền lực, của những kẻ cầm quyền tham tàn, bạo ngược, nên mặc nhiên biến thành đối tượng bị bức hại chính trị), vẫn không dấu hiệu thay đổi, cải tiến, nếu không nói còn bị đày đọa tàn tệ hơn. Bởi lần nầy, hệ thống quyền lực (các chế độ cộng sản đông, tây) thay đổi sách lược đàn áp người đối lập chính kiến (hoặc bị vu cáo, áp buộc một cách ngang ngược), với kỹ thuật độc hiễm, tàn nhẫn hơn hẵn so với cách giết người thô thiển trắng trợn của nhà nước Ðức Quốc Xã đối với người Do Thái, các chủng tộc thiểu số người Gypsies, Slaves, nhóm đồng tính luyến ái.
Nơi Trung Hoa cộng sản, Mao Trạch Ðông sau chiến thắng lớn 1949, gồm thâu lục địa, đặt mình cao hơn hẳn Hán Lưu Bang, Tần Thủy Hoàng (gọi những tiền nhân của y kia chỉ là bọn võ biền thô tục, nông cạn chỉ biết "giương cung bắn ó diều" - Thơ Tuyết); năm 1958, Mao thực hiện sáng tạo "Ðại Nhẩy Vọt" với sách lược:"Người người làm gang, thép. Nhà nhà làm gang, thép", để cuối cùng có được "thành quả" 20 chục triệu người chết đói từ 1959 đến 1962. Nhưng, Mao bình tĩnh nhận định:"Karl Marx, Lenine, Khổng Tử còn có khi sai lầm. Ta cũng vậy." Lời nói không phải bâng quơ, nên năm 1966, rất tự tin, Mao phóng tiếp chiến dịch "Cách Mạng Văn Hóa" với lực lượng 10 triệu HồngVệ Binh (đếm đủ số trong cuộc duyệt binh tháng 10 cùng năm tại Bắc Kinh), thanh toán các lãnh tụ đối lập, Lưu Thiếu Kỳ, Ðặng Tiểu Bình, Bành Ðức Hoài.. cùng lần với Khổng Tử, Thích Ca, mà thây xác người dân vô tội ở thành phố Nam Kinh phải dọn bằng xe ủi đất.
Và ở Liên Sô, ngọn cờ đầu của phong trào vô sản thế giới ắt không để chịu thua sút, mà riêng với Staline sau khi nằm xuống (1953), bản báo mật của Khruschev đọc tại đại hội đảng lần thứ 20, năm 1956 đã nêu ra con số: 20 triệu người chết trong 29 năm cầm quyền của một cá nhân được gọi là "người cha không những chỉ riêng của các dân tộc thuộc liên bang Sô-Viết, mà còn là ánh sáng soi đường chung cho toàn phong trào vô sản thế giới.. Hoan hô Staline, vững vàng cây đại thọï. Rợp bóng mát hòa bình. Ngọn hải đăng vô sản- Tố Hữu, 1950". Nhưng triều đại Khruschev cũng không hẳn là buổi "băng tan" đối với giới sinh hoạt văn học sô-viết, nên Boris Pasternak, trái tim lớn của giòng văn chương hiện thực Nga dẫu chỉ ao ước, "Ðược viết đôi điều sâu xa, và trung thực.." (Ðoạn mở đầu của bài viết "từ chối" nhận giải Nobel văn chương 1960), và đã khiêm nhường bày tỏ: "Tôi bắt buộc phải từ chối giải thưởng trao tặng giành riêng cho cá nhân mình. Vậy, xin quý vị chớ phiền hà vì sự chối từ nầy.", kết cuộc, nhà văn trung chính cũng phải chịu sự lưu đày nơi quê nhà, bị khai trừ khỏi Hội Nhà Văn, mà phải đến năm 1987 (hai năm trước lần Liên sô sụp đổ toàn diện), ông mới được phục hồi lại danh dự. Năm 1970, A. I Solzhenitsyn cứng cỏi hơn, kiêu hãnh nhận giải thưởng Nobel văn học, nên cho dù Staline đã chết từ hai mươi năm trước, kẻ cầm đầu đảng cộng sản Liên-Sô hiện tại (1974), Brezhnev vẫn không có biện pháp nào khác hơn đối với nhà văn can đảm nầy bằng biện pháp lưu đày, và hạ nhục.
Nhưng với Việt Nam, tình thế không phải hoàn toàn như trên. Hơn cả Sắc Luật ngày 15 tháng Tư, năm 1919 của đảng cộng sản Liên Sô cho phép cơ quan mật vụ OGPU (tiền thân của MKVD, KGB) có quyền bắt giam những người bị đánh giá là "nguy hại đối với chế độ". Ðảng cộng sản Việt Nam với tập đoàn lãnh đạo gồm những ủy viên bộ chính trị, những đảng viên cộng sản thuần thành, chính thống, cũng là những người cộng sản tập trung đầy đủ những tính chất xấu nhất của loại lãnh chúa, quan lại phong kiến (ty tiện, tham tàn, ích kỷ, tự ty, lẫn tự mãn), cộng với kỹ thuật cao nhất về tổ chức, tuyên truyền, vận động quần chúng của cán bộ đệ tam quốc tế - hiện thực nên một tổng hợp nhất quán gọi "đỉnh cao trí tuệ" - tính theo chiều ngược của tri thức nhân loại- cho dù là tri thức về lý thuyết cộng sản. Từ tổng hợp "độc địa và tàn hại" nầy, do huấn luyện, chỉ đạo, điều hành của Hồ Chí Minh, cơ quan đầu não nầy thực hiện được một điều mà các cá nhân, tập đoàn cầm quyền cổ, kim, đông, tây (cho dù thuộc chế độ độc tài chuyên chế khắc nghiệt nhất) cũng không thể xây dựng nên- Ðặt toàn bộ dân tộc ra ngoài vòng pháp luật- Có nghĩa- ÐẢNG TOÀN QUYỀN BẮT GIỮ, GIAM CỨU, XÉT XỬ, QUYẾT ÐỊNH ÁP DỤNG MỌI BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT ÐỐI VỚI TẤT CẢ THÀNH PHẦN DÂN CHÚNG, ÐẢNG VIÊN CƯ NGỤ TRÊN LÃNH THỔ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ (nghĩa là bao gồm vùng đất và dân cư dưới vĩ tuyến 17, thuộc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa) mà không phải tuân theo một quy chế hành chánh, sắc luật pháp chế nào - Sắc Lệnh 1961 về "Chính Sách Tập Trung Cải Tạo" kiểm soát chặt chẽ toàn thể các tầng lớp dân chúng, đảng viên để hiện thực bước ổn định chính trị sau Nghị Quyết thành lập "Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam" (19 tháng 12 năm 1960), và Nghị Quyết "Tập Trung Cải Tạo" của Ðại Hội III Trung Ương Ðảng. Nội dung chính trị và pháp chế của sắc lệnh nầy về mặt văn hóa được chuyển thành những khẩu hiệu tuyên truyền chiến lược qua những ngôn ngữ đáng kinh sợ do tính sa đọa bất nhân:
Trời không có thiên thần
Ðất không có thánh nhân
Chỉ có Nhân Dân thần thánh
Và Ðảng ta làm nên sức mạnh
Bay đến chân trời... Nguyễn Ðình Thi
Từ vị thế tối thượng bao gồm "chủ thể chỉ huy lẫn mục tiêu thụ hưởng - Ðảng và Nhân Dân"- tập đoàn cầm quyền Hà Nội dựng nên hệ thống tiêu chuẩn giá trị đạo đức mới - Tiêu chuẩn nầy cho phép họ thủ đắc toàn diện một quyền hạn tuyệt đối - Quyền quyết định đời sống của người khác - Quyền giết người cho mục tiêu chính trị yêu cầu, với mạo danh nhân dân - Quyền "cách(cái) mạng sống con người", nói theo cách ví von của Hồ Chí Minh.
Người mẹ chỉ có quyền thương con, và bạn của con mình nếu họ có chung "công tác" do đảng chỉ đạo,
Bầm yêu con nên bầm yêu đồng chí
Bầm quí con nên bầm mến anh em.. Tố Hữu
Tương tự như thế, con giành quyền (và phải) kết tội, xĩ nhục, tiêu diệt cha mẹ từ một định nghĩa, phân loại giai cấp của đảng chủ trương,
Ai về làng Bái Hạ
Nhắn "vợ chồng thằng thu"
(danh từ riêng "thu" viết thường theo như nguyên bản)
Rằng chúng bây là lũ quốc thù... Xuân Diệu
"Vợ chồng thằng thu" là ông bà Ngô Xuân Thu bị kết án là "lũ quốc thù", do đã tần tảo khuya sớm làm ruộng nên trở thành địa chủ, do có phần lúa gạo dư dã cho Xuân Diệu ăn học để nên thành "thi sĩ tình yêu" trước 1945, và sau nầy,"thi sĩ nhân dân" của đảng, và nhà nước.
Thế nên, kể từ 1961 ở Miền Bắc Việt Nam, để hiện thực quyết nghị trên, những đối tượng bị truy lùng, bắt giữ, thủ tiêu không phải chỉ là những người "khác chính kiến, chống đối chế độ về mặt tư tưởng" như những Khái Hưng, Nhượng Tống, Lý Ðông A, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Trương Tử Anh.. vào thời điểm đảng cộng sản vừa cướp chính quyền, và quyết tâm củng cố quyền lực trước 1945. Sự trừng phạt khắc nghiệt cũng không giới hạn đối với lực lượng những người viết văn, làm thơ phản kháng có ý thức thuộc nhóm Nhân Văn, Giai Phẩm, 1956 với những kiện tướng Trần Dần, Phùng Cung, Phùng Quán.. do con người lẫm liệt Phan Khôi thủ xướng. Hoàn toàn không phải như thế, "Nghị quyết tập trung cải tạo 1961" đưa toàn bộ Miền Bắc vào trại tù, xuống tận sâu địa ngục, chung quanh vây kín tầng tầøng vũng lửa - những nơi chốn kinh hoàng mà chữ nghĩa nhân loại khó có thể mô tả, viết nên; trí não con người không hề nghĩ đến dẫu trí tưởng tượng dồi dào, phong phú nhất. Ðịa ngục ấy có thật dưới mặt trời, nơi một chốn được gọi nên là "thủ đô của phẩm giá con người". Chúng ta hãy cùng Nguyễn Chí Thiện phá vỡ khối nặng im lặng gớm ghê đáng sợï, ác độc, đê tiện nầy- Cảnh sống-chết nơi nhà giam Hỏa Lò ở Hà Nội.
Hãy Phá Vỡ Khối Nặng Im Lặng Hãy Phá Vỡ Khối Nặng Im Lặng - Phan Nhật Nam