To acquire the habit of reading is to construct for yourself a refuge from almost all the miseries of life.

W. Somerset Maugham

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 297 / 18
Cập nhật: 2019-12-06 08:59:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 29 - Cô Gái Phải Được Phục Tùng
hư Marco Polo đã dự đoán, tấm kim bài hiệu lệnh có thể làm hành trình đến Trung Quốc của Philippa trở nên rất dễ dàng. Ít ra, nó đã có thể trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Vấn đề là, Philippa vốn không quen với việc ra lệnh cho người khác. Là một người theo chủ nghĩa dân chủ rất tôn trọng người khác, nếu không muốn nói là hiền như cừu, phải mất một thời gian dài Philippa mới có thể hiểu rõ sức mạnh thật sự của món cổ vật Trung Quốc cô đang nắm trong tay, cũng như biết cách sử dụng nó một cách hiệu quả nhất. Đơn giản mà nói, cô chỉ cần bảo người khác phải làm gì. Tuy nhiên, rắc rối lớn nhất với việc bảo người khác làm gì là việc họ sẽ làm chuyện đó ngay lập tức – tấm kim bài chưa bao giờ thất bại trong bất cứ mệnh lệnh nào – và Philippa nhanh chóng nhận ra, việc ra mệnh lệnh cũng đầy bẫy rập không khác gì việc ước một điều ước. Cuối cùng cô cũng hiểu được tại sao Marco Polo lại có vẻ e ngại trước sức mạnh khổng lồ ẩn chứa bên trong tấm kim bài như vậy. Nó đòi hỏi người sử dụng phải suy nghĩ một cách đầy đủ và cẩn thận về hệ quả của việc đưa ra mệnh lệnh. Và cô cũng bắt đầu đồng cảm với sự đơn độc và gánh nặng trách nhiệm của chính quyền và các nhà lãnh đạo – của các vị Tổng thống và Thủ tướng.
Lấy ví dụ, trong một giây khó chịu hiếm hoi, cô đã bảo một gã đàn ông kì quái, người đã lẽo đẽo bám theo cô suốt ở phi trường Heathrow tại London, biến đi cho khuất mắt, và cô đã kinh ngạc hết sức khi chứng kiến gã bước vào trong một tủ chứa dụng cụ lau dọn rồi đóng cửa lại sau lưng. Philippa cũng ngạc nhiên không kém khi chị nhân viên quầy đăng kí thủ tục sau khi được cô chúc “có một ngày tốt lành” đã lột giày ra, để chân lên bàn và bắt đầu giở một cuốn tạp chí ra đọc.
Dĩ nhiên việc sở hữu tấm kim bài hiệu lệnh cũng có cái lợi của nó: bất chấp không có một tấm vé máy bay nào trong người, Philippa vẫn có ghế ngồi tốt nhất trong khoang hạng nhất trên chuyến máy bay đến Bắc Kinh (vì dường như không có chuyến bay trực tiếp nào từ London đến Tây An). Rồi cô được cho vào phòng chờ của khoang hạng nhất và, một vài phút trước khi máy bay cất cánh, cô đã đi vào buồng lái, nơi cô nói với phi công trưởng, phó lái và hoa tiêu rằng đã có sự thay đổi trong điểm đến cuối cùng của họ. Cô không thích làm như vậy, vì biết nó sẽ bất tiện như thế nào cho những hành khách khác của chuyến bay, nhưng cô nghĩ đó là một cái giá đáng phải trả nếu thế giới đang thật sự bị đe dọa bởi những chiến binh ma quỷ.
Một hoặc hai phút sau đó, chiếc máy bay cất cánh, chở họ bay qua bầu trời London, và chẳng mấy chốc đã đến eo biển Manche. Đó là một ngày trời xanh trong không một gợn mây, và cô có thể nhìn thấy ở xa bên dưới một đàn chim biển đang lượn lờ trên Vách Đá Trắng Dover[44]. Thình lình, cô cảm nhận được một cảm giác kì lạ từ sâu bên trong xương tủy của cô: rằng mẹ cô đã đến Mĩ và đang trên đường trở về nhà. Và, trong một giây, cô thử hình dung ra cảnh bà Gaunt đặt chân đến New York, vẫn xinh đẹp, lộng lẫy như thường lệ.
Dù gì thì điều đó chỉ đúng có một nửa. Cảm giác có phần kì lạ của Philippa chỉ chính xác một phần. Sau một chuyến bay dài hơn qua phân nửa địa cầu, bà Gaunt thật sự đã về đến Công viên Trung Tâm của thành phố New York vào đúng thời khắc đó. Nhưng Philippa khó có thể biết được trong suốt cuộc đời bà, đây là lúc mẹ cô nhìn kém lộng lẫy nhất. Trên thực tế, Philippa có thể sẽ không nhận ra bà. Dù cho có nhìn kĩ một triệu năm cũng không.
Bà Gaunt đã có một cú hạ cánh vụng về, đúng như tính cách của loài hải âu, một loài chim phù hợp cho những chuyến bay chứ không phải cho đất liền. Nhưng, bất chấp chuyến trở về không mấy hoành tráng, bà Gaunt đã định hướng tốt đến phía bắc của phố Transverse, và bà gần như đã đáp xuống ngang hàng với giao điểm của đường số 77 và đại lộ số 5, nơi đánh dấu phần rìa phía đông của Công viên Trung tâm.
Khó mà thấy được hải âu ở New York, và một cặp phụ huynh thích tìm tòi về chim chóc đã chỉ cho những đứa con lơ đễnh của họ thấy “con chim hải âu lớn chân đen”. Nhưng bà Gaunt không mấy để ý đến họ. Ngay khi hồi phục lại tinh thần sau cú hạ cánh loạng choạng, bà nhấc linh hồn của mình ra khỏi con hải âu, trả cơ thể lại cho nó, và bay thẳng về nhà. Dọc theo con đường mà bà biết rõ như lòng bàn tay. Băng qua đại lộ Madison. Băng qua khách sạn Carlyle nổi tiếng. Dĩ nhiên, nếu là một Ifrit, chắc hẳn bà đã trộm lấy cơ thể một mundane phù hợp nào đó dọc trên đường đi. Nhưng Marid là tộc djinn luôn tuân thủ Những quy luật Baghdad về vay mượn cơ thể của loài người. Cho nên, chỉ có mỗi linh hồn thuần khiết của bà đi vào cánh cửa màu đen to lớn của căn nhà số 7, đường 77 phía đông.
Faustina Sachertorte đã kể cho bà nghe hầu hết những chuyện xảy ra ở New York trong khoảng thời gian bà sống tại Iravotum. Vì thế, bà đã biết được tác động khủng khiếp của chú trói buộc Methuselah đối với chồng bà, việc ông đang được Marion Morrison chăm sóc, cũng như việc hai đứa con của bà đã đến Ý, và có lẽ đến cả Trung Quốc cùng với cậu Nimrod và ông Groanin.
Bà tìm thấy một ông Gaunt già hơn nhiều so với trí nhớ của bà, dĩ nhiên, nhưng không đến nỗi già yếu, hom hem như khi cặp sinh đôi mới trở về từ chuyến đi Ấn Độ. Ngoại trừ vài sợi tóc bạc cùng vài nốt da nâu đen trên tay, bà đoán ông sẽ sớm trở lại bình thường hoàn toàn.
Bà biết được nhiều hơn về những chuyện đã xảy ra khi trượt vào cơ thể đang say ngủ của chồng mà không làm ông thức giấc – vì bà sợ tiến độ hồi phục của ông sẽ bị chậm lại một khi biết được người vợ mà ông từng yêu quý đã một đi không trở lại – và tìm kiếm kí ước ngắn hạn của ông để lấp đầy lỗ hổng trong những chuyện bà đã biết.
Bà vui mừng khi phát hiện cơ thể của con trai bà đang ở nhà chờ đợi linh hồn của nó trở về, nhưng rồi bà kinh hoàng khi biết được số phận nghiệt ngã của ông Rakshasas. Điều khiển cơ thể mộng du của ông Gaunt đi lên lầu và vào trong phòng của John, bà tìm thấy hai người bọn họ vẫn ở đó: John vẫn nằm trên giường, và ông Rakshasas vẫn đang ngồi trên cái ghế bành yêu thích của John.
Có làn da ấm áp khi bà chạm vào, cơ thể John có vẻ ngoài của một đứa trẻ đang say ngủ. Nhưng với ông Rakshasas, đó lại là một chuyện khác. Làn da của vị djinn già lạnh ngắt và cứng như đá. Bà Gaunt có thể cảm nhận rõ một điều gì đó nghiêm trọng đã xảy ra với linh hồn của ông, và ông có lẽ đã chết.
Thở dài một tiếng và để cơ thể chồng ngồi xuống, bà Gaunt cảm thấy rất buồn vì biết sẽ không bao giờ có thể gặp lại ông Rakshasas, cũng như biết John và Philippa sẽ đau khổ đến dường nào khi phát hiện ra chuyện này. Nếu như chúng vẫn chưa biết. Có thể bản thân chúng cũng đang gặp nguy hiểm gì đó. Bà Gaunt quyết định, bà sẽ cố gắng tìm ra hai đứa con, ngay khi nào bà giải quyết được vấn đề thiếu cơ thể của mình – bà không mấy hứng thú với việc trở thành một con chó, một con mèo, hay bất cứ động vật nào khác khi vừa là một con hải âu không bao lâu trước đó. Cứ nhớ lại trải nghiệm đó là bà muốn phát bệnh, với một vị giác không mấy dễ chịu trên đầu lưỡi (của chồng bà). Đó là vị mặn nồng của muối (hải âu uống nước biển), và vị hôi thối của những cái đầu cá thải ra từ một cái tàu chở dầu trên biển (bà đã phải nuốt chúng và ụa ra vài lần) để có đủ sức cho một chuyến bay dài băng qua nước Mĩ. Bà Gaunt hứng một ly nước lọc từ vòi nước trong phòng ngủ và nhanh chóng uống cạn.
– Anh rời giường làm gì thế?
Bà Gaunt quay đầu chồng về phía cửa. Đó là Marion Morrison, nữ y tá djinn của ông.
Sử dụng giọng nói của chính mình, bà Gaunt vươn tay ra và tự giới thiệu:
– Chúng ta chưa gặp nhau nhỉ. Tôi là Layla Gaunt. Tôi chỉ đang mượn tạm cơ thể chồng một lát, cho đến khi có thể nghĩ ra nên làm gì với cơ thể mình. Hay nói đúng hơn, nên làm gì khi thiếu cơ thể. Chị thấy đấy, tôi đã gặp một tai nạn nho nhỏ trên đường từ Iraq về đây. Cơ thể cũ của tôi đã bị hủy hoại. Một chuyện rất đáng tiếc, vì tôi khá là thích nó.
Bắt tay chào bà Gaunt, Marion bảo:
– Tệ thật. Sao chị không mượn tạm cơ thể con trai trong thời gian cháu nó không dùng đến nhỉ?
Bà Gaunt từ chối:
– Không, tôi nghĩ làm vậy rất kì. Chị không nghĩ, một cậu con trai nên được phép giữ một ít bí mật với mẹ mình sao?
– Tôi nghĩ chị nói đúng.
Gật đầu về phía ông Rakshasas, vị y tá nói tiếp:
– Nếu là bình thường, tôi sẽ đề nghị chị mượn tạm cơ thể anh bạn già đằng kia. Nhưng tôi nghĩ anh ấy có lẽ đã chết.
Bà Gaunt nói:
– Tôi cũng nghĩ vậy.
Marion bảo:
– Thật khó để xác định cái chết khi nó liên quan đến một djinn đang ở ngoài cơ thể. Nhưng cơ thể anh Rakshasas đây ngày mỗi lạnh hơn. Tôi đã thử bật máy sưởi lên cao nhất mà không tác dụng. Tôi nghĩ nó đang bắt đầu cứng đờ lại. Cứng đờ như vậy thì không bình thường tí nào.
Bà Gaunt buồn bã nói:
– Anh Rakshasas già tội nghiệp. Chúng tôi vẫn luôn quý anh ấy.
Bà Gaunt lại thở dài lần nữa và đưa tay vuốt một giọt nước mắt khỏi đôi mắt ướt át của chồng.
– Tôi e rằng, nó thật sự là một thảm họa. Việc tôi rời khỏi nhà.
– Chưa hết đâu.
Rồi Marion kể cho bà Gaunt nghe về chuyện đã xảy ra cho bà Trump, và giải thích thêm:
– Tôi không nghĩ đây là lúc thích hợp để nói cho chồng chị nghe về tai nạn đó. Tôi muốn anh ấy hoàn toàn hồi phục trước. Đó là lí do tại sao anh ấy đến giờ vẫn không biết.
Bà Gaunt nói:
– Tội nghiệp chị Trump. Hôn mê. Đáng lẽ những chuyện này sẽ không xảy ra nếu tôi ở lại New York.
Đặt một bàn tay lên vai ông Gaunt bày tỏ sự quan tâm, Marion bảo:
– Đời là thế mà. Không đâu an toàn bằng ở nhà. Nhưng chắc chắn đó không phải là nơi thú vị nhất. Một người cần thấy nhiều hơn là chỉ bốn bức tường nếu họ muốn có một cuộc sống đúng nghĩa.
Bà Gaunt thừa nhận:
– Đúng là vậy. Tôi nên làm gì bây giờ đây?
Marion cho biết:
– Định mệnh rất có óc hài hước. Đôi khi nó đưa cho chị một lá bài mà nếu chưa đến lúc, chị sẽ không biết mình cần đến nó. Tôi nghĩ, đó cũng là chuyện đã xảy ra ở đây.
Bà Gaunt nói:
– Tôi không chắc tôi hiểu ý chị.
– Chị Trump. Tôi nghĩ chị nên đến thăm chị ấy một chút. Có lẽ chị ấy chính là câu trả lời mà chị đang tìm kiếm, người bạn hành hương ạ.
Vẫn có phần không rõ Marion muốn nói gì, bà Gaunt quyết định dù sao cũng nên đi thăm bà Trump một lát. Sau khi trả chồng về lại giường, bà rời khỏi cơ thể ông và bay ra khỏi nhà. Trong trạng thái vô hình, bà lướt qua sân sau, xuyên qua bức tường bệnh viện trên đường số 78, và liên tục ra vào vô số phòng bệnh khác nhau cho đến khi tìm được nơi vị quản gia của gia đình bà đang nằm hôn mê bất tỉnh.
Dù bị chấn thương nghiêm trọng, nhưng bà Trump nhìn vẫn rất khá. Tuy hôn mê, nhưng làn da bà vẫn tươi tắn, và mái tóc của bà vẫn mượt mà, bóng loáng. Bà đã gầy đi một chút và lần đầu tiên, bà Gaunt có thể thấy được nét đẹp của một người từng là nữ hoàng sắc đẹp trong bà nữ quản gia im lặng, nhắm nghiền mắt của mình.
Cánh cửa mở ra, và một nhóm bác sĩ đi vào trong phòng, dẫn đầu là Saul Hudson, bác sĩ chuyên khoa thần kinh của bà Trump. Ông quơ lấy bảng ghi chú ở chân giường của bà Trump, liếc mắt nhìn sơ qua một cái, rồi lắc đầu. Không ai thấy được bà Gaunt, dĩ nhiên.
Bác sĩ Hudson lạnh lùng nói:
– Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta chuyển người phụ nữ này qua khoa trị liệu bệnh nhân sống đời thực vật. Sau hơn ba mươi ngày không có dấu hiệu đáng kể nào, không còn bao nhiêu khả năng bà ấy sẽ hồi phục sau cú ngã đó. Tôi e là chúng ta sẽ phải đối mặt với thực tế rằng, người phụ nữ này giờ đây đã là bông cải xanh.
Bà Gaunt nổi giận khi nghe bà Trump bị nói đến một cách thiếu tôn trọng như vậy, đặc biệt là bởi một người mang danh thầy thuốc.
Bà Gaunt nghĩ thầm:
– Chị ấy không phải thực vật. Đúng không?
Bà Gaunt trượt vào cơ thể của vị nữ quản gia và bắt đầu kiểm tra tất cả những chức năng cơ thể của bà Trump. Tất cả mọi thứ có vẻ vẫn hoạt động hoàn hảo. Ngoại trừ não bộ của bà. Nhưng ngay cả nó cũng không bị tổn thương nặng. Có vẻ như một phần nhỏ linh hồn của bà Trump đã bị văng khỏi cơ thể khi ngã.
Layla nói:
– Chị Trump thân mến, chị sao rồi?
Bà Trump thầm thì:
– Chị Gaunt. Thật mừng khi được gặp lại chị. Tôi đã gặp một tai nạn. Dường như tôi không thể tỉnh dậy.
Layla giờ đây đã biết rõ bà Trump sẽ không bao giờ trở lại là chính mình lần nữa. Nếu không có sự trợ giúp của Layla. Bà nói:
– Có lẽ tôi có thể giúp được chị. Có lẽ chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau.
Bà Gaunt hít vào một hơi thật sâu và mở cặp mắt của bà Trump ra.
Bác sĩ Hudson vẫn đang giảng cho đám sinh viên y khoa của ông nghe về việc chấn thương não của bà Trump thường xảy ra cho những ai bị một cú đánh mạnh vào sau gáy, và việc bà có lẽ sẽ sống thêm chừng mười hay hai mươi năm nữa, nhưng trừ khi có một kì tích xảy ra, bà sẽ như vậy mãi trong suốt quãng đời còn lại. Với số lượng thuốc trị liệu thần kinh hiện đang bị thiếu hụt do vụ khủng hoảng thần kinh tập thể của trẻ em xảy ra gần đây, vị bác sĩ nói với những sinh viên của ông rằng, giải pháp tốt nhất là tắt đi máy trợ sinh của bà.
Ông nói:
– Tôi không tin vào kì tích. Chúng đơn giản không có thật. Chúng ta đã thử tất cả mọi cách với bệnh nhân này. Nhưng quy tắc vàng trong thần kinh học hiện đại là nhận ra được khi nào chúng ta đang tự đập đầu vào tường.
Mỉm cười như muốn xin lỗi, ông nói tiếp:
– Xin lỗi vì ví dụ như vậy. Nói tóm lại, sẽ có lúc chúng ta nhận ra rằng chúng ta đã thất bại, và chúng ta đang có một bệnh nhân không còn hi vọng cứu chữa. Đó là lúc chúng ta rửa tay, rồi di chuyển qua bệnh nhân tiếp theo. Bệnh nhân mà, nhờ ơn Jonathan Tarot, chúng ta có rất nhiều.
Một trong những sinh viên lên tiếng:
– Thầy ơi, bệnh nhân có vẻ đã tỉnh lại.
– Cái gì?
– Bệnh nhân, thưa thầy. Bà ấy đã tỉnh lại.
Bác sĩ Hudson quay phắt lại và trông thấy bệnh nhân “không còn hi vọng cứu chữa” của ông đang mỉm cười lại với ông. Bà Gaunt có phần đắc ý khi thấy quai hàm của vị bác sĩ rơi xuống đất.
Bác sĩ Hudson kinh ngạc nói:
– Bà đã tỉnh.
Layla làm bà Trump nuốt nước miếng vài cái – với chút khó khăn – vì cổ họng của bà khô khốc. Rồi, kiểm soát dây thanh âm của bà Trump, Layla thầm thì:
– Cho tôi xin ít nước. Tôi thấy hơi khát.
Đưa cho bà một ít nước và đánh đổ cả một nửa lên người vì quá sốc, vị bác sĩ lẩm bẩm:
– Bà đã tỉnh. Nhưng đó là điều không thể.
Uống nước xong, Layla bảo:
– Đó là điều ông nghĩ. Bây giờ, đưa tôi cái áo khoác. Tôi cần xuất viện.
Vị bác sĩ lắp bắp:
– Nhưng bà không thể làm thế. Bà phải nằm nghỉ trên giường. Chúng tôi cần làm một số kiểm tra. Các bắp thịt của bà sẽ bị thoái hóa. Bà không nên cố gượng.
Layla chỉ nói:
– Chả có gì.
Rồi bà đứng dậy.
Bác sĩ Hudson phản đối:
– Bà vẫn là bệnh nhân. Ơ, điều đó có nghĩa bà phải là bệnh nhân.
Nhận cái áo khoác từ một sinh viên, Layla nói:
– Tôi là một bệnh nhân đặc biệt. Miễn sao tôi tự đi đứng thế này là được rồi.
Và dĩ nhiên, bà không nói khoác.
* * *
Hạ cánh xuống Tây An chừng mười tiếng sau, Philippa gặp phải một rắc rối với việc sử dụng tấm kim bài hiệu lệnh, một rắc rối mà cô nghĩ một người thông minh như cô đáng lẽ phải lường trước. Cô phát hiện ra lệnh là một chuyện, nhưng để người khác hiểu được mệnh lệnh đó lại là một chuyện khác. Vấn đề ở đây là, cô không biết nói tiếng Hoa, và vì không nói tiếng Hoa, mệnh lệnh của cô, vốn được nói bằng tiếng Anh, không được hiểu, và do đó không được phục tùng. Người tài xế taxi ở sân bay không biết cô đang nói gì, và ngay cả khi cô giơ tấm kim bài ngay dưới mũi ông và bảo ông chở cô đến khách sạn Most Wonderful tại Tây An, ông vẫn tiếp tục lắc đầu và nhìn cô với vẻ mặt đờ đẫn. Chỉ đến khi cô đưa cho ông xem địa chỉ khách sạn được in bằng tiếng Hoa, ông mới có thể chở cô đến nơi cô cần đến.
Lúc đó cô đã nghĩ chuyện ấy cũng không sao, vì cô có thể đưa tấm kim bài cho cậu Nimrod, người biết một chút tiếng Hoa và có thể dễ dàng sử dụng sức mạnh djinn để nạp thêm kiến thức đó.
Nhưng khi đến khách sạn Most Wonderful của Tây An và nghe Finlay thông báo cậu Nimrod và ông Groanin đã biến mấy trong hố chôn số 1, Philippa cảm thấy khá tuyệt vọng. Và tuyệt vọng gấp đôi khi Finlay thú nhận John đã xuất hồn đi kiếm họ, và đến giờ vẫn chưa trở về.
Cô hỏi:
– Chúng ta phải làm gì bây giờ? Tấm kim bài hiệu lệnh có ích gì nếu không ai hiểu chúng ta nói gì chứ.
Finlay gợi ý:
– Chúng ta luôn có thể học một ít tiếng Hoa.
Philippa mỉa mai:
– Một khóa học ngoại ngữ hả? Vậy sao chúng ta không đăng kí thi sau khóa học luôn đi? Không có thời gian đến trường đâu, Finlay. Cậu Nimrod, John và ông Groanin đang bị đe dọa tính mạng đó.
Finlay ướm thử:
– Vậy còn cuốn sách bao gồm những câu nói thông dụng thì sao?
Philippa trợn mắt:
– Sách những câu nói thông dụng hả? Chúng ta đang nói về tấm kim bài hiệu lệnh. Không phải một kì nghỉ cuối tuần ở Paris.
– Vậy cậu có ý tưởng nào tốt hơn không?
Philippa nói, giọng nghiền ngẫm:
– Để coi, chúng ta có thể tìm ai đó biết nói tiếng Anh và đưa họ một danh sách các câu hiệu lệnh thông dụng để dịch sang tiếng Hoa.
Finlay cho biết:
– Tớ đã ở đây hai ngày. Không có người dân địa phương nào biết nói tiếng Anh. Thực đơn trong nhà hàng toàn bằng tiếng Hoa. Tớ hoàn toàn không biết mình đang ăn gì, ngay cả khi đang ăn. Nếu đã ở Trung Quốc một thời gian, nước Anh bắt đầu trở nên xa xôi và lạ lẫm như sao Hỏa. Mà biết không, đó là điều họ nghĩ về chúng ta. Như những sinh vật ngoài hành tinh. Hoặc tệ hơn, những ác quỷ ngoại lai. Chú Nimrod bảo họ gọi chúng ta như vậy. Không ai ở đây nói tiếng Anh, Philippa. Và tại sao họ phải mất công học nó khi hai tỷ người khác sống trong đất nước này không thèm nói nó chứ?
Philippa nói:
– Có lẽ có đại sứ quán hay lãnh sự quán Mĩ ở Tây An. Ai đó ở đó có thể giúp chúng ta.
Finlay hỏi:
– Cái gì khiến cậu nghĩ họ sẽ bỏ hết công chuyện chỉ để giúp chúng ta chứ?
Đưa cho Finlay xem tấm kim bài hiệu lệnh, Philippa tuyên bố chắc nịch:
– Cái này.
Philippa gọi điện đến Đại sứ quán Mĩ ở Bắc Kinh và biết được phó tổng lãnh sự Mĩ chỉ đến Tây An một tuần một lần vào thứ Tư, có nghĩa chúng sẽ phải chờ gần một tuần nữa. Nhưng nhân viên ở đại sức quán nói cho chúng biết có một phó tổng lãnh sự Anh sống thường trực ở Tây An từ thứ Hai đến thứ Sáu. Ngay khi có được địa chỉ của viên phó tổng lãnh sự Anh, Philippa cùng Finlay lập tức rời khách sạn và tìm ra một tài xế taxi biết tiếng Anh đủ để chở họ đến đó.
Văn phòng của phó tổng lãnh sự Anh đặt tại Xiao Zhai ở phía nam thành phố. Đó là một khu chợ đông đúc, và ông Blunt, vị phó tổng lãnh sự, làm việc trong vài căn phòng tối tăm phía trên tiệm giặt ủi Pu Yi. Trên bức tường sau bàn làm việc của ông là một bức tranh Nữ hoàng vẽ bởi Rolf Harris, và một tấm bản đồ thế giới với tất cả thuộc địa cũ của Anh bị gạch bỏ. Ông Blunt là một người đàn ông nhỏ con với mái tóc quăn màu xám, đôi tay nhỏ và một giọng nói có phần lảnh lót – giống giọng nói của một quý bà cao tuổi hơn là một người đàn ông. Và ông ngước nhìn sự xuất hiện của hai đứa trẻ trong phòng làm việc với vẻ mặt hờ hững không chịu được.
Ông hỏi:
– Sao? Chuyện gì?
– Ông là ông Blunt phải không ạ?
– Đó là cái tên ghi trên thẻ hội viên Câu lạc bộ Không Cho Con Nít Vào Phòng Làm Việc của ta.
Trước sự thô lỗ đến kinh ngạc ấy, Philippa có phần lưỡng lự.
Ông gắt lên:
– Sao?
Philippa nói:
– Chúng cháu cần sự giúp đỡ của ông. Với việc dịch thuật. Chúng cháu muốn nhờ ông nhìn vào danh sách một số câu tiếng Anh chúng cháu đã chuẩn bị sẵn ở đây, và dịch chúng sang tiếng Hoa giùm. Ông biết tiếng Hoa, phải không ạ?
Ông Blunt nói cứng ngắc:
– Ta biết rành sáu phương ngữ của Trung Quốc, bao gồm tiếng Quan Thoại, tiếng Ngô, tiếng Quảng Đông, tiếng Mân, tiếng Tương và tiếng Khách Gia. Này nhé, ta là phó tổng lãnh sự Anh, không phải một gã bán hàng rong đầu đường xó chợ. Nhưng ta cũng không phải ở đây để giúp một lũ nhóc người Mĩ đùa giỡn với ngôn ngữ của Khổng Tử và Lão Tử. Chỉ nhìn bản mặt sing-gum hồng chóe của hai cô cậu là ta đã muốn than khóc cho tương lai rồi. Chúc hai cô cậu một ngày tốt lành.
Finlay bảo:
– Cháu không phải người Mĩ. Cháu là người Anh.
– Coi như cậu có chút dòng máu quý tộc đi. Nhưng, vì cậu là người Anh, với nghĩa vụ ngoại giao, ta có lời khuyên cho cậu: Đi mà mua một cuốn sách bao gồm những câu nói thông dụng từ syu guk gần nhất. Đó là từ tiếng Hoa cho “hiệu sách”. Một lần nữa, chúc hai cô cậu một ngày tốt lành.
Philippa thở dài và đút tay vào túi tìm tấm kim bài hiệu lệnh.
Cô làu bàu:
– Tớ không hiểu tại sao chúng ta phải mất công lịch sự về chuyện này.
Ông Blunt xẵng giọng nói:
– Bộ tiếng Anh của hai cô cậu cũng ngang bằng tiếng Hoa hả? Ta nói, chúc hai cô cậu một ngày tốt lành.
Rồi thô lỗ vẫy tay xua đuổi, ông nói:
– Giờ thì đi đi. Biến giùm. Ta còn có việc phải làm.
Philippa giơ tấm kim bài lên trước mặt. Nó lóe sáng bên dưới ánh đèn chói chang của cái văn phòng, và cô cảm thấy được sức mạnh của nó trong từng ngón tay, như thể cô đang cầm hai đầu điện cực của một cái ắc quy.
Cô nói rõ từng tiếng một:
– Ông sẽ giúp cháu.
Ông Blunt thẳng lưng ngồi dậy trên ghế, rồi đứng lên, như thể Nữ hoàng Anh vừa giá lâm.
Ông lặp lại một cách máy móc:
– Ta sẽ giúp cô.
Finlay lẩm bẩm:
– Ấn tượng thật.
– Ông sẽ viết những câu dịch ra giấy. Như cháu đã yêu cầu.
– Ta sẽ viết những câu dịch ra giấy. Như cô đã yêu cầu.
– Rất ấn tượng à nha.
Philippa đưa cho ông hai tờ giấy ghi chú mà trên đó, cô và Finlay đã ghi ra gần hết những câu hiệu lệnh tiếng Anh mà họ nghĩ có thể hữu dụng khi đụng độ những chiến binh ma quỷ. Ông Blunt mang mắt kính vào, nhặt cây bút của ông lên, và nhanh chóng viết ra các câu dịch. Chưa tới mười phút, ông đã đưa nó lại cho Philippa.
Ông hỏi cứng ngắc:
– Còn gì nữa không?
Philippa đưa mắt nhìn thành quả của ông và hét lên một tiếng đầy thất vọng.
Cô khóc thét lên:
– Nhưng mấy câu này viết bằng tiếng Hoa.
Ông Blunt hỏi:
– Chứ cô nghĩ các câu tiếng Hoa viết bằng ngôn ngữ gì? Eskimo chăng? Hay Flemish? Klington? Dĩ nhiên chúng phải viết bằng tiếng Hoa, đồ ngốc.
Finlay hỏi:
– Ông không thể viết mấy câu này ra tiếng Anh, chỉ cách cho tụi cháu đọc chúng sao? Dùng cái bảng ngữ ngữ gì đó ấy?
Philippa nhắc:
– Bảng ngữ âm.
Ông Blunt cho biết:
– Sự đa dạng của phát âm tiếng Hán nằm trong cách đọc thanh điệu. Tiếng Quan thoại có năm âm vực: cao, nửa cao, vừa, nửa thấp và thấp. Đó là chưa kể đến vô số âm vực khác ít được sử dụng trong tiếng Anh. Vì lí do đó, cách cô phát âm những câu này nhiều khả năng sẽ khiến người Trung Quốc không hiểu được. Giống như một con chó cố nói chuyện với một tổng giám mục.
Ông Blunt cầm lên một bình đựng nước và đang định tự rót cho mình một cốc nước. Nhưng Philippa đã chịu đựng quá đủ tính tự phụ của vị phó tổng lãnh sự người Anh và quyết định phải dạy cho ông bài học.
Cô ra lệnh:
– Đổ nó lên cái đầu Anh quốc ngớ ngẩn của ông đi, đồ bất lịch sự.
Ông Blunt làm như được nói, dĩ nhiên, và đổ nước lên đầu. Sau khi xong, ông chùi mặt và nói:
– Ta không biết sao ta lại làm vậy.
Philippa nói với Finlay:
– Tớ không có ý xúc phạm gì nhé. Về việc cậu cũng là người Anh ấy.
Cậu nhún vai bảo:
– Tớ không sao.
– Chúng ta nên làm gì bây giờ?
Finlay gợi ý:
– Chúng ta sẽ phải mang ông ấy theo.
– Mang cái người khó chịu này theo hả?
– Ông ấy có thể là một người khó chịu, nhưng ít nhất ông ấy có thể nói sáu phương ngữ Trung Quốc á. Ở chỗ này người ta nói phương ngữ nào chúng ta còn không biết, nói gì đến mấy gã chiến binh ma quỷ kia.
– Cậu nói đúng.
Finlay nói thêm:
– Ngoài ra, tớ vừa mới nhớ một điều: chúng ta sẽ cần ai đó biết tiếng Hoa để nói phiên bản tiếng Hoa của câu “Vừng ơi, mở ra”.
Philippa quay qua ông Blunt và nói:
– Thôi được. Ông đi cùng tụi cháu nhé?
Vị phó tổng lãnh sự không hề chần chừ. Ông gỡ cái áo khoác ra khỏi ghế ngồi, cái mũ ra khỏi kệ treo mũ, cây dù ra khỏi móc treo dù, và theo hai đứa trẻ đi qua cánh cửa bằng kiếng mờ.
Ông hỏi:
– Chúng ta đang đi đâu?
Finlay hỏi lại:
– Ông có xe không?
– Có.
Finlay nói:
– Chở tụi cháu đến chỗ mấy chiến binh đất nung. Phòng triển lãm số 1.
– Tại sao ta phải làm vậy?
Lắc đầu với Finlay, Philippa giải thích:
– Cậu không có cầm tấm kim bài.
Rồi cô lặp lại lời yêu cầu.
Liếc nhìn đồng hồ đeo tay, ông Blunt cho biết:
– Nhưng phòng triển lãm giờ này đóng cửa rồi.
Finlay bảo:
– Vậy càng tốt.
Philippa thắc mắc:
– Nhưng chúng ta sẽ vào đó bằng cách nào?
Đưa cho cô xem cái hộp nhỏ xíu đựng cái chìa khóa xương mà cậu Nimrod đã đưa cho cậu giữ, Finlay tuyên bố:
– Với cái này. Không bao giờ rời nhà mà không mang chìa khóa, đúng không?
Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 4 - Ngày Tái Sinh Những Chiến Binh Đất Nung Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 4 - Ngày Tái Sinh Những Chiến Binh Đất Nung - Philip Ballantyne Kerr Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 4 - Ngày Tái Sinh Những Chiến Binh Đất Nung