TV. If kids are entertained by two letters, imagine the fun they'll have with twenty-six. Open your child's imagination. Open a book.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 264 / 25
Cập nhật: 2019-11-13 12:07:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14 - Con Ngươi Ma Quái
ừ sau lần gặp gỡ những môn đồ mới của mình sáng hôm đó, Guru Masamjhasara luôn cảm giác ngờ ngợ như thể gã đã gặp qua người đàn ông một tay ở đâu đó trước kia. Dĩ nhiên, đó là chuyện đã xảy ra vào ít nhất mười năm về trước, và tay quản gia của Nimrod mang quốc tịch Anh, trong khi người mà gã gặp sáng nay lại là một người Ấn. Biết là vậy, nhưng thật sự cái tay tự xưng là Gupta ấy có một cái gì đó làm gã nhìn là liên tưởng ngay đến tay quản gia kia. Nhưng là cái gì mới được chứ? Vào thời điểm đó, Guru Masamjhasara còn là một tay bác sĩ có tiếng ở London với một danh sách bệnh nhân tai to mặt lớn, trong đó có phu nhân Thủ tướng Anh. Và đó là lý do tại sao vào một buổi sáng tháng Tư, năm cuối cùng của thế kỷ 20 ấy, gã được triệu hồi đến căn nhà số 10 đường Downing để chữa bệnh cho chính ngài Thủ tướng.
Đối mặt với một vị Thủ tướng có vẻ mắc chứng ảo giác và cư xử như một bé gái mười hai tuổi, có rất ít bác sĩ chẩn đoán được triệu chứng kỳ lạ của ông ta và hầu hết các tay bác sĩ sẽ đi đến kết luận rằng ngài Thủ tướng tội nghiệp đã bị điên và cần phải đưa đến bệnh viện tâm thần gần nhất. Nhưng bác sĩ Warnakulasuriya - đó là tên của Guru Masamjhasara khi đó - lại nhanh chóng nhận ra ngài Thủ tướng đã bị djinn ám. Lợi dụng mối quan hệ có sẵn giữa cha gã với Nimrod, bác sĩ Warnakulasuriya đã trực tiếp đi đến nhà của vị djinn yêu cầu giúp đỡ. Và gã đã đụng độ với vị quản gia một tay của Nimrod. Khoan đã? Chính là nó! Gã đàn ông sáng nay, Gupta, chỉ có một tay!
Vào thời điểm đó, thật sự gã cũng thấy lạ khi một người như Nimrod lại mướn một người hầu chỉ có một tay. Nhưng điều đó không đáng ngạc nhiên bằng những chuyện đã xảy ra sau đó - những chuyện đã khiến bác sĩ Warnakulasuriya quyết định từ bỏ con đường y học và nối gót cha gã trở thành một thánh tăng. Và chẳng bao lâu sau sự cố tại đường Downing, gã đã trở lại Ấn Độ, sử dụng số tiền kiếm được khi còn hành nghề bác sĩ ở London để mua tòa pháo đài màu hồng ở Lucknow, thành lập giáo phái ashram Jayaar Sho, và tự đặt mình lên ngôi vị guru.
Giáo phái ashram của gã hiện tại là một mạng lưới ma trận những trung tâm tâm linh trải khắp thế giới với số lượng lên đến hơn năm mươi, cùng vài nghìn tín đồ - một hoạt động kinh doanh béo bở. Và giờ đây, khi kế hoạch của gã đã sắp hoàn thành, điều cuối cùng mà gã muốn là không bị ai đó chõ mỏ vào phá đám. Nhất là khi chúng có liên quan đến Nimrod. Cho nên, ngay sau nửa đêm, vị guru tự phong đã phái vài tên sadhak bự con trong đội Bahutbarhiya Jan Bachane - những “vệ sĩ phi thường” của gã - đi triệu hồi cái tên Gupta đó về để gã có thể tra hỏi xem hắn rốt cuộc là ai, hắn cùng mấy đứa nhóc mò đến đây để làm gì.
Trên đường tói tịnh xá, những tay sadhak vệ sĩ phát hiện ông Groanin đứng lẩn quẩn bên cái giếng cũ nơi sân trong của tòa pháo đài.
Nhận ra một đám người vẻ mặt không lấy gì làm thân thiện đang nhắm thẳng hướng mình mà tới, ông Groanin hốt hoảng. Việc đầu tiên ông làm là lập tức quẳng cái bộ đàm của mình xuống giếng, thầm cầu nguyện nó không rớt trúng đầu ba đứa nhóc. Sau đó, tự thuyết phục bản thân rằng bọn trẻ là djinn và chắc có thể tự bảo vệ bản thân, ông bỏ chân ra khỏi cái phanh thắng giữ gàu nước, giấu cánh tay mới của mình vào trong cái áo thụng Ấn Độ rộng thùng thình, và có làm ra vẻ vô tội.
Bhuttote, gã sadhak vệ sĩ bự con nhất, chĩa tay vào ông Groanin và hỏi bằng tiếng Hindi:
– Ông làm gì ngoài này? Bộ ông không biết có lệnh cấm ra khỏi tịnh xá sau nửa đêm hả?
Ông Groanin phân bua:
– Tôi chỉ vừa xong việc. Ở trung tâm hỗ trợ máy tính. Ngồi một chỗ suốt mấy tiếng đồng hồ, nên tôi chỉ muốn đi duỗi chân duỗi tay và hít thở không khí một chút thôi mà.
Bhuttote ra lệnh:
– Guru muốn gặp ông. Đi theo chúng tôi!
– Gặp tôi hả? Để làm gì?
– Không biết.
Giả vờ ngáp dài một cái, ông Groanin bảo:
– Nhưng vào đêm hôm khuya khoắt thế này à? Chờ đến sáng mai không được sao? Hết yoga buổi trưa lại đến trung tâm máy tính buổi tối. Giờ tồi mệt rã cả người.
Bhuttote vẫn khăng khăng:
– Không chờ được. Đó là lệnh. Nếu guru bảo đi bây giờ, nghĩa là ông phải đi ngay bây giờ. Vả lại, Guru Masamjhasara không bao giờ ngủ. Trên thực tế, ngài ấy đã không ngủ trong suốt mười hai năm.
Ông Groanin chặc lưỡi bảo:
– Khổ thân chưa! Ngài ấy bị chứng mất ngủ à?
Một tay sadhak khác trả lời:
– Không. Chỉ là ngài ấy có quá nhiều điều cần phải nghĩ nên chẳng thể lãng phí thời gian cho việc ngủ nghỉ.
Theo các sadhak đi ngược vào trong đền, nơi có vị guru đang chờ, ông Groanin nhận xét:
– Tội nghiệp thật. Khổ thân ngài ấy quá.
Bhuttote khăng khăng bảo:
– Chẳng có gì là khổ thân cả. Ngài ấy dành ban đêm cho những suy nghĩ vĩ đại. Rồi chia sẻ những suy nghĩ vĩ đại ấy cho tất cả chúng ta được khai sáng.
Dù trong đầu chả phục chút nào, ông Groanin ngoài miệng vẫn gật gù nói:
– À, đúng thế. Tôi chắc chắn tất cả chúng ta đều không muốn bỏ lỡ cơ hội được nghe những suy nghĩ vĩ đại của guru.
o O o
Nắm lấy sợi dây thừng và tay em gái, John kéo em về phía mình, miệng không ngừng cổ vũ:
– Em có thẻ làm được mà, Phil.
Dybbuk thì đã ở phía trên hai anh em khoảng 10 mét, gần đoạn tường bị sập.
Cả người Philippa gần như hoàn toàn mất cảm giác vì lạnh. Hai hàm răng đang lập cập đập vào nhau y như tiếng vó ngựa. Cô chưa bao giờ là một học sinh ưu tú của môn giáo dục thể chất trong trường học, và giả dụ đang còn ở New York, cô sẽ bỏ cuộc ngay lập tức vụ leo 10 mét dây thừng, nếu không muốn ăn gian bằng cách sử dụng sức mạnh djinn, dĩ nhiên. Tuy nhiên, có những thời điểm khi mà sự nguy hiểm cùng tình huống tuyệt vọng sẽ tạo ra những kỳ tích về sức mạnh thể chất và khả năng chịu đựng, và đây rõ ràng là một thời điểm như vậy. Cho nên Philippa không cần John phải thúc.
Nắm chặt lấy sợi dây thừng, cô đu người lên đủ cao để đứng trên đỉnh cái gàu nước nửa chìm nửa nổi và bắt đầu leo.
Trong khi đó, vẫn đang chờ đợi đến lượt của mình, John nhúng đầu xuống dưới mặt nước một lát để kiểm tra thử. Nhoi đầu lên, cậu lắc đầu, vừa thở phì phò vừa cho biết:
– Anh nghĩ chỗ này phải cách đáy cả 30 mét chứ chả chơi. Nhưng mà nước cũng khá trong.
Philippa bảo:
– Làm ơn đi. Em thà không biết còn hơn.
Một cái gì đó nặng nề lại rơi xuống nước. Đồng loạt ngước đầu lên, John và Philippa trông thấy Dybbuk đang nắm lấy sợi dây thừng, chân đá đá vào phần tường bị sập của thành giếng. Một viên gạch khác rời khỏi tường và rơi xuống nước. Rồi thêm một viên nữa.
John hét lên:
– Ê, cẩn thận chứ. Nó xém rớt trúng tớ đó.
– Xin lỗi.
Dybbuk cẩn thận gạt thêm vài viên gạch khác xuống nước, trước khi dời người vào trong cái lỗ hổng lớn trên tường vừa tạo ra. Rồi cậu nói vọng xuống:
– Leo lên đây đi. Trên này rộng lắm. Mà ráng xách cây đèn pin lên theo nhá.
Phải mất 15 phút Philippa mới có thể leo lên đến nơi. Những cố gắng đến kiệt sức của cô không phải không có cái giá của nó. Cật lực đặt chân lên lỗ hổng mà Dybbuk đã tạo ra trên tường, cô vô tình đá văng một viên gạch khác xuống dưới. Và lần này, thay vì rơi xuống nước một cách vô hại như những người anh em trước đó của nó, viên gạch rớt thẳng xuống cây đèn pin mà John đang để trên một gờ tường nhô ra, ngay khi cậu đang với tay đến để lấy nó, cây đèn rơi xuống nước.
Dybbuk kinh hoàng hét lớn, và John, người hiện đã leo được gần nủa đoạn đường, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhảy ngược xuống để đuổi theo nguồn sáng duy nhất còn lại.
Vì một lý do nào đó, cây đèn pin, dù có ít tính năng chống nước, vẫn bật sáng trong suốt quá trình chìm nghỉm xuống làn nước giếng lạnh cóng, làm nhiệm vụ đuổi bắt của John cũng dễ dàng hơn được một ít. John đạp chân thật mạnh, một tay nhoài về phía trước cố gắng bắt lấy đốm sáng trước mặt. Hai lần ngón tay cậu chạm vào rồi lại để vuột mất, và phải đến lần thứ ba, khi mà phổi của cậu sắp vỡ tung, cậu mới bắt được cây đèn pin.
Và đó cũng là lúc cậu nhìn thấy nó: một hình dáng ngoằn ngoèo khắc trên gạch. Con rắn hổ mang thứ ba! Không có thời gian để nhoài lên trên lấy hơi. John không nghĩ mình có thể lặn xuống dưới này một lần nữa mà vẫn còn đủ sức để leo lên sợi dây thừng. Hoặc là bây giờ, hoặc là không bao giờ. Cậu bơi về phía con hổ mang thứ ba và, với ánh sáng chỉ đủ để thấy được mình đang làm gì, ấn cây đục vào lớp vữa hồ để nới lỏng viên gạch mà trên đó, đại tá Killiecrankie đã khắc hình một con rắn hổ mang có vẻ rõ ràng hơn hai con rắn còn lại. Thậm chí ông còn cẩn thận khắc thêm một số 3 vào kế bên con rắn để khỏi lầm lẫn. Cảm thấy viên gạch có chút lung lay, John lại dùng sức hơn nữa ấn cây đục vào để gỡ viên gạch ra.
Ngồi trên rìa tường phía trên trong bóng tối, Philippa dõi mắt chờ đợi bóng dáng anh trai xuất hiện trở lại với một tâm trạng pha lẫn tự hào và lo lắng - cô sợ anh trai mình sẽ chịu thua cái lạnh khắc nghiệt của làn nước giếng. Tất cả những gì cô và Dybbuk có thể thấy là ánh đèn pin dập dềnh bên dưới mặt nước.
Dybbuk thầm thì:
– Sao cậu ấy không quay lên chứ?
Philippa không trả lời. Và rồi, ngay khi cô định nhảy xuống dưới tìm anh, ánh sáng dần trồi lên trên mặt nước, cô thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy John. Cậu đang la hét gì đó, với một cái túi da nhỏ cầm trên tay.
Vẫy vẫy cái túi, cậu hét một cách đắc thắng, dù giọng nói gần như không ra hơi:
– Anh lấy được nó rồi. Cái bùa thế thân ấy.
Philippa vui mừng vì thấy anh trai mình vẫn ổn, cười toe toét:
– Anh thật giỏi, John.
Dybbuk hét lên sung sướng:
– Tuyệt vời! Cậu làm tốt lắm, John!
– Ùm, ít nhất tớ nghĩ tớ đã lấy được nó. Tớ đã thấy viên gạch khắc con hổ mang thứ ba khi lặn xuống dưới tìm cây đèn pin. À mà tớ cũng thu hồi được cây đèn nè.
Dybbuk chọc:
– Tụi tớ thấy mà.
Philippa tiếp tục khen:
– Quá tốt, John. Không có ánh sáng chúng ta hết đường lên luôn.
– Nó cách mặt nước khoảng 3 mét. Anh đã phải thò cả cánh tay vào trong lỗ. Thế mà nó lại bị mắc kẹt. Xém chút nữa anh chết đuối rồi.
Ánh đèn pin bỗng chập chờn và, trong khoảng một hoặc hai giây tiếp theo, thình lình tắt ngúm, ba đứa trẻ chìm vào trong bóng đen dày đến nỗi chúng tưởng như có thể gặm nhấm nó.
John nói:
– Hy vọng cái này thì không hỏng.
Nhét vội cây đèn pin cùng cái túi da vào dưới thắt lưng, cậu bơi về phía sơi dây thừng và bắt đầu leo lên.
Gạt thêm vài viên gạch xuống dưới nước, Dybbuk phàn nàn:
– Cái tay đại tá ấy nghĩ gì không biết? Hết chuyện lại đi giấu nó bên dưới mặt nước.
Philippa nhận xét:
– Cậu biết không, tớ cá là mực nước không cao như vậy khi ngài đại tá khắc con hổ mang thứ ba. Sau khi quân đội Anh sửa sang cái giếng, mực nước chắc là đã dâng cao.
Lúc này John đã mệt lả cả người - mệt và rất lạnh - vì thế hành trình ngược lên sợi dây thừng của cậu cực kỳ chậm. Một hay hai lần gì đó, cậu thậm chí trượt chân tuột xuống cả mét, sượt tay bỏng rát trên sợi dây thừng xù xì, nhưng ít nhất nó cũng giúp cậu tạm quên đi bả vai đang cực lực biểu tình vì kiệt sức của mình. Cuối cùng thì cậu cũng đặt chân lên được rìa lỗ hổng, Dybbuk túm lấy áo John, gắng hết sức mới có thể kéo cậu lên khoảng trống ngay phía trên an toàn. Hành động này làm một số viên gạch khác và bụi bặm rơi xuống.
Giây tiếp theo đó, cây đèn pin lại chập chờn. Lăn khỏi người Dybbuk, John ho khan vài cái, móc cây đèn pin ra khỏi thắt lưng để kiểm tra. Đúng lúc này, cây đèn pin tắt phụt, nhấn chìm ba đứa trẻ trong bóng tối. John gõ nhẹ cây đèn vào lòng bàn tay bỏng rát của mình, hy vọng có lại ánh sáng, nhưng lần này nó từ chối hoạt động.
Dybbuk làu bàu:
– Tuyệt thật. Tuyệt không có gì để nói. Không đèn chúng ta làm được gì bây giờ?
John đề nghị:
– Hay là tớ thử gỡ nó ra để ráo nước xem sao? Chờ một lát, chắc là nó sẽ sáng lại thôi.
Hơi thở của Dybbuk ngày càng dồn dập. Có thể nhận ra bóng tối đang làm trầm trọng thêm chứng sợ không gian chật của cậu. Đưa tay mò mẫm trong túi quần, rốt cuộc cậu cũng tìm được một viên thuốc than khác. Nó đã bắt đầu trở nên nhão nhoẹt trên ngón tay, và cậu phải quệt nó vào trong miệng.
John khuyên:
– Điều quan trọng nhất là đừng hoảng loạn. Và cũng đừng làm hành động nào bất ngờ, để không ai trượt té xuống dưới.
Rồi vừa bắt tay vào vặn phần nắp đậy dưới đáy của cây đèn pin ra, cậu vừa nói:
– Biết đâu được? Có khi chúng ta sẽ khô người và ấm lên trước cả cây đèn này cũng nên. Kiểu nào thì vấn đề của chúng ta cũng sẽ được giải quyết.
Dybbuk đã bắt đầu bình tĩnh trở lại - thuốc than có tác dụng rất nhanh - và bảo:
– Ok. Tớ tin cậu.
Đổ mấy cục pin ra tay, John dốc ngược cây đèn pin và vẫy vẫy mấy cái cho sạch nước, miệng tiếp tục chỉ đạo:
– Trong khi chờ, sao cậu không thử nhìn xem… à, ý tớ là, sao cậu không thử tìm cách mở rộng khoảng không này cho chúng ta?
Philippa hỏi:
– Em giúp gì được không?
Dybbuk bảo cô:
– Dĩ nhiên rồi. Tớ sẽ bắt đầu đào phía sau chúng ta. Tớ sẽ chuyền cho cậu gạch hoặc đá vụn, và nhiệm vụ của cậu là quẳng chúng xuống dưới nước, vì cậu đứng gần rìa hơn tớ.
Rồi nhét người hết cỡ vào bên trong lỗ hổng, Dybbuk kéo ra một túm gạch và đá. Cẩn thận chuyền nó cho Philippa, cậu nói:
– Đây. Vách tường ở đây mục nát cả nên cũng khá dễ. Giờ thì tớ đã biết một con chuột chũi có cảm giác như thế nào rồi.
Philippa ném cái túm gạch đá hỗn độn mà Dybbuk vừa chuyền cho vào khoảng không lạnh lẽo trước mặt. Một giây sau đó, ba đứa trẻ nghe tiếng nó chạm vào mặt nước.
John thổi phù phù vào trong thân cây đèn, cẩn thận đặt mấy cục pin cùng cái nắp đậy lên trên mặt đất, rồi cuộn người quanh chúng để giữ.
John cũng biết rõ mọi chuyên có vẻ khá tồi tệ khi không có đèn. Nhưng cho đù có đèn, chúng có thể làm được gì chứ? Tận sâu trong lòng, cậu thật sự không tin tưởng vào những gì đã nói để cổ vũ Philippa và Dybbuk: với nhiệt độ quá lạnh bên trong lòng giếng, viễn cảnh họ có thể thu đủ thân nhiệt để sử dụng sức mạnh djinn thật quá xa vời. Lạnh và tối - tối đến mức cậu không thể thấy được cả ngón tay mình dù dí sát nó ngay trước mắt. Cả ba thật chẳng khác nào đang ở trong một ngõ cụt. Càng nghĩ, John càng khẳng định, cách duy nhất để chúng có thể thoát khỏi cái giếng này là chờ đợi ông Groanin trở lại giải cứu. Hy vọng lớn nhất của cả ba hiện giờ là, dù bất cứ chuyện gì đã xảy ra với ông Groanin, nó cũng chỉ mang tính tạm thời mà thôi.
o O o
Guru Masamjhasara - trong tiếng Hindi, ma samjha sara có nghĩa là “Ta thấu hiểu tất cả mọi người” - leo xuống cái ghế nha sĩ của gã và chậm rãi bước về phía ông Groanin, cặp mắt ma quái của gã không rời khỏi mặt ông lấy một giây.
Ông Groanin, bị hai tay sadhak vệ sĩ to con kè kè ở hai bên, kiên nhẫn chịu đựng cái nhìn soi mói của gã guru tự phong. Ông không nói một lời, thậm chí không phàn nàn tiếng nào khi gã guru đặt bàn tay hôi hám lên đầu ông và nhắm mắt lại, như thể làm thế gã có thể đọc được mọi suy nghĩ của ông.
Đứng yên như phỗng, gã hỏi:
– Chúng ta có gặp nhau bao giờ chưa nhỉ?
Ông Groanin trả lòi:
– Chưa. Ít nhất là cho đến ngày hôm qua. Tôi chắc chắn sẽ nhớ một người nổi bật như ngài, hỡi thầy tu thần thánh.
Ẩn dấu bên dưới mi mắt, đôi nhãn cầu của gã guru lăn trùng trục như thể gã đang ngắm nhìn thế giới quay tròn xung quanh. Rồi gã lại lập lại câu hỏi một lần nữa, như thể gã không nghe được câu trả lời của ông Groanin, hoặc đơn giản là gã không tin lời ông - thật khó để nói được lý do nào mới là đúng.
Ông Groanin lại một lần nữa nói:
– Chưa.
Hoặc ít nhất là ông từng nghĩ vậy. Giờ đây, khi đã nhìn kỹ mặt gã guru, ông Groanin chợt nhận ra trông gã có vẻ hơi quen quen. Cứ như họ đã gặp nhau nhiều năm trước đây. Thứ mà ông Groanin cảm thấy quen thuộc nhất là hơi thở kinh tởm của gã guru. Nó giống như mùi một con cá chết trong bọc nhựa vào một ngày nóng bức, với chỉ một hủ sữa chua bầu bạn. Ngoài ra, đằng sau bộ râu ông già Noel đồ sộ là một khuôn mặt mà ông Groanin nghĩ đã từng thấy qua trước đây. Nhưng cũng chính bộ râu ấy làm ông phân tâm. Hay nói đúng hơn là những thứ đính trên đó. Giờ đây, khi nhìn sát mặt Guru Masamjhasara, ông Groanin có thể thấy được cả đống vụn đồ ăn dính trên râu - những thứ nhìn như thể đã rơi ra từ miệng hay nĩa ăn của gã guru từ những bữa ăn vài tuần trước. Một hạt ngô ngọt. Một hai hạt gạo hay ngũ cốc. Một miếng nui hình sò. Một hột cam. Một cọng mì Ý. Đó là chưa kể đến một miếng bã sing-gum, cùng mấy vệt nước mũi.
Xòe rộng những ngón tay nhớp nháp của gã lên đầu ông Groanin như những vòi bạch tuộc, gã guru tuyên bố, trong chất giọng nửa Anh nửa Ấn:
– Ngươi biết không, ta luôn có linh cảm rất mạnh về con người. Và ngươi, bạn của ta, ngươi làm ta lo lắng.
Ông Groanin nhún vai nói:
– Tại sao? Tôi chỉ là một người bình thường thôi mà.
Gã guru cười khúc khích:
– Ồ không. Đối với tất cả những ai đến với ashram, ta luôn nói, “Ngươi đặc biệt”. Tất cả mọi người. Và họ đúng là vậy. Tất cả mọi người đều là độc nhất vô nhị.
Rồi chậm rãi mở mắt ra, gã nói như thể đầu óc vừa trở về sau một chuyến chu đu trên mây xanh:
– Đặc biệt là những kẻ tự nhận mình bình thường.
– Có khi ngài lầm tôi với ai chăng, thưa ngài? Một người có vẻ ngoài giông giống tôi chẳng hạn.
Gã guru bảo:
– Ta không nghĩ vậy. Ngươi là một kẻ rất đặc biệt, Gupta. Trong suốt cuộc đời, ta gặp qua rất ít người chỉ có một tay. Trên thực tế, nếu ta thành thật với bản thân, ta chỉ có thể nghĩ đến một kẻ có một tay duy nhất mà ta từng gặp qua.
Mỉm cười, ông Groanin bình tĩnh nói:
– À, nếu là thế, tôi có thể hiểu được tại sao ngài nghĩ đã gặp tôi trước đây. Vâng, tôi nghĩ ngài hoàn toàn đúng. Không dễ để gặp người chỉ có một tay. Chính bản thân tôi cũng chẳng gặp nhiều người một tay.
Đến giờ phút này, ông Groanin quyết định ông cần thuyết phục gã guru rằng gã đã phạm sai lầm càng nhanh càng tốt. Đó là lý do ngay giây tiếp theo, ông rút cánh tay mới của mình ra khỏi cái áo thụng rộng thùng thình và tuyên bố:
– Nhưng, như ngài thấy đó, tôi có đến hai tay.
Cầm lên hai tay của ông Groanin và bóp thử, như thể kiểm tra xem có cánh tay nào là giả không, gã guru chau mày nói:
– Kỳ lạ. Quá kỳ lạ. Ta có thể thề rằng rõ ràng ngươi chỉ có một tay. Nhưng tại sao ngươi lại phải giấu đi một tay như vậy? Ngay cả bà Crabbe, giáo viên dạy yoga cho ngươi cũng nghĩ ngươi chỉ có một tay.
– Thưa ngài, thật xấu hổ, nhưng tôi xin được thú nhận rằng tôi đã giả cụt một tay để trốn học yoga. Đó là lý do tại sao tôi giấu đi một tay. Đáng lẽ tôi không nên làm vậy. Xin lỗi.
– Ngươi giả dạng cũng giỏi thật đấy.
Nghĩ rằng tốt nhất câu chuyện của mình phải hợp rơ với những gì bọn trẻ kể với Jagannatha, ông Groanin giải thích:
– Thưa ngài, sự thật là, trước đây tôi từng hành nghề ảo thuật gia. Và tôi thường giả cụt một tay để thuận tiện thực hiện một số trò ảo thuật.
Bóp nhẹ tay gã guru, ông Groanin mỉm cười và cho phép bản thân nói đùa:
– Tôi thành thật xin lỗi vì đã lừa dối mọi người. Nhưng như ngài có thể thấy, ngài đã lầm tôi với một người khác. Dù gì, tôi chắc chắn không đủ tài ba để mọc ra một cánh tay mới chỉ sau một đêm, đúng không, thưa ngài?
Bỏ tay của ông Groanin ra, Guru Masamjhasara bắt đầu đưa tay xoắn râu, như thể đang cố vắt ra một suy nghĩ hay ý tưởng nào từ cái mớ xồm xoàm xám xịt đó. Thay vào đó, nó chỉ làm một miếng ngô rớt ra và rơi xuống lớp lông xám xoăn tít phủ kín ngực gã như những cái lò xo nệm giường cũ kỹ.
– Đúng là ngươi thật sự không thể, Gupta. Nếu như đó thật sự là tên của ngươi. Ta đồng ý. Ngươi không thể nào tự mọc ra một cánh tay mới. Nhưng ngươi có thể được gắn thêm một cánh tay mới. Bởi một djinn.
Ông Groanin vờ che miệng cười:
– Một djinn. À, vâng, thưa ngài. Nếu ngài tin tưởng có những sinh vật như thế tồn tại thì vâng, tôi nghĩ một djinn có thể làm việc đó.
Guru Masamjhasara nói:
– Ô, họ chắc chắn tồn tại. Ta biết. Ta đã gặp một người trong bọn họ. Và có lẽ ngươi cũng vậy.
Ông Groanin vẫn giữ nguyên nụ cười:
– Tôi ấy à? Ô khống, thưa ngài. Tôi chỉ là một người bình thường. Tôi không biết những thứ như thế. Mẹ tôi đã dạy, chỉ có những thầy tu Bà-la-môn vĩ đại và những vị thánh mới có thể trông thấy djinn.
Hoàn toàn không để ý đến lời nói của ông Groanin, gã guru tiếp tục lẩm bẩm:
– Trừ khi… Trừ khi ngươi chính là djinn, dĩ nhiên. Chả trách ngươi có thể thực hiện trò ảo thuật trên cái thang máy dây trưa hôm qua.
Rồi gã cười khúc khích bảo:
– Ô vâng. Ta đã nghe nói về chuyện đó. Những tín đồ trung thành của ta luôn kể hết cho ta nghe mọi chuyện.
Ông Groanin phân bua:
– Đó chỉ là một trò lừa rẻ tiền thôi, thưa ngài. Cái trò ảo thuật Ấn Độ với dây thừng ấy chỉ là một thú tiêu khiển tôi thường làm khi có dịp. Chỉ để không lụt nghề. Tôi chắc chắn không phải djinn, thưa ngài. Tôi chỉ là một người bình thường.
– Nếu vậy, chắc ngươi không phiền ngồi xuống ghế nha sĩ của ta, để ta có thể kiểm tra miệng của ngươi chứ?
Nói xong, gã guru phất tay ra hiệu cho hai tên sadhak vệ sĩ mang ông Groanin đến cái ghế đặt ngay chính giữa điện thờ.
Ông Groanin ghét cay ghét đắng nha sĩ. Ghét tất cả mọi thứ về họ: những ngón tay kêu lục khục, những mẩu chuyện phiếm ngu ngốc, nụ cười giả tạo đáng chán, và những dụng cụ tra tấn nhỏ nhưng khủng khiếp của họ. Nhưng điều mà ông ghét nhất là mùi của một cái răng bị khoan - Đối với lỗ mũi nhạy cảm của ông Groanin, nó gợi lại cho ông những ký ức chẳng lấy gì làm dễ chịu ở Manchester khi còn nhỏ.
Bị nhấc bổng cả người lên cái ghế, ông hét lớn:
– Ngài định làm gì vậy?
Gã guru lơ đễnh đứng móc lỗ mũi trong mấy giây, bỏ cái thứ chất nhầy xanh nhờn vừa móc ra vào miệng nhai nhai, rồi nhặt lên một cây dùi răng từ khay dụng cụ. Bước đến bên cạnh ông Groanin, gã nói:
– Thư giãn đi. Ta chỉ muốn kiểm tra xem ngươi còn đầy đủ răng không thôi.
– Răng? Răng của tôi thì có liên quan gì ở đây?
Dĩ nhiên ông Groanin biết rõ Guru Masamjhasara muốn kiểm tra cái gì, tuy nhiên ông vẫn giả vờ như mình hoàn toàn không biết gì về djinn - đặc biệt là việc không có djinn nào còn răng khôn. Dù vậy, ông cũng không vui vẻ gì với việc gã guru thò những ngón tay dơ dáy của gã vào trong miệng ông, nhất là cái ngón vừa móc cục cứt mũi xanh lè nhầy nhụa.
Hé mắt nhìn vào bên trong miệng ông Groanin, gã guru lầm bầm:
– Hầu hết mọi người đều cho rằng ta mua cái ghế này chỉ để ngồi cho thoải mái. Nhưng dĩ nhiên, nó còn có công dụng khác - một công dụng mà ngươi sẽ sớm biết được.
Và bởi vì không nghĩ gã guru thật sự muốn tra tấn mình, mà nếu bị gã tra tấn thật thì ông sẽ khai ra hết, ông Groanin miễn cưỡng há miệng ra, cho phép gã guru kiểm tra bên trong.
Cái mũi nhăn nhăn như thể kinh tởm lắm, gã guru phàn nàn:
– Thánh thần ơi, ngươi ăn gì buổi tối mà hôi thế?
Ông Groanin cố gắng trả lời. Ông thật sự muốn nói, “Câu này nên hỏi ngài mới đúng, quý ngài có hơi thở như đít chồn hôi,” nhưng rốt cuộc ông không hó hé được gì khi mà những ngón tay dơ dáy của gã guru cùng cây dùi răng còn lấp đầy trong miệng ông.
Kết thúc khâu kiểm tra răng miệng, gã guru đứng lùi lại, quẹt tay vào râu, và thở dài một tiếng như thể thất vọng lắm. Gã bảo:
– Không. Ngươi không phải là djinn. Dĩ nhiên, không thể nói trước ngươi sẽ cố làm gì với ta nếu ngươi thật sự là djinn. Ta nói “cố”, bởi vì dĩ nhiên ta đã chuẩn bị trước cho mọi tình huống.
Đưa cho ông Groanin xem một cái mề đay đeo quanh cổ nhìn giống y cái mà cậu Nimrod nhận được qua hệ thống mail nội bộ djinn, gã lại khúc khích cười nói:
– Đây là bùa hộ mạng của ta. Cha ta tạo ra nó để giúp ông miễn nhiễm trước sức mạnh djinn. Ông là một người vĩ đại. Một thánh tăng vĩ đại. Nếu không có tấm bùa hộ mệnh nhỏ nhắn này, ta chắc chắn sẽ không thử kiểm tra răng ngươi. Nếu ngươi là djinn, ngươi có thể sẽ…
Đang nói, Guru Masamjhasara bỗng nhiên im bặt. Cặp mắt của gã nheo lại và bắt đầu quay tròn một cách ma quái. Quay đầu nhìn đám sadhak vệ sĩ, gã hỏi:
– Chờ đã. Không phải gã này đến đây cùng ba đứa trẻ sao?
Một trong những tên sadhak cung kính trả lời:
– Đúng thế, thưa Đức ngài.
Gã guru lẩm bẩm:
– Ta tự hỏi… Không. Chúng không thể. Làm gì có chuyện quá may mắn như thế chứ.
Ông Groanin lớn tiếng nói theo một cách mà ông hy vọng phù hợp hình tượng một người cha thương con:
– Không được đụng đến lũ trẻ.
Vuốt ve chòm râu dài bù xù, làm một miếng cơm thập cẩm văng xuống sàn, gã guru nghiêng nghiêng đầu về một bên, như thể đang lắng nghe một tiếng nói vô hình nào đó, và tiếp tục lẩm bẩm:
– Lũ trẻ. Ta tự hỏi… Một cộng một cộng một là ba. Và rồi, gã lớn tiếng ra lệnh cho đám sadhak vệ sĩ:
– Tìm chúng. Tìm lũ trẻ.
Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 3 - Hổ Mang Chúa Kathmandu Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 3 - Hổ Mang Chúa Kathmandu - Philip Ballantyne Kerr Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 3 - Hổ Mang Chúa Kathmandu