Những trận chiến lớn nhất chính là những trận chiến trong tâm trí chúng ta.

Jameson Frank

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 264 / 25
Cập nhật: 2019-11-13 12:07:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11 - Những Lời Nói Lơ Đễnh
ứng sừng sững trước mặt bốn người bọn họ, như thể không xi nhê gì trước băng tuyết lạnh lẽo, người tuyết Yeti nhìn giống như một bức tường lông mao khổng lồ. John ước chừng sinh vật này phải cao đến gần 3 mét chứ chẳng chơi. Tuy nhiên, người tuyết này lại không có vẻ gì là đặc biệt khủng khiếp. Thậm chí một ít đáng ghét cũng không. Và thay vì nhe nanh, đấm ngực thình thịch, và rống lên một tiếng lớn để thị uy như tưởng tượng của bốn con người đang ngồi tụm lại với nhau trên cánh đồng tuyết tại dãy Annapurna, con Yeti chỉ thở dài và ra dấu cho họ đi theo nó xuống đồi. Không ai nhúc nhích. Trông thấy sự sợ sệt của họ, con Yeti lên tiếng:
– Komm. Komm, kotnm wir müssen beeilen!
John, vốn có thể nói tiếng Đức một cách hoàn hảo - kết quả của một điều ước mà cậu đã thực hiện trước đây - phiên dịch lại:
– Nó muốn chúng ta đi theo nó. Và nói chúng ta nên nhanh chân lên.
Đứng lên một cách khó khăn trên đôi chân đã gần đóng băng của mình, ông Groanin cằn nhằn:
– Đúng là người Đức. Lúc nào cũng vội vã.
Philippa nói có hơi chút mỉa mai:
– Nhìn nó có giống một người Đức điển hình nào đâu.
Dybbuk giờ đã bước theo con Yeti, tuyên bố:
– Tớ chả quan tâm nó là người nước nào. Miễn sao nó dẫn chúng ta đến chỗ nào ấm áp là được.
Họ đi theo con Yeti dọc xuống các sườn đồi của dãy Annapurna cho tới khi đến được một lối vào cao khoảng 3 mét được cắt gọn vào trong một tảng băng khổng lồ. Cánh cửa được che giấu bởi một tảng băng khác lớn hơn. Khi họ đã an toàn ở bên trong, con Yeti, lúc này đang chuẩn bị dịch chuyển tảng băng che cửa vào trở lại, vội vã chỉ tay vào sâu trong lối đi và nói bằng tiếng Anh:
– Vào trong, nhanh lên. Nhanh. Trước khi tất cả chết cóng.
Được lát bằng băng, lối đi trước mặt họ dường như dẫn đường vào bên trong lòng dãy núi. Tuy nhiên nó lại được thắp sáng với một dãy đèn điện, và sau khoảng hai, ba phút đi bộ, họ đứng trước một cánh cửa làm từ một lớp kính mờ dày cộm nhìn như thể nó thuộc về một ngân hàng New York nào đó hơn là một sườn đồi trên đỉnh Himalaya. Cảm nhận được sự hiện diện của họ, cánh cửa tự động mở ra với một tiếng click nhỏ, và một luồng không khí ấm áp thổi vào những cái xương đang khát khao hơi nóng.
Đã đuổi kịp họ, con Yeti nói:
– Xin mời mọi người vào trong.
Nội thất bên trong căn nhà của con Yeti cũng mang một chút hơi hướng hiện đại như cửa trước của nó. Những bức tường được làm từ kính và thạch cao trắng trơn, trong khi cái sàn nhà đen bóng trải dài như mặt nước đêm phẳng lặng. Bên trong một cái lò sười thấp lùn với bề ngang lớn, một ngọn lửa đang ngoan ngoãn cháy khiến cho cả khoảng không gian nhìn giống như một phòng khám này trở nên thân thiện và thoải mái hơn.
Khi cánh cửa đóng nhẹ sau lưng, con Yeti lên tiếng:
– Chào đón mọi người đến căn hộ Himalaya của ta. Mọi người cứ thoải mái như ở nhà nhé.
Điều này nói dễ hơn làm, vì hầu như chẳng có lấy một đồ đạc nào ở căn hộ trong lòng núi này. Cho nên, ông Groanin và ba đứa trẻ chỉ có thể ngồi phịch xuống sàn quanh lò sưởi, chờ đợi vị chủ nhà xù xì của họ trở nên hiếu khách hơn.
Con Yeti hỏi:
– Mọi người có muốn một cái gì đó nóng nóng không?
Ông Groanin trả lời:
– Nếu điều đó không quá phiền phức.
Con Yeti bảo ông:
– Có phiền phức gì đâu.
Từ tiếp theo mà con Yeti nói ra là TOHUWABOHU. Có vẻ như đó là một từ trọng tâm, vì ngay khi nó thoát ra khỏi cái miệng hô to bự của con Yeti, một cái khay lớn đựng cà phê, sôcôla, trà nóng, bánh mì sandwich, bánh lúa mạch nướng, và bánh rán hiện ra ngay trước mặt bốn vị khách.
Philippa đi đến kết luận:
– Ông là djinn. Cũng như tụi cháu, ùm, ý cháu là, ba đứa tụi cháu. Ông Groanin đây là con người.
Tự phục vụ cho mình một tách trà nóng, ông Groanin nói:
– Hân hạnh được gặp ngài. Tụi tôi cứ nghĩ ngài là người tuyết Yeti đấy.
Con Yeti mỉm cười:
-Ta là Người tuyết Yeti.
Rồi nó giải thích:
– Mọi người thấy đó, từ vài thập kỷ trước đây, ta đã chọn dãy Himalaya này làm địa điểm nghỉ ngơi. Để xa lánh sự ồn ào của cuộc sống hiện đại. Ta thích tản bộ, leo núi, và thưởng thức không khí trong lành. Đó là chưa kể đến sự yên tĩnh. Sự yên tĩnh rất quan trọng đối với ta mỗi khi ta đi nghỉ. Người Anh các người gọi kẻ như ta là người sống ẩn dật, ja?
Dybbuk, miệng đang đầy nhóc sandwich, nhận xét:
– Chả có gì đáng ngạc nhiên về điều đó. Nhìn ông thế này sao có nhiều khách đến thăm được chứ.
Ném cho Dybbuk một ánh mắt không hài lòng, Philippa trách:
– Dybbuk, đừng có thô lỗ như thế.
Con Yeti chỉ cười nói với Philippa:
– Ồ không, bạn cháu nói đúng đấy. Ta chọn hình dáng như thế này cũng là để dọa người khác tránh xa mà. Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất. Còn có những lý do khác thực tế hơn. Cháu thấy đó, sinh vật này là do ta thiết kế ra.
Giơ cho họ thấy bàn chân da để trần to đùng, nó giải thích:
– Bàn chân này là được thiết kế đặc biệt cho việc leo núi. Dĩ nhiên cẳng chân cũng vậy. Và lớp lông dày giúp ta giữ ấm trong mọi điều kiện thời tiết À, dĩ nhiên nó chỉ dùng khi đi ra ngoài thôi. Còn khi ở trong nhà, ta dùng hình dáng khác tiện lợi hơn.
Nói rồi, con Yeti nhoáng cái biến hình thành một người đàn ông. Đá chân vào nhau một cái, ông cúi đầu chào họ một cách lịch sự và nói:
– Cho phép ta được tự giới thiệu. Ta là Nam tước Reinhold von Reinnerassig. Djinn tộc Jann.
Ngài nam tước có một thân hình cao lớn, mái tóc vàng óng, và một khuôn mặt rộng có vẻ gì đấy hơi tinh quái. Cặp mắt xanh lơ của ông dường như còn lấp lánh nhiều hơn cái hoa tai kim cương nho nhỏ đeo ở một bên tai ông.
Sau khi họ đã hoàn thành công tác tự giới thiệu lẫn nhau, John hỏi:
– Vậy là, tất cả những truyền thuyết, huyền thoại về Người tuyết Yeti, là nói về ông phải không?
Ngài nam tước nhún vai nói:
– Ta e là vậy. Ban đầu kế hoạch của ta khá thành công. Những người dân bản địa đều tránh xa, để ta yên tĩnh một mình. Nhưng rồi, bắt đầu có người ở nơi khác mò đến cố bắt ta. Dĩ nhiên, ta chỉ ở đây vài tuần vào mùa đông, nên nội tìm được ta đã là không dễ. Những ngày khác trong năm, ta đều ngụ tại gia ở Hohenschwangau, Bavaria.
Ông Groanin thắc mắc:
– Nhưng sao lại phải đến tận đây? Tôi nghĩ, ngài sẽ chọn một nơi nào đó ấm hơn. Vì là djinn. Và có máu nóng, hay mấy thứ đại loại thế.
Ngài nam tước cho biết:
– Vấn đề với những quốc gia nóng ấm nhất và đẹp đẽ nhất là, chúng lúc nào cũng đầy khách du lịch. Năm mươi năm trước, ta từng đến Mallorca, quần đảo Maldive, Hawaii, Jamaica, và quần đảo Virgin Islands.
Rồi lắc đầu, ông nhăn mặt nói tiếp:
– Nhưng giờ thì không. Những nơi đó, hiện mang tính thương mại nhiều quá. Chả còn chút nguyên sơ nào. Cho nên ta mới đến đây. Cũng có những người đi bộ đường trường, dĩ nhiên. Và vài nhóm người leo núi. Nhưng Annapurna không phải là một dãy núi dễ leo. Nhất là vào thời điểm này trong năm.
Mỉm cười một cách ấm áp, ông kết thúc:
– Đó là câu chuyện của ta. Còn mọi người? Ta đã thấy ngọn lốc gió của các người, và đoán được chuyện gì đã xảy ra.
Philippa nói:
– Tụi cháu đang bay từ Kathmandu đến Lucknow, và một ngọn gió đẩy tụi cháu bay chệch hướng.
John tiếp lời:
– Khí lạnh đã lấy đi sức mạnh của cháu. Nên cháu buộc phải đáp xuống.
Ngài nam tước gật đầu nói:
– Đó là chuyện thường xảy ra với những người mới tập bay lần đầu. Djinn vẫn thường gặp rắc rối với việc cơ thể thiếu nhiệt lượng để sử dụng sức mạnh mà.
Dybbuk hỏi:
– Vậy sao ông không bị như vậy? Ở một nơi băng giá như ngọn núi này?
Ngài nam tước nhún vai bảo:
– Ờ, nguyên nhân đầu tiên là, trong này khá ấm.
Ông Groanin, lúc này đang cởi bỏ áo khoác ngoài và nới lỏng cà vạt, nhận xét:
– Chính xác. Trong này nóng như lò vi ba ấy chứ.
– Còn một lý do khác: ta luôn thấy ấm dưới hình dạng Yeti. Lớp mỡ và bộ lông dày của ta đủ để đảm bảo nhiệt độ cơ thể ta không bao giờ thấp hơn khi ở trong này.
Rồi chạm vào cái áo thun của John và dùng hai ngón tay chà chà lớp vải mấy cái, ngài nam tước khuyên:
– Lần sau cháu bay, ta đề nghị cháu mặc một cái gì đó ấm hơn. Một bộ đồ phi hành bằng da cừu chẳng hạn.
Philippa nói:
– Cháu luôn bảo anh ấy mặc áo khoác đấy chứ. Nhưng anh ấy có bao giờ nghe đâu.
John nhún vai phân bua:
– Anh không thích áo khoác. Chỉ vậy thôi.
Dybbuk gật gật đầu:
– Tớ cũng vậy.
Ngài nam tước nói:
– Dù gì đi nữa, khi cháu bay bằng sức mạnh djinn, ta thật sự khuyên cháu nên làm vậy. Trên thực tế, nếu cháu đang tính bay tiếp từ đây tới Lucknow, nó càng cần thiết.
Rồi khẽ lắc đầu, ông cho biết:
– Mà nếu là ta, ta sẽ chẳng muốn đến đó làm gì. Hoặc bất cứ nơi nào khác ở Ấn Độ. Mọi người thấy đó, có một lý do khác khiến ta tránh đến những quốc gia có khí hậu nóng. Đơn giản là ta không ưa rắn. Mà Ấn Độ thì đầy nhóc mấy con đó. Dĩ nhiên, Nepal cũng có rắn. Nhưng không phải tuốt trên này. Và không phải vào mùa đông.
Nam tước cười bẽn lẽn:
– Ta biết, một djinn mà đi sợ rắn nghe có vẻ khá vô lý, khi mà djinn chúng ta hoàn toàn miễn nhiễm vói nọc độc loài rắn. Trong khi đó, ta lại chẳng sợ gì các sinh vật có độc khác - như bò cạp hoặc nhện độc - dù chúng ta có bị ảnh hưởng bởi nọc độc của chúng. Nghe rất ngớ ngẩn, đúng không? Nhưng ta đúng là như vậy.
Philippa ngạc nhiên hỏi lại:
– Hả? Chúng ta miễn nhiễm với rắn độc, nhưng lại không miễn nhiễm với nhện và bò cạp? Cháu không biết chuyện đó.
Dybbuk khịt mũi nói:
– Tớ biết chuyện đó. Tớ ngạc nhiên là cậu không biết đấy.
John hỏi lại:
– Vậy tại sao cậu lại phải bỏ chạy khỏi Palm Springs? Khỏi những kẻ giết Brad và cha cậu ấy?
Dybbuk thè lưỡi trả lời:
– Bởi vì, tớ đoán bọn chúng không chỉ có rắn mà còn có cả súng. Tớ chả biết ai có thể miễn nhiễm với một viên đạn.
Quay qua ngài nam tước, John hỏi lại:
– Cháu muốn làm rõ một lần nữa: Tất cả djinn đều miễn nhiễm với chất độc của loài rắn à?
Ngài nam tước gật đầu:
– Ù, đúng là thế. Cháu thấy đó, mấy cái giáo phái thờ rắn thời xưa, họ lấy ý tưởng từ chúng ta. Ý ta là, ý tưởng xử lý những con rắn độc là biểu trưng cho sự thần thánh và sức mạnh trước cái chết của họ. Những ý tưởng kiểu kiểu thế. Dĩ nhiên chúng đều vớ vẩn cả. Không một mundane nào có thể sống sót sau khi bị một con hổ mang lớn cắn. Ít nhất là nếu không được chữa trị kịp thời. Chỉ djinn mới có thể làm được điều đó.
John nhíu mày nói:
– Nhưng như vậy không đúng. Hè năm trước tụi cháu đến Ai Cập với cậu của cháu. Tộc Ifrit đã để một con hổ mang vào hành lý của cháu. Và cậu cháu đã bảo, cháu có thể bị giết.
Ngài nam tước “à” một tiếng rồi nói:
– Nếu tộc Ifrit để nó vào, đó là một chuyện khác. Djinn tộc Ifrit khá hợp với loài rắn. Đó là con vật lựa chọn của họ. Luôn luôn biến hình thành một con rắn. Nhiều khả năng, đó chính là một djinn tộc Ifrit bên trong con hổ mang. Một con hổ mang djinn là một chuyện hoàn toàn khác so với một con hổ mang thường. Một con hổ mang djinn chắc chắn có thể giết cháu.
John hỏi:
– Nhưng làm sao có thể phân biệt được? Giữa một con rắn thường và một con rắn djinn ấy?
– Ê, chuyện này… thực sự là cháu không thể. Cho đến khi nó đã cắn cháu. Nhưng hầu hết những con rắn đều hoàn toàn bình thường. Cho nên, cháu thực sự không cần quá lo lắng về chuyện đó. Ừm, phần lớn thời gian là vậy.
Philippa hỏi:
– Nam tước à, ông vừa nhắc tới những giáo phải thờ rắn. Vậy không biết ông có từng nghe nói về Aasth Naag chưa?
– Tám Hổ Mang à? Có chứ. Nếu ta nhớ không lầm, đó là một giáo phái thờ djinn địa phương ở Kathmandu. Nhưng nó đã bị tiêu diệt sau Cuộc Nổi loạn Vĩ đại năm 1857.
Dybbuk cho biết:
– Tụi cháu nghĩ nó đang hoạt động trở lại. Trên thực tế, tụi cháu chắc chắn về việc đó.
Ngài nam tước nói:
– Nếu là vậy, các cháu cần phải thật cẩn thận. Tất cả chúng ta cần phải thế. Bởi vì, không thể nói được chuyện gì có thể xảy ra cho thế giới này nếu bọn chúng một lần nữa nắm được quyền kiểm soát một djinn nào đó. Loài người rất dễ bị dụ dỗ, và họ có thể bị thuyết phục làm những điều xấu nếu ai đó có thể chứng minh sự bất tử của hắn qua việc sống sót sau khi bị một con hổ mang cắn.
Philippa bảo:
– Đó là điều tụi cháu đang sợ.
Ngài nam tước nói tiếp:
– Ta sẽ giúp mọi người. Ta sẽ giúp các cháu có thể bay trở lại, và ta thậm chí sẽ ban cho ông Groanin đây ba điều ước, để có thể bảo vệ các cháu khi các cháu không thể tự bảo vệ mình.
Ông Groanin cúi đầu cảm ơn:
– Ngài thật là tử tế.
Trong hoàn cảnh như thế này, ông Groanin cảm tháy khó lòng từ chối đề nghị tốt đẹp của ngài nam tước. Và ông cũng không mấy nghi ngờ những điều ước đó sẽ rất cần thiết cho hành trình phía trước. Nhưng đồng thời, ông cũng lưu tâm đến trách nhiệm của việc có ba điều ước - đến từ một djinn cực mạnh. Đã từng sở hữu ba điều ước trước đày, ông biết quá rõ việc lựa chọn và trách nhiệm khi có ba điều ước có thể làm một người “tê liệt” vì trách nhiệm với chả lựa chọn. Ông đã cảm thấy nhẹ nhõm không thể tưởng tượng khi mà, sau gần mười năm trời sống trong do dự, điều ước thứ ba của ông cuối cùng cũng được sử dụng. Tệ hơn nữa, người ta thường xuyên không biết một điều ước sẽ trở thành như thế nào. Như ông Rakshasas vẫn hay nói: “Có một điều ước cũng giống như nhóm một đống lửa. Tất yếu sẽ có ai đó cay mắt vì khói.”
o O o
Với sự giúp đỡ của ngài nam tước (bao gồm một số bộ áo ấm hơn), bốn người bọn họ tiếp tục cuộc hành trình đến Lucknow. An toàn đến nơi khi trời đã tối mù, họ không thể thấy được tòa pháo đài màu hồng từ trên không trung.
Dybbuk - lần này đã cảm thấy đủ khỏe để bay - điều khiển ngọn lốc gió hạ cánh xuống bên ngoài thành phố một đoạn, trên bờ phía Nam của dòng sông lười biếng đầy cỏ dại Gomti. Sự xuất hiện của họ tại Lucknow không thu hút sự chú ý nào vì không những Dybbuk đã chọn một bãi đáp vắng vẻ, họ còn, theo gợi ý của ngài nam tước, biến thành người Ấn Độ. Nó không đơn giản chỉ là việc Philippa mặc sari, một bộ váy đầm truyền thống của phụ nữ Ấn Độ, hay việc ông Groanin và hai cậu trai vận kurta, một cái áo thụng dài quá gối thường được cánh mày râu Ấn Độ mặc. Không, không chỉ đơn giản là một sự thay đổi về trang phục như vậy. Sử dụng sức mạnh djinn, họ đã biến mái tóc của mình trở thành màu đen, và làn da trở nên sậm màu hơn. Họ cũng làm cho mình có khả năng nghe và nói tiếng Hindi, ngôn ngữ chính thức ở Ấn Độ. Ông Groanin trở thành ống Gupta, John trở thành Janesh, Philippa trở thành Panchali, và Dybbuk trở thành Deepak. Tính tình của họ trên cơ bản vẫn như cũ, ngoại trừ một số thay đổi nho nhỏ.
Cảm giác là người Ấn Độ ban đầu có hơi là lạ, nhưng chỉ sau một lúc, họ đã nhanh chóng làm quen với nó. Đến khi đặt chân vào chỗ trọ ờ khách sạn Chuna Laga Diya, họ đã cảm thấy như mình sinh ra đã là người Ấn Độ. Trên thực tế, họ cảm thấy thích làm người Ấn Độ hơn, nhất là khi họ phát hiện, đúng như lời hứa của ngài nam tước, những người dân bản địa không còn liên tục làm phiền họ với đủ thứ hàng hóa muốn bán chỉ vì họ là khách du lịch.
Săm soi vẻ ngoài mới mẻ của mình trong tấm gương phòng tắm của căn phòng khách sạn mà cô ở chung với John, Philippa nhận xét:
– Em thật sự thích màu tóc này. Và bình thường em sẽ không bao giờ có được làn da rám nắng như thế này. Một triệu năm nữa cũng không. Mỗi lần đi tắm biển, em chỉ có đỏ rộp lên như một con tôm luộc thôi.
Rồi quay lại nhìn ông anh, Philippa bảo:
– Cả anh nữa. Anh hợp với màu sậm, John. Nhìn anh bảnh trai hơn nhiều.
Bước vào phòng tắm cùng Philippa, John ngó hình ảnh phản chiếu của mình trong gương và hỏi:
– Em nghĩ vậy hả? Có thể. Mà anh cũng chả biết. Anh cũng chả quan tâm chúng ta nhìn như thế nào. Chỉ cần không ai để ý đến chúng ta là được.
Nói thì nói vậy, chứ thật ra John cũng khoái chí với việc là người Ấn Độ như cô em gái.
Tuy nhiên, sự hứng thú của cặp sinh đôi dù có gộp lại cũng không thể nào so sánh nổi với ông Groanin. Lần đầu tiên trong đời ông phát hiện ra mình có thể ăn được món ăn địa phương, vì có vẻ như, không chỉ vẻ ngoài của ông được Ấn Độ hóa mà ngay cả bên trong người ông cũng vậy. Đặc biệt là cái bao tử khó tính của ông. Giờ đây, ông thậm chí còn có thể thưởng thức trọn vẹn món bánh mì kebab dạo được nướng trên than hồng làm từ phân động vật phơi khô, một thứ mà ông không bao giờ có thể rớ tới khi còn là một người quản gia Anh quốc đúng mực.
Ông Groanin thú nhận:
– Thật không hiểu tại sao ta có thể sợ các món ăn nước ngoài được nhỉ. Chúng ngon như thế này cơ mà. Ta đúng là đã bỏ qua bao nhiêu thứ tuyệt vời trong suốt mấy chục năm nay mà không biết.
Dybbuk chọc:
– Ông có chắc là cháu không thể mời ông nếm một hũ đồ ăn trẻ em không?
Ông Groanin đang mua một lõi ngô nướng thứ hai, nhăn mặt nói:
– Đồ ăn trẻ em hà? Ta không bao giờ muốn thấy cái mớ hổ lốn đó một lần nữa trong đời.
Người đàn ông bán cho họ những món ăn dạo lề đường không chỉ làm hài lòng cái bao tử mới của ông Groanin mà còn tỏ ra hữu dụng hơn nữa khi có thể cung cấp cho họ thông tin về vị trí và tình hình hiện tại của tòa pháo đài màu hồng trong bức tranh Hiệp hội Đông Ấn của Dybbuk.
Ông ta cho biết:
– Đây là tòa Ashram Jayaar Sho nổi tiếng, được sáng lập bởi Sadh Guru Masamjhasara. Nó là một trong những trung tâm yoga và điện thiền định nổi tiếng nhất ở Ấn Độ. Mấy người có thế tìm thấy nó ở ngay bên ngoài thành phố, phía Nam của ga điện ngầm Charbagh, trên đường đến Kanpur. Mấy người sẽ nhận ra nó ngay thôi. Không chỉ vì nó màu hồng. Chỉ cần đi theo dòng người Anh và Mỹ nối đuôi nhau đến đó tìm kiếm câu trả lời.
Rồi đặt thêm một lõi ngô khác lên trên vỉ than bằng phân động vật của mình, ông ta cười khà khà nói thêm:
– Và để làm nhẹ bớt túi tiền của họ, dĩ nhiên. Ngài guru giàu cực kỳ.
Dybbuk hỏi:
– Câu trả lời? Câu trả lời cho cái gì cơ?
Người đàn ông bán thức ăn dạo nhún vai bảo:
– Một câu hỏi hay à. Có lẽ, nếu cậu đến đó, cậu có thể tự mình hỏi họ câu hỏi đó.
Sáng hôm sau, ông Groanin và ba đứa trẻ djinn leo lên một chiếc xe buýt có lộ trình hướng về phi trường quốc tế Amausi và một số địa điểm khác ở phía Nam. Ngồi cùng xe với họ là một số người khách mà, bất chấp bộ áo thụng màu nghệ tây và đôi dép sư sãi đơn giản, có thế dễ dàng nhận ra là người phương Tây bởi làn da trắng và nụ cười trống rỗng. John bắt chuyện với một trong những vị sư trẻ:
– Anh cũng đang đi đến Jayaar Sho hả?
– Anh sống ở đó. Anh là sannyasin. Sư tu hành khất thực. Tông đồ của Guru Masamjhasara.
– Nhưng anh đến từ Mỹ, đúng không?
– Chính xác. Từ Cleveland, Ohio.
John cảm thấy có một cái gì đó quen thuộc trong giọng nói của vị sannyasin, hỏi tiếp:
– Vậy sao anh lại đến tận đây? Nếu anh không ngại em hỏi.
– Anh không ngại đâu. Yoga, sự thiền định, sự khai sáng. Ashram là một kho tích trữ năng lượng phát ra từ tất cả những người đã đi sâu vào trạng thái thiền định ở đó. Thậm chí những người không có hiểu biết về thiền định cũng có thể trải nghiêm một tâm trạng trầm tĩnh khi họ ở đó.
Rồi nở một nụ cười hạnh phúc nhưng có phần vô hồn, anh chàng sannyasin hỏi lại:
– Còn cậu? Cậu từ đâu đến? Tiếng Anh của cậu khá chuẩn đó.
John chỉ nhún vai.
Dybbuk lập tức đỡ lời:
– Tụi em sống gần đây thôi. Tiếng Anh là tụi em học ở trường. Và em có coi nhiều phim Mỹ trên tivi.
Rồi gật đầu về phía ông Groanin, Dybbuk nói tiếp:
– Đó là một trong những lý do mà ba em, Gupta, muốn tụi em đến thăm ashram. Ông đang nghĩ cho tụi em đến sống ở đó. Để tụi em có thể chuyến năng lượng cúa mình theo một hướng tâm linh hơn.
Đó là câu chuyên vỏ bọc mà họ đã thống nhất với nhau trước khi rời khỏi khách sạn sáng nay, để có thể dễ dàng xâm nhập vào tòa ashram hơn, và Dybbuk khéo nói hơn tất cả những người còn lại. Khu nghĩ dưỡng spa của mẹ cậu ở Palm Spring là một điểm đến quen thuộc của rất nhiều nhân vật Hollywood giàu có, và cậu đã sớm quen thuộc với những gì họ nói về các guru và thầy dạy yoga của họ. Cho nên nhe răng cười với anh chàng sannyasin, Dybbuk bảo:
– Ba muốn ba đứa tụi em được đắm mình trong hơi ấm tâm linh thực thụ.
Và vị sannyasin nhanh chóng sập bẫy:
– Nếu muốn, anh có thể hướng dẫn mấy đứa tham quan tòa ashram. Tên tiếng Anh của anh là Joey Ryder.
John hỏi lại:
– Anh vừa nói “Joey” hả?
Joey gật đầu bảo:
– Ờ. Nhưng pháp danh của anh là Jagannatha. Nó có nghĩa là “sức mạnh không thể ngăn cản”.
– Em có thể hỏi một chuyện không anh… ờ… Jagannatha? Anh có làm việc ở một trung tâm hỗ trợ máy tính nào tại ashram không? Kiểu như, đưa ra lời khuyên qua điện thoại về cách cài đặt máy tính ấy?
Jagannatha gật đầu nói:
– Có. Trung tâm hỗ trợ máy tính đó là một trong những cách quyên góp tiền của ashram.
John chỉ có thể gật đầu. Joey chính là người đã đưa cho cậu những lời khuyên dở hơi về cách cài đặt phần mềm trên cái laptop cậu được tặng nhân dịp sinh nhật.
Mỉm cười lạnh nhạt, cậu tự giới thiệu:
– Rất vui được gặp anh, Jagannatha. Em là Janesh. Đây là anh trai em, Deepak, và em gái em, Panchali.
– Anh cũng rất vui được gặp mấy đứa.
Dybbuk nói:
– Tụi em sẽ rất hân hạnh được anh hướng dẫn tham quan tòa ashram. Mà anh làm nghề gì trước khi đến đây vậy? Khi anh còn sống ở Cleveland ấy.
– Anh là hộ lý trong bệnh viện.
Chiếc xe buýt đỗ lại bên cạnh một khối sa thạch thẳng đứng trồi lên khỏi mặt đất khoảng 30 mét. Leo xuống xe, Philippa đưa tay che mắt khỏi ánh mặt trời chói lọi và ngước nhìn lên đỉnh sa thạch, nơi sừng sững một tòa pháo đài trông rất “ác liệt” với những thành lũy đầy lỗ châu mai. Cô kết luận:
– Chính là nó.
John đồng ý:
– Không nghi ngờ gì nữa.
Dybbuk lẩm bẩm:
– Tuyệt. Quá tuyệt.
Được xây dựng vào cuối thế kỷ XVI, những bức tường thành màu hồng của tòa pháo đài không chỉ bắt mắt mà còn vô cùng vững chãi. Những con chim kền kền bay vòng vòng quanh đỉnh tháp cao nhất, nơi mà từ đó hiện đang hạ xuống một cái thang máy dây cổ đại. Nó thu thập những vị sannyasin khác vừa xuống xe buýt, ngoại trừ Jagannatha và bắt đầu hành trình chậm chạp leo ngược lên vách đá chông chênh. Jagannatha quay lại và nói anh sẽ đi chuyến tiếp theo cùng với lũ trẻ và cha của chúng, ông Gupta.
Ông Groanin trợn tròn mắt ngó cái thang máy - vốn là một cái giỏ đơn giản mà người ta vẫn thấy bên dưới mấy cái khinh khí cầu chạy bằng hơi nóng - đang từ từ di chuyển lên đỉnh núi. Với người quản gia một tay, chuyến đi ngược lên vách đá thẳng đứng nhìn thật đáng báo động. Thậm chí là nguy hiểm. Lo lắng liếc nhìn vị sannyasin trẻ mà Dybbuk đã kết bạn, ông hỏi cậu bằng tiếng Hindi:
– Anh chàng hippi này là ai vậy?
Dybbuk cho biết:
– Anh ấy bảo pháp danh của mình là Jagannatha. Nhưng tên thật của ảnh là Joey Ryder, và ảnh sẽ hướng dấn chúng ta tham quan ashram. Cháu và John đã nói với ảnh là tụi cháu đang có ý định gia nhập. Như chúng ta đã thỏa thuận.
Liếc nhìn Jagannatha thật nhanh rồi lắc đầu, Dybbuk bào:
– Đừng lo về anh ta. Ảnh không biết tiếng Hindi đâu.
Khi cái thang máy cổ đại quay xuống, Jagannatha leo vào trong cái giỏ rồi ra hiệu cho ông Groanin và ba đứa trẻ cùng vào.
Ông Groanin hỏi, lần này bằng tiếng Anh:
– Bộ không có cách nào khác để lên đỉnh hả?
Jagannatha trả lời:
– Cháu e là không. Nhưng bác cứ yên tâm, nó an toàn lắm. Bác sẽ quen với nó ngay ấy mà. Chỉ cần bình tĩnh. Và đừng có nhìn xuống.
Khi cả bọn đã yên vị ở trong cái giỏ, Jagannatha lắc một cái chuông được buộc vào sợi dây và họ bắt đầu hành trình chậm chạp ngược lên vách đá thẳng đứng.
Ông Groanin lắng nghe cái giỏ kêu cọt kẹt và nhìn chằm chằm sợi dây đang bị kéo căng với vẻ mặt ngày càng trắng bệch. Quyết định rằng sẽ không bao giờ phàn nàn lần nữa về việc cưỡi lốc gió, ông liếc nhìn xuống mặt đất khô cứng bên dưới, rồi nhắm tịt mắt lại khi một cảm giác chóng mặt thình lình vây bủa.
Ông lẩm bẩm:
– Hãy nhìn những gì ta làm vì bọn nhóc. Ước gì…
Philippa la lên:
– Không! Đừng ước!
Nhưng đã quá trễ. Điều ước của ông Groanin đã được nói ra.
-… ta đã ở trên đỉnh.
Dĩ nhiên ông Groanin đã quên bẵng đi việc nam tước Reinnerassig đã tặng mình ba điều ước để phòng tình huống khẩn cấp. Cho nên, ngay khi những từ cuối cùng vừa thoát ra khỏi cửa miệng, ông lập tức biến mất. Cũng may lúc này, sự chú ý cua Jagannatha đang tập trung vào chân trời xa xa, chứ không phải là khuôn mặt của bốn người hành khách ngồi cùng giỏ, hay giờ đây nói đúng hơn là ba người hành khách. Tuy nhiên, anh cũng mau chóng nhận ra điều đó.
– Ê, cha mấy đứa đâu rồi?
Jagannatha hỏi Dybbuk, giọng khẩn cấp. Rồi với vẻ mặt kinh hoàng, anh chàng sannyasin nhanh chóng thò đầu ra ngoài thành giỏ, tưởng tượng ra hình ảnh một cái xác người dập nát nằm trên mặt đất bên dưới.
Một phút sau đó, không có đứa trẻ djinn nào mở miệng. Rất dễ để chúng hiểu chuyện gì đã xảy ra, nhưng để giải thích điều đó cho một mundane, thậm chí là một người cả tin như Jagannatha, đòi hỏi đến đầu óc thiên tài sáng tạo của một cao thủ kể chuyện.
Vị sannyasin trẻ nói như sắp khóc:
– Ông ấy đâu rồi? Ông Gupta. Ông ấy biến mất rồi.
Đây là lúc Dybbuk lên tiếng. Kể chuyện, vốn có thể là một từ lịch sự để nói về việc nói dối, vốn là thế mạnh của cậu.
– Đó chính xác là điều ba em đã làm. Cứ hễ thấy một sợi dây treo trên đầu là ông không tài nào cưỡng lại được. Anh hiểu không, ba em là một ảo thuật gia. Một thầy tu Fakir. Và sở trường của ông là ảo thuật Ấn Độ với dây thừng. Chỉ cần nhìn thấy một sợi dây dẫn lên trời, là ông lập tức leo lên nó và biến mất.
Rồi búng tay cái chóc, Dybbuk kết thúc:
– Chỉ đơn giản như thế.
John và Philippa không hẹn mà cùng nhăn mặt vì ngượng. Câu chuyện của Dybbuk nghe vô lý không thể đỡ được. Nhưng cũng khó trách. Thật không có nhiều lời giải thích hợp lý cho việc ông Groanin có thể đột ngột biến mất khỏi cái giỏ.
Liếc nhìn cái bánh xe ròng rọc ở đỉnh sợi dây hiện đang kéo họ lên vách đá, Jagannatha nói, giọng đầy ngờ vực:
– Deepak, rất khó để leo lên đó nếu chỉ có một tay. Dybbuk gật gù bảo:
– Dĩ nhiên phải khó rồi. Đó chính là lý đo tại sao ba em làm thế. Để chứng minh cho bản thân ông, và quan trọng là cho tụi em, rằng ông vẫn còn giỏi trò đó lắm. Trò ảo thuật với sợi dây ấy. Thì ông đã gặp tai nạn nghề nghiệp rồi đó, anh biết không.
Như đã bắt đầu nóng máy với câu chuyện viễn tưởng của mình, Dybbuk hăng say nói tiếp:
– Trước đây, mỗi khi leo đến đỉnh sợi dây, ông thường dùng một cây rìu chặt nhỏ cơ thể mình ra và quăng những bộ phận cơ thể ấy xuống một cái giỏ bên dưới. Đó là cách thực hiện truyền thống của trò ảo thuật Ấn Độ với dây thừng, đúng không? Khi đó, một trong ba đứa tụi em sẽ trùm một tấm vải lên giỏ và ba em sẽ xuất hiện trở lại với nguyên xi hình hài như lúc đầu. Kỳ diệu lắm! Chỉ có điều, lần cuối cùng ba em làm trò đó, một con chó đã ngoặm một cánh tay của ông và chạy mất, nên giờ đây, ông chỉ làm trò leo dây và biến mất thôi.
Liếc nhìn Jagannatha há hốc mồm kinh ngạc, John phải cố gắng lắm mói không lăn ra đất mà ôm bụng cười.
Jagannatha ngập ngừng nói:
– Ừm… ờ… dĩ nhiên anh đã nghe nói đến trò ảo thuật Ấn Độ với đây thừng. Nếu nhớ không lầm, anh đã từng xem biểu diễn trò đó ở Las Vegas khi còn nhỏ. Và anh cũng từng làm trò nhái giọng. Là cái trò nói giọng bụng ấy mà. Chỉ là, anh chưa bao giờ làm nó mà không tuyên bố trước.
Rồi anh chàng sannyasin lại một lần nữa liếc nhìn qua rìa cái giỏ, như thể sẽ thấy cái xác của ông Groanin đang nằm ở trên mặt đất 30 mét bên dưới chân họ.
Dybbuk mỉm cười nói:
– Anh có thể hỏi ba em về trò đó khi gặp ông ở trên đỉnh. Trừ khi anh nghĩ ông ấy tự nhảy xuống. Hoặc là tụi em đã đẩy ông ấy xuống.
Jagannatha nói một cách vội vã, phòng trường hợp ba đứa trẻ thực sự đã đẩy ông Groanin ra khỏi giỏ và giờ đây đang cân nhắc việc loại trừ nhân chứng duy nhất:
– Không, không, không, dĩ nhiên là không rồi. Anh không có nghi gì hết, Deepak. Thật đó.
John đến hỗ trợ Dybbuk với một kết luận mà cậu đã từng đưa ra trước đó, trong một tình huống tương tự như hiện tại:
– Anh cứ nghĩ xem, Jagannatha, nó giống như thám tử Sherlock Holmes từng nói: “Khi chúng ta đã loại trừ hết những thứ không thể, thì bất cứ thứ gì còn lại, cho dù vô lý đến đâu, đều là sự thật.” Anh nhớ đã thấy ba em leo vào giỏ, đúng không?
Jagannatha gật đầu:
– Đúng thế.
Hất đầu xuống mặt đất bên dưới, John nói tiếp:
– Hiện tại ba em không có ở đây. Và ông cũng không có ở dưới kia. Vậy thì, ông ấy chỉ có thể ở phía trên. Đúng không?
– Ờ… chắc thế.
Cuối cùng, cái thang máy cũng đến được đỉnh vách núi, nơi một vị sannyasin khác cố định cái giỏ vào một thềm gỗ còi cọc, rồi mở cánh cửa nhỏ để bốn vị hành khách có thể bước ra ngoài.
Đây chính là “ám hiệu” để ông Groanin bước ra từ đằng sau vài thùng Nitơ lỏng, nơi ông đã ẩn nấp sau khi phát hiện điều ước “đã ở trên đỉnh” của mình biến thành sự thật. Rất may là vị sư già vận hành cái thang máy - vốn được chạy bằng cách để một con lừa cũng già không kém kéo cái tời - không nhìn về phía cái thềm gỗ khi ông Groanin thình lình xuất hiên. Và ông vẫn tiếp tục không chú ý gì đến việc, trong số năm người khách xuất hiện trên tháp, chỉ có bốn người đến bằng cách thức thông thường. Jagannatha thì lại rất đang “chú ý”. Nhìn ông Groanin với ánh mắt ngưỡng mộ, anh trầm trồ khen:
– Thật tuyệt vời, bác Gupta. Cách mà bác leo lên sợi dây. Rất đáng kinh ngạc.
Không chắc chắn bọn trẻ đã kể câu chuyện nào để giải thích cho sự biến mất của mình, ông Groanin chỉ có thể cười cho qua chuyện:
– Ừm, cậu nghĩ vậy à?
Dybbuk nhanh miệng nói:
– Không cần khiêm tốn đâu, Ba. Con đã kể hết cho anh ấy nghe về trò ảo thuật Ấn Độ với dây thừng nổi tiếng của ba.
– Ờ, vậy hả?
Jagannatha ngưỡng mộ nói:
– Bác Gupta, thế nào bác cũng phải biểu diễn lại cho cháu xem nhé. Nhưng lần này, nhớ báo trước. Cháu không muốn để lỡ bất cứ giây phút nào đâu.
Cực kỳ ngạc nhiên là anh chàng nhà sư người Mỹ lại có thể thỏa mãn với một lời giải thích vô lý đến thế, đồng thời liếc nhìn Dybbuk với ánh mắt hình viên đạn vì đã phịa ra một câu chuyện ngớ ngẩn quá mức, ông Groanin ậm ừ trả lời:
– Ừm, cậu sẽ không để lỡ gì đâu. Nó là, ờ, một thứ đáng xem, ừ, ngay cả tôi cũng phải công nhận. Chỉ là, ừm, nếu được, tôi muốn nhờ cậu một chuyện. Làm ơn đừng nói chuyện này cho ai biết. Tôi không muốn người khác nghĩ, ờ, là tôi cố tình gây sự chú ý về mình.
Jagannatha nhe răng cười:
– Chắc chắn rồi. Không thành vấn đề. À, đúng, để cháu dẫn mọi người tham quan ashram nhé.
Hài lòng vì cuối cùng đã thay đổi được đề tài, ông Groanin nói:
– Ừ, nếu cậu không phiền. Cậu thật là tốt.
Đó là một ngày khá nóng để đi bộ đâu đó, tuy nhiên ở trên đỉnh vách núi thật chẳng khác nào đang ở trên vành đai mặt trời. Nó đập xuống tòa pháo đài màu hồng cái nóng gay gắt mà ngay cả ông Groanin người Ấn Độ, chứ không phải ông Groanin Anh Quốc, cũng gần như không chịu nổi. Bất chấp bộ ẩo kurta thoáng mát và đôi xăng đan mềm nhẹ, ông Groanin chẳng mấy chốc đã thở hổn hển khi Jagannatha dẫn họ tham quan khu tịnh xá - nơi ở của các sannyasin, thư viện, và cái thánh đường khổng lồ nơi Guru Masamjhasara thường giảng đạo cho những tín đồ của mình. Khi họ đến trung tâm hỗ trợ máy tính, nơi vài tá sannyasin đang bận rộn trả lời điện thoại cho những người đã mua máy tính Bungle ở Anh và Mỹ, ông Groanin thiếu điều đã thở không ra hơi.
Philippa hỏi nhỏ:
– Ông ổn không, ông Groanin?
Chộp lấy một tờ báo của ashram gần đó, vị quản gia một tay tự quạt lia lịa và nói nhát gừng:
– Ta hả? Ờ, ta nghĩ chắc ta ổn. Chỉ là, ta ước nó không nóng dữ vậy thôi.
Ngay khi vừa nói xong, một đám mây đen dày đặc bỗng hiện ra từ không khí, trôi đến phía trên tòa pháo đài màu hồng và che chắn nó khỏi ánh mặt trời khắc nghiệt như một cái dù khổng lồ. Nhiệt độ ngay lập tức hạ xuống vài độ.
Ngước nhìn đám mây, Jagannatha nhận xét:
– Lạ thật. Anh chưa bao giờ thấy chuyện này xảy ra.
Ông Groanin nhăn mặt. Cảm thấy bực với chính mình, ông lắc đầu nói bằng tiếng Hindi:
– Ặc, ta lại làm gì thế này? Phí mất hai điều ước.
John an ủi:
– Ông đừng để ý quá. Chuyện này có thể xảy ra với tất cả mọi người mà.
Ông Groanin bảo:
– Nhưng nó đã xảy ra với ta. Và đây cũng không phải lần đầu tiên. Nó giống y như lúc ta giải cứu Nimrod khỏi cái chai cậu ấy bị nhốt bên trong và được cậu ấy cho ba điều ước.
Philippa nói vào:
– John nói đúng đó. Ông đừng nên tự trách mình về điều đó quá.
Không hiểu bốn vị khách Ấn Độ của mình đang nói gì, nhưng có thể thấy rõ qua thái độ của ông Groanin là ông đang bực mình về một chuyện gì đó, Jagannatha hỏi:
– Có chuyện gì à? Janesh? Panchali? Cha của mấy đứa ổn không vậy?
John giải thích bằng tiếng Anh:
– Chỉ là cái nóng thôi. Nhưng từ khi đám mây kia xuất hiện, ba em cảm thấy tốt hơn nhiều rồi.
Không lấy gì làm vui vẻ, ông Groanin lẩm bẩm:
– Ước gì đó là sự thật.
Vừa nói xong câu đó, ông đột ngột cảm thấy tốt hơn rất nhiều. Điếu ước thứ ba đã hoàn tất. Nhưng ông không mảy may nhận ra điều đó. Hít một hơi thở thật sâu, vặn vặn cổ và vai vài cái, ông gật đầu tuyên bố:
– John, cháu biết gì không? Cháu nói đúng đó. Ta cảm thấy tốt hơn nhiều rồi. Giống như ta vừa uống thuốc hay một cái gì đó tương tự.
Rồi chớp chớp mắt vài cái một cách vui vẻ, ống mỉm cười hạnh phúc:
– Ta chưa bao giờ cảm thấy tốt như thế này, kể từ khi Manchester City hạ gục United 5-1 năm 1989. Và ta đã nghĩ suốt đời ta sẽ không bao giờ cảm thấy tốt như thế này.
Dybbuk nhăn nhó:
– Ông cứ thoải mái thưởng thức cảm giác đó đi. Khi ông còn có thể. Cháu thì cá là chúng ta sẽ sớm hối hận vì đã đế phí ba điều ước. Cứ nhớ lời cháu nhé. Chuyện vừa xảy ra ở đây không khác gì một thảm họa.
Ông Groanin nói:
– Xin lỗi.
Nhưng thật sự ông chẳng cảm thấy hối lỗi một chút nào, mà vẫn tiếp tục mỉm cười một cách hạnh phúc.
Philippa đề nghị:
– Sao chúng ta không cho ông Groanin một điều ước khẩn cấp nhỉ? Một cái ký gửi ước ấy. Phòng trường hợp một chuyện không lường trước xảy ra.
John lắc đầu bảo:
– Chúng ta không thể làm điều đó. Những quy luật Baghdad quy định thế. Ít nhất là trong một năm lẻ một ngày nữa. Điều ước thứ tư sẽ hóa giải ba điều ước trước đó. Điều ước thứ năm sẽ làm mọi chuyện tệ hơn nữa. Nó liên quan đến một lời nguyền được gọi là Enantodromia: bất cứ điều gì em ước, em sẽ có một kết quả ngược lại.
Rồi lắc đầu một lần nữa, John nói:
– Em sẽ không muốn biết chuyện gì có thể xảy ra khi em tiến xa hơn điều ước thứ sáu đâu.
Ông Groanin tuyên bố:
– Không, ta không nghĩ ta muốn biết. Mà dù sao, ta cũng chẳng cần một điều ước nữa. Hay thậm chí là ba điều ước nữa. Ta sẽ không mạo hiểm bất cứ thứ gì với cảm giác hiện tại của ta. Bất cứ thứ gì.
Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 3 - Hổ Mang Chúa Kathmandu Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 3 - Hổ Mang Chúa Kathmandu - Philip Ballantyne Kerr Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 3 - Hổ Mang Chúa Kathmandu