Người mà cố gắng rồi thất bại vẫn tốt hơn nhiều so với người không cố gắng gì cả và thành công.

Lloyd James

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 264 / 25
Cập nhật: 2019-11-13 12:07:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5 - Đảo Bannerman
hải đến quá nửa đêm John và Philippa mới tới được Câu lạc bộ Du thuyền Newburgh. Đúng như chú Afriel đã hứa, một chiếc xuồng nhỏ trang bị đầy đủ cho một chuyến thám hiểm ban đêm như đèn pin, dụng cụ cắm trại…, đã chờ sẵn ở đó. Ông lão lái thuyền không có vẻ gì là ngạc nhiên trước sự xuất hiện của hai đứa trẻ con vào cái giờ giấc không lấy gì là sớm sủa này. Ông cũng chẳng mở miệng giáo huấn chúng lấy một câu vì cái tội nửa đêm nửa hôm không ờ nhà ngủ mà lại ngu ngốc bơi xuồng lội dòng Hudson - một việc mà nếu là những người lớn khác thì thế nào cũng làm. Cặp sinh đôi nhanh chóng tự rút ra kết luận, sứ mệnh làm người thường phải trố mắt kinh ngạc và tin vào một thứ khác ngoài bản thân mình của chú Afriel xem ra cũng không tầm thường.
Khi ông lão lái thuyền giữ vững cái xuồng để Philippa có thể an toàn bước lên, cô nói với ông:
– Ông tốt với tụi cháu quá. Không giống như một điều bí ẩn hay một phép lạ chút nào. Cháu nghĩ sau chuyện này cháu giác ngộ được nhiều thứ rồi. Toàn những thứ mà tụi cháu chưa bao giờ biết.
Ông lão lái thuyền mỉm cười:
– Chỉ cần các cháu hài lòng là được rồi. À mà rốt cuộc hai đứa định đi đâu vậy? Ừm… nếu thấy phiền thì cháu không cần trả lời câu hỏi đó cũng được.
Ngồi xuống dưới đuôi xuồng, John trả lòi:
– Đảo Bannerman ạ.
Ông lão lái thuyền nói:
– Vào năm 1920, trên hòn đảo đó đã xảy ra một vụ cháy nổ. Có vài tàn tích của nó còn sót lại ở ngay dưới ngấn nước. Cho nên, khi nào đến gần cái cầu cảng cũ, các cháu nhớ đế ý chèo nhẹ và cẩn thận một chút, không thì bóc rách cả đáy xuồng ra đấy. Đây là loại xuồng làm bằng vỏ cây bulô truyền thống của người Iroquois[9], nên dễ hư lắm.
[9] Thổ dân da đỏ Bắc Mỹ
– Vâng, cháu sẽ để ý ạ.
Nói rồi John ổn định vị trí ngồi và nhặt mái chèo phía mình lên. Ngồi ở đằng mũi xuồng, Philippa bật cây đèn pin lên để rọi đường cho hai anh em đi trong đêm dọc theo dòng sông.
Ông lão lái thuyền nói tiếp:
– Ngoan lắm. Vậy ông cũng có vài lời khuyên khác cho các cháu đây. Đảo Bannerman nổi tiếng bị ma ám đó. Nếu là ông, ban ngày ban mặt ông còn chẳng muốn đến đó, chứ đừng nói gì nửa đêm khuya khoắt như thế này. Nhưng nếu bọn trẻ các cháu cứ nhất quyết đến đó, thì chắc các cháu cũng phái có lý do quan trọng nào đấy, đúng không? Nói chung là, nếu tối nay các cháu muốn quay về - và thề có Chúa, các cháu có làm gì ông cũng không trách móc gì đâu - chỉ cần đến gõ cửa cái nhà thuyền của ông. Từ khi con mèo Magnus của ông chết, ông chỉ sống ở đó có một mình à. Ông luôn hoan nghênh có người đến thăm. Cho dù là ban ngày hay ban đêm.
John gật đầu:
– Tụi cháu biết rồi ạ.
Dùng mái chèo, John phụ ông lão lái thuyền đẩy chiếc xuồng rời khỏi cầu tàu, trước khi lặng lẽ nhúng nó xuống khoảng sâu đen thăm thẳm bên dưới khuỷu tay cậu. Mấy phút sau, cà khu nhà thuyền và cái cầu cảng đã biến mất trong bóng tối sau lưng hai anh em, và chiếc xuồng thổ dân lướt nhẹ trên mặt nước tĩnh lặng và lạnh lẽo của con sông Hudson hùng mạnh.
o O o
Bám sát theo bờ phía Tây dòng sông, con xuồng nhỏ nhẹ nhàng trôi đi. Xuyên qua những tán cày đẫm ánh trăng, tiếng vài loài chim lạ hú gọi nhau văng vẳng trên mặt nước tĩnh lặng như những kẻ hoang dã đầy thù địch. Chìm trong khung cảnh này, thật dễ để John tưởng tượng cậu đang là một nhân vật phiêu lưu trong tiểu thuyết, chẳng hạn như quyển Người cuối cùng của bộ tộc Mohican. Thật ra thì cậu chưa xem cuốn đó bao giờ, nhưng phim thì cậu đã xem rồi. Cực kỳ hấp dẫn. Ngồi bồn chồn ở phía mũi xuồng, Philippa, vốn mê đọc sách và thích cuộc sống thành thị hơn là ông anh khoái phiêu lưu mạo hiểm ngoài trời của cô, lại nghĩ tới yêu tinh, Ichabod Crane và gã kỵ sĩ không đầu đáng sợ[10].
[10] Nhân vật trong tác phẩm Truyền thuyết về thung lũng ngái ngủ của Washington Irving
– Chưa bao giờ em tham gia vụ nào ớn muốn nổi da gà như vụ này.
Philippa nói với anh khi cảm thấy có một thứ gì to lớn đang di chuyển trên những tán cây treo ngang dọc trên mặt sông. Vừa nói, cô vừa sợ sệt ngước mắt nhìn lên phía trên, trong đầu vẽ ra cảnh tượng Rip van Winkle[11] từ đâu thình lình nhảy xuống xuồng hai đứa.
[11] Nhân vật trong tác phẩm Truyền thuyết về thung lũng ngái ngủ của Washington Irving
John khuyên em:
– Ráng nguội xuống đi, Phil.
Philippa thiếu điều hét toáng lên với cơn rùng mình đang chạy dọc trên sống lưng cô:
– Nguội cái gì? Em đang sắp chết cóng đây này.
John chèo nhanh hơn. Em cậu nói đúng. Trời lạnh cóng, và cậu thầm cám ơn công việc vận động tay chân hiện giờ của mình, vì nó đang giúp cậu giữ ấm cơ thể.
Sau gần một tiếng đồng hồ chèo xuồng không ngừng tay, cuối cùng ánh đèn pin của Philippa cũng rọi sáng một ngọn đồi um tùm cây cỏ cao chừng 30 mét nhô thẳng lên khỏi mặt nước ngay trước mặt. John để chiếc thuyền trôi theo dòng thủy lưu một khoảng ngắn, trước khi hướng nó vào bờ.
Nhảy xuống khu nước nông, hai anh em cẩn thận kéo xuồng lên bờ, chính giữa mấy bụi cây. Một con cú ờ đâu đó “cú cú” vài tiếng như chào đón, và dần dần, trong ánh sáng trăng mờ mờ phía trên cao, hai anh em nhận ra hình dáng bên ngoài của một lâu đài mang kiến trúc Ai-len. Và ở khung cửa sổ trên ngọn tháp canh cao nhất ở một góc, có ánh sáng bập bùng.
Chộp lấy cây đèn pin thứ hai, John đi trước mở đường băng qua các bụi cây và bước ngược lên một con đường dốc đứng. Philippa theo sát sau lưng anh cho đến khi hai anh em tới một cây cầu kéo. Ở đó, cô dừng lại và rên khẽ một tiếng với vẻ không an tâm thấy rõ.
– Ặc, em sẽ không đi tiếp nếu không có một nhánh tỏi và một cây thánh giá bạc. Và một cái vồ cùng vài cọc gỗ thật nhọn. Ông lái thuyền nói đúng. Nhìn nơi này xem? Chữ “ma ám” chình ình khắp mọi nơi, đứng xa ba dặm còn thấy rõ. Mà cái tòa lâu đài Ai-len quái gở này ở đây để làm gì chứ? Ngay giữa sông Hudson. Có cái gì không ổn ở đây, John.
John hỏi lại, giọng có phần ngán ngẩm:
– Chứ em còn muốn thấy gì khác hả, Phil? Nếu đúng Dybbuk ở trên hòn đảo này, đương nhiên tòa lâu đài là nguyên nhân khiến cậu ấy đến đây rồi. Ngoài nó ra thì đâu còn gì khác chứ.
– Vậy nếu cậu ấy không ở đây thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra? Không biết anh thì sao, chứ em thật không muốn gặp người nào can đảm ở trong một nơi như thế. Ở cái nghĩa địa em từng thấy còn không đáng sợ bằng hòn đảo này.
Thật sự cũng sợ không kém gì em mình, tuy nhiên lại giỏi che giấu điều đó hơn, John đề nghị:
– Bình tĩnh nào, Phil. Hay là thế này: em cứ ở đây chờ, và anh sẽ đi kiểm tra một vòng xem Dybbuk có ở đây không, rồi sau đó chúng ta sẽ về nhà. Ok?
Rọi ánh đèn pin ngược lên bức tường của tòa lâu đài trước mặt, Philippa nhăn nhó phản đối:
– Anh bảo em đứng đây chờ một mình ấy à? Không dám đâu. Em sẽ đi với anh.
Vốn cũng không hào hứng gì lắm với việc đi vào lâu đài một mình, John vui vẻ gật đầu:
– Vậy thì tốt.
Vượt cây cầu kéo, hai anh em băng qua bên dưới một khung lưới sắt chắn cổng thành và một huy hiệu lớn. Đứng bên ngoài một cánh cửa gỗ to ngang ngửa miệng một đường tàu điện ngầm, John giơ tay lên định gõ cửa, nhưng rồi như nhận ra một điều gì đó, cậu rụt tay lại.
Philippa hỏi:
– Sao thế?
John nhún vai trả lời:
– Nó mở sẵn rồi, gõ làm gì nữa.
Rồi cậu đẩy cánh cửa. Nó mở ra với một tiếng kẹt lớn như tiếng một khẩu súng máy lên nòng.
Đứng sừng sững bên trong cái sảnh vào rộng lớn là một bộ áo giáp đồ sộ, tay cầm một cái rìu khổng lồ. Đằng sau nó là một cây đàn ống nhà thờ cổ kính. Và điều đáng sợ ở đây là nó đang tự mình chơi liên tục một nốt nhạc cao.
Liếc nhìn cái ghế ngồi trống trơn phía trước cây đàn, John nuốt nước miếng cái ực và hỏi lớn:
– Có ai ở đây không?
Bước về phía cây đàn, Philippa nhanh chóng hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Cô tuyên bố:
– Chỉ là tiếng gió thổi qua một thân ống thôi.
Nhưng khi cô quay lại thì John đã không còn đứng phía sau lưng cô. Cậu đang đứng trên ngưỡng cửa của một phòng khách rộng lớn, và đang nhìn trừng trừng vào một thứ gì đó với vẻ mặt kinh hoàng đến nỗi Philippa cảm thấy máu trong cơ thể như đông cứng lại.
Cậu lí nhí nói:
– Nhìn nè.
Thật Philippa không muốn nhìn chút nào, nhưng sự tò mò đã kéo chân cô bước về phía trước, cho đến khi cô có thể nhìn thấy được cái mà anh trai cô đang nhìn. Một ông lão già nua - hoặc ít nhất một thứ giống thế - nằm im lìm trên một chiếc đi văng ở phía trước một lò sưởi lớn lạnh ngắt. Mặc một bộ áo đuôi tôm, quần kẻ sọc, ghilê, ghệt mắt cá, áo sơ mi và cà vạt, nhìn ông như đang ngủ say - hoặc là như đã chết. Tuy nhiên, điều làm cặp sinh đôi hoảng nhất là việc ông có quá nhiều lông trên người. Và phải mất vài giây, Philippa mới nhận ra đó không phải là một con người, mà là một con khỉ đột lớn.
Cô thầm thì hỏi:
– Nó chết rồi hả anh?
John nói:
– Hy vọng là thế. Chứ anh chẳng muốn phải đi giải thích cho một con gorilla biết chúng ta làm gì mà xâm nhập nhà nó bất hợp pháp vào đêm hôm như thế này.
Liếc nhìn em gái, cậu hỏi lại:
– Đây là một con gorilla, đúng không?
– Đừng hỏi em. Em cũng không biết đâu. Chưa bao giờ em nhìn gần một con gorilla cả. Nhất là một con mặc áo đuôi tôm.
Cả hai bỗng hét lên một tiếng hoảng sợ khi một thứ gì đó đập cái ầm sau lưng chúng. Chạy ngược ra cửa vào mới nãy, hai anh em nhìn thấy nó đã đóng kín.
Chỉ tay vào cây đàn ống vẫn đang chơi một nốt nhạc cao rung rinh như tiếng rít của một ấm nước sôi bị bỏ quên trên bếp lửa hừng hực, John thều thào hỏi:
– Chắc tại gió, Phil nhỉ? Như cây đàn ấy.
– Em hy vọng thế.
Philippa rùng mình. Cô có cảm giác như một cái gì đó vừa vuốt nhẹ qua người cô, giống như một sợi tơ nhện phất phơ trong gió, và nghe được tiếng một cô bé vô hình nào đó đang thầm thì trong tai cô.
Đó là lúc cây đàn bắt đầu chơi một đoạn nhạc thật sự, và cặp sinh đôi bàng hoàng nhận ra rằng, tuy một ngọn gió có thể đóng sập cửa hoặc thậm chí chơi một nốt nhạc đơn duy nhất, nó không thể nào đánh nổi cả một tổ khúc Toccata & Fugue cung D thứ của Bach.
Chộp lấy tay nắm cửa, Philippa giục:
– Đi! Chúng ta ra khỏi đây đi! Trước khi con khỉ quái dị kia thức dậy.
Nhưng cánh cửa đã bị khóa chặt.
Mặt cắt không còn hột máu vì sợ, cặp sinh đôi không ai bảo ai hè nhau kéo giật cái tay nắm cửa cho đến khi, cũng thình lình như khi nó bắt đầu, tiếng đàn cổ quái bỗng ngừng bặt lại, và thay vào đó là một tiếng cười khanh khách đầy chế giễu của một thằng bé. Một giây sau, tấm rèm đằng sau cây đàn ống được gạt sang một bên và từ sau nó, Dybbuk bước ra. Cậu ta thiếu điều muốn lăn ra sàn ôm bụng cười nắc nẻ trước “hiệu quả” trò đùa của mình với John và Philippa.
Vừa cười như điên, Dybbuk vừa lắc đầu tuyên bố:
– Nhìn mặt các cậu kìa. Ước gì tớ có một cái máy ảnh ở đây. Tớ thề là, nhìn các cậu cứ như vừa gặp gỡ người sói ấy. Ôi ôi, các cậu làm tớ cười đến chết mất.
Tay nắm chặt - nếu Dybbuk đứng kế bên, có khi cô sẽ cho cậu một cú đấm - Philippa lạnh lùng nói:
– Ờ, rất vinh hạnh được làm trò cười cho cậu. Nếu biết đây là cách cậu tiếp đón ân nhân, bọn này chắc chắn sẽ không tốn công tốn sức bất chấp nguy hiểm mà mò đến tận đây.
– Ấy, xin lỗi, đừng nóng thế. Chỉ là tớ không cưỡng lại được thôi mà. Cứ nhìn nơi này xem? Quá lý tưởng cho một trò đùa kinh điển như vậy, đúng không nè?
John nói nhát gừng:
– Thế mà tớ tưởng cậu đang lo cho cái mạng của cậu cơ đấy. Ít nhất thì email của cậu nói vậy.
– Thì tớ đang lo nè. Thật mà. Thật đến từng chữ lận. Tớ thề đó.
John cay cú bảo:
– Ờ, chắc rồi. Tớ có thể thấy được sự thật trong nụ cười toe toét trên cái bản mặt ngu ngốc của cậu.
Dybbuk khăng khăng:
– Không, tớ nói thật mà. Tớ rất, rất, rất mừng khi thấy các cậu đến đây.
Philippa giục anh:
– Đi thôi, John. Chúng ta về nhà thôi.
Dybbuk chuyển sang giọng nài nỉ:
– Không, chờ đã. Làm ơn đi mà, ít nhất cũng cho tớ giải thích chứ.
John nhượng bộ:
– Thôi được. Nhưng cậu liệu mà giải thích cho tốt đấy.
Họ quay ngược lại phòng khách rộng mênh mông.
Liếc nhìn cái xác con khỉ đột, John e ngại hỏi:
– Anh bạn này là ai thế?
– À, Max. Nó theo làm quản gia cho bà dì Felicia, em bà ngoại của tớ được hơn ba mươi năm rồi.
Đưa mắt về phía một bức tranh lớn hình một cô bé xinh xắn chừng mười tuổi treo phía trên lò sưởi, Philippa hỏi:
– Bà dì của cậu đấy à? Ý tớ là, khi bà còn nhỏ?
– Không, đó là hình chị gái tớ, Faustina.
Philippa ngạc nhiên nói:
– Tớ không biết cậu có chị gái đấy.
Dybbuk nhún vai trả lời:
– Đã từng có. Chị ấy không còn bên cạnh tớ nữa, ok?
Một sự im lặng gượng gạo bao trùm căn phòng.
Rồi John lên tiếng hỏi, thay đổi đề tài cuộc nói chuyện:
– Làm sao mà một con khỉ đột lại trở thành quản gia cho bà dì của cậu được?
Dybbuk cho biết:
– Bà dì Felicia vốn chưa bao giờ có cảm tình với mundane. Đó là một trong những lý do bà mua lại đảo Bannerman. Con người thường có xu hướng tránh xa những nơi như thế này. Vì những lý do hiển nhiên. Còn về Max, bà dì Felicia giải thoát nó khỏi sở thú khi nó còn nhỏ, và ban cho nó vài đặc tính con người, ví dụ như khả năng đối thoại, cũng như một số chức năng não bộ cấp cao. Nếu tớ không lầm, nó là một nghệ sĩ đàn ống khá giỏi. Nói chung là, bà dì tớ với Max khá hợp ý nhau. Tiếc là tối qua, Max tội nghiệp đột ngột ngã quỵ rồi ra đi luôn. Dù biết 61 tuổi là một cái tuổi khá cao đối với loài khi đột, nhưng phải nói là tớ rất bất ngờ.
Lắc đầu buồn bã, Dybbuk nói:
– Tội nghiệp bà Felicia. Khi về thể nào bà cũng sẽ rất buồn cho mà coi.
– Thế bà dì cậu giờ không ở đây à?
– Không, bà đang ở với mẹ tớ. Để tìm tớ.
Philippa hỏi lại:
– Tìm cậu?
– Max rất nhạy đối với những chuyện như thế này. Nó hiểu tớ, cậu biết không? Nó hiểu rằng nếu tớ về nhà, tớ sẽ đe dọa tính mạng của mẹ tớ.
Philippa nhìn thẳng vào Dybbuk:
– Sao cậu không nói cho tụi tớ biết chính xác tất cả những chuyện này là như thế nào? Bắt đầu từ đầu!
o O o
Dybbuk ké tiếp cho John và Philippa đoạn cuối câu chuyện về cuộc phiêu lưu của cậu và gia đình người bạn:
– Sau khi đưa tụi tớ rời pháo đài Benning về Palm Springs, chú Blennerhassit đưa mấy bức tranh trong cây gậy chỉ huy của Goering cho một chuyên gia làm việc tại bảo tàng ở Malibu xem, và được xác nhận hai trong số đó là của Leonardo da Vinci, một của Raphael, một của Michelangelo, và một của Botticelli. Nhưng bức thứ sáu, một bức tranh màu nước, thuộc về niên đại sau này và ít có giá trị hơn nhiều. Chắc chắn cũng không quá mới, nhưng nghe bảo nó có thể thuộc về trường phái “Tranh Hiệp hội” gì gì đó. Tớ thì tớ thích cái bức đó hơn mấy bức kia, và vì nó chỉ cỡ ngàn rưỡi đô là cùng nên chú Blennerhassit bảo tớ có thể giữ nó làm đồ lưu niệm.
Trong căn phòng khách khổng lồ với cái lò sưỏi có kích cỡ ngang một chiếc xe tải nhỏ, cả ba đứa trẻ ngồi tụm lại với nhau trên một chiếc đi văng cổ nhìn như thể nó được bưng ra từ phòng ngủ của một vị hoàng đế Trung Quốc. Trên đầu chúng là một chiếc đèn treo bằng đồng cũng vĩ đại không kém - cùng với bức tranh chị Faustina của Dybbuk. Giờ đây, sau khi đã được giải thích, Philippa có thể dễ dàng nhận ra những điềm tương đồng của hai chị em nhà Sachertorte: cùng một mái tóc và cặp mắt sẫm màu, cùng một làn da tái xanh, cùng những ngón tay thon dài của giới nghệ sĩ dương cầm, cùng hai gò má cao. Và cùng một ánh nhìn bướng bỉnh, tinh nghịch. Chị Faustina đã mất ư? Philippa muốn biết, nhưng cô đoán trong hoàn cảnh như thế này, có lẽ tốt nhất cô nên chờ hỏi mẹ sau. Dybbuk có vẻ khá nhạy cảm đối với những chuyện liên quan đến chị của cậu.
Dybbuk kể tiếp:
– Quay lại chuyện tay chuyên gia ở bảo tàng Malibu. Gã này rất là ỡm ờ khi đề cập đến cái giá chính xác cho mấy bức tranh quý. Ý tớ là, gã chả nói gì ngoài chuyện chúng có giá trị lịch sử như thế nào, và chúng vô giá ra sao. Mà “vô giá” thì có nghĩa lý gì với tớ chứ. Cho nên, chờ gã đi khỏi, tớ đã lên mạng kiếm thông tin trên một trang web chuyên về đấu giá cổ vật. Và các cậu biết tớ tìm thấy cái gì không? Có hẳn một phiên bản cây gậy chỉ huy của Thống chế Hermann Goering được rao bán ở trển. Mà có phải một phiên bản vớ vẩn nào đâu. Nó giống như đúc cây gậy giả mà tớ đã để lại trong báo tàng quân đội ở pháo đài Benning ấy chứ. Khi tớ nói cho chú Blennerhassit biết, chú ấy thật sự nổi sùng về điều đó. Và chú ấy ngay lập tức gọi điện cho tay thợ kim hoàn mà chú đã đặt làm cây gậy giả, một gã tên Hyman Strasberg ở New York, vì rõ ràng gã này đã làm đến hai cây gậy giả. Và giữ lại một cây để bán trên mạng.
– Chỉ có điều, thay vì gã Strasberg, người trả lời điện thoại của chú Harry Blennerhassit lại là một tay cảnh sát New York, người thông báo cho chú rằng Hyman Strasberg đã chết. Và, các cậu đặc biệt lưu ý điều này nhé: nguyên nhân cái chết là do bị rắn độc cắn. Chú Harry bảo với tay cảnh sát là chú thật sự rất tiếc về điều đó, tuy nhiên chú không nghĩ mình có thể giúp được gì cho họ. Và đúng là chú ấy không biết gì thật. Ý tớ là, chuyện đó chỉ như một tai nạn không may thôi. Đâu có phải New York không có rắn độc. Đuôi chuông lớn cực độc nè, đuôi chuông nhỏ nè, hổ mang nè, đâu có thiếu. Ok, đúng là mấy con đó cũng hiếm gặp, nhưng có thì vẫn là có. Mới hôm qua, chính tớ đã thấy một con rắn hổ mang trên hòn đảo này. Ừm… ít nhất tớ nghĩ đó là một con hổ mang.
Philippa lo sợ liếc nhìn xung quanh. Gì chứ rắn thì cô ghét ngang ngửa dơi và nhện. Cô nhận xét:
– Cậu có vẻ rành về rắn quá nhỉ, Buck.
Gì? Rắn hả? Dĩ nhiên rồi. tớ có cả một con rắn vàng tên George nuôi ở nhà mà. Trước đây tớ còn có cả một con đuôi chuông tên Ryan nữa cơ. Chỉ có điều nó đã chui vào toilet trốn mất tiêu.
Philippa khẽ rùng mình:
– Ặc, toilet hả? Vậy mà cậu bình tĩnh được.
Dybbuk bảo:
– Tớ luôn khoái rắn. Đó là một trong những lý do tại sao tớ muốn bức Tranh Hiệp Hội. Bởi vì có một con rắn trong đó. Nhưng lúc ấy tớ không để ý đến chi tiết đó. Mãi cho đến khi đã về đến nhà, tớ mới chợt nghĩ đến chuyện, biết đâu giữa bức tranh đó và con rắn đã giết gã Strasberg có thể có liên quan đến nhau. Vì thế, sau khi ăn cơm tối xong, tớ đã quay lại nhà của Brad - à, ý tớ là nhà của chú Blennerhassit. Và ngay khi đến nơi, tớ lập tức nhận ra có một điều gì đó không ổn đã xảy ra.
Nói đến đây, Dybbuk buông ra một tiếng thở dài, và mặt cậu tối sầm lại. Phải mất mấy giây sau, cậu mới tiếp tục lại câu chuyện của mình, lần này với khóe mắt ầng ậng nước:
Đồ đạc của họ xốc đầy khắp nhà như bị trộm viếng. Cây gậy đã biến mất, nhưng rất kỳ lạ là những bức tranh bên trong nó lại bị vứt lại. Và rồi cuối cùng, tớ cũng tìm thấy hai người bọn họ.
Nuốt nước bọt một cách khó khăn, Dybbuk cố gắng kiềm chế cảm xúc của mình để kể nốt, giọng run rẩy dần sau mỗi giây trôi qua:
– Brad và cha cậu ấy, chú Harry. Họ đã chết, cả hai người bọn họ. Với khuôn mặt xanh lét và đôi mắt đỏ ngầu. Sau những gì đã xảy ra với Hyman Strasberg, tớ nghĩ ngay đến rắn độc. Vì thế tớ đã kiểm tra và phát hiện có vết nanh cắn trên tay và chân họ. Rất, rất nhiều vết nanh. Như thể họ bị cắn rất nhiều lần.
Lắc đầu một cách dứt khoát và đưa tay lên gạt nước mắt, Dybbuk kết thúc câu chuyện:
Đến lúc đó, tất cả những gì tớ có thể làm là chộp lấy tất cả các bức tranh và chuồn gấp ra khỏi đó. Đi thẳng về nhà, gửi email cho các cậu, rồi cưỡi lốc gió đến thẳng đảo Bannerman này. Bà dì Felicia đang ở với mẹ tớ, nên tớ nghĩ chắc chẳng ai nghĩ đến chuyện tìm tớ ở đây.
Rồi cậu nhún vai kết luận:
– Và đúng là không ai xuất hiện, trừ các cậu.
Khẽ cắn môi, Philippa lẩm bẩm:
– Tớ không tin lắm đâu.
– Tớ thề, tất cả những gì tớ nói đều là sự thật.
Philippa vội nói:
– Không, không. Không phải tớ nghi ngờ cậu nói dối. Ý tớ là, tớ không tin chẳng có ai nghĩ đến chuyện tìm cậu ở đây.
John cho biết:
– Cảnh sát dang tìm cậu khắp nơi đấy, Buck. Họ muốn hỏi cậu vài điều.
Dybbuk lắc đầu:
– Tớ không thể gặp họ. Bộ cậu nghĩ họ sẽ tin sao? Rằng tớ, một đứa con nít, đột nhập vào bảo tàng quân đội? Khéo họ tống tớ vào tù luôn thì có.
Philippa bỗng hỏi:
– Cậu ở đâu khi Max chết tối qua?
– Ngủ.
– Trên lầu à?
– Không. Có một căn phòng bí mật đằng sau cây đàn ống, nơi cậu có thể bật cho nó tự chơi cũng như điều khiển cánh cửa trước từ xa. Và một cái giường trong đó. Tớ luôn ở đó mỗi khi đến đây. Ngay từ khi còn nhỏ, tớ vẫn thích được ở trong một căn phòng bí mật mà.
Philippa hỏi tiếp:
– Cậu đã ngủ trong bao lâu?
Dybbuk nhún vai:
– Mười hay mười hai tiếng gì đó. Cưỡi lốc gió đến tận đây ngốn hết cả sức lực của tớ chứ chả chơi.
Đến lượt John hỏi:
– Tiếng gió thổi qua cây đàn không làm cậu thức giấc hả?
– Không. Căn phòng này được cách âm tốt. Một khi đã ở trong này, trời có sập bên ngoài cậu cũng chả biết nữa là.
– Vậy hả?
Philippa hỏi lại và đứng dậy khỏi đi văng. Bước về phía con khỉ đột đã chết, cô bắt đầu kiểm tra tay và chân nó.
Đi theo cô đến bên cái xác của Max, Dybbuk ngờ ngợ nói:
– Cậu không nghĩ là…
– Đúng là tớ chưa bao giờ thấy xác chết một khỉ đột. Và đúng là hơi khó để nhìn rõ màu da của nó bên dưới bộ lông đen bạc dày cộm như thế này, nhưng mà…
Cầm bàn tay to đùng lông lá của con khỉ đột lên và, cẩn thận tách những ngón tay thô kệch ra, Philippa cảm thấy hơi thở của mình ngừng lại khi phát hiện hai vết nanh đen ngòm thọt sâu vào lớp thịt mềm trên lòng bàn tay của Max. Giơ lên cho Dybbuk xem, cô bảo:
– Nói tớ nghe xem, Buck? Cậu thấy cái này nhìn giống vết rắn cắn không?
Dybbuk thều thào như hết hơi:
– Đúng, chính là nó.
Gỡ mắt kính ra, Philippa nhìn thẳng vào mắt Dybbuk nói:
– Điều đó có nghĩa, thứ đã giết ông Blennerhassit và Strasberg, hay nói đúng hơn là kẻ đã giết họ, cũng đã đến đây. Tìm kiếm cậu. Và thay vào đó, họ đã giết Max. Và điều đó có nghĩa cậu rất may mắn, Buck. Rất, rất là may mắn.
Dybbuk nuốt nước bọt cái ực. Một giọt nước mắt chảy dài trên mặt cậu, trước khi cậu với tay gạt mạnh nó đi như thể tức giận chính bản thân mình. Nhìn Max, Dybbuk thầm thì:
– Max già tội nghiệp! Nó luôn là một người dũng cảm. Một người mà tớ có thể trông cậy được.
Cặp sinh đôi đột ngột giật nảy người khi từ một tủ sách gần đó, một con mèo đen kếch xù thình lình nhảy lên bộ ngực to đùng bất động của Max. Nhẹ nhàng bế chú mèo lên tay và dụi dụi mặt vào người nó một cách âu yếm, Dybbuk giới thiệu:
– Đừng sợ. Chỉ là Hendrix thôi. Nó là mèo của chú Blennerhassit.
John ngạc nhiên hỏi:
– Cậu mang con mèo của họ theo hả?
– Nói tớ giải cứu nó thì đúng hơn đó. Tớ làm sao có thể bỏ nó lại chứ? Cảnh sát sẽ quẳng nó vào một trại tập trung thú vô chủ nào đó mất. Và ai biết được chuyện gì có thể xảy ra cho nó ở một noi như thế.
Philippa nói:
– Ờ, cũng đúng.
Rồi mắt cô đột nhiên sáng lên khi nghĩ ra một chuyện.
– Ôi trời, sao tớ không nghĩ đến chuyện này sớm hơn nhỉ? Hendrix chắc chắn biết chính xác chuyện gì đã xảy ra! Có khả năng nó đã tận mắt chứng kiến mọi chuyện! Không chi ở Palm Springs, mà còn cả ở đây nữa! Tất cả những gì chúng ta cần làm là hỏi nó.
– Ý cậu là, một người trong chúng ta sẽ cho nó khả năng đối thoại hả? Giống như Max?
Philippa gật đầu:
– Dĩ nhiên. Nhưng không phải anh em tớ. Tụi tớ còn quá lạnh sau khi cuốc bộ ngoài kia cả đêm. Nhưng cậu thì khác.
Nhìn thấy Dybbuk lắc đầu, cô ngạc nhiên hỏi lại:
– Cậu không thể?
Dybbuk giải thích:
– Từ khi đặt chân lên hòn đảo này, tớ cũng chả còn tí sức mạnh nào cả. Các cậu không biết, xém chút nữa tớ còn chẳng đến đây được ấy chứ. Lốc gió của tớ tan biến ngay trước khi tớ kịp chạm đất. Vốn biết các bang ven biển phía Đông lúc nào cũng lạnh hơn so với các bang phía Tây, thế mà tớ lại quên mất.
Đưa tay vuốt ve con mèo trong giây lát, Dybbuk nói tiếp:
– Mà ngay cả khi tớ còn sức mạnh djinn, tớ cũng không nghĩ có thể làm Hendrix nói chuyện được. Tớ đâu có đủ kinh nghiệm. Muốn ban khả năng đối thoại cho một loài vật thì phải là một djinn trưởng thành như bà dì Felicia mới làm nổi.
Ngẫm nghĩ trong giây lát, Philippa đề nghị:
– Vậy nhập hồn vào con mèo thì sao? Tớ tin chắc cả ba người chúng ta đều đã thực hành việc “mượn tạm” thân thể động vật. Đó là điều đầu tiên tớ học được ngay khi biết mình là một djinn. Nếu ở trong cơ thể Hendrix, tớ có thể đọc được suy nghĩ của nó. Quan sát ký ức của nó. Bằng cách này, chúng ta có thế biết được chính xác chuyện gì đã xảy ra.
Dybbuk gãi gãi đầu:
– Sao tớ không nghĩ ra chuyện đó nhỉ?
John nhe răng cười:
– Vì cậu hổng thông minh bằng em tớ chứ sao.
Philippa hỏi:
– Ở đây có phòng tắm hơi nào không? Hoặc một cách nào khác đủ nóng để chúng ta hồi phục sức mạnh djinn?
Dybbuk cười cay đắng:
– Phòng tắm hơi? Ở một nơi già khú đế như vầy? Vòi hoa sen còn chưa có nữa là. Bồn tắm thì có nhiều, nhưng chả cái nào có nước nóng. Max có thể làm được nhiều việc, nhưng nghề thợ ống nước không phải là một trong những việc đó. Loài khỉ đột thì chẳng con nào đủ kiên nhẫn cho cái nghề đó cả. Còn bà dì Felicia thì vốn dĩ chẳng ưa gì xà bông với nước. Bà dì thích dùng sức mạnh djinn để giữ cơ thế sạch sẽ hơn. Nghe nói cách đó làm làn da trông trẻ hơn. Cho nên bà dì ấy tự, ờ, nhiệt xạ cơ thể - cho phép một lượng nhiệt lớn từ trong người thoát ra ngoài để hủy diệt tất cả bụi bẩn và vi trùng trên da. Một khả năng khác mà chỉ djinn trưởng thành mới làm được. Tớ đã thấy bà làm một lần rồi. Nhìn hay lắm cơ. Cứ như bà bị bốc cháy trong giây lát ấy.
Ngáp sái cả quai hàm vì đã khá khuya, John đề nghị:
– Tớ có ý này: điều đầu tiên chúng ta làm sáng mai là dựng một cái lều hơi trong vườn. Đó là cách mà người Mỹ bản địa vẫn làm để giữ cơ thể sạch sẽ. Chúng ta có thể làm nóng người bằng cách đó. Đủ nóng đế lấy lại sức mạnh của mình.
Dybbuk một lần nữa gãi gãi đầu:
– Sao tớ không nghĩ ra chuyện đó nhỉ?
Và Philippa cười mỉm:
– Vì cậu hổng thông minh bằng anh tớ chứ sao.
o O o
Sáng sớm hôm sau, ba đứa trẻ nhóm lửa trong cái lò sưởi ngoại cỡ, rồi đặt vài cục đá lớn vào giữa những hòn than nung đỏ. Sau đó, chúng chôn cất Max tội nghiệp ngoài vườn.
Đó là một đám tang đơn giản, không hòm và không nghi lễ tôn giáo. Chỉ là một cái huyệt nông được John và Philippa đào, với vài nhánh hoa hái trong vườn.
Đứng trước ngôi mộ của con khỉ đột trung thành, Dybbuk cất giọng run run nói:
– Khỉ đột có thể lừa phỉnh, như những gì chúng làm trong hoang dã, nhưng chúng không bao giờ nói dối. Ngay cả những con có thể nói. Chúng đơn giản chỉ không biết nói dối như thế nào. Và điều đó làm chúng tốt đẹp hơn nhiều mundane mà tớ đã gặp. Và chưa kể đến djinn. Nếu một con khỉ đột thích cậu, nó sẽ thích cậu suốt đời. Thích một cách không vụ lợi. Vì thế nó sẽ rất trung thành với cậu. Nếu bà dì tớ có mặt ở đây, chắc chắn bà sẽ nói Max là người bạn tốt nhất mà bất cứ ai cũng mong muốn có được. Và tớ sẽ hoàn toàn đồng ý với bà. Max đã mở rộng của chào đón tớ đến đây mà không cần hỏi một câu nào, và nó cũng chưa bao giờ cố góp ý này nọ với tớ. Đó là tính cách đặc trưng của loài khỉ đột lưng bạc. Một trong những tính cách khiến chúng có thể trở thành những quản gia tuyệt vời. Không giống như mundane, những người với bản tính bẻm mép bẩm sinh, khỉ đột là một loài kín miệng, và biết cách tôn trọng sự riêng tư của người khác.
Và Philippa ngạc nhiên nhận ra Dybbuk nhìn thẳng vào cô khi cậu nói điều đó. Làm cô tự hỏi liệu Dybbuk có đoán được cô đã rất, rất muốn hỏi cậu về chị Faustina đến mức nào.
Dybbuk kết thúc bài điếu văn ngắn của mình:
– Xin lỗi mày, Max, về chuyện đã xảy ra. Tao thật sự xin lỗi. Tao sẽ nhớ mày lắm, bạn của tao. Mày đúng là quân tử của quân tử.
Rồi, trong sự ngạc nhiên lần nữa của Philippa, Dybbuk chùi nước mắt bằng một cái khăn tay sạch. Cô không ngạc nhiên vì thấy cậu ta lại rơi nước mắt. Nhưng cô ngạc nhiên khi khám phá ra cậu sở hữu một cái khăn tay sạch.
Sau khi đám tang cho Max kết thúc, ba đứa trẻ hì hục đốn vài cái cây nhỏ và dựng lên một kiến trúc nhìn giống như cái lều tuyết của người Eskimo phía trên bãi cỏ. Rồi chúng bắt tay vào phủ kín nó với các tấm thảm và chăn cũ, cho đến khi cái lều được cách ly tương đối hoàn toàn với không khí bên ngoài. Và cuối cùng, ba đứa trẻ đào một cái hố nông bên trong lều, nơi chúng đặt những cục đá nóng đỏ gắp ra từ lò sưởi vào giữa rồi rảy nước lạnh lên trên, khiến chúng lập tức bốc hơi. Bằng cách này, nhiệt độ bên trong cái lều của chúng nhanh chóng nhảy bậc thang, cho đến khi nó nóng hơn cả một cánh rừng nhiệt đới. Cởi gần hết đồ ra, ba djinn trẻ nhanh chóng bò vào trong lều.
Cái nóng mãnh liệt dần dần sưởi ấm da thịt chúng, xâm nhập vào trong xương, rồi vào trong tủy, trước khi đến được ngọn lửa huyền ảo cháy âm ỉ bên trong tất cả mọi djinn mà không hề gây nguy hiểm đến cơ thể họ. Nó nhen nhóm, tiếp lực thêm cho ngọn lửa thần kỳ ấy, cho đến khi cả ba cảm thấy sức mạnh của mình đã được hồi phục hoàn toàn.
Tưới thêm nước lên những cục đá và gia tăng thêm nhiệt độ bồn trong cái lều hơi, John nhận xét:
– Phải như vậy đỡ hơn không. Với những gì tớ cảm thấy hiện giờ, tớ tin chắc mình thậm chí có thể thực hiện ba điều ước cho kẻ tham lam nhất thế giới.
Dybbuk hỏi:
– Vậy ai sẽ làm việc đó đây? Ai sẽ nhập vào cơ thể Hendrix?
Philippa liếc cậu:
– Giờ nó là mèo của cậu mà. Cậu làm là hợp nhất rồi.
Dybbuk lắc đầu nguầy nguậy:
– Ặc, nhưng đó là ý kiến của cậu mà. Ngoài ra, nếu cậu không phiền, tớ thật sự không muốn nhìn thấy chuyện đã xảy ra cho Brad và cha cậu ấy. Đó là chưa kể đến Max. Họ là bạn tớ.
Gật đầu đồng ý, Philippa nhún vai nói:
– Hiểu rồi. Ok, tớ sẽ làm vậy.
Bò ra cửa lều, Dybbuk nói:
– Để tớ đi lấy cái lồng đựng mèo. Cho tớ vài phút trước khi các cậu muốn làm gì, ok?
– Okay.
Ngay khi djinn rụng răng khôn và thực hiện lễ Tammuz - nghi lễ nhập môn tuyên bố sự gia nhập chính thức của họ vào thế giới djinn - việc nhập hồn vào cơ thể động vật hoặc con người là một trong những điều đầu tiên họ được dạy. Philippa đã có sẵn kinh nghiệm trong lãnh vực này: cô đã từng nhập hồn một con lạc đà, một con sóc, và một viên cảnh sát Ai Cập. Chờ cho đến khi nghe tiếng Dybbuk bên ngoài cái lều hơi lần nữa, cô nhắm mắt lại, dồn tất cả sự tập trung vào một điểm cố định ở ngay chính giữa trán, để khi cô thầm thì từ trọng tâm của mình, toàn bộ con người cô như trở thành những tia nắng mặt trời được hội tụ lại qua một gọng kính lồi:
– FABULONGOSHOOMARVELISHLYWONDER PIPICAL!
Bên trong cái lều hơi tối thui, nên khi nghe em gái mình thầm thì từ trọng tàm của cô, John bò ra bên ngoài để ngó thử.
Một hoặc hai giây sau đó, cậu và Dybbuk nghe một tiếng “meo” lớn vọng ra từ bên trong cái lồng mèo. Là Philippa ra hiệu cho họ biết cô đã ở bên trong Hendrix.
Philippa ở trong đó đến vài phút vì, dù trí nhớ của một con mèo thuộc dạng có chọn lọc, nó lại nhớ dai gấp 200 lần so với một con chó, lại kéo dài đến cả hai tuần, vượt qua cả khả năng ghi nhớ của loài đười ươi. Chui ra khỏi cái lều hơi sau khi đã lấy lại quyền điều khiển cơ thể mình, Philippa đối mặt với hai cậu con trai đang mở to cặp mặt chờ đợi.
Huýt một tiếng sáo đầy ngạc nhiên, Philippa nói:
– Em không biết loài mèo lại có một cuộc sống thú vị như vậy đấy. Tất cả những lời đồn đại về loài mèo có đến chín mạng sống hoàn toàn là sự thật. Chỉ có điều chín cái mạng ấy không tiếp nối nhau. Chúng diễn ra cùng một lúc.
Dybbuk nhắc:
– Giờ đâu phải lúc quan tâm đến chuyện đó, Philippa? Cậu có tìm được chuyện gì về Max không?
– Có. Tớ biết được chúng ta đã đúng. Max đã bị sát hại bới chính những người đã giết Brad và cha cậu ấy. Chúng bí mật đến với một cái giỏ đựng đầy rắn độc, và đã thả lũ rắn ra khắp sàn nhà. Chờ đến khi Brad và cha cậu ấy bị rắn cắn, chúng mới lộ mặt và đề nghị trao đổi thuốc kháng độc lấy thứ mà chúng đang tìm kiếm. Max cũng bị chuyện tương tự.
Dybbuk hỏi gấp:
– Và chúng đang tìm kiếm cái gì?
Philippa giải thích:
– Không phải cây gậy chỉ huy. Cũng không phải những bức tranh của Leonardo. Cái chúng đang tìm là bức Tranh Hiệp Hội. Bức tranh mà cậu giữ làm lưu niệm.
Dybbuk vỗ tay vào nhau cái chát:
– Biết ngay mà. Nhưng cậu có biết tại sao chúng săn lùng bức tranh đó không?
– Rất tiếc là không. Tớ chỉ biết chúng sẵn sàng giết người vì nó. Ông Blennerhassit đã khai với chúng là cậu đang giữ nó, Buck, vậy mà chúng vẫn để mặc cha con họ cho đến chết. Nhưng Max thì không tiết lộ bất cứ chuyện gì.
Dybbuk thầm thì:
– Ôi Max!
Đến lượt John hỏi:
– Nhưng chúng là ai mới được? Em có biết không?
– Em nghĩ có lẽ anh là người duy nhất tận mắt nhìn thấy chúng đấy, John. Chúng trông giống hệt những kẻ xâm nhập vào nhà mình mà anh đã mô tả lại. Quần áo cam. Sơn vàng vằn vện trên mặt. Và trong ký ước của Hendrix mà em thấy được, một trong bọn chúng đeo cái mề đay giống hệt cái mà chúng ta đã tìm thấy trên sàn thư viện ngày hôm sau. Cái mà mẹ đã gửi cho cậu Nimrod qua mail nội bộ djinn ấy.
John gãi đầu:
– Nhắc mới nhớ, cái mề đay đó sao rồi nhỉ? Chúng ta rốt cuộc vẫn chưa biết được nó là gì.
Rồi nhăn trán suy nghĩ trong giây lát, cậu nhún vai nói:
– Nhưng mấy tên đó đâu có theo đuổi bức tranh nào. Chúng muốn chôm mấy cái răng khôn của chúng ta đấy chứ. Hoặc ít nhất, đó là điều mẹ nghĩ.
Dybbuk ngạc nhiên hỏi:
– Có ai vui lòng cho tớ biết các cậu đang nói về chuyện gì được không?
Cặp sinh đôi kể cho Dybbuk nghe về vụ căn nhà trên đường 77 phía Đông của họ bị trộm viếng thăm, và về cái mề đay khắc hình rắn hổ mang bành mà họ đã tìm thấy.
Dybbuk nhíu mày nói:
– Rắn hổ mang hả? Con rắn trong bức tranh Hiệp Hội cũng là hổ mang bành. Chính xác là một con hổ mang chúa.
Philippa chợt tái mặt nói gấp:
– Ôi, Buck? Con rắn mà cậu thấy ấy. Ở đây, trên đảo Bannerman. Tớ không nghĩ đó là một con hổ mang bình thường đâu. Tớ chắc nó cũng là rắn hổ mang bành. Khi tớ ở trong thân thể và trí óc của Hendrix, tớ đã thấy một trong những con rắn mà những kẻ giết người mang theo bò đi đâu mất, và chúng buộc phải bỏ nó lại khi rời khỏi đây. Đó là lý do tại sao Hendrix leo lên trốn tuốt trên nóc tủ sách.
John đề nghị:
– Tớ nghĩ đã đến lúc chúng ta nên kiểm tra bức tranh Hiệp Hội của cậu rồi đấy, Buck.
o O o
Quay trở lại phòng khách, ba đứa trẻ ngồi sững trước lò sưởi với bức tranh trải rộng trên sàn trước mặt.
Đó là một bức tranh màu nước, mô tả một khung cảnh nhìn giống như Ấn Độ thời thuộc địa Anh. Trong cảnh nền, một pháo đài màu hồng to lớn nằm sừng sững trên đỉnh một vách núi, và ở cận cảnh, vài thổ dân Ấn Độ với vẻ mặt dữ dằn nhảy múa xung quanh một con rắn có bành to lớn. Ngóc người dậy trên cái đuôi của nó, con rắn trông cao bằng những con người kế bên nó. Trong suốt một lúc lâu, ba đứa bé djinn nhìn chằm chằm vào con rắn như bị thôi miên, trong đầu bắt đầu nhảy từ giả thuyết này sang giả thuyết khác.
John lên tiếng trước tiên:
– Nhìn sợ quá, khó có thể thấy Hermann Goering và mấy gã thờ rắn kia có mối quan tâm gì giống nhau.
Philippa nói:
– Ngoại trừ việc chúng ta đều biết Goering mê sưu tầm những gì. Những bức tranh đắt giá. Kim cương. Vàng. Bất cứ thứ gì nhiều tiền.
Dybbuk tiếp lời:
– Và dĩ nhiên bức tranh này không nằm trong số đó. Một ngàn rưỡi đô. Tay chuyên gia ở bảo tàng nói nó có thể chỉ đáng chừng đó tiền.
John lập lại:
– Có thể. Ngay cả một chuyên gia lão luyện cũng có khi phạm sai lầm.
Đến lượt Philippa:
– Nhưng John à, em không nghĩ một bức tranh như thế này lại có thể đáng giá hơn một bức họa của da Vinci. Anh nghĩ vậy à?
– Không.
Rồi cầm bức tranh lên như cầm một tờ báo, John săm soi nó một cách cẩn thận trước khi tuyên bố:
– Khó hiểu quá đi.
Sau một vài giây, em gái cậu nhắc nhở.
– Cẩn thận, John. Anh đứng gần lửa quá đó.
Nhưng John không nghe được em gái cậu vừa nói gì. Cậu còn đang bận căng mắt cố nhìn cho ra họa tiết trên tấm mề đay mà những thổ dân Ấn Độ đeo quanh cổ. Cậu gần như không chú ý đến khoảng cách giữa cậu và ngọn lửa trong lò sưởi, cũng như nhiệt độ tăng dần của tờ giấy mà lớp màu nước cũ được vẽ lên.
– John! Coi chừng! Anh làm cháy nó bây giờ!
Vừa kịp lúc, Philippa giật bức tranh khỏi tay John trước khi nó kịp bén lửa. Vừa định mở miệng trách cứ sự bất cẩn quá mức của ông anh, Philippa chợt khựng lại như bị đứng hình. Mắt mở to nhìn bức tranh, cô nói:
– Chờ đã. Có chuyện gì đó xảy ra với bức tranh này.
Lập tức John và Dybbuk chụm đầu lại ngó kỹ bức tranh, chúng nhận ra Philippa đã nói đúng. Một chuyên gì đó thật sự đã xảy ra với bức tranh, hay nói chính xác hơn là với tờ giấy mà nó được vẽ lên. Một dãy ký hiệu bắt đầu hiện ra ngay phía trên tòa pháo đài màu hồng - một dạng thông điệp tàng hình mà hơi nóng từ ngọn lửa đã làm nó hiển thị trở lại.
John tròn mắt xuýt xoa:
– Woa, mật thư ẩn.
Philippa giơ bức tranh lại gần ngọn lửa lần nửa và, thật cẩn thận, để hơi nóng phả lên toàn bộ chiều ngang và chiều dọc của bức tranh, để không bỏ sót bất cứ thông điệp vô hình nào. Cuối cùng, khi tất cả chữ viết đã hiện ra, họ đặt lại bức tranh xuống sàn và chăm chú nghiên cứu nó.
Lần này đến lượt Dybbuk lên tiếng trước tiên:
– Đây không phải chữ viết. Nó là một dãy hình những con rắn nhảy múa. Với một con số gắn liền vào đuôi mỗi con.
John nhận xét:
– Nó nhìn giống một dãy chữ viết nguệch ngoạc ấy.
Dybbuk nói:
– Ngoại trừ việc chả ai rảnh rỗi mà đi vẽ một dãy chữ viết nguệch ngoạc bằng mực tàng hình cả.
Philippa tiếp lời:
– Và cũng chẳng ai điên mà đi giết người chỉ vì vài chữ viết nguệch ngoạc. Không, rõ ràng những con rắn nhảy múa này mang một ý nghĩa nào đó.
John gợi ý:
– Một dạng mật mã chẳng hạn.
Philippa gật đầu:
– Chính xác. Mật mã mà chúng ta phải giải mã được nếu muốn biết rốt cuộc tất cả những chuyện này là như thế nào.
Rồi thở dài, cô nói:
– Nếu ông Rakshasas không phải đang đi du lịch thì tốt quá. Em cá ông ấy chỉ mất mấy giây là có thể cho chúng ta biết cái mớ loằng ngoằng này có nghĩa là gì, và mấy gã kia là ai.
John gục gặc đầu bảo:
– Chẹp, chắc ông Rakshasas cũng chẳng đi lâu đâu. Chẳng phải ông Groanin bảo ông ấy để lại cây đèn của mình ờ London sao?
– Ờ, đúng vậy.
John nói tiếp:
– Trong trường hợp đó, cả ông Rakshasas và cậu Nimrod có thể sẽ có mặt ở nhà khi chúng ta đến đó. Ở London.
Dybbuk thiếu điều hét toáng lên:
– London? Chúng ta? Ai nói tớ sẽ đi London?
John hỏi ngược lại:
– Chứ chẳng lẽ cậu muốn ở lại đây? Những kẻ giết Max có thể sẽ quay lại tìm cậu đó.
– Nhưng chúng ta sẽ đến đó bằng cách nào chứ? Khí hậu trên Đại Tây Dương giờ này lạnh lắm. Và đừng có mong tớ sẽ mạo hiểm mạng sống của mình mà cưỡi lốc gió lần nữa.
Philippa trấn an:
– Có thiếu gì cách bay khác, Buck. Ngay cả với djinn.
Dybbuk nhăn mặt nói:
– Trong trường hợp đó, chúng ta cần tiền, hộ chiếu, vé, và quần áo sạch. Còn Hendrix thì sao? Chúng ta đâu thể để nó lại một mình trên một hòn đảo vắng người như thế này, và chúng ta cũng đâu thể mang nó theo lên máy bay.
John gợi ý:
– Tớ có một ý này. Philippa, còn nhớ ông lão lái thuyền chở chúng ta đến đây không?
Philippa gật đầu cái rụp:
– Đúng rồi. Con mèo của ông ấy vừa chết. Và ông ấy bảo hiện đang rất cô đơn.
John nhe răng cười:
– Chính xác. Ông ấy trông có vẻ là một người tốt. Và tớ chắc ông ấy thích mèo.
Dybbuk đồng ý:
– Ok. Nghe cũng được.
– Vậy chúng ta chỉ còn lại một vấn đề nhỏ với vé, tiền, và quần áo, đúng không?
Nhặt lên một cục đá và bỏ nó vào giữa những hòn than hồng, John tuyên bố:
– Có vẻ như chúng ta cần thêm ít thời gian nữa trong lều hơi.
Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 3 - Hổ Mang Chúa Kathmandu Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 3 - Hổ Mang Chúa Kathmandu - Philip Ballantyne Kerr Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 3 - Hổ Mang Chúa Kathmandu