Thành công là đi từ thất bại này sang thất bại khác mà không đánh mất lòng nhiệt tình của mình.

Winston Churchill

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 402 / 31
Cập nhật: 2019-11-13 12:06:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2 - Đi Khám Răng
ầu hết trẻ em đều nóng lòng chờ đợi thời điểm cuối học kỳ mùa xuân và bắt đầu kỳ nghỉ mùa hè. Nhưng với cặp sinh đôi, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ hè luôn gắn liền với một nỗi căm ghét pha lẫn sợ hãi đáng kể, vì đó luôn là ngày bà Gaunt chọn để đưa John và Philippa đi khám răng.
John và Philippa có những hàm răng khỏe mạnh, trắng như kẹo bạc hà, và đều đặn như một dãy xe đậu. Chẳng đứa nào từng phải trám răng, và trên thực tế, chúng thường chẳng bao giờ phải lo lắng về chuyện đó. Tuy nhiên, chúng lại luôn có cảm giác rằng một ngày nào đó, nha sĩ Larr sẽ tìm thấy một thứ gì đó trong hàm răng của chúng cần được chỉnh sửa, và rồi tất cả những mũi khoan sáng loáng, ống tiêm, cây chọc và que thăm bằng sắt nằm trên bàn của ông giống như những công cụ tra tấn sẽ thình lình được trưng dụng cho những việc hứa hẹn nhiều đau đớn. Cặp sinh đôi đã xem quá nhiều phim để hiểu rằng một nha sĩ có thể gây ra sự đau đớn như thế nào một khi ông bắt tay vào làm việc thật sự thay vì chỉ đơn thuần làm công việc kiểm tra thường lệ như chúng vốn đã quen.
Đó có lẽ là lý do tại sao sáng sớm ngày hai anh em có hẹn với nha sĩ Larr, John thức dậy từ một cơn ác mộng y như thật mà trong đó, cậu bị một cơn đau răng khủng khiếp hành hạ: một cơn đau răng kinh khủng đến nỗi có thể biến một người đàn ông trưởng thành mạnh mẽ thành một cái bánh trứng đường rên ư ử suốt ngày, hay có thể khiến một con gấu xám hung dữ trở thành bạn chí thân của một cậu bé đủ can đảm lãnh vai trò của một nha sĩ thú y; một cơn đau răng mà trong giấc mơ của John kết thúc bằng việc tất cả răng của cậu bị nhổ sạch.
Thở hổn hển, người đầy mồ hôi và run rẩy vì sợ hãi, John té lăn ra khỏi giường, tay bưng mặt, và nhẹ cả người khi nhận ra cơn đau răng đó chỉ là ác mộng. Nhưng có một chuyện còn kỳ lạ hơn so với giấc mơ đã xảy ra, vì khi cậu đang ngủ, tấm gương treo trên bức tường kế bên giường ngủ của cậu đã bị nứt từ bên này sang bên kia. Và không chỉ tấm gương mà cả tấm ván đầu giường cậu cũng bị nứt, làm cho vết nứt từ tấm gương dẫn thẳng xuống lớp gỗ. Hoặc có thể là ngược lại, vì còn có cả một vết cháy xém và rách nhỏ trên cái gối ngay chỗ đầu cậu đã đặt lên, giống như sự đau đớn được tạo ra bởi trí óc trong mơ của cậu đã tự biến nó thành một dạng sức mạnh gây ảnh hưởng đến tất cả những đồ vật xung quanh phòng cậu.
Ít nhất đó là suy nghĩ ban đầu của John.
Đứng quan sát những tổn hại từ cửa phòng, Philippa hỏi anh:
– Đêm hôm qua anh đã làm gì vậy? Cảm thấy đói bụng đến nỗi phải gặm tường cho đỡ đói à?
John bực dọc hỏi lại:
– Bộ nhìn anh giống một con chuột đồng lắm sao?
Tuy nhiên cậu không dám nói cho em mình nghe về điều cậu nghĩ có thể là lời giải thích cho vết nứt kỳ lạ trên tường vì sợ cô em gái sẽ cười vào mũi cậu.
Philippa nói:
– Không. Nhưng thỉnh thoảng anh có mùi y như nó.
Bước đến bên tấm gương, cô cẩn thận vê ngón tay dọc theo vết nứt rồi nhận xét:
– Nếu em không biết rõ, em sẽ nói nhìn cái này giống như kết quả của một trận động đất. Chỉ có điều cơn động đất cuối cùng ở New York chỉ có 5,1 độ và đã xảy ra vào năm 1983.
John ngạc nhiên nói:
– Em có vẻ biết nhiều về nó thế.
– Em đã xem một bộ phim trên tivi về nó vài tuần trước.
Rồi cô đột nhiên chau mày lại và nói:
– Lạ quá.
John tán thành:
– Dĩ nhiên là lạ rồi.
Nhưng Philippa đã đi ra khỏi phòng cậu, và trong vài phút, cậu không còn nghĩ ngợi gì về lời em mình vừa nói, cho đến khi cô quay lại với một tờ báo New York Times trên tay. Đẩy tờ báo vào tay anh mình, cô nói:
– Anh xem thử cái này đi.
– Báo của ngày hôm qua à? Thì sao?
– Họ nói có một trận động đất vừa xảy ra ở Ai Cập.
– Điều đó thì liên quan gì đến vết nứt trên tấm gương của anh chứ?
– Anh nhìn kỹ nhé.
Miệng nói, Philippa với tay lấy lại tờ báo. Cô đặt nó lên trên tấm gương, sao cho tấm hình ở trang bìa về vết nứt trên bức tường của Bảo tàng Cổ vật Ai Cập nổi tiếng thế giới ở Cairo nằm bên cạnh vết nứt trên tấm gương phòng John. John há hốc mồm vì kinh ngạc: hai vết nứt ngoằn ngoèo có vẻ rất ngẫu nhiên ấy lại giống nhau như đúc.
John thở dài một tiếng đầy kinh ngạc:
– Woa. Tuyệt cú mèo.
Philippa lại chau mày. Cô buộc tội:
– Anh cố tình làm thế phải không? Để làm em sợ.
John biện minh:
– Anh không có làm gì hết. Thật đó. Anh chỉ thức dậy và nó đã có ở đó, anh thề đấy.
– Vậy thì chuyện gì đã xảy ra?
– Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng anh đã mơ thấy bị dính một cơn đau răng khủng khiếp. Và điều kỳ lạ là vết nứt này dường như bắt đầu từ ngay chỗ má mà anh kê lên gối.
Thay vì chế giễu anh mình, Philippa xem xét cái gối.
Rồi cô hỏi:
– Vậy tại sao em không mơ thấy điều đó? Ý em là, chẳng phải chúng ta thường có những giấc mơ y hệt nhau sao?
John thú thật:
– Anh cũng đã thắc mắc về điều đó. Và anh đi đến kết luận rằng, đó là bởi vì anh sợ đến nha sĩ hơn em.
Philippa gật đầu: đó là sự thật. Nhưng cô nói:
– Nhưng điều đó vẫn chưa giải thích được sự giống nhau giữa vết nứt trên tường phòng anh với vết nứt trên bức tường ở Bảo tàng Cairo.
Vài giờ sau đó, cả hai vẫn tiếp tục bàn về vết nứt trên tường khi chúng leo lên 24 tầng lầu dẫn đến phòng răng của nha sĩ Maurice Larr tại Đại lộ số 3.
Mẹ chúng, do đi bằng thang máy, đã có mặt sẵn trong phòng đợi khi hai anh em đến nơi. Nha sĩ Larr đang nói chuyện với bà – không phải về vấn đề răng miệng mà về tennis, môn thể thao mà cả bà Gaunt và ông Larr đều rất say mê.
Ông Larr ngước nhìn qua gờ phía trên cặp mắt kiếng của mình và nháy mắt với lũ trẻ. Ông mô tả về trận đấu tennis mới nhất của họ:
– Mẹ các cháu đã làm bác thua lăn lóc. Dẫn bác đến chỗ tẩy rửa quần áo và lấy được phiếu giảm giá. Bà ấy thật sự có thể trở thành một vận động viên chuyên nghiệp đấy. Nhiều phụ nữ chơi tennis để kiếm sống sẽ ao ước cả đời để có được một cú phát bóng như mẹ các cháu. Và các cháu biết gì không, mẹ các cháu làm nó đẹp đẽ như một môn nghệ thuật ấy. Ngay bản thân việc đó đã là chuyện hiếm. Các cháu đã xem biết bao trận chung kết tennis của các quý bà mà trông cứ như trong trận đấu vòng loại của nam nhi rồi, đúng không. Với mẹ các cháu thì không có chuyện đó đâu nhé… Các cháu nên tự hào về bà.
Cặp sinh đôi gật đầu một cách lịch sự. Chúng đã quá quen với những lời tán dương mẹ mình lên tận mây xanh vì bà giỏi cái này giỏi cái kia. “Miễn nhiễm” với một thứ khó định nghĩa như sự quyến rũ, chúng thỉnh thoảng nghĩ rằng mẹ mình dường như có một sức thu hút lạ lùng, thậm chí bí ẩn đối với mọi người, gần như thể cuộc sống đã cho bà một chút vượt trội, làm cho tất cả mọi thứ về bà luôn nổi bật hơn người khác. Những người thợ làm đầu khen ngợi mái tóc đen mượt xinh đẹp của bà và nói bà nên đi quảng cáo cho dầu gội. Những nhà thiết kế váy áo khen ngợi thân hình hoàn hảo của bà và nói bà nên đi làm người mẫu thời trang. Những nhân viên tư vấn mỹ phẩm khen ngợi làn da căng mềm mại như lụa của bà và nói bà nên cho ra dòng mỹ phẩm của riêng mình. Các nhà văn khen ngợi trí thông minh của bà và nói bà nên viết một cuốn sách. Khách tham gia tiệc tối khen ngợi tài nấu ăn của bà và nói bà nên mở một nhà hàng. Những nhà hoạt động từ thiện khen ngợi khả năng quyên góp tiền cho những hoạt động nhân đạo của bà và nói bà nên làm một chính trị gia. Cho nên đối với John và Philippa, không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Larr đánh giá cao về khả năng chơi tennis của mẹ chúng.
Bà Gaunt mỉm cười:
– Thôi nào, anh Mo. Anh làm tôi xấu hổ đấy.
Nhưng cặp sinh đôi biết rằng mẹ chúng không ngại gì chuyện đó. Nếu như bà Gaunt có một nhược điểm, thì đó chính là việc bà rất thích được khen. Bà khao khát chúng như những kẻ háu đói ăn quá nhiều bánh ga-tô.
Nhìn hai đứa trẻ, nở nụ cười thân thiện nhất của mình, ông Larr xoa hai tay vào nhau, hỏi:
– Okay, vậy thì ai trong hai cháu sẽ ngồi vào ghế của bác Mo trước đây?
Bà Gaunt trả lời:
– John.
Và đó là tất cả những gì cần nói. Bà Gaunt đã quen với việc được nghe lời hoàn toàn mà không bị thắc mắc hỏi lại gì – giống như một ông thẩm phán hay một viên cảnh sát.
John ngồi lên ghế, trong khi ông Larr đeo một cặp găng tay cao su vào khiến cho bàn tay của ông nhìn như vừa được nhúng vào một xô kem. Rồi ông đến đứng bên cạnh John và dùng mũi giày nhấn một cái nút trên sàn. Cái ghế da từ từ nâng lên cao, khiến John cảm thấy mình như một tình nguyện viên được một nhà ảo thuật nâng lên trên không trung.
Bật một cái đèn làm ấm mũi John, ông Larr nói:
– Mở miệng to ra nào.
John há miệng ra.
– To chút nữa đi John. Thế. Cám ơn.
Và vũ trang với một cái gương nhỏ nhìn giống như một cây gậy chơi gôn bé xíu, cùng một cái gậy móc sắc nhỏ, ông Larr dòm vào kiểm tra bên trong miệng John. Ông cúi sát đến nỗi John có thể ngửi được mùi thuốc đánh răng trong hơi thở của ông và mùi nước cạo râu Acqua di Parma – cha cậu cũng dùng loại này – trên lớp da rám nắng của ông.
– Mmm-hmm.
Ông Larr nói theo cách của một người chuyên nói “Mmm-hmm” một ngàn lần mỗi ngày. Và rồi ông thình lình nói:
– Ồ, ồ, chúng ta có gì ở đây thế nhỉ?
John nắm chặt tay trên thành ghế một cách lo lắng. Ông Larr tiếp tục:
– Ồ, ồ, cái gì đây? Và thêm một cái nữa? Ấy chà.
Nhấc cặp kính bảo hộ lên và hạ cái khăn bịt mặt của mình xuống, ông Larr quay qua bà Gaunt và hỏi:
– Layla, nhắc tôi nhớ xem năm nay John bao nhiêu tuổi nhỉ?
– Mười hai tuổi, anh Mo à.
– Tôi cũng nghĩ vậy.
Ông lắc đầu và mỉm cười:
– Tôi chưa bao giờ thấy chuyện như vầy ở một cậu bé cỡ tuổi John. Hay nên gọi là một chàng trai trẻ nhỉ? Cháu có răng khôn đấy, John. Người trẻ nhất có răng khôn mà bác từng gặp.
Bà Gaunt ngồi xuống ghế một cách nặng nề và lầm bầm:
– Răng khôn? Vậy là xong rồi.
John chống cùi chỏ nhổm dậy. Việc có răng khôn nghe có vẻ đỡ hơn việc có răng cần phải trám. Cậu hỏi:
– Răng khôn? Là gì vậy bác?
– Người ta gọi chúng là răng khôn vì bình thường cháu chỉ có chúng một khi cháu lớn lên. Cháu thấy đó, người ta vẫn cho rằng cháu phải lớn lên thì mới thông minh, chín chắn được. Cho dù cháu sẽ không nghĩ vậy về cái cách xử sự của một số người lớn.
Ông Larr tiếp tục nói:
– Layla, vấn đề ở đây là, hàm của cháu nó chưa đủ rộng để chứa bốn cái răng mới. Đúng thế đấy, John.
Giống y như trong sách Khải huyền. Cháu có đến bốn cái răng khôn đấy. Và bởi vì hàm của cháu không đủ lớn cho cả bốn cái răng mới, nó sẽ gây rắc rối cho những cái răng khác của cháu. Những cái răng khôn này sẽ ép những cái răng khác lại với nhau khiến cho nụ cười đều đặn như hàng thông của cháu sẽ cong oằn, vặn vẹo. Và chúng ta không muốn điều đó xảy ra, đúng không nào?
Mặc dù đã dự đoán được trước câu trả lời, John vẫn hỏi:
– Vậy theo bác, phải làm gì bây giờ?
– Những cái răng khôn này phải được lấy ra, John à. Cháu sẽ phải nhổ răng. Chính xác là nhổ bốn cái răng. Cũng nên đặt giường trong bệnh viện. Cháu sẽ cần được gây mê trước, và sau đó chúng ta sẽ nhổ chúng ra khi cháu đang ngủ.
John tái mét:
– Cái gì?
Ông Larr trấn an cậu:
– Ấy, không có gì phải sợ đâu, chàng trai trẻ. Đích thân bác sẽ làm việc đó. Cháu sẽ không cảm thấy gì đâu. Dễ như ăn bánh ấy mà. Layla, tôi có thể sắp xếp việc này vào ngày mốt, nhưng không biết như thế có tiện cho chị và cháu không nhỉ?
Bà Gaunt hỏi:
– Anh Mo, bộ chúng cần phải được nhổ bây giờ sao? Chúng ta không thể để một thời gian nữa à? Ý tôi là, việc này hơi bị bất tiện.
Ông Larr nói:
– Đối với một cái miệng còn nhỏ như của John, tôi khuyên là nên thực hiện việc này càng sớm càng tốt. Chưa tính gì đến khía cạnh đẹp hay xấu, những cái răng khác của cháu nó có thể bị nén chặt vào xương hàm. Và rồi chúng có thể bị áp-xe và nhiễm trùng.
Bà Gaunt thở dài:
– Được rồi, anh Mo. Cứ theo lời anh nói đi. Nếu cần nhổ thì phải nhổ thôi. Anh biết đó, chẳng qua tôi chỉ chưa chuẩn bị tinh thần cho chuyện này xảy ra quá sớm thôi.
– Ai có thể chuẩn bị sẵn cho một sự phát triển sớm như vầy chứ? Ok, phần cháu xong rồi đó, chàng trai trẻ. Hãy kiểm tra cho em của cháu nào. Phil, lại đây và hãy làm như một ca sĩ opera nào.
Philippa ngồi lên ghế và há to miệng. Cô chắc chắn rằng ông Larr sẽ không tìm thấy gì thú vị trong miệng cô, và hoàn toàn hạnh phúc với việc ông nghĩ cô có những cái răng ít hứng thú nhất thế giới. Chẳng có gì bất ngờ với việc John là người trẻ nhất có răng khôn mà ông Larr từng biết đến. “Anh ấy luôn phô trương thế”, Philippa nghĩ thầm rồi cố gắng thả lỏng người thư giãn và nghĩ về việc cô sẽ bỏ phiếu chọn bộ phim nào sau khi chuyến đi khám răng của cô kết thúc: sau khi đến phòng răng, bà Gaunt luôn dẫn cặp sinh đôi đi xem phim.
Ông Larr cắt ngang dòng suy nghĩ của cô:
– Woa, không thể tin được. Layla, bà biết gì không? Tôi biết con của bà là trẻ sinh đôi, nhưng như vầy đúng là quá bất ngờ.
Bà Gaunt lại buông ra một tiếng rên đầy ngao ngán.
Philippa muốn hỏi, “Chuyện gì vậy, bác Larr?”, nhưng vì miệng cô đang đầy nhóc ngón tay và những dụng cụ nha khoa của ông Larr, nên những gì phát ra từ miệng cô là:
– Chu… gi… va, ba… La…?
Hoàn toàn hiểu thứ ngôn ngữ kỳ lạ ấy, ông Larr rút tay và dụng cụ ra khỏi miệng Philippa. Gỡ mặt nạ ra, ông cười rạng rỡ và tuyên bố với cô:
– Bác sẽ nói cho cháu biết đó là gì, cô gái trẻ. Đây là lịch sử của cả ngành nha khoa. Cháu cũng có răng khôn, y như anh của cháu.
Bà Gaunt lầm bầm theo cái cách mà John nghĩ bà không nghĩ vậy tí nào:
– Tuyệt vời. Đúng là tuyệt vời.
Nhìn thẳng vào John với vẻ đắc thắng, Philippa nói:
– Ha, vì cháu ra đời muộn hơn anh John mười phút, vậy thì cháu sẽ là người trẻ nhất có răng khôn mà bác từng thấy, thay vì cậu bé mặt mụn kia.
Philippa luôn gọi anh mình là cậu bé mặt mụn khi cô muốn chọc tức cậu.
– Bác cho rằng đúng là như thế.
Ông Larr đáp, rồi quay sang cười tươi với bà Gaunt, nhận xét:
– Những đứa trẻ này, chúng thật tuyệt vời.
Bà Gaunt trả lời một cách yếu ớt:
– Ừ. Tuyệt vời lắm.
Cầm tay bà Gaunt lên và vỗ nhẹ, ông tiếp tục:
– Tôi không biết tại sao tôi lại phải ngạc nhiên thế nhỉ. Lũ trẻ có một bà mẹ đặc biệt thế cơ mà.
Philippa nhăn mặt vì sự bất công của câu nhận xét đó. Cô là người trẻ nhất có răng khôn mà ông Larr từng thấy, thế mà ông lại xử sự như thể tất cả là nhờ mẹ cô. Như thể đó là một thứ gì đó bà đã làm, giống việc bà chơi tennis giỏi hay có một làn da đẹp.
Philippa hỏi:
– Vậy điều đó có nghĩa là gì?
Bà Gaunt trả lời:
– Rắc rối. Điều đó nghĩa là rắc rối.
– Ý con là, liệu những cái răng khôn của con có cần phải nhổ luôn không?
Ông Larr trả lời:
– Ừ, chúng cũng phải được nhổ, Philippa. Tốt nhất là chúng ta làm việc đó cùng lúc với anh cháu. Chúng ta sẽ đặt hai đứa vào hai cái giường đối diện nhau, nên các cháu sẽ không cô đơn đâu.
Và nhìn về phía bà Layla, ông lắc đầu nói:
– Và Layla à, thật sự sẽ không có rắc rối gì đâu.
Vẻ mặt mệt mỏi, bà Gaunt sắp xếp cuộc hẹn nhổ răng với ông Larr và rồi đi bộ cùng hai con về ngôi nhà trên đường 77. Bà nói:
– Mẹ nghĩ chúng ta nên hoãn chuyến đi xem phim hôm nay lại. Mẹ phải báo tin này cho cha các con. Và chúng ta còn phải dàn xếp nhiều chuyện khác.
Hy vọng trả đũa cô em gái vì lời nhận xét cậu bé mặt mụn mới nãy bằng cách làm cô lo lắng, John hỏi mẹ:
– Ví dụ như gọi điện cho nhà tang lễ à mẹ?
– Đừng ngớ ngẩn thế, con trai. Bác Larr nói đúng đấy. Chẳng có gì phải lo lắng đâu.
Bà Gaunt gượng cười như thể đang tự thuyết phục bản thân về điều đó. Bà nói:
– Có điều này mẹ nên nói với các con. Mẹ không nói hồi nãy trước mặt bác Larr vì bác ấy hào hứng quá, chứ thật ra, việc có răng khôn sớm không có gì là bất thường ở bên phía dòng họ của mẹ. Thực tế, mẹ cũng chỉ hơn các con vài tuổi khi mẹ phải đi nhổ răng khôn. Và nhìn mẹ thử xem!
Bà nở một nụ cười quảng cáo kem đánh răng hoàn hảo chứa đầy nỗi buồn và sự lo âu rồi kết luận:
– Mẹ có những cái răng hoàn hảo đây này.
John rên rỉ:
– Con biết. Nhưng phải đến tận bệnh viện thì…
Mẹ cậu trấn an:
– Hãy nghĩ thế này nhé! Đây là một nghi lễ để trở thành một người trưởng thành. Lớn lên là như thế.
Bà thêm vào:
– Gấp đôi trong trường hợp của các con, vì là anh em sinh đôi.
Bà Gaunt thở dài và nhấc một điếu thuốc lá lên môi. Cặp sinh đôi nhăn mặt. Chúng ghét việc bà hút thuốc. Đây dường như là phần kém hấp dẫn nhất của bà Layla Gaunt, đặc biệt là ở New York nơi người ta khuyến khích những chuyện như là chuyện hút thuốc nhiều hơn là chuyện súng ống.
John nhăn nhó hỏi:
– Mẹ cứ phải hút thuốc mới được sao?
Lờ đi sự không tán thành của con, bà Gaunt nói tiếp:
– Thế này nhé, nếu các con can đảm đến bệnh viện nhổ răng khôn mà không phàn nàn gì, các con có thể tham gia trại hè. Các con thấy thế nào?
– Mẹ nói thật chứ?
– Dĩ nhiên là thật rồi. Tất cả những gì mẹ yêu cầu là cả hai con phải can đảm. À, và mẹ được giữ những cái răng khôn đó.
Philippa hỏi:
– Mẹ muốn giữ những cái răng à? Cả tám cái? Kinh quá! Mẹ cứ tự nhiên đi.
John hỏi:
– Tại sao mẹ muốn giữ chúng?
– Các con có thể coi nó như một món đồ lưu niệm ấy. Mẹ đang nghĩ có thể mẹ sẽ đem chúng đi bọc vàng và làm thành một cái vòng đeo tay.
John nhận xét:
– Tuyệt cú mèo. Cứ y như việc đeo răng nanh vậy. Con hiểu rồi.
Bà Gaunt nói tiếp:
– Các con sẽ có một mùa hè tuyệt vời. Mẹ biết có một trại hè khá hay ở Salem, Massachusetts. Ở đó, cả hai con sẽ…
Philippa phản đối:
– Mẹ, con không muốn tham gia cùng một trại hè với anh ấy.
John nói:
– Và con chắn chắn không muốn đi đến một cái trại nào đó ở Massachusetts với Philippa. Con muốn học một số kỹ năng sinh tồn.
Bà Gaunt nói:
– Mẹ bảo đảm với các con rằng Nhà Alembic là một trong những trại hè dành cho cả nam và nữ tốt nhất ở Bắc Mỹ. Sáu trăm hecta với đồng cỏ, đồi, suối, và rừng cây với một thác nước cao hai dặm. Các con sẽ có những khoảng thời gian tuyệt vời ở đó. Dĩ nhiên, nếu không muốn đi, các con vẫn có thể đi nghỉ hè với cha mẹ ở đảo Long Island giống như mọi năm.
John nhìn Philippa và nhún vai. Nhà Alembic nghe tốt hơn nhiều so với việc không có một cái trại hè nào; và tất cả mọi thứ đều tốt hơn việc lại phải trải qua một mùa hè buồn chán ở Hamptons. Philippa gật đầu lại với anh và nói:
– Không. Con nghĩ đến Nhà Alembic cũng là một ý hay.
John đồng ý:
– Dĩ nhiên rồi. Vậy bao giờ chúng con có thể đi?
Bà Gaunt nói:
– Có lẽ sẽ cần vài ngày để các con hồi phục lại sau cuộc giải phẫu. Và dĩ nhiên mẹ sẽ phải thuyết phục cha các con. Mẹ biết cha rất mong chờ được nghỉ hè cùng các con. Nhưng các con thấy khoảng tuần tới thế nào?
Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 1 - Truy Tìm Akhenaten Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 1 - Truy Tìm Akhenaten - Philip Ballantyne Kerr Hậu Duệ Thần Đèn - Tập 1 - Truy Tìm Akhenaten