Tôi không thể cho bạn một công thức thành công, nhưng tôi có thể cho bạn một công thức cho sự thất bại, đó là: cố gắng làm vừa lòng mọi người.

Herbert Bayard Swope

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 9007 / 63
Cập nhật: 2015-06-30 20:58:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
hoàng mở mắt, tôi thấy chói chang bởi ánh sáng của nhiều ngọn đèn ne-on trên trần tỏa ngập cả căn phòng. Đây là đâu? Giờ này là mấy giờ? Bỗng có giọng nói thật quen reo lên:
- Phượng tỉnh rồi hả, chị đây này, em nhận ra chị không?
Tôi ngước nhìn và lờ mờ cảm nhận đó là chị Sáng. Chị nắm lấy bàn tay tôi, cánh tay vướn víu ống nhựa truyền dịch. Chị Sáng lại giục:
- Em nhận ra chị không?
Tôi ứa nước mắt gật đầu. Giọng chị trách móc:
- Sao em dại dột thế! ...
Không để chị Hoa nói hết câu, người y tá trực yêu cầu chị để yên cho tôi tĩnh dưỡng, không nên gây xúc động lúc này.
Tôi bắt đầu nhớ lại từ từ mọi chuyện không đầu, không đuôi vừa xảy ra như một khúc phim quay chậm bị đứt nhiều khúc trong kí ức. Tôi nhớ là mình đã uống hết mấy vỉ valium và optalidon ở nhà chị Sáng và rồi chẳng biết gì nữa. Như thế là tôi vẫn không được chết, mà chỉ gây phiền toái thêm cho mọi người. Cứ tưởng sống mới khó chứ tìm đến cái chết thì quá dễ dàng, nào ngờ đường vào cõi chết cũng lắm gian nan, chẳng phải cứ muốn là được. Tôi nghe ê ẩm toàn thân và ruột gan quặn thắt như bị bào mòn. Tôi nhắm nghiền đôi mắt và nghe rõ giọng một người đàn ông nói với ai đó thật gần ở đầu giường:
- Tỉnh rồi hả, thế là đã qua cơn nguy kịch.
Rồi những ngón tay của người đàn ông đó lần lượt banh hai mi mắt của tôi ra, giọng ông ta nhẹ nhàng:
- Nào, thử mở mắt ra có được không?
Theo lệnh của ông ta, tôi từ từ mở mắt. Ông hỏi tiếp:
- Có nghe tôi nói gì không?
Tôi khẽ gật đầu.
- Có biết đây là đâu không?
Tôi lại gật đầu.
Ông ta quay đi và một lúc sau tôi biết người ta đang chích cho tôi một mũi thuốc vào vai. Tôi lại ngủ, chẳng biết giấc ngủ kéo dài bao lâu nhưng khi tình giấc đã thấy chị Sáng ngồi trên chiếc ghế nhựa sát bên cạnh giường. Tôi mấp máy bờ môi và nói được những tiếng yếu ớt:
- Trời sáng chưa? Bây giờ là mấy giờ rồi?
Chị Sáng trả lời:
- Năm giờ chiều rồi em.
Tôi ở trong tình trạng dật dờ, lúc tỉnh lúc mê tại phòng cấp cứu của bệnh viện Trưng Vương thêm một đêm nữa mới dần dần ý thức được rõ ràng hơn mọi việc. Tính ra, tôi đã được đưa vào đây gần bốn mươi tám tiếng đồng hồ, nhưng rồi phải mất thêm mấy ngày nữa mới được chuyển ra phòng tập thể. Tội nghiệp, hết chị Hoa đến chị Sáng, có khi là con Khanh cứ thay phiên nhau túc trực bên tôi cả ngày lẫn đêm cho đến khi chuyển phòng thì mỗi ngày hai lần họ mang đồ ăn vào buổi sáng và chiều rồi về ngay để lo công việc, ban đêm tôi nằm lại một mình. Vất vả như thế mà mỗi lần gặp mặt, hai chị vẫn vỗ về tôi bằng những lời lẽ dịu dàng:
- Em thật dại dột, chết mà giải quyết được gì. Ở trên đời, mình khổ vẫn còn lắm kẻ khổ hơn, hoàn cảnh mình éo le khối người còn éo le hơn nữa mà người ta vẫn ham sống. Ai rồi cũng phải chết một lần thì có chi phải vội vàng, phải sống mà nhìn thiên hạ chứ! Em còn quá trẻ, tương lai còn dài, biết đâu ngày mai sẽ tươi sáng gấp vạn lần hôm nay.
Một vài người lớn tuổi đi nuôi bệnh ở cùng phòng, chẳng biết vì nguyên do nào khiến tôi tự tử cũng tìm đến khuyên lơn theo cách của họ:
- Mày sinh đẹp như thế sao lại khờ dại đi tìm cái chết, bộ thất tình hả? Tự tử là đại bất hiếu con ơi! Cha mẹ sinh mình ra, nuôi nấng đến chừng này tốn biết bao công sức, lẽ nào lại hủy diệt đi mà chẳng sợ đấng sinh thành đau lòng. Từ rày chớ có làm việc thiếu suy nghĩ như thế nữa nghe con. Đâu có ai biết rằng sau lần thoát khỏi lưỡi hái tử thần này, tôi đã cảm thấy sợ chết vô cùng, nhất là chết bằng cách tự kết liễu đời mình sao mà nó đau đớn và dằn vặt thân xác đến thế. Đó là chưa tính không chết được, lúc tỉnh dậy còn thấy xấu hổ, ngượng ngùng với mọi người. Tuy nhiên lòng tôi vẫn nặng trĩu nỗi buồn vời vợi cho số phận mình! Ngày mai, mơ hồ và đen tối lắm, làm sao tôi có thể thoát khỏi những khó khăn chồng chất đang chực chờ tiếp tục vây khốn mình. Ai có thể hàn gắn được những tổn thương tinh thần đã đày đọa tôi suốt những năm tháng làm người?
Bây giờ thì tôi đã tự đi lại loanh quanh bằng những bước chân yếu ớt. Có những đêm thao thức, tôi lần ra hành lang ngồi nhìn những vì sao lung linh trên trời mà tiếc nuối tuổi thơ, mà nhớ mẹ, thương em đến xót xa lòng. Ngày xưa, có những buổi nhá nhem chiều, lấm tấm sao trời, tôi cõng em Huy về sau một ngày lang thang vất vả kiếm ăn vẫn thấy lòng ngập tràn ước mơ cổ tích. Ngày xưa, những sáng mai trăng sao chưa lặn, mắt còn ngái ngủ, chân đã bước thấp, bước cao ra quán phở bà Cúc, chợt thót tim khi thấy một ánh sao băng mà tin rằng ai đó vừa mới qua đời. Ngày xưa, cũng bầu trời đầy sao này, cũng dãy ngân hà vằng vặc bờ mây, tôi hồn nhiên cười đùa với Bích Loan, Bích Vân trong hương rừng theo gió đưa về… Mới đó thôi mà tuổi thơ đã mất, tất cả đã chìm sâu vào quá khứ, chỉ còn lại tôi, một mình làm thân thiếu nữ bơ vơ, tủi nhục, đớn đau một đời. Tự nhủ lòng sẽ không bao giờ tìm đến cái chết một lần nào nữa, nhưng sau biến cố này, tôi sẽ tìm đến một ngôi chùa nào đó xin tá túc. Có thể là một thời gian cho đến khi nào gặp lại được mẹ và các em, nhưng cũng có thể sẽ chôn vùi đời mình trọn kiếp ở chốn thiền môn.
o O o
Một buổi trưa, không khí bệnh viện yên tĩnh như thường nhật, tôi đang nằm mơ màng, cố tìm giấc ngủ thì chị Hoa đến, theo sau là chú Thạch. Chưa kịp ngồi dậy, tôi đã nghe chị Hoa nói như reo mừng:
- Phượng ơi, chú Thạch đã lấy lại được chiếc xe và sợi dây chuyền cho em rồi này.
Chưa kịp phản ứng gì thì chú Thạch đã đến bên cạnh giường, trao sợi dây chuyền, cạc-vẹc và chìa khoá xe cho tôi. Mới nhìn thoáng qua, tôi đã nhận ra đúng là sợi dây chuyền của mẹ tặng mà tôi gìn giữ, nâng niu suốt mấy năm trời. Vẫn là tấm cạc-vẹc xe ngã màu, được bọc nhựa đã sờn hai bên mép, chỉ có chìa khoá xe được gắn thêm chiếc móc có con gấu nhỏ màu hồng đeo tòn ten. Quá đỗi bất ngờ, nhưng không hiểu tại sao tôi lại đón nhận tin mừng này bằng tất cả dửng dưng, không mừng mà cũng chẳng vui, phải chăng những khổ đau dồn dập đã làm tê cóng đi mọi cảm xúc trong tôi. Có điều là tôi rất ngạc nhiên, không biết do đâu mà chú Thạch tìm được Lan Anh để thu hồi tài sản lại cho tôi một cách tài tình đến thế. Chưa vội đi vào câu chuyện có vẻ li kì này, chú Thạch nhìn tôi gầy còm, xanh xao, nói đầy vẻ trách móc:
- Tình cờ kiếm được xe và sợi dây chuyền, chú định mang đến nhà chị Hoa trao lại cho cháu, nhưng vừa đến nơi mới hay cớ sự như vầy. Chú buồn và giận cháu lắm! Mọi thứ trên đời mất đi có thể kiếm lại được, thậm chí còn kiếm được nhiều hơn những gì đã mất. Chỉ có cha, mẹ và mạng sống của mình mất đi là không bao giờ tìm lại được. Con người chỉ sinh ra một lần và chết một lần mà thôi thì dù buồn hay vui, sướng hay khổ cũng phải đi cho trọn đường đời, nơi mà một mai nào đó, mình sẽ vĩnh viễn giã từ, chẳng bao giờ có thể quay trở lại được. Cháu đã quá nông nổi, cuộc đời vẫn chưa có gì bế tắc bởi vì cháu còn có mẹ và các em để trông đợi. Lỡ cháu chết đi rồi, mai mốt những người thân yêu của cháu về thì biết kiếm ai? Thứ nữa, cháu còn có chị Hoa, chị Sáng và chú là những người luôn thương yêu, đùm bọc cháu hết lòng, như thế hoá ra cháu đã phụ rẩy hết mọi người hay sao?
Tôi biết chú Thạch vì thương tôi nên giận tôi lắm. Bài giảng của chú làm tôi thấm thía và giật mình nghĩ đến khi mình không còn, mai mốt mẹ và các em có về sẽ biết kiếm ai như lời chú nói. Cảm xúc dâng trào, tôi nắm lấy tay chú như nắm lấy bàn tay của một người cha:
- Cháu xin lỗi chú, xin lỗi chị Hoa, cháu đã làm phiền mọi người nhiều quá, cháu hứa sẽ không bao giờ hành động như thế nữa, đúng là cháu ngu xuẩn. Xin tha lỗi cho cháu.
Một thoáng im lặng, tôi hỏi chú:
- Sao chú tìm được Lan Anh mà lấy lại xe cho cháu?
Chú Thạch kể:
Chú biết nó ở đâu mà tìm. Sáng nay có việc đi qua đường Nguyễn Trãi, khi đến ngã ba Nguyễn Cư Trinh thì tình cờ thấy Lan Anh chạy xe của cháu hướng về Sài Gòn. Thế là chú rẽ trái đuổi theo một đoạn mới bắt kịp rồi chận đầu xe nó lại, vói tay sang tắt máy và rút chìa khoá xe ra khỏi ổ khoá. Thoáng thấy chú, mặt Lan Anh biến sắc, xanh như tàu lá, nó chẳng phản ứng gì, sợ hãi xuống xe, chống ngang rồi cúi đầu, đứng yên như pho tượng:
Chú hỏi:
- Sao Lan Anh không mang xe và sợi dây chuyền về cho Phượng, cháu có biết là vì cháu mà Phượng điêu đứng và khổ sở lắm không?
Nó trả lời lí nhí, như giọng nói không thể thoát qua cổ họng:
- Cháu dự tính đi chơi ít ngày nữa rồi về.
- Vậy tại sao cháu không nói cho Phượng biết, cháu đi đã hơn mười ngày rồi còn gì?
Cảm giác như Lan Anh muốn lừa cả chú Thạch, nó nói:
- Chú thông cảm, cho cháu đi, cháu hứa chiều nay sẽ mang mọi thứ về trả cho Phượng.
Chú Thạch tỏ ra cương quyết:
- Không được, ngay bây giờ chú muốn đưa cháu đến Công an phường Nguyễn Cư Trinh ở gần đây rồi gọi Phượng tới để ba mặt một lời làm cho ra lẽ.
Nghe chú Thạch nói cứng như thế, nó hoảng hốt năn nỉ:
- Cháu thề danh dự với chú là chiều nay cháu sẽ mang xe trả cho Phượng, chú thương tình, đừng bắt cháu tới Công an, cháu sẽ chết vì nhục nhã mất.
Chú Thạch tố thêm:
- Mọi chuyện đã được Phượng trình báo với Công an sau ba ngày chờ đợi và nhờ các thầy trên chùa Vĩnh Nghiêm lùng kiếm khắp nơi mà chẳng thấy tung tích cháu đâu. Thôi thì cháu có buồn chú cũng đành chịu, dứt khoát chú phải đưa cháu tới Công an, chứ để cháu đi rồi biết đâu mà kiếm
Lan Anh khóc thành tiếng, nó hiện nguyên hình là một kẻ gian:
- Hay là cháu giao xe nhờ chú mang về cho Phượng, còn sợi dây chuyền cháu vẫn đang đeo trên cổ, chú cho cháu giữ lại làm kỉ niệm.
Chú Thạch phát cáu:
- Không được, cháu phải ra Công an phường với chú thôi, tất cả những gì cháu lấy của Phượng, cháu phải trả lại đầy đủ cho nó.
Thấy chú Thạch tỏ ra dứt khoát, Lan Anh xin một điều kiện cuối cùng:
- Cháu xin chú đừng bắt cháu phải ra Công an, cháu sẽ trao xe với đầy đủ giấy tờ và cả sợi dây chuyền của Phượng cho chú, nhờ chú mang về trả cho nó kèm theo lời xin lỗi của cháu, mong chú nhận lời.
Chú Thạch nghĩ có làm tới cũng chẳng được gì, miễn lấy lại được đầy đủ mọi thứ cho tôi là may mắn lắm rồi. Lan Anh còn trẻ, phải cho nó cơ hội để hướng thiện, không nên xô đẩy người ta vào bước đường cùng. Chú đút chìa khoá xe của tôi vào túi quần, rồi cả hai đẩy bộ mỗi người một xe vào một quán cà phê gần đó, trên đường Nguyễn Trãi ngồi uống nước. Chú nói:
- Chắc Lan Anh cũng hiểu cuộc đời của Phượng đã khốn khổ đến mức nào rồi. Mấy hôm nay nó tuyệt vọng lắm, chẳng thiết ăn uống gì cả. Khốn nỗi, hay tin nó bị mất xe, mẹ con bà Xuyến đã đánh đập nó đến toé máu đầu, lại còn nhiếc mắng, chửi rủa thậm tệ vì cho rằng nó dàn cảnh để quỵt nợ của bà ta. Chú nghĩ, Lan Anh cũng đã lớn rồi lại cũng biết lên chùa làm công quả tức là lòng cũng muốn hướng về cái thiện. Cái gì không phải của mình thì trả lại cho người ta, làm cho người ta đau khổ chẳng khác nào chuốc thêm cái nghiệp vào thân.
Lan Anh cúi đầu im lặng, chú Thạch nói dường như nó đã khóc, nghĩa là nó vẫn còn lương tâm, vẫm còn cảm xúc. Uống chưa hết li nước, Lan Anh lặng lẽ tháo sợ dây chuyền trên cổ đưa cho chú Thạch, nó gởi luôn cho chú cạc-vẹc xe rồi vụt đứng dậy, không nói với chú một lời, nó chạy nhanh ra khỏi quán như chạy trốn. Chú Thạch không hiểu tâm trạng Lan Anh lúc đó như thế nào, nhưng chú xót xa nhìn theo nó mà thấy tội nghiệp! Ngồi thêm ít phút nữa, chú Thạch gởi xe của chú lại ở bãi gởi xe của quán cà phê rồi lấy xe tôi chạy ngay đến nhà chị Hoa. Chú tưởng tượng khi đến nơi sẽ được nhìn thấy tôi vui mừng, sung sướng đến dường nào khi nhận lại những kỉ vật của mình. Nào ngờ mọi việc đã xảy ra ngoài suy nghĩ của chú, chú như người mất hồn khi nghe chị Hoa báo tin tôi đã tự tử, hiện đã qua cơn nguy kịch và đang nằm điều trị tại bệnh viện Trưng Vương. Chị Hoa kể lại với chú:
- Trưa hôm đó, sau khi nó trả nhà và mới quay về với vợ chồng em được mấy tiếng đồng hồ, trong bữa cơm, Phượng kể lại trong nước mắt mọi sự tình chẳng thiếu một điều chi. Nó nhắc đến anh, nói không có anh thì chẳng biết rồi sẽ ra sao? Nó ăn chưa hết chén cơm là buông đũa. Em bảo nó còn mệt cứ nghỉ ngơi cho khoẻ rồi hẳn tính, để chén đũa cho em rửa. Thế rồi nó lên giường nằm, khoảng hơn tiếng đồng hồ, em bước ra đằng trước thì thấy Phượng nằm ngay đơ, mặt tái nhợt, hơi thở khò khè, bọt mép trào ra miệng. Em hốt hoảng ôm lấy vai nó lay, gọi mãi vẫn không hồi tỉnh. Nhìn xuống gầm giường em bắt gặp vài vỉ thuốc tây, chạy ra nhà sau lại thấy vài vỉ thuốc tây cùng loại nữa nằm trên mặt thùng rác. Em linh tính Phượng không chịu nỗi khổ đau nên đã uống thuốc tự tử! Em chạy qua chị Sáng, gào lên:
- Chị Sáng ơi, con Phượng tự tử rồi, chị mau sang giúp em một tay.
Vài anh nhân viên phòng thuế quận Tân Bình đối diện nghe chộn rộn cũng chạy qua. Mọi người thúc giục em và chị Sáng gấp rút đưa nó đến bệnh viện tức khắc. Một anh bên phòng thuế tức tốc chạy ra đầu ngõ kêu một chiếc taxi rồi phụ nhau bồng nó ra xe, chạy thẳng đến phòng cấp cứu bệnh viện Trưng Vương. Số con Phượng còn lớn lắm, đến nơi các bác sĩ tận tình hội chẩn và xét nghiệm ngay rồi kết luận là nó tự tử bằng y dược và nhanh chóng đem nó đi súc ruột.
Sau đó các bác sĩ cho em biết, may mà phát hiện kịp thời, chứ chậm trễ hơn nữa là khó lòng cứu thoát. Đúng là con nhỏ chết đi sống lại! Bây giờ thì nó đã bình phục nhưng sức khoẻ còn yếu lắm.
Thế là chú Thạch chở chị Hoa đến bệnh viện và giờ đây chú đang ngồi bên cạnh để an ủi, động viên tôi bằng những lời đầy yêu thương pha lẫn giận hờn, trách móc.
Vài ngày sau thì tôi được xuất viện, chú Thạch lại đến và lo đóng hết viện phí cho tôi. Tôi trở về lại nhà chị Hoa bằng tâm trạng đầy mặc cảm bởi đã gây cho gia đình chị quá nhiều phiền toái dù vợ chồng chị không hề tỏ ra khó chịu hoặc trách cứ gì. Nhưng tôi thì lại luôn ray rứt! Có phải tôi đã lợi dụng lòng tốt của họ quá nhiều hay không? Lẽ nào tôi cứ mãi nương tựa vào anh chị trong khi anh chị cũng chẳng khá giả gì, chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Tại sao tôi không vào chùa làm công quả để nhờ hạt cơm bá tánh sống cho qua ngày.
Buổi chiều, tôi tìm đến chùa Linh Quang của cô Diệu Hoà, nơi mà trước đây đã có lần cô Diệu Ngân đưa tôi tới để gởi gắm trước khi về Bắc. Sau khi trình bày với cô hết hoàn cảnh của mình tôi khẩn thiết:
- Con không biết cách nào hơn xin cô cho con được tạm sống trong chùa làm công quả một thời gian, từ từ nếu như có căn duyên con sẽ kính cẩn nhờ cô thế phát qui y.
Sư cô Diệu Hoà tuy nghiêm khắc và hơi khó tánh nhưng lòng dạ thì rất nhân từ nên không nỡ lòng từ chối:
- Mô phật, cửa chùa lúc nào mà chẳng rộng mở và chẳng từ chối ai trên bước đường cơ nhỡ, cần nơi nương tựa. Con cứ tới đây, cô sẽ giành cho con một căn phòng nhỏ phía sau, tuy chật chội và chẳng đẹp đẽ gì nhưng cũng tạm cho con có chỗ ăn, chỗ ngủ mà nghe lời kinh tiếng kệ cho bớt nghiệp thế gian.
Tôi mừng rỡ đứng nghiêm, chắp tay xá cô Diệu Hoà:
- Con cám ơn cô vô vàn.
- Thế thì con định bao giờ sẽ tới?
- Thưa cô sáng mai.
Cô nắm tay tôi dắt đi, vừa nói:
- Được rồi, con ra đây cô chỉ phòng cho.
Tôi bước theo ra dãy nhà chật hẹp phía sau, cô chỉ cho tôi một căn phòng nhỏ xíu đang bỏ trống, làm nơi chứa đựng một vài vật dụng đã hư hỏng:
- Đây, chỉ còn chỗ này thôi, con thu xếp cho gọn ghẽ, sạch sẽ mà ở.
Rồi cô cho gọi bà cụ Thái, trạc tuổi gần sáu mươi đã công quả ở chùa mười năm hơn đến dặn dò:
- Ngày mai cô Phượng sẽ đến ở phòng này, những thứ gì không cần bà với cô kiếm chỗ khác mà để, có gì chưa biết, bà chỉ dẫn cho cô mọi sinh hoạt trong chùa. Rồi đó, hai người một già, một trẻ nói chuyện làm quen với nhau cho biết.
Cô Diệu Hoà quay đi, tôi chắp tay xá và nói lời cám ơn lần nữa. Bà Thái cũng tỏ ra vui vẻ khi cha có thêm người cho bớt quạnh quẻ. Bà tìm một chỗ trống ở sân sau rồi phụ tôi khiên hết đồ trong phòng ra đó. Căn phòng bám đầy bụi bặm. Bà Thái nói cứ quét đi vài lần là sạch, để chiều bà đến sẽ lấy cây chùi nhà chùi sơ cho, mai đến ở là ngon lành.
Tôi quay về nhà chị Hoa, chị Sáng, ấp úng mãi mới bắt chuyện với hai chị. Tạ từ những người tốt sao mà khó đến thế:
- Em cám ơn chị Hoa, chị Sáng nhiều lắm, những ngày qua không có hai chị chắc em đã chết từ lâu rồi. Ngày mai, em sẽ vào chùa Linh Quang ở luôn, không xuất gia được thì làm công quả. Em đã xin với ni cô trụ trì rồi và cô đã bằng lòng. Sáng sớm mai, em sẽ đưa anh Hai sang gởi cho dì Núi, có gì nhờ hai chị quan tâm đến ảnh giùm em.
Nét mặt hai chị trở nên buồn bã, chị Hoa nói:
- Chị em mình có nhau lâu ngày rồi, giờ em đi chị cũng thấy buồn nhưng ý em đã muốn chị cũng không cản. Lúc nào rỗi rảnh cứ về đây thăm chị, cố gắng giữ gìn sức khoẻ, chị thấy em yếu lắm rồi đó.
Chị Sáng phụ hoạ thêm:
- Cần nhất là phải giữ vững tinh thần, em không nên buồn phiền quá, mỗi người, mỗi số phận, ông trời đã định sẵn làm sao mà cải lại được.
Tôi cố ra vẻ bình thản cho hai chị yên tâm:
- Em biết rồi, sẽ không bao giờ hành động dại dột nữa đâu, một lần là tỡn tới già, từ chùa Linh Quang về đây đâu có bao xa, em sẽ về thăm hai chị thường xuyên.
Buổi tối, tôi qua nhà dì Núi, nói với dì cho anh Hai ở tạm một thời gian. Dì Núi cũng thừa biết anh Hai bị tâm thần nhưng chẳng quậy phá gì ai, suốt ngày cứ lầm lì, cậy miệng cũng không nói một câu, sáng sớm đã ra khỏi nhà cho tới khuya mới về là lăn ra ngủ. Dì Núi tuy nghèo nhưng rất nhân hậu và rất thương người, lại là chỗ thân tình với mẹ nên dì chẳng nở từ chối. Thế là hôm sau tôi dẫn anh Hai sang gởi cho dì Núi, còn mình thì đi thẳng một mạch vào chùa Linh Quang. Đã quyết tâm như thế vậy mà khi đến trước cổng chùa, tôi lại do dự chưa muốn bước vô và nghe lòng quá đỗi bùi ngùi. Với tôi, chưa phải là kẻ tu hành nên khó lòng thoát tục. Tôi tìm đến cửa thiền như tìm được chỗ nương thân trên bước đường cùng. Vì thế, bên ngoài cánh cổng này, dù là thế gian với bao tranh giành, bon chen, lừa lọc và những khổ đau mà tôi từng nếm trải, nhưng vẫn rất thân quen, vẫn còn có những con người gần gũi. Phía sau cánh cổng này là một thế giới khác, thanh thoát, tĩnh lặng và ít vướng bụi trần, nhưng mênh mông, xa lạ và trơ trọi quá.
Tần ngần một lúc rồi tôi cũng bước nhanh vào chùa Linh Qang, để túi đồ dưới chân thềm, tôi vào đảnh lễ ni cô Diệu Hoà, cô ôn tồn nói:
- A di đà phật, hôm nay con đến ở luôn phải không? Thôi, đem đồ đạc về phòng đi, cố dứt bỏ mọi ưu phiền, dốc tâm niệm Phật, hồi hướng công đức cho căn lành tăng trưởng, nghiệp chướng tiêu trừ. Ở chùa, dù chưa xuất gia nhưng ăn hột cơm của bá tánh phải hết lòng tu dưỡng để khỏi phụ lòng thập phương.
Tôi cúi đầu lãnh hội lời chỉ giáo của sư cô và bái tạ, lui ra lấy túi đồ về phòng. Thấy tôi đến, bà cụ Thái tỏ ra vui vẻ:
- Đấy, tôi đã dọn sạch sẽ cho cô rồi đó, lại có cả cái sạp gỗ làm giường. Từ trước đến giờ không biết đã có bao nhiêu người tới chùa làm công quả một thời gian rồi đi, chỉ có tôi là thâm niên nhất, còn cô không biết được bao lâu đây?
- Cám ơn bà, con ở đến khi nào sư cô đuổi mới đi.
Tôi ném túi đồ xuống gầm, ngồi tựa lưng vào vách nhìn cái sạp gỗ cũ kĩ chỉ đủ cho một người nằm mà ái ngại trước lòng tốt của cô Diệu Hoà và bà cụ Thái. Bà Thái liên tục hỏi tôi chẳng khác nào hỏi cung. Từ gia đình, tuổi tác, gốc gác, hoàn cảnh đến chuyện tình cảm, nguyên do vào chùa… đều được bà tò mò tìm hiểu cặn kẽ, khiến tôi hơi bực mình nhưng chẳng dám bày tỏ cử chỉ khó chịu nào. Bà Thái lại sốt sắn:
- Ở đây ngày cơm hai bữa, buổi sáng chẳng có gì lót lòng đâu! Trưa, chiều đúng giờ thì tự động xuống nhà ăn, cô có quen ăn chay không? Ăn chay ở chùa không giống như ở ngoài có đủ của ngon, vật lạ mà chỉ toàn tương, chao, tàu hủ, rau, củ mà thôi. Một miếng phổ ki cũng là của hỉếm, phải chờ đến rằm, mồng một hay có gia chủ nào đó cúng cơm thì may ra. Cô xinh đẹp lại ốm yếu như thế liệu có kham nổi không? Phải cố tập cho quen.
Tôi thầm cảm ơn bà Thái, nhưng bà đâu có biết rằng tôi và đàn em nheo nhóc đã trải qua những tháng ngày cơm nguội, nước tương còn không có mà ăn, nói chi đến một bữa cơm chay đạm bạc. Tôi biết giờ đây tôi gầy guộc, hốc hác lắm rồi, không cần phải soi kiếng mà chỉ nhìn vào cổ tay no tròn lúc trước giờ chỉ còn xương xẩu cũng hình dung được thân xác tiều tuỵ đến chừng nào. Ở chùa cũng chẳng có gì vất vả, nhưng hầu như ngày nào cũng giống ngày nào, ít khi thay đổi. Bốn giờ sáng đã bị tiếng đại hồng chung đánh thức dậy, ít phút sau đó là chuông mỏ vang lên điểm nhịp cho lời kinh, tiếng kệ lúc trầm, lúc bổng, lúc nhanh lúc chậm của một vài ni chúng cử hành công phu khuya. Công việc suốt ngày chỉ quanh quẩn quét dọn sân trước, sân sau và lau chùi chánh điện rồi bếp núc, cơm nước… Tất cả đã có người phụ trách hết, vài người đến công quả rồi ở luôn như bà Thái, có người ở vài, ba hôm hoặc năm, mười bữa rồi đi, phần lớn là sáng đến chiều về tuỳ theo hoàn cảnh và tâm nguyện của mỗi người. Riêng tôi chẳng ai cho làm gì cả bởi sức khoẻ quá yếu, bước loanh quanh một lúc đã hoa mắt, thở không ra hơi. Bà Thái đoán già, đoán non nhưng lại rất chính xác:
- Cô chẳng bệnh tật gì đâu, chẳng qua do suy nhược mà ra, cứ lo tĩnh dưỡng, ăn uống bồi bổ một thời gian là khỏi hẳn.
Nhưng bồi bổ như thế nào khi trong chùa, mọi người kể cả sư cô cũng ăn cùng một chế độ như nhau, quanh năm chay tịnh, kham khổ, chẳng lẽ mình lại sống khác mọi người. Sau khi chú Thạch lấy lại chiếc xe và sợi dây chuyền cho tôi, bỗng dưng tôi không còn thấy vật dụng vô tri đó ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống tinh thần của tôi như trước nữa. Chẳng qua đó chỉ là một ít của cải vô tri vô giác, nơi gìn giữ kỉ niệm đẹp nhất và vĩnh hằng nhất là kí ức, là trong tim của mọi người. Vì thế mà chẳng cần hỏi ý kiến ai, tôi hành xử theo suy nghĩ của mình, bán hết để lấy tiền gởi cho sư cô bởi chẳng lẽ lại ăn bám cửa thiền mãi được sao? Thế nhưng sư cô dứt khoát không nhận, mà còn rầy mắng:
- Con làm như thế là không được, đây là cửa chùa chứ không phải quán trọ mà cô nhận tiền của con. Cô đã hiểu hoàn cảnh của con rồi, con cứ giữ lấy mà lo thang thuốc.
Có tiền, nhưng làm sao tôi sống khác mọi người, đành gửi lại tất cả cho dì Núi giữ giùm mà phụ giúp cho anh Hai.
Tôi nhanh chóng thích nghi với mọi sinh hoạt trong chùa và được mọi người chung quanh cảm thông, chia sẻ. Ngày tháng cứ âm thầm lặng lẽ trôi qua, cũng như tôi vẫn tiếp tục sống âm thầm lặng lẽ với thân xác tiều tuỵ dưới mái chùa Linh Quang. Đã một lần tới sát bờ vực của tử thần, giờ đây tôi sợ chết vô cùng! Nhưng càng sợ chết thì cái cảm giác sự chết đang rình rập đâu đây luôn làm tôi hãi hung mỗi khi nghĩ đến sức khoẻ và thân phận của mình. Tôi chẳng ăn uống gì được, mỗi bữa chỉ nuốt chưa được nửa chén cơm và một miếng canh rau để lay lắt qua ngày. Dần dần, tôi chỉ còn là chiếc bóng héo khô, lập loè như ngọn lửa chờ tắt. Tôi chẳng bao giờ bước chân ra khỏi cổng chùa, một phần là do sức khoẻ nhưng cái chính là do tôi chẳng chút vấn vương, nhớ nhung gì sinh hoạt ngoài kia. Thỉnh thoảng, chị Hoa, chị Sáng, dì Núi và chú Thạch cũng ghé lại chùa thăm tôi mang theo ít trái cây, quà bánh và tương chao. Thấy tôi quá gầy, nhiều lần chị Hoa, nhất là chú Thạch cứ khuyên nên trở về ngoài đời một thời gian để lo thuốc thang, bồi dưỡng, lấy lại sức rồi quay trở lại chùa cũng đâu có chi muộn màng. Biết chú Thạch có lý, nhưng tôi cương quyết từ chối, riết rồi chẳng ai còn khuyên bảo gì tôi nữa. Sau này có lần chị Hoa có lần nói với tôi, vào thời điểm đó, chú Thạch cứ đinh ninh thế nào tôi cũng chết vì kiệt sức nếu không nghe lời chú và chị Hoa.
Tháng nối tiếp tháng, tôi không còn khái niệm thời gian ngoại trừ mỗi lần thấy bà Thái và những người làm công quả trong chùa rộn rịt khác hẳn mọi ngày, lo chưng hoa và trái cây trên bàn thờ Tam Bảo thì đã biết rằm hay mồng một gì đó. Cũng may, tôi bỗng ghiền lời trầm bổng, ê a của kinh kệ, tiếng chuông mỏ nhặt khoan mỗi khuya, mỗi sáng, mỗi chiều. Có lúc nghe như u tịch, gợi buồn man mác, nhưng có lúc lại thanh thoát, mênh mông cho tâm hồn nương tựa vào đó để tìm được trạng thái bình an, vượt qua mọi khổ ách, trầm luân. Nhưng đó chỉ là cảm xúc tuỳ thời của tôi theo tâm trạng từng lúc, chứ chưa phải là sự đắc ngộ của những bậc tu chứng. Tôi vẫn là tôi lạc lõng giữa đời với bao mong ước, đợi chờ cháy bỏng, khó lòng bước vào nghiệp tu hành khi tâm còn vọng động ta bà.
Không biết bao nhiêu buổi chiều, bao nhiêu đêm khuya không gian yên tĩnh đến rờn rợn, cả chùa đã chìm vào giấc ngủ, chỉ còn lại mình tôi lê từng bước siêu vẹo ra chánh điện ngồi trước Tam Bảo, khấn cầu hàng tiếng đồng hồ trong nước mắt ràn rụa. Tôi sắp ngã quỵ rồi, những chiếc áo vừa vặn mới đây giờ đã rộng thùng thình, những chiếc quần hơn nữa năm trước còn ôm sát vào người, giờ phải xoắn lại, vận vào hông mới khỏi bị tụt:
- Lạy trời phật đừng bắt con ngã gục lúc này, cho con được sống đến ngày gặp lại mẹ và các em một lần thôi rồi có chết đi con cũng mãn nguyện.
Chắp hai tay trước ngực, tôi khóc nức nở, nghẹn ngào. Tôi không còn sức lực để chống trả với mọi khổ đau, tôi cần đến sự trợ giúp của thần linh để vượt qua kiếp nạn này. Nếu như phải trả nghiệp như pháp của Phật đã thuyết, thì âu là nghiệp của tiền căn, tiền kiếp, chứ kiếp này tôi còn làm ác với ai đâu! Nhìn lên nét mặt nhân từ của tượng Bổn Sư và dốc lòng tin tưởng vào nguyện độ chúng sanh của Bồ Tác Quan Thế Âm, niềm tin cuối cùng của tôi là lòng thành kính và cuộc sống thanh bạch của mình rồi cũng được cứu độ. Chính lòng tin đó đã cho tôi sức sống mỏng manh đủ để chạm đến hạnh phúc to lớn đã mỏi mòn chờ đợi bao ngày.
o O o
Không biết phải do trời phật đã nhận lời thành tâm cầu nguyện của tôi hay không mà một sáng sớm, khi các ni chúng đang chuẩn bị công phu và tôi còn ngái ngủ, nửa tỉnh nửa mê, bỗng nghe thấy tiếng một thanh niên gọi lớn tên tôi:
- Chị Phượng ơi, chị Phượng ơi.
Tôi bồi hồi choàng dậy, tiếng gọi trở nên tha thiết hơn:
- Chị Phượng ơi, em về tìm chị đây này.
Các em tôi đã về chăng? Tự nhiên tôi khoẻ hẳn, vội mở cửa phòng bước ra thì thấy một thanh niên to cao đang đứng cuối hành lang, tôi nhận ra ngay đó là em Huy, tôi lao tới, vòng tay không đủ ôm em vào lòng như thuở nào, tôi khóc nức nở, nghẹn ngào và nước mắt Huy cũng rơi lã chã lên tóc, lên má tôi. Cứ thế, hai chị em tôi ôm nhau khóc rống lên một hồi cho thoã nhớ thương, khiến bà Thái và một vài ni chúng cũng động lòng khóc theo. Hạnh phúc đến thật bất ngờ khiến tôi không dám tin đó là sự thật mà cơ hồ như chuyện trong mơ! Mãi rồi em Huy mới nói được nên lời:
- Chị ơi, sao chị ra nông nổi này, bao nhiêu năm rồi, mẹ và các em lúc nào cũng nhớ và tìm mọi cách liên lạc với chị nhưng không được. Gởi về địa chỉ chị Ngọc Anh thì người ta hồi đáp chị và anh Hai không còn ở đó, chẳng ai biết chị lưu lạc về đâu! Cuối cùng cả nhà phân công em phải về tìm chị cho bằng được mới thôi.
Tôi dẫn em Huy vào phòng, hai chị em ngồi xuống chiếc sạp gỗ mỏng manh. Dưới ánh sáng của ngọn đèn năm tấc, em Huy nhìn tôi rồi nhìn quanh căn phòng chật hẹp, chẳng có thứ gì quí giá, bỗng dưng em quì xuống nền nhà, hai tay nắm chặt tay tôi, Huy lại khóc:
- Chị ơi, em có lỗi với chị, các em của chị ở xứ người đã thành công cả rồi, chúng em sẽ đền bù cho chị tất cả vì đứa nào cũng thương yêu và quí trọng chị vô cùng.
Tôi xoa đầu Huy như thuở em còn bé, rồi hỏi:
- Mẹ có khoẻ không? Các em của chị ra sao rồi?
- Mẹ khoẻ lắm và nhắc chị mỗi ngày. Trước hôm em về, ai cũng căn dặn phải tìm cho bằng được chị và anh Hai, nếu như chuyến này em không tìm được chị thì anh Tư sẽ tiếp tục về tìm, cứ thay phiên nhau mà đi, bao giờ gặp được chị mới thôi. Huy vẫn quì dưới nền nhà nghiêng đầu vào lòng tôi. Tôi hỏi:
- Sao em biết chị ở chùa mà đến tìm?
- Trước khi đi, mẹ dặn về đây phải tới nhà dì Núi để hỏi thăm tin tức chị. Tiếc là ngày đi mẹ không nhớ địa chỉ của dì Núi mà chỉ mang theo địa chỉ của chị Ngọc Anh vì cứ đinh ninh chị và anh Hai ở đó. Qua đến nơi, mẹ liên lạc về nhiều lần nhưng không thấy hồi âm, vài năm sau lại thử liên lạc thêm lần nữa mới có người trả lời chị và anh Hai đã ra đi và chẳng biết ở đâu. Em vẫn còn nhớ nhà dì Núi bởi vì hồi chị cõng em đi ăn xin, chị em mình đã nhiều lần ghé nhà dì để kiếm cơm. Hôm qua, em xuống phi trường lúc chín giờ ba mươi tối, làm xong mọi thủ tục nhập cảnh rồi đón taxi về hẻm cũ, loay hoay kiếm được nhà dì thì đã mười một giờ đêm. Mới bước vào nhà, dì ngỡ ngàng lắm, nhưng nghe em nhắc lại là dì nhớ liền và nhận ra ngay, dì mừng lắm. May thay, dì biết rõ chị đang ở chùa Linh Quang, còn anh Hai thì ở nhà dì nhưng lang bạt chưa về. Thế là em để hành lí lại nhà dì, nằng nặc đòi dì đưa đến đây ngay để gặp chị sớm phút nào hay phút nấy. Chưa bao giờ lòng em lại nôn nóng đến thế, nhưng đến nơi thì cửa chùa đã đóng kín, em kêu hoài nhưng chẳng có ai trả lời. Dì Núi bảo em về rồi sáng mai quay lại nhưng em không chịu mà đón xe cho dì về, còn em hết đứng, lại ngồi dựa lưng vào cổng chùa chờ sáng. Khổ nỗi em mặc quần sọt, áo thung nên tha hồ muỗi chích. Cho đến khi tiếng chuông chùa ngân lên, em thấy có bóng người thấp thoáng trước sân vội kêu lên và một bà cụ ra mở cổng. Nghe em nói em từ Mỹ về kiếm chị, bà ta chỉ em ra sau này và cứ gọi tên chị là gặp ngay.
Nghe em Huy nói, tôi lại khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc tràn trề yêu thương cứ tiếp tục lăn xuống tóc em, lăn xuống đất chùa linh thiêng, nơi tôi chấm dứt chuỗi ngày lận đận. Mọi mệt mỏi bỗng dưng tan biến đi đâu hết, cứ như tôi vừa uống được một thứ linh dược. Chờ trời sáng hẳn, tôi dắt em Huy lên chào sư cô Diệu Hoà, tôi nhìn thấy trong mắt cô sự chia sẻ niềm vui với tôi, cô cười nụ cười độ lượng:
- Gặp lại em trai rồi hả, cô nghe bà Thái báo từ sớm mà mừng cho con. Như vậy mọi ý nguyện đã được Tam Bảo chứng giám, chùa mình cũng linh thiêng lắm, cứ lòng thành thì cầu là được, ước là thấy.
Hai chị em tôi chắp tay trước ngực, bái tạ ơn cô, tôi nói:
- Con không bao giờ quên được ơn cô đã cho con tá túc trong chùa hơn một năm qua. Nay chị em con đã đoàn tụ, xin cô cho con được trở về đời sinh sống, bởi con biết mình chưa có căn tu. Con sẽ thường xuyên đến thăm cô để nhờ công đức của cô hoá giải phần nào nghiệp chướng.
Cô Diệu Hoà vỗ vai tôi bày tỏ sự cảm thông, dường như tay cô hơi run vì xúc động:
- Cô xin nhận tấm lòng của con. Cô cầu xin Tam Bảo luôn độ trì cho con trên bước đường đời, khi nào rảnh nhớ ghé thăm chùa.
Chị em tôi chắp tay bái tạ cô rồi lui ra. Tôi dẫn em Huy đi khắp chùa chào tạm biệt bà Thái và mọi người, ai cũng chúc mừng tôi một cách vui vẻ.
Hai chị em tôi đón xe về nhà dì Núi, em Huy giở hành lí ra lấy mấy món quà mẹ gởi cho dì. Dì Núi cám ơn và hỏi:
- Mẹ mày và mấy đứa làm gì bên đó?
Huy đáp:
- Mẹ con già rồi, chẳng làm gì, chỉ sống nhờ trợ cấp mỗi tháng mấy trăm đồng, còn anh Tư học bác sĩ sắp ra trường, trước đây con học luật được mấy năm thì nghỉ, ra ngoài mở tiệm nail kiếm tiền phụ gia đình. Còn lại mấy người, đứa nấu bếp nhà hàng, đứa làm trong ngành tin học. Ai cũng đã ổn định, cuộc sống chẳng có gì vất vả nhưng phải chờ vài năm nữa mới thật sự vững vàng.
Tôi nghe em nói với dì Núi mà lòng cũng mừng thầm cho mẹ và các em. Sau vài ba câu chuyện với dì Núi, em Huy giục tôi tìm đến một trạm điện thoại công cộng để gọi sang Mỹ, tôi hồi hộp chờ đợi được nghe lại giọng nói thương yêu của mẹ và các em sau hơn mười năm trời xa cách. Mới nghe em Huy nói:
- Mẹ đó hả? Chị Phượng đang đứng bên cạnh con đây này, mẹ nói chuyện với chị đi.
Mới cầm ống nghe đặt lên tai, tôi đã khóc oà, giọng mẹ vang lên:
- Mẹ đây, làm gì mà chưa nói đã khóc, mẹ và các em luôn nhớ thương con và anh Hai…
Tôi như nuốt từng lời của mẹ vào lòng, không có niềm hạnh phúc nào trong đời tôi lớn hơn được nữa! Hai mẹ con nói mãi, nói hoài vẫn còn bao nhiêu chuyện chưa thể nói hết. Rồi các em tranh nhau lần lượt gặp tôi, đứa nào cũng gào lên:
- Chị Phượng ơi, em nhớ thương chị lắm, em sẽ về thăm chị.
Tôi như được tắm gội trong niềm vui quá lớn, lòng cứ lâng lâng như đôi chân không còn chạm xuống mặt đất. Chị em tôi quay trở lại nhà dì Núi nhưng nhà dì quá chật chội nên phải dọn hành lí của Huy sang nhà chị Hoa ở tạm. Hôm sau, Huy đưa tôi vào bệnh viện khám tổng quát, kết quả cho biết tôi bị suy nhược nặng. Huy ép tôi phải nằm lại để chữa bệnh một thời gian ngắn và em trở thành người nuôi bệnh cần mẫn, ngày cũng như đêm luôn túc trực bên tôi. Mấy hôm sau ra viện, tôi về lại nhà chị Hoa, bác sĩ cho toa mua thuốc điều trị tại gia, em Huy vẫn quấn quýt bên tôi. Đêm, tôi ngủ trên chiếc giường quen thuộc, còn Huy mua một tấm chiếu trải dưới đất nằm sát chân giường. Với những tình cảm quá yêu thương của em Huy giành cho tôi, trái tim tôi như được hồi sinh, cộng thêm thuốc thang, ăn uống đầy đủ nên chỉ vài tuần lễ là tôi hoàn toàn lấy lại sức và mập mạp hẳn ra.
Được gần tháng thì em Huy quay về Mỹ để tiếp tục công việc làm ăn. Buổi tối đưa em ra phi trường, cả hai chị em cứ bịn rịn như không muốn rời nhưng không có nước mắt, bởi chắc chắn từ đây cho dù có ngàn trùng xa cách nhưng gia đình tôi coi như đã được trùng phùng.
Hạt Bụi Còn Vương Hạt Bụi Còn Vương - Ngô Thị Bích Phượng Hạt Bụi Còn Vương