A friend is someone who knows all about you and still loves you.

Elbert Hubbard

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 9007 / 63
Cập nhật: 2015-06-30 20:58:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
iá như tôi cứ tiếp tục ngày tháng đi xin để nuôi sống bản thân và anh em mình thì có lẽ cuộc đời khỏi phải trải qua thêm những nỗi khổ nhục còn hơn làm kiếp ăn mày.
Một hôm, tôi cõng em lân la ra ngoài ngõ thì gặp bà Cúc, chủ quán phở đang đứng trước cửa. Lúc này quán đang vắng khách, tôi thấy bà ta vừa cười vừa gợi ý :
- Mày đi xin làm gì cho khổ, hay là mỗi ngày mày ra phụ tao rồi tao cho đồ ăn đem về mà nuôi cả nhà.
Nghe bà Cúc nói thế tôi mừng lắm, nhưng cứ sợ bà ta nói giỡn, hơn nữa cho tôi biết làm gì trong cái tiệm phở này. Tôi hỏi :
- Dì nói thiệt hay nói giỡn?
Tao đâu có rảnh mà giỡn với mày, sáng sớm mày ra đây phụ tao dọn bàn, rửa chén, ba cái việc lặt vặt đó con nít như mày làm dư sức, còn khỏe hơn cõng em đi xin suốt ngày phơi nắng phơi mưa.
Tôi sợ để lâu bà Cúc đổi ý sẽ chẳng bao giờ có được một việc làm ngon lành như thế. Tôi tưởng tượng rồi sẽ không còn những ngày rã rời đôi chân bé bỏng lang thang trong những con hẻm mịt mù mà lâu lâu còn bị người ta mắng mỏ, bị lũ chó ỷ thế nhà nhe nanh gầm gừ sợ đến xanh mặt. Tôi còn được yên tâm sẽ có đủ cơm cho anh em mình đắp đổi qua ngày.
- Vậy con làm cho dì ngay từ bây giờ được không? Con không xin tiền dì đâu mà mỗi ngày con chỉ xin dì đồ ăn đem về cho em con ăn là đủ rồi.
Giọng bà Cúc trở nên đanh đá :
- Xí, tiền đâu mà cho mày, chẳng qua thấy mày tội nghiệp tao thương nên giúp cho miếng ăn là quá lắm rồi, coi như mày bắt đầu công việc từ bây giờ. Còn ngày mai thì phải đến quán đúng 5 giờ sáng, đến tối khi nào hết khách thì về.
Chỉ đợi có thế, tôi vội cõng em về nhà rồi chạy ngay ra quán phở làm bất cứ công việc nào mà bà Cúc sai khiến. Nhà bà Cúc cũng là quán phở có tất cả năm người. Hai vợ chồng bà và ba người con, trong số đó thằng con trai lớn tên là Tiến hơn tôi vài tuổi, đứa con gái út tên Ty trạc tuổi với tôi. Quán phở bà Cúc chỉ là quán bình dân, xem ra gia cảnh của bà cũng chẳng lấy gì giàu có. Được cái, quán cũng có khách nên đời sống của họ khá ổn định, không phải thiếu trước hụt sau, nhưng tình người của mọi thành viên trong nhà thì quá nghèo nàn, nhất là bà Cúc và đứa con gái út.
Những ngày đầu, tôi còn rất vụng về và ngỡ ngàng trong công việc của một ô-sin, nhưng bà Cúc chỉ rầy rà qua loa không lấy gì làm gay gắt cho lắm. Đến trưa, sau khi cả nhà ăn cơm xong, tôi mới được ăn. Thường thì còn gì ăn nấy, may thì có đủ cơm trắng, bữa nào xui rủi thì vét cháy dưới đáy nồi. Được cái dạo đó, giống như phần lớn người dân thành phố, quán phở bà Cúc cũng nấu bếp bằng củi nên thường đọng lại lớp cháy dày cộm, thế là tôi ít khi bị đói. Nhưng cực một nỗi là tối nào vào khoảng chín, mười giờ đêm là tôi phải rửa sạch đống tô chén, muỗng, đĩa xong lại vật lộn mấy cái thùng phở, xoong, chảo bám đầy lọ nồi rồi mới được rời quán với ít cơm nguội, bánh phở và nước phở còn thừa đem về cho anh em tôi. Bây giờ, mỗi lần nhớ lại cái đêm đầu tiên các anh em tôi được húp no nê nước phở béo ngậy, đứa nào cũng khen ngon đáo để, húp đến cành hông mà còn thấy thèm, tôi vẫn rưng rưng nước mắt. Tôi khóc vì kỉ niệm khốn cùng se thắt trong tim, chứ dạo đó thì tôi lại cười vì hạnh phúc quá đơn sơ bởi chẳng có mơ ước nào hơn được ăn để sống.
Đêm đó, niềm vui đã cho tôi đánh một giấc thật dài. Lâu lắm tôi mới có một đêm an lành như thế. Tôi thức dậy thật sớm và rời khỏi nhà khi các anh em tôi còn say giấc ngủ và trời chưa sáng hẳn. Bước vào quán, tôi nhận từ bà Cúc những lời khen thưởng thật hồn hậu:
- Giỏi lắm, tao cứ tưởng không có ai kêu chắc mày ngủ tới trưa mới dậy. Chịu khó như mày chắc là ở với tao được lâu dài.
Tôi hớn hở trả lời:
- Dì dặn con 5 giờ có mặt ở quán là con phải làm đúng chứ đâu dám sai.
Những ngày trăng mật giữa các thành viên trong nhà bà Cúc với tôi trôi qua rất nhanh. Suốt thời gian còn lại tôi đã phải sống trong cái địa ngục trần gian với những trận đòn ê ẩm, có lúc đến tóe máu. Nói đúng ra, tánh tình của chồng bà Cúc không đến nỗi cay nghiệt và độc ác cho lắm. Ông ta còn biết thương người, còn biết nhìn nỗi nhục nhằn của tôi bằng ánh mắt ái ngại nên ít khi nặng lời hay nặng tay với tôi. Thằng Tiến thì lúc vầy, lúc khác, hiền có, dữ có nhưng hay về hùa với mẹ và em của nó mỗi khi họ chửi mắng, đánh đập tôi. Bà Cúc thì khỏi nói, bà ta hiện nguyên hình một mụ phù thủy nham hiểm không hề có chút nhân ái và cảm thông với nỗi khổ của một đứa trẻ bất hạnh chỉ đáng tuổi con bà. Nhưng dù sao bà Cúc cũng là người lớn, còn như con bé Ty thì vẫn là một đứa trẻ con như tôi nhưng tại sao nó lại thích hành hạ tôi, nó không coi tôi như là một người bạn đã đành, đằng này nó lại cũng chẳng nhìn tôi như là đồng loại của nó. Trận đòn đầu tiên bà Cúc ban phát cho tôi xảy ra chỉ sau gần tuần lễ tôi vào giúp việc. Hôm đó, vào lúc khách khứa đang đông, tôi lính quýnh thế nào để trợt tay làm rơi tô phở khách vừa ăn xong xuống nền nhà vỡ tung tóe. Trong lúc tôi đang bối rối chẳng biết phải làm gì để chuộc lỗi thì bà Cúc từ dưới bếp đi lên nhìn tôi bằng cặp mắt giận dữ. Không còn kiềm chế và cũng chẳng cần giữ kẽ, bà vung tay tát tôi một cái đến nổ đom đóm, nghiến răng tru tréo:
- Con khốn nạn, mày đập đồ của ta hả, mày lấy gì mà đền cho tao!
Lần đầu tiên tôi bị mạt sát, bị mắng là đồ khốn nạn, những ngày đi ăn xin nhiều khi bị người ta xua đuổi nhưng chưa bao giờ bị ai mắng nhiếc thậm tệ như thế. Tôi đứng nép vào một góc quán khóc tức tưởi khiến bà Cúc càng nổi đóa, bà tiến lại gần tôi vừa tát liên tục, vừa xỉa xói:
- Khóc hả, mày oan lắm sao mà còn khóc, đồ ăn mày mà không biết thân, tao đuổi không cho mày làm ở đây nữa đâu.
Thú thật, tôi không sợ bị đòn nhưng tôi sợ bà Cúc tống mình ra khỏi quán phở. Thế là tôi vội lau nước mắt, van xin:
- Con xin lỗi dì, dì đừng đuổi con, lần sau con không làm rớt tô nữa đâu.
Dường như đã hả cơn giận, bà Cúc quát:
- Không lo đi làm đi còn đứng đó làm gì, đúng là thứ báo cô.
Cứ thế, những trận đòn đau ngày cứ gia tăng, nhiều khi chẳng cần một lí do chính đáng nào cả mà chỉ vì bà Cúc thấy khó ở trong mình nên giận cá chém thớt. Có lần sáng sớm tôi ra quán thì bà Cúc vừa đi chợ về hai tay xách hai túi đồ, tôi chưa kịp đỡ thì đã bị bà đạp cho một đạp té nhào, miệng bà chửi thề ngọt xớt:
- Mẹ mày, con khốn nạn, thấy tao xách nặng mà không ra đỡ còn đi lững thững. Bộ tao mệt mày sướng lắm hả?
Tôi lóp ngóp bò dưới đất, hai tay xoa đầu gối bị trầy, bà Cúc không chút thương xót, ném nguyên túi đồ vào người tôi rồi đá bồi thêm mấy cái:
- Mày nằm ăn vạ tao hả?
Tôi cố chịu đau, chống tay đứng dậy:
- Đau quá dì ơi, con biết lỗi rồi dì tha cho con, con đau lắm dì ơi!
Vừa lúc đó, con bé Ty từ sau nhà đi lên phụ họa với mẹ nó:
- Ăn mày mà cũng biết đau, đánh cho nó hết dám hỗn láo đi má.
Tại sao con bé Ty lại điêu ngoa đến thế, tôi có hỗn láo gì đâu, tôi có làm gì sai trái đến nỗi phải bị má nó đánh đập như thế đấu! Về sau, ngày nào tôi không bị ăn đòn là cứ như chuyện lạ, dường như họ đã ghiền lấy sự hành hạ tôi làm thú vui cho mình, hết bà Cúc, đến thằng Tiến, con Ty thay phiên nhau đối xử với tôi cứ như kẻ thù. Có lần hai ông khách vào ăn phở xong đứng dậy đi ra mà chẳng biết vì quên hay cố ý mà họ chẳng tính tiền. Lỗi không phải của tôi vì thường ngày bà Cúc sợ tôi ăn gian nên cấm tôi đụng tới tiền bạc. Thế mà bà Cúc đã trút mọi sự giận dữ xuống thân phận của tôi. Bà cầm cái vá múc nước lèo to đùng bổ xuống đầu tôi đến lùng bùng cả óc, máu tuôn lênh láng. Tôi chỉ còn biết gục xuống ôm đầu khóc:
Thấy tôi máu me đầm đìa như thế, lẽ ra thằng Tiến và con Ty phải can ngăn mẹ nó. Đàng này, bọn nó như vô cảm, thằng Tiến giựt cái vá trên tay bà Cúc đưa cho con Ty, xúi giục:
- Mày còn la hả, làm mất tiền của nhà tao rồi còn la hả, đánh nữa đi Ty, đánh đến chừng nào nó hết la thì thôi.
Cứ tưởng thằng Tiến nói vậy thôi, nào ngờ con Ty nhón gót lên cho cao bằng tôi rồi cầm cái vá nện xuống đầu tôi một cái như trời giáng. Tôi ngã quỵ xuống đất hồi lâu mới đứng lên được. Mãi mãi những vết thẹo mà mẹ con bà Cúc để lại trên đầu tôi không bao giờ xóa mờ, mỗi lần chải tóc là những kỉ niệm khốn cùng đó sống lại trong tôi, nhắc nhở tôi giá trị của từng miếng cơm, manh áo và biết độ lượng với đời. Lầm than lắm nhưng tôi không hề thù hận bởi nhẫn nhục lâu rồi cũng thành thói quen, thành bản tính chứ chẳng có gì cao thượng. Những trận đòn như thế đã thành chuyện bình thường, không còn làm cho tôi sợ hãi, tôi bình thản đón nhận nó đến với mình bất cứ lúc nào. Nhưng có một chuyện hết sức oan ức mà con Ty vu vạ cho tôi, suốt đời đã trở thành nỗi ám ảnh với tôi về tâm địa con người. Nhiều lúc tôi tự hỏi: Tại sao một đứa trẻ con như con Ty mà sớm đánh mất sự hồn nhiên, sớm biết dùng thủ đoạn ác độc như thế? Có bao giờ nó biết hối hận bởi những khổ đau mà mình đã gây ra cho người khác hay không? Cái hôm tôi bị mẹ con nó dùng cái vá sắt đánh lên đầu đến tóe máu, tối về tôi có kể lại cho mấy dì trong xóm nghe và thắc mắc không biết vì sao con Ty lại chảnh chọe và thù ghét tôi đến thế? Một dì đã nói:
- Ai biểu mày là con ở mà dám đẹp hơn con bà chủ nên nó ghét mày là phải. Có điều con nhỏ này tánh tình quá ác, còn con nít mà đã ác như thế thì lớn lên ai mà chịu nỗi.
Số là trong quán phở có ngâm một hũ rượu rắn để bán cho khách và thỉnh thoảng chồng bà Cúc có nhâm nhi vài ly. Những ngày đầu tiên mới vào làm việc trong quán, thoáng nhìn mấy con rắn lốm đốm khoang vàng, to gần bằng cổ tay tôi nằm khoanh tròn trong bình thủy tinh ngập rượu, tôi đã phát khiếp chẳng dám lại gần. Hũ rượu được đặt trên một cái kệ bằng gỗ cao gần ngang vai tôi và nặng đến độ lớn như thằng Tiến vẫn không thể khiêng được. Vậy mà một buổi trưa chẳng biết mày mò thế nào, con Ty lại xô ngã cả cái kệ khiến hũ rượu rớt xuống đất vỡ tan tành. Nhìn mấy con rắn nằm bất động trên nền nhà, tôi sợ hãi đứng rung như cầy sấy, mặt xanh không còn chút máu, trong lúc con Ty lại mồm ba, miệng bảy đổ tội cho tôi, càng làm tôi hoảng hốt:
- Con Phượng làm bể hũ rượu rắn rồi má ơi, mau ra mà coi, con ăn mày làm bể hũ rượu rắn rồi.
Đang nằm trên chiếc ghế xếp thiu thiu ngủ, bà Cúc đứng bật dậy, mặt hầm hầm tiến về phía tôi, thế là bà ta tha hồ đánh đập, chửi rủa:
- Con khốn nạn, mày đụng hũ rượu làm gì để cho nó bể, mày biết nó bao nhiêu tiền không? Có đi ở đợ suốt đời mày cũng không đền nổi cho tao.
Quá bất ngờ trước sự chua ngoa của con Ty, tôi chỉ biết ôm đầu chịu trận và chống chế một cách yếu ớt.
Dĩ nhiên, tôi biết bao giờ bà Cúc cũng bênh con Ty, nhưng mà tôi bị vu oan, tôi òa khóc thật tức tưởi không phải vì bị đòn đau mà vì uất ức. Thấy tôi khóc to, bà Cúc giáng thêm cho mấy tát tai, bà tru tréo:
- Mày không làm bể tại sao lại sợ đến tái xanh như thế hả con ranh?
Tôi phân trần:
- Con sợ mấy con rắn dì ơi.
- Rắn ngâm rượu, chết khô chết héo từ đời nào mà mày sợ? Điêu ngoa đến thế là cùng.
Giá mà khôn ngoan như bây giờ, tôi đã không phân trần thêm chỉ tổ nặng đòn, bởi có nói năng, thề thốt đến mấy cũng chẳng ăn thua gì. Ngay cả khi bà Cúc chứng kiến con Ty làm bể hũ rượu thì chắc gì tôi đã thoát nạn bởi bà ta đã cố tình. Đánh đập, chửi mắng một hồi rồi bà Cúc cũng ngưng, bà nhặt mấy con rắn vào trong cái thau nhựa, sai tôi hốt sạch các mảnh vỡ và lau dọn nền nhà. Đến chiều, thằng Tiến đi học về nghe con Ty nói chính mắt nó thấy tôi làm bể hũ rượu rồi còn đổ thừa cho nó. Chẳng cần biết đúng hay sai, thằng Tiến lại bênh em, chửi mắng tôi chẳng thiếu một điều nào. Đến tối, khi tôi vừa bưng tô cơm cháy lên ăn, thằng Tiến lại cay nghiệt:
- Thứ mày cho ăn cơm thêm uổng!
Tối hôm đó, về nhà tôi đã khóc âm thầm suốt đêm. Hình ảnh quán phở, bà Cúc, thằng Tiến, con Ty cứ lởn vởn trong đầu. Tôi căm ghét họ, lần đầu tiên tôi thấy căm ghét họ. Tôi đã nhiều lần bị đòn oan, nhiều lần bị con nhãi Ty đánh đập, sỉ nhục nhưng tôi cam chịu, tôi sợ mất việc và dễ dàng quên hết. Nhưng sao lần này lòng tôi ấm ức lắm, khổ đau lắm! Tôi nghĩ, ngày mai sẽ không quay lại quán phở nữa, không gặp bà Cúc, con Ty nữa. Tôi sợ hãi và nhục nhằn lắm. Tự nhiên, tôi nhớ tới những khúc quanh, những ngả ba, ngả tư trong mấy con hẻm đã nuôi sống anh em tôi những tháng ngày lê lết ăn xin. Tôi sẽ trở lại chốn đó, nơi có những con chó dữ dằn luôn nhe nanh trong tư thế sẵn sàng cắn xé nhưng vẫn không ác độc bằng đồng loại của tôi như bà Cúc, thằng Tiến, con Ty. Lần đầu tiên, tôi biết trằn trọc, vẫn là quá sớm đối với một con bé độ tuổi như tôi. Nữa đêm, tôi lên cơn sốt vật vờ, nóng rang cả người và khát nước đến cháy cổ, tôi thiếp vào giấc ngủ mệt nhoài và tỉnh giấc khi trời sắp sáng. Cơn sốt đã được giấc ngủ sâu xua tan, tôi đánh răng, rửa mặt và như mọi ngày, tôi lửng thửng bước ra quán phở như chẳng hề có chuyện gì xảy ra.
Mẹ lại về và lần này ở lại luôn với anh em chúng tôi. Tôi nghe mẹ nói chuẩn bị làm hồ sơ xuất cảnh sang Mỹ nhưng tôi chẳng chút quan tâm tới điều này trong khi các anh em của tôi lại rất háo hức. Tôi mơ hồ biết rằng ba tôi là một sĩ quan của chế độ cũ và đã qua đời sau một cơn bạo bệnh.
Một người bạn thân của ba đã hướng dẫn và đứng ra làm mọi thủ tục cho cả nhà xuất cảnh. Với mẹ, đó là niềm hi vọng cuối cùng sẽ được đổi đời, được làm Việt kiều và ăn sung mặt sướng nên cho dù mẹ vẫn lạnh lùng nhưng cũng tỏ ra gần gũi với chúng tôi hơn và thỉnh thoảng trên môi đã có nụ cười. Không hiểu việc xuất cảnh chắc chắn tới đâu nhưng mẹ đang tìm mối bán nhà cho ai chịu trả trước một phần, số còn lại họ sẽ phải thanh toán dứt điểm trước khi mẹ lên đường.
Lòng tôi buồn da diết khi nghĩ đến một mai căn nhà đầy ắp kỉ niệm này không còn là của mình nữa, tôi sẽ xa nó, nó sẽ vĩnh viễn thuộc về người khác. Cũng căn nhà này, khi gia đình tôi bắt đầu sa sút, có thời mẹ đã ngăn lại cho một gia đình từ ngoài miền Trung vào lập nghiệp thuê mướn. Trong gia đình này có vợ chồng dượng Mười, một người mà tôi suốt đời kính yêu như ruột thịt bởi dượng luôn quan tâm, chăm sóc tôi bằng tình thương của một người cha. Dượng Mười có bốn người con, hai trai và hai gái, hai đứa con gái của dượng cùng độ tuổi với tôi tên là Bích Loan và Bích Vân đã trở thành bạn thân của tôi Và đó là hai người bạn gắn bó nhất với tôi trong thời thơ ấu. Như đã nói, tôi là đứa con gái duy nhất trong một gia đình có đến sáu anh em trai, nên dù rất mực thương yêu các anh em của mình nhưng tôi vẫn không thể tìm ở đó một sự đồng cảm giới tính. Vì thế mà khi Bích Loan và Bích Vân đến, tôi đã có bạn để chơi, có được niềm vui thật hồn nhiên và tôi cứ nghĩ hai đứa nó cũng là chị em với mình. Dượng Mười còn có một người em vợ đã lập gia đình cùng ở chung với dượng, tôi gọi là cậu mợ Kỳ mà sau này tôi đã có thời gian sống với họ trong vai vú em với biết bao niềm vui lẫn lộn nhưng dù sao cũng có những ngày ấm cúng, êm đềm bởi nghĩ cho cùng họ cũng là người tử tế.
Sau mấy năm cho thuê mướn nhà tôi, dường như làm ăn không cất đầu lên nổi nên cả gia đình dượng Mười lẫn cậu mợ Kỳ đã dìu dắt nhau lên Trảng Bom dựng nhà sát bên nhau, mua rẫy trồng vườn. Nhà dượng Mười dọn đi, tôi đã khóc, phút chia tay sao mà buồn thế, tôi níu áo Bích Loan, Bích Vân, như cố giữ hai đứa nó lại với mình lâu chừng nào hay chừng nấy. Vợ chồng dượng bịn rịn vuốt tóc tôi hứa sẽ về thăm, tôi trông ngóng giây phút đó từng ngày. Nay mẹ bán nhà thì lúc nào đó, dượng Mười và Bích Loan, Bích Vân có muốn về thăm cũng chẳng biết tôi ở đâu mà tìm.
Có mẹ bên cạnh tôi như trút được phần nào gánh nặng trên vai, dạo này chẳng biết mẹ làm gì mà cũng kiếm được tiền đủ để nuôi sống anh em chúng tôi, dường như mẹ đã nhận được một khoản tiền người ta đặt cọc mua nhà và tôi cũng chấm dứt chuỗi ngày khổ nhục trong quán phở bà Cúc. Nhưng những kỉ niệm đau buồn với bà, với thằng Tiến, con Ty, tôi sẽ mang theo trong kí ức đi khắp nẻo đường đời không phải để nuôi thù hận mà coi đó như là vốn sống quý báu để vươn lên, để lánh xa cái ác. Nhiều khi tôi nghĩ có được ngày hôm nay cũng phải biết ơn cái quán phở địa ngục, biết ơn những con hẻm vô hồn mà tôi đã in đậm dấu chân những tháng ngày xuôi ngược. Quá khứ đó không chỉ có nước mắt và mồ hôi mà còn có cả máu tôi đã đổ xuống để đánh đổi bát cơm từng ngày cho mình và các anh em. Vậy mà chỉ mấy ngày không thấy tôi ra, thiếu người phụ việc nên bà Cúc đã vào tận nhà hỏi tôi giận bà hay sao mà không tiếp tục công việc, bà có la mắng, đánh đập chút đỉnh chẳng qua vì bà thương tôi, bà coi tôi như con mà thôi. Tôi không trả lời bà Cúc, chỉ lắc đầu nguầy nguậy và bỏ chạy trốn vào sau nhà. Bà Cúc lặng lẽ bỏ về, từ đó tôi không gặp bà ta nữa, nhưng thỉnh thoảng bà vẫn xuất hiện trong ác mộng của tôi.
Hạt Bụi Còn Vương Hạt Bụi Còn Vương - Ngô Thị Bích Phượng Hạt Bụi Còn Vương