Điều tôi quan tâm không phải là bạn đã thắng hay thua, mà là bạn có sẵn sàng đón nhận thất bại hay không.

Abraham Lincohn

 
 
 
 
 
Tác giả: Nam Quân
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: admin
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1643 / 16
Cập nhật: 2015-11-21 21:17:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 - Một Câu Chuyện Quan Trọng
ô gái tiến vào phía trong kho rơm:
- Mưa mỗi lúc một nặng hột! Lạnh ghê!
Ái Lan bước theo, đồng thời liếc nhanh ra ngoài trời.
Nước mưa trên mái ngói chảy tuôn như suối. Một trận gió ào tới tạt vung những giọt nước lạnh buốt vào mặt hai cô gái, vút mạnh như những lằn roi. Hai chị em bật cười rộ lên. Ái Lan:
- Ôi chà! Mưa dữ quá! Đứng vào đây đi, chị!
Cô bạn mới của Ái Lan run rẩy:
- Cái vựa rơm này vẫn hút gió dữ lắm! Mời cô chịu khó chạy lẹ vào nhà tôi trong kia đi! Nghỉ trong đó cho khỏe hơn rồi mới đủ sức đi được chứ! Bão kiểu này chắc còn kéo dài đó!
- Sợ làm phiền chị quá!
- Không phiền gì hết mà! Trái lại là khác! Không đưa cô vào trú mưa trong ấy, lỡ chị tôi hay được, chị sẽ rầy la dữ lắm!
Rồi nhìn sững Ái Lan, ánh mắt cô gái bối rối:
- A... trời, quên bẵng đi mất, không giới thiệu! Tôi là Mỹ Liên... Trần Thị Mỹ Liên! Còn...
- À, vâng, tên em là Ái Lan đó chị! Đặng Thị Ái Lan!
- A... vậy ra... có lẽ, có lẽ cô là con gái của luật sư Đặng Quang Minh trên Đà Lạt?
Ái Lan sửng sốt:
- Dạ đúng đó chị! Chị cũng biết ba em?
- Không! Biết luật sư thì tôi không biết, nhưng nghe tiếng thì được nghe nhiều lắm! Luật sư Minh nổi danh lâu rồi, ai mà không biết!
Cô gái cởi chiếc áo mưa đang mặc trên người đưa cho Ái Lan:
- Cô mặc vào đi!
- Không, em không mặc đâu! Em mặc thì chị lấy gì che mưa?
- Cô yên trí! Tôi còn một tấm vải buồm tốt lắm ở phía trong kia. Vả lại cái áo cánh này của tôi dầy lắm, mưa khó thấm ướt được!
Thành ra, dù muốn dù không, Ái Lan vẫn phải mặc chiếc áo mưa của Mỹ Liên. Áo rộng thùng thình khiến Mỹ Liên không nín cười được. Hai chị em đồng cười rộ lên, rồi dắt nhau chạy ra khỏi vựa rơm sau khi cài chặt hai cánh cửa lớn lại.
Hai người nối đuôi nhau ù té chạy, chân lội lõm bõm trong nước lẫn bùn, nhắm phía khu nhà lao tới. Vừa chạy đến trước cổng ngoài, thì một tia chớp loè lên, tiếp theo là một tiếng sét lớn nổ ngang trời. Mỹ Liên và Ái Lan bất giác cúi nhanh người xuống. Cả hai tưởng chừng như mọi vật, nhà cửa, hàng rào, cột gỗ, cây cối đều sập đổ xuống hết. Đồng thời mưa lại tuôn dữ hơn trước, gió thổi cũng lạnh buốt hơn.
Mỹ Liên nắm tay Ái Lan nhẩy vọt lên hàng ba. Rồi ngẩng nhìn trên lo ngại:
- Cơ mầu này có lẽ mưa đá mất?
Dứt lời, Mỹ Liên giơ tay đẩy cánh cửa gỗ đưa Ái Lan vào một gian nhà bếp rộng. Bên bếp lửa, một cô gái đang lúi húi nấu nướng. Nghe bước vào, cô ngẩng mặt, mở to đôi mắt, ngạc nhiên. Tiếng Mỹ Liên:
- Chị Ngọc ơi! Em dẫn về cho chị một cô khách đây này! Rồi quay nhìn Ái Lan - Xin giới thiệu với cô: Chị tôi, bà chủ nhà đấy! Tên chị là Mỹ Ngọc!
Mỹ Ngọc mỉm cười thật tươi và tiếp đón Ái Lan với một vẻ vui thích thấy rõ. Hai chị em Ngọc, Liên đều cao dong dỏng. Liên có nước da trắng hồng, Ngọc da bánh mật khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Ái Lan đoán cô chị có lẽ hơn cô em có tới bốn, năm tuổi. Khuôn mặt Ngọc có những nét đều, đẹp, nhưng đượm vẻ tư lự, đôi mắt đen to nhiều lúc thoáng buồn, khiến chỉ mới trông cũng biết được ngay là nhiều trách nhiệm đã đè nặng lên đôi vai gầy của cô gái trẻ.
Ái Lan cảm thấy thích thú và yêu mến thực tình hai chị em cô gái đã niềm nở tiếp đón em:
- Hai chị tử tế quá, cho em trú ẩn lúc mưa to gió lớn này.
Mỹ Ngọc nói ngay:
- Được tiếp rước cô thực là một điều quý hóa cho chúng tôi đó. Cô đã thấy rõ, nội quanh đây còn có ai đâu nào? Các bạn hữu của chị em tôi thì đều ở cả Di Linh, người gần nhất thì cũng ở tận ngoài Phi Nôm lận. Mà chúng tôi lại rất hiếm có dịp ra tới ngoài đó, cô à!
Ái Lan:
- Thôi mà chị Mỹ Ngọc! Đừng gọi em là cô nữa nghe! Em thích chị gọi em bằng Ái Lan như mọi người hơn, nghe chị! Em chỉ đáng tuổi em hai chị!
Chỉ ít phút sau, ba cô gái đã vui vẻ chuyện trò, cười nói reo vui như những người bạn thân thích từ lâu lắm vậy.
Mỹ Liên quay vào bếp, lôi ra một khay bánh ngọt, đặt lên tấm vỉ sắt để cho nguội. Rồi hướng về phía Mỹ Liên và Ái Lan:
- Nào, bây giờ ba chị em mình qua bên phòng ăn, chị cắt bánh ngọt cho các em nếm để chấm điểm tài khéo của chị, đi! Ái Lan!
Mỹ Liên sốt sắng đứng dậy kéo Ái Lan:
- Ái Lan thấy không? Chị Mỹ Ngọc giỏi nữ công lắm! Còn Mỹ Liên chỉ thích chạy nhảy bên ngoài thôi, hà!
Mỹ Ngọc mở chạn đồ ăn và quay mặt lại vừa cười vừa nói với Ái Lan:
- Chị và Mỹ Liên thực tình không có ý xấu, nhưng quả thực chị chỉ muốn cho trận mưa bão này kéo dài... thiệt là dài đó, Ái Lan!
Em, bản tính trẻ nít "rắn mắt" trả đũa ngay:
- Càng tốt! Em cũng mong vậy đó hai chị! Miễn sao về tới Đà Lạt trước khi sập tối là được à!
Phòng ăn rất rộng, nhưng kê quá ít đồ nên trông có vẻ trống trải gần như là rỗng không vậy. Một cái tràng kỷ kiểu cổ, một cái bàn gỗ mộc và bốn cái ghế dựa lâu ngày đã lên nước đen bóng. Và một cái lò sưởi xây sát tường, bên trong đám lửa than sáng ấm lách tách nổ. Sàn nhà bằng gỗ được lau chùi nhẵn bóng. Bốn khung cửa sổ có màn gió màu trắng buông rủ. Tất cả những thứ đó chứng tỏ rằng, dù sống trong cảnh nghèo nàn đạm bạc, hai chị em Ngọc Liên vẫn cố gắng tạo cho bên trong căn nhà một không khí ấm cúng vui tươi.
Ái Lan chợt hỏi:
- Nhà còn ai không, hay chỉ có hai chị thôi?
Mỹ Liên gật đầu:
- Đúng vậy đó Ái Lan! Nhà chỉ có hai chị em thôi! Sau khi má tụi tôi mất, thì ba tháng sau, ba tôi, vì buồn rầu sinh bệnh, cũng mất theo luôn. Từ đó tới nay, hai chị em tôi sống côi cút quạnh hiu như vậy đó! Ngoảnh đi ngoảnh lại thế mà đã được hai năm rồi. Mau thật! - Giọng nói Mỹ Liên nghe khác hẳn đi, khàn đục như ẩm mùi nước mắt.
Một lúc sau, Ái Lan mới lại lên tiếng:
- Mà sao hai chị tiếp tục làm lụng sống được ở đây? Việc trang trại, theo em biết, thì vất vả lắm, nhà lại chẳng có đàn ông?
Mỹ Ngọc điềm đạm:
- Cái nông trại nhà chị hiện nay thì cũng không còn gì là đáng kể nữa đâu. Bán dần bán mòn mãi, đến giờ chỉ còn lại hơn hai mẫu thôi Ái Lan!
Chợt Mỹ Liên cười lên khanh khách:
- Ái Lan muốn biết chị em mình sinh sống bằng cách nào, nhưng không hỏi thẳng đấy, chị Ngọc à! Có gì khó hiểu đâu hả, Ái Lan! Cứ trông mấy cái màn gió ở cửa sổ, ở cửa thông xuống bếp và ở cửa phòng ngủ kia, là đủ biết kìa. Chị Ngọc, một cây kim chỉ vá may, vẫn nhận đồ may ở tiệm Thịnh Lợi Đà Lạt về nhà may ăn công đấy. Khi thưa việc, chị nhận thêm đồ con nít ở Phi Nôm, may cắt quần áo của hai chị em. Còn tôi thì làm "xếp" gà!
Ái Lan bật reo lên:
- "Xếp" gà? Nghĩa là chị Mỹ Liên là một nhà chăn nuôi gà? Dữ a! Có vất vả và kiếm được khá tiền không chị Mỹ Liên?
- Cũng khá! Nhưng không phải vụ nào cũng lãi nhiều đâu Ái Lan. Như năm nay chẳng hạn! Giá gà hạ, mà thức ăn, cám, bột lại cao, trứng bán cũng không chạy lắm. Nhưng chị có cái thú đam mê việc chăn nuôi, trông thấy những con gà con "khai mỏ", mổ trứng chui ra không khác những cụm bông gòn chiêm chíp gọi mẹ thì thích ghê lắm. Năm nay mà lùng được giống gà Leghorn nuôi để dành bán vào dịp Tết thì phải biết! Cái loại gà trắng đó, Ái Lan biết không?
Mỹ Ngọc nở nụ cười thật tươi:
- Mỹ Liên thì đặc biệt là một chủ trại chăn nuôi lắm rồi đó, Ái Lan! Hai chị em chia nhau công tác: chị thì nội vụ, còn Liên thì ngoại giao. Được chưa?
Mỹ Liên thoáng chút đăm chiêu:
- Mùa hạ thì không có gì đáng ngại. Rau muống, rau cần trồng dễ nên số lượng rau cắt đem bán cũng khá lắm. Nhưng mỗi khi mùa đông tới, trồng bắp su và sà lách như ở Đà Lạt, con gái sức yếu kham sao nổi việc tưới tắm, xới cỏ, bỏ phân. Mà rau muống, rau cần về mùa lạnh lại không mọc được, dù có mọc cũng cằn cỗi không ra cái gì vì thiếu nước. Thành thử hằng năm, cứ vào cuối hạ sang thu là hai chị em lại bắt đầu lo lắm.
Mỹ Ngọc vẫn với giọng thản nhiên chịu đựng:
- Ồ! Trời sanh trời dưỡng, lo gì em? Miễn là chị em mình không ăn bơ làm biếng thì đâu có lo gì đói khổ…
Dứt lời, cô chị gái can đảm đứng lên quay nhìn Ái Lan:
- Các chị bắt tội em phải nghe chuyện riêng tư mãi! Thôi! Để chị đi pha một ấm trà Bảo Lộc thật ngon em uống nghe! Các chị hãy còn "giàu" lắm, dư sức tặng em một chầu nước trà sen thượng hảo hạng mà!
Ái Lan định lên tiếng chối từ, nhưng em cắn môi nín kịp: chút xíu nữa là em đã làm tổn thương lòng tự ái của hai người bạn mới, nghèo tiền ít bạc, nhưng tinh thần bảo trọng nhân cách lại rất nhiều. Và em tự nhủ thầm:
"Mình chỉ muốn có cách gì giúp đỡ Ngọc Liên! Nhưng làm sao đây? Không lẽ lại trả tiền bánh và nước trà cho các chị? Như vậy đâu có được! À… hay là mình đi mua vải, rồi nhờ chị Ngọc cắt may cho mình một bộ áo đầm? Ờ! Phải đấy!"
Một lúc sau, Mỹ Ngọc ở trong bếp đi ra, bưng một cái khay gỗ, trên để một ấm nước trà bốc khói và một đĩa tây bánh ngọt. Và Ngọc nhẹ nhàng bầy bánh rót nước vào mấy chiếc tách Nhật Bản xinh xinh, cử chỉ nhẹ nhàng khéo léo và đĩnh đạc như một vị nữ chủ nhân tỉ phú tiếp đãi các quan khách vào hàng vương giả, trong một thính phòng lộng lẫy huy hoàng nơi cung điện.
Ái Lan thích thú ăn bánh uống nước rất ngon lành, nức nở khen:
- Thật chưa bao giờ em được ăn uống khoái khẩu bằng ăn bánh và uống nước của chị Ngọc?
Tiệc bánh hầu tàn, ba cô gái vừa nhấm nháp nước chè sen thơm ngát vừa chuyện trò và đưa mắt ngắm những giọt nước mưa đang gõ đều đều lên mặt cửa kính. Tia mắt Ái Lan bỗng ngưng lại nhìn ngắm một bức tranh sơn thủy rất đẹp, lồng khung kính treo trên tường. Mỹ Liên thấy Ái Lan mải mê ngắm tranh, đột ngột lên tiếng:
- Kỷ vật của bác Doanh đó! Buồn ghê! Nếu bác còn sống thì đâu đến nỗi này!
Ái Lan giật nẩy mình. Bác Doanh...? Bác Doanh mà Mỹ Liên vừa nói đó là bác Doanh nào vậy? Hay là cụ Phạm Tú Doanh đó?... Hừ, có thể lắm, phải, biết đâu? Bên tai Ái Lan lại văng vẳng lời kể chuyện của luật sư Minh, ba em: "... trong số những người xứng đáng được ghi tên trong tờ di chúc của cụ Doanh, có hai cô gái nghèo hiện đang khai thác một cái nông trại hẻo lánh tại Lạc Dương..." Tia mắt Ái Lan sáng lên đồng thời trí óc em lóe rõ một tia mừng phấn khởi: "Mình phải hỏi cho ra chuyện này mới được!"
Tự nhiên như không, em lên tiếng hỏi:
- Ông bác của hai chị mất được bao lâu rồi?
Mỹ Ngọc trả lời thay em:
- Thực ra thì bác Doanh không phải là bác ruột của hai chị. Mà bà con dòng họ cũng không nữa. Nhưng tụi chị thương mến bác hơn người thân thích ruột thịt kia, em à!
Giọng nói của Mỹ Ngọc nghẹn ngào, ướt sũng mùi nước mắt. Ngọc ngưng lại một lúc lâu, rồi như gắng gượng lắm, cô mới tiếp tục kể:
- Bác Doanh trước kia khai thác một sở cam ở kế bên nông trại của ba má chị. Ba má chị kể lại rằng, sau khi bác Doanh gái mất đi, bác không tục huyền nữa. Ngày ngày, xong công việc săn sóc vườn cam, bác chỉ qua bên này trò chuyện với ba má chị, coi chị và Mỹ Liên như con mình. Hồi đó, chị và Liên còn bé, được bác quý lắm vì một phần là bác không có con. Thế rồi, sau khi ba má chị mất, thì không biết bác nghĩ sao lại bỏ sở cam ra đi một nơi chốn nào. Và từ đó "giậu đổ bìm leo", bao nhiêu chuyện đau buồn rủi ro cứ theo nhau giáng vào hai đứa con côi cút là Mỹ Liên và chị...
Mỹ Liên láu táu:
- Ờ, phải đấy! Ái Lan! Bác Doanh tử tế lắm! Nhiều người không biết cứ bảo bác những là quê mùa, cổ hủ... gì gì nữa đó, nhưng có ở gần bác mới biết. Bác bỏ đi đâu mất được ít lâu thì Liên và chị Ngọc nghe tin là bác được người anh em bà con đón về ở chung nhà trên Đà Lạt, cái ông gì đó này... à, Phàm, Phạm Văn Phàm gì đó, đúng rồi!
Mỹ Ngọc:
- Nhưng tụi chị biết rõ là ở với ông Phàm, bác Doanh chẳng được chút nào vui thỏa hết! Gia đình ông này chẳng có người nào tử tế cả, đối xử với bác Doanh hết sức "ráo máng cạn tàu". Lại còn ra miệng ngăn cấm bác không được giao thiệp đi lại chuyện trò với ai. Vậy mà đôi khi bác vẫn mò được về đến tận đây thăm nom chị và Liên đấy. Nhưng hình như bác không dám để nhà ông Phàm biết thì phải! Đúng vậy không, Mỹ Liên?
- Ừ, đúng rồi! Lúc nào bác Doanh cũng bảo rằng bác coi hai chị em Liên như con ruột vậy! Nhất là khi ba má mất rồi, bác đã nói ra miệng là bác không để cho chị em Liên phải thiếu thốn một thứ gì hết. À, Liên còn nhớ cái lần sau chót bác ở Đà Lạt về, bác cho biết là bác đã quyết định ghi tên hai chị em vào lá chúc thư để của cho đó. Đây này, Liên còn nhớ cả lời bác nói vào tai hai chị em như sau: Các con cứ yên tâm! Bác sẽ để dành cho hai con một món quà quý lắm! Chưa biết là cái gì, nhưng rồi sau này hai đứa sẽ rõ. Người ta sẽ chuyển đến tận tay các con, ý muốn cuối cùng của bác nghe!". Đó! lời bác Doanh nói đúng như vậy đó!
Mỹ Ngọc, giọng nói thoáng đượm đôi phần cay đắng:
- Và bây giờ thì, gia đình ông Phàm nghiễm nhiên sẽ tọa hưởng toàn phần cái di sản của bác Doanh! Nói cho đúng, thì hai chị thật tình cũng chẳng đặt nặng vấn đề thừa hưởng gia tài của bác đâu, nhưng có điều lạ lùng là tại sao cái quyền đó lại có thể lọt vào tay nhà Phạm Văn Phàm được kia chứ? Vô lý và bất công quá chừng, vì ai cũng dư biết là gia đình ông Phàm có coi bác Doanh ra cái gì đâu! Chị tin chắc chắn là trong thâm tâm, không bao giờ bác lại có ý định để của chìm của nổi lại cho nhà ấy hưởng cả.
Ái Lan cho biết:
- Có thể là tên của hai chị được ghi vào tờ di chúc thứ hai rồi đó! Nhưng hiện nay thì không biết tung tích cái tờ đó ở đâu? Thiên hạ đồn đại dữ lắm rồi đó!
Mỹ Ngọc và em đưa mắt nhìn nhau gật đầu công nhận lời nói của Ái Lan có lý.
Mỹ Liên lẩm bẩm:
- Liên và chị Ngọc cũng nghĩ thế đó!
Ái Lan:
- Vậy thì hai chị phải tính thế nào chứ? Ví thử cái quyền thừa hưởng di sản có về tay các chị thì chẳng qua cũng là một điều hết sức công bằng hợp lý.
Mỹ Ngọc cười buồn:
- Không hy vọng gì đâu Ái Lan ạ! Tụi chị biết chắc là thế nào cũng đã có một lá chúc thư nhằm cứu vớt hai chị em ra khỏi được cái cảnh đói lạnh này đấy, nhưng lấy gì làm bằng cớ? Mà theo kiện thì các chị tiền đâu mà theo được chứ?
Ái Lan bật kêu lên:
- Nếu vậy thì nhà Phạm văn Phàm phải có cái gì nâng đỡ các chị chứ!
Mỹ Ngọc phá lên cười, giọng khinh bỉ:
- Nhà ông Phàm hả? Chị biết họ quá mà! Một xu teng cũng đừng hòng!
Rồi hai chị em Ngọc, Liên xoay ra nói về cái tính tình đặc biệt của cụ Doanh. Nghe hai cô gái nói chuyện về người đã chết, Ái Lan ý thức được ngay tấm tình nhớ thương của hai chị em đối với cụ già nhân hậu đã thâm sâu tới mức nào.
Mải vui câu chuyện, ngoảnh nhìn ra thì mưa gió đã tạnh êm, mặt trời đang chiếu những tia sáng ấm le lói qua đường viền tím trên mấy tầng mây trắng. Ái Lan đứng lên:
- Câu chuyện hai chị vừa kể, em nghe thật vô cùng quan trọng. Ba em sẽ có thể giúp các chị được. Chắc các chị đã biết ba em là luật sư Đặng Quang Minh ở Đà Lạt rồi chứ?
Mỹ Ngọc vội vã:
- Biết! Biết! Tụi chị biết luật sư Minh nổi tiếng lắm! Nhưng, ủa! Mà tại sao chị và Liên lại có thể kể lể rắc rối lôi thôi bắt Ái Lan nghe mãi về chuyện này thế nhỉ? Không, tụi chị không dám làm phiền ba Ái Lan về vụ này đâu!
Ái Lan sốt sắng:
- Chị Ngọc đừng nói vậy! Em rất mừng khi nghe một câu chuyện lý thú như thế! Em sẽ cố hết sức giúp các chị! À, chị Ngọc! Nếu ba em cần hỏi han một vài điều gì thì chị có bằng lòng để ba em gặp chị không?
Mỹ Ngọc hơi ngập ngừng, nhưng rồi:
- Cũng được chứ, Ái Lan! Nhưng tất cả những điều gì biết, các chị đã nói cho Lan rõ hết rồi đó!
- Đó là một chuyện! Ba em còn có biệt tài, qua lời của người đối thoại, khám phá, phát giác được nhiều chi tiết rất đặc biệt không ai ngờ được kia chị ạ!
Mỹ Liên cảm động nhìn Ái Lan:
- Ái Lan tử tế, sốt sắng quá! Lại còn định về nói chuyện với ông luật sư vụ này nữa. Nếu có thể làm được cái gì để khiếu nại, thì Liên và chị Ngọc mừng lắm. Quả tình hai chị em Liên không có ý đòi những cái gì thuộc về người khác. Nhưng có điều Liên nghĩ rằng, theo như lời bác Doanh đã nói với hai chị em, thì Liên và chị Ngọc có lẽ cũng phải được một phần nhỏ nào vào cái gia tài đó chứ, phải không Ái Lan?
Ái Lan khôn ngoan dè dặt hơn:
- Nhưng em có lời khuyên các chị là đừng có đặt quá nhiều hy vọng trước khi được nghe lời khuyên của ba em, nghe! - Vừa nói Ái Lan vừa tiến ra phía cửa - Hai chị cứ yên tâm, em hứa với hai chị là về tới nhà, em sẽ nói chuyện với ba em, và ba em có ý kiến gì, em sẽ báo cho hai chị biết ngay.
Hai Tờ Di Chúc Hai Tờ Di Chúc - Nam Quân Hai Tờ Di Chúc