Start where you are. Use what you have. Do what you can.

Arthur Ashe

 
 
 
 
 
Tác giả: Kim Hài
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 6
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 856 / 10
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1 -
ôi ngồi xếp bằng cả hai chân lên giường cố sao nhét vào óc bài Vạn Vật dài lòng thòng như một bài diễn thuyết buồn nản. Thật là lầm lẫn lớn lao khi tôi tin là mình có khả năng nhớ dai vô địch và cái nghề học bài là cái nghề “tủ” chính yếu của tôi. Năm ngoái, tức là năm tôi học đệ nhị, tôi chuyên về toán. Những bài toán không gian huyền ảo được tôi làm trơn tru. Bài làm nào cũng điểm khá, ấy thế mà đến khi thi tú tài đơn, tôi suýt rớt vì cái môn rắc rối đó. Bài toán vây quanh một cái khối tháp ba chiều với những chuyển động và quỹ tích làm tôi toát mồ hôi lạnh. Suốt ba giờ nhăn nhăn nhó nhó, tôi nộp bài sau rốt với tấm lòng nặng như chì và nỗi lo âu canh cánh. Nhưng có ai ngờ học ban B mà lại được mấy môn học thuộc lòng như Sử Địa, Công Dân, Vạn Vật vớt vát điểm. Mấy bài đó tôi làm thật tốt, chữ đâu trong đầu cứ tuôn ra ào ạt như mưa rào. Tôi lấy làm lạ lùng và tự đắc cho cái kết quả không ngờ đó. Từ đấy môn Vạn Vật không còn là môn học đáng ghét và “cù lần” như tôi đã nghĩ.
Kịp đến khi lên Đệ Nhất, ông anh sinh viên SPCN của tôi động lòng nghề nghiệp khuyên tôi theo đuổi ban A.
- Ban B. Hừm. Con gái học ban B cho nó già người ra đấy hẳn. Lúc nào cũng tính với toán. Thôi đi A đi.
Đó là lời mở đầu của ông anh họ tôi khi được tôi hỏi ý kiến việc chọn ban. Tuy vậy, tôi vẫn còn lo lắng, tôi hỏi:
- Nhưng em đang học ban B thì làm sao đây?
- Ngốc quá, cô xin đổi ban chớ làm sao. Nầy nhé, học A dễ đậu hơn B, vì học B năm đệ nhất nó khó lắm. Cô mà làm hỏng toán thì đừng hòng thi đậu. Sau nữa, học A, lên đại học tha hồ chọn phân khoa, Y khoa này, Nha, Dược … đi cái gì cũng được hết trọi.
Tôi nhớ đến kỳ thi vừa rồi hỏng toán mà cũng đậu. Có sao đâu. Tôi buột miệng:
- Sao kỳ thi vừa rồi em làm toán được có 4 điểm mà vẫn đậu.
- Đó cô thấy không, dốt toán vậy mà đòi đi B. Thôi A đi.
Tôi đồng ý. Và đến bây giờ trả giá cho sự lựa chọn đó, tôi khổ đau cắm cúi với mấy cái xương, cái tóc.
Tôi ngáp một hơi dài, thò chân xuống đất vươn vai cho đỡ buồn ngủ. Ngọn đèn điện vàng buồn hiu tỏa ánh sang lừ đừ trên mớ sách vở hỗn độn.
Tôi với tay tắt đèn để mắt được dịu đi đôi phút. Gió lọt qua vuông cửa sổ bỏ rộng, đưa đẩy chiếc áo dài trắng toát ở góc phòng tạo ra cái cảm giác mát mẻ dễ chịu. Tôi đến bên cửa sổ, tì nhẹ vào cái khung gỗ nhám nhìn xuống con hẻm nhỏ. Những mái nhà thấp im lìm. Mọi người đã ngủ say. Những tiếng động ồn ào đã xa lìa mất hút theo ngày. Chỉ còn âm vang tiếng lá cây đâu đó xào xác chạm bên nhau và văng vẳng giọng rỉ rả phấn khởi của lũ côn trùng vì gặp một đêm đẹp trời.
Tôi ngước nhìn lên bầu trời đầy sao. Dãy Ngân Hà trắng loáng như sữa nhấp nháy. Tôi tưởng chừng như có hàng vạn tiếng lách tách trong trẻo phát xuất từ những vì sao nhấp nháy đó. Tôi lắng tai để lóng nghe những tiếng lạ:
- Thôi Tâm về nghe anh, khuya quá Tâm sợ.
Giọng nói quen quen vọng lên nhẹ nhàng từ vùng tối im lìm ở dưới kia. Tôi lạ lùng nhìn xuống. Hai chiếc bóng, một cao, một nhỏ nhắn đang sát gần nhau. À té ra con Tâm học cùng trường, nhưng nó học ban C. Chắc lại bồ bịch gì đây. Tôi định đi vào, nhưng trí tò mò cứ giữ chân tôi lại vuông cửa sổ.
- Thôi em về nghe anh.
Người con gái nói đến lần thứ ba điệp khúc đó mà vẫn chưa bước đi nổi. Người con trai nói gì đó không rõ, tôi chỉ thấy con Tâm gật đầu rồi lại lắc đầu.
- Mai anh tới nhà xin phép má đi, không thôi bà cụ mắng chết.
- Không hề chi mô. Chiều mai thứ bảy, anh mời Tâm đi xi-nê. Dắt theo bé Tư đi nữa.
A, cậu con trai người Huế, hèn gì giọng nói nhỏ nhẹ dữ.
- Để mai rồi Tâm trả lời anh. Bây giờ Tâm phải về. Bãi học 10 giờ mà bây chừ 10 giờ rưỡi rồi đó. Tâm về nghe.
Họ không nói gì nữa. Tôi thấy hai bàn tay siết chặt giữ lại ngay cả khi con Tâm di chân được một bước.
- Chúc ngủ ngon.
Con Tâm vụt bỏ chạy nhanh vào hẻm. Người con trai đứng nhìn theo mãi rồi mới trở bước.
Tôi vào giường không buồn bật đèn lên. Trạng thái buồn ngủ đã mất, nhưng bây giờ sự lười biếng và đầu óc lạ lùng ném tôi vào một cảm giác xa lạ. Hình ảnh vừa rồi tự nhiên bám riết lấy tôi như một con rết đang chĩa hàng trăm cái chân nhỏ trên nền đất ướt. Tôi lăn vào trong cùng. Chiếc giường kêu lên một tiếng thảm não cùng lúc trong tâm hồn tôi bật lên một cảm nhận xót xa.
Tôi thấy mình cô đơn lạ lùng. Gian phòng trống vắng. Bóng đêm yên lặng. Tôi nhắm mắt lại và mặc dù không muốn, trí óc cũng lênh đênh trôi tấp vào một ước muốn thuần khiết nào đó.
Tôi nhớ đến hai bàn tay siết chặt của con Tâm và bồ nó hồi nãy. Con Tâm đâu lớn gì hơn tôi – Chúng tôi trạc bằng tuổi nhau, cùng một học lực như nhau, ấy mà đêm nay, cảnh tượng bất chợt tình cờ bắt gặp làm con Tâm như lớn hẳn lên, chững chạc hẳn lên.
Một ý tưởng vút đến như một lằn chớp – Tại sao tôi không có một người yêu như con Tâm nhỉ? Tôi chúi đầu vào gối xấu hổ một mình. “Những cử động phản xạ, các trung khu thần kinh …” Tôi cố nghĩ đến bài Vạn Vật nhức đầu để xua đuổi những ám ảnh tội lỗi đang len lỏi trong tôi. Nhưng tôi bất lực … Đêm càng lúc càng sâu. Tôi sợ mình không ngủ được – Vội vàng tôi đếm từng tiếng 1,2,3,4 …
Có con thạch sùng tắc lưỡi chế giễu đâu đó trên trần nhà …
Buổi học sáng bắt đầu bằng hai giờ Triết buồn ngủ. Ông thầy dạy Triết có mái tóc xoắn tít chỉ gây được phấn khởi cho lũ học trò con gái khi ông bắt đầu một mệnh đề phụ bằng tiếng “nhưng” được nhấn mạnh như một tiếng trống thưởng trong các tuồng hát bộ, âm phát ra đáng lẽ quan trọng, gợi sự chú ý thì trái lại hài hước khôn tả.
- … Nhưng … đạo đức không phải …
Lũ học trò con gái bàn cuối cười lên như chuột rúc. Ông thấy Triết cũng hiền khô, mỉm cười rồi tiếp tục giảng giải.
Tôi quay sang Liên gọi nhỏ:
- Liên, Liên, mày có hiểu không? Thầy giảng sao khó hiểu quá.
Con Liên lắc đầu:
- Về nhà coi lại sách. Cứ cái điệu này, đi thi tụi mình ăn ốc vịt hết.
- Reng … Reng…
Tiếng chuông reng báo hiệu giờ chơi - Chúng tôi thấp thỏm đứng ngồi không yên. Lời giảng của giáo sư Triết trôi tuột theo những tiếng lao xao ngoài sân, trong lớp. Giáo sư gõ mạnh cây thước lên mặt bàn ra hiệu in lặng. Cả lớp im được một phút. Và rồi từ dưới lớp vọng lên câu năn nỉ:
- Ra chơi rồi thầy. Thầy để tuần sau giảng tiếp thầy …
Những đứa khác chộp cơ hội đó đồng lao nhao một lượt.
- Thầy cho ra chơi thầy. Để tuần sau giảng tiếp thầy …
- Hết giờ rồi thầy.
Cuối cùng, giáo sư đành chịu thua, khoát tay. Chúng tôi kéo nhau ra ồ ạt. Vài đứa bu lên bàn giáo sư hỏi han về bài luận triết kiểm soát hôm thứ hai vừa rồi.
Trời nắng dịu. Mấy cây phượng lòng thòng quả xanh. Con đường Thống Nhất im mát với hai hàng cây sao thẳng tắp.
Cả bọn tôi họp thành một nhóm bốn đứa kéo nhau ra đám cỏ mượt sát hàng rào ngồi sà xuống bàn chuyện.
Liên nhu nhu cái miệng nhỏ than thở:
- Bài Vạn Vật khó quá tụi bây ơi. Tao học hoài suốt đêm.
Thanh cũng than trời như bọng – Duy chỉ có Mai mỉm cười không nói gì. Tính con nhỏ đó vẫn thế, mơ mơ màng màng, thơ thẩn bắt bực cả mình. Nhưng bù lại học giỏi một cây. Bài Vạn Vật đang làm tôi nhớ lại câu chuyện hồi hôm. Tôi nhớ lại câu chuyện hồi hôm. Tôi hạ thấp giọng:
- Tụi bây nhắc đến bài Vạn Vật tao mới nhớ hồi hôm tao thấy con Tâm và bồ nó đưa nhau về, tình lắm.
- Tâm nào, phải Tâm học ban C không?
Tôi gật đầu:
- Phải đó.
Liên kêu:
- Bạn của Mai đó tụi bây à. Chắc Mai biết chuyện kể cho tụi nầy nghe đi.
Mai cười. Đôi mắt ướt lên, hồn hậu:
- Người yêu của Thu Tâm đó à – Anh ấy Mai cũng quen, bạn của anh Mai mà. Nghe nói hai người thương nhau lắm.
Thanh nhăn mặt:
- Đang còn đi học mà bồ bịch thì học hành sao cho vô nữa. Lại còn đưa đón nhau nữa. Chắc con Tâm nó điếc nên không sợ súng.
Mai cười bí mật:
- Lớn thì phải có người yêu chớ. Thu Tâm học giỏi nhất lớp đó. Mấy bồ có nhớ năm rồi Thu Tâm được phần thưởng ưu hạng đó không?
Mấy đứa nhìn nhau bâng khuâng. Tự trong tôi, tôi cũng thấy điều đó không đáng trách – không có gì đáng trách hết.
- Nhưng, nếu có người yêu cũng không nên đưa đón ngoài đường như vậy. Thiếu gì cách mời về nhà nói chuyện đàng hoàng.
- Thôi kệ nó, nói chuyện khác đi. Hơi đâu mà bàn chuyện thiên hạ. Tụi bay không hỏi ôn bài nhau, tí nữa bà Mỹ khảo Vạn Vật là chết đó.
Chúng tôi quên ngay câu chuyện vừa rồi, ôn tập, hạch sách nhau bài vở, đến khi tiếng chuông báo giờ ra chơi đã hết.
Hàng ngàn tà áo trắng bay bay khắp sân nắng đã tụ họp thành hàng lối chỉnh tề. Những tiếng xôn xao đã bớt nhưng dứt hẳn thì không.
Chả mấy chốc sân trường vắng vẻ. Chỉ còn nắng tràn lan qua những cành lá xanh tươi trong sân trường rộng mát.
Buổi trưa – Từ lớp học bước ra, nắng chói chang đến nhức mắt. Mấy cây sầu đông tròn quả đong đưa cũng không ngăn che được ánh sáng mặt trời. Tôi đội vội cái nón lên đầu cố bước mau về nhà. Con dốc cao độc nhất trong thị xã phơi trần trong cái nắng gay gắt giữa trưa. Tôi đi như chạy cố vượt sức nặng của đôi chân để leo lên dốc. Lên đỉnh dốc, tôi ngưng lại một chút để nhìn xuống những người đi nhỏ li ti và con đường xe lửa ngoằn ngoèo khuất dạng sau những dãy nhà tranh lụp xụp phía dưới. Tôi chợt dụi mắt vì tưởng mình nhìn lầm. Nhưng không, lại Thu Tâm và bồ nó.
Lần nầy tôi mỉm cười. Nhưng đồng lúc tôi thấy mình thua thiệt. Cái hạnh phúc dịu dàng của tuổi mới lớn tôi vẫn chưa được hưởng nhận. Từ trên cao, tôi cũng nhận rõ được sự sung sướng bao trùm Thu Tâm. Đến ngày nào tôi mới nếm được niềm vui ấy. – Nó như thế nào – Nó êm ái ra sao – Nó đầy vẻ an ủi hay đau khổ.
Về đến nhà, xong bữa cơm trưa, tôi lên gác vào phòng mình. Bên kia lũ em trở mình ràn rạc trên nền ván.
Hôm nay là chiều thứ bảy, thiên hạ đợi nắng dịu một chút là ra đường ăn diện lộng lẫy. Nhưng tôi thì chưa bao giờ dám bước chân ra phố với mục đích dạo qua, dạo lại. Cái thị xã phồn thịnh nầy thích hợp với mấy cô gái đi làm hơn là lũ học trò áo trắng chúng tôi.
Giấc ngủ trưa vẫn không chịu đến. Trời oi bức lạ. Chờ một cơn mưa rào cho chín đất, cho thối cây mà chẳng thấy. Trời vẫn trong vắt. Mây bay trên cao rồi tan biến trong sức hun nóng của mặt trời. Gió như thổi đến một nơi nào không biết. Có đó mà da thịt, chẳng cảm thấy nhận được chút nào hết. Tiếng quạt giấy quạt phành phạch, sàn sạt như một điệu nhạc thô sơ của dân miền Thượng. Càng nghe càng thấy nóng bức thêm.
Tôi ngồi vào bàn học - Tôi ôn lại những gương mặt bạn bè. Cả bạn trai lẫn bạn gái – Bạn trai chỉ toàn là những đứa học chung lớp hồi trung học đệ nhất cấp. Hồi đó, trai gái học chung vui ghê. Bạn bè chung lớp suốt 4 năm ròng nên xem nhau như anh em, chọc ghẹo nhau, la mắng nhau không một chút mắc cở, đỏ mặt hoặc ý xấu. Bây giờ con trai học riêng, con gái học riêng, gặp nhau chào hỏi như không. Rốt lại tôi chỉ có bạn gái. Mấy đứa bạn gái siêng học và giản dị.
Tôi soi mình vào chiếc gương con đặt trên bàn học. Quả thật nếu nhận xét cho đúng thì tôi không được đẹp. Tôi cũng không hiểu vì sao tôi không được đẹp bằng con Mai, con Thanh, con Liên, bởi vì cứ phân tích từng phần trên gương mặt, môi, mắt, mũi thì tất cả đều trung bình. Thế mà nhìn chung, cộng tất cả lại rồi ngắm nghía thì có một cái gì không ổn trong đó. Cái nhan sắc bỗng sụt hẳn đi và trông làm sao ấy.
Tôi cũng biết điều đó. Nhưng mà cần gì. Tôi bận nhiều công việc quan trọng cần phải chú ý hơn là ngồi đó chuốt trau sắc đẹp. Tôi cần phải học, đậu tú tài đôi, ráng thi vào sư phạm để ra trường giúp đỡ ba má và các em. Ba tôi đã già rồi, ông sắp về hưu. Má tôi ốm yếu xoay vần với mấy lũ em cũng đủ mệt nhọc đừng nói chi đến việc kiếm tiền thêm. Cả gia đình trông cậy vào tôi là đứa con gái lớn nhất. Ba tôi hãnh diện với bạn bè về cái học của tôi. Má tôi hy vọng tôi sớm thành đạt để gia đình khá giả hơn. Và các em tôi nhìn chị để tiến lên.
“Cái nết đánh chết cái đẹp” – Má tôi thường bảo tôi vậy mỗi khi tôi lầm lỗi và lẽ tất nhiên tôi cũng tin ghê lắm. Tôi nghĩ giản dị cũng là một cái đẹp của đàn bà. Và tôi tập giản dị. Tôi sung sướng với cuộc sống êm trôi trong học đường và gia đình.
Thỉnh thoảng có những buổi chiều đẹp, cả bọn dắt nhau ra bờ sông ngắm cảnh. Trong làn gió mát. Trong cái êm ả và khung cảnh nên thơ của buổi chiều trên sông. Lòng tôi cũng đôi phút chùng xuống dịu dàng. Niềm xao động không gốc không nguồn phát xuất rồi tan biến, nhưng không mất hẳn mà ẩn giấu đâu đó trong chổ kín tâm hồn.
Hoặc những đêm sáng trăng thanh lặng. Tôi tắt đèn, ngập mình trong bóng trăng để nghe đâu đó một nỗi buồn thật nhẹ nhàng vây bọc quanh mình.
Những lúc cảnh mơ màng đó tất nhiên làm phong phú tâm hồn tôi, phát sinh những ý tưởng phức tạp, nhưng bề ngoài nó vẫn dửng dưng, không thay đổi. Và tôi có cái bề ngoài của một cô gái tầm thường, không đẹp và giản dị.
Những ngày kế tiếp trôi qua trong êm đềm. Tôi quên mất chuyện của Thu Tâm và những ám ảnh manh nha về nỗi cô đơn con gái cũng biến mất. tôi vùi đầu với việc học với những bài ôn thi đệ nhất lục cá nguyệt. Đúng hôm tôi vừa thi xong một ngày và được nghĩ liền tù tì 5 ngày để các giáo sư chấm bài, thì Liên đến tìm tôi. Trời nắng gắt. Nó đi đầu trần. Mặt đỏ nhừ như người say rượu. Tôi la lên:
- Đi đâu mà nhè lúc trời nắng gắt như thế này. Có điên không em?
Liên vẫn thừ người ra thở. Nó với lấy cây quạt, quạt phành phạch như một mụ nhà quê chính hiệu:
- Cho tao miếng nước, rồi tao báo tin này cho mà nghe. Nhanh lên. Trời nắng ghê quá, chẳng thấy mát lấy một chút.
Tôi thét mấy đứa em lấy cho Liên môt ly nước lạnh rồi quay sang thúc hỏi:
- Chuyện gì nói mau lên – Làm tao sốt cả ruột. Bà Mỹ nện hột vịt hay ông thầy Triết cho tụi mình zê rô. Lẹ lên.
Liên lắc đầu, dừng quạt, bỏ nhỏ một câu:
- Bồ con Thu Tâm chết rồi mày.
- Ai?
- Anh chàng mà mầy gặp đi với Thu Tâm đó?
Chết rồi. Tôi hỏi một câu lãng xẹt:
- Bây giờ làm sao?
- Con Mai đi đưa đám hồi sáng đó. Nó kể là con Thu Tâm cũng có đi. Con Tâm khóc quá trời nhưng không dám để cho ai biết hết.
Tôi nhăn mặt:
- Biết thì biết chớ, sợ gì ai. Bề nào cũng là người mình thương chứ bộ.
Con Liên trợn mắt nhìn tôi:
- Khóc tồ tồ để thiên hạ chửi thúi đầu à. Ai cho khóc. Bà con cật ruột gì mà khóc. Nghĩ cũng tội thiệt. Đụng tao chắc tao xỉu quá.
Tôi thắc mắc:
- Mà làm sao chết vậy?
- Anh đó là lính mà. Cùng một binh chủng với anh con Mai đó. Nghe nói bị pháo kích.
Tôi bâng khuâng nhìn ra ngoài cửa sổ. Phía dưới kia là chổ đứng mà đêm hôm nào tụi nó hò hẹn. Thế mà đột nhiên, một đứa biến mất. Lòng tôi cũng nao nao. Tàn trứng cá xôn xôn những quả đỏ mọng và giàn ti-gôn của căn nhà phía trước bỗng hồng rực lên hơn bao giờ hết. Giọng con Liên vẫn đều đều:
- Chắc tụi mình qua an ủi con Tâm một chút đi. Không quen thân nhưng cũng quen. Để tao rủ con Mai với con Thanh. Mai mình đi nghe, đi buổi sáng cho mát. Chịu không? …
- Ừa, tụi bây đến nhà tao rồi đi. Nhà Thu Tâm trong hẻm nầy nè. Tao không biết nhà, chỉ biết nó ở trong này thôi.
- Con Mai biết mà.
- Chắc là khổ ghê lắm nghe.
Liên vênh mặt buông một câu triết lý:
- Yêu là khổ mà.
Tôi không có một kinh nghiệm nào về tình yêu để nói thêm về câu phát biểu của Liên. Tuy nhiên khi nghĩ đến sự mất mát lớn lao của Thu Tâm, tôi cảm nhận phần nào nỗi khổ sầu mà Thu Tâm đang chịu.
Liên vừa về được nửa tiếng đồng hồ thì cơn mưa đầu tiên sau những ngày nắng hạn đổ xuống. Cơn mưa ồ ạt cộng thêm với tiếng sấm chớp xé trời. Hơi nước đùa vào cửa sổ, mát như thạch. Tôi khép nhẹ cửa lại. Căn gác tôi lờ mờ, tôi bật đèn rồi lên giường cầm lấy quyển truyện.
Gợn Sóng Gợn Sóng - Kim Hài