To acquire the habit of reading is to construct for yourself a refuge from almost all the miseries of life.

W. Somerset Maugham

 
 
 
 
 
Biên tập: N.H.K
Upload bìa: N.H.K
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 12045 / 175
Cập nhật: 2016-07-13 10:17:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
15 — Gương Mặt Điện Biên
ÂU lắm họ mới lại gặp nhau. Và cùng đi công tác. Chuyến trước ở một vùng trung du. Phùng và Hân quen nhau, có dịp trao qua đổi lại một số ý kiến về những công việc hiện nay, hai người đánh giá thầm nhau kha khá, nhất là ở sự thành thật. Điểm thành thật ấy, mọi người xung quanh không biết, họ chỉ biết hai người có cái gì hợp nhau đấy, và bắt đầu nửa đùa nửa thật cặp ghé đôi bên, như thói thường vẫn thế, khi hai người nữ và nam đều còn đang tự do, cho dù Hân chỉ mới quá hai mươi và Phùng thì đã bốn mươi rồi. Chắc chắn là Phùng và Hân đều có nghe nhưng bỏ qua, cũng chẳng bỏ qua đâu, thật ra cũng có dừng lại ngẫm nghĩ một chút, nhưng việc ấy không ảnh hưởng gì đến cái tình bạn xa xa — xa đến nỗi tưởng không gọi được là tình bạn, nhưng lại có cái vốn quí trọng mà tình bạn hời hợt thường không có.
Trong đám đông nhà báo ăn nói rất bạo dạn, Hân nhìn thấy Phùng thì mừng quá. Cô bước tới, xiết tay anh và thấp giọng hỏi dịu dàng:
— Anh cũng đi Điện Biên lần đầu ạ?
— Lần thứ ba đấy cô ạ — Anh trả lời tươi cười và bất giác nói luôn — lần trước năm nhăm, nhân dịp lập khu tự trị Tây Bắc.
— Anh là chiến sĩ Điện Biên ư?
Không hiểu sao cô gái lại kêu lên thế. Phùng “vâng” một cách sẽ sàng, và đỏ mặt. Chừng như tiếng “vâng” ấy vẫn còn ồn áo quá, anh xóa bớt đi bằng một câu giảng giải xuề xòa:
— Tôi cũng là nhà báo như bây giờ thôi mà.
Nói xong, lại như thấy mình nhỡ miệng mà hở hang thêm. Anh nín thinh.
Đi thăm chiến trường cũ hôm nay, đoàn nhà báo có ý đi bằng cả một đội xe tải chở hàng lên Tây Bắc. Đây là một đôi xe tiên tiến, chỉ chênh với đội được phong là anh hùng có một tí. Nghe kể cuộc đời của mỗi anh đội trưởng ngẫu nhiên cũng là chiến sĩ Điện Biên cũ, cũng đã loang loáng thấy lóe lên, rền lên biết bao bom đạn, bao hiểm nghèo, bao gan dạ. Các nhà báo từng nhóm hai người chia nhau ngồi trong các lái, Hân và Phùng cùng lên một xe. Lái cho hai người là một người trai trẻ bề ngoài lù khù nhưng đã trải qua sáu năm đánh Giônxơn và Níchxơn thật sôi động, đuôc làm lễ vào Đảng cách đây chỉ nửa tiếng đồng hồ. Chuyện này vừa xảy ra trước mắt các nhà báo, làm cho ai nấy đều kích động lắm. Hân bắt tay anh lái trước rồi mới vòng lại để bước lên xe.
Cô nói một cách tự nhiên:
— Tôi lại được ngồi chiếc xe vinh dự nhất trong cả đội xe hôm nay.
Tưởng anh Phùng sẽ nói tiếp thêm một câu; anh chỉ nhoài ra đặt bàn tay mình lên vai anh lái xe trẻ một chút, thế thôi.
Xe chưa chạy, nhìn lên đã thấy anh ta khép mi mắt lạ, anh ta cứ lim dim như thế, như không muốn nói chuyện, như ngủ.
o O o
“Ông tướng kì quặc thật đấy!”. Hân nói thầm. Nhưng cô bất chợt nghĩ hoài về cái quá khứ Điện Biên Phủ của người đàn ông ngồi cạnh. Con người hiền lành ấy không ngờ có cuộc đời giầu có dữ dội đến thế. Hay ngược lại: anh thật khéo giấu, trông anh như người chỉ biết có sách vở thôi. Cô nhớ chuyện cùng đi lần trước, buổi trưa, sau cuộc chuyện phiếm tráng miệng thường lệ, anh em đi ngủ cả, cô đột ngột rủ Phùng đi chơi. Cô không có tật ngủ trưa, Phùng cũng thế, thì hai người đi chơi, thế thôi. Vả, nghe báo cáo mãi, có thì giờ ngắm cảnh là cần chứ. Hai người đi loanh quanh trên những lối đi vàng nắng giữa các mương chuối mới trồng trong nông trường mịn một màu nõn biếc chốc chốc lại òa lên một cây mận hoa trắng đầy cành. Đang đi chợt Hân nhận xét thấy mình bắt đầu hồi hộp, cô đợi Phùng nói một câu chuyện gì bất cứ chuyện gì, để phá tan sự im lặng ấy, sự hồi hộp ấy. Đúng giữa lúc đó, Phùng nói ngắn ngủn: “Thôi, ta quay về”.
Lần này, dù sao hai người cũng đã là là bạn cũ. Ngược với người đàn ông, cô gái nói luôn mồm:
— Anh Thảo ạ, đến chỗ nghỉ anh phải kể chuyện anh nhé. Mấy năm nay, chi bộ mới lại có một đảng viên mới và đảng ủy cục chỉ duyệt có mỗi anh đấy! ôi! Chúng tôi làm cái việc đi làm con người mới, con người mới là đây chứ còn ở đâu!
— Anh Thảo ạ, bọn Mỹ nó nhấc bổng chiếc xe anh lên rồi, thế mà lại rơi xuống mặt đường, anh vẫn tiếp tục chạy là thế nào nhỉ? Làm sao anh bình tĩnh được thế? Tại sao trận nào anh cũng thoát? Chuyến hàng nào anh cũng trót lọt? Mà anh không xin đổi tuyến? Thật tôi không hiểu đấy!
— Anh Thảo ạ, ai đoán được anh mới hai mươi bốn thôi nào? Trông anh già thế!
Câu gì anh lái xe cũng chỉ trả lời bằng một cái nhếch mép cười. Rõ chán, anh ta cũng lại ít nói!
Trong xe im lặng một lúc, chỉ nghe tiếng máy ô tô luôn luôn đổi cung bậc. Nhà cửa lóa nắng và cây cối hai bên đường xanh rực màu mùa mới tới ùa lại phía người đi xe, xe qua rồi vẫn mơ hồ nghe tiếng cười của cảnh vật còn đuổi theo. Cô gái quay sang ông anh đồng nghiệp, hỏi ngay thật:
— Anh thích chứ anh Phùng? Bọn nhép chúng em thỉnh thoảng còn được xổng chuồng. Chứ như anh, công tác chính là bàn, đọc và sửa, chắc ít có dịp đi lắm? Em nghe nói câu khuyên trứ danh các nhà báo phải chú ý tả cảnh, tả người nữa, cái câu gây nên bàn tán là của anh đấy.
Anh mở to mắt kinh ngạc, không ngờ người con gái thẳng thắn đến thế, và có phải vì trong sự thẳng thắn ấy có cái gì rõ ràng là có suy nghĩ đến anh nên anh xúc động không, anh bắt đầu nói:
— Có, tôi có thích, tôi thích lắm chứ cô.
— A! — Cô gái reo thầm, bỗng nhiên bắt được một cái tia sáng, bỗng nhiên khám phá thấy cái gì thật khác với cái người ta hay nói và cô cũng hay nghĩ về anh, dù cái đó chỉ mới là thoáng qua thôi, còn cần phải làm rõ hơn nữa. Cô đợi anh nói tiếp. Ngón tay anh hơi run, nét mặt anh dịu hẳn lại, rõ ràng là anh muốn bộc lộ nữa, nhưng anh chỉ nói có thế. Cô gái không chịu lùi bước, anh không chịu nói thì cô nói trước, cô là người nghĩ thì nói, có sao nói vậy, lời nói ở cô là cái áo của sự trung thực và đáng tin cậy.
— Anh là chiến sĩ Điện Biên Phủ, hay quá — cô thích dùng tiếng “chiến sĩ” để nói anh. Anh giảng thêm cho em nhé. Em có đọc tập bút ký vừa ra ấy, nhưng em không hiểu gì cả. Xê một, xê hai, dê một, dê hai, rồi a một, đồi nọ đồi kia nhức cả đầu. Em đâu có “bướu” quân sự! Nhất là anh chỉ rõ cho em ngày ấy anh đóng ở đâu, đi đứng thế nào dưới bom đạn năm nhăm ngày đêm là em thích lắm. Trước khi đi, em có nhờ các ông Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng giúp cho đấy, nghĩa là em tìm đọc các ông ấy. Lên đây mà em gặp cái cô Ngàn là em thích nhất.
Phùng mắt hơi suy nghĩ, vẻ không hiểu.
— Cô ngàn, nhân vật của anh Tưởng trong “Bốn năm sau” ấy mà. Cô bé hồi ấy là mười ba hay mười bốn tuổi, được một anh bộ đội cứu, bốn năm sau, mười bảy hay mười tám, lại gặp anh bộ đội ấy lên xây dựng nông trường đấy... Năm nay cô ấy mới ba ba, ba tư chứ bao nhiêu.
Người đàn ông hiểu ra mỉm cười. Hân đợi một lúc, không nghe anh nói gì, liền nói thêm:
— Theo anh, liệu em có tìm được cô Ngàn ấy không? Em tin chuyện anh Tưởng kể là có thật, thế nào cũng có một phần thật nào đó. Anh tính, đối với báo em, mà em lại tìm ra được bằng xương bằng thịt cái cô Ngàn vốn là hư ảo ấy, không những bằng xương bằng thịt mà lại còn là nông trường viên tiên tiến hay là “chiến sĩ quyết thắng” chẳng hạn thì cái bài báo của em, kèm theo cái ảnh cô ấy, trong dịp kỷ niệm Điện Biên Phủ này, không “ăn tiền” ư anh?
Người đàn ông lịch sự khuyến khích:
— Cũng là ý hay đấy, cô thử tìm Ngàn xem.
Nhưng nhìn sang, thấy mắt anh đã lại hạ thấp. “Có lẽ anh ấy đang nhớ lại chuyện cũ” cô gái nghĩ thầm. Nét mặt anh rõ ràng là của người đang dẫn vào một cuộc hành trình khác song song với cuộc đi này. Cô gái thôi không muốn quấy động anh nữa. Cô yên lặng nghĩ về Ngàn. Nhưng cô nín thinh một lúc, chợt thấy mình buồn ngủ, nên lại nói.
o O o
Tính tình một người trải dưới mắt ta, và bỗng nhiên ta khám phá ra anh ta khác hẳn ta vẫn nghĩ. Anh khẽ đập vào tay cô đánh thức cô dậy.
— Gì vậy anh! Em có ngủ đâu! — Hân nói, hơi lạ về sự bạo dạn đột ngột của người đàn ông.
— Thác Bờ! — Phùng xướng to, giọng sôi nổi vô cớ. Tất cả các tác giả đều đã tả một Thác Bờ rất dữ dội, còn đây là Thác Bờ mùa khô kiệt, đây là một mùa khô kiệt nhất, nhìn nó không ra, cô xem: mỗi hòn đá thành một sư tử im lìm buồn cười chưa? Hân đưa mắt nhìn lòng sông lởm chởm chi chít những đá tai mèo phô tất cả cái bí mật của mình, nhận thấy quả thiên nhiên bao giờ cũng để dành một khía cạnh nào đó cho người tiếp xúc với nó. Nhưng cô chờ đợi Phùng nói một câu gì khác, và đó mới thật là câu chính. Đúng, sau đó mới là câu chính, và Phùng nói gần như thì thầm:
— Chúng tôi mấy anh văn nghệ bất thần gặp một trung đội Pháp ở đây. Chúng tôi ít, địch đông, nhưng chúng tôi thật hăng, quần nhau với chúng suốt một đêm. Thế mà chúng thua chạy đấy. Chúng tôi mất Giang, năm ấy mười tám, vừa ở văn công quân đội chuyển sang muốn theo nghề làm báo. Có một cô gái trong đoàn rất tiện những khi làm công tác quần chúng. Chúng tôi nói, còn cô ấy vừa hát lại vừa ngâm được cả thơ. Chôn cô ấy ở chỗ kia, dưới gốc cây tếch ở mép đồi xuống phà ấy, giờ không biết bố đi đâu rồi.
Thấy mắt người con gái nhìn mình dò xét, Phùng nhếch mép cười, tự nhiên nói, vừa quyết định buông thả những tình cảm vẫn kìm giữ chất chứa bên trong mình, vừa chống chế:
— Từ quãng này trở đi, tôi còn nhiều kỷ niệm lắm cô ạ.
Lại dường như không quen nói một câu như thế, anh vội lảng đi.
— Xồm Lồm là ở đâu hở Thảo?
Thảo chưa kịp đáp, anh đã lặp lại câu hỏi:
— Ngã ba Xồm Lồm, nó ở quãng nào trên đường 6 này?
Thảo trả lời:
— Đã đến đâu! Giờ người ta không gọi là Xồm Lồm, người ta gọi là ngã ba Tạ Khoa.
— Ôi — người đàn ông kêu lên nữa, và không đắn đo gì nữa, cuồn cuộn bộc lộ với người con gái — Đêm ấy trăng sáng, mà rét lắm cô ạ. Tôi viết bài thì bộ đội đã đi rồi, tôi phải một mình đuổi theo từ Thượng Bằng La bên Nghĩa Lộ đến dây, rồi từ đây lên Tuần Giáo, qua đèo Pha Đin lúc ấy còn hiểm trở hết chỗ nói, từ Tuần Giáo lại vào Điện Biên, mấy trăm cây số chỉ lẽo đẽo đi bộ thôi. Đến đây là đêm. Quãng này nổi tiếng nhiều hổ, sáng nào cũng nghe đêm qua có người bị hổ cắp. Để cho hổ tưởng mình cóc sợ, tưởng mình đông, tôi cứ vừa đi vừa hát, hát bài này chán lại hát bài khác, cứ thế đi suốt đêm chẳng ai cùng đường với mình. Thỉnh thoảng nghe rì rầm, sợ đụng phải Tây, tôi lại chui vào bụi ngồi. Không phải Tây, đó chỉ là đồng bào đi xuôi thôi. Đến sáng bạch, đến chỗ nghỉ mới gặp anh em dân công. Mà cái đồn Mộc Châu cũ ở đâu hở Thảo.
Tưởng Thảo chỉ chú ý tới con đường bây giờ trở nên rất quanh co, Thảo vẫn lắng tai nghe:
— Đồn ở trong bản Hoa kia chứ anh!
— Không, đồn chính ở ngoài này, đâu ở bên trái ta đây.
Dường như hỏi thì hỏi vậy thôi, vết tích đồn Mộc Châu không quan trọng, ký ức không cũng đủ rồi, có ký ức và có con đường ngày trước khắc có đồn Mộc Châu. Thôi thúc bởi một nhu cầu nào đó, anh hạ giọng tiếp theo liền, và bỗng dưng nói những chuyện còn xa hơn con đường hai mươi năm nữa:
— Ngày ấy tôi đi đã khiếp, lên rừng xuống biển, chiến dịch nào cũng có mình. Cô nói đúng đấy: tất cả vốn đi một đời tôi là vốn ngày đó. Tôi quen anh Tô Hoài từ ngày ấy kia chứ. Hai anh em vừa gặp nhau ở Bắc Cạn, thoắt cái, đã lại trong thấy nhau trên Suối Giàng nhìn xuống đồn Cửa Nhi, sang đây gặp anh Thi, anh Đỗ Nhuận... ông Thi ghi chép nhiều lắm những cũng rất mê các cuốn sổ ghi chép của tôi. Mở đầu chiến dịch Điện Biên là tôi vừa được thiếp của đồng chí Văn khen về bài tường thuật chiến dịch Tây Bắc nên tôi hăng lắm, khắp chiến trường cứ loăng quăng nơi nào cũng đi, được phép đến tận bản doanh đại tướng, mà cũng mục kích được tận mắt những giờ phút cuối cùng của A một. Ở Điện Biên đến bốn tháng, tôi ghi đến năm cuốn sổ đầy, tôi vẫn còn giữ đấy...
Hình như thấy mình buột mồm mà lỡ lời, anh nói sang chuyện khác:
— Đây là nông trường Tô Hiệu trồng bông nổi tiếng đấy. Nà Sản kia. Ngày ấy giặc Pháp vừa nhổ cứ điểm con nhím ngổn ngang tiều tụy đến phát sợ. Đàn bà con gái trong vùng mắc bệnh một trăm phần trăm, thấy cảnh đủ ứa nước mắt. Lơ thơ đôi cái bản nhỏ, đến cây chuối cũng không còn. Thế mà có bao nhiêu gạo, thịt, bà con cho người đưa lên chiến trường cả... Còn đây là bản Búng Lao. Có phải sông Nậm Cô không, Thảo nhỉ? Đúng bản Búng Lao mà. Bộ chỉ huy đóng ở kia. Đồng bào ơi có phải đây là bản Búng Lao không?
Anh thò đầu ra ngoài, đứng hẳn lên trong xe mà gọi hỏi, thuyết mình nhưng lại vô ý che khuất cái mình muốn giới thiệu.
“Không, đây mới thật là anh Phùng, anh Phùng hồi trẻ hồn nhiên hay nói, hay hát, vô tư, nhiều mơ mộng và dôi chút vụng về. Chính là chuyến hành hương này đã làm xôn xao lên những kỷ niệm cũ, và làm cho anh Phùng ấy trẻ lại.” Hân man mác nghĩ đến cái gì có thể làm thay đổi tính nết một con người, vừa mừng rỡ thấy ở Phùng thật tốt, thật chừng mực, anh thanh niên sôi nổi ngày trước vẫn còn. Nó còn là nhờ người kia, đi đã xa trên đường đời rồi, nhưng tâm sự vẫn quý trọng, tiếc nuối những mơ mộng ngông cuồng của tuổi trẻ.
Hân có một cảm giác rất lạ như đang có ở trước mắt mình một cuốn sách cũ mà từng cơn gió ào ào lộng vào trong xe đang lách tách lật ngược từng tờ để cô đọc lướt. Đoàn xe đi suốt ngày suốt đêm, đem hàng cho ngày lễ Điện Biên đi chăm chỉ và vội vàng như đi chiến đấu. Những câu chuyện quá khứ xa lơ xa lắc kể lại trong xe, cái tâm trạng chìm đắm chập chờn của người nói lẫn người nghe làm cho con đường lên chiến trường cũ, một sợ chỉ trắng kéo dài qua màu xanh đậm mênh mang của núi rừng, ướt đẫm trong nắng mới, bồng bềnh trong ánh trăng, nhiều khi trở nên như hư ảo. Tháng tư, những cây ban hai bên đường vẫn còn cố giữ những đóa hoa trắng muốt có một chấm đỏ não nùng, ấy là những đóa hoa lơ thơ cuối cùng dành cho người lên thăm miền Tây muộn. Thường thường là một trận mưa hoa trấu đổ xuống mũi xe, làm rụng theo đôi lá tếch vàng to. Việc cô nhác thấy những nét thật về người đàn ông làm cho Hân ngẩn người suy nghĩ. Vai trò bây giờ đã thay đổi: người nói nhiều lại là anh chứ không phải cô.
o O o
Phùng dường như trở nên say, hoặc không còn nhớ người mình nói với là ai, hoặc mình càng đẩy thêm những cánh cửa tâm sự thì càng nẩy nở bên trong mình một chút bạo dạn tin cậy thân tình, cứ lần ngược mãi về đằng trước. Anh kể cho Hân nghe những chuyện không dính dáng gì đến Điện Biên Phủ nữa: “Tôi lên mười hai đã như là trẻ mồ côi. Bố tôi lấy người khác, một bà dì rất khắc nghiệt, tâm tính của ông đối với tôi cũng thay đổi. Tôi bỏ nhà trốn theo kháng chiến không cần suy nghĩ. Tôi bắt đầu làm liên lạc cho báo Cứu Quốc ở Chợ Rã, rồi xếp chữ in... Sau Điện Biên Phủ, tiếp quản Hà Nội, tôi không buồn tìm bố, bố tôi cũng chẳng buồn tìm tôi, tôi nghe nói sau đó ông đi Nam... “Cổ Hân nghèn nghẹn. Ơ hay, anh nói với tôi chuyện đó làm gì? Tôi có là gì với anh đâu? Nhưng ngửng lên, cô gái thấy người đàn ông rõ ràng không để ý đến điều đó, không cố tình coi cô “là gì” với anh cả. Anh vẫn điềm đạm, lịch sự, chân thật. Vả, cô chợt nhớ ra một cách công bằng, buổi trưa hôm ấy, ở nông trường, cô bỗng dưng cũng kể cho anh câu chuyện của cô: “Tôi chỉ có hai anh em, anh tôi quý tôi lắm, bây giờ anh tôi ở trong Công Tum. Tôi đi học, ở tập thể, mà đi làm cũng tập thể...” Cô có coi anh “là gì” của cô mới nói thế đâu?
Đi ba ngày tới Điện Biên. Xuống xe cứ thấy lạ. Không một huyện lỵ nào trẻ, khỏe, sang trọng như vậy: đường nhựa, hồ thả cá, vườn hoa, bãi mít tinh, nhà chiếu bóng đến mấy cụm nhà giao tế, nhà cửa tân tiến... tất cả cái đó trong cái lòng chảo lõm xuống nơi trùng điệp núi non, cứ óng ánh như những món trang sức. Và những người phụ nữ, sao phụ nữ nhiều thế, đã vấn tầng cẩu trước trán hay vẫn còn con gái, đều rất đẹp, da trắng, răng đều, ra đường ăn mặc cẩn thận như nhau, áo chẽn làm nẩy cái ngực tròn, và chiếc váy xa tanh hoa bó sát lá thân hình, y phục ấy làm cho mọi người, bất luận tuổi tác thế nào, đều thật trẻ, thật nhanh nhẹn, thật hạnh phúc... Nếu không bảo, nếu không được chỉ cho thấy các tên đồi bằng vôi cắm trên các đỉnh, không thể nào ngờ được nơi đây vốn là cái bãi chiến trường ác liệt nhất, nó làm rẽ ngoặt mọi lịch sử: anh đang đứng trước cái cảnh vĩ đại đó.
Buổi sáng, mặt trời mọc bên dãy Pú Hồng Mèo, chiều mặt trời lặn sau dẫy Pú Tà Co. Cần mẫn, công phu, mỗi người một cách làm việc, đoàn nhà báo thăm viếng tỉ mỉ nơi trước đây là mặt trận, bây giờ đồi núi vẫn còn đó, hầm hào của địch và của ta đối mặt nhau vẫn còn đó những nấm mộ anh hùng còn đó, và có thêm rành rành đó, minh chứng cho cái mục đích cao quý của người thắng trận: đội máy kéo, đội cà phê, đội lúa giống, đội lợn giống, tập trung thủy nông... và những con người, những con người với sự trù phú và sự đông vui làm yên tâm tất cả mọi người.
Hân theo Phùng đi khắp nơi, trông thấy các địa điểm và hiểu ra ngay những điều đã đọc trong sách mà không hiểu: “Anh có đến đây không?”. “— Có tôi có dự cuộc họp chi bộ cuối cùng ở đây. Lường trước đã có đến sáu mối dây điện mà nghìn cân bộc phá dưới chân đồi có thể vẫn không nổ, hai đồng chí... thôi, đến kia tôi kể luôn”. “— Anh có đến đây không anh?”.” Có. Nơi tôi hẹn kể gộp với cô một thể là ở đây đây. Cảnh tôi tận mắt thấy ở đây, giống như ở A một. Kia là đồi C hai, cô có trông thấy cái ụ kia không, đó là cái ụ đại liên của giặc. Muốn lấy C hai phải tiêu diệt cái ụ đó, nhưng anh em phá mãi không được, động phải chiến sĩ nào ôm bộc lôi bò lên là chiến sĩ ấy bị lộ. Hai chiến sĩ mới toanh còn trẻ hơn tôi ngày đó, xin đi đánh. “Ôi, việc gì phải tới đặt bộc lôi đã rồi mới giật nụ xòe! Cho chúng em ôm bộc lôi chạy, vừa chạy vừa giật. Địch mà bắn trúng, chúng em có đổ thì bộc lôi cũng vừa nổ. Anh đồng ý đi”. Trung đội trưởng xin lên trên, trên lại xin lên trên nữa, cuối cùng trên buộc đơn vị phải tổ chức yểm hộ. Đang ngồi trong hầm lo lắng, được tin trên cho phép, cả hai vùng dậy, mừng cuống lên, một cậu vội vã vỗ vai bạn: “Đi, mày!” Suốt đời tôi, hai mươi năm qua, lúc nào tôi cũng nhớ hai tiếng: “Đi, mày!” đó. Như họ là hai anh em vừa được bố cho đi đá bóng. Ba chân bốn cẳng chạy, sợ có thể có người tranh mất phần, sợ trên đổi ý. Một lúc sau, đơn vị tiêu diệt được ụ đại liên, chiếm đồi C hai nhưng chỉ còn có một cậu trở về.
Anh chỉ tay vào một đầu hầm bây giờ đất đã lấp mất một nửa:
— Thép Mới, Hữu Mai và tôi ở đây đây. Ba anh em văn nghệ chúng tôi có hôm đã phải tự biến thành ban chỉ huy đại đội để lo mọi việc: cả đại đội đi công tác, thắng lợi bằng ba yêu cầu của trên, nhưng bị xe tăng vây chặt phải tay không cào đất làm công sự chiến đấu lại, tất cả bị thương.
Người đàn ông nhìn xuống đầu hào cũ của mình, rõ ràng xúc động và bịn rịn. Và tại sao, tại sao chứ, Hân cũng lây cái sự lưu luyến đó, cô cũng không muốn rời con đường hào còn phảng phất cái bóng của anh cách đây hơn hai mươi năm.
Cuộc hành hương đã đến chỗ cuối của nó, cô biết. Hai người im lặng bước xống sườn đồi tháng tư đầy hoa riềng. Cái giống hoa riềng thật lạ, một viền đỏ, một viền vàng, một viền tím, không nở to, tất cả màu cầu vồng thu lại trong thân một gang tay thật thẳng, không ở đâu ngoài các đồi Điện Biên có thấy cái giống hoa ấy. Phùng bỗng nói, giọng kéo dài, theo kiểu người Thái nói tiếng phổ thông làm ra vui:
— Ôi! Nhớ lắm thôi!
Anh vốn thầm lặng, không hay nói về mình, vụt trở nên sôi động như thế khi trở về thăm chiến trường cũ.
o O o
Năm ngày phải xê dịch luôn và ghi chép rất nhiều không cho phép Hân tự mình đi các ngả tìm nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Huy Tưởng như cô có ý định. Nhưng ngay buổi trưa đầu tiên ở Điện Biên, chỉ hai giờ sau khi làm việc với ban tuyên huấn huyện ủy, một cô gái Thái gõ cửa buồng Hân và không đợi Hân kịp đi ra, cô đã đẩy cửa bước vào, và rất vui, nói một câu thoạt đầu làm cho Hân bàng hoàng:
— Em là Ngàn. Anh Trực bảo chị đang cần gặp em.
Hân suýt rú lên nắm lấy cánh tay cô gái. Bàn tay cô ngón thật dài, thật mảnh mai, cô gái cười rất xinh, má có hai lúm đồng tiền, hai mắt lấp láy của cô soi cho hai lúm đồng tiền ấy. Cô cười khanh khách, giọng cười trong vắt cuồn cuộn, kéo dài; tay kia của cô, Hân cầm; tay này, cô cầm tay Hân, thật hồn nhiên:
— Nhưng em chỉ là Ngàn—em thôi, em không phải là Ngàn—ấy. Không phải mà. Em sinh năm 1950, đấy chị tính xem. Thế nhưng thật vô lý, anh Trực đổ riết cho em “nhất định mày là Ngàn”. Em buồn cười quá “— Thì em vẫn là Ngàn!”. — Mày là Ngàn—ấy!” — em chỉ là Ngàn—em thôi”.
Ngàn—em ngồi xuống giường, nói một thôi, không đợi hỏi:
— Em cứ phải cãi nhau với các anh ấy nhọc quá. Em nêu lên đủ nét khác nhau: em là con gái Thái không phải con gái Kinh nhé — mẹ em người Thái là bà Vi Thị Chia ở bản Nà Tri không phải là bà cụ Điều có hàng nước ở phố Tự Do nhé — lúc cái ông nhà văn ấy lên Điện Biên “bốn năm sau” ấy, em chỉ mới lên tám thôi nhé — nhà em, anh ấy là người dưới xuôi ta thật nhưng anh ấy là công an vũ trang ở trên Mường Tè, là y sĩ rồi đi nghĩa vụ chứ, có phục viên là nông trường bao giờ đâu!
Cô gái Thái thở ra một cái to, tỏ ý thất vọng một cách vui vẻ:
— Nhưng các anh ấy vẫn cứ trêu em. Thế đấy, ai lại đi giới thiệu với cả người ngoài.
Cô chợt lại cười như nắc nẻ, hạ giọng nói tiếp, cô nói không dứt:
— Buồn cười là thấy các anh ấy cứ khăng khăng, em cũng đâm hoang mang. “Hay mình chính là Ngàn—ấy thật mà ông nhà văn có gia giảm đi đấy”. Em xem đi xem lại cuốn sách ấy đến mấy lần. Cũng có những nét giống quá cơ!
Hân không cần hỏi, Ngàn nói luôn, chân thật kỳ quặc:
— Nhiều chỗ giống lắm thật đấy. Như bà cụ Điều ấy, người xuôi mà sao y hệt bầm em! Nhất là cách đối xử với con, cứ bẩn thần bần thần, chốc chốc lại: Ngàn ơi, mày nhớn nhiều rồi đấy. Giá anh Doan anh ấy xin mày... “Giống hệt! Và cái đoạn Ngàn với Doan gặp nhau, đi với nhau một đoạn đường tôi gặp mưa to ấy: không hẳn thế nhưng sao như là chuyện chúng em thế! Nhà văn họ tài thật, như là ông ấy có lò dò đi sau dõi chúng em không bằng!
Hân và Ngàn quen thân nhau như vậy. Ngàn hiện là cán bộ thường trực Đoàn ở huyện. Buồng Hân trọ có hai giường, một giường bỏ không. Không đợi Hân rủ, tối tối xong việc, Ngàn đến đấy ngủ với Hân, giải chăn chiếu trên cái giường bỏ không, nhưng lại ngả xuống nằm cạnh Hân một cách tự nhiên. Hân không hết bỡ ngỡ khi im lặng lắng nghe chuyền sang người mình cái hơi nóng của cô gái có thể là nhân vật trong tiểu thuyết, và nghe nhân vật tiểu thuyết ấy rủ rỉ suốt đêm kể cho cô nghe đủ thứ chuyện đời ở Điện Biên.
Một hôm, cô gái Thái mang về cho Hân một tờ danh sách khá dài những đoàn viên có tên là Ngàn ở trong huyện:
1 — Và Thị Ngàn, chủ tịch Hội phụ nữ ở Hon Vật
2 — Lê Thị Pẩu Ngàn, y sĩ phụ trách Xa Nạ ở Xam Mừn
3 — Bạc Thị Ngàn, phó chủ nhiệm hợp tác xã, bí thư chi đoàn Hua Thanh
4 — Vũ Thị Ngàn hiệu trưởng trường cấp I Thẩm Phửng... nếu Ngàn là Pá trong tiếng Thái thì:
29— Hu Pá ủy viên tài mậu ở Con Cặng
39— Lý Thị Pá, phó bí thư chi đoàn lâm trường Nà Tấu, lái máy kéo.
…...
nếu Ngàn là Mừn thì:
41— Cầm Thị Mừn đội trưởng thanh niên xung phong ở Tây Trang
42— Lý Sáng Mừn học sinh lớp 10 trường phổ thông cấp 3 Điện Biên.
o O o
Không phải mỗi cô bạn Thái của Hân mà đến ngót năm mươi cô gái Điện Biên có khả năng mang số phận của Ngàn, nhân vật tiểu thuyết; và đẩy số phận ấy lên những mức thành đạt và hạnh phúc xa hơn rất nhiều những nét khởi đầu cuốn sách phác ra mười sáu năm về trước. Năm mươi cô gái Điện Biên ấy sống những cuộc đời rất khác nhau nhưng đồng thời cũng góp mỗi người một nét để chung đúc một cô Ngàn thật khỏe mạnh, thật vui sống. Tác giả cuốn sách mất đã lâu rồi nhưng rõ ràng là cuộc đời mà ông yêu mến đã tiếp tục những trang sách của ông.
“Lại thế nữa!”. Nằm ở phòng bên. Nghe cô gái Điện Biên kể một chuỗi các cô Ngàn, Phùng thốt lên và ngồi dậy, đẩy mạnh cánh cửa sổ cho ánh trăng lùa vào trong buồng, bỗng nhiên thấy thèm một cách háo hức địa vị của tác giả tuy ông đã chết. Và anh bỗng có cảm giác rất lạ rằng giờ đây, nếu anh ở lại Điện Biên, trong cảnh hiu quạnh, và giữa những khơi gợi thúc giục thầm kín của các kỷ niệm cũ, chắc lần này anh có thể viết tác phẩm suốt đời anh mơ ước là tác phẩm về Điện Biên, với nhân vật trung tâm là anh, với những Doan và Ngàn của anh, với chính những điều anh tai nghe mắt thấy, với chính tuổi trẻ của anh căm giận không cùng, yêu thương không cùng, rộn rã, hồi hộp, sôi sục, sống chết cho cuộc kháng chiến.
Một giờ trước, trong buổi họp cuối cùng giữa đoàn nhà báo và ban huyện ủy, mỗi người phải kể một kỷ niệm về Điện Biên Phủ, Phùng đến lượt mình kể chuyện “Bác Hồ cho gậy”, Anh kể:
— Xong hội nghị quyết định tiến quân lên Điện Biên, cán bộ chúng tôi từng nhóm vội vã trở về đơn vị. Đi đến Yên Thông, chợt nghe lóc cóc tiếng vó ngựa đằng sau. Chúng tôi ngoảnh lại, giật mình sửng sốt sung sướng nhìn thấy Bác. Bác mặc chiếc áo nâu để hở ngực đến chiếc khuy thứ ba, cổ Bác lấp lánh những giọt mồ hôi lấm tấm, vai Bác vắt một chiếc khăn mặt dài. Bác nhìn thấy chúng tôi, ghìm cương lại, ghé xuống hỏi. Râu Bác ngày ấy còn đen nhánh: “Các chú đi chiến dịch đấy à?”. Chúng tôi “vâng” rập ràng như một lũ trò nhỏ. Bác đang cầm chiếc gậy bằng sống cọ, bỗng chìa thẳng gậy vào bọn tôi: “Cho các chú cái gậy này để đi chiến dịch” Thế rồi Người lại băng đi trên con đường núi...
Câu chuyện giản dị và xúc động gợi mọi người nhớ Bác Hồ. Chuyện Điện Biên Phủ và sau đây chuyện giải phóng miền Nam vang dậy gầm trời thật ra bắt đầu bằng chiếc gậy cọ ấy và bắt đầu bằng cái bóng Ông Cụ suốt đời bôn ba đường dài mà chẳng dành giữ cái gì cho mình.
Phùng đang kể, có cảm giác Hân rất vui. Anh không nhìn Hân, điềm nhiên ngó thẳng và anh bắt gặp hai mắt mở to của Ngàn, cô bạn mới của Hân, con ngươi cô gái di động luôn, ngẩn ra quan sát anh chăm chú.
Trông thấy bài ký mình mong mỏi lúc ra đi bây giờ chắc chắn có thể làm được, có những câu chuyện bất ngờ làm cho nó hay, nó hay hơn nữa, cảm giác thông suốt trong vắt về bài ký ấy gây cho Hân một nỗi sung sướng mênh mang. Chính nỗi sung sướng ấy chứ không gì khác đã làm cho lòng cô thanh thản, bước ra khỏi trạng thái bối rối ban chiều ở trên đồi C một, và bình tĩnh nhìn thẳng vài sợi dây nối cô với Phùng.
Ở phòng bên, lúc bốn giờ sáng, Phùng có nghe ở bên kia, hai cô bạn thức giấc, cái giọng nói chuyện lảy từng tiếng một líu lo của cô gái Thái, rằng anh Phùng thật sướng, được Bác Hồ cho cái gậy cọ, em như anh ấy đi đâu em cũng mang cái gậy ấy theo, em chống gậy ấy đi suốt đời, tiếng Hân nhỏ nhẻ nói lạ có lẽ anh ấy kể chuyện ai đấy, không phải anh ấy đâu. Lại tiếng Ngàn cãi không phải anh ấy thì còn ai, chị không chú ý sao, anh ấy tả Bác Hồ tỉ mỉ thế còn... Và Hân không trả lời nữa, có vẻ muốn tin theo lời Ngàn.
Không ngờ lại thế, Phùng nằm một lúc lâu nữa vẫn loay hoay không biết trả lời Ngàn thế nào cho đúng, nếu chốc nữa Ngàn hỏi. Trong đám người Bác ghé xuống hôm ấy, đúng là có tôi chứ. Bác cho là Bác cho chung. Mà không phải chỉ cho chung đám người hôm ấy mà là cho chung tất cả mọi người, cả nước. Không phải ư, cô Ngàn, mỗi chúng ta trong đời, hiện tại, đều được vũ trang một chiếc gậy của Bác mà đi....?
Nhưng sáng dậy, Hân không nhắc lại mà Ngàn cũng không hỏi. Hôm nay Ngàn phải xuống bản họp nên phải đi trước lúc đoàn nhà báo ra xe. Hai cô gái ôm nhau hôn hít quyến luyến mãi, người dặn phải lên, kẻ dặn phải xuống, lâu lắm mới chia tay nhau được.
o O o
Đúng ngày hẹn đội xe tiên tiến chở các nhà báo, đã về từ Hà Nội một lượt, giờ lại trở lên công tác, đến đón mọi người ở trụ sở huyện, Phùng và Hân xách túi cùng đi ra phía xe của Thảo. Anh lái xe đã nhận ra họ từ xa, cười chào họ phô cả hai hàm răng trắng.
— Hà Nội có gì lạ không, anh Thảo ơi? — cô gái vồn vã hỏi to.
Phùng chợt thấy mình đi gần Hân quá, vai cô cứ chạm vào giữa ngực áo anh. Kín đáo, anh bước qua một bước. Câu chuyện tranh cãi hồn nhiên vừa rồi về chuyện chiếc gậy nói cho Phùng một sự thật: mình là một thế hệ, cô ấy là một thế hệ khác...
Vô tình Hân cũng lại bước qua một bước để theo kịp anh. Buổi sáng ra đi, phong cảnh Điện Biên rất dịu dàng. Các sườn núi và đường sá trắng xóa hoa trẩu, nắng mai nhấc bổng từng quả cầu mù sương ném chúng bồng bềnh trong lòng chảo.
Phùng tự nhiên nói với Hân, không nghĩ trước:
— Cô Hân ạ, cô hãy viết cho báo tôi truyện cô Ngàn ấy nhé.
Hân quay ngoắt lại, nhìn thấy Phùng vẫn còn vui, cô cười khanh khách một chuỗi dài để tỏ nỗi sung sướng của mình, và nói với anh rất bạo dạn và thân mật:
— Đừng hòng! Anh hãy viết lấy! Không ai giầu có bằng anh, sao anh không viết lấy?
Sợ người đàn ông không hiểu, Hân lợi dụng uy lực của mình, mà cô biết là có, nhìn thẳng mặt anh và nói dồn:
— Em buộc anh phải viết. Có được không? Anh hứa với em không?
Lần đầu tiên từ khi họ quen nhau, người đàn ông nhìn tường tận, thẳng trước mặt, tất cả khuôn mặt của cô gái. Anh rùng mình vì thấy khuôn mặt ấy đẹp. Anh luống cuống trả lời liều:
— Có.
Sông Păc Nậm, tháng 4-1974
Hà Nội, tháng 4-1976
Giữa Trong Xanh Giữa Trong Xanh - Nguyễn Thành Long Giữa Trong Xanh