We read to know we are not alone.

C.S. Lewis

 
 
 
 
 
Biên tập: N.H.K
Upload bìa: N.H.K
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 12045 / 175
Cập nhật: 2016-07-13 10:17:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
14 — Truyện Viết Trên Cao Nguyên
ẦN chót, ông Toan thuyết phục con gái út, bây giờ là học sinh Trường Cao đẳng sư phạm thành phố Hồ Chí Minh “nên bớt hăng hái đi”. Trong câu chuyện, ông có một câu:
— Không nên nói Mỹ đến thế. Sự thật chúng nó hồn nhiên đến ngô nghê, nó thua là vì thế. Má và các chị con không muốn trong nhà có một con Việt cộng con.
Phương giận ba quá đến phát run, muốn bốp chát liền. Cô gái thường rất nhu mì, lần đầu tiên thấy muốn bốp chát như vậy, và với cha:
— Nói Việt cộng thì ba từng là Việt cộng, chứ con hiện nay chưa được làm Việt cộng đâu. Chẳng qua lòng yêu nước là danh dự của mỗi người. Con thấy phải thì con theo. Và để làm gì? Để làm cô giáo thôi hà, làm cách mạng bằng nghề đó, khỏi ăn bám xã hội và gia đình, mà mình được có một cái trước đây chưa có, đó là lý tưởng. Trời! Con không ngờ ba đến vậy! Cái thằng Mỹ thuê buồng nhà ta, toan cướp vợ của ba, để lại cho con một đứa em màu xám, mà ba má đem đi giấu con cũng không biết bây giờ nó ở đâu, vậy mà ba vẫn khen. Ba từng là đảng viên, chỉ vì sợ mà trụt dài, một đời ba bị hủy hoại chưa đủ hay sao?
Nhưng Phương chỉ nước mắt ràn rụa, tấm tức tấm tưởi trong cổ họng, không dám nói. Về sau, khi mọi người đã đi rồi, Phương trong cô quạnh, nhận ra dẫu sao trong nhà ba cũng là người yêu thương cô nhất, và nói vậy thôi, chứ ông cũng là người hiểu cô nhất, chẳng qua đứa con gái út đi lại con đường ông đã từng đi.
Có khi về sau, Phương cũng có lúc tiếc giá hôm ấy mình nói ra được tâm tình lý lẽ của mình, kể được cặn kẽ cái phút — ngày ấy sinh viên chưa vào học, sáng chiều còn đến sinh hoạt ở Thảo cầm viên — Phương đang vừa hát vừa vỗ nhịp, bỗng thấy sáng trong đầu một làn chớp: cô bỗng thấy toàn bộ sự thật: gia đình mình bấy lâu nay sống trong một đống bùn.
— Năm 1965, cái lý do nào khiến một thằng Mỹ cho má cái ơn được thầu gỗ làm sân bay Đà Nẵng? Nhà ta bỗng chốc giàu lên vì thế. Cảm thấy tội lỗi, ba má trốn vào Sài Gòn. Vào đây, má trở thành con rắn trong đám xuất nhập khẩu. Chị cả con chửa hoang, Chị thứ con chửa hoang. Má nữa. Ấy là con chỉ kể chuyện ấy thôi. Ba là một người chồng nhu nhược, không có tài cán gì, chỉ nghe theo má, ăn bám má: mỗi ngày ba chỉ hai việc, ra ngân hàng lãnh séc cho má rồi ra nhà hàng Brôda tán gẫu. Hành động vừa rồi của má, tự mình ăn cắp hàng ở cửa hiệu mình rồi hô hoán lên là bị cạy cửa là một hành động phạm pháp. Chính ba có tham gia. Thật là kinh khủng... Con rất thương ba nhưng tuổi trẻ chúng con nhìn các việc đó bằng cách khác.
Nếu Phương rên lên được như thế với ba, chuyện gì sẽ xảy ra? Không, cuộc nói chuyện giữa ba với Phương hôm ấy, cô không ngờ là cuộc nói chuyện cuối cùng của hai cha con, ba là đại biểu gia đình cử ra để nói chuyện với con Việt cộng con, những người kia ghét mặt không thèm nói nữa, “mà ba nói với nó cũng được, không nói cũng được, coi như bỏ”. Tình hình quyết liệt như vậy mà Phương không biết.
Chiều thứ bảy tuần sau đó, như thường lệ, Phương từ nội trú trở về nhà, bấm chuông hoài hủy, ba ơi, má ơi, chị hai, chị ba ơi hoài huỷ mà cả hai toà nhà hai tầng trong một khuôn viên không ai trả lời cô. Cả hai tòa nhà lặng im, sẫm tối khác thường, có thể sờ được sự sẫm tối đó và thấy nó lạnh, khí lạnh của một người đã chết — dẫu sao thì hôm qua cũng còn vọng lại những giọng nói, những hơi ấm của người thân, của quá khứ thân và bây giờ tất cả những cái đó đã chết. Cô đang gọi ngày càng khẩn thiết, đột nhiên nín bặt, hiểu ra. Toàn thể gia đình cô đã bỏ nước, bỏ cô, đã như người ta nói — di tản.
Sự nhẫn tâm cùng cực của gia đình và những người ruột thịt làm tê điếng đến tận tim phổi, giật tỉnh dậy hết mọi tế bào trong cơ thể người con gái để cô nhận ra rõ hơn sự thật vô luân của nhà cô, của giai cấp cũ của cô, và sự thật về con đường cô quyết định tiếp tục đi. Không hỏi han ai nữa hết, không than thở với ai nữa hết, hỏi han than thở đều vô ích, cô quay ngoắt lại, chín giờ trở về nội trú Trường Cao đẳng sư phạm, với đoàn thanh niên với cô là đoàn viên.
Trên đây là câu chuyện của cô Kim Phương đăng nhiều trên báo chí thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội nữa, hồi ấy. Nó khuấy động suy nghĩ ưu ái của nhiều người trong cả nước, nhiều người quý trọng người con gái trong câu chuyện. Nhưng những người tốt trong những câu chuyện thời sự có rất nhiều, mỗi ngày lướt qua ta như những khuôn mặt qua các ô một con tàu. Năm năm đã qua, nào ai có nhớ Kim Phương, còn băn khoăn người con gái ấy đang ở trụ số nào trên đường đời? Ai, ngoài những nhà văn vẫn mang tiếng là lẩn thẩn. Mà lẩn thẩn thật chứ không, tại sao ở xa hai nghìn ki lô mét, nhiều khi tôi mở mắt ngửng lên, tim đập thình thình vì những tiếng gọi “ba ơi, má ơi, chị hai, chị ba ơi” như rơi xuống giếng và chìm nghĩm dưới đó của người con gái trần trụi nhất một tối thứ bảy nào. Không ai lẩn thẩn như tôi hôm nay, có dịp đi công tác ở thành phố Hồ Chí Minh, tìm tới cái số nhà ấy của đường Võ Văn Tần, đứng ngẩn ra một lúc nhìn nó, hai tòa nhà lầu của khuôn viên đó bây giờ là Phòng Tài chính quận. Trước mặt số nhà đó, nhìn đăm đăm cái cổng sắt và núm chuông điện, tôi quyết định đi tìm cho ra tung tích Kim Phương. Số phận một con người có hoàn cảnh đó phải là điều làm cho chúng ta quan tâm, và sự hiểu biết về nó có ích cho mọi người. Nếu không, tôi thật sự là một người lẩn thẩn.
Anh cán bộ Sở giáo dục thành phố ngơ ngác nhìn tôi một lúc. Việc tôi ở xa quá mà len lỏi vào đây để tìm cho ra một hạt bụi rõ ràng làm cho anh kinh dị và hiểu hơn về nghề của chúng tôi. Anh sốt sắng đứng lên, mở một trong những cái tủ Mỹ của buồng làm việc, rút rất khó nhọc từ dưới đáy ra một tập giấy, từ tập giấy lại rút ra một tập hồ sơ mỏng nữa và anh đặt trên bàn trước mặt anh. Anh thuộc loại người rất bận việc, mỗi năm lướt qua hàng nghìn hàng vạn sinh viên, không ít thầy hay, trò giỏi nhưng có cái gì dựa vào như một kỷ vật mới nhớ được. Anh nhìn mà không xem tập hồ sơ và nói:
— Tôi nhớ cô nhỏ này rồi, chúng tôi được biết ngay tình hình gia đình của em, báo chí bấy giờ nói tới dữ lắm, nhưng chúng tôi muốn để yên cho em học đến hết khóa hẵng hay. Nếu em giữ được mức tiến bộ đó, chính sách sẽ như mọi em khác. Nếu em không thành thật hay có diễn biến tiêu cực, tạm thời chưa phân công. Cuối khóa, mỗi em phải làm một bản lí lịch, tôi tò mò xem em này ghi về mục gia đình ra sao. Khoản bố, mẹ, anh chị thoạt tiên thấy em viết: chết, chết, chết, chết... rồi bỏ đi, thay vào đó những chữ di tản, rồi cũng tức thì bỏ đi mà vòng một vòng ghi gộp cho tất cả nhà: bỏ nước mà đi sau giải phóng. Tò mò tôi gọi em lên hỏi:
— Em đừng sợ — tôi nói. Không quan trọng gì, nhưng thầy muốn hiểu tâm tư em để phân bổ cho chính xác thôi. Em lần lượt nghĩ như thế nào để sau cùng ghi dứt khoát như vậy.
Em gái trả lời ngay, rất thản nhiên ( lòng em đã lặng rồi, hết sóng gió rồi — tôi nghĩ):
— Đi di tản thì cũng như là chết, thưa thầy, ít nhất là đối với em. Em hiện thật sự mồ côi. Nhưng nói di tản không cũng chưa thật rõ. Di tản có nghĩa là ra đi vì tai nạn gì đó, đằng này thầy chắc biết, ba má em vốn rất giầu, rất an toàn...
— Nguyện vọng em đi thực tập đâu?
— Em xin đi Đak Lak như có ghi trong đơn hưởng ứng lời kêu gọi tình nguyện của Đoàn — giọng em bỗng tin cậy và sôi nổi: Buôn Ma Thuột là điểm xuất phát giải phóng toàn miền Nam, nghe nói đó cũng là đỉnh cao nhất của Trường Sơn. Em muốn ra đời được phục vụ ở chỗ bắt đầu. Không phải lãng mạn đâu thầy, em không muốn ở Sài Gòn này đâu, ở Sài Gòn này em buồn lắm, gặp nhiều trở lực lắm, chỉ có kéo lui mà không có thúc tới đâu thầy. Em đã nghĩ kỹ và chịu trách nhiệm hoàn toàn về lời yêu cầu của mình, dù có xảy ra tình hình như thế nào.
— Không có gì lôi kéo em sao? Người yêu chẳng hạn? Cô nhỏ trả lời dứt khoát và ráo hoảnh:
— Người đó cũng đã chết.
Tưởng người con trai em yêu cũng bỏ nước mà đi hóa ra anh ta sợ dính dáng, thật ra vì thấy Kim Phương bỗng chốc bơ vơ, chỉ còn cái nhà không. Một con người như vậy coi như chết cũng là phải. Trước lời yêu cầu khẩn thiết đó, chúng tôi báo cáo lên cấp trên. Cấp trên phê vào hồ sơ: “Đồng ý phân về Đak Lak, nhưng cần theo dõi giúp đỡ, sau thời gian thực tập, nếu muốn về thành phố Hồ Chí Minh, cho về”.
Tôi quyết định đi Buôn Ma Thuột. Nghe Buôn Ma Thuột nghĩ là xa xôi nhưng nó chỉ cách Sài Gòn có bốn mươi nhăm phút bay. Tôi đến sở Hàng không xin được sử dụng cái vé khứ hồi bằng cách đi vòng vo. Người ta bằng lòng và tôi chỉ phải trả một món tiền nhỏ. Một lúc sau tôi đã bay trên bầu trời Đak Lak. Tổ quốc ta mỗi địa phương một cảnh trí, cảnh trí nào nhìn từ trên cao, dãy núi dòng sông, những xóm nhà thị tứ, vườn tượt, đền đài, ruộng nương, công trường lao động, đều cho ta những xúc động riêng. Đak Lak có một cảnh trí không giống nơi nào hết, kể cả Tây Bắc. Bên dưới toàn là rừng, ba phần tư của một vùng đất rộng nhất trong cả nước là rừng. Qua những làn mây trắng vùn vụt bay như khói, rừng bát ngát mờ mờ, liền một dải mênh mông như là thảm rêu dưới đáy biển. Cây nghe đến mấy ngàn loài, cây lá to, cây lá nhỏ, hấp thụ và phản chiếu ánh sáng mặt trời khác nhau, nhưng đều là xanh, xanh mà như có cung bậc, lúc thì mặn mà, lúc thì êm dịu gây trong lòng ta một ấn tượng bao la rất kích thích. Có người nói to trong máy bay: “Đám tàn cây mập mạp màu mỡ ở giữa kia là rừng nguyên thủy đấy”. Tôi không ngờ đi tìm Kim Phương, một nhân vật của cuốn tiểu thuyết đang còn đang mơ mộng của tôi, tôi sẽ phải luồn vào đám tàn xanh ấy. Trên màu xanh, nổi lên đây đó, như gân lá, những nét chì đỏ rất mảnh thường là rất thẳng, ấy là những con đường mới làm trên đất đỏ ba zan nối liền rừng già với một khu kinh tế mới, một lâm trường, một buôn làng. Tôi ngờ đâu sự lẩn thẩn của tôi, ngay xế chiều nay, dẫn tôi đến một buôn làng như thế.
Sửng sốt hơn nữa, một lúc sau, khi anh Ty phó giáo dục dẫn tôi đến trước một bản đồ, chĩa thẳng một ngón tay vào một chấm nhỏ trong vùng xanh lục của bản đồ, nó còn mênh mông hơn trên máy bay nhìn xuống nữa, đến nỗi có cảm giác như đầu ngón tay lún vào đó như lún vào một chất dẻo.
— Nhà văn sẽ đi đến đây, anh nói kiểu cách. Đây là huyện Krông Buk. Còn đây là huyện Ea Sup. Đây là rừng xanh. Dưới vòm xanh của rừng già, đang rậm rịch có một cuộc đổi đời đây. Người dân miền núi không du canh du cư nữa, mà định cư tổ chức lại cách làm ăn, cách sống. Còn cô Kim Phương nhà văn đi tìm thật vất vả nhưng chẳng sợ bõ công đâu. Cô nhỏ này là chiến sĩ thi đua của chúng tôi đây, vì sao, anh lên rồi sẽ rõ. Tôi cho anh mượn cái này. Xe sẽ chở anh lên ngay Chư Pơng để anh kịp nhìn thấy buôn Chư Pơng buổi chiều. Không phải là nghệ sĩ, tôi cũng cho cảnh Chư Pơng buổi chiều đẹp tuyệt.
Cái mà anh đang cho tôi là một bức thư, chữ viết cẩn thận, si sít, rất đều, nét con gái của cô giáo Lê Kim Phương. Lần đầu tiên từ mấy năm nay, lặn lội hai nghìn mấy trăm dặm, bây giờ tôi mới có trong tay dấu tích của một người con gái có cơ trở nên hoang đường.
Nhân dân vùng rừng già này bao đời nay đã không có con đường nào khác là phá những khu rừng mà bản thân họ cũng biết là rất quý để đổi lấy những bữa cơm hằng ngày, mà cũng không đủ. Chính quyền và ngành lâm nghiệp đã có công rất lớn về việc trồng lại rừng.
Bề dài một trăm ki lô mét từ ngoài thị xã Buôn Ma Thuột đến ranh giới Gia Lai, năm mươi ki lô mét từ đông sang tây đến biên giới Campuchia, đã dày đặc những rừng mới: rừng thông ba lá, rừng đào lộn hột, rừng cà phê, rừng mít, rừng bằng lăng, khu một năm cây lúp xúp như những đàn cừu vô tận, khu ba năm cây đã cao bốn mét. Lớp vỏ ba zan có nơi nghe nói dày đến hai mươi mét, vốn là quê hương của mọi loại cây trên đời. Sao chúng phổng phao thế, mỡ màng thế, reo vui thế!
Cái buôn tôi sắp tới là một buôn như vậy, nó là buôn điểm của vùng này — tôi đã tìm hiểu như vậy khi ngồi đợi xe. Qua Hà Lan, Buôn Hồ, nói chung con đường 14 giờ rất đông vui, chúng tôi rẽ sang một con đường đất đỏ gọi là đường ông Kiên (tên ông bí thư tỉnh hồi đó ), con đường dẫn đến một huyện gọi là Ea Sup và đi thẳng ra biên giới luôn: đường Trường Sơn nổi tiếng qua đây, nơi pháo binh và xe tăng ta ẩn và bất thần tỏa xuống các rừng phía nam, băng qua rừng cao su, giải phóng Buôn Ma Thuột là đây.
Tôi thấy kích thích đến hồi hộp. Chợt như tôi có kêu lên. Cảnh trí trước mắt tôi quá đẹp. Dưới chân một góc núi đỏ, những mái nhà dài hình chữ nhật soi bóng xuống một hồ nước, tôi ghi nhận và nhớ mãi cái bức tranh xanh rất hài hòa của nước, của rừng, của ruộng bật thang, của các vườn nhà. Các cô gái đi lao động về, nhóm ba, nhóm hai trắng trẻo, mập mạp, đã khoác vội chiếc áo len đỏ, len xanh, len vàng, có cô cổ đeo dây chuyền màu vàng, có cô có đồng hồ đeo tay, chiếc đồng hồ treo hờ hững trên búi tóc, sao họ vui thế, đẹp thế khi bưng chậu đi tắm giặc — buôn này là buôn kháng chiến mà họ vẫn có cái gì dáng dấp Sài Gòn. Dưới hồ, mấy cô tắm xong đang bước trên cầu, trùm váy rộng thay một cách thản nhiên sau khi đã cọ chân bằng một chiếc bàn chải. Nhà văn hóa có khuôn viên trồng hoa đang xây soi ra hồ, trước mặt hai cây săng lẻ cổ thụ, một cây nẩy ra từ giữa thân một cây đa. Chư Pơng là đây đây. Chúng tôi dừng xe lại.
Hỏi ai? Đảng hả?
Một chùm trẻ con như từ cây săng lẻ rơi xuống và ùa tới. Một cụ già nhìn vào trong xe hỏi. Tôi gật đầu, hiểu là bà con muốn nói trụ sở ủy ban, cũng được thôi. Thì đã nghe nói thêm:
— Đi họp. Chưa về mà. Tối về. Nhà kia!
Nha cũng là một cái nhà sàn nhỏ, không dài mà vuông vắn. Vườn nhà đã hình thành cây cối trong vườn đang độ thanh tơ, rất nhiều cây điều lá tím lá đỏ chĩa thẳng lên trời, những cây cà phê một năm đâm cành tua tủa, lứa mới trồng nằm chi chít dưới những chiếc nón bằng rạ. Đập ngay vào mắt tôi, chiếc rèm cửa bằng vải xanh và những đóa hồng màu rượu chát, màu vàng giống như hoa giả lấp ló đây đó trong vườn: “Nhà Kim Phương đây rồi!” tôi nói. Cô giáo vẫn giữ phong cách thành phố. Dù tối nay hay sáng mai, cô có không về, tôi cũng yên tâm. Mới nhìn qua buôn làng cô công tác, nhìn qua nhà cô ở, tôi đã nghĩ như vậy. Dẫu sao thì cuộc đời vẫn là thực chứ không phải mộng. Thầy Thấu ở ty đã cẩn thận bảo em nên suy nghĩ kỹ. Em nói ở Sài Gòn em có thì giờ suy nghĩ rồi, em muốn đến một xã vốn là căn cứ bên rìa Trường Sơn — Thế thì là buôn dân tộc? Buôn dân tộc cũng được, em mạnh bạo nói, các thầy cũng đã từng ở Trường Sơn hồi cùng còn trẻ như chúng em, và các thầy đã thắng, thầy thấu đãt trả lời dứt khoát cho em vội, thầy để cho em suy nghĩ thêm một đêm nữa, thầy suy nghĩ một đêm nữa. Sáng hôm sau, thầy Thấu trầm giọng bảo em: “Đã đi làm cách mạng thì phải đương đầu với gian khổ đó là lẽ dĩ nhiên. Nhưng phải ý thức là mình làm cách mạng. Dạy dỗ như chúng ta đem ánh sáng văn hóa tới soi rọi cho tâm hồn bà con ngàn năm ở dưới các tàn lá âm u của rừng núi, không phải làm cách mạng thì là gì. Nhưng tránh nhất là liều, không nên liều. Thầy nói thật, thầy có biết hoàn cảnh em. Nếu em liều thì em cũng chẳng khác những người ra đi là mấy. Liều chết, liều sống: có cái gì giống nhau đấy, em hiểu không!”. Em đã nức lên khóc khi nghe nhắc đến hoàn cảnh nhưng giọng em ráo hẳn liền, em nói: “Em cảm ơn thầy đã phân tích, em xin cố gắng sống có ý thức đúng về cuộc sống. Em luôn luôn nhớ em là đoàn viên thanh niên cộng sản.” Như vậy, thầy Thấu phân em về Chư Pơng.
Những câu chuyện anh Thấu kể vọng lại tôi một thoáng khi tôi bước xuống xe.
— Cô nhỏ là một cô gái biết giữ lời hứa. Cừ lắm, giỏi lắm.
Tôi bước ra khỏi xe.
Nhưng chủ nhà là một người đàn ông, một thanh niên E-đê.
Mới nhìn, thấy anh trắng trẻo, nét mặt thanh tú, quần áo bay xanh bộ đội, tưởng anh là cán bộ kinh. Anh đã cho mùn vào các bầu giấy nhựa đặt chi chít trước mặt, và đang dùng que tre để tra hạt vào bầu. Chắc anh là cán bộ hay công nhân lâm nghiệp gì đây. Thấy xe, thấy tôi, anh lạ lắm, mắt cứ nhìn trừng trừng, và anh đứng lên:
— Đồng chí hỏi tôi?
Tôi trả lời.
— Hơ Phương hả? Nó đi họp ngoài Buôn Hồ mà. Tôi có bảo nó ban đêm đừng về, lỡ gặp Ful rô mà.
Anh nói cặn kẽ, nhưng điệu bộ băn khoăn rõ ràng. Không đợi tôi hỏi, anh nói điều băn khoăn ấy ra:
— Đồng chí tới có việc chi? Đồng chí không phải là người nhà Hơ Phương lên bắt Hơ Phương về Sài Gòn chớ?
— Không phải — tôi nói.
— Cũng không phải là bạn bè thằng Nhiên chớ.
— Không. Tôi là nhà báo?
— Thiệt hả? Nhà báo làm báo Nhân Dân hả? Đảng hả? Vậy mà tôi sợ quá. Lúc nào tôi cũng sợ có người lên bắt Hơ Phương.
Mới nói đi đó, anh nói lại liền:
— Nói chơi chứ không sợ đâu. Hơ Phương cũng không sợ đâu. Mà mời đồng chí lên nhà chờ. Rồi tôi nấu cơm cho ăn. Bây giờ còn đi đâu.
Anh lái xe đưa xe tới trụ sở Ủy ban cho được an toàn. Tôi một mình leo lên nhà sàn. Một bên là nơi tiếp khách, có bàn ghế uống nước, có tủ, giường với một chiếc đài bán dẫn bên gối. Có kệ sách. Và một bức ảnh rất to của chủ nhà. Cô Kim Phương tôi tìm bấy nay đó, mặc áo hoa sặc sỡ, đang nhìn khách cười rất tươi — bức ảnh này chắc cô chụp hồi cô còn học ở Sài Gòn. Cảnh nhà bên trong đối với tôi thân thiết liền. Một phút sau tôi đã hỏi anh thanh niên:
— Cưới bao giờ?
Người con trai nói:
— Chưa được hai năm. Úi, hai đứa đều không có cha mẹ, lấy huyện với ty, với đảng ủy xã làm cha mẹ. Không có gì: chỉ có rượu với thịt gà mà thôi, toàn của bà con cho.
Cơm nước xong, tôi nằm nghiêng bên cạnh Y Tlam, vừa nghe bi bô vừa hỏi. Anh trả lời rất dài, tôi lại hỏi nữa, vừa cố gắng tìm hiểu và phục chế câu chuyện của một chặng đời nữa của Kim Phương — trước mặt tôi là chiếc ảnh phóng to của cô thời con gái, khuôn mặt cô tròn, nấp dưới hai hàng mi dài là hai con người rất sâu và rất đen, một nụ cười có lẽ có đôi chút suy tư nhưng kiên nghị và trong sáng. Trong một phút hoặc vì tôi nhọc, hoặc vì, tôi tập trung suy nghĩ nhiều, nên tôi có một chốc lát nhầm lẫn: tôi thấy Kim Phương bước ra khỏi bức ảnh, đi lại trong nhà, chằm chằm nhìn tôi với nụ cười im lặng ấy, nói với tôi giọng ấm và lễ độ tôi vẫn ghi nhận ở các cô gái thành phố Hồ Chí Minh.
— Lúc mới tới, mặc dầu em cực lắm, thưa thầy (tự nhiên tiềm thức tôi nghĩ ra là gặp tôi, Kim Phương sẽ xưng hô với tôi như vậy). Những đêm đầu ngủ ở rừng này, cửa ngõ sơ sài, nghe nói voi có thể đi qua, hổ có thể về, Ful rô có thể tới sợ lắm, thầy. Ngay ngày đầu đã phải giải quyết việc ăn. Chợ búa xa, bà con không có tập quán đi chợ, có gì ăn nấy. Lần đầu bưng bát cơm ăn với rau rừng chấm muối ớt cũng thấy vui vui, nhưng mãi rồi nuốt không vào. Rồi mùa mưa bắt đầu liền. Đồng bào thương làm cho cái nhà trệt, tưởng làm nhà trệt là chiếu cố phong tục mình, nhưng không chú ý là buôn ở chỡ đất trũng, mưa xuống là nước suối duềnh lên, ào ào chảy tới tận buôn, trong nhà có gì để dưới đất trôi lềnh bệnh khắp nhà. Em đã hốt hoảng trèo lên bàn, có khi phải ngồi trên bàn cả ngày chờ nước rút. Vừa trèo xuống bàn, lắm khi phải trèo lên, vì mưa nữa, mưa thối trời, thối đất, mưa sáu tháng liền, phải nấu ăn cả trên bàn. Còn dạy... Em đã tha từng mảnh gỗ ở lâm trường về, không nói cái đó, chỉ nói việc dạy không cũng đâu có dễ: bắt đầu không phải một chữ i, chữ t mà bắt đầu ở chỗ nói sao cho các gia đình sáng sáng thôi không dắt các em cùng với con mèo, con chó, bu gà ra nương nữa mà giao các em cho cô giáo. Và cô giáo bắt đầu dạy là dạy các em biết xì mũi, biết tắm giặt, biết công dụng của xà phòng. Mà muốn cho các em làm được phải bày cho cả buôn.
Tôi tư lự liên tưởng đến cảnh tắm giặt rộn rã nhìn thấy bên hồ ban chiều, cảnh các cô tắm sông tỉ mẫn cọ chân bằng bàn chải — các cô gái giản dị này trang phục có cái gì hơi giống cô giáo Kim Phương, người trong ảnh...
Giọng ấm và lễ phép của Kim Phương, với hơi thở nồng nồng của cô tiếp tục phả một bên má tôi:
— Em cực lắm, thưa thầy. Nhiều lúc tự nhiên mình nghe bất giác rùng một cái mạnh ở chính giữa ngực mình. Ơ hay, tại mình chọn lựa chớ ai bó buộc mà mình tủi? Nhớ lại những lời nói đắn đo kỹ càng của thầy Đào, thầy Thấu... Các thầy ấy không biết là các thầy đã giúp em như thế nào đâu. Cảm kích nữa là hôm em mới về buôn, em sửng sốt thấy bà con rất đông đi bảy cây số đón em tận đường ông Kiên, người mang xôi sợ cô giáo đói, người mang nước sợ cô giáo khát. Em run cả người khi nghe có bà mẹ thì thào, mừng rỡ: “Vậy là Đảng đã về!”. Trời ơi, thầy biết hoàn cảnh em đấy, em mà bà con ngộ nhận như vậy. Về sau, em tìm hiểu: thì ra ở buôn, từ hồi đen tối, từ hồi chống Pháp, rồi chống Mỹ, vẫn có một cán bộ người Kinh ăn ở, chiến đấu với bà con bày cho bà con từng đường đi nước bước. Từ lúc Y Cun chết vì sốt rét ác tính, trên vẫn chưa cắt ai về thay, nay mới có em là cô giáo người Kinh. Ông A Ma Nhang, bí thư đảng ủy xã, một hôm đến nhà cho em một miếng thịt rừng rồi nói: “Cô giáo nè! Tao biết mày cực lắm chớ không phải không biết. Nhưng có là thanh niên tiên tiến Đảng mới đưa tới đây, tao tin mày vượt được hết. Bà con sống chưa sướng, chưa văn minh, hãy đưa bà con đi lên. Mày là cánh tay của tao...”. Vậy đó. Mọi người, mọi sự việc dìu em đi từng ngày, dần dần em mới thấy ý nghĩa của cuộc sống của em, ý nghĩa ấy tới với em có lẽ từ ánh sáng của ngày mai, và ấy là khi em nhận ra đời sống của bà con trong buôn có thay đổi... Em không là gì hết, chỉ là cô giáo thôi, nhưng như là em thay Y Cun, cái gì cũng đến tay, là đầu mối của Ủy ban huyện, của đảng ủy xã, của lâm trường ngoài Buôn Hồ muốn xây dựng buôn này làm thí điểm cho một phương hướng làm ăn của bà con dân tộc.
Tôi trở nên tư lự. Kim Phương liếc nhìn tôi một cái nhanh, và vẫn giữ giọng nghiêm trang ấy, tiếp tục nói:
— Em sắp đi đến việc thầy muốn hỏi, thưa thầy. Em là một cô giáo, nghĩa là một người trí thức. Là người trí thức đến với một dân tộc, phải thấy cái gì khác hơn những cái mà mới thoạt nhìn ai cũng thấy, sự nghèo nàn và sự chậm trễ chẳng hạn. Và em đã khám phá ra, trong kinh nghiệm ở một buôn mà em thuộc từng người rằng dân tộc này, dân tộc E-đê, qua những phép nhà, phép làng của họ, qua những bài hát dài mà các già làng kể khan trong các tiệc rượu cần, họ có một nền văn hóa sâu xa của họ. Một dân tộc có cái khí phách như Đam San, đi bắt thần mặt trời làm vợ mình, cái khí phách ấy không phải là thường.
Cô gái trở lại hùng biện như tất cả cô gái Sài Gòn — tôi nghĩ thầm. Kim Phương trầm giọng xuống tâm sự:
— Mối tình của em với Y Tlam, em đã nhiều lần đánh giá, nó cũng tự nhiên như mọi tình yêu đẹp khác trên đời, em tự tìm thấy, không ai bó buộc — không sự việc hoàn cảnh nào bó buộc được em. Khi thành lập đoàn xã, em phát hiện ra trong buôn có một thanh niên đi nghĩa vụ về, trong bộ đội đã học hết lớp bảy mà nay về nhà hằng ngày chỉ vác rựa đi theo các cha mẹ làm nương. Em mời lại hỏi “Anh xử sự vậy, không xấu hổ sao?” Đó là một chàng trai đẹp, khỏe, trắng trẻo. Nghe em hỏi, anh ngẩng phắt lên trả lời liền: “Nói chi nặng nề vậy?” Em biết mình lỡ lời, xin lỗi anh ta liền, khi ấy em mới giảng giải cho anh ta, rủ anh ta cùng làm việc và vô tình lặp lại với anh ta những lời ông A Ma Nhang nói với em. Chúng em cùng A Ma Nhang lần đầu tiên trong việc làm đập nước, đưa nước suối E Klốc về, nay đầu buôn xây dựng mấy trăm héc ta ruộng nước cho Chư Pơng. Chúng em cũng lần đầu tiên trong việc đưa bà con ký hợp đồng trồng rừng với lâm nghiệp, và lâm nghiệp tính trả cho bằng con đường bảy ki lô mét vào buôn đó. Về sau, có xảy ra cho em một chuyện...
Vì đi vào những chi tiết sâu kín nhất của tâm tình, giọng Kim Phương trầm xuống nữa:
— Trên đường từ huyện về, một lần em bị phỉ Fulrô phục kích. Du kích đến kịp nhưng em bị choáng vì một cái gậy vào đầu. Tỉnh dậy, thấy mình ở dưới hầm và đang ở trong tay người nào. Hé mắt nhìn, nhận ra Y Tlam. Thì ra anh ta vẫn trông chừng em, em đi đâu xa, anh vẫn bí mật theo em, đề phòng bất trắc. Em vẫn là một đứa con gái có phần tinh nghịch, em rốn một chút xem tư cách anh ta thế nào. Vì hầm chật, anh ta không đặt em xuống đất được, anh ta bưng em cẩn trọng như bưng một cái gì dễ vỡ lắm, cánh mũi anh ta phập phồng nhưng anh ta ngước mặt lên cao mãi cho khỏi chạm vào em, đến lúc đó, em mới cất tiếng: “Thôi, ta lên!”.
Nhưng nói như nhiều người nói rằng em lấy Y Tlam vì ơn cứu sống, không phải đâu thầy. Bản thân em đã gặp Đam San, nói làm sao cho thầy hiểu. Đến một lúc nào đó, mỗi người con gái phải đặt cho mình những câu hỏi cụ thể: mình cần những gì? Ngoài những cái mà bàn tay và ý chí của mình có thể tự lực? Tình yêu và hôn nhân, nó là cái gì? Một Kim Phương rất bảo thủ, rất nhiều ràng buộc vì tập quán và lề thói của giai cấp bẩm sinh cãi nhau liên tục, với một Kim Phương rướn tới thích nghi với hiện thực và lý tưởng. Như vậy, thưa thầy. Em đã dạy Y Tlam học thêm, anh ta thi bổ túc văn hóa cấp ba ngoài huyện đậu, em lại cố nói cho các bạn của em ngoài lâm trường nhận anh ta vào làm. Bây giờ anh ta là đội phó đội ươm cây, anh ta có thể nói cả ngày với thầy về việc ươm cà phê hay thông ba lá... Sau cùng, em rủ Y Tlam đi Sài Gòn. Vâng đi Sài Gòn. Em làm chủ đời em hết mọi sự, em không sợ Sài Gòn. Cùng với Y Tlam, em đi gặp Nhiên là chủ một phòng trà ở đường Công Lý cũ, nói đúng hơn anh ta không tìm được việc gì làm ít mà ăn nhiều, nên đã lấy đại mụ chủ phòng trà ấy. Chúng em vào gặp lúc vợ nhiên đang thét lác cái gì đó. Nhác thấy chúng em, anh ta vội lẩn vào nhà trong. Thôi thế là đủ. Em đã có dịp so sánh hai cái đầu, cái đầu đã được cải tạo của Y Tlam và cái đầu của Nhiên. Hôm ấy ngay tại Sài Gòn nơi em sinh trưởng em nghiêm trang nói với Y Tlam về ý định của em. Chúng em nói với nhau tất cả...
Câu chuyện đã được phục chế, được kể đến tận cùng, Kim Phương đã bước trở vào lại trong khung ảnh với nụ cười trong trẻo trên môi, chỗ ấy vô tình ánh trăng tô lên một vệt sáng, nhưng âm vang giọng cô nói vẫn còn lảnh lót mãi trong nhà sàn, át cả giọng nói chất phác rất vui của Y Tlam. Tôi nhè nhẹ bước xuống đường, đến ô cửa, lùa qua một bên chiếc rèm vải. Trăng được thể ùa vào trong nhà như một cơn mưa phấn thông vàng. Trước mặt tôi là hồ nước sáng ngời, lộng lẫy, thơ mộng quá chừng. Mình cần cái gì? Tôi vô tình tự đặt lại câu hỏi của Kim Phương. Cảnh trí này là tuyệt diệu. Hạnh phúc này là quý giá. Tất cả tôi hoàn toàn bị Kim Phương thuyết phục. Nếu tôi ở địa vị cô, tôi cũng sẽ làm như cô. Tôi có làm được không? Một nhà văn bẩm sinh nhiều cái lạc hậu là tôi luôn luôn đương đầu với một nhà văn cũng là tôi muốn mang những quan niệm mới... Ngay việc đi tìm Kim Phương đây, cũng có cái khía cạnh phấp phỏng của nó. Vì sao phấp phỏng chứ: nhất định là nhân loại phải tiến lên bằng những con người mới của mình, và buôn làng này, cuộc đời này là soi rọi và xây dựng bởi những người này, không có ma thuật gì khác, không tìm ở đâu khác...
Ánh sáng toát ra từ một con người sống đẹp hắt sang ta, cho ta niềm vui, đồng thời cũng làm rõ mọi ngóc ngách còn đen tối trong tâm hồn ta, cũng cho ta niềm vui. Tôi bỗng thấy yên tâm, yên tâm đến trống rỗng, đến cái mức nghĩ rằng giá đêm này hay sáng mai, Kim Phương có không về thì tôi cũng có thể ra đi được. Tôi yên tâm đến cái mức nhớ và không cần vội đọc nữa bức thư thầy Thấu giao cho tôi trong đó Kim Phương chắc là có cảm ơn thầy và trình bày lý lẽ xin ở lại Đak Lak thêm một nhiệm kỳ. “Bỏ đây mà đi đối với em khác nào đi di tản, em không có gan, thưa thầy”. Về Buôn Ma Thuột, thậm chí về tới Hà Nội, tôi sẽ đọc.
Đêm rừng đầy tiếng động, tiếng cây lá trở mình, tiếng thì thầm của gió, tiếng rậm rịch của chân thú trên lá khô ở đâu xa, và tiếng róc rách của nước chảy vào các mương máng khác nhau, từ mương máng lại chảy vào ruộng mới. Không khí ngào ngạt đầy hương thơm của trăng và các giống hoa rừng. Anh thanh niên mà tôi ép nằm bên tôi để chuyện gẫu, đã nói luôn mồm, chân thật đến dễ thương.
— Ông bí thư tỉnh hôm trước có ghé đây, bảo chúng tôi trong dăm năm cố gắng cho buôn đuổi kịp người Kinh. Được không đồng chí?
Đó là điều anh thiết tha. Và anh thiết tha với một điều khác mà tôi nghe anh buột mồm nói tiếp theo liền:
— Chu cha! Hồi chiều, tôi cứ sợ đồng chí là chú cậu gì nó, tới bắt nó...
Lần này Y Tlam không nói hết câu. Tôi thấy anh vùng ngồi dậy và đưa hai tay lên miệng hú một tiếng rất dài:
— Cái gì thế? tôi hỏi
Anh chạy đến góc nhà. Lấy một cái xà gạc hấp tấp trả lời tôi:
— Đồng chí ở nhà ngủ. Bọn con trai con gái rủ nhau đi đón Hơ Phương. Chắc là nó có nhắn về. Đã bảo ở lại mà không nghe.
Và anh lao xuống nhà sàn. Buôn làng đi ngủ sớm phút chốc bừng dậy, sao sát tiếng hú gọi nhau, tiếng cười cấu chí nhau, tiếng lích kích của vũ khí nữa, và tiếng chân bước rảo đan vào nhau. Dưới ánh trăng sáng rỡ, thấy rõ đoàn người ra đi sao dài thế, đông thế, vui thế, sẵn lòng thế. Không gian vẫn đầy những bụi sáng nhảy múa như phấn thông, chợt nín bặt, nhường chỗ cho giọng hát đồng ca của con gái.
— Tôi bắt chợt khóe mắt tôi đọng một giọt nước. Tim tôi cũng hồi hộp, hồi hộp vì mình sắp được gặp, được nắm trong tay bàn tay nóng ấm của nhân vật tưởng là hư ảo, mây nổi bèo trôi trong trí tưởng tượng của mình. Và, em biết không, Kim Phương, lúc ấy thầy bỗng thấy thèm, thèm lắm, thèm trong đời thầy, có một lần, được một dân một làng đồng thanh đưa đón như em đêm nay.
Buôn Ma Thuột tháng 10 tháng 11 - 1982
Giữa Trong Xanh Giữa Trong Xanh - Nguyễn Thành Long Giữa Trong Xanh