A home without books is a body without soul.

Marcus Tullius Cicero

 
 
 
 
 
Biên tập: N.H.K
Upload bìa: N.H.K
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 12045 / 174
Cập nhật: 2016-07-13 10:17:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
13 — Trên Nguồn
I
CÂU chuyện ấy bắt đầu từ đâu. Nó bắt đầu, đối với tôi cái hôm, xong việc ở Công Tum, tôi luồn về rừng thăm nhà. Tôi an ủi mẹ tôi: “— Thôi, mẹ ạ, anh em người ta làm sai, đến đồng chí ủy viên thường vụ khu phụ trách việc đó cũng bị kỷ luật rồi. Con biết mẹ khổ lắm, nhưng mẹ hãy vì con mà quên đi, mà bỏ qua, đừng để tâm nữa làm chi. Cách mạng là con chứ còn đổ cho ai, hả mẹ?” Đang như thế, chợt có tiếng loa rao. Cái gì thế? tôi chạy đi một lát, rồi chạy về thưa với mẹ tôi: “— Ta thắng ở Điện Biên Phủ rồi, ngừng bắn rồi, hòa bình rồi, mẹ ạ. Phân chia tạm thời hai miền sao đó con cũng chưa hiểu rõ. Nhưng lúc này là cơ quan triệu tập cán bộ về đây, mẹ cho con đi đã”. Không biết đó có phải là linh tính không, nhưng quả thật, tôi mới về nhà có một lát, sau một chiến dịch dài nhất, vất vả nhất miền nam trung bộ, và mẹ tôi thì sau một tao gian nan nhất trong đời sống tinh thần của bà.
Tôi thấy lại tôi, ba lô khoác vai, đứng đọc tờ thông cáo kèm theo hiệp định Giơnevơ ở ngã tư Hành Thiện. Và tôi nhớ là buổi chiều đó ở Hành Thiện cái nắng rất lạ, bảo vui ư, không phải, bảo buồn ư, không phải, chói quá, không phải, dịu quá, không phải. Tôi nhớ là người đọc không nhiều và không ai biểu lộ tình cảm gì cả. Tôi nhớ là tôi chỉ lờ mờ một cảm giác rằng đời tôi từ nay không giống như trước đây, sẽ có thay đổi đấy, thay đổi thế nào thì chưa biết, nhưng chắc chắn thay đổi.
Câu chuyện ấy cũng có thể bắt đầu từ một cuộc họp, một cuộc họp mà tôi sợ mãi cho đến bây giờ. Cuộc họp này “bình” ai đáng ra Bắc, và ai ở lại miền Nam. Tôi kinh ngạc nhìn một số bạn tôi. Hiệp định Giơnevơ không có quy định cán bộ đoàn thể phải đổi vùng, và điệu ấy thích hợp với cái tâm lý quyến luyến miền Nam của chúng tôi: vùng chúng tôi, tám năm chống Pháp là vùng tự do, không lẽ khi dễ dàng thì mình ở, mình ăn, bây giờ mới đen tối đây, khó khăn đây, khi đồng bào khó khăn thì mình tránh đi? Lúc bấy giờ, trình độ tôi chỉ có vậy, chỉ thấy cái trước mắt, không thấy cái lâu dài. Mặc dù vậy, tình cảm của tôi là tốt đẹp. Ra miền Bắc, nơi thực hiện tức thì cái mơ ước từ ngày mình bắt đầu làm cách mạng, tuổi trẻ được chắp cánh, tương lai chẳng biết đầu là cùng, nhưng ở lại, đối với tôi cùng nhân dân chia ngọt sẻ bùi, phải hơn. Nhiều người trong số đang ngồi họp đây tâm đắc với tôi điểm ấy lắm. Nhưng ngạc nhiên xiết bao, hầu hết số đó, khi biết mình có thể đi, đều nói mình đáng được đi, nguyện vọng là được đi, có người nói thật trắng trợn, và có chiều cuống quýt nữa, về công lao và khả năng, khả năng xây dựng đất nước hòa bình của họ. Duy Xuyên, Chợ Được, Ngân Sơn... đối phương đã đến, đang tiếp dần đến, và rõ ràng là không hứa hẹn sẽ tôn trọng hiệp định, dần dần hiện nguyên hình tàn bạo và ác ôn. Nhưng tôi không nghĩ rằng các bạn tôi sợ. Vì sau này, trong hoàn cảnh đen tối và ác liệt hơn nhiều, nhiều người trong số đó lại tình nguyện mở con đường máu mà về, sống và chiến đấu với chúng tôi. Nhưng lỗi có lẽ là ở cách làm. Cách làm làm cho anh em nhầm tưởng ra đi là có giá trị, là quan trọng hơn ở lại. Những người có nhiệm vụ tổ chức việc ở lại thì làm ngược lại, cho việc ở lại quan trọng hơn việc ra đi. Có nói đi trắng trợn, thì cũng có nói lại trắng trợn không kém, thành một cuộc tranh giành cãi vã không lấy gì làm đẹp, nhất là đối với những người từ nay không sống chung với nhau nữa, sắp mất hút nhau trong khoảng trời đất bao la của hai miền tổ quốc, thậm chí sắp kẻ mất người còn. Tôi nhớ Quê, thư ký văn phòng. Vì làm một nhiệm vụ bé nhỏ, Quê biết nếu không phát biểu một cách thật rõ ràng, khó lòng người ta đoái tưởng đến mình. Mắt trũng — chứng tỏ anh thức nhiều đêm trằn trọc suy tính, mặt hóp và tái xanh, anh run lẩy bẩy khi nói: “— Tôi xin các anh chiếu cố tôi: tôi có tính hay sợ, thần kinh tôi kém lắm, tôi không ở lại với bọn địch được đâu”. Đáp lại lời khẩn cầu có tính thảm bại nhưng thành thật của Quê, là một tiếng cười đồng thanh như phá, nhiều người cười đến chảy nước mắt nước mũi ra. Những người cười ấy quên rằng lời lẽ tự “bình” của mình có văn hoa hơn, nhưng chẳng qua mục đích cũng như Quê mà thôi. Rốt cuộc, Quê ở lại.
Còn tôi, thấy không ai nhắc đến mình, nhất là ban trù bị, tôi cũng lặng im không nói. Tối hôm đó, tuy tôi vẫn nằm ở cơ quan nhưng mường tượng như đã bắt đầu cuộc đời sắp tới ở miền Nam rồi, mỗi giờ dài bằng một ngày, những ngày đầu tiên ở miền Nam của chế độ “nó”, thật cô đơn và trống lạnh, tôi đã có cảm giác đó, tuy tôi vẫn còn nằm giữa các bạn tôi, tôi còn nằm giữa các bạn tôi mà tâm lý đinh ninh rằng họ đã ra Bắc. Gà gáy canh ba đã lâu rồi, họ ngủ cả rồi mà tôi vẫn còn thức. Chợt có người xách đèn đi vào trong ngõ, đặt đèn xuống thềm nhà và đi thẳng vào chỗ tôi nằm. Người ấy lay tôi, thì thào: “— Anh Tâm mời anh sang ngay bây giờ.” Anh Tâm là ủy viên thường vụ khu ủy. Tại sao lòng tôi như reo lên tôi không biết. Tôi theo cậu liên lạc chiếc đèn chai lắc lư trên tay đi trên những bờ ruộng ngoằn ngoèo đến tận chân núi, nơi khu ủy đóng, vào nhà anh Tâm. Anh Tâm đang vừa nhìn vào giấy suy tính cái gì vừa vấn thuốc dưới ánh sáng đèn, chỉ hơi ngửng lên khi tôi vào. Cả anh nữa, bộ bà ba đen, râu ria lởm chơm, bộ điệu thật ra vẻ quan trọng của anh, tiếng anh thì thào làm cho tôi thấy rõ là anh cũng đang khích động lắm vì không khí công tác bí mật đã bắt đầu. Anh cũng tâm trạng như tôi, tưởng mình đã bước sang cái bóng tối của chế độ nó. Và cái không khí quạnh quẽ trong căn nhà lá ở chân núi đêm khuya thích hợp với sự tự kỷ ám thị đó. Anh Tâm hỏi tôi:
— Thương vụ khu ủy muốn biết ý anh thế nào?
Thật là một câu hỏi trống không, không có tiền đề. Đáng lẽ phải sửng sốt, phải hỏi lại cho rõ hơn, tôi cũng dùng một câu trả lời không có tiền đề như vậy.
— Tôi sẵn sàng.
Không ngờ anh Tâm lại hỏi dồn tôi phải nói cụ thể trước:
— Sẵn sàng thế nào?
Không thể dừng, tôi đành nói rõ điều tôi nghĩ:
— Các đồng chí cho tôi đi ra Bắc để tôi được học hỏi thêm, cũng tốt. Nếu phải ở lại cũng được.
— Ở lại, anh sẽ ở đâu?
Câu hỏi đó đáng lẽ tôi phải hỏi anh Tâm! Tôi nói:
— Tùy các anh. Công tác thành phố, tôi làm được. Nông thôn cũng được. Miền núi cũng được.
— Gian khổ đấy — anh Tâm nói, tại sao trong giọng nói như có một thoáng mỉm cười chế riễu sự khờ khạo của tôi và sự chế riễu ấy khiến tôi hiểu rằng việc chọn lựa tôi không phải chỉ do anh Tâm, mà còn có nguồn gốc từ trên cao hơn nữa. Sự nhận xét như vậy khiến tôi trả lời ngay, không do dự:
— Tôi chịu được — tôi nói.
— Được. Anh về Bình Định — anh phân công cho tôi với cái mỉm cười bộc lộ hẳn trên môi anh. Về sau, lâu về sau, theo sự bộc lộ của chính anh Tâm, tôi mới biết lúc bấy giờ mình đang có trước mặt hình ảnh một cán bộ chỉ huy ra lệnh cho cấp dưới nhưng bản thân mình thiếu tin tưởng như thế nào. Cái mỉm cười của anh Tâm làm cho tôi bất giác trạnh lòng và muốn chấm dứt ngay lập tức cuộc gặp mặt để suy nghĩ về sự việc to lớn vừa mới xảy ra cho mình.
— Được — tôi nói.
Tất cả không đầy hai mươi phút. Tôi từ một chiến thắng rất cụ thể, Bắc Công Tum, một khía cạnh của Điện Biên Phủ mà tôi có dự vào, từ một chế độ tự do rất cụ thể mà tôi được vẫy vùng trong chín năm, bước ngược trở lại, chìm khuất trong tối tăm của chế độ thực dân cũ rích nó bao trùm nước ta ngót một thế kỷ và vây bủa tôi suốt cả tuổi thiếu niên. Sau hôm ấy, ở khu năm, chế độ vẫn là chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi vẫn còn ở cơ quan ấy, chung với các bạn tôi trong mái nhà xóm nhà ấy. Nhưng giá có ai hỏi tôi, trong hai mươi năm chiến đấu chống Mỹ, quãng thời gian anh phải dùng nhiều đến lòng can đảm là quãng nào, tôi sẽ trả lời là quãng thời gian đó, sống giữa các bạn cũ mà tôi không còn cười tận cái cười, vui trọn niềm vui, cứ cảm thấy nặng trịch ở trong lòng vì phải giữ một bí mật to lớn.
II
Câu chuyện của tôi cũng có thể bắt đầu từ lớp học đó, “lớp học dành cho những người ở lại”. Một lớp học kỳ lạ, mỗi nhà trọ một người, không ai được tiếp xúc với ai, buổi tối lên lớp, mỗi người cầm một cái đèn có hai tai che đèn vừa đủ soi trang sổ tay của mình, trang sổ tay đó cũng sẽ hủy đi trước giờ tan lớp, người trọ không được nói chuyện với chủ nhà, không được hỏi họ, tên, thôn xóm. Đêm học, ngày nghỉ, tôi tẩn mẩn ngồi nhìn đám thanh niên đánh bóng xa xa đằng kia, chốc chốc mắt nhắm cố nhớ nét mặt vài người, không biết nhớ để làm chi. Mười lăm năm sau, có dịp qua lại vùng này, người ta đưa đến giới thiệu với tôi một người phụ nữ từng vào tù ra tội, vẫn trụ bám địa phương là một người gây nên giông bão cho địch suốt hàng chục năm ở vùng Mỹ Hiệp, tôi bàng hoàng nhận ra một cô gái đánh bóng chuyền ngày trước, tuổi xuân còn lại ở một nét miệng cười buồn.
Lớp học xong, vừa là những ngày cuối cùng của tháng năm, ngày cuối cùng trước khi hoàn thành việc chuyển quân. Hôm nay đơn vị sau cùng của chúng ta sẽ xuống tàu, chuyến tàu ra Bắc cuối cùng khởi hành và đối phương tiếp tới thay chân.
Trên đường lên căn cứ, bắt đầu đi vào bí mật, tôi tạt ghé lại nhà thăm mẹ tôi. Câu tôi an ủi mẹ tôi năm trước còn dở dang: “— Mẹ hãy vì con, đừng để tâm nữa làm chi. Cách mạng là con chứ còn đổ cho ai hả mẹ?”. Mẹ là mẹ của tôi, tôi bỏ cuốn sách xuống là đi theo cách mạng, chưa hề đền đáp công ơn mẹ được tí gì, mẹ tôi một sương hai nắng chắt chiu từng đồng nuôi hộ vợ con tôi, mà anh em, trong lúc mê muội, có người không tiếc lời xỉ vả, thậm chí còn vô hình trung đẩy về phía bên kia. Chính tôi nhiều lúc nghĩ tới sự bất công ấy lòng cũng xốn xang. Nhưng sống dưới chính quyền ta, lại có tôi ở gần, tôi tin rằng tôi có thể hàn gắn được vết thương trong tâm hồn mẹ tôi. Không ngờ chiến thắng vừa xong lại có chuyện chia đôi hai miền, lại có chuyện éo le thay đổi chính quyền. Tôi sẽ nói với mẹ tôi thế nào đây? Làm sao giữ được mẹ tôi về phía có tôi? Thì giờ không còn đủ để tôi giảng giải nhiều. Tôi chỉ còn một cách là nói với mẹ tôi hãy thương tôi cho trót, tôi đứng phía nào thì mẹ đứng phía đó. Có một điều tôi cần tránh là làm cho mẹ tôi tưởng nhầm rằng tôi không đau cái đau của mẹ tôi nên tôi dễ nói nhẹ nhàng: trước cái đau của chính mẹ mình mà mình cũng trơ trơ thì cái giống người như tôi cũng chẳng khác những kẻ lăng nhục mẹ tôi là mấy tí, rồi trên đường đời, tôi tất cũng sẽ phạm vào những bất công tương tự đối với người khác mà thôi. Nếu mà tôi làm cho mẹ tôi hiểu nhầm như thế trong giờ khắc tế nhị này thì thật là nguy hiểm. Mà tôi cũng không thể nói thật với mẹ tôi đã thương bà và cũng đau như thế nào, không những với tư cách là con, mà còn với tư cách là đảng viên nữa. Nhưng thôi, đó là lại bước qua chuyện khác, việc hôm nay là tôi về thăm mẹ, thăm lần cuối cùng, trước khi ra đi. Những năm tháng trước mặt đầy rẫy khó khăn. Mẹ tôi đã già, thật không chắc mẹ con rồi còn gặp nhau: ý nghĩ ấy cứ làm tôi ngẩn ngơ hoài. Không chắc còn gặp nhau nữa mà chia tay trong sự hiểu nhầm, hai mẹ con đã sống hai cảnh đời khác nhau mà còn xung khắc nữa thì thật buồn. Giá tôi có thể nói thẳng với mẹ là tôi ở lại, tôi ở lại để tiếp tục chiến đấu bảo đảm thực hiện hiệp định Giơnevơ, tiếp tục giải phóng miền Nam! Rằng tôi sẽ vẫn ở không cách xa nhà ta mấy, chỉ trong rặng núi Vĩnh Thạnh kia thôi, tôi sự thật tham gia lãnh đạo công tác huyện nhà. Con vẫn ở bên cạnh mẹ, mẹ con chúng ta có thể không gặp nhau nhưng con ở bên cạnh mẹ. Nhưng tôi không được phép bộc lộ như thế. Về đây, tôi sẽ chỉ nói với mẹ là tôi chào mẹ lần cuối để ngày mai xuống tàu.
Hai giờ sáng tôi mới về đến nhà. Đêm nay và ngày mai vẫn là giao thời, ngày kia mới là chế độ “”, nhưng tại sao đứng trước nhà tôi, tôi có cái cảm giác nghẹn ngào như vậy! Mái nhà thân thuộc, nó đây mà sao nó trở nên hiu quạnh thế, thấp quá thế, trơ trọi thế dưới gốc mấy cây mít già sum suê, trong khu vườn không đèn đuốc. Mẹ tôi không lên tiếng, ý chừng nghe ngóng đã, mãi một lúc khi nhận ra tôi rồi mới thấy cái dáng lụm khụm của bà bước ra. Có lẽ bà lạ lắm, kinh ngạc lắm nên không buột nói câu gì. Có lẽ là vừa đi vừa nghĩ tại sao tôi lại về. Đáng lẽ cứ đi thẳng thì bà lại đi chéo qua cái sân, ra mở cổng cho tôi, mười ngón tay răn lóng ngóng mở hoài mới bật được cái then. Bà ngước mặt nhìn tôi, hai mắt mở to, trong bóng tối tôi không nhìn thấy con người bà, tôi chỉ thấy hai mắt mở to và im lặng, tôi hiểu đó là sự kinh hãi, tôi vội vã nói liền:
— Con về chào mẹ ngày mai con đi tập kết.
— Mai? — tôi nghe mẹ tôi như ré lên như thế thoạt tiên, một tiếng độc nhất — không, không phải bà ré, một sự kinh hoàng nào của linh tính kìm giữ tiếng kêu lên ngạc nhiên của bà, nhưng mãi mãi trong lòng tôi. Tiếng kêu lên sợ hãi cho con đó của mẹ tôi để lại một vết xoáy sâu nhọn như một tiếng ré. Mầy bảo mai? — mẹ tôi giảng giải sự kinh ngạc của mình. Đây với đấy hai mươi nhăm cây mà giờ này còn ở đây...
— Tức là mười hai giờ đêm mai, mẹ ạ. Ai còn ở trên bờ, mười hai giờ đêm mai mới phải ra tàu, đó là hạn cuối cùng. Tối ngày mai con đủng đỉnh đi cũng còn kịp chán.
Mẹ tôi không nói gì nữa. Tôi vào nhà, lên nhà trên, định nghỉ một lát, trong lúc mẹ tôi nấu nướng cho tôi. Nhưng ngả lưng mãi không sao chợp mắt được, tôi lần xuống nhà dưới. Cảnh nhìn thấy làm tôi bủn rủn cả chân tay: mẹ đang ngồi trước bếp lửa cúi đầu trong vạt áo mà khóc.
Tôi cuống lên, nghẹn ngào ôm vai mẹ tôi:
— Con cũng không ngờ lại có lúc tuổi già của mẹ lại không có con — tôi nói. Mẹ cho con đi làm cách mạng tất đã có lường trước nhiều chuyện khó khăn, thậm chí tù đày, hy sinh. Con đường cách mạng của con cho đến bây giờ là dễ dàng, nay con phải xa mẹ...
Mẹ tôi ngừng khóc, ngửng phắt lên:
— Mầy ra Bắc thì có gì là khó khăn?
Tôi vẫn hiểu nhầm rằng mẹ tôi buồn tủi vì cô quạnh, vì vợ chồng con cái tôi đi cả — vợ con tôi đã đi trước theo sự bố trí của huyện — để bà lại một mình. Tôi nói đến lòng biết ơn bà từ bé đến lới cho đến lúc có vợ con, tôi vẫn được hưởng sự bao che của bà, từ nay không có sự bao che ấy nữa. Vợ tôi chẳng hạn, sẽ vừa công tác vừa nuôi con, vừa mang thai trong bụng. Đó là tư riêng, chứ nhìn vào cục diện nói chung, chúng con không ở trong này nữa, ra miền Bắc mà tính chuyện lấy lại miền Nam, không khó khăn sao hở mẹ?
Mẹ tôi mắt vẫn mở to — tôi nhớ là từ lúc tôi về, đón tôi ở ngoài cổng, bà nhìn tôi mắt lúc nào cũng mở to như giận và có điều gì không tin tôi. Lần này, bà ngắt lời hỏi không úp mở:
Mầy đi thiệt sao?
Thiệt — Tôi đành phải nói, tôi vốn không bao giờ muốn nói dối mẹ tôi. Ngay cả trong tình huống lúc này tôi chưa được phép nói sự thật, tôi về đây cốt để chào biệt bà, còn tôi có ra Bắc hay ở lại trong chòm xóm địa phương núi non nào đó, tùy bà muốn hiểu sao thì hiểu, đối với hai mẹ con thì bề nào cũng là xa biệt.
Tôi chỉ nói có một tiếng “thiệt” đó. Thế mà mẹ tôi mừng rỡ lắm. Bấy giờ bà mới vội vã, quính quíu lên sửa dọn cho tôi ăn. Lúc nãy thì cũng là tôi, bà cũng biết là tôi đói mệt và đi đường xa về, mà bà uể oải không thiết cái gì hết. Ngồi nhìn tôi ăn bây giờ, bà nói toạc ra những ý nghĩ chất chứa của bà — bà mẹ già lúc nào cũng tha thủi của tôi tuyệt vời ở chỗ tính tình bộc trực.
Mẹ sợ con phản! — lời nói ngay thật ấy của mẹ làm tôi lạnh xương sống. Được Đảng giao cho ra Bắc mà lén lút ở lại với vợ con, sau này làm thế nào mà không cộng tác với đối phương được, như thế không phải là đào ngũ, là phản sao? Không thấy con về, tưởng con đi luôn, mẹ cũng buồn, cho là con tệ. Nhưng lúc nãy thấy con về, mẹ sợ hơn, mẹ hoảng vô cùng, tưởng là con phản rồi. Mẹ sợ do con giận một số người đã xử không tốt với mẹ, tức là không tốt với con. Nhưng hiểu vậy là sai đó, con. Mẹ bằng này tuổi đầu, bao nhiêu cái nhục cái vui đều đã từng, mẹ biết phân biệt cái phải, cái trái, cái lớn cái nhỏ. Khi thấy một số người làm bậy, gây nên bất bình, riêng mẹ bị khó khăn, mẹ thật lo, buồn nữa, nhưng không giận đâu. Nhà mình nội ngoại bao nhiêu đời, đến đời mẹ thật mới biết thế nào là cái giá trị làm con người, đến đời con, đời con con, thật sự mở mày mở mặt — mẹ bảo thế — mẹ đẻ ra con, mẹ nuôi con, nhưng cứ phấp phỏng, con lớn lên lại giống như cậu, như chú, lại cũng sống như thế thì buồn quá. May mà có cách mạng...
Mẹ tôi nói còn dài, đại khái mẹ tôi nói như vậy, trong nỗi kinh ngạc, khâm phục và xúc động của tôi. Hóa ra mẹ tôi hiểu tất cả, tôi không cần lo lắng giải thích dài dòng điều gì nữa, chỉ hưởng thụ niềm vui được mẹ săn sóc trong ngày trở về thăm nhà cuối cùng, có lẹ là ngày cuối cùng được mẹ săn sóc, rồi đi. Tuy vậy, tôi vẫn tranh thủ nói với mẹ tôi tôi về những tình huống có thể xảy ra. Kẻ thù, chúng sẽ không ai khác, trong hoàn cảnh của xã của huyện ta, là những người mà mẹ con ta có quen cả. Chúng sẽ rình mò, giám thị, tra tấn, bắt bớ mẹ nữa — vì mẹ là người cách mạng, và mẹ là mẹ của con: về điều này, chúng sẹ không mơ hồ đâu. Một mặt khác, anh em có thể nhờ đến sự giúp đỡ của mẹ.
Mẹ tôi nghe tôi nói, cười cười, mắt rực lên một ánh sáng vui lắm, lạ lắm, bảo tôi: con cứ đi đi, chớ phải lo gì về mẹ hết trơn, mẹ có chết cũng đã trọn đời mẹ, mẹ đã nói như vậy thì con hiểu rằng mẹ sẽ không làm điều gì nhục mẹ, nhục con đâu.
Nhưng đến chiều, cuối ngày hôm ấy, càng đến gần giờ tôi phải lên đường, mẹ tôi tiễn tôi đi, thì bà lại bẩn thẩn bần thần lặng thinh trở lại.
— Có thật, là con đi không con?
Bẵng cả ngày, bây giờ mẹ trở lại hỏi thế. Giọng bà thì thào, như bà sợ, và vẫn phấp phỏng không tin tôi, mà nếu sự thật như thế thì mới là tai họa cho đời bà chứ không phải ở những điều tôi lo cho bà.
Tôi nói mạnh bạo: con đi chứ, ơ hay, sao mẹ lại hỏi như thế? chiếc ca-nô cuối cùng mười một giờ đêm mới xuất phát, tầu mười hai giờ mới kéo neo, mười hai giờ đúng tập kết hai miền mới hoàn thành mà, mẹ.
Tuy vậy, tôi vẫn thấy mẹ tôi trân trân nhìn tôi dò xét rất nghiêm khắc, nếu mà những lời tôi nói đây mà là nói dối thì tôi thật là một đứa bất hiếu bất mục. Đang như vậy, thì dường như đã quyết được đã kết luận được, bà đứng dậy soạn sửa cho tôi, xếp cái này, sắp cái nọ, nhanh nhẹn hẳn lên, tong tả hẳn lên và cùng tôi ra cổng làng.
Đến bến đò Tân Thuận, bà chủ động đứng lại. Tôi nhớ là suốt dọc đường bà không nài hỏi tôi tại sao không cho bà theo đi Quy Nhơn, không cho bà tiễn xa hơn chút nữa. Bà chủ động đứng lại, chủ động nói một câu ngắn ngủi, ngắn ngủi quá:
“— Thôi, con đi”.
Và quay ngắt lại, bước rảo, bóng càng lúc càng nhỏ, càng mờ trong bóng tối của hàng tre.
Tôi dừng lại một chút, nhìn xem bà có nấp khuất trong bóng tre dõi chừng tôi không. Không, mẹ tôi không làm thế. Bà đi thật nhanh, như chạy, như thể bà hờn tôi, như thể bà đang trốn một cái gì, cắt đứt một cái gì, trong lòng mình. Cử chỉ đó của mẹ khiến tôi không thể trần trừ được nữa. Tôi cũng đi nhanh, đi thẳng theo con đường đi Quy Nhơn. Đi đường ấy được một quãng đủ xa, tôi vòng trở lại, nhắm chân núi phía Tây mà băng tới. Đêm ấy, trăng sáng dữ dội, hình như là một đêm rằm, trăng tròn lên từ sớm, tôi phải men theo các bìa làng mà vượt thật nhanh các vùng có dân cư, ở đây ai gặp cũng có thể nhận ra tôi cả. Khi làng mạc đã xa, cũng đã xa chó sủa gà kêu eo óc, tôi mới chọn một phiến đá ngồi lại, mặt quay về hướng nhà mẹ con tôi. Tình cảm tôi lúc đó thế nào mà tôi muốn chắp tay lạy vọng mẹ tôi mấy lạy, tạ cùng mẹ cái tội đã nói dối mẹ, lần đầu tôi nói dối mẹ, cốt cho mẹ yên tâm, rằng con cũng không thể lộ bí mật ngay từ khi bắt tay vào việc, từ nay bí mật của con không còn chỉ là của con nữa, mẹ hiểu cho con. Có lẽ mẹ có ngờ ngợ chăng, con không ra Bắc đâu mẹ ạ, mà ở lại đây. Chắc con ở cũng chẳng cách mẹ mấy đâu, nhưng từ nay về sau, mẹ và con là hai cảnh đời khác biệt...
Còn mấy phút nữa là mười hai giờ. Tôi ngồi như vậy đó đợi cái phút giây lạ lùng giữa hai chế độ, phút trước cái gì cũng còn là của tôi, phút sau, từ đây trở đi, tôi không có quyền nói như vậy nữa, tôi đã phải xung xát rất ác liệt, trong bao nhiêu lâu, tôi không biết, nhưng mà rất ác liệt, mới có thể nói tiếp được như vậy. Trên đầu tôi, ngẫu nhiên một đám mây đen vùn vụt lao tới phía vầng trăng bạc và nó đã bắt đầu liếm tới.
III
Thật tiếc, anh Quê rời bỏ cơ quan ngay trong lúc chủ trương chỉ mới có những nét mờ mờ. Anh thật sự mích lòng. Chiều và đêm hôm ấy, cho đến lúc được biết quyết định mới về mình, tôi tâm trạng cũng như anh, tôi hiểu được, chia sẻ được sự mích lòng của anh. Thật kỳ quặc, một người theo cách mạng tám năm, gào thét khản cổ hoan hô cổ võ mỗi chiến thắng dù nhỏ, mỗi quyết định mới dù có khi có quyết định đó dẫm đạp lên quyền lợi thiết thân của mình, trèo đèo lội suối, cơm nắm chấm muối sả tám năm, cách mạng từ nay giao không anh cho đối phương — giao không anh cho nó, chịu sự áp đặt của nó, để anh tự giác, “cùng với nhân dân đấu tranh có lý, có lợi, có chừng mức”. Thật vô lý, không thể như thế, có cái gì phải sáng tỏ nữa, thậm chí điều chỉnh nữa. Nhưng đáng lẽ phải đợi thì anh Quê bỏ đi. Đêm hôm đó, sau khi ở chỗ anh Tâm về, mình đã biết rõ những ngày sắp tới của mình như thế nào rồi, tôi trở về cơ quan, còn thấy anh Quê nằm trằn trọc cách tôi không xa. Cho đến hôm nay, sắp chia tay kẻ Bắc người Nam, Quê vẫn chưa phải là đảng viên. Cách đây bốn năm, tôi, bí thư chi bộ, đang cùng anh chuẩn bị để làm lễ kết nạp cho anh, thì không may, đúng lúc ấy, có lệnh nghiêm ngặt đến đóng cửa Đảng. Ở khu năm, lúc bấy giờ nó là như vậy. Cấp trên có bàn riêng về trường hợp anh, nhưng nghĩ rằng anh vốn đã tương đối tốt rồi, lại công tác ngay trong một bộ phận sát bên cạnh ban tuyên huấn, có nhiều cách để giúp anh tiến bộ. “Cậu không phải là đảng viên, mà yêu Đảng, cái tư cách ấy trong thời kỳ mới hóa lại hay, có thể làm nhiều cho cách mạng được” — tôi có lúc muốn nói với anh thế, nhưng nghĩ lại thấy cái đó nó không thành thật thế nào, vì bản thân mình, cho dù trước những khó khăn nào, cũng không hề vẩn vơ có sự mong muốn ngược như thế. Tôi chỉ nói được có một lời: “Thôi được, chúng mình ở lại miền Nam với nhau”. Ý muốn nói rằng tôi làm việc gì thì tôi rủ anh làm việc đó, quyết giữ đến cùng khí tiết của mình. Nhưng tôi không thể nói rõ hơn. Đêm hôm ấy, ở chỗ anh Tâm về, tôi muốn lay anh dậy mà nói với anh quá: đừng để mất liên lạc nhau, mình sẽ móc cậu theo mình — cái lễ kết nạp cậu mà mình không thể tiến hành được trong vùng tự do, chắc là ta sẽ có dịp tiến hành trong bóng tối, dưới ách của kẻ địch. Song tôi đâu có được phép tiết lộ ngay như thế? Nhưng sáng ngủ dậy, cả nhà không thấy anh Quê đâu nữa.
Quê không có thì giờ để mất. Anh trở về thị trấn Bình Quang, vốn là quê chúng tôi, vội vã, ra cái điều việc về này đã từ rắp từ lâu, là kế hoạch đã định sẵn trong đời, cho nên có hiệp định Giơnevơ, anh thực hiện liền. Với ai hỏi, môi anh nở một nụ cười bí mật, tự ví mình như Phạm Lãi, sau khi giúp Câu Tiễn lấy đất Ngô, nay đến lúc chu du Ngũ Hồ. Có ai hỏi lại tai sao anh ví anh với Phạm Lãi, có phải vì anh không phải là đảng viên, cũng giống như người nước Sở không, nếu người hỏi là người bên này, Quê trả lời anh không định nói thế, chỉ nghĩ rằng cuộc kháng chiến còn dài, sức anh có hạn, tham gia làm được một nửa là may rồi, nay đến cuộc phân ly này tuổi đã tam thập, tam thập nhi lập mà, anh! Nếu người hỏi là người bên kia, nghĩa là bọn con cái địa chủ, thương nhân, trí thức trùm chăn xưa nay nổi tiếng lêu bêu giờ ngày càng xuất hiện nhiều ở thị trấn huyện, anh ỡm ờ im lặng.
Thật ra, Quê cũng có tránh nói những lời khốn nạn, ít nhất là anh cũng có tránh trắng trợn. Những ngày hôm ấy, anh có dịp nhận xét rằng sống ở đời phải rõ ràng, ở cái lằn mức không rõ ràng, chỉ một ngày thôi cũng khó lòng trải qua, từ nay không có Đảng nữa, nghĩa là vẫn có Đảng ở đâu đó nhưng không ở cạnh mình nữa, tầm tay mình với không đến nữa, tự mình mình xoay xở, xoay xở làm sao? Không phải đảng viên mà yêu Đảng, như thằng Nghĩa có lần nói, để an ủi mình sau cái lễ kết nạp hụt đó? Tôi muốn như vậy lắm, nhưng mà khó lắm. Không lẽ không làm cái gì, không lẽ không nói cái gì, làm cái gì nói cái gì mà đối phương không buộc được mình là cộng sản, đồng thời bên mình vẫn đánh giá mình là tốt? Nguyên một lý do mình ở lại miền Nam, không tập kết ra Bắc cũng khó giảng giải rồi. Nếu không phải là nằm vùng thì là bất mãn, thế thôi. Nằm vùng thì chúng nó tiêu diệt, bất mãn thì dân xa. Có thể trở về làm dân thường mà không bất mãn được không? Ai tin được như vậy? Cho nên tưởng đã khôn khéo, Quê nặn ra câu chuyện Phạm Lãi chu du Ngũ Hồ. Nguyên trong câu chuyện đó cũng đã có khía cạnh bất mãn rồi, cái đó chính Quê cũng nhận thấy, và không phải là không thấy mình thấp đi. Chao ôi, trong lúc nhiều người mong cho những ngày này kéo dài ra, không có sự thay đổi gì, thì Quê, anh sốt ruột mong cho mọi việc chóng ngã ngũ, đối phương có đến thì đến đi, lục soát, kiểm tra, thủ tục gì thì làm luôn đi để anh có thể chui vào nhà chùa hoặc một trường học. Nhà chùa, cũng có cái kỳ, vào đó là chuyện thậm bất đắc dĩ, có lẽ trường học ổn hơn. Vốn đang đi học thì cách mạng, phải ngừng học tám năm, giờ hòa bình rồi, đi học lại, kiếm cái bằng cử nhân, có cái bằng cử nhân mới đàng hoàng là người trí thức, lý lẽ như vậy với bên kia có lẽ nghe được. Làm anh học trò cũng đỡ bị quấy rầy. Mà hai, ba, bốn năm đằng mình về, hỏi mình làm gì, mình nói mình chỉ trau dồi trí thức trong lúc chờ đợi các anh, nói thế cũng chẳng lấy gì thẹn mặt.
Nhưng việc đời không đợi Quê, không đợi ngày thứ ba trăm linh một. Kẻ thù không đợi ngày ba trăm linh một mới hoạt động mà. Về sau, chúng ta mới biết rằng thời gian những chuyến tàu cuối cùng chở nhân dân và cán bộ đi từ Quy Nhơn được bọn gián điệp Mỹ đặt tên là cái chiến dịch “giải thoát” của nó, và tay sai của Lênxđên có mặt tận huyện Bình Khê, huyện Vĩnh Thạnh này. Tỉnh và bọn chúng tôi chọn vùng núi này làm căn cứ có thể của mình, thì chúng cũng thính không kém, chúng đánh hơi ngửi thấy ngay từ buổi đầu, ngày đầu, ngày chưa phải là ngày đầu.
Chiều hôm ấy, xảy đến cho Quê một việc, Anh đang ở trong một quán giải khát thì tám thanh niên đến ngồi xung quanh anh. Chúng nhăn nhở, mắt nhìn anh chế riễu, không thân thiện, chỉ nguyên dáng điệu chúng đã báo chi anh biết việc chẳng lành.
— Đừng sợ — một thằng nói, giọng kẻ cả. — chúng tôi biết anh là Việt Minh ở lại, có thể đi thanh thiên bạch nhật thế này với mọi người là cũng chưa đến nỗi nào. Còn tụi tôi hết thời kỳ các anh tới thời kỳ tụi tôi, bắt đầu thời kỳ tụi tôi rồi, xã cũng rút rồi, rút hết rồi. Tụi tôi chỉ cần hỏi anh một câu rồi để cho anh đi: một mặt Việt Minh để anh ở lại, một mặt tàng trữ kho gạo, kho súng là nghĩa làm sao?
Quê ngơ ngác, vì câu hỏi bất ngờ, và nội dung Quê không hiểu gì hết. Quê, mặt tái xanh, tám xám, lắp bắp phân trần:
— Tôi trở về thường dân hơn năm nay rồi, tôi không rõ những việc đó.
Thằng kia gằng giọng:
— Thôi được, coi như anh là thường dân. Thường dân có cái lẽ phải của thường dân. Giả tỉ như có cái kho gạo, kho súng đó, ý kiến anh thế nào?
Quê thấy gai ốc trong người nổi hết lên cả rồi, nhưng nói tình thực, anh cũng còn nói được một câu chống chế cho cách mạng:
— Nếu có cái đó thì chỉ là vì họ bỏ sót thôi, họ không làm như vậy đâu.
— A, đúng. Nghĩa là anh cũng đồng tình với tụi tôi là bất hợp pháp? — tên kia chụp lấy, quác mắt nhìn Quê chằm chằm đợi trả lời.
Quê cúi gằm mặt, tự nhiên cảm thấy như người cùng đường, bỗng nhiên liên hệ rất nhanh đến việc mình ở lại và sự tồn tại của cái kho súng kho gạo đó — cái kho súng kho gạo, nếu có, thật ra chẳng còn dính dáng gì đến anh, thế nhưng anh cứ như người bị bắt quả tang, và bụng dạ đã bắt đầu run lên rồi. Chỉ có một tiếng để trả lời câu hỏi của tên kia thôi. Câu chống chế tưởng là khôn ngoan vừa rồi của anh dẫn đến cái tiếng này nữa là hợp lý: anh “— Vâng” có chiều hơi vội vã một chút, như một người đến lúc quyết định đâm đầu xuống sông.
IV
— Ai vậy? Ủa anh Quê! Sao anh chưa đi? Mà giờ này còn ở đây?
— Cháu được phân công ở lại đây mà, bác?
— Thật à? (một lúc, nói sẽ). Bây giờ là nó rồi, phải giữ mồm giữ miệng, sao lại nói vậy?
— Đúng hơn là cháu không được đi. Cháu cũng như Nghĩa, cháu tưởng bác đã biết?
— Tôi không hiểu. Thì tôi vừa đưa Nghĩa đi tập kết về đây! Thằng nghĩa hôm qua ở đây, bây giờ nó đi rồi.
— Thật không bác? Nó đi chuyến tàu nào?
— Chuyến cuối cùng, hồi năm giờ chiều, tôi ra tập mép canô tiễn nó, nhìn thấy tàu chạy tôi mới về. Tôi mới ở Quy Nhơn về đây, từ chiều hôm qua tới giờ rạc cẳng đi bộ! Mà sao anh có vẻ hốt hoảng vậy?
Vâng, mẹ tôi như vậy đây. Mẹ tôi biết rất rõ ngày giờ chuyến tàu cuối cùng. Mẹ tôi có biết tôi nói dối, mẹ tôi biết tôi ở lại. Về sau mẹ tôi nói: “— Mẹ chỉ có một mối lo là sợ con sinh dạ phản phúc mà ở lại, chứ con nhảy núi thì mẹ không sợ. Mẹ có thương nhưng mẹ không sợ. Cả ngày hôm ấy, chốc chốc con lại dặn mẹ, giảng giải cho mẹ chớ đem lòng giận hờn cách mạng, vậy là mẹ yên tâm rồi, biết con ở lại mà không phải là đứa phản phúc là yên tâm rồi. Còn khổ cực thì biết nói sao: Đảng bảo nhảy vào lửa cũng phải nhẩy vào, cái đó mẹ biết. Chia tay con ở bến đò Tân Thuận, mẹ quay đi ngay, là để cho con tưởng mẹ không biết, tiện đường nào thì con đi, chớ có ngần ngại vì cho là có người biết rồi, cho dẫu người đó là mẹ. Vả, mẹ cũng có việc của mẹ. Con đã lớn, Đảng chọn ở lại giao việc lớn chớ phải nhỏ đâu, thế mà ở suốt một ngày, mặc cho mẹ tha hồ nhận xét chứ không nhận xét được gì ở mẹ, thế là con vẫn còn khờ lắm. Mẹ có lo là lo chỗ ấy. Mẹ có việc của mẹ. Anh em họ còn tin mẹ hơn con: họ giao việc cho mẹ mà có cần giảng giải và an ủi như con đâu. Mẹ có việc của mẹ, và mẹ cứ lởn vởn cái ý nghĩ rằng thế nào ngày đầu cũng là ngày có chuyện. Mình không vội đi, nhưng bao giờ kẻ địch cũng vội đến. Quê thì không phải là địch, nhưng mới nghe nó nói một câu đã biết ngay nó không phải là ta nữa rồi, ta không phải như vậy nữa rồi. Nhưng mẹ vẫn xem chừng nó ở mức độ nào, và nó đến đây để làm gì, nếu cần thì giúp đỡ nó, tuy rằng chắc là giúp ngay không được. Thì Quê đã kêu lên:
— Nghĩa cũng không đi tập kết! Bác có đưa tiễn nó thật không?
— Cái thằng hỏi đã lạ, tao không đưa nó còn ai đưa? Người ta khủng bố đầy ra đó, nó ở lại làm chi? Nó đi thì tao côi cút làm vầy, nhưng nó đi thì tao yên tâm hơn.
— Nhưng nó cũng như con, có được đi tập kết đâu?
— Tình hình thay đổi, có quyết định lại sao đó. Mày tính, cán bộ xã cũng kéo rốc đi nữa là. Có lẽ cháu bỏ về nhà sớm quá sao đó nên cháu không biết.
— Bác bới cái gì cho nó đem đi ăn đường?
— (A, nó dò mình!) Đi có hai ngày, ra ngoài đó là sướng rồi, có cần sắm sửa cái gì đâu. Nghĩa nó cũng chẳng say sóng đâu nên không cần sắm sửa gì hết. Cái chăn xi ta nó cũng bỏ lại kia.
— Bác nói thật hả Bác?
— Một câu đó hỏi hoài! Bây giờ thời thế khác rồi, e lòng người cũng khác sao mà mày là người tra khảo tao đầu tiên đó Quê?
Nghe mẹ tôi trách, Quê đứng sừng sững như trời trồng. Anh bỗng đã trở nên như đứa bé đi một bước ngã một bước, mất hết trí khôn, chẳng biết lối nào mà lần.
V
Bọn phản động đã lén lút vào thị trấn huyện từ hôm trước. Trong đêm chúng đã thay quần áo, và mờ sáng, mọi người thức dậy đã thấy mọi đường ngang ngõ tắt đầy bọn cảnh sát mặc ka-ki vàng đứa đứng canh, đứa tay cầm chổi, tay xách lon hồ đi dán những tờ bố cáo. Một đoàn xe ngựa dài lộc cộc đi ngang qua huyện về phía núi. Mọi người còn đang hỏi nhau đoàn xe ngựa ấy đi đâu, thì ở phía núi đó có tiếng huyên náo. Tiếng mõ nổi lên rộn rã trong tiếng la thét giống như trong một cuộc xô xát. Bọn cảnh sát đứng sít lại với nhau ngăn đường không cho dân phố tọc mạch đang muốn kéo lên hướng đó, nhưng một lúc thì ai cũng rõ là chuyện gì. Quốc gia mới về chưa kịp nghỉ giải lao đã muốn xuất kỳ bất ý bắt tay vào tịch thu một kho gạo nói là của Việt cộng để lại. Nhưng dân làng, làng Hà Ri, đang kéo ra ngày càng đông: đối mặt với bọn cảnh sát, họ xếp hàng thành hai hàng, dáo mác tên ná, một ná hai bó tên, một hàng năm người, một hàng chín người, có cả tả biên và hữu biên, vừa tiến vừa quát tháo:
— Ha! Lũ này cướp lúa của cách mạng! Cách mạng đi để lúa cho đồng bào ăn, sao không để đồng bào ăn mà bọn bay ăn cướp?
Bọn cảnh sát vừa lui vừa đe:
— Quốc gia về rồi mà bọn này còn làm giặc!
— Chúng tao làm gì mà bay nói làm giặc? Đứa nào cướp lúa mới làm giặc.
Bọn quốc gia lừa sập được cửa, nhốt cả toàn nhân dân Hà Ri trong kho thóc.
Những người bị nhốt trong kho đập thình thình rung chuyển cả mái nhà, và trong kho vẫn không ngớt tiếng mõ, và tiếng chửi rủa.
— Cho bây chửi — một thằng ngụy nói, nó là một trong tám thằng thanh niên Quê gặp trong quán giải khát — tao đi tìm thằng Quê, nó là Việt minh, nó nói chuyện phải trái với chúng mày.
Nhưng vừa ngửng lên, tất cả xóm vùng kho gạo cơ hồ bị vít chặt. Liên lạc đã về báo tin không lành với nhân dân xã Vĩnh Phúc. Làm sao? Nó bắt hết rồi. Không sợ, ta kéo lên nữa. Liên lạc về xã Vĩnh Hiệp. Làm sao, nó nhốt ư? Cho nó nhốt! Bà con cô bác ơi, cả xã Vĩnh hiệp ơi, nổi chiêng lên, nổi mõ lên, báo cho già trẻ lớn bé ai nấy đều biết, quốc gia vừa đến huyện ta đã giở trò cướp bóc bắt người, hiện đã bắt của ta mười bốn người. Trùng trùng điệp điệp người Ba-Na thân độc một chiếc khố quấn ngang, chân trần, tất cả đeo lục lạc vào chân như phong tục cổ xưa mỗi khi ra trận, tay cầm dao dài, để uy hiếp đối phương, hè nhau khênh cả thân cây chuối đi, khênh cả cột kèo nhà đi, vừa đi vừa phạt dao sắt ngọt vào thân chuối, cột nhà kèo nhà để lao vào đối phương nếu cần, để thui đốt những đứa gian phi nếu cần, để làm hàng rào chiến đấu nếu cần, đây là quốc gia tới đã giở trò khiêu khích đối với nhân dân, định cướp bóc mồ hôi nước mắt của nhân dân, muốn nắn gân nhân dân thì đây là một trận sống mái.
Thấy bà con Ba Na làm dữ, đến lúc đó một tốp người đi xe đạp mới từ huyện đến. Tên quận trưởng, mặc quần áo lính, lưng đeo súng ngắn, cười nhăn nhở: — Nhân đây, tôi xin ra mắt bà con luôn. Tôi công nhận anh em thừa hành có hấp tấp. Nhưng lúa này quả là lúa cộng sản. (Nó chìa ra một nắm) Đây, bà con coi lại, đây là lúa ruộng chớ phải lúa nương đâu?
Tức thì tiếng nhao nhao nổi lên phản đối:
— Ông ở đâu mới về nói tức cười! Lúa mà quốc gia cũng phân biệt cộng với không cộng, còn người thì sao? Lúa gạo đó là của Việt minh. Việt Minh đi tập kết, Việt Minh cho nhân dân phòng đói. Chưa đói, nhân dân chưa ăn, nhân dân để đó, can cớ gì động vào?
Sau cùng, bọn cảnh sát và ngụy quyền huyện đành phải rút hết, để lại nguyên kho gạo. Cảnh giác, nhân dân từng bao một hè nhau khênh hết vào trong các làng buôn.
Đó là chuyện có thật xảy ra tại huyện Vĩnh Thạnh, ghi vào lịch sử truyền miệng của dân xã Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Hiệp, làng Tà Lóc, làng Hà Ri, và những làng vẫn còn quen được gọi theo tên chiến đấu là L ba, L bốn, M một, M hai, ngày đầu tiên, sau khi quân ta đã tập kết ra miền Bắc, và chế độ Ngô Đình Diệm theo chân thực dân Pháp và đế quốc Mỹ bấy giờ còn rình mò, vừa mới kéo đến.
VI
Sáng hôm ấy, Quê ở lại nhà ta. Cả xã Bình Quang và các xã thuộc Vĩnh Thạnh, lan xuống tận Bình Khê nói chung huyện Tây Sơn bây giờ — không khí sùng sục như nước sôi. Mẹ bảo Quê cứ yên tâm nằm trên giường vốn là cái giường của con mà nghỉ đi. Nhưng nó không đứng đâu ngồi đâu yên, người cứ run cầm cập như cái lá. Mẹ nhìn thấy Quê, hiểu hết mọi việc. Người này ắt đang mang điều không lành tới cho mẹ, mẹ bỗng nhiên có linh tính thế. Nhưng mẹ không thể mở miệng bảo anh ta đi lúc này. Chúng nó đang lục tìm anh ta khắp các ngả đường, khắp các nhà của xã Bình Quang. Bây giờ chúng không cốt dùng miệng anh ta, một cán bộ kháng chiến cũ để giải thích giúp, chứng nhận giúp với đồng bào miền núi mà chúng vẫn yên trí là khờ khạo rằng cái kho gạo đó quả là không hợp pháp, nhưng chúng đã nghi rằng cuộc đấu tranh dữ dội sáng nay của dân các làng làm cho chúng vuốt mặt không kịp là do anh ta, ít nhất là do anh ta báo tin, báo tin tức là xúi giục, — Anh — mẹ không mầy tao với nó nữa, mẹ gọi nó bằng anh — anh mà ra đường bây giờ thì chúng nó ăn thịt. Chúng nó đang tìm anh. Anh cũng như thằng Nghĩa con tôi thôi, nhưng chúng mà tìm thấy anh trong nhà tôi, chúng nó cũng không để tôi sống đâu. Nó nhân đi tìm anh, sục vào các nhà để điểm mặt xem người nào là cán bộ lén lút ở lại đây. Vào đây, chúng nó sẽ lục tìm thằng Nghĩa gắt lắm. Tôi không biết giúp anh nấp thế nào đây. Thôi được, anh ra ngoài vườn, nằm giữa hai vồng khoai lang, tôi đắp gơ khoai lang lên người cho, chúng nó chẳng ra đó làm chi đâu, không ngờ đâu. Tôi là một mụ già tứ cố vô thân, thấy anh như thấy con tôi, anh gặp hoạn nạn thì tôi giúp, anh làm việc gì tôi không biết đâu, chớ để cái họa cho tôi.
VII
— Anh nghĩa.
— Cậu là ai?
— Em là Vần, em được phái đi đón anh. Em biết anh mà anh không biết em. Hồi còn nhỏ, em hay qua Bình Quang, thường bán củi cho bà.
— Lớn, cậu không bán củi nữa?
— Em đi làm công tác chớ anh. Em là trung đội phó dân quân mà.
— Tại sao cậu không đi tập kết?
— Em là dân quân, em đâu có bắt buộc phải đi tập kết? Tuy vậy, trên cũng cho đi. “— Nhưng mà địa phương đang rất cần anh, anh nghĩ thế nào” Thế thì tôi ở lại đã, chứ còn nghĩ thế nào! Mà địa phương đang khó khăn thật. Biết chính quyền ta sắp đi, bọn xấu ngóc đầu dậy, đâm thọc dọa nạt, các làng mất đoàn kết lung tung, đánh nhau, bắt trâu, bắt lợn, bắt người. Làng Con Trót, Thơ Đo, Con Vấp trên, Con Vấp dưới. Huyện cử em thẳng về đó. Ba tháng sau, Huyện lại mời em đi tập kết. Em nói: “— Đây đã yên đâu mà đi?” Thế thì anh cứ tiếp tục — huyện bảo thế. Lần thứ ba huyện lại gọi em đi, em về sau cùng. Huyện lại hỏi, em lại nói. “Tôi đã tổ chức cho các làng ăn thề rồi, nếu các anh mất đoàn kết; các anh còn đánh nhau, các anh để cho đối phương lợi dụng. Việt Minh về, các anh chịu trách nhiệm”. Tôi đã hội nghị cà-rá, đã giao ước với họ thế, nhưng không có mình thì họ lại đánh nhau chứ. Huyện hỏi em: “— Thế anh muốn đi hay ở?” “— Tôi chết sống với cách mạng, em nói”. “Đi tập kết, có nhiều lợi cho anh”. “— Có nhiều lợi cho tôi, tôi biết”.
Thế là em được ở lại.
— Nhưng mà ở lại cũng buồn chứ?
— Thế anh buồn à?
— — Không, là mình hỏi cậu.
— Đồng bào thì có buồn đấy buồn thiu. Họ ngồi đâu cũng kể toàn kỷ niệm về Việt Minh. Nhưng em thì em không buồn, vì em thấy được cách mạng tín nhiệm. Ở đây sống bám dân bám đất thích chứ anh. Em ngang nhiên về sống hợp pháp với làng. Nhưng trên lại rút em đi, không cho em ở làng. Bây giờ em làm công tác này.
— Hãy nói: công việc, hay chỉ nói gọn: việc này thôi. Không được nói chữ. Trên chưa dặn cậu sao?
— Dạ, bây giờ em làm việc này. Anh đứng đây đã nhé, để em chạy tới trước xem có ai đi tới không đã. Ta phải đi sáng đêm mới tới đó anh.
— Tuổi thơ của tôi trôi qua dưới dãy núi này, mỗi sáng ngủ dậy ngẩng đầu lên nhìn thấy nó, xanh biếc, vắt qua mây trắng. Dải Trường Sơn đến vùng này tỏa ra y hệt một con sông, một con sông đổ xuống từ trên trời cao, từ trên Ngân Hà. Từ buổi ấu thơ, tôi đã có ảo tưởng như vậy về một vùng nước non hùng tráng kề cận quê tôi, mang những cái tên lẫm liệt và phấn chấn là Tây Sơn thượng, trung, hạ, với những hòn Ngăn, hòn Bong Bóng, hò Vỏ Cá, hòn Bạc Má, hòn Kho, hòn Đá Dàn, hòn Hoành Sơn, hòn Hội Sơn... đầy di tích và giai thoại hào hùng của người xưa. Tôi vừa đi lòng sảng khoái vừa ngờ ngợ như mình đã một hôm nào đó từng nằm mơ thấy y hệt cảnh đêm này, mình đi trên con đường đèo lịch sử này, với một người giao thông, như là tiểu đồng trong truyện cũ, bắt đầu đi vào thừa kế sự nghiệp của bao nhiêu bậc anh hùng. Chắc chắn là mình sẽ thành công như các vị đó, với các kinh nghiệm về địa hình địa vật của họ, với cái hào khí, với tấm gương vằng vặc tranh xanh sáng suốt đêm này của họ nữa, và với lòng tin vào giai cấp mới của mình, Đảng của mình. Kỳ lạ, anh bạn giao thông lúc thì đi ngang, lúc tranh vượt lên đi trước tôi, cứ thỏ thẻ hoài, chốc một câu, chốc lại một câu, tưởng chừng như chẳng ăn nhập vào nhau, và như không phải anh nói chuyện với tôi mà anh tranh thủ truyền đạt kinh nghiệm cho tôi, bởi vì tôi đi vào quê anh, tất nhiên tôi ngờ nghệch hơn, mà cuộc chiến đấu có thể xảy ra tức thì, anh với tôi có thể không gặp nhau nữa. Thật vậy không? Vần nói:
—Anh chỉ còn bà ở nhà. Gánh của anh có nhẹ hơn em đấy. Em còn cả mẹ, lẫn cha, cả năm em nữa, năm em li nhí lít nhít. Nhưng em cũng thấy nhẹ thôi. Cha mẹ em cũng thấy nhẹ thôi
Vần lại nói:
— Anh nè, em nói cái này anh chớ giận em nhé. Người dân tộc họ có thành kiến với một số các anh đấy. Các anh đến đâu, nhớ lao động, nấu cơm, quét nhà, làm nương, nghe. Đối với con gái người ta phải nghiêm trang, nghe. Đối với của cải người ta, chớ động chạm, nghe. Muốn cho người ta theo mình, mình phải thế, không thì nước đổ lá môn hết.
Vần lại nói nữa:
— Anh nè, em cho là thời kỳ qua, một số các anh bắt mối không trúng đâu. Thường các anh bắt mối vào những người biết tiếng Kinh. Nhưng biết tiếng Kinh là người có đi đây đi đó, có giao thiệp, thế là người tầng lớp trên rồi. Người dân tộc nào không biết tiếng Kinh người ấy mới thật là nghèo, anh ạ.
Và Vần nói:
— Ôi, bao giờ anh về đóng ở nước Tấn, anh vào nhà em.
— Cậu mới đi đã muốn về nhà lắm à?
— Không, anh không hiểu ý em mà. Em có thể đi luôn suốt đời với cách mạng mà. Em nghĩ thế này anh nghe được không: anh mà đến nhà em, thì cha mẹ em thấy anh cũng như trông thấy em, mà ông già em chắc chắn là người tốt rồi, có thể giúp cho anh cái gì được.
— Nhưng nhà cậu lộ rồi, vì ai cũng biết cậu ở lại — tôi nói:
Vần nín thinh một lúc, có vẻ buồn, rồi lại nói:
— Không lẽ gia đình cán bộ không nương tựa được nữa vì vậy hay sao anh? Em cho sắp tới, tất nhiên đánh vào chỗ đó, nhưng kiên cường cũng là chỗ đó. Cha mẹ vợ con ở nhà nói sao với con, với chồng, với cha đi xa? Ở đồng bằng là vậy, miền núi cũng vậy thôi.
Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Như vậy đó, đêm đó, cảnh đó, người thanh niên Ba Na tên là Vần, hoặc có sao nói vậy, hoặc không giữ kín mọi ý nghĩ được, nghĩ tới điều gì nói lên điều đó, dạy bảo tôi một cách hồn nhiên và thật trong sáng như thế.
Nhiều điều Vần nói, bản thân tôi có kinh nghiệm rồi, chiêm nghiệm rồi, được học tập thảo luận rồi, nhưng cả những điều nhắc lại ấy, nhắc thẳng với một giọng sâu xa như người nói nói là chỉ nói với mình, như là nguyện vọng, như là đạo lý, bất kể tôi là ai, làm chức vụ gì, nếu tôi không làm theo như thế thì người nói đó sẽ thất vọng lắm, thậm chí sẽ khinh lắm, tất cả những lời ấy của một người thanh niên quần chúng Ba Na, tôi coi là bài học đầu tiên của tôi trong cuộc kháng chiến thứ hai này. Trăng đã lặn rồi, núi rừng đã khép lại sầm tối rồi, nhưng cái giọng chuyện vãn thầm thì của anh có gì trong vắt nó sáng mãi trong lòng tôi.
Nhưng tôi không ngờ một phút sau đó, tôi mất anh.
Đang đi, bỗng Vần bấm tôi đứng lại để cậu tiến lên một mình. Thế đấy mà đợi mãi không thấy Vần trở lại nữa. Đúng ra thì tôi có nghe một tiếng kêu lên, nhưng đêm hôm, trong rừng nhiều tiếng dã thú giữa tiếng lá cây xào xạc lúc nào cũng như đang cơn gió to, tôi tưởng tôi nhầm. Tôi nép vào bên đường để đợi, dễ chừng đến hai tiếng, không thấy người nào đi ngược lại phía mình cả. Trời đêm mùa hè mà tôi lạnh muốn phát run. Biết là có chuyện chẳng lành, tôi định xé núi đi bừa, nhưng nhỡ Vần bị nạn nằm đâu gần đây trên đường đèo thì sao, cho nên tôi lại liều đi tiếp con đường chúng tôi đã đi, vừa đi vừa dò tìm. Nhưng vô hiệu.
Tôi không hiểu nổi việc gì vừa xảy ra, trong nhiều ngày. Vần bị một toán gian phi nào đi trước giết và vứt xác ở đâu đó, trên chặng đường tôi đã đi qua? Vần bị bắt cóc? Mà kẻ địch tưởng là anh ta chỉ đi một mình? Và tất cả cái đó diễn ra một cách nhẹ nhàng như là nó chuồi trôi đi theo đêm, như là nạn nhân bỗng nhiên tự ý bỏ tôi mà đi vậy. Anh ta bỏ tôi mà đi sau những lời trò chuyện như thế?
Tôi không có thời giờ suy nghĩ gì cả. Vừa nhìn thấy Hóc Điều là nơi tôi định đến và Vần có nhiệm vụ đưa tôi đến thì Hóc Điều bị càn. Một đại đội lính ngụy, từ dưới lên, xé rừng phục kích đổ ập vào làng định xuất kỳ bất ý bắt sống một số cán bộ mà nó nghi là lấy vùng núi làm căn cứ. Không bắt được cán bộ, nó quay ra tra khảo các gia đình, buộc họ tố giác lẫn nhau là cơ sở chứa chấp, bắt đi một số người trong đó có một cô gái, cô Li. Nó đánh đập cô Li tàn nhẫn quá, ông già cha cô Li là bok. Tới không nhịn được nữa, nhào chụp lấy súng của thằng thiếu úy, bắn nó một phát vỡ óc.. Bok Tới bình tĩnh nói với người làng trong lúc nó trói bok vào gốc cây để hành hình: “— Tôi vui lòng chết cho nó biết rằng không phải nó tới đây muốn làm cái gì thì làm.” Ông lớn tiếng gào lời vĩnh biệt Hồ Chủ tịch trong lúc chúng hốt hoảng chĩa thẳng súng vào họng ông. Tất cả dân làng thương cảm, khâm phục và khóc ròng. Từ đó, tự nhiên làng Hóc Điều có một tên nữa là làng Bok Tới.
“Đấu tranh có lý, có lợi, có chừng mực”. Anh em học, nói vậy, nhưng giờ thằng địch làm cách này. Tối hôm ấy, chúng tôi quyết định rút khỏi làng Hóc Điều, từ đây tạm thời theo phương án ba, nghiên cứu lại vùng nào là vùng có tính chất quyết định giữ phong trào, mình có thể trụ để lãnh đạo quần chúng đấu tranh thắng lợi, nắm phía trước mà củng cố phía sau, xây dựng phía sau làm căn cứ địa. Phải phát động quần chúng cơ bản, chuyển dần từng bước đưa quần chúng cơ bản lên làm chủ. Chúng tôi chia nhau mỗi người mấy xã đi làm việc đó. Đi một quãng khá xa, đến một nơi, chúng tôi kinh ngạc thấy bà con trong xã Hóc Điều đã đến đón đường từ bao giờ, khẩn thiết xin cán bộ cho đi theo bất hợp pháp. Chúng tôi cử một anh ra giải thích vị trí tình hình làng Hóc Điều. Sau vụ xảy ra ban sáng, chắc thằng địch chùn bước, ở lại đấu tranh hợp pháp hiện nay có lợi hơn. Chỉ anh em chúng tôi, vì quyền lợi của làng Hóc Điều và của cả địa phương này, phải tạm thời rút thôi, gọi là rút nhưng lúc nào cũng ngó chừng Hóc Điều. Dân làng dần dần nghe ra, song vẫn khăng khăng xin chúng tôi để lại cho làng ít nhất một cán bộ. Người ra giảng giải với dân làng liền được cắt cử theo luôn bà con trở về làng.
Chuyện kho gạo và chuyện Bok Tới xảy ra giúp chúng tôi hiểu thêm một cái gì đó về đường đi nước bước của địch, về tinh thần của dân, và về việc chúng tôi phải làm. Muốn hạn chế được địch, phải nắm được dân, phải duy trì cách mạng, phải kiên trì cách mạng, chỉ có thế thôi.
Những ngày sau đó, đối phương vẫn chưa tỏ ra chậm bước. Nó tàn sát cả một thôn ở bên dưới chúng tôi, giết lẻ tẻ nơi này nơi khác, tróc nã cán bộ, tung gián điệp lén lút đốt phá làng bản. Lợi dung địa hình đặc biệt, chúng tôi quyết định rà lại cơ sở, nếu cần thiết, tự mình xây dựng lại từ đầu, trang bị cho nhân dân ý thức đương đầu với bọn bán nước nay xuất đầu lộ diện và bọn giặc Mỹ đang nấp đằng sau chúng, còn tệ hơn thực dân Pháp nữa, và từ đấy tiến lên xây dựng khu căn cứ của huyện.
Tôi đến ở vùng làng Tà Lóc. Tà Lóc một trăm dân, một cà rá — người cà rá nói dân nhiều người nghe, vì nó có thành tích giết được một tên thực dân Pháp, mật thám hay khảo sát gì đó, năm bốn mươi, “trước cả Việt Minh nữa” như người làng này hay nói tự hào — ở xã Sông Côn, bắt đầu vào một trong những thung lũng hiểm hóc nhất của vùng Tây-sơn trung, các nương sắn cheo leo như những chiếc mũ son ở trên đầu. Nói ở làng, nhưng như về sau tôi trả lời câu hỏi dò của tên cà rá tôi “nay hòn đá này, mai hòn đá khác, như con chim con chuột”. Sự thật, tôi đóng “trụ sở” trong một cái rẫy, trong rẫy có một cái chòi cao dùng để canh chừng lợn lòi. Tôi thường làm việc trong tàn lá rậm rạp những bụi sắn, trưa tối mới trèo lên chòi. Tôi nghĩ rằng chiếm được một vị trí nương rẫy cao, tôi có khả năng hay biết rất nhạy người từ dưới lên. Tôi quyết định thay đổi cách ăn mặc, ăn mặc kiểu địa phương, chỉ mặc một cái khố, một cái áo cánh đen, và để tóc — để tỏ cho đồng bào Ba Na biết rằng mình không tự phân biệt tí nào với họ, cao quí của con người ở chỗ khác chứ không phải ở quần áo, và để cho kẻ địch, kẻ địch giá có bất thần vào làng, từ xa có nhác trông thấy tôi cũng tưởng tôi là người Ba Na, không phải một cán bộ nằm vùng. Tôi có một ít gạo anh em phân phối cho nhét đó đây trong các kẽ đá, vài ngày tôi mới ăn một bữa cơm nấu trong ống bương, còn những bữa khác toàn lót bụng bằng củ mài mà tôi phải lần mò đến năm bảy ngày mới biết cách đào. Tôi kiên quyết không động chạm đến cho dẫu là một gốc sắn trong cái nương tôi ở trọ. Không những thế, mỗi sáng sớm tôi đều có thì giờ tăng gia thêm, cắm lại hom xuống các vạt nương bị lợn lòi đào xới, và rỉa ngô thêm ngay cạnh đó mở rộng thêm nương. Anh biết đấy trước Cách mạng tháng Tám, tôi là học trò, cho đến nay, cũng chưa kịp làm nghề gì ngoài nghề cán bộ, cho nên thời kỳ này là thời kỳ nhọc nhằn nhất của đời tôi. Kể cả sau này nữa, trong chiến đấu hai chục năm chưa bao giờ tôi trần trụi như thế, một mình giữa núi rừng lạnh lẽo đêm hôm, kiếm từng bữa ăn. Nói nhưng tôi vẫn vui thì không đúng, song quả thật, tôi chẳng buồn, chẳng lúc nào buồn, nếu buồn thì tôi tất chết rồi, không sống đến ngày nay. Vả, việc tôi sống như vậy có một Người đã sống trước tôi, còn lạnh lẽo trần trụi hơn tôi nhiều nữa, vì ngày ấy, cả nước còn đắm chìm trong mê muội, mà Người ấy đã làm được việc lớn, theo gương Người mà tôi sống hôm nay, và điều quan trọng vẫn không phải ở chỗ đó, điều quan trọng là tôi có làm được việc gì không. Tôi luôn luôn có cảm giác lúc nào cũng đang đợi xem một người khác, vừa là tôi, vừa không phải là tôi, sắp bắt đầu nhen một ngọn lửa, ngọn lửa giống ngọn lửa tôi nhen mỗi ngày ở trên nương, một tay cởi, một tay che, đến một ngày nào giờ nào sẽ thổi bùng lên. Tôi nhớ buổi chiều họp bàn ai ở ai đi ở Quảng Ngãi sau ngày chiến thắng và cười thầm về sự dễ trạnh lòng của mình. Tôi có nghĩ đến Quê, Quê còn dễ trạnh lòng hơn tôi nữa. Không biết chỉ mới không bao lăm ngày mà Quê đã phiêu bạt sống hoàn cảnh nào rồi, liệu mình còn gặp và giúp bạn không. Tôi có nhớ lại hình ảnh trong đêm tối, bà con Hóc Điều kéo theo anh em chúng tôi, năn nỉ cho đi bất hợp pháp, và lòng tôi vẩn vơ mong mỏi rồi một ngày nào đó, gặp Quê ngay chính ở nơi căn cứ này.
Một hôm tôi làm xong quay vào thấy treo lòng thòng trên cột chòi một mo cơm còn nóng. Mo cơm áng chừng ăn được ba bữa, trong đó có một gói lạc rang giã trộn muối theo kiểu người Kinh. Đợi mãi không thấy người, tôi mới chắc là có ai đây có theo dõi và cố ý cho mình. Người này chỉ có thể là một người tốt. Ý nghĩ ấy khiến tôi thật mừng rỡ và tôi bắt gặp tôi mong mỏi hoài. Tuy vậy, ban đêm tôi cũng cẩn thận tạm lánh ngủ ở chỗ khác, mắc võng lên tàn cây cao. Tôi rất để ý và ngóng trông, nhưng lại được cho cơm hai lần nữa, y như lần trước mà không gặp được người.
Vào một lúc không ngờ, có hai người, một ông già và một cô gái Ba Na, cả hai cũng cao lớn, một người vác cuốc, một người tay cầm dao quắm, từ đâu bỗng xuất hiện ở giữa nương mà tôi không kịp ẩn lánh vào đâu. Cô gái cũng có đem theo một mo cơm, hình dáng y hệt mo cơm thường kín đáo cho tôi.
— Chào bác — tôi lên tiếng trước — chắc bác là bác Đung.
— Sao biết? — ông già giọng hiền lành hỏi lại.
— Cháu mạn phép trú tạm trong nương của bác, tất nhiên cháu định có ngày vào nhà thưa chuyện với bác. Mấy hôm nay, bác cho cháu cơm, thế là cháu biết bụng dạ bác rồi, cháu rất cảm ơn. Nhưng bác biết cháu là ai mà bác cho như thế?
— Biết. Tao ra đây để hỏi mày một câu: Việt Minh chính quyền, bộ đội đi, chúng mày ở lại làm gì? Do chúng mày ở lại, địch giết chúng tao thì làm sao? Ở vùng dưới, chúng đã giết nhiều người rồi đó.
Người con gái hết nhìn tôi lại nhìn ông già. Tôi quyết định, lần đầu tiên, trả lời cặn kẽ cho hai người này. Những người nào là những người ở lại. Đảng là ai? Để làm gì? Tại sao bè lũ Diệm, tay sai của Mỹ ghét Đảng? Chúng đối với đồng bào ta thế nào, mưu mô thế nào. Cháu xin hỏi bác, anh xin hỏi em, trước tình cảnh đất nước như vậy, phó mặc đất nước bà con cho những con hổ con báo đó, hay là phải kết đoàn lại ngăn cản chúng, bảo vệ cho thôn xóm làng mạc mồ mả cha ông mình? Còn sợ chúng giết thì tôi nghĩ đồng bào Ba Na đây có sợ đâu, đồng bào Ba Na đây đã bao lần cùng với những anh hùng người Kinh đứng dậy trong lịch sử rồi. Vả, ở đời, ai cũng chỉ một lần chết, chết sao cho được ngẩng mặt chứ không phải cúi đầu...
Tôi nói dài, tỉ mỉ. Ông già đập vào vai tôi một cái thật mạnh, như thể ông đánh tôi:
— Hay! — ông nói. Giờ tao hỏi mầy một câu nữa: tao cho mầy con gái tao đây thì mày có nhận không? Nó muốn theo mầy mà. Mầy cho nó làm cái mầy vừa nói với! Dạy cho nó mà. Để nó trong nhà, thế nào thằng quốc gia cũng tới bắt vợ, xấu lắm.
A ra thế. Ông già nói rồi quay lưng đi, bắt đầu xuống núi. Còn người con gái, Nhuôn, có vẻ phục tùng lệnh cha cô cho tôi, ở lại. Tôi bị đột ngột, xúc động quá, chạy theo nắm tay ông già:
— Được bác và em tham gia việc lớn, còn gì bằng. Bác và em hãy về đã, tối nay cháu vào có được không, nhà có khách lạ không. Chúng ta gặp nhau lại sẽ nói chuyện thêm, bàn thêm.
Khuya hôm ấy, bên bếp lửa, ông Đung và tôi, hòa chung hai giọt máu vào một chén rượu, làm lễ ăn thề nhận nhau là cha nuôi con nuôi. Nhuôn với tôi là em nuôi anh nuôi. Tôi nghĩ điều đó là hết sức cần thiết cho công tác của tôi.
VIII
— Giờ mầy bày tao một câu nữa: nếu quốc gia nó bắt tao nó tra “có thấy người làm cộng sản không” tao trả lời thế nào?
— Trả lời: không thấy, không có. Lúc nào cũng không có. Nói là đầu hàng.
— Có thể nói: lâu lâu mới thấy họ đi qua một lần, nhưng chỉ đi qua thôi, không ở làng tôi, không ăn làng tôi.
— Thấy sao không giết?
— Họ có súng! Úi cha cái súng! Quốc gia có bắt được thì bắt chứ tao không dám. Cộng sản nó giỏi lắm!
— Giờ mầy bày tao một câu nữa. Hôm nay một câu này nữa thôi : nếu đi tuyên truyền hỏi bà con: “Cộng sản là ai?” mà họ trả lời đại như tao trả lời hôm trước ấy, “— Cộng sản là người Kinh” thì nói sao? Mày nói lại tao nghe thử?
— Ông Đinh Núp, ông Nay Đe là người Ba Na đấy thôi, có phải là người Kinh đâu. Ai không muốn làm con sâu con kiến thì đứng lên cứu nước cứu nhà! Vì ta muốn độc lập tự do mà kẻ thù không muốn, vì ta muốn hai năm sẽ thống nhất mà kẻ thù không muốn nên ta phải đấu tranh. Người Kinh, người Ba Na, người Ê Đê, người Xê Đăng trung thành một mặt trận...
— Thong thả đã nè, tao lặp lại có đúng không nè. Ông Đinh Núp, ông Nay Đe là người Ba Na đấy thôi, có phải là người Kinh đâu. Ai không muốn làm con sâu con kiến thì đứng dậy...
Đó là nội dung những bài huấn luyện đầu tiên của tôi, những ngày đầu đó, ở chốn rừng núi đó. Ông Đung và cô Nhuôn, cái gia đình nghèo nhất thôn con Trót đó là lớp huấn luyện tuyên truyền, là hạt nhân đầu tiên của tôi. Thật cảm động, nhiều buổi trưa, tôi nằm nghe hai cha con một người hỏi, một người trả lời, ôn cho nhau ở dưới suối:
— Vì ta muốn hai năm mà kẻ thù không muốn nên ta phải đấu tranh...
IX
Ba tên quốc gia từ huyện lên nhà Bá Lớ,, mang theo rất nhiều quà. Bá Lớ sốt sắng giết lợn thết khách. Đèn lớn thắp giữa nhà, kèn hát cũng mở ra. Ăn uống no say xong, Bá Lớ triệu tập dân làng họp. Các tên khách không ra mặt. Chỉ một mình Bá Lớ mặt đỏ gay, tay chắp sau đít, dáng bệ vệ y hệt một lão chánh tổng dưới xuôi, bước vào nhà rông, đặt ngay một câu hỏi:
— Tao mời lũ làng Con Trót đến để lũ làng Con Trót nói cho biết có theo quốc gia chống Cộng sản không?
Từ già đến trẻ, cả làng nín thinh. Mãi mới có một người nói:
— Làng Con Trót có ai thấy mặt mũi cộng sản ra sao. Nếu quốc gia muốn làm, quốc gia cứ tự làm.
Bao giờ cũng thế, khi một người đã nói bật ra và nghe được bụng thì mọi người nhao lên.
— Phải đấy, phải đấy tùy quốc gia chớ, tùy cái bụng Bá Lớ chứ, hỏi đồng bào làm chi!
Và phủi đít kéo nhau xuống thang về.
Đêm ấy, chi ủy họp khẩn cấp. Ông Đung lạnh lùng đề nghị giết Bá Lớ. Tôi ra sức phân tích câu hỏi của tên cà rá làng, biện hộ cho hắn. Thật ra đó là một câu lửng lơ. Nó hỏi là do sức ép của địch chứ bản thân nó còn phân vân, còn sợ, sợ dân làng. Nó cũng có ngờ dân làng đã đổi khác, có tình ý khác, nó làm trái sẽ nguy hiểm cho nó, có làm trái cũng làm từ từ. “Nhưng như vậy là nó cũng sắp phản!” Bà con phân tích lại cũng rất đúng. “Nhưng mà nó chưa phản thì ta chưa có quyền giết nó, phải tranh thủ nó và các cà rá nói chung đến cùng, nếu nó chịu đi với ta thì có nhiều điều thuận lợi hơn.” Tôi nói với chi bộ là tôi sẽ thân hành vào gặp Bá Lớ. Ông Đung xoay ra bảo thế thì phải để giết ba thằng tay sai Mỹ — Diệm hiện ở trong nhà Bá Lớ đã. Tôi lại giảng giải nữa trong lúc Nhuôn, cô em nuôi tôi, van vỉ tôi không nên vào hang hùm. “— Nó ngày nào cũng đem súng ra lau, rủi anh có chuyện gì, ai tiếp cứu anh cho kịp!”. “Nó mà đụng tới một cái lông chân anh Nghĩa, tao không để nó yên” — Đung lại nói “— Đợi cha thì không còn anh Nghĩa nữa” Nhuôn vẫn khăng khăng.
X
— Không, anh không cần lấy cái gì. Tôi đi tay không, anh không thấy sao. Tôi đến để thăm anh thôi. Tôi đến để thăm thôi. Tôi đang ở nhờ làng anh, anh có biết không?
— Ờ..., tôi có nghe nói, ờ...
— Anh, gia đình anh có được mạnh giỏi không? Tôi đến để bàn việc với anh.
— Anh, các anh đã chia cắt đất nước, kéo hết ra ngoài đó, còn bàn gì với chúng tôi?
— Tôi và còn nhiều anh em nữa còn ở lại đây. Sống cuộc đời như thế này, anh tưởng chúng tôi muốn sao? Chính vì biết kẻ thù có âm mưu muốn chia cắt, bán nước cho chủ mới, mà chúng tôi ở lại. Tôi tin anh nên muốn đến bàn với anh về vận mạng cái làng này, cái vùng này.
— Bàn gì nữa mà bàn! Nhân dân trong tay không có một tấc sắt!
— Tôi tưởng tối hôm qua, khi anh hỏi đó, anh có thể ngờ ngợ nhân dân có sắt hay không có sắt rồi.
— Anh nói sao?
— Tôi hỏi anh thế này nhé: tại sao ba thằng quốc gia đó, chúng bảo anh nói, chúng mượn cái miệng của anh nói, ra lệnh cho bà con Ba Na dời làng xuống tập trung ở quận sao anh không nói, sao anh không nói hệt lời lẽ của chúng? Lại chỉ hỏi một câu hàng hai, hỏi cho có hỏi, đó? Do cái câu đó, tôi biết anh còn tốt. Anh chưa phục chúng nó, chưa theo chúng nó đâu. Đối với đường lối cách mạng, anh có một số điều chưa hiểu nên anh hờn giận chúng tôi. Tất cả những cái đó, anh và tôi, rồi ta rỉ rả chuyện trò sau. Bây giờ tôi muốn bàn với anh, trước hết, anh bỏ chuyển đi xuống quận đi.
— Sao được? Không xuống quận, nó cắt muối thì sao? Nó đem quân lên đánh thì sao? Nó nói rồi, nó đánh đó. Đợi nó đánh, tôi còn lý lẽ gì? Tôi cần phải đi để xem thêm ý tứ nó thế nào.
— Cuộc đi này không có lợi cho anh. Nó tưởng bắt anh là làm cho làng núng, cho nên nó sẽ bắt anh. Dân làng thì sẽ coi thường anh vì tưởng anh đã theo địch, đã đầu hàng, đã trở thành tay sai. Chúng nó đem cho áo ấm, giày mũ sang trọng, anh nhận và thế là anh thần phục, anh mưu bán làng. Nhưng tối hôm qua, anh đã thấy rõ là anh chưa làm như vậy được. Nó thì sốt ruột, mà anh thì không làm được, nên nó sẽ giết anh. Vì vậy, tôi muốn anh không đi huyện. Anh cứ ở nhà, nhân dân thái độ nào thì anh thái độ đó.
— Bá Lớ này có đầu óc chính trị của mình, chẳng ai đe dọa được tôi. Ờ mà anh ở đích xác tại nhà ai, vùng nào trong làng?
— Chúng tôi như con chim con chuột, chưa nói với anh được. Khi nào có việc cần, chúng tôi khắc đến anh.
XI
Chúng nó đem mẹ tra điện. Mỗi lần nó vặn cái nút, run giật cả người, lồi cả mắt mẹ ra, xé tai mẹ, nổ óc mẹ, rồi mẹ ngất đi. Mỗi lần ngất bao nhiêu lâu mẹ không rõ. Nó tát cả thùng nước mẹ mới tỉnh lại. Tỉnh lại nó lại tra. Tra một lúc lại vặn nút. Mẹ lại ngất. Xong cuộc tra, thân hình mẹ mềm như con bún. Nhưng tra điện, mẹ chịu được. Cái trò nó đổ nước dơ vào miệng, mũi, tai, mắt mẹ không chịu được. Tra điện, mẹ đau buốt ba ngày, nó đổ nước dơ, mẹ buồn nôn cả tháng. Thằng Quới, quận trưởng, thân hành tra.
Quanh đi quẩn lại, lải nhải một số câu: “— Thằng Nghĩa con bà ở đâu?” Trả lời: “— Nó đi tập kết, rõ ràng tôi đưa nó ra tận mép nước trèo lên chiếc ca nô”. Nó vặn nút điện. Tỉnh dậy: “Mụ nói dối. Nó ở lại, nó đang ở đây, nó có về nhà không?”
“— Không, các ông nói nghe kỳ quá, tôi đưa nó ra tận mép nước, ca nô cặp tàu tôi mới quay về”. “— Mụ ở lại có công tác gì?” “— Đàn bà già cả như tôi đi đâu mà không ở lại. Ông tưởng một thân một mình ở lại sướng lắm sao? Tôi là địa chủ, ai người ta cho đi”.
Nó vặn nút: “— Có công tác gì không?” “Ông có vặn nút nữa chết cũng vậy thôi, bà già này một chữ cắn đôi không có công tác gì”. “— Nếu chúng tôi bắt được thằng Nghĩa, bà chịu cái gì? Giờ chúng tôi bảo bà viết cho nó một cái thư kêu gọi nó về với chính nghĩa quốc gia, bà có viết không?” “Ối cha, cha nó chết nó không về, nó ở ngay Chợ Gồm mà nó không về, giờ nó Bắc Nam cách trở về là về làm sao?”
Nó vặn nút, tôi ngất. Dậy, nó lại hỏi: “— Bà chịu viết không?” “— Không, vì ông bẫy tôi để giết tôi, đời nào tôi chịu làm. Tôi lụm khụm ống nước mo cơm đưa nó ra tận mếp biển cáng Quy Nhơn, hóa ra tôi phỉnh tôi sao, không có sao?” “— Bà chịu viết không?” “— Không.” “— Thế bà không thương thằng Nghĩa à?” “— Ông hỏi đã lạ, con rứt ruột đẻ ra không thương! Không thương mà đưa ra tận mép nước!” “— Gặp nó có cho tiền không — ấy là tôi giả dụ — nó trốn bà, nó lén lút nằm vùng ở đây, bà thấy nó về, bà có chứa không?” “— Chuyện đó chưa có thực tế, ông hỏi chi lạ vậy?” “— Vậy có khai báo không?” “— Một thân già tôi đây mà ngày nào tôi không tự đi khai báo!” Nó giận quá, đạp mẹ một cái ngã nhào. Nhưng như vậy là cuộc tra tấn hôm đó qua. Mẹ ngã chỗ nào, nằm dí chỗ đó, không dậy được. Thằng Quới cũng mệt phờ, phải đi nhậu ở đâu, ba chừng bảy đổi mới trở lại tra người khác. Mẹ nằm lơ mơ nghe nó tra người khác, trong người đau nhức lắm nhưng lại có cái mừng là mình chịu được, cách này có thể đối phó với nó được. Trong bụng lại có chút thích thích biết có lẽ con ở đâu gần đây, chúng mới đánh hơi thôi chưa biết rõ lắm, con chưa sa vào lưới chúng, và con làm chúng sợ hãi đến thế. Mẹ thấy yên tâm vì có cảm tưởng rất rõ mẹ cùng một việc, một mặt trận với con, mẹ không phản con, mà đời nào mẹ phản con. Và, có lẽ con sẽ trách mẹ vẫn còn xoàng, nhớ những lời quy kết mà vài người dành cho mẹ trước ngày đi tập kết, mẹ lại thấy vui vui nữa kia. Thằng địch hung hăng, có vẻ cuồng lên, nhưng mà rất dại, nào có biết mẹ làm cái gì đâu mà khai thác. Cho nên quanh quẩn những câu hỏi ấy, lúc nào mẹ cũng khăng khăng một mực trả lời cách đó nên chúng chán.
Nhưng mẹ cứ suy nghĩ mãi tại sao nó bắt mẹ, bắt mẹ trước ai hết. Một hôm đang ê ẩm lơ mơ chợt nghe ré lên, rồi là tiếng thằng Quê, rõ ràng tiếng nó. Cái thằng! Điện chưa kịp dí vào người, nó đã khai rồi. Ối tôi xin các ông: Nguyễn Văn Luyến — Nguyễn Văn Luyến ở lại, hình như nằm vùng ở Quy Nhơn. Ối tôi xin các ông: Trần Văn Tri — Trần Văn Tri ở lại, hình như nằm vùng Tuy Phước. Ối tôi xin các ông: Phan Văn Thiện — Phan Văn Thiện nằm vùng Hoài Nhơn. Nó run như thằn lằn đứt đuôi, khiến thằng Quới cũng phải bật cười, rồi nói thông thống, nói bậy nói bạ, chắc nó biết anh em nào không ra Bắc là cứ nói bừa ra. Cho đến lúc, thằng khốn nạn, nó nói ra tên mẹ. Và tên con. “Nguyễn Trung Nghĩa cũng ở lại với tôi, cũng hôm “bình nghị” đó, tôi biết đích xác. Tên Nghĩa cũng bất mãn như tôi”. Không ngờ tên con vừa tuột ra nó liền bị tra không tiếc tay: thằng Quới nghe nó nói nó biết đích xác về con, lập tức khai thác. Nhưng nó không biết gì hết. Thằng Nghĩa nằm vùng Bình Khê hay Vĩnh Thạnh? Nó hẹn mày sẽ gặp nó ở đâu, thời gian nào? Phương thức hoạt động của chúng mày hiện như thế nào? Mày có nhiệm vụ liên lạc với những ai? Và thàng Quê, quớ lên, nói đến tên mẹ, nó tố cáo cả việc mẹ lấy gơ khoai lang đắp lên người cho nó trốn ở ngoài vườn.
Vừa lúc, có một tiếng gầm lên dữ dội, rồi một thân người to vóc vốn cũng bị tra, từ nãy vẫn nằm chết ngất dưới đất, bỗng vùng lên nhào đại tới chỗ cái ghế đang tra thằng Quê:
— Các ông có tra thì tra tôi đây, cho tra chết thôi, tôi không sợ đâu không sợ chết đâu. Tôi mới chính là du kích của Việt Minh chứ, không chịu ra Bắc, ở lại với gia đình đây. Chớ còn cái thằng này, nó là cái thằng bỏ hàng ngũ, ai cho nó biết cái gì mà tra, nó khai bậy khai bạ, các ông bắt cả tỉnh sao. Đây, hãy tra tôi.!
Thằng Quới quay ra quay điện, bặm môi bặm miệng phồng mang trợn mắt mà quay, anh tù nhân đó kêu như bò bị thọc huyết, nhưng nó không hỏi anh câu gì cả.
Mỗi lần như vậy, Vần chết đi sống lại nhiều lần. Vần bị nhiều trận trong một ngày đêm, chết đi sống lại mãi, nhưng anh vẫn một mực u ơ, một nói mình là người dân tộc nghèo quá phải làm cách mạng, hai nói mình là người dân tộc nghèo quá phải làm cách mạng. Thằng Quới nhiều khi hỏi, anh giả vờ không hiểu nữa kia. Tiếp theo một cuộc tra khảo thất bại một cuộc tra khảo ác hơn. Nhưng Vần vẫn thế, rằng tôi là người dân tộc. Mỗi lần sờ đến Vần là Quới mỏi lắm, đến mức nó chỉ đánh mà không hỏi.
Thân thể Vần tan nát. Sau mỗi lần tra khảo, có đến hàng buổi, Vần mới tỉnh dậy hẳn, nhưng mở mắt ra, còn chưa kịp nhìn thấy, anh đã hốt hoảng gọi:
— Bà ơi! Bà ơi! Bà còn không bà?
Khi nhận ra bà cụ anh Nghĩa đang cầm chiếc bát mẻ nước lã cúi xuống lo âu nhìn mình, hai môi sưng vều của anh mới nhếch một cái cười:
— Con tưởng bà chết mất. Thế mà bà chịu nổi, con hoan hô bà.
Bà mẹ đau lắm nhưng cũng thều thào như bật cười:
— Tôi cũng lo cho anh quá. Nó tra anh ác quá. Nhưng anh không khai câu gì đâu. Tôi hoan nghênh anh. Hãy nhấp một tí nước. Há miệng, tôi rót cho.
Bà cụ cho Vần uống nước, vừa nói như dỗ dành:
— Nó đánh anh chết mất. Hay là...
— Bà nói đúng. Một là nó đánh chết con, hai là...
Nhưng Vần dừng ngay được câu định nói, chính cái hướng bà mẹ có ý khuyên anh, mà anh cũng suy nghĩ từ lâu. Nhà giam anh có dịp được biết là cái trường tốt nhất để dạy cho con người nhiều điều trong đó có việc giữ bí mật. Cũng như bà mẹ, anh có cái cảm giác thật lạ cảm thấy yên tâm khi mặt đối mặt với thằng Quới và bọn võ sĩ của nó, chúng nó xấu quá, hèn hạ quá, nên anh cảm thấy yên tâm. Buồn vì chưa làm được gì đã sa cơ ư? Té ra nó lập đặc vụ, biệt kích từ lâu rồi. Mình thiếu đề phòng quá. Sa cơ, cũng có buồn, nhưng buồn ít thôi, vì không thấy anh Nghĩa cùng bị bắt nhốt có mặt ở đây. Trái lại, rõ ràng bữa nào nó cũng khảo bà mẹ về con trai bà. Như thế là Nghĩa đêm ấy thoát, bọn biệt kích không biết, anh không bị bọn biệt kích nào khác phục bắt được cả. Còn thì, trừ khi, một hôm nào đó, nó cùng quay điện như thế này, mà bất ngờ mình ngủ luôn, rồi thế nào cũng có ngày mình thoát ngục được, cọp lại về rừng, mình lại đi tìm anh Nghĩa. Hàng ngày, Vần thấy trước mắt mình một tấm gương rất đáng cảm phục, ấy là bà mẹ anh Nghĩa, bị khảo lên khảo xuống, thân già tơi tả nhưng vẫn trơ trơ không khai báo gì hết. Tại sao Vần, chính Vần cũng thấy vui và tự hào vì thế? Khi nào ra thoát, đó là món quà quí biếu anh Nghĩa chăng? Có lẽ thế mà không phải thế. Vì một cái gì to lớn bao la hơn nữa. Anh em ra đi, đã để lại cho miền Nam, cho mỗi người một chỗ trống ghê gớm. Chỗ trống ấy một lòng tin chưa có cơ sở, chưa khỏa lấp được. Chính không ngờ vào đây, nhìn thấy bọn địch, nhìn thấy chúng tra khảo bất lực một bà mẹ nhỏ bé và một số người khác, tuy số người cũng là một số giọt nước thôi, nhưng một số ít giọt nước đó cũng cho thấy được biển cả. Nó bắt được mình thì thì nó bắt nạt, nó hành hạ mình, chứ kẻ thù không đáng sợ. Vần thấy thèm một bữa quay quần xung quanh một khuôn bếp đỏ hừng, bọn thanh niên nam nữ ngồi với nhau, Vần sẽ tích tác kể như vậy. Bây giờ hơn bao giờ hết, Vần cần phải thoát, đem về cho anh em điều ấy, thế nào cũng phải thoát. Nhưng trước khi thoát, có làm quà cho bà mẹ rằng cái người mà bọn địch tra khảo bà để hòng biết đường đi nước bước, anh Nghĩa ấy mà, Vần có biết, có gặp anh Nghĩa còn sống, còn tự do, đang hăng hái tổ chức cách mạng, ở ngay gần đây thôi, sát nách bọn chúng thôi, và linh tính của chúng xui chúng hoảng hốt cũng là phải? Điều ấy sẽ làm cho roi vọt bằng cây và bằng điện của kẻ địch đối với bà mẹ bớt đau hơn, chắc chắn là thế.
— Bà ạ: …
Đã mấy lần, Vần buột miệng toan nói thì ghìm lại kịp. Không ai khiến anh, anh không được phép tiết lộ điều bí mật gì cho ai cả, anh không được phép tiết lộ điều bí mật đó. Cho dẫu là nói với chính mẹ anh Nghĩa, hơn nữa, bà đang ở dưới roi vọt của địch, tuy là một bà mẹ anh hùng. Vả, bà cụ có vẻ biết, bà có vẻ biết anh Nghĩa đang ở đâu, và biết hay không biết, đối với mọi tra hỏi của kẻ địch, bà cũng chỉ khăng khăng có thế.
Chính bà, một hôm tay cằm bát nước cặn, ghé miệng chiếc bát sứt vào hai môi vều ra khô nẻ vì điện của Vần, thì thào nói trước điều bà đã tính toàn và đã mấy lần định nói:
— Anh tìm cách trốn đi. Ở trong này, anh thì chắc chắn nó không tha đâu. Nó đánh anh ác quá, ở thì có chết.
— Còn bà? — Vần kinh ngạc hỏi.
— Tôi là bà già, nó lại chẳng giữ được chứng cớ gì chỉ cốt đe thằng Hai tôi. Nó cho là thằng Hai tôi nằm vùng ở vùng này, nên định giữ tôi như giữ một thứ con tin, thế nào rồi nó cũng thả.
— Con đi thì nó còn sẽ đánh bà đau hơn — Vần nói.
— Nhưng nó làm gì tôi? Tôi là đàn bà, thân xá tơi tả thế này, mê không ra mê tỉnh không ra tỉnh, biết đâu việc anh đi, mà làm sao ngăn anh?
— Con muốn bà đi với con.
Vần nhìn bà mẹ, bỗng nhiên nói và với một cái nhìn hàm ý có ẩn một cái gì đó mà anh không nói được.
— Bà đứng trên vai con trèo lên trước, con sẽ lên sau. Chỉ cần ra khỏi cái nhà này. Con đã nắm được cách đi đứng, ăn ngủ, chơi nhởi của bọn lính canh, ra khỏi cái nhà này, con có thể đưa bà đi.
Bà mẹ một mực:
— Anh tính xem: tôi muốn ra khỏi đây là về ở nhà tôi, về nhà tôi chứ không đi đâu khác, thì tôi trốn có ích gì?
— Con sẽ đưa bà đến một nơi... cũng giống như nhà bà.
— Không. Tôi chỉ muốn được về nhà. Tôi chỉ muốn ở nhà tôi. Tôi cần có mặt tại nhà tôi, anh hiểu không? Tôi không thể bỏ nhà tôi cho ai. Anh phải nghĩ cách đi ngay lập tức. Là thanh niên trai tráng mà khoanh tay để nó giết mình, không được.
Từ hôm ấy, mẹ tôi góp phần chuẩn bị cho Vần trốn. Chuẩn bị thế nào? Bát cơm, miếng cá mà mỗi buổi bọn lính đút qua cái ô nhỏ cho mỗi người tù, mẹ tôi chỉ bấm bụng nhấm nháp một tí, còn thì bưng lê lại chỗ Vần nằm, ép anh ăn cho chóng lại sức.
Những giọt nước mắt mẹ không khóc khi chia tay tôi, mẹ con dịp này có thể là sinh ly tử biệt, đêm ấy mẹ tôi đã nhỏ khi biết chắc Vần đã đi xa.
Vừa lúc, có tiếng rống như bò ở buồn giam bên cạnh. Người bị giam bên cạnh là Bá Lớ. Tôi từng dự đoán gần đúng sự kết thúc của anh ta. Bá Lớ là người có tư tưởng chống Pháp, tự tay giết đầu tiên một tên Pháp, luôn luôn khoe là mình giết Pháp từ khi “Việt Minh còn chưa đứng dậy kia”. Vì vậy, trong tám năm ở với ta, Bá Lớ trong lòng vẫn chưa phục “Việt Minh” đâu. Huống chi nay quân đội và chính quyền cách mạng không còn ở miền Nam. Vả, đối với “Việt Minh” anh cũng có một kỷ niệm không vui gì: một hôm, trong một cuộc họp, anh đã trịch thượng nhổ nước bọt vào mặt một đồng chí, hành động ấy mang lại cho anh một tháng tù. Nhưng bản chất Bá Lớ kiêu ngạo, hay khoe khoang rằng mình đã lãnh đạo dân làng kháng Pháp đến mười hai năm, còn Việt Mình thì chỉ tám năm thôi”, Bá Lớ không dễ dàng gì thần phục bọn ngụy ở quận, mặc dù y nghiêng về phía xấu. Thêm nữa, Bá Lớ hoàn toàn biết rằng nếu y thanh thiên bạch nhật đứng ra hô hào nhân dân bỏ làng, vào sống ở ấp chiến lược, đi thep ngụy, giá trị của y đối với dân làng lập tức giảm bớt, thậm chí mất, cái đó thấy trong mắt người này, dáng điệu người kia, thấy trong không khí, và có lẽ — y vốn khá trong minh — trong nụ cười dịu dàng bao giờ cũng lễ độ và bàn tay lúc nào cũng xòe ra, không cầm vũ khí, thân mật vỗ vai y, của tôi, một người Việt Minh.
Quả như vậy, sau chén trà dầu, Quới, không úp mở đề nghị Bá Lớ đứng phát biểu với làng Con Trót “— Anh chỉ cần nói một câu thôi, cái câu đó, không phải câu hôm trước. Anh nói xong rồi chúng tôi nói cho. Hay không cần anh nói: Chúng tôi đưa anh về, phong anh làm tổng đoàn cai quản năm xã. Anh đứng chúng tôi nói, chúng tôi nói xong chỉ cần anh vỗ tay thôi. Chỉ cần thế thôi, chắc chắn là rồi có nhiều người vỗ tay chứ không phải mình anh, nhưng buộc anh phải vỗ kẻo người ta nói là vì cà rá không vỗ, được không?”
Bá Lớ không gật đầu, cũng không lắc đầu, chỉ ngó sửng.
Đến lúc Bá Lớ xin phép ra về. Quới vờ không hiểu, thét lính đưa ông “tổng đoàn” vào phòng nghỉ. Phòng nghỉ là một buồn trong dãy nhà giam của huyện. Mỗi sáng, quận trưởng cho lính vào mời ông “tổng đoàn” ra uống nước chè, vừa nhấm nháp trà nóng vừa lịch sự lặp lại lời yêu cầu hôm trước. Lại diễn ra tấn kịch y như hôm trước. Sau đó như hôm trước Lớ lại bị đưa vào nhà giam. Những lần uống nước chè sau, giọng Quới dần dần đanh lại. Quới nói rõ cho cà rá làng Con Trót biết rằng nếu y không làm theo ý chúng, từ nay trở đi, chớ nên tưởng nghĩ đến làng Con Trót nữa.
Bị giam ở buồng bên, Lớ biết hết, nghe hết mọi cuộc tra khảo cũng như một số câu chuyện trò của các tù nhân ở buồng giam lớn bên này. Lớ nghe tra hỏi tên tôi, tôi mà các tù nhân đây người là mẹ, người là bạn, người là đồng chí, mỗi người trước đây đều có quan hệ, nhưng không ai biết đích xác tôi đang ở đâu. Còn anh thì anh biết đích xác. Người ta không biết đích xác mà người ta tin, người ta giữ được khí tiết như vậy, còn anh, đã từng gặp tôi, được tôi bảo trước cho tình hình đất nước, vạch rõ địch ta, bàn lẽ phải trái, thậm chí can ngăn anh không được xuống quận, xuống quận có thể nguy hiểm đấy, anh không nghe, đến nông nổi này. Đêm ấy, Bá Lớ không ngủ áp tai vào vách theo dõi việc Vần thực hiện trốn. Khi biết chắc Vần đã thoát, đang trên đường len lỏi về miền núi, có lẽ về Con Trót là nơi có tôi, có phong trào cách mạng, chính là quê hương của mình. Bá Lớ tức tối đến nỗi ộc máu, không có cách gì cầm được.
XII
Nhuôn một hôm ở cơ quan huyện về dắt theo hai người. Tôi chưa kịp mừng rỡ đã kinh dị hết sức; một người là Quê và một người là Vần, cả hai đều bị trói. Kỳ lạ hơn cả là thái độ của Nhuôn. Đến trước mặt tôi, cô gái bắt đầu cởi trói cho Quê, nhưng chỉ cởi cho một mình Quê thôi. Và đưa cho tôi cái công văn của tiểu ban bảo vệ. Nhuôn nói, giọng vẫn gằn xuống một cái gì giận dữ hay bất bình:
— Bảo vệ bảo giải hai người này về. Nó trói người này, còn người này nó không trói. Đi đường rừng, tôi không chắc cái bụng nên tôi trói cả hai, giờ tôi mở trói cho người này. Huyện giao cho tôi thế nào, tôi y nguyên như thế tôi giao lại anh. Công văn đây.
Công văn giới thiệu “Quê, cán bộ khu cũ, không đi tập kết, bị o ép, không ở hợp pháp được, muốn đi bất hợp pháp. Và tên Vần, trốn khỏi nhà lao quận, tìm về Hóc Điều — “y là tay sai nội gián gây ra vụ tàn sát làng Bok Tới trước, địch giả vờ cho thoát ngục để trà trộn vào kháng chiến”.
Tôi chậm rãi gấp tờ giấy, bảo Nhuôn tới gỡ trói luôn cho Vần. Tôi bắt gặp Vần và Nhuôn cùng một lúc ngửng lên trân trân nhìn tôi. Bỗng Nhuôn mỉm cười, mạnh bạo bước tới chỗ Vần, giật mạnh nút dây. “— Tôi đã bảo mà!” Như thể Nhuôn nói với Vần như vậy.
Tôi lấy giọng vui vẻ nói với Quê:
— Vậy là trong vòng một thời gian ngắn, ông trốn hai lần. Một lần trốn cách mạng, một lần trốn phản cách mạng, như thế là thế nào, hở ông?
Và đồng thời, như cùng một câu, tôi quay sang Vần nói tiếp:
— Mình vẫn nhớ cậu đang nói với mình: dạ, bây giờ, em làm việc này. Ta phải đi sáng đêm mới tới đó anh. Rồi sau làm sao?
Tức thì, tựa đứa trẻ nhỏ. Quê vừa cởi áo cho tôi xem, vừa sụp xuống khóc như mưa như gió. Lưng và ngực anh dập nát lằn ngang lằn dọc, đúng là anh bị đánh đập nhiều. Anh khóc mỗi lúc mỗi to, khóc mãi. Nhưng tôi để ý Vần, Vần và Nhuôn, mắt không chớp, nhìn cảnh đó một cách thờ ơ. Vần nín thinh, không vồn vã trả lời tôi cũng không nói gì nữa. Nhuôn thì rõ ràng căm ghét.
XIII
Những người nó hành hạ còn lại chỉ có Bá Lớ và mẹ. Nó mang ông ta và mẹ bỏ vào trong rọ lợn, mỗi người một rọ rồi đem phơi nắng ngay dưới chân cột cờ của huyện. Nhân lúc đó, lựa lúc giữa sân không có ai, mẹ rền rĩ bảo Bá Lớ:
— Có lẽ đòn này là đòn chót, mình chịu được nó phải thôi. Ông cố sống ông ạ, cố sống mà lê cho được về làng, nói cho lũ làng biết cái tâm địa thằng Mỹ thằng Diệm thế nào.
Bá Lớ nghe mẹ nói, cố mở cặp mắt đã mờ đục ra nhìn vào mặt mẹ:
— Tôi cũng muốn như vậy nhưng không sống được đâu, bà. Tôi cậy tôi là cà rá, tôi không nghe ai, tôi không chịu nghĩ giống ai. Chỉ một mình tôi là dại. Tôi chết cũng đáng đời. Tôi có chết thì người Ba Na sẽ nhìn gương tôi mà đấu tranh. Bà có về làng tôi, bà kể giùm với anh em Ba Na tôi chết như thế nào, vì sao mà chết. Và xin bà nhớ nói giùm: từ lúc lên quận, tôi không có nói lời nào xúc phạm đến cụ Hồ, đến cách mạng. Anh nghĩa con bà, mà chúng nó tra hỏi đó, đang ở làng tôi, tôi cũng có nói đâu — tôi biết tôi nói cái đó thì nó thôi tra khảo tôi và chạy chữa cho tôi liền, nhưng tôi không nói. Nhờ bà nói giùm với con bà tôi chào anh tôi đi, tôi không nghe lời anh nên chết uổng, tôi cảm ơn anh, nhờ anh thay tôi coi sóc giúp người Tà Lóc, người Hà Ri, người Nước Tấn...
Dưới chân cột cờ, buổi trưa nắng tròn bóng, nằm trong rọ lợn, nắng gắt như trăm nghìn mũi kim mũi dao xiên vào da thịt bỏng rợp, mẹ sắp mê chợt tỉnh hẳn khi nghe ông Bá Lớ nói về con. Đó là những lời nói cuối cùng của ông. Ông nói xong mấy lời đó, ộc máu ra lượt nữa và lịm hẳn.
XIV
Hai mươi năm sau, miền Nam giải phóng hoàn toàn rồi, người Bình Khê còn nhớ chuyện bà Bốn tồng ngồng khẳng khiu bỏng dộp đỏ như luộc chín từ nhà giam quận về nhà, một thằng ngụy ôm quần áo bà chạy theo năn nỉ:
Quốc gia đã tha bà, đã khoan hồng đối với bà: lần này còn có lần khác, bà chớ bêu riếu quốc gia làm chi...
Không mấy người ngờ nửa giờ trước, bà cũng ở mút cuộc sống rồi, quằn quại sắp hấp hối rồi, bắt đầu mê sảng rồi, thế mà cưỡng lại được, biết nếu mình thoát được trận này là mình sống, là mình thắng nó. Mình còn sống còn có ích lợi, còn làm nó điên đảo. Giữa lúc đó, lời trối của một người đang chết, tin tức về con bỗng tới như một thứ thuốc hồi dương làm bà tỉnh dậy hẳn. À ra vậy, tao đoán cũng không sai lắm, con cứ loanh quanh giấu mẹ hoài. Ra vậy, con vẫn ở gần mẹ vậy. Mẹ ở trong nhà còn con ở ngoài bụi, ở chốn núi non. Cái chăn xi-ta mẹ đổi cho con còn hay mất rồi, có đủ ấm không. Tưởng bay thế nào, bay chỉ thế thôi hay sao? Thì cũng chưa ghê, tao chịu được! Giờ tao về, tao lại làm. Phải báo cho các ảnh biết ngay là mình nhận công việc được, chả có gì...
Nhưng bà Bốn không khỏe đến thế. Về vừa vặn đến cửa ngõ nhà mình vừa kịp thấy cái cảnh, nghe cái mùi của nhà mình, bà lẳng lặng nằm dài xuống đó, thiếp đi, một giấc dài, không kịp vào nhà. Lúc tỉnh dậy, thấy tối đen biết là đang nằm trên giường trong nhà mình, lần lần khi tri giác đã trở về đủ, bà muốn ngồi ngay dậy nhưng chỉ nhấc được cái cổ. Bà hỏi lập tức trong một tiếng thì thào:
— Ai?
Vì nghe có tiếng thở, biết là trong nhà có người, một người đàn bà.
Một bàn tay con gái khẽ sờ tay mẹ.
— Con đây, mẹ.
Giọng nói ấy nói thêm:
— Con ở chỗ anh Nghĩa lại. Anh Nghĩa sai con về gặp mẹ.
Nín thở nghe và để kịp hiểu, bỗng bà Bốn nức lên khóc, khóc không ra tiếng:
— Tôi biết thằng Nghĩa nào! Sao lúc nào cũng là thằng Nghĩa, đem thằng Nghĩa phỉnh tôi, luôn luôn đem cái chết lại cho tôi? Một triệu người ra Bắc chớ có mình nó đâu mà cứ dò xét bắt bớ lừa lọc tôi hoài! Thân tàn ma dại thế này chưa đủ sao? Cô là ai? Tôi ra sân tôi kêu lên bây giờ! Nếu cô là tay sai ông Quới, cho mọi người rõ mặt thầy trò ông Quới! Nếu cô là Việt cộng, cho rõ mặt Việt cộng. Bớ làng...!
Nhuôn vội vã bịt miệng bà mẹ, và dúi vào tay mà một cái cong Thượng bằng bạc, một thứ kiềng mà người miền núi nào ngày trước cũng thường đeo ở cổ chân cổ tay, cái cong này chính bà mẹ hiếm con trai đã bắt Nghĩa đeo từ ngày nhỏ, cả khi Nghĩa đã lớn, bà vẫn bắt Nghĩa đeo mãi. Cầm cái cong trong tay, nắn nót mãi, chợt bà lại khóc:
— Vậy là con đã chết rồi, Nghĩa ơi...
Nhuôn lại phải bịt miệng bà mẹ. Vì thuộc hai đường dây khác nhau, giữa Nhuôn, người của cơ sở Vĩnh Thạnh, và bà mẹ, mà Nghĩa đoán là ở trong tổ chức rồi mà không biết của cơ sở nào, không thể có ám hiệu gì chung để đưa ra nhận nhau, nên trước khi bảo Nhuôn đi, Nghĩa cẩn thận đưa cái vật dễ nhận đó của mình. Không khóc nữa thì bà Bốn run lên. Bà gắng sức ngồi dậy:
— Bác đi nấu cái gì cho cháu ăn. Không, cháu cứ ở đây, chớ xuống bếp. Có động thì cháu vào cái buồng tắm kia, cứ ngồi sau cái đống nong tắm. Động nữa thì xuống hầm, dưới cái đống nong tắm đó có cái hầm.
Bà cụ lần sờ khắp mặt mũi chân tay Nhuôn:
— Con gái Ba Nà giờ cũng làm việc này à con? hành hạ mẹ quá, nhưng mẹ không chết. Thằng Nghĩa, nó có mạnh không con? Chắc tụi bay thiếu thốn đói khổ lắm...
o O o
Tôi không dặn, nhưng Nhuôn cũng nghĩ được ra, và giảng giải với mẹ tôi tại sao. Biết mẹ tôi đau khổ, mà nay có Nhuôn về, vẫn chưa đón được bà lên chỗ tôi. Mẹ tôi nói:
— Bác hiểu. Mà bác cũng chưa muốn đi đâu. Cách mạng còn cần Bác ở đây thì Bác ở đây đã. Nghĩa có việc của Nghĩa thì bác có việc của bác, nhờ cháu nói lại Nghĩa cứ yên tâm mà làm nhiệm vụ.
Tôi, vô cùng rào rạt mỗi lần nhớ tới lời nhắn đó của mẹ tôi, mà bọn địch đã bắt lên bắt xuống giam cầm hoài, đánh đập tra tấn đến ê chề tan nát.
Nhưng nặng nề nhất đối với tôi phải là cư xử với Quê như thế nào. Những người như vậy còn làm được gì, còn mong mỏi gì.
— Nhưng còn khả năng anh ta làm hại cách mạng? — Vần hỏi tôi, lo lắng Quê có thể dẫn địch đến càn quét vùng này.
— Chắc chắn là nó càn quét, mình ở đâu thì nó tới đó, cũng như nó ở đâu thì phải có mình ở đó, không có anh ta thì nó cũng càn quét.
Tôi bảo Nhuôn đưa anh ta trở lại con đường cũ, cho anh ta ra đường cái lớn bảo anh ta đi đâu thì đi. Sắp lên đường, biết van nài gì cũng vô ích, Quê khẩn khoản cô gái dân tộc, trói mình y như hôm trước. Nhuôn trả lời lạnh lùng:
— Bây giờ rõ mặt rồi, không cần trói.
XV
Một phiến đá to, bên kia là thác, như một bức vách, nước đổ ào ào, trắng xóa, dựng đứng suốt ngày đêm. Ba bề là rừng đại ngàn. Nơi này là cao điểm của Trường Sơn không ai qua lại. Một miếng ny lông màu lá căng dưới tàn cây. Dưới mái ny lông là một chiếc võng dù. Trên chiếc võng dù đó, tôi ngồi làm việc. Thời gian sau, tôi lại có Vần, một cái chăn xi ta, một ná, một dao, kiếm ăn hằng ngày, nấu nướng, đi liên lạc cho tôi, đồng thời thay tôi phụ trách làng Con Trót. Trong những ngày dài, tôi sống và làm việc như vậy một mình. Các đồng chí trong huyện ủy ở các khu rừng khác đại khái cảnh trí cũng thế. Kể lại đời sống của những thời gian đó, chúng tôi chỉ nhớ màu trắng của mưa và của mây mù, chúng tôi chỉ nhớ tiếng thác, tiếng suối gầm thét xen lẫn tiếng kêu của dã thú. Từ cái hoàn cảnh cô quạnh của chúng tôi đó, lúc đó, mà nghĩ rằng rồi mình sẽ lấy lại được Quy Nhơn, lấy lại được Sài Gòn: kể cũng thật kỳ, nhưng sao mà tôi tin! Một là vì không lúc nào chúng tôi thấy mất liên lạc với cấp trên, rằng mình là một cái rễ trong chùm rễ cổ thụ chung, bộ máy của Đảng còn đầy sinh lực (Tỉnh ủy về sau cũng về đóng tại đây). Hai là vì chúng tôi biết rằng kẻ làm nhiệm vụ to lớn chính là nhân dân, là dân tộc có truyền thống bốn ngàn năm — ở nơi vùng căn cứ Tây Sơn này, chúng tôi càng nhớ điều này — không phải mình mình, mình chỉ có việc giúp vào xác định mục tiêu phương hướng ngày giờ kéo dây mang cung cho mũi tên lao đi có hiệu quả mà thôi. Đến giúp việc tôi ban đêm là ông Đung, ban ngày là Nhuôn, hai cha con thay đổi nhau. Trong công tác, việc đi giao liên là gian khổ nhất. Mưa tháng chín tháng mười, nước lũ vắt bò, ngẩng lên nhìn nơi phải đến thấy núi xanh trùng điệp ông già này cô gái này phải đi bằng cả bốn tay chân, một tay xỏ trong ná, hết chặt chuối ôm vượt qua sông, lại ôm chuối vượt suối, người ra lệnh là tôi nhiều khi cũng động lòng. Ăn uống lại bình thường chẳng có gì. Đồng bào gửi lên cho một miếng thịt bui le dòi bậu đen, Nhuôn nấu cho tôi một bát canh với một con ếch khô, tôi cố ăn, tuy trong bụng nuốt rồi vẫn còn sợ, vì không muốn để đồng bào hiểu lầm rằng mình kỳ thị, hai là nhiều lúc lâu quá chẳng có tí gì là chất thịt trong người.
Đối với đồng bào Ba Na, người ta ăn ở sao, mình ăn ở vậy, người ta phong tục thế nào, mình theo thế ấy. Người ta còn mê tín về lịch sử con chó, mình tạm thời không ăn thịt chó. Vào làng gặp người ta làm nai, mình phải làm y như dân làng, làm rồi đợi, thui, cúng chia, chia ruột, chia lòng, chia thịt, mất cả tiếng đồng hồ, mình cũng phải ngả tay đỡ thịt chia.
Ngày ngày tôi nói với Nhuôn về đất nước, về Mỹ — Diệm, về Đảng. Em là thanh niên, cuộc đời này là của em, em phải tự mình làm cho đời mình được sung sường, đất nước còn không được tự do, có cái nhà không được ở, cái vườn không được trồng, nay nó đòi dồn, mai nó đòi dồn, sung sướng làm sao được. Trong làng, những em nào một bụng với em? Anh nói cái gì, em nói lại với bạn được không? Một hôm, Nhuôn thay bố, cuộn giấy đi đêm ba tiếng đồng hồ, sáng sáng thỏ thẻ nói với tôi:
— Chu cha! Không có cách mạng chắc tôi không đi được đâu! Sợ quá sợ chừng! Chân run quá đi không muốn được.
Nhưng Nhuôn vẫn đi được. Nhuôn kết với Đuôn, Đuôn kết với Moan... tôi dìu các em đi từng bước. Đây là lứa thanh niên mới lớn, lòng ruột thẳng băng, nghe thấm thía được lẽ phải thì ai nói ngược không thèm nghe đâu. Tôi phát ủy từng thành tích nhỏ của họ, tập dượt kết nạp họ vào cơ sở, lập ban cán sự làng Côn Dơn bên cạnh, rồi làng Nước Ru bên cạnh nữa. Trên cái bản đồ của chúng tôi, nhưng tôi chưa tô kéo thành một vệt đỏ ở vùng chân đèo này song mỗi lần nhìn lên vùng này, chúng tôi cứ nghĩ đến một quả dưa hấu, loại dưa hấu rất nhiều ở vùng này đấy, nó bề ngoài thì xanh mà bên trong lòng đỏ thắm. Đồng bào hỏi ban cán sự hầu hết mọi việc, những việc nào không nghĩ được ban cán sự lên cơ quan hỏi tôi. Thằng Quới gọi xuống vật trâu cho bà con ăn, có đi không? Tại sao nó vật trâu cho mình ăn vầy hè? — Nó mừng quốc gia “thắng”. Việt Minh “thua”, nhân dịp nó bàn việc lập chính quyền ở vùng này đó mà. — Vậy có đi không? — Đi. Anh này phát biểu, anh này phát biểu, phát biểu thế này...”
— Chu cha, thằng Nghĩa, nó ở rừng núi mà cái tai rất khôn giỏi, nó nói đúng hết, nó bày cho mình đấu tranh.
Vụ địch sát hại Bá Lớ làm tôi trở nên có uy tín tuyệt đối, uy tín của một bậc tiên tri. Tôi đề nghị ban cán sự làng tổ chức một cuộc mít tinh, để Vần và Nhuôn kể lại những ngày từ khi Bá Lớ lên quận. Khi Nhuôn nói lại những lời trăn trối của Bá Lớ thì cả làng nổi lên khóc òa. Chúng ta giờ sống làm sao đây, đi con đường nào? Câu hỏi chúng tôi ở miền Nam liên tục đặt ra cho những người còn ở trong bóng tối trong hai chục năm, lúc bấy giờ, trong cảnh trơ trụi, tôi đã đặt ra, cho quần chúng một làng ven núi như vậy, và chú ý lắng nghe câu trả lời. Tôi tin rằng quần chúng sẽ trả lời giống tôi, nhưng cũng hồi hộp mong đợi câu trả lời đó biết bao, câu trả lời không những quyết định số phận cho họ mà cả cho tôi nữa. Thì cả làng gần như ào lên. Anh hỏi đã lạ, anh bảo cả làng theo gương Bá Lớ đi xuống quận uống nước chè với thằng Quới sao? Đồng ý cho nó quây dây thép gai vào cổ làng như nó buộc dây dừa vào cổ con trâu con bò sao? Xưa nay, cả trước năm bốn lăm đến giờ, làng này không biết sống như thế. Ôi, cái ngày anh còn ở chòi ông Đung, không phải mình ông Đung biết đâu, cả làng biết mà không lộ ra, cả làng nói nó làm cách mạng là nó làm cho mình mà. Lúc nào người làng này cũng chỉ một bụng theo cách mạng thôi. Ai cũng một lần chết, tụi tao không muốn chết thúi1 đâu! Giờ chỉ bày sống cách sao thôi.
Như vậy đó, người ta có thể lý luận dài dòng hơn, văn chương hoa mỹ nhiều hơn, hình tượng hơn, nhưng tóm tắt ý nghĩa cuộc đời, cái nguyện vọng của quần chúng, của cả dân tộc — tôi chỉ nghĩ thôi, đâu có dám đao to búa lớn — cái nguyện vọng mà mình thề suốt đời phục vụ, bằng những lời ngắn ngủi, giản dị, có thô kệch nhưng mà chân thành, người làng tôi, cái làng nghèo không làng nào nghèo hơn ở ven núi cách rất xa đồng bằng này đã nói. Sau buổi lễ truy điệu Bá Lớ, mọi người đồng thanh yêu cầu tôi nhận làm cà rá làng thay Bá Lớ — từ đây mà tôi có tên là Bok k’ rá Bacơrin — Bacơrin là chim phượng. Tôi nhớ là tôi vừa khóc vừa nói, phân tích cho bà con nghe chỗ được và chỗ dở của Bá Lớ, nói về mục đích và âm mưu của địch, nói về đời sống dân làng. Luôn tiện, tôi giới thiệu Ban cán sự ra công khai với Nhuôn làm thường trực. Và Vần làm xã đội trưởng.
Cái hôm, trước dịp làm lễ kết nạp em, mưa to quá, nhìn về phía đèo An Khê, nhìn về phía Bắc Trường Sơn, chẳng thấy đèo đâu, chẳng thấy núi đâu, chỉ thấy một màu trắng, và gió, gió muốn lật rừng lên, đi hai bước, gió đẩy lùi một bước, để thử thách em, tôi bảo em đi công tác. En về, cười rủ ra rồi tích tắc em kể với tôi em trượt ngã tất cả đến hai mươi sáu lần. Ú, cuộc này vất vả hơn các cuộc trước! Mù nhiều quá, có nhìn thấy gì đâu mà nhận bờ nhận bụi! Có lúc nằm đại trên đá ướt mà sờ bên dưới rễ cây có hàng chục cây mới tìm thấy cái cây mình có làm dấu. Và như vậy là có khi đồng chí đảng viên cộng sản mới của tôi đã phải khấn Giàng. Nhưng thật tốt là em đã hoàn thành công tác. Ú — em lại cười rúc rích, — cái đó làm được, cho làm cái đó nữa đi, không làm được cái cán sự. Tôi không nói với em rằng làm cán sự dễ hơn làm giao liên đâu, nhưng làm cách mạng là hôm nay đảm đương việc phức tạp hơn hôm qua, nếu ai cũng yên việc hôm qua thì cách mạng không tiến lên được. Đồng chí nghe làng Tà Lóc nói đó không? Hôm qua, làng Tà Lóc khác, thì đồng chí chỉ làm việc đó, hôm nay làng Tà Lóc như thế, thì đồng chí làm việc này. Có bà con giúp đỡ đồng chí, có tập thể Đảng, có cấp trên, có tôi. Em là con chim non tôi bắt được nơi chòi rẫy, giờ là con chim đầu của cả một đàn...
Vần ơi, bây giờ qua nói chuyện với em. Cán bộ cũ ở vùng này chỉ còn mình em, giam cầm tra tấn đau khổ em cũng đã chịu đã trải đủ vành rồi, em giống như cây mít lại, còn ngâm nước hun khói là cái trụ cái trong nhà. Tương lai rồi em phải là một ông tướng, to hay nhỏ, đối với vùng mình thì mình cũng là một ông tướng mưu lược, dũng cảm, trung thành, lãnh đạo dân mình đứng dậy chống lại kẻ thù của đất nước. qua biết em yêu Nhuôn và Nhuôn cũng có tình cảm với em. Nhưng em tính xem, bóng tối còn dày đặc, từ đất đến thành công con đường thật còn dài, gian khổ còn nhiều quá, mà chúng ta chỉ mới bắt đầu. Lời thề của chúng ta, lý tưởng của chúng ta, trước hết...
XVI
Lần thứ sáu, chúng nó đốt làng.
Chúng tôi vẫn nói với dân làng:
— Nếu ta, cả làng đi vào bất hợp pháp, từ nay đến thắng lợi hoàn toàn còn dài lắm. Mà ta, ở miền Nam, có Đảng chứ bây giờ không có chính phủ: muối không, rựa không, mắm không. Ta cứ phải đấu tranh hợp pháp đã, lợi dụng nó, chờ đợi thời cơ.
Ban cán sự làng gửi thư cho Quới qua trẻ chăn bò, Quới trả lời lại, dẫn một trung đội đến chỗ hẹn. Ông Đung đi cùng sáu người. Hai mươi ba người vô hình nữa bảo vệ cho đoàn hiệp thương.
Ông Đung:
— Quốc gia tàn bạo quá, nói lời không giữ lời. Quốc gia muốn gì?
Quới:
— Khuyên dân Ba Na về quận ở.
Ông Đung:
— Xui cọp lìa rừng — để quốc gia tha hồ giết người Ba Na như giết Bá Lớ sao? Người Ba Na nói thiệt: người Ba Na không sợ sự tàn bạo.
Quới:
— Nhưng người Ba Na chỉ là mấy làng nhỏ, quốc gia là cả một nước lớn. Làm sao người Ba Na chọi với quốc gia được?
Ông Đung:
— Nếu quốc gia mời người Ba Na tới đây để chỉ dọa nạt như vậy thì người Ba Na đi về.
Quới:
— Quốc gia đồng ý hoãn dồn dân một con trăng nữa, cho buôn bán tự do, nhưng ra điều kiện: người Ba Na đi chợ nhất thiết ghé lại thăm đồn.
Ông Đung:
— Từ thuở ông bà cha mẹ đến giờ, người Ba Na không biết thăm cái đồn ai hết, không được đâu.
Bây giờ chúng nó làm vậy.
Chúng tôi họp ban chấp hành huyện ngay ở trong làng, giữa buổi chạng vạng các đám cháy còn chưa lụi hết, và đây đó những người dân đang âm thầm một lần nữa dựng lại nhà. Cuộc họp này có anh Tâm, bây giờ về bổ sung vào tỉnh ủy thay mặt cho tỉnh. Từ lúc gặp anh lần trước, anh giao nhiệm vụ cho tôi, anh cho cuộc đời ở lại miền Nam của tôi có một ý nghĩa, ngày ấy tuy tôi còn chưa biết sự thật ý nghĩa như thế nào, đến nay là bốn năm, anh già đi nhiều quá, râu quai nón có nhiều sợi bạc, còn tôi thì mặc khố, tóc dài, mình mẩy trần trụi, da tay da chân đen sạm dày đi vì phong sương. Nhưng anh chỉ bắt tay tôi một cái nhẹ và liếc nhìn nhanh tôi mà thôi. Chúng tôi không có nhiều thì giờ. Ảnh mang lên cho chúng tôi một tin dữ hơn nữa: An Lão bị chúng hủy diệt hoàn toàn một thôn, một trăm người già trẻ lớn bé không sống sót người nào. Nguyên nhân vì bốn thôn mà chỉ xuống khu dồn có một thôn thôi.
Cấp trên đến họp ý định cũng đã ngã rồi, và ý định đó phù hợp với những điều chúng vẫn nghĩ. Cuộc họp quyết định cho làng Tà Lóc di tản, trai tráng còn lại chuẩn bị tinh thần chiến đấu: nếu chúng đánh vũ trang, mình đánh lại bằng vũ trang. Vũ trang của mình bằng tên ná và những vũ khí và cách đánh cổ truyền. Nhân dân miền Trung vốn ở vùng tự do, bấy lâu vẫn ức vì trên không cho đánh, nay địch ngày càng lấn tới khủng bố ồ ạt, không biết làm sao đánh, nếu ta đánh thắng, trận thắng này sẽ có vang dội lắm, nhân dân vùng này sẽ cất khỏi cái ách bị dọa cào đi khu dồn, ta giữ được căn cứ, mà phong trào cũng tìm thấy hướng đi. Cho nên trận này phải thắng. Nếu không thắng thì chưa đánh. Và hết sức tránh thương vong, thương vong là tất nhiên thôi, nhưng trong trận đầu, quần chúng chưa được tập dượt, dễ hoang mang.
Giữa cuộc, tôi cho triệu tập ông Đung và xã độ trưởng Vần đến. Ông Đung trình bày đâu ra đấy về những bí truyền tên tẩm thuốc độc và các thứ chông bẫy của địa phương, Vần một mực xin đánh, tin chắc thế nào cũng thắng trận đầu.
Làng Tà Lóc trỉa một năm một vụ. Phát rẫy rồi là nghỉ, mọi năm thời ký ấy, sửa nhà, dọn nhà, chơi nhởi, làm sắn, ngô, trồng chuối. Năm nay, chuyển tài sản vào sâu trong rừng, cất giấu thóc, gạo, mắm muối tích trữ trong một năm xong, cả làng đẵn tre về làm chông tên, làm ngày làm đêm. Trong những hang hố trên núi, thanh niên luyện tập, người ná trung, người ná trường, người tên thuốc, người tên ngạnh, ở những vị trí định sẵn cho mình. Tôi và Vần cùng ban cán sự, chúng tôi lập những phương án tác chiến khác nhau: “— Giả sử địch đi một trung, giả sử nó đi một đại, hai đại, ba đại, vào đường này, nó mang theo súng máy, có lựu đạn...” Giả thiết nào, Vần có phương án đó. Mọi cách đánh, Vần nói rằng cậu ta đã nghĩ ra tự những ngày nằm cò queo trong nhà lao quận. Trong lúc Nhuôn sai chị em bí mật đi mua bông băng và thuốc đỏ. Chúng tôi sống những ngày cận Tết năm 1959 như vậy. Làng Tà Lóc chuẩn bị vào trận hồn nhiên, nô nức, rộn ràng như chuẩn bị hội làng, không khí nhộn nhịp này lẫn vào trong sự nhộn nhịp thường thấy gần ngày Tết, nên ngoài dân làng không mấy ai chú ý. Nhờ Tết nên chúng tôi có thì giờ xếp đặt tỉ mỉ mọi việc.
Một giờ sáng đêm mồng bốn Tết năm 1959 có xảy ra một việc.
Nghĩa đang nằm thì nghe đầu chiếc võng có người lay mạnh. Anh mở mắt ra, nhìn thấy Nhuôn, Nhuôn và rõ ràng bà Bốn, mẹ anh. Anh chỉ kịp kêu lên một tiếng, chụp lấy tay mẹ. Bà Bốn nói ngay trong tiếng thở hổn hển, rằng có anh lính trong quận lẻn ra nói với mẹ, bảo mẹ tìm cách báo lại cho cách mạng biết rằng sáng mai, hai đại đội vũ trang ngụy sẽ hành quân lên đây, lần này quyết định đánh làng. Không biết nhắn ai, mẹ liều mạng lội sông vừa đi vừa chạy một hơi lên đây, đi từ chiều tới giờ mới tới. Thôi giờ mẹ về kẻo chúng nó thấy mẹ vắng... — Mẹ hãy đợi con một chút! Nhanh lên! Mau lên! Ơi ban cán sự, ơi xã đội! Cốc cốc, cốc... dậy, dậy, bớ làng! Cốc, cốc, cốc... Nghĩa, Nhuôn, ông Đung cùng cán bộ hối hả tổ chức người già đàn bà trẻ con sơ tán, tổ chiến đấu nào vũ khí đó chỗ đó. Muốn vào làng phải qua một lòng thung, hai bên thành đá cheo leo cao vút, anh em dân quân phục kích tầng tầng lớp lớp trên hai thành vách đó, ở trong cái thế trên nhòm xuống, bắn xuống. Bên dưới, tưởng không có gì, nhưng chính là một bãi chông mênh mông. Một cạm bẫy khổng lồ đang chờ giặc.
Tám giờ đúng, quả nhiên giặc đến. Đúng hai đại đội. Người làng già nhất chưa bao giờ thấy lính Diệm trang bị kỹ như thế: súng máy, súng bắn mìn, máy bộ đàm. Việc vận động chính trị giao cho Nhuôn. Nhuôn ngồi ở tầng dưới nhất trong rừng cầm loa nói ra trong lúc bọn lính nhích dần tới:
— Yêu cầu quốc gia đi về đi. Quốc gia tiến tới, đem súng ống cào làng dồn dân, chúng tôi, người Ba Na, phải chống lại. Quốc gia không dồn, chúng tôi không chống, quốc gia hãy về đi.
Một loạt súng hung hăng bắn ngay vào chỗ phát ra tiếng Nhuôn.
Nhuôn vẫn kiên nhẫn, Nhuôn kiên nhẫn suốt cả trận đánh:
Quốc gia hãy về đi. Người Ba Na có làm gì quốc gia đâu, người Ba Na phải giữ xóm làng mình. Quốc gia hãy về đi.
Một phát mìn nã ngay vào chỗ Nhuôn, tiếng núi dội qua dội lại, đá đổ, đá lăn. Nhưng tiếng mìn chưa kịp tắt đã nghe váng cả thung lũng tiếng thét thất thanh của bọn lính ngụy, cả hai đại đội hét kinh hoàng một lúc, chạy dạt ra phía sau, vừa chạy vừa ngã. Nhìn xuống dưới, thấy cả một tiểu đội sa xuống hầm chông, đang dãy dụa la khóc. Khoảng trời xanh trước mặt, tua tủa vằn vèo hàng trăm mũi tên nhắm đội quân ngụy lao ra từ chỗ vô hình. Mỗi dân quân năm trăm mũi tên đặt cạnh mình, kéo thẳng dây cung, mím miệng bắn thật lực. Lũ giặc bất ngờ hốt hoảng đến cực độ chỉ còn biết cố sống cố chết chạy thoát ra khỏi tầm trận mưa tên. Tiếng loa của Nhuôn nín bặt một lúc, tưởng người nói đã bị tiêu diệt rồi, bỗng lại cất lên bất ngờ kiên nhẫn làm lạnh xương sống.
— Vì quốc gia tàn bạo nên người Ba Na phải chống lại. Do quốc gia gây ra trước, không phải tại người Ba Na. Quốc gia hãy về đi, về thì không chết uổng.
Nhưng bọn địch lùi xa và cụm lại, vẫn chưa chịu về. Mọi người đoán rằng nó còn định làm gì nữa, ít ra là xung phong tấn công nữa, nên chưa vội rời vị trí. Đúng nửa giờ sau, một chiếc máy bay bà già tới, đảo quanh núi mấy vòng, rồi ném xuống hai quả bom. Hai quả, nổ một quả, chỉ gây một cơn lốc đất đá, không làm thương vong ai. Máy bay đi, địch lại tiến tới.
Quốc gia thật độc ác, đem cả máy bay tới, quyết tiêu diệt người Ba Na. Người Ba Na phải chống lại. Lỗi của quốc gia không phải của người Ba Na, người nào còn sống hãy nhớ rõ. Giờ quốc gia hãy lui, không lui, người Ba Na lại bắn. Chỉ cho quốc gia tiến tới một tiểu đội để khiên thương vong thôi. Một, hai, ba!
Giọng Nhuôn lánh lỏi, ra rả, kiên trì, rót vào tai bọn lính. Trận mưa tên chưa kịp bay ra, chúng đã dạt về phía sau lượt nữa.
Toàn thắng.
Địch chết bốn tên, bị thương mười ba tên. Ta vô sự.
XVII
Là ba năm bảy tháng bao nhiêu ngày? Cái ngày bắt đầu đó, cái đêm trăng sáng đó, cục cơm gói lủng lẳng ở chòi rẫy đó? Ba năm để hiểu rằng sự thật địch vẫn khiếp sợ ta, đứa nào phi nghĩa đều khiếp sợ ta, quần chúng là với ta, ta có thể thắng được. Cuộc cách mạng nào cũng phải qua Phai Khắt và Nà Ngần. Cách mạng nhất định thành công. Bắc Nam nhất định thống Nhất.
Nghĩ đến hai tiếng “thống nhất”. Nghĩa chợt liên tưởng đến vợ. Ba năm, bảy tháng bao nhiêu ngày, hôm nay là lần đầu anh nghĩ lâu lâu đến em. Em và con. Mẹ con em đã ở trên bến an toàn, còn anh, anh còn chèo chống. Không viết thư cho em, chính là để giữ cho lòng mình can đảm, giữa cơn phong ba. Cái anh cần trong những năm qua chưa phải là tình yêu, mà là lòng can đảm.
Chợt Nhuôn đi đến, hớt hải hỏi:
— Bà đâu?
Nghĩa nghe hỏi, đột ngột như đang mê, được lay một cái mạnh tỉnh dậy, ngơ ngác. Anh nhớ ra là mình có nhao tới cầm tay mẹ, mẹ báo tin xong là mẹ đòi về, anh gấp rút vội vã xếp trận vào trận đến nỗi không kịp nghĩ có thể về thật, và mẹ về rồi. “Vì mẹ cũng có việc của mẹ”. Con không kịp nói một lời thích hợp với mẹ, có với mẹ một cử chỉ thương yêu thích hợp. Và mọi việc qua nhanh đến nỗi, trong nỗi bàng hoàng của trận thắng đầu, trận thắng này quét sáng lên quãng đường đi sắp tới, tôi có cảm giác như cả việc mẹ tôi hiện ra báo tin cho tôi, việc đó là ở trong giấc mơ thôi. Một bà tiên báo mộng, giờ đã biến mất hoàn toàn. Nhưng dưới chân núi, tiếng bi bô tíu tít nói cười của mọi người đang đi lại dọn dẹp chiến trường, thắng lợi này là sự thực.
1977 — 1978
Giữa Trong Xanh Giữa Trong Xanh - Nguyễn Thành Long Giữa Trong Xanh