There is a great deal of difference between an eager man who wants to read a book and a tired man who wants a book to read.

G.K. Chesterton

 
 
 
 
 
Biên tập: N.H.K
Upload bìa: N.H.K
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 12045 / 175
Cập nhật: 2016-07-13 10:17:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
6 — Hạnh Nhơn
ẦN này đi Huế, rảnh rỗi, tôi sẽ cố tìm cho ra Hạnh Nhơn. Hạnh Nhơn là bạn của em gái tôi. Em gái tôi, hồi nhỏ, trước cách mạng, có bốn người bạn như vậy, thư từ với nhau thân lắm. Tôi không biết bây giờ học sinh gái có những người bạn như vậy không, không biết mặt nhau nhưng chuyện gì cũng kể cho nhau cả, cha mẹ bạn coi như cha mẹ mình, anh bạn coi như anh mình. Hồi ấy tôi mới trưởng thành, mối tình bạn xa xa của các cô đối với tôi là một cái gì thật trong sáng, thật đẹp. Các cô bây giờ trở nên người có chỗ đứng trong xã hội cả, tôi không dám nhận liều, nhưng tôi tin rằng ấy là nhờ buổi mới vào đời, chúng tôi đã rủ nhau đi con đường đúng. Và chính vì con đường ấy đúng nên tình bạn của họ được lâu dài.
Không, không phải, ấy là tôi tóm tắt, sự thực có khác một chút: trong năm người đó, kể cả em gái tôi, ban đầu là như vậy, về sau có một người rơi ra ngoài, bỏ dở nửa chừng, người đó là Hạnh Nhơn. Cần nói rõ Hạnh Nhơn và tôi, chúng tôi chưa hề gặp nhau bao giờ, kháng chiến chống Pháp tôi hoạt động ở Bình Thuận chứ không phải ở Huế. Sắp đến ngày toàn quốc kháng chiến, tôi có nhận được một bức thư của Nhơn than thở hoàn cảnh gia đình mẹ già em đông, nếu có chiến sự anh em sẽ ra đi cả, Nhơn hỏi tôi khuyên Nhơn như thế nào. Tôi nhớ tôi có chép lại cho Nhơn cái câu rất kích thích và xúc động ấy của Ôxtrôpxki: “Ở đời, người ta chỉ sống có một lần…” đó rồi chúng tôi bặt tin nhau. Nói bặt tin cũng không đúng, vì ở xa tôi cũng có nghe mang máng Nhơn ra công tác ở Nghệ An nhưng đến lúc mọi người tấp nập ra Bắc rất vui vẻ sau hiệp định Giơnevơ thì cô lại đi ngược vào thành, vào Huế. Ban đầu chúng tôi cũng hy vọng là cô có công tác. Nhưng lâu dần, trong các anh em chúng tôi, không ai nghĩ đến cô nữa, không nghe ai cùng làm việc nhắc đến cô nữa. Cô em tôi và các cô bạn, thỉnh thoảng gặp nhau, cũng tuyệt không nói đến tên Hạnh Nhơn nữa. Tôi một mình nhận sự bất công đó. Một mình tôi trong suốt mấy chục năm dài giữ một kỷ niệm trẻ thơ, chốc chốc mình bắt gặp mình tiếc ngẩn cho một số phận, và mãi mãi mình tự hỏi mình một câu: bây giờ Nhơn đã sống cuộc đời nào, tất đã có cái gì xảy ra cho Nhơn để Nhơn bỏ kháng chiến mà đi như vậy? Trong hai chục năm, chỉ có một người, một lần tôi hỏi đó, trả lời tôi: “— À, con bé đó làm ở nhà in. Nhà nó mẹ già em đông sao đó.” Cũng người đó, anh Sang, sau giải phóng, đi thành phố Hồ Chí Minh về, kể với tôi: “— Ở miền Nam có cô bé tên là Hạnh Nhơn, trở nên thiếu tá C.I.A, giờ trong trại cải tạo.” Tôi đang rất muốn biết tin về Nhơn nhưng không hiểu sao rất ngờ vực về điều anh Sang nói, dứt khoát cho anh Sang nhầm, hay sao đó, nói không đúng.
Lần này đi Huế, tôi sẽ tìm cho ra tung tích Hạnh Nhơn. Tôi sẽ bắt đầu bằng cái nhà ở kiệt hai đường Âm Hồn, cái địa chỉ của Nhơn mà ba mươi mấy năm tôi vẫn còn nhớ ấy. Bất luận Nhơn đang sống cuộc đời nào, tôi chắc sự tìm thăm của tôi sẽ làm cho Nhơn cảm động. Và việc ấy rất là đẹp.
Khi tôi quả quyết bước vào cái ngõ kiệt ấy, đặt chân lên bậc thềm bằng đá ong đã sức mẻ của căn nhà gỗ mái thấp lợp bằng ngói âm dương mốc meo cũ kỹ, xưng mình mới ở ngoài Bắc vào và hỏi thăm bà Hạnh Nhơn, tôi cảm thấy rất rõ xung quanh tôi có một sự xao xác lạ lắm. Tôi hỏi mà lại kinh ngạc vì giọng nói có chút mừng rỡ và cuống lên của người đàn bà tiếp tôi, chị phát vào vai một em gái lên mười: “— con qua bên dì Hường bảo chị Nhơn về có khách, khách ở Hà Nội vô, nói chị Nhơn nhanh lên nghe!” Tôi đang có cảm giác bị bao vây bốn phía, có những người quan sát chỉ trỏ tôi tự trong buồng, phía sau cái màn che bàn thờ kia, và sau lưng tôi nữa, ở ngoài cửa, cũng có những em bé, đứa cõng em, đứa đang gặm một bắp ngô, tò mò trố mắt nhìn tôi không cần che giấu chi tiết. Rõ ràng nhà này đang đợi một người đàn ông nào, đợi hung lắm, và nhầm tôi với ai. Người đàn bà đứng tuổi, hai gò má có đánh một chút phấn hồng, nói xong câu sai con đi tìm chị Nhơn, quay lại phía tôi hỏi liền: “Không dám, xin lỗi ông, ông là ai vậy mà hỏi Hạnh Nhơn?” Sự chờ đợi căng thẳng ấy làm cho tôi đâm ra ngại ngùng. Nếu mình nói họ tên ra thì mình sẽ mang lại thất vọng cho gia đình biết chừng nào! Không ngờ tôi vừa mở miệng nói họ tên ra, người đàn bà đã ré lên một tiếng, những người đứng trong buồng và sau màn tức thì bước hẳn ra ngoài nhìn tôi, “chào ôi, chào ôi!” mừng rỡ, và tất cả đối với tôi lúc bấy giờ, và đối với cuộc đời dài của tôi, đột ngộ như gió như bão, như sụp nhà, tôi không có thì giờ để kịp sửng sốt nữa: một người con gái hai hai, hai ba tuổi, to vóc, rất dễ thương, rất xinh, từ ngoài hàng rào chè hớt hơ hớt hải đâm bổ vào ôm cứng lấy tôi gào lên một tiếng độc nhất: “— Ba!”
Suốt đời tôi, có lẽ không bao giờ tôi có thể quên tiếng gào “— Ba!” đó của Hạnh Nhơn, tiếng gào dữ dội như dồn nén hết hơi hết lực từ hai chục năm (có lẽ tôi cũng hơi lẩm cẩm thật nhưng tôi không thể quên cái đó như tôi chưa thể quên nhiều cái khác trong đời). Cháu Nhơn bắt đầu khóc thút thít trên vai tôi trong lúc người đàn bà tiếp tôi òa lên kể lể và đứng lên với một cử chỉ quyết liệt, lùa sang hai bên hai mảnh màn che cái bàn thờ: “— Nay anh mới về hỏi bà Hạnh Nhơn thì bà Hạnh Nhơn đã ra ri đây, ôi chị ơi là chị ơi, sao chị vô phước, đã chờ đợi nhau sao không chờ đợi nhau cho trót, ảnh về chị lại bỏ đi đâu”. Đang khóc, giọng chị chuyển sang tỉnh như không, nhưng chị xúc động thật tình, nước mắt chảy hai hàng trên gò má chị, mà tôi nhận thấy những người đàn bà mỗi lúc mỗi đông thêm trong nhà cũng đều khóc cả. “— Con gái anh đó, bây giờ tôi giao nó cho anh. Mẹ nó cũng đặt tên nó là Hạnh Nhơn, anh coi kia — chị lại hất miếng vải điều che tấm ảnh ở giữa bàn thờ lên — hai mẹ con giống nhau như đúc!”
Lần đầu tiên gặp mặt Hạnh Nhơn, tôi gặp như vậy. Tôi đứng lên đến chỗ bàn thờ nhìn trừng trừng vào cái ảnh, cảm thấy nước mắt tôi cũng chảy ra. Tôi nhận bó hương mà người đàn bà vừa đốt tất cả đưa cho tôi, tôi cúi đầu vái Hạnh Nhơn — mẹ trong lúc Hạnh Nhơn con không lìa tôi một bước, gục đầu lên mép bàn thờ mà khóc. Cái tích tắc đứng trước bàn thờ, trong hương khói, bao giờ cũng kích động: tôi mặt đối mặt với người mình suốt đời băn khoăn tìm kiếm không biết để làm gì, băn khoăn tìm kiếm vì muốn tin rằng trong cái chân lý mà mình đeo đuổi, trong cuộc đời cách mạng mới này, con người không thể chỉ là hạt bụi, không hay đến lúc tìm được ra nhau thì em đã không còn. Cuộc đời của em như thế nào mà em phó thác giọt máu đó của em cho anh? Tôi rất bối rối trong tình huống khó xử đó, nhưng trong cái tích tắc đứng trước bàn thờ này, tôi thấy dường như mình mặt đối mặt với chính mình, chính người con trai trong sáng là mình khi mới bước vào đời, tấm lòng nhiệt tình trong sáng đó đã ghi được lòng tin của bầy em nhỏ trong đó có Hạnh Nhơn, vậy thì tôi giải quyết như thế nào ý muốn của người đã khuất? Tôi khẽ khàng nâng đầu cháu Nhơn lên, bật ra một tiếng dỗ dành: “Con!”.
Tôi khó khăn lắm mới thuyết phục được cháu Nhơn để tôi trở về nhà khách một mình. Đêm nay tôi cần suy nghĩ. Trên đường về, có một lúc tôi toan ghé lại đồn công an để nhờ các đồng chí cho thêm một ít điều hiểu biết về hai mẹ con Hạnh Nhơn, nhưng tôi ghìm lại kịp. Vì nếu bà con xung quanh phố Âm Hồn này mà thấy, không khéo lại gây nên sự hiểu nhầm vô ích. Một người chồng, một người cha, mà lại đi hỏi người khác về vợ con mình, đó là điều không ai hiểu làm sao cả, mà tôi phải giữ niềm bí mật của tôi, vì tôi biết, ngoài danh tiết của hương hồn Hạnh Nhơ mà tôi kính trọng, nó có liên quan đến tính mạng của cháu Hạnh Nhơn, con gái cô, mà cô phó thác cho tôi.
Cháu có nói mạ chết ở Vân Dương năm 1968 khi đi đón bộ đội vào Huế: tôi còn cần gì nữa? Người con gái, do hoàn cảnh, phải rồi vùng giải phóng, trở về dưới mái nhà gia đình, trong cảnh bịt bùng o ép của giặc, vẫn có ý thức xứng đáng với cuộc đời cũ trước kia: trong những năm qua, tôi đã lặng lẽ tin ở Hạnh Nhơn, và tôi đúng. Mà nếu tôi không đúng, nếu Hạnh Nhơn trở nên xấu, thì lời phó thác ấy có nghĩa là gì, và tôi, với tư cách là một người anh, một người bạn, một con người, tôi có nhận không?
Hiếm thấy người con gái nào nói đến nỗi khổ của mình hồn nhiên như Hạnh Nhơn. Chia tay ba xong, mạ con về Huế mới biết là có mang con. Ba biết không, hai chục năm hơn — với mạ thì mười ba năm — nhưng mạ ngồi trên bàn thờ đó là mạ cũng chờ ba với con đó, mạ chờ hung lắm — cò thề nói mạ con con sống với cái hy vọng rồi gặp ba. Ngày nào mạ cũng xây vô vách và nói như tụng kinh: “— Anh tốt lắm, anh về bày cho mạ con em cách sống chứ mạ con em không biết.” — Địch nó tra mạ: vợ con ai? Mạ trả lời hiên ngang: “— Vợ ông Trần Huy Lê”, không sợ chi hết. “— Khai là vợ cán bộ ngoài Bắc, địch nó hành, khổ lắm, nhưng nó cũng chỉ hành một lúc, còn bà con thì quí, con ạ.” Hạnh Nhơn bật lên cười: “— Em lợi dụng anh đó, nhưng bằng cách đó, anh giúp mạ con em sống, không được răng? Mạ lại tụng kinh với ba như rứa.”
Mạ con về Huế mới biết có mang con. Trong câu chuyện này, có một người vô trách nhiệm. Chính người vô trách nhiệm đó là nguyên nhân của việc Hạnh Nhơn bỏ vùng tự do về Huế. Cho tới lúc chết, cô ta chẳng hé răng nhắc đến tên anh ta nữa. Chính anh ta hủy hoại một đời cô ta. Trong những lý do cô ấy níu vào tên tôi có điều này: chỉ là ảo tưởng đấy thôi, trùng trùng non nước, chắc không còn gặp được nhau đâu. Nhưng tôi bắt gặp tôi cứ nghĩ đến Sang hoài: linh tính tôi, một lần nữa, có lẽ đúng, khi hồ nghi hắn với cái tin thất thiệt của hắn. Với cái tin thất thiệt ấy, hắn không còn chỉ là một người vô trách nhiệm nữa mà là, như người ta thường nói, một đồ đểu. Tuy vậy, tôi vẫn còn vướng víu rất lâu về quan niệm thông thường về dòng máu và tính hợp pháp.
Trở về nhà khách, tôi lấy một tờ giấy trắng, tóm tắt mọi việc phải giải, 1, 2, 3, như những câu hỏi của một đề toán và tôi ngồi hàng giờ trước một đề toán đó.
Bỗng có tiếng gõ cửa.
Tim tôi đã đập thình thình, khi nghe khách tự giới thiệu là cán bộ phụ trách dân phố khu vực Âm Hồn, thì tôi trở nên như sợ hãi. Sợ, đúng thế: tất cả câu chuyện thật đau đớn mà thật đẹp vừa qua, đấy, sắp tan vỡ như bột xà phòng. Chưa gì cậu đã có ý thức là tình cha con thiêng liêng — mà đó là nhận vơ chứ. Đời luôn luôn dạy cậu là phải thực tế, dễ đến suốt đời cậu vẫn không tiếp thu nổi bài học ấy. Dỏng tai nghe công an người ta nói kia.
Nhưng đồng chí công an là một người Huế trẻ tuổi, rất lịch sự, rất bộc tuệch, ôm chầm lấy hai cánh tay tôi, vẻ rất mừng rỡ, như tôi là người quen:
— Ôi chao, sao nay mới vô? Có lẽ chú bận công tác ở nước ngoài, có lẽ ở Campuchia, phải không? Tôi trông quá trông chừng: chú thấy đó, nghe tin, tôi đâm bổ đến ngay? Cả nhân dân khu phố tôi, chiều nay, nhà nào cũng bàn tán về việc ba con cô Hạnh Nhơn tìm thấy nhau. Thật một năm tôi làm công tác không bằng một việc đồng chí vô. Ba bốn năm nay, người ta đánh cuộc với nhau về đồng chí mà, người nói vô, người nói không vô. Bây giờ: “anh em cán bộ mình tốt hí, chung thủy hí, chớ như người trong ngụy thì thôi đó, chơi hoa rồi lại phụ hoa liền liền.” Người ta nói rứa đó. Bà Hạnh Nhơn — mẹ tốt lắm, chúng tôi biết bà là cơ sở chưa rõ là cơ sở mô, chỉ mới tìm được một ít việc, chú về sẽ đi sâu làm thêm, rồi ta xin cho bà một cái bằng liệt sĩ. Còn về cô Hạnh Nhơn — con...
Anh hạ thấp giọng, và tôi thấy cả người tôi dán chặt vào môi anh:
— Cô ả không có trong chuyến di tản vừa rồi ở nhà máy đông lạnh là vì còn tin rằng thế nào cũng tìm ra được ba, ba cũng trở về. Không dễ đâu chú: cuộc đời nhiều người ác lắm, bao nhiêu kẻ dèm: “— Mạ mi đó, vào sinh ra tử một thì, nhưng có ai công nhận đâu mà mi chờ?” Cô nói ra một lời thách đố dễ sợ, đến nỗi tôi cũng phát run: “— Cách mạng là ba mình, ba mình là cách mạng, thế nào ba mình cũng vô nếu ba mình còn sống, thế nào cũng vô. Mình không thể, sau khi ông trở về, làm quà cho ông cái tin sét đánh con gái ông đã bỏ nước mà đi.” Mà Hạnh Nhơn đã kể chú nghe chuyện này rồi hả? Không, không, cô ấy chẳng dính líu chút xíu nào vô chuyện này đâu, vì thế mà bọn tôi phải bảo vệ cô ấy hết mức, cô ấy không biết mô!
Quả Hạnh Nhơn đã kể cho tôi nghe, với một giọng bình thản hồn nhiên hết sức, chuyện người ta rủ cô đi di tản ở nhà máy đông lạnh: “— Tôi có gì với anh đâu mà anh bảo tôi đi? Tôi chỉ thương có một người thôi, người đó là ba tôi. Thôi, coi như anh không có nói với tôi chuyện này, nếu anh không nghe lời tôi. Tôi nghĩ ri nè: mình là người trí thức, mình đâu có cần nhiều tiền bạc, mình không biết ra nước ngoài kia là thế giới mênh mông, mình suốt đời không có tổ quốc nữa ư?” Người con trai vẫn ra đi vì sợ đồng bọn giết. Họ đã cướp tàu của nhà máy nhưng đã bị bắt. Tuy vậy, lời thách đố của Hạnh Nhơn mà anh cán bộ công an lặp lại cũng khiến tôi lạnh xương sống.
Thưa các bạn, tôi phải xử sự như thế nào?
Trong đêm, lật sổ tay ra, biết là ở Hà Nội hôm nay vợ tôi trực, nếu không có ca cấp cứu thì với không khí yên tĩnh nơi nhà khách và bệnh viện, chúng tôi có thể nói chuyện cặn kẽ với nhau được. Tôi gọi dây nói cho vợ tôi. Cái tên Hạnh Nhơn thì vợ tôi biết, hai mươi năm hơn chung sống với nhau, chúng tôi rõ về nhau rất tỉ mỉ. Và, cho đến ngày nay, đã là một thầy thuốc đứng tuổi, vợ tôi còn khóc mỗi lần trong khoa có một em bé phải ra đi vì bệnh hiểm nghèo quá và mình đã hết cách. Cho nên tình huống không thấy trước, liệu trước ở nhà, nhưng vợ tôi đồng ý cách giải quyết của tôi. Đó là người thứ hai sau tôi, thề sống để bụng, chết mang đi câu chuyện này.
Trên sông Hương, nay có một nhà máy đông lạnh mới tinh tươm, trắng xóa, tráng lệ và hiện đại. Đó là một món trang sức mới cách mạng cho thành phố Huế. Nhà máy, với nhiều đội tàu thuyền đánh bắt, với phong trào đánh cá tập đoàn trong nhân dân, nhìn mắt thường cũng thấy được, rầm rập thay đổi cả nhiều cây số dài phía nam dòng Hương. Một dải nước từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân năm nay được mùa tôm, mới sáu tháng đầu năm mà nhà máy đã mua được ngót ba trăm tấn tôm, giống tôm sú một cân bốn con bán ra ngoài một cân mười đô la, và giống tôm rằm nổi tiếng của Huế, cứ mưa gió nước đục là nổi lên. Không khí trong nhà máy phấn khởi và quyết tâm lắm. Người ta tính nữa: nếu một phần tôm đó mà nghiên cứu được sản xuất lớn thành tôm chua, cái món ăn đặc biệt ấy của Huế, đóng thành hộp, và truyền bá cái phong vị ấy của Huế đi khắp nơi trên thế giới thì việc ấy không những đem về được nhiều ngoại tệ mà đáng tự hào cho Huế lắm. Việc ấy lâu nay giao cho kỹ sư Hạnh Nhơn nghiên cứu chính, và hôm nay đem ra báo cáo cuối cùng với toàn thể nhà máy cùng với các đại biểu rất đông các cơ quan tỉnh và thành phố. Từ sáng sớm, Hạnh Nhơn đã đến đón tôi, và cứ như một đứa trẻ: “— Vui hí, ba hí!”
Trong phòng họp, bốn vách treo la liệt sơ đồ đầy những công thức chuyển hóa nào độ pH, pyriđin, glutamic..., tôi cũng như nhiều đại biểu trong phòng bỡ ngỡ mãi về một món tôm chua mình đã biết lại có thể phải nghiên cứu cẩn thận, khó khăn và uyên bác đến như thế. “— Cô ấy giỏi! Cô ấy giỏi!” Không đợi Hạnh Nhơn báo cáo hết, nhiều người reo lên khen cô như vậy. Những lời khen nồng nhiệt người ta khen Hạnh Nhơn làm tôi bất giác chảy nước mắt, và khi đại biểu ty Thương nghiệp đứng lên chìa tay ra cho Hạnh Nhơn “Hoan nghênh nhà máy! Chúng tôi xin ký hợp đồng ngay lập tức” thì hai hàng nước mắt của tôi đã ràn xuống má. Hạnh Nhơn chạy đến bên tôi, tỏ vẻ ngạc nhiên sao tôi lại khóc vào một dịp vui như thế, nhưng chắc nó cũng hiểu ngay đó những giọt nước mắt thương nó, nên khóe mắt cháu cũng rơm rớm liền. Mọi người trong phòng họp nhìn thấy như vậy đều bất giác đứng dậy và nâng chén nước chè đang uống, giản dị và chân thành chúc mừng hai cha con chúng tôi.
Ngày 1 tháng hai, năm 1981
Giữa Trong Xanh Giữa Trong Xanh - Nguyễn Thành Long Giữa Trong Xanh