Trong mỗi khó khăn, thất bại, và cả những nỗi khổ tâm đều chứa đựng mầm mống của thành quả tốt đẹp hoặc hơn thế nữa.

Napoleon Hill

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: zzz links
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2729 / 48
Cập nhật: 2015-09-04 11:05:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ồ may hăm bốn giờ là lấy được, như Hảo báo trước. Tiền may mắc gấp ba, nhưng Hảo không nói ra nên Liên không biết, không sốt ruột bao nhiêu.
Trước đó, Liên đẹp nhưng hơi quê-kệch. Nàng ở trong nhà, ai cũng thấy rõ được đó là người khách, vì người không hòa-hợp với ngôi nhà với những căn buồng và đồ đạc trong nhà.
Nay, mặc đồ mới, hợp thời-trang, nhan-sắc của Liên bỗng như vừa được phủi bụi, rực sáng lên, và bây giờ cái người ít hòa-hợp với cái nhà ấy là Hảo.
Hảo có cảm-giác rằng kẻ vào nhà nàng sẽ ở luôn trong đó rồi lấn nàng... văng ra ngoài. Nàng tự hỏi có nên tiếp-tục trò chơi ác-hiểm của nàng hay không. Cái lợi về sau rất bấp-bênh mà nguy-hiểm thì chưa chi đã rõ bông ra đó.
Nhưng rồi nàng tự tin nơi tài trí và quyền-thế của nàng, trông cậy nơi tánh thật-thà của đứa cháu, và cả quyết đi sâu trong kế-hoạch.
Trưa hôm ấy đang ăn cơm, Nho nhắc:
- Tối nay ta dùng cơm trong Chợ-lớn chớ?
- Sao lại trong Chợ-lớn. Hảo hỏi gằn.
- Thì chính em đã.....
- Nếu đó là sáng kiến của em thì việc gì đến anh mà anh nói.
Giọng của Hảo là giọng gây-gổ thật tình, khiến Nho vốn nể vợ, càng sợ hãi thêm. Hảo đã định là chính hôm đó đi ăn cơm Tàu, và không quên dự-định của nàng. Nhưng nàng, nổi dóa lên, khi thấy chồng nhớ đến điều đó. Nho nhớ như vậy, tức là săn-sóc Liên cẩn-thận, vì đi ăn cơm Tàu là để đãi Liên; sự săn-sóc của ông Nho chứng tỏ ông đã dành cho Liên một chỗ lớn trong tim ông rồi, trái tim mà từ thuở giờ bà đã chiếm trọn một mình.
Ông Nho có thể chỉ vì lịch-sự và châu-đáo với một người khách bà-con thôi, nhưng bà Nho từ đây, không còn nghĩ như vậy nữa được.
Bà cảm nghe một thích-thú vô song trước sự run sợ của chồng, cái thú trả thù lòng phản-bội của hắn, cái thú được tăng uy-quyền trước một kẻ thù tương-lai.
Bà thổi cho thú ấy phồng lên bằng cách đổi ý-định bất ngờ. Bà vụt cười lên khanh-khách rồi nói:
- Phải, chiều nay ăn cơm Tàu. Mà là do tôi quyết-định chớ không phải do ông nhắc-nhở, và đến phút chót tôi còn quyền bãi bỏ chương-trình.
Nói xong, bà sợ đứa cháu gái ái-ngại và khó chịu rồi không đi, nên bà day lại rồi cười mơn với nó mà rằng:
- Phải không em? Việc gì cũng phải do chị em mình định cả. Đờn-ông thì cho ra rìa.
Thái-độ bất-lịch-sự của nàng nhờ câu đó bỗng hóa ra một trò đùa. Nho hiểu rằng thật ra không phải thế. Nhưng ông cũng cố mà nhận đó là một trò đùa, cho đỡ tổn thương tự-ái, nên ông cười xòa.
Hảo không ngớt nhìn đứa cháu gái. Liên mặc một bộ đồ mát bằng lụa nhơn-tạo Nhựt-bổn màu ngà-ngà như lụa lèo ta, mà dịu mình hơn nhiều. Chiếc áo của nàng cụt tay, hở cổ. Cánh tay và cổ của Liên no và trắng mịn khiến Hảo là đờn-bà cũng không rời mắt được. Tuy vậy nàng cũng dành chút ít thì-giờ để thỉnh-thoảng nhìn chồng, và mỗi lần nàng bắt gặp mắt Nho liếc qua người khách là nàng sôi gan lên, muốn hất mâm cơm xuống đất.
Nho chỉ cúi gầm xuống mà ăn, thỉnh-thoảng mới dám cho mắt mình đi dạo một vòng, đi vộì-vàng như một toán lính ba-trui, hối-hả trở về kẻo gặp quân địch vây bắt.
Lâu lâu, cần nói gì cho bữa ăn đỡ lạnh, ông chỉ ngước lên nhìn vợ thôi. Thấy như vậy hóa ra mình lạt-lẽo quá, nên một khi kia, ông đánh bạo day qua ngó Liên mà hỏi:
- Sao Liên không ăn giò heo?
Nho làm bộ nhìn thẳng-thắn để dám nhìn lâu. Hảo đang cầm ly nước đá mà uống, sức muốn bóp nát chiếc ly ấy. Bà bóp thật, và thấy nó rắn quá, bà hạ ly xuống khỏi mặt bàn và ném mạnh lên gạch.
Tiếng pha-lê vỡ kêu cái rổn khiến Nho giựt nẩy mình day qua hỏi lăng-xăng:
- Gì đó? Gì đó? Em có sao không? Bây a đem cái ly khác ra đây mau coi!
Liên không có tịch gì và bản-chất trầm lặng, nên nàng không mảy-may xúc-động vì tiếng ly bể thình-lình.
Từ đó đến cuối buổi ăn, không chuyện gì buồn xảy ra nữa cả. Cơn giận của Hảo như bị ném đi theo cái ly. Nàng bình-tĩnh lại và dẫn đầu câu chuyện cho không-khí trở ra vui-vẻ.
° ° °
- Liên đi bên mặt của anh Nho đây em, kẻo xe.
Hai vợ chồng ông Nho đậu xe ở đường trong rồi đi bộ ra phố Đồng-Khánh cho vui chơn. Vợ chồng dắt tay nhau đi trước, Liên lót-tót theo sau. Nhưng trái với thói quen, Hảo đi bên trái Nho chớ không đi bên mặt, tức phía trong, để núp xe.
Hảo day lại nói với đứa cháu gái:
- Liên đi lên ngang hàng để nói chuyện với chị, sao lại đi riêng ra như vậy?
Liên, bước lên hàng trên, đi bên trái của Hảo, tức phía ngoài đường.
- Ấy, xe nó ăn em bây giờ, đi phía trong!
Vừa nói, Hảo vừa kéo Liên vào phía vỉa hè. Thành ra Liên đi ngay bên mặt của Nho.
Đáng lý Nho hảnh-diện đi giữa hai phụ-nữ đẹp, nhưng ông ta sợ vợ lên cơn bất tử, nên cứ áy-náy lo-lo, không dám nói gì với Liên cả, cũng chẳng dám vui-vẻ lắm, sợ Hảo tức.
Đến tửu-lâu Thái-hồ ông mới nhẹ người được vì thang lầu hẹp, bắt buộc phải đi hàng hai nên Liên tự lui ra sau. Nhưng lên thang được bốn nấc, Hảo như nhớ ra cái gì nói:
- Ý chết, anh với Liên lên trước đi, em mua cái nầy đã.
Rồi nàng bước lẹ trở xuống để ra ngoài. Nho ngơ-ngác vài giây rồi nhìn Liên mà nói:
- Thôi mình lên trước vậy.
Tấm gương rộng và cao đặt tại đầu thang soi bóng hai người đang lên. Nho trông vào đó thấy Lìên cũng đang nhìn bóng nàng. Bốn mắt gặp nhau, hai mắt Liên vô-tội nên bình-thản soi gương, còn mắt Nho thì vừa sung-sướng trông thấy một cảnh xứng đôi lại vừa lấm-la lấm-lét như sợ ai quở trách về sự sung-sướng trái đạo ấy.
Thang lầu quẹo lên. Nhưng quanh-quẹo đi đâu, vẫn không thoát khỏi bao nhiêu tấm gương lớn, gắn cùng khắp nơi giúp Nho thấy được Liên mà khỏi nhìn ngay vào nàng.
Liên mặc áo bông nhánh khô lá héo. Nho nghĩ rằng nàng mặc lụa gì, màu gì, bông gì cũng đẹp được như thế cả. Bỗng ông giựt mình đánh thót lên vì Hảo thình-lình nói lớn sau lưng ông:
- Trời, mệt muốn đứt hơi.
Chắc ý là Hảo đã thấy mình ngó Liên trong gương, Nho tiếp tục ngó, cố ý tỏ ra mình ngó một cách thẳng-thắn nên không cần sợ-sệt. Vì thế, ông không day ra sau đón vợ mà chỉ nói với Hảo, như là việc Hảo lên theo kịp là tự nhiên và phải lúc, không làm ai hết hồn cả.
- Phải không Hảo, chiếc áo, riêng nó không đủ đẹp. Phải có tướng ăn mặc nữa mới nâng giá-trị nó lên được!
- Chớ sao. Mà áo nào được Liên nó mặc là chắc-chắn đẹp ra.
Liên lùi ra sau để nhường chỗ cho Hảo. Nhưng bà nầy không bước tới với chồng, chỉ đi song song với cháu thôi. Ông Nho day lại hỏi:
- Em mua gì đó?
- Trái cà-na.
- Trời, mua cà-na, cánh-chỉ làm gì?
- Em cũng chẳng biết làm gì nữa.
Liên tức cười cho người cô trẻ con, làm một việc cực nhọc là xuống thang gác, lên thang gác để mua một món quà không biết để làm gì.
Sao lại không biết! Hảo chỉ nói thế thôi. Nàng muốn nhường chỗ mình cho Liên trong giây lát với mục-đích giúp Nho toại mong mỏi ngầm và mục-đích làm cho Nho sợ-hãi chơi khi nàng lặng-lẽ theo kịp họ trong lúc Nho đang nhìn Liên.
° ° °
Nho gắp miếng da gà đưa lên trước mặt rồi hỏi vợ:
- Em biết họ chiên cách nào mà dòn như vầy hay không.?
- Cho mỡ đầy chảo chớ gì?
- Trật lất. Họ gắp da gà đưa lên như vầy rồi múc mỡ đang sôi mà xối vào, xối mãi cho đến khi nào da gà tới mức chín dòn thì thôi. Người Tàu họ có nhiều thứ đặc-biệt lắm.
- Đặc-biệt nhứt là vợ bé, Hảo cười nói. Vợ bé là phát-minh của ngươi Tàu, sở-trường của họ và...
- Chưa chắc. Người Việt-nam lại khòng cỏ vợ bé à?
- Nhưng ta đã chịu văn-hóa Tàu rất lâu.
- Còn người Ấn-độ, người Á-rập?
- Cũng lây Tàu tuốt.
- Nhưng sao em lại thích Tàu?
- Vì em không chống tục lấy vợ bé cho lắm.
- Bà nào cũng nói thế, nhưng hễ đàn-ông đi ra ngoài thì họ làm như giặc.
Hảo day qua Liên mà hỏi:
- Chị đố Liên anh có vợ bé hay không?
- Em không biết, mà chắc là không.
Lần đầu tiên Liên dám xưng em theo lịnh của Hảo. Nàng thấy cải thì khổ thêm với Hảo, nên cố-gắng và chỉ mới dùng cách xưng-hô ấy được hôm đó.
- Em nói đúng. Anh ấy không có nhưng sẽ có. Ảnh đòi vợ bé chèo-chẹo như em nhỏ đòi quà. Ảnh muốn con lắm, mà chị thì hiếm-hoi.
- Nhưng sao cô... sao chị khoẻ mạnh như vậy mà cứ không con?
- Là tại kiến họ của mình như vậy! Ba má chỉ có một mình em, em không thấy sao? Họ mình không tuyệt-tự nhưng hiếm-hoi lắm! Chị chịu thua mà nhìn-nhận như vậy, chớ biết đâu không phải lỗì tại ảnh.
- Nhưng ảnh trông cũng khỏe-mạnh...
Và đây là lần đầu tiên Liên dám kêu Nho bằng anh, vì vui câu chuyện, quên e-ngại như trước.
- Ấy vậy mà chị của em cứ muốn đổ lỗi cho anh, Nho nói.
Cả ba đều dám lộn ngôn theo ý-muốn của Hảo. Ý muốn ấy nhớ ra là chỉ vô-tội thôi, nảy ra ngay lúc Liên mới đến nhà, lúc Hảo chưa phát-minh mưu-kế ác-hiểm nào cả.
Bữa ăn cơm thường nầy đã đánh dấu một biến-đổi lớn trong sự giao-tiếp giữa ba người từ đây.
° ° °
Nho nằm yên rất lâu, muốn tìm biết xem Hảo ngủ hay thức, mà không thể nào tìm được.
Ông ta thao-thức mãi! Không cục-cựa thì mỏi, mà cục-cựa, lăn-lộn lại sợ Hảo hỏi tại sao mà không ngủ, thì chẳng biết đáp thế nào cho ổn. Ngày thường, ông vẫn hay thao-thức, Hảo có hỏi thì cắt-nghĩa rất dễ-dàng. Nhưng ông ta lại có tịch, sẽ khó nói lắm, mà Hảo lại xét-nét với ẩn-ý nghi-ngờ thì ghê quá.
Thành ra ông cần biết vợ ngủ hay chưa để mà trở mình cho đỡ mỏi.
Ông làm bộ ngủ mê, bỏ tay qua trên mình vợ rồi rên ư-ư vài tiếng. Hảo vẫn nằm im-lìm và thở đều-đều. Bấy giờ Nho mới dám đổi vị-trí, trở chiếc gối để đưa mặt gối mát phía dưới lên trên, rồi dời lưng mình khỏi chỗ nệm nóng hầm.
Khó ngủ lắm, khi người đờn-ông đã để ý đến một người phụ-nữ. Anh ta chiếu phim cho hình bóng người đó hiện lên tấm màn đen của trí-não anh. Anh ta quay dĩa hát cho giọng nói, tiếng cười của người đó vang lên trong đêm lặng. Anh ta tự hỏi cỏ thể yêu được ngươi đó hay không, lòng tự-ái và kinh-nghiện ở đời, hai thứ đều bảo nhỏ anh rằng: "được!".
Mà đã xong đâu. Anh ta lại hỏi thầm mình: "Đành là được nhưng phải dùng chiến-lược nào để thành-công?" À, đây là một câu hỏi rắc-rối, trả lởi hơi lâu. Làm cách nầy, anh thấy sẽ phải đụng đầu với chướng-ngại kia. Làm cách nọ, anh thấy sẽ vương phải thắc-mắc khác.
Lập xong kế-hoạch tấn-công thì quá nửa đêm rồi.
Bây giờ đến lúc xem xét nội-bộ. Yêu được. Dùng chiến-dịch X. Nhưng phản-động của nội bộ sẽ như thế nào? Bà nội-tướng bả sẽ nổi tam bành, nhưng đến mức nào? Đốt chăng? Bắn chăng? Hay bả sẽ tự-tử? Hay gì-gì khác?
Tuy đó là vấn-đề nội bộ, nhưng lại thuộc khách-quan, ông đờn ông không thể lấy ý riêng, kinh-nghiệm riêng mà lường trước phản-động của vợ ông ta.
Thâm-ý của đối phương thật hoàn-toàn bí-mật thì khó liệu biết bao nhiêu! Biết người, biết ta, trăm trận đều thắng. Nhưng người ấy, mỗi khi ông cà-rỡn hỏi xem nếu ông yêu ai, người ấy sẽ làm gì ông, thì người ấy chỉ úp-mở, cười gằn rồi nói: "Cứ yêu đi, rồi sẽ biết tay tôi".
Khổ quá! Người ta muốn biết "tay tôi" trước kìa, để mà tùy-liệu hành-động, chớ sẽ biết nhau sau, thì biết làm gì.
Nhưng thắc-mắc băn-khoăn nào cũng phải mờ đi trước hình ảnh của cô gái cứ lởn-vởn hiện lên trước mắt ông Nho mãi.
Liên mặc dầu chỉ là cháu họ, vẫn hao-hao giống Hảo, Hảo thuở hai mươi. Nho đã yêu Hảo vì gương mặt ngày xưa, bóng-dáng ngày xưa. Gương mặt và bóng-dáng ấy bây giờ không còn nữa. Ông vẫn yêu vợ, nhưng không khỏi ngậm-ngùi tiếc thương những cái đã mất. Mấy hôm nay thình-lình ông tìm lại được thứ của mất ấy nơi người khác, mà người khác ấy, ngoài những nét giống Hảo kia, cũng riêng đẹp lắm, thì làm thế nào mà ông tịnh-tâm được.
Tại sao thuở giờ Liên cũng có đến chơi nhiều lần mà ông không nhận ra nàng là bản sao của Hảo, mà chỉ mới nhận được đây thôi? Là vì những cơn nổi giận thình-lình của Hảo, ông hiểu do đâu mà có. Cái ghen của vợ ông khiến ông nghĩ đến điều quấy mà vợ ông ghen. Đó là cái ghen gợi ý, rất tai-hại.
Ông Nho có chiến-đấu với tà-tâm của ông khi nó mới nhóm. Nhưng ông không phải là một chiến-sĩ quyết-thắng nên ông rút lui mau quá. Vả còn thắng làm sao được khi mà bên trong có kẻ chủ mưu gây rối, cứ đẩy ma-quái tới trước mặt ông, mỗi lần ông xô nó ra.
Ông Nho trở chiếc gối một lần nữa, rồi lăn qua bên kia cho mát. Ông vừa xây mặt ra ngoài thì bỗng bà nắm tai kéo trở vô thật mạnh:
- Lo cái gì mà tới giờ nầy chưa ngủ?
Nho sợ điếng hồn như đứa trẻ vừa bị mẹ bắt chợt ăn vụng mứt. Giọng bà Nho ráo hoảnh chứng tỏ rằng bà cũng chưa ngủ phút nào hết từ đầu hôm tới giờ.
Ông Nho nằm ngửa nhìn nóc mùng, tim đập lia-lịa, ú-ớ không đáp được. Thấy cũng tội-nghiệp, Hảo cười rồi vả vào má chồng mà nói:
- Lo vừa vừa vậy. Không con, làm ra tiền ai ăn mà khổ tâm, khổ trí quá vậy.
Bây giờ Nho mới hoàn hồn, lăn qua, hạ tay cho vợ gối đầu rồi hỏi:
- Em cũng chưa ngủ sao?
- Không, em mới thức giấc.
Bà Nho đã nói dối. Còn hơn ông Nho, bà không ngủ được từ mấy đêm nay. Mưu sâu của bà, bà cắn răng bóp bụng lập ra và thi hành vì quyết bảo-vệ quyền-lợi riêng của bà. Nhưng dầu sao, bà cũng nhiều tình-cảm, không để lý-trí lấn át mọi việc được. Nên chi bà đau-khổ trước, đau cái niềm đau của một bà vợ có chồng yêu người khác. Mà cuộc yêu đương tương-lai ấy lối ra thật là mờ mịt. Mà muốn một đường nhưng biết đâu nó sẽ chẳng đi một ngả.
° ° °
Hảo dừng lại trước tủ kiếng một hiệu kim-cương. Liên cũng đứng sát lưng nàng và cả hai cùng ngắm-nghía những món nữ-trang chưng bày trong đó.
Đờn ông không ưa hột xoàn, nên ông Nho đứng dang ra xa, day mặt ra đường mà nhìn xe qua lại.
Lâu lắm, ông đứng nghe chừng mỏi chơn, nên ông sốt ruột đi lại gần hai người đờn-bà mà nói:
- Chuông rung rồi kia! Bộ muốn mua hết cả tủ hay sao?
- Chuông rung mặc kệ nó. À, anh Nho nè! Từ thuở giờ chưa thấy anh ngọt với bên vợ lần nào hết.
Nho ngạc-nhiên hỏi:
- Ngọt làm sao?
- Thì không thấy anh giúp đỡ phía bên em lần nào cả?
Nho cười ngất:
- Bên em không nghèo, làm sao anh giúp được.
- Không có dịp giúp kế mưu-sinh thì giúp về xa-xí, Đâu anh bóp bụng tặng em Liên một món nữ-trang trong hiệu nầy xem. Em chắc anh không dám làm cuộc hy-sinh đó. Tặng những quân khác thì anh dám, phải không?
- Ngỡ gì. Anh chưa tặng vì Liên xem bộ nó không thích nữ-trang lắm.
- Ai nói với anh như vậy? Đờn-bà con gái lại không thích nữ-trang thì thích cái gì?
- Vậy à? Thế Liên ưa món nào trong tủ nầy?
Liên ngỡ Nho và Hảo nói đùa với nhau chơi nên cũng cà-rởn theo:
- Em muốn đôi bông vỏ bạch-kim kia.
- Đâu đôi nào đâu?
Liên chỉ từng giữa. Một đôi hoa tai nằm trên nệm nhung đen của một chiếc hộp da, vỏ bằng vàng trắng nhận hai hột xoàn lóng-lánh màu sắc dưới ánh đèn. Nho day qua hỏi vợ:
- Cỡ mấy ly em?
- Chắc là sáu ly.
- Mai em Liên sẽ có hoa tai.
Liên chỉ cười như đứa bé trước lao nhiêu lời hứa suông của người lớn mà kinh-nghiệm đã cho nó biết rằng sẽ ăn trợt cả.
Trong rạp chiếu bóng, phim thời-sự gần dứt. Nho đi trước dẫn đường, nhưng tới trước hàng ghế, ông nhường cho vợ vào. Ông nối gót theo Hảo, thành ra Liên đi sau mà ông thì ngồi giữa hai người.
Lần nầy ông Nho không còn nghĩ vẩn-vơ như lần đi xen vũ Nhựt nữa. Ý bất-chánh đã thành-hình hẳn mà cuộc chiến-đấu cũng đã chấm-dứt. Bây giờ ông đã bại trận, bị bắt làm tù-binh rồi. Ông ngồi tù giữa mối tình câm-lặng, không thoát ngục yêu-đương ấy được. Ông luôn-luôn sắp đặt mưu kế, không phải để vượt ngục, mà để cho mối tình nói lên thành tiếng được, khỏi phải yêu trộm nhớ thầm nữa.
Mỗi lần mỏi tay, gác cùi chỏ lên tay ghế, chạm phải Liên, ông cũng chẳng còn giựt mình giựt mẩy gì nữa hết. Hơn thế, ông dám nghiêng đầu qua để thì-thầm cắt nghĩa cho Liên vài đoạn khó hiểu, và còn hơn thế nữa, ông dám trao quà ngọt cho Liên tận tay.
Hảo là một nhà chiến-lược lỗi-lạc. Trận quyết-liệt, bà sẽ cho đánh tại bờ biển. Nhưng ở Sài gòn, bà gây ra trước nhiều cuộc chạm súng khá sôi-nổi, hào-hứng, để hai đối thủ tiếp-xúc nhau cho quen lần.
Hôm nay, ông Nho về sớm lắm; mới mười giờ rưỡi là xe ông đã tiến vào sân.
Liên đi vắng, còn Hảo thì đang ngồi gọt móng tay nơi buồng ăn. Nho bước vào nói:
- Em bêu xấu anh trước mặt Liên làm chi vậy?
Bà Nho chưng-hửng hỏi:
- Bêu xầu hồi nào?
- Thì em đã nói rằng anh kẹo, không giúp bên vợ.
- Bộ không nói nó không biết à. Anh có giúp ai bên em lần nào đâu.
- Vì vậy anh tức lắm, phải tỏ cho nó thấy để xóa tiếng rít chúa ấy.
Hảo mỉm cười, hiểu ngay rằng chồng làm bộ nói thế để cắc-nghĩa cho trôi món chi-phí lớn của ông ta, và sự vội vàng sắm quà của ông ta. Nàng lại biết rằng trong túi áo Nho hiện đang có quà tặng ấy, nên đưa tay ra mà nói:
- Đâu cho xem.
Quả thật thế, Nho thò tay vào túi áo trong, lấy ra chiếc hộp da nhỏ xíu mà họ thấy đêm rồi.
Hảo mở hộp ra thì tờ hóa-đơn mở bung lên, nàng lấy giấy lên đọc thì trong đó đề tên người mua là Phan-thị-Liên.
Xoàn hoa tai, nước trắng, Hảo xem sơ bằng mắt trần thì thấy hột sạch lắm.
- Bao nhiêu?
- Sáu mươi lăm.
- Phắc-tuya chỉ để bốn mươi thôi.
- Trốn thuế mà! Bọn nó cắt cổ quá. Nhưng thôi, quà tặng thì không so-đo được lúc cần sắm.
Hảo trao trả hộp nữ-trang cho chồng. Nho nói:
- Em cất đi để rồi trao cho Liên.
- Không, nếu em tặng thì còn nghĩa gì.
Nho chỉ làm bộ nói thế thôi. Sự từ-chối của vợ là một cử-chỉ cứu-tinh, nên ông vội-vàng cất quà vào túi rồi xây lưng mà đi qua buồng giấy thật lẹ, sợ vợ đổi ý chăng?
Nho qua đó nhưng không làm việc gì được. Ông ngồi nóng-nảy rình Liên về. Ông cứ dòm đồng hồ mãi, mặc dầu Liên không có hẹn lúc nào về cả.
Ông nhớ lại thì hai tai Liên không có đeo gì hết. Hoa tai rẻ tiền chắc nàng chê, mà hoa tai quí giá lại mua không nổi, nên cô gái ấy đành để nó mồ côi. Quà tặng sẽ làm nàng vừa lòng chăng? Chắc là có. Sẽ gây cảm-tình của nàng đối với mình chăng? Cũng chắc-chắn là sẽ có. Đó là một món quà đế-vương, người nhận không thể không mến người tặng hơn lên được.
Thích quá! Nho reo thầm như vậy rồi xoa tay khoan-khoái, ông ta đang chưa biết phải bắt đầu làm sao, thì vợ ông đã dại-dột bày cái trò tặng quà nầy khiến ông khỏi băn-khoăn trước mớ chương-trình của ông. Bây giờ chỉ còn thi-hành chương-trình X thôi mà điểm 1 là tặng món quà nầy.
Mà kìa, Liên đã về. Xe tắc-xi vừa ngừng lại thì Nho nghe bối-rối lên. Ông ta đã sắp-đặt một lối tặng quà bạo-dạn ngay trước mặt vợ. Nhưng đến phút chót sắp-sửa thi-hành thì ông đâm ra sợ-hãi.
Dòm ra cửa sổ, ông thấy Liên ôm gói đồ vừa mua mà vào nhà. Ông chờ một phút. Đoán Liên đang đứng ở buồng ăn mà nói chuyện với Hảo, ông đứng lên mở cửa phòng giấy mà bước qua đó.
Ông Nho đoán không sai.
Hảo ngồi trên chiếc đi-văng đặt sát vách. Liên đứng trước mặt Hảo vừa cười vừa đáp câu hỏi gì đó của vợ ông:
- Dạ em lục-lọi mãi mà không gặp. Hình như hàng-hóa Pháp lúc nầy không có tới nữa.
- Còn em mua gì kia?
- Chỉ len.
- Trời giữa mùa nực mà đan len?
- Giữa mùa nực mua chỉ mới rẻ được.
- Cho xem.
Liên vừa đặt gói xuống đi-văng thi Nho đã bước tới. Ông bảo:
- Liên, nhắm mắt lại xem nào!
Liên đoán là có trò gì hay mà hiền-lành, nên vâng lời. Nho móc túi lấy đồ nữ-trang ra, cầm một chiếc hoa tai lên kề sát tai Liên nhưng tránh đụng chạm. Ông ngắm-nghía rồi hỏi vợ:
- Nổi hay không?
- Nổi lắm.
- Đưa kiếng xem.
Hảo vói lấy chiếc gương con trao cho chồng. Nho đưa gương trước mặt Liên rồi bảo:
- Liên, mở mắt ra.
Liên làm y theo lời dặn rồi ngạc-nhiên hết sức mà thấy chiếc bông mà Nho cầm giữa hai ngón tay đang lóng-lánh trước mặt nàng. Thì ra Hảo và Nho đêm rồi đã nói thật chớ không phải cà-rỡn.
- Đâu em đeo vô liền xem, Hảo nỏi.
Liên bối rối quá, không biết có nên nhận món qua quí-giá đó hay không. Phải chi quà ấy Hảo tặng thì còn dễ có thái-độ, đằng nầy…
Bà Nho lại bảo:
- Em đeo đi cho chị xem. Anh biếu em đó, nhận đi.
Thấy Hảo thành-thật mời mọc, Liên hết ngại về người cho quà, nhưng vẫn khó chịu về giá của món quà.
- Anh cho nhiều quá...
Nàng nói nho-nhỏ một câu mà không nói dứt được. Hảo cứu vớt:
- Ảnh nhiều tiền lắm, em đừng lo. Quà đó mà có thấm tháp gì đối với số tiền ảnh kiếm được.
Liên cười ngoỏn-ngoẻn, tiếp lấy đôi bông rồi đeo vào tai. Nàng soi kiếng rồi lại cười, sung-sướng trông thấy. Hai vợ. chồng Nho cũng sung-sướng đã làm vui lòng kẻ khác đến mức đó.
Nho tiếc:
- Phải chi em nó uốn tóc thì tuyệt!
- Ờ, Hảo nói như vừa sực nhớ ra, em đã dặn nó đi uốn tóc mà nó bỏ qua rồi em cũng quên luôn. Được, mai em sẽ nắm đầu nó đi lại hiệu mới được.
Liên sợ-hãi phản đối:
- Ý chết! Em chưa xin phép ba má...
- Không sao. Cứ đặt ổng bả trước một sự đã rồi. Ổng bả không giết em đâu à sợ. Anh Nho có nhớ chị Nhiệm hay không?
- Chị Nhiệm nào?
- Bà con bên ngoại em đó mà.
- Ừ, nhớ rồi, rồi sao?
- Thuở chỉ còn con gái, chồng chỉ đi hỏi chỉ được ba tháng thì anh ấy trốn mất. Bên ảnh khóc, bên em càng khóc nhiều hơn. Nhưng ba tháng sau ảnh lù-lù trở về với cái đầu hớt kiểu ma-nin.
Cả đôi bên đều quí cái búi tóc, nhưng lại mừng đứa con trở về hơn, nên bỏ qua luôn. Vả chuyện đã rồi kia mà.
Sáng hôm ấy, Hảo kéo Liên ra đi mà không nói đì đâu, Liên cũng đã quên mất vụ uốn tóc. Khi xe ngừng trước hiệu Mỹ-Phát, Liên mới sực nhớ lại, và hoảng-hốt muốn nhảy xuống xe mà chạy.
Hảo cười ngất nắm chặt lấy tay nàng là rằng:
- Không khoát được đâu. Vào đây cho chị bán em cho Chà-và nó làm thịt em mà nấu cà-ry cho rồi.
Liên nhút-nhát, sợ chèo kéo nhau giữa chỗ đông người, người ta cười cho, nên riu-ríu bước theo Hảo vào tiệm.
Hảo hỏi nàng nho-nhỏ:
- Em thích kiểu nào?
Liên không dám đòi coi kiểu, nói bừa:
- Uốn giống y như chị.
Nàng bùi-ngùi mến tiếc ngọn tóc mà thợ vừa cắt cho ngắn đi, day lại mà dòm xuống rồi nói:
- Cho lại tôi.
Người ta gói tóc cẩn-thận lại, Liên rưng-rưng nước mắt như vừa mất đứa em, nhưng lòng lại bôn-chôn muốn bíết cái đầu mới sẽ ra sao.
Đây là lần đầu trong đời mà nàng thấy bao cuộc thay-đổi diễn ra trong vòng ngấy hôm. Nàng đã biến thành một cô gái khác, và vài giờ nữa đây, thật là khác hẳn rồi.
Liên lắng nghe thử lòng mình xem nó có biến khác đi chăng? Không, chưa thấy gì mới lạ bên trong. Chẳng qua là thêm nhiều ham muốn, nhưng đó là những ham muốn còn rụt-rè.
Liên thấy cái tôi của nàng là quí và không thể tưởng-tượng một cái tôi khác vào thay cái cũ được.
Nàng ngồi đó, nghe như cả một quả núi đá đè nặng lên đầu nàng. Kiếp đờn-bà khổ thay, nàng nghĩ: nào sinh nở; nào kinh-kỳ, nào nội-trợ. Mà kiếp đờn-bà đẹp lại càng khổ hơn; khi không lại úp trên đầu một chiếc nón sắt, nóng và nặng, rồi không dám cựa quậy, rồi về sau lại không dám gội tóc cho thường. Mỗi ngày phải săn-sóc những cái lọn trên đầu như ông cụ chăm-nom cây cảnh.
Tóc đã uốn xong sau mấy tiếng đồng hồ ngồi như nhà sư nhập thiền. Liên nghe kỳ-kỳ hết sức, chừng xem lại mặt mình trong gương thì thấy nó còn kỳ hơn nữa.
Hảo kéo nàng ra cửa rồi nói:
- Em đẹp như tiên ấy. Có ưng ý hay không?
- Sao em lại thấy chướng.
- Vài bữa nó quen đi. Bây giờ thì em thật hoàn-toàn hết nhà quê rồi đó.
° ° °
Ông Nho tuy giàu mà không có biệt-thự ở Vũng-tàu. Ông nghĩ sắm nhà rồi một năm chỉ ở có một tháng thôi, cũng uổng, nên ông cam ở thuê biệt thự của người khác.
"Quỳnh-hoa" là một một nhà "sinh đôi", gia-quyến chủ-nhơn ở một bên, còn một hên để cho bạn-hữu mướn.
Ba người ra đến đó thì đã sáu giờ chiều. Biển không thấy đâu cả vì biệt-thự ở thụt mãi trong nầy.
Bà Nho hối đi tắm liền nhưng ông Nho nhức đầu, đành phải hoãn việc tắm nước mặn qua ngày mai.
Nhà có bốn buồng, hai trên lầu và hai ở dưới. Trên lầu vợ chồng ông Nho chiếm buồng ngoài trông ra hướng biển, Liên ở buồng phía trong.
Ở đây nóng bức không kém ở Sàigòn, có phần còn hơn nữu. Cả đến gió biển cũng nghe nóng hừng-hực.
Ông Nho nằm mãi trong buồng, nên hai chị em Hảo-Liên rủ nhau xuống vườn một mình, rồi ra phố đi bộ. Hảo nói:
- Em chưa thấy biển lần nào, nên chị để dành cho em nguyên-vẹn cảm-giác mới lạ. Vậy mai hãy ra đo, bây giờ mà xem thì chẳng thấy gì cho lắm lại mòn bớt thú khám-phá của ngày mai đi.
Họ đi bộ chậm-chậm ở các phố phía trên nầy; Liên cứ ngước lên nhìn mãi tia hải đăng đang quay tròn mà quét chơn trời khắp bốn phương tám hướng.
- Lên đó được không chị?
- Được, nhưng cũng chẳng có gì để xem. Ngày xưa họ thắp bằng dầu, ngày nay họ thắp điện, cũng chẳng lạ hơn. Phải quen được với ông trưởng-đăng, ở lại trên ấy một đêm mới thú. Thuở bé chị có ở trển một lần, về khuya rình tàu qua lại dập-dìu trông hay lắm. Té ra trên biển tối om mà mình ngỡ là vắng như sa-mạc lại đầy sự hoạt-động, tàu hè qua lại luôn luôn.
Tiếng tiêu của ai bỗng mọc lên khỏi những ngọn cây trên núi phía hữu, khiến Liên ngây ngươi ra giây lâu, rồi nói:
- Tiếng tiêu nghe trong rừng núi mới có vẻ cổ-sơ và đẹp như thời xưa. Mà trong rừng núi thì mình vào không được. Ở đây, gìữa thành-phố, lại có cái cảnh mơ-ước đó nó xen vào, thú quá.
Hảo nhìn Liên rất lâu, lòng thương cháu bỗng bừng dậy lên. Quan-sát của Liên là nhận-xét của một cô gái còn ngây-thơ, còn thơ-mộng, còn say vẻ đẹp thiên-nhiên. Xô một cô gái như thế vào làn sóng đời, Hảo nghe tội-nghiệp quá. Trong giây phút bà cảm thấy tất cả sự tàn-nhẫn của cuộc âm-mưu của bà.
Dắt tay nhau dạo chơi trong một thành-phố nhỏ, hơn thế trong môt thành-phố có thiên-nhiên lẫn-lộn vào, Hảo cảm nghe như mình sống lại thời niên-thiếu, cùng với Liên đang sống ở thôn-quê rồi ở tỉnh-lỵ nhỏ.
Mặc dầu bẩm-chất nàng đã thường ăn hiếp gió Liên, chớ thâm-tâm nàng cũng rất thưong mến Liên mà nàng đã xem là bạn buổi thiếu-thời, cùng một hoài-bảo với nhau, cùng một ngơ-ngác với nhau trước cuộc đời phức-tạp.
Nay không-khí xưa bỗng thư bay về nên tự-nhiên bao nhiêu tình thương mến nhau thuở bé cũng thức-tỉnh dậy.
- Trời ơi, Bà Nho kêu than thầm, thì ra lòng mình đã bị đời quấy cho vẩn đục đến thế nầy a!
Sống trong một thành-phố quay cuồng trong quyền-lợi Hảo đã biến thành một con người ít tình-cảm, chỉ nghĩ đến lợi riêng mình thôi. Thành-phố ấy lại không thờ đạo-đức lắm, nên Hảo đã nghĩ ra mưu ác mà không thấy là ác bao nhiêu.
Sự yên-tĩnh ở đây như vừa lọc được lòng trần của Hảo, khiến nàng thấy rõ lóp bợn vừa bị tẩy ra nên đâm hoảng lên. Nàng nắm tay Liên siết chặt lại, lòng ứa mến thương, thật tình hối-hận.
Đôi bạn trở gót về nhà. Hảo không nói tía-lia nữa như khi đi, vì trí nàng đang bận-rộn cuộc chiến-đấu chống lại mưu mô ám hại người bạn cũ nầy do nàng bày ra.
Về tới cửa biệt-thự, hai người thấy đèn sáng choang ngoài vườn: vợ chồng ông Thạch, chủ nhà qua chơi, và Nho buộc lòng phải tiếp.
- Kìa chị Nho đã về, Xuyến, vợ của Thạch reo lên.
- Chào anh chị. Vợ chồng tôi không qua thăm anh chị trước thật lỗi lắm.
- Không cần khách-sáo, Thạch nói, chúng tôi bắt anh Nho vừa ôm cái đầu đau vừa tiếp khách, lại không lỗi hay sao?
Hảo đẩy Liên tới rồi giới-thiệu:
- Liên em tôi.
Vợ chồng Thạch chào cô em nầy rồi bà Thạch hỏi:
- Em ruột à? Sao từ thuở giờ...
- Không, em họ. Nó ở tỉnh, ít lên đây lắm.
Xuyến nhìn Liên mãi rồi cười nói:
- Trời, cô đẹp quá! Đã có đôi bạn chưa vậy?
- Chưa, Hảo đáp hớt.
Nho gọi người nhà mang thêm ly, nước đá và nước ngọt thêm ra. Hảo hỏi bạn:
- Tụi tôi bận việc, nên ra đây lúc họ đang ùn-ùn kéo nhau về. Hổm nay có gì lạ, chị?
- Chẳng có gì lạ cả. Mà họ chẳng về đâu mà chị lo.
- Trái lại, tôi lo họ không về chớ. Tôi thích biển chỉ để dành riêng một mình tôi thôi.
- Đờn-bà thì ưa độc-quyền lắm, bà nào cũng thế, phải không anh Nho? Thạch hỏi bạn.
- Đúng y như vậy, Nho đáp. Họ ưa độc quyền về mọi việc.
- Tôi thì không, Xuyến cải. Thí dụ về việc vợ chồng tôi cũng rộng-rãi lắm. Tôi biểu anh Thạch rán mà ăn ở với tôi cho tử-tế rồi đúng sáu mươi lăm tuổi, tôi sẽ tuyên-dương công-đức của ảnh và thưởng cho ảnh bốn cô vợ bé một lượt.
Cả bàn đều cười xòa. Nho nhăn mặt, ôm trán, cười mà hỏi vợ:
- Còn em? Đến mấy mươi em mới thưởng anh?
- Anh có ăn ở tử-tế với em bao giờ đâu mà đòi thưởng.
- Vậy à, té ra anh Nho không tử-tế à? Thạch đùa mà hỏi như vậy.
- Tôi tử-tế chỉ kém anh một chút xíu thôi. Nhưng bà nầy bả khó tánh lắm nên tuyên-truyền ra thế để tố tôi đó thôi.
Bà Nho đã sống trở lại không-khí Sài gòn với sự xem thường đạo-đức trong câu chuyện phiếm cũng như trong thái-độ thật hằng ngày. Người ta đùa tội ác, người ta đùa với tội ác cho quen với nó rồi người ta làm tội ác một cách dễ-dàng.
Cuộc chiến-đấu của Hảo hồi nãy chỉ là một cuộc vật lộn sơ-sơ của hai đứa trẻ non dại, đứa nào thắng, người trọng tài cũng cóc cần, vì y thấy không chết ai kia mà.
Bây giờ Hảo chỉ còn thấy trước mặt bà một cô gái đẹp tuyệt-trần, con nhà nghèo lại luống tuổi, khó mong lấy chồng được. Thì tại làm sao cô ấy phải ở đây làm gái già trọn đời cho uổng của trời, mà không giúp bà thoát khỏi nẻo bí?
° ° °
Không, biển không làm cho Liên ngạc-nhiên và sợ-hãi chút xíu nào hết. Đọc sách và nghe người ta nói, thì biển lớn minh-mông, không biết đâu là bờ bến. Nó lại kêu gào ầm-ĩ nghe mà hãi-hùng.
Nhưng giờ đây tầm mắt Liên bị chân trời ngăn lại, chỉ phóng xa ra có chừng mực thôi. Sóng cũng chẳng reo vang bao nhiêu, và cái bãi lài không gây cảm-giác ghê-rợn của vực sâu thẳm.
Mặc đầu "Chị tôi quá sá" chị Hảo cũng không dám mặc áo tắm đi từ nhà ra bờ biển. Ông Nho cũng thế, và cố nhiên là Liên cũng mặc choàn y-phục thường bên ngoài. Họ xuống bãi rồi quẹo qua tay mặt để núp kín-đáo dưới nhũng gộp đá, những tàn cây ven trên lộ chạy vòng quanh trái núi phía hữu. Nhưng vì người khác cũng đi núp như vậy, và ghe đánh cá cũng kiếm ăn nơi đó, nên phải đi rất xa, hàng mấy cây số mới tới chỗ thưa người được.
Hảo ngồi ẩn bóng một tảng đá, thở hổn-hển nòi:
- Liên thay đồ ra đi!
Vừa nói bà vừa mở bỏ y-phục ngoài. Ông Nho cũng làm theo vợ. Trong khi đó thì Liên chỉ đứng làm thinh, ngó mông ra khơi.
- Ủa, biểu thay đồ ra mà! Hảo giục.
- Em không có mặc áo tắm ở trong.
- Trời ơi! Hảo kêu lớn. Bộ mầy tính tẩm nước mặn chiếc áo dài mầy sao mà?
Rồi bà cười ngất, ngó chồng mà kể:
- Thuở em còn bé, lần đầu em ra đây tắm với ba má em, thì nhớ ra má em mặc cả áo đài mà đi lần xuống nước. Tây đầm nó cười má em dữ lắm.
- Vậy không phải chỉ có Liên là không dám, Nho biện-hộ cho cô gái.
- Nhưng nó sanh sau má em đến gần rửa thế-kỷ.
- Thì chị cứ tắm đi, em đứng đây chơi cũng được mà.
- Sao mầy không đứng trong Sàigòn mà chơi, lại ra đây mà đứng?
- Thôi, ngày mai Liên hãy tắm vậy. Nho hòa-giải.
- Mặc kệ nó. Sớm mai, em biểu nó mặc áo tắm sẵn bên trong, nó ừ, dạ đàng-hoàng bây giờ lại nói không có mặc.
Bà Nho mặc áo hai mảnh, vải bông con sò trắng, nền đen. Nước da bà trắng nên trông rất nổi. Bà lại chưa qua thơi kỳ sinh nở nào nên đường nét của thân-thể còn đều đặng như thường.
Ông Nho tuy đã bước gần tới thềm của tuổi xế chiều, nhưng ngực còn no, và bụng lép, nên trông ông khỏe-mạnh như con trai.
Nho nói:
- Ta chạy đua xuống mé nước nè!
- Ừ!
- Coi chừng: Một... hai... Ba....
Hai vợ chồng cắm cổ mà chạy xuống dóc. Lúc ấy nước ròng sát, nên bãi cát rộng thênh-thang. Bà Nho mới chạy được nửa đường thì đã mệt, chậm bước lại rồi chỉ còn chạy được lúp-xúp thôi.
Nho không chạy mau, cố đợi vợ nhưng thấy Hảo không còn sức nữa, ông chạy bay xuống mé nước một mình, rồi sẵn trớn chạy luôn trên nước. Ở đây ông bị nước cản tốc-lực, nên chạy chậm lại, đá nước văng lên trắng xóa, rồi một lúc sau, không chạy được nữa, ông thả cho té sấp lên đầu những con sóng nhỏ đang đua nhau chạy vào bờ.
Hảo ngồi bệt trên cát mà réo chồng om trời.
Nho trở lên, nhưng khi gần tới bên vợ thì bị một loạt cát bắn tung vào người. Hảo vừa ném cát vào mình chồng vừa rủa:
- Anh mắc dịch, ăn gian người ta! Chạy lại hè!
Ở trên gió, nên Liên nghe rõ mồn một những gì Hảo nói.
Sự náo-nhiệt ở đây, sự sinh-động của những người đi tắm biển và thái-độ trẻ con của Nho và Hảo khiến Liên thấy tất cả cái tươi-trẻ, vui mạnh của cuộc đời, và nghe thèm sự trẻ mạnh đó.
Nàng hối-hận đã không dám mặc áo tắm, nên bây giờ không tham dự được cuộc sống vui-vẻ kia.
Hảo tiếp-tục hốt cát mà bắn chồng. Nho sợ hãi thật tình, bỏ chạy và bị vợ rượt theo nã đạn không ngớt tay.
Lần đầu tiên, Liên thấy thân-thể đẹp-đẽ của một người đờn-ông đẹp trai. Thuở giờ nàng chỉ thấy dân cày và dân phu đánh trần. Những ngươi nầy lực-lưỡng còn hơn Nho nữa, nhưng sự nở-nang của thân-thể họ thô lắm.
Lạì cũng lần đầu-tiên, nàng cảm thấy rõ-rệt sự che-chở của người đờn-ông, tuy khỏe-mạnh, vẫn nhường vợ mà chạy chớ không dám đương đầu lại.
Sự che-chở ấy nghe sao ngà êm đẹp quá. Nàng nghe thèm muốn thân mình nhỏ-nhoi ra để được che-chở như thế, và nhứt là thèm có được một người che-chở cho.
° ° °
Bước xuống bãi cát, Hảo đưa tay rờ vào mình Liên, Liên nghe nhột-nhạt khó chịu nên cười hăn-hắt và lấy tay mà phủi tay Hảo. Bà Nho cứ làm thinh mà khám xét trên người của cô gái.
- Được, bữa nay mầy nghe lời rồi đó.
Nho nghe thấy thế, biết rằng vợ ông kiểm-soát lại xem Liên nó có mặc áo tắm bên trong hay không, vì Liên mặc áo dài màu bên ngoài, nên màu áo tắm không lộ ra được để nhìn thì thấy ngay.
Họ cũng quẹo qua phía hữu như bữa trước. Khi đến nơi cũ, Hảo hạ lịnh cho đoàn thay y-phục.
Liên bước thụt ra sau lưng Hảo, nhưng vẫn ngồi đó. Đến chừng Hảo thay xong dòm lại thì Liên vẫn giữ nguyên áo ngoài, nên nói:
- Nữa nè! Bộ mầy sợ người ta thấy da rồi mất màu hay sao?
- Chị đi tắm trước đi rồi em theo sau.
- Hừ, con nhỏ làm bộ hoài. Anh Nho, mình xây lưng lại đi, cho nó thay áo.
Rồi nàng đứng lên, nắm chồng mà xây lại. Hai vợ chồng đứng trông ra biển, và Hảo nói:
- Tao đếm một hai đến mười mà mầy chưa xong thì mầy biết tay tao.
- Hay là ta chạy đua như hôm qua, Nho đề-nghị.
- Ừ, nhung em đếm. Anh đếm ăn gian lắm.
- Ăn gian làm sao?
- Anh biết khi nào anh nói tiếng "ba", rồi anh dọn bộ trước, ai mà chuẩn bị cho kịp.
- Thôi em đếm đi.
- Liên nè, tao xuống tới nước, mầy phải chạy theo đa nghe. Nè, coi chừng: Một-Hai-Hai rưỡi!
Nghe hô "Hai rưỡi" Nho ngỡ là vợ nói "ba" nên đâm đầu chạy. Chạy được hai ba bước, ông mới thắng lại kịp, và cười hề-hề quay gót trở lại.
- Lêu-lêu mắc cỡ, Hảo chế-nhạo chồng.
Lúc ấy Liên vừa mở nút áo, thấy Nho day lên, nàng hoảng-hốt vội-vàng xây mặt vào trong, rồi gài nút áo lại.
- Coi chừng, Hảo lại hô: Một-Hai-Hai rưỡi-Hai trois quarts!
Lần nầy, Nho lại xộ nữa. Ông đã dè-dặt cố kềm cương lúc nghe tiếng "Hai rưỡi". Nhưng qua tiếng "Hai trois quarts" là ông lại lầm.
Hảo rũ ra mà cười, rồi té quỵ xuống mà cười, rồi lại nằm lăn lộn trên cát mà cười.
Trò đùa trẻ con của Hảo, vẻ mặt ngơ-ngác của Nho lúc trở lộn lên cũng chọc Liên cười no một bữa. Lần nầy nàng cũng vừa mở nút áo lại phải day vào trong.
Nho thấy Liên day lưng ra ngoài, toàn thân nàng rung động vì trận cười cố đè nén. Dáng-điệu của Liên lúc ấy có vẻ gì khép-nép trông dễ... yêu quá đi mất.
Hảo cười mệt rồi lồm-cồm ngồi dậy mà thở ra. Nàng ngó lại thấy Liên day vào trong nên hét:
- Bây giờ mầy lại giấu đến cả cái mặt nữa hả? Thôi ra chạy đua cho nó thay đồ. Coi chừng nè: Một-Hai-Ba.
Nho đinh-ninh tiếng thứ ba ấy, Hảo sẻ hô bậy-bạ gì đó, nên ông không có chuẩn-bị. Chẳng dè lần nầy, Hảo lại hô "ba" rồi nàng chạy trước được lối mười bước ông mới lót-tót chạy theo.
Hai người tới mé nước một lượt, Hảo níu chồng lại mà nói:
- Đừng ngó lên, để nó thay đồ cái đã.
Đứng một lát bực-bội, Nho bứt-rứt nói:
- Phải chi có mắt sau lưng, ta biết nó xong chưa để nhảy chơi, chớ đứng loài như vầy thì...
- Quỉ, có mắt sau lưng đặng dòm nó thay đồ hả? Anh rễ băm-lăm!
Nho cười hề-hề, rồi bị Hảo véo ngay bắp vế một cái, ông nhảy tưng lên mà la oai-oái.
- Rồi chưa con dịch! Rồi thì xuống cho mau, chớ bắt tao đứng như trời trồng đây sao?
Hảo hét như vậy rồi lắng đợi. Không có gì cả.
- Nè, tụi tao đếm một hai đến năm thì trở lên nắm đầu mầy đây. Một-Hai-Ba-Bốn-Năm!
Hảo và Nho xây lại thình-lình thì thấy Liên đã bỏ y-phục ngoài rồi, nhưng ngồi bó gối co-rút trong kẹt đá.
Hai vợ chồng cười ngất rồi ngược dốc chạy lên. Liên khoanh tay rế mà cười. Hảo nói với chồng:
- Anh nắm chơn, em nắm đầu, ta khiêng nó mà ném xuống biển đi.
Liên sợ-hãi xua tay nói:
- Để em đi! Để em đi!
- Thì đứng dậy coi nào!
- Anh chị chạy trước, em rượt theo.
- Lần nầy mà mầy không chui ra khỏi hang thì tao sẽ bắt mầy như bắt cua.
Rồi hai vợ chồng trở xuống nước. Bận nầy Liên quả-quyết đứng lên chạy theo họ.
Khi cả ba tới gần mé nước, Liên rút tới rồi nhảy ùm xuống biển. Nước cạn quá nên nàng cố lết mau ra ngoài cho toàn thân ngập hết. Nàng bò như thế rất xa mới đạt mục-đích được.
Bây giờ Liên ngồi dậy ló mặt lên mà cười.
- Ờ, rồi ngồi đó nghen em, ngồi riết tới tối đừng có lên nữa!
Hảo nói rồi cũng nhảy ùm xuống rồi tát nước vào má Liên.
- Không chơi, Liên nói.
- Không chơi cũng không được.
Quả Liên ngộp quá nên phải tự-vệ, thành ra không muốn chơi vẫn phải chơi trò đách giặc nước ấy.
Nho bò ra sau lưng Hảo để xem Liên cữ-động ra sao. Nhưng Hảo nói:
- Liên nè! Tụi mình phe phụ-nữ, đoàn-kết lại tát nước anh Nho chơi.
Nói xong nàng chạy qua phía Liên rôi cả hai xáp lại gần Nho mà tấn công. Nho tát trả liền. Ông tát nước vợ ít ít thôi nhưng tát Liên bạo tợn quá, khiến nàng phải cười mà hễ hả miệng ra cười là nước mặn bắn vào.
Hảo để ý biết Nho thiên-vị nên tức ấm-ách. Nàng cảm-giác đang đi với chồng vào chợ phiên, anh chồng cứ theo rắc bông giấy trên đầu các cô gái khác, còn nàng thì bị bỏ quên.
Trong giây phút, nàng nổi tam bành lên, nên đứng dậy đạp nước chạy lại ôm lấy cổ Nho mà vật xuống. Nho bị đè dưới ấy ngộp quá, nên mặc dầu nể vợ, vẫn phải chống trả, vùng dậy lên, khiến Hảo té nhào. Nho nói:
- Không chơi nữa. Bây giờ lội đua nè!
Hảo đã hết giận hỏi:
- Lội từ đâu tới đâu?
- Từ đây ra trái nổi ở trước bãi trước.
- Đi đường xéo như vậy thì xa quá.
- Thì xa mới đáng lội. Chớ lội như tụi nó, từ trong ra ngoài ngay một đường, gần xịch, trẻ con lội cũng được.
- Ừ, thì đua thử xem.
Cả ba cùng nhào ra phía ngoài sâu để có thể lội được. Nho căn dăn:
- Ta đi song song theo bờ biển, chớ không phải từ trong mà đâm xéo ra. Vậy ai nghe đuối sức dọc đường thì cứ đâm vô vài sải là chơn chấm đất. Đừng có quýnh lội bậy mà chết. Nè: Một-Hai-Ba!
Nho nhịn thua, nhường cho hai phụ-nữ vượt tới trước. Lội ngược sóng tuy mệt nhưng sao nghe dễ hơn là đưa hông cho sóng vỗ như thế nầy. Tuy nhiên trông Liên cũng vẫn thấy nàng lội đều-đều chưa có vẻ gì nao-núng cả. Còn Hảo thì xem chừng muốn bỏ cuộc.
Kìa, quả thế, Hảo đã quay đầu vào trong để đâm vô bờ. Bấy giờ Nho mới lướt tới kêu vợ:
- Nhớ bơi vài sải là chơn chấm đất.
Rồi ông tiếp-tục lội, giây phút sau thì theo kịp Liên. Hai người lội song-song với nhau, xéo ra phía trái nổi, một người khoẻ mạnh thưng đã hơi già, một người thuộc phái yếu nhưng sức lực đang lên, cho nên cả hai bù qua bổ lại vẫn đồng hơi nhau được.
Hảo đụng được cát thi đứng xuống và đi vào bờ. Từ trong nầy mà nhìn ra thì thấy hai người kia đã lội tới trái nổi rồi.
Cả hai đều vói tay lên định níu mà trèo. Nhưng trái nổi bị sóng dời như cái trứng gà nên họ hì hục mãi mà vẫn còn ở dưới nước.
Giây lâu, Nho nắm được chơn một trụ sắt rồi rút mình lên. Đứng được trên mặt trái nổi, ông một tay vịn trụ, một tay thòng xuống để nắm lấy tay Liên, Liên níu chặt cườm tay cứu tinh đó và được kéo lên trên.
Hảo bứt-rứt muốn chạy ngay về nhà lấy chiếc ống dòm để nhìn thấy rõ chi-liết của cuộc đụng chạm đầu-tiên giữa hai người. Nhưng nàng nghe không đủ thì giờ, lại nếu thấy rõ còn khó chịu hơn, nên ngồi bệt xuống cát mà buồn hiu.
Hai người vịn chung một trụ sắt, ngã tới, ngã lui tùy theo sự nghiêng ngửa của mặt trái nổi. Hình như là họ đang nói chuyện với nhau vì họ cứ đứng đó nhìn nhau, không làm gì nữa cả.
Hảo lại thấy Liên gập mình lại như là đang rũ ra mà cười. Nàng bậm môi lẩm-bẩm:
- Nói gì mà hay-ho như vậy? Anh ấy không bao giờ có lời nào cho mình vui cả.
Hảo ngửa bàn tay lên chống má và thấy hai người lông-rông xuống một lượt để lội vô. Nàng vội-vàng nằm sắp xuống cát để phơi nắng và để khỏi chưng bộ mặt căm tức ra khi họ vào tới nơi.
Gieo Gió Gặt Bão Gieo Gió Gặt Bão - Bình Nguyên Lộc Gieo Gió Gặt Bão