A good book should leave you... slightly exhausted at the end. You live several lives while reading it.

William Styron, interview, Writers at Work, 1958

 
 
 
 
 
Tác giả: Mạch Gia
Thể loại: Trinh Thám
Dịch giả: Lê Minh Sơn
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3953 / 107
Cập nhật: 2016-06-27 09:58:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
1
Người này họ Trịnh, vì là thọt chân, cái tên riêng trở nên xa xỉ, giống như huân chương hoặc đồ trang sức, chỉ xuất hiện vào những lúc trang trọng, bình thường ông giống như mèo chỉ vùi đầu vào túi hồ sơ, người ta gọi ông là Trịnh Thọt.
Trịnh Thọt!
Trinh Thọt!
Gọi thật to, chứng tỏ ông không coi chuyện mình thọt chân là quan trọng. Cân nhắc thêm một bước, có hai lí do, thứ nhất là ông ta thọt rất đẹp, ông đã từng vác súng, đã từng đánh trận một cách tượng trưng; thứ hai, thật ra ông thọt không nặng, chân bên trái ngắn hơn chân bên phải vài phân, thời trẻ chỉ độn đế giày cao hơn một chút là đã giải quyết được, không còn đi tập tễnh, mãi đến ngoài năm mươi tuổi mới bắt đầu chống gậy. Khi tôi gặp thì ông đã chống gậy, cái gậy bằng gỗ táo đỏ au có khắc hoa văn, cho tôi cảm giác ông đúng là một ông già trang nghiêm. Đấy là sự việc của những năm chín mươi thế kỉ trước.
Đấy là một mùa hè, mùa hè năm 1956, Trịnh Thọt mới hơn ba mươi tuổi, sức dài vai rộng, cái gót giày bí mật đang phát huy sức mạnh thần kì, mà cũng là sự lừa dối mọi người, biến một người thọt thành người bình thường. Nhưng người của trường đại học N được trời phù hộ, ngay từ đầu đã biết mưu kế của anh.
Sự việc là thế này, buổi chiều hôm ấy, khi Trịnh Thọt đến trường, gặp lúc sinh viên tập trung cả ở hội trường để nghe một Anh hùng quân Chí nguyên báo cáo thành tích chiến đấu, sân trường rất yên tĩnh, đẹp trời, không có nắng gắt của mùa hè, gió nhẹ, hai hàng cây ngô đồng Tây hai bên đường xào xạc khiến cho khuôn viên nhà trường như càng thêm yên tĩnh. Trịnh Thọt hình như bị cái yên tĩnh ấy hấp dẫn, cho cái xe Jeep chở anh dừng lại, dặn người lái xe ba ngày sau đến nhà khách của trường đón anh, rồi anh xuống xe, một mình đi dạo trong sân trường. Mười lăm năm trước, Trịnh Thọt đã từng học ba năm trung học phổ thông và một năm đại học ở đây, thăm lại trường sau nhiều năm đi xa, anh vừa cảm thấy trường mẹ đã thay đổi, vừa vẫn như xưa, kí ức ngủ quên từ trong bóng tối bước ra, cùng dạo chơi bằng đôi chân. Cuộc họp đã tan, cũng là lúc anh đi đến trước hội trường, sinh viên tràn ra như nước vỡ bờ, chỉ vài giây sau đã bao bọc lấy anh, nhận chìm anh. Anh cố gắng đi chậm lại, không để sinh viên chen lấn xô đẩy, vì anh có những ba cái gót giày, không thể chen lấn. Từng đám sinh viên như đàn cá qua sông, ào tới, tưởng chừng sẽ xô anh ngã bổ chửng, phía sau cũng có một đám sinh viên đang chen lấn, đi sát người anh. Anh bước vội vàng, sợ có người đụng vào, nhưng những bạn trẻ chỉ làm anh giật mình chứ không gây nguy hiểm, như sắp va vào người, cũng có thể trong khoảnh khắc đã nhanh chóng biến nguy hiểm thành bình an, không ai ngoảnh lại nhìn, chứng tỏ anh kê cao gót giày về cơ bản không bị thọt. Có thể cái gót giày an ủi anh, bỗng anh thích đám người này, có trai có gái, nhiệt tình sôi nổi, nói cười vui vẻ, giống như dòng thác lũ chảy tràn ngay trước mặt, thậm chí đưa anh về với một ngày, một khoảnh khắc nào đấy của mười lăm năm trước.
Trên sân, dòng người ào ra như nước vỡ bờ, mối lo bị chen lấn đụng chạm đã được giải toả. Ngay lúc ấy, anh cảm thấy có gì đó đánh vào cổ, không chờ phản ứng, đám người kêu lên “mưa rồi”. Thoạt đầu chỉ nghe thấy tiếng kêu, không thấy ai chạy, tất cả đều ngước lên nhìn trời. Nhưng chỉ trong chớp mắt, từ đám mây mù dày đặc nước xối xuống ào ào như cái vòi phun cao áp. Lập tức, đám người như đàn thú hốt hoảng bỏ chạy, người chạy về phía trước, người chạy về phía sau, người xông vào văn phòng, người tạm chui vào nhà để xe đạp, vừa chạy vừa kêu la, cả khu trường ầm ỹ ồn ào. Lúc ấy anh chạy cũng dở, không chạy cũng dở, chạy sẽ lộ cái gót giày, không chạy sẽ bị mưa làm ướt. Có thể anh không định chạy, mưa bom bão đạn đã trải qua, lẽ nào không chịu được mưa? Không sợ. Nhưng chân bị kích thích, anh bỏ chạy theo ý mình, anh chạy hai chân khập khiễng, anh chạy, một chân như buộc theo một tấm hoặc vài ba tấm kính.
Mới bắt đầu, mọi người chạy thục mạng, không ai chú ý đến anh, nhưng khi mọi người đã vào trú mưa anh mới chỉ chạy qua nửa khoảng sân trường. Anh định chạy hay không cũng được, thêm vào đấy là cái đế giày, túi hành lí trên tay, làm sao không tụt lại? Tụt lại sau rất xa. Cuối cùng, trên cái sân trường chỉ còn một mình anh, hình ảnh cô đơn nổi rõ. Khi ý thức được điều ấy, anh muốn nhanh chóng biến khỏi sân trường, kết quả càng chạy nhanh càng tập tễnh, trông rất dũng cảm nhưng cũng rất buồn cười. Mọi người nhìn anh như nhìn một cảnh tượng, có người hô to: cố lên!
Cố lên!
Cố lên!
Tiếng hô cố lên làm mọi người đổ dồn ánh mắt vào anh. Anh có cảm giác bị ngàn vạn ánh mắt đè dí xuống. Vậy là anh ta quyết định đứng lại, vẫy vẫy tay giữa trời, coi như đáp lại tiếng hô cố lên, sau đấy anh đi từng bước một, nở nụ cười, giống như đang trên sân khấu. Lúc ấy mọi người thấy anh đi ngay ngắn, tưởng như vừa rồi anh chạy là biểu diễn, thật ra đã làm lộ bí mật, khiến anh khó xử, mặt khác cũng làm người khác biết về anh, một người thọt. Một người thọt rất buồn cười và cũng rất thoải mái. Thật ra, mười lăm năm trước, anh đã ở đây tròn bốn năm, rồi lặng lẽ cáo chung, nhưng chiều hôm nay anh chỉ với mấy phút trở thành nhân vật cả trường ai cũng biết. Mấy hôm sau, khi anh bí mật đưa Kim Trân đi, mọi người đều nói: chính cái anh thọt khiêu vũ dưới mưa hôm ấy đưa đi.
2
Đúng là anh đến để đưa Kim Trân đi.
Vào dịp hè hàng năm, trường đại học N vẫn có những người đến tuyển người, nhưng anh là người độc nhất vô nhị. Anh là người của một đơn vị cỡ lớn, đến rất bí mật, đến là vào ngay phòng Hiệu trưởng. Văn phòng Hiệu trưởng không có ai, anh sang văn phòng của Chánh văn phòng nhà trường ngay kế bên, lúc ấy hiệu trưởng đang ở đấy bàn công chuyện với ông Chánh văn phòng. Anh vào, bảo cần gặp Hiệu trưởng, ông Chánh văn phòng hỏi anh là ai. Anh nửa đùa nửa thật, nói: “Đến tuyển người!”
Ông chánh văn phòng nói: “Vậy anh đến phòng sinh viên.”
Anh nói: “Tôi cần gặp Hiệu trưởng trước.”
Ông Chánh văn phòng: “Có việc gì?”
Anh nói: “Tôi có cái này, muốn cho ông Hiệu trưởng xem.”
Chánh văn phòng: “Cái gì thế, tôi xem nào.”
“Ông có phải Hiệu trưởng không? Chỉ Hiệu trưởng mới được xem.” Anh nói rất kiên quyết.
Ông Chánh văn phòng nhìn ông Hiệu trưởng, ông Hiệu trưởng hỏi: “Cái gì thế, đưa tôi xem.”
Biết chắc đấy là Hiệu trưởng, anh mới mở xà cột, lấy ra một cặp tài liệu, cái cặp rất thông dụng, cặp làm bằng bìa cứng, hầu hết các thầy giáo đều có. Anh lấy một tờ công văn, đưa cho ông Hiệu trưởng, yêu cầu ông đọc.
Ông Hiệu trưởng tiếp nhận tờ công văn, lùi lại vài bước và đọc. Ông Chánh văn phòng chỉ có thể thấy mặt sau của văn thư, tờ giấy không lớn, không cứng, cũng chẳng có trang trí đặc biệt, không khác gì những giấy giới thiệu thông thường. Nhưng nhìn phản ứng của ông Hiệu trưởng, vẻ khác biệt khá lớn. Anh chú ý, ông Hiệu trưởng chừng như chỉ lướt qua, có thể ông thấy con dấu đóng ở góc bên phải, vẻ mặt lập tức trở nên nghiêm túc và thận trọng.
“Anh là Trịnh, Trưởng phòng à?”
“Đúng vậy.”
“Xin lỗi, tôi không biết.”
Ông Hiệu trưởng nhiệt tình mời anh ta sang phòng của mình.
Không ai biết đấy là công văn của cơ quan nào mà có phong độ như vậy, khiến ông Hiệu trưởng phải kính nể. Ông Chánh văn phòng nhà trường cần phải biết bí mật, vì nhà trường quy định tất cả các công văn của các nơi gửi đến đều do văn phòng giữ. Về sau, ông không thấy ông Hiệu trưởng giao lại công văn kia, một hôm ông hỏi, ông Hiệu trưởng bảo đốt đi rồi. Ông Hiệu trưởng nói: câu đầu tiên của công văn kia viết: đọc xong phải đốt ngay. Ông chánh văn phòng cảm thán: rất bí mật hay sao? Ông Hiệu trưởng nói: quên chuyện ấy đi, đừng nói lại với ai.
Sự thật thì, ông Hiệu trưởng đưa Trịnh Thọt về văn phòng của mình, tay anh đã cầm sẵn bao diêm, chờ ông Hiệu trưởng đọc xong, anh quẹt diêm, nói với ông Hiệu trưởng:
“Tôi đốt đi nhé?”
“Ừ, đốt đi.”
Vậy là đốt.
Hai người ngồi không nói gì nhiều, chỉ lặng lẽ nhìn ngọn lửa thiêu tờ giấy thành tro.
Tờ giấy cháy hết, ông Hiệu trưởng hỏi: “Anh cần bao nhiêu người?”
Anh đưa một ngón tay ra: “Một người.”
Ông Hiệu trưởng hỏi: “Chuyên ngành nào?”
Anh lại mở cặp hồ sơ, lấy ra một tờ giấy, nói: “Đây là suy nghĩ và yêu cầu của tôi về người tôi cần, không nhất thiết toàn diện, đây chỉ là tham khảo”.
Tờ giấy lớn bằng tờ công văn vừa rồi, giấy khổ A4, không đóng dấu, không phải chữ in, mà là viết tay. Ông Hiệu trưởng nhìn lướt qua, hỏi:
“Tờ giấy này đọc xong cũng đốt ngay à?”
“Không.” Anh cười: “Ông cho đây là bí mật hay sao?”
“Tôi chưa kịp nhìn.” Ông Hiệu trưởng nói: “Không biết có gì bí mật không.”
“Không có gì bí mật.” Anh nói: “Ông có thể đưa cho những người có liên quan hay sinh viên xem, ai cảm thấy thích hợp thì đến gặp tôi, tôi ở ngay trong chiêu đãi sở của trường, phòng số 302, gặp vào lúc nào cũng được.”
Ngay tối hôm ấy, có hai sinh viên giỏi của khoa toán được nhà trường đưa đến phòng số 302. Sau đấy phòng 302 liên tiếp có người ra vào, đến chiều ngày thứ ba có đến hai mươi hai sinh viên do nhà trường giới thiệu hoặc tự đến phòng số 302 để gặp Trịnh Thọt bí ẩn. Những sinh viên này phần đông thuộc khoa toán, trong đó có bảy nghiên cứu sinh trong số chín người thuộc khoá thứ hai nhà trường mới tuyển chọn, cá biệt có những sinh viên chuyên ngành toán của các khoa khác. Tóm lại, khả năng toán học là điều kiện thứ nhất để Trịnh Thọt tuyển chọn, chừng như đây cũng là điều kiện duy nhất. Nhưng, những người sau khi đến gặp đều nói chuyện vớ vẩn, ai cũng nghi ngờ tính nghiêm túc, chân thật của sự việc. Nói đến bản thân Trịnh Thọt, thậm chí mọi người nghiến răng nghiến lợi chửi anh ta là kẻ thần kinh, chân thọt cộng thêm thần kinh. Một nửa trong số đó sau khi vào phòng anh ở, anh không thèm ngó ngàng, họ đứng hoặc ngồi ngẩn ngơ hồi lâu, anh xua tay bảo họ về. Giáo sư Quan của khoa toán được sinh viên phản ánh, ông đến chiêu đãi sở trực tiếp hỏi Trịnh Thọt cho ra nhẽ, người đến chưa hỏi chưa nói gì đã bị xua đuổi, câu trả lời nhận được là: đấy là cách làm việc của tôi.
Trịnh Thọt nói: “Mèo có lối đi của mèo, chó có lối đi của chó, huấn luyện viên thể dục dựa vào xương cốt chọn vận động viên, tôi chọn người có tố chất tâm lí vững vàng. Có người thấy tôi không để mắt đến, người ấy tỏ ra không tự nhiên, đứng ngồi không yên, bối rối, tôi không cần những người có tố chất tâm lí như thế.”
Giọng nói nghe hay hơn hát, thật hay giả chỉ một mình anh ta biết.
Buổi chiều hôm thứ ba, Trịnh Thọt mời ông Hiệu trưởng đến chiêu đãi sở để nói về tình hình tuyển người lần này, cảm giác chung là không lí tưởng, nhưng cũng không phải không có hi vọng. Anh đưa cho ông Hiệu trưởng danh sách năm trong số hai mươi hai người mà ông đã gặp, muốn xem hồ sơ lí lịch của những người ấy, có thể người mà anh ta sẽ chọn là một trong số năm người này. Ông Hiệu trưởng thấy công việc đã đi đến hồi kết, lại nghe nói anh ta ngày mai sẽ đi, nên ông ở lại ăn bữa cơm thường với anh tại chiêu đãi sở nhà trường. Đang ăn, Trịnh Thọt như sực nhớ ra điều gì, hỏi ông Hiệu trưởng về ông Lily Hiệu trưởng cũ, ông Hiệu trưởng nói:
“Nếu ông cần gặp ông Hiệu trưởng cũ, tôi sẽ mời ông ấy đến.”
Trịnh Thọt nói: “Làm gì có chuyện ông ấy đến gặp tôi, mà phải là tôi đến gặp ông ấy.”
Tối hôm ấy, Trịnh Thọt đi gặp ông Lily.
(Ghi theo lời kể của thầy Dung)
Hôm ấy tôi xuống mở cửa cho anh ta, tôi không quen mà cũng không biết anh ta là con người bí ẩn đã hai hôm nay trong khoa vẫn kháo nhau. Lúc đầu cha cũng không biết, nhưng tôi đã nói với cha về chuyện có người đang đảo lộn cả khoa. Sau đấy cha biết đấy là con người bí ẩn kia, cha gọi tôi vào, giới thiệu với anh ta. Lúc ấy tôi rất hiếu kì, hỏi anh ấy lấy người để làm việc gì. Anh ấy không trả lời thẳng câu hỏi của tôi, chỉ nói để làm một công tác vô cùng quan trọng. Tôi hỏi, quan trọng đến mức nào, có liên quan đến sự sinh tồn hay phát triển con người? Anh ta nói có liên quan đến an nguy quốc gia. Tôi hỏi, việc tuyển chọn đến đâu rồi, chừng như anh ta không thật thoả mãn, nói: bó đũa chọn cột cờ vậy.
Trước đấy, chắc chắn anh đã nói chuyện này với cha tôi rồi. Chừng như cha biết anh cần người như thế nào. Trông cái vẻ không thoả mãn của anh, cha nói như đùa: thật ra, có người rất thích hợp yêu cầu của anh.
Ai? Anh ta tỏ ra rất nghiêm túc.
Cha vẫn như đùa, nói: xa tận chân trời, gần ngay trước mắt.
Anh ta cho rằng, người cha nói là tôi, anh lập tức hỏi thăm tình hình tôi, cuối cùng cha chỉ Trân trong khung kính, nói: cậu kia. Anh ta hỏi đấy là ai? Cha lại chỉ vào tấm ảnh cô tôi, nói: anh không thấy hai người kia giống nhau hay sao? Anh ta đến gần khung kính, nhìn kĩ, nói: giống lắm. Cha nói: lớp sau của cô kia, là cháu.
Trong ấn tượng của tôi, chưa bao giờ cha giới thiệu với ai về Trân như thế, chừng như đấy là lần đầu tiên. Mà cũng không biết tại sao cha lại nói như thế, cũng có thể anh ta là người ngoài, không hiểu tình hình, cho nên cha nói có phần tuỳ tiện. Hơn nữa, anh ta là người đã tốt nghiệp Đại học N, tất nhiên phải biết cô tôi là ai. Nghe cha tôi nói, anh ta bỗng phấn chấn hẳn lên, liền hỏi thăm chúng tôi về Trân. Cha cũng rất phấn khởi nói về Trân, nói có phần khoa trương. Nhưng cha nhắc nhở anh ta, đừng đụng đến đầu óc Trân. Anh ta hỏi tại sao, cha nói: vì đề tài nghiên cứu của tôi cần đến Trân. Cha cười, không nói gì thêm, cho đến khi anh ta sắp ra về cha cũng không nói thêm gì, tạo nên cảm giác cha đã quên hẳn Trân.
Sáng hôm sau, Trân về ăn cơm, nói tối hôm qua rất muộn có người đến tìm. Hồi ấy, điều kiện của nhóm nghiên cứu rất tốt, Trân thường làm việc đến khuya, ở lại văn phòng, chỉ về nhà ăn cơm. Trân nói, tất nhiên cha biết người đến tìm là ai, cha cười: xem ra anh ta vẫn chưa từ bỏ ý định.
Trân hỏi: người ấy là ai?
Cha nói: mặc người ta.
Trân nói: ông ấy rất muốn em về cơ quan ông ấy.
Cha hỏi: em có muốn không?
Trân nói: em nghe lời thầy.
Cha nói: vậy thì mặc kệ người ta.
Đang nói chuyện thì có tiếng gõ cửa, người đến lại là anh ta. Cha trông thấy, việc đầu tiên là mời anh ta cùng ăn sáng, anh ta nói đã ăn ở nhà khách, cha mời anh ta lên gác ngồi chơi, cha sẽ ăn xong ngay. Ăn xong, cha bảo Trân đi, vẫn nhắc lại câu nói: mặc kệ người ta.
Trân đã đi, tôi cùng cha lên lầu, thấy anh ta đang ngồi hút thuốc ở phòng khách. Cha tỏ ra rất khách khí, nhưng trong lời nói lại không có gì khách khí. Cha hỏi, anh đến chào từ biệt hay đến lấy người? Cha nói, nếu đến lấy người thì cha không tiếp, vì tối hôm qua đã nói, đừng nghĩ đến Trân, có nghĩ đến cũng vô ích. Anh ta nói: xin bác tiếp tôi, tôi đến để chào bác.
Cha mời anh ta vào thư phòng.
Vì buổi sáng tôi có giờ, chỉ nói chuyện với anh ta vài câu rồi về phòng riêng để chuẩn bị. Lát sau tôi ra, định chào anh ta một câu, nhưng thấy cửa thư phòng của cha đóng kín, nghĩ bụng, thôi, không chào nữa. Đến lúc hết giờ trên lớp, mẹ tôi rất buồn, nói Trân phải đi. Tôi hỏi đi đâu, vậy là mẹ tôi khóc, nói: đi với người kia, cha đồng ý rồi.
Không ai biết Trịnh Thọt nói gì với ông Lily trong thư phòng đóng kín cửa. Thầy Dung bảo, cha cấm mọi người hỏi đến chuyện ấy, hễ hỏi là cha nổi cáu, bảo có những chuyện chôn chặt trong bụng, nói ra sẽ gây phiền phức. Nhưng có điều rõ ràng là không được nghi ngờ, tức là: thông qua buổi nói chuyện bí mật, Trịnh Thọt đã làm cho ông Lily vốn khó thay đổi trở nên hồ đồ. Nghe nói, hai người nói chuyện chỉ hơn nửa tiếng đồng hồ, vậy mà lúc ra khỏi phòng, ông Lily nói với vợ, chuẩn bị để Kim Trân đi.
Khỏi phải nói, qua chuyện này, sự bí ẩn của Trịnh Thọt đạt đến cực điểm, sự bí ẩn ấy về sau không ngừng tán phát trong đầu óc Kim Trân.
3
Sự bí ẩn của Kim Trân bắt đầu từ buổi chiều hôm ấy, tức là ngay buổi chiều Trịnh Thọt và ông Lily mật đàm, bắt đầu tiết lộ. Buổi chiều hôm ấy, Trịnh Thọt đưa Kim Trân đi bằng chiếc xe Jeep, đến tối mới về, vẫn là chiếc ô tô con đưa về. về đến nhà, ánh mắt Kim Trân bắt đầu tỏ ra bí ẩn, đã lâu Kim Trân không nhìn những người trong gia đình bằng ánh mắt thân thiết, có thể nói sự bí ẩn lộ ra ở hành vi, cho mọi người cảm giác sau khi đi với ông Trịnh, cậu có sự ngăn cách với người trong nhà. Hồi lâu sau, ông Lily vặn hỏi, cậu ta mới thở dài, ấp úng:
“Thầy Hiệu trưởng đưa em đến một nơi mà em không muốn đến.”
Nói năng rất nhẹ nhàng, nhưng lại rất nặng nề, khiến những người có mặt, ông Lily, bà vợ và thầy Dung, đều ngạc nhiên.
Ông Lily hỏi: “Có chuyện gì?”
Cậu ta nói: “Em cũng không biết phải nói thế nào, lúc này em chỉ có thể nói những điều không thể nói.”
Những ánh mắt vốn căng thẳng thêm căng thẳng.
Bà Lily khuyên: “Nếu em thấy không nên đi thì thôi, không nhất thiết phải đi.”
Kim Trân nói; “Không đi không được.”
Bà Lily nói: “Đâu có chuyện? Thầy Hiệu trưởng (chỉ ông Lily) là thầy Hiệu trưởng, em là em, thầy đồng ý không thể nói là em phải đồng ý. Cô thấy em vẫn nghe lời thầy, việc này em tự quyết định, muốn đi thì đi, không thích đi thì thôi, để cô nói giúp em.”
Kim Trân nói: “Không thể được.”
Bà Lily nói: “Tại sao không?”
Kim Trân nói: “Họ đã chấm rồi thì không ai có thể từ chối.”
Bà Lily nói: “Cơ quan nào, đơn vị nào mà quyền hành to vậy?”
Kim Trân nói: “Không thể nói ra.”
Bà Lily nói: “Ngay cả với cô giáo cũng không thể nói được à?”
Kim Trân nói: “Không thể nói với bất cứ ai, em đã tuyên thề...”
Ngay lúc ấy, ông Lily vỗ tay, đứng dậy, rất hiên ngang, nói: “Thôi, đừng nói gì nữa, bao giờ đi? Quyết định chưa? Chúng ta chuẩn bị cho Trân.”
Kim Trân nói: “Đi ngay trước khi trời sáng.”
Đêm hôm ấy cả nhà không ai ngủ, mọi người bận chuẩn bị cho Kim Trân, đến bốn giờ sáng, hành lí đã sẵn sàng, chủ yếu có sách vở, áo quần mùa đông, tất cả đóng vào hai cái thùng giấy. Chuẩn bị thêm những đồ dùng hàng ngày, tuy Kim Trân và ông Lily nói, có những thứ có thể tạm thời mua sắm, khỏi cần đem theo, nhưng hai người phụ nữ chừng như không kiềm chế nổi, cứ lên lên xuống xuống, moi óc suy nghĩ, lúc là cái đài thu thanh, lúc là bao thuốc lá, lúc gói trà, thuốc chữa bệnh, rất chi tiết, rất kiên nhẫn, nhét đầy va li. Gần năm giờ, mọi người xuống tầng dưới, bà Lily tâm trạng rối bời, không thể vào bếp lấy thức ăn sáng cho Kim Trân, bà đành bảo con gái làm. Nhưng bà vẫn ngồi trong bếp, không rời nửa bước chỉ huy con gái, yêu cầu này khác. Không phải thầy Dung không biết nấu nướng, mà vì bữa ăn này rất không bình thường, bữa ăn tiễn biệt. Trong lòng bà Lily, bữa ăn tiễn biệt phải đạt được bốn yêu cầu:
1. Món chính là một tô mì mang ý nghĩa bình an, trường thọ;
2. Mì phải là mì kiều mạch, mì kiều mạch mềm hơn mì bình thường, mang ý nghĩa con người có thể co, có thể duỗi;
3. Gia vị nhất thiết phải có dấm chua, ớt cay và nhân đào, nhân đào đắng, ý nói có cả chua cay ngọt đắng, trong đó ba vị chua, cay, đắng để lại nhà, ra đi chỉ có ngọt ngào.
4. Số lượng thà ít hơn nhiều, vì đến lúc ăn Kim Trân sẽ không bỏ thừa một tị nước canh nào, tượng trưng cho sự viên mãn, trọn vẹn.
Thật ra, đấy là tấm lòng của bà Lily hơn là một tô mì, tô mì là lời chúc mừng và mong đợi.
Tô mì ngụ ý sâu sắc được đưa lên bàn, bà Lily bảo Kim Trân ăn, bà ngồi bên cạnh lấy ra một miếng ngọc có khắc hình con hổ nằm, ấn vào tay Kim Trân, bảo cậu ta ăn xong rồi cài vào thắt lưng, đem theo nó sẽ gặp may. Đúng lúc ấy, ngoài cửa có tiếng ô tô dừng lại. Chỉ lát sau, ông Trịnh đưa người lái xe vào, sau khi chào hỏi mọi người, ông ta bảo người lái xe đưa hành lí của Kim Trân lên xe.
Kim Trân vẫn lặng lẽ ăn hết tô mì, cậu ta im lặng từ lúc bắt đầu ăn, im lặng không lời nào có thể tả nổi. Tô mì đã ăn không còn một giọt nước canh nào, nhưng cậu ta vẫn lặng lẽ ngồi yên, không có ý đứng dậy.
Trịnh Thọt đi tới, vỗ vai cậu ta, tưởng như đã là người của anh ta, nói: “Chào mọi người đi, tôi chờ cậu ở xe.” Anh quay đầu, chào bà Lily và thầy Dung.
Căn phòng lặng lẽ, những ánh mắt lặng lẽ thu lại, ngưng đọng. Tay Kim Trân vẫn nắm chặt viên ngọc, cậu đang cố bóp viên ngọc, tiếng động duy nhất trong căn phòng.
Bà Lily nói: “Em để nó vào lưng quần, nó sẽ cho em vận may.”
Kim Trân đưa viên ngọc lên hôn, chuẩn bị nhét vào lưng quần.
Ngay lúc ấy, ông Lily cầm lấy viên ngọc tròng tay Kim Trân, nói: “Chỉ những kẻ phàm phu tục tử mới cần nó đưa lại may mắn, em là một thiên tài, hãy tin vào tài năng của bản thân.” Nói xong, ông rút từ trong túi ra cây bút máy đã dùng nửa thế kỉ nay, đưa cho Kim Trân, nói: “Em cần cái này hơn, em ghi lại những suy nghĩ của mình, dừng để nó trôi mất, em sẽ nhận ra không có ai bằng mình.”
Kim Trân lặng lẽ hôn cây bút máy rồi cài nó lên ngực áo. Bên ngoài có tiếng còi ô tô, chỉ một tiếng rất ngắn. Kim Trân như không nghe thấy, vẫn ngồi im.
Ông Lily nói: “Họ đang giục em đấy.”
Kim Trân vẫn ngồi bất động.
Ồng Lily nói: “Em đi làm việc cho nhà nước, phải vui vẻ chứ.”
Kim Trân vẫn ngồi bất động.
Ông Lily nói: “Trong nhà là nhà của em, ngoài kia là đất nước, không có đất nước sẽ không có nhà, đi đi, đừng mất thì giờ nữa.”
Kim Trân vẫn ngồi bất động, tưởng như nỗi buồn li biệt gắn chặt cậu vào cái ghế, không động đậy nổi.
Bên ngoài lại có tiếng còi ô tô, tiếng còi dài hơn vừa rồi. Ông Lily nhìn Kim Trân vẫn ngồi yên, ông đưa mắt nhìn bà vợ, như bảo hãy nói với nó một câu.
Bà Lily đi tới, hai tay nhẹ nhàng đặt lên vai Kim Trân, nói: “Đi đi, em, đằng nào cũng phải đi, cô chờ thư em.”
Bàn tay bà Lily như làm Kim Trân bừng tỉnh, cậu mơ màng đứng dậy, vội vàng bước ra cửa, nhưng vẫn im lặng, bước chân nhẹ nhàng giống như những bước mộng du, khiến những người trong gia đình đều không hiểu ra sao, giống như mộng du cùng cậu ta. Ra đến cửa, Kim Trân bỗng quay lại, quỳ thụp xuống, cúi lạy ông bà Lily, nói với giọng đầy nước mắt:
“Mẹ, con đi, dù đến chân trời góc biển nào con cũng là...” Đó là sự việc xảy ra lúc hơn năm giờ sáng ngày mười một tháng sáu năm 1956, vào thời điểm ấy, Kim Trân thiên tài toán học suốt hơn một chục năm sống tại Đại học N yên tĩnh và ồn ào, như một cái cây, như một truyền thuyết, bước vào con đường bí mật, không quay trở lại. Trước lúc đi, cậu ta đề nghị ông bà Lily cho cậu được gọi là Dung Kim Trân, cậu chia tay với cái tên mới, thân phận mới, từ cuộc chia tay đầy lưu luyến, cảm động đến khuôn mặt đầm đìa nước mắt, cả người ra đi và người ở lại đều hiểu đây là cuộc chia li không bình thường. Có thể nói không quá rằng, từ đấy về sau không ai biết Kim Trân đi đâu, cậu ta biến mất trong bóng tối của buổi bình minh cùng chiếc xe Jeep, lại giống như một cánh chim đưa cậu ta đến một thế giới khác. Có cảm giác cái tên mới (hoặc thân phận mới) làm một bức màn đen che khuất quá khứ và tương lai của Kim Trân, ngăn cách cậu ta với thế giới hiện tại. Từ đấy về sau, mọi người chỉ biết cậu ta ở đâu đấy, cái nơi có địa chỉ gửi thư:
Hòm thư số 36 - thành phố C.
Hình như rất gần ngay bên cạnh.
Nhưng chẳng ai biết đấy là nơi nào.
(Ghi theo lời kể của thầy Dung)
Tôi đã từng hỏi mấy sinh viên đã tốt nghiệp về làm việc ở các bưu cục, hòm thư số 36 của thành phố này là đơn vị nào, ở đâu? Câu trả lời đều không biết, tưởng như đấy là địa chỉ ngoài trái đất. Lúc đầu tôi cư nghĩ địa chỉ này ở ngay trong thành phố, nhưng khi nhận được thư của Kim Trân, thời gian thư đi trên đường đã mách bảo với tôi, đấy không phải là chuyện có thể bịt được mắt mọi người. Có thể nơi ấy rất xa, có thể là dưới lòng đất một nơi thật xa.
Lá thư đầu tiên Trân viết sau khi rời gia đình được ba ngày, chúng tôi nhận được vào ngày thứ mười hai. Trên bì thư không có địa chỉ người gửi, góc bì thư vẫn đề địa chỉ là một câu nói của Mao Chủ tịch: sống vĩ đại, chết vinh quang. Là thủ bút của Mao Chủ tịch, được in màu đỏ. Đặc biệt bì thư không có dấu bưu cục xuất phát, chỉ có dấu bưu cục nhận. Tất cả các thư sau đều như thế, cùng một loại bì thư, cũng không có dấu bưu cục phát, thời gian chuyển thư gần bằng nhau, khoảng tám, chín ngày. Cho đến khi Cách mạng Văn hoá bắt đầu, câu nói của Mao Chủ tịch được thay bằng lời bài hát được lưu hành rộng rãi thời đó: Ra khơi nhờ tay lái vững. Còn nữa không có gì thay đổi. Bí mật quốc gia là gì? Từ những bức thư bí ẩn của Trân mà tôi biết được chút ít.
Mùa đông năm Trân đi, tháng mười hai, vào một buổi tối, ngoài trời gió to, nhiệt độ bỗng hạ thấp, lúc ăn cơm, cha bỗng cảm thấy đau đầu, mọi người đều nghĩ cha bị cảm lạnh, cha uống mấy viên Aspirine rồi lên lầu đi nằm. Mấy tiếng đồng hồ sau, khi mẹ lên giường đi ngủ, phát hiện người cha vẫn nóng, nhưng đã tắt thở. Vậy là cha đã đi, tưởng như mấy viên thuốc uống trước khi đi ngủ là thuốc độc, chừng như cha biết không có Trân đề tài nghiên cứu khoa học của cha đã bị đẻ non, cho nên cha dứt khoát kết thúc đời mình.
Tất nhiên, sự thật không phải thế, là bởi máu tràn màng não đã cướp sinh mệnh của cha.
Có gọi Trân về hay không, lúc đầu tôi rất do dự, chỉ nghĩ Trân đi chưa được bao lâu, nơi công tác của nó rất quan trọng và bí mật, lại rất xa. Lúc ấy tôi đã xác định Trân không ở thành phố này. Cuối cùng mẹ quyết định gọi Trân về, mẹ nói: Trân mang họ Dung, gọi mẹ bằng mẹ, nó là con của mẹ, cha qua đời tất nhiên phải gọi về. Vậy là tôi đánh điện cho Trân, báo để Trân về chịu tang.
Nhưng không phải là Trân về mà là một người lạ, anh này thay mặt Trân đến đặt vòng hoa viếng cha. Vòng hoa rất lớn, lớn nhất trong số những vòng hoa đưa đến viếng, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy không được an ủi, thậm chí còn buồn đau hơn. Nói thật, chúng tôi hiểu Trân, nếu có thể về Trân sẽ về, Trân là người coi nghĩa tử là nghĩa tận, hễ biết thể nào Trân cũng tìm mọi cách để về, không phải là người sợ hãi điều gì. Trân không về, tất nhiên chúng tôi cũng suy nghĩ nhiều, không hiểu tại sao, có thể người đến viếng đã nói không rõ ràng, những là sau này gia đình có chuyện gì, khả năng Trân về thăm là rất ít, những là họ là anh em thân thiết với Kim Trân, họ đến là thay mặt Trân; những là anh ta không thể trả lời gia đình, chuyện ấy không thể nói, vân vân. Tôi nghe và nghĩ, có lúc nghĩ đã có chuyện gì xảy ra với Trân rồi chăng, chết chẳng hạn. Nhất là từ đấy về sau thư của Trân cứ thưa dần, ngắn dần, hơn nữa năm nào cũng vẫn vậy, chỉ thấy thư không thấy người, càng ngày tôi càng nghĩ Trân không còn sống trên đời này nữa. Trong một cơ quan vừa bí ẩn vừa bí mật có liên quan đến an nguy quốc gia, có thể sinh mệnh rất dễ vĩ đại, cũng dễ giành được vinh quang, nhưng cũng đưa lại cho gia đình hiện tượng giả người chết như đang sống. Có thể nói đấy là phương thức để chúng tôi thể hiện sự vinh quang, là một bộ phận của vinh quang. Tóm lại, Trân theo năm tháng không về thăm nhà, không trông thấy con người Trân, không nghe tiếng nói của Trân, chỉ dựa vào những bức thư, tôi không còn tin Trân có thể bình an trở về.
Đến năm 1966, Đại Cách mạng Văn hoá bùng nổ, trái bom chôn vùi trong số phận tôi mấy chục năm cũng bùng nổ, một tờ báo chữ to vạch tội tôi, bảo tôi yêu tha thiết con người kia (bạn trai của thầy Dung), thế là đủ loại suy luận, giả tưởng ma quái, táo tợn, li kì liên tiếp xuất hiện, nào là ngoài anh ấy ra tôi không lấy ai, nào là yêu anh ấy tức là yêu Quốc Dân đảng, nào là tôi là tình nhân của Quốc Dân đảng, tôi là gián điệp của Quốc Dân đảng, vân vân, họ nói đủ thứ, nói chắc như đinh đóng cột, không được phép nghi ngờ.
Ngay buổi chiều báo chữ to dán lên, mấy chục sinh viên nhao nhao đến bao vây nhà tôi, có thể cái uy của cha tôi còn dư lại, chúng chỉ hò hét không xông vào nhà lục soát, về sau ông Hiệu trưởng kịp thời đến khuyên bọn chúng. Đấy là tai hoạ đầu tiên của tôi, chừng như chỉ đến thế, không có những hành vi quá khích.
Hơn một tháng sau, tai hoạ thứ hai đến với tôi. Mấy trăm con người áp giải ông Hiệu trưởng, theo sau là mấy nhân vật quyền uy của trường, họ đến và xông vào nhà tôi, lôi cổ tôi ra, chụp lên đầu cái mũ có chữ “Tình nhân Quốc Dân đảng”, đẩy vào tốp người bị phê đấu, đưa đi bêu rếu như một lũ tội phạm. Sau đấy, họ nhốt tôi vào nhà vệ sinh cùng một cô giáo khoa hoá vốn có dư luận sinh hoạt thiếu lành mạnh, ban ngày lôi ra đấu, buổi tối bắt viết kiểm điểm. Hai chúng tôi bị cạo nửa đầu, người không ra người ma không ra ma. Một hôm, trong buổi phê đấu, mẹ trông thấy tôi, bà hoảng sợ quá, ngất ngay tại chỗ.
Mẹ nằm bệnh viện không biết sống chết thế nào, bản thân không biết là người hay ma, những ngày này tôi như trong chảo mỡ nóng. Tối hôm ấy, tôi lén gửi cho Trân một bức điện, điện chỉ một câu: “Nếu còn sống hãy về cứu chị!” Bức điện với danh nghĩa mẹ. Hôm sau, một sinh viên đồng cảm với tôi giúp tôi đánh điện. Điện gửi đi rồi, tôi suy nghĩ các khả năng, khả năng lớn nhất là không có hồi âm, kế đó là khả năng có người về như hồi cha chết, tôi nghĩ không có khả năng Trân về, càng không dám nghĩ Trân xuất hiện một cách nhanh chóng.
Hôm ấy, thầy Dung cùng với “đồng đảng” tiếp nhận sự phê đấu ở toà nhà khoa hoá. Hai người đứng ở bậc thềm sảnh ra vào, đầu đội mũ, ngực đeo tấm biển có những chữ thật to, hai bên là cờ đỏ và băng khẩu hiệu, dưới là sinh viên và cán bộ giảng dạy, chừng hai trăm người, họ ngồi, người phát biểu đứng dậy, cảm giác rất có trật tự.
Cứ như vậy, bắt đầu từ mười giờ sáng, vừa vạch tội, vừa phê phán. Đến trưa, họ ăn cơm tại chỗ, thầy Dung và những người bị đấu ngồi đọc “Lời dạy của Mao chủ tịch”, đến hơn bốn giờ chiều, hai người đứng chân đã tê mỏi, khuỵu xuống. Lúc ấy, một chiếc ô tô có gắn quân hiệu bỗng chạy tới, đứng trước toà nhà, khiến mọi người phải chú ý. Ba người từ trên xe bước xuống, hai người cao to kèm giữa một người thấp bé, đi thẳng vào hiện trường đấu tố. Họ sắp bước lên bậc thềm thì bị Hồng vệ binh canh gác ngăn lại, hỏi họ là ai. Người nhỏ con đi giữa nói với vẻ hách dịch:
“Tôi đến đưa bà Dung Nhân Dịch đi.”
“Anh là người thế nào?”
“Người đến đưa bà ấy đi.”
Một Hồng vệ binh thấy người kia nói năng đàng hoàng, mặt cau có, lớn tiếng đáp:
“Mụ ấy là tình nhân của Quốc Dân đảng, không được đi!”
Người nhỏ con giận dữ nhìn anh Hồng vệ binh kia, lớn tiếng chửi thẳng: “Láo! Nếu bà ấy là Quốc Dân đảng, vậy tao đây cũng là Quốc Dân đảng à? Nói cho mày biết, hôm nay tao phải đưa bà ấy đi bằng được, tránh ra!”
Nói xong, họ gạt những người ngăn cản, bước lên thềm.
Lúc ấy, không biết ai đó gào to: “Chúng dám chửi Hồng vệ binh chúng ta, gô cổ chúng lại!”
Mọi người đứng bật dậy, tràn ra, vây lấy anh kia và tung đòn hội chợ. Nếu không có người bảo vệ, người kia chắc đã chết vì đòn hội chợ, rất may hai người bảo vệ anh ta cao lớn, xem ra là người bản lĩnh cao cường, chỉ vài động tác đã tạo thành vòng tròn để người kia đứng ở giữa, hai người như hộ vệ, hô to:
“Chúng tôi là người của Mao Chủ tịch, ai đụng đến chúng tôi người đó không phải là người của Mao Chủ tịch, không phải là Hồng vệ binh. Chúng tôi là người thân nhất của Mao Chủ tịch, tránh ra, tránh ra!”
Dựa vào sự dũng cảm, hai người cứu được người bé nhỏ ra khỏi vòng vây, một người hộ tống anh kia chạy, một người nữa chạy theo sau, nhưng bỗng quay lại, rút khẩu súng lục từ trong người ra, bắn chỉ thiên, hét lên:
“Đứng lại! Mao Chủ tịch cử tôi đến đây.”
Tiếng súng và vẻ uy nghiêm của anh ta đã trấn áp được đám đông, họ đứng lại nhìn thẳng vào anh ta. Nhưng phía sau có ai đó hô to: Hồng vệ binh không sợ chết, không sợ hắn. Xem ra sắp xảy ra xô xát. Lúc ấy anh ta lấy từ trong túi ra một cuốn sách bìa đỏ, trên bìa có in hình quốc huy, mở ra một trang, giơ cao, nói thật to:
“Các người thấy đây, chúng tôi là người của Mao Chủ tịch! Chúng tôi chấp hành nhiệm vụ của Mao Chủ tịch giao, kẻ nào dám ngăn cản, Mao Chủ tịch sẽ cử quân đội đến bắt. Lúc này chúng ta đều là người của Mao Chủ tịch, có gì thì nói với nhau, mời lãnh đạo của các đồng chí đứng ra, Mao Chủ tịch sẽ nói chuyện.”
Có hai người tách khỏi đám đông, người kia cất súng, gọi hai người đến thì thầm điều gì đó, hai người bị thuyết phục, quay lại nói với đám đông rằng anh ta đúng là người của Mao Chủ tịch, yêu cầu mọi người về chỗ cũ. Chỉ lát sau, hiện trường trở nên yên tĩnh, hai người chạy xa mấy chục mét cũng quay lại, một người dẫn đầu đám đông đi tới bắt tay người bé nhỏ, một người nữa giới thiệu cho mọi người biết anh ta là anh hùng của Mao Chủ tịch, yêu cầu mọi người vỗ tay. Tiếng vỗ tay thưa thớt, chứng tỏ mọi người vẫn còn thắc mắc về người anh hùng này. Có thể sợ xảy ra chuyện gì nữa, người bắn súng không để người anh hùng đến gần, anh ta đi tới thì thầm điều gì, đưa anh kia lên xe, bảo lái xe cho xe chạy, còn anh ta ở lại.
Xe nổ máy, người anh hùng thò đầu ra cửa xe, kêu to:
“Chị, chị đừng sợ, em đi gọi người đến cứu chị.”
Người ấy là Kim Trân, Dung Kim Trân.
Tiếng gọi của Kim Trân vang vọng trên đầu mọi người, dư âm vẫn chưa tan thì đã có thêm một chiếc xe Jeep gắn quân hiệu chạy đến, dừng gấp trước cái xe của Kim Trân. Ba người từ trong xe chui ra, hai người mặc quân phục sĩ quan, họ đến nói gì đó với người vừa bắn súng, sau đấy giới thiệu để anh ta làm quen với một người. Người này là nhân vật số một của Hồng vệ binh nhà trường, vẫn gọi là Tư lệnh Dương.
Mấy người đứng bên chiếc xe bàn bạc một lúc, thấy Dương với vẻ nghiêm khắc đi đến đám Hồng vệ binh, không nói câu nào, giơ cao sách đỏ hô to Mao Chủ tịch muôn năm, những người ngồi dưới hô theo, hô cho đất rung núi chuyển. Hô xong, anh ta nhảy lên bậc thềm, lấy cái mũ trên đầu và tấm biển đeo trước ngực thầy Dung, nói với mọi người ngồi dưới: “Tôi xin bảo đảm với Mao Chủ tịch, bà không phải là tình nhân của Quốc Dân đảng, mà là chị của anh hùng chúng ta, là người thân của Mao Chủ tịch, là đồng chí cách mạng nhất của chúng ta.”
Nói xong, anh ta lại giơ nắm tay, liên tiếp hô to:
Mao Chủ tịch muôn năm!
Mao Chủ tịch muôn năm!
Mao Chủ tịch muôn năm!
Hô xong, anh ta lấy huy hiệu Hồng vệ binh xuống, tự tay gài cho thầy Dung. Ngay lúc ấy lại có người hô khẩu hiệu, hô không ngớt, giống như hô để đưa tiễn thầy Dung, thật ra là để che chở cho thầy Dung, tiếng hô khẩu hiệu sẽ làm mọi người bớt chú ý đến thầy. Vậy là thầy Dung giữa tiếng hô khẩu hiệu như sóng trào, kết thúc giai đoạn lịch sử bị cách mạng trừng phạt.
(Ghi theo lời kể của thầy Dung)
Nói thật, ngay lúc bấy giờ tôi không nhận ra Trân. Mười năm không gặp, trông Trân còn gầy hơn xưa, Trân đeo cặp kính dày như đít chai, giống như một ông lão, khiến tôi không dám nhận, cho đến khi Trân gọi chị, tôi mới như bừng tình giấc mơ. Nhưng giấc mơ ấy vẫn không tỉnh lại nổi, cho đến nay tôi vẫn nghi ngờ sự việc hôm ấy là mơ hay thực?
Khoảng thời gian từ khi gửi bức điện đi cho đến khi gặp lại Trân rất ngắn, có thể ở ngay thành phố này. Trân về, tỏ ra là người vừa có quyền, vừa bí ẩn, hình như đã trở thành nhân vật quan trọng. Hôm Trân ở nhà, người bắn súng giống như cái bóng luôn bám sát Trân, có cảm giác như bảo vệ lại như theo dõi, quản lí Trân không để tự do, chúng tôi nói gì với nhau, anh ta cũng can dự, không cho hỏi chuyện này, không cho nói chuyện kia. Cơm tối có ô tô đưa đến, về danh nghĩa nói là tránh phiền hà cho chúng tôi, thật ra là sợ chúng tôi bỏ thuốc độc vào thức ăn. Ăn xong, người kia giục Trân đi, mẹ và Trân yêu cầu, anh ta mới để Trân ở lại một đêm. Việc ấy hình như rất nguy hiểm đối với Trân, vì thế có thêm hai chiếc xe con nữa đến, bố trí canh phòng cửa trước cửa sau nhà tôi, có đến bảy tám người, mặc quân phục có, mặc thường phục có, anh ta và Trân ngủ cùng phòng trước khi ngủ, anh ta đi xem xét săm soi khắp lượt. Hôm sau, Trân đòi đi thăm mộ cha, bị họ từ chối thẳng thừng.
Vậy là, Trân về như giấc mơ, như một giấc mơ ở lại một đêm, ra đi cũng như một giấc mơ.
Qua lần gặp mặt ấy, Trân vẫn là điều bí ẩn đối với chúng tôi, thậm chí rất bí ẩn, điều mà chúng tôi biết rõ là Trân vẫn sống, đã lấy vợ, nghe nói lấy vợ cách đây ít lâu, vợ cùng làm một chỗ, chúng tôi không có cách nào biết được Trân đang làm việc gì, ở đâu, chỉ biết cô ấy tên là Cù Lợi, người Bắc Kinh. Cứ nhìn vào hai tấm ảnh Trân đưa về, cô này cao to hơn Trân, trông khoẻ mạnh, có điều ánh mắt rất buồn, giống như Trân, không thích thổ lộ bản thân. Trước khi đi, Trân ấn vào tay tôi một cái phong bì, rất dày, nói là của vợ gửi, bảo lúc nào Trân đi rồi hãy mở ra xem. về sau tôi xem, trong đó có hai trăm đồng và một lá thư của vợ Trân viết, thư nói cấp trên không đồng ý để cô cùng Trân về thăm nhà, rất xin lỗi. Khác với Trân, cô ta gọi mẹ tôi là má, má kính yêu.
Trân đi được ba hôm, người vẫn thay mặt đơn vị của Trân đến chúc mừng gia đình chúng tôi mỗi kì lễ tết, đưa đến cho chúng tôi một văn bản của Quân khu cùng với Ủy ban Cách mạng của tỉnh, nội dung nói: Dung Kim Trân được Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân uỷ trung ương phong tặng danh hiệu Anh hùng cách mạng, gia đình Cách mạng, gia đình Vinh quang, không một đơn vị nào, tổ chức hoặc cá nhân nào được đụng đến, không được có bất kì hành vi sai trái nào đối với bản thân người anh hùng. Trên văn bản còn ghi thêm: những ai vi phạm đều bị coi là phản cách mạng. Văn bản do chính Tư lệnh quân khu kí. Văn bản này như một thanh bảo kiếm, dựa vào nó, từ nay về sau gia đình chúng tôi không gặp bất cứ một rắc rối nào, kể cả tôi. Dựa vào văn bản ấy, anh trai tôi được về lại Đại học N, sau đấy được ra nước ngoài cũng là nhờ nó. Anh tôi nghiên cứu siêu dẫn, hồi ấy, thử hỏi trong nước lấy đâu ra điều kiện? Phải ra nước ngoài. Nhưng thử nghĩ, hồi ấy ra nước ngoài khó khăn đến chừng nào? Với một ý nghĩa nào đó, vào những năm tháng đặc biệt ấy, đúng là Trân đã tạo cho chúng tôi điều kiện sống và môi trường công tác bình thường, thậm chí có thể gọi là lí tưởng.
Nhưng Trân đã có cống hiến to lớn đến mức nào cho đất nước để có được vinh quang và quyền uy thần kì đến vậy, thậm chí Trân có thể xoay chuyển thời đại một cách dễ dàng trong lòng bàn tay mình, quả là một bí mật lớn đối với chúng tôi. Sau lần Trân về cứu tôi, người của khoa hoá lan truyền dư luận bảo Trân là người có công làm ra bom nguyên tử của nước ta, tin đồn rất cụ thể. Tôi chợt cảm thấy có thể tin được, bởi vì, về mặt thời gian rất phù hợp, nước ta thử thành công bom nguyên tử vào năm 1964, đúng khoảng thời gian Trân đi; thứ hai, về mặt chuyên ngành cũng đúng, nghiên cứu bom nguyên tử cần có nhà toán học tham gia; một điều nữa là, theo tôi nghĩ, chỉ có làm việc ấy Trân mới phải bí mật đến thế, quan trọng và vinh dự đến thế. Mãi đến những năm tám mươi, trong danh sách Nhà nước khen thưởng những người có công làm ra bom nguyên tử và bom khinh khí, không có Trân, không biết có phải Trân đổi tên hay chỉ là tin đồn?
4
Giống như thầy Dung, ông Trịnh Thọt là nhân vật quan trọng giúp tôi hoàn thành câu chuyện này. Trước khi hỏi chuyện thầy Dung, tôi đã hỏi chuyện ông, đồng thời tạo được quan hệ bạn bè thân thiết với ông. Lúc bấy giờ ông đã sáu mươi tuổi, da thịt nhăn nheo, giơ cả xương, cho nên thọt càng rõ thọt hơn, không thể giải quyết vấn đề bằng cái đế giày, đành chống gậy. Có người nói, ông chống gậy trông có vẻ oai hơn, nhưng tôi nghĩ, cái vẻ oai không ở cái gậy, mà ở chức vụ của ông. Hồi mới quen nhau, ông là nhân vật hàng đầu của cơ quan 701, là Cục trưởng. Một người làm đến chức vụ ấy không ai dám gọi là Thọt, cho dù có ai gọi ông cũng không chấp, với lại làm đến chức vụ ấy, đã có chức danh, lại lớn tuổi, cũng sẽ có nhiều cách xưng hô.
Cục trưởng.
Thủ trưởng.
Sếp.
Ông Trịnh.
Bây giờ mọi người đều xưng hô với ông như thế, tuỳ cách, tuỳ người. Có điều bản thân ông vẫn tự trào mình là Cục trưởng chống gậy. Nói thật, cho đến nay tôi cũng không biết ông tên gì, bởi ông có nhiều cách gọi, thông thường, tôn trọng, biệt danh, rất nhiều, tên trở nên thừa, lâu không dùng, tự động biến mất. Tất nhiên, với thân phận của tôi, tôi chỉ dám gọi một cách tôn trọng, đó là Cục trưởng Trịnh.
Cục trưởng Trịnh.
Cục trưởng Trịnh.
Bây giờ tôi nói về những bí mật của Cục trưởng Trịnh. Ông có bảy số điện thoại, nhiều như tên gọi của ông. Ông cho tôi hai số, như vậy cũng đủ dùng, một số gọi cho thư kí của ông, gọi lúc nào cũng có người nghe. Ấy là, có thể khẳng định Cục trưởng nghe thấy tiếng tôi, còn tôi có thể nghe thấy tiếng ông hay không, còn phải trông chờ may rủi.
Sau khi nói chuyện với thầy Dung, tôi gọi vào hai số máy của Cục trưởng Trịnh, một máy không người nghe, một máy bảo tôi chờ giây lát, tức là còn xem may rủi của tôi. Rất may, tôi nghe được tiếng Cục trưởng Trịnh, ông hỏi tôi có chuyện gì, tôi bảo, hiện tại trong trường đại học N đang có dư luận Dung Kim Trân là người có công trong việc làm ra hai trái bom nguyên tử. Ông hỏi tôi, nói như vậy có ý gì. Tôi nói, Kim Trân công trạng hiển hách, nhưng bởi làm một việc bí mật, nên công trạng của Kim Trân bị mọi người đồn thổi, trở thành có công làm ra bom nguyên tử. Bất ngờ, đầu kia đường dây là một giọng nói bực tức, nói với tôi một thôi dài:
“Tôi không thấy như thế. Chả nhẽ chỉ dựa vào một trái bom nguyên tử để có thể thắng được một cuộc chiến tranh hay sao? Bom nguyên tử tượng trưng cho sức mạnh quốc gia, là bình hoa cho mọi người thấy, còn việc Kim Trân làm là xem người khác, từ trong gió nghe nhịp tim người khác, tìm kiếm bí mật người khác giấu kín. Chỉ có biết người biết ta mới bách chiến bất bại, cho nên, theo tôi, từ góc độ quân sự, việc Kim Trân làm có ý nghĩa hơn cả việc làm ra bom nguyên tử.”
Việc Kim Trân làm là hoá giải mật mã.
(Ghi theo lời kể của Cục trưởng Trịnh)
Sự nghiệp giải mã là sự nghiệp của một thiên tài nỗ lực nghiền ngẫm nghiên cứu, là một thiên tài trái tim, là cuộc chém giết, đấu đá cao cấp nhất của người đàn ông. Sự câu kết bí ẩn và âm thầm ấy đã tập hợp được mọi tinh hoa của loài người, không phải vì điều gì khác mà là phỏng đoán bí mật, diễn dịch mấy con số Ả rập đơn giản. Nghe ra có vẻ rất vui, giống một trò chơi, nhưng anh minh của loài người bị cái trò chơi này giày vò cho chết đi sống lại.
Cái ghê gớm của mật mã là ở chỗ này.
Cái bi ai của những người giải mã cũng ở chỗ này. Trong lịch sử nhân loại, không nghi ngờ gì nữa, chôn vùi nhiều thiên tài nhất chính là giới giải mã. Nói một cách khác, có thể chôn vùi từng người, thậm chí từng thế hệ thiên tài, trên đời này chỉ có cái mật mã đáng chết, nó giam giữ hàng loạt người tài giỏi của nhân loại không phải để sử dụng tài năng của họ, mà để giết chết họ, chôn vùi họ. Cho nên, người ta bảo giải mã là sự nghiệp tàn khốc nhất loài người.
Buổi sáng mùa hè năm 1956, Kim Trân ngồi xe rời trường đại học N vào lúc mờ sáng, cậu không biết con người có cử chỉ ngạo mạn ngồi bên cạnh là ai, đã gắn kết cuộc đời của cậu vào sự nghiệp mật mã tàn khốc và bí mật mà không thể nào đảo ngược nổi. Cậu cũng không biết, con người bị sinh viên đại học N chế nhạo là anh thọt nhảy múa dưới mưa lại là người đứng đầu một cơ quan tuyệt mật, là trưởng phòng giải mã của đơn vị 701 hết sức đặc biệt. Nói một cách khác, từ đấy về sau anh ta là người lãnh đạo trực tiếp Kim Trân. Xe chạy, lãnh đạo muốn nói chuyện với thuộc cấp, nhưng có thể vì nỗi buồn chia li, thuộc cấp không nói năng gì. Xe chạy trong ánh đèn sáng trắng, có cảm giác bí ẩn, chẳng lành.
Xe chạy ra khỏi thành phố trong ánh bình minh, chạy nhanh trên quốc lộ, Kim Trân cảnh giác nhìn chung quanh, cậu nghĩ không phải thành phố này, thành phố này hòm thư số 36, tại sao phải chạy lên quốc lộ? Tuy tối hôm qua, Trịnh Thọt đưa Kim Trân đi làm thủ tục điều động, xe cứ chạy vòng vo, phải đến hơn chục phút thậm chí có lúc cậu buộc phải đeo kính chắn sáng, coi như bị bịt mắt, nhưng dựa vào cảm giác, Kim Trân tin rằng xe chưa ra khỏi thành phố. Lúc này xe phóng vù vù trên quốc lộ, cảm giác phải đi một nơi thật xa, cậu nóng lòng hỏi thăm.
“Chúng ta đi đâu?”
“Về đơn vị.”
“Ở đâu?”
“Không biết.”
“Không phải đến cái nơi hôm qua à?”
“Cậu biết nơi hôm qua là đâu?”
“Chắc chắn là trong thành phố.”
“Nhưng...”
“Không nhưng gì hết. Hãy nhắc lại lời thề.”
“Nơi ở, những điều nghe thấy, đều thuộc bí mật, không được nói với bất cứ ai.”
“Nghe đây, phải nhớ lấy nó, từ nay về sau những gì cậu nghe thấy đều tuyệt mật.”
Trời tối, xe vẫn tiếp tục chạy. Phía trước đã thoáng thấy ánh đèn, chừng như một thành phố không lớn không bé, Kim Trân quan sát, muốn biết đây là đâu. Trịnh Thọt lại bắt cậu phải đeo kính chắn sáng, cho đến khi được phép bỏ kính xuống, xe đã đi vào con đường quanh co, hai bên đường toàn là cây và vách núi, không có biển chỉ đường và những vật ghi dấu. Đường núi quanh co, chật hẹp, tối đen, đèn xe bật sáng, ánh đèn thỉnh thoảng bị dồn tụ, ép thành con đường, giống như đèn pha, vừa sáng vừa chụm, cảm giác như không phải xe chạy mà được ánh sáng đèn kéo đi. Đi chừng hơn một tiếng đồng hồ, Kim Trân từ trên vách núi trông thấy ánh đèn, đấy cũng là nơi cậu xuống xe.
Ở đây cửa nhà không có biển, gác cửa là một ông già cụt tay, nét mặt còn in dấu oán hận, suốt từ dưới tai bên trái, qua sống mũi, chạy sang má bên phải. Không hiểu tại sao, Kim Trân trông thấy ông ta, chợt nghĩ đến cướp biển trong tiểu thuyết phương Tây, trong tĩnh lặng, cảm giác như ngôi nhà chết, lại khiến cậu có cảm giác như trong lâu đài thời trung cổ xuất hiện trong tiểu thuyết tôn giáo cũng của phương Tây. Từ trong bóng tối bỗng xuất hiện hai bóng người, giống như hồn ma, đến gần mới phát hiện một người là nữ, cô ta đi tới bắt tay Trịnh Thọt, một anh chui vào xe, lấy hành lí của Kim Trân ra.
Ông Thọt giới thiệu Kim Trân với người phụ nữ, Kim Trân chưa nghe rõ chị ta tên gì, chỉ nghe là chủ nhiệm gì đó, là lãnh đạo nơi này. Trịnh Thọt nói với Kim Trân, đây là cơ sở tập huấn của đơn vị 701, tất cả những ai mới đến đơn vị 701 đều phải học chính trị và huấn luyện nghiệp vụ tại đây.
Trịnh Thọt nói: “Bao giờ cậu hoàn thành khoá huấn luyện tôi sẽ cho người đến đón, mong cậu nhanh chóng hoàn thành đợt tập huấn, trở thành người đủ tư cách của đơn vị 701.” Nói xong anh lên xe đi ngay, cảm giác như một tay lái buôn, vừa trút được món hàng, xong là đi ngay, không còn do dự vấn vương gì.
Một buổi sáng ba tháng sau, Kim Trân đang tập nằm thẳng và ngồi dậy trên giường, bỗng nghe bên ngoài có tiếng mô-tô dừng ở cửa, có người gõ cửa. Mở cửa thì thấy một thanh niên, vừa thấy mặt đã nói ngay:
“Tôi từ chỗ thủ trưởng Trịnh đến đây đón anh, chuẩn bị đi nhé.”
Mô-tô đưa anh đi, nhưng không phải đi ra cổng, mà đi sâu vào trong, đi vào một hang động, trong hang lại có một hang thông với chung quanh, sâu thẳm và phức tạp, giống như một mê cung. Mô-tô đi thẳng, đi chừng mười phút, dừng lại ở một cánh cửa vòm bằng sắt, người lái xe xuống xe, vào cổng một lúc rồi ra, tiếp tục cho xe đi. Lại đi một lúc, xe ra khỏi hang, trước mắt Kim Trân là một khu lớn hơn nhiều lần cơ sở tập huấn - đây là căn cứ của đơn vị 701 tuyệt mật và được giấu kín, cũng là nơi sống của Kim Trân từ nay về sau, nơi làm việc ở trong cánh cửa sắt mô-tô vừa dừng. Người ờ đây gọi nơi này là khu Bắc, cơ sở tập huấn là khu Nam. Khu Nam là cửa ngõ của khu Bắc, cũng là trạm kiểm soát, giống như sông hộ thành và cầu treo. Một người bị khoá ở khu Nam sẽ vĩnh viễn không có cơ may được thấy khu Bắc, tức là cầu treo không hạ xuống.
Mô-tô lại đi thêm một chặng nữa, cuối cùng dừng lại trước một toà nhà xây gạch đỏ, tường có dây leo, mùi cơm từ trong nhà bay ra như nói với Kim Trân, đầy là nhà ăn. Trịnh Thọt đang ăn, nhìn qua cửa sổ thấy Kim Trân, vội đứng dậy ra đón, trên tay còn cầm miếng bánh bao, mời Kim Trân vào nhà.
Kim Trân chưa ăn sáng.
Trong nhà ăn đủ loại người, có nam có nữ, có già có trẻ, có người mặc quân phục có người mặc thường phục, thậm chí có người mặc cảnh phục. Ở cơ sở tập huấn Kim Trân vẫn phỏng đoán nơi này thuộc đơn vị nào, hệ thống nào? Quân đội hay địa phương? Trông cảnh tượng trước mắt, Kim Trân càng không hiểu thế nào, cậu chỉ lặng lẽ suy nghĩ, có thể đây là một nơi đặc biệt của một đơn vị đặc biệt. Sự thật thì, đây là một đơn vị đặc biệt, một cơ quan đặc biệt, nhất là bề ngoài của nó, bí mật là trái tim, giống như một âm thanh bên ngoài vùng trời xa xôi.
Trịnh Thọt đưa Kim Trân đi qua sảnh lớn, sang phòng bên cạnh, trên bàn đã bày sẵn thức ăn, có sữa, có trứng, bánh bao nhân thịt, bánh bao chay, có cả thức ăn.
Trịnh Thọt nói: “Ngồi xuống đây.”
Kim Trân ngồi xuống.
Trịnh Thọt nói: “Cậu nhìn ngoài kia, họ ăn không nhiều món như cậu, họ ăn cháo đấy.”
Kim Trân nhìn, người ngoài kia đều bưng bát, nhưng mình được dùng đũa, trong cốc có sữa.
Trịnh Thọt nói: “Có biết tại sao không?”
Kim Trân nói: “Đón tôi phải không?”
Trịnh Thọt nói: “Không, vì cậu làm công việc quan trọng hơn.”
Ăn xong bữa sáng, Kim Trân bắt đầu công việc giải mã suốt đời. Nhưng cho đến lúc này, cậu vẫn chưa biết mình phải làm một công việc tàn khốc bí mật. Tuy lúc ở cơ sở tập huấn, cậu được huấn luyện làm một công việc đặc biệt, ví dụ giáo viên bắt cậu phải nhớ lịch sử, địa lí, quan hệ ngoại giao, các nhân vật trong chính giới, thực lực quân sự, bố trí chiến lược, quan hệ tấn công - bố phòng, thậm chí cả tư liệu cá nhân các nhân vật chính trị, quân sự quan trọng của nước X. Những điều ấy khiến Kim Trân rất hiếu kì tưởng tượng đến công việc mình phải làm. Suy nghĩ đầu tiên của cậu là nghiên cứu một loại vũ khí bí mật đặc biệt nhằm vào nước X; sau đấy lại nghĩ gia nhập vào túi mưu trí của một vị thủ trưởng nào đấy, làm tham mưu cho thủ trưởng; sau nữa lại nghĩ làm quan sát viên quân sự... Có những thứ không thuộc sở trường nên cậu không nghĩ, ví dụ làm giáo viên quân sự, hoạt động ngoại giao, thậm chí làm tùy viên quân sự, điệp báo, vân vân. Tóm lại cậu nghĩ đến nhiều công việc khác nhau, nhưng không nghĩ mình sẽ làm người giải mã.
Chừng như đấy không phải là một nghề, mà là một âm mưu, âm mưu trong âm mưu.
5
Thẳng thắn mà nói, người của đơn vị 701 ở một vùng núi bí mật ngoại vi thành phố A, Kim Trân không thấy có tiền đồ cao xa, ít ra là công việc của cậu làm. Công việc cô đơn và âm thầm - giải mã, ngoài những kiến thức cần thiết, kinh nghiệm và thiên tài ra, chừng như càng cần hơn một vận may đến từ ngoài hành tinh. Người của đơn vị 701 nói, có thể nắm bắt được vận may ngoài hành tinh, nhưng cần thiết mỗi ngày mỗi đêm anh phải giơ cao tay cảnh giác, đồng thời mồ mả tổ tiên cha ông phải bốc khói xanh.
Kim Trân lúc mới đến không hiểu những điều ấy, có thể vì không để ý, suốt ngày cậu cầm cuốn sách, ví dụ cuốn “Toàn tập trò chơi toán học” bằng tiếng Anh, và những cuốn sách cổ không tên đóng bằng chỉ. Trông cậu có vẻ cô đơn, không có vẻ thông minh trời phú thể hiện ở lời nói (cậu ít nói), cũng thấy không có bao nhiêu tài trí và ham muốn ẩn chứa, khiến mọi người không khỏi hoài nghi về tài năng và vận may của cậu. Thậm chí, có người còn nghi ngờ về sự cần cù của cậu trong công tác, bởi vì, như vừa nói, lúc rỗi rãi cậu đọc những cuốn sách chẳng có liên quan gì đến công việc.
Đúng là bắt đầu, chừng như chỉ có những bằng chứng để nói cậu không chăm chỉ, nhưng vẫn còn những mặt khác. Một buổi trưa, Kim Trân vừa ăn xong, đang từ nhà ăn đi ra, tay vẫn cầm cuốn sách đi về phía rừng cây. Cậu không ngủ trưa, mà cũng không làm thêm giờ, thường tìm một chỗ yên tĩnh để đọc sách.
Khu Bắc gần như nằm trên vách núi, trong khu có mấy đám rừng tự nhiên, cậu thường đến đám rừng thông, đi xuyên từ bên này sang bên kia, ra nữa là cửa hang, nơi cậu làm việc. Cậu chọn rừng cây này cũng có lí do, cậu rất thích mùi nhựa thông, cái mùi xà phòng thuốc, có người không quen với mùi ấy, nhưng cậu lại rất thích, thậm chí đâm nghiện như người nghiện thuốc.
Hôm ấy, cậu vừa bước vào rừng cây, bỗng phía sau có người đuổi theo, người này chừng năm mươi tuổi, tỏ ra khiêm tốn tự ti, trên khuôn mặt là nụ cười có thừa thận trọng, hỏi cậu có biết đánh cờ tướng không. Kim Trân gật đầu, người kia tỏ ra vui mừng vội lấy quân cờ từ trong người ra, hỏi cậu có muốn đánh không. Kim Trân không muốn đánh cờ mà muốn đọc sách, nhưng nể tình, lại không nỡ từ chối, liền gật đầu. Tuy mấy năm nay không chơi cờ, nhưng được luyện cờ từ ông Hinsh, những người bình thường không thể thắng nổi cậu. Người này là một kì thủ không vừa, có cảm giác như kì phùng địch thủ, đánh không phân thắng bại, cuộc cờ với trình độ cao. Sau đấy, người kia thường đến tìm Kim Trân để chơi cờ, buổi trưa tìm, buổi tối tìm, thậm chí đem theo quân cờ và bàn cờ chờ Kim Trân ở cửa hang hoặc ở cửa nhà ăn, quấn lấy cậu ta, khiến mọi người biết cậu đang chơi cờ với một người điên cờ.
Ở đơn vị 701 không ai không biết người điên cờ, ông vốn là sinh viên xuất sắc của khoa toán Đại học Trung ương hồi trước giải phóng, sau khi tốt nghiệp bị Quốc Dân đảng gọi nhập ngũ, cử sang Đông Dương làm công việc giải mật mã, đã từng giải được bộ mật mã cao cấp của quân đội Nhật, là nhân vật nổi tiếng trong giới giải mã. Về sau, bất mãn với việc Tưởng Giới Thạch gây ra cuộc nội chiến, ông ta ra khỏi quân đội, làm kĩ sư cho một công ty điện, mai danh ẩn tích ở Thượng Hải. Sau giải phóng, đơn vị 701 bằng mọi cách tìm được ông, mời ông về làm công việc giải mã, đã từng giải được nhiều bộ mật mã trung cao của nước X, trở thành nhân vật có công nhất nhì của đơn vị 701. Nhưng hai năm trước, ông không may bị thần kinh phân liệt, chỉ trong một đêm người anh hùng được nhiều người ngưỡng mộ bỗng trở thành người điên, gặp ai cũng chửi, cũng gây sự, có lúc còn đánh người. Nghe nói, chứng thần kinh phân liệt cấp, nhất là chứng điên điên dại dại sau khi phân liệt, thường gọi là võ điên, tỉ lệ chữa khỏi rất cao. Nhưng vì con người ông có nhiều bí mật, không ai dám quyết định cho ông đi chữa bệnh, chỉ để bệnh viện của đơn vị 701 chữa trị, chữa trị cho ông là một bác sĩ khoa nội bình thường, mời một bác sĩ chuyên khoa ở ngoài vào hướng dẫn cho vài phác đồ điều trị, kết quả không tốt lắm. Tuy người ổn định nhưng chỉ ổn định vậy thôi, ngày nào cũng nghĩ đến đánh cờ, không còn nghĩ gì khác, chẳng làm được gì, như vẫn thường nói, điên võ thành điên văn.
Thật ra, trước khi bị điên, ông ta không biết đánh cờ, nhưng từ sau ngày ở bệnh viện ra, ông chơi cờ tướng hơn hẳn mọi người. Ấy là ông học của bác sĩ điều trị. Các chuyên gia nói, một người đang đói không thể một lúc ăn thật no, một người bệnh phân liệt lúc mới hồi phục nhất thiết không được làm việc trí óc, hễ lao động trí óc rất dễ bị khuôn vào đấy mà không thể rút ra nổi. Nhưng vì là bác sĩ khoa nội thông thường điều trị nên không hiểu chuyện đó, hơn nữa bác sĩ là một tay mê cờ, thường xuyên chơi cờ với bệnh nhân. Một hôm, người bác sĩ này thấy ông hiểu được các thế cờ, cho rằng ông ta bắt đầu bình phục, vậy là thường xuyên đánh cờ với ông ta, cũng là để củng cố kết quả điều trị, cuối cùng dẫn đến tình trạng này, biến một đại sư trong nghề giải mã có thể lành bệnh, thành một người điên cờ.
Ở một ý nghĩa nào đó, đó là sự cố điều trị, nhưng còn cách nào khác? Người ta chỉ làm nghề chăn vịt, không ngã là may rồi, nếu ngã có thể trách được không? Không thể. Nếu trách chỉ nên trách công việc của người điên cờ, trách trên người ông ta có quá nhiều bí mật. Cũng chỉ vì bí mật, cuộc đời tàn phế tinh thần của ông chỉ có thể giấu kín trong cái thung lũng bí mật này. Có người nói, chỉ có thể thấy trí tuệ ngày qua của ông ở trên bàn cờ, còn bình thường trí năng của ông không hơn một con chó thông minh. Có ai gọi, ông ta chạy, có ai cười với ông, ông ta sẽ cúi đầu cụp tai. Vì không có chuyện gì không biết, suốt ngày ông ta quẩn quanh trong khu đơn vị 701, giống như một linh hồn quái dị đáng thương. Nay thì linh hồn ấy đang quấn lấy Kim Trân.
Kim Trân không như người khác, không có cách thoát khỏi ông ta.
Kì thật, muốn thoát khỏi ông ta cũng rất dễ, chỉ cần vênh mặt, nói ngọt với ông ta vài câu là được. Nhưng Kim Trân không, anh không lẩn tránh, không dỗ ngọt, nhìn lạnh lùng cũng không. Kim Trân đối với ông ta như với những người khác, không lạnh nhạt, không nồng nhiệt, không tự ti cũng không kiêu căng, coi như không, vậy là điên cờ cứ quấn lấy Kim Trân, quấn lấy đòi đánh cờ.
Đánh cờ!
Đánh cờ!
Không ai biết rằng Kim Trân đánh cờ với người điên cờ xuất phát từ chỗ đồng tình hay là mê thuật cờ của ông ta. Nhưng dẫu sao, một nhân viên giải mã không có thời gian đánh cờ, với một ý nghĩa nào đó, điên cờ vì quá say mê với nghề giải mã mà bị điên, giống như khí cầu căng quá sẽ bị nổ. Như vậy, đối với một nhân viên giải mã, Kim Trân lãng phí trong những cuộc cờ, tạo cho người khác cảm giác hoặc anh không muốn làm công việc này, hoặc cũng là một người điên, cho rằng chơi cho nổi tiếng.
Nói đến chuyện không muốn làm, mọi người lập tức chứng minh được anh không muốn làm, đó là lá thư của giáo sư Hinsh.
6
Bảy năm trước, ông Hinsh vội vã đem gia đình, thân thuộc sang định cư ở nước X, không ngờ có ngày ông đưa hài cốt và linh hồn người thân trở về quê cũ, sự thật đó là việc cần thiết, không được phép mặc cả. Nhạc mẫu vốn khoẻ mạnh, nhưng bất phục thuỷ thổ và nhớ quê hương, làm tăng nhanh sự thay đổi kết cấu cơ thể và cơ chế sức khoẻ, cảm nhận sẽ chết ở nơi đất khách quê người, hơn bất cứ bà già Trung Quốc nào, bà đòi về quê để chết.
Quê ở đâu?
Trung Quốc.
Lúc bấy giờ, nửa số nòng súng của nước X đang chĩa về hướng này.
Khỏi phải nói, để thoả mãn yêu cầu của bà nhạc là không dễ, không dễ là lí do để Hinsh từ chối. Nhưng cái lão già thổ hào tôn nghiêm thay đổi như đồ vô lại kề con dao sáng loáng vào cổ dọa chết. Lão ta biết mình rơi vào vòng quái dị ác nghiệt, chỉ còn con đường thuận theo vòng quái dị ấy. Không được phép nghi ngờ, cái lão thổ hào có thể quyết liệt thà chết không chịu khuất phục, là bởi yêu cầu hôm nay của bà vợ cũng là yêu cầu mai sau của lão ta. Tức là, lão dùng con dao sáng loáng kề cổ để nói với chàng rể, nếu cuộc sống của ngày hôm nay là cái giá phải trả cho cái chết mai sau nơi quê người, vậy lão thà chết bây giờ để cùng về quê với vợ.
Nói thật, Hinsh không thể hiểu nổi nội tâm bí hiểm và ý niệm kì quái của người địa chủ Trung Quốc, nhưng không hiểu liệu có tác dụng gì? Trước sự sợ hãi lưỡi dao sáng loáng trong chớp mắt có thể đẫm máu, hiểu hay không hiểu có gì khác nhau? Chỉ có làm, không hiểu cũng phải làm, làm rất khắc nghiệt, phải tự làm. Vì ảnh hưởng của sự tuyên truyền của phía X, những người khác kể cả vợ ông cũng sợ có đi không có về. Vậy là, mùa xuân năm ấy, ông Hinsh đưa nhạc mẫu thoi thóp chút hơi tàn ngồi máy bay, tàu hoả, ô tô trở về quê cũ.
Nghe nói, bà nhạc phải khiêng lên cái ô tô thuê để đưa về quê, vì được nghe giọng nói quen thuôc của quê hương, bỗng bà phấn khởi tròn xoe cặp mắt, sau đấy vĩnh viễn yên tĩnh nhắm mắt. Thế nào gọi là ngàn cân treo sợi tóc? Như thế là ngàn cân treo sợi tóc, mà giọng nói quen thuộc của người lái xe là lưỡi dao cắt đứt sợi tóc, dao vừa buông xuống, cuộc đời treo trên sợi tóc cũng theo gió bay đi.
Thành phố C là nơi ông Hinsh phải qua, nhưng điều ấy không có nghĩa ông có cơ hội thăm lại Đại học N. Chuyến đi của ông đã được quy định nghiêm ngặt, không biết phía Trung Quốc hay phía X quy định, ông đi đến đâu cũng có hai người bám theo như hình với bóng, một người của phía Trung Quốc, một người của phía nước X, hai phía như sợi dây thừng, một trước một sau dắt ông đi, khống chế đường đi và tốc độ như khống chế một cỗ máy, hoặc giống như vật báu mật mã - thật ra chỉ có những nhà toán học tài giỏi, hoặc trên hộ chiếu ghi như vậy. Thầy Dung cho rằng, thời thế đã tạo nên như thế.
(Ghi theo lời kể của thầy Dung)
Năm ấy, quan hệ giữa nước ta và nước X là như vậy, không tin nhau, chỉ có đối địch, cả hai bên cảnh giác đề phòng đến từng gốc cây ngọn cỏ. Thoạt đầu tôi không nghĩ ông Hinsh trở lại, thứ nữa càng không nghĩ ông không thể đến thăm Đại học N của thành phố C, tôi chỉ có thể đến khách sạn thăm ông ta, vẫn là cách thăm ấy, hoàn toàn như thăm phạm nhân trong tù. Chúng tôi ngồi nói chuyện, kè kè hai người hai bên, họ nghe, họ ghi chép, một câu nói phải bốn người cùng nghe rõ, nghe hiểu. Cũng may, cả bốn người đều nghe hiểu cả tiếng Trung Quốc và tiếng X, nếu không chúng tôi không dám nói gì, vì chúng tôi có thể là gián điệp, là đặc vụ, những điều nói với nhau có thể là tin tức tình báo. Đó là những năm tháng đặc biệt, chỉ cần người Trung Quốc và người nước X đi với nhau, người có thể không còn là người, mà là ma quỷ, là kẻ thù, dù đó là cỏ cây, trong bụng chứa đầy mưu ma chước quỷ, phun nọc độc, làm cho đối phương chết ngay tại chỗ.
Thật ra, ông Hinsh muốn gặp không phải là tôi, mà là Trân. Anh biết đây, lúc ấy Trân đã rời đại học N, không ai biết Trân ở đâu, huống chi ông Hinsh, ngay cả tôi cũng không được gặp. Vậy là Hinsh quyết định gặp tôi. Mục đích gặp tôi cũng là để hỏi thăm Trân. Được sự đồng ý của những người giám sát, tôi thông báo tình hình Trân cho ông ta. Thật ra cũng rất đơn giản, chỉ là những gì đã rõ ràng: Trân không còn nghiên cứu bộ não con người, đi làm việc khác. Điều khiến tôi bất ngờ là, nghe tôi nói, ông ta như bị giáng một đòn, ngơ ngác lặng im nhìn tôi, rất lâu sau đấy mới nói được một từ: vớ vẩn! Bực tức làm ông ta đỏ mặt tía tai, không thể ngồi yên, ông ta đứng dậy đi đi lại lại trong căn phòng, thuật lại những thành quả mà Trân đã nghiên cứu về bộ não người và những đột phá to lớn có thể đạt được trong tương lai.
Ông ta nói: Tôi đã đọc mấy bài viết chung của cậu ấy, tôi dám nói, trong lĩnh vực này, nhóm của cậu ấy đã đạt được trình độ quốc tế, vậy mà bỏ dở, quả là đáng tiếc.
Tôi nói: Có những việc không tùy thuộc ý chí con người.
Ông ta nói: Hay là Kim Trân bị một bộ phận có quyền lực của Nhà nước trưng tập?
Tồi nói: Cũng gần như thế.
Ông ta hỏi: Làm việc gì?
Tôi nói: Không biết.
Ông ta hỏi đi hỏi lại, tôi vẫn trả lời không biết. Sau đấy ông ta nói: nếu tôi không nhầm, Kim Trân làm một công việc bí mật? Tôi vẫn trả lời không biết.
Đúng như vậy, tôi không biết.
Thật ra, cho đến nay tôi cũng không biết Trân làm việc ở cơ quan nào, đơn vị nào, ở đâu, làm việc gì, có thể anh biết, nhưng tôi không hi vọng anh nói với tôi. Tôi tin rằng, đấy là bí mật của Trân, nhưng trước tiên đấy là bí mật quốc gia. Bất cứ nhà nước nào, quân đội nào cũng có bí mật, cơ quan bí mật, vũ khí bí mật, nhân vật bí mật... Ấy là tôi nói, không thể kể hết những bí mật, khó mà tưởng tượng một quốc gia không có bí mật, quốc gia ấy sẽ tồn tại như thế nào. Có thể không tồn tại, giống như núi băng, nếu không có phần chìm dưới nước, liệu nó có thể đứng nổi không?
Có lúc tôi nghĩ, có những bí mật đối với mình trong nhiều năm, thậm chí cả đời, điều ấy quả là không công bằng. Nếu không phải như thế, nhà nước của anh có thể không tồn tại, ít ra là không tồn tại nguy hiểm không công bằng chừng như cũng chỉ để không công bằng. Mấy năm nay tôi vẫn nghĩ như thế, hoặc chỉ có thể nghĩ như thế tôi mới hiểu được Trân, nếu không, Trân sẽ là một giấc mơ, giấc mơ giữa ban ngày, giấc mơ mở mắt, giấc mơ trong giấc mơ, sợ rằng ngay cả Trân nhiều năm giải mộng cũng khó hiểu nổi giấc mơ kì lạ và dài lâu.
Cho dù ông Hinsh dặn đi dặn lại thầy Dung, muốn bà chuyển lời đến Kim Trân, nếu có thể Kim Trân từ chối mọi sự mê hoặc, trở về tiếp tục nghiên cứu bộ não con người. Nhưng khi chia tay, ông Hinsh nhìn theo bóng thầy Dung, bỗng quyết định viết cho Kim Trân một bức thư. Lúc này ông mới nhớ ra mình vẫn chưa có được cách liên lạc với Kim Trân, vậy là ông gọi thầy Dung lại, hỏi địa chỉ gửi thư cho Kim Trân. Thầy Dung đã cho ông địa chỉ. Ngay tối hôm ấy, ông Hinsh viết cho Kim Trân một lá thư, được cả hai phía giám sát kiểm duyệt, lá thư được gửi đi.
Thư đến đơn vị 701, nhưng Kim Trân được nhận hay không lại quyết định bởi trong thư viết những gì. Là một đơn vị đặc biệt, cấp trên kiểm tra thư, chẳng qua là thể hiện một chứng cứ cụ thể. Khi những người kiểm duyệt mở phong thư của ông Hinsh, họ nhìn trân trân, vì thư viết bằng tiếng Anh. Điều ấy khiến họ cảnh giác hơn, ngay lập tức họ báo cáo với lãnh đạo, lãnh đạo cho người dịch sang tiếng Trung Quốc.
Thư viết kín một trang giấy, nhưng sau khi dịch sang tiếng Trung Quốc chỉ có vài câu. Thư viết thế này.
Em Kim Trân thân mến,
Chào em.
Tôi về vì có chuyện của nhạc mẫu, nhân tiện ghé qua thành phố C, biết em không còn ở Đại học N nữa, mà chuyển đi làm một việc khác. Tôi không biết em làm việc gì, nhưng những bí mật em để lại (gồm cả địa chỉ gửi thư), tôi có thể nghĩ em đang làm một công việc bí mật quan trọng của một cơ quan cơ yếu, giống như tôi hai mươi năm trước. Hai mươi năm trước, xuất phát từ sự đồng cảm và tình yêu dân tộc, đã sai lầm nhận một công việc hệ trọng của một quốc gia (người Do Thái - có thể là Israel), kết quả nửa cuộc đời sau của tôi trở nên đáng tiếc và đáng sợ. Theo kinh nghiệm và sự hiểu biết của tôi về em, tôi rất lo cho hoàn cảnh hiện tại của em, nội tâm của em hết sức nhạy cảm và yếu đuối, rất không thích hợp với áp lực và trói buộc. Sự thật thì, em đã có những thành công trong việc nghiên cứu bộ não người, nếu tiếp tục, có thể có được vinh dự và lợi ích, không cần phải đi theo một con đường khác. Cho nên, nếu có thể, em hãy nghe theo lời khuyên của tôi, trở về với công việc cũ.
Hinsh
Khách sạn Hữu Nghị, thành phố C, ngày 13/3/1957
Rõ ràng, bức thư lộ rõ ý đồ, rất phù hợp với những gì đã thể hiện với thầy Dung. Lúc này, mọi người (ít nhất là những vị lãnh đạo có liên quan) chừng như không lấy gì làm khó hiểu về những biểu hiện kém nhiệt tình của Kim Trân, vì bên cạnh cậu còn con người như vậy - một giáo sư nước ngoài - ông L. Hinsh - khổ tâm khuyên cậu trở về với công việc cũ.
7
Thật ra, nội dung thư không lành mạnh, Kim Trân không được nhận. Điều không nên hỏi không hỏi, không nên nói không nói, không nên biết không biết, đấy là kỉ luật căn bản nhất của đơn vị 701. Cho nên, không được nhận những thư loại đó ở đơn vị 701 không phải là vi phạm pháp luật, mà là kỉ luật. Đứng về tổ chức mà nói, họ mong những thư như vậy càng ít càng tốt, tránh phải dùng đến kỉ luật, giữa tổ chức và cá nhân có thêm những bí mật.
Nhưng với Kim Trân, bí mật là không thể loại bỏ. Một tháng sau, tổ giám sát thẩm tra thư tín lại nhận được của anh một bức thư từ nước X gửi đến. Quá là nhạy cảm! Mở ra xem, thư viết bằng tiếng Anh, nhìn chữ kí ở dưới, vẫn là L. Hinsh. Thư này tương đối dài, nói một cách khác, trong thư ông Hinsh tỏ ra bức xúc khuyên Kim Trân về với công việc cũ. Ông nói, ông vừa đọc trên một tạp chí khoa học nói về việc nghiên cứu não bộ con người đã có những tiến bộ mới, sau đấy thư trở về với chủ đề chính. Thư viết thế này.
Một giấc mơ đã thôi thúc tôi viết thư cho em. Nói thẳng ra, mấy hôm nay tôi vẫn nghĩ, hiện tại em đang làm việc gì, điều gì đã cuốn hút hoặc gây áp lực với em để em chọn một công việc khủng khiếp đến thế? Đêm hôm qua, trong giấc mơ, tôi nghe thấy em nói, hiện tại em đang làm công tác giải mã cho tình báo của nước em. Tôi không biết tại sao lại nằm mơ như thế, mà cũng không có cách nào để giải mộng như em vẫn từng làm, có thể chỉ là giấc mơ, không ám chỉ điều gì. Mong chỉ là một giấc mơ. Nhưng tôi nghĩ, bản thân giấc mơ chứng tỏ tôi lo lắng và hi vọng ở em, tức là, tài năng của em có thể có người lôi đi làm cái công việc ấy, còn em thì quyết không thể làm. Tại sao tôi nói vậy? Tôi thấy có hai lí do:
Thứ nhất, do bản chất của mật mã quyết định.
Cho dù ngày nay trong giới mật mã có nhiều nhà khoa học, vì vậy có người coi nó là một môn khoa học, đã thu hút không ít nhà khoa học tài giỏi hiến kế, hiến sách, thậm chí hiến cả bản thân. Nhưng điều ấy không thể thay đổi bản chất của mật mã. Theo kinh nghiệm và nhận thức của tôi, bất luận lập mật mã hay phá khoá mật mã, bản chất mật mã là phản khoa học, phản văn minh, là âm mưu và cạm bẫy giết hại khoa học và nhà khoa học. Ở đấy cần trí tuệ, nhưng là trí tuệ ma quỷ, làm cho nhân loại càng thêm gian trá, ác độc, trong đó đầy những thách thức, nhưng là thách thức vô vị, không có ích cho tiến bộ của loài người.
Thứ hai, do tính cách của em quyết định.
Tôi muốn nói, tính cách của em rất nhạy cảm và yếu đuối, nhạy cảm và cố chấp, điển hình tính cách của nhà khoa học, không thích hợp làm công việc bí mật. Vì bí mật phải chịu áp lực lớn, phải vứt bỏ bản thân, liệu em có thích hợp không? Tôi dám nói không thích hợp, vì em yếu đuối và cố chấp, kém năng động, không cẩn thận sẽ bỏ dở một cách khó hiểu. Em nên hiểu, con người trong tình huống nào thích nghi với tư duy? Chắc chắn là trong tình huống thanh thản tự tại, như có như không, cố ý lại như không cố tình. Nhưng nếu em làm công việc giải mã, coi như bị trói buộc, bị lợi ích và bí mật của quốc gia trói buộc, áp bức. Vấn đề then chốt của đất nước của em ở đâu? Tôi vẫn thường tự hỏi, đâu là đất nước tôi? Ba Lan hay Israel? Hay Anh quốc, Thụy Điển? Hay Trung Quốc, nước X?
Bây giờ thì tôi đã hiểu, cái gọi là đất nước là người thân, bạn bè bên cạnh, là lời nói, cây cầu, dòng nước, cánh rừng, là con đường, ngọn gió, là tiếng ve, đom đóm, vân vân, không phải là đất đai cương thổ, càng không phải là ý chí hoặc tín ngưỡng của một đảng phái chính trị, một tôn giáo. Nói thẳng ra, tôi vô cùng kính trọng đất nước mà em đang ở, tôi đã từng ở đấy hơn mười năm đẹp nhất của cuộc đời, tôi biết nói tiếng Trung Quốc, ở đấy trên mặt đất và cả dưới đất sâu đều có người thân của tôi - những người thân đã sống và đã chết, ở đấy còn có những nỗi nhớ và kí ức khôn cùng của tôi. Với ý nghĩa ấy, đất nước của em - Trung Quốc - cũng là đất nước của tôi, nhưng điều ấy không có nghĩa tôi phải tự lừa dối, theo đó lừa dối cả em. Nếu tôi không nói những điều này với em, không chỉ ra những khó khăn hiện tại của em và những nguy hiểm phải đối mặt, như thế tôi đã lừa dối em...
Thư của ông Hinsh có những điều nói ra nhưng không thể lấy lại nổi, không đầy một tháng sau, lại nhận được lá thư thứ ba. Lá thư này mở đầu ông tỏ ra bực tức với Kim Trân, chủ yếu trách cậu không trả lời. Nhưng tại sao Kim Trân không trả lời, chừng như ông ta cũng đã hiểu theo ý mình.
Em không trả lời thư, chứng tỏ em đang làm công việc ấy - công việc giải mã.
Đó là những người hiểu im lặng = không phản đối = xác nhận.
Tiếp theo, ông ta cố kiềm chế tình cảm, có những lời lẽ nặng tình cảm.
Không hiểu tại sao, hễ nghĩ đến em, tôi cảm thấy lòng mình bị một bàn tay đẫm máu vò nát, bóp nghẹt, toàn thân suy nhược bất lực. Cuộc đời mỗi con người đều có số, có thể em là số trong cuộc đời tôi. Kim Trân, Kim Trân thân mến, giữa tôi với em đã có chuyện gì, tại sao tôi không yên tâm nổi? Kim Trân, Kim Trân thân mến, hãy nói với tôi, em không làm công việc giải mã, giống như nỗi lo trong giấc mơ của tôi. Nhưng tài trí của em, chương trình nghiên cứu khoa học của em, và cả sự im lặng lâu ngày của em, khiến tôi càng tin rằng có thể em là giấc mơ bất hạnh của tôi. Ôi, mật mã, cái đồ mật mã chết tiệt! Khứu giác của em rất thính nhạy, ôm con người em vào lòng, thật ra là giam vào ngục, ném xuống giếng! Ôi, Kim Trân, Kim Trân thân yêu nếu đúng như vậy, em hãy nghe lời tôi, nhất định phải chọn con đường trở về, nếu còn một chút đất trống để trở về, em không nên do dự, lập tức quay về. Nếu không có cách quay về, vậy Kim Trân ơi, Kim Trân thân yêu của tôi, dù sao cũng phải nghe lời tôi, trong những bộ mã em thử phá, em có thể chọn lấy một bộ, nhưng đừng chọn tử mật của nước X.
Tử mật là mật mã cao cấp nhất mà đơn vị 701 đang phải đối mặt, có người nói tử mật là thủ đoạn dùng tiền cộng với xã hội đen của một đoàn thể tôn giáo, thu hút cộng với uy hiếp một nhà khoa học làm ra, nhưng sau khi nghiên cứu thành công, bởi nó có liên quan đến nhiều cơ quan, rất khó, trong bí mật có bí mật, chồng chéo phức tạp, sâu không thấy đáy, thậm chí chủ nhân của nó cũng không thể sử dụng nổi, cuối cùng bán cho nước X, trở thành mật mã quân sự của nước X, và cũng là bộ mật mã mà đơn vị 701 đang khát khao giải mã. Mấy năm nay, những người tài giỏi của phòng giải mã đơn vị 701 cứ phải khổ sở mò mẫm, phấn đấu, đánh vật, mơ ước giải được nó, kết quả làm mọi người phải sợ hãi, không dám đụng vào nó. Sự thật thì, người điên cờ điên vì tham gia giải bộ mật mã ấy. Nói một cách khác, ông ta đã bị nhà khoa học nghiên cứu làm nên bộ mật mã ấy đẩy đến chỗ điên. Những người không bị đẩy đến chỗ điên nhưng tinh thần cũng không vì thế mà khoẻ mạnh, vì nhát gan, thông minh, nên không dám đụng đến bộ tử mật. Người thông minh biết kết quả sau khi đụng đến nó, cho nên không đụng đến, một lần nữa chứng tỏ họ thông minh. Đó là cạm bẫy, là hố đen, người thông minh sẽ tránh xa nó, người dũng cảm sẽ bị điên, người điên khiến mọi người kính nể nó, lẩn tránh nó, đó là hiện trạng phá khoá mật mã tử mật ở đơn vị 701, ai cũng sốt ruột, nhưng ai cũng trốn tránh.
Bây giờ ông Hinsh khuyên Kim Trân tránh xa nó, điều ấy chứng tỏ tử mật rất khó giải, đụng vào nó sẽ không có kết quả tốt đẹp, mặt khác như ám chỉ ông đã hiểu bộ mật mã ấy rồi. Qua mấy bức thư, có thể thấy tình cảm của ông đối với Kim Trân là không bình thường, nếu lợi dụng được tình cảm ấy, rất có thể moi ở ông ta những linh cảm để giải mã tử mật. Vậy là, một bức thư kí tên Kim Trân được gửi đi.
Thư đánh máy, chỉ có lạc khoản và thời gian được viết tay, là bút tích Kim Trân, nhưng không phải Kim Trân tự viết. Nói một câu khó nghe, Kim Trân bị tổ chức lợi dụng. Bởi vì, mục đích gửi thư cho ông Hinsh là phá khoá tử mật. Việc này đối với người suốt ngày đọc sách và đánh cờ với người điên cờ, rõ ràng không dính dáng gì, cho nên khỏi cần cho biết. Với lại, để Kim Trân viết, chưa chắc đã đem lại hiệu quả. Lá thư có những năm chuyên gia khởi thảo, ba vị lãnh đạo định đoạt, giả thiết hàng loạt câu chữ của Kim Trân, hết sức tha thiết và khéo léo rất mong ông Hinsh vô cùng kính trọng bảo cho cậu ta: tại sao tôi không thể phá được mật mã tử mật?
Có thể do tác dụng của một loạt câu phức hợp khẩn thiết và khéo léo, ông Hinsh rất nhanh chóng trả lời, lời lẽ vừa không thể khác vừa chân thành. Đầu tiên ông than thở vì hiện trạng bất hạnh của Kim Trân. Trong đó trách Kim Trân không biết gì, vừa khiển trách số phận vô tình, không công bằng. Tiếp theo, ông viết:
Tôi cảm thấy bị xúc động mạnh, muốn nói những bí mật với em, nhưng không biết đấy là sức mạnh nào. Có thể, để tôi viết xong lá thư này, gửi đi, tôi sẽ vô cùng hối hận. Tôi đã từng thề, suốt đời không để ai biết bí mật của mình, nhưng vì tốt với em, chừng như tôi không thể không nói...
Bí mật gì?
Trong thư, ông Hinsh nói với chúng tôi, thì ra mùa đông năm ấy ông đưa hai hòm sách về Đại học N, chuẩn bị để nghiên cứu não bộ con người, nhưng mùa xuân năm tiếp theo có một người đến từ nước Israel đến tìm ông, người ấy nói, có một đất nước là mơ ước của người Do Thái, nhưng lúc này một đất nước như thế còn rất khó khăn, liệu ông có thể ngồi nhìn đồng bào của mình chìm trong buồn đau? Ông Hinsh nói, tất nhiên không thể. Người đến tìm nói: vậy tôi mong ông làm chút gì đó cho đồng bào của mình.
Làm gì?
Trong thư ông Hinsh nói, ông đã giúp đồng bào mình giải mấy bộ mật mã của nước bên cạnh, hơn nữa, ông làm trong mấy năm liền. Có thể, đấy là lời nhắn lại cho ông Lily khi ông Hinsh đưa cả gia đình sang nước X: Xuất phát từ nguyện vọng thiết tha của dân tộc, về sau tôi đã làm cho đồng bào của tôi một việc khẩn cấp và vô cùng bí mật, nỗi khổ và nguyện vọng của họ làm tôi xúc động, cho tôi được từ bỏ lí tưởng. Ông Hinsh viết tiếp: Tôi gặp may, được tin dùng, tôi liên tiếp giải được mấy bộ mật mã của nước bên cạnh, lập tức tôi được giới giải mã tôn vinh như hồi đầu được giới toán học tôn vinh.
Tiếp theo, có những sự việc có thể tưởng tượng, ví dụ về sau nước X tại sao huy động người giúp đỡ ông ta, đưa cả gia đình ông như đón nhận một báu vật, ấy là họ muốn dùng kĩ thuật phá mã của ông. Nhưng từ sau ngày đến nước X, có một sự việc mà ông Hinsh không nghĩ đến. Ông ta viết như thế này.
Tôi không hề nghĩ đến, họ gọi tôi đến không phải để phá mã của nước láng giềng, là gọi tôi đến để giải mật mã của chính nước họ, tức là bộ tử mật. Khỏi phải nói, nếu một ngày nào đấy tôi giải được hoặc sẽ giải được, bộ mật mã ấy sẽ bị phế bỏ. Tức là, công việc của tôi là báo hỉ hoặc báo tin buồn cho mật mã tử mật. Tôi trở thành cột đo hướng gió để nước X cảm nhận nước thù địch giải được mật mã tử mật. Có thể, tôi nên cảm thấy vinh dự, vì mọi người tin tôi không thể giải nổi mật mã tử mật sẽ không ai giải nổi. Không biết tại sao, có thể tôi không thích vai trò hiện nay của tôi, có thể mật mã tử mật không thể phá nổi khiến tôi phản cảm, tóm lại tôi rất muốn giải được mật mã tử mật. Nhưng cho đến nay, tôi vẫn chưa đụng đến công việc ấy, đấy là lí do để tôi nói với em đừng mong giải được.
Mọi người chú ý, bưu cục thư đi và bút tích của mấy thư trước không giống nhau, chứng tỏ ông Hinsh biết sự nguy hiểm khi nói ra những điều ấy. Gửi những thư ấy ông như kẻ bán nước, một lần nữa chứng tỏ ông có cảm tình sâu sắc với Kim Trân. Xem ra, có thể lợi dụng tình cảm ấy. Vậy là, lại một thư nữa viết với danh nghĩa Kim Trân gửi cho ông Hinsh. Trong thư này, “Kim Trân” muốn lợi dụng tình thầy trò để nói rõ tất cả:
Bây giờ em không còn tự chủ, nếu em muốn được mình tự chủ, cách duy nhất là phá được bộ mật mã tử mật... Em tin thầy đã làm quen với tử mật nhiều năm nay, nhất định chỉ ra được cho em lối thoát sai lầm... Không có kinh nghiệm, có sự chỉ bảo, sự chỉ bảo cũng là tài sản... Thầy Hinsh kính mến, thầy đánh em đi, mắng em đi, phỉ nhổ em đi, em đã thành Giu-đa mất rồi...
Một bức thư như vậy không thể gửi thẳng cho ông Hinsh, cuối cùng quyết định sẽ do một người của phía chúng ta đang ở nước X chuyển thư. Tuy có thể tin rằng, thư sẽ an toàn đến tay ông Hinsh, nhưng ông ta có trả lời hay không, người của đơn vị 701 chưa đủ tin. Cuối cùng, Kim Trân hiện tại - Kim Trân ngụy - không khác gì Giu-đa, với một học trò như vậy trong tình huống bình thường thầy giáo sẽ không thèm để tâm. Nói một cách khác, Kim Trân ngụy hiện tại kẹt giữa đáng thương và đáng ghét, để ông Hinsh xoá bỏ cái đáng ghét, giữ lại cái đáng thương, điều này có thể khó hơn cả phá được bí mật của tử mật. Cũng là nói, thư này chỉ là sự cầu may và tâm lí cầu may. Ở một góc độ nhất định, đơn vị 701 lúc ấy đã bó tay trong việc giải mã, đến mức bị trọng thương phải đi bệnh viện.
Như một kỳ tích, ông Hinsh trả lời thư.
Nửa năm tiếp theo, ông Hinsh không sợ hiểm nguy, tiếp xúc với người của phía chúng tôi, cung cấp cho Kim Trân thân yêu nhiều tài liệu tuyệt mật và tư tưởng để rà phá mật mã tử mật. Bởi vậy, Tổng bộ tổ chức một nhóm tạm thời nghiên cứu cách giải mã tử mật, thành viên đều do Tổng bộ chỉ định, cả nhóm phải nắm lấy cơ hội, phá vỡ bí mật của tử mật. Có điều không ai ngờ, lẽ ra họ phải cho Kim Trân cơ hội này. Sự thật thì, trong khoảng thời gian gần một năm, ông Hinsh không quản ngại vất vả đã gửi cho Kim Trân một loạt thư, Kim Trân không những không được nhận mà cũng không hề hay biết. Kim Trân không hề biết nội dung những thư đó, nếu có ý nghĩ gì đó cũng chỉ là thêm những giá trị để Kim Trân gọi rắn ra khỏi hang. Cho nên về sau lãnh đạo thấy Kim Trân càng ngày càng không muốn tiến thủ, thậm chí có thể dùng từ lêu têu để đánh giá Kim Trân, tổ chức rất yên tâm bỏ qua cho cậu ta, nhìn cậu ta bằng ánh mắt khác. Bởi vì, cậu là người móc nối để phá bí mật của tử mật.
Cho nên, việc ngày càng không muốn tiến thủ của Kim Trân ấy chỉ là chuyện cậu đọc sách, đánh cờ, về sau thêm vào việc giải mộng cho người khác. Cùng với thuật giải mộng ngẫu nhiên đúng, tất nhiên có thêm nhiều người tỏ ra hiếu kì, họ kín đáo tìm cậu ta, nói với cậu ta về những ý nghĩ ban đêm, đề nghị cậu giải thích. Giống như đánh cờ, Kim Trân không thích gì công việc này, nhưng do tình cảm, cũng có thể không thể từ chối nổi, cậu cứ phải đáp ứng yêu cầu của mọi người, giải thích có đầu có cuối những suy nghĩ không rõ ràng.
Mỗi tuần lễ có bốn buổi chiều toàn thể nhân viên nghiệp vụ phải tham gia sinh hoạt chính trị, nội dung không giống nhau, có lúc truyền đạt chỉ thị cấp trên, có lúc nghe báo cáo, có lúc tự do thảo luận. Gặp những hôm tự do thảo luận, Kim Trân thường bị người khác đưa ra ngoài, lặng lẽ hoạt động giải mộng. Một hôm Kim Trân đang giải mộng cho ai đó, bị ông Phó Cục trưởng phụ trách công tác xây dựng Đảng tóm tại trận. Ông này là con người thiên tả, thích làm to chuyện, làm rắc rối, ông ta cho rằng Kim Trân làm cái trò mê tín dị đoan, phê bình khá gay gắt, đồng thời bắt Kim Trân viết bản tự kiểm điểm.
Ông Phó Cục trưởng này uy tín đối với cấp dưới rất thấp, nhất là những người làm nghiệp vụ càng xem thường ông, họ xúi Kim Trân mặc kệ ông ta, hoặc chỉ viết qua loa vài câu. Kim Trân cũng định viết qua loa cho xong chuyện, nhưng cái qua loa để cậu ta giải thích khác với cái qua loa bình thường. Bản kiểm điểm nộp lên trên, chỉ gọn một câu: mọi bí mật ở đời đều nằm trong giấc mơ, gồm cả mật mã.
Như thế đâu phải là qua loa? Rõ ràng là biện giải, hình như cậu giải mộng cho người khác và công việc giải mật mã có liên quan với nhau, thậm chí còn có ý kiêu căng tự phụ. Ông Phó Cục trưởng tuy không biết gì về nghiệp vụ mật mã, nhưng với mộng, cái trò duy tâm, ông ta tỏ ra ghét cay ghét đắng. Ông nhìn bản kiểm điểm, cảm tưởng những dòng chữ trên đó đang nhăn nhở chế giễu ông, đang cười cợt với ông, đang nói xấu ông, ông nhảy dựng lên, nắm lấy bản kiểm điểm, thở hồng hộc xông ra khỏi văn phòng, ngồi lên chiếc mô-tô, phóng thẳng vào hang, đá tung cánh cửa sắt dày cộp của phòng giải mã, trước mặt mọi người, lên giọng lãnh đạo chửi bới, văng ra những câu vô cùng mạnh mẽ và khó nghe. Ông ta chỉ vào Kim Trân, nói:
“Anh đưa một câu cho tôi, tôi cũng trả lại anh một câu: mọi con ếch ghẻ ngồi đáy giếng đều muốn ăn thịt thiên nga trên trời.”
Ông Phó Cục trưởng không ngờ, câu nói của ông ta phải trả giá thê thảm, thậm chí xấu hổ không còn cách nào để ở lại đơn vị 701. Thật ra, ông Phó Cục trưởng nói hơi quá đáng, nhưng bản chất của việc giải mã câu nói ấy không phải không thể, câu nói rất có thể nói, không sai. Bởi vì, như trên đã nói, sự nghiệp cô đơn, ầm thầm này ngoại trừ tri thức, kinh nghiệm và thiên tài ra, tưởng chừng cần thêm vận may từ ngoài hành tinh. Hơn nữa, Kim Trân ngày thường vẫn cho mọi người cảm giác, vừa không có những lời nói thông minh, mà cũng không thấy tài năng và lòng quyết tâm, có thể có may mắn hơn người khác.
Nhưng, Trung Quốc có câu nói của người xưa có thể phản kích lại thành kiến của người khác: nước biển không thể đong bằng đấu, con người không thể nhìn tướng mạo.
Tất nhiên, phản kích mạnh mẽ nhất là việc một năm sau Kim Trân đã phá được mật mã tử mật.
Chỉ cần một năm.
Phá được khoá mã tử mật.
Không ngờ, trong khi nhiều người lẩn tránh bộ khoá tử mật như tránh tà ma, ếch ghẻ ngồi đáy giếng lại dũng cảm trấn yểm được nó. Nếu mọi người biết trước cậu ta có thể phá được khoá mã ấy, sẽ không cười cậu ta mới là kì lạ. Có thể mọi người nói, anh điếc không sợ súng. Nhưng sự thật đã chứng minh, cái con ếch to đầu không những có tài mà còn có vận may. Vận may ngoài hành tinh. Mộ tổ phát vận may.
Vận may của Kim Trân quả là không thể tưởng tượng nổi, càng không thể cầu xin, có người nói cậu ta nằm mơ - hoặc là người khác nằm mơ - đã phá được mã khoá tử mật, cũng có người nói cậu ta đánh cờ với anh điên cờ nên nhận được linh cảm, lại có người nói cậu ta đọc sách và gặp thiên cơ. Tóm lại, cậu ta lặng lẽ, không ồn ào phá khoá mật mã tử mật, điều ấy khiến nhiều người ghen tị và vui mừng. Vui mừng là của mọi người, ghen tị có thể chỉ là mấy vị chuyên gia do Tổng cục cử về, họ điên cuồng mong đợi sự chỉ dẫn của ông Hinsh, cho rằng có thể phá được khoá mật mã tử mật.
Đấy là mùa đông năm 1957, Kim Trân đến đơn vị 701 hơn một năm.
8
Hai mươi lăm năm sau, trong phòng khách giản dị, ông Cục trưởng họ Trịnh chống gậy nói với tôi, ngay lúc bấy giờ, có rất nhiều người, kể cả ông Phó Cục trưởng dùng đấu để đong đếm nước biển Kim Trân, ông là một trong số rất ít người hi vọng ở Kim Trân, sáng suốt nhận định về Kim Trân. Không biết cái sáng suốt này có sau sự việc hay quả đúng như vậy, nhưng dù sao thì ông ta nói như thế.
(Ghi theo lời kể của Cục trưởng Trịnh)
Nói thật, tôi suốt đời ngâm mình trong giới phá khoá mật mã, chưa thấy ai như Kim Trân có sự nhạy cảm phi thường đối với mật mã. Hình như cậu ta có mối liên hệ linh thiêng đối với mật mã, giống như con với mẹ, khí huyết tương liên, rất nhiều điều hiểu nhau một cách tự nhiên. Cậu ta tiếp cận mật mã rất giỏi, cậu ta còn cái giỏi khác nữa, ấy là tính kiên cường không sợ vinh nhục hiếm thấy ở người khác, trí tuệ cực kì lạnh lùng, trước những sự việc càng tuyệt vọng cậu ta càng tỏ ra hứng thú, càng tỏ ra tỉnh bơ, phớt lờ. Tính ương bướng và trí tuệ của cậu là ngang nhau, hài hoà, gấp đôi người khác. Xem xét thật kĩ tâm linh rộng lớn và tĩnh lặng của cậu ta, anh sẽ được cổ vũ, nhưng lại cảm thấy nhu nhược, bất lực.
Tôi nhớ rất rõ, cậu ta đến làm công việc phá khoá mã được ít lâu, tôi phải sang nước Y hoạt động nghiệp vụ, một nghiệp vụ có liên quan đến phá khoá tử mật. Lúc ấy, nước Y cũng đang cố gắng phá khoá tử mật của nước X, họ có những bước tiến lớn hơn chúng ta, cho nên Tổng cục cử tôi sang đấy để tham khảo. Chúng tôi có ba người, một người ở phòng giải mã, một Phó Tổng cục trưởng, người của Tổng cục phân công phụ trách nghiệp vụ chỗ chúng tôi.
Trở về, tôi nghe lãnh đạo và những người chung quanh bàn tán về cậu ta, bảo cậu ta không chuyên cần, thiếu tinh thần nghiên cứu đi sâu, không nghiêm túc, vân vân. Tôi nghe, tất nhiên rất buồn, vì tôi tuyển chọn cậu ta, chừng như tôi hứng lên đi nhận một thứ phế bỏ về đơn vị. Tối hôm sau, tôi đến chỗ ở để tìm cậu ta. Cửa khép hờ, tôi gõ cửa, không có tiếng trả lời, tôi khẽ đẩy cửa bước vào.
Phòng ngoài không có ai, tôi nhìn vào buồng ngủ, đèn vẫn sáng, dưới ánh đèn tôi kinh ngạc phát hiện, bốn chung quanh tường treo đầy biểu đồ, có tấm giống như hàm số, đầy những đường cong gấp khúc, có tấm như một bản thống kê, những con số đủ màu sắc giống như bong bóng phập phồng dưới nắng, có cảm giác cả căn phòng giống như một căn gác giữa không trung.
Theo những chú thích trên biểu đồ, tôi hiểu đây là bản sao chép “Lịch sử mật mã thế giới”, nếu không có những chú thích ấy tôi làm sao biết được đây là những biểu đồ gì. Lịch sử mật mã thế giới là bộ sách dày ba triệu chữ, cậu ta có thể trình bày một cách đơn giản, hơn nữa lại dùng phương thức dãy số đặc biệt, lần đầu tiên làm tôi ngạc nhiên. Giống như một bộ hình thể người, có thể bóc hết thịt da, chỉ còn bộ xương để vẽ truyền thần con người đã là một thiên tài, nhưng cậu ta ngay cả bộ xương cũng không cần, chỉ cần một đoạn xương bàn tay là đủ. Thử nghĩ, chỉ một đốt xương ngón tay mà vẽ ra hình một người sống động, đấy là năng lực gì?
Kim Trân đúng là một thiên tài, trên người cậu ta có nhiều cái mà chúng ta khó hình dung nổi, cậu ta có thể trong mấy tháng thậm chí một năm không nói với ai câu nào, im lặng như chuyện ăn cơm vậy, tất nhiên khi cậu ta nói, chỉ một câu có thể nói hết mọi lời của ai đó. Cậu ta làm gì cũng tưởng như không có quá trình, chỉ có kết quả, mà kết quả lại vô cùng chính xác, không chút sai sót, thật đáng kinh ngạc. Cậu ta có bản năng và khả năng nắm vững bản chất sự vật, phương thức nắm cũng thật quái dị, đặc biệt, khác hẳn mọi người. Liệu có ai nghĩ được rằng, cậu ta có thể đưa cả một bộ “Lịch sử mật mã thế giới” vào phòng ngủ của mình như thế không? Không ai ngờ. Hãy ví dụ, nếu nói mật mã là một quả núi, phá khoá mã là việc tìm kiếm bí mật quả núi ấy, người bình thường sẽ tìm con đường lên núi, có đường mới lên núi, lên núi rồi mới tìm kiếm bí mật. Nhưng cậu ta lại không thế, có thể cậu ta lên một quả núi bên cạnh, lên rồi sẽ dùng đèn chiếu sang ngọn núi kia, sau đấy sẽ dùng ống nhòm để tìm kiếm bí mật. Cậu ta kì quái như vậy, mà cũng thần kì như vậy đấy.
Không nghi ngờ gì nữa, khi cậu ta đưa “Lịch sử mật mã thế giới” vào phòng ngủ, vậy là mỗi cử động tay chân, mở mắt hoặc nhắm mắt, cũng đều là một cách hoàn thành việc liên thông với mật mã, lâu ngày, có thể tưởng tượng toàn bộ lịch sử mật mã, từng li từng tí hít thở vào lồng ngực, hoá thành máu chảy trong tim.
Tôi vừa nói đến điều kinh ngạc thứ nhất, đấy là điều tôi trông thấy, tôi lập tức lại bị kinh ngạc bởi điều nghe nói.
Tôi hỏi cậu ta tại sao lại dành sức lực vào lịch sử mật mã, là bởi tôi thấy, phá khoá mã không phải là công việc của sử gia, người phá khoá mật mã tiếp cận lịch sử là điều hoang đường và nguy hiểm. Anh có biết cậu ta nói gì không?
Cậu ta nói, tôi tin mật mã của thế giới giống như cơ thể con người sống, đời mật mã này có liên quan đến đời mật mã sau, các bộ mật mã cùng thời đại kín đáo hô ứng, chúng ta đang phá mã của mật mã này, cái bí mật của nó rất có thể nằm trong bộ mật mã nào đấy của người đi trước.
Tôi nói, nguyên tắc làm ra mật mã là phải từ bỏ lịch sử, để tránh người giải mã có thể phá ngay được.
Cậu ta nói, mọi người mong muốn từ bỏ quá khứ chính là sự liên hệ.
Một câu nói của cậu ta khiến tâm linh tôi bị đảo lộn.
Cậu ta nói tiếp, diễn biến của mật mã giống như diễn biến khuôn mặt con người, xu thế chung là phát triển, điều khác là, sự thay đổi khuôn mặt vẫn cơ bản là khuôn mặt người, thay đi đổi lại thì vẫn là khuôn mặt người, hoặc giống với khuôn mặt người, càng tăng thêm mĩ cảm. Sự biến đổi của mật mã hoàn toàn ngược lại, hôm nay nó là một khuôn mặt người, ngày mai nó cố gắng từ hình thức khuôn mặt người biến thành mặt ngựa, mặt chó, hoặc khuôn mặt khác, cho nên đấy là sự biến hoá không có hình hài cơ bản. Nhưng dù biến đổi thế nào đi nữa, năm giác quan sẽ càng rõ ràng hơn, lung linh, phát triển, hoàn mĩ, đó là xu thế tiến hoá bất biến. Cố gắng biến thành một khuôn mặt khác là tất yếu, ngày càng hoàn mĩ cũng là tất yếu, hai cái tất yếu như hai sợi dây, giao điểm của nó sẽ là trái tim để sinh ra một đời mật mã mới. Nếu từ trong khu rừng lịch sử mật mã tìm ra hai đường dây ấy, nó sẽ giúp chúng ta phá được khoá mã hôm nay.
Cậu ta vừa thuật lại như thế, vừa lấy ngón tay chỉ vào đám chữ số như đàn kiến trên tường, ngón tay nhảy múa có tiết tấu, tưởng chừng như đang đi giữa rất nhiều trái tim.
Nói thật, tôi rất kinh ngạc về hai đường dây của cậu ta. Tôi biết, về lí thuyết mà nói, hai đường dây ấy tồn tại, trên thực tế nó không tồn tại. Bởi vì không ai trông thấy hai đường dây được kéo ra ấy, người mong kéo được hai sợi dây ấy ra, cuối cùng sẽ bị nó trói buộc đến chết.
Đúng vậy, tôi sẽ giải thích. Tôi hỏi anh, gần một lò lửa anh cảm thấy thế nào?
Đúng, anh cảm thấy nóng bỏng, sau đấy không dám đến gần, phải giữ một khoảng cách để khỏi bị bỏng, phải không? Gần một con người cũng như vậy, anh sẽ bị ảnh hưởng hoặc ít hoặc nhiều, mức độ bao nhiêu sẽ quyết định bởi sức hấp dẫn, chất lượng và năng lượng của người đó. Với lại, tôi có thể nói một cách tuyệt đối rằng, những con người lăn lộn trong giới mật mã, bất luận là người tạo lập mật mã hay người phá khoá mã đều là những con người tinh anh tài giỏi, có sức hấp dẫn vô cùng tận, có tâm linh sâu như hố đen. Bất cứ ai trong số họ đều có ảnh hưởng rất lớn đối với người khác. Khi anh bước vào khu rừng lịch sử mật mã giống như bước vào một khu rừng bí hiểm đầy những cạm bẫy, mỗi bước đi đều có thể sập bẫy không thể rút chân ra nổi. Cho nên, người làm mật mã hoặc người giải mã nói chung không dám tiếp cận lịch sử mật mã, bởi trong khu rừng ấy bất cứ một tâm linh nào, một tư tưởng nào cũng sẽ hút chặt anh như một thứ nam châm, đồng thời sẽ bị hoà tan. Khi tâm linh của anh đã bị tâm linh nào đó trong khu rừng lịch sử mật mã hút chặt, đồng hoá, vậy là anh sẽ không đáng một xu trong giới mật mã, bởi trong khu rừng lịch sử mật mã không cho phép xuất hiện hai tâm linh giống nhau, để tránh phá một phản lại ba. Tâm linh giống nhau trong giới mật mã sẽ là một đống rác, mật mã là vô tình, là thần bí thế đấy.
Thôi, bây giờ anh nên hiểu về sự kinh ngạc của tôi lúc bấy giờ. Kim Trân tìm ra hai đường dây ấy, thật ra là đã phạm vào điều cấm kị khi giải mật. Tôi không biết có phải cậu ta không biết hay là biết mà cố tình vi phạm. Từ sự kinh ngạc đầu tiên cậu ta tạo nên, tôi tin rằng cậu ta biết mà cố tình, là sự cố ý vi phạm. Cậu ta biến một bộ lịch sử mật mã thành biểu đồ để treo lên tường, điều ấy đã ám chỉ coi thường mọi người. Một con người vi phạm như thế rất có thể không phải là ngu muội, lỗ máng, mà là dũng cảm, có thực lực.
Cho nên, nghe cậu ta nói về hai đường dây, tôi không có điều gì bác bỏ, mà lặng lẽ tỏ ra nể phục, thầm ghen tị, vì rõ ràng cậu ta đã đứng trên tôi.
Lúc ấy cậu ta đến làm ở phòng giải mã mới được nửa năm.
Đồng thời, tôi lo cho cậu ta, tưởng như tai hoạ đang lơ lửng trên đầu. Sự thật thì ai cũng biết, bây giờ anh cũng nên biết, Kim Trân tìm ra hai đường dây là có ý cậu ta muốn chiếm cứ từng tâm linh trong lịch sử mật mã, tức tách riêng vô số điểm nhỏ đã tạo thành đường dây, nghiên cứu thật tỉ mỉ, tường tận. Mà những tâm linh đó, những điểm đó đều có sức hút kì lạ, đều có thể biến thành những bàn tay đầy sức mạnh, tóm chặt cậu ta, bóp chặt trong lòng bàn tay, biến cậu ta thành rác rưởi. Cho nên, bao nhiêu năm nay, cách thức giải mã trở thành quy định không thành văn: phải xa rời lịch sử. Cho dù mọi người đều biết, trong đó - trong lịch sử mật mã - rất có thể tiềm ẩn nhiều cơ may và ám chỉ, rất có thể cho anh một gợi ý. Nhưng sợ vào mà không ra nổi, nếu bịt chặt nguyện vọng vào, theo đó đậy kín tất cả những gì có trong đó.
Hoàn toàn có thể nói rằng, trong rất nhiều lịch sử, lịch sử mật mã là thứ lặng lẽ nhất, lạnh lùng nhất, trong đó không có người thăm hỏi, trong đó không ai dám hỏi thăm. Sự buồn đau của người làm công việc giải mã phát sinh từ đấy, họ mất hẳn tấm gương lịch sử, mất đi cái quy luật được hút chất dinh dưỡng từ trong thành quả. Sự nghiệp của họ thật gian nan, tâm linh của họ cô đơn không bạn bè, tấm thân người trước khó thành bậc cao cho họ đứng lên, ngược lại biến thành những ô cửa đóng chặt, thành cạm bẫy chết người, buộc họ phải đi đường vòng, tìm ra một lối đi khác. Theo tôi, trên thế gian không có một sự nghiệp nào đòi hỏi phải cắt đứt, đi ngược với lịch sử như nghề mật mã. Lịch sử trở thành gánh nặng và khó khăn cho người đi sau, thật tàn khốc, vô tình. Cho nên, trong giới khoa học, chôn vùi thiên tài nhiều nhất là giới mật mã, hiệu suất chôn vùi tài năng cao đến kinh hãi!
Tôi giới thiệu tóm tắt một chút. Nói chung, phương thức giải mã vẫn dùng là phải làm việc cụ thể, trước hết nhân viên tình báo sẽ thu thập những dữ liệu cần thiết, sau đấy sẽ căn cứ vào những dữ liệu để đưa ra các suy luận phán đoán, cảm giác như dùng vô số cái chìa khoá để mở vô số cánh cửa, cửa, chìa khoá là do bản thân anh thiết kế và tạo ra, cái hạn độ của vô số quyết định bởi số lượng dữ liệu, lại quyết định bởi sự nhạy bén của anh đối với mật mã.
Nên nói, đấy là phương pháp nguyên thủy và vụng về nhất nhưng an toàn nhất, có hiệu quả nhất, nhất là đối với việc mở khoá mật mã cao cấp, công suất cao hơn hẳn các phương pháp khác, cho nên mới tồn tại đến ngày nay.
Nhưng với Kim Trân, anh biết không, cậu ta trượt khỏi phương thức này, rất mạnh dạn xông vào khu vực cấm, thò bàn tay phá khoá vào lịch sử, đặt gánh nặng lên vai, kết quả như tôi nói vừa rồi, rất nguy hiểm, đáng sợ. Tất nhiên, nếu thành công, tức là tiến vào mà tâm linh của cậu ta không bị tiền bối nuốt chửng, đấy là việc ghê gớm, ít nhất có thể rút ngắn phạm vi tìm kiếm đến mức tối đa. Ví dụ, nếu trước mặt chúng ta có một vạn công thức nhỏ, rất có thể với cậu ta chỉ còn lại một nửa thậm chí ít hơn, còn lại bao nhiêu quyết định bởi sự thành công nhiều hay ít, quyết định bởi mức độ nắm vững hai đường dây kia.
Nhưng, nói thật, theo cách đó hiệu suất thành công rất thấp, thậm chí người thử nghiệm cũng ít, người thành công lại hiếm như sao ngày. Trong giới giải mã chỉ có hai người dám mạo hiểm, một là thiên tài chính cống, đại thiên tài, một nữa là người điên. Người điên chẳng sợ gì hết, vì họ có hàm răng chắc khỏe và một trái tim kiên cường, mọi chuyện đáng sợ đều bị họ cắn nát hoặc bị trái tím kiên cường bắn tung.
Lúc bấy giờ tôi không dám khẳng định Kim Trân là thiên tài hay kẻ điên, nhưng có một điểm tôi có thể khẳng định đấy là, từ nay về sau tôi sẽ không kinh ngạc nếu cậu ta có một việc gì đó dù là vinh quang hay ô nhục, dù là kinh thiên động địa đến đâu, tôi sẽ không chút kinh ngạc, chỉ là thở phào nhẹ nhõm cho cậu ta, đồng thời đôi chân của linh hồn tôi sẽ ngoan ngoãn quỳ xuống chân cậu ta.
Hơn nữa, sau khi Kim Trân đã phá được khoá tử mật, tôi phát hiện những gì ông Hinsh cung cấp để phá khoá đều sai. Điều ấy muốn nói, rất may hồi bấy giờ nhóm phá khoá tử mật loại Kim Trân ra ngoài, nếu không, biết đâu cậu ta lao vào ngõ cụt. Nhưng chuyện như vậy ở đời này nhiều lắm, việc loại cậu ta ra khỏi nhóm nghiên cứu là không công bằng, nhưng kết quả lại giúp cậu ta thành công, có gì đó giống như tái ông mất ngựa. Còn việc tại sao những gợi ý của ông Hinsh lại là sai lầm, ở đây có thể có hai khả năng, thứ nhất là cố tình, ông ta định hại chúng ta; thứ hai là vô tình, trong việc giải mã của ông ta có sai lầm. Tình hình lúc bấy giờ thì khả năng thứ hai lớn hơn, bởi ngay từ đầu ông ta đã bày tỏ tử mật là bộ khoá không thể giải nổi.
Phá khoá mã tử mật là thành công của Kim Trân!
Khỏi phải nói, những năm tháng sau đấy, cậu thanh niên thần bí đương nhiên bắt đầu thu hoạch những mùa lớn, cho dù cậu ta vẫn là con người cô đơn, sống cô quạnh, cô quạnh làm việc; tay vẫn cầm cuốn sách, vẫn đánh cờ, vẫn giải mộng cho mọi người, ít nói, không nóng không lạnh, vinh hay nhục cũng không làm cậu ta quan tâm, vẫn rất bình thường, không có gì thay đổi, vẫn giữ nguyên, nhưng nhận thức của mọi người cũng thay đổi, mọi người tin rằng, đấy là cái thần bí, sức hấp dẫn, vận may của cậu ta.
Ở đơn vị 701, không một người con trai hay con gái nào không biết cậu ta, không tôn kính cậu ta, vì một mình lặng lẽ đi lại, cho nên từng con chó đều quen cậu. Mọi người đều biết, sao trên trời có lúc lặn, nhưng ngôi sao cậu ta thì không, vì vinh quang cậu ta có được, người khác hưởng suốt đời không hết. Thu nọ qua thu kia lại đến, mọi người thấy cậu ta cứ lần lượt thăng cấp: tổ trưởng, phó trưởng phòng, trưởng phòng, phó cục trưởng... Cậu ta vẫn yên lặng tiếp nhận, không vì thế mà cuồng vọng, cũng không vì thế mà khiêm tốn nhã nhặn, cảm giác mọi chuyện vẫn phẳng lặng như nước hoà tan trong nước.
Cảm giác của mọi người cũng vậy, hâm mộ nhưng không ghen tị, cảm thán nhưng không chán nản, bởi vì, mọi người tự giác coi cậu đứng riêng một cõi, thừa nhận cậu rất đặc biệt, không thể so sánh. Mười năm sau, năm 1966, chỉ cần nửa thời gian của người khác, thậm chí ít hơn, cậu ta đã ngồi vào vị trí Cục trưởng Cục giải mã, chừng như mọi người đã dự đoán được sẽ là như thế, cậu không hề có cảm giác bị khoa trương, thổi phồng. Mọi người còn rất thoả mãn cho rằng, sẽ có ngày đơn vị 701 sẽ thành trời đất của Kim Trân, hàm Cục trưởng sẽ đến với con người trẻ tuổi trầm mặc trong một thời gian ngẫu nhiên của tất nhiên.
Có thể suy nghĩ hoặc nguyện vọng của mọi người đối với Kim Trân rất dễ trở thành sự thật, bởi vì ở đơn vị 701, một cơ cấu đặc biệt tưởng chừng mọi vị lãnh đạo đều không dễ đảm nhiệm mũi nhọn công việc, hơn nữa Kim Trân tính cách trầm lắng, lạnh lùng, tưởng chừng rất thích hợp giữ vai trò đầu não của một tổ chức bí mật.
Nhưng, chỉ trong ít ngày cuối năm 1969 đã xảy ra một sự việc mà đến nay nhiều người vẫn còn nhớ rõ và kể lại có đầu có đuôi, trở thành câu chuyện thứ tư.
Giải Mật Giải Mật - Mạch Gia Giải Mật