Bi kịch trong cuộc đời không phải là ở chỗ không đạt được mục tiêu, mà là ở chỗ không có mục tiêu để vươn tới.

Benjamin Mays

 
 
 
 
 
Tác giả: Mạch Gia
Thể loại: Trinh Thám
Dịch giả: Lê Minh Sơn
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3953 / 107
Cập nhật: 2016-06-27 09:58:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
1
Liền trong hai năm, tôi dành những ngày nghỉ phép để quẩn quanh tại mấy địa điểm đường sắt giao nhau ở miền Nam, đầu tiên là hỏi chuyện năm mươi mốt người lớn tuổi biết chuyện, đọc hơn một triệu chữ tư liệu, cuối cùng vững tin để ngồi viết. Những ngày ở miền Nam cho tôi hiểu thế nào là miền Nam. Cảm nhận thiết thân của tôi là, sau khi đến miền Nam, mỗi lỗ chân lông của tôi đều nhoẻn miệng cười, ngọt ngào hít thở, say mê hưởng thụ, đẹp tươi như hoa, thậm chí từng chân tơ kẽ tóc rối rắm cũng trở nên sống động, tưởng như đen hơn. Cho nên, không có gì lạ khi tôi chọn một nơi ở miền Nam để ngồi viết, điều khó hiểu là, do thay đổi nơi ngồi viết, dẫn đến phong cách viết của tôi cũng thay đổi theo. Tôi nhận ra, khí hậu dễ chịu làm tôi cảm thấy đủ dũng khí và lòng kiên nhẫn vượt qua khó khăn trong lúc viết, đồng thời làm cho câu chuyện tôi kể cũng xanh tươi như cây cỏ miền Nam. Nói thẳng ra, nhân vật chính của câu chuyện lúc này vẫn chưa xuất hiện, nhưng sắp xuất hiện. Với một ý nghĩa nào đấy, nhân vật chính đã xuất hiện, chẳng qua tôi chưa trông thấy, giống như chúng ta không trông thấy những hạt giống nảy mầm dưới lớp đất ẩm.
Thật ra, hai mươi ba năm trước, việc thiên tài Dung Ấu Anh sinh ra Quỷ Đầu To, không ai tin rằng sự việc vô cùng khiếp sợ ấy còn có thêm một lần nữa. Nhưng, mấy tháng sau ngày người con gái không tên vào ở trong nhà họ Dung, lại tái hiện một phiên bản đầu to. Vì còn trẻ, tiếng kêu gào của người con gái không tên càng vang hơn, tiếng gào cứ bay lượn trong khuôn viên thâm nghiêm, khiến cho ánh sáng cũng phải run rẩy, thậm chí làm cho ông trưởng họ mất trí cũng phải giật mình kinh hãi. Bà đỡ đến rồi về, về rồi đến, người trông coi hết người này đến người khác, lúc ra về trên người ai cũng nồng nặc mùi tanh của máu, máu dính đầy người, giống như một trận đấu kiếm. Máu từ trên bàn đẻ chảy xuống đất, từ trong phòng chảy ra ngoài, chảy ra ngoài rồi vẫn còn chảy, chảy theo khe của những tấm đá xanh, chảy ra tận bãi cỏ có trồng mấy cây mai. Hoa mai nở lẫn với cỏ, lẽ ra phải tàn, nhưng mùa đông năm ấy hoa mai nở hai lần, nghe nói vì chúng được uống máu người. Lúc mai nở, người đàn bà không tên đã hồn xiêu phách lạc, không biết làm oan hồn ma dại nơi nào rồi.
Tất cả những người biết chuyện đều nói, cô gái không tên cuối cùng sinh hạ được đứa bé quả là kì tích. Những người ấy còn nói, nếu đứa trẻ được sinh ra, người mẹ sống, sẽ là đại kì tích, kì tích của kì tích. Có điều kì tích của kì tích đã không thành. Sau khi đứa trẻ được sinh ra, người con gái không tên cũng buông tay khỏi thế gian. Kì tích của kì tích không dễ gì tạo nên, trừ phi sinh mệnh không phải là máu thịt, vấn đề không ở đấy, vấn đề ở chỗ khi mọi người rửa sạch máu trên mặt đứa bé, ai cũng kinh ngạc phát hiện, đứa bé từ đầu đến chân không một chỗ nào không giống Quỷ Đầu To: tóc đen xù lên, giống từ cái đầu to, cái bớt hình trăng khuyết ở mông. Sự việc đến nước này, hoá ra lời nói dối của Lily con thành to chuyện. Một đứa bé thần bí nửa người nửa thần tiên, ai trông thấy cũng kính nể và sợ hãi, bỗng chốc trở thành con quỷ nghịch tặc dữ tợn. Nếu bà chị dâu ông J. Lily không có chút ấn tượng nào đối với Bàn tính đầu to, khi trông thấy đứa bé này, e rằng dù có tấm lòng từ bi kính Phật, cũng phải đem nó vứt ra bãi hoang. Nói một cách khác, vào lúc quan trọng vứt hay không vứt, cái đứa nhỏ này và hình bóng quên mình của bà nội nó đã cứu nó, giữ nó lại trong gia đình họ Dung.
Nhưng giữ cái sinh mệnh ấy lại, thì sự tôn trọng đối với những người họ Dung không còn, thậm chí ngay cả họ tên của nó cũng không có. Suốt một thời gian dài, ai cũng gọi đứa nhỏ kia là Ma Chết. Một hôm, ông Tây đi qua cửa nhà hai vợ chồng lão bộc nhận nuôi Ma Chết, lão bộc rất khách khí mời ông Tây vào nhà, nhờ đặt cho đứa bé cái tên. Họ đều là người già sợ chết, cảm thấy ớn lạnh khi gọi Ma Chết, tưởng như giục đòi sinh mệnh của chính họ, cho nên rất muốn đổi tên cho đứa nhỏ. Đã từng đổi tên, những là Cún, là Miu, có thể không thiết thực, không ai gọi, không có ai gọi, xóm giếng cứ gọi nó là Ma Chết, Ma Chết, gợi cho hai ông bà già đêm nào cũng gặp ác mộng. Cho nên, rất bức xúc mời ông Tây đặt cho nó cái tên khác.
Ông Tây chính là người năm xưa giải mộng cho bà cố, một thời rất được nhà họ Dung yêu quý, nhưng không phải những người có tiền có của yêu quý. Một hôm, ở bến tàu, ông bói cho một người chuyên buôn trà, kết quả bị một trận đòn nhừ tử, tay chân bị gãy không nói làm gì, ngay cả đôi mắt xanh sáng quắc cũng bị mất một con. Ông ta dựa vào cái tay cái chân gãy và con mắt mù bò đến cửa nhà họ Dung, người nhà họ Dung với thiện tâm của vong linh bà cố, nhận ông ta, sau đấy cứ ra ra vào vào, ở ngay trong nhà họ Dung, dựa vào hiểu biết và sự chán đời khi đã tỉnh ngộ, ông tìm cho mình một công việc thích hợp, ấy là sửa sang đính chính gia phả của dòng họ cao quý này. Hết năm nọ sang năm kia, cho đến nay, chính ông là người hiểu biết ngọn ngành họ Dung hơn bất cứ người nào của dòng họ, quá khứ, hiện tại, nam nữ, lịch sử công khai, lịch sử bí mật, hưng vong vinh nhục, thậm chí cả sự đổi thay trong từng chi tiết, dây mơ rễ má, tất thảy đều trong tim, trên đầu ngòi bút của ông ta. Cho nên, Ma Chết là người nơi nào, dây nào quả nào, quả này thối hay thơm, là sáng hay tối, sang hay hèn, vinh hay nhục, người bên cạnh hay trong mây trong mù... ông ta đều biết rõ, chính vì biết rõ, cho nên cái tên hoặc tên hiệu đều rất khó đặt.
Ông Tây suy nghĩ, tên phải có họ, vậy họ gì? Đúng lí ra, nó phải mang họ Lâm, nhưng như vậy khác nào lạy ông tôi ở bụi này, làm cho mọi người ghét bỏ; họ Dung, đấy là chuyện cách đời không thể được; theo họ mẹ, cô gái không tên thì lấy đâu ra họ? Dù có cũng không thể lấy như thế, khác nào bôi gio trát trấu vào mặt nhà họ Dung, khác nào chửi thẳng vào mặt. Nghĩ đi nghĩ lại, nghĩ mãi cái họ không ra, đành đặt cho nó cái tên hiệu. Ông Tây nhìn cái đầu to của nó, nó có cái đau khổ là sinh ra không cha không mẹ, là cái số tự sinh tự diệt, chợt nghĩ ra một cái tên hiệu: Sâu Đầu To.
Sự việc truyền đến Phật đường, người tụng kinh vừa ngửi mùi hương thơm vừa suy nghĩ rồi nói:
“Đều là hung thần, nhưng Quỷ Đầu To làm cho tài nữ nhà họ Dung phải chết, cho nên gọi là quỷ không còn gì đúng hơn, đứa nhỏ này làm chết một một cô gái mà không biết xấu mặt, nó dám tỏ ra bất kính với Đức Phật, đúng là tội đáng chết, là đồ trời tru đất diệt! Làm cô ta chết tức là thay trời hành đạo, trừ ác cho con người, gọi đứa bé là quỷ có phần oan cho nó, vậy từ nay về sau gọi nó là Sâu Đầu To, chắc chắn nó không hoá rồng được.”
Sâu Đầu To!
Sâu Đầu To!
Sâu Đầu To sống như một con sâu.
Sâu Đầu To!
Sâu Đầu To!
Sâu Đầu To lớn lên như một ngọn cỏ.
Trong khuôn viên rộng lớn, chỉ có một người coi Sâu Đầu To là con người, là một đứa bé, đó là ông Tây, một người tự do phóng khoáng đến từ bên kia đại dương. Mỗi ngày sau khi đọc xong một bài kinh buổi sáng và nghỉ buổi trưa, vẫn thường theo con đường rải đá yên tĩnh, thả bước đến nhà vợ chồng lão bộc, ngồi bên cạnh thằng Sâu Đầu To đang đứng trong cái thùng gỗ, hút điếu thuốc, dùng tiếng mẹ đẻ của ông ta để kể về giấc mộng đêm qua, hình như kể cho Sâu Đầu To nghe, thật ra chỉ một mình nghe thấy, vì Sâu Đầu To không hiểu. Có lúc, ông ta đem cho Sâu Đầu To cái chuông hoặc thằng người bằng đất, cái tượng bằng sáp..., hình như những thứ đó làm cho Sâu Đầu To có cảm tình với ông. Về sau, Sâu Đầu To chân tay đã cứng cáp, có thể vung vẩy đi chơi, chỗ mà nó đến là vườn lê, nơi ông Tây sống và làm việc.
Vườn lê, đúng như tên gọi, có hai cây lê trên trăm tuổi, trong vườn còn có một cái nhà gỗ có gác xép, là nơi nhà họ Dung cất giấu thuốc phiện và dược thảo. Một năm, một người hầu gái bỗng mất tích, lúc đầu nghĩ cô đi theo trai, về sau phát hiện thi thể cô đã thối rữa trong cái nhà gỗ này. Cô hầu chết không rõ nguyên nhân, nhưng tin chết không cánh mà bay, làm cho người họ Dung ai cũng biết. Từ đấy về sau, vườn lê trở thành nơi ma quỷ trú ngụ và âm u đáng sợ, ai nhắc đến cũng phải biến đổi sắc mặt; trẻ con quấy khóc, người lớn đều lấy nơi này ra doạ: còn khóc nữa sẽ ném mày vào vườn lê! Ông Tây dựa vào cái nơi làm mọi người khiếp hãi để hưởng thụ sự yên tĩnh, tự do của riêng mình. Mùa lê nở hoa, nhìn hoa lê rực rỡ, ngửi thấy hương thơm của hoa, ông tin rằng, đây chính là nơi mà suốt đời ông phải cực khổ, phiêu bạt kiếm tìm. Lúc hoa lê tàn, ông nhặt những cánh hoa rơi, phơi khô, đem cất lên gác xép, như vậy quanh năm ngôi nhà lúc nào cũng ngan ngát hương thơm của hoa, có cảm giác bốn mùa đều là xuân. Vào những lúc buồn bực, ông còn dùng cánh hoa lê khô ngâm vào nước, uống vào thấy dễ chịu, rất công hiệu.
Sau lần đầu Sâu Đầu To đến, ngày nào nó cũng đến đây, đến nhưng không nói chuyện, chỉ đứng dưới gốc cây lê, ánh mắt dõi theo bóng ông Tây, nó lặng lẽ, rụt rè, giống chú nai con nhút nhát. Vì từ nhỏ phải đứng trong cái thùng gỗ, nó tập đi sớm hơn những đứa trẻ khác, nhưng chậm nói, hơn hai tuổi, những đứa khác đã biết đọc thơ ngũ ngôn thất luật, nó chỉ mới biết a... a... Nó chậm nói khác thường nên nhiều người nghĩ nó bị câm bẩm sinh, nhưng rồi một hôm, ông Tây nghỉ trưa trong lán tranh, bỗng nghe có tiếng kêu buồn đau:
“Mặt đất...”
“Mặt đất...”
“Mặt đất...”
Ông Tây lại nghe ra có người dùng tiếng mẹ đẻ để gọi tên cha của ông ta. Ông choàng mở mắt, trông thấy Sâu Đầu To đứng bên cạnh, tay kéo áo ông, nước mắt giàn giụa. Đấy là lần đầu tiên Sâu Đầu To gọi người, nó coi ông Tây là cha đẻ, bây giờ cha đã chết, nó khóc, khóc gọi ông dậy. Từ hôm ấy, ông Tây đón Sâu Đầu To về ở trong vườn lê. Ông Tây ngoài tám mươi tuổi, dựng một cây đu ngay trong vườn lê, làm tặng phẩm mừng Sâu Đầu To tròn ba tuổi.
Sâu Đầu To sống dưới làn hoa lê bay bay rơi rụng.
Tám năm sau, cứ mỗi độ hoa lê đua nở, ông Tây ngày ngày đón những cánh hoa nhảy múa, trong bước đi lảo đảo cố suy xét đắn đo từng cách dùng từ, buổi tối chép lại bản thảo từ trong bụng lên trang giấy, mấy hôm sau thành lá thư gửi cho ông Lily con, con trai ông John Lily, đang trên tỉnh. Lá thư để trong ngăn kéo hơn một năm, cho đến khi ông cảm thấy mình không còn sống được bao lâu nữa, mới lấy ra, đề thêm ngày tháng, sai Sâu Đầu To đưa ra trạm bưu điện. Bởi chiến tranh, ông Liiy con không có chỗ ở cố định, đi về không quy luật, mãi mấy hôm sau mới nhận được thư. Lá thư viết:
Thưa ông Hiệu trưởng tôn kính,
Kính chúc ông mạnh khỏe, bình an!
Không biết tôi gửi thư cho ông có phải là sai lầm cuối cùng trong cuộc đời cổ hủ, ngu dốt của tôi? Bởi sợ hãi là một sai lầm, bởi cũng muốn sống thêm với Sâu Đầu To một ngày, cho nên viết xong thư này tôi không gửi ngay. Thư gửi vào trước đêm lâm chung của tôi, tuy như vậy là sai lầm, nhưng cũng may mắn tránh được những lời quở trách. Với đặc quyền của linh hồn, tôi từ chối mọi lời quở trách của thế gian, bởi sống ở thế gian này tôi đã phải nhận quá nhiều lời quở trách nặng nề. Đồng thời với linh hồn, tôi quan sát những ánh mắt của thế gian nhìn xem ông đã coi trọng lời lẽ trong lá thư này ở mức độ nào, thậm chí cả việc thực hiện. Ở một mức độ nào đấy, cũng có thể coi bức thư này là di chúc của tôi, tôi đã sống trên mảnh đất người ma lẫn lộn gần một thế kỉ, tôi biết ông rất cung kính người đã chết cũng giống như khắc nghiệt với người còn sống, khiến mọi người phải thán phục. Cho nên, tôi tin rằng ông không làm ngược lại di nguyện của tôi.
Tôi chỉ có một di nguyện là, với Sâu Đầu To, những năm gần đây, trên thực tế tôi là người trông coi nó, mà tiếng chuông tận thế cận kề nói với tôi, thời gian tôi trông coi nó đã nhiều, nay cần có người khác trông coi nó. Tôi cầu xin ông hãy là người trông coi nó từ nay về sau. Tôi nghĩ, ông có ba lí do để làm người trông coi nó:
1. Bởi thiện tâm và dũng khí của ông và của thân sinh ra ông, nó mới có may mắn đến với thế gian;
2. Dù thế nào đi nữa thì nó cũng là hậu duệ của dòng họ Dung, cụ cố của nó đã từng là người mà thân sinh của ông quý nhất đời;
3. Đứa nhỏ này cực kì thông minh. Những năm gần đây tôi như phát hiện một miền đất lạ, từng tí một bị trí tuệ thần bí như giấc mơ trên con người nó làm tôi phải kinh ngạc. Ngoại trừ tính cô đơn và lạnh lùng, tôi cho rằng nó không khác gì bà nội của nó, hai người rất giống nhau, thông minh hơn người, năng lực phân tích lí giải rất cao, tính cách trầm tĩnh. Ác-si-mét nói, nếu cho một điểm tựa, nó có thể làm xoay chuyển quả đất. Tôi tin nó là một người như thế. Nhưng bây giờ nó đang rất cần chúng ta, vì nó mới mười hai tuổi.
Thưa ông, hãy tin lời tôi, cho nó rời khỏi nơi này, đưa nó về sống bên cạnh ông, nó cần đến ông, cần tình yêu thương, cần sự giáo dục, thậm chí cần ông cho nó một cái tên.
Cầu xin!
Cầu xin!
Lời cầu xin của một người sống!
Cũng là lời cầu xin của một vong linh!
R. J. - Người sắp chết.
Thị trấn Đồng, ngày 8 tháng 6 năm 1944
2
Năm 1944, Trường Đại học N và thành phố C nơi có trường Đại học N, gặp nhiều tai hoạ, đầu tiên là ngọn lửa chiến tranh rửa tội, sau đấy là chính phủ ngụy của Nhật Bản giày xéo, thành phố và lòng người có những thay đổi lớn. Khi ông Lily con nhận được thư của ông Tây, lửa chiến tranh đã tắt. Nhưng sự hỗn loạn của chính phù ngụy gây ra đạt đến cực điểm. Lúc bấy giờ, ông John Lily đã qua đời được mấy năm, uy tín còn lại của ông ngày một suy giảm, thêm vào đấy là thái độ bất hợp tác của chính quyền ngụy, địa vị của ông Lily con trong Trường Đại học N khó tránh khỏi lung lay, chính quyền ngụy coi trọng nhưng gây áp lực đối với ông, vì, thứ nhất ông là một người nổi tiếng, có giá trị lợi dụng mà người khác không có; thứ hai, dưới triều Chính phủ Quốc Dân, họ Dung của ông bị lạnh nhạt, rất dễ bị lợi dụng. Cho nên, khi chính phủ ngụy mới thành lập, đã khảng khái phong cho ông Lily vốn là Phó Hiệu trưởng lên chức Hiệu trưởng, cho rằng làm như thế cũng đã đủ mua chuộc được ông. Không ngờ, ông Lily xé quyết định tấn phong ngay trước mặt mọi người, đồng thời để lại một câu nói rất nổi tiếng:
“Mất nước, họ Dung chúng tôi thà chết không phục tùng!”
Kết quả như thế nào cũng có thể biết, ông Lily được lòng người, nhưng bị mất chức. Ông muốn về thị trấn Đồng để tránh cái bộ mặt đáng ghét của chính phủ ngụy, gồm cả những con người và cuộc tranh giành quyền lực sục sôi một thời ngay trong nhà trường. Thư của ông Tây vô tình thúc đẩy hành trình của ông. Ông nhẩm đọc những lời trong lá thư, bước xuống tàu, trước mắt hiện lên hình ảnh người quản gia trong gió mưa. Ông quản gia ra đón, bất chợt ông hỏi:
“Ông Tây có khoẻ không?”
“Ông Tây đi rồi.” Người quản gia nói. “Đi từ lâu rồi.”
Bỗng tim ông đập mạnh, lại hỏi:
“Vậy đứa bé kia đâu?”
“Ông hỏi ai ạ?”
“Sâu Đầu To.”
“Nó vẫn ở vườn lê.”
Ở vườn lê thì ở vườn lê, nó làm gì ít người biết, bởi nó không mấy khi ra khỏi khu vườn, người nhà cũng ít khi đến đấy. Nó như một linh hồn, biết nó ở đấy, nhưng khó lòng trông thấy bóng nó. Ngoài ra, theo lời người quản gia, có thể khẳng định Sâu Đầu To bị câm.
“Chưa bao giờ con nghe hiểu lấy một câu từ miệng nó nói ra.” Người quản gia nói. “Nó rất ít nói, mà có nói cũng giống như người câm nói, không ai hiểu gì.”
Người quản gia nói thêm, những người làm trong nhà đều bảo rằng, trước khi qua đời, ông Tây cũng đã cúi lạy cụ Ba, sau khi ông ấy mất, vẫn để Sâu Đầu To ở vườn lê, không nên đuổi nó đi. Người quản gia lại nói, ông Tây để lại cho Sâu Đầu To tất cả số vàng bạc mà ông ấy tích góp suốt mấy chục năm trời, hiện tại có thể Sâu Đầu To đang sống bằng số của cải ấy, vì nhà họ Dung không chi tiền ăn cần thiết cho nó.
Sáng hôm sau ông Lily đến vườn lê. Mưa đã tạnh, nhưng mưa mấy hôm liền làm cho vườn lê ướt át, chân giẫm lên bùn nhão, dấu chân in sâu, bẩn cả giày. Ông Lily không trông thấy bất cứ một dấu chân người nào, mạng nhện trên cành cây, nhện vào nhà trú mưa, có con đang giăng tơ ngay trước cửa, nếu ống khói không có khói bay lên và tiếng dao cứa trên gạch, ông không nghĩ ở đây có người.
Sâu Đầu To đang thái khoai lang, nước trong nồi đang sôi, chỉ có rất ít gạo đang loi ngoi chìm nổi. Ông Lily bước vào, Sâu Đầu To không kinh ngạc, cũng không bực tức, chỉ nhìn ông rồi tiếp tục công việc, tưởng như người vừa vào là ông nội của nó, hoặc một con chó. Người nó nhỏ bé hơn suy nghĩ của ông, đầu cũng không to như người ta vẫn đồn, có điều đầu hơi nhọn, giống như đang đội cái mũ quả dưa - có thể vì đầu cao mới không cảm thấy to. Tóm lại, cứ nhìn cái vẻ bề ngoài, ông Lily nói không có gì khác người, nhưng vẻ lạnh lùng, trầm tính của nó để lại ấn tượng sâu sắc hơn, cái vẻ trầm mặc của người già trước tuổi. Căn nhà chỉ có một gian thông thống, nhìn vào là có thể thấy tất cả và chất lượng cuộc sống, nấu nướng, ăn uống, nghỉ ngơi đều rất đơn giản, cái tủ đựng dược thảo, cái bàn, cái ghế thái sư trông còn ra dáng. Trên mặt bàn là một cuốn sách mở ra, cuốn sách khổ lớn, giấy đã cũ. Ông Lily khép cuốn sách lại để xem bìa, cuốn sách tiếng Anh “Encyclopedia Britannica”[1]. Ông để cuốn sách xuống, nghi ngờ nhìn đứa bé, hỏi:
“Cháu đang xem cuốn sách này đấy à?”
Sâu Đầu To gật đầu.
“Xem có hiểu không?”
Sâu Đầu To lại gật đầu.
“Ông Tây dạy cháu à?”
Nó gật đầu tiếp.
“Sao cháu không nói, hay là câm?” Ông Lily hỏi, giọng nói có ý trách cứ. “Nếu đúng cháu hãy gật đầu, nếu không phải thì nói chuyện với bác.” Sợ nó không hiểu, ông Lily dùng tiếng Anh nhắc lại.
Sâu Đầu To đến bên bếp lò, đổ khoai lang đã thái vào nồi nước sôi, sau đấy nó dùng tiếng Anh trả lời rằng nó không câm.
Ông Lily hỏi có biết tiếng Trung Quốc không, Sâu Đầu To lại dùng tiếng Trung Quốc trả lời.
Ông cười, nói:
“Cháu nói tiếng Trung Quốc giọng điệu kì quặc như bác nói tiếng Anh, hình như cháu cũng học ông Tây phải không?”
Sâu Đầu To gật đầu.
Ông Lily nói:
“Cháu đừng gật đầu.”
Sâu Đầu To nói: “Vâng ạ.”
Ông Lily nói: “Mấy năm nay bác không nói tiếng Anh, nay nói không thạo, tốt nhất cháu nói tiếng Trung Quốc với bác.”
Sâu Đầu To trả lời bằng tiếng Trung Quốc: “Vâng ạ.”
Ông Lily ngồi vào cái ghế tựa bên cái bàn, châm một điếu thuốc, hỏi: “Năm nay cháu mấy tuổi rồi?”
“Mười hai ạ.”
“Ngoài dạy cháu đọc những sách này, ông Tây còn dạy thêm gì cho cháu nữa không?”
“Không ạ.”
“Lẽ nào ông Tây không dạy cháu giải mộng? Ông ấy là bậc thầy về giải mộng đấy.”
“Có dạy ạ.”
“Cháu biết chưa?”
“Có biết.”
“Bác nằm mơ, có thể giải cho bác được không?”
“Không được.”
“Tại sao?”
“Cháu chỉ giải mộng cho một mình cháu thôi ạ.”
“Trong mộng cháu có thấy bác không?”
“Có thấy.”
“Có biết bác là ai không?”
“Biết.”
“Là ai?”
“Hậu duệ đời thứ tám của dòng họ Dung, sinh năm 1883, hàng thứ hai mươi mốt, tên là Dung Tiểu Lai, tự Đông Tiến, hiệu Trạch Thổ, tên thường gọi là Lily, là con trai của ông John Lily, người sáng lập trường đại học N, năm 1906 tốt nghiệp khoa toán đại học N, năm 1912 lưu học tại Mĩ, giành được học vị thạc sĩ toán tại Đại học Massachusette, từ năm 1926 về dạy tại Đại học N, hiện tại là Hiệu phó Đại học N, giáo sư toán.”
“Vậy là rất hiểu bác.”
“Những người trong nhà họ Dung cháu đều hiểu rõ.”
“Cũng do ông Tây dạy à?”
“Vâng.”
“Ông ấy còn dạy thêm gì nữa?”
“Không dạy gì nữa.”
“Cháu đi học chưa?”
“Chưa.”
“Có muốn đi học không?”
“Không muốn.”
Nước trong nồi lại sôi, hơi nóng bốc lên mù mịt, có mùi thơm của khoai chín. Ông Lily đứng dậy, chuẩn bị ra vườn lê đi dạo. Sâu Đầu To nghĩ rằng ông sắp đi, bỏ nó ở lại, vội nói ông Tây để lại vài thứ cho ông. Nói rồi nó đến bên giường, lôi cái hộp giấy trong gậm giường ra, đưa cho ông Lily:
“Ông ấy nói, nếu ông về, đưa cho ông cái này.”
“Ông nào? Ông Tây à?”
“Vâng.”
“Đây là cái gì?” Ông Lily nhận cái hộp giấy.
“Ông cứ mở ra khắc biết.”
Đồ vật được gói bằng mấy tờ giấy ngả vàng, xem ra khá to, thật ra gói nhiều lớp, mở ra, để lộ bức tượng Quan Âm chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay, tượng được khắc bằng thứ ngọc trắng, giữa trán có khảm một viên bảo thạch màu xanh thẫm, trông giống con mắt thứ ba. Ông Lily cầm trên tay, ngắm nghía mãi, lập tức cảm nhận được một luồng hơi mát mẻ từ bàn tay lan toả quanh người, chứng tỏ phẩm chất thượng thặng của ngọc, những nét khắc thủ công cũng rất tinh tế, chìm trong những đường nét thủ công là lịch sử dài lâu của nó. Có thể khẳng định, đây là vật sưu tập quý giá, đem bán nó cũng được một món tiền không nhỏ. Ông Lily nâng niu cái tượng, nhìn thằng nhỏ, khẽ nói:
“Bác với ông Tây không thân nhau lắm, tại sao ông ấy lại cho bác báu vật này?”
“Cháu không biết.”
“Cái này rất đáng tiền, cháu cứ giữ lấy.”
“Không.”
“Từ nhỏ cháu được ông Tây yêu quý, tình cảm như người thân, nó phải là của cháu.”
“Không.”
“Cháu cần hơn bác.”
“Không.”
“Hay là ông Tây sợ cháu bán rẻ, nên nhờ bác bán hộ?”
“Không.”
Đang nói chuyện thì ánh mắt ông Lily bỗng chạm vào tờ giấy gói, trên ghi những dãy tính, từng dãy tính, hình như tính toán một con số hết sức phức tạp. Ông trải mấy tờ ra, tất cả đều như thế, là những dãy tính. Câu chuyện chuyển sang một hướng khác.
“Ông Tây có dạy cháu tính toán không?”
“Không.”
“Ai làm những con tính này?”
“Cháu.”
“Cháu tính gì?”
“Cháu tính số ngày ông ấy sống...”
3
Cái chết của ông Tây bắt đầu từ cổ họng, có thể là trả thù sự nghiệp giải mộng mà ông ta yêu mến suốt đời, nói tóm lại, cái miệng lưỡi khéo hót có ích suốt đời, mà hoạ cũng bởi cái miệng quạ đen nói trơn tuột chuyện âm dương. Từ khi chuẩn bị viết di chúc cho ông Lily, ông ta đã mất tiếng, không nói được nữa, điều ấy củng làm ông ta dự cảm được cái chết đang đến gần, mới dặn lại những chuyện về sau của Sâu Đầu To. Trong những ngày câm lặng, cứ mỗi buổi sáng, Sâu Đầu To lại đặt nơi đầu giường ông ta một chén trà hoa lê pha đậm nhạt tuỳ theo mùa, ông tỉnh lại trong thoang thoảng hương thơm, trông thấy những cánh hoa lê trắng nở dần trong nước, lòng cảm thấy bình an. Nước trà hoa lê tự chế đã từng là thứ thuốc xua đi những chứng bệnh của ông ta, thậm chí ông thấy mình thọ như vậy cũng là bởi cái thứ trà đơn giản này. Nhưng khi ông thu thập những cánh hoa hoàn toàn là việc nhàn rỗi, hoặc bởi màu trắng tình khiết và dịu dàng của hoa lê đã hấp dẫn và thức tỉnh nhiệt tình của ông, ông thu lượm chúng, phơi chúng nơi mái hiên, phơi khô, rồi cất chúng nơi đầu giường, trên bàn viết, đồng thời ngửi hương thơm của hoa khô, tưởng như giữ bên mình mùa hoa đua nở.
Bởi chỉ còn một mắt, đôi chân không còn nhanh nhẹn, ngày nào cũng ngồi yên một chỗ, lâu ngày không tránh khỏi táo bón, những lúc nghiêm trọng ông có cảm giác sống không bằng chết. Đầu đông năm ấy, chứng táo bón lại tái phát, ông vẫn dùng biện pháp cũ, buổi sáng ngủ dậy uống một bát to nước lã đun sôi, sau đấy uống tiếp, những mong một cơn đau bụng kéo đến. Nhưng lần táo bón này rất ngoan cố, ông uống nước liền mấy ngày, cái bụng vẫn lặng im, không có phản ứng gì, khiến ông cảm thấy đau khổ và tuyệt vọng. Buổi tối hôm ấy, ông đi cắt thuốc ở thị trấn về, nhân lúc còn tối, ông uống cạn bát nước đã chuẩn bị trước khi ra ngoài, vì uống quá nhanh, cuối cùng ông mới thấy nước có vị lạ, đồng thời có rất nhiều cặn cùng trôi tuột vào dạ dày, khiến ông thấy khang khác. Ông thắp đèn lên xem, thấy trong bát là những cánh hoa lê khô được nước làm sống lại, không biết do gió thổi rơi vào hay là chuột tha vào. Trước đấy, ông chưa từng nghe nói hoa lê khô có thể làm nước uống, ông thắc thỏm không yên chờ đợi vì chuyện này mà có thể dẫn đến những chuyện gì khác, thậm chí ông chuẩn bị cho cả cái chết. Nhưng không chờ ông sắc thuốc, ông cảm thấy bụng nhân nhẩn đau, tiếp theo là những cơn đau dữ dội như ông mong muốn. Ông biết, việc lành đã đến, sau một tràng trung tiện, ông đi nhà vệ sinh, lúc ra người cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm.
Trước đấy, mỗi lần cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái chính là lúc bắt đầu viêm ruột, sau khi hết táo bón, thông thường kéo theo vài ngày đi ngoài, có gì đó như sự chuyển hoá ngược lại. Nhưng lần này ra khỏi vòng quái dị rất bi thảm, không xảy ra những triệu chứng bất thường hoặc một điều gì không thích hợp, có thừa sự bí hiểm, hình ảnh nước hoa lê lại hiện lên trong đầu ông ta. Sự việc bắt đầu thật ngẫu nhiên và sai lầm, kết quả biến thành sự xếp đặt khéo léo của số phận. Từ đấy về sau, ông bắt đầu ngày nào cũng pha nước hoa lê như thể người ta pha trà để uống, càng uống ông càng cảm thấy ngon. Nước hoa lê trở thành ân thưởng cho số phận, khiến cuộc sống già yếu của ông thêm phần say sưa và đời thường. Hàng năm cứ đến mùa hoa lê, ông lại cảm thấy vô cùng sung mãn và hạnh phúc, ông thu nhặt từng bông hoa lê thơm ngát, giống như thu lượm cuộc sống và sức khoẻ của mình. Vào lúc sắp chết, ngày nào ông cũng nằm mơ, trông thấy hoa lê nở trong nắng, rơi rụng trong gió mưa, như bảo rằng ông mong Thượng đế đưa ông đi cùng với hoa lê.
Vào một buổi sáng, ông gọi Sâu Đầu To đến, bảo lấy giấy bút, viết câu này: Sau khi tôi chết mong được chôn cùng hoa lê. Đến tối, ông lại gọi Sâu Đầu To đến bên giường, bảo lấy giấy bút, ghi lại nguyện vọng chuẩn xác: Tôi sống trên đời tám mươi chín năm, mỗi năm một bông hoa, chôn cùng tôi tám mươi chín bông hoa lê. Sáng sớm hôm sau, một lần nữa ông gọi Sâu Đầu To vào, lấy giấy bút, ghi lại nguyện vọng chính xác hơn: Hãy tính, tám mươi chín năm có bao nhiêu ngày, có bao nhiêu ngày chôn theo tôi bấy nhiêu bông hoa lê. Có thể, sự sợ hãi hoặc mong đợi cái chết làm cho ông trở nên hồ đồ, ông ghi lại nguyện vọng chính xác đến độ phức tạp, nhất định ông quên rằng mình chưa dạy cho Sâu Đầu To biết tính toán.
Tuy chưa học, nhưng những phép cộng trừ đơn giản nó có thể làm được. Đó là chi tiết cuộc sống, một phần của đời thường, đối với một đứa trẻ ở tuổi đi học, không học cũng có thể biết. Ở một góc độ nào đó, Sâu Đầu To cũng đã được học và được tập làm cộng trừ, bởi hàng năm cứ đến mùa hoa lê, ông Tây sau khi thu nhặt hoa rơi, chắc chắn bảo Sâu Đầu To đếm, đếm rõ ràng, ghi lên tường, hôm sau lại bảo nó đếm, ghi tiếp lên tường. Như vậy, sau một mùa hoa khả năng đếm và cộng trừ của Sâu Đầu To, gồm cả khái niệm lẻ, chục, trăm, nghìn, vạn đều được huấn luyện ở một mức độ nhất định. Nhưng cũng chỉ đến vậy. Lúc này nó phải dựa vào một chút bản lĩnh, cùng với lời ghi trên bia đã được ông Tây xác định - trên đó ghi đầy đủ ngày sinh và địa điểm - tính số ngày mà ông ta sống. Vì trình độ có hạn, nó phải mất rất nhiều thời gian, mất đúng một ngày mới tính ra. Trong nhá nhem, Sâu Đầu To đến bên giường, nói với ông Tây kết quả mà nó đã tính ra. Ông Tây không còn đủ sức gật đầu, chỉ bóp bàn tay nó một cách tượng trưng, và nhắm mất lần cuối cùng. Cho nên, đến nay Sâu Đầu To có tính đúng hay không, khi nó thấy ông Tây nhìn những phép tính của nó, lần đầu tiên nó cảm thấy quan hệ giữa con người này với nó, sự quan trọng đối với nó, bởi thế nó thấy hồi hộp, sợ hãi.
Những con tính viết kín ba trang giấy, tuy không đánh số trang, nhưng khi ông Lily trải rộng các trang giấy ra, lập tức hiểu ngay đâu là trang đầu tiên. Trang đầu tiên viết như thế này:
Một năm: 365 (ngày)
Hai năm: 365 + 365 = 730 (ngày)
Ba năm: 365 + 365 + 365 = 1.095 (ngày)
Bốn năm: 1.095 + 365 = 1.460 (ngày)
Năm năm: 1.460 + 365 = 1.825 (ngày)
Nhìn những dãy số, ông Lily biết Sâu Đầu To chưa biết làm phép nhân, không hiểu phép nhân, cho nên chỉ có thể làm theo cách thủ công. Như vậy, nó cứ luỹ kế, cho đến tám mươi chín lần ba trăm sáu mươi lăm, ra con số 32.485 (ngày), rồi nó lấy con số này trừ đi 235 (ngày), cuối cùng được kết quả 32.232 (ngày).
Sâu Đầu To hỏi: “Cháu tính như thế có đúng không?”
Ông Lily nghĩ, thật ra tính như thế không đúng, vì trong số tám mươi chín năm, không phải năm nào cũng đủ ba trăm sáu mươi lăm ngày. Ba trăm sáu mươi lăm ngày là cách tính theo lịch Tây, cứ bốn năm lại có một năm nhuận, thực tế là ba trăm sáu mươi sáu ngày. Nhưng ông lại nghĩ, thằng nhỏ này mới mười hai tuổi, có thể luỹ kế chính xác quả là không đơn giản. Ông không muốn làm nó buồn, nên nói là đúng, hơn nữa còn ngỏ lời khen:
“Có điểm này cháu làm rất đúng, ấy là cháu tính theo năm, rất khéo. Cháu nghĩ, nếu không tính như thế, cháu phải trừ năm đầu và năm cuối không đủ số ngày, bây giờ cháu chỉ cần tính năm cuối cùng là được rồi, cho nên gọn hơn rất nhiều.”
“Nhưng bây giờ cháu có cách tính đơn giản hơn.” Sâu Đầu To nói.
“Cách nào?”
“Cháu không biết gọi là gì, bác xem nhé.”
Nói rồi, Sâu Đầu To lấy mấy trang giấy ở đầu giường, đưa cho ông Lily xem.
Những trang giấy này bất luận lớn hay bé, tính chất, và cả nét chữ đậm nhạt, rõ ràng không như những trang giấy vừa rồi, chứng tỏ không phải viết cùng một ngày. Sâu Đầu To nói, nó làm những con tính này sau ngày mai táng ông Tây. Ông Lily lật giở ra xem, bên trái vẫn là những phép tính cộng, nhưng bên phải là những phép tính rất thần bí, nó như sau:
Một năm: 365 (ngày). 1 = 365 (ngày)
Hai năm: 365 + 365 = 730 / 365.2 = 730 ngày
Ba năm: 730 + 365 = 1095 / 365. 3 = 1095 (ngày)
Khỏi phải nói, dấu chấm khó hiểu kia chính là dấu nhân, chẳng qua nó không biết, cho nên dùng cách ấy để biểu thị. Giống như thế, nó tính cho đến năm thứ hai mươi, từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, hai cách tính được thay đổi vị trí trước sau, phép nhân trước, phép cộng sau, theo như dưới đây:
21 năm: 365.21 = 7665 (ngày)/7300 + 365 = 7665 (ngày)
Ông Lily chú ý, dùng phép nhân để tính ra con số 7665 đã được sửa chữa, con số trước đó hình như 6565, về sau năm nào cũng sửa, phép nhân để trước, phép cộng để sau, đồng thời dùng phép nhân để tính ra con số ấy có đôi chỗ phải sửa, sửa cho đúng với số của phép cộng, nhưng hai mươi năm trước (từ năm thứ nhất đến năm thứ hai mươi) con số dưới phép nhân không bị sửa chữa, nói lên hai điều:
Thứ nhất, hai mươi năm đầu nó chủ yếu dùng phép cộng để tính, dùng phép nhân là để tham chiếu, không hoàn toàn độc lập, từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, nó dùng phép nhân để tính, phép cộng viết ra chỉ có tác dụng thử lại phép nhân.
Thứ hai, hồi ấy nó chưa nắm vững cách làm phép nhân, thỉnh thoảng có chỗ sai, cho nên mới có hiện tượng sửa chữa. Nhưng về sau sửa chữa bớt dần, điều này chứng tỏ nó dần dần nắm vững cách làm phép nhân.
Cứ như vậy tính cho đến năm thứ bốn mươi, bỗng nhảy luôn đến năm thứ tám mươi chín, dùng phép nhân và được con số 32485 (ngày), sau đấy bớt đi 253 (ngày), được tổng số 32232 (ngày), nó khoanh tròn con số nhằm gây chú ý, cuối cùng nổi bật lên một con số đứng riêng ra.
Sau đấy còn một bản nháp nữa, trên đấy là các phép tính rất rối, nhưng ông Lily xem và biết nó đang tính, tổng kết quy luật phép nhân. Cuối cùng, quy luật được liệt kê rõ ràng ở cuối trang giấy. Ông Lily nhìn và bất giác miệng đọc theo: một một được một, một hai được hai, một ba được ba, hai hai được bốn, hai ba được sáu, hai bốn được tám, ba ba được chín, ba bốn mười hai, ba năm mười lăm, ba sáu mười tám...
Một dãy phép nhân không sai.
Đọc xong, ông Lily vừa mặc nhiên lại vừa ngơ ngác nhìn thằng nhỏ, trong lòng lẫn lộn cảm giác vừa khó hiểu, vừa lạ lùng, không chân thật. Trong căn nhà yên tĩnh hình như vẫn còn dư âm tiếng ông đọc, ông ngẩn ngơ lắng nghe, những cảm thấy một sự dễ chịu và nhiệt thành đang lan toả, ngay lúc ấy ông có dự cảm không thể không đưa đứa nhỏ này đi. Ông nghĩ bụng, vào những năm tháng chiến tranh liên miên, tất cả những việc thiện không phù hợp thực tế chỉ có thể đưa lại phiền hà cho bản thân, nhưng đứa nhỏ này là một thiên tài, nếu mình hôm nay không đưa nó đi, chắc rằng sẽ hối hận suốt đời.
Trước kì nghỉ hè kết thúc, ông Lily nhận được điện của tỉnh cho biết, trường đã khôi phục việc học hành, mong ông sớm về lại trường, chuẩn bị khai giảng năm học mới. Tay cầm bức điện, ông nghĩ, có thể không làm hiệu trưởng, nhưng không thể bỏ rơi sinh viên, vậy là ông gọi quản gia đến, bảo anh ta chuẩn bị hành lí để lên đường, cuối cùng ông đưa tiền cho anh ta. Người quản gia cảm ơn, nghĩ rằng ông thưởng cho mình.
Ông Lily nói: “Tiền này không phải cho anh, mà đưa để anh lo liệu công việc.”
Người quản gia hỏi: ‘Thưa ông, ông định làm gì ạ?”
Ông Lily nói: “Đưa cho Sâu Đầu To, bảo nó ra phố mua vài bộ đồ.”
Người quản gia nghĩ mình nghe nhầm, anh ta đứng ngẩn người.
Ông Lily nói: “Làm xong việc, anh sẽ được thưởng.”
Mấy hôm sau, người quản gia xong việc, anh ta đến lĩnh thưởng, ông Lily nói: “Anh chuẩn bị cho Sâu Đầu To, ngày mai đi với tôi.”
Người quản gia lại tưởng mình nghe nhầm.
Ông Lily phải nói lại một lần nữa.
Sáng hôm sau, trời vừa tảng sáng, chó trong khuôn viên đã sủa vang. Chó con nọ sủa con kia cũng sủa theo, chỉ lát sau tiếng chó sủa ầm ỹ khiến cả chủ và tớ đều thức giấc, đứng trong cửa sổ nhìn ra ngoài, theo ngọn đèn trong tay người quản gia, những cặp mắt sau cửa sổ đều kinh ngạc tròn xoe, bởi mọi người thấy Sâu Đầu To mặc bộ đồ mới, tay xách cái va li của ông Tây vượt biển đưa về, lặng lẽ từng bước theo chân ông Lily, vẻ sợ sệt, giống như một con ma vừa đến trần gian. Vì kinh ngạc, nên mọi người không dám khẳng định những gì mình trông thấy là thật, cho đến khi người quản gia đưa tiễn người đi rồi quay lại, nghe người quản gia nói mọi người mới tin những gì mắt mình trông thấy là sự thật.
Lại có thêm nhiều nghi vấn: Ông chủ đưa nó đi đâu? Đưa nó đi làm gì? Sâu Đầu To còn về nữa không? Tại sao ông chủ tốt với Sâu Đầu To như thế? Vân vân và vân vân.
Người quản gia có hai cách trả lời.
Với chủ anh ta nói: “Không biết.”
Với người làm anh ta nói: “Có ma mới hiểu nổi.”
4
Ngựa làm cho thế giới trở nên nhỏ bé, thuyền làm cho thế giới rộng hơn, ô tô lại làm cho thế giới trở thành trò ảo thuật. Mấy tháng sau, quân Nhật tràn đến thị trấn Đồng, đi đầu là đội quân mô-tô chỉ cần vài tiếng đồng hồ là về đến nơi. Đấy cũng là lần đầu tiên ô tô xuất hiện trên con đường từ tỉnh về thị trấn, tốc độ của ô tô khiến mọi người cho rằng ông trời hàm ơn Ngu Công, đã di dời dãy núi ngăn cách tỉnh và thị trấn đi nơi khác. Trước kia, phương tiện giao thông nhanh nhất nối liền hai nơi này là ngựa, chọn con ngựa tốt, quất roi phi nước đại cũng mất bảy, tám tiếng đồng hồ. Mười năm trước, ông Lily vẫn thường ngồi xe ngựa đi về, tuy xe ngựa không nhanh bằng cưỡi ngựa, nhưng dọc đường thúc ngựa cũng có thể sớm đi tối đến. Ngày nay, tuổi gần sáu mươi, không thể ngồi xe ngựa xóc tung người, đành ngồi thuyền. Lần này ra đi, ông Lily ngồi thuyền mất hai ngày hai đêm mới đến được thị trấn Đồng, lúc về xuôi dòng, không lâu như lúc đi, cũng phải một ngày một đêm.
Sau lúc lên thuyền, ông bắt đầu nghĩ đến tên họ cho thằng nhỏ, đến khi thuyền vào đến đoạn sông lên tỉnh, ông vẫn chưa quyết. Đụng đến mới biết vấn đề thật sâu sắc. Sự thật thì, ông đụng đến cái khó của ông Tây khi đặt tên cho nó, có thể nói thời gian lại đi vào lịch sử. Nghĩ đi nghĩ lại, ông quyết định cứ để đấy, chỉ xuất phát từ chỗ đứa trẻ sinh ở thị trấn Đồng, lớn lên ở thị trấn Đồng, ông chọn hai cái tên có phần khiên cưỡng: một là Kim Chân, một nữa là Đồng Chân, để thằng nhỏ tự quyết định.
Sâu Đầu To nói: “Tuỳ đấy.”
Ông Lily nói: “Đã thế, bác sẽ đặt tên cho cháu, cháu tên là Kim Chân nhé, được không?”
Sâu Đầu To nói: “Được, cứ gọi cháu là Kim Chân.”
Ông Lily nói: “Từ nay về sau cháu làm một người đúng nghĩa.”
Sâu Đầu To nói: “Vâng, cháu làm một người đúng nghĩa.”
Ông Lily nói: “Đúng nghĩa, nghĩa là từ nay về sau cháu toả sáng như một thỏi vàng.”
Sâu Đầu To nói: “Vâng, sáng như một thỏi vàng.”
Một lúc sau, ông Lily lại nói: “Cháu có thích cái tên Kim Chân không?”
Sâu Đầu To nói: “Cháu thích lắm.”
Ông Lily nói: “Ông quyết định đổi tên cho cháu, được không?”
Sau Đầu To nói: “Được lắm.”
Ông Lily nói: “Ông chưa đổi mà cháu đã nói được?”
Sâu Đầu To nói: “Ông định đổi tên gì?”
Ông Lily nói: “Đổi tên 'Chân' thành 'Trân', Trân châu, được không?”
Sâu Đầu To nói: “Được lắm, Trân có nghĩa là Trân châu.”
Ông Lily nói: “Cháu có biết tại sao ông đổi tên cho cháu không?”
Sâu Đầu To nói: “Cháu không biết.”
Ông Lily nói: “Cháu thử nghĩ xem.”
Sâu Đầu To nói: “Là vì... cháu không biết...”
Thật ra, ông Lily đổi tên là bởi mê tín, ở thị trấn Đồng thậm chí cả miền Giang Nam, dân gian vẫn nói: trai tướng gái, trông cũng sợ. Ý là, nam có tướng gái, tức cả dương lẫn âm, âm dương tương tế, trong cương có nhu, rất dễ biến một người con trai từ rồng hoá hổ, làm người trên người, Bởi vậy, dân gian mới sinh ra các kiểu phương thức, phương pháp kì vọng âm dương tương tế, gồm cả việc đặt tên. Có những người cha mong con thành rồng, nên cố đặt cho con cái tên con gái để sau này con thành đạt. Ông Lily định bảo với nó như thế, lại thấy không thích hợp, ông do dự giây lát, những điều định nói rồi lại thôi, cuối cùng chỉ nói một cách đại khái: “Thôi, quyết định gọi là Kim Trân, Trân châu.”
Lúc ấy, thành phố C đã thấp thoáng nơi xa.
Tàu cặp bến, ông Lily gọi một chiếc xe kéo, nhưng không về nhà, mà đến thẳng trường cao đẳng tiểu học cửa Thuỷ Tây, tìm ông hiệu trưởng. Ông hiệu trưởng tên Trình, vốn là học sinh của trường trung học trực thuộc đại học N, trong thời gian ông Lily học đại học N, kể cả những năm ông ở lại trường dạy học, ông vẫn thường xuyên giảng bài cho trường trung học trực thuộc này. Ông Trình vốn là một học sinh nhanh nhẹn hoạt bát, có biệt danh “lớp trưởng bí mật”, để lại cho ông Lily những ấn tượng sâu sắc. Sau ngày tốt nghiệp trung học, thành tích học tập của ông đủ để lên tiếp đại học, nhưng ông thích bộ quân phục và trang bị của quân Bắc phạt, ông vác súng đến chào tạm biệt ông Lily. Mùa đông năm sau, ông Trình vẫn mặc quân phục Bắc phạt đến tìm ông Lily, nhưng không còn mang súng, nhìn kĩ, không những không còn súng mà tay cầm súng cũng không còn, ống tay áo rỗng trông giống con mèo chết, ống áo lép kẹp treo ngược, nom kì quặc dễ sợ. Ông Lily ngượng ngùng nắm bàn tay trái còn lại, có cảm giác vẫn còn nguyên sức mạnh, hỏi có viết được nữa không, trả lời là có. Ông Lily giới thiệu đến trường cao đẳng tiểu học mới thành lập để dạy toán, từ đấy Trình giảm bớt khó khăn, cuộc sống ổn định. Vì chỉ còn một tay, anh được mọi người gọi là “Một Tay”, nay làm Hiệu trưởng, đúng với cái tên Một Tay. Mấy tháng trước, ông Lily cùng vợ đã đến đây tránh chiến sự, ở tạm trong cái lán dành cho thợ mộc. Hôm nay, ông Lily gặp Một Tay, câu đầu tiên hỏi: “Cái nhà dành cho thợ mộc tôi ở hồi nọ còn nữa không?”
“Vẫn còn.” Một Tay trả lời. “Chỉ để mấy quả bóng rổ và bóng đá.”
Ông Lily nói: “Vậy thì tốt, để nó ở đấy. Tay ông chỉ vào Sâu Đầu To.
Một Tay hỏi: “Ai đấy?”
Lily nói: “Kim Trân, học sinh mới của anh.”
Kể từ hôm ấy, Sâu Đầu To không còn gọi là Sâu Đầu To nữa, mà gọi là Kim Trân.
Kim Trân.
Kim Trân.
Kim Trân là sự bắt đầu của những bắt đầu ở tỉnh và sau này, mà cũng là sự kết thúc và kỉ niệm của nó ở thị trấn Đồng.
Tình hình mấy năm sau đấy, lời kể của Dung Nhân Dịch, con gái lớn của ông Lily là đủ căn cứ nhất.
5
Ở đại học, mọi người gọi cô là thầy Dung, thầy Dung, không biết có phải là do cô nhớ đến bố, hay chính sự từng trải của cô. Suốt đời cô không lấy chồng, không phải vì không có tình yêu, mà vì yêu quá sâu nặng, quá cực khổ vì tình yêu. Nghe nói, thời trẻ cô có một người yêu, anh này là một sinh viên giỏi của khoa vật lí đại học N, tinh thông kĩ thuật vô tuyến điện, chỉ cần một buổi tối là có thể lắp được một máy thu thanh ba băng tần. Năm chiến tranh bùng nổ, Đại học N là trung tâm kháng Nhật cứu nước của thành phố C, hầu như tháng nào cũng có một tốp sinh viên xếp bút nghiên tòng quân, sục sôi nhiệt huyết ra chiến trường, trong số đó có người yêu của thầy Dung. Suốt mấy năm sau ngày tòng quân, anh vẫn giữ liên hệ với người yêu, về sau, tín tức thưa dần, lá thư cuối cùng của anh viết ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam mùa xuân năm 1941, nói anh làm công tác cơ mật trong quân đội, tạm thời chấm dứt mọi liên lạc với bạn bè và người thân. Trong thư, anh bày tỏ vẫn yêu cô, mong cô yên tâm chờ đợi, câu cuối cùng rất trang trọng và hết sức xúc động: Em yêu, chờ anh, ngày kháng chiến thắng lợi cũng là ngày chúng ta cưới nhau! Thầy Dung kiên trì chờ đợi, kháng chiến thắng lợi, cả nước được giải phóng nhưng không thấy anh về, một chút tin tức cũng không. Cho đến năm 1953, có người từ Hồng Công về, cho cô biết tin, anh đã đi Đài Loan và đã có vợ, có con, nhắn cô hãy xây dựng gia đình.
Đấy là sự kết thúc một tình yêu kéo dài hơn chục năm của thầy Dung, kết thúc buồn, là một đòn nặng để lại di chứng không nói cũng có thể hiểu. Mười năm trước, tôi đến đại học N, thầy Dung vừa rời vị trí chủ nhiệm khoa toán. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu tù tấm ảnh hạnh phúc của toàn gia đình treo ở phòng khách, tấm ảnh có năm người, hàng đầu là vợ chồng ông Lily, hai người ngồi, đứng giữa hàng sau là thầy Dung chỉ gần hai mươi tuổi, tóc cắt ngang vai; bên trái là cậu em trai đeo cặp kính cận thị; bên phải là cô em gái, tóc tết bím sừng dê, chừng bảy, tám tuổi. Ảnh chụp vào mùa hè năm 1936, lúc ấy em trai thầy Dung đang chuẩn bị đi du học, cho nên mới chụp tấm ảnh kỉ niệm này. Do chiến tranh, em trai của thầy mãi sau khi chiến tranh kết thúc mới về nước, lúc ấy nhà đã mất một người mà cũng có thêm một người, mất cô em gái, năm xưa bị bệnh sốt ác tính cướp đi tuổi thanh xuân, có thêm Kim Trân, cậu ta bước vào cái gia đình này vào kì nghỉ hè, sau khi cô em gái mất được ít lâu. Thầy Dung nói.
(Ghi theo lời kể của thầy Dung)
Cô em gái mất vào kì nghỉ hè năm ấy, mới mười bảy tuổi.
Trước khi nó mất, tôi và mẹ đều không biết Kim Trân là ai, bố giấu nó ở trường cao đẳng tiểu học của thầy Trình như giấu một bí mật. Vì thầy Trình ít đến chơi nhà tôi, cho nên bố tuy muốn giữ bí mật, nhưng không dặn thầy đừng nói với chúng tôi. Thế rồi một hôm, thầy Trình đến chơi, không hiểu thầy nghe tin ở đâu mà biết em gái tôi mất, thầy đến hỏi thăm và chia buồn. Hôm ấy tôi và bố đều không có nhà, một mình mẹ tiếp thầy, hai người nói chuyện và rồi tiết lộ bí mật của bố tôi. Lúc bố về, mẹ hỏi chuyện là thế nào, bố nói đại thể đây là đứa trẻ bất hạnh, thông minh, được ông Tây gửi gắm nhờ vả. Có thể vì đụng đến nỗi đau của mẹ, mẹ nghe nói đến nỗi bất hạnh của đứa nhỏ, khiến mẹ đầm đìa nước mắt. Mẹ nói với bố tôi, Nhân Chi (em gái tôi) vừa mất, trong nhà có một đứa nhỏ có thể là sự an ủi đối với mẹ, mẹ đón thằng nhỏ về.
Vậy là em Trân bước vào gia đình tôi, em Trân tức là Kim Trân.
Ở nhà, tôi và mẹ đều gọi Kim Trân là em Trân, chỉ có bố gọi Kim Trân. Em Trân gọi mẹ tôi là cô giáo, gọi bố tôi là thầy Hiệu trưởng, gọi tôi là chị, dù sao thì gọi như thế cũng không ra sao. Thật ra, nếu theo thứ bậc, em Trân thuộc hàng dưới tôi, gọi tôi bằng cô mới phải.
Nói thật, lúc đầu tôi không thích Trân lắm, vì nó không hề tươi cười, không nói năng, đi đứng thì rón rén, giống như một hồn ma. Hơn nữa, nó còn nhiều thói xấu, lúc ăn rất hay ợ, không giữ vệ sinh, buổi tối đi ngủ không rửa chân, cởi giày ở đầu cầu thang khiến cả phòng ăn và lối đi nồng nặc mùi chua và hôi thối. Hồi ấy chúng tôi ở trong căn nhà của ông nội để lại, nhà hai tầng kiểu đông tây kết hợp. Tầng dưới chỉ có phòng ăn và bếp, còn nữa là phòng riêng của mỗi người trong gia đình. Mọi người đều ở trên tầng, mỗi lần xuống nhà ăn cơm trông thấy đôi giày thối của Trân, lại nghĩ đến việc nó ngồi ăn cứ ợ liên hồi, vậy là ăn cũng mất ngon. Tất nhiên chuyện giày dép cũng giải quyết được. Mẹ nói với nó, mẹ bảo phải chú ý, ngày nào cũng phải rửa chân, thay tất, tất phải giặt sạch hơn mọi người. Năng lực sống của nó rất tốt, thổi cơm, giặt áo quần, nhóm bếp than quả bàng, thậm chí biết khâu vá, làm giỏi hơn tôi. Tất nhiên, những việc ấy đều liên quan đến sự từng trải của nó, được rèn luyện từ nhỏ. Nhưng chứng ợ giữa bữa ăn, có lúc còn trung tiện, thật khó sửa chữa. Sự thật thì cũng không sửa chữa nổi, vì nó có bệnh về dạ dày, cho nên người nó gầy gò. Bố bảo, bệnh dạ dày của nó là do hồi nhỏ uống nước hoa lê với ông Tây, cái thứ đó người già uống có thể là một thứ thuốc, có thể chữa bệnh, nhưng trẻ con uống có được không? Nói thật, để chữa bệnh dạ dày, nó uống thuốc còn nhiều hơn ăn cơm, mỗi bữa nó chỉ ăn chừng một bát cơm, ăn như mèo, ăn thêm chút nữa là ợ.
Có lần, Trân đi nhà vệ sinh không cài cửa, tôi không biết, bước vào, làm tôi sợ quá. Chuyện ấy trở thành dây lửa dẫn đến việc tôi ghét nó, cứ đòi bố mẹ đưa trả nó về trường học. Tôi nói, nó được coi như người thần trong gia đình, nhưng cũng không nhất thiết ở trong gia đình, ở trường học có không ít học sinh trọ học. Lúc đầu bố không nói gì, chờ cho mẹ nói. Mẹ nói, nó vừa đến đã bảo đi, như thế không tiện, muốn bảo nó đi cũng nên chờ khai giảng năm học mới. Đến lúc ấy bố mới bày tỏ thái độ, bố bảo được thôi, chờ năm học mới khai giảng sẽ đưa nó về trường. Mẹ nói, nhưng chủ nhật nên đón nó về nhà, để nó nghĩ đây là nhà. Bố bảo được.
Sự việc quyết định như thế.
Nhưng về sau lại thay đổi. ( )
Một buổi tối sau kì nghỉ hè, bên bàn ăn, thầy Dung nói đến một tin đăng trên báo trong ngày, tin cho hay năm ngoái cả nước bị đại hạn ít thấy trong lịch sử, hiện tại đường phố người ăn xin còn đông hơn binh lính. Bà mẹ nghe rồi thở dài, bảo năm ngoái hai tháng nhuận, xưa nay gặp năm ấy thường là những năm đói kém, khổ nhất là dân nghèo. Kim Trân vẫn ít nói, vì thế mỗi lần bà nói gì cũng đều phải để ý đến Kim Trân, muốn kéo nó vào câu chuyện, cho nên bà cố tình hỏi nó có biết thế nào là tháng nhuận. Thấy nó lắc đầu, bà nói, nhuận kép có nghĩa là năm dương lịch và năm âm lịch cùng nhuận. Thấy nó như chưa hiểu, bà hỏi lại:
“Cháu có biết thế nào là năm nhuận không?”
Nó vẫn lắc đầu, không trả lời. Nó vẫn thế, gặp chuyện không biết, nó không bao giờ lên tiếng. Sau đấy bà giảng giải thế nào là nhuận, nhuận âm lịch là thế nào, nhuận dương lịch là thế nào, tại sao lại có năm nhuận cả âm lịch và dương lịch... Bà nói xong, nó ngơ ngác nhìn, tưởng như bảo nó phải nhận xét xem bà nói đúng hay không.
Ông Lily nói: “Đúng, đúng như thế.”
“Vậy ra cháu tính sai rồi à?” Mặt Kim Trân đỏ lên, trông như sắp khóc.
“Tính sai thế nào?”
Ông Lily không biết nó nói gì.
“Tuổi thọ của ông Tây, cháu tính mỗi năm có ba trăm sáu mươi lăm ngày.”
“Sai rồi...”
Ông Lily chưa nói xong, Kim Trân bật khóc to.
Nó khóc như không nín nổi, mấy người dỗ cũng không được, cuối cùng vẫn là ông Lily, ông bực tức đập bàn mắng nó mới thôi. Nó không khóc nữa, nhưng lòng vô cùng đau khổ, hai tay như bị ma ám cứ cào cấu hai đùi. Ông Lily ra lệnh cho nó để tay lên bàn, rồi nghiêm giọng, lời nói lại như an ủi.
“Cháu khóc gì, ông chưa nói hết, nghe này, nghe ông nói xong, cháu muốn khóc thì khóc.”
Ông nói: “Vừa rồi ông bảo cháu sai rồi đó là về khái niệm, đứng trên góc độ năm nhuận để nói. Về mặt tính toán, cuối cùng có sai hay không, lúc này chưa thể khẳng định, phải tính toán để biết, vì mọi tính toán đều cho phép có sai số.”
Ông nói tiếp: “Theo như ông biết, nếu tính toán chính xác, thời gian trái đất xoay quanh mặt trời mất ba trăm sáu mươi lăm ngày năm giờ, bốn mươi tám phút, bốn mươi sáu giây, tại sao lại có năm nhuận? Là bởi, theo cách tính của dương lịch mỗi năm nhiều hơn năm tiếng đồng hồ, cho nên dương lịch quy định cứ bốn năm có một năm nhuận, năm nhuận là ba trăm sáu mươi sáu ngày. Cháu thử nghĩ, nếu tính mỗi năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, năm nhuận tính ba trăm sáu mươi sáu ngày, trong đó vẫn có sai số, đấy là sai số được phép, thậm chí cũng khó xác định, ông nói với ý nghĩa ấy, có tính toán là có sai số, không thể tuyệt đối chính xác được.”
Ông Lily nói: “Bây giờ cháu tính xem, tám mươi chín năm của ông Tây có bao nhiêu năm nhuận, có tổng cộng bao nhiêu ngày nhuận, rồi sau đấy cháu lại tính tổng số những ngày nhuận cháu tính được sẽ có sai số bao nhiêu. Nói chung con số phải lên đến hàng vạn, sai số cho phép là một phần nghìn, nếu hơn một phần nghìn coi như cháu tính sai, là sai số không được phép. Bây giờ cháu tính đi, sai số của cháu hợp lí hay không hợp lí?”
Ông Tây mất vào năm nhuận, năm ấy ông tám mươi chín tuổi, đời ông có hai mươi hai năm nhuận, không hơn, không kém, mỗi năm một ngày, cộng hai mươi hai ngày, đặt trong hơn ba vạn ngày của tám mươi chín năm, chắc chắn sai số chỉ dưới một phần nghìn. Ông Lily nói ra con số ấy mục đích để Kim Trân có đường lùi, đừng tự trách mình. Vậy là, ông Lily vừa dỗ vừa doạ, cuối cùng thì Kim Trân không khóc nữa.
(Ghi theo lời kể của thầy Dung)
Về sau, bố tôi nói với chúng tôi lí do để ông Tây bảo nó tính tuổi thọ, nghĩ lại chuyện nó vừa khóc, tôi chợt cảm động về tình cảm của nó đối với ông Tây, đồng thời cảm thấy trong tính cách của nó có gì đó vừa say mê vừa yếu đuối, về sau tôi càng phát hiện ra, trong tính cách của Trân rất cố chấp và quyết liệt, bình thường tỏ ra hướng nội, chuyện gì cũng để trong lòng, cố chịu đựng và chịu đựng được. Có chuyện gì cũng làm như không, có khả năng chịu đựng được những điều người khác không thể chịu đựng nổi. Nếu có gì đó không chịu đựng nổi, hoặc đụng chạm đến miền sâu thẳm của tâm linh, chừng như nó rất dễ dàng mất đi sự kiềm chế, mất kiềm chế nó sẽ bày tỏ theo một phương thức quyết liệt và cực đoan. Những ví dụ như thế không hiếm, ví dụ nó rất yêu mẹ tôi, đã từng viết một bức thư bằng máu, nó viết thế này:
“Ông đi rồi, từ nay tôi sống để trả ơn cô giáo.”
Đấy là năm nó mười bảy tuổi, bị một trận ốm nặng, phải nằm bệnh viện một thời gian dài, thời gian ấy mẹ tôi thường đến phòng của nó lấy thứ này thứ nọ, bỗng phát hiện bức thư ấy. Nó bỏ vào phong bì, kẹp trong cuốn nhật kí, chữ viết rất to, nhìn là biết ngay viết bằng ngón tay, thư không ghi thời gian, cho nên không biết nó viết hồi nào, chắc chắn không phải viết trong vòng một vài năm trở lại đây, có thể viết sau khi nó vào với gia đình tôi chừng một vài năm, vì giấy và chữ trông cũ lắm rồi.
Mẹ tôi là một người hoà nhã, hiền lành, có tình cảm, những năm cuối đời vẫn như thế. Đối với Kim Trân, tưởng chừng mẹ tôi có duyên nợ gì với kiếp trước của nó, hai người ngay từ ngày đầu đã rất gắn kết, linh tính như ruột thịt, rất thân tình. Ngay từ hôm đầu Kim Trân vào nhà tôi, mẹ gọi ngay nó là em Trân, cũng không biết tại sao mẹ lại gọi như thế, có thể vì em gái tôi mới mất, mẹ tôi cho nó là em gái tôi tái thế. Sau ngày em gái tôi mất đi, suốt một thời gian dài mẹ tôi không ra khỏi cửa, ngày nào cũng ngồi buồn ở nhà, ngủ thường gặp ác mộng, hay xuất hiện ảo giác, cho đến khi Trân đến, mẹ mới bớt buồn. Có thể anh không biết, em Trân biết giải mộng, mộng nào nó cũng có thể nói ra được, giống như một thầy bói vậy. Nó còn tin theo đạo, ngày nào cũng đọc kinh bằng tiếng Anh, thuộc lòng truyện trong sách. Cuối cùng, mẹ cũng hết buồn, phải nói rằng việc ấy có liên quan đến em Trân giải mộng và đọc kinh thánh. Đấy là duyên phận của hai người, không sao giải thích nổi. Nói thật, mẹ rất tốt với em Trân, làm gì hay nói gì cũng đều coi nó như người thân trong nhà, tôn trọng nó, quan tâm đến nó. Không ngờ, vì thế mà Trân ghi sâu tận đáy lòng ý nguyện đền đáp công ơn mẹ tôi, thậm chí viết ra bằng máu. Tôi nghĩ, có thể trước đấy Trân chưa từng được yêu thương thật tình, càng không thể nói đến tình mẫu tử, tất cả những gì mẹ làm, mỗi ngày ba bữa ăn cho nó, may vá, trìu mến thăm hỏi... Tất cả những điều đó được nó phóng đại, nhìn bằng mắt, ghi vào lòng, lâu ngày, rất nhiều việc tích tụ, chắc chắn tạo nên sự xúc động sâu sắc, cần phải có cách biểu đạt, nó phải chọn cách không bình thường, nhưng lại phù hợp với tính cách. Tôi cho rằng, nếu theo cách nói ngày nay, tính cách của Trân có phần khép kín.
Những chuyện tương tự nhiều lắm, sẽ nói sau, bây giờ chúng ta trở về với buổi tối hôm ấy, chuyện này còn lâu mới hết. ( )
Tối hôm sau, vẫn ở bên bàn ăn, Kim Trân nhắc lại chuyện kia, nói ông Tây trải qua hai mươi hai năm nhuận, bởi vậy, hình như tính thiếu mất hai mươi hai ngày, nhưng qua tính toán, nó bảo thực tế chỉ hai mươi mốt ngày thôi, đấy là cái kết luận ngớ ngẩn. Tuy rõ ràng là hai mươi hai năm nhuận, mỗi năm một ngày, vị chi hai mươi hai ngày, làm sao lại hai mươi mốt? Lúc đầu cả ông Lily đều cho Kim Trân bị tẩu hoả nhập ma, thần kinh có vấn đề. Nhưng nghe Kim Trân nói cụ thể, mọi người lại cảm thấy không phải cậu ta nói không có lí.
Là như thế này, ông Lily đã từng nói, có năm nhuận bởi mỗi năm dài hơn ba trăm sáu mươi lăm ngày những năm giờ, bốn mươi tám phút, bốn mươi sáu giây, bốn năm cộng lại gần hai mươi bốn tiếng, nhưng không chính xác hai mươi bốn tiếng (nếu mỗi năm thừa ra sáu tiếng thì mới thật chính xác hai mươi bốn tiếng). Vậy sai số bao nhiêu? Một năm mười một phút mười bốn giây, bốn năm bốn mươi bốn phút năm mươi sáu giây. Tức là, khi xuất hiện năm nhuận, thời gian đã xuất hiện một hư số bốn mươi bốn phút năm mươi sáu giây. Có thể nói, qua việc đặt ra năm nhuận hoặc ngày nhuận, trên thực tế chúng ta đã cướp mất của trái đất bốn mươi bốn phút năm mươi sáu giây thời gian. Cả đời ông Tây trải qua hai mươi hai năm nhuận cũng tức là mất đi hai mươi hai lần bốn mươi bốn phút, năm mươi sáu giây, cộng lại coi như mất mười sáu giờ hai mươi tám phút hai mươi hai giây.
Nhưng Kim Trân chỉ ra rằng, ông Tây thọ 32.232 ngày, không phải 88 năm chẵn, mà là 88 năm lẻ 112 ngày, 112 ngày lẻ này thực tế không tính vào năm nhuận, cũng tức là mỗi ngày không thật chính xác 24 tiếng đồng hồ, mà chính xác là 24 tiếng đồng hồ kém một phút, 112 ngày tức là 6.421 phút, tức 1 giờ 47 phút. Như vậy, trên cơ sở 16 giờ 28 phút 32 giây trừ đi 1 giờ 47 phút, sẽ có số dư 14 giờ, 41 phút, 32 giây, đấy mới thật là số ảo thời gian tồn tại trong đời ông Tây.
Kim Trân lại nói, theo nó biết, ông Tây sinh vào buổi trưa, mất lúc chín giờ tối, bắt đầu và chấm dứt như vậy, ít nhất có 10 tiếng đồng hồ hư số, cộng với 14 giờ 41 phút 32 giây vừa rồi, muốn nói thế nào đi nữa cũng là một ngày, nghĩa là có một ngày số ảo. Tóm lại, nó rất hăng hái với cái trò năm nhuận hoặc ngày nhuận của ông Tây. Ở một ý nghĩa nào đó, nó tính ra được sai số 22 ngày trong tổng số ngày sống của ông Tây, lúc này nó giải thích những ngày nhuận ấy nhất định bớt đi một ngày.
Thầy Dung nói, sự việc ấy làm cho thầy và bố mẹ hết sức kinh ngạc, cảm thấy khâm phục đầu óc nghiên cứu của thằng bé này. Càng làm mọi người kinh ngạc hơn nữa là, vào một buổi chiều mấy ngày sau, thầy Dung mới về đến nhà, mẹ đang thổi cơm dưới bếp nói với thầy, bố đang ở trong phòng em Trân, gọi thầy vào. Thầy Dung hỏi có việc gì, mẹ bảo, hình như Trân vừa phát minh ra công thức toán học gì đó. Làm cho bố cũng phải giật mình.
Trên đây đã nói, vì tuổi thọ của ông Tây lẻ 112 ngày không tính vào năm nhuận, cho nên mỗi ngày tính thật chính xác là 24 tiếng đồng hồ, thật ra trong đó có 1 giờ 47 phút tức 6.421 giây dôi ra. Vậy thì, nếu chúng ta nói về khái niệm số ảo thời gian, cũng tức là - 6.421 giây. Sau đấy, khi xuất hiện năm nhuận đầu tiên, số ảo thời gian lại giảm (- 6.421 + 2.696 giây, trong đó 2.696 là số ảo thời gian của các năm nhuận, tức 44 phút 56 giây, sau đấy, năm nhuận thứ hai xuất hiện, số ảo thời gian bớt đi (- 6421 + 22 X 2696) giây, theo đó suy ra, đến năm nhuận cuối cùng xuất hiện, tức là (6.421 + 22 X 2.696) giây. Vậy là Kim Trân lấy 32.232 ngày, tức 88 năm lẻ 112 ngày số ảo thời gian đổi thành 23 cấp số cộng, tức:
(-6.421)
(- 6.421 + 2.696)
(- 6.42 + 2.696)
(- 6.421 + 2.696)
(- 6.421 + 2.696)
(- 6.421 + 2.696)
(- 6.421 + 2.696)
(- 6.421 + 2.696)
Trên cơ sở đó, không ai dạy cậu ta lần mò ra được cấp số cộng và giải công thức:
X = [ (số hạng thứ nhất + số hạng cuối cùng) x số hạng]: 2([2])
Nói một cách khác, coi như Kim Trân phát minh ra công thức này.
(Ghi theo lời kể của thầy Dung)
Bảo rằng, cấp số cộng và công thức tính toán không sâu sắc đến mức không thể phát minh, về lí thuyết, chỉ cần người biết làm bốn phép tính cộng trừ nhân chia đều có thể tìm ra công thức này, nhưng mấu chốt ở chỗ trong tình huống chưa biết mà nghĩ đến công thức này tồn tại. Ví dụ, tôi nhốt anh vào một căn phòng tối, chỉ cần nói với anh trong đó có những thứ gì, rồi bảo anh tìm, cho dù trong đó tối đen, chỉ cần anh có đầu óc, có chân đi, có tay sờ, cứ lần mò, phải nói rằng anh sẽ tìm ra. Nhưng nếu không nói cho anh biết trong phòng có gì, vậy rất ít, thậm chí là không thể có được khả năng nào trong căn phòng đó.
Lùi một bước để nói, cấp số cộng trước mắt nó hiện tại không phức tạp như trên, những dãy số rối rắm, mà tương đối đơn giản, giống như dãy số 1,2,3,4,5,7,9,11... Vậy sự việc còn có thể lí giải, mà cũng không làm chúng tôi ngạc nhiên đến như thế. Điều này cũng giống như anh không có thầy dạy mà đóng được một thứ đồ dùng gia đình, tuy đồ dùng ấy từ lâu đã có người làm, nhưng chúng tôi vẫn kinh ngạc về sự thông minh và tài năng của anh. Nếu trong tay anh là những công cụ và gỗ không tốt, công cụ thì rỉ đen, gỗ còn nguyên cây, nhưng anh vẫn đóng được đồ dùng, vậy chúng tôi phải khen anh gấp đôi. Tình huống của Trân là như thế, nó giống như dùng cái đục của người thợ đá, làm được một thứ đồ dùng gia đình bằng một khúc gỗ, anh nghĩ xem, chúng tôi phải kinh ngạc đến chừng nào, tất cả như giả, không thể nào tin nổi.
Sau đấy, chúng tôi thấy Trân không cần phải học tiểu học, bố quyết định cho nó vào trường trung học trực thuộc đại học N. Trường trung học trực thuộc này chỉ cách nhà tôi vài ba dãy nhà, nếu cứ để nó trọ học, sẽ gây cho Trân vết thương lòng còn nặng hơn cả việc bỏ rơi nó. Cho nên, bố đồng thời quyết định cho Trân vào học trung học cơ sở còn quyết định cho nó ở ngay trong nhà. Sự thật thì, từ mùa hè năm ấy Trân đã vào ở với gia đình, chưa bao giờ nó phải xa nhà chúng tôi, và cứ vậy cho đến ngày nó ra công tác. ( )
Chụp cho nhau biệt danh là thú vui của trẻ con, trong lớp, nếu bạn nào có chút gì đặc biệt thể nào cũng có biệt danh. Lúc đầu, bạn học thấy Kim Trân có cái đầu to, lũ bạn trong lớp đặt cho cậu cái tên Trân đầu to, về sau bạn bè phát hiện cậu rất kì quái, ví dụ thích đếm đám kiến đi thành đàn thành lũ, nó đếm say sưa; mùa đông quàng cái khăn đuôi chó nom chẳng ra sao, nghe nói cái khăn của ông Tây cho cậu ta; ngồi trong lớp cứ đánh rắm và ợ rất tự nhiên, khiến cả lớp khóc dở cười dở; còn nữa, bài tập bao giờ cũng làm thành hai bản, một bản tiếng Trung Quốc, một bản tiếng Anh, v.v... Mọi người có cảm giác đầu óc cậu ta không mở mang, ngu ngốc, nhưng thành tích học tập thì rất xuất sắc, ai cũng phải trầm trồ khâm phục. Thành tích học tập tưởng như cả lớp cộng lại cũng không bằng. Vậy là, có người đặt cho cậu ta cái tên Quả dưa thiên tài, nghĩa là thằng ngốc thiên tài. Biệt danh ấy bao gồm hình ảnh cậu ta ở trên lớp và ra ngoài đường, trong đó có ý nghĩa là kẻ tiện nhân đồng thời không tiếc lời ngợi khen, trong cái xấu có cái tốt, có khen có chê, rất giống cậu ta, vậy là ai cũng gọi.
Quả dưa thiên tài!
Quả dưa thiên tài!
Năm mươi năm sau, tôi về thăm trường Đại học N, rất nhiều người tỏ ra không biết gì khi tôi nhắc đến Kim Trân, nhưng tôi nói Quả dưa thiên tài, trí nhớ của họ dường như sống lại, mới biết cái biệt danh kia đã ăn sâu vào lòng người. Một thầy giáo cũ đã từng làm chủ nhiệm lớp của Kim Trân kể lại với tôi những kí ức cũ:
“Tôi vẫn nhớ một chuyện thật lí thú, ấy là giờ nghỉ giữa buổi học, có người phát hiện một đàn kiến bò ở ngoài hành lang, gọi cậu ta ra, nói Kim Trân, mày thích đếm kiến, đếm xem đàn kiến này có bao nhiêu con. Mắt tôi trông thấy, Kim Trân chỉ chừng mấy giây sau đã đếm được đàn kiến cả mấy trăm con. Lại có lần, cậu ta mượn sách của tôi, mượn cuốn Từ điển thành ngữ, mấy hôm sau đem trả, tôi bảo em giữ lấy mà dùng, cậu ta bảo không cần, vì em đã thuộc hết. Sau sự việc ấy tôi phát hiện cậu ta đọc thuộc lòng tất cả những thành ngữ có trong sách. Tôi dám nói, tôi đã dạy rất nhiều học sinh, cho đến nay chưa thấy một người thứ hai có tư chất thông minh và hiếu học như cậu ta, sức nhớ, sức tưởng tượng, sức lĩnh hội, và cả khả năng giải toán, suy luận, tổng kết, phán đoán như cậu ta. Về rất nhiều phương diện, cậu ta tỏ ra phi thường, không ai dám nghĩ. Theo tôi, cậu ta hoàn toàn không cần thiết phải học trung học cơ sở mà lên học trung học phổ thông. Nhưng ông hiệu trưởng không cho, nghe nói vì thầy của thầy Dung không đồng ý.”
Thầy giáo cũ này nói thầy của thầy Dung tức là ông Lily.
Ông Lily không đồng ý bởi có hai nguyên nhân, thứ nhất, trước kia Kim Trân sống ở một nơi cách biệt với thế giới, rất cần được tiếp xúc với xã hội một cách bình thường nhất, phải sống và trưởng thành với những đứa trẻ cùng trang lứa, nếu không, nó phải sống giữa đàn trẻ hơn tuổi, rất bất lợi cho việc thay đổi tính cách hướng nội của cậu ta. Thứ hai, ông phát hiện Kim Trân thường hay làm những việc ngu ngốc, đằng sau lưng ông và thầy giáo, cậu ta cứ suy đi tính lại những điều mà người khác đã chứng minh từ lâu, có thể não lực của cậu ta dư thừa. Ông Lily cho rằng, cậu ta là người có tinh thần khám phá mãnh liệt phần thế giới chưa được khám phá, nên càng phải đi sâu học tập, thông hiểu tri thức, để tránh lãng phí tài năng vào những điều đã biết.
Nhưng về sau thấy không để cậu ta học vượt cấp, thầy giáo cũng không có cách nào dạy, thầy giáo bị cậu ta hỏi những vấn đề sâu sắc khó trả lời. Không còn cách nào, ông Lily đành phải nghe theo đề nghị của các thầy giáo, để cậu ta học vượt cấp, vậy là cậu ta vượt hết cấp này đến cấp khác, kết quả là những học sinh cùng học trung học cơ sở lên trung học phổ thông thì cậu ta đã tốt nghiệp trung học phổ thông. Năm ấy cậu ta thi vào đại học N, toán làm được điểm tuyệt đối, thủ khoa của cả tỉnh, vào khoa toán một cách nhẹ nhàng.
6
Khoa toán của Đại học N vốn rất nổi tiếng, được mệnh danh là cái nôi của các nhà toán học. Nghe nói, mười lăm năm trước, một vị rất nổi tiếng trong giới văn nghệ của thành phố C bị chế giễu ở vùng ven biển, đã từng đưa ra một câu nói nổi tiếng: “Thành phố C của chúng tôi dù có kém cỏi đến đâu thì ít nhất cũng có trường đại học N tài giỏi; cho dù đại học N kém cỏi, ít nhất cũng có khoa toán, đấy là đỉnh cao của thế giới, lẽ nào các anh chế giễu được sao?”
Ấy là nói đùa vậy thôi, nhưng khoa toán của đại học N là một danh vọng chí tôn!
Ngày đầu tiên Kim Trân vào học, ông Lily cho cậu ta một cuốn sổ ghi, trang đầu ghi tặng câu này:
“Nếu cháu muốn trở thành một nhà toán học, vậy cháu đã bước vào một ngưỡng cửa lớn tốt nhất; nếu cháu không muốn trở thành một nhà toán học, cháu không cần phải bước qua ngưỡng cửa này, bởi cháu đã có tri thức toán học đủ để dùng suốt đời!”
Có thể, không ai như ông Lily thấy rõ thiên tài toán học hiếm có và say mê được ẩn náu dưới cái vẻ bề ngoài lành như đất của Kim Trân, cũng vì thế mà không ai như ông Lily gửi gắm hi vọng và niềm tin Kim Trân trở thành nhà toán học trong tương lai. Khỏi phải nói, dòng chữ ghi tặng trên cuốn sổ là một minh chứng hùng hồn nhất. Ông Lily tin tưởng sẽ có nhiều người đứng vào hàng ngũ của ông, trông thấy cơ duyên hiếm hoi giữa Kim Trân và nhà toán học. Đồng thời ông cũng nghĩ, có thể tạm thời còn chưa được, ít nhất phải qua một giai đoạn nữa, có thể một năm, hai năm, đến lúc ấy không ngừng đi sâu vào việc học hành, ánh sáng toán học của Kim Trân mới dần dần toả sáng.
Nhưng sự thật chứng minh, ông Lily có phần bảo thủ, nhà toán học nước ngoài L. Hinsh chỉ học qua hai tuần lễ đã gia nhập hàng ngũ của ông một cách vui vẻ, ông Hinsh nói như thế này:
“Xem ra đại học N của các ông lại xuất hiện thêm một nhà toán học, thậm chí là nhà toán học lớn, ít nhất trong số những người ra đi từ đại học N của các ông.”
Ông ta nói đến Kim Trân.
L. Hinsh là người cùng tuổi với thế kỉ hai mươi, sinh năm 1901 trong một gia đình quý tộc hiển hách người Ba Lan, mẹ là người Do Thái, di truyền cho ông một khuôn mặt hệt với người Do Thái, cái đầu nhọn, mũi khoằm, tóc xoăn. Có người nói, não thùy của ông cũng là của người Do Thái, trí nhớ đáng kinh ngạc, có đầu óc nhạy bén, chỉ số thông minh gấp mấy lần người bình thường. Hinsh bắt đầu chơi trò đấu trí vô cùng say mê, thuộc hầu hết các nước cờ bí hiểm, lên sáu tuổi, không ai dám đánh cờ với Hinsh. Đúng là một nhân tài sản sinh trong cộng đồng Do Thái, cả trăm năm mới có một người.
Năm mười bốn tuổi, cậu ta theo cha đến dự tiệc tại một gia đình nổi tiếng, trong bữa tiệc có mặt cả gia đình nhà toán học Selord. Hai gia đình không hẹn mà gặp, một người về sau là Chủ tịch Hội nghiên cứu toán học của Đại học Cambridge, cũng là kì thủ nổi tiếng thế giới. Ông Hinsh cha nói với nhà toán học, ông rất mong con trai ông vào đại học Cambridge, nhà toán học rất ngạo mạn trả lời: có hai con đường, thứ nhất tham gia kì thi vào trường được tổ chức mỗi năm một lần; thứ hai, tham gia cuộc thi toán học và vật lí Newton do Hoàng gia Anh tổ chức hai năm một lần (năm lẻ cho toán học, năm chẵn cho vật lí), năm học sinh đạt điểm cao nhất được miễn thi và miễn học phí vào Đại học Cambridge. Cậu thiếu niên Hinsh nói chen vào, nghe nói bác là đại kì thủ nghiệp dư quốc tế, cháu đề nghị bác chơi với cháu một ván, nếu cháu được, cũng sẽ miễn thi như thế nhé? Nhà toán học cảnh cáo cậu ta, tôi đồng ý, nhưng phải nói rõ một điều, cho dù tự cậu đặt ra cái giá lớn như vậy, tôi chấp nhận cái giá ấy, nhưng tôi cũng đưa ra cái giá cậu phải chấp nhận, như vậy trò chơi mới công bằng nếu không tôi không thể chấp nhận điều kiện của cậu. Hinsh con nói, vậy xin bác cứ ra điều kiện. Nhà toán học nói: nếu cậu thua, sau này không được đến Cambriage của tôi. Ông ta cho rằng, như thế sẽ làm cho Hinsh con phải sợ. Thật ra, người sợ lại là Hinsh cha. Hinsh con được cha khuyên khiến cậu ta cũng phải do dự, nhưng cuối cùng cậu ta vẫn rất kiên quyết nói: được!
Hai người bày quân cờ ra trước mặt mọi người, gần nửa tiếng đồng hồ sau, nhà toán học đứng dậy, cười nói với Hinsh cha: sang năm ông đưa con đến Cambridge nhé.
Hinsh cha nói, ván cờ vẫn chưa kết thúc.
Nhà toán học nói, lẽ nào ông xem thường khả năng quan sát của tôi? Ông quay sang nói với Hinsh con, cháu có thấy cháu thắng bác không?
Hinsh con nói, lúc này thế cờ của cháu chỉ có ba phần thắng, bác có những bảy phần.
Nhà toán học nói, thế cờ hiện tại là thế, nhưng cháu thấy được điều ấy chứng tỏ có khả năng lật ngược thế cờ đến sáu bảy phần, cháu giỏi lắm, sau này đến Cambridge đánh cờ với bác.
Mười năm sau, mới hai mươi bốn tuổi, cái tên Hinsh đã xuất hiện trên mặt báo toán học nước Áo, được xếp vào những ngôi sao toán học đang lên của thế giới. Năm sau, cậu ta được phần thưởng cao nhất của giới toán học quốc tế, giải thưởng Fields[3]. Giải thưởng này vốn được coi là giải Nobel toán học, thật ra còn khó hơn cơ hội giành giải Nobel, vì giải Nobel mỗi năm một lần, giải này những bốn năm mới xét tặng một lần.
Ở Cambridge, Hinsh học cùng với một cô gái dòng Hoàng tộc Áo, cô yêu tha thiết anh chàng trẻ tuổi được giải thưởng Fields, nhưng Hinsh tỏ ra thờ ơ với chuyện yêu đương. Một hôm, bố của cô gái dòng Hoàng tộc bỗng xuất hiện trước Hinsh, tất nhiên không phải ông ta đến cầu hôn cho con gái, ông chỉ nói với chàng trai kia rằng, bản thân ông rất muốn làm một việc có ý nghĩa nhằm chấn hưng sự nghiệp khoa học của nước Áo, hỏi anh có muốn giúp ông thực hiện nguyện vọng ấy không. Hinsh hỏi sẽ giúp bằng cách nào. Ông ta nói, ông sẽ bỏ tiền ra, anh phụ trách tuyển người, cùng lập một cơ quan nghiên cứu khoa học. Hinsh nói, ông có thể chi bao nhiêu tiền? Ông ta nói: cậu muốn bao nhiêu cũng được. Hinsh do dự trong hai tuần, dùng phương thức toán học tính toán một cách khoa học và chính xác tiến trình tương lai của bản thân, kết quả cho đáp số đi Áo hoặc tồn tại dưới một hình thức khác hơn là ở lại Cambridge.
Vậy là, Hinsh sang Áo.
Rất nhiều người cho rằng, anh đi Áo là để thỏa mãn hai nguyện vọng, thứ nhất là người cha có tiền, nguyên nhân khác nữa là cô gái yêu anh. Hoặc nói, người trẻ tuổi may mắn ở Áo có vinh dự được lập nghiệp, lại được tiếng thơm lấy được vợ dòng Hoàng tộc. Nhưng cuối cùng Hinsh chỉ đạt được một việc là lập nghiệp, anh ta dùng số tiền tiêu không hết để thành lập viện nghiên cứu toán học cao đẳng của Áo, tập hợp được rất nhiều nhà toán học tài năng thời đó, đồng thời tìm được một nhà toán học thay anh giúp cô gái Hoàng tộc thực hiện nguyện vọng tìm một tấm chồng. Theo đó, có tin đồn anh là người đồng tính luyến ái, mà một mặt nào đấy của anh cũng đã chứng minh sự thật lời đồn ấy, ví dụ, những người anh thu nhận không có nữ, tin tức về anh cũng do phóng viên nam thực hiện, thật ra nữ phóng viên phỏng vấn anh nhiều hơn nam phóng viên, không hiểu tại sao các cô phải ra về tay không, có thể là do hứng thú bí mật của anh chăng?
(Ghi theo lời kể của thầy Dung)
Mùa xuân năm 1938, ông Hinsh đến Đại học N với tư cách một học giả thăm trường, không loại trừ ý đồ chiêu binh mãi mã. Nhưng không ngờ, mấy ngày hôm ấy thế giới có những biến đổi kinh người, đài phát thanh đưa tin Hitler xuất quân đánh chiếm nước Áo, Hinsh đành tạm thời ở lại Đại học N chờ cho chiến sự qua đi rồi mới về nước. Thư của bạn từ Mĩ cho Hinsh hay, lịch sử châu Âu đang có những thay đổi lớn, các nước Áo, Tiệp, Hung, Ba Lan tràn ngập cờ phát xít Đức, người Do Thái ở những nơi ấy đang lục tục bỏ đi chỗ khác, những người không đi đều bị đưa vào trại tập trung. Vậy là Hinsh không còn lối thoát, đành ở lại Đại học N, vừa làm giáo sư khoa toán, vừa tìm cơ hội để đi Mĩ. Trong thời gian đó, tình cảm (có thể là cơ thể) của Hinsh có sự thay đổi bí ẩn và kì lạ, chừng như chỉ trong một đêm, bắt đầu có hứng thú rất lạ lùng và rất nồng hậu đối với những cô gái xuất hiện trong khuôn viên nhà trường, điều chưa từng có ở Hinsh. Hinsh giống như một cái cây rất đặc biệt, nở những bông hoa khác nhau trên những mảnh đất khác nhau, kết trái kì lạ. Vậy là ý nghĩ đi Mĩ bị tình cảm yêu đương xoá bỏ, hai năm sau, Hinsh đã bốn mươi tuổi kết hôn với một cô giáo kém mình mười bốn tuổi, dạy khoa vật lí, kế hoạch đi Mĩ tạm thời gác lại, gác lại mười năm.
Giới toán học chú ý, từ ngày Hinsh đến đại học N, thay đổi lớn nhất là càng ngày càng đúng với một người đàn ông, nhưng càng ngày càng không còn là một nhà toán học. Có thể tài năng nổi trội trước đây của Hinsh là bởi ông không giống với một người đàn ông tạo nên, sau khi giống đàn ông, những tài năng bí ẩn kia bỏ ông mà đi. Cuối cùng là do ông đuổi đi hay Thượng đế bảo đi, sợ rằng ngay cả ông cũng không biết. Không một nhà toán học nào không biết, trước khi Hinsh đến Đại học N, ông đã có hai mươi bảy bài luận văn toán học có ảnh hưởng ở cấp độ thế giới, nhưng sau đấy ông không viết nổi một bài, con thì đứa này tiếp đứa khác ra đời. Tài năng trước đây của ông hình như bị tiêu tan trong vòng tay phụ nữ, tan chảy, biến thành những đứa trẻ đáng yêu. Chuyện của Hinsh càng làm cho người phương Tây tin rằng phương Đông rất thần bí, biến đổi thần kì một con người thần kì, biến đổi tận gốc mà không thể giải thích nổi, cũng không nhận ra quá trình biến đổi, chỉ có những kết quả không ngừng lặp lại và gia tăng.
Đương nhiên, tuy tài trí của quá khứ đã mất đi trong vòng ôm của người phụ nữ, nhưng đứng trên bục giảng Hinsh vẫn là con người siêu phàm thoát tục. Nói theo một ý nghĩa nào đấy, vì ngày càng không giống một nhà toán học tài giỏi, cho nên biến đổi thành một vị giáo sư đáng kính xứng với nghề nghiệp. Hinsh dạy ở khoa toán đại học N tất cả mười một năm, không nghi ngờ gì nữa, được làm sinh viên của ông quả là một vinh dự lớn, mà cũng là bắt đầu tạo dựng cho mình một sự nghiệp. Nói thật, mấy vị học giả có ảnh hưởng đối với thế giới xuất thân ở Đại học N quá nửa là sinh viên của ông đào tạo trong mười một năm trời. Nhưng không dễ gì làm sinh viên của ông. Đầu tiên người ấy phải biết tiếng Anh (Về sau ông không nói tiếng Đức); thứ hai, ông không cho sinh viên ghi chép ở lớp, với lại, vấn đề ông chỉ giảng một nửa, có lúc còn cố ý giảng sai, giảng sai cũng không cải chính, ít nhất là lúc bấy giờ không cải chính, một hôm nào đấy nhớ lại mới cải chính, không nhớ coi như thôi. Cách giảng bài ấy của ông tưởng chừng rất ngang, khiến nhiều sinh viên trình độ bình thường không thể không bỏ học, có sinh viên chuyển sang học ngành khác. Quan niệm giảng dạy của ông chỉ gói gọn trong một câu: một ý nghĩ sai còn chính xác hơn cả điểm số cao. Nói cho cùng, ông quán triệt phương pháp giáo dục bắt sinh viên phải động não suy nghĩ, khai thác sức tưởng tượng, sức sáng tạo của anh. Cứ đến đầu năm học, đối diện với những sinh viên mới, ông bắt đầu bài giảng đầu tiên bằng hai thứ tiếng Anh, tiếng Trung Quốc lẫn lộn. - Tôi là một con thú hoang, không phải người thuần dưỡng thú vật, mục đích của tôi là đuổi bắt các anh, các anh chạy nhanh, tôi đuổi nhanh, các anh chạy chậm, tôi đuổi chậm, dù sao các anh cũng phải chạy, không thể dừng, dũng cảm chạy, bao giờ các anh dừng lại, quan hệ giữa chúng ta sẽ được giải thoát. Bao giờ các anh chạy vào rừng sâu, biến mất trước tầm mắt tôi, quan hệ giữa chúng ta cũng sẽ được giải thoát. Nhưng câu trước là tôi giải thoát các anh, câu sau là các anh giải thoát tôi. Bây giờ chúng ta chạy, xem ai giải thoát ai.
Tất nhiên, giải thoát ông là chuyện khó, nhưng dễ cũng thật dễ. Bắt đầu một học kì, bài giảng đầu tiên, sự kiện đầu tiên của ông là, viết lên góc bên phải tấm bảng đen một đề toán khó có tính chất mưu mẹo, cho đến khi có ai đó giải được, coi như học kì kết thúc mĩ mãn, sau đấy có thể đến lớp, có thể không đến, tuỳ ý. Tức là, học kì ấy anh đã giải thoát được ông ta. Cùng lúc ấy, ông lại viết lên chỗ cũ trên bảng đen một đề khó, chờ người thứ hai giải đáp. Nếu một người ba lần giải được đề khó của ông, ông sẽ cho riêng anh một đề khó hơn, sự thật thì đấy là luận văn tốt nghiệp của anh. Nếu anh giải được trọn vẹn đề toán ấy, bất kể là lúc nào, cho dù mới khai giảng được ít ngày, coi như anh đã tốt nghiệp, coi như đã giải thoát được công việc của ông ở chương trình cơ bản. Nhưng đã mười năm, không có ai có vinh dự ấy, có thể ngẫu nhiên giải đáp được một vài đề cũng rất hiếm hoi. ( )
Bây giờ Kim Trân xuất hiện trong giờ học của giáo sư Hinsh, vì dáng người nhỏ bé (mười sáu tuổi), cậu ngồi ở dãy bàn đầu, hơn ai hết cậu chú ý đến ánh sắc sảo và xảo quyệt phát ra từ cặp mắt xanh của Hinsh. Hinsh cao lớn, đứng trên bục giảng càng tỏ ra cao lớn hơn, ánh mắt rơi vào vị trí cuối lớp, cái mà Kim Trân tiếp nhận được là nước bọt của Hinsh vô tư phun ra và dòng khí lưu lúc nói. Ông ta giống như một nhà thơ cảm xúc trào dâng đứng trên bục giảng tỏ ra thoả mãn giải thích những kí hiệu toán học khô khan trừu tượng, thỉnh thoảng lại nhún vai cao giọng, lúc lại dạo bước ngâm ngợi. Ông đứng trên bục giảng giống một nhà thơ, cũng lại giống với một vị tướng. Giảng bài xong, ông không nói gì, cứ thế đi thẳng. Lần này, giáo sư Hinsh vẫn theo thói quen đi thẳng, ánh mắt vô tình chạm vào bóng người gầy bé ngồi ở hàng đầu, cậu ta đang cúi đầu trên trang giấy để làm toán, rất say sưa, tường chừng như đang làm bài thi. Hai hôm sau, giáo sư Hinsh lại lên lớp giảng bài, vừa đứng lên bục giảng, ông hỏi:
“Ai tên là Kim Trân, giơ tay lên?”
Ông thấy người giơ tay chính là cậu sinh viên nhỏ bé ngồi ngay hàng đầu mà mỗi khi lên lớp ông đều chú ý.
Giáo sư Hinsh cầm mấy tờ bài tập trên tay, vẫy vẫy, hỏi: “Tờ giấy này em nhét vào cửa phòng tôi à?”
Kim Trân gật đầu.
Giáo sư Hinsh nói: “Tôi báo cho em biết, học kì này em không phải lên lớp nghe tôi giảng nữa.”
Cả lớp tỏ ra kinh ngạc.
Như đang thưởng thức gì đó, ông mỉm cười với mọi người, yên tĩnh trở lại. Cả lớp đã yên tĩnh, ông quay lại, viết đề toán lần trước lên bảng đen - không ở góc bên phải, mà là góc trên bên trái, đây là nội dung của tiết học hôm nay.
Ông viết lời giải của Kim Trân lên bảng, giảng qua một lần, tiếp theo ông dùng phương pháp mới để giải theo ba cách khác nhau cùng một đề toán khiến mọi người cảm thấy kiến thức đang được mở rộng, hiểu rõ cái bí mật có nhiều cách nhưng có chung một kết quả, nội dung bài học mới được lồng vào mấy cách giảng. Xong việc, ông đứng trước tấm bảng đen, viết lên góc trái của tấm bảng một đề toán khó, nói:
“Tôi mong sau khi hết giờ, sẽ có em giải được đề toán này, lúc lên lớp tôi sẽ giải, lúc hết giờ tôi lại ra đề khác.”
Nói là nói vậy, nhưng trong lòng ông Hinsh biết, cái điều may mắn đối với lời nói của mình là rất ít, về mặt toán học được biểu thị bằng số lẻ, hơn nữa còn bị thêm chẵn bớt lẻ. Bớt tức là bỏ đi không tính, tức là không còn; thêm nghĩa là làm cho số lớn hơn, tức là không biến thành có, đất biến thành trời. Điều ấy muốn nói, giữa trời và đất không có một con mương ngăn cách, chỉ thêm một li đất lập tức biến thành trời, thiếu đi một li, trời sẽ biến thành đất. Ông Hinsh không ngờ là, cái cậu sinh viên lành như đất và ít nói kia làm cho khái niệm về đất trời của ông trở nên mơ hồ, ông nhìn rõ là đất, nhưng kết quả là trời. Ấy là, Kim Trân rất nhanh chóng giải được đề toán khó của ông.
Đề toán đã được giải, tất nhiên phải ra đề khác. Khi ông Hinsh viết đề khó thứ ba lên góc bên phải tấm bảng đen, vừa quay lại, ông không nói với mọi người mà chỉ nói với Kim Trân:
“Nếu em giải được đề toán này, tôi sẽ ra riêng cho em một đề khác.”
Ông muốn nói đến đề cho luận văn tốt nghiệp.
Lúc ấy, Kim Trân mới học được ba buổi của ông Hinsh, chỉ một tuần lễ.
Không như hai đề trước, trước tiết tiếp theo Kim Trân đã giải được, vì vậy, ông Hinsh giảng xong tiết thứ tư, ông từ bục giảng đi xuống, nói với Kim Trân:
“Tôi đã ra đề thi tốt nghiệp cho em, chỉ chờ em giải.”
Nói xong, ông bỏ đi ngay.
Ông Hinsh sau khi lấy vợ, thuê một căn hộ trong ngõ Tam Nguyên, gia đình ở đấy, nhưng bình thường ông vẫn ở trong ngôi nhà dành cho các giáo sư, trên tầng ba, căn hộ có nhà vệ sinh riêng. Ở đấy ông đọc sách, nghiên cứu, căn nhà tựa như một thư phòng. Chiều hôm ấy, ông vừa nghỉ trưa xong, đang nghe đài, giữa tiếng nói trong đài có lẫn tiếng chân bước lên cầu thang. Tiếng chân dừng lại, nhưng không có tiếng gõ cửa, chỉ có tiếng động khe khẽ như tiếng rắn bò, âm thanh từ hành lang lọt qua khe cửa. Ông Hinsh thấy có mấy tờ giấy lọt vào, một lúc sau ông nhặt lên, nét chữ quen thuộc của Kim Trân. Ông mở ngay trang cuối để xem kết quả, kết quả là đúng. Ông cảm thấy như mình bị quất một roi, định chạy ra gọi Kim Trân lại. Nhưng ra đến cửa, ông suy nghĩ giây lát rồi quay vào ngồi ở sofa, bắt đầu xem từ trang thứ nhất. Xem xong, ông lại cảm thấy bị quất thêm một roi nữa, ông đến bên cửa sổ, nhìn Kim Trân đang đi, lưng quay về phía này. Ông mở cửa sổ, gọi theo bóng người đang đi. Kim Trân quay lại, thấy giáo sư vừa chỉ tay vừa gọi cậu lên lầu.
Kim Trân ngồi trước mặt vị giáo sư người nước ngoài.
“Anh là ai?”
“Em là Kim Trân ạ.”
“Không!” ông Hinsh cười, “Tôi hỏi em là người thế nào? Từ đâu đến? Trước đây học ở đâu? Tại sao tôi thấy em quen quen, bố em là ai?”
Kim Trân do dự, không biết phải trả lời thế nào.
Bỗng ông kêu lên: “Ôi! Tôi nhớ ra rồi, em là hậu duệ của bức tượng dựng trước toà nhà lớn kia, hậu duệ của bà Lily, Bàn tính Dung Lily. Em có phải là hậu duệ của bà ấy không? Là con hay là cháu?”
Kim Trân chỉ vào những trang giấy bài tập để trên sofa, không trả lời câu hỏi:
“Em làm đúng không ạ?”
Ông Hinsh nói: “Em chưa trả lời vấn đề của tôi, có phải em là hậu duệ của bà Dung bàn tính Lily?”
Kim Trân không khẳng định mà cũng không phủ nhận, chỉ ấp úng trả lời: “Thầy nên hỏi thầy Hiệu trưởng Lily, thầy ấy là người nuôi em, em không có cha mẹ.”
Kim Trân nói nhằm mục đích không muốn nói rõ quan hệ giữa mình và bà Dung bàn tính Lily, không ngờ ông tỏ ra nghi ngờ, nhìn Kim Trân, nói: “Đành là thế, tôi muốn hỏi em, mấy lần giải đề toán là em tự làm hay có người chỉ dẫn?”
Kim Trân trả lời dứt khoát: “Em tự làm.”
Tối hôm ấy, giáo sư Hinsh gặp ông Lily. Kim Trân trông thấy, nghĩ rằng vị giáo sư người nước ngoài này đã nghi ngờ cậu tự giải các bài toán. Thật ra, giáo sư Hinsh buổi chiều đã nói ra điều nghi ngờ của mình và cũng đã không còn nghi ngờ. Vì ông nghĩ, nếu có người tham gia vào quá trình giải bài toán, dù là ông hiệu trưởng hay con gái ông ta, thì cách giải sẽ không phải như thế. Sau khi Kim Trân ra về, ông Hinsh xem lại mấy bài toán cậu ta giải, cảm thấy cách giải có phần li kì, thật đáng khâm phục, để lộ nét ấu trĩ, nhưng lại lấp lánh lí trí và thông minh, ông có cảm giác không thể nói nên lời, nhưng nói chuyện với ông Hiệu trưởng, hình như ông đã tìm ra được những điều có thể nói ra.
Giáo sư Hinsh nói: “Cảm giác là thế này, chúng ta bảo cậu ta xuống lấy một thứ gì đó dưới đường hầm, đường hầm tối xoè bàn tay không thấy ngón, đường hầm lại nhiều ngóc ngách và hầm hố, không có công cụ chiếu sáng không dám bước chân. Ấy là nói, trước khi vào đường hầm phải chuẩn bị công cụ chiếu sáng. Công cụ chiếu sáng có nhiều loại, có thể là đèn pin, có thể là đèn dầu hoặc đuốc, thậm chí chỉ là một bao diêm. Nhưng cậu ta lại không biết những thứ đó hay là biết mà không kiếm ra, tóm lại không có những thứ ấy, mà dùng một tấm gương, tạo một góc độ vô cùng chính xác, chiết xạ ánh sáng trên mặt đất vào đường hầm tối, ở một khúc quanh của đường hầm, cậu ta lại lợi dụng tấm gương để phản chiếu ánh sáng. Cứ như vậy, cậu ta đi về phía trước, dựa vào chút ánh sáng để tránh hầm hố. Bí ẩn hơn nữa là, cứ đến mỗi khúc quanh, chừng trong sâu xa của cậu ta có bản lĩnh linh cảm, dựa vào trực giác để lựa chọn đường đi một cách chính xác.
Suốt mười năm, ông Lily chưa thấy giáo sư Hinsh khen ai, khó để ông không nghi ngờ một ai về toán học, bây giờ ông hết lời, thậm chí rất nhiệt tình khen ngợi Kim Trân, khiến ông Lily cảm thấy lạ lùng và rất ngạc nhiên. Ông nghĩ, tôi phát hiện một thằng nhỏ có tài về mặt toán học, còn ông Hinsh là người thứ hai, chẳng qua là sự chứng minh giúp tôi. Tất nhiên, còn có chứng minh nào đúng đắn hơn của giáo sư Hinsh? Cả hai người càng nói càng phấn chấn.
Nhưng, nói đến sự sắp xếp về mặt toán học cho đứa nhỏ trong tương lai, hai người tỏ ra mâu thuẫn. Hinsh cho rằng, đứa nhỏ này đã nắm vững khả năng và tài trí về toán học, có thể bỏ bớt những chương trình cơ bản, đề nghị cho nó học vượt cấp, có thể để nó làm luận văn tốt nghiệp.
Điều này đã làm Lily không bằng lòng.
Như ta biết, Kim Trân là đứa nhỏ quá ư lãnh đạm, rất thích sống một mình, là đứa trẻ rất kém về mặt xã giao. Đấy là nhược điểm của nó, và cũng là cạm bẫy trong cuộc đời nó, ông đang cố gắng bổ sung cho nó. Theo một ý nghĩa nào đấy, về mặt xã giao Kim Trân là một người không có khả năng và nhu nhược, thậm chí đối với người khác là một sự kình địch khó hiểu, càng thích hợp hơn khi để nó sống chung với những đứa trẻ cùng trang lứa, như vậy đối với nó là sự thả lỏng. Hiện tại, trong lớp nó là một sinh viên nhỏ tuổi nhất, ông Lily cảm thấy giữa nó và bạn bè có một khoảng cách rất xa, không thể để nó cách xa hơn, nếu không, sẽ gây sự bất lợi trong tính cách cậu ta. Nhưng điểm này hôm nay ông Lily không muốn nhắc đến, vì rất khó nói, quá phức tạp, hơn thế còn là chuyện đời tư của nó. Ông chỉ có thể đề nghị đối với vị giáo sư người nước ngoài này:
“Trung Quốc có câu luyện mãi thành thép. Kim Trân là đứa trẻ thông minh, nhưng kiến thức tích luỹ còn ít ỏi. Vừa rồi ông cũng đã nói, công cụ chiếu sáng thông thường có nhiều loại, có thể dùng cái nào cũng được, nhưng nó không dùng, mà bỏ cái gần để với cái xa. Tôi không nghĩ đấy là sự cố tình của nó, mà là vạn bất đắc dĩ, cùng đường mới nảy ra ý nghĩ ấy. Có thể nghĩ ra dùng tấm gương dĩ nhiên là tốt nhưng từ nay về sau nó vẫn sử dụng tài năng vào những chuyện này để phát hiện những công cụ không có giá trị thực tế, tuy trong một lúc nào đấy có thể thoả mãn lòng hiếu kì của mọi người, nhưng ý nghĩa thực có được bao nhiêu? Cho nên, vì con người để dạy dỗ, tôi nghĩ đối với Kim Trân học tập là điều cần kíp không chậm trễ, cần hiểu hơn những lĩnh vực đã biết, chỉ có thể nắm vững những cơ sở đã biết mới có thể tìm ra những điều không biết có ý nghĩa chân chính. Nghe nói, năm kia ông về nước có đưa đến đây rất nhiều sách quý, lần trước tôi đến thăm ông, định mượn vài cuốn về đọc, nhưng thấy trên giá sách của ông có dán lời cáo thị “Xin không ngỏ lời mượn sách”, nên đành thôi. Lúc này tôi nghĩ, nếu có ngoại lệ, ông cũng dành cho Kim Trân một ngoại lệ, điều ấy đối với nó có thể có ích. Trong sách có ngôi nhà vàng.”
Lại nói đến điều mà giáo sư Hinsh không muốn.
Sự thật thì nhiều người đã biết, mấy năm nay khoa toán có hai điều lạ: điều lạ thứ nhất là chuyện nữ giáo sư Dung Nhân Dịch (Thầy Dung) coi mấy trang thư là chồng, theo lời trong thư để từ chối mọi tình yêu; điều lạ thứ hai là giáo sư Hinsh coi tủ sách của mình là vợ, ngoài ông ra không ai được đụng đến. Điều ấy có nghĩa là, ông Lily nói vậy, nhưng ông Hinsh không làm vậy, không hi vọng gì. Vì khả năng lời nói đã nhỏ càng nhỏ hơn, về mặt toán học dùng dấu chấm để biểu thị, hơn nữa lại còn bỏ số lẻ để làm tròn số, bỏ tức là không còn tính đến, có nghĩa là biến thành không.
Chính vì vậy, vào một buổi tối, ngồi bên bàn ăn, Kim Trân ngẫu nhiên nói đến chuyện mượn được của giáo sư Hinsh hai cuốn sách, đồng thời ông cho phép từ nay về sau có thể mượn đọc bất cứ cuốn nào. Ông Lily chợt cảm thấy trong lòng vang lên một âm thanh, có cảm giác bản thân dẫn đầu rất xa, nhưng thật ra là ở sau giáo sư Hinsh. Điều này khiến ông Lily thấy rõ vị trí của Kim Trân trong con mắt giáo sư Hinsh, không ai có thể so sánh nổi. Tức là, giáo sư Hinsh đã rất coi trọng và trông chờ Kim Trân, ông ta đã đi trước rất xa ông Lily, thoát khỏi sự tưởng tượng và nguyện vọng của ông.
7
Cái gọi là hai điều lạ, điều lạ của thầy Dung có phần bi tráng, cho nên được nhiều người kính trọng; điều lạ của giáo sư Hinsh là biến lông gà thành mũi tên, cho nên mọi người cũng lạ cho ông. Thông thường, điều khiến mọi người lạ rất dễ lan truyền, cho nên, so sánh giữa hai người, điều lạ của giáo sư Hinsh lan truyền rộng rãi hơn của thầy Dung, hầu như mọi người đều biết. Bởi vậy, việc giáo sư Hinsh không cho mượn sách, ai cũng biết. Đấy là hiệu ứng chuyện nổi tiếng của người nổi tiếng, về mặt vật lí học người ta gọi đó là hiện tượng dây chuyền. Sau đấy, mọi người phải hỏi nhau, tại sao giáo sư chỉ cho một mình Kim Trân mượn sách? Ngay cả bà vợ của ông cũng khó hiểu. Cái gọi là coi trọng và mong chờ chỉ là cách nói của mọi người, với một ý nghĩa nào đó, đấy không phải là cách nói tốt, danh tiếng không tốt. Danh tiếng tốt phải là cách nói khác, họ bảo ông giáo sư người nước ngoài này muốn ăn cắp tài năng của Kim Trân.
Trong khi nói chuyện, thầy Dung cũng nói đến chuyện này.
(Ghi theo lời kể của thầy Dung)
Kỳ nghỉ đông đầu tiên sau ngày chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, giáo sư Hinsh về châu Âu. Năm ấy trời rất lạnh, sợ rằng châu Âu càng lạnh hơn, ông không đem theo gia đình cùng về, mà chỉ đi một mình. Lúc giáo sư trở lại, bố phải điều chiếc ô tô Ford duy nhất của trường, bảo tôi ra bến tàu đón. Đến nơi, thấy giáo sư Hinsh, tôi ngớ ra, ông ta ngồi trên một cái thùng gỗ lớn gần bằng cỗ quan tài, trên cái thùng ấy có đề “Đại học N - Hòm sách của Giáo sư L. Hinsh” bằng hai thứ tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, thể tích và trọng lượng cái hòm không thể để lên nổi chiếc xe Ford này. Tôi đành thuê thêm một chiếc xe chở hàng, mượn bốn người khuân vác khoẻ mạnh mới đưa được cái hòn về trường. Dọc đường, tôi hỏi giáo sư Hinsh, đi xa thế còn đem theo nhiều sách làm gì, ông vui vẻ trả lời:
“Tôi đem đến một chuyên đề nghiên cứu, không có những cuốn sách này không xong.”
Thì ra trong chuyến về châu Âu, giáo sư Hinsh cảm thấy mấy năm nay về học thuật ông tỏ ra tầm thường, không có gì, bị kích thích, bị khởi phát, ông đem theo về một kế hoạch vĩ đại, quyết định nghiên cứu kết cấu não bộ con người. Bây giờ chúng ta nói trí tuệ nhân tạo không có gì là tân kì, mọi người đều biết, nhưng hồi ấy cái máy tính vừa ra đời được ít lâu, ông đã linh cảm thấy điều đó, phải nói rằng ý thức con người tương đối siêu việt. So với kế hoạch nghiên cứu to lớn của ông, sách ông đem theo hơi ít, suy ra cái điều ông không cho người khác mượn sách cũng dễ hiểu.
Vấn đề ở chỗ, ông rộng rãi với Kim Trân làm nhiều người phải suy nghĩ, thêm vào đấy là cách nói kì diệu về Kim Trân ở khoa toán, những là Trân học hai tuần bằng bốn năm, những là giáo sư Hinsh vì thế mà phải xấu hổ, vân vân. Những người không hiểu nội tình lại nói vị giáo sư người nước ngoài này lợi dụng tài trí của Kim Trân cho việc nghiên cứu của mình. Anh biết đấy, những kiểu nói như vậy rất nhanh chóng lan truyền trong nhà trường, vì chỉ ra chỗ yếu của người khác, người nói nói cho sướng mồm, người nghe nghe cho đã đời, và cứ như vậy. Tôi nghe, và hỏi thẳng Trân, nó phủ nhận, về sau, bố tôi cũng hỏi, nó cũng nói không hề có chuyện đó.
Bố tôi nói, nghe nói gần đây cứ buổi chiều cháu lại đến chỗ giáo sư Hinsh à?
Trân nói, đúng vậy.
Bố tôi hỏi, cháu ở đấy làm gì?
Trân nói, có lúc đọc sách, có lúc đánh cờ.
Trân nói rất chắc chắn, nhưng chúng tôi lại nghĩ không có gió thì không thể có sóng, sợ nó không nói thật. Nhưng nó đã mười sáu tuổi, không hiểu sâu sắc sự đời, không phải không có khả năng bị lừa dối. Bởi vậy, tôi mượn cớ đến nhà giáo sư Hinsh để điều tra, đến mấy lần, quả nhiên thấy cậu ta đánh cờ, đánh cờ vua. Ở nhà, Trân cũng thường xuyên đánh cờ, đánh rất giỏi, trình độ cờ của hai người có phần tương đương, có thể ngang tài ngang sức. Trân thường đánh cờ nhảy với mẹ tôi, việc ấy thuần tuý để làm mẹ tôi vui. Xem Trân đánh cờ vua, tôi nghĩ đấy là việc giáo sư Hinsh giải sầu cho Trân, vì ai cũng biết, Hinsh là kiện tướng cờ quốc tế.
Sự thật là như thế.
Nghe Trân nói, nó đánh với giáo sư Hinsh đủ loại cờ, cờ vua, cờ vây, cờ tướng, chơi cả cờ quân. Nhưng chỉ có cờ quân thỉnh thoảng mới thắng được ông, còn các loại cờ khác chưa thắng bao giờ. Trân nói, trình độ chơi cờ của giáo sư Hinsh không ai địch nổi, cờ quân đôi lúc ông bị thua là vì cờ quân không dựa hẳn vào trình độ chơi cờ cao hay thấp để quyết định được thua, cờ quân thắng thua phần lớn nhờ vào may rủi. Để so sánh, nghệ thuật chơi cờ nhảy tuy đơn giản hơn cờ quân, nhưng so với cờ quân còn thử được tài nghệ đánh cờ, là bởi hàm lượng may mắn tương đối ít. Trân cho rằng, để nói thật nghiêm khắc, thậm chí cờ quân không nên gọi đấy là cờ, ít nhất không phải là cờ của người lớn.
Có thể anh sẽ nghĩ, là một trò chơi, biết được tất cả các loại cờ không khó, dễ hơn học nghề thủ công, nghề thủ công cần khéo tay. Khó ở chỗ, sau khi học được, nó hoàn toàn không giống với nghề thủ công, nghề thủ công trước lạ, sau quen, quen sẽ thành khéo, khéo sẽ trở nên tinh, chơi cờ càng thành thạo càng phức tạp. Bởi vì thành thạo rồi nắm được nhiều nước đi hơn, biến hoá nhiều hơn, giống như vào mê cung, lối vào rất đơn giản, càng vào càng lắm ngóc ngách, có nhiều lựa chọn hơn. Đấy là một mặt của phức tạp, mặt khác anh thử hình dung, nếu có đồng thời hai người đi ngược chiều, anh đi và nghĩ cách để chặn bước đi của đối phương, anh đi đường anh nhưng vẫn nghĩ để chặn đường đối phương, đối phương cũng vậy, vừa đi vừa chặn đường, sự việc trở nên phức tạp. Đánh cờ là vậy, xuất chiêu, bẻ chiêu, ứng chiêu, sáng tối, gần xa, trong mây trong mù. Tóm lại, ai nắm vững đường đi nước bước sẽ biến hoá nhiều hơn, tạo mây mù nhiều hơn, mây mù luẩn quẩn, giả thật lẫn lộn. Muốn chơi cờ giỏi, không nắm vững nước đi là không ổn. Tuy nước cờ đã thành sách, nó không còn là thứ chỉ riêng của ai đó.
Nước cờ là gì?
Nước cờ giống như con đường đã được vạch ra trên vùng đất hoang, một mặt nó khẳng định đấy là con đường đưa đến một điểm nào đấy, mặt khác nó khẳng định không phải của riêng một ai, anh có thể đi, người khác cũng có thể đi. Nói một cách khác, nước cờ giống như vũ khí thông thường, để đối phó với người không có vũ khí, nó có thể nhanh chóng giết chết anh. Nhưng cả hai phía đều có vũ khí thông thường tốt như nhau, anh bố trí mìn, người kia đưa máy dò mìn ra dò một lượt, coi như anh mất công toi; anh dùng máy bay, trên màn hình rada của phía bên kia hiện rõ, vậy là chặn anh lại trên không trung. Lúc ấy, có vũ khí bí mật sẽ là khâu then chốt quyết định được thua. Vũ khí bí mật trên bàn cờ.
Tại sao giáo sư Hinsh thích đánh cờ với Trân? Là bởi trên người Trân có vũ khí bí mật, thường xuất kì chiêu, quái chiêu, cảm giác anh ở dưới đất, người kia đào hầm bí mật thông đến bờ bên kia, làm cho anh bối rối, nguy hiểm liên tiếp xảy ra. Nhưng vì Trân ít khi đánh cờ, ít kinh nghiệm, không hiểu sâu sắc đường đi nước bước, cuối cùng bị vũ khí thông thường của đối phương làm cho thất điên bát đảo. Nói một cách khác, vì nó không tinh thông đường đi nước bước, nước đi của anh đối với nó cũng thành đường hầm bí mật. Nhưng đường hầm bí mật của anh đã có ngàn vạn người đi qua, độ tin cậy, tính khoa học, sự thông suốt chắc chắn còn tỉ mỉ chu đáo hơn những con đường mòn mới khai phá, cho nên cuối cùng nó khó tránh khỏi thất bại dưới tay anh.
Ông Hinsh đã từng nói với tôi, Kim Trân thua ông không phải là thua về mặt trí lực, mà về kinh nghiệm, nước cờ, kĩ thuật, chiến thuật. Ông còn nói, từ nhỏ tôi đã biết đánh các thứ cờ, qua năm tháng nước cờ của các loại cờ tôi đều nắm trong lòng bàn tay, cho nên Kim Trân muốn thắng tôi là chuyện khó khăn. Sự thật thì, chung quanh tôi không ai thắng nổi tôi, có thể không chút khoác lác rằng, trên bàn cờ tôi là thiên tài tuyệt đối, cộng thêm kinh nghiệm về kĩ thuật, chiến thuật hoàn mĩ tôi tích luỹ qua thời gian, nếu Kim Trân không chuyên tâm tu luyện vài năm, sợ rằng khó có thể thắng nổi tôi. Nhưng đối chọi với cậu ta, tôi thường có cảm giác mình được tỉnh ngộ vì những mối hiểm nguy xa lạ, tôi thích cái cảm giác ấy, cho nên tôi muốn đánh cờ với cậu ta.
Như vậy đấy.
Đánh cờ!
Đánh cờ!
Vì chuyện đánh cờ mà Trân và giáo sư Hinsh ngày càng thân thiết, hai người rất nhanh chóng vượt qua quan hệ thầy trò, cùng đi dạo, ăn uống với nhau như bạn bè; vì đánh cờ, thời gian Trân ở nhà càng ít đi. Trước đây, cứ mỗi kì nghỉ đông, cậu ta không đi đâu, thậm chí mẹ tôi giục cậu ta tham gia những hoạt động ngoài trời. Nhưng kì nghỉ đông năm nay, suốt ngày Trân hầu như không có nhà, thoạt đầu tôi nghĩ cậu ta đánh cờ với giáo sư Hinsh, về sau mới biết không phải. Nói chính xác là, không phải đánh cờ mà làm cờ!
Có thể anh không hiểu, họ phát minh ra một loại cờ mới, Trân gọi đấy là cờ toán học. Sau đấy, tôi thường xem hai người đánh cờ toán học. Thật kì lạ, bàn cờ to gần bằng cái bàn viết, trên đấy là hai thế cờ chữ tỉnh và chữ mễ. Quân cờ là quân mạt chược thay thế, tổng cộng có bốn đường, mỗi bên hai đường, quân cờ đặt trong ô chữ tỉnh và chữ mễ. Trong đó, quân cờ trong ô chữ tỉnh ở thế cố định, giống như cờ tướng của Trung Quốc, mỗi quân cờ có một vị trí nhất định, nhưng quân cờ trong ô chữ mễ có thể đứng ở các vị trí khác nhau, hơn nữa lại do đối phương đặt chỗ. Đối phương đặt vị trí phải suy tính xem ý đồ chiến thuật của mình, tức là trước khi bắt đầu ván cờ đã tạo thế cho đối phương, sau khi bắt đầu mới thuộc sự quản lí và điều động của anh, mục đích điều động quân là để biến địch thành bạn. Trong lúc đánh, quân có thể đi vào các ô chữ tỉnh hay chữ mễ, với một ý nghĩa nào đấy, đường đi của cả hai bên càng thông thoáng, khả năng giành thắng lợi càng lớn hơn. Nhưng điều kiện ra vào thật khắc nghiệt, phải tính toán chính xác, bố cục chặt chẽ, một quân cờ nào đấy khi vào một ô chữ khác, cách đi và bản lĩnh của nó cũng có những thay đổi. về cách đi, quân cờ của ô chữ tỉnh không được đi chéo, cũng không được nhảy cóc, có thể đến được ô chữ mễ. So với cờ thông thường, đặc điểm lớn nhất của cờ này là, đồng thời đối địch với đối phương, còn phải đối phó với hai đường của chính mình, cố gắng điều chỉnh thế trận, tranh thủ sớm nhất biến địch thành bạn và ra vào mỗi bên. Có thể nói, anh vừa đánh với đối phương, vừa đánh với mình, cảm giác hai người đồng thời đánh hai thế cờ, thật ra chỉ là một, hoặc có thể nói đánh một lúc ba cuộc cờ - mỗi người một cuộc và một cuộc cờ đánh chung.
Nói tóm lại, đấy là một thứ cờ rất phức tạp, rất quái dị, giống như hai bên giao chiến, nhưng binh sĩ trong tay tôi là của anh, binh sĩ trong tay anh là của tôi, chúng ta dùng quân đội của đối phương để đánh nhau, có thể thấy tính hoang đường và phức tạp - hoang đường là một thứ phức tạp. Vì quá phức tạp, người bình thường không có cách nào đánh nổi, giáo sư Hinsh bảo cờ này để đánh với những người làm công tác toán học, cho nên gọi là cờ toán học. Một hôm, giáo sư Hinsh nói với tôi về thứ cờ này, ông không giấu nổi niềm tự hào: cờ này thuần tuý là kết quả của việc nghiên cứu toán học, nó ẩn hiện kết cấu toán học và tính phức tạp sâu sắc, bí ẩn, thậm chí vô cùng tinh tế, là cơ chế biến đổi tỉ mỉ chu đáo thuần chủ quan, chỉ có thể so sánh với bộ óc con người, cho nên phát minh ra nó, gồm cả thứ cờ này, đều là thách thức đối với đầu óc con người.
Ông giáo sư nói vậy, khiến tôi nghĩ ngay đến công trình nghiên cứu khoa học trước đây của ông; nghiên cứu kết cấu bộ óc con người. Bất giác cảm thấy cảnh giác và không yên, nghĩ đến cờ toán học phải chăng cũng là một bộ phận trong nghiên cứu khoa học của ông? Nếu như vậy, Trân của chúng tôi đã bị ông lợi dụng, dưới danh nghĩa trò chơi để ông che đậy sự bất lương của mình. Vậy là, tôi chú ý tìm hiểu qua Trân về cái thứ cờ mà hai người đã sáng tạo nên, gồm cả quá trình sáng tạo.
Trân nói, bắt đầu từ chỗ hai người muốn đánh cờ, vì nhiều loại cờ ông Hinsh đã quá giỏi, cậu ta không hi vọng giành phần thắng, mà thua đến độ bực mình, cho nên không muốn đánh với ông ấy nữa. Sau đấy hai người mò mẫm tìm ra một loại cờ mới, cả hai bắt đầu từ đầu, không vay mượn một nước cờ nào, được hay thua đều thể hiện ở sự so sánh trí lực. Trong quá trình nghiên cứu cụ thể, Trân phụ trách việc thiết kế bàn cờ, cách đánh do giáo sư Hinsh hoàn thành. Trân cho rằng, vai trò của cậu ta trong đó là bao nhiêu, chỉ chừng trên dưới mười phần trăm. Nếu nói đấy là một phần trong công trình nghiên cứu khoa học của giáo sư Hinsh, vậy cống hiến ấy là không nhỏ, không thể nào chín bỏ làm mười để xoá đi được, về chuyện tôi nói ông Hinsh nghiên cứu kết cấu bộ óc con người, Trân nói không biết, cảm thấy không có chuyện đó.
Tôi hỏi Trân, tại sao em bảo không có chuyện đó?
Trân nói, chưa bao giờ ông ấy nói ra điều ấy.
Lại một chuyện li kì nữa.
Tôi nghĩ, lúc mới gặp, giáo sư đã phấn khởi khoe chương trình nghiên cứu khoa học của mình, lúc này Trân suốt ngày ở bên ông ấy, tại sao không nói ra bất cứ điều gì? Tôi cảm thấy trong đó có điều khó hiểu, về sau, có lần tôi hỏi trực tiếp giáo sư Hinsh, ông ấy trả lời vì không có điều kiện, nên không làm được, đành bỏ.
Bỏ?
Bỏ thật hay giả vờ?
Nói thật, lúc ấy tôi rất nghi ngờ. Khỏi phải nói, nếu là giả vờ thì vấn đề hết sức nghiêm trọng, vì chỉ có âm mưu gì đấy mới tung hoả mù để lừa dối người khác. Tôi lại nghĩ, nếu ông ấy có âm mưu gì, vậy âm mưu ấy nhằm vào ai? Chắc chắn là Trân đáng thương. Tóm lại, do những tin đồn thật thật giả giả trong khoa, khiến tôi có những băn khoăn nghi ngờ quan hệ giữa Trân và giáo sư Hinsh, cứ lo rằng Trân bị ông lợi dụng, lừa dối. Thằng nhỏ này không quen với việc đời phức tạp, nó có phần khờ khạo, nếu muốn lừa dối cứ tìm đến những con người như nó, khờ khạo, cô đơn, sợ sệt, bị thua thiệt không dám kêu, chỉ biết nhịn nhục.
Ít lâu sau, giáo sư Hinsh làm một chuyện mà không ai ngờ tới, đã xua đi mọi nghi ngờ của tôi. ( )
8
Việc giáo sư Hinsh và Kim Trân phát minh ra thứ cờ mới là vào năm 1949, sau Tết ít lâu, tức là sau ngày thành phố C được giải phóng không lâu, Hinsh được tạp chí “Lí thuyết toán học” của Mĩ mời sang Đại học California tham gia một hoạt động toán học. Để tiện cho việc đi lại, người tổ chức hội nghị lập một trạm liên lạc ở Hồng Công, những đại biểu châu Á tập trung tại Hồng Công, sau đấy đáp máy bay đi và về. Cho nên, lần đi Tây này của giáo sư Hinsh ngắn hơn rất nhiều, tất cả gói gọn trong vòng nửa tháng, thậm chí, lúc ông về trường, mọi người không tin là ông đã sang bên kia bờ Thái Bình Dương về. Nhưng, đồ đạc rất nhiều chứng minh việc ông đã đi, ví dụ giấy mời của các trường đại học, viện nghiên cứu ở Ba Lan quê ông, ở Áo, thậm chí cả ở Mĩ, hoặc những tấm ảnh kỉ niệm chụp chung với các nhà toán học J.V. Neumann, Sharply, Kuhn... Ông còn đem về đề thi của cuộc thi toán học mang tên W.L. Putnam của Mĩ năm đó.
(Ghi theo lời kể của thầy Dung)
William Lewell Putnam là tên một nhà toán học, ông sinh tại nước Mĩ, trong giới toán học ông có danh hiệu cao quý là “Gauss thứ hai”. Năm 1921, Uỷ ban toán học nước Mĩ phát động cuộc thi toán học hàng năm mang tên Putnam, cuộc thi có uy tín lớn trong các trường đại học và giới toán học Mĩ, cũng là cơ hội để các trường, các viện phát hiện những tài năng toán học. Cuộc thi nhằm vào sinh viên khối cơ bản, nhưng độ khó của đề thi lại như nhằm vào giới toán học. Nghe nói, cho dù hàng năm dự thi đều là những sinh viên giỏi của các trường, các viện, đề thi rất khó, trong nhiều năm, điểm số bình quân gần bằng không. Ba mươi thí sinh đầu bảng hàng năm, nói chung đều trở thành nghiên cứu sinh của các viện nghiên cứu hàng đầu của nước Mĩ, thậm chí của nhiều nước. Ví dụ đại học Harvard mỗi năm nhận ba thí sinh của cuộc thi vào học, được cấp học bổng cao nhất của trường. Cuộc thi năm ấy có mười lăm câu hỏi, tổng số điểm là một trăm năm mươi, thời gian thi là bốn mươi lăm phút, kết quả điểm số cao nhất là 76,5 điểm, điểm bình quân của mười thí sinh đầu bảng là 37,44 điểm.
Sở dĩ giáo sư Hinsh đem đề toán thi Putnam về là muốn để thử Kim Trân. Cũng chỉ có Trân, còn với những người khác, kể cả các thầy, ông cảm thấy như vậy khác nào làm khó đối với họ, cho nên không thi thì tốt hơn. Trước khi cho Trân thi, ông tự giam mình trong phòng bốn mươi lăm phút, làm thử sau đấy tự chấm, cho điểm. Ông cảm thấy điểm số cũng không cao, vì ông chỉ làm được tám câu, câu cuối cùng vẫn chưa hoàn thành. Tất nhiên, nếu thời gian cho phép, những câu hỏi trong đề toán ấy ông đều giải được, vấn đề ở thời gian, tôn chỉ của cuộc thi Putnam nổi lên hai điểm:
Một, toán học là khoa học trong khoa học.
Hai, toán học là khoa học trong thời gian.
Người cha của trái bom hạt nhân của Mĩ kiêm nhà thực nghiệp Robert Oppenheimer đã từng nói, trong các môn khoa học, thời gian là đề khó nhất, trong khoảng thời gian vô hạn, mọi người sẽ phát hiện ra tất cả bí mật của thế giới. Có người nói, quả bom hạt nhân đầu tiên ra đời đã kịp thời giải quyết được vấn đề khó khăn của thế giới hồi ấy là kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Cứ thử nghĩ xem, nếu Hitler là người đầu tiên có bom hạt nhân loài người sẽ phải đối mặt - lại một lần nữa đối mặt - với một vấn đề khó khăn lớn hơn nữa.
Trong vòng bốn mươi lăm phút, Trân làm được sáu câu, trong đó câu đầu tiên là đề chứng minh, giáo sư Hinsh cho rằng Trân đã phạm sai lầm đánh tráo khái niệm, không cho điểm. Câu cuối cùng là đề suy lí, lúc ấy chỉ còn một phút rưỡi, về cơ bản không đủ thời gian, cho nên Trân không đụng bút, chỉ ngồi trầm tư, nhưng khi chỉ còn vài giây, cậu đưa ra một kết quả chính xác. Điều ấy có vẻ hoang đường, cũng nói lên, Trân có một năng lực trực giác phi thường. Điểm của câu này rất linh hoạt, có thể cho điểm cao nhất, mà cũng có thể cho ít điểm, nhiều hay ít là do ấn tượng của thầy giáo đối với đạo đức và trí tuệ của sinh viên ấy, nhưng không được dưới 2,5 điểm, giáo sư Hinsh cho 2,5 điểm, ở mức khắt khe nhất. Như vậy, cuối cùng Trân cũng được 42,5 điểm, vẫn cao hơn điểm bình quân của mười sinh viên đầu bảng trong kì thi Putnam của nước Mĩ năm ấy là 37,44 điểm.
Nói như thế có nghĩa là, nếu Trân dự thi, cậu ta chắc chắn lọt vào số mười sinh viên đầu bảng, tiếp theo, một trường đại học danh tiếng và suất học bổng cao nhất chờ đợi cậu, còn gây được tiếng vang đầu tiên trong giới toán học. Nhưng cậu không dự thi, nếu không sẽ được trình làng thành tích ấy, nụ cười trào lộng vô tình của cậu ta có thể sẽ được hồi phục. Vì không ai tin, một thằng nhỏ Trung Quốc chưa học xong năm đầu bậc đại học lại có thể đạt điểm cao như vậy, điểm số cao như vậy chỉ là một sự lừa dối. Không ai tin vào sự lừa dối. Lừa dối ngu xuẩn. Dù là giáo sư Hinsh, trước một thành tích như vậy cũng sẽ sinh ra ảo giác lừa dối, tất nhiên chỉ là ảo giác. Nói một cách khác, chỉ có giáo sư Hinsh mới tin rằng, thành tích ấy là thật không chút nghi ngờ, cho nên cũng chỉ có ông Hinsh coi sự việc vốn là một trò chơi, là sự bắt đầu cho một câu chuyện chân thật.
Giáo sư tìm ông Lily, kể lại chi tiết việc Trân giải đề thi toán Putnam, sau đấy bày tỏ dứt khoát những ý kiến mà ông đã suy nghĩ chín chắn.
Hinsh nói: “Tôi có thể nói một cách đầy trách nhiệm rằng, Kim Trân là một sinh viên giỏi nhất của khoa toán đại học N, ngày mai sẽ trở thành một sinh viên giỏi của những trường đại học hàng đầu thế giới như Havard, Massachusette, Stamford, Princeton, cho nên tôi đề nghị để cậu ta đi du học, Harvard hoặc Massachusette đều có thể.
Ông Lily chưa có ý kiến gì ngay.
Giáo sư Hinsh nói: “Hãy tin tưởng ở cậu ta, cho cậu ta một cơ hội.”
Ông Lily lắc đầu: “E rằng không được.”
“Tại sao không?” Hai mắt giáo sư tròn xoe.
“Không có tiền.” Ông Lily nói dứt khoát.
“Nhiều lắm chỉ một học kì.” Giáo sư Hinsh nói. “Tôi tin rằng, sang học kì thứ hai cậu ta sẽ được học bổng.”
“Đừng nói gì một học kì, sợ rằng ngay lúc này gia đình cũng không đủ tiền đi đường.” Ông Lily cười đau khổ.
Giáo sư Hinsh rất buồn, ra về.
Ông buồn vì nghĩ rằng chuyện không thành, mặt khác ông cũng nghi ngờ. Có thể nói, về phương án dạy Kim Trân, hai người vẫn chưa đạt được sự nhất trí, ông không biết ông Lily nói vậy là thật hay chỉ là không đồng ý nên từ chối. Ông không tin nhà họ Dung giàu có, sự nghiệp thành đạt lại khó khăn về kinh tế.
Nhưng đấy là sự thật. Ông Hinsh không biết, gia đình họ Dung ở thị trấn Đồng mấy tháng trước đây tài sản đã bị suy kiệt, lại bị thời đại cải tạo, chỉ còn một nửa khuôn viên cũ nát, mấy gian nhà trống trải. Ở thành phố chỉ có một cửa hàng, mấy hôm trước, ông Lily với danh nghĩa là một nhân sĩ yêu nước, được mời dự lễ thành lập chính phủ nhân dân, ông bày tỏ một lòng ủng hộ chính phủ mới. Trong buổi lễ, ông muốn tranh thủ sự quý mến của chính phủ mới, thật ra không cần thiết, thứ nhất điều ấy sẽ do bên có liên quan xếp đặt, mặt khác, ông cũng muốn kêu gọi các bậc nhân sĩ trí thức đứng vào hàng ngũ ủng hộ chính phủ mới. Có thể khẳng định được rằng, lòng yêu nước của dòng họ Dung vẫn được ông Lily kế thừa, được phát huy, ông tỏ ra trung thành với chính phủ mới, thậm chí dốc hầu bao ra ủng hộ, trong đó có vai trò nhận thức của ông, mà cũng có liên quan đến sự bất công của chính phủ Quốc dân đối với ông. Tóm lại, tài sản tổ truyền, trong tay hai đời Lily cha và Lily con, số thì hiến cho nhà nước, số thì hư hao tan nát, số chia chác, nay còn không bao nhiêu. Còn về tích luỹ của cá nhân ông cũng đã cạn kiệt trong lần cứu cô con gái, những năm gần đây tiền lương ngày một ít đi, đủ chi dùng vào khoản này khoản khác. Bây giờ Kim Trân đi học, ông Lily rất tán thành, nhưng lực bất tòng tâm.
Về điểm này, về sau giáo sư Hinsh không có gì phải nghi ngờ. Ấy là hơn một tháng sau, ông nhận được thư của tiến sĩ Carter, Chủ nhiệm khoa toán Đại học Stamford, đồng ý để Kim Trân sang học với học bổng của nhà trường, đồng thời gửi kèm theo một trăm mười dollar làm lộ phí. Chuyện này hoàn toàn dựa vào nhiệt tình và uy tín của giáo sư Hinsh. Ông viết cho tiến sĩ Carter một lá thư dài ba nghìn chữ, ba nghìn chữ ấy đã trở thành giấy thông hành và lộ phí để Kim Trân vào đại học Stamford. Khi đưa tin này đến cho ông Lily, giáo sư Hinsh phấn khởi chú ý, ông Lily nở nụ cười xúc động.
Lúc ấy, Kim Trân vào Đại học Stamford cũng đã muộn, cậu ta chuẩn bị qua nốt kì nghỉ hè cuối cùng ở Đại học N, sau đấy mới xuất phát. Nhưng mấy ngày cuối của kì nghỉ hè, một chứng bệnh quái ác đã vĩnh viễn giữ cậu ta lại.
(Ghi theo lời kể của thầy Dung)
Bệnh viêm thận.
Chứng bệnh tưởng như giết chết Trân.
Lúc Trân mới phát bệnh, bác sĩ đã thông báo không thể qua khỏi, bảo Trân sống chỉ được nửa năm là cùng. Trong nửa năm ấy, đúng là cái chết luôn cập kề, chúng tôi thấy một con người vốn gầy đét nay trở nên béo tròn, nhưng thể trọng không tăng mà giảm bớt.
Béo giả! Bệnh viêm thận làm cho Trân trở thành khối bánh kem đang thiu dần, đang trương lên, có thời kì cơ thể Trân mềm nhũn giống như bông, đầu ngón tay tưởng chừng như nứt cả ra. Bác sĩ nói, Trân không chết là điều kì lạ, nhưng thật ra sống không khác gì chết. Ốm hai năm, bệnh viện trở thành nhà của Trân, muối trở thành thuốc độc, cái chết như bài học, lộ phí đi Stamford trở thành một phần viện phí, học bổng, văn bằng, học vị của Đại học Stamford trở thành giấc mơ xa vời. Việc mà giáo sư Hinsh tác thành lẽ ra là sự kiện làm đổi đời Trân, lúc này chỉ còn lại ý nghĩa thực tại: thứ nhất, một trăm mười dollar trở thành khoản chi hoặc tăng thêm hoặc giảm bớt sự hổ thẹn của gia đình; thứ hai, sự bình tĩnh của giáo sư Hinsh trở thành sự nghi ngờ không tốt của mọi người, kể cả tôi.
Không còn nghi ngờ gì, ông Hinsh dùng hành động thực tế để chứng minh sự trong sáng của ông, cũng là để chứng minh rằng ông quý mến Trân. Không ngờ, nếu nói ông ta lợi dụng Kim Trân để làm việc của mình, nhất định ông không thúc giục Kim Trân sang học tại Stamford. Thế giới không có gì là bí mật, cái bí mật của ông Hinsh là ông khác với mọi người, đã nhận ra thiên tài toán học hiếm thấy ở Trân. Có thể ông nhận ra bản thân trong quá khứ trên con người Trân, ông yêu Trân, yêu vô tư, chân thành, nghiêm túc như yêu chính bản thân trong quá khứ.
Nhân đây cũng nói thêm, nếu nói ông Hinsh có điều gì bất công đối với Trân, ấy là chuyện về sau, chuyện có liên quan đến cờ toán học. Môn cờ này về sau ảnh hưởng rất lớn đối với giới toán học Mĩ và châu Âu, trở thành trò chơi thích thú của giới toán học, nhưng không gọi là cờ toán học, ông Hinsh đổi tên thành cờ Hinsh. Về sau, trong rất nhiều bài viết, tôi thấy mọi người đánh giá cờ Hinsh rất cao, có người cho rằng, trong thế kỉ hai mươi, lí thuyết Two person zero-sum của nhà toán học J. V. Neumann là phát hiện quan trọng về mặt kinh tế học, cờ Hinsh là phát hiện quan trọng về mặt quân sự, tuy cả hai phát hiện không có nhiều giá trị thực tiễn, nhưng về mặt lí thuyết là rất cao. Có người chỉ ra rằng, giáo sư Hinsh, người trẻ nhất thế giới được nhận giải thưởng Fields là niềm kiêu hãnh của giới toán học, nhưng từ ngày ông đến Đại học N, ông không có cống hiến gì thêm cho toán học, cờ Hinsh là công tích duy nhất của ông, mà cũng là ánh hào quang nửa cuối đời ông.
Nhưng như tôi nói, cờ Hinsh hồi đầu được gọi là cờ toán học, là phát minh của ông Hinsh và Trân, ít nhất Trân có mười phần trăm quyền phát minh. Nhưng qua việc ông Hinsh đổi tên, ông tước bỏ quyền phát minh của Trân, tước bỏ, chiếm làm của riêng. Có thể nói đấy là điều không công bằng đối với Trân, cũng có thể coi đấy là sự trả ơn của Trân đối với tấm lòng chân thành và yêu thương của ông dành cho Trân. ( )
9
Một ngày đầu mùa thu năm 1950, trời mưa như trút nước bắt đầu từ chập tối hôm qua, mưa không ngớt, giọt mưa lớn như hạt đỗ rơi lên đống gạch ngói vụn, phát ra những tiếng kêu lộp bộp, có cảm giác ngôi nhà trong mưa như một con sâu nhiều chân đang điên cuồng bỏ chạy. Âm thanh thay đổi là vì gió, lúc gió nổi lên tiếng mưa rào rào cùng với tiếng động của cánh cửa sổ sắp hỏng. Vì những âm thanh ấy, ông Lily suốt đêm không ngủ, mất ngủ khiến ông đau đầu, mắt cay như sưng lên. Ông nằm trong tối nghe tiếng gió, tiếng mưa, vừa rất tỉnh táo nghĩ, cái nhà và mình đã già. Trời gần sáng, ông ngủ thiếp nhưng cũng chỉ ngủ được một chút, hình như có gì đó đánh thức ông. Bà vợ bảo, tiếng còi ô tô làm ông tỉnh giấc.
“Hình như ô tô dừng ở dưới kia.” Bà vợ nói. “Nhưng nó lại chạy ngay.”
Ông Lily biết không thể nào ngủ lại được, nhưng ông vẫn đi nằm, cho đến sáng hẳn, ông dậy, như một ông lão, lần mò, động tác nhẹ không để phát ra tiếng động, giống như một cái bóng. Ông ngủ dậy, không đi nhà vệ sinh, cứ một mình đi thẳng xuống nhà, lặng lẽ mở cửa. Cửa có hai cánh, một cánh mở vào trong, cánh kia là cửa lưới, mở ra ngoài. Nhưng cửa lưới hình như bị cái gì đó chặn ở ngoài, chỉ có thể mở một góc ba mươi độ. Đã sang hè, bắt đầu dùng cửa lưới, cho nên trên cửa lưới có treo một tấm rèm vải, cao ngang tầm mắt. Ông Lily không trông thấy vật gì chắn ở ngoài, đành phải nghiêng người nhìn qua khe, trông thấy có hai cái thùng giấy, một cái chặn ở cửa, cái kia bị nước mưa làm ướt. Ông Lily muốn kéo cái thùng giấy vào vị trí tránh mưa, ông kéo nhưng không nổi, cảm thấy còn nặng hơn một tảng đá, ông đành vào nhà, tìm một mảnh vải nhựa đậy lên. Đậy xong, ông phát hiện trên cái thùng giấy có một phong thư, phong thư được chặn bằng hòn đá mà ông vẫn để chặn cửa.
Ông Lily lấy bức thư, thư của ông Hinsh để lại.
Ông Hinsh viết như thế này.
Ông Hiệu trưởng kính mến,
Tôi đi, không muốn làm phiền đến ai, chỉ để lại lời từ biệt, mong được thứ lỗi.
Vì tôi có những suy tính đối với Kim Trân, không nói ra cảm thấy không vui, đành phải nói. Đầu tiên, mong cậu ấy chóng bình phục, thật ra tôi mong ông có sự xếp đặt đúng đắn cho tương lai cậu ta, để chúng ta (nhân loại) có thể hiểu đầy đủ và sử dụng tài năng của cậu ta.
Nói thẳng ra, với tư chất tự nhiên của Kim Trân, tôi nghĩ, để cậu ta chuyên nghiên cứu sâu lí thuyết toán học là thích hợp hơn cả. Nhưng như vậy cũng có vấn đề. Vấn đề là, thế giới thay đổi, con người chỉ lo mối lợi trước mắt, muốn có lợi ích ngay bên cạnh mình, không hứng thú với những gì thuần lí thuyết. Đấy là chuyện rất hoang đường, hoang đường đến độ không kém việc chúng ta chỉ chú ý đến khoái lạc thể xác mà xem nhẹ niềm vui trong tâm hồn. Nhưng chúng ta không thể thay đổi, giống như chúng ta không thể xua đuổi bóng ma chiến tranh. Dẫu vậy, tôi nghĩ, có thể để cậu ta đào sâu vào một đề tài khó thuộc lĩnh vực khoa học ứng dụng, như vậy thiết thực và có ích hơn. Chú ý đến lợi ích của hiện thực có điểm tốt là, ông có thể có được sức mạnh từ trong hiện thực, sẽ có người thúc đẩy ông, đưa lại cho ông sự hấp dẫn và thoả mãn trong đời thường. Chỗ không tốt là, sau khi ông đã thành công, ông không có cách nào quản lí cậu ấy theo ý nguyện và cách thức của mình, cậu ấy có thể tạo phúc cho đời, cũng có thể để hoạ cho đời, mà hoạ hay phúc ông đều không thể kì vọng, chỉ có thể ngắm nhìn bằng cặp mắt bàng quan. Nghe nói, Robert Oppenheimer bây giờ rất hối hận vì đã tìm ra bom nguyên tử, muốn phong tỏa phát minh của mình. Nếu phát minh của ông ta có thể tiêu huỷ như bức tượng của ông ta, tôi nghĩ, ông ta chỉ dùng một lần rồi tiêu huỷ. Nhưng có thể thế được không? Niêm phong lại cũng không thể được.
Nếu ông quyết định cho cậu ta thử lĩnh vực khoa học ứng dụng, tôi có một đề tài, ấy là thăm dò bí mật kết cấu não bộ con người. Tìm được bí mật ấy, chúng ta có thể làm được não người, từ đấy có thể nghiên cứu chế tạo một con người, con người không máu thịt. Hiện tại khoa học đã làm ra nhiều bộ phận trong cơ thể người, mắt, mũi, tai, thậm chí cánh tay cũng đã làm được, vậy có thể làm bộ não người được không? Sự thật thì, việc làm ra máy tính tức là tái tạo bộ óc người, là một phần bộ óc con người, bộ phận có thể tính toán cực nhanh và đưa ra những điều kì diệu. Tuy chúng ta đã làm ra được bộ phận ấy, nghĩ rằng các bộ phận khác không xa chúng ta lắm. Ông thử nghĩ xem, nếu một khi chúng ta có thể có con người không máu thịt, người sắt, người máy, người điện tử, tính ứng dụng của nó sẽ rất rộng rãi và sâu xa. cần nói rằng, ấn tượng về chiến tranh rất sâu sắc đối với thế hệ chúng ta, không đầy nửa thế kỷ phải chứng kiến hai cuộc đại chiến thế giới, hơn nữa tôi có dự cảm (đã có những bằng chứng nhất định) chúng ta còn phải chứng kiến một lần chiến tranh nữa, quả là điều vô cùng bất hạnh! Đối với chiến tranh, tôi có suy nghĩ thế này, loài người có khả năng làm cho nó thêm ác liệt, thêm đáng sợ, thêm đau thương, làm cho người chết nhiều hơn trong một cuộc chiến tranh, chết trong một ngày, chết trong một khoảnh khắc, chết trong cùng một tiếng nổ, nhưng sẽ không bao giờ có khả năng thoát khỏi nó, ước muốn thoát khỏi nó là điều ước muốn mãi mãi. Những thảm hoạ như vậy còn rất nhiều, ví dụ lao dịch, ví dụ thám hiểm, ví dụ... nhân loại không có cách nào thoát ra khỏi cái vòng quái dị không thể hiểu nổi ấy.
Cho nên, tôi nghĩ, nếu khoa học làm ra con người nhân tạo, người sắt, người máy, người điện tử, người không máu thịt, để chúng thay chúng ta làm những việc phi nhân (thoả mãn dục vọng biến thái của chúng ta), nghĩ rằng nhân loại không ai phản đối. Tức là, một khi ngành khoa học này ra đời, ứng dụng của nó vô cùng sâu rộng. Nhưng, bước thứ nhất là phải khám phá bộ óc con người, chỉ có như thế mới làm ra bộ óc người nhân tạo, công việc tạo ra con người nhân tạo mới có hi vọng. Tôi đã từng có một kế hoạch dùng nửa cuộc đời còn lại của mình để đánh cược vào khoa học giải mật bộ óc con người, không ngờ, công việc vừa bắt đầu buộc phải bỏ lại. Tại sao phải bỏ lại, đấy là bí mật của tôi, tóm lại tôi bỏ lại không phải vì khó khăn hoặc sợ hãi điều gì, mà vì nguyện vọng cấp thiết của chủng tộc (Do Thái). Khỏi phải nói, mấy năm gần đây tôi vì đồng bào của tôi mà làm một việc vô cùng cấp thiết và bí mật, khó khăn và nguyện vọng của đồng bào tôi đã gây xúc động đối với tôi, buộc tôi phải từ bỏ lí tưởng. Nếu ông có hứng thú thử nghiệm việc này, đấy là mục đích để tôi phải nói nhiều như vậy.
Nhưng tôi xin lưu ý ông, không có Kim Trân ông sẽ không thành công. Tôi muốn nói, nếu Kim Trân không qua khỏi, ông cũng đừng nghĩ đến chuyện kia, vì tuổi tác của ông không thể nào làm nổi. Nhưng có Kim Trân, tuổi của ông còn có thể trông thấy bí mật của con người - bí mật của bộ óc con người. Hãy tin ở tôi, Kim Trân đúng là con người lí tưởng nhất trong số những người có thể tìm ra bí mật ấy, tóm lại ông trời đã tạo ra, là điều thượng đế đã định đoạt. Chúng ta vẫn thường nói, giấc mơ là một bộ phận bí ẩn khó biết nhất của tinh thần con người, mà trong những năm tuổi thơ của cậu ta vẫn thường bắt gặp, lâu ngày trở thành thuật giải mộng. Nói một cách khác, cậu ta từ ngày hiểu biết đã chuẩn bị một cách không ý thức việc tìm ra bí mật bộ não con người. Cậu ta sinh ra và lớn lên vì chuyện này.
Cuối cùng, tôi muốn nói, nếu thượng đế và ông đều muốn Kim Trân đi vào môn khoa học khám phá bí mật bộ óc con người, vậy những sách này sẽ có tác dụng, nếu không, nếu thượng đế hoặc ông không cho phép Kim Trân làm việc ấy, vậy hãy tặng lại thư viện nhà trường những sách này, coi như đấy là bằng chứng và kỉ niệm của tôi suốt mười hai năm ở trường này.
Cầu chúc cho Kim Trân sớm bình phục.
L. Hinsh, đêm trước từ biệt.
Ông Lily ngồi trên thùng sách đọc một mạch hết bức thư, gió lay động những trang giấy, gió thỉnh thoảng đưa những giọt mưa rơi trên trang giấy, tưởng như gió mưa đang đọc trộm những dòng chữ trong thư. Không biết có phải vì mất ngủ hay vì nội dung bức thư khiến ông xúc động, ông đọc xong thư nhưng vẫn ngồi hồi lâu, ngồi ngay ngắn, ánh mắt ngẩn ngơ nhìn khoảng không. Một lúc lâu sau ông mới bừng tỉnh, nói vọng vào làn mưa mù mịt:
“Ông Hinsh, chúc ông bình an.”
(Ghi theo lời kể của thầy Dung)
Ông Hinsh quyết định ra đi, cuộc ra đi có liên quan đến việc bố vợ của ông bị đàn áp.
Như đã biết, cơ hội ra đi của ông Hinsh luôn đặt ra trước mắt ông, nhất là sau khi thế chiến thứ hai kết thúc, rất nhiều trường đại học và viện nghiên cứu của phương Tây mong ông hợp tác, thư mời cùng với thiếp chúc mừng gửi đến để đầy một bàn. Nhưng qua nhiều sự việc tôi thấy ông không có ý định ra đi, ví dụ ông đem những thùng sách đến, về sau ông mua lại khuôn viên vốn ông thuê trong ngõ Tam Nguyên, thậm chí ông cố gắng học thật tốt tiếng Trung Quốc, cũng có lúc ông nghĩ đến việc xin nhập quốc tịch Trung Quốc. Nghe nói, chuyện này có liên quan nhiều đến nhạc phụ. Nhạc phụ của ông là hậu duệ của một vị cử nhân, rất giàu có, là vị thổ hào độc nhất vô nhị ở vùng ấy, đối với chàng rể Tây này ông ta không hề đồng ý, bất đắc dĩ phải đồng ý nhưng đưa ra những điều kiện vô cùng khắc nghiệt, ví dụ không được đưa con gái của ông ta đi, không được li hôn, phải học tiếng Trung Quốc, con phải sống với mẹ, vân vân. Điều ấy chứng tỏ vị thổ hào này không phải là một nhân sĩ cởi mở, đại khái thuộc loại người không nhượng bộ ai điều gì, con người nhỏ nhen, con người như vậy là một thổ hào không khỏi gây nên tội ác, tích tụ oán thù, thêm vào đấy, trong thời kì chính phủ nguỵ thân Nhật, ông ta còn gánh vác những chức vụ quan trọng trong chính quyền huyện, đi lại thân thiết với giặc Nhật, sau ngày giải phóng, chính quyền nhân dân coi ông là đối tượng trọng điểm cần trấn áp, qua xét xử, toà kết án tử hình, tống giam, chờ ngày ra pháp trường.
Trước khi thi hành án, ông Hinsh tìm đến nhiều vị giáo sư, sinh viên cũ, gồm cả cha tôi và tôi, những mong cùng kí vào một lá đơn xin chính phủ ân xá cho bố vợ, nhưng không ai hưởng ứng. Việc ấy nhất định đã làm ông Hinsh buồn, nhưng chúng tôi cũng không có cách nào. Nói thật, không phải chúng tôi không muốn giúp, mà là giúp không nổi, lúc ấy không thể chỉ một vài lời kêu gọi hay có một hành động nào đấy có thể thay đổi nổi tình thế. Cha vì chuyện này mà đã đến gặp ông thị trưởng, câu trả lời là:
“Chỉ có Mao Chủ tịch mới cứu nổi!”
Tức là, không một ai cứu nổi.
Thực tế là thế, một địa chủ ác bá bị dân chúng căm phẫn và để lại nhiều vết nhơ, lúc bấy giờ nhất loạt là đối tượng trấn áp của chính quyền nhân dân. Đó là thời thế và tình hình đất nước, không ai có thể thay đổi. Ông Hinsh không hiểu nổi những điều ấy, ông ta quá ấu trĩ, chúng tôi không có cách nào, chỉ biết thương hại cho ông.
Nhưng, không ai ngờ, ông Hinsh thông qua nước X, đã cứu được ông bố vợ khỏi mũi súng. Đúng là điều không thể ngờ, nhất là lúc bấy giờ nước X với nước ta đang trong quan hệ đối địch, làm được việc này quả là một khó khăn không thể tưởng tượng nổi. Nghe nói, nước X vì chuyện này mà phải cử quan chức ngoại giao đến Bắc Kinh, tiến hành đàm phán với chính phủ ta. Sự việc cuối cùng làm kinh động đến Mao Chủ tịch, có người nói là Thủ tướng Chu Ân Lai, dù sao thì đấy là một vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc, thật sự không thể tưởng tượng nổi.
Kết quả đàm phán là họ đã cho nhạc phụ của ông Hinsh đi, chúng ta đưa được hai nhà khoa học bị nước X nghiêm cấm về nước, cảm giác vị thổ hào đáng chết kia là vật quốc bảo của nước X. Tất nhiên, vị thổ hào kia không là gì đối với nước X, trong đó ông Hinsh có vai trò quan trọng. Nói khác đi, để đáp ứng nguyện vọng của ông Hinsh, nước X đã không tiếc gì. Vấn đề ở chỗ, tại sao nước X lại tốt với ông Hinsh như vậy? Phải chăng chỉ vì ông là một nhà toán học nổi tiếng thế giới? Chắc chắn trong đó có nguyên nhân rất đặc biệt, nhưng cuối cùng là gì, cho đến lúc này tôi cũng không biết.
Cứu được ông bố vợ, ông Hinsh đưa cả gia đình cùng thân quyến sang nước X.
Lúc ông Hinsh đi, Kim Trân còn nằm trong bệnh viện, nhưng đã qua giai đoạn nguy hiểm, bệnh viện tính đến khoản viện phí ngày một nhiều, thể theo yêu cầu của bệnh nhân, đồng ý để cậu ngoại trú. Lúc xuất viện, thầy Dung và mẹ đến đón, bác sĩ tưởng một trong hai vị này là mẹ Trân. Nhưng nhìn tuổi của hai người, để là mẹ của bệnh nhân thì một người quá già, một người lại quá trẻ, cho nên mạo muội hỏi:
“Hai người ai là mẹ của người bệnh?”
Thầy Dung định giải thích, bà mẹ đã trả lời một cách dứt khoát:
“Tôi.”
Bác sĩ căn dặn bà, bệnh tình của người bệnh đã ổn định, nhưng cần được chữa trị triệt để, ít nhất phải tiếp tục chữa trị trong thời gian một năm. “Trong một năm đó, bà phải nuôi dưỡng cậu ta như tôm trứng, phải nuôi dưỡng như nuôi thai mười tháng, nếu không bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành công toi.”
Qua những lời dặn dò của thầy thuốc, bà Lily cảm thấy bác sĩ không quá lời, cụ thể có thể nhấn mạnh ba điều:
1. Ăn uống phải kiêng khem;
2. Về đêm, phải định kì gọi dậy đi giải;
3. Hàng ngày phải uống thuốc đều đặn, kể cả tiêm.
Bà Lily đeo kính lên, ghi lại đầy đủ những lời bác sĩ dặn, rồi đọc lại, bà bảo con gái đến trường lấy bảng và phấn về, viết những lời dặn của bác sĩ lên bảng, treo ở cửa cầu thang, nơi hàng ngày lên xuống đều có thể trông thấy. Để gọi Kim Trân đúng giờ dậy đi giải, bà và chồng ngủ riêng, trên đầu giường để sẵn hai cái đồng hồ báo thức, một cái để chuông lúc nửa đêm, một cái khác để chuông lúc gần sáng. Sau lần đi giải buổi sáng, Kim Trân lại tiếp tục ngủ, bà Lily đi chuẩn bị bữa ăn đầu tiên trong số năm bữa ăn trong ngày. Nấu ăn tuy là sở trường của bà, nhưng lúc này trở thành việc khó khăn và không còn tự tin, để so sánh, vì bà biết khâu vá, để học cách tiêm không phải là chuyện khó đối với người già, có điều vài hôm đầu bà hơi căng thẳng và phải làm đi làm lại vài lần. Nhưng việc nấu ăn, nấu nhạt cho ngon làm bà phải đau đầu. Về lí thuyết, muối đối với Kim Trân lúc này có một yêu cầu nghiêm ngặt và phức tạp, đấy là sợi chỉ sinh mệnh bí ẩn và chân thực của cậu ta, nếu nhiều một chút rất có thể trở thành công không, ít lại ảnh hưởng đến sự bình phục. Bác sĩ dặn thế này: thời kì người bệnh đang điều trị, lượng muối yêu cầu phải từ rất ít và sẽ được tăng dần mỗi ngày.
Tất nhiên, nếu nói với một người hàng ngày cần một lượng muối ăn giống như cần một lượng lương thực, vậy thì vấn đề rất dễ giải quyết, chỉ cần cân chính xác là được. Vấn đề hiện tại không dễ như thế, bà Lily không tìm đâu ra một tiêu chuẩn chính xác, tưởng như chỉ dựa vào sự kiên nhẫn và yêu thương để mò mẫm, cuối cùng bà đem những loại thức ăn mặn nhạt khác nhau vào bệnh viện, nhờ bác sĩ điều trị thử hộ. Trước đấy, bà phải đếm từng hạt muối cho vào thức ăn, rồi ghi chép tỉ mỉ, sau khi được bác sĩ xác nhận tiêu chuẩn, mỗi ngày bà lại đeo kính lên, coi từng hạt muối trắng như thuốc, đếm từng hạt cho vào sự sống của Kim Trân.
Rất thận trọng cho muối vào thức ăn.
Thận trọng như làm một thí nghiệm.
Cứ như vậy, ngày lại ngày, đêm lại đêm, tháng lại tháng, mức độ chăm chỉ và kiên trì vượt quá cả nuôi tôm trứng, cũng không còn là mang thai. Có lúc, bà Lily trong khi vất vả, cố tình lấy bức huyết thư của Kim Trân để xem. Bức thư vốn là bí mật của Kim Trân, bà vô tình phát hiện, không hiểu tại sao lại cất giữ nó, tức là, bức huyết thư không biết viết hồi nào, trở thành bí mật của hai người, mà cũng là ám hiệu chứng minh sự gắn kết của hai trái tim. Cứ mỗi lần bà Lily đọc nó, càng khẳng định những gì mình làm là rất xứng đáng, bởi thế bà càng tiếp tục làm, lòng đầy kích động. Điều ấy chừng như sẽ có ngày Kim Trân bình phục. Qua Tết, Kim Trân xuất hiện trở lại với lớp học sau một thời gian vắng mặt.
10
Giáo sư Hinsh đã đi, nhưng hình như ông vẫn để lại điều gì đó.
Trong những ngày Kim Trân được chăm sóc chu đáo, tận tình, giáo sư Hinsh liên lạc với ông Lily ba lần. Lần thứ nhất sau ngày ông đến nước X không lâu, ông gửi tấm bưu thiếp in phong cảnh rất đẹp, trên thiếp chỉ có lời thăm hỏi và địa chỉ liên lạc, địa chỉ gia đình, nên cũng không biết ông ta làm việc ở đâu. Lần thứ hai sau lần thứ nhất ít lâu, là lá thư trả lời sau khi nhận được thư của ông Lily, ông tỏ ra vui mừng biết Kim Trân đang bình phục, trong thư ông Lily hỏi thăm ông ta đang làm việc ở đâu, ông ta chỉ trả lời một cách không rõ ràng: làm việc tại một cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan nghiên cứu gì đó, cụ thể làm gì, ông ta không nói, hình như không tiện nói. Lần thứ ba vào dịp trước Tết, ông Lily nhận được thư của ông Hinsh viết vào đêm Noel, trên bì thư là hình cây thông Noel chứa chan niềm vui. Trong thư, ông Hinsh cung cấp một tin khiến ông Lily cũng phải giật mình: ông ta vừa nhận được điện thoại của người bạn, đại học Princeton cử mấy nhà khoa học nổi tiếng nghiên cứu bí mật não bộ con người, nhóm nghiên cứu do nhà toán học nổi tiếng Paul Samuelson lãnh đạo. Ông ta viết: “Điều đó chứng minh đề tài này rất có giá trị và hết sức hấp dẫn, không phải là tôi không tưởng... theo tôi được biết, đây là tổ chức duy nhất của thế giới đang thăm dò đề tài này.”
Cho nên, giả thiết Kim Trân đã khỏi bệnh (sự thật cũng đã tương đối), ông mong phía bên này gửi Kim Trân đi học. Ông ta bày tỏ, bất kể phía bên này có nghiên cứu não bộ con người hay không, Kim Trân cũng nên đi sâu nghiên cứu, khuyên ông Lily đừng vì lợi ích trước mắt hoặc vì khó khăn mà huỷ bỏ kế hoạch đối với Kim Trân. Hoặc, lo ông Lily vì muốn nghiên cứu não người mà giữ Kim Trân lại, ông ta đưa một câu tục ngữ của Trung Quốc ra nói: “mài dao đừng bỏ lỡ chặt củi” để nói lên ý nghĩ của ông ta.
“Tóm lại”, ông ta viết: “Trước kia hay hiện tại, tôi rất mong Kim Trân được sang Mĩ học tập, đấy là mảnh đất tốt cho khoa học của nhân loại, cậu ta sang đây khác nào hổ mọc thêm cánh.”
Cuối cùng, ông ta viết:
Tôi đã từng nói, Kim Trân là Thượng đế cử xuống trần gian để nghiên cứu đề tài này. Trước đây tôi vẫn lo chúng ta không tạo môi trường cho cậu ta làm, cứ để mặc kệ, nhưng bây giờ tôi tin tưởng chúng ta đã tìm thấy môi trường cho cậu ta, cũng đã tìm ra sức mạnh từ trong bầu không khí, đó là Đại học Princeton. Điều này giống như người Trung Quốc vẫn nói: mua rượu cho người khác uống. Có thể một ngày nào đấy người ta sẽ phát hiện tất cả những gì mà nhóm của ông Paul Samuelson ra sức làm hôm nay, chẳng qua vì một cậu bé người Trung Quốc hô lên vài tiếng...
Ông Lily đọc thư này giữa giờ nghỉ của sinh viên. Trong lúc ông đọc, bên ngoài cửa sổ tiếng loa oang oang bài hát của thời đại: “Hiên ngang băng qua sông Áp Lục...”, trên bàn giấy là tờ báo ông vừa đọc, ngay trên đầu trang là dòng chữ thật to chạy ngang trang báo: Đế quốc Mĩ là con hổ giấy. Ông vừa nghe bài hát hùng tráng, vừa nhìn dòng khẩu hiệu đen đậm trên mặt báo, trong lòng có cảm giác thời gian đang trôi ngược. Ông không biết trả lời thư người ở nơi xa kia thế nào, hình như ông sợ, tưởng chừng có cặp mắt thứ ba bí mật nhìn vào thư trả lời của ông. Lúc này ông đang là Hiệu trưởng Đại học N, là Phó thị trưởng hờ của thành phố C. Đó là sự đánh giá cao của chính phủ nhân dân đối với tinh thần tôn sùng khoa học, lấy tri thức và tài lực cống hiến cho tổ quốc của nhà họ Dung. Tóm lại, ông Dung Tiểu Lai - ông Lily con - đời thứ tám của dòng họ hiện tại đang ôn lại những năm tháng vinh quang của tổ tiên. Đó cũng là những năm tháng vinh quang của cuộc đời ông, tuy nói ông không mưu cầu danh vị, không đắm say trong đó, nhưng đứng trước cái vinh quang đã mất, ông vẫn giữ nguyên tâm lí yêu quý, song mọi người cảm thấy hình như ông không quý trọng cái phần tử trí thức thời quá độ.
Cuối cùng ông Lily không trả lời thư Hinsh, ông ném lá thư của ông Hinsh cùng với tờ báo đậm mùi thuốc súng của quân Chí nguyện Trung Quốc và lính Mĩ trên chiến trường Triều Tiên đẫm máu cùng nhiệm vụ trả lời thư Hinsh.
Ông Lily nói: “Cảm ơn ông ấy, cũng nói với ông ấy, chiến tranh và thời cuộc đã phong toả đường đi của cháu.”
Ông Lily nói: “Ông ấy cảm thấy đáng tiếc, ông cũng vậy, nhưng đáng tiếc nhất là cháu.”
Ông Lily nói: “Ông cảm thấy trong sự việc này, Thượng đế của cháu không đứng về phía cháu.”
Về sau, Kim Trân đưa ông đọc lá thư trả lời thư của ông Hinsh, hình như ông Lily quên mất những lời mình nói, ông gạch xoá đến một nửa câu chữ thể hiện sự đáng tiếc của ông, chỉ còn lại một nửa, nhưng chuyển thành lời Kim Trân. Cuối cùng ông dặn:
“Cắt mấy tin tức có liên quan trên mặt báo, gửi kèm theo thư.”
Đó là câu chuyện trước Tết năm 1951.
Sau Tết, Kim Trân trở về lớp học của mình, tất nhiên không phải là Đại học Stanford, cũng không phải là đại học Princeton, mà là đại học N. Điều ấy có nghĩa là, khi Kim Trân bỏ phong thư có kèm mấy tín tức đầy mùi thuốc súng vào thùng thư, đồng nghĩa với việc cậu ta bỏ tiến trình có thể có của mình vào vực sâu lịch sử. Nói như thầy Dung, có những lá thư ghi lại lịch sử, có những lá thư thay đổi lịch sử, lá thư này thay đổi lịch sử một con người.
(Ghi theo lời kể của thầy Dung)
Trước khi Trân đi học lại, cha bàn với tôi nên để Trân học lớp cũ hay lùi xuống một lớp, tôi nghĩ, tuy thành tích học tập của Trân rất tốt, nhưng đã bỏ mất ba học kì, thêm vào đấy mới ốm dậy, người vẫn chưa thể làm việc nặng, sợ rằng vào học năm thứ ba đại học áp lực bài vở nặng nề, cho nên tôi đề nghị để Trân học lùi lại một năm. Cuối cùng quyết định không học lùi một năm mà vẫn học tiếp năm cũ, đấy là yêu cầu của Trân. Tôi còn nhớ lúc bấy giờ Trân nói: “Em ốm là Thượng đế giúp em tránh khỏi sách giáo khoa, sợ em trở thành tù binh của sách vở, đánh mất ý thức đi sâu nghiên cứu, về sau không làm nổi chuyện gì.”
Rất có ý nghĩa, có chút điên khùng, phải không?
Thật ra, trước đấy Trân vẫn đánh giá thấp bản thân, một trận ốm hình như đã làm thay đổi nó. Nhưng thực sự làm thay đổi Trân lại là sách vở, một khối lượng lớn sách ngoại khoá. Trong thời gian nghỉ ốm ở nhà, Trân đọc hầu hết tủ sách của cha tôi, ít ra là đụng đến. Cậu ta đọc rất nhanh, cũng rất kì lạ, có những cuốn cậu ta cầm lên tay, lật giở vài trang rồi bỏ xuống, vì thế có người bảo cậu ta đọc bằng mũi, có lúc bảo cậu ta ngửi sách. Đấy chỉ là điều thổi phồng, nhưng đứng là Trân đọc rất nhanh, tất cả các cuốn sách vào tay, Trân không đọc sang ngày thứ hai. Đọc nhanh và đọc nhiều đi liền với nhau, đọc nhiều hiểu biết rộng, mà cũng nhanh. Đọc nhiều sách ngoại khoá sẽ không còn hứng thú với giáo trình, cho nên Trân thường xuyên bỏ giờ, ngay cả giờ của tôi Trân cũng dám bỏ. Đến cuối học kì, số giờ Trân bỏ trống cũng như thành tích học tập của Trân khiến mọi người phải ngạc nhiên, đứng đầu năm học, bỏ xa các bạn. Còn một cái đứng đầu nữa là, số sách mượn của thư viện, một học kì mượn hơn hai trăm cuốn sách, gồm nội dung triết học, văn học, kinh tế, nghệ thuật, quân sự, tóm lại rất đa dạng, sách gì cũng đọc. Như vậy, trong thời gian nghỉ hè, cha đưa Trân lên lầu, mở phòng lưu trữ, chỉ vào những sách mà giáo sư Hinsh để lại, nói:
“Đây không phải là sách giáo khoa, sách của giáo sư Hinsh để lại, lúc nào rỗi rãi cháu xem, sợ cháu không hiểu.”
Qua một học kì, sang tháng ba, tháng tư năm sau, sinh viên bận chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp. Lúc ấy, mấy giáo sư chủ nhiệm bộ môn dạy Trân nói với tôi, Trân lựa chọn đề làm luận văn có vấn đề, mong tôi giúp đỡ để Trân chọn một đề tài khác, nếu không họ không có cách nào hướng dẫn Trân làm luận văn tốt nghiệp. Tôi hỏi đề tài gì, họ bảo vấn đề chính trị.
Nội dung đề tài tốt nghiệp Trân chọn trên cơ sở lí thuyết toán học song hướng của G.Weinak, một nhà toán học nổi tiếng thế giới. Xét về tính học thuật của đề tài, có thể nói là để mô phỏng chứng minh lí thuyết song hướng toán học. Mà G. Weinak lúc bấy giờ là nhà toán học chống Cộng, nghe nói ở cửa nhà ông ta có dán một tờ giấy, viết rằng: Những người theo chủ nghĩa cộng sản không được vào. Trên chiến trường Triều Tiên mịt mù lửa đạn, ông ta còn hăng hái cổ vũ lính Mĩ vượt sông Áp Lục. Tuy khoa học không có biên giới, cũng không có chủ nghĩa, nhưng màu sắc chống cộng của ông ta phủ bóng đen lên lí thuyết khoa học của ông ta. Hồi ấy, phần đông các nước xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu, không công nhận, không đề cập đến lí thuyết khoa học của ông, nếu có đề cập cũng đứng trên lập trường phê phán. Bây giờ Trần định chứng minh lí thuyết của ông ta, rõ ràng là đi ngược trào lưu, không thể được, quá nhạy cảm, mạo hiểm chính trị.
Tuy nhiên, không rõ cha phạm phải chứng bệnh của giới trí thức hay là bị mê hoặc bởi đề tài của Trân, trong khi mọi người né tránh và hi vọng ông khuyên nhủ Trân thay đổi đề tài, không những ông không khuyên, ngược lại còn tự lấy dây buộc mình, nhận làm giáo sư hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho Trân, cổ vũ Trân làm theo đề tài đã chọn.
Trân đã chọn đề tài: “Giới hạn rõ ràng và mơ hồ của hằng số Pi”, hoàn toàn không thuộc chương trình cơ bản, có thể gần giống với đề tài luận văn thạc sĩ. Không còn nghi ngờ gì nữa, đề tài này Trân tìm được trong đống sách trên lầu.
Bản thảo thứ nhất của luận văn hoàn thành, ông Lily rất nhiệt tình khen ngợi, ông bị mê hoặc bởi tư duy sắc bén, đẹp và phù hợp logic, chỉ có một vài chứng minh ông cảm thấy quá phức tạp, cần sửa lại. Chủ yếu chứng minh đơn giản hơn, lược bớt những gì không cần thiết, cố gắng đơn giản hoá những vấn đề sơ cấp, dùng phương pháp chứng minh tương đối cao và trực tiếp, như vậy cũng đã vượt xa những tri thức chương trình cơ bản. Bản thảo đầu tiên của luận văn dài chừng hai mươi ngàn chữ, sau mấy lần sửa chữa, cuối cùng còn hơn mười ngàn chữ, về sau được đăng trên tạp chí “Toán học nhân dân”, gây chấn động lớn trong giới toán học cả nước. Nhưng ít người tin rằng một mình Kim Trân hoàn thành luận văn này, vì sau mấy lần sửa chữa, luận văn được nâng cao, càng ngày càng không giống với luận văn tốt nghiệp của chương trình cơ bản, giống một luận văn học thuật mang tinh thần sáng tạo.
Tóm lại, ưu điểm và khuyết điểm luận văn của Trân rất rõ ràng, ưu điểm là cậu đã xuất phát từ số Pi, rất khéo léo ứng dụng lí thuyết song hướng toán học của G. Weinak, tiến hành luận giải đơn thuần toán học về những khó khăn và bế tắc mà đại não nhân tạo phải đối mặt, có cảm giác kì diệu là đã nắm bắt được gió; khuyết điểm của luận văn xuất phát từ một giả thiết, dù số Pi là một hằng số, mọi ước đoán và chứng minh đều được hoàn tất từ giả thiết này, cho nên khó tránh khỏi cảm giác bị hẫng hụt. Nói theo một ý nghĩa nào đấy, nếu từ trên cao rơi xuống, thừa nhận giá trị của luận văn, trước hết phải coi số Pi là một hằng số. Về hằng số Pi, tuy từ lâu đã có nhà khoa học đề xuất, nhưng cho đến nay vẫn chưa có ai chứng minh. Hiện tại, một nửa số nhà toán học đều thừa nhận số Pi là một hằng số, nhưng để chứng minh hoặc có chứng cứ thì chưa, tin cũng chỉ là tự tin vậy thôi, không thể yêu cầu người khác cùng tin, giống như trước khi Newton phát hiện trái táo từ trên cây rơi xuống, ai cũng có thể nghi ngờ trái đất có sức hút.
Tất nhiên, nếu nghi ngờ số Pi là một hằng số, vậy có thể nói luận văn của Kim Trân không có giá trị gì, vì đấy là cơ sở để xây dựng. Ngược lại, nếu tin số Pi là một hằng số, vậy anh có thể lấy làm lạ vì cậu ta xây được một toà cao ốc trên nền đất xấu, có cảm giác như dùng sắt để tạo nên một bông hoa. Trong luận văn, Kim Trân chỉ ra rằng: về mặt ý nghĩa toán học, đại não của con người là một số Pi, là dãy số lẻ vô tận, dãy số không cùng. Trên cơ sở đó, cậu ta thông qua lí thuyết song hướng toán học của Weinak, trình bày về sự bế tắc của đại não nhân tạo - ý thức mơ hồ của đại não con người. Mơ hồ tức không rõ ràng, không có cách nào hiểu được toàn bộ, cũng có nghĩa là không thể tái tạo. Cho nên, cậu ta đề xuất, với trình thức hiện có, bộ óc con người khó có được tiến trình tái tạo, chỉ có thể cố gắng tiếp cận.
Nên nói rằng, không ít người trong giới học thuật có quan điểm giống nhau, gồm cả hiện tại. Có thể nói, kết luận của cậu ta không mới, chỗ hấp dẫn người khác là, cậu đã vận dụng một cách khéo léo giả thiết về số Pi và lí thuyết toán học song hướng để tìm cách chứng minh và thuật lại quan điểm ấy bằng phương thức toán học, ý nghĩa tìm kiếm của cậu ta cũng là muốn chứng minh với mọi người cách nói ấy, có điều tư liệu cậu ta dẫn ra lại chưa đủ xác thực.
Nói một cách khác, nếu một ngày nào đó có ai chứng minh số Pi là một hằng số, thì ý nghĩa của nó mới nổi rõ. Nhưng ngày đó vẫn chưa đến, cho nên, nghiêm khắc mà nói, công việc của cậu ta không có ý nghĩa gì, ý nghĩa duy nhất là chứng tỏ cho mọi người biết tài năng và sự mạnh dạn của cậu ta. Bởi có quan hệ với ông Lily, người khác khó mà tin luận văn ấy cậu ta tự hoàn thành, càng không thể tin cậu có tài năng gì. Cho nên, sự thật là, luận văn ấy không đưa lại ích lợi nào cho Kim Trân, mà cũng không thay đổi được gì, nhưng lại thay đổi cuộc sống những năm cuối đời của ông Lily.
(Ghi theo lời kể của thầy Dung)
Luận văn hoàn toàn do Trân hoàn thành. Có lần cha nói với tôi, ông chỉ đưa ra một vài đề nghị và sách tham khảo cho Trân, ngoài ra ông gợi ý về lời nói đầu, còn những công việc khác ông không làm, đều do một mình Trân. Cho đến nay tôi vẫn nhớ lời dẫn ấy như thế này:
Cách tốt nhất để đối phó với ma quỷ là để chúng ta thách thức ma quỷ, để ma quỷ thấy được sức mạnh của chúng ta. G. Weinak là ma quỷ trong lâu đài khoa học. Từ lâu tác oai tác phúc, gây hại lớn, mong chúng ta thanh toán. Đây là luận văn thanh toán luận điểm của G. Weinak, âm thanh tuy mơ hồ, nhưng đây là những ý kiến đầu tiên để mọi người cùng tham gia tranh luận.
Có thể nói lúc bấy giờ đã đưa ra một kí hiệu thoát hiểm cho luận văn, cũng tức là cung cấp cho luận văn một giấy thông hành vào đời.
Luận văn phát biểu được ít lâu, cha có việc lên Bắc Kinh, không ai biết cha đi chuyến ấy với mục đích bí mật gì, ông bất ngờ đi, trước khi đi không nói gì với ai, mãi một tháng sau, cấp trên đưa ba quyết định bất ngờ về trường, mọi người mới nghĩ lại, cảm thấy có liên quan đến chuyến đi Bắc Kinh của cha. Nội dung ba quyết định ấy là:
1. Đồng ý để cha thôi giữ chức Hiệu trưởng;
2. Nhà nước đồng ý cấp một khoản kinh phí để thành lập tại khoa toán Đại học N một nhóm nghiên cứu về máy tính;
3. Cha sẽ là người phụ trách việc chuẩn bị thành lập nhóm nghiên cứu.
Lúc bấy giờ nhiều người muốn được vào nhóm chuyên đề để làm công tác nghiên cứu, nhưng trong số những người cha lựa chọn, cuối cùng may mắn không mỉm cười với Trân. Nhưng sau đấy chứng minh chỉ một người duy nhất được lựa chọn - ngoài ra còn có một người làm công việc sự vụ thường ngày. Điều này khiến mọi người có cảm giác không hay, tưởng như một đề tài khoa học cấp quốc gia trở thành việc riêng của gia đình họ Dung, cũng đã có người bàn tán như thế rồi.
Nói thật, cha làm quan xưa nay mọi người đều khen, nhất là về mặt dùng người, tránh người thân đến mức không nể mặt. Họ Dung chúng tôi vốn là tổ tông của Đại học N, hậu duệ họ Dung ở cả trường này, già trẻ tập hợp ở cả đây, ít ra cũng có đến hai mâm, ông nội (J. Lily) lúc còn sống những người này đều ít nhiều được chăm sóc, có mấy vị trí hành chính, làm giáo dục luôn có cơ hội đi đó đi đây, kiến thức mở rộng, đánh bóng mạ kền chút gì đó. Nhưng đến lượt cha, đầu tiên có chức không có quyền, tức là có lòng nhưng không có sức, sau khi có chức có quyền hầu như trở thành vô tâm vô ý. Cha làm Hiệu trưởng mấy năm, không có hoặc không nên có cơ hội dùng người của dòng họ, ngay như tôi, trong khoa mấy lần đề cử tôi làm phó chủ nhiệm, đều bị ông gạt bỏ, coi như gạch bỏ một sai lầm. Bực hơn là anh tôi, là tiến sĩ vật lí du học nước ngoài về, danh chính ngôn thuận có thể vào giảng dạy ở Đại học N, nhưng cha bảo anh tôi làm công việc chuyên ngành kĩ thuật cao. Anh thử nghĩ xem, ở cái thành phố C này làm gì có kĩ thuật cao hơn đại học? Kết quả, anh tôi vào làm việc ở một trường đại học sư phạm, điều kiện dạy học và sinh hoạt rất kém, năm sau đi Thượng Hải làm việc trong ngành kĩ thuật cao. Vì chuyện này mẹ rất bực cha, mẹ bảo cả gia đình này bị cha tôi làm li tán.
Nhưng, chuyện Trân vào làm việc ở nhóm nghiên cứu chuyên đề, cha bỏ lại đằng sau tất cả nguyên tắc cẩn thận, tránh mọi nghi ngờ, không để ý đến mọi lời bàn tán, việc tôi tôi làm, giống như ma vậy. Không ai biết chuyện gì đã làm cha thay đổi, chỉ có tôi biết. Một hôm, cha đưa tôi đọc lá thư của ông Hinsh trước khi đi viết cho cha, sau đấy nói với tôi:
“Ông Hinsh để lại cho cha sự mê hoặc, nhưng nói thật, luận văn của Kim Trân mới thực sự mê hoặc cha, trước kia cha cứ nghĩ không thể có khả năng, bây giờ cha thử xem. Thời trước cha muốn làm một công việc gì đó có tinh thần khoa học, bây giờ bắt đầu có thể đã muộn, nhưng Kim Trân đã động viên cha. Ông Hinsh nói đúng, không có Kim Trân ngay cả nghĩ cha cũng không muốn nghĩ, nhưng có Kim Trân, ai ngờ? Trước đây cha đánh giá thấp Kim Trân, bây giờ phải đánh giá nó cao hơn.”
Sự việc là như thế này, nói theo cách của thầy Dung, ông Lily vì Kim Trân mà phải băn khoăn làm thế nào để người khác cùng tham dự? Thầy Dung còn nói, Kim Trân không những làm thay đổi cuộc sống của ông Lily vào những năm cuối đời, thay đổi cả nguyên tắc làm việc của ông, thậm chí cả tín ngưỡng cuộc đời. Vào những năm cuối đời, ông Lily bỗng mơ tưởng đến thời trai trẻ, muốn làm một việc gì đó về mặt học thuật, có thể hàm ý phủ nhận nửa cuộc đời trước của ông, hơn nửa cuộc đời làm quan chìm nổi. Bắt đầu từ học thuật, kết thúc bằng phủ nhận, đấy là một trong cái bệnh của giới trí thức Trung Quốc, lúc này ông Lily muốn chữa trị căn bệnh ấy, là buồn là vui, xem ra chỉ có thời gian mới trả lời được.
Mấy năm sau đấy, hai người đắm chìm trong nghiên cứu đề tài, rất ít liên hệ với bên ngoài, có chăng chỉ tham gia một vài hoạt động có liên quan đến học thuật, phát biểu vài bài luận văn khoa học. Trong số sáu bài luận văn hai người cộng tác phát biểu trên tạp chí khoa học chuyên ngành, mọi người biết việc nghiên cứu của hai người đang từng bước tiến bộ, trong nước khẳng định được họ đang đi đầu; về quốc tế, có ba tờ tạp chí chuyên ngành đăng lại, có thể nói kết quả nghiên cứu của hai người là không nhỏ. Nhà bình luận hàng đầu của tờ Thời báo của Mĩ là W.Keish cảnh cáo chính phủ Mĩ: máy tính thế hệ sau ra đời trong bàn tay một chú bé Trung Quốc. Bởi vậy, cái tên Kim Trân nổi trội trên các phương tiện thông tin lớn.
Nhưng, có thể đấy là chuyện giật gân và thói xấu của báo chí. Bởi từ bài luận văn nổi tiếng ấy, mọi người khó phát hiện con đường phát triển của máy tính thế hệ mới, những ràng buộc và khó khăn gặp phải không nhỏ. Tất nhiên, điều ấy là bình thường, cuối cùng làm máy tính không giống sinh ra một bộ óc con người, chỉ cần để một người đàn ông ngủ với một người đàn bà trong môi trường thích hợp, vậy là một bộ óc con người sẽ sinh trưởng như một cái cây. Nhưng bộ não người không thông minh không hơn cái cây bao nhiêu, đấy là bộ óc ngu đần mà ta vẫn nói. Ở một ý nghĩa nào đấy, nghiên cứu phát triển máy tính điện tử chẳng khác nào biến một bộ óc ngu ngốc thành thông minh, có thể đấy là chuyện cực kì khó khăn. Dù khó khăn là thế, có những khó khăn, trắc trở là chuyện thường tình, chẳng có gì kì lạ, nhưng nếu gặp khó khăn, trắc trở mà từ bỏ cố gắng, đấy mới là điều kì lạ. Cho nên, sau đấy ông Lily để cho Kim Trân tự chọn con đường của mình, không ai tin lời của ông.
Ông nói: “Công việc nghiên cứu của tôi gặp nhiều khó khăn, cứ tiếp tục, được mất thành bại khó mà nói trước. Tôi không muốn để một người trẻ tuổi có tài năng, có kiến thức cố gắng theo hướng đánh cược với một ông già, đánh mất tiến trình cần có, cứ để cậu ta làm những việc thiết thực.”
Đấy là việc xảy ra trong mùa hè năm 1956.
Mùa hè ấy, trong trường bàn luận nhiều đến người đưa Kim Trân đi, có người bảo người này rất bí ẩn, ít ai tin ông Lily để Kim Trân đi, điều ấy như một phần bí ẩn của ông.
Con người ấy là một ung nhọt.
Đấy cũng là một phần bí ẩn của ông ta.
Giải Mật Giải Mật - Mạch Gia Giải Mật