Love is like a butterfly, it settles upon you when you least expect it.

 
 
 
 
 
Tác giả: Anna Gavalda
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3491 / 71
Cập nhật: 2015-08-23 16:26:20 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11: Trong Nhiều Năm Liền
RONG NHIỀU NĂM LIỀN tôi đã tin rằng người phụ nữ ấy đứng ngoài cuộc đời tôi, có lẽ không quá xa nhưng đứng ngoài.
Tin rằng người ấy không còn tồn tại nữa, rằng người ấy đang sống rất xa, rằng người ấy chưa bao giờ đẹp đến thế, rằng người ấy thuộc về thế giới quá khứ. Thế giới của thời tôi còn trai trẻ và lãng mạn, thời tôi tin rằng tình yêu là vĩnh cửu và rằng không gì trên đời này có thể sánh với tình yêu tôi dành cho cô ấy. Tất cả những điều vô nghĩa lý ấy.
Khi ấy tôi hai mươi sáu tuổi và tôi đang đứng trên sân ga. Tôi không hiểu vì sao cô ấy lại khóc nhiều đến thế. Tôi ôm siết cô ấy trong vòng tay và vục mặt vào cổ cô ấy. Tôi nghĩ cô ấy có ý biểu lộ cho tôi thấy cảnh cô đơn tuyệt vọng của mình. Và rồi vài tuần sau, sau khi đã chà đạp lên liêm sỉ của mình như một kẻ bất lương bên điện thoại hay rên xiết trong những bức thư dài dằng dặc, rốt cuộc tôi cũng hiểu ra.
Hiểu ra rằng ngày hôm đó, cô ấy suy sụp bởi vì cô ấy biết đang nhìn mặt tôi lần cuối, rằng cô ấy đang khóc cho chính tôi, cho di hài của tôi. Và rằng thái độ lăn xả quyết liệt đó chưa đủ để cô ấy hài lòng.
Hàng tháng trời, đi đến đâu, làm việc gì tôi cũng chệch choạc.
Tôi không để ý đến bất cứ chuyện gì và đụng đâu hỏng đó. Lòng càng đau tôi càng đụng đâu hỏng đó nhiều hơn.
Tôi đã từng là một thằng con trai suy sụp đến lạ kỳ: tất cả những ngày rỗng tuếch mà tôi đã bày trò lường gạt Bằng cách thức dậy, làm việc đến mụ cả người, ăn uống cho qua bữa, uống hàng vại bia với các bạn đồng nghiệp và tiếp tục cười hềnh hệch với những người anh em của tôi trong khi chỉ cần một cái búng nhẹ của bất cứ ai trong số họ cũng đủ làm tôi gục hẳn.
Nhưng tôi đã lầm. Đó không phải là ý chí kiên cường mà là hành động dại dột: bởi vì tôi tin rằng cô ấy sẽ quay trở lại. Thực lòng tôi đã tin như thế.
Tôi đã không nhìn thấy gì xảy đến và trái tim tôi đã hoàn toàn tan nát trên sân ga vào một chiều Chủ nhật. Tôi không thể tự mình giải quyết cho dứt điểm và vẫn đụng đâu hỏng đó, trong bất cứ chuyện gì.
Mấy năm ròng rã trôi qua không đem lại kết quả gì. Có những hôm tôi bắt gặp mình đang nghĩ:
- Này… lạ thật đấy nhỉ… mình cho cả ngày hôm qua mình đã không nghĩ gì đến cô ấy… Thay vì lấy thế làm mừng, tôi tự hỏi làm thế nào lại ra cơ sự ấy, làm sao tôi lại sống qua trọn một ngày trời mà không nghĩ đến cô ấy. Đến cái tên của cô ấy cũng ám ảnh tôi. Rồi hai hay ba hình ảnh về cô ấy rất rõ ràng. Luôn là những hình ảnh ấy.
Đúng vậy. Sáng ra tôi vẫn sống nhăn, tôi đã ăn uống, tắm rửa, xỏ quần áo lên người và làm việc.
Đôi khi tôi đã nhìn tấm thân trần của vài thiếu nữ. Vài lần, nhưng không thích thú gì.
Cảm xúc chỉ vẻn vẹn có thế này: trống rỗng.
Và rồi rốt cuộc, đời tôi cũng gặp vận may. Khi tất cả những chuyện đó đối với tôi đã trở nên vô nghĩa lý.
Một người phụ nữ đã gặp gỡ tôi. Một người phụ nữ hoàn toàn khác đã phải lòng tôi, người mang một cái tên khác và đã quyết định biến tôi thành một người đàn ông trọn vẹn. Không buồn hỏi ý kiến tôi, cô ấy đã vực tôi dậy và đã cưới tôi làm chồng chưa đầy một năm sau nụ hôn đầu của chúng tôi, nụ hôn trao trong một buồng thang máy, trong khuôn khổ một hội nghị.
Một phụ nữ đầy bất ngờ. Phải nói rằng tôi đã sợ vô cùng. Tôi không còn tin vào tình yêu nữa và hẳn đã thường xuyên làm cô ấy bị tổn thương. Tôi vuốt ve bụng cô ấy và tâm trí tôi vẩn vơ tận đâu đâu. Tôi vén tóc cô ấy lên và tìm trong đó một mùi hương khác. Thế mà cô ấy không trách móc tôi lấy một lời. Cô ấy biết cuộc đời ảo của tôi sẽ không tồn tại được lâu. Chỉ vì nụ cười của cô ấy, vì làn da của cô ấy và vì tất cả những mớ lộn xộn yêu đương sơ đẳng và không chút vụ lợi cô ấy đã trao gửi tôi. Cô ấy có lý. Cuộc đời ảo của tôi đã để cho tôi sống hạnh phúc.
Lúc này cô ấy đang ở phòng bên. Cô ấy đang ngủ.
Xét về đường công danh, tôi đã thành đạt hơn cả những gì tôi từng hình dung. Phải nói rằng đó là thành công của một cá tính bền bỉ, rằng tôi đã xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ, rằng tôi đã đưa ra vài quyết định đúng đắn, rằng… Tôi cũng không biết nữa.
Dẫu sao đi nữa tôi cũng thấy rõ sự ngạc nhiên cũng như nghi hoặc trong ánh mắt đám bạn học cũ, rõ ràng những chuyện này khiến họ chưng hửng: một cô vợ đẹp, một tấm danh thiếp sang trọng và những chiếc sơ mi may đo… với quá ít năng lực trí tuệ tại điểm xuất phát. Chuyện này khiến ai cũng phải bối rối không biết nên lý giải thế nào.
Ngày còn học đại học, tôi nổi tiếng là một gã chỉ nghĩ đến gái, tuy nhiên… chỉ nghĩ đến người con gái ấy, một gã viết thư tình cả trong những tiết học có giáo sư thỉnh giảng và không màng đến những bộ ngực, những cặp mông, những ánh mắt hay đến bất cứ cái gì khác trong quán cà phê. Gã trai thứ Sáu tuần nào cũng bắt chuyến tàu đầu tiên về Paris và đến sáng thứ Hai trở lại trường với vẻ buồn bã và đôi mắt trũng sâu, luôn miệng nguyền rủa những khoảng cách và sự tận tâm của nhân viên soát vé. Lại một thằng bỏ đi hơn là người chiến thắng, thật thế.
Vì yêu cô ấy, tôi đã sao nhãng việc học và chính kết quả học tập thảm bại của tôi, thêm vào đó là vài mối do dự phân vân khác, cô ấy đã bỏ rơi tôi. Cô ấy hẳn nghĩ rằng tương lai là quá… bấp bênh với một gã kiểu như tôi.
Hôm nay, khi tôi đọc bảng kê số tiền có trong tài khoản ngân hàng, tôi thấy rõ cuộc đời là một trò hề nực cười.
Vậy mà tôi đã sống như thể không có chuyện gì xảy ra.
Tất nhiên, cũng có nhiều lúc tôi cùng vợ hoặc cùng những người bạn, chúng tôi mỉm cười nhắc lại thời sinh viên, những cuốn sách và những bộ phim đã dạy dỗ chúng tôi nên người và cả về những mối tình thời trẻ, những gương mặt đã bị lãng quên trên đường đời và đôi khi tình cờ trở lại trong tâm trí. Chỉ bằng mấy tách cà phê và tất cả những nhung nhớ hoài cổ kiểu này… phần đời này của chúng tôi được xếp gọn trong một tầng giá. Chúng tôi thỉnh thoảng có nhắc đến qua loa. Nhưng tôi không bao giờ kể ra chi tiết. Ôi không.
Có thời, tôi còn nhớ, ngày nào tôi cũng đi ngang qua một tấm biển ghi rõ tên thành phố nơi cô ấy sống, tôi biết chắc cô ấy đang sống tại đó, trên biển có ghi cả số kilomet phải vượt qua để tới được đó.
Hàng sáng, trên đường đến sở làm và hàng tối, trên đường trở về nhà, tôi đều nhìn vào cái biển ấy. Tôi liếc nhìn vào đó, tất cả chỉ có vậy. Tôi đã không bao giờ lái xe theo hướng đó. Tôi từng nghĩ đến chuyện này, nhưng ngay cả ý nghĩ nháy đèn pha rẽ theo hướng đó cũng giống như làm một điều gì đó xúc phạm nặng nề đến vợ tôi.
Tuy nhiên, tôi vẫn cứ liếc nhìn cái biển chỉ đường ấy, đúng thế.
Và rồi tôi chuyển công tác. Tấm biển không còn nằm trên đường đi nữa.
Nhưng vẫn luôn có những lý do khác, những duyên cớ khác. Vẫn luôn là vậy. Đã bao lần đang đi trên phố. Tôi ngoảnh lại, tim quặn thắt vì ngỡ đã nhận ra một hình bóng… hay thoáng nghe một giọng nói… hay một kiểu tóc nhang nhác giống như là…?
Bao nhiêu lần rồi nhỉ?
Tôi ngỡ rằng mình sẽ không nghĩ đến chuyện đó nữa nhưng chỉ cần một khoảnh khắc cô độc tại một nơi nào đó hơi tĩnh lặng cũng đủ để cô ấy hiện ra.
Một hôm, trong khoảng sân lộ thiên của một nhà hàng, cách đây chưa đầy sáu tháng, khi vị khách hàng của tôi phải tiếp đãi lỡ hẹn, tôi đã ngồi đó, lục lọi trong ký ức để tìm lại cô ấy. Tôi đã nới lỏng cổ áo và nhờ cậu bồi mua một bao thuốc. Loại thuốc nặng và mùi hắc mà thời sinh viên tôi vẫn thường hút. Tôi duỗi chân và từ chối khi cậu bồi tỏ ý muốn dọn bớt bộ đồ ăn đã bày sẵn phía đối diện. Tôi đã gọi một chai vang lâu năm, hình như là một chai hiệu Gruaud-Larose… và trong khi tôi lim dim mắt, vừa rít thuốc vừa nhấm nháp một tia nắng mặt trời nhỏ nhắn, tôi trông thấy cô ấy tiến lại gần.
Tôi nhìn cô ấy và cứ thế ngắm nhìn mê mải. Tôi chưa lúc nào thôi nghĩ đến cô ấy và đến những việc chúng tôi làm khi ở cùng nhau và khi chúng tôi cùng ngủ trên một chiếc giường.
Chưa bao giờ tôi tự hỏi liệu có phải tôi vẫn luôn yêu cô ấy hay những tình cảm tôi đành cho cô ấy chính xác là như thế nào. Làm như thế cũng chẳng ích gì. Nhưng tôi thích tìm lại cô ấy ở khúc quanh của một khoảnh khắc cô đơn. Tôi phải nói ra điều ấy vì đó là sự thật.
Thật may, cuộc sống không để cho tôi có nhiều giây phút cô đơn. Quả là phải có một vị khách phá đám hoàn toàn quên khuấy mất tôi hoặc tôi chỉ có một mình, vào ban đêm, ngồi trong xe và không lo âu thì tôi mới có được cảm giác ấy. Nói ra chừng ấy điều kiện cũng đủ thấy là tôi gần như không bao giờ có cơ hội để cảm thấy cô đơn.
Và ngay cả khi tôi muốn thả mình theo một nỗi buồn lớn lao, một nỗi luyến tiếc da diết, hay muốn giở giọng bông lơn chẳng hạn và muốn thử tìm lại số điện thoại của cô ấy qua dịch vụ danh bạ điện tử minitel hay một hành vi ngu xuẩn tương tự, giờ thì tôi đã biết rằng chuyện ấy nằm ngoài tầm tay mình, bởi đã hàng năm trời nay, tôi có những tay vịn đích thực của riêng mình. Những tay vịn vững chắc nhất: những đứa con.
Tôi đắm đuối vì bọn trẻ. Tôi có ba đứa, đứa con gái lớn bảy tuổi, tên Maria, đứa thứ hai sắp tròn bốn tuổi, Joséphine và Yvan, thằng bé út chưa đầy hai tuổi. Vả lại, chính tôi đã cầu xin vợ sinh cho tôi đứa con thứ ba, tôi vẫn còn nhớ cô ấy đã nhắc đến nỗi vất vả mệt nhọc và đến tương lai nhưng tôi yêu trẻ con vô cùng, những tiếng bi bô của chúng và những nụ hôn ướt mèm của chúng…Thôi nào… tôi nói với cô ấy, hãy sinh cho anh thêm một đứa nữa. Cô ấy không cự nự lâu và chỉ cần duy nhất hành động đó thôi, tôi biết cô ấy là người bạn duy nhất của tôi và tôi sẽ không bao giờ rời xa người bạn ấy. Ngay cả khi tôi đang kề cận một hình bóng tồn tại dai dẳng.
Lũ trẻ là điều tốt đẹp nhất tôi từng biết đến.
Một chuyện tình xưa cũ không đáng kể gì khi đặt cạnh chúng. Không hề.
*
* *
Đại khái đó là cuộc sống tôi đang có, thế rồi tuần trước, cô ấy đã gọi điện cho tôi và xưng tên:
- Là em, Hélèna đây.
- Hélèna sao?
- Em không làm phiền anh chứ?
Tôi đang đặt Yvan ngồi trên đầu gối, thằng bé vừa cố với lấy ống nghe vừa kêu líu ríu:
- Nào con…
- Con anh đấy à?
- Ừ.
- Nó mấy tuổi rồi?
- … Tại sao em lại gọi cho anh thế này?
- Thằng bé mấy tuổi rồi?
- Hai mươi tháng.
- Em gọi cho anh vì em muốn gặp anh.
- Em muốn gặp anh ấy à?
- Vâng.
- Những chuyện ngu ngốc này là gì vậy?
- ….
- Chỉ buông mỗi một câu như vậy. Em thử nghĩ mà xem!... Mình muốn gặp lại anh ta…
- Đại loại thế.
- Tại sao? … Ý anh là tại sao lại vào thời điểm này? … Sau ngần ấy năm…
- … Mười hai năm. Đã mười hai năm trôi qua.
- Vậy đó. Rồi sao nào? … Xảy ra chuyện gì vậy? Em tỉnh lại rồi sao? Em muốn gì đây? Em muốn biết tuổi của các con anh hay liệu đầu anh đã hói chưa hay… hay là xem em sẽ gây ấn tượng gì cho anh, hay là… hay chỉ là để nhắc đến quãng thời gian tươi đẹp đã qua?!
- Nghe này, em không nghĩ là anh lại nhìn nhận mọi chuyện như vậy, em gác máy đây. Em lấy làm tiếc. Em…
- Làm thế nào em tìm được số của anh?
- Qua bố anh.
- Gì kia.
- Ban nãy em đã gọi cho bố anh và em đã hỏi ông số điện thoại nhà anh, chuyện chỉ có thế.
- Bố anh vẫn nhớ em sao?
- Không. À mà… em không nói ông biết em là ai.
Tôi đặt Yvan xuống đất, thằng bé lẫm chẫm chạy sang phòng bên chơi với các chị nó. Vợ tôi không có ở đó.
- Đợi chút nhé, đừng bỏ máy… “Marie! Con đi giày cho em được không?” … Alô? Em vẫn nghe máy đấy chứ?
- Vâng.
- Vậy thì?...
- Vậy thì sao?...
- Em muốn chúng ta gặp lại nhau?...
- Vâng. Nhưng cũng không lâu đâu. Chỉ uống với nhau một ly hay dạo quanh một lát thôi, anh thấy đấy…
- Tại sao. Làm vậy phỏng có ích gì?
- Chỉ vì em muốn gặp lại anh thôi. Muốn nói chuyện với anh một lát.
- Hélèna à?
- Vâng.
- Tại sao em làm thế?
- Tại sao ư?
- Ừ, tại sao em gọi cho anh? Tại sao lại muộn màng như vậy? Tại sao lại là lúc này? Thậm chí em còn chẳng thèm băn khoăn xem liệu em có gây rắc rối cho đời anh hay không… Em bấm số của anh và em…
- Nghe này Piere. Em sắp chết.
- …
- Bây giờ em mới gọi cho anh vì em sắp chết rồi. Em không biết chính xác là khi nào, nhưng chắc là sẽ không bao lâu nữa đâu.
Tôi đẩy ống nghe xe khỏi tai để hít thở chút không khí và tôi cố gắng đứng dậy nhưng không thể.
- Không thể thế được.
- Đúng là thế đấy.
- Em bị làm sao?
- Ồ… chuyện phức tạp lắm. Tóm lại, có thể nói là máu của em nó bị… nói cho cùng em cũng không rõ nó bị làm sao vì các chuẩn đoán họ đưa ra cứ rối tinh rối mù nhưng dẫu sao, em vẫn không được ổn cho lắm.
Tôi bảo cô ấy:
- Em chắc chứ?
- Hượm đã nào. Nhưng anh đang nghĩ gì vậy? Rằng em bịa chuyện mùi mẫn để có cớ gọi cho anh sao?!
- Anh xin lỗi.
- Thôi xin anh.
- Có khi họ nhầm cũng nên.
- Vâng… Cũng có thể.
- Không phải thế à?
- Không. Em không nghĩ thế.
- Sao lại có thể thế được nhỉ?
- Em không rõ.
- Em đau à?
- Cũng tàm tạm ạ.
- Em đau à?
- Đúng là có đau một chút.
- Em muốn gặp anh một lần cuối à?
- Vâng. Anh nói thế cũng được.
- …
- …
- Em không sợ sẽ thất vọng sao? Em không muốn giữ lại một … hình ảnh đẹp sao?
- Hình ảnh khi anh còn trẻ và điển trai ấy à?
Tôi nghe tiếng cô ấy cười khẽ.
- Đúng vậy. Khi anh còn trẻ tráng và đẹp trai và chưa hề có tóc bạc…
- Anh có tóc bạc rồi ư?!
- Năm sợi, anh nghĩ vậy.
- A ha! Thế đấy, anh làm em sợ chết khiếp! Anh nói đúng. Em không rõ liệu bắt liên lạc lại có phải một ý hay không nhưng em đã cân nhắc chuyện này được một thời gian… và em tự nhủ cuộc gặp này thật sự sẽ khiến em được vui… Mà thời gian gần đây, những chuyện làm em vui không còn nhiều nữa… nên em… nên em gọi cho anh.
- Em nghĩ đến chuyện này bao lâu rồi?
- Mười hai năm rồi! Không… Em đùa đấy. Em mới nghĩ đến vài tháng nay. Chính xác hơn là kể từ lần nhập viện gần đây nhất.
- Em nghĩ em muốn gặp lại anh sao?
- Vâng.
- Bao giờ?
- Bao giờ anh muốn. Bao giờ anh thu xếp được thời gian.
- Em sống ở đâu?
- Vẫn chỗ đó thôi. Cách chỗ anh khoảng một trăm cây số, em nghĩ vậy.
- Hélèna này?
- Vâng.
- Không có gì.
- Anh nói đúng. Chẳng có gì hết. Chuyện là vậy đấy. Đời là thế và em gọi cho anh không phải để xới lại quá khứ hay cố gắng làm điều viển vông không tưởng, anh biết đấy. Em…
Em gọi cho anh bởi vì em muốn nhìn gương mặt anh. Tất cả chỉ có vậy. Cũng giống như mọi người quay về ngôi làng họ đã trải qua thời ấu thơ hay về thăm lại căn nhà của cha mẹ họ… hay trở lại thăm bất cứ nơi nào đã ghi dấu trong cuộc đời họ.
- Giống như một cuộc hành hương chứ gì.
Tôi chợt nhận ra giọng mình cũng đã thay đổi.
- Vâng, chính xác là thế. Giống như một cuộc hành hương vậy. Nếu ví gương mặt anh là một nơi đã ghi dấu cuộc đời em.
- Các cuộc hành hương lúc nào cũng buồn.
- Sao anh lại nói vậy?! Anh chưa bao giờ làm vậy ư!?
- Không. À mà rồi chứ. Ở Lourdes…
- Ồ vâng, đúng rồi… ra là ở đó, Lourdes, dĩ nhiên rồi…
Cô ấy ép mình nói bằng một giọng chế giễu.
Tôi nghe tiếng bọn trẻ cãi nhau chí choé và tôi hoàn toàn không còn muốn tiếp tục cuộc nói chuyện này nữa. Tôi đã gác máy. Rốt cuộc tôi cũng buột miệng hỏi:
- Khi nào vậy?
- Chính anh mới là người cho em một cái hẹn chính xác.
- Ngày mai nhé?
- Nếu anh muốn thế.
- Ở đâu nào?
- Khoảng cách giữa hai thành phố của chúng ta chia đôi. Ở Sully chẳng hạn…
- Em lái xe được không?
- Được mà. Em lái được.
- Ở Sully có gì nào?
- Em nghĩ là chẳng có gì đáng kể đâu… để rồi xem. Chúng ta chỉ việc đợi nhau trước toà thị chính…
- Vào giờ ăn trưa nhé?
- Ôi không. Dùng bữa với em thật không hay chút nào, anh biết đấy…
Cô ấy còn gượng cười.
- … Sau giờ ăn trưa, như thế sẽ tiện hơn.
*
* *
Đêm đó, anh không tài nào chợp mắt. Mắt anh mở thao láo nhìn thẳng lên trần nhà. Anh muốn giữ cho chúng thật khô. Đừng khóc.
Làm thế không phải vì vợ anh. Anh sợ mắc phải sai lầm, sợ phải khóc thương cái chết của cuộc sống nội tâm bản thân hơn là cho cái chết của chính cô. Anh biết một khi đã khóc, anh sẽ không thể ngừng lại được.
Đừng mở van ra. Nhất định đừng làm vậy. Bởi vì ngần ấy năm qua, cho tới giờ anh vẫn vỗ ngực tự hào và than phiền về sự yếu đuối của con người. Những người khác. Những người khác không biết họ muốn gì và vung vãi sự tầm thường của mình khắp nơi.
Anh đã trải qua ngần ấy năm trời ngắm nhìn quãng đời tuổi trẻ của mình với một ánh mắt âu yếm đáng khinh. Lúc nào cũng vậy, mỗi khi nghĩ đến cô, anh đều tương đối hoá mọi chuyện, anh làm bộ như đang mỉm cười khi nhớ lại hay chợt hiểu ra một điều gì đó. Trong khi anh chưa bao giờ hiểu được điều gì hết.
Anh biết rõ rằng anh đã chỉ yêu mình cô và chưa từng được ai khác yêu ngoài cô. Rằng cô là tình yêu duy nhất của anh và không gì có thể thay đổi điều này. Rằng cô đã bỏ rơi anh như một vật làm vướng chân và vô dụng. Rằng cô chưa bao giờ ra tay cứu vớt anh hay viết một câu dù ngắn ngủi để giảng hoà. Để thú nhận với anh rằng cô không tốt đẹp đến mức ấy. Rằng anh đã nhìn lầm người. Rằng cô không xứng đáng với anh.Hoặc giả đời cô đã mắc phải sai lầm lớn nhất và cô vẫn thầm tiếc về điều ấy. Anh biết cô kiêu hãnh biết chừng nào. Để nói với anh rằng chính cô cũng đã đau đớn day dứt suốt mười hai năm trời và rằng lúc này cô sắp bước sang thế giới bên kia.
Anh không muốn khóc và để ngăn mình khỏi khóc, anh tự huyễn hoặc mình đủ chuyện. Đúng chính thế. Đủ thứ chuyện. Vợ anh trong lúc nằm xoay người lại đã đặt tay lên bụng anh và ngay lập tức anh hối tiếc về những cơn mê sảng này. Tất nhiên là anh đã từng yêu là thế. Anh ngắm nhìn gương mặt của người đang nằm cạnh và cầm tay cô để hôn cô. Vẫn đang say giấc, cô mỉm cười.
Không, chẳng có chuyện gì đáng để anh phải phàn nàn. Anh không nên tự lừa dối mình. Niềm đam mê lãng mạn, ô hô, chỉ trong chốc lát thì còn được. Nhưng bây giờ thì đủ rồi, chứ còn sao nữa. Hơn nữa, chiều mai sẽ không tiện cho anh lắm vì vướng cuộc hẹn với các đối tác bên Sygma II. Anh sẽ buộc phải nhờ Marcheron đứng ra thay mình, mà điều này thực sự càng không tiện chút nào vì với Marcheron…
Đêm đó anh không tài nào chợp mắt được. Anh nghĩ đến đủ thứ chuyện.
Anh có thể lý giải chứng mất ngủ của mình như thế, trừ phi đèn trong phòng ngủ quá tối và anh chẳng nhìn thấy gì hết, và rằng, giống như mỗi khi quá buồn nản, anh lại đụng đâu hỏng đó.
*
* *
Đêm đó cô không tài nào chợp mắt dược nhưng cô đã quen thức trắng đêm như vậy. Cô hầu như không ngủ nữa. Có tình trạng ấy là vì những hoạt động thể chất ban ngày chưa đủ khiến cô mệt mỏi. Đó là cách lý giải của bác sĩ. Các con trai cô đã sang ở cùng cha chúng và cô chỉ còn biết khóc.
Khóc. Khóc mãi. Khóc hoài.
Cô suy sụp, cô thôi không cố gắng cứu vãn tình thế nữa, cô buông xuôi mọi chuyện, mặc cho muốn đến đâu thì đến. Cô bất cần, cô nghĩ như bây giờ là tốt rồi, phải chuyển sang việc khác và tìm tòi theo một hướng khác bởi vị bác sĩ kia có phán cô không mệt mỏi gì cũng vô ích, dẫu có khoác lên người chiếc áo blouse sạch sẽ tinh tươm và tuôn ra những lời lẽ phức tạp thì cũng hoài công, ông ta cũng chẳng thể hiểu được chuyện này. Sự thật là cô đang kiệt sức. Hoàn toàn kiệt sức.
Cô khóc bởi rốt cuộc cô đã gọi cho Pierre. Cô đã luôn biết cách xoay sở để có được số điện thoại của anh, đã nhiều lần cô ấn mười con số ngăn cách cô với anh, nghe giọng anh rồi vội vã gác máy. Thậm chí có lần, cô đã bám theo anh cả một ngày trời bởi vì cô muốn biết anh sống ở đâu, lái xe hiệu gì, làm việc ở đâu, ăn mặc ra sao và có vẻ lo lắng hay không. Cô cũng đã bám theo vợ của anh. Cô buộc phải công nhận rằng người phụ nữ xinh đẹp và vui tươi rạng ngời và người ấy đã sinh được cho anh những đứa con.
Cô khóc vì hôm nay, tim cô đã đập trở lại trong khi đã từ lâu nay cô không tin vào điều ấy nữa. Cô đã có một cuộc sống còn nghiệt ngã hơn những gì trước đây cô từng hình dung. Nhất là cô đã biết đến nỗi cô đơn. Cô ngỡ lúc này đã là quá muộn để cảm nhận điều gì đó, rằng cô đã phung phí hết vận may của mình rồi. Nhất là từ khi Họ tỏ ra quan tâm đến việc lấy mẫu máu đều đặn mỗi ngày, một cuộc kiểm tra ngẫu nhiên cũ rích bởi vì cô cảm thấy cơ thể rệu rã. Tất cả bọn họ, từ những tay bác sĩ làng nhàng đến những bậc đại giáo sư đều đưa ra cùng một kết luận về những triệu chứng này nhưng không nói được gì nhiều khi đề cập đến phương pháp chữa trị.
Cô khóc vì biết bao nhiêu là lý do, nhiều đến mức cô không muốn nghĩ đến chúng nữa. Đã đến lúc cô phải gánh chịu hậu quả của những việc mình làm từ trước đến nay. Thế nên, để tự vệ chút đỉnh, cô tự nhủ mình khóc là để hưởng niềm vui được khóc và tất cả chỉ có thế.
*
* *
Khi tôi đến, cô ấy đã đợi sẵn ở đó và mỉm cười với tôi. Cô ấy còn bảo chắc chắn đây là lần đầu tiên em không bắt anh phải đợi, anh thấy đấy, không nên vội thất vọng và tôi, tôi bảo cô ấy rằng tôi chưa từng thất vọng.
Chúng tôi không ôm hôn nhau. Tôi bảo cô ấy em chẳng thay đổi gì cả. Nhận xét như thế quả là ngu xuẩn nhưng đó chính là điều tôi nghĩ, chưa kể tôi thấy cô ấy còn xinh đẹp hơn trước. Cô ấy trông rất xanh xao và những mạch máu li ti màu xanh hiện lên rõ mồn một quanh hai mắt, trên hai mí mắt và hai bên thái dương. Cô ấy gầy rộc đi và nét mặt còn hốc hác hơn trước. Cô ấy có vẻ cam chịu hơn nhiều trong khi tôi vẫn còn nhớ rất rõ ấn tượng hoạt bát linh lợi toát ra ở cô ấy trước kia. Cô ấy nhìn tôi chăm chú không rời mắt. Cô ấy muốn tôi nói chuyện với cô ấy, cô ấy muốn tôi im miệng. Cô ấy luôn mỉm cười với tôi. Cô ấy muốn gặp lại tôi và tôi thì không biết mình phải cử động chân tay như thế nào, không biết liệu tôi có thể hút thuốc hay chạm vào tay cô ấy được không.
Đó là một thành phố thảm thê. Chúng tôi đã đi bộ đến công viên, xa hơn một chút.
Chúng tôi kể cho nhau về cuộc sống hiện tại. Cuộc trò chuyện khá rời rạc. Chúng tôi đều giữ lại cho riêng mình những bí mật. Cô ấy lựa chọn câu chữ. Có một lúc, cô ấy đã hỏi tôi về sự khác biệt giữa sự rối loạn tinh thần và tình trạng vô công rồi nghề. Tôi cũng không biết nữa. Cô ấy ra hiệu cho tôi biết rằng dẫu sao đi nữa, chuyện đó cũng không quan trọng. Cô ấy bảo rằng tất cả những chuyện này đã khiến cô ấy trở nên quá cay đắng hay quá nghiệt ngã, dù thế nào chăng nữa cũng quá khác với bản tính thật sự của cô ấy.
Chúng tôi hầu như không đề cập đến căn bệnh của cô ấy, trừ có lúc cô ấy nhắc đến những đứa con của mình, nói rằng đối với chúng đó không còn là cuộc sống nữa rồi. Cách đây ít lâu, cô ấy muốn nấu mì cho chúng và cô ấy thậm chí không thể thực hiện ý định đó vì cái nồi nước quá nặng để cô ấy có thể nhấc nó lên và rằng không, thực sự đó không còn là cuộc sống nữa rồi. Thời gian sống cùng với cô, chúng đã phải đau buồn nhiều hơn là hiện tại.
Cô ấy bắt đầu tôi kể về vợ và các con tôi, về công việc tôi đang làm. Thậm chí cả về Marcheron. Cô ấy muốn biết tất cả mọi chuyện nhưng tôi thấy rõ rằng phần lớn thời gian, cô ấy đâu có để ý nghe tôi nói.
Chúng tôi ngồi xuống một băng ghế trang trí hình vảy cá đối diện với một đài phun nước khô ron, có lẽ là từ ngày cắt băng khánh thành đến giờ. Mọi thứ đều xấu xí. U ám và xấu xí. Sương bắt đầu rơi và chúng tôi ngồi xích lại gần hơn một chút để sưởi ấm cho nhau.
Cuối cùng, cô ấy đứng dậy, đã đến lúc cô ấy phải về.
Cô ấy nói em muốn cầu xin anh một đặc ân, chỉ một mà thôi. Em muốn cảm nhận anh. Và vì tôi không trả lời, cô ấy đã trả lời suốt những năm qua, cô ấy đã muốn cảm nhận mùi da thịt tôi. Tôi ghì thật chặt tay mình tận đáy túi áo khoác bởi nếu không làm thế, hẳn tôi sẽ…
Cô ấy đi vòng ra sau lưng tôi và cúi xuống tóc tôi. Cô ấy giữ nguyên tư thế ấy một lúc lâu và tôi cảm thấy khó chịu vô cùng. Rồi sau đó, cô ấy đưa mũi xuống hõm gáy tôi và vòng quanh đầu tôi, cô ấy nhẩn nha một chút vội vàng, thế rồi cô ấy ngửi dọc theo cổ tôi xuống đến cổ áo sơ mi. Cô ấy hít hà và cũng để nguyên hai tay chắp sau lưng. Rồi cô ấy nới lỏng cà vạt của tôi và mở hai nút đầu tiên trên sơ mi và tôi cảm thấy chóp mũi lạnh toát của cô ấy sát vào phần đầu xương đòn của mình, tôi… tôi…
Tôi đã có một động tác hơi có phần đột ngột. Cô ấy ngước lên và đặt cả hai bàn tay xương xương lên vai tôi. Cô ấy bảo rằng em đi đây. Em muốn anh đừng nhúc nhích và đừng quay đầu lại nhìn. Em van anh. Em van anh đấy.
Tôi không nhúc nhích. Dẫu sao chăng nữa tôi cũng không muốn làm thế bởi tôi không muốn cô ấy nhìn thấy cặp mắt sưng mọng và vẻ mặt nhăn nhúm của tôi.
Tôi đã chờ đủ lâu rồi tôi trở ra xe.
Giá Đâu Đó Có Người Đợi Tôi Giá Đâu Đó Có Người Đợi Tôi - Anna Gavalda Giá Đâu Đó Có Người Đợi Tôi