Nghị lực và sự kiên nhẫn cần có cho bất kỳ ai, ở bất kỳ vị trí nào.

Theodore F. Merseles

 
 
 
 
 
Tác giả: Philippe Labro
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2089 / 47
Cập nhật: 2015-08-21 15:22:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
ôi hơi thất vọng. Tôi nhớ lại phần kết cuộc trò chuyện giữa chúng tôi: cậu ấy đã không chào tạm biệt tôi, giống như lần đầu chúng tôi gặp nhau. Tôi rảo bước rời nơi tập luyện và dù tôi không nhận thấy, nhưng điều đó có nghĩa là tôi đang muốn gặp lại Franz. Cậu ấy đã dần tạo ra trong tôi sự khởi đầu của cái gì đó như là một thói quen - ít nhất thì cũng mong muốn có được thói quen ấy.
Hơn nữa, tôi không nhận được bất kỳ lời đáp nào cho những câu hỏi về sự xuất hiện của cậu bé tốt bụng ấy trong cuộc sống của mình.
Cậu từ đâu tới? Bộ đồng phục ấy là thế nào? Cậu học ở đâu? Tại sao cậu lại dành thời gian rãnh để ở một mình, để ngồi ăn nhẹ trên một chiếc ghế băng? Vả lại, ai đã chuẩn bị đồ ăn cho cậu? Rồi còn thứ ngôn từ và cách nói chuyện già trước tôi của cậu, sự khôn ngoan xen lẫn vẻ ngây thơ ở cậu, rồi cái cảm giác cậu ấy đoán biết được bạn, hay thú vị hơn nữa là cảm giác kỳ lạ rằng cậu ấy biết về bạn nhiều hơn là bạn biết về cậu ấy và rằng cậu ấy đã tìm hiểu về bạn, quan sát bạn mà bạn chẳng hề hay biết, tất cả những thứ này là thế nào?
Ngồi trước hồ nước, trong tiết trời mát mẻ và hơi âm u hơn những ngày trước, tôi đã thôi tự hỏi mình. Những điều về nhân thân của Franz liệu có thực sự có ý nghĩa với tôi không? Những câu hỏi này gần như chẳng có gì quan trọng cả. Điều khiến tôi quan tâm, đó là cậu ấy lại đến, để chúng tôi tiếp tục chuyện trò.
Tôi đã đọc được rằng ở một độ tuổi nào đó, trẻ em, dù là trai hay gái, đều có một kiểu tài năng thiên bẩm, một ý niệm về cuộc sống, một cái nhìn hướng đến vô tận, và điều này sẽ biến mất ngay khi tuổi niên thiếu bắt đầu. Liệu Franz có nắm giữ loại tài năng này không?
Trong hai lần gặp gỡ trên băng ghế, cậu bé đã khiến những suy nghĩ của tôi trở nên nhẹ nhàng. Tôi đã nhanh chóng quen với việc có cậu ở bên, quen với sự hiện diện của cậu, như thể đó là sự hiện diện của một cậu em trai, một cậu em trai mà tôi không có.
Mẹ tôi không còn khi tôi chào đời. Người con đầu lòng của mẹ, một bé trai, đã chết ngay lúc sinh. Tôi chào đời một năm sau đó. Mẹ ra đi khi tôi đến. Với sự giúp đỡ của một vú em rồi một loạt các cô gia sư, các cô giữ trẻ đổi công hay những trợ lý riêng khác, bố nuôi dạy tôi tạiLondon. Ông nhiệt tình khuyến khích khuynh hướng của tôi ngay khi, nhìn thấy một cây đàn violon, tôi đã thể hiện năng khiếu của mình với nhạc cụ này và nuôi dưỡng một niềm đam mê vô bờ bến dành cho âm nhạc. Sau khi ông đột ngột qua đời, người ta giao tôi cho em gái của ông. Cô tôi sống ở Thụy Sĩ. Và tôi tới đó. Tôi lớn lên ở thành phố bên bờ hồ ấy, nơi có một trường dạy nhạc tuyệt vời và tôi đã tham gia kha khá các cuộc thi để người ta nhận tôi vào dàn nhạc địa phương.
Khi kể tóm tắt hai mươi năm đầu cuộc đời mình như vậy, tôi nhận thấy mình thường xuyên sử dụng những động từ đi, đến, ra đi, tới. Anh trai tôi đã ra đi ngay trước cả khi tới. Tôi đã đến để rồi mẹ tôi rời đi. Bố tôi đã ra đi. Tôi đi và tôi tới một chiếc ghế băng. Franz đã tới từ một nơi nào đó. Kể từ đầu câu chuyện này đến giờ, tôi đã dùng những từ ấy nhiều lần. Tại sao lại phải ngạc nhiên về điều đó chứ, mọi thứ đều vận động kia mà. Thậm chí suy nghĩ của tôi cũng là một vận động và nếu đôi khi không thể lý giải nổi, không thể hiểu nổi vận động này thì nó vẫn là điều cứu vớt chúng ta, nó là cuộc sống bởi sự bất động chính là chết.
Tôi hiếm khi khóc nhưng đã khóc thì thật dữ dội. Tôi đã không khóc bên thi thể cha tôi trên bãi cỏ ở công viên Hyde, tôi cũng không khóc tại đám tang. Nước mắt đã chờ đợi và khi nó vỡ òa thì kéo dài suốt hai ngày hai đêm, hai đêm hai ngày.
Những người bạn của bố rồi cả gia đình cùng bà trợ lý và vú em thay nhau túc trực đầu giường tôi để cố ngăn những cơn nức nở, thổn thức, cái dòng chất lỏng mằn mặn không ngừng tuôn ra mà tôi dùng đầu lưỡi liếm khi nằm bẹp trên giường. Có lẽ tôi tưởng rằng chỉ cần uống nước mắt như thế là đủ để nó có thể lại sản sinh và không bao giờ ngừng. Tôi yêu nước mắt của mình. Có những quãng ngừng ngắn, thế là tất cả người lớn vây quanh tôi trao nhau những ánh mắt yên tâm, rồi mọi thứ sẽ dịu đi, chẳng phải vậy sao, thế là đủ rồi, con bé đã khóc như thế khá lâu rồi. Nhưng tôi chỉ lấy lại hơi. Thực ra, tôi tập trung năng lượng và tìm lại nguồn cơn để nỗi đau của mình tiếp tục được vỡ òa. Việc này cứ thế tiếp diễn đến mức người ta đã phải gọi bác sĩ nhi khoa tới, chính là vị bác sĩ đã chăm sóc tôi khi tôi chào đời. Ông thử nói lý lẽ với tôi, thử làm tôi mở lời, ông đã mắng tôi bằng những lời lẽ có chút thô bạo nhằm làm tôi bị sốc, ông kiểm tra mạch, nghe nhịp tim, khám họng tôi và vừa giơ hai tay về phía trần phòng ngủ của tôi ra chiều bất lực vừa nói:"Để kệ cô bé thôi. Cơ thể sẽ quyết định cho cô bé."
Đó là người đàn ông có khuôn mặt cau có, bất mãn, ria mép của ông màu hung và toát lên mùi bạc hà. Khi cơ thể tôi đã ra quyết định, nước mắt rơi chậm dần, tôi không thấy muốn và thấy cần nữa, vẫn còn nấc vài cái, rồi tôi thấy dịu bẫng đi ở phía trên trán, xoang trán và mí mắt. Tất cả ngừng lại.
Có thể nói rằng tôi đã khóc cạn hết lượng nước mắt mà cơ thể tôi dự trữ ở độ tuổi này (khi ấy tôi mười hai tuổi). Theo cô tôi sang Thụy Sĩ là một cơ thể khô cạn nước mắt, và chắc chắn là phải mất nhiều năm sau lượng dự trữ đó mới được khôi phục. Nhiều năm dài không tình yêu, không một chút yêu thương, không một chút trìu mến. Điều tốt nhất mà tôi nhận được là sự chăm sóc và theo dõi chặt chẽ chuyện học tập, các bước tiến bộ cùng tình hình sức khỏe của tôi từ phía cô tôi.
Tôi yêu bố bằng tất cả tình yêu của mình. Tôi chẳng dành tình yêu như thế cho bất kỳ ai. Thế nên khi bố ra đi, cơ thể tôi dốc hết cho ông lượng nước mắt nó có là chuyện bình thường, bình thường về mặt thể chất. Tôi chỉ tìm lại được nước mắt khi hai mươi tuổi, khi ấy, lần thứ hai trong đời mình, trái tim tôi tan vỡ.
Franz Và Clara Franz Và Clara - Philippe Labro Franz Và Clara