If you love someone you would be willing to give up everything for them, but if they loved you back they’d never ask you to.

Anon

 
 
 
 
 
Tác giả: Hanny Ho
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 94 - chưa đầy đủ
Phí download: 9 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 543 / 0
Cập nhật: 2017-09-25 04:20:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 53: Dịch Vụ Tình Nhân (Phần 2)
ừa bước tới cửa nhà trọ, Nga đã nghe hai đứa em của mình hát véo von bài “Rước đèn Trung Thu”. Thiên Ngân thì bồng cu Nhật trong tay, chỉ trỏ về hướng cái lon sữa bò được đóng nhiều lỗ đã được Thiên Nam thắp sáng tự khi nào, tạo ra những tia sáng vàng vọt thích mắt. Nam vẫn còn nguyên bộ đồng phục học sinh trên tay, múa mái qua lại làm trò cho cu Nhật khiến Nga cũng phải bật cười. Sau đó, cô kiêu hãnh giơ cái lồng đèn trên tay về phía trước cất giọng hớn hở.
“Tada….Xem chị Ba mua gì cho cu Nhật nè?”
“Ahh…lồng đèn đẹp quá!”
Nam bỏ cái đèn lồng bằng lon sữa bò xuống bàn, vỗ tay reo lên rồi chạy đến cửa đón lấy chiếc lồng đèn từ tay Nga. Sau đó, cậu nhanh chóng đốt nến lên rồi đặt trước mặt Nhật đang bú tay ngơ ngác nhìn vật phát sáng trước mặt bằng vẻ hiếu kỳ.
“Thiên Nhật! Cháu coi con mèo kìa. Đẹp không hả? Thích không hả?”
Ngân vừa bồng cu Nhật trên tay, vừa rót vào tai cu cậu những câu hỏi mà cô biết rằng sẽ không thể có hồi đáp ngay lúc này. Sau đó, cô quay sang nhìn chị mình đang dọn dẹp xung quanh phòng trọ hỏi.
“Chị Ba đi đâu mới về vậy?”
“À! Chị Thảo bạn chị có cái vé đi Spa nên rủ chị đi.”
“Spa là gì hả chị?”
“Spa là chỗ người ta chăm sóc da, làm đẹp đó em gái.”
“Hèn chi! Em thấy da mặt chị mịn màng sáng bóng à. Thích quá cơ!”
“Thiệt hả?”
“Dạ thiệt! Nhưng mà chị Ba đẹp sẵn rồi, nên dù có được chăm sóc hay làm đẹp thì cũng đẹp.”
“Con nhỏ khéo nịnh.” Nga quay qua cười nhìn Ngân.
“Mai mốt, chị nói chị Thảo cho em đi với nha.”
“Đương nhiên! Nếu có cơ hội, chị nhất định cho em gái cưng của chị theo.”
“Cám ơn chị Ba.”
Nga cười nhẹ nhìn Ngân và Nhật rồi đi rửa tay. Sau đó cô bước tới bồng bé Nhật từ tay Ngân, hôn lên má nó vài cái hít hà.
“Mạ nuôi nhớ con quá đi à. Ở nhà con có ngoan không? Có quấy dì Ngân không vậy?”
Ngân sau khi đưa Nhật cho Nga bồng thì ra nhà sau nấu cơm. Nghe nhắc đến mình thì thò đầu ra phía cửa cười nói.
“Nhật nó ngoan lắm chị Ba ơi. Không có khóc một tiếng nào. Lúc em đi học về, dì Hồng phòng bên cạnh giữ nó dùm. Dì khen nó ngoan, không quấy chút nào làm dì thích lắm. Dì nói, mai mốt không ai giữ thì đem qua nhà dì giữ dùm cho.”
Nga nhíu mày khó hiểu. Lúc Thảo đến rước cô đi Spa. Ngọc nói sẽ giữ Nhật đàng hoàng. Trước khi đi, Ngọc còn mè nheo xin cô ít tiền ăn quà. Vậy mà lúc về nhà tới giờ, cô chẳng thấy Ngọc đâu cả. Thì ra là lại bỏ cháu mà trốn đi chơi nữa rồi.
“Chứ không phải Ngọc nó giữ cháu sao?”
“Dì Hồng nói, có anh nào vô nhà chở chị Ngọc đi công chuyện rồi.”
Nga thở phì một cái bất mãn, răng cắn lấy cánh môi nhỏ xinh đến bật máu vì bực mình trước hành động của Ngọc. Dạo gần đây, cô cứ nghe mấy đứa em và mấy dì bên cạnh nhà nói Ngọc hay đi chung với một thanh niên lạ mặt, nhìn không được đứng đắn cho lắm làm Nga vô cùng bất an. Ngước mắt lên thấy Ngân đang lúi cúi nhặt rau, cô giụt.
“Ngân, em học bài chưa? Để đó chị Ba làm cho.”
“Dạ, em học rồi. Lúc nãy, vừa chơi với cu Nhật, em vừa dò bài lại rồi chị.”
“Em ráng học. Năm nay chuyển lên cấp ba là khó lắm đó. Nếu không học tốt, mất căn bản thì khó lòng mà theo kịp bạn bè. Em thấy chị Ngọc rồi đó. Em đừng làm cho chị phải lo lắng cho em giống chị Ngọc nữa nha.”
“Dạ. Em biết rồi.”
“À, chị Ba ơi. Khi nào thì chị mới cho em tiền đăng tiền học phí vậy? Cả lớp đóng hết rồi nên cô giáo cứ hỏi em hoài à.”
Nga không nhìn Ngân, cụp mắt buồn buồn nhìn cu Nhật. Lẽ ra, cô đã có tiền cho Ngân đóng học phí rồi, nếu như mấy hôm trước Nhật không sốt liên miên, bao nhiêu tiền để dành đi bác sĩ hết. Hết tiền viện phí của bà Nguyệt rồi lại đến tiền thuốc của Nhật. Nga cảm thấy đuối sức quá. Cô không biết mình có thể chống cự được đến lúc nào đây.
“Ờ! Để chị Ba xin ứng lương được rồi chị Ba cho bé Ngân đăng tiền học nha.”
“Dạ! Chị Ba cho Nam nữa nha chị.”
Những lời chân thật vô tư ngây ngô của Ngân làm Nga đau xót trong lòng. Mấy đứa em của cô nhập học đã gần một tháng rồi mà cô vẫn chưa lo tiền học phí ấy đứa nhỏ được. Sách vở thì thiếu lên thiếu xuống. Mai nhờ Thảo xin ở đâu một số sách cũ mới cho hai đứa nó. Nếu không, cô lại phải tốn mấy trăm ngàn để mua sách.
Nhìn ra sân thấy Nam đang chơi ô quan với mấy đứa cạnh phòng trọ, Nga cất giọng gọi, không quá lớn vì sợ cu Nhật thức giấc. Nó đang ngủ ngon lành trong vòng tay Nga.
“Nam! Vào đây chị bảo!”
“Dạ”
Nam nghe Nga gọi thì quăng hết nắm đá xanh nhỏ trong tay, ùa chạy vào nhà ngồi bênh cạnh Nga. Hai tay nắm hai cái chân nhỏ xíu của Nhật.
“Em thay đồ đi tắm rồi đi học bài. Nhanh lên!”
“Dạ”
Nam nghe Nga nói thế thì ngoan ngãn nghe theo. Thế nhưng, trong lúc Nam vừa mới đứng lên thì đã thấy bóng dáng cô giáo của mình sừng sững ở cửa. Vừa nhìn thấy cô, mặt Nam đang bình thường bỗng trở nên tái mét, khoanh hai tay lại cúi đấu khép nép chào cô. Mặt len lén nhìn biểu hiện trên gương mặt có chút bất ngờ của Nga.
“Tôi là cô giáo chủ nhiệm của trò Trần Thiên Nam. Vui lòng cho tôi hỏi, có phụ huynh của em Nam ở nhà không ạ?”
Đặt nhẹ bé Nhật xuống chiếu, Nga nhón chân bước ra ngoài chào hỏi cô giáo khá trẻ và xinh đẹp kia. Cô đoán, cô giáo Nam bằng tuổi cô là cùng. Tuy nhiên, cô vẫn lịch sự chào hỏi.
“Ba mạ của Nam không có ở nhà. Tôi là chị gái của Nam đây. Mời cô giáo vào nhà.”
Nhìn vào căn phòng trọ nhỏ xíu, cô giáo của Nam hơi ngại ngùng rồi đi thẳng vào mục đích chính của buổi viếng thăm.
“Thôi! Tôi đứng ngoài này được rồi. Cám ơn cô.”
“Nhà hơi chật chội. Thiệt là ngại quá! Không biết cô giáo tìm ba mạ tôi có việc gì không ạ?”
Nga gượng cười nhưng trong đáy mắt thoáng vẻ bất an. Cô biết, cô giáo không phải lúc nào cũng có thời gian mà đến nhà học trò như vầy ngoại trừ có việc quan trọng.
“Tôi chỉ muốn ghé qua hỏi thăm tình hình của Nam. Không biết Nam có bệnh gì hay là gia đình có chuyện gì mà sao cả tuần nay không thấy Nam đi học. Tôi cũng không có thấy giấy phép nghỉ học gì hết. Hỏi mấy đứa học trò không ai biết gì cả nên hôm nay tôi mới ghé qua xem em ấy có chuyện gì không?”
Nam đang đứng khép nép trong góc phòng, nghe cô giáo nói thế thì mặt mày xanh lè như tàu lá chuối, mặt cắt không ra giọt máu nào len lén nhìn biểu hiện ngỡ ngàng của chị gái mình.
“Cô nói sao? Em tôi bỏ học cả tuần nay sao?”
Vừa hỏi cô giáo, Nga vừa quay sang nhìn Nam sửng sốt như muốn chờ đợi câu trả lời của cả hai.
“Phải! Em Nam không đến trường cả tuần nay rồi mà gia đình không biết gì sao?”
Cô giáo nhìn về phía Nam, thấy Nam đang mặc nguyên bộ đồng phục đi học thì như hiểu ra được vấn đề.
Từ đầu năm học đến giờ, cô giáo để ý, Nam thường xuyên nghỉ học với nhiều lý do. Khi thì đau ốm, khi thì có công việc gia đình. Ban đầu, cô cũng đồng ý chấp nhận đơn xin nghỉ học có chữ ký của phụ huynh là chị gái Trần Thiên Ngọc, nhưng sau đó thì cô không đồng ý nữa, mà chỉ chấp nhận đơn xin có chữ ký của chính phụ huynh. Và lần này thì Nam không những không đưa giấy phép mà còn nghỉ nguyên cả tuần mà không hề đưa ra bất cứ lý do nào. Dò hỏi các học trò trong lớp cũng, bọn trẻ cũng không biết gì vì Nam là học sinh chuyển từ lớp 5 lên lớp sáu. Bạn bè quen biết còn lại trong lớp không nhiều. Cuối cùng, cô phải hỏi địa chỉ nơi ở hiện tại của một cậu bạn đã từng đến nhà trọ của Nam nên mới đến được đây.
Cô giáo Nam cũng khá hiền hậu và thương yêu học trò. Cô không những không nhắc nhở về việc Nam vi phạm nội duy nhà trường, nghỉ học dài hạn mà không xin phép. Ngược lại, khi nghe thấy lời tâm sự và đôi mắt sắp sửa khóc của Nga thì nhẹ giọng khuyên gia đình thu xếp ổn thỏa, khuyên răng và quan tâm đến Nam hơn để Nam được trở lại trường học. Trước khi đi, cô còn đưa ra gợi ý để Nga làm đơn xin giảm học phí đầu năm xuống còn một nửa để gia đình có điều kiện trả học phí trong thời gian tới.
Nhận lấy tấm lòng nhân hậu của cô giáo Nam, Nga cúi đầu cảm ơn rối rít, miệng không ngừng gửi lời nhờ vả cô quan tâm đến Nam nhiều hơn trong lớp để Nam có thể theo kịp bài học vì đã lỡ trong suốt thời gian qua. Sau đó, cô không trách mắng Nam mà chỉ vẫy tay nhẹ giọng gọi.
“Nam! Em ra khoanh tay cám ơn cô giáo nè.”
Nam chậm rãi cúi đầu đi đến bên Nga, không dám nhìn thẳng vào cô, mặt mày lấm lét khoanh hai tay lại.
“Dạ! Em cám ơn cô.”
Cô gái đưa tay xoa mớ tóc cháy nắng của Nam rồi cười hiền từ.
“Ừ! Ngày mai, em nhớ đi học đều lại nghen chưa? Bài học có gì không hiểu thì có thể nhờ cô dạy kèm lại sau giờ học. Chị em vất vả lo em và cả nhà như vậy. Em phải biết thương và nghe lời chị nghe chưa.”
“Dạ. Em biết rồi…”
Nam vẫn cúi đầu nhưng mắt thì ứa nước không dám nhìn Nga. Cu cậu lẽo đẽo đi theo sau chị ra đến tận cổng nhà trọ để tiễn cô giáo.
Nhìn bóng dáng cô giáo cỡ độ tuổi như mình đang phất phơ tà áo dài màu hồng phấn, kẽo cọt đạp xe ra khỏi con hẻm ngoằn nghoèo trong buổi chiều chạng vạng. Lòng Nga dù đang ngổn ngang như tơ vò cũng phải dâng lên một sự biết ơn thầm kín. Trong cuộc sống bộn bề lo toan này, vẫn còn đó những người thầy, người cô không chỉ cho học trò của mình những con chữ, mà còn cho cả một tấm lòng. Lúc này đây, cô bỗng nhớ bọn trẻ trên Ba Tư vô hạn.
Lâu rồi, Nga không ghé nhà chị Đào để hỏi thăm tình hình trên đó thế nào. Lần cuối cùng gặp chị, cô có gửi một chút bánh kẹo và sách vở cho học trò của mình. Cô nghe nói, công đoàn đã tìm được một cô giáo trẻ khác cũng đầy nhiệt huyết như cô năm xưa, tình nguyện lên đó truyền lại con chữ cho các em trong buôn. Chỉ cần nghe đến điều đó thôi, cô cũng đã cảm thấy lòng ấm lại. Sự dày vò vì đã bỏ rơi các em mà ra đi như vậy cũng vơi đi một phần nào. Cô cũng dặn đi dặn lại chị Đào không cho Tuấn biết nơi ở hiện tại của mình. Nhưng có lẽ, điều này cũng không còn quan trọng nữa. Vì nghe nói, Tuấn đã kết hôn với một cô gái mà gia đình đã mai mối. Cô thấy hơi buồn và tiếc rẽ cho Sa Ni. Cô nghe kể lại rằng, Sa Ni khi nghe tin Tuấn kết hôn và rời buôn thì đã sốc và đau buồn đến độ nghĩ quẩn, trầm mình xuống con suối ven buôn với ý định quyên sinh. Cũng may là có người đã kịp thời nhìn thấy và cứu kịp. Khi nghe tin đó, cô vừa mới từ Campuchia trở về. Gia đình bận lo tang lễ cho Nhân nên cô không kịp liên lạc với Sa Ni. Chỉ khi mọi chuyện yên ổn trở lại, cô có viết thư động viên nhưng lại không ghi địa chỉ ở Sài Gòn. Cô có thể hiểu được cảm giác mất mát và hụt hẫng của Sa Ni khi phải đối mặt với việc, người mình yêu thương giờ đã thuộc về một người con gái khác.
Khi Nga rơi vào trạng thái hoàn toàn tuyệt vọng với sự thật rằng, William không còn yêu thương cô nữa. Cô cũng đã từng nghĩ đến cái chết. Nhưng sau đó, cô đã tự đánh vào người mình khi đã ngu ngốc nghĩ đến ý định hèn nhát nhất đời đó. Cô còn cả gia đình yêu thương cô và chờ đợi cô ở Sài Gòn thì sao cô phải vì một người đàn ông xa rời cô mà dại dột làm chuyện đau lòng người thân như vậy? Nhưng cũng may mắn cho cô, vì lúc đó, cô còn Sa Ni, còn Tuấn, còn bọn trẻ con và cả buôn làng che chở cho cô. Nhưng Sa Ni lại không may mắn được như vậy. Trong lúc Sa Ni đau khổ và hụt hẫng, cả cô và Tuấn đều không ở bên cạnh.
Tuy nhiên, thực sự mà nói, lúc đó, dù trong cùng cực của nỗi đau, Nga vẫn nuôi chút hy vọng nhỏ nhoi rằng, William sẽ nghĩ lại mà về bên cô. Dù lúc đó, cô oán hận anh vô cùng nhưng từ trong đáy lòng lại vẫn yêu anh điên dại, yêu anh hơn cả mạng sống của mình. Giờ đây cô càng hiểu hơn điều này, vì tình yêu của cô dành cho anh cứ nhân gấp trăm nghìn lần theo thời gian mà không hề nguôi ngoai chút nào. Và chính vì lý do này mà cô cố gắng bấu vếu để sống đến ngày hôm nay.
Nhưng còn Sa Ni thì khác, Sa Ni chẳng còn gia đình thân thuộc nào. Đối với Sa Ni, Tuấn là tất cả. Vì thế, khi Tuấn kết hôn và rời buôn như vậy. Trước mắt Sa Ni chỉ còn là khoảng không gian vắng lặng và trống trãi. Ngay cả cô, người mà Sa Ni từng xem là chị em ruột thịt cũng bỏ Ba Tu mà ra đi. Cô áy náy lắm, cứ day dứt mãi việc đã không cùng Sa Ni vượt qua nỗi đau này.
Sau khi cô giáo Nam rời đi, Nga không nói với Nam một lời nào. Chỉ yên lặng viết thêm đơn xin việc để ngày hôm sau đi tìm thêm việc làm. Nam vẫn nguyên bộ đồng phục, thấy Nga ngồi chỗ nào, đứng chỗ nào là lại chạy đến ngồi gần lí nhí xin lỗi. Nga sau một hồi không nhìn, không nói chuyện hay trả lời Nam thì cũng mềm lòng, khi quyết định nâng mắt qua phía Nam để khuyên bảo em trai mình thì giọng đã nghẹn đắng, nước mắt rơi lả chả ướt nhem cả bộ hồ sơ làm Nam không bị đánh đòn hay mắng chửi mà vẫn khóc nức nở, ra sức hối tội với chị của mình.
“Em xin lỗi chị Ba. Chị Ba đừng có giận em. Chị Ba nói chuyện với em đi. Chị Ba mà cứ im lặng không quan tâm đến em như thế này thì em đau lòng lắm. Em là đứa em bất hiếu. Chị Ba làm việc cực nhọc để lo cho nhà, lo cho em ăn học mà em lại hư hỏng. Em xin lỗi chị Ba. Chị Ba tha tội cho em lần này…”
“Chị yên lặng vì muốn nghe lời giải thích của em. Chị biết, em trai chị không phải tự nhiên mà bỏ học như vậy. Chị buồn vì em không quan tâm đến chuyện học hành. Em biết, ba mạ trông đợi vào em, vào chị Ngân và chị Ngọc như thế nào không? Vì sao em dám bỏ học.”
Sau một hồi ngập ngừng, Nam mới lên tiếng nói.
“Dạ. Tại vì em không có tiền đóng học phí. Em thấy nhà mình khổ quá nên không muốn đi học nữa. Em muốn tìm việc gì đó làm để phụ giúp chị.”
“Chị có bao giờ muốn em làm chuyện đó không hả?”
“Dạ…em xin lỗi chị.”
“Nếu em không đến trường. Vậy mỗi ngày, em đều xách cặp đi đâu?”
Rõ ràng, mỗi buổi sáng, Nga đều gọi Nam dậy đi học. Thằng bé vẫn mặc đồng phục rồi đeo cặp vào đi học đàng hoàng. Lúc đi về, lại có vài vệt bẩn như kết quả của cuộc chơi đùa xô đẩy cùng chúng bạn trên trường. Vậy thật ra thì Nam đã đi đâu?
“Em…em đi…”
Nam vẫn ngập ngừng, cúi đầu không trả lời được câu hỏi của Nga. Cu cậu chỉ biết luôn miệng xin lỗi để làm nguôi ngoai cơn giận của chị gái.
“Vậy là đi chơi có đúng không? Nếu em muốn đi chơi thì chị Ba cho em đi chơi. Khỏi học nữa. Đưa cặp sách đây, chị đem ấy đứa nhỏ ham học nhưng không được đến trường. Em đã coi nhẹ việc học như vậy thì chị cho nghỉ học đi chơi cho sướng nha.”
Tức giận bỏ cây viết xuống sàn nhà, Nga đứng lên nhanh tay lấy chiếc cặp đặt dưới gầm bàn. Thế nhưng, khi vừa mở nắp cặp da màu xanh đã bạc màu của Nam, cô như chết lặng khi nhìn những bao ni lông và đồ ve chai đang bị bức bí mà ồ ạt tuôn xuống đất. Hai bàn tay cô run lên, chiếc cặp cũng từ đó rơi xuống đất. Cô lấy tay đưa lên khuôn miệng đang mở ra của mình vì sửng sốt, quay sang nhìn đứa em trai đang đỏ hoe mắt sợ hãi nhìn cô. Giờ cô mới biết nguồi gốc của vài ba chục ngàn mà Nam đưa cho cô trước đây. Lúc đó, cô hỏi Nam vì sao có số tiền này. Cu cậu chỉ gảy đầu cười cười là ông Thiên cho ăn quà nhưng không ăn mà để dành cho cô. Lúc đó, cô cảm động lắm. Cầm số tiền bạc lẻ trong tay mà sung sướng đến rớt nước mắt. Trong lòng hãnh diện vì biết em trai mình đã nên người.
Trong một khắc, nước mắt Nga ngập lụt mà tuôn ra, sự nghẹn ngào nhấn chìm cuống họng khiến cô không thể thốt lên lời nào, chỉ có trái tim thì đau đớn vô hạn trước khuôn mặt còn vẻ đầy vẻ lo sợ của đứa em trai hiếu thảo. Cô thả lỏng đôi vai gầy, ngồi phịch xuống bên cạnh Nam, đưa cánh tay gầy gò bao lấy cái đầu nhỏ của Nam vào lòng mình rồi tức tưởi khóc. Nước mắt tuôn ra ào ạt vừa thương xót, vừa trách cứ bản thân vì đã không toàn tâm toàn ý chăm sóc cho em út của mình được chu đáo. Cô oán trách bản thân cả việc không xem xét kỹ càng sự việc mà trách mắng oan ức cho đứa em hiếu thuận hiền ngoan của mình.
Bóng tối bao trùm khu nhà trọ nghèo, nước mắt của cả hai chị em dường như động lòng đến cả vầng trăng khuyết đang chế ngự trên cao. Từ đó mà dần trôi ra khỏi làn mây, tỏa thứ ánh sáng mờ ảo mang theo sự ấm áp như vỗ về những tấm lưng bé nhỏ đang tựa vào nhau.
Hai chị em ôm nhau khóc rất lâu. Sau đó, khó khăn lắm Nga mới nói ra được vài câu để em trai mình không phải sợ hãi và day dứt nữa. Thật ra, cô thừa biết, em trai mình không phải là đứa em hư hỏng. Bằng chứng là 5 năm học cấp 1, Nam đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lúc nào đi học về, Nam cũng đều cầm giấy kiểm tra điểm mười khoe với cả nhà. Cô biết, việc Nam chán học mà bỏ học như thế này cũng là do lỗi của cô đã không quan tấm đến em trai mình. Gia đình khổ sở, tiền không có mà đóng học phí như thế này thì làm sao các em cô đi đến trường mà học cho nổi đây?
“Thiên Nam à, chị Ba xin lỗi em. Tất cả là lỗi của chị. Chị không giỏi giang kiếm tiền được như người ta để cho các em một cuộc sống tốt hơn. Chị thực sự xin lỗi em vì đã la mắng em …”
Nghe Nga nói thế, Nam càng khóc lớn hơn, nước mắt đục ngầu ướt đẩm khuôn mặt của cậu bé vừa tròn 13 tuổi mà vô cùng hiểu chuyện và thương yêu gia đình.
“Dạ không. Tất cả là lỗi của em. Em đã không ngoan, không nghe lời chị. Em không tốt khi đã làm chị Ba buồn, chị Ba khóc. Em xin lỗi chị Ba…”
Vừa nói, Nam vừa ôm chặt lấy người Nga hơn, dũi cái mặt lem luốt vào lồng ngực cô khóc nức nở.
“Em trai ngoan của chị! Chi Ba không có giận em đâu. Em nín đi, đừng có khóc nữa. Ngày mai, em ngoan ngoãn vào trường học hành lại cho đàng hoàng là được rồi. Em nhớ phải nghe lời cô giáo, học hành chăm chỉ hơn thì mới theo kịp chương trình em có biết không?”
Thiên Ngân đứng khóc trong nhà tắm cũng chạy ra gục đầu vào lưng Nam, dang vòng tay ốm nhom ôm lấy em trai và chị gái vào lòng. Miệng không ngừng hứa hẹn sẽ không làm Nga buồn lòng nữa.
“Chị Ba ơi, tụi em thương chị Ba lắm. Tụi em xin lỗi chị Ba vì đã làm chị Ba buồn. Tụi em hứa từ rày về sau, tụi em sẽ không như vậy nữa. Tụi em sẽ học thật giỏi để ba mạ và chị Ba vui lòng. Tụi em sẽ học thật giỏi để sau này có việc làm, chăm sóc lại cho ba mạ và chị Ba. Tụi em sẽ không bao giờ quên ơn chăm sóc dạy dỗ của chị Ba. Từ ngày mạ bệnh, tụi em càng thương chị Ba nhiều hơn nữa. Nhìn chị Ba làm việc cực nhọc mà tụi em không làm gì được để giúp chị Ba. Tụi em thực sự rất là đau lòng lắm.”
Lời nói non nớt của hai đứa em vô cùng ngoan ngoãn và hiếu thảo không ngừng làm Nga rơi lệ, chỉ biết nhắm chặt mắt lại cố ngăn cho nó ngừng rơi. Nhưng sao lòng cô không tài nào kiềm được cảm xúc đau nhói này. Hai đứa em trong vòng tay dù đang truyền cho cô sức mạnh để bước tiến những ngày tiếp theo, nhưng sao nó vẫn không ngăn được những tiếng nghẹn ngào thốt ra từ cổ họng đắng nghét của cô trong lúc này.
“Mấy đứa đừng có lo gì hết. Chị Ba sẽ cố gắng làm kiếm tiền ấy đứa đăng tiền học và mua tập vở đầy đủ. Chỉ cần mấy đứa ráng học là được. Ba mạ mà biết mấy đứa không học hành đàng hoàng là ba mạ buồn lắm đó. Chị Ba cũng sẽ rất buồn. Chị Ba không sợ làm việc cực nhọc để lo ấy đứa. Chị Ba chỉ sợ mấy đứa không nên người. Nếu như vậy thì chị Ba làm sao ăn nói với ba mạ và với cả anh Nhân nữa. Mấy đứa mà không ngoan, không sống tốt thì làm sao có thể làm gương cho cháu trai của mình được hả?”
“Dạ, tụi em biết rồi. Chị Ba đừng có khóc nữa. Chị Ba khóc hoài tụi em buồn lắm. Tụi em học không có nổi.”
Nga nghe hai đứa em nức nở nói thì cô gắng kiềm lòng lại. Cuối cùng cũng nhanh chóng lấy tay quệt lệ đang ướt đẫm trên gương mặt xinh đẹp.
“Ừ! Chị Ba biết rồi. chị Ba không có khóc nữa.”
Đẩy nhẹ vai Nam ra khỏi lòng ngực mình, Nga vuốt vuốt khuôn mặt nhem nhuốc ướt đẫm mồ hôi và nước mắt của nó rồi nhẹ nhàng nói, giọng vẫn còn nghèn nghẹn.
“Thôi, em đi tắm rồi ăn cơm. Sau đó học bài rồi đi ngủ sớm. Mai còn đi học. Ngày mai, em có cần chỉ dẫn vô trường không?”
“Dạ thôi. Em tự đi được. Chị Ba bận mà…” Nam đưa tay dụi dụi mắt rồi lấy đồ đi tắm.
Thiên Ngân ngồi đưa tay lau nước mắt cho Nga, ôm chị nhõng nhẽo một lúc rồi quay sang ôm cu Nhật.
Nga quay lại gần nơi Nhật vẫn đang ngủ ngon lành, lấy chiếc ghế lùn làm bàn để tiếp tục viết hồ sơ xin việc. Thỉnh thoảng, cô lại quay sang nhìn Nhật đang ngủ say sưa rồi bất chợt chùn xuống khi nhớ đến Chi. Thằng bé có đôi mắt xếch y hệt mẹ. Chi đi đài Loan đã hơn 1 tháng rồi mà không thấy thư từ hay tin tức gì hết. Vì thế, cô định bụng, chiều nay, sẽ ghé sang nhà Chi để hỏi thăm. Tự nhiên, trong lòng đang ngổn ngang của cô lại nổi lên cảm giác bất an vô cùng…
Nắng lên cao, soi rọi cho ngày mới tươi sáng hơn, phủi bỏ một ngày hôm qua đầy ảm đạm.
Sau khi ghé trung tâm giới thiệu việc làm để tìm thêm một công việc, Nga đón xe buýt sang nhà Chi ở tận quận Thủ đức để hỏi thăm tin tức. Ngày Chi giao cu Nhật lại cho cô. Chi đã nói với cô là sẽ gửi thư về cho biết tình hình bên đó để cô khỏi lo lắng. Nhưng không hiểu sao, đã hơn tháng nay, cô vẫn chưa nhận được cánh thư nào. Điều này làm lòng cô cảm thấy vô cùng bất an và lo lắng. Cô thương Chi một thân một mình nơi xứ người, ngôn ngữ không biết, tiền bạc không có. Nếu có chuyện gì không may xảy ra, không biết Chi sẽ xoay sở như thế nào. Càng nghĩ đến Chi, cô lại càng thêm lo lắng. Dù Chi vẫn chưa là vợ chính thức của Nhân nhưng cô và gia đình luôn coi Chi như người thân trong nhà.
Nhân quen Chi khi anh vào học trường trung cấp dạy nghề thành phố. Nhân học điện tử còn Chi học ngành giáo viên mầm non. Chi vẫn thường lui tới nhà Nhân để thăm hỏi khi có dịp gì đó. Tính tình Chi hiền hậu và chịu khó nên bà Nguyệt và các con bà rất thương Chi. Cả hai quen nhau được hơn 5 năm và cũng đã định đến khi nào công việc ổn định thì tiến đến hôn nhân. Ai ngờ bi kịch đau lòng lại xảy ra khiến cặp uyên ương đang yêu thương nồng ấm phải chia xa vĩnh viễn.
Ngày biết tin Nhân mất, Chi như người mất hồn, mặt mày ngơ ngẩng như người mất hết lý trí. Suốt thời gian diễn ra tang lễ, cô chít khăn tang như một người vợ thực sự, gục đầu khóc ngày đêm bên quan tài Nhân không hề ăn uống và nghỉ ngơi một giây nào. Ai đến khuyên ngăn cô cũng đều bỏ ngoài tai, chỉ lặng lẽ khóc rồi đốt giấy tiền vàng bạc cho anh. Cô nói, mọi người đừng cấm cản cô làm điều này. Bởi vì đây là những giây phút cuối cùng mà cô có thể ở bên cạnh anh.
Nhân ra đi, để lại trong lòng Chi một nỗi đau không điều gì có thể chữa lành. Có lúc vì quá thương nhớ anh, cô tưởng như mình đã tìm đến cái chết để thoả ước nguyện được bên cạnh anh. Thế nhưng, trong giây phút tưởng chừng như tuyệt vọng đó. Trời Phật đã rủ lòng thương xót mang đến cho cô một sự sống mới đang dần nẩy mầm trong người. Nhật là lý do duy nhất trên đời khiến cô muốn tiếp tục sống. Vậy mà cuộc đời lại vốn éo le, liên tục đưa đẩy nổi đau này đến khó khăn khác, buộc lòng Chi phải rời xa núm ruột của mình, sang xứ người tìm cách mưu sinh để lo cho con và cha mẹ già ở Việt Nam.
Nga biết Chi đã phải đấu tranh tư tưởng và dằn vặt bản thân mình rất nhiều mới có thể để lại Nhật mà rời khỏi Việt Nam cùng chồng mới cưới như vậy. Ngoài lý do hoàn cảnh bắt buộc không thể mang Nhật theo. Nga biết một phần Chi cũng muốn dùng Nhật làm người thay thế cho sự mất mát to lớn của Nhân trong gia đình. Nhật sẽ là liều thuốc dịu kỳ nhất có thể xoa dịu nỗi đau mất con của bà Nguyệt, ông Thiên cũng như nỗi đau mất anh của Nga và các em.
Ngôi nhà cấp 4 dột nát của Chi nằm trong con hẻm sâu ngoằn trong một ấp nghèo ở quận Thủ Đức. Ngày trước, cô có đến đây vài lần cùng Chi và Nhân. Vì đã lâu rồi không đến, nên phải mất cả tiếng đồng hồ lân la tìm đường, cô mới được chỉ đến đây.
Căn nhà vẫn cũ kỹ như xưa và ngày càng ủ dột khi thiếu đi bàn tay chăm sóc của Chi. Bức tường rêu phong chi chít những vết nứt dài, mái tôn cũ kĩ xiêu vẹo như có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào, khiến cô nhăn mặt chua xót và thấp thỏm lo lắng trong lòng đang tá túc bên trong. Tần ngần một lúc rồi hít một hơi dài, cô mới quyết định tiến nhanh đến cửa hỏi vọng vào.
"Dạ, có bác Tám Khánh ở nhà không ạ?" Nga vừa hỏi, vừa quét mắt khắp nhà tìm kiếm bóng dáng nhỏ khó của mẹ Chi.
Đảo mắt quanh căn nhà vắng lặng đến lạnh lẽo, đồ đạc bề bộn khắp nhà. Nga gọi thêm vài lần nữa nhưng vẫn không nghe thấy tiếng người đáp trả. Cô định bước vào nhà tìm nhưng cuối cùng khựng lại vì không muốn mạo muội, mặc dù mẹ Chi rất thương và qúi cô như con cái trong nhà.
heart emoticon Các bạn đang xem tiểu thuyết "Em Còn Yêu Anh Không?" - Tác giả: Hanny Ho.
Em Còn Yêu Anh Không? Em Còn Yêu Anh Không? - Hanny Ho