Letting go means to come to the realization that some people are a part of your history, but not a part of your destiny.

Steve Maraboli

 
 
 
 
 
Tác giả: Vũ Trung Hiền
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Lý Mai An
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1854 / 26
Cập nhật: 2016-06-04 04:54:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 14
giờ chiều ngày 6 tháng 2, 1997, phi cơ đến không phận Paris. 4 giờ rưỡi, tôi ra khỏi khu vực lấy hành lý. Anh chị Vũ Đức Anh đã chờ sẵn ở đó. Anh tôi trầm giọng:
- Duyên Anh vừa mất sáng nay, lúc 8 giờ 25 phút.
Tôi bàng hoàng, không nói được gì. Chiếc xắc tay tôi cầm bỗng dưng nặng chĩu. Thì ra, trong lúc tôi đang bay; trong khi tôi nhớ đến anh nhiều nhất, Duyên Anh đã ra đi. Lòng tôi quặn đau, và nước mắt tôi ứa ra, đầm đìa trên má. Mãi cho đến khi đi bộ gần tới chỗ đậu xe, tôi mới lên tiếng:
- Bây giờ, mình đến thăm anh ấy, có được không?
Anh tôi nói:
- Nhà thương không cho đâu. Phải có thân nhân Duyên Anh dẫn vào mới được. Để sáng mai đi.
Sáng 7 tháng 2, anh tôi chở tôi, chị Duyên Anh và Sơn tới nhà thương Antoine Béclère. Chúng tôi vào khu nhà xác ở phía sau bệnh viện. Nhân viên bảo chúng tôi ngồi chờ trong một phòng nhỏ, để họ đem xác ra. Duyên Anh nằm trên bàn có bánh xe. Hai lớp vải, một xanh một trắng, quấn quanh và phủ lấy thi thể anh. Tôi đau đớn nhìn khuôn mặt hốc hác, vàng xạm. Trông anh như người đang ngủ say, mắt trái nhắm nghiền; mắt phải hơi mở ra một chút, tròng mắt lờ đờ dưới lớp mi. Vầng trán cao, mái tóc đen thoáng ít sợi bạc bên mép tai. Anh tôi đưa tay vuốt mắt phải của Duyên Anh cho nhắm kín lại. Tôi nghĩ, mắt bên phải nhắm không kín hoàn toàn, do ảnh hưởng tai nạn 1988, khiến phần bên phải cơ thể anh bị liệt.
Giở lớp vải che, tôi đặt tay lên vai và ngực Duyên Anh. Da thịt anh đã cứng. Và lạnh ngắt.
Duyên Anh của tôi đã chết, chết thật rồi!
Rời bệnh viện, anh Vũ Đức Anh lái xe đưa chúng tôi đến một số nhà đòn để thương lượng giá cả, và chuẩn bị cho tang lễ. Mất cả ngày, qua lại ba nhà đòn, mới tìm được một chỗ thuận tiện.
Theo sự sắp xếp, nhà đòn sẽ lo xong việc tẩm liệm trước 10 giờ sáng thứ sáu 14 tháng 2. Sau đó, xe tang sẽ đưa linh cữu anh đến một nhà thờ công giáo, để cử hành thánh lễ. Trước 2 giờ chiều, phải có mặt ở nghĩa trang Valenton, làm một lễ ngắn nữa, rồi sẽ hỏa táng.
Theo anh Đặng Xuân Côn, tro sẽ được giữ lại, để một nghệ sĩ điêu khắc, bạn của Duyên Anh, trộn với vật liệu, thực hiện bức tượng Duyên Anh…
Sáng thứ sáu, trời mưa tầm tã. Anh Vũ Đức Anh và tôi rời nhà từ 9 giờ, đinh ninh sẽ tới nhà thương trước 10 giờ để dự lễ nhập quan. Vào nhầm một exit, anh tôi phải đi vòng lại, để rồi kẹt ở một khu đông đúc xe cộ. Tới nhà thương, không còn chỗ đậu xe, phải đi vòng ra xa tìm chỗ để xe. Vào tới khu nhà xác thì đã 10 giờ 20. Xe tang vừa chở quan tài ra khỏi nhà thương. Tôi chạy ra bãi đậu xe, dưới cơn mưa lạnh, chặn ngang đầu một chiếc xe chở bốn người Việt nam.
Tôi hỏi người phụ nữ lái xe:
- Thưa bà, bà đi dự đám tang Duyên Anh?
Người đàn bà có vẻ sốt ruột:
- Vâng. Xin lỗi ông, tôi phải chạy theo, kẻo không bắt kịp đoàn xe.
Tôi bước theo chiếc xe đang từ từ lăn bánh:
- Bà có biết sẽ làm lễ ở nhà thờ nào không?
- Không. Thôi, tôi phải đi ngay đây.
Hai anh em tôi tất tả chạy về phiá mặt tiền nhà thương, nơi đặt điện thoại công cộng.Tôi quay số nhà Duyên Anh, hy vọng có ai ở nhà, chỉ đường cho chúng tôi đến nơi cử hành tang lễ.
Mọi người thân của anh đều đã đi khỏi.
Chúng tôi lại chạy xuống lầu, ra khỏi nhà thương. Tới đầu đường, tôi thoáng thấy chiếc xe màu tím của người phụ nữ ban nãy chạy sau một đoàn xe chừng mười chiếc. Chúng tôi nhìn theo, cho tới khi đoàn xe đi thêm chừng 500 m nữa, rồi quẹo phải ở một đèn xanh. Anh tôi vội vàng đi lấy xe, trở lại đón tôi, làm một U-Turn, và tiến về hướng đoàn xe vừa đi qua. Khi chúng tôi đến chỗ quẹo phải ở đèn xanh, đoàn xe tang cũng đã mất hút.
Dưới cơn mưa, chúng tôi ghé vào một nhà thờ nhỏ để hỏi thăm. Nhà thờ đóng cửa. Anh tôi chặn một người đi bộ, hỏi ông ta nhà thờ công giáo nào ở gần đó nhất. Người này chỉ đường cho chúng tôi.
Không đầy mười phút sau, chúng tôi đã có mặt trước cửa nhà thờ.
Tôi bước ra khỏi xe, nhìn lên bầu trời xám đục. Chung quanh tôi, những hàng cây bên đường chỉ còn trơ những cành khẳng khiu.
Mưa buốt lạnh giăng giăng trước mặt, thấm qua chiếc áo da tôi đang khoác trên người.
Xe tang đậu ngay lề đường trước nhà thờ. Bốn người đạo tì Pháp mặc complet đen khiêng quan tài vào nhà thờ. Thiên Chương, trưởng nam của Duyên Anh, hai tay ôm tấm ảnh 11x14 của bố, đi trước quan tài. Theo sau linh cữu là chị Duyên Anh, chị Đặng Xuân Côn, vợ của Chương, Sơn và tôi. Những thân hữu đến dự tang lễ, khoảng sáu bảy chục người, đứng thành hai hàng, bên lối đi, chờ cho quan tài và tang quyến vào xong, mới tiến tới các hàng ghế. Trong số các thân hữu, tôi nhận ra anh chị Mai Trung Ngọc, giám đốc nhà xuất bản Nam Á, sư huynh Trần Văn Nghiêm, người dịch hai tác phẩm Đồi Fanta và Những Đứa Trẻ Thái Bình ra Pháp ngữ, nhạc sĩ Lương Ngọc Châu và vợ ông, bà Phạm Thị Hoàn, con gái học giả Phạm Quỳnh, anh Bạch Thái Hà, một trong những người bạn thân của Duyên Anh ở Paris, chị Phương, chủ nhân nhà hàng Đào Viên, chị Mỹ Hòa của Tam Ca Ba Con Mèo, và anh chị Tô Văn Lai của Trung Tâm Thúy Nga. Rất tiếc, tôi không được biết tên những thân hữu khác, mà tôi tin chắc, các vị ấy phải yêu mến Duyên Anh lắm, mới nghỉ làm, và đội mưa đến dự tang lễ trong buổi sáng thứ sáu lạnh lẽo này.
Hai linh mục Đinh Đồng Thượng Sách và Jean Mais chủ lễ, với hai linh mục Việt nam phụ lễ. Tôi ngồi hàng ghế thứ nhì, sát bên chỗ để linh cữu Duyên Anh. Tấm ảnh bán thân của anh đặt trước quan tài phủ vải nhung màu tím, viền tua vàng. Một ý nghĩ chợt thoáng qua trong tôi “ Với ngòi bút dũng mãnh quyết liệt tấn công cộng sản Việt nam, vạch trần bộ mặt dối trá của họ trước dư luận quốc tế, và nêu cao chính nghĩa quốc gia trên mặt trận quốc tế vận, lẽ ra linh cữu anh phải được lá cờ vàng ba sọc đỏ phủ lên.”
Hai bó hoa tươi bọc giấy bóng kính đặt trên nắp quan tài.
Chiếc đôn bằng gỗ kê trước ảnh Duyên Anh, bên trên để một lọ sứ cắm năm bảy nén nhang.
Mấy vòng hoa phúng điếu đặt bên cạnh và phía dưới quan tài. Tôi đọc thấy, trên vòng hoa đặt sát bên tôi, hai hàng chữ A Notre Ami, Duyên Anh, của Trung Tâm Thúy Nga; vòng hoa cạnh đó, lời từ biệt Souvenir… của Nhà Xuất Bản Nam Á.
Linh mục Jean Mais đã dịch cuốn Một Người Nga ở Saigon ra tiếng Pháp.
Ông cũng là người làm lễ rửa tội cho Duyên Anh theo đạo Công Giáo, mấy năm về trước. Ông nói khoảng 15 phút về một đoạn sách trong Thánh Kinh, khi Chúa Jesus khuyên các môn đệ phải trở nên giống như con trẻ, nếu họ muốn vào Nước Trời. Ông liên hệ đến các tác phẩm Duyên Anh viết về trẻ thơ, và ca ngợi tâm hồn đôn hậu, trong sáng của Duyên Anh trong các tác phẩm đó. Linh mục Đinh Đồng Thượng Sách phát biểu với tư cách vừa là một người chăn trong giáo phận gia đình Duyên Anh sinh sống, vừa như một độc giả yêu mến tư tưởng nhân bản trong những cuốn sách của Duyên Anh mà ông đã đọc.
Nhà báo Lê Hồng Long, chủ nhiệm tạp chí Thế Giới Ngày Nay, đọc điếu văn ca ngợi Duyên Anh như “một nhà văn có sức sáng tạo dồi dào, khó ai bì kịp”, và “những đóng góp của Duyên Anh cho văn học và cho cuộc đấu tranh vì tự do của dân tộc là một sự nghiệp sáng chói, sẽ còn ảnh hưởng cho đến nhiều năm sau…” Theo anh Lê Hồng Long, sự ra đi của Duyên Anh “không chỉ là một mất mát riêng của những người thân, mà còn là một tổn thất lớn cho văn học, cho chữ nghĩa, và cho chính nghĩa.”
Tôi nhớ lại lúc Duyên Anh bị hành hung, hôn mê trong bệnh viện Humana ở Westminster, Lê Hồng Long đã từ tiểu bang Kansas, bay sang thăm ngay, và tôi đã gặp anh lần đầu tiên bên cạnh giường Duyên Anh.
Chỉ không đầy mười năm, sau ngày gặp nạn, Duyên Anh đã vĩnh viễn ra đi. Nghĩ lại, cuộc đời anh, có được bao nhiêu ngày sung sướng? Tôi nhìn lên ảnh anh đặt trước quan tài, đôi mắt sáng và hiền hòa biết bao! Văng vẳng bên tai tôi tiếng cười rộn rã, và giọng nói thân tình hôm nào ngoài vườn sau “Anh với Hiền, tuy không phải anh em ruột thịt, nhưng chúng mình như tay chân của nhau, có khi còn tay chân hơn cả anh em ruột thịt nữa. Anh có anh em gì ở đây đâu? Anh chỉ có em, là em của anh thôi.” Đôi mắt tôi bỗng mờ đi, và mũi tôi đẫm ướt.
Duyên Anh ơi, ngoài cha mẹ, anh em ruột của em ra, đã có ai yêu thương, chỉ bảo, an ủi, nâng đỡ, và bênh vực em như anh chưa? Nước mắt tôi chan hòa trên má.
Buổi ăn sáng sau cùng với anh ở quán hủ tiếu cá ở chợ Tàu, anh gọi thêm một tô cá không, ân cần ép em ăn thêm. Tôi bật khóc nức nở.
Lần chót ghé thăm anh ở nhà chú Dung, em có cái hẹn khác đang chờ, nên vội vàng quá, chẳng kịp nói gì nhiều với anh, cũng chẳng ngồi xuống bên cạnh anh, em thấy anh nhìn em buồn bã. Tại sao em không ở lại với anh thêm năm mười phút nữa, Duyên Anh nhỉ? Bây giờ, có muốn ngồi bên anh, có còn được nữa đâu! Tôi gập người lại, khóc đau đớn…
Rất bất ngờ, con trai út của Duyên Anh, Thiên Sơn, trao cho tôi bài thơ Thương Tiếc Duyên Anh của Cao Tần, nhờ tôi đọc.
Tôi gạt nước mắt, cố lấy lại bình tĩnh, bước lên bục, bày tỏ nỗi đau buồn của mình trước sự ra đi vĩnh viễn của Duyên Anh. Tôi nói lên lòng biết ơn của mình, như một độc giả yêu mến văn tài của anh từ ba mươi năm qua, đồng thời như một người em kết nghĩa đã được anh hết lòng thương yêu, đùm bọc.
Đây là bốn câu thơ Cao Tần gửi sang cho gia đình Duyên Anh, khi nghe tin anh qua đời:
Thương Tiếc Duyên Anh
Gặp lại hôm qua, chú học trò
Còn nuôi con sáo bạn ta cho
Ta đem khoe chú bông Thiên lý
Rực rỡ, huy hoàng như tuổi thơ
Cao Tần
Tang lễ đã xong. Đoàn xe quay về Plessis Robinson, dừng lại chừng năm phút trước khu chung cư, nơi Duyên Anh sống những tháng cuối cùng. Rồi cũng trong cơn mưa lạnh, dưới bầu trời xám đục của cả Paris đang nhỏ lệ tiếc thương, xe tang đưa anh tới khu đồi Valenton, một vùng ngoại ô cách đó chừng 20 km.
Anh em tôi đến Valenton lúc 1 giờ trưa, đậu xe lại, chờ tới giờ vào làm lễ lần chót trước khi thiêu xác Duyên Anh. Khoảng 1 giờ 20, một chiếc Volkswagon trờ tới, đậu cạnh xe chúng tôi. Nhìn sang, tôi thấy nữ danh ca Bạch Yến. Chị bước ra khỏi xe, dừng lại nói chuyện với chúng tôi. Anh Trần Quang Hải không tới được, vì phải qua Ý dạy học từ hôm trước. Anh chị Lương Ngọc Châu, chị Bạch Yến, và anh em tôi vào phòng để quan tài Duyên Anh lúc 1 giờ 45. Linh mục Sách đang đọc kinh làm lễ. Trong căn phòng 4mx4m, lúc ấy chỉ còn khoảng hơn một chục người. Tôi nhìn thấy anh Mai Trung Ngọc, anh Bạch Thái Hà, chị Mỹ Hòa, chị Phương của Đào Viên quán.
Linh cữu đặt trên chiếc bàn kim loại ở chính giữa phòng. Hai bó hoa tươi vẫn nằm trên nắp quan tài. Ảnh chụp Duyên Anh mặc áo veste màu nhạt, quấn khăn quàng cổ, đặt trên giá phía trước. Bàn kim loại nối liền với một đường hầm ở sát tường, cũng lót kim loại. Đường hầm này dẫn vào lò thiêu bên trong. Một cánh cửa đóng kín, ngăn cách bàn để quan tài và đường hầm.
Linh mục Sách nói gì, tôi chẳng còn nghe và hiểu được nữa. Khi tiếng hát thánh ca nhè nhẹ cất lên, cảm xúc trong tôi cuồn cuộn dâng tràn, khiến tôi nghẹn họng. Tôi sắp mất Duyên Anh vĩnh viễn. Chỉ còn mấy phút nữa thôi, thi thể anh sẽ bị những ngọn lửa ga cực mạnh thiêu đốt. Tất cả sẽ chỉ còn lại một đống tro tàn. Bao nhiêu tinh hoa, tài năng trong anh, rồi sẽ về đâu? Nhìn lên tấm ảnh, tôi thương Duyên Anh quá! Trong mười ba năm cuối đời, những ngộ nhận, chụp mũ, và thù hận liên tiếp vây quanh anh. Duyên Anh dũng cảm tự vệ, và chống trả, trong cô đơn, những xông hãm từ mọi phía. Sức mòn, lực cạn, càng ngày anh càng cô đơn hơn, và càng muốn giam mình trong nỗi cô quạnh. Bạn hữu anh, những người thực sự yêu mến anh, còn được mấy ai?
Không còn kềm giữ được nữa, tôi ôm mặt, khóc hộc lên.
Đó cũng là lúc một nhân viên nghĩa địa bước vào. Tôi liếc nhìn đồng hồ. 2 giờ đúng. Người đàn ông ấn một cái nút trên tường. Cánh cửa mở ra. Bên trong đường hầm, sâu phía trong, lửa đỏ rực. Hệ thống dây chuyền tự động đưa quan tài vào trong lòng lò thiêu. Cánh cửa kim loại đóng chặt. Nhanh quá, không đầy mười lăm giây!
Không còn lại gì. Chỉ còn trơ trọi tấm ảnh bán thân của Duyên Anh, mà bây giờ, tôi không dám nhìn nữa, vì tiếp tục nhìn, ruột tôi lại quặn đau.
Thân nhân và bạn hữu Duyên Anh lần lượt bước ra khỏi phòng.
Chỉ còn mình tôi, vẫn đứng úp mặt vào tường, cố ngăn những tiếng nấc nghẹn. Văng vẳng bên tai tôi, lời nhạc kỳ lạ của Hồn Muôn Năm Cũ, Duyên Anh mới làm hôm nào
Người xưa vẫn sống trong lòng người nay
Hồn xưa lay bóng, phất phơ cờ bay
Hương trầm tỏa khói ngất ngây, nhạc ấp u hoài…
Bắt đầu viết từ tháng 2, 1997
Viết xong ngày 16 tháng 8, 1999
Sinh nhật thứ 64 của Duyên Anh
Sửa chữa bản thảo lần cuối, tháng 1, 2000
Hình bìa và trình bày: Họa sĩ Trần Đình Thục
Duyên Anh Và Tôi Duyên Anh Và Tôi - Vũ Trung Hiền Duyên Anh Và Tôi