Đừng lo ngại cuộc sống sẽ kết thúc, hãy lo ngại cuộc sống chẳng bao giờ bắt đầu.

Grace Hansen

 
 
 
 
 
Tác giả: Vũ Trung Hiền
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Lý Mai An
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1854 / 26
Cập nhật: 2016-06-04 04:54:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
rước đó hơn hai tháng, tôi sang Paris tìm Duyên Anh. Tìm anh, để phần nào thực hiện mơ ước anh từng chia xẻ với tôi, tháng 4, 1975.
Từ đầu năm 1975, tôi hay đến gặp anh ở tòa soạn đường Bùi Thị Xuân. Thời gian này, Duyên Anh được Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn Hảo đãi ngộ kỹ lưỡng. Ông Hảo nhờ Duyên Anh làm tờ Cách Mạng Xanh, nhằm đề cao thành tích cải cách nông nghiệp và kinh tế của chính phủ. Theo Duyên Anh, Nguyễn Văn Hảo hay thảo luận với Duyên Anh về một số vấn đề xã hội, kinh tế; và thường tỏ ra trân trọng những ý kiến của anh.
Khi miền Nam sắp mất, Duyên Anh bàn với tôi, nếu có phải ra ngoại quốc, nên đi sang Pháp. Anh ao ước được sống đời giang hồ với tôi và mấy anh em trẻ khác: ban ngày kiếm việc gì vớ vẩn, cốt đủ sống thôi; buổi chiều về, làm thơ viết văn. Thỉnh thoảng, ra bờ sông Seine nhìn nước chảy, uống rượu với nhau…
Tháng 6, 95, sang Paris lần đầu tiên, tôi muốn được ngồi với Duyên Anh, bên dòng sông Seine, uống rượu chát, nhắc lại kỷ niệm xưa. Rất tiếc, tôi bắt hụt Duyên Anh. Anh đã đi London, rồi về chơi nhà bác sĩ Trần Kim Tuyến, thành phố Cambridge.
Cuối cùng, tháng 8, năm 1995, ở thành phố Pasadena, xứ Hoa Kỳ, chúng tôi cũng đã gặp lại nhau. Mở chai rượu Bordeaux 1989 kỷ niệm hai trăm năm cách mạng Pháp, anh Vũ Đức Anh cho, mang từ Paris về, uống cạn với Duyên Anh trong lần tâm sự đến nửa đêm, cũng coi như thỏa lòng lắm rồi. Duyên Anh và tôi, cách xa nhiều năm, gặp lại nhau, vẫn trong tình anh em quý mến, thì dù có ở Paris, Los Angeles, hay ở đâu đi nữa, đối với tôi, đã là hạnh phúc chẳng mấy khi có.
Sáng thứ bảy và chủ nhật nào cũng vậy, anh em tôi đều bắt đầu một ngày mới ngoài Chòi Duyên Anh, bên hai phin cà phê. Tại sao lại Chòi Duyên Anh? Duyên Anh hỏi tôi thế.
Một tuần trước khi Duyên Anh sang, tôi đã tự tay dựng xong một chiếc chòi sau vườn để đón anh. Chòi nằm dưới bóng mát một cây hồ đào. Tôi chở xi măng về đổ nền. Sáu bao xi măng Portland, loại 90 pounds, tôi rải đều lên một khoảnh sân hình chữ nhật đã cuốc cỏ, cắm cọc, chăng giây làm mốc. Tôi đinh ninh mình chỉ cần xịt nước lên, dùng cây 2x4 láng đều, xi măng sẽ tự động dính chặt vào lớp đất vừa cuốc.
Sáng hôm sau, tôi mới biết mình đã lầm. Và dại dột nữa: Lớp xi măng vừa tráng hôm trước, vỡ ra từng mảnh lợn cợn. Tôi phải khuân về sáu bao khác, cùng với cát và đá vụn. Trộn đá vụn với xi măng và cát, đổ nước vào từ từ, cuối cùng, tôi cũng có được một nền nhaø khá chắc. Dựng sáu cột 4x4 cho thẳng, tôi dùng cây 2x4 nối liền các cột lại thành khung. Đóng mái tôn nhựa màu xanh lá cây xong, tôi gắn khung mắt cáo chung quanh làm vách, và cho cây trường xuân leo lên đó.
Bên phải chòi kê một bàn nhìn ra hòn non bộ trông xuống ao thả sen, súng, lục bình, và mấy chục con cá vàng. Bàn lót gạch men trắng; hai ghế dài gắn liền với chân bàn. Đây là nơi Duyên Anh ngồi viết tiếp truyện Người Con Gái Ngồi Đợi Chuyến Tàu Về, và các bài cho tờ Việt Báo Colorado.
Từ sau ngày gặp nạn, Duyên Anh không còn dùng tay phải được nữa. Anh tập viết lại bằng tay trái. Thời gian đầu, trong hai năm 1990 và 1991, trong mấy thư ngắn Duyên Anh viết cho tôi, nét chữ anh vụng về, giống chữ mấy em bé đang tập viết. Nhưng chỉ vài năm sau đó, anh viết tay trái đã quen lắm rồi. Dĩ nhiên, viết khá khó khăn, so với thuở anh còn hoàn toàn khỏe mạnh. Mỗi khi viết, anh dùng một khối kim loại vuông vức, mỗi cạnh khoảng 3cm, đè lên tờ giấy, cho giâáy khỏi chạy. Anh vẫn thích dùng bút bi, nhưng không dùng giấy trắng khổ 8.5x11 như trước nữa. Anh thường dùng loại giấy khổ vở học trò, có kẻ hàng vuông vức.
Bàn cũng là chỗ chúng tôi uống cà phê buổi sáng; và nơi anh tiếp bạn bè đến chơi. Phía sau bàn, kê vừa chiếc trường kỷ, có nệm và gối. Miếng tôn mỏng và hai cánh cửa lưới dựng bên cạnh trường kỷ, để chắn gió lùa, và che cho khỏi chói nắng. Duyên Anh hay ra ngủ trưa trên chiếc trường kỷ này, hoặc không ngủ thì cũng nằm đó, nghe Mai Hương, Quỳnh Giao, Julie, và Châu Hà hát nhạc của anh. Buổi trưa im vắng. Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng gió lay nhẹ mấy bụi chuối trồng sau chòi, tiếng chim sẻ ríu rít trong bụi cây bên hàng rào phân chia nhà tôi với nhà hàng xóm.
Tôi nói:
- Biết đâu, sau này, thiên hạ sẽ tìm đến thăm căn chòi nhỏ bé này, như họ đã đi thăm ngôi nhà mộc mạc của Shakespeare ở Stratford-on-Avon?
Duyên Anh cười, tiếng cười hồn nhiên, sảng khoái:
- Ừ, biết đâu đấy.
Những hôm đi làm, tôi để sẵn trong tủ lạnh cho Duyên Anh một hộp cơm, và một hộp canh. Ở Mỹ đã mười mấy năm, tôi vẫn chưa thể khoái hamburger và taco được. Kẹt lắm, không còn gì ăn; họăc đôi khi phải đi ăn chung với đồng nghiệp bản xứ, tôi mới đành chịu nhaù đồ ăn Mỹ. Vợ tôi thường nấu một nồi canh rau lớn, múc ra những hộp nhỏ, ghi chữ B ở nắp hộp, bỏ vào ngăn đá. Cơm cũng vậy. Cá kho, thịt kho, hay món mặn món xào gì đó, vợ tôi cho vào những hộp cơm, nắp đề chữ A, xếp vào ngăn đông lạnh. Sáng sáng thức dậy, tôi chỉ cần nhắm mắt, lấy một hộp A, một hộp B, xách theo, là đủ cho ngày hôm ấy rồi. Đến trưa, chỉ trong vòng năm bảy phút dùng microwave, tôi đã có cơm canh nóng trước mặt.
(Thời gian Duyên Anh ghé nhà, vợ tôi đi Việt Nam thăm ông nhạc tôi. Tôi trở thành tên độc thân bất đắc dĩ, và được hoàn toàn tự do về giờ giấc).
Những ngày tôi đi làm, buổi trưa, Duyên Anh ở nhà, cũng cho hai hộp cơm canh vào microwave, ăn tạm, cầm cự tới chiều, chẳng phàn nàn gì cả.
Chiều về, cao hứng muốn nấu ăn, chúng tôi ra vườn nhà, hái rau cần, rau lang, rau muống, hoặc ngắt quả bầu, quả bí vào xào lên, ăn với cơm nóng. Làm biếng thì lái xe xuống khu Alhambra, San Gabriel ăn phở, cơm sườn…
Bên ly cà phê, Duyên Anh đọc cho tôi nghe phần giới thiệu bài viết về món cua đồng, trích trong Ca Dao Quyện Lấy Miếng Ngon Dân Tộc:
“ Anh Phạm Hữu, anh Mai Trung Ngọc, và em Vũ Trung Hiền thích con cua, và thích độc quyền con cua. Càng thích hơn, khi văn chương bình dân và văn chương bác học làm tan nát đời cua một cách dễ yêu. Anh Mai Trung Ngọc khoái tiếu lâm con cua, và vọng cổ con cua. Anh Phạm Hữu khoái ngang như cua và các ông sư đang niệm Phật vì con cua. Em Vũ Trung Hiền khoái ca dao con cua. Bài này viết tặng ba người.”
Thấy tôi cười thích thú vì lối giới thiệu kỳ lạ, Duyên Anh nói:
- Em thấy đó, viết cái gì, anh cũng nghĩ tới em hết.
Đọc cho tôi nghe vài đoạn viết về món chả cá Thăng Long, Duyên Anh ngậm ngùi:
- Đất nước mình khốn nạn từ khi miền Bắc du nhập chủ nghiã cộng sản, và miền Nam chịu sự khống chế của chủ nghĩa tư bản. Bây giờ đã đến lúc mình phải tạo ra một chủ nghĩa mới, anh gọi là chủ nghĩa tiểu tư sản, để thay thế hai chủ nghĩa lạc hậu, tư bản và cộng sản.
- Nhớ lại thời nhà Trần, nhà Lý, Việt Nam mình oai hùng biết bao!
- Thuở ấy mình lấy Thăng Long làm kinh đô. Bây giờ, anh nghĩ, nếu đất nước lấy quốc hiệu là Đại Việt, đổi tên thủ đô thành Thăng Long như cũ, và áp dụng chủ nghĩa tiểu tư sản, tương lai dân tộc chắc chắn sáng sủa hơn nhiều. Em cứ đọc lại những gì anh viết về ca dao đi, em sẽ hiểu tư tưởng mới của anh.
- Như vậy, anh viết ba cuốn sách về ca dao với mục đích gì?
- Ca dao là một kho tàng vô giá của dân tộc, mà chưa mấy người để ý khai thác. Càng đào sâu ca dao, ta lại càng thấy các thi sĩ bình dân của mình là nhất. Từ ca dao và vè, mình có thể rút ra được nhiều cái để đánh cộng sản nữa.
Tôi ngạc nhiên:
- Dùng cả vè nữa? Anh thử thí dụ xem.
Duyên Anh chậm rãi:
- Đây nhé, em còn nhớ mấy câu vè Lạy cậu lạy mợ, cho cháu về quê, cho dê đi học, cho cóc ở nhà, cho gà bới bếp, vân vân, và vân vân… Anh sẽ viết, đại khái như thế này: “ Trong thời đại của chúng ta, hình ảnh cho dê đi học, cho cóc ở nhà, nó đã xa lắm rồi. Bây giờ, đất nước ta chỉ còn hình ảnh những người bừa thay trâu cày thôi. Các cậu, các mợ ở đây, chính là các cậu mợ thống trị đang ngồi ở Hà nội, để đày đọa cả một dân tộc. Các cậu mợ không cho phép tôi về, quả là đúng thôi. Tôi sẽ cứ ở lại đây, lưu vong cho đến khi tôi chết. Bởi vì cậu mợ không muốn tôi nhìn thấy những con người phải cày bừa thay cho trâu bò trên đất nước tôi.” Em cứ chờ xem, rồi thiên hạ sẽ để ý, sẽ đọc ca dao, và sẽ thấy cái hay của nó thôi…
Tôi hỏi:
- Cái gì thôi thúc anh viết về ca dao?
- Không biết nữa. Có thể Chúa muốn cho anh làm công việc này. Tự dưng, anh đang ốm dậy, ý nghĩ viết mấy cuốn sách về cái hay, cái đẹp của ca dao, chợt nẩy sinh. Thế là anh ngồi vào bàn, bắt đầu viết thôi. Anh nghĩ, có lẽ đây cũng là một thử thách, xem những ai còn có thể đứng vững, những ai còn tiếp tục tài hoa, trong cái thế văn chương lưu vong này….
Nhấp một ngụm cà phê, và đốt thêm điếu thuốc khác, Duyên Anh nói tiếp:
- Vì thế, anh thích công việc này lắm, quên cả mình đang chân bại, tay liệt. Vì dường như, Chúa đang gửi cho anh một sứ mạng. Chứ trước đây, có bao giờ em nghe anh nói về ca dao đâu? Anh nghĩ, có lẽ Chúa định sẵn cả rồi….
- Sau ba cuốn này, anh còn viết về ca dao nữa không?
- Có chứ, anh còn viết nữa chứ. Đặc biệt, trong cuốn Về Với Ca Dao, anh chê những nhà văn miền Bắc ghê lắm…
- Miền Bắc Hà Nội ấy hả?
- Không, đây là anh muốn nói đến số nhà văn từ miền Bắc di cư vào miền Nam sau 1954 thôi. Họ đã có vẻ không biết ơn quê hương miền Nam, nơi đã dung dưỡng và đãi ngộ họ. Anh nhắc lại câu Nguyễn Hữu Chỉnh nói với Nguyễn Huệ “Nhân tài Bắc Hà chết hết rồi, chỉ còn mỗi mình Chỉnh này thôi.” Tới 1954, Văn Cao, trong bài hát Thăng Long Hành Khúc, lại xác nhận điều Nguyễn Hữu Chỉnh nói là đúng. Văn Cao đã viết “…Bao năm qua, khắp chốn cũ đã mất hết tinh anh rồi…” Phải nói về Bắc Hà trước, rồi mới nói đến ca dao miền Bắc, và so sánh ca dao miền Nam với ca dao miền Bắc. Để kết luận, anh xác nhận: so sánh ca dao miền này với ca dao miền kia là việc làm sai lầm. Ca dao là gia tài của cả dân tộc, của cả ba miền đất nước, không có chuyện ca dao của miền này, ca dao của miền kia. Bởi thế, anh viết thêm một bài nữa, bài Ca Dao Vùng Đất Mới. Gọi là vùng đất mới, vì là đất của Chiêm Thành và Thủy Chân Lạp, mình mới chiếm trong vòng bốn năm trăm năm nay thôi. Anh viết về những phá thể của ca dao miền Nam, viết như một cách bày tỏ lòng biết ơn của anh đối với sự đãi ngộ ưu ái người miền Nam đã dành cho anh, một thằng bé nhà quê làng Tường An, huyện Ô Mễ, tỉnh Thái Bình, đất Bắc Kỳ, lưu lạc miền Nam hơn hai mươi năm, được miền Nam thương yêu, nuôi dưỡng. Anh nói “Tôi xin đem hết cái khả năng tôi có để viết, và viết được như thế thôi. Còn nếu muốn cho ca dao miền Nam có dáng đứng đặc biệt của nó, thì phải để cho các ông nhà văn sinh trưởng ở miền đất mới này viết, mới hay được. Khả năng của tôi chỉ có thế thôi.”
Ngừng lại một lát, có vẻ suy nghĩ, Duyên Anh tiếp:
- Anh tin, cuộc cách mạng sắp tới của dân tộc mình sẽ phải xảy ra ở miền Nam trước. Vì thế, mình phải ca tụng người dân miền Nam một chút mới được. Ca tụng cũng đúng thôi. Vì miền Bắc đã từng làm nên lịch sử rồi. Bây giờ, phải là lúc miền Nam đứng dậy, làm lịch sử. Chỉ có dân miền Nam mới làm tiếp lịch sử được thôi.
Tôi hỏi:
- Viết về ca dao, anh thấy khó không?
- Khó hơn chứ. Khó hơn viết tiểu thuyết nhiều. Viết về ca dao, y như mình làm một bài luận vậy. Không thể viết dài quá hai mươi trang được. Tiểu thuyết thì mình tha hồ viết, muốn kéo dài đến đâu cũng được.
Tôi hỏi về cuốn tiểu thuyết Một Tù Binh Mỹ ở Việt Nam, bản Pháp Ngữ. Duyên Anh cho biết sư huynh Trần Văn Nghiêm đã dịch xong, nhưng người đại diện văn chương của Duyên Anh, Ghislain Ripault, khuyên anh nên sửa một vài chỗ đã, rồi mới cho xuất bản.
Anh nói:
- Anh đang dự tính viết một cuốn tiểu thuyết mới mang tên Người Lính Mỹ, Thằng Bé, và Con Dế.
- Nghe tên truyện, cũng đã thấy lạ rồi.
- Ừ. Đây là một truyện dài. Anh muốn, nhân dịp này, bốc ca dao của mình lên thật cao. Vì, anh sẽ bắt cả người Mỹ cũng phải học, phải yêu mến ca dao Việt Nam.
- Cốt truyện sẽ như thế nào?
- Đây nhé, lính Mỹ đóng đồn gần một làng ở miền Trung. Anh lính Mỹ cùng đơn vị hành quân, gặp thằng bé trong làng, và hai đứa làm bạn với nhau. Rồi, một trận đánh giữa Mỹ và Việt cộng. Dân làng kẹt ở giữa. Anh Mỹ cứu được thằng bé. Thằng bé cứ ôm chặt một hộp diêm, khóc mãi. Anh lính lấy đồ ăn đem theo trong ba lô, cho nó, nó cũng không nín. Gỡ cả đồng hồ trên tay, đưa cho thằng bé, nó cũng không nhận. Cứ khóc mãi.
- Bởi vì con dế của nó chết?
- Ừ. Nhưng lúc ấy, anh lính Mỹ trẻ này đâu có hiểu như vậy?
- Anh kể tiếp đi.
- Thế rồi, anh lính phải rời Việt Nam, không gặp lại thằng bé nữa. Về Mỹ, anh ta cứ thắc mãi về Việt Nam; vẫn nhớ tới thằng bé. Rồi anh ta đi học tiếng Việt Nam, và tìm cách trở lại Việt Nam, kiếm thằng bé. Lúc này, nó đã là một thiếu niên. Gặp lại nó trong một trận đá dế. Anh lính Mỹ hỏi nó: Em có nhận ra tôi không?
Làm sao thằng bé nhớ được. Nó hỏi anh lính: Ông tên là gì nhỉ? Anh Mỹ nói: Tôi tên là John. Hồi đó, tôi cứu em, trong một trận đánh. Em cứ khóc mãi. Tôi cho em nhiều thứ, mà em cũng không nín.
Thằng bé nhớ ra. Thế là hai thằng thân nhau. Thằng bé đưa anh lính Mỹ đi xem các thắng cảnh ở miền Trung, cho anh ta xem chọi gà, đá cá nữa. Anh Mỹ thích lắm. Thế rồi, anh lính gặp chị của thằng bé. Cha mẹ thằng bé chết cả rồi. Nó sống với chị nó thôi. Hai đứa nói chuyện ca dao. Cô gái chinh phục anh Mỹ bằng những cái đẹp của ca dao. Anh lính yêu chị thằng bé, ngỏ ý xin cưới chị nó, và đưa hai chị em về Mỹ, để cuộc sống hai chị em được đầy đủ hơn. Hai chị em thằng bé không thích đi Mỹ. Chúng nó yêu quê hương nghèo khổ Việt Nam hơn. Thế là, anh lính Mỹ quyết định xin ở lại, để được sống gần hai chị em thằng bé…Truyện này, mà viết ra, chắc Mỹ nó thích lắm đấy…
- Anh dự tính viết truyện này từ bao giờ?
- Lâu rồi. Chắc từ hồi bắt đầu suy nghĩ viết về ca dao.
- Như vậy, anh đã bắt đầu viết chưa?
- Chưa. Nhưng viết thì cũng dễ thôi. Suy nghĩ mới khó. Tìm ra được một đề tài để viết mới khó. Có đề tài ấy rồi, thì viết ra dễ lắm. Anh chỉ còn mỗi một thắc mắc, là không biết nên cho nhân vật lính Mỹ này xưng tôi, để nó thuật lại như một thứ tự truyện, hay đặt cho nó cái tên John, và để nó ở ngôi thứ ba.
- Anh có nghĩ, nếu cho nhân vật xưng tôi, mình sẽ bị giới hạn….
- Không, không giới hạn tí nào hết. Bởi vì, khi xưng tôi, nhân vật của mình có quyền suy nghĩ và lý luận nhiều hơn, trong khi các nhân vật kia thì không được cái quyền ấy.
- Nhưng nếu nhân vật tôi đang ở phòng bên này, làm sao anh ta biết, và kể lại được chuyện gì đã xảy ra cho hai ba nhân vật ở phòng bên cạnh?
- Thì mình phải cho nhân vật xưng tôi bước qua phòng bên cạnh chứ. Dĩ nhiên, nó không thể ngồi bên này, tưởng tượng ra bên kia họ nói cái gì được.
Tôi hỏi:
- Hôm nọ, qua điện thoại, anh còn nói có cuốn sách gì viết về trẻ con Mỹ lai?
- À, cuốn Những Đứa Trẻ Con Mỹ Hẩm Hiu, anh viết xong năm ngoái.
Sư huynh Trần Văn Nghiêm dịch sang tiếng Pháp rồi. Bọn nhà xuất bản Tây chúng nó thích lắm. Chúng nó bảo anh cứ tiếp tục viết một loạt truyện như thế này.
- Đại khái, anh viết về bọn trẻ lai này như thế nào?
- Mỗi đứa một hoàn cảnh riêng. Có đứa vượt biên, rồi phiêu lưu sang Mỹ, đi làm du đãng, trả thù cuộc đời. Có đứa ra đi chính thức, tới nơi mới thấy cái ê chề ở xã hội mà nhiều người vẫn tưởng là miền đất hứa. Có đứa quyết định ở lại quê mẹ, dù quê mẹ thiếu tiện nghi, nghèo khổ. Vì quê mẹ có yêu thương, có ca dao, quê mẹ đầy ăép tình người… Đ.m, hay lắm cơ! Anh nghĩ, thằng Oliver Stone phải làm phim này, để trả nợ cho nước Mỹ mới được. Đ.m nó, ông Duyên Anh què rồi, chỉ nằm một chỗ, thấy cảnh bọn Mỹ đón rước những đứa trẻ lai về; rồi đọc hết các tài liệu về trẻ Mỹ lai, biết được những nỗi đau khổ của chúng ở miền đất mới. Cuối cùng, anh mới ngồi xuống, viết thành cuốn tiểu thuyết này. Dĩ nhiên, anh dựa trên một số dữ kiện có thật, nhưng mình cũng phải tạo dựng một số hư cấu chứ? Tiểu thuyết mà. Có phải mình viết phóng sự đâu?
Duyên Anh cười một chuỗi dòn tan rồi tiếp:
- Đến Ca Dao Quyện Lấy Những Món Ngon Dân Tộc mới hay nữa cơ. Mỗi câu chuyện có một kết luận riêng. Anh dự tính lần này, mình chỉ in mỗi thứ một trăm cuốn thôi. Kẻo chúng nó bảo, sách ở Mỹ này không ai thèm đọc, vì bầy bán chung với nước mắm, nước muối ở các siêu thị. Sách của mình, sẽ không tặng bất cứ ông văn hào, thi hào nào hết. Ai muốn đọc, xin cứ đến hiệu sách, hỏi mua đàng hoàng. Bán xong một trăm cuốn mỗi thứ, là tuyệt bản luôn. Như vậy nó mới quý, em ạ. Để xem bọn nhà xuất bản ở đây nó sẽ nghĩ như thế nào…
- Thây kệ họ, anh ạ…Mình cứ việc đường ta, ta cứ đi thôi….
Duyên Anh cười méo mó:
- Anh cam đoan, thấy người ta tìm đọc sách của mình, chúng nó sẽ tìm cách in lậu cho mà xem.
*
* *
Hôm sau, nhân bàn tới mấy câu ca dao:
Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân
Anh em như thể tay chân
Anh em hòa thuận hai thân vui vầy
Duyên Anh nhìn sâu trong mắt tôi, bùi ngùi:
- Anh với Hiền, tuy không phải anh em ruột thịt, nhưng chúng mình như tay chân của nhau, có khi còn tay chân hơn cả anh em ruột thịt nữa. Anh có anh em gì ở đây đâu? Anh chỉ có một mình em, là em của anh thôi.
Chiều chiều, tôi đi làm về, ra vườn sau ngồi nói chuyện với Duyên Anh ngoài chòi. Anh khoe với tôi những gì vừa viết trong ngày. Duyên Anh đọc cho tôi nghe bài tường thuật một ký giả ở Denver, Colorado phỏng vấn anh:
KG: Thưa nhà văn, xin ông phát biểu cảm tưởng khi tới Denver.
DA: Xin đừng gọi tôi là nhà văn. Nó rậm rà, trịnh trọng, và khôi hài quá. Mà tôi cũng không phải là nhà văn. Gọi tôi là thợ viết, đúng nghĩa nhất. Bạn chớ chê vội. Trên cõi đời này, đã có thợ mộc, thợ nề, thợ may, thợ rèn, thợ hút cầu tiêu, phải có thợ viết nữa chứ? Thợ viết chuyên nghiệp và thợ viết tài tử. Viết văn, lấy tiền đong gạo, chẳng phải thợ viết, thì là thợ gì? Các thứ thợ trên cõi đời này đều giống nhau, bình đẳng và dân chủ hết chỗ chê. Những nhà văn khác không thích bạn gọi họ là thợ viết. Riêng tôi, xin bạn cứ tự do gọi là thợ viết. Tôi sung sướng lắm, hãnh diện nhiều. Trở về câu hỏi cuả bạn, bạn muốn tôi phát biểu cảm tưởng khi tới Denver. Tôi xin kể một chuyện hơi tiếu lâm trước khi phát biểu. Thưa bạn, trong một bữa tiệc kia, linh đình và quý phái, mọi người đều phát biểu cảm tưởng, trước khi ăn uống. Đến phiên ông nhà văn, ông phát biểu bằng câu chuyện lạ bốn phương. Nhà văn kể: Ở một khu rừng nọ, có một con hổ dữ, chuyên bắt người về ăn thịt, vì con hổ ấy thù người kinh khủng. Ai đi qua khu rừng ấy đều sợ sệt kinh khủng. Nhưng rồi, ngày kia, có người gặp hổ, chỉ nói có mỗi một câu, mà hổ kia co cẳng chạy mất hút. Khách dự tiệc nhất loạt hỏi loạn lên: “Con người đọc thần chú? Con người có bùa ngải? Con người có dáng dấp Hồ Chí Minh tiên sư?” Nhà văn lắc đầu: “ Con người nói một câu giản dị thôi.” Tân khách sốt ruột: “Nói câu gì? Nói ra sao?” Nhà văn trợn mắt: “Được, cứ ăn thịt tao đi. Nhưng trước khi ăn, phải phát biểu một phát cảm tưởng đã!” Con hổ sợ phát biểu, cúp đuôi, chạy mất. Bạn ơi, bạn yêu cầu tôi phát biểu cảm tưởng khi tới Denver, tôi kinh hãi, muốn cút khỏi Denver gấp.
KG: Tưởng ngài nổi tiếng, tôi mới phải dùng chữ đao to búa lớn. Nay, tôi xin hỏi lại, thưa ngài thợ viết, ngài thấy Denver như thế nào?
DA: Cám ơn ngài đã vinh tôn tôi là thợ viết. Thưa ngài, Denver nóng thấy bà nội. Mồ hôi chảy như tắm.
KG: Thưa ngài, ngài đã đi xem hết danh lam thắng cảnh Colorado chưa?
DA: Chưa một nơi, và sẽ chẳng bao giờ nhiều nơi.
KG: Sao vậy?
DA: Dễ hiểu thôi. Ngày chưa lưu vong, tôi đi nước người, hám danh lam thắng cảnh đường xa xứ lạ lắm. Tôi trở lại Việt Nam, tả mấy danh lam thắng cảnh này trên mặt báo. Thực ra, tôi phịa, phịa vung vít, phịa vung xích chó. Cái sự đi xa về nhà nói phét nó như vậy đó. Độc giả nào đã phục tôi, sẽ phục tôi hơn. Hỡi ơi, bây giờ, mang thân lưu vong, hàng triệu người lưu vong; có ít nhất hai muơi ngàn dân lưu vong đã du ngoạn Denver, Colorado rồi. Tôi còn gì để viết nữa? Không còn quê nhà, đi xa về, đâu có còn biết nói phét với ai? Còn nói phét với tôi, mất hết cảm hứng. Thôi, tôi đề nghị ngài hỏi chuyện khác.
KG: Thưa ngài, ngài vẫn còn viết văn?
DA: Bằng tuổi tôi, nhiều nhà văn đã đói chữ nghĩa, đã biến thành gươm giáo rỉ cả rồi. Họ không còn hơi thở văn chương để phục vụ các nhà xuất bản ăn cắp nữa. Họ chỉ còn mấy ngón tay khỏe, đủ để ngồi buồn gãi háng, giái lăn tăn thôi.( Duyên Anh nhắc lại câu thơ của cựu thủ tướng Trần Văn Hương làm, thời cụ bị Pháp bắt giam. Trong nguyên bản, cụ Hương viết “Ngồi rù”, chứ không phải “Ngồi buồn” ). Riêng thợ viết là tôi, từ ngày bị tai nạn, tôi lại vẫn viết văn được, và viết được nhiều, mới chết chứ! Cám ơn hiệp sĩ bồ tát, nhân danh tình nghĩa con người, khện con người một cú, khiến tôi cô ma năm ngày đêm, và bán thân bất toại vĩnh viễn. Nhờ tâm hồn độ lượng của hiệp sĩ bồ tát, tôi được viết bằng tay trái.Viết bằng tay trái thì chậm lắm. Nhưng chậm mới suy nghĩ nhiều hơn. Và trí nhớ của tôi lại thăng hoa. Ngài biết không, riêng năm 1994, tôi cao hứng vô vàn, viết được sáu cuốn, gọi là sáu tác phẩm, hay sáu tác phẩn, cũng được. Người ái mộ, thì âu yếm gọi là tác phẩm. Kẻ ghen ghét, thì phũ phàng gọi là tác phẩn. Ngài ơi, tôi vẫn viết văn, trong ngày tháng chờ chết. Tôi chỉ còn mỗi hai cái thú: viết văn và hút thuốc lá. Sơ sơ, tôi đã có hai muơi tám tác phẩm mới toanh. Tính từ khi bắt đầu hành nghề thợ viết, tôi đã hoàn thành tám mươi tác phẩm rồi.
KG: Ngài cho đăng dần trên các báo chí nào vậy?
DA: Báo khắp thế giới lưu vong của dân Mít. Úi giời ơi. Báo chí Việt Nam lưu vong chỉ vinh tôn quảng cáo, chứ không trọng đãi tiểu thuyết. Quảng cáo làm báo chí khởi sắc, giầu lên. Còn tiểu thuyết làm báo chí xuống sắc, nghèo đi. Tiểu thuyết đăng 5 trang, nhuận bút kém 1 trang quảng cáo. Một tháng đăng tiểu thuyết một kỳ, nhận 20 đô la xanh, thợ viết sống sao nổi?
KG: Tôi cứ tưởng thợ viết không cần tiền, chỉ cần FREE lấy tiếng?
DA: Vâng, thưa ngài, thợ viết chê tiền, khinh tiền, ném tiền qua cửa sổ. Thợ viết hào hùng và rộng lượng ghê lắm. Tiền mà làm ra văn chương ư? Chỉ tiếc, chủ báo đã quên khuấy, không mang gạo, nước mắm, tôm khô, hành tỏi… đến cho thợ viết. FREE cũng không ngửi được mùi thơm bất hủ của mỡ hành.
KG: Tóm lại, thợ viết không cộng tác với báo nào?
DA: Vâng.
KG: Chắc chứ?
DA: Chắc như cua gạch Bắc Ninh.
KG: Tôi thấy thợ viết đã đăng tiểu thuyết của ngài trên báo Ngày Nay ở Wichita?
DA: Ngài không biết thợ viết, ngoài tiền, còn phải có tình nữa chứ?…”
Duyên Anh ngưng đọc ở đây. Anh nói:
- Mới chỉ viết đến đó thôi. Bài phỏng vấn của báo Pháp, mình trả lời đứng đắn quá, sang bài này, mình phải viết cho độc giả cười một chút.
Tôi hỏi:
- Tờ báo nào của Pháp vậy?
- Một tờ báo của người Công Giáo.
Vừa nói, anh vừa đưa cho tôi xem tờ tạp chí. Tấm ảnh màu chân dung Duyên Anh chiếm trọn trang bìa. Anh cười:
- Trong tờ này, có in hình ông giáo hoàng nữa. Nhưng hình ông ấy không to bằng hình anh.
Liếc qua những câu hỏi trong bài phóng viên tạp chí Pháp phỏng vấn Duyên Anh, tôi thấy họ đề cập tới những đề tài thông thường về tác giả và tác phẩm, mà bất cứ cuộc phỏng vấn nào cũng phải có.
Tôi nhìn khối kim loại anh đặt trên xấp giấy:
- Anh kiếm cái cục này ở đâu vậy?
- Ở nhà Đặng Xuân Côn, hồi 90, 91, lúc mới tập viết lại bằng tay trái. Bây giờ, đi đâu cũng phải lôi nó theo. Không có, là không viết gì được đâu đấy.
- Anh dùng nó làm thước kẻ nữa?
- Ừ, nhưng công dụng chính là để chặn giấy, cho nó khỏi xê đi, dịch lại.
- Như vậy là anh cũng nhiều sáng kiến ghê lắm đấy chứ?
Duyên Anh cười dòn một hồi, rồi nói:
- Anh còn nhiều sáng kiến nữa cơ. Cái thằng bị bệnh hoạn nó lại càng phải có sáng kiến nhiều hơn mấy người lành lặn. Nó nghĩ ra cách để đi cầu được một mình, đi tắm một mình. Mỗi khi đến một nhà mới nào, anh phải quan sát xem phòng tắm của nhà người ta như thế nào, để mình vào tắm, không thiếu cái gì, và không phiền đến chủ nhà.
Tôi hỏi:
- Thế phòng tắm ở đây, anh có thiếu cái gì không?
Duyên Anh lắc đầu:
- Không, chẳng thiếu cái gì cả. Anh cám ơn em đã cho anh cái thùng. Nhờ nó, anh đỡ mất ngủ ban đêm.
Từ phòng Duyên Anh qua phòng tắm ở garage, phải đi một quãng chừng tám chín mét. Để tránh cho anh khỏi phải đứng dậy đi tiểu đêm, tôi rửa sạch một thùng đựng antifreeze coolant, thứ dung dịch đổ vào bình giải nhiệt xe hơi, đặt ở bên giường Duyên Anh. Buổi sáng đi tắm, Duyên Anh tự đổ và rửa sạch bình này. Anh nói:
- Tắm ở đây, anh thích một cái là khỏi phải vất vả trèo vào bồn tắm. Anh chỉ cần vặn nước đầy thùng, dội mấy gáo cho ướt đầu, xát xà phòng, kỳ cọ một lúc, rồi vừa dội, vừa cho douche chảy thoải mái. Thú vị lắm cơ!
- Ngoài ra, anh còn sáng kiến nào khác nữa?
- Hồi anh vừa ốm khỏi, còn nằm nhà thương, tụi Tây dạy anh nhiều thứ lắm, nhưng anh chẳng học được gì mấy từ chúng nó. Có những cái, mình phải tự chế ra. Thí dụ như khi leo lên cầu thang, mình đưa chân trái trước, cho có đà kéo chân phải lên. Xuống thang, phải đi giật lùi, chân phải trước, rồi mới đến chân trái.
Nói chuyện lan man đến cuốn Tuổi Bướm Sầu, trong đó Duyên Anh viết rất tàn nhẫn về Mặt Trận HCM, tôi hỏi:
- Anh viết cuốn ấy năm nào?
- 1985, 1986. Trong đó, anh viết về PVL gớm lắm. Đ.m, cớm mà đi làm cách mạng thì không thể nào khá được!
- Những chi tiết anh viết về mặt trận trong Tuổi Bướm Sầu, anh dựa vào đâu?
- Một phần qua báo chí, một phần do anh phịa ra chứ. Anh cho nhân vật của anh giết gần hết bọn chúng nó, sau khi đã giết tụi tướng bẩn….
- Tướng bẩn?
- Ừ thì mấy thằng tướng tham nhũng, đào ngũ sang đây lập Hội Đồng Tướng Lãnh. Mà anh lại cho chính con của một trong mấy thằng tướng dẫn anh em giang hồ của nó vào bắn hạ bọn tướng mới hay chứ!
- Hồi đăng tiểu thuyết này trên Ngày Nay, vì sao lại bỏ dang dở?
- Vì tụi nó rét. Anh cho bọn MT họp đại hội ở Westminster, có Hoàng Cơ chủ tọa. Trong tiểu thuyết này, anh gọi PVL là Phan Liễu thôi, còn HCM, anh gọi là Hoàng Cơ. Tụi trẻ chết gần hết rồi; chỉ còn Tâm Vũ và vài anh em nữa thôi. Chúng nó giết hụt Hoàng Cơ, và bắn nhau tơi bời với bọn MT. Tâm Vũ bị bắt, bị đưa ra tòa. Còn lại mỗi mình Đàm Hoa, người yêu của nó. Anh cho Tâm Vũ tự biện hộ trước tòa. Nó kể lại cuộc đời mình, từ khi bố bị bắt đi tù, tới khi mẹ nó lo cho nó vượt biên, ở trại tị nạn như thế nào, sang Mỹ bơ vơ, gia nhập MT, bị chúng nó lợi dụng như thế nào... Rồi bố nó chết trong tù, mẹ nó ở nhà héo hon buồn khổ, ít lâu sau cũng chết theo. Rồi nó phản tỉnh như thế nào. Chỗ này, anh cho Tâm Vũ đọc sách của Phạm Kim Vinh, dĩ nhiên, anh phịa ra một cái tên khác, chứ không dùng tên anh Vinh, và nhờ đó, nó tỉnh ngộ; vì sao anh em của nó chủ trương làm sạch cộng đồng hải ngoại bằng cách trừ khử bọn du đãng ức hiếp người vô tội, trừng phạt bọn nhà xuất bản sâu mọt ăn cắp, in lậu tác phẩm của các nhà văn, bọn lừa gạt đội lốt tôn giáo, bọn kháng chiến bịp làm thui chột niềm tin đồng bào…Rồi trong lúc phiên tòa tạm ngưng để nghị án, Tâm Vũ nhờ cảnh sát dẫn nó đi ị. Cảnh sát ba bốn tên gác bên ngoài. Nó vào trong cầu, gắn bức thư viết cho Đàm Hoa, và một thư cho ông chánh án, lên ngực áo, rồi cắn lưỡi tự tử. Cảnh sát chờ lâu, không thấy nó ra, phá cửa xông vào. Tâm Vũ đã chết…
- Như vậy là coi như hòa cả làng?
- Dĩ nhiên. Ông chánh án bảo đây là một vụ án đặc biệt, nên ông ta cũng phải có một phán quyết đặc biệt. Chánh án cho bãi bỏ phiên tòa, vì bị cáo đã tự tử chết rồi. Ông ta nhờ luật sư trao thư Tâm Vũ viết cho Đàm Hoa. Qua làn nước mắt, Đàm Hoa đọc những dòng chữ cuối cùng của người yêu. Vỏn vẹn có mấy câu thơ
Anh đi làm lịch sử
Với bọn cò mồi hèn
Thấy thiên đường đổ vỡ
Anh còn gì đâu em
Anh còn gì cho em
- Anh làm bài thơ này từ sau vụ đi theo đảng Duy Dân trên Ban Mê Thuột?
Duyên Anh cười:
- Ừ. Nhưng mà suy nghĩ lại, anh thấy vào thời nào, mấy câu này cũng đúng hết. Thế hệ nào cũng có những bọn cò mồi hèn hạ. Đ.m, chán quá! Đọc truyện này, bọn chúng nó chắc chắn sẽ đau lắm.
- Chừng nào anh sẽ cho in cuốn này?
- Có lẽ, để sau khi in mấy cuốn ca dao. Từ trước đến giờ, mình toàn cho xuất bản loại truyện yêu thương ân ái thôi. Bây giờ, Tuổi Bướm Sầu ra thì coi như mình cho nổ một quả bom CBU. Sẽ có nhiều thằng chết vì ức hộc máu mồm…
- Phần anh vừa kể, chưa hề đăng trên Ngày Nay, hay bất kỳ tờ báo nào?
Duyên Anh gật đầu:
- Dĩ nhiên. Coi như phần đăng trên Ngày Nay mới chỉ là một phần ba của Tuổi Bướm Sầu thôi. ĐTĐ bảo Mày gửi cho tao đăng trên TL. Anh gửi cho ĐTĐ. Đọc xong, cu cậu đ. dám đăng. Có một thằng bên Úc nữa…
- Chiêu Dương hả?
- Không. Thằng VL. Nó có gửi tiền cho anh nữa. Nhưng cũng không dám đăng. Đ.m, cuốn này hay lắm cơ. Nhất là những đoạn mô tả tình yêu của con Đàm Hoa với thằng Tâm Vũ. Bọn Tây nó cũng khen lắm. Bản tiếng Pháp của Tuổi Bướm Sầu dịch xong rồi.
- Ban nãy, em hỏi anh dựa vào đâu để viết cuốn này. Nhân vật nào của MT cung cấp mấy chi tiết đó cho anh?
- PVL. Hồi hắn qua Paris, gặp anh. Lúc ấy, L. bắt đầu chửi HCM rồi. Anh nói với L. “ Anh nên im mồm đi. Anh nên lủi thủi về đi, đừng chửi HCM nữa. Bởi vì, càng chửi nó, người ta càng coi thường anh…”
- Bởi vì ông ta cũng đã từng dính dáng nhiều với ông M. rồi…
- Hắn còn định làm một mặt trận khác. Anh bảo hắn “Anh làm một mặt trận khác sao được nữa? Các anh làm mất mẹ nó niềm tin của đồng bào rồi! Các anh phải nhận là mình đã làm hỏng đại cuộc rồi”.
- Ông ta có nghe anh không?
- Chẳng biết. Nhưng hắn không nghe, thì anh với hắn chẳng còn gì nữa. Coi như chưa hề quen biết nhau thôi. Anh quen biết và thân với PVL hồi hắn chưa làm kháng chiến kháng chiếc cơ. Mẹ, đi làm kháng chiến, coi như hắn đã tự chửi hắn rồi. Có bao giờ phú lít đi làm cách mạng được đâu. Phú lít chỉ để đi dẹp biểu tình, làm công cụ của chế độ thôi. Trước đây, ông phú lít nhà binh ĐM làm cách mạng, nước ta đã khốn nạn rồi. Bây giờ phú lít xi-vin đi làm cách mạng. Cách mạng chó gì? Cách mạng, đối với các anh ấy, chỉ là đi lạc quyên thôi, chả có cái nghĩa lý gì cả!
Hôm gặp lại PVL lần đầu, ở Paris, anh hỏi xỏ: “Ông L. ơi, tôi vừa mới vượt biên sang đây, còn nghèo đói lắm, ông cho tôi một ít tiền chứ?”
Hắn bảo: Tiền ở đâu hả ông?
Anh nói: Tiền ông quyên của đồng bào đó.
Ở Paris dạo đó, có hai người ngưỡng mộ HCM và PVL lắm. Hai người này đưa anh đến gặp PVL.
- Gặp ở đâu?
- Ở nhà của một người đón PVL từ Mỹ qua. Đ.m, anh ngồi chửi MT sát ván, chúng nó ngồi nghe, không cãi được câu nào. Anh bảo: “các anh chửi nhau, nguyên do chỉ vì ăn chia không đồng đều thôi”, chúng nó thề không hề lấy một đồng nào hết. Anh nói: “Các anh không lấy tiền, tức là các anh dại rồi. Tức là các anh cầm cu cho chó đái, để cho anh em nó đớp hết phải không?” Cả bọn ngồi yên hết. Cuối cùng, anh hỏi PVL: “ Này, hồi còn ở Saigon, ông chửi tướng lãnh ghê gớm lắm, phải không?” Hắn ta gật đầu. Anh hỏi tiếp: “Ông còn nhớ, ông bảo tài năng của CVV chỉ đáng đeo lon trung sĩ thôi, có phải không? Nghĩa là tướng lãnh Việt Nam thời ấy, chỉ xứng đáng là trung sĩ, cao lắm là thượng sĩ, chẳng thằng nào đáng làm sĩ quan hết, phải thế không? Thế sao sang đây, ông lại theo tướng HCM đi làm cách mạng? Tại sao lạ thế? Ông đã chê tướng miền Nam không có thằng nào ra hồn. Vậy mà bây giờ, ông lại đi theo HCM. Nên người ta có quyền nghi ngờ ông đã có gì chia chác ở trong. Có thể, thực sự ông đã không ăn được đồng nào. Nhưng người ta vẫn có quyền nghi ngờ ông. Vì ông đã từng dính líu đến anh em nhà ấy.”
- Ông ta có nói gì không?
- Hắn ta bảo, ai cũng biết Duyên Anh đã từng ca tụng PVL là tổng giám đốc cảnh sát công an trong sạch của miền Nam. Anh nói ngay:“ Đ. m, đấy là tôi viết tiểu thuyết. Ông đã tin tiểu thuyết hồi ấy, thì bây giờ, ông còn tin HCM đến mức nào? Ừ, mà cho dù thời đó, ông thực sự trong sạch, có gì bảo đảm là hai mươi năm sau, đi vào làm kháng chiến, ông có còn tiếp tục trong sạch nữa không? Là nhà văn, khi sự thật nằm phía tay trái, tôi đứng ở bên trái. Khi sự thật nằm phía tay phải, tôi đứng ở bên phải.”
- Thế còn TMC? Cuối năm 87, khi đến tìm anh ở nhà CTB, em thấy anh đang đang nói chuyện với TMC ở phòng khách.
- À, TMC, đại tá cảnh sát. Công là đàn em của L. Dĩ nhiên là khi MT rã đám, C. phải đứng về phe L. chứ. Rốt cuộc, bọn này đã bóp chết niềm tin của cả một thế hệ. Nên trong Tuổi Bướm Sầu, anh phải cho cả thế hệ ấy chết hết đi. Có vậy, mới xây dựng lại được từ đầu.
Ngẫm nghĩ một lát, Duyên Anh nói tiếp:
- Tiểu thuyết, sản phẩm của tưởng tượng và một phần sự thật, lúc mới viết ra, tưởng chừng như không có gì. Nhưng lắm khi, ảnh hưởng của nó khủng khiếp lắm. Như anh nói ban nãy, Tuổi Bướm Sầu mà tung ra, nhiều đứa vỡ mặt lắm. Cũng như hồi xưa, khi anh cho in Sa Mạc Tuổi Trẻ, phát hành toàn quốc, ảnh hưởng cũng dữ dội lắm. Có người kể cho anh, TTQ đã nói với đệ tử thế này: “Duyên Anh nó viết cuốn Sa Mạc Tuổi Trẻ, hại cho ta ghê quá! Cuốn sách này của nó, sâu sắc lắm. Mọi người cứ tưởng đây là truyện du đãng. Thực ra, qua truyện này, nó chửi chúng ta rất nhiều!”
- Ông ta nói có oan cho anh không?
Duyên Anh cười thú vị:
- Oan thế chó nào được. TTQ nói rất đúng. Anh chửi chúng nó ghê lắm!
Duyên Anh Và Tôi Duyên Anh Và Tôi - Vũ Trung Hiền Duyên Anh Và Tôi