A good book has no ending.

R.D. Cumming

 
 
 
 
 
Tác giả: Vũ Trung Hiền
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Lý Mai An
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1854 / 26
Cập nhật: 2016-06-04 04:54:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
Ở Orange County một thời gian, Duyên Anh về Pasadena, sống với gia đình tôi hơn một tháng. Thời gian này, tôi chưa có nhà riêng, vẫn còn ở chung với cha mẹ tôi tại nhà anh chị cả tôi, mục sư Vũ Đức Chang. Lúc đó khoảng tháng 2, 1988. Duyên Anh đang cặm cụi viết cho xong hồi ký văn nghệ Nhìn Lại Những Bến Bờ.
Lúc ấy, tôi vừa bắt đầu làm cho Los Angeles County, đang còn trong tình trạng tạm tuyển, không thể xin nghỉ để có nhiều thì giờ ở nhà với anh.
Sáng nào cũng vậy, tôi thức dậy, ra phòng khách, Duyên Anh đã ngồi ở bàn, bút BIC trên tay, cắm cúi viết; ấm trà nóng và gói thuốc Marlboro đặt trước mặt.
Đều đặn, đúng giờ, chăm chỉ như một viên công chức là Duyên Anh, ít nhất cũng là Duyên Anh cuả một tháng ròng rã, cặm cụi viết cho xong Nhìn Lại Những Bến Bờ, phần đầu của bộ hồi ký Nhìn Lại Mình, ghi lại cuộc đời làm thơ, viết báo, viết văn của anh.
Duyên Anh thường bảo anh vừa rong chơi vừa viết. Thực ra, đó chỉ là một cách nói thôi. Nhu cầu văn chương, đối với Duyên Anh, quả là một thôi thúc mãnh liệt. Đến nỗi, một khi đã đặt bút viết, anh viết say sưa, mê mệt. Bao nhiêu suy tư, mơ ước, tâm huyết từng ấp ủ trong lòng. Bao nhiêu kinh nghiệm, cả lúc thành công lẫn khi thất bại, vấp váp, lầm lỗi, Duyên Anh đều muốn dàn trải trong tác phẩm này, với hy vọng giúp ích phần nào cho những người trẻ đang muốn bước vào con đường anh đã đi qua. Vì thế, Duyên Anh, trong suốt một tháng ở Pasadena, đã chỉ ngồi yên trong nhà, dệt những sợi tơ tâm tưởng của mình trên từng trang giấy, chứ chẳng rong chơi chút nào cả. Những ngày cuối tuần, tôi rủ anh đi chơi núi, anh không chịu đi; muốn đưa anh ra ngắm biển, anh bảo cũng chẳng khoái gì; đề nghị đi Disneyland, Universal Studio, Huntington Library cho biết, anh đều lắc đầu:
- Chán lắm, chẳng có gì đâu.
Đối với Duyên Anh, ít nhất là trong khoảng thời gian này, chẳng có ai, và chẳng có gì, hấp dẫn anh cho bằng xấp giấy trắng, cây viết BIC mực đen, chiếc gạt tàn đầy ắp tàn thuốc, và bình nước trà trước mặt. Một lần, tôi hỏi tại sao anh không chịu để tôi đưa đi chơi chỗ này chỗ nọ, Duyên Anh bảo:
- Viết văn rồi, mình đâm ra nghiện, em ạ. Không viết, không chịu được. Khi nào em cảm thấy nếu em không cầm bút viết xuống một điều gì đó, em sẽ mất ăn mất ngủ; khi nào em cảm thấy mình cần viết hơn cần ngủ với vợ, chơi với con, thù tạc với bạn bè, hoặc rong chơi phù phiếm như những con người bình thường chung quanh, lúc ấy, em đã trở thành một thằng nhà văn rồi đó.
Nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên sao Duyên Anh viết được nhiều như thế. Chính Duyên Anh cũng hay tự hào mình là kẻ nghĩ nhanh viết vội. Nhưng riêng tôi, tôi có thể quả quyết số lượng hai mươi tác phẩm Duyên Anh hoàn thành trong vòng bốn năm, từ 1984 đến 1988, chỉ là kết quả của sự làm việc bền bỉ và hết sức cần mẫn của anh: 11 giờ đêm, tôi đi ngủ, ở ngoài phòng khách, Duyên Anh vẫn cắm cúi viết. 6 giờ sáng thức dậy, tôi đã thấy anh ngồi ở bàn viết tự lúc nào rồi.
Tốc độ viết của Duyên Anh trung bình từ năm đến bảy tám trang viết tay mỗi ngày. Khổ giấy 8x11, anh viết được tới gần 60 dòng, chữ lại bé và sát vào nhau, nên cứ mỗi trang như vậy tương đương với ba trang in. Hôm nào tinh thần thơ thới và viết hết mình, Duyên Anh có thể viết được tới ba, bốn chục trang sách in.
Thói quen Duyên Anh không thể bỏ được: hút thuốc lá trong khi viết. Ở Paris, anh hút Gauloises. Theo Duyên Anh mô tả, Gauloises không phải là thuốc lá thơm, có vị nặng, gần giống mùi vị Bastos xanh của Việt Nam trong thập niên 60, 70. Sang Mỹ, anh dùng Marlboro Lights đầu lọc, hoặc ba số 5. Duyên Anh hút khá nhiều, trung bình 2 gói một ngày. Điếu thuốc lá được đốt lên, nhưng có khi chỉ được hút có vài hơi thôi. Lúc Duyên Anh say sưa viết, anh thường viết luôn một mạch cho tới khi điếu thuốc tàn. Khi nào cần dừng lại suy nghĩ, anh mới thong thả đốt điếu khác, lim dim đôi mắt, môi dưới hơi trề ra, đưa khói thuốc cho chui lại vào mũi. Đó cũng là lúc anh thường rót trà, uống từng hớp nhỏ.
Duyên Anh không khó tính như một số người khi uống trà. Lại càng không ưa những cái gọi là “nghệ thuật uống trà”, hay “trà đạo”...Anh có vẻ ưa hương vị trà Thiết Quan Âm, nhưng khi hết trà tàu, pha một vài gói Lipton cho anh cầm cự cả buổi, Duyên Anh cũng cứ vui vẻ như thường.
Thứ bảy, chủ nhật, nghỉ làm, tôi pha cà phê phin, hai anh em uống, nói chuyện cà kê cả buổi. Duyên Anh rất ghét cà phê bột instant, loại khuấy vội uống nhanh. Anh bảo, thà nhịn cà phê, chứ đã uống là phải uống thứ cà phê xay, pha thật đậm, lọc từ từ qua phin, nước sôi thật già; tách cà phê cũng phải tráng cho nóng mới được.
Duyên Anh có một thói quen rất hồn nhiên và dễ thương: Mỗi lần viết xong một đoạn vừa ý, anh hay gọi tôi ra, đọc lớn tiếng cho tôi nghe. Những lúc ấy, khuôn mặt anh thật rạng rỡ, và câu văn cuối cùng bao giờ cũng nối tiếp bằng chuỗi cười thật sảng khoái, hết sức dòn dã của anh.
Nhưng đôi khi, có bữa đi làm về, tôi nghe anh than thở:
- Mẹ nó, hôm nay không hiểu sao, ngồi mãi mà viết được có hai trang. Như thế này thì không đáng ăn cơm rồi!
“ Bản thảo cuả Duyên Anh sạch và đẹp nhất thế giới”, Duyên Anh đã thường tự hào như thế. Là người đầu tiên được vinh dự đọc Nhìn Lại Những Bến Bờ khi còn là bản thảo, tôi có thể xác nhận niềm tự hào ấy của anh. Hơn một trăm trang viết tay gọn gàng, nắn nót, hầu như không một gạch bôi xoá. Khi cần sửa một chỗ nào, Duyên Anh dùng LIQUID PAPER tô thật sạch, viết đè lên, hoặc có khi dùng kéo cắt dán lại cả đoạn.
Nhìn Lại Những Bến Bờ đưa người đọc cùng đi, cùng sống với Duyên Anh qua những chặng đời gian nan, khốn khó của tác giả, thuở mới tập tễnh nuôi mộng làm nhà báo, với những đoạn văn, những bài thơ hồn nhiên thời mới lớn. Độc giả sẽ theo anh từ Thái Bình lên Hà nội, vào Saigon, cùng cười với anh trong những ngày tạm trú ở Nhà Hát Tây, tháp tùng anh ngược Ban mê Thuật, chia xẻ nỗi ngậm ngùi với Duyên Anh sau những tháng “đi làm cách mạng”, xuống miền Tây, rồi qua miền Đông; cùng anh bùi ngùi nỗi lưu lạc trên đường bán thuốc dạo với con người bí mật Lý Vô Danh. Duyên Anh, qua phần cuối của Nhìn Lại Những Bến Bờ, đã khiến người đọc xúc động trước tấm chân tình của những tấm lòng vàng trong manh áo rách, khi người đạp xích lô và cô gái giang hồ bày tỏ lòng thương xót, cưu mang Duyên Anh trong lúc anh đói khát, ngặt nghèo.
Điều quan trọng Duyên Anh muốn trao gửi đến những người bạn nhỏ thân mến của anh là: để có thể theo đuổi giấc mộng văn chương, người ta cần phải có tấm lòng yêu văn chương thật tha thiết. Lời khuyên thứ nhì, nếu có thể coi đó như lời khuyên, là người mới tập viết chỉ nên viết về những đề tài gì gần gũi nhất với mình, chứ đừng bắt chước rập theo khuôn mẫu của bất cứ ai, kể cả những tác giả mình yêu mến nhất. Điều thứ ba Duyên Anh muốn nhắc nhở những người viết mới: hãy cố viết sao cho thật giản dị, trong sáng. Giản dị và trong sáng cỡ như lối hành văn trong “Quốcï Văn Giáo Khoa Thư”, “Luân Lý Giáo Khoa Thư”, là kể như đã “đạt”.
*
* *
Một chiều thứ sáu, Duyên Anh cao hứng đề nghị:
- Anh em mình làm món giả cầy ăn chơi đi.
Tôi ra chợ xách về một gói giò heo, vài chiếc bánh đa vừng, gói bún tươi, thêm ít riềng, và lọ mắm tôm. Không cần mua mẻ, vì ở nhà đã có sẵn. Trong lúc tôi cạo rửa sạch sẽ những chiếc giò heo, ngoài cửa bếp, Duyên Anh nhóm bếp than, quạt cho lửa đỏ hồng, đặt vỉ sắt lên.
Những chiếc giò heo cạo rửa xong, tôi đưa cho Duyên Anh nướng kỹ từng miếng cho chín đều. Xong, anh bảo tôi rửa lại, rồi chặt nhỏ trong khi anh xắt vụn mấy củ riềng, trộn với mắm tôm, mẻ, chút bột ngọt. Tôi đổ chỗ giò heo vừa chặt vào nồi, Duyên Anh dốc hết chỗ gia vị vào, rồi dùng tay trộn đều, vừa trộn vừa nói:
- Phải trộn đều như thế này, nó mới thấm vào trong.
Tôi toan bắc nồi lên bếp, Duyên Anh ngăn lại:
- Khoan đã, mình để chừng một tiếng nữa, cho dậy mùi, rồi xào, mới ngon được.
Một lát sau, lửa thật già, anh bắc nồi lên bếp, dùng đũa đảo đều, cho những miếng giò heo săn lại, tới khi những vụn riềng cháy xém cạnh, mới bảo tôi đổ nước sôi vào, đun lên chừng hai mươi phút, rồi vặn nhỏ lửa, đậy nắp nồi lại, cứ mươi phút lại mở ra canh chừng cho tới khi nước vừa cạn thì đảo đều thêm một lần nữa, và đậy vung, tắt lửa.
Mười lăm phút sau, đặt nguyên cả nồi lên bàn, chúng tôi mở nắp. Món giả cầy bốc khói nghi ngút, kéo theo mùi thơm ngào ngạt tỏa khắp gian phòng. Bên chai Martel, chúng tôi cho giả cầy thơm phức phối hợp với bánh đa vừng dòn tan và những ngọn bún mềm mại, mát rượi. Duyên Anh ăn ít, dành cho tôi quyền ưu tiên phá mồi. Uống ở nhà cũng như ở bất cứ chỗ nào, tôi đều chỉ uống một ly là đủ. Uống cho vui câu chuyện, chứ nhất định không để cho say. Về phần Duyên Anh, anh cạn ly này xong là tiếp tục rót ly khác, vừa uống vừa kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chuyện trong nước, ngoài nước, chuyện trước 75, chuyện vừa xảy ra, nhớ chuyện gì anh nói chuyện ấy. Bất chợt tôi hỏi chuyện gì, anh mở ngăn kéo ký ức, thao thao bất tuyệt cho đến khi tôi hết thắc mắc mới thôi.
Biết anh vừa sang London chơi, tôi hỏi:
- Anh có tới thăm BBC không?
Duyên Anh gật:
- Có. Bạn anh, Kiều Vĩnh Phúc, có cho anh tới thăm.
- Cơ sở của họ có lớn không? Tối tân không?
Duyên Anh phá lên cười:
- Chẳng ra cái con c. gì hết. Ở bên nhà, nghe nói BBC, mình cứ tưởng là ghê gớm lắm. Cơ sở khác của họ ra sao, anh không biết. Nhưng cái chỗ mà anh đến, nó cũng chỉ rộng bằng cái phòng khách nhà mình thôi, mà còn chung với mấy chương trình khác nữa.
- Thế còn số nhân viên Ban Việt Ngữ. Được chừng bao nhiêu người?
- Cũng chẳng biết chính xác. Nhưng chắc không đến mười mạng đâu.
- Mỗi người có bàn làm việc riêng không?
Duyên Anh cười ngất:
- Anh đã nói rồi mà. Trông nó y như cái tòa soạn Nhật Báo Trắng Đen ở Saigon hồi xưa thôi. Có khi còn bé hơn nữa. Ở bên nhà, mình nghe “Đây là đài BBC, phát thanh từ Luân Đôn”, úi dào, nghe sướng quá đi mất thôi, có ngờ đâu, trước mặt mình, nó chẳng ra cái gì cả. Người ngợm chán lắm cơ! (Sau này, khi có dịp nói chuyện với nhà văn Vĩnh Phúc, người đã đưa Duyên Anh tới thăm BBC, tôi được biết chỗ anh đến chỉ là phòng phát thanh chương trình Việt Ngữ. Vì Thế Giới Vụ của BBC có tới bốn mươi ngôn ngữ khác nhau, mỗi chương trình chỉ phát thanh troụi tư nhân mà.
- Đường lối của đài dường như thân cộng phải không?
- Không phải. Tụi nó đứng trung lập.
- Còn Ban Việt Ngữ thì sao?
- Nói riêng em biết, chỉ có mấy ngoe thôi mà cũng chia ra ba phe: Bọn thân cộng, phe chống cộng, và nhóm trung lập.
- ĐV thuộc phe nào?
- Trung lập.
- Thế còn anh Vĩnh Phúc?
- Dĩ nhiên là chống Cộng rồi. Nhưng cũng chỉ thỉnh thoảng mới đánh du kích, phang cho Việt Cộng một cú thôi.
- Sang London, anh ở đâu?
- Ở nhà anh Vĩnh Phúc. Anh ấy vốn là giáo sư, trước đây tu nghiệp ở Tân Tây Lan. Sau 75, trở thành thuyền nhân, và được BBC tuyển thẳng từ Pulau Bidong, năm 1979. Vĩnh Phúc ở chung với vợ con, hai trai một gái dễ thương lắm, và bà mẹ vợ. Nhà anh ấy có một phòng nhỏ để tiếp đón bạn bè từ xa tới. Năm ngoái, nếu em bằng lòng qua BBC làm, anh đã giới thiệu em với Vĩnh Phúc để em ở trọ nhà anh ấy trong thời gian đầu rồi.
- Vĩnh Phúc nhỏ tuổi hơn anh?
- Kém anh vài ba tuổi gì đó. Con người tốt bụng, hào sảng và phóng khoáng lắm. Cái mà anh khoái nhất ở thằng này là lòng chân thật của nó. Nó là một thằng quốc gia, cô đơn giữa một bọn thân cộng và những thằng ươn hèn đứng giữa. Thằng Vĩnh Phúc, anh thương nó lắm.
- Anh gặp Judy Stowe không?
- Có. Người phụ nữ này có vẻ lịch thiệp và trí thức.
- Ngoài BBC ra, anh còn đi thăm những đâu nữa?
- Úi dào, anh đi có một hôm thôi, mấy bữa còn lại chỉ nằm nhà uống rượu. Đ.m, nước Anh chán lắm, chẳng có gì đâu!
Thấy tôi nhíu mày, Duyên Anh giải thích, giọng nói đã bắt đầu nhừa nhựa:
- Sông Thames nước rút, bẩn lắm, còn thua cái rạch Thị Nghè của mình nữa...Waterloo Bridge thì như con c. ấy. Ngày xưa mình xem phim Robert Taylor đóng với Vivian Leigh, cứ tưởng Waterloo Bridge là ghê gớm lắm!
- Lại còn mấy cuốn L’Anglais Vivant nữa chứ?
- Ừ. Dạo ấy, mình cứ tưởng nước Anh là đệ nhất hoàn cầu. Anh nhớ, năm 1946, anh học đệ nhất niên, tức là lớp đệ thất, lần đầu tiên nhìn thế giới qua cuốn L’Anglais Vivant, mình phục tụi ăng lê quá đi chứ...
Duyên Anh bỗng nhiên đổi đề tài:
- Em biết, năm 1946 anh đã học đệ thất rồi nhé. Bây giờ, tính nhẩm xem, nếu anh cứ học đều đặn thì 1947 lên đệ lục, 1948 lên đệ ngũ, 1949 thi Trung Học Phổ Thông, 1950 vào đệ tam, 1951 thi Tú Tài 1, 1952, đỗ Tú Tài 2, 1953 làm sinh viên, cũng ngon lành đấy chứ?
- Nhưng mà anh bỏ học?
- Ừ, mẹ nó! Học đâu có hết niên khoá, anh bỏ ngang về làng, rồi lêu lổng suốt ba năm ở quê nhà, có học hành gì đâu. Suốt ngày cứ theo trẻ con trong làng đi câu cá, đơm đó, làm ống bắt lươn, cất vó..., thôi thì đủ mọi trò...
Nâng ly rượu uống một hơi hết một phần ba còn lại, Duyên Anh cười
khanh khách:
- Kể cũng lạ! Nhiều khi anh cứ tự hỏi tại sao Thượng Đế giao cho mình cái sứ mạng ấy; tại sao mình lại trở thành một thằng nhà văn nhỉ. Lạ lắm cơ! Nhưng mà, nghĩ đi nghĩ lại, anh cũng phải công nhận là chẳng đứa nào chịu khó làm việc như anh...
- Dĩ nhiên. Em đã từng nói anh làm việc như một ông công chức có kỷ luật...
Duyên Anh ngắt lời tôi:
- Kỷ luật và đam mê.
- Thận trọng nữa chứ? Cứ xem những chữ, những đoạn anh bôi xóa trên bản thảo...
- Những chỗ nào viết chưa chỉnh thì phải tẩy xóa nó đi chứ. Đâu có thể múa bút như hồi viết báo được.
Ngừng một lát, anh tiếp tục, giọng nói có vẻ trầm ngâm hơn:
- Thượng Đế đã phó thác cho mình những khả năng nào thì mình phải biết dùng nó sao cho thích hợp...À này, có hàng nghìn đề tài đáng viết sau năm 1975 mà anh chưa khai thác được: chuyện cuộc chiến tàn chưa, chuyện có hòa bình rồi mà anh em trong nhà vẫn thù hận lẫn nhau, chuyện người dân liều chết vượt biên tìm tự do... Cái nước Việt Nam mình lạ lùng lắm, em ạ. Việt Nam soi sáng cho toàn thế giới. Thế mà không có Nobel, thì mình chỉ đáng ăn cứt thôi!
Rồi đột ngột, anh chuyển qua đề tài khác:
- Em biết không, ngày còn bé, anh mê Vũ Trọng Phụng lắm, coi ông ấy như thần tượng vậy. Sau này, xem lại những sách ông ấy viết, có nhiều câu cũng bất thành cú, và rải rác lỗi chính tả nữa. Nhưng dù sao, mình không thể phủ nhận ông ta là một trong những bến bờ chính của giòng sông văn học quê hương.
- Tiếc là ông ấy chết trẻ quá nhỉ?
- Cuộc đời Vũ Trọng Phụng khổ lắm. Một người có tài. Làm thư ký ở Godard, nuôi mẹ già, vợ dại con thơ; bệnh lao phổi nặng mà vẫn phải viết, viết thật nhiều. Thỉnh thoảng, Lan Khai dẫn Vũ Trọng Phụng đi ăn cơm Tây. Họ Vũ ngậm ngùi bảo Lan Khai: “Đời tôi, nếu mỗi tuần được đi ăn cơm Tây thế này thì đâu đến nỗi...”
Tôi hỏi:
- Về sau, con của Vũ Trọng Phụng, có ai theo đuổi nghiệp viết lách như ông ta không?
Duyên Anh đáp:
- Sau ngày 30 tháng tư chừng vài tháng, anh đi chơi với Hoàng Hải Thủy. Hôm ấy là một ngày mưa. Đi chơi về, ông bố anh ra ngoài cổng đón, bảo anh: “ Con trai Vũ Trọng Phụng muốn gặp mày đó. Anh ta chờ hơn một tiếng đồng hồ rồi.”
- Như vậy là nhận bà con hay sao?
Duyên Anh cười:
- Không phải. Anh chàng này muốn gặp anh, chỉ vì anh ta biết Duyên Anh là Thương Sinh.
- Anh ta có viết lách gì không?
- Anh cũng không kịp hỏi nữa. Nhưng có lẽ, cũng phải là dân yêu mến chữ nghĩa...
- Có thể, anh ta khoái Thương Sinh vì lối viết Thương Sinh gợi nhớ lối viết của bố anh ta?
- Có thể lắm. Nhưng tội nghiệp thật, phải chờ hơn một tiếng chỉ để thấy mặt Thương Sinh thôi!
Duyên Anh lại đổi câu chuyện:
- Mấy hôm nay, anh đang nghĩ đến đoạn mở đầu quyển sách anh sẽ viết về ông cụ anh.
- Ông cụ được tám mươi chưa?
- Cũng sấp sỉ thôi.
Tôi nhớ, khoảng tháng 5, tháng 6, 1975, đến nhà Duyên Anh, tôi được gặp cụ thân sinh của anh. Ông cụ năm ấy, có lẽ chừng 70, dáng người nhỏ nhắn, có vẻ khoẻ mạnh. Đặc biệt, hàm răng và nụ cười Duyên Anh giống hệt bố anh.
Duyên Anh nói tiếp:
- Tội nghiệp ông cụ anh, ngày ngày cong mình thái dao cầu, đạp thuyền tán, bốc thuốc cho thiên hạ, cứ tưởng thằng con mình gửi lên Hà Nội chăm chỉ học hành và sắp trở thành bác sĩ. Ông cụ đâu có ngờ thằng qúy tử ham chơi hơn là ham học. Ngay cả khi biết anh vào Nam rồi, cụ vẫn cứ trông mong thằng con sẽ thành bác sĩ...
- Thế cụ có biết anh trở thành nhà văn không?
Duyên Anh lắc đầu:
- Không, cụ chẳng biết gì hết. Nhưng dù không trở thành bác sĩ để cho bố anh hãnh diện, rốt cuộc mình cũng còn được chữ “sĩ” của một thằng văn sĩ. Có lẽ ông bố anh cũng không đến nỗi thất vọng lắm về anh đâu...
Chúng tôi chuyển sang nói về việc Duyên Anh dự tính xuất bản những tiểu thuyết mới viết xong của anh. Tôi nêu ra một vài tên tuổi, đề nghị Duyên Anh nhờ họ lo dùm công việc đó. Anh lắc đầu, châm điếu thuốc mới, trầm ngâm:
- Nếu phải nhờ, thì anh chỉ tin cậy em và một người nữa thôi.
Tôi im lặng. Duyên Anh thở khói thành vòng tròn, ngậm ngùi:
- Rốt cuộc, anh chỉ còn có một thằng bạn, cho đến giờ này, vẫn còn trung thành với anh mà thôi. Có những đứa, anh cứ tưởng là bạn. Chúng nó sang Paris, mình đưa đón, đãi đằng chúng nó. Về lại Mỹ, chúng nó gang họng chửi mình.
Duyên Anh nói tiếp:
- Thằng Côn, nó thương anh lắm! Suốt đời, nó chỉ hy sinh cho anh thôi. Tháng trước, ở nhà nó, nó cản không cho anh sang đây...
Tôi ngắt lời Duyên Anh:
- Chắc anh ấy lo ngại cho anh...
Duyên Anh gật đầu:
- Đúng vậy, nó lo cho anh. Nó bảo anh về Cali này là vùng có nhiều đứa thù ghét anh. Nhưng anh bảo nó “Tao phải đi”. Đ.m, anh sợ gì chúng nó chứ.
Duyên Anh quay sang chuyện trước ngày rời Việt Nam:
- Không ngờ, ở Saigon mình có những thằng em vẫn quý mến mình như xưa. Thằng Từ Kế Tường ở Tuổi Ngọc, em biết chứ? Nó làm chủ nhiệm Nhà Văn Hóa Quận 4, hồi anh đi tù về. Nghe anh về, nó đến thăm. Cháu Ki, con gái anh, ra bảo Tường “Bố cháu đi vắng rồi”. Thằng Tường có vẻ buồn, phàn nàn với Đinh Tiến Luyện. Anh nói với Luyện “ Mày bảo thằng Tường đến gặp tao. Hôm ấy tao đi vắng thật. Nó làm chủ nhiệm Nhà Văn Hóa thì kệ nó chứ. Đâu có phải vì thế mà tao không thèm tiếp nó. Nó vẫn là em tao thôi.” Mấy con nhà thằng Phạm Đình Thống, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Thanh Trịnh đều tốt với anh cả. Thằng Thống lo tìm thuốc men cho anh lúc anh bị ốm. Thằng Mường Mán thì ở xa, anh không gặp lại. Nói chung, mấy thằng em ấy vẫn quý anh. Thằng Nguyễn Thanh Trịnh vẫn viết đều. Có hôm, nó đi họp với bọn Tuổi Trẻ. Một thằng cán bộ văn hóa miền Bắc phát biểu: “ Kể cũng lạ, bao nhiêu năm rồi mà chúng ta chưa có được một nhà văn nào quyến rũ tuổi trẻ cho bằng thằng Duyên Anh”. Nguyễn Thanh Trịnh bảo anh: “ Em ngồi nghe chúng nó nói về anh như thế, em sướng quá!” Thằng Trịnh bảo anh: “ Em vẫn nhớ, anh là người đầu tiên giới thiệu em với độc giả trẻ tuổi thời ấy. Bây giờ, một năm chúng nó chỉ đăng cho em có hai truyện, làm sao độc giả biết đến em được.”
Tôi hỏi:
- À, thế trên tờ Tuổi Trẻ, thằng nào vẽ anh đang chụm củi nồi nước sôi, luộc đám nhi đồng?
- Mẹ nó. Một thằng nhóc tên là Vũ.
- Nó là bạn cháu Chương?
- Không, bạn cái con mẹ gì. Nó là con thằng C. ở đây này. Con riêng của vợ lớn nó. Thực ra, nó vẽ thì cũng chỉ vì theo lệnh của mấy thằng to đầu thôi. Hôm biết anh về rồi, nó bảo với thằng Thống: “ Tôi không dám đến gặp ông Duyên Anh đâu. Tôi xấu hổ lắm.” Thằng Thống bảo: “ Không, mày cứ gặp ông ấy chứ. Ông ấy coi mày ra cái đ. gì. Con cháu mà.”
Duyên Anh “hừ“ một tiếng:
- Đ.m nó, cuộc đời anh nghĩ lại, thật trầm luân đủ thứ. Chán lắm cơ! Nhiều lúc khổ vì …, anh phải nghĩ, có lẽ đó là cái thắng để thắng bớt mình lại, cho mình khỏi đi quá đà...
- Hoặc là để cho anh tập rèn luyện một đức tính gì anh vẫn còn chưa có, hay có mà chưa đủ,...đức nhẫn chẳng hạn...
- Nhẫn?
- Vâng, em thấy lúc này, anh có vẻ biết nhẫn nhịn hơn rồi đó. Ít nhất, có thể nói, tương đối là như vậy. Hồi xưa, trên mặt báo, ai đụng anh một chút là phải biết nhé.
Duyên Anh cười:
- Bây giờ thì anh có thể nói với em rằng, chúng nó có chửi anh trên báo, thì chúng nó cứ tha hồ. Thứ nhất, anh không có thì giờ đọc. Thứ nhì, có đọc thì anh cũng kệ mẹ chúng nó thôi. Ngu đâu mà mình mất thì giờ trả lời, hay đôi co với những đứa chẳng ra gì ấy? Chúng nó in lậu sách của anh, ăn cắp bao nhiêu công trình tim óc của mình mà lại còn bảo “ Sách của Duyên Anh chỉ đáng vứt vào sọt rác” thì lạ quá, anh chẳng thể hiểu nổi! Nhưng thôi, chúng mày nói gì thì nói, tao không thèm nói lại. Tao khinh bỉ chúng mày, chẳng thèm để ý đến chúng mày nữa, chúng mày đ. xứng đáng để tao phải mất công nhắc tới nữa...
- Cứ giữ thái độ ấy đi, coi như là “đạt” rồi đó. Coi như Duyên Anh đã “đắc đạo”, thoát khỏi cái vòng “thất tình” luẩn quẩn.
- Đ.m, còn lâu mới “đắc đạo”. Còn phải xét lại đã. Để từ từ, còn lâu mà...
- Bây giờ, ví dụ thôi nhé, nếu Tạ Tỵ muốn làm hoà....
- À, Tạ Tỵ hả. Được chứ. Nếu Tạ Tỵ gọi cho anh, bảo “ Ê, Duyên Anh, ngày mai đi uống rượu với tao”, thì anh ô-kê liền thôi.
- Như vậy, kể ra anh cũng cao cả lắm đấy chứ. Anh biết làm theo lời Chúa Jesus, tha thứ cho kẻ thù...
- Ối dào, anh tha thứ cho nhiều đứa khác nữa đấy chứ. Ngay thằng cộng sản, mình còn tha thứ được nữa mà? Có lần, sau khi đi tù về, anh gặp lại một thằng công an coi tù. Hồi ở trong trại, nó hành bọn tù chúng anh ghê lắm cơ. Anh vừa chào nó “Thưa cán bộ...”, thằng nhỏ đã rối rít “anh anh, em em” ngọt xớt. Nó bảo nó hết làm công an rồi. Anh cũng chẳng hỏi vì sao, nhưng anh đoán cu cậu phạm lỗi gì, bị sa thải rồi, vì trông nó có vẻ đói rách lắm. Nói chuyện qua quít một hồi, anh móc túi cho nó ít tiền, cu cậu cảm động, cám ơn cám huệ mãi. Xét cho cùng, chỉ có chủ nghĩa cộng sản và bọn thiểu số lãnh tụ chóp bu là kẻ thù để mình chống thôi. Những thứ cắc ké như bọn cán bộ quản giáo, công an coi tù...chúng nó có ra cái gì, mà mình phải coi chúng là kẻ thù?
- Mình chỉ chống chủ nghĩa thôi, chẳng nên chống con người?
Duyên Anh gật gù:
- Đúng vậy. Như thế mới là nhân bản chứ. Nhưng cũng vì thế mà anh vướng vào những hệ lụy mới.
Tôi nhìn anh dò hỏi:
- Nghĩa là...
- Thì cũng vì anh tội nghiệp những thằng công an con nít, cho chúng nó thuốc lá, lạp xưởng, dạy chúng nó làm thơ tán gái, một số bạn tù cho rằng anh khiếp nhược, sợ bọn cai tù, đầu hàng cộng sản. Thậm chí, có người còn bảo anh làm việc cho cộng sản nữa. Nhưng không sao, anh bằng lòng chịu những hệ lụy đó. Để khỏi phải a dua với chúng nó.
Tôi hỏi:
- Như vậy, quan niệm của anh giống NT?
Duyên Anh có vẻ không bằng lòng về sự so sánh đó:
- Ông NT thì làm sao thù hận cộng sản được. Như mình đây này, bị chúng nó nhốt gần sáu niên, thì mới nói chuyện thù hận hay không thù hận chứ. Còn ông ấy, chúng nó không thèm bắt ông ấy, chẳng thèm nhốt ông ấy ngày nào, cũng chẳng chửi rủa ông ấy dòng nào trên sách báo của chúng, thì nói chuyện không thù hận cộng sản cũng chỉ bằng thừa thôi. Nếu anh là ông ấy, thì anh cứ làm chuyên viên computer thôi, không viết văn chống cộng nữa. Vì cộng sản nó có coi ông ấy ra cái gì đâu mà phải viết chống chúng nó?
Ngừng lại một vài giây, Duyên Anh tiếp:
- Ông NT và mấy nhà văn cùng quan điểm với ông ta, trong thời gian gần đây, có vẻ muốn tôn vinh chủ nghĩa Mác xít. Họ lầm tưởng chủ nghĩa này sẽ đưa họ lên một đỉnh cao nào đó của nghề viết. Nhưng mà, em phải biết, ngay cả Thượng Đế cũng không tạo ra nổi một thằng nhà văn cự phách. Thế thì một cái chủ nghĩa vớ vẩn như Mác xít, làm sao mong làm được chuyện đó? Những ai nghĩ rằng Đảng xây dựng họ, Đảng đẻ ra họ, là láo toét hết. Chẳng có thứ uy quyền linh thiêng nào trên trời dưới đất có thể đẻ ra nhà văn hết. Nhà văn, trước hết, phải có chút tài Thượng Đế ban cho. Nhưng nó đâu có thể ngồi không? Nó cũng phải cố gắng làm việc hết mình, mới tạo ra tác phẩm được chứ. Thế thì làm sao chủ nghĩa tạo ra chúng nó được? Anh cho là, chỉ những anh nhà văn hết thời, những anh viết lách chẳng ra gì, mới mang ảo tưởng dựa dẫm vào chủ nghĩa, và vào Đảng, để mong vớt vát chút danh thừa mà thôi.
Tôi hỏi:
- Anh căn cứ vào tác phẩm hay phát biểu nào gần đây của NT để nhận xét như vậy? Ít ra, NT cũng chiếm giải văn chương toàn quốc thời cụ Ngô?
Duyên Anh nói ngay:
- Chẳng dựa vào phát biểu nào cả. Anh nhận thấy vậy thôi. Ông NT viết văn, và dự giải thi văn chương rất sớm, khi miền Nam mới có rất ít người viết thôi.
Bất chợt, Duyên Anh lại chuyển qua câu chuyện khác:
- Hôm nọ, ông Đ. dẫn anh đi xem bói...
- Bác sĩ HVĐ ấy hả?
- Ừ. Mẹ, thằng thầy bói này ở Santa Ana. Nó bảo để cho nó photocopy lá số tử vi của anh. Nó bảo “ông là bậc chính nhân quân tử, tới năm 1992, ông sẽ được một giải thưởng”. Anh hỏi giải thưởng gì, thì nó không nói. Nhưng mà nó nói trúng phong phóc những chuyện gì đã xảy ra cho anh hồi còn ở Việt Nam. Rồi nó nhìn mặt anh, bảo anh có một nốt ruồi cần phải tẩy đi, nếu không thì công danh sẽ chậm, và gia đạo cứ xào xáo hoài...
- Thế anh có tin lão thầy bói này không?
- Không. Anh đếch thèm tẩy. Nó là cái đ. gì mà bảo anh làm theo ý nó. Mẹ thằng thầy bói ấy, anh không chửi thẳng vào mặt nó là may ấy chứ. Anh định bảo nó: “ Anh tưởng nói như thế là tôi sướng à? Tôi tin c. gì anh? Anh cũng là con người như tôi chứ thầy tướng thầy bói cái đ. gì...”
- Thế sao anh bảo hắn nói đúng mấy chuyện quá khứ?
- Thì có thể Thượng Đế bảo cho nó nói như vậy. Thượng Đế sinh ra mình, tóc tai, râu ria như thế này, ông ấy cho cái gì, mình nhận cái đó, cho mình cái nốt ruồi thì mình giữ lấy, chứ tẩy xoá làm cái gì? Tẩy xoá như thế tức là chống Thượng Đế. Vậy thì mày muốn ông chống Thượng Đế để ông chết à?
Duyên Anh cười khà khà rồi tiếp:
- Mày hơn Thượng Đế không? Mày cũng là con người như tao mà mày xúi tao chống Thượng Đế à? Mà nếu không có Thượng Đế thì cha mẹ tao sinh ra tao. Tao nghe mày để chống cha mẹ tao à? Tao đ. vào. Nó bảo anh “ Tôi cam đoan với ông, ông cứ tẩy đi, mọi việc sẽ hanh thông ngay thôi”. Anh hỏi lại nó “Ông thầy lấy cái gì để cam đoan với tôi?“ nó bảo “ Ông muốn tôi lấy cái gì cũng được”. Anh không nói gì thêm nữa.
Tôi hỏi:
- Anh có giữ một bản sao những gì hắn đoán cho anh không?
- Có chứ được không? Tao tin ở tài năng của tao thôi. Tài năng ấy, Thượng Đế cho tao. Ông ấy cho tao cái hình hài này, đ.m, tao phải giữ chứ? Mày chỉ là cái thằng thầy bói cắc ké, mày dám ngon hơn Thượng Đeá à? Mày chỉ nói ra cái điều tao biết chắc chắn là sẽ xảy ra, đấy là cái giải thưởng. Cần chó gì mày phải nói ra điều ấy. Tao tin tao là đủ rồi.” Mẹ nó, anh đ. tin, Duyên Anh mà, chướng lắm cơ!
- Thế rồi hắn nói gì nữa không?
- Nó bảo “ Ông mà không nghe tôi thì gia đạo bất an, sự nghiệp công danh sẽ hỏng đấy.” Anh muốn nói với nó: “ Mày nhầm rồi, tao không chửi mày là may cho mày đó. Bởi vì, tao đi xem bói đ. mất tiền, đã có người trả tiền cho tao rồi. Cha mẹ sinh ra tao, tẩy xoá cái gì cha mẹ cho mình đã là phạm tội bất hiếu rồi. Mà nếu Trời sinh ra mình, mình không bằng lòng cái của Trời cho, tẩy xoá đi, ông ấy nổi giận thì chỉ có nước chết với ông ấy thôi. Đ.m, mày doạ tao, tao không sợ đâu. Đã có ông ấy che chở tao rồi. Tao chỉ sợ ông Trời thôi. Tao mà chống ông ấy, ông ấy bảo thằng Vũ Mộng Long này hỗn quá, ông ấy đập cho một phát là đời tao khốn nạn ngay. Mẹ anh thầy bói, tôi nhờ anh tí. Anh chưa có đủ tư cách để dọa tôi đâu. Tôi còn đẻ ra các anh thầy bói ấy chứ.
Hít một hơi thuốc, Duyên Anh cười khà khà, rồi tiếp:
- Rốt cuộc, chỉ có những người như ông anh HVĐ của chúng mình mới đi tin thầy bói thôi. Đ.m, thiên hạ điên hết rồi. Trên đời này, có lẽ chỉ có hai anh em mình là chưa điên thôi. Mình không tin mình mà lại đi tin mấy thằng thầy bói! Tin cái con c.. Mất vài ba chục nghe chúng nó nói cho sướng tai vậy thôi. Mất tiền cho mày để mày nịnh ông cho ông sướng chốc lát. Có vậy thôi. Nhất là, nếu nghe nịnh mà không mất tiền thì thỉnh thoảng cũng nên nghe chơi cho biết.
- Như vậy, anh tin cái gì?
Duyên Anh thôi cười. Suy nghĩ vài giây, anh chậm rãi:
- Anh tin nơi một Đấng nào đó che chở cho anh. Và anh cũng tin nơi những việc tốt đẹp mình đã và sẽ làm. Anh tin là mình sẽ không làm những điều xấu…
Tôi ngắt lời anh:
- Chứ nhất định không tin thằng thầy, con bà nào hết phải không?
Duyên Anh lại bật cười ha hả:
- Đúng vậy. Chúng nó có phải thánh thần do Trời sai xuống đâu? Rặt một bọn mồm mép, dùng trò bói toán làm kế sinh nhai thôi. Thế mà cứ làm như có sứ mạng cứu nhân độ thế vậy đó...Anh có bao giờ thèm tin chúng nó đâu...
Nhìn nồi giả cầy mới vơi đi một góc, Duyên Anh bảo:
- Mình ăn tối nay, chưa ngon đâu. Giả cầy này, phải hâm lại lần thứ nhì, thứ ba, càng hâm lại càng ngon hơn lúc mới nấu xong.
Đúng như anh nói, chúng tôi chỉ dùng muôi múc ra bát vừa đủ ăn thôi. Tối hôm sau, hâm lại, hương vị giả cầy đậm đà hơn nhiều.
Câu chuyện không đầu, không đuôi giữa hai anh em tôi lại tiếp tục, bên ly rượu, mãi đến quá nửa đêm...
Duyên Anh Và Tôi Duyên Anh Và Tôi - Vũ Trung Hiền Duyên Anh Và Tôi