From my point of view, a book is a literary prescription put up for the benefit of someone who needs it.

S.M. Crothers

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1594 / 29
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
iên thiếu úy lục sự đọc xong, tôi mới có đủ bình tĩnh ý thức được mọi sự quanh mình. Sự chú ý làm thị giác của tôi mở. Tôi không thấy gì khác hơn là một mớ hỗn mang vô hình sắc, quấy động bởi một thứ bão cuốn khiến mọi hình dạng đều uốn khúc, méo mó, biến dạng kỳ quái. Mãi một lúc khá lâu, sau khi thiếu úy lục sự dứt lời, cảnh vật mới thôi xao động, lấy lại hình dạng thường. Ông chánh thẩm và mấy viên phụ thẩm vẫn giữ được nét mặt nghiêm nghị. Tuy viên trung úy ngồi ngoài cùng chống tay vào cằm mệt mỏi. Ninh vẫn vịn vào vành móng ngựa, lơ đãng nghe những điều mình đã làm như một người ngoại cuộc. Phòng xử bắt đầu ồn ào trở lại sau mười mấy phút lắng đọng đến căng thẳng. Thừa phát lại phải cất giọng the thé cố tái lập trật tự. Ông chánh thẩm chờ cho hội trường im lặng, quay xuống hỏi Ninh:
- Nghe xong bản cáo trạng rồi, bị can có nhận tội hay không?
Ninh giật mình, chưa tin là ông chánh thẩm hỏi mình, ông chánh thẩm nhắc lại lần nữa câu hỏi. Ninh mất bình tĩnh, nói gì đó không ai nghe rõ. Ông chánh thẩm hơi bực nói lớn:
- Bị can hãy nói lớn lên. Có nhận tội hay không?
Bây giờ Ninh trả lời lớn:
- Thưa quý ông, tôi nhận có tội, nhưng...
Quá quen vởi các câu trả lời cùng loại. Ông chánh thẩm cắt ngang:
- Thôi được, bị can hãy chú ý nghe các câu thẩm vấn của tôi, rồi trả lời cho gọn và rõ. Gia đình của bị can hiện ở đâu?
- Thưa ông chánh thẩm, cha mẹ tôi hiện ở Đà nẵng.
- Còn đủ cha mẹ à?
- Thưa còn.
Ông chánh thẩm hỏi tiếp:
- Trong lý lịch thì bị can 20 tuổi. Như vậy đăng lính từ năm nào?
- Thưa vào lính đã ba năm nay.
- Lúc đó mới có 17 tuổi. Chưa tới tuổi quân dịch mà. Trước khi đăng lính có đi học hay làm nghề gì trước không?
- Dạ thưa tôi có đi học.
- Đến lớp mấy?
- Dạ lớp đệ nhị.
- Vì sao đang ở với cha mẹ, đang đi học, bị can vào tận trong này để đăng lính?
Ninh luống cuống không biết phải trả lời ra sao, hai bàn tay vô tình xoa qua xoa lại trên mặt gỗ hình móng ngựa. Mãi một lúc, Ninh mới chỉ lí nhí trả lời được mấy tiếng vô nghĩa:
- Tại vì... Đi lính là vì...
Ông chánh thẩm hạ giọng xuống, nhỏ nhẹ hỏi:
- Vì sao? Cha mẹ giàu có, đầy đủ phương tiện cho bị can ăn học đường hoàng bị can lại trốn nhà đăng lính?
Ninh ngập ngừng một lúc nữa, rồi nói một mạch:
- Dạ thưa, dạ thưa hồi đó tự nhiên thấy cái gì cũng đáng chán hết. Từ căn phòng hẹp, phố xá bụi bặm chật chội, mặt mày người nào cũng mệt mỏi, chán chường, cho đến dòng sông, ngọn núi, cánh đồng. Thứ gì cũng nặng nề, xơ xác, vô vị. Thứ gì cũng quen thân đến độ nhàm chán. Rồi tự nhiên tôi bứt rứt, muốn làm khác, muốn đi xa...
Ông chánh thẩm mỉm cười, nụ cười thoải mái đầu tiên từ khi khai mạc phiên tòa đến giờ. Ông quay sang nói thầm gì đó với người phụ thẩm ngồi bên trái. Luật sư cũng vội vàng lấy giấy ra ghi chép một cách thích thú. Nhân giây phút thoải mái ấy, cử tọa cũng vội vàng làm ồn lên, khua ghế, khua băng để bớt càng thẳng. Ông chánh thẩm lại phải dùng búa tái lập trật tự rồi hỏi tiếp:
- Nghĩa là bị can đăng lính để tìm một khung cảnh sống bao la hùng vĩ hơn, lấy một cuộc đời sôi động hấp dẫn hơn, nguy hiểm và biến đổi nhiều hơn. Phải vậy không?
Ninh ngập ngừng một lúc, do dự, rồi gật đầu:
- Thưa phải.
Ông chánh thẩm quay hỏi bốn vị phụ thẩm điều gì không rõ. Cả bốn viên trung úy đều lắc đầu. Ông chánh thẩm hướng về phía Ninh hỏi tiếp:
- Bị can quen biết với gia đình thiếu tá Lộc từ lúc nào?
- Dạ cách đây hai năm.
- Vì sao mà quen?
- Dạ tôi là tài xế của thiếu tá.
- Theo hồ sơ thì lúc tiểu đoàn của thiếu tá Lộc được đưa lên Cao nguyên, bị can được ở lại hậu cứ để lo việc liên lạc, tiếp liệu. Bị can không làm tài xế nữa, tại sao không ở trong trại?
- Thưa ông chánh thẩm, thường thường thì tôi ở trong căn cứ. Nhưng theo lời dặn của thiếu tá, cứ vài ba ngày tôi ghé lại ngoài nhà của thiếu tá để xem chừng coi có cần giúp đỡ điều gì không. Vả lại ông bà thiếu tá coi tôi như người thân nên tôi thấy cần có bổn phận...
Ninh tìm chữ không ra, nói nửa chừng thì dừng lại. Ông chánh thẩm chờ mãi không thấy Ninh nói tiếp, hỏi thêm:
- Bị can thường ở lại ngoài nhà thiếu tá không?
- Dạ thường.
- Bị can đã khai là mình được dành cho một phòng nhỏ ở gần nhà bếp. Căn phòng đó có gần phòng của bà Lộc không?
- Thưa không gần.
- Nói rõ hơn nữa xem.
- Dạ vì căn nhà của thiếu tá Lộc bề ngang hẹp, lại rất sâu, ở trước là phòng khách. Phía sau được ngăn đôi theo chiều dọc, bên hướng về phía nam là phòng ngủ của bà thiếu tá và các con, bên kia lại được ngăn đôi. Phần gần phòng khách là bàn học và chỗ Ly ngủ. Phần gần cửa xuống bếp để đồ đạc. Xa phía sau là nhà bếp, nhà cầu cất sát nhà kho. Nhưng nhờ mái tôn hơi cao, nên chủ trước có làm thêm một gác lên bằng cầu thang gỗ. Tôi thường ngủ lại ở gác ván đó. Ban ngày thì nóng, ban đêm rất mát. Từ gác xuống phòng bà Lộc, tuy kề sát nhau, nhưng phải qua một cầu thang gỗ và hai lần cửa.
Ông chánh thẩm hỏi tiếp:
- Tuy có nhân chứng Lê văn Lộc xác nhận rồi, nhưng tòa muốn bị can xác nhận lần nữa: Bị can được vợ chồng thiếu tá Lộc đối đãi thế nào?
Ninh nói ngay không suy nghĩ:
- Ông bà Lộc đối đãi với tôi rất tử tế.
Ông chánh thẩm muốn hiểu rõ hơn:
- Tử tế là sao? Vì có nhiều cách tử tế. Hoặc như thế này cho dễ trả lời: Ông bà Lộc tử tế với bị can như là bậc anh chị với em út trong nhà, hay là tử tế theo cách ông bà chủ với người làm?
Ninh giữ im lặng khá lâu, chưa trả lời. Tôi nôn nóng chồm về phía trước, chờ đợi câu xét đoán của người lính hầu cận đối với mình. Có thể từ lâu tôi đã chủ quan, không giữ gìn ý tứ trong cách cư xử. Tôi đã hiểu một đằng, Nhưng Ninh lại hiểu khác hẳn. Và có thể từ ngộ nhận tai hại đó, nung nấu trong cô đơn và mặc cảm, Ninh tạo thành tên bạo sát. Ông chánh thẩm tóm tắt câu hỏi rõ hơn gọn hơn một lần nữa, Ninh mới trả lời:
- Dạ thưa ông chánh thẩm, tôi phải thú nhận là không hiểu vì sao đã làm vậy. Ông bà Lộc đã đối đãi với tôi như một người em út trong nhà, thành thật quý mến, bảo bọc cho tôi. Có nhiều khi bạn bè rủ rê vui chơi nhậu nhẹt, bà Lộc chỉ khuyên một câu tôi đã dứt khoát vâng lời rồi.
- Bị can có hay đi đến quán nhậu nhẹt say sưa không?
- Dạ không.
- Thường thường bị can chịu đựng đến được mấy chai?
Ninh ngơ ngác hỏi lại:
- Dạ thưa ông chánh thẩm hỏi gì ạ?
- Tôi hỏi: Bị can uống mấy chai 33 thì say?
- Dạ chưa thử nên chưa biết. Nhưng cứ uống một ly là đầu bắt đầu nóng, da mặt đỏ rần.
- Đã biết vậy sao tối hôm đó còn đi uống đế?
- Dạ vì vô tình gặp ba người bạn. Họ rủ đi uống nước. Vào quán họ ép uống Coca pha với đế.
Ông chánh thẩm ngồi thẳng dậy, đặt hết chú ý vào câu hỏi:
- Vô tình gặp họ hay hẹn nhau từ trước?
Ninh vội đáp:
- Dạ vô tình. Tôi ít thân với ba anh đó.
Ông chánh án hỏi lại:
- Có chắc không?
- Dạ thưa chắc.
- Thôi được. Tôi sẽ hỏi lại ba nhân chứng đó sau. Cả bốn anh em uống rượu ở quán đến lúc nào thì về?
Ninh cố nhớ nhưng chỉ trả lời một cách mù mờ:
- Dạ tôi về trước nên không biết rõ.
- Thì anh bỏ về trước hồi mấy giờ?
- Dạ chắc khoảng 10 giờ.
Lúc ấy viên phụ thẩm ngồi bên phải ông chánh thẩm đưa cho ông một mảnh giấy. Ông chánh thẩm lẩm nhẩm đọc một lúc, rồi gật gù vui mừng. Ông hỏi:
- Trung úy phụ thẩm muốn hỏi bị can. Theo y khai, bị can bảo là ba người bạn đùa giỡn quá lố, nên bị can bỏ ra về. Họ đã đùa giỡn thế nào mà bị can cho là quá lố?
Ninh suy nghĩ hung lắm trước khi trả lời:
- Họ ép tôi uống đế hơi nhiều.
Ông chánh thẩm không bằng lòng:
- Ép uống rượu thì có gì đùa giỡn quá lố. Họ có chọc ghẹo bị can cái gì quá lố, làm cho bị can bực mình. Phải thế không?
Ninh không trả lời. Cả phòng xử cũng im lặng, lắng nghe câu trả lời của Ninh. Ông chánh thẩm cố gắng bình tĩnh hỏi thật rõ:
- Trong hồ sơ, thì ba nhân chứng Luật, Tiên và Thành đều nói là họ không có nói gì có thể bảo là "đùa giỡn quá trớn". Họ còn nói rằng điều đùa giỡn quá trớn nếu có, chính bị can đã nói ra chứ không phải họ.
Ninh bị chạm vào điểm dễ xúc động nhất, giật mình, bối rối, rồi hốt hoảng. Ninh cãi lại:
- Thưa, thưa chính họ bày điều nói ra, bây giờ lại đổ hết cho tôi.
Ông chánh thẩm cười thật tươi, nét mặt rạng rỡ vì thành công. Ông hỏi:
- Họ đã nói những gì làm cho bị can bực mình ra về?
Ninh thấy dù có dùng dằng hoãn binh cũng không thể tránh được, đành thú nhận:
- Họ thấy tôi lái xe của thiếu tá đi chơi, bảo là tôi "tốt số". Họ gọi tôi là "thiếu tá trừ bị". Họ kêu tôi là "ông chủ" bắt tôi trả tiền vì lương thiếu tá nhiều hơn lương hạ sĩ quan.
Cả phòng xử cười ồ. Còn riêng tôi thì đầu óc bừng bừng giận đến tràn hông, mà không hiểu rõ là mình giận ai. Giận ba tên lính đầu óc chứa đầy xuyên tạc ác ý? Giận tên hạ sĩ khai vanh vách trước tòa những điều nhơ bẩn? Giận tiếng cười hả hê của những con kên kên ghiền mùi thịt thối. Tay tôi nắm lại, vò nát lần vải quần ở đầu gối. Tôi liếc qua Ly, thấy con bé cắn môi vào một chiếc khăn tay, mắt nhìn xuống nền hội trường. Tiếng cười ồn ào tưởng như không bao giờ dứt, hỉ hả đến lợm giọng, độc ác đến quái đản. Ông chánh thẩm quay xuống Ninh hỏi tiếp:
- Sau khi bỏ về, bị can lái thẳng xe về nhà bà Lộc hay còn đi đâu nữa?
- Dạ thưa ông chánh thẩm, tôi lái xe đi quanh quanh một lúc rồi mới về.
- Sao bị can khai đã say mà còn dám lái xe đi quanh quanh?
- Dạ chưa say mấy, với lại hình như rượu làm cho người nóng nảy. Tôi lái xe đi một vòng cho mát trước khi về ngủ.
- Thế đi xong mấy vòng phố rồi, anh đã bớt nóng nảy chưa mà vội về?
Câu hỏi của ông chánh thẩm có giọng giễu cợt, khiến cả phòng lại cười ồ. Tiếng nói chuyện lại huyên náo. Ông chánh thẩm không dùng búa tái lập trật tự, để cho người dự khán tự động im lặng. Ninh không trả lời câu hỏi. Ông chánh thẩm hỏi lại theo lối khác:
- Khi đi quanh vài vòng ngoài phố, tâm trạng bị can thế nào?
Giọng của Ninh có vẻ tâm tình thành thực:
- Dạ thưa có lơ lửng, bứt rứt, không hiểu rõ mình bực bội vì mấy lời của tụi bạn hay vì ly đế. Càng chạy quanh càng thấy nôn nao hơn. Cuối cùng tôi rẽ về thẳng nhà.
- Lúc ấy khoảng mấy giờ?
- Tôi không nhớ. Chắc khoảng từ 10 giờ đến 10 giờ rưỡi.
- Vậy bị can chạy quanh phố bao lâu?
- Dạ chừng 15 phút.
- Nghĩa là bị can canh chừng thế nào để chắc chắn là lúc về lũ trẻ đã đi ngủ hết rồi chứ gì?
- Dạ... Dạ không phải thế...
Rồi tiếng cười của cử tọa lấp mất câu nói sau đó của Ninh. Nét mặt Ninh có vẻ tuyệt vọng, không biết phải làm gì để cải chính một điều mà mọi người đã vội nhận là sự thật lồ lộ. Ông chánh thẩm chờ cho phòng xử yên lặng lại hỏi:
- Lúc về nhà, bị can kêu cửa bao lâu thì bà Lộc ra mở?
- Dạ kêu vài tiếng thì cửa mở liền.
- Bà Lộc có biết bị can uống rượu hay không?
- Dạ chắc không. Vì bóng điện ngoài hiên hơi mở, chắc bà Thiếu tá không thấy da mặt tôi đỏ rần.
- Bà Lộc không nghe hơi rượu tỏa ra à?
- Dạ không hiểu. Chắc không.
- Thế bà Lộc có hỏi sao bị can về khuya không?
- Dạ có.
- Bị can trả lời thế nào?
- Dạ tôi bảo đi uống nước với mấy đứa bạn nên về trễ.
- Vì sao bị can tránh không nói là đi nhậu?
- Vì bà Lộc vẫn thường khuyên không nên say sưa, theo bè theo bạn.
Lúc ấy viên phụ thẩm ngồi trong cùng đưa cho ông chánh thẩm một mảnh giấy, ông chánh thẩm liếc nhanh, rồi gật đầu cảm ơn. Ông hỏi Ninh:
- Trong lời cung khai, bị can có nói là lúc về, bị can thấy bà Lộc đẹp và có vẻ hiền hòa, trìu mến. Bị can giải thích, mô tả cho rõ ràng được không?
Ninh bí không biết trả lời thế nào, lí nhí vài tiếng vô nghĩa rồi im lặng. Ông chánh thẩm hỏi lại:
- Bà Lộc lúc ấy thế nào mà đột nhiên bị can thấy bà quá đẹp?
Ninh vẫn không trả lời nỗi. Ông chánh thẩm kiên nhẫn chờ một lúc, rồi mới nói:
- Thôi được, kể ra câu hỏi của ông phụ thẩm cũng khó trả lời. Tôi hỏi câu khác dễ hơn. Bị can vào nhà rồi, thì đi thẳng ra sau lên gác ngay hay còn chờ bà Lộc?
- Dạ tôi lên gác trước, vì bà thiếu tá còn chờ đóng cửa.
- Lên gác rồi, bị can còn làm gì nữa?
- Dạ, tôi ngồi thừ một lúc, không biết mình nghĩ gì, chỉ thấy nôn nao khó chịu. Tôi tìm cái khăn và cục xà bông định đi tắm cho bớt ngầy ngật. Nhưng tôi chỉ tìm được có cái khăn. Tôi xuống cầu thang và...
Ninh ngần ngừ không nói nữa. Ông chánh thẩm giục:
- Rồi sao nữa? Bị can không tìm được xà phòng, nhưng cứ vất cái khăn lên vai để nếu bị bắt gặp, bị can sẽ nói trớ là mình chỉ định đi tắm mà thôi. Phải thế không?
Phòng xử lại ồn ào vì tiếng cười đùa thích thú. Ninh vội cải chính:
- Dạ tôi định đi tắm thật mà.
- Thế tại sao bị can không đi tắm mà lại đi lên nhà trên?
- Dạ tôi cũng không hiểu rõ.
- Lúc bị can vào phòng bà Lộc, căn phòng đó sáng hay tối?
- Dạ có ngọn đèn ngủ mờ mờ gắn nơi cửa ngăn.
- Bị can vào thì bà Lộc thức dậy liền, hay chờ đến lúc bị can chạm vào người mới thức?
- Dạ bà Lộc nằm nghiêng ở phía ngoài mép giường hai đứa con nhỏ nằm trong. Bà đang ngủ. Bà thức dậy, vì tôi vô ý đá vào đôi guốc để ở bên cửa.
- Bà Lộc có vẻ gì ngạc nhiên khi thấy bị can vào phòng lúc đó không'?
Ninh nói bằng giọng quả quyết:
- Chắc có. Vì lúc đó đèn mờ và mắt tôi hơi hoa không nhìn rõ.
- Bà Lộc có hỏi gì không?
- Tôi không nhớ.
- Sao không nhớ?
- Lúc đó tôi như người mê, nói năng líu lo những gì tôi không thể nhớ không thể hiểu. Chỉ nhớ bà Lộc choàng ngồi dậy, xô tôi ra phía cửa.
- Rồi bị can làm gì?
- Tôi nắm hai tay của bà Lộc lại.
- Để làm cái gì?
- Để xin bà Lộc đừng hiểu lầm. Để xin lỗi bà Lộc trước khi ra khỏi phòng.
- Khi nắm hai tay bà Lộc, anh có nói gì để xin lỗi không?
- Dạ tôi không nhớ, chắc có.
- Thế bà Lộc có chịu bình tĩnh nghe anh nói không?
- Bà Lộc lắc đầu và cương quyết đẩy tôi ra cửa.
- Anh có chịu để cho bà Lộc đẩy ra ngoài không?
- Dạ vào lúc đó, hai đứa nhỏ thức dậy, tụi nó khóc thét lên. Nhất là thằng nhỏ Nô. Lúc ấy bà Lộc mới la lên.
- Bà Lộc la câu gì. Bị can nhớ không?
- Dạ thưa không.
- Cả hai đứa nhỏ đều thức và đang khóc, bà Lộc xô đẩy và la cầu cứu, lúc ấy bị can xử trí thế nào?
- Tôi sợ. Nhưng biết là phải liều. Nên tôi nạt cho hai đứa nhỏ im miệng lại, rồi cố đẩy bà Lộc ra khỏi phòng, để tiện giải thích cho bà thiếu tá hiểu.
- Bà Lộc có chịu đi không?
- Dạ không, bà muốn đến với hai con. Tôi dùng hết sức mạnh đẩy bà ra cửa. Thấy bà định la nữa, tôi phải lấy tay bịt miệng bà lại, và đưa ra khỏi cửa ngăn.
- Bà Lộc có chống cự không?
- Dạ có, bà vùng vẫy lấy móng tay cào bàn tay đang bụm miệng bà của tôi, nhưng tôi nhất định không thả. Sau để cho bà khỏi ngo ngoai cái đầu, tôi phải nắm lấy tóc và chèn cứng ở cổ.
- Bà Lộc chết lúc nào bị can có biết không?
- Dạ không.
- Lúc biết bà Lộc chết bị can làm gì?
Giọng nói của Ninh rời rạc, như chìm vào một khoảng sương mù:
- Tôi không tin được mắt mình. Thấy người bà trĩu xuống, tôi tưởng bà định ngồi lì một chỗ không chịu đi, nhưng người bà càng ngày càng nặng. Tôi ngạc nhiên, thả tóc và cổ bà Lộc để ôm thân hình bà, mới biết người bà đã mềm. Đầu bà ngoẻo sang một phía. Tôi sợ quá. Nếu không kịp dằn thì có lẽ đã la lên kêu cứu. Tôi nghĩ đến chạy trốn. Càng nhanh càng tốt, vì lũ trẻ vẫn tiếp tục khóc. Tôi tìm cách đặt bà Lộc xuống nền nhà...
Ông chánh thẩm cắt lời Ninh:
- Đặt thế nào?
- Tôi nghiêng người đặt nhè nhẹ xuống.
- Chứ không phải thả mạnh cho nạn nhân ngã xuống rồi bỏ chạy à?
- Dạ thưa không. Tự nhiên lúc đó tôi bình tĩnh hơn một chút. Tôi còn ngồi nán lại xếp cho chân tay bà Lộc ngay thẳng, rồi mới mở cửa ra ngoài.
Ông chánh thẩm tự cho là đã biết đủ, xoa tay ngồi yên lặng, đầu gật gù. Ông quay sang hỏi các sĩ quan phụ thẩm. Họ đều lắc đầu. ông mỉm cười quay sang phía trung úy ủy viên chính phủ hỏi:
- Trung úy ủy viên chính phủ có muốn hỏi gì không?
Trung úy ngồi ở bàn phía trái lúc ấy đang lo ghi chép gì đó trên hồ sơ. Nghe câu hỏi, ông đứng dậy, vẻ uể oải bất đắc dĩ. Tôi hơi thất vọng khi thấy viên trung úy thiếu hẳn cương quyết tự tín. Trung úy nói:
- Tôi chỉ xin hỏi bị can vài câu để soi sáng vài điểm còn mù mờ. Điểm thứ nhất là lý do bỏ nhà đăng lính của bị can.
Nói đến đây, viên trung úy đưa cuốn sổ con lên đọc:
- Bị can vừa trả lời ông chánh thẩm rằng: Thời đó bị can thấy cái gì cũng chán nản, nào phố xá bụi bặm, nào cây cối xơ xác, nào đời sống vô vị. Bị can thấy bứt rứt, muốn bỏ hết, muốn đi biệt.
Khi bỏ nhà ra đi, bị can có nghĩ là cha mẹ chỉ có một mình bị can là trai, và tất cả hy vọng của cha mẹ đặt cả vào mình. Bị can có cảm thấy quyến luyến, bịn rịn khi xa căn nhà mình ở từ nhỏ, xa góc phố quen, xa trường xa bạn. Nghĩa là tình cảm lúc ra đi có bồi hồi luyến tiếc không?
Ninh không cần suy nghĩ, trả lời gọn:
- Không.
Trung úy hỏi tiếp:
- Bị can hãy xác nhận rõ ràng trước tòa: có phải bị can không có một chút xúc động nhỏ nào khi phải bỏ cha mẹ gia đình quê hương, bỏ hết, không có một chút tình cảm xao xuyến nào trước khi đăng lính, lạnh nhạt hoàn toàn, phải thế không?
Ninh bắt đầu nghi ngờ hậu ý của ủy viên chính phủ, trả lời nhát gừng:
- Dĩ nhiên là...
Viên Trung úy cắt lời:
- Nhưng bị can vừa trả lời không.
Ninh không biết nói sao, đành gật đầu.
Trung úy hớn hở lớn giọng:
- Như vậy là bị can xác nhận trước tòa rằng mình là một kẻ hoàn toàn lạnh lẽo, vô tình, không còn có điểm nào đáng hồ nghi về tính tình đặc biệt ấy của bị can, cái tính đáng lẽ phải tha thiết, thâm sâu đối với cha mẹ, chị em, quê hương, làng xóm.
Lúc đó hình như Ninh muốn nói điều gì, vì tôi thấy anh ta đưa tay lên.
Ủy viên chính phủ không để cho Ninh nói, càng lớn tiếng hơn:
- Bây giờ đến điểm mù mờ thứ hai: Bị can bảo vì ba người bạn nói những câu đùa cợt quá lố, nên giận mà bỏ về. Những lời nói đùa đó, mà vì tôn trọng danh dự một vài nhân chứng ở đây mà tôi không muốn nhắc lại, bị can đã từng nghe nói đến trước đó lần nào chưa?
- Dạ có. Luật thường nói đùa như vậy, nhưng tôi bỏ qua không chấp.
- Có bao giờ bị can suy nghĩ về các lời nói đùa đó không?
- Dạ họ nói bậy hơi đâu mà nghĩ.
Trung úy cao giọng hơn:
- Vậy thì xin hỏi bị can: Nếu trước đó đã có nghe nói đùa như vậy rồi, thì tại sao đột nhiên tối hôm ấy, bị can lại bực bỏ về?
Ninh trả lời ỡm ờ:
- Tại họ nói đi nói lại hoài.
Trung úy ủy viên chính phủ hỏi liền:
- Thế khi lái xe về, bị can có nhớ những lời giễu cợt đó không?
Ninh càng bối rối hơn, trả lời:
- Tôi không biết, lúc đó hơi say, không hiểu mình đang nghĩ gì.
- Nhưng bị can phải nhớ là mình bỏ về vì bạn bè đùa cợt quá đáng chứ.
- Dạ nhớ.
Cả phòng cười ồ lên. Ninh bối rối biết mình vừa nói hớ câu gì đó nên hai tay xoa xoa lên thanh gỗ vành móng ngựa. Viên trung úy cười thỏa mãn, hỏi tiếp:
- Lúc đã lên căn gác, bị can bảo mình muốn đi tắm nhưng tìm cục xà phòng không ra. Bị can lấy cái khăn mà thôi, rồi mò mẫm lần tửng bước xuống cầu thang. Đèn lại tắt. Cầu thang gập ghềnh khó đi. Bị can xuống đất mà không việc gì. Như vậy bị can có còn say nữa không?
Ninh không trả lời, chỉ đứng yên tiếp tục xoa xoa vào vành móng ngựa. Trung úy ủy viên chính phủ thấy Ninh không muốn trả lời, nói tiếp:
- Bị can không trả lời được, đó là quyền của bị can. cho tôi hỏi câu chót: lúc lôi bà Lộc ra khỏi phòng, bị can có nhớ lúc ấy mình có ý định đưa bà Lộc đi đâu không?
Ninh lí nhí không dứt khoát:
- Tôi định... tôi định...
- Bị can đã khai là định tìm một chỗ khác để giải bày, xin lỗi bà Lộc, nhưng chỗ khác là chỗ nào? Nhà bếp hay phòng khách?
- Tôi định đưa bà thiếu tá lên phòng khách, vì sợ ở phòng...
Trung úy cắt lời Ninh:
- Vì sợ ở phòng ngủ, tụi thằng Nô con Ty chứng kiến không tiện phải không?
Ninh quay hẳn về phía trung úy, cãi lại điều gì đó nhưng cả phòng xử cười lớn. Ninh tuyệt vọng, đưa cả hai tay lên cao phân trần.
Có lẽ thấy tình thế khẩn trương bất lợi cho Ninh quá nhiều, ông chánh thẩm giục:
- Công tố viên đã hỏi hết chưa?
Trung úy ủy viên chính phủ hơi ngần ngừ, vẻ mặt bất quyết.
Một phút im lặng. Cuối cùng ông trả lời:
- Thưa ông chánh thẩm, tôi đã hỏi xong.
Ông chánh thẩm gật đầu chào trả trung úy, rồi quay sang phía bên phải hỏi luật sư:
- Luật sư có muốn hỏi bị can điều gì không?
Tôi cảm thấy nôn nao hồi hộp. Lòng bắt đầu lo âu. Không hiểu lo âu điều gì. Mọi sự quanh tôi xóa nhòa. Tôi chú hết tâm trí mới thấy viên luật sư chậm rãi đứng dậy, vẻ mặt nghiêm nghị pha chút đanh đá, nham hiểm. Giọng luật sư lạnh và chói:
- Xin ông chánh thẩm hỏi giùm bị can:
Bị can vừa bảo lúc đăng lính, bị can mới có mười bảy tuổi. Cái tuổi dậy thì nguy hiểm. Bị can thấy cái gì quanh mình cũng hẹp hòi, nhàm chán, mệt mỏi. Bị can bứt rứt, muốn đi xa. Có phải bị can muốn đi tìm cái gì rộng rãi, đẹp đẽ, hoạt động hơn nhiều hay không?
Ông chánh thẩm không cần nhắc lại câu hỏi, khẽ hất hàm bảo Ninh cứ tự tiện trả lời. Ninh vẫn giữ thái độ dè dặt, đáp nhỏ.
- Dạ thưa... phải.
Luật sư hỏi tiếp:
- Xin ông chánh thẩm hỏi giùm bị can: Như vậy tuy chưa có ý niệm rõ rệt, nhưng bị can mơ hồ nghĩ rằng lý tưởng của cuộc đời mình phải là cái gì rộng rãi, phóng khoáng, cao đẹp, tuyệt đối. Cái mình không thể tìm thấy trong gia đình mà phải tìm ở trong khoảng rộng của xã hội. Có phải đó là mơ ước lúc ấy của bị can không?
Nhận thấy câu hỏi không có gì bất lợi cho mình, Ninh đáp gọn:
- Phải.
- Như vậy thì việc bỏ nhà ra đi của bị can không có gì mù mờ đáng nghi. Đó là hành động bình thường của mọi thanh niên bình thường. Nhưng chưa hết. Trong lời khai của bị can còn có một vài điểm thực sự mù mờ cần làm sáng tỏ. Chẳng hạn cái cầu thang nhà thiếu tá Lộc, vào buổi tối hôm đó.
Xin ông chánh thẩm hỏi giùm bị can: thường ban đêm chỗ cầu thang lên gác có ngọn đèn nào không?
Ninh không chờ lệnh ông chánh thẩm, đáp liền:
- Có một ngọn đèn, nhưng bị cháy từ lâu.
- Như vậy thì nếu trời tối (vì đêm hôm đó trời tối không trăng) bị can làm cách nào để lên căn gác của mình?
- Dạ phải vịn thanh gỗ cầu thang, nhưng phải bước chậm.
- Xin ông chánh thẩm hỏi giùm bị can là tối hôm ấy, hai cánh cửa từ gác xép xuống phòng bà Lộc đóng hay mở?
Ninh suy nghĩ một chút, rồi rụt rè nói:
- Tôi không nhớ rõ. Cửa xuống nhà bếp thì thường đóng khi không có ai ngủ ở phía sau, vì tường ngăn hơi thấp và bãi đất hoang sau nhà thường có lũ nhỏ mất dạy tụ họp phá phách. Còn cửa vào buồng bà thiếu tá thì thường mở.
Luật sư giữ im lặng một lúc, định nói thêm điều gì nhưng lại thôi. Ông ta cúi xuống tìm kiếm khá lâu trong xấp hồ sơ. Cả hội trường bắt đầu xì xào nóng ruột. Thấy không thể trì hoãn nữa, luật sư hỏi tiếp, mắt nhìn vào tờ giấy vừa tìm được.
- Đây là một điểm tối quan trọng trong vụ án. Vì vậy xin ông chánh thẩm hỏi giùm bị can: có phải ba người bạn kia đã gọi bị can là "tốt số" là "thiếu tá trừ bị" hay không?
Cả phòng xử đột nhiên xì xào. Rồi vì hiểu rõ hậu ý của luật sư, tiếng xì xào trở thành tiếng ồn ào, xen lẫn tiếng la ó. Viên chánh thẩm sắc mặt đanh lại, truyền lệnh:
- Bất cứ người nào la ó làm mất trật tự của phiên tòa nầy sẽ bị trục xuất ra khỏi phòng.
Phòng xử lại yên lặng, trong không khí nặng nề, căng thẳng.
Ông chánh thẩm nói:
- Luật sư có thể đặt câu hỏi khác.
Luật sư cười mỉm, rồi hỏi:
- Xin ông chánh thẩm hỏi giùm bị can: tối hôm ấy bị can bỏ ra về vì bất mãn với mấy lời đùa nghịch phạm thượng của ba người bạn hay vì say rượu.
Ninh suy nghĩ rồi đáp:
- Vì cả hai lẽ.
Giọng nói của luật sư lớn hơn:
- Xin ông chánh thẩm hỏi giùm bị can, có phải bị can đã khai như sau "Bị can lái xe về nhà, sợ làm phiền bà thiếu tá nên chỉ gọi bé Ly nhờ mở cửa. Nhưng bị can chỉ kêu có vài tiếng là cửa đã mở ngay", phải thế không?
Ninh ngần ngừ một chút rồi nói:
- Dạ phải.
- Bị can có nghĩ là hình như bà thiếu tá chưa ngủ được, hình như bà thiếu tá thức sẵn trong nhà để chờ mở cửa cho bị can. Phải thế không?
Ninh ngần ngừ:
- Cái đó thì... thì...
Giọng luật sư gấp rút hơn:
- Bị can trả lời có hay không?
Giọng của Ninh đột nhiên gắt gỏng, quyết liệt:
- Dứt khoát là không. Bà thiếu tá thường sẩy thức.
Bên dưới có nhiều tiếng xì xào. Nhưng ông chánh thẩm có vẻ hơi mệt vì trưa nắng, không buồn gõ búa tái lập trật tự. Luật sư chờ cho phòng xử yên lặng, nhưng chờ mãi không được nên cố nói lớn cho át tiếng ồn:
- Xin ông chánh thẩm hỏi giùm bị can: khi cửa mở, bà thiếu tá mặc áo vải gì, kiểu gì, màu gì?
Ninh ngớ đi một lúc, không hiểu chi tiết lặt vặt ấy có quan hệ gì đến vụ án. Luật sư phải nhắc lại câu hỏi. Ninh mới đáp:
- Tôi không nhớ rõ. Thường thì bà mặc cái áo cánh lụa lèo màu vàng.
Luật sư lại hỏi:
- Xin ông chánh thẩm hỏi giùm bị can: lúc bước khỏi cầu thang định đi tắm, bị can thấy cánh cửa trên nhà trên đóng hay mở?
Ninh trả lời liền:
- Dĩ nhiên là mở.
- Sao bị can bảo là dĩ nhiên?
- Vì chốt khóa nằm ở bên trong. Nếu cửa khóa, tôi không lên buồng trên được.
Luật sư thấy vẻ mặt của ông chánh thẩm đã có vẻ mất kiên nhẫn, nên vội hỏi câu chót:
- Xin ông chánh thẩm hỏi giùm bị can: có phải bị can đã khai là khi vào phòng bà Lộc và vô ý đá nhằm đôi guốc làm bà Lộc thức dậy, cũng như khi bị can đến bên bà Lộc, bà Lộc chỉ xô đẩy bị can ra cửa chứ chưa la lối gì. Bị can đã khai như vậy phải không?
Ninh đáp liền:
- Bà thiếu tá không la vì không muốn lũ nhỏ thức dậy, bà chỉ muốn xô tôi ra khỏi phòng thôi.
Luật sư nói:
- Tôi không cần bị can phải giải thích hành động của bà Lộc, chỉ cần sự kiện. Thôi được. Tôi đã hỏi xong. Cám ơn ông chánh thẩm.
Người dự khán bị cái giọng khẩn thiết thôi thúc của luật sư cuốn hút, chìm trong trạng thái ngây ngây của cơn lốc giả thuyết. Luật sư nói xong, cả phòng như bừng tỉnh, tiếng xì xào bùng dậy. Riêng tôi, thì mất hẳn bình tĩnh. Tiếng đàm tiếu thoang thoáng chung quanh không mấy có cảm tình với Thúy. Tôi lạnh người vì cái giọng căm hờn của luật sư. Không hiểu tại sao ông ta phẫn nộ như vậy.
May mắn cho tôi, lúc ấy ông chánh thẩm ra lệnh:
- Tòa tạm đình và sẽ tiếp tục vào ba giờ chiều nay.
Ông chánh thẩm và bốn vị phụ thẩm đứng dậy. Lính gác phía cửa hội trường hô nghiêm và tiếng súng chào đẩy mọi người đứng bật dậy như những cái máy ngoan ngoãn. Thánh phần xử án biến mất sau cánh gà một lúc, trong khi mọi người lao xao không biết nên ở lại hay có thể về liền.
Năm phút sau, ông chánh thẩm và bồi thẩm đoàn theo lối giữa ra cổng chính. Lúc đi ngang qua trước mặt tôi, ông chánh thẩm hơi mỉm cười cúi chào. Tôi bối rối chào lại.
Tiếng xe jeep rồ máy trước cửa. Tiếng băng ghế xô chạm. Tiếng người nói người cười. Tiếng lao xao trò chuyện. Rồi mọi tiếng dần mờ. Tôi chỉ còn nghe thấy tiếng Ly thút thít khóc và tiếng Tín nhắc:
- Họ về hết rồi. Mình về thôi, thiếu tá.
Chúng tôi cả Tín cả Ly cả Ty cả Nô lặng lẽ bước đi, như những hàng binh sau ngày thất trận. Lạ lùng nhất là Ty và Nô cũng không dám nói một câu, cười lấy một tiếng.
Mây đen và sóng dữ chờ đợi chúng tôi đâu đây sao?
Đường Một Chiều Đường Một Chiều - Nguyễn Mộng Giác