I love to lose myself in other men's minds.... Books think for me.

Charles Lamb

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2470 / 107
Cập nhật: 2015-07-18 13:06:46 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 32
ột buổi sáng, tôi thức giấc, trăn trở mãi không ngủ tiếp được. Tôi định ngồi dậy nấu nước uống thì nghe tiếng bàn tán bên cạnh vọng sang:
- Mổ đi! không mổ cũng chết!
- Không có lấy một cái bistourie lấy gì mà mổ?
- Trong đoàn có ai mang theo nô-vô-ca-in không?
- Có tôi đây!
- Nó lăn lộn từ tối đến giờ.
- Ruột thừa bạo phát rồi!
- Mổ ngay thì có thể sống!
- Nhưng chả lẽ mổ bằng lưỡi dao găm của hợp tác xã phố Hàng Hòm?
- Bậy nào, sao lại dính cái Hàng Hòm vào đấy?
Một tiếng reo lên phấn khởi:
- Tớ có cách rồi!
- Cách gì?
- Lưỡi cạo râu. Tuyệt!
- Không được đâu, phạm chết!
Im lặng hồi lâu, rồi lại:
- Không mổ cũng chết!
- Ờ, không mổ cũng chết!
- Mổ may ra còn sống. Có một ông bác sĩ đi công tác miền núi bị bệnh dọc đường. Ông ta soi kiếng và tự mổ, ấy vậy mà sống!
- Chớ sao!
- Thôi đừng cãi nữa, quyết định đi. Cậu nào giúp tớ này. Đem nô-vô-ca-in ra đây! Căng tăng lên che bụi. Nấu nước luộc kim. Cậu nào có Gillette cho xin một lưỡi.
- Nhưng hãy hỏi nó đã.
- Hỏi gì? Ai lại hỏi bệnh nhân!
- Tớ ớn lắm, lưỡi lam mỏng dễ phạm lắm!
- Thì đây là cầu may thôi mà.
Tôi rởn ốc khắp người. Mổ ruột thừa mà bằng lưỡi cạo râu. Có lẽ đây là một sáng kiến phải được xếp cao hơn cái xe ba-gác ở làng Ho và cái cần câu trên quốc lộ 1.
Sáng hôm đó chúng tôi bị một trận bom tơi bời. Vừa chết vừa bị thương 20 mạng.
Cuộc sống ở bờ sông này vốn đã phức tạp càng trở nên bi đát và phức tạp hơn sau trận bom. Có người cháy rụi tài sản, có người mất đầu, có cánh tay văng mắc trên cành cây. Nhốn nháo, khóc lóc, chửi bới, văng tục, tro than, máu me, quát tháo, xác chết …
Những cặp mắt dáo dác, nhớn nhác, những gương mặt lầm lì choắt lại, những gò má sị ra, những bàn tay khô gầy, những cái dạ dày ọc ạch nước suối…
Có lẽ Khanh đã quen chịu cái cảnh này cho nên Khanh cứ bình tĩnh như thường.
Khanh ra lệnh cho tất cả chiều này sẽ vượt sông ở một quãng cạn có thể lội qua được. Như vậy không cần đến bè, mãng và thuyền. Trạm của Khanh chỉ có một cái thuyền độc mộc bể nát.
Tôi gặp cái anh chàng y tá Nam bộ bị phân công về Khu 5 ở đây trong lúc sắp sửa lội qua sông. Anh ta tự giới thiệu tên là Năm, và anh em tặng cho biệt hiệu là Cà Dom (một loại ghe làm bằng thân cây cổ thụ) vì hồi ở tiểu đoàn 307 có lần Năm một tay cầm ba khẩu súng trường giơ lên và lội xốc đứng qua sông.
Năm Cà Dom ngồi tâm sự với tôi. Mở đầu Năm Cà Dom đã chửi đổng ngay:
- Tổ chức cái … cái … chớ tổ chức. Người ta quê ở Hóc Môn nó lại phân công về Khu 5. Lặng im mà đi thì thôi, cãi lại nó cho đi Lào. Tôi nói thiệt với anh, thằng nào đi vô đây cũng bất mãn một bụng.
Rồi Năm Cà Dom dịu giọng ngay:
- Thế là thoát anh ạ! Tôi nói thiệt tôi về tới quê phen này tôi nuôi ngựa đua.
Năm Cà Dom lắc đầu lia lịa:
- Chào ồi! Tôi vô tới đây tôi mừng hết lớn. Qua con sông ôn dịch này nữa là alê quất ngựa chuối một “tăng” là tới nơi. Tôi hỏi thật người anh em nhé! Sống mười mấy năm trên đất Bắc, người anh em có cảm tưởng gì khi qua khỏi cây cầu treo ở ngọn Bến Hải?
Tôi cười. Năm Cà Dom nói tiếp:
- Tôi nói thật, tôi lột nón xá dài. Thiệt tình, tôi vái cả mũ.
Năm Cà Dom cười khắc khắc và vỗ đùi tôi, có vẻ đắc chí vì đã qua mặt được các trạm mà lọt, vô tới đây.
Tôi chợt nhớ câu chuyện lúc sáng. Tôi hỏi:
- Cậu có biết cái đoàn nào đó định mổ ruột thừa cho thằng nào bằng lưỡi lam không?
- Biết chớ! Nhưng mà biết làm thế nào? Ở đây không có cái gì bình thường nữa hết! Để vậy thì chết, mổ bừa may ra khỏi chết. Cũng như tôi, như anh vậy.
- Tôi có đau ruột thừa đâu…!
- Chúng mình đau “ruột thiếu” …khè..khè… Tôi nói như vậy là nếu mình ở ngoài Bắc thì chắc chắn chết, còn về Nam thì có thể chết nhưng may ra còn sống! Thế đó! Chúng mình đi trên con đường này thì cũng ví dụ như thằng kia mà bị giải phẩu bằng lưỡi lam vậy thôi! May ra thì sống.
Bỗng nghe tiếng la quát loạn xạ ở phía bộ đội tập họp:
- Bắn bỏ! bắt được bắn bỏ!
- Thằng nào “quay” đó?
- Năm sáu thằng!
- Cho truy lùng ngay. Lôi về đây cho tôi!
Năm Cà Dom cười mũi:
- Lùng con mẹ gì! Không khéo mất cả chì lẫn chài nữa bây giờ!
Năm Cà Dom tiếp:
- Ta đã bảo ở chỗ này thế nào tụi nó cũng “quay” dữ lắm! Con sông này chẳng khác nào cái Bến Hải thứ hai. Nó không chịu đi mà bắt ép mãi nó phải kiếm cách chuồn. Ở ngoải, nghe bài ca và ngâm thơ trên đài, thằng nào cũng tưởng bở, cắt tay lấy máu viết “hú…úy..ết..ết…” tâm thư xin đi Nam, bốc tếu tới trời. Ai dè vô mới có ba trạm đã bắt đầu thấy “bê quay” lai rai rồi. Càng vô càng “quay” tợn. Chúng nó biết hễ vượt qua con sông này là khó bề “quay”.
Tôi biết Thu đang khó ở, nhưng biết làm sao, đã đi là phải đi bất kể trời đất, bất kể bệnh tật. Người ta đi tới như gió bão. Mình không thể ngồi lại nhất là ngồi lại bên bờ sông, làm mục tiêu cho máy bay. Đến giờ phút chót tôi mới hỏi Thu:
- Em biết lội không?
- Biết!
- Thế thì hay quá! Tôi reo lên – Trông người ta lội qua thì thấy có chỗ ngập đầu đấy em ạ!
- Ấy chết! Ngập đầu thì làm sao mà lội. Phải
bơi chớ! Em chẳng biết bơi đâu!
Trời mới vừa nhá nhem. Cát trên bãi sông trắng lên mãi màu sai mạc hoang dại. Mặc dầu những đoàn người đang chạy làm cho bụi bốc lên mù mịt, tôi vẫn cảm thấy một sự man rợ của những nơi không có dấu chân người. Tôi chẳng biết con sông này bắt nguồn từ đâu và nó tưới những thành phố làng mạc nào. Phía trên nguồn đổ xuống đến đây nó eo thắt như một cái cổ chai. Nước trào lên, sủi bọt trắng tràn qua những tảng đá và lao tới như những đàn ngựa bất kham.
Rè..rè… rè… có tiếng máy bay ở phía dưới dòng. Pập…pập.. pập.. Không gian loè lên ánh chớp. Những đốm sáng tròn nhóang lên tủa ra như những cụm pháo bông nhỏ, rồi vụt sáng lên, xé rách cả một vùng trời. Ánh sáng lan đến chỗ tôi và Thu đứng.
Chiếc máy bay cứ bay, vẽ thành vòng tròn quanh những trái pháo sáng. Cứ chốc chốc lại pập pập pập, pháo sáng lại phụt ra, chẳng mấy chốc mà những chấm đỏ đầy cả một vùng trời như những chùm ớt chín cây. Quát tháo ầm ĩ:
- Qua nhanh đi.
- Nhanh thế nào được…
- Cứ đi, nó không thấy đâu!
- Nhanh lên, nó tới đấy!
Nước tung lên trắng xóa từng nơi. Bước chân lội ầm ầm hỗn độn. Người ngã. Súng rơi trên đá. Lại trườn dậy, lại chạy, lại sụp xuống hố, lại ngã. Nước vẫn chảy ào ào. Tôi dìu Thu đi trong cái đám người đang đạp bừa lên nhau qua mặt nhau ấy. Tôi tự bảo: “Không thể cuống lên được. Sự bình tĩnh trong lúc này rất cần thiết”.
- Cứ đi chậm chậm,em! Có anh đây đừng sợ!
Có lẽ Thu chưa trông thấy cải cảnh qua sông như thế bao giờ. Trông như một cuộc chạy loạn. Mặc cho người ta vượt lên, Thu vẫn cứ dò từng bước, bước thật chắc. Đó là kinh nghiệm đã học được trong những lần qua suối.
Một người xỏ chân vào kẹt đá kêu cứu. Một người đổ ầm xuống, nước bắn vào người Thu. Một người đang lom khom mò chiếc dép sút bị một người khác cỡi bừa lên lưng, hai người cùng ngã, chửi nhau ầm ĩ.
Càng đi ra xa, sông càng sâu. Nước đã ngấn tới đùi. Tôi xót xa nhìn Thu qua ánh pháo sáng. Nét mặt Thu tái nhợt. Tay Thu như không nhấc gậy lên nổi nữa.
- Cố gắng lên em! – Tôi càng bám chặt cánh tay Thu.
Nước sắp đến lưng. Hai người khiêng cây súng gì có vẻ nặng nề. Họ bước rất chậm. Họ thở hổn hển. Bỗng “ầm” người đi sau sụp ngã, người đi trước ngã theo.
Hai người đi phía sau, có vẻ cùng một tổ, nhảy tới. Một người rên:
- Nắm chắc kẻo rớt súng!
Một tiếng hét:
- Đi về phía này cạn!
Tôi nhìn về phía có tiếng kêu. Ở đó nước chỉ quá đầu gối. Tôi bảo Thu:
- Đi về phía đó em!
Đến bờ, Thu ngồi phệt xuống. Tôi xốc lấy chiếc ba-lô trên lưng Thu và nắm lấy tay Thu đứng dậy.
Những tốp người qua khỏi sông, bắt đầu chạy như gió. Bãi sông bên này rộng mênh mông. Cát bốc lên như sa mù ác mộng. Người ta phải chạy vượt lên, qua cho khỏi chỗ này. Bước dẫm lên hố bom và mảnh đạn. Thu không thể nhấc chân chạy nhanh được. Thu ngã đầu vào vai tôi. Tôi ôm quàng sau lưng Thu. Thu kêu:
- Em đau bụng quá!
Một binh sĩ chạy vượt lên. Chân anh ta bước hụt xuống một lỗ bom. Toàn thân anh ta cùng với khẩu súng và bao đạn ngã xuống đánh “rậc” một cái. Cây súng văng ra xa lắc. Tôi và Thu đi qua. Anh ta vẫn nằm sải tay
ở đấy. Nhiều người nhảy qua lưng anh. Hai người khiêng cây súng gì lúp xúp chạy qua. Họ xoay trần và mặc quần đùi, lưng họ lấp loáng nước hay mồ hôi.
Cây hai bên đường cháy trụi hết lá. Từng cành in trên nền trời như những bộ xương trong cõi hư vô. Người ta vẫn chạy hồng hộc. Bụi bốc lên xốn cả mắt, nồng cả mũi.
Ở phía sau tôi, chiếc máy bay vẫn rè rè lượn vòng và pập pập pập. Thu lả ra. Tôi định ngồi laị nhưng có tiếng quát:
- Chạy mau lên. Xa 4 cây số mới dừng lại!
Tôi lôi Thu đứng dậy. Thu như cái xác không hồn.
Tôi bảo:
- Ngồi đây máy bay bắn chết!
Thu cố đứng dậy tựa hẳn vào tôi và thều thào:
- Em có … kinh!
Tôi rùng mình.
Thu oà lên khóc: – “Để em ở lại đây thôi anh ạ!”
Những tốp người cứ rào rào lướt qua. Súng ống khua lách cách, tiếng kêu với tiếng chân chạy ùynh uỵch, tiếng máy bay ù ù, tiếng thét rống lên.
Tôi bảo:
- Mặc kệ. Thu cứ đi chầm chậm!
Và tôi lôi Thu đi trong sự bát nháo hỗn độn đó.
Thu lê chân theo tôi. Mỗi một bước đi Thu lại kêu lại khóc. Thu dùng dằng không chịu đi. Rồi Thu ngồi phệch xuống nhu một cái bao cát rơi đánh phịch.
Tôi ngó quanh quất để tìm một người quen. Nhưng ai mà nhận là quen với chúng tôi trong lúc này?
Thôi cũng mặc. Cứ phó cho Trời.
Tôi lục ba-lô lấy võng mắc lên và bế Thu lên nằm.
Cái võng mắc vào hai cái cây đã bị thuốc độc làm rụng hết lá đúng trơ xương ra. Ở đây là khu tử địa. Máy bay rải chất độc làm thành vòng đai trắng để kiểm soát người vượt sông.
Ở đây là vùng ranh giới của bóng tối và ánh sáng. Những trái hoả châu soi sáng mặt người lan tới đây. Đi quá về phía Nam là sụp vào trong vũng tôi.
Tôi ngồi bên võng Thu mà nhìn những đám người ướt lóp ngóp ì ạch nặng nề đi qua, mình mẩy ướt đầm, hình thù quái dị chẳng khác một lũ âm binh từ cõi dưới hiện về.
Bỗng tôi nghe tiếng quát:
- Trở lại! Trở lại mau!
Một tiếng trả lời yếu ớt:
- Tôi đi múc nước!
- Múc nước cái con mẹ mi! Mi định “quay” hả? Trở lên không tao bắn!
Tôi nghe tiếng cơ bẩm khua lách cách.
Mấy cái bóng quay trở lên, dáng đi thất thểu.
Đường Đi Không Đến Đường Đi Không Đến - Xuân Vũ Đường Đi Không Đến