Thành công là đi từ thất bại này sang thất bại khác mà không đánh mất lòng nhiệt tình của mình.

Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2470 / 107
Cập nhật: 2015-07-18 13:06:46 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
rong mấy ngày đó tôi cứ sốt liên miên. Uống bao nhiêu kí-nin và uống cách nào cũng không chận cữ được.
Cho nên cuối cùng tôi quyết định đi bệnh xá để nhờ ở đấy tiêm dùm mấy ống kí-nin 0,40 mà tôi mang đi theo từ Hà Nội. Tôi tạm biệt Thu và Việt vào một buổi sáng.
Tôi lủi thủi đi trên đường một mình với cái bóng của tôi. Phía trước là hai anh giao liên người thiểu số khiêng một người bệnh cấp cứu cũng đi bệnh xá. Anh trạm trưởng gửi tôi cho mấy người này.
Nghe anh trạm trưởng nói đi non một ngày đường thì tôi ngại, nhưng anh khuyên tôi nên đi sớm. Cái sốt của tôi là cái sốt cách nhật, khó cắt cữ nếu để dây dưa, lá lách sẽ thòng thòng khó trị lắm. Đi đường có khi ngã dập lá lách chết cũng nên. Anh trạm trưởng đã đổi cho tôi những viên ki-nin xanh mà anh cho là rất thần hiệu, nhưng những viên thuốc ấy lại cũng vô hiệu đối với tôi.
Hôm nay đúng ngày sốt nhưng cơn sốt đến vào lúc xế chiều. Tôi hy vọng sẽ đến bệnh xá trước khi cơn sốt đến.
Hai người giao liên vẫn đi trước tôi. Lúc đầu tôi còn trông thấy họ, dần dần khoảng cách nhân lên và bây giờ thì họ đã biến mất. Tôi hơi lo. Vì trong rừng không ai đi một mình mà lại tay không bao giờ. Nhưng tôi không thể đuổi theo kịp họ. Tôi định là họ sẽ dừng lại gác đòn võng trên hai cái nạng mà nghỉ tôi sẽ bắt kịp. Nhưng càng đi tôi càng thất vọng. Theo sự chỉ dẫn của anh trạm trưởng thì cứ đi thẳng con đường lớn rồi đến con đường mòn đầu tiên, rẽ vào đó cứ thế mà đi một tiếng đồng hồ sẽ tới bệnh xá.
Giữa lúc tôi đang sợ hãi vì đường vắng người thì tôi lại gặp người, gặp cả một toàn người.
Họ đi lãi rãi không thành đội ngũ. Có nhiều người mặc áo cổ vuông để lòi những cách tay đầy ghẻ chóc. Có người vác cuốc, có người đi tay không, trông áo quần của họ tôi đoán là bộ đội, nhưng không thấy ai mang súng. Họ đi chậm chạp, lê thê, vẻ mặt ngơ ngác và họ không buồn nhìn tôi.
Tôi hỏi một anh vác cuốc:
- Ở đây gần tới bệnh xá chưa… bạn?
Tôi ngập ngừng không biết gọi bằng gì cho đúng: gọi bằng anh thì nghe xa lạ quá, còn gọi “đồng chí” thì quả tình tôi không thể gọi những người như vậy là đồng chí của mình.
Người đó gầm mặt xuống, vung tay lại phía sau và nói:
- Đâu phía đó, chúng tôi cũng chẳng rõ!
Tôi lại cắm cúi đi, bụng hoang mang không biết nên đi tới nữa không. Tôi vừa đi vừa sợ, không hiểu mình đã vượt qua một mối đường mòn nào chưa? Vì nếu là đường mòn dẫn vào một căn cứ, một cơ quan nào đó thì thường thường đường đó được ngụy trang rất kỹ. Người đi đường có để ý cũng không thể nhận ra. Vì thế nên tôi không dám bước nhanh. Tôi vừa đi vừa ngó chừng. Tôi đi rấn tới một quãng nữa thì đụng ngả ba. Tôi không biết nên rẽ về phía nào. Bởi vì theo lời anh trạm trưởng thì một con đường mòn sẽ dẫn tôi đến bệnh xá nhưng ở đây, ba nhánh đường đều bằng nhau. Hai nhánh trước mặt không có nhánh nào nhỏ hơn nhánh nào. Tôi dò dưới đất tìm dấu vết và mong cho những dấu vết ấy sẽ bảo cho tôi nên rẽ vào nhánh nào nhưng đất khô cứng, không thấy một dấu chân mới.
Trời đã trưa. Tôi ngồi lại một gốc cây ngay ở ngả ba, mở nút bi-đông ra uống một ngụm nước. Khi đặt đít xuống đất người ta mới biết đôi chân mỏi đến thế nào.
Tôi cởi một chiếc dép ra và rút lại quai dép. Cây rút dép làm bằng thau Phương mua ở Hàng Thiếc cho tôi. Phương đưa cho tôi và nói: “Em chỉ mong anh giữ lại cái món này!”.
Tôi giắt cây rút dép vào thắt lưng và mang lại dép, hy vọng sẽ có người qua lại. Tôi chợt thấy một cuộc diễn binh quanh tôi. Một đạo binh trùng điệp.. Tôi theo dõi một quãng xa xem đạo binh ấy khởi đầu từ đâu và sẽ dừng lại ở chỗ nào. Những chú lính to đầu, hai cái răng thật to màu nâu như hai cái nanh. Chúng đi hàng dài, chú nọ nối chú kia, im lặng lầm lỳ có vẻ tự tin. Thỉnh thoảng lại có một anh to trội hơn, có lẽ là chỉ huy. Chúng gây thành những tiếng rào rào trên lá khô. Cái tiếng động làm cho tôi nghĩ tới bước chân chậm chạp của cái chết. Chúng bò sát chân tôi nhưng vẫn cứ thản nhiên như không hề trông thấy tôi. Và tôi cũng ngồi yên không muốn động đến những đối thủ nguy hiểm ấy. Mình không đánh người ta thì người ta không đánh mình.
Xem chúng nó lầm lỳ vậy chớ ghê gớm lắm. Ai sơ ý đặt ba-lô xuống đất ngủ một đêm sáng ngày thức dậy, cái ba-lô trở thành cái ổ mối. Một cái xác nằm giữa rừng, chỉ qua một đêm hôm sau chỉ còn bộ xương. Tôi rùng mình không muốn nghĩ xa hơn nữa.
Bỗng một cành khô rơi xuống đội hình diễn binh. Lập tức các đơn vị tản ra, nhanh nhẹn, ráo riết và từ những doanh trại ở đâu không rõ, đạo quân ấy tuôn ra càng lúc càng đông, tủa ra khắp nơi như đang chuẩn bị chiến đấu. Tôi nhảy nhổm lên. Một chú đã ngoặp vào bàn chân tôi rồi 2, 3 chú bám vào. Tôi đưa tay phủi lia, thân mình chúng văng ra nhưng hai cái càng vẫn cặp dính cứng vào da tôi.
Tôi quơ ba-lô, nhảy vào một chỗ trống và thoát ngay ra khỏi cái trận địa nguy hiểm.
Tôi vừa đi, vừa ngoái lại nhìn đội hình của đạo quân đang triển khai – và như có một thứ linh tính hướng dẫn, tôi rẽ luôn sang phải.
Tôi thấy hơi nguy – Cơn sốt đã đến. Cái bàn tay vô hình kia bắt đầu vuốt vào những đốt xương sống của tôi. Tôi rùng mình một cái,và tôi ngó quanh quất vào bên phải là nơi có nhiều cây cao để tìm chỗ mắc võng. Tôi chỉ còn đủ thời giờ để làm cái việc quan trọng nhất đó vì tôi thấy trước rằng mình phải nằm lại giữa rừng đêm nay. Ý nghĩ đó làm cho tôi ân hận tràn lòng. Sao mình lại đi bệnh xá làm quái gì?
Tôi tìm một cái cây có cháng ba. Tôi phải mắc võng trên cây. Những người đi rừng bảo như vậy, vì ở dưới đất một mình sẽ có thể gặp đủ thứ nguy hiểm. Tôi không ngờ chuyện đời lại trở nên rắc rối như vậy. Cái ân huệ mà tôi mong được ơn trên ban bố cho là đêm nay trời đừng mưa.
Tôi cố hết sức mới đem ba-lô lên được trên cái cháng ba tôi đã ngắm sẵn. Tôi mắc võng ngay trên đó. Tôi siết chặt những mối dây nhiều lần rồi mới lên nằm. Hãy tưởng tượng một con người như tôi, cầm ca cháo ăn còn run mà phải đeo trên từng nhánh cây và nhấc người lên. Tôi thò đầu nhìn xuống đất. Tôi có cảm giác là tôi vừa thoát được sự nổi giận của những chú mối càng hung dữ đang vây lùng tôi.
Tôi thiếp lịm đi theo ánh mặt trời đang tắt dần. Tôi mơ màng nghĩ đến cái chết trong giấc ngủ là cái chết nhẹ nhất, nhưng tôi lại xua ngay cái ý nghĩ này. Tôi tỉnh dậy sau một cơn sốt. Tôi định đi tiểu. Tôi thò chân xuống để tìm dép. Chân tôi quờ nhằm khoảng không, tôi giật mình, rút chân lại, cả người nổi da gà.
Tôi đã nhớ ra mình đang nằm ở giữa trời.
Tối như mực nhưng không dám bấm đèn. Tôi đã chịu nhiều cơn sốt nên đã quen. Sau khi dứt cơn thì đầu óc lại tỉnh táo như thường. Tay tôi nắm nhánh cây, hơi nhỏm người lên một tí… để nhìn.
Tôi sợ người và sợ cả thú rừng biết tôi ở đây. Tôi lại nằm gọn trên võng, tôi quờ tìm cái bi-đông nước treo ở đầu võng. Tôi rút nút bi-đông rót vào mồm những giọt nước ngon lành.
Một cái lá rơi đánh xạc, một cành cây gãy đổ xuống đất cũng làm cho tôi lo âu. Những loại côn trùng rên rỉ dưới những gốc cây, những lá mục không bao giờ dứt như một bản nhạc được trình tấu không dưới quyền điều khiển của một nhạc trưởng nào.
Có phải tiếng côn trùng đêm nay làm dâng lên trong lòng tôi một nỗi nhớ nhung khắc khoải, những giờ phút mà tôi đã tung cho Phương tất cả sức lực, đã bị rơi rớt đi nhiều ở dọc đường, để vượt lên đỉnh cao nhất của sự ham mê xác thịt mà kỷ niệm còn hằn mãi trên da thịt tôi. Đó là lần cuối cùng. Tôi sống nhiều bằng bản năng. Tình yêu là một thứ bản năng.
Phương đã đi tới đâu rồi? Trong đêm nay nàng nghỉ lại nơi đâu? Nàng đau khổ nhớ tiếc những kỷ niệm vừa qua hay đã nằm gọn trong lòng … đất?
Tôi lặng người ra, khổ sở. Chưa bao giờ tôi thấy khổ sở khi phải xa một người con gái như Phương. Tôi vẫn biết rồi Phương chẳng yêu mình được nữa, mà tôi vẫn khổ khi chia tay với nàng. Con gái, đứa nào cũng thế, sự chung đụng thường dẫn họ đến tình yêu hơn là một phút bất chợt loé lên bừng cháy. Họ dễ nhớ dễ quên.
Tôi nghiêng đầu ra mép võng.
Không gian sầu thảm. Một con chim gì đang đậu ngay trên đỉnh đầu tôi, tự nãy giờ cứ đứng ở đấy, chốc chốc lại kêu lên những tiếng ai oán. Tôi không thấy nó nhưng tôi chắc nó màu xanh sậm và có đôi mắt chan chứa u buồn. Ở đằng kia, có một một cô luôn luôn đáp lời, mỗi lần chú đằng này gióng lên tiếng gọi. Dường như chúng đang hò hẹn tìm kiếm nhau. Tôi có cảm giác đó là linh hồn của hai người chết vì một mối tình nan giải, và đôi linh hồn ấy đêm đêm lại quờ quàng tìm nhau để nối lại cuộc tình ái dang dỡ trên dương trần. Tiếng kêu của chúng nghe não nùng ai oán lạ. Nghe chim kêu, tôi thấy đau khổ tràn lòng. Tôi nghe như gan ruột mình chín từng đoạn một. Nỗi tình yêu, nỗi cuộc đời.
Dội lên trong tâm tự tôi một nỗi ai hoài xót xa. Hiện lên trong đầu óc tôi một đôi nhân tình cùng là người Nam, cùng đi về Nam và cùng đi trên đường này.
Họ yêu nhau. Họ bị cấm đoán trong lúc họ mang gạch tập dượt ở trường đi B. Nhưng rồi họ vẫn yêu nhau. Họ bị cảnh cáo. Và kết quả cuối cùng đến với họ là chàng thì đi Ông Cụ còn nàng thì rẽ xuống Bác Kế. Họ được cái hạnh phúc đi chung nhau trên một quãng đường và trên quãng đường này tình yêu cũng vẫn bất hợp pháp.
Một buổi trưa họ đi tụt lại phía sau vì họ đổi được một trái dưa gan. Họ lẫn vào rừng để tận hưởng cái quả dưa trời cho ấy. Ăn xong, chàng cứ ưỡn ẹo. Chàng kêu tức bụng và không chịu đi.
Chàng cởi cúc áo ngực và trật vai ra bảo nàng xem có ve cắn không. Nàng hớt hãi kêu lên: “Ve cắn là bị sốt và làm ké không khỏi đó nghen!”
Tìm mãi nhưng không thấy chú ve nào hết mà chỉ có dấu răng bầm tím in trên vai chàng, từng cái kẽ răng cũng lộ lên. Nàng hơi ngượng, nàng biết chàng đùa. Chính đó là vết răng của nàng để lại cho chàng hôm qua. Chàng hỏi:
- Em có thấy ve không?
- Có rồi! – Nàng đáp và áp mặt xuống vết thương trên vai chàng thủ thỉ:”Đây, ve đây! Con ve to tướng đây anh có thấy không?”
Chàng không nói, bất thần vần ngữa nàng ra và rên rỉ:
- Em! Em!
Nàng cũng rên lên khe khẽ:
- Anh anh! … Của em đây. Anh giữ cho em!
Chàng ôm gọn nàng vào lòng và lại đặt nàng trên một mớ lá khô dòn. Nàng cố bật dậy, nhưng không thể. Nàng kêu lên và chặn tay chàng một cách dịu dàng:
- Ấy chết, anh đừng làm thế!
Chàng vẫn rút đầu vào ngực nàng và đưa một tay nắn những ngón đàn quen thuộc mà mỗi phím như truyền sang chàng một thèm khát sôi bỏng. Nàng dẫy nẩy:
- Anh không giữ cho em!
- Anh đang giữ đây!
- Mai đã mà!
- Chưa chắc có ngày mai!
Họ không cãi nhau nữa. Nhìn vết bầm trên vai chàng, nàng nói:
- Em là chó anh nhỉ!
- Bao giờ?
- Lúc nào em cũng cắn anh! Nhưng sao anh không báo thù?
- Thì làm gì?
- Em thích anh làm cho em toé máu ra!
- Thế à?
- Em không thích những cử chỉ bình thường!
- Đau đớn nhớ lâu phải không?
- Ơ kìa… anh không… ngoan… tí nào cả!
Chàng không nói, và bằng một cử chỉ vô cùng quả quyết, chàng đã cho da thịt chàng và nàng cọ xát nẩy lửa vả chàng đã đi vào nàng một cách thần kỳ.
Đôi mắt nàng không còn ánh sáng, đờ đẫn nhìn chàng và kêu rên gần như than thở:
- Anh!… anh phí sức nhiều quá!
Rồi nàng nghe tất cả những cảm giác của nàng dồn lại ở một trung tâm, một nơi, một cái rốn đại dương ào ào sóng dậy mà cây thiết bảng thần thông trấn giữ vừa cắm thẳng vào, đau đớn mà êm ái.
Nàng nghe nàng trôi bập bềnh trên mặt của một biển nhạc mênh mông với một nhịp điệu đều đều với những trường canh chắc nịch. Nàng không thấy ngọn cây đang quay tít bên ngoài, không thấy đôi chim đang trố mắt nhìn nàng. Giây phút đó kéo dài. Đột nhiên nàng muốn rít lên, nàng thấy toàn thân nàng rắn lại thành một tảng băng và đồng một lúc nàng cũng nghe có một làn nước ấm đê mê chảy qua suốt khối băng ấy. Hai cánh tay nàng quơ lên ôm siết lấy, quấn chặt lấy, ghì xuống miết một vật gì vừa nặng, vừa ấm làm cho khối băng kia tan vỡ, đầm đìa.
Ngọn gió hiếm hoi của rừng già thổi qua như một người khách lãnh đạm. Lá lại rơi, đàn ve lại trổi điệu nhạc sầu muôn thuở.
Nàng đã nghe lại tiếng vỡ của lá khô dòn và nàng gọi:
- Anh!
Chàng như chợt tỉnh, nghe tiếng gọi của nàng như một tiếng gió mơ hồ âu yếm quá!
Chàng vẫn lặng thinh. Chàng nghe mũi chàng lút vào một vật thể quá đổi mềm mại mà chàng hít thở hương thơm nguyên chất của da thịt nõn na. Nàng lại nhìn vết thương rướm máu trên vai bên kia của chàng.
- Anh! Anh có đau không?
Chàng chầm chậm mở mắt ra. Chàng không muốn cắt ngang cuộc sống thần tiên. Chàng muốn nằm mãi thế này, tận hưởng sự rã rời sau phút vượt dốc. Chàng thấy đau nhưng cái đau thích thú và sung sướng.
Chàng còn thèm muốn. Sức chàng chưa kiệt.
Khí rừng làm bằng hương lá khô và hoa dại gây gây làm cho chàng như say nhẹ, dễ chịu.
Bỗng chàng ngồi dậy bế xốc nàng vào lòng như bế một đứa trẻ con. Chàng nhìn suốt từ đầu đến chân nàng. Một màu hoa huệ trắng nuốt lốm đốm rắc những cánh hoa hồng, những nốt nhạc mà bàn tay của nhạc sĩ thần vừa để lại. Một ít tóc rơi trên ngực nàng như một áng mây in trên nền tuyết.
Như một con thú dữ bị một sự thèm khát quất vào bản năng, chàng lại dằn nàng ra và lại cung hiến tất cả cho nàng: tâm hồn và thể xác. Chàng muốn tận hưởng đến giọt tình trong đáy cạn của tim nàng, muốn chiếm đoạt, muốn dày xéo nàng để không bao giờ, không bao giờ nữa…
Chao ôi, tôi nằm một mình ở đây, treo lủng lẳng trên cành cây mà nhớ mà tiếc cái kỷ niệm của chính tôi. Cái cảnh đó đối với tôi đáng lẽ ra là cuộc sống thực hằng ngày, thế mà nó đã trở thành kỷ niệm; đáng lẽ nó là tương lai, nó lại là dĩ vãng; đáng lẽ là hạnh phúc, nó lại là khổ đau và tôi biết tôi với Phương từ đó chỉ còn sống với nhau bằng kỷ niệm.
Tôi nằm đây mà tôi nhớ làn da của nàng từ trên vai chạy dài xuống, xuống nữa, những đồi dốc, suối sóng của cả một địa dư mênh mộng đã trở thành bãi chiến trường mà vó ngựa của sự thèm muốn điên dại đã xéo dày, đã dẫm nát một cách đau thương mà thoả thích. Và chàng hiệp sĩ chiến đấu đã ngã gục ở đây như ngã dưới chân đài vinh quang tuyệt đỉnh trong những phản ứng kỳ diệu của nàng đã quật ngã đồng thời đã đón nhận chàng vào trong nàng trọn vẹn.
Tôi đau khổ, tôi thấy mất một cái gì rất cụ thể.
Đường Đi Không Đến Đường Đi Không Đến - Xuân Vũ Đường Đi Không Đến