I love falling asleep to the sound of rain

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2470 / 107
Cập nhật: 2015-07-18 13:06:46 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ộ hơn một giờ đi bộ trải qua những đoạn đường vừa lầy lội vừa gồ ghề, chúng tôi đến trạm. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được trông thấy cái mà người ta gọi là trạm. Đó là mấy cái nhà lợp bằng những tấm ni-lông rách nát, vá víu, đứng co ro dưới tàng lá rậm rạp của rừng xanh. Ấy vậy mà chủ nhà còn sợ máy bay trông thấy nên họ bẻ nhánh cây xếp trên nóc. Cái điều đặc biệt thứ hai là nhà không có vách.
Hồi ở ngoài Hà Nội chúng tôi tưởng rằng trạm là những dãy nhà như chùa trăm gian ở Hà Đông, trong đó có những sạp nứa tuy ọp ẹp nhưng năm ngã lưng rất thần tiên. Trong những cái trạm đó có những lò rất to nấu cơm cho hằng trăm người ăn một lúc. Khách đến trạm rồi chỉ cần bỏ ba-lô xuống sạp nứa, nằm nghỉ và chờ cơm dọn ra thôi. Cái gì cũng tuần tự, khoa học, thân ái như hồi kháng chiến chống Pháp. Nhưng khi tôi được biết cái trạm đầu tiên ở làng Ho thì tư tưởng và tình cảm của tôi hoàn toàn tan biến.
Trạm có nghĩa là không chó nhà cửa bếp núc. Trạm có nghĩa là một nơi nào đó để cho khách dừng lại nghỉ ngơi hoặc một giờ, hoặc một ngày hoặc một tháng, trong đó xảy ra vô số việc phức tạp kể cả sự ăn cắp và lừa gạt lẫn nhau.
Người ta bảo rằng Miền Nam đã giải phóng ba phần tư đất đai và bốn phần năm dân chúng. Vậy mà đi hằng tháng trời, chúng tôi không gặp một cái nhà, không gặp một người dân. Đúng ra, gặp rất nhiều dân chúng, khoảng vài mươi người nhưng những người này không phải dân Việt Nam và khi gặp mặt chúng tôi thì họ đâm đầu chạy chứ không phải đến gần để biểu lộ tình “cá nước”.
Cho nên chiều nay mà tôi gặp được một cái mái nhà của trạm thật là một hạnh phúc lớn cho tôi.
Tôi và Thu mắc võng gần bên nhau, trên những chỗ cũ người ta vừa đi nên không phải sửa sang nhiều cho lắm. Bên cạnh chúng tôi là một con suối chảy ngoằn ngoèo. Vì trời mưa to liền mấy hôm qua, cho nên con suối cũng to, nước lên lé đé mặt bờ. Tôi định vào trạm hỏi xem y tá có ống tiêm không để nhờ họ tiêm dùm một mũi thuốc quinine 0,40 mà tôi đã mua và mang từ Hà Nội.
Nhưng khi tôi vào trạm để tìm y tá thì tôi lại thất vọng vì anh trạm trưởng cho hay rằng cái ống tiêm 5 phân khối hiệu Ideal của Hoa Kỳ vừa bể xong, cho nên bây giờ nhân viên trong trạm ốm cũng không có ống tiêm, phải đợi ít nhất 5, 6 tháng mới hy vọng có được.
Như vậy tôi đành cất ống thuốc vào ba-lô và nơm nớp chờ những cơn sốt. Mà quả thật như vậy, hôm sau tôi sốt. Tôi sốt 2 ngày thì dứt cơn. Đó là một điều đáng buồn vô cùng. Vì có lẽ là liều lượng ký-ninh mà tôi nuốt vào bụng không đủ sức để chế ngự những ổ vi trùng.
Tôi nằm trên võng thấy rờn rợn thì biết nguy to. Chập sau trán tôi hâm hấp, vành mắt nóng lên và mắt rơm rớm nước mắt, rồi tôi lại ngáp dài. Thôi! Đích thị hắn rồi! Thằng sốt rét lại đến viếng tôi!
Tôi hình dung rõ từng đợt vi trùng. Chúng hình tròn hay hình lưỡi lam theo lời bác sĩ giảng. Chúng xông vào cắt những túi hồng huyết cầu vỡ ra, hoặc quấn lấy những túi ấy và cũng làm cho nó vỡ ra, rồi xoắn lấy từng túi mà tiêu diệt.
Sau cuộc ác chiến, khi hồng huyết cầu chống trả lại có kết quả thì con người cứ eng eng không lên cơn hẳn, còn khi lũ vi trùng lấn lướt hoàn toàn thì bệnh nhân run lên ngay và xác hồng huyết cầu trôi bập bềnh trong máu. Vì thế sau mỗi cơn sốt, hằng triệu hồng huyết cầu bị tiêu diệt và do đó mà bệnh nhân cứ xanh lướt ra.
Tôi rất bình tĩnh nhưng lại vô cùng ngao ngán, bởi vì tôi biết bản thân mình đang lao vào một cuộc chiến đấu mà tôi biết trước kẻ chiến bại sẽ là tôi.
Tôi mơ màng nghĩ: phen này chết thật đây. Sốt gì sốt vậy, vừa ngóc đầu dậy được hai hôm lại ngã sốt. Mà đúng hai hôm. Nghe người ta nó cách nhật hoặc sốt cái kiểm 2, 3 hôm sốt một cơn như thế khó chữa lắm. Người ta ở rừng kinh nghiệm thế chứ không có sự giải thích khoa học nào hết. Tôi rầu rĩ vô cùng. Tuy sốt mà vẫn suy nghĩ lung tung, nào đường đi còn quá dài, nào quê hương, nào sự nghiệp, gia đình…
Nếu mà nằm lại đây trên dãy Trường Sươgn này thì hiu quạnh cho linh hồn và lạnh lùng cho nấm đất quá! Nhưng bây giờ thì biết làm sao bây giờ? Lỡ chân trót đã đi rồi. Đi rồi còn biết trở lại làm sao? Trường Sơn, cái tên đó hùng vĩ thật, nghe thì thích lắm, xem ảnh thì ai cũng mê say cảnh lạ kỳ thú, nhưng than ôi! Trường Sơn xanh bạt ngàn, xanh vô tận mà chẳng bới đâu ra được một lá rau, còn nấm của Trường Sơn nhiều người thèm quá, ăn bừa, ăn xong lỗ chân lông ra máu, một hộc máu ra mà chết. Nước Trường Sơn uống to bụng, phải nấu thật kỹ rồi mới dám nuốt vào. Mưa Trường Sơn thì bất ngờ và dai dẳng thúi đất, thúi cả thịt da.
Trường Sơn đứng về mặt dinh dưỡng thì không có gì đáng ca ngợi cả, ngoại trừ những bầy khỉ, voi và trâu rừng rất nhát, rất nguy hiểm. Tôi biết rằng con đường về là con đường đầu thai một lần nữa. Con đường về là con đường đói khát, con đường sấm sét, con đường đau khổ và gian khổ, con đường dốc, con đường dài, con đường đi không đến mà rồi vẫn phải đi, trên vai phải mang theo những sứ mạng bày đặt, không biết ai trao cho, một thứ vinh quang không có, một thứ tình cảm ái quốc giả tạo nốt, chỉ còn lại có tình cảm gia đình là thực mà thôi!
Bây giờ tôi nằm đây cách Hà Nội hằng ngàn cây số, cách quê hương cũng hằng ngàn cây số, trở ra thì không bao giờ, còn đi vô thì xa quá.
Đột nhiên tôi nhớ tới Lâm. Một chiều nọ trên đường đi mưa lâm râm. Lâm đi sau lưng tôi, Lâm nấc lên và nói mấy lời ngắn ngủi:”Lần đầu tiên tao cảm thấy đi không tới nơi!” — và lần này thì đến phiên tôi phải nói câu đau buồn đó.
Tôi nghe tiếng nói xì xào phía võng của Thu. Tôi nghiêng đầu nhìn sang. Một người đàn ông ngồi quay lưng lại phía tôi. Ồ lạ nhỉ! Sao có thằng nào vừa xấn đến mà lại trò chuyện thân mật với Thu thế kia. Kể ra nếu ở Hà Nội thì tôi không lưu ý đến làm gì, nhưng ở đây thì không phải thế. Tôi đang chỉ huy một người con gái, mà cô ta lại đẹp nữa, thì đâu có phải là chuyện chơi.
Cho nên tôi phải biết sử dụng cái quyền hạn của tôi chứ. Nếu chàng nó là một trong toán giao liên thì hay lắm, còn nếu là một kẻ nào khác mà mình chẳng có xơ múi gì được thì cho hắn lui ngay.
Nghĩ vậy tôi bèn gọi:
- Thu sang anh bảo, em!
Tôi cũng không nhớ là tôi bỏ tiếng “cô” mà dùng tiếng “em” đối với Thu từ bao giờ nữa. Tự nhiên hai bên xưng hô một cách thân mật. Mới nghe và nhìn hai người chúng tôi đi cặp với nhau, người ta có thể nghĩ đây là vợ chồng. Ý nghĩ này mới ban đầu không lấy gì làm cho tôi thú vị! Hơn nữa Phương mới rẻ xuống Khu 5 chưa đầy hai tuần- nhưng lần này sự xuất hiện của hai anh giao liên làm cho tim tôi thỉnh thoảng lại đập nhịp bất thường, cho nên khi trông thấy gã đàn ông kia thân mật với Thu thi chẳng trách gì tôi hơi bồn chồn.
Thu nghe tôi gọi thì quay lại. Trông gương mặt tươi cười của Thu tôi càng không vừa lòng chút nào hết. Tại sao tôi sốt nằm đây mà Thu lại vui được. Thu không chạy đến tôi như mọi lần. Thu chỉ nói vọng sang:
- Anh Việt đây này!
- Việt nào?
- Đoàn mình có mấy Việt?
Nghe nói đến cái tên Việt tôi muốn sỡn da gà. Bây giờ lại nghe hắn còn ở lại trạm này và gặp Thu thì thiệt là… Sự có mặt của chàng Việt ở đây còn hơn cả sốt rét.
Nếu ai muốn viết tiểu thuyết và xây dựng điển hình về một thằng ba que xỏ lá, dở trí thức, dở bần cố nông, dở Nam dở Bắc, quân sự ba rọi, văn chương lèm nhèm, tài ba vay mượn, đạo đức hạng bét thì xin đến gặp anh này. Chỉ trong vài câu chuyện, bạn sẽ nhận ra ngay những nét điển hình, khỏi phải mệt lòng điều nghiên. Nếu bạn là một cán bộ quân sự thì hắn sẽ nói chuyện chiến trường Điện Biên Phủ cho bạn nghe. Trong chiến trận ấy theo hắn kể thì hắn có tham gia tấn công hầm tướng Đờ-Cát-Tri và sau đó thì hắn được thưởng một cây súng ngắn Liên Xô mà người trao tặng là Cụ Hồ! Nếu bạn có chiến đấu ở Lào thì tức khắc hắn sẽ kể cho bạn nghe về thổ phỉ Lào. Nếu bạn là nhà văn thì hắn sẽ hứa đưa cho bạn xấp bản thảo độ 500 trang hắn vừa viết xong và chưa đưa cho nhà xuất bản nào hết, hoặc khoe rằng Nguyễn Tuân vừa mời hắn tới nhà chơi hôm qua để khen hắn về một bài nào đó của hắn sắp sửa “ló ra” trên báo…
Hắn biết Thu đau chân đi sau nên hắn sụt lại ở trạm này để chờ.
Bây giờ thì hắn đang nói chuyện với Thu. Thu nói chuyện một chốc rồi chạy sang tôi. Tôi hơi hờn, chả là mình cũng có hơi khó chịu vì sự thân ái đó mà! Tôi nhắm mắt lại và vờ nằm mê.
Nhưng Thu đã lắc vai tôi gọi rối rít:
- Anh… anh … ngủ à? Anh vừa gọi em có việc gì thế? Anh cần gì không?
Tôi mở mắt ra. Chập chờn trước mắt tôi là một người con gái, chỉ hương tóc thôi cũng đủ làm cho tôi tỉnh hẳn lên rồi. Thu nom sát mặt tôi và chìa ra một vật gì ngon lành.
- Anh có đắng miệng thì ngậm cái này.
Rồi Thu dúi vào tay tôi. Tôi không nhìn cũng biết ngay là một chiếc kẹo.
Trời đất! Ở chốn này mà có một chiếc kẹo cầm trong tay. Đâu phải là chuyện đùa. Mà dám cho người khác một chiếc kẹo như vậy lại là một chuyện phi thường hơn nữa.
- Em vừa móc túi anh Bảy Việt đó.
Thu nói “anh Bảy Việt” với giọng chế diễu và khinh miệt. Thì ra Thu đã thi hành cái chí sách của tôi rất kết quả. Tôi nghe cơn giận hơi nguôi nguôi và thấy mình vô lý.
Thu vui vẻ nói:
- Em đoán anh ta còn nhiều thức ăn trong ba-lô lắm. Anh nằm đấy để em xem nhé. Thế nào em cũng moi cho bằng được.
Rồi Thu vội vã ra đi.
Tôi nhìn Thu đi mà lòng buồn vô hạn. Thu là một người con gái rất đoan trang, tuy ở văn công nhưng không bị tai tiếng gì. Tính tình Thu rất phóng khoáng nhưng rất mực thước, người lạ mới biết Thu tưởng cô gái này bở xơi lắm.
Bây giờ, theo tôi đạo điễn, và có lẽ Thu thấy là có lý, Thu phải đưa những sự độc đáo của Thu ra để câu nhữ bọn đàn ông để lợi dụng chúng từng hạt muối, từng ngụm nước trở đi, để mà sống, để mà đi tới, không biết tới đâu nhưng phải đi tới, tới đâu thì tới.
Kể ra thì cũng hạ mình quá nhưng nếu không như vậy thì khó tìm được những thuận lợi “để phục vụ cách mạng”(!). Nghĩ như vậy mà tôi an tâm và cứ dùng Thu như một món hàng quý đem ra câu người mua cho họ nhìn ngắm, nghiên cứu nhưng không cho cho họ mó đến bao giờ.
Thu nói chuyện với anh Bảy Việt. Còn tôi thì nhìn chiếc kẹo trên tay tôi. Để nhìn cho rõ hơn, tôi đưa chiếc kẹo lên tận mắt mà nhìn. Chiếc kẹo cam to bằng cái đầu vặn trục đàn màu vàng ngậy. Tôi thấy thèm.
Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện kỳ cục là trong một hoàn cảnh nào đó chính mình sẽ phải thèm một chiếc kẹo hạ cấp như thế kia! Ồ cái lý tưởng cao đẹp quá, bây giờ tôi không còn nghĩ tới nữa, không có gì dựng tôi đậy bằng chiếc kẹo con này. Xin mọi người hãy tin đó là sự thật.
Tự nhiên tôi vuốt ve chiếc kẹo, một khối lượng đường ít ỏi chỉ đủ đánh tan chất đắng trong lưỡi tôi thôi. Nhưng tôi đâu ăn chiếc kẹo đó ngay. Tôi phải suy tính xem nên đưa cho nó vào mồm lúc nào, để có thể hưởng thụ cao nhất đứng về mặt tâm lý cũng như về mặt sinh lý.
Nghĩa là trong tôi thoảng qua ý định là sẽ nhai chiếc kẹo đó khi Việt sang thăm tôi. Chắc chắn y sẽ nhận ra đó là tài sản của y bị sang đoạt một cách êm ái và đau đớn.
Và tôi chờ lúc ăn được tí cháo có chất mặn tráng qua môi lưỡi rồi sẽ xơi cái kẹo, lúc đó thì mình mới tiếp thu được vị ngọt một cách đầy đủ nhất.
Cuối cùng tôi mở giấy kẹo đưa lên mắt nhìn. Tôi không hiểu sao bỗng nhiên tôi vứt chiếc kẹo ra rừng.
Tôi nằm lặng người ra, đau khổ, bức rức, nặng nề và thấy nhục. Không phải vì ăn chiếc kẹo của Bảy Việt. Tất cả những người tìm ra con đường xuyên qua hàng ngàn cây số rừng sâu núi thẳm để đưa quân về “giải phóng Miền Nam” thật là giỏi chớ chẳng phải chơi đâu. Nhưng vạch đường là để cho người ta đi. Muốn cho người ta đi một con đường dài 100 ngày thẳng thét, liên tục như vậy và là con đường núi, đường đèo, đường lội, đường trèo, đường đi đêm không đốt đèn, đường đi hai ngày với một bi-đông nước và mấy vắt cơm thiu, con đường vác khổ sai mà không đủ muối gạo ăn, con đường qua sông không thuyền, con đường chưa ai đi và sẽ không ai đi nếu người ta biết trước và v.v…. Muốn cho hằng vạn quân sĩ hành quân trên một con đường nguy hiểm như vậy ít ra phải cho nó ăn nó uống, phải có thuốc có men, có bóng cây, có nhà có trạm nghỉ ngơi thì mới hòng mong nó đi tới nơi được. Đằng này thì không có gì cả, ngoài con đường trơ ra đó với những người dẫn đường bất mãn hà khắc, đôi khi ác nghiệt và lúc nào cũng muốn rời bỏ chức nghiệp của mình. Một con đường đầy những người bệnh liệt võng bên đường (không phải liệt giường vì ở đây không có giường) với bom đạn máy bay không ngớt với những toán đào ngũ trở lui do cả cán bộ tiểu đoàn “lãnh đạo” với những tên bất mãn tự gây thương tích để khỏi đi tới nơi v.v… Một con đường như vậy bảo sao người ta vui vẻ hy sinh mà đi cho được? Trước khi đánh nhau, có lẽ người ta nên nghĩ đến hai chuyện: phương tiện và tinh thần. Phương tiện ảnh hưởng rất lớn đối với tinh thần, nhưng tinh thần không thể thay phương tiện.
Chỉ nội cái sốt rét thôi cũng đủ đánh tan một nửa lực lượng vô Nam rồi.
Vượt Trường Sơn vai đeo ít nhất 30kilô súng đạn mà trong lưng chỉ có mỗi kilô muối và mươi viên quinine. Tôi nghĩ lại mà rùng mình.
Và kia nữa một cái hình tượng làm cho tôi nghĩ ngợi và bị cuốn hút theo: hình ảnh một chiếc xe đạp.
Ở giữa rừng núi đồi dốc đi một bước đã khó khăn mà lại có chiếc xe đạp thì chẳng khác nào như người ta đem lót bộ ván gõ lót giữa chuồng gà. Sang thì cũng có sang thật nhưng một sự sang trọng vô ích không cần thiết cho ai ráo trọi.
Ai đã đem chiếc xe đạp đến đây vậy kìa?
Nó có muốn đi không? Núi rừng này có phải là nơi hoạt động của nó không?
Có lẽ người ta bảo với nó rằng đi đến đây, nhiệm vụ của nó vinh quang và thiêng liêng hơn. Nó không còn là chiếc xe đạp cọc cạch ngày hai buổi chở người chủ đến sở làm nữa, mà nó đã trở thành một con chim đại bàng, một loại linh điểu có sức mạnh xớt cả nàng công chúa bay đi vượt cả đại duơng với đôi cánh lướt trên đầu người.
Cho nên bây giờ trông thấy chiếc xe đạp nằm gục bên bờ suối, tôi chạnh lòng. Nó đã đưa rước hằng trăm chuyến trên đường này, đã từng lướt qua mặt đồng đội một cách kiêu hãnh, nhưng bây giờ nó đã trở thành mớ sắt vô dụng không xê dịch được và cam tâm nằm đây như một thứ trò hề không mất tiền cho người qua lại.
Người ta đã dùng chiếc xe sắt.. như dùng chiếc xe người.
Thật trông thấy mà thảm thương!
Chiếc xe rả bèng ra. Tất cả bộ phận không còn dính vào nhau bằng bất cứ thứ keo nào.
Đời thằng cán bộ, có khác gì chiếc xe đạp kia? Nghĩ cho cùng tất cả những kẻ sống và những kẻ không còn sống trên Trường Sơn kỳ cục này, tất cả những kẻ chết rồi và những kẻ sắp chết trên con đường này đều là những nạn nhân của một người, một vị, một ông, một đấng, một ngày hay một thằng mà thôi.
Ngài ấy, đấng ấy, thằng ấy có tên mà có không tên như mọi người, có mặt mũi nhưng không ai nhận diện ra được nó. Nó khi tên Tâ, khi tên Tàu, khi mũi lõ, khi mũi tẹt, khi nó ngã sang bên này, lúc nó ngã sang bên kia, nó, nó, nó! Nó giết người lên đến số triệu, xương hàng triệu người kết ghế cho nó ngồi.
Đường Đi Không Đến Đường Đi Không Đến - Xuân Vũ Đường Đi Không Đến