"It's very important that we re-learn the art of resting and relaxing. Not only does it help prevent the onset of many illnesses that develop through chronic tension and worrying; it allows us to clear our minds, focus, and find creative solutions to problems.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2470 / 107
Cập nhật: 2015-07-18 13:06:46 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
rời sáng lúc nào tôi cũng không rõ nữa. Tảng nặng bóng đêm đã được bàn tay kỳ diệu của hoá công nhấc đi mà đặt vào chỗ khác không phải trên ngực tôi, để cho trái tim tôi đập thong thả hơn.
Thì tôi biết rằng tôi chưa chết. Cái chết vừa là kẻ thù vừa là bạn thân của tôi, đã đeo đuổi ve vãn rình mò tôi suốt đêm qua. Cuộc sống đối với tôi bây giờ có nghĩa là chịu đựng cái chết dần mòn. Tôi vừa sung sướng lại vừa đau khổ nhận thấy mình còn sống.
Một vật vàng vàng như màu ký-nin pha loãng kia có lẽ là ánh nắng. Tôi còn nhận thấy cả màu xanh của lá cây và những bọt nước dưới chân suối.
Đột nhiên tôi thèm một cái giò gà, không phải là cái giò gà của lão Tào Tháo ban cho Âu Dương Tu mà là cái giò gà thật sự, đã luộc rất mềm trong cháo nấu bằng gạo mới thơm phức.
Chao ôi! Cầm lấy nó mà cạp vừa gặm vừa nhai da nó – vừa dai vừa dòn – nếu có kèm thêm một ít lá rau răm nữa thì ngon tuyệt.
Tôi mới hiểu vì sao anh chàng hồng quân trong truyện “Số Phận Một Con Người” của Cholokhov bị quân Đức bắt làm tù binh đã đưa hai tay nhận lấy một mẩu xương do một tên sĩ quan Đức từ bàn tiệc ném ra và ngoạm lấy, cạp lấy từng mẩu thịt còn sót lại một cách ngấu nghiến.
Tiếng nói chua lòm của cô xướng ngôn viên như một thứ độc dược đã tiếp sức với những ổ vi trùng tàn phá cơ thể và cân não tôi và làm cho chúng cứ mỗi giây nhão ra gấp triệu triệu lần.
Tôi ăn Tết ở Hà Nội cách đây hơn bốn tháng. Tôi ra đi giữa mùa xuân và cho đến bây giờ mùa xuân hãy còn kéo dài. Những ngày qua còn để sót lại trong trí óc tôi một mớ ký ức hỗn độn về những núi đồi rừng rậm, trảng trống, suối sâu, dốc cao, sông rộng, về những chặn đường ghê gớm nhất, kỳ cục nhất, tàn nhẫn nhất, bất ngờ nhất, khó hiểu nhất, đói khát nhất của cả loài người từ tạo thiên lập địa cho tới nay.
Tôi cố ngồi dậy. Cơ thể tôi ruỗng nát như cái bọng của cây bần trong có một con chim cú làm tổ, và thỉnh thoảng báo hung tin cho xóm làng.
Không hiểu bằng cách nào, tôi đã ngồi dậy được. Hai tay tôi nắm hai mép võng run run như con chim đại bàng rả cánh trong bão táp vừa đáp xuống một ngọn cây quá yếu mềm. Nước mưa từ người tôi chảy xuống ròng ròng. Tôi có hay đâu suốt trận mưa đêm qua cái võng kaki của tôi trở thành cái bồn nước ngâm cả người tôi giống như cái bồn chứa nước đá của bác sĩ Tôn Thất Tùng ngâm bệnh nhân cho xuống nhiệt độ trước khi đưa họ lên bàn để giải phẫu tim.
Vâng, trái tim của tôi không cần phải giải phẫu mà cần thay đổi cả trái tim khác.
Chiếc radio không còn kêu nữa. Cô xướng ngôn viên chắc mặc áo hồng vệ binh đi đến nhà Chủ Tịch Lưu Thiếu Kỳ mà tiếp tục tấn công vào nhà ông ta bằng cách mắc hàng trăm chiếc loa phóng thanh chung quanh. (mãi về sau tôi mới đọc thấy chi tiết này trên tờ báo ngoại quốc).
Ở đây là Văn Điển của tôi. Một cái Văn Điển không mộ chí và kéo dài hằng ngàn cây số mà mỗi tấc đất là một lóng xương.
Không hiểu sao tôi không muốn gọi Thu. Có lẽ vì lòng tự ái của một thằng đàn ông, hay vì tôi muốn so gươm với Thần Chết lần cuối cùng. Tôi đã xuống tận bờ suối và ngồi trên một phiến đá. Mặt nước tương đối phẳng lặng. Tôi nhìn xuống thấy đáy nước trong veo, thấy những đàn cá nhỏ lội thảnh thơi, nhưng bất giác tôi đưa tay khuấy nước lia lịa làm nước toé cả vào người tôi.
Tôi ôm mặt kêu lên, kinh hãi. Tôi lặng người ra, hoá đá. Tôi đã nhìn thấy một con ngợm ở dưới đáy nước đang nhìn lại tôi chòng chọc. Con ngợm đó giống hệt như tôi, nó là em tôi hay là anh tôi cũng nên.
Không, nó không là ai khác cả. Nó chính là tôi, chính tôi đã dội chiếu bóng hình xuống đấy.
Chập sau tôi lặng lẽ trở về lều trút nước trong võng ra và không đủ sức để vắt khô võng. Tôi đành nằm vật ra trên chiếc võng ướt với bộ đồ ướt vừa nước mưa vừa nước suối.
Ánh nắng hiện lên một cách hà tiện và dè dặt qua những kẹt cây. Đầu óc tôi tỉnh ra dần.
Tôi căm giận những tên nói dối. Chúng nói dối đã thành nghề. Chúng nói dối đến mức độ không còn phân biệt đâu là thực đâu là giả nữa. Chúng lừa mọi người và sau cùng chúng phỉnh gạt chính bản thân chúng nó.
Nắng lên, làn da tôi âm ấm. Tôi có cảm giác nhẹ nhàng nhưng ghê ghê rờn rợn. Quả thật cơn sốt dài liên miên trong mấy ngày qua đã làm tôi thay đổi cả sinh lý lẫn tâm lý.
Tôi khẽ đưa tay thọc vào chiếc ba-lô trên đầu võng để lấy ra chiếc gương soi, để xác định lại một lần nữa những gì đã làm tôi kinh hãi lúc tôi nhìn xuống lòng suối lúc nãy.
Tôi khẽ lau chiếc gương tròn vào ngực và nâng nó lên mặt.
Tự nhiên tay tôi rụng rời, tôi đánh rơi chiếc gương con xuống đất. Mắt tôi tối sầm lại. Tai tôi nghe ù ù như có hằng trăm chiếc phi cơ vút qua. Trời đất xoay vần, đất dưới chân tôi như sắp sụp xuống. Gương mặt của tôi mà tôi tưởng không phải là của tôi. Không bao giờ một cái khuôn mặt trước kia như vậy, giờ đây lại hoá ra như thế được. Nhưng đau đớn thay, đó chính là của tôi, cái gương mặt ấy, vì chả lẽ nó là của ai cho được khi mà tôi đưa chiếc gương ngay lên mặt tôi. Nhưng, nếu đó thật là gương mặt của tôi thì làm sao tôi hiểu được?
Điều tôi nghĩ đến trước tiên là sự mong nhớ của cha mẹ tôi. Nếu cha mẹ tôi biết rằng tôi nằm giữa rừng và lâm trọng bệnh như thế này thì cha mẹ tôi sẽ làm gì?
Tôi có thể chết âm thầm, vô danh, vô nghĩa lý, nhưng còn những người sống sẽ nghĩ gì khi biết con cháu mình, chồng cha mình đi giải phóng Miền Nam – sự giải phóng không ai mong đợi – mà lại ra thần hồn đó?
Tôi không có ý định nhặt chiếc gương lên nữa vì nó làm tôi sợ hãi. Nó làm tôi trông thấy rõ gương mặt kỳ dị của tôi, cho tôi thấy rằng chỉ qua một đêm mưa và một cơn sốt, tôi đã bạc hết nửa mái đầu.
Nhưng đây không phải chỉ là một cơn sốt tầm thường, một cơn sốt hơn mọi cơn sốt. Cơn sốt vàng kí-nin; cơn sốt đỏ của những nốt muỗi đốt; cơn sốt của thế kỷ 20; cơn sốt của lòng tin và sự đổ nát; cơn sốt của chủ nghĩa và sự suy đồi trông thấy; cơn sốt của những tượng đá có hồn và cái hồn đó đã vụt bay mấy; cơn sốt của những canh bạc mù quáng; cơn sốt của chủ nghĩa cá nhân và những bài giáo điều; cơn sốt của những con vẹt ăn phải quả dại giờ bỗng nhiên câm mồm; cơn sốt của những bạo chúa khoác áo thánh thần; cơn sốt của những kẻ khố rách áo ôm đang loá mắt vì một cái thiên đường tự vẽ ra trước mắt; cơn sốt của những đứa trẻ con ngây thơ bị lường gạt quá dễ dàng; cơn sốt làm nóng bức cả loài người; cái cơn sốt đã làm nhơ uế không gian bằng một thứ bụi phóng xạ đặc biệt. Một cơn sốt như thế đó đã giáng vào tấm thân còm cõi kiệt sức của tôi.
Tôi bỗng nghe tiếng hớt hãi của Thu:
- Anh ơi! Ghê quá! Eo ơi!
Tôi trông thấy Thu vừa đi vừa bưng kín lấy mặt và lảo đảo bước vào lêu rồi rơi phịch xuống võng.
Tôi hỏi:
- Cái gì mà ghê gớm thế?
- Có một người chết!
Tôi nghe như có một làn gió vút qua gáy tôi. Tôi nghĩ có lẽ một người nào đó chết vì sốt, vì cơn mưa dầm đêm qua, cho nên tôi không hỏi tới nữa vì chết như thế là thường. Thu nằm im một chập rồi lại kêu lên:
- Eo ơi! Em sợ quá!
- Cái gì vậy chớ?
- Đã bảo là chết mà. Anh thật!
- Chết là hết khổ, thế thôi.
- Nhưng ở đây kỳ cục lắm
Thu lại im một chốc rồi hỏi tôi:
- Đêm qua anh có nghe cây đổ không?
- Anh mê man không nghe gì ráo! – Sự thực thì tôi có nghe nhưng tôi đã quên.
- Em không nghe cây đổ mà sáng ra lại có người chết vì cây đổ. Eo ôi, khiếp quá đi mất!
Tôi nghĩ đến cảnh tượng cái cây đè lên người một anh bạn nào đó. Chết như thế thật là oan, thật là khủng khiếp. Nhưng không phải như vậy.
Thu nói:
- Cái nhánh cây tách ra như một lưỡi kiếm và cắm thẳng đứng xuống… eo ơi! Khiếp!…
Tôi kêu trời và lặng thinh. Còn Thu có lẽ đã vượt qua cơn sợ hãi, cho nên nàng ngồi dậy và kể tiếp một cách tỉ mỉ:
- Cái cây cắm ngay bụng anh ấy như người ta xiên cây lụi qua mình một con nhái và cắm luôn xuống đất. Bây giờ anh ấy bị dính cứng đó không biết làm sao gỡ ra. Kẻ thì bàn phải đào đất rất sâu mới lấy xác anh ta lên mà chôn được, kẻ thì bảo nên đốn ngang nhánh cây đi mà kéo anh ta lên. Cái nào cũng có lý nhưng ở đây không ai có cuốc có dao để có thể làm những việc đó cả.
- Nhánh cây to không? – Tôi hỏi.
- Bằng cây cột!
- Úy trời! Nát làm đôi còn gì?
Thu tiếp:
- Còn một nhánh khác rớt xuống làm đổ tăng của một anh nằm bên cạnh nhưng nó cong như vòng cầu cho nên anh kia không sao cả. Cái phần giữa của nhánh cây vừa chạm anh ta thì hai đầu đã đụng đất, cho nên nó không xuống được nữa. Không chết nhưng hồn vía mất hết.
Khiếp thật!
Sống thì thê thảm mà chết thì khủng khiếp. Sống thì lây lất thiếu thốn, đói khát còn chết thì kỳ cục vậy đó!
Thu bảo:
- Anh đi lại xem một chút đi!
- Làm gì? – Tôi nói – Vấn đề là mình nên rút kinh nghiệm nên mắc võng xa những cây lớn.
Thu nói:
- Em tưởng tượng cái nhánh cây từ trên cao rơi xuống như trời giáng, thế mà rơi trúng mình thì còn gì thân thể. Đi giữa rừng em thấy mình nhỏ bé, bất lực và nhụt hết ý chí nhất là không tự chủ được.
Tôi lặng thinh.
Thu nói đúng và đầy đủ quá về cuộc sống ở rừng.
Nhưng bây giờ tôi phải lo liệu mà đi vì cái thiên chức của tất cả mọi người trên đường này là đi. Với ý thức “chân cứng đá mềm” hẳn hoi chớ đâu có phải chuyện thường.
Cuối cùng tôi nhặt chiếc gương lên rồi cuối cùng tôi cũng bỏ nốt cái ý định không xem mặt tôi nữa – nghĩa là dù sao tôi cũng phải xem lại cho kỹ cái mặt của tôi để biết rõ mình hiện nay ra làm sao. Thật là một điều ghê gớm.
Tôi nghiêng đầu ra mép võng, tóc tôi rũ theo cái cử động ấy, chiếc gương đang nằm dưới đất tròn trịa in hình một lõm trời tròn. Nhưng cái lõm trời ấy bị tôi áng mất ngay.
Khổ cho tôi, tôi phải trông thấy mặt tôi, mình trông thấy mặt mình mà phải khổ. Trên đời nầy có ai từng biết cái nỗi khổ đó như tôi không?
Loáng thoáng tôi trông thấy gương mặt tôi hay gương mặt nào hao hao giống tôi chẳng hạn. Tôi phải thu hết những mẩu can đảm rơi rớt còn lại của tôi để nhặt chiếc gương lên.
Tôi nghi ngờ sự phản ảnh trung thực của chiếc gương. Tôi lau nó vào ngực rồi đưa lên mắt. Tôi lại lau khô nó lại lần nữa, lần này thì lâu hơn, tôi lại đưa chiếc gương lên mắt. Dù tôi đã biết trước mặt mũi của tôi mà tôi vẫn cứ ngạc nhiên như thường.
Than ôi! Tiếng kêu than thầm lặng đau đớn thống thiết từ trong thâm tâm tôi nhưng chẳng ai nghe thấy cho ở giữa chốn rừng sâu hoang dại này. Tôi không muốn kêu to lên, tôi chỉ muốn dìm nó xuống để mà lắng nghe mọi nỗi đắng cay chua chát.
Hồi bắt đầu ra đi, tôi cân đúng 73 kí lô, nay không còn bao nhiêu. Khi xưa, tôi đi nặng phục phịch, anh em bảo “như vịt xiêm”, bây giờ thì cũng nặng nề nhưng không phục phịch nữa, mà nhẹ nhỏm như một cái que tre. Tôi không đánh rơi chiếc gương nữa mà tôi muốn nhìn mãi vào gương mặt tôi. Buồn thật!
Giá như cha mẹ tôi ở Miền Nam biết tôi ra thân thể này thì với giá nào ông bà cũng đem tôi về, về nhà hay về đâu cũng được, miễn là rời khỏi con đường danh tiếng này.
Tôi không hiểu vì sao tôi gầy nhanh đến thế. Mặt mũi hốc hác hơn cả mặt người ốm liệt giường. Tóc bù xù, rối nùi như tổ quạ dài xuống phủ kín cả mép tai. Ở đây không có cái gì cả, chỉ có một cái thừa thải: đó là sự vô lý. Tôi thấy có sự vô lý đã đi đến mức cùng cực của nó, không còn ai có thể giải thích được nữa, không có cái gì vô lý hơn nữa.
Tôi thấy thương thân, tủi phận và oán ghét đủ thứ trên đời, nhất là oán ghét những thằng hiện đang phè phỡn ô-tô, nhà lầu, luôn luôn chủ trương đánh nhau (bằng tay người khác) nhưng đến tiếng súng cũng không nghe thấy, đừng nói chi cầm súng. Con cháu họ thì đứa đi Nga, đứa đi Tàu – đi học để sau này về làm cha thiên hạ. Còn lũ con cái bần cố nông thì cứ lùa vào con đường vinh quang này, như người ta ném những que củi vào lò lửa không thương tiếc.
Tôi cũng từng biết hoàn cảnh vui vui của một bà già được mệnh danh là đồng chí cách mạng 30-40 chi đó. Mụ này thấy không có chồng mà lại có 2 con: một con gái hư hỏng nát bét cả Hà Nội ai cũng rõ, dắt trai vào nhà ăn bồ câu hầm với Cao Ly sâm như người ta hầm với củ cải. Còn một thằng con trai thì chán ghét cái cảnh giàu sang bất chính của gia đình, nên đang đi học lại đùng đùng xin về Nam chiến đấu.
Bà mẹ anh ta nghe tin con xung phong cảm tử như vậy, thay vì mừng rỡ hoan hô vì chính bà ta là một cán bộ rất cao cấp và lại là người Miền Nam nữa, nhưng bà ta lại rất đau khổ. Bà không biết nói với ai. Bà ta muốn ngăn đứa co mình lại, nhưng làm sao ngăn nó trong khi bà ta đang hô hào cho ai nấy cùng thi hành chủ trương “giải phóng Miền Nam” của Đảng? Mẹ bảo con chuyện gì cũng có thể được cả nhưng còn việc này thì bảo làm sao? Con nó sẽ phản đối. Mà nó có đầy đủ lý do để phản đối thì mới trả lời với nó làm sao?
Bà ta cũng thông minh. Bà ta chạy lên nhờ một ông lãnh tụ có uy tín hơn bà, gọi con bà tới và đem cái sự du học Đức-Tàu-Nga mà nhử nó. Bà ta lại đem thêm những gian nan chết chóc của chiến trường Miền Nam ra nói cho nó nghe để làm sự tương phản với cuộc sống nhung lụa của một du học sinh. Nhưng tội thay, con bà là một đứa trung thành với chánh sách của Đảng, nhưng đối với bà nó lại là một đứa con ngỗ nghịch. Nó đã bỏ bà, quảy ba lô mà gia nhập Trường Sơn để đi giải phóng Miền Nam. Nhưng than ôi, mặc dù trong ba-lô của cậu con cưng đó có hằng kí lô sâm Cao Ly củ nào của ấy to bằng củ cải, cậu ta vẫn chết bằng cơn sốt ác tính.
Chuyện đó đã xảy ra cách đây vài tháng ở quãng đường tôi đang nằm.
Đường Đi Không Đến Đường Đi Không Đến - Xuân Vũ Đường Đi Không Đến