He fed his spirit with the bread of books.

Edwin Markham

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2470 / 107
Cập nhật: 2015-07-18 13:06:46 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
hững người nằm rải rác chung quanh tôi im lìm. Vài tiếng khua ga-men, vài tiếng ho húng hắng, không ai nói chuyện vói ai, tôi cũng không muốn tìm hiểu họ. Rồi tôi lại thiếp đi trong cơn mê sảng khác.
Khi tôi bừng mắt ra lần thứ hai thì tôi không còn trông thấy ai chung quanh tôi nữa. Đột nhiên tôi nhớ tới Thu, nhớ một cách ghê gớm mà tôi không ngờ tới. Khi có Thu ở bên cạnh tôi không chú ý gì cả, đôi khi còn cau có và bực mình vì sự rên siết bất mãn của Thu, tưởng chừng như không có Thu bên cạnh tôi thì sung sướng lắm. Chẳng dè vắng Thu thì tôi thấy thiếu thốn quá đổi. Nhưng vì không thể đi đâu để tìm Thu và cũng không còn sức há mồm ra mà gọi một tiếng to.
Bỗng nghe có tiếng xì xào ở ngay đầu võng của tôi. Tôi cố lấy hết sự sáng suốt để xem ai đang nói chuyện.
Một người nói:
- Trạm mình đâu có thuốc gì ngoài kí-nin. Đây là cái ải địa đầu do đại tướng Đòn Xóc và Thương Hàn chống giữ mà lại! Ai qua ải mà không khỏi nộp thuế chứ?
Một người khác chép miệng:
- Chịp! Bỏ thì thương mà vương thì tội.. cho mình. Mình lo cho mình còn không nỗi mà định cõng khiêng ai?
- Cái trạm mình là cái trạm “ó đâm”. Cứ lâu lâu lại phải chôn một cái xác vô thừa nhận.
Hình như có một người hút thuốc cho nên tôi nghe vài câu lại ngưng một chốc. Câu chuyện lại tiếp:
- Mới cách vài hôm đây mình khiêng thằng y sĩ ăn vỏ khoai mì chết thì hôm nay lại có thằng này.
- Thằng này là thằng nào? – người kia hỏi.
- Thằng nằm trên võng đây chớ còn thằng nào nữa? Thằng này chắc chết quá! Tôi sờ trán nó lúc nãy thấy nó sốt ít nhất là 40 độ, mê man nói sảng cái gì lung tung.
- Ở đàng kia cũng có một thằng nằm liệt, không ai cơm cháo hết. Đoàn điếc gì mà bỏ đồng đội vậy!
- Thằng này có một con nhỏ ở lại nuôi.
- Nuôi cái con khỉ! Con nhỏ văn công trặc chân ở lại đó. Mầy có nuôi rước về mà nuôi! Mẹ kiếp, ở giữa chốn này mà được một con như vậy mày hỉ? Chịp! Chịp!
Hai đứa nó cười hô hố với nhau một chập rồi lại tiếp tục:
- Thằng này chắc ác tính quá!
- Không hiểu tại sao ở đây hễ sốt là hết phân nửa bị ác tính.
- Chịp! Không biết gia đình nó ở đâu.
Rồi thôi, im bặt. Chúng nó biến mất, bỏ tôi nằm lại một mình với câu chuyện của chúng còn vang lên trong tâm trí tôi.
Tôi bình tĩnh vô cùng, bình tĩnh tới mức độ tôi không còn hiểu tại sao tôi lại bình tĩnh đến thế nữa. Bình tĩnh để mà đối chiếu cái bản thân của mình với sự nhận xét của hai thằng kia. Tôi biết tôi chưa chết, khó chết nhưng tình trạng rất nguy kịch. Tôi cũng không muốn nói điều đó cho Thu biết. Để chứng minh một cách hùng hồn là tôi không thể nào chết được và để cho Thu không cảm thấy tôi đã trở thành gánh nặng cho Thu, tôi đưa tay nắm mép võng và cố cất mình lên. Tôi đã ngồi dậy được.
Một cách nặng nhọc, tôi giăng hai tay ra nắm hai đầu võng, cái võng lắc lư làm cho tôi thấy vùng đất trước mặt tôi cũng nghiêng ngữa. Tôi nhắm mắt lại để định thần và cố giữ thăng bằng trên chiếc võng.
Đấy, tôi có làm sao đâu. Tôi vẫn ngồi võng chơi đây, mắt tôi vẫn nhìn chung quanh mọi người và cảnh vật. Đầu óc tôi còn phản ảnh mọi hoạt động bên ngoài. A ha! như vậy là tôi không có việc gì cả. Đồ láo! Tôi đâm ra ghét cay ghét đắng hai thằng vô loại vừa rồi. Chúng chỉ ném ra mấy câu vô trách nhiệm chơi rồi bỏ đi không hề quan tâm đến một kẻ mà chúng cho rằng chắc chết.
Trên rừng này người ta sống chung với những giống vật bốn chân, có lẽ vì thế người ta cũng mất đi quá nhiều nhân tính.
Tôi muốn chứng minh một mức cao hơn nữa rằng tôi không thể chết. Tôi từ từ thò một cái chân xuống đất đặt bàn chân vào chiếc dép đã bị nhiều lá vàng và bùn đất phủ lên. Tôi nhìn theo bàn chân tôi theo cái cử động đó. Tôi nhìn rõ bàn chân, nó nối liền với ống chân tôi bởi cái cổ chân, trên cái cổ chân là ống chân rồi đầu gối, rồi bắp đùi. Tất cả những bộ phận đó được gắn liền vào người tôi bằng cả một hệ thống máu thịt, đúng là cái chân tôi. Vậy bàn chân vừa đặt trên chiếc dép đây cũng là bàn chân của chính tôi chứ đâu phải là bàn chân nào khác. Vậy mà trời ơi, tôi cứ nghĩ là bàn chân của ai chứ không phải là bàn chân của tôi.
ó không giống bàn chân của tôi hôm qua tí nào. Nó gầy khô, nó vừa xanh vừa vàng. Nó đúng là bàn chân của người chết. Nhất là khi tôi đặt bàn chân xuống chiếc dép thì nó không truyền lấy một tí cảm giác nào lên óc tôi.
Tôi vụt nghĩ: tôi đang chết, bắt đầu từ bàn chân?
Và để chứng minh rằng sự thật không phải như vậy tôi lại thọt nốt bàn chân kia vào dép. Quả thật, tôi không có sự hiểu biết gì qua sự đụng chạm của bàn chân vào dép.
Bực mình, tôi đứng phắt dậy để đi, để đi thật nhanh, để đi lại lều của Thu và để làm mọi việc khác với hai bàn chân, hai bàn tay của tôi. Hai cái bàn chân tôi đâu có nghe theo ý muốn của tôi. Chúng cứ cứng đờ ra như cặp chân gỗ, tôi đã ngã quỵ xuống ngay bên võng nhu một cái áo rũ.
Mồm tôi lẩm nhẩm như lời trối trăn sau cùng:
- Đ.m. chúng nó!
Tất cả mọi hệ thống thần kinh tôi đều tê liệt hoàn toàn, nhưng trí óc của tôi hãy còn một đốm ánh sáng bằng đầu cây kim để tôi ý thức rõ rệt rằng tôi nói câu đó – không một tí gì vì mê sảng và bây giờ đây dù cảnh rừng núi đối với tôi đã lùi về dĩ vãng quá xa vời, nhưng tôi vẫn còn nghe lại câu đó với nét mặt của một kẻ hấp hối của tôi lúc bấy giờ.
Tôi biết rằng tôi đang tha thiết muốn sống, mong ước được sống. Tôi sợ tất cả những gì gợi cho tôi cái chết, nhất là cái gì làm cho tôi nhớ tới những cái chết mà tôi trông thấy trên đường này. Ấy vậy mà có những người lại muốn chết, lại tự hủy hoại thân thể họ một cách hết sức tàn nhẫn và ý thức hẳn hoi.
Tôi đã chứng kiến một việc như vậy ở trạm vừa qua.
Số là hôm đó đường dây bị kẹt, khách không đi được cho nên anh giao liên đưa cả đoàn vào một cái khe suối để cho chúng tôi tạm trú.
hiều người thuộc địa dư bảo rằng đây là vùng Ba Na, Ba Ná gì đó, mà cũng không biết đúng hay không đúng. Chỉ biết rằng hằng trăm con người bị nhét vào trong một cái khe suối mà hai bờ suối dốc đứng lên, cây cối rậm rì, không thể nào cư trú được. Cho nên người ta chỉ treo võng ven bờ suối. Nội cái chuyện đại tiện không thôi cũng gây thành hằng trăm vụ cãi nhau hàng ngày. Rồi thì chuyện tát suối bắt cá, chuyện lấy súng bắn cá, chuyện đàn bà con gái tắm rửa, giặt quần áo trên dòng… Sự phức tạp xà ngầu không kể xiết.
Trong cái bối cảnh như vậy thì tôi lại gặp một anh thanh niên chán đời đến mức độ kinh khủng. Ban đầu tôi cũng không rõ chàng ta đang sống trong tâm trạng đó.
Anh ta nằm trên một phiến đá to bằng mặt bàn, chung quanh cắm những cành cây đã héo. Bên cạnh anh ta là một khẩu AK mà nòng súng đã rỉ sét vàng oách. Người và của trông có vẻ xa lạ như không hề có một sự liên quan mật thiết nào với nhau. Tôi vừa đi qua khỏi anh ta, thì có người gọi tôi tới và nói ngay:
- Đồng chí có tài gì, giác ngộ dùm anh ấy với!
- Giác ngộ gì? – Tôi hỏi.
Anh bạn nói với tôi:
- Đồng chí vừa trông thấy cái anh chàng nằm trên phiến đá đó phải không? Anh ta đang tự tử đấy!
Tôi hỏi:
- Tự tử gì? Nằm ngủ ngon lành như thế mà?
Anh bạn lại giải thích tiếp:
- Không rõ anh ta ở đơn vị nào, mà khi tôi vô đây đã trông thấy anh ta nằm ở đấy rồi. Anh ta đã đổi hết tất cả mùng, chăn, vải bạt, dép.. tất cả cái gì đổi được anh ta đều đem ra đổi lấy thức ăn. Không tin đồng chí lại xem cái ba-lô của anh ta xem. Không còn món gì trong đó. Vừa rồi có người kể lại cho tôi nghe rằng anh ta vô xóm người thiểu số ở chung với họ cả tháng trời. Chỉ có cây súng không đổi được nên mới còn đó thôi. Anh ta tự vận bằng cách cứ ngủ trần như vậy cho muỗi đòn xóc cắn cho sốt rét.
Tôi rùng mình. Trời đất! Tự tử thiếu chi cách mà chơi cái trò đó. Thiệt là anh chàng này quá bất công với cái thể xác của chàng ta.
Cho muỗi đòn xóc cắn thì sẽ sốt rét. Đó là điều không thể khác đi được. Ở trong cái khe suối này, không khí dày đặc thán khí như trong một cái hang hoang chưa ai đến. Đá xám xịt, cũng có vẻ mục ra như gỗ mục. Đây là cái ổ sốt rét và thương hàn. Có người vừa sốt vừa bị thương hàn một lúc. Chỉ cần vài chú đòn xóc chui vào màn là mình đủ rước lấy cơn sốt rồi. Bây giờ nhắc lại chuyện muỗi đòn xóc chích, tôi hãy còn rùng mình.
Anh bạn không quen bảo tôi:
- Đồng chí, tôi coi đồng chí có vẻ chính trị lắm. Đồng chí hãy đến tìm lời khuyên dứt cho anh kia bỏ bớt cái tư tưởng bi quan đi. Đến đây đã được một phần đường rồi, hãy ráng chút nữa. Nếu không chịu đi thì xin dừng lại nghỉ, tội gì lại đày đọa tấm thân cha sanh mẹ đẻ của mình?
Tôi đã từng thấy những bộ xương rủ trong hốc núi, những cái xác nằm nguyên trên võng có mắc màn, kiến bu đen hai con mắt nhưng chưa thấy anh chàng nào tìm cái chết kỳ lạ như vậy. Nghe anh bạn nói xong tôi bèn quay trở lại, đến ngay bên phiến đá, tôi ngồi ngay bên con người kỳ cục kia.
Tôi mở đầu bằng câu nói xã giao:
- Này! Anh bạn người Hà Nội phải không? Xa Hà Nội từ tháng nào? Tôi cũng người Hà Nội đây! Dậy nói chuyện chơi.
ghe có người đến quấy rầy, anh thanh niên mở mắt ra một cách nặng nhọc và nhìn tôi, nhưng chỉ nhìn tôi một thoáng rồi nhắm lại ngay dường như sự có mặt của tôi bên cạnh anh ta là thừa, là vô lý.
Tôi nắm chân anh ta và lắc mạnh:
- Dậy chơi mà! Đi, dậy chơi! Ban ngày mà ngủ, sốt chết!
Anh thanh niên buộc lòng phải ngồi dậy. Đầu tóc ủ rủ, mặt mũi hốc hác. Anh ta khẽ lắc đầu, tỏ vẻ chán nản đến cực độ.
Tôi vào đề ngay:
- Tôi đã nghe anh em chung quanh đây kể về anh rõ ràng. Tôi cũng vô Nam chiến đấu như anh, cho nên tôi xin khuyên anh không nên làm như thế, thiệt thân mà còn ảnh hưởng xấu cho đơn vị.
Anh thanh niên vẫn không nhìn tôi và lại lắc đầu. Tôi lại cố thuyết phục anh ta với niềm tin rằng lời lẽ hay ho của mình sẽ dựng anh thanh niên trở đậy, sống như mọi người. Tôi triết lý cuộc sống, lấy kinh nghiệm bản thân, lấy thực tế trên đường dây và lấy cả lý tưởng cao đẹp của thanh niên ra mà tương vào tai anh thanh niên. Tôi nói rất dài, rất là dài. Có thể mất cả tiếng đồng hồ.
Thấy anh ta ngồi lặng thinh, tôi cho rằng anh thanh niên đã thấm bài. Mà thật, đang ngồi lặng lẽ như tượng đá, bỗng anh ta đứng phắt dậy xốc ba-lô lên vai và cầm lấy súng.
Tôi nói tiếp một cách hăng hái:
- Tôi có quen trong trạm, nếu anh có mất hết đồ đạc thì tôi đưa anh vô đó, người ta sẽ cấp lớp mới cho anh. Rồi thì anh trở về đơn vị với anh em.
ói xong, tôi lôi tay anh thanh niên cùng đi.
Tự nãy giờ anh thanh niên không nói một tiếng nào. Dọc đường tôi vẫn thuyết phục anh ta bằng đủ thứ lý luận. Nom anh cũng có vẻ xiêu lòng.
Khi hai đứa tôi đi qua mặt những người nằm bên bờ suối thì ai nấy đều nhìn tôi với những cặp mắt thán phục. Tôi vô cùng sung sướng vì đã làm được một việc không ai làm nổi. Tôi thấy đau đớn thật sự. Vì sao anh thanh niên này đi tìm cái chết vô lý?
Đến chỗ rẽ, tôi bảo:
- Anh đi theo con đường này độ 30 phút sẽ đến trạm. Anh trình bày hoàn cảnh của anh rồi sẽ được cấp phát. Nhé! Anh nên nghe lời tôi.
Anh thanh niên cũng không nói rằng mà cứ lầm lủi đi theo ngã tôi chỉ. Tôi đứng nhìn theo. Thật là thối cả ruột gan. Cái ba-lô lép kẹp dán sát vào lưng anh ta, cái hộp lon treo ở phía sau bằng một sợi dây kẽm, có lẽ anh dùng để nấu cơm, cứ mỗi bước đi của anh, nó lại đập vào ba-lô đánh cạch một tiếng làm như một thứ nhạc điệu mỉa mai.
Độ nửa giờ sau, khi xong việc tôi trở lại, đi ngang qua đường cũ thì mọi người cười rần lên. Tôi dừng lại và nói một cách tự hào:
- Đó! Các đồng chí có thấy không? Tôi dựng anh ta dậy rồi đó!
- Ừ! Đồng chí công tác chính trị tài thật!
- Từ Hà Nội vô Vĩnh Linh anh ta nhảy tàu 3 lần, đều bị bắt lại hết đó.
Mỗi người nói một câu, nhưng nụ cười của họ có vẻ bí hiểm trêu chọc chứ không tán thưởng việc làm của tôi vừa qua.
Quả thật, khi tôi trở lại phiến đá, thì hỡi ôi, giữa những cành cây khô héo một thân hình héo khô không kém nằm dài đểnh ra đấy với tất cả sự chán chường, bất chấp những cặp mắt của người qua kẻ lại.
Tôi hơi giận, tôi ngồi xuống và nói:
- Tôi đã bảo, sao anh không nghe lời tôi vậy hả anh bạn?
Anh thanh niên lập tức ngồi dậy và nói năng sốt sắn chứ không đến nỗi tệ như lúc nãy. Anh ta nói với tôi những lời tâm sự của một người bạn:
- Tôi thú thật với anh là tôi rất cám ơn anh. Tôi biết anh rất thương tôi. Nhưng tôi đã quyết định rồi, tôi quyết định hy sinh tôi. Tôi biết làm như vậy là bậy bạ, nhưng tôi không muốn cái gì hết, ngoài cái chết. Tôi muốn xem cái chết từ từ đến với tôi, vuốt ve tôi hoặc nhai tôi ngấu nghiến. Tôi bây giờ là một tế bào chết của cuộc cách mạng này. Anh có xem phim “Tiểu Thư Mary” của Liên Xô không? Pê-sô-rin xem cái chết như một sự tất nhiên “như một cổ xe song mã đến rước mình sau buổi dạ hội chán ngán…” Ở đây tôi cũng muốn một sự gì giống giống như vậy…
Anh thanh niên nói tiếp:
- Tôi xin lỗi anh vì lúc nãy tôi đã lừa anh. Tôi nói thật, tất cả những lời anh nói với tôi, lúc đầu tôi đã đều nghĩ tới cả, nhưng tôi ngấy lắm rồi cho nên, để màng tai tôi khỏi bị những lời nói như hòn sỏi rơi vào làm nhức nhối, tôi vờ nghe nghe lời anh, một là cho anh vui lòng, hai là tôi khỏi phải nghe theo.
Tôi không còn nói thêm câu gì nữa. Tôi đành chịu thua trước sự quyết định quá vững chắc của anh thanh niên. Đúng là hết chỗ nói.
Từ đó về sau tôi không gặp lại anh thanh niên đó nữa.
Đường Đi Không Đến Đường Đi Không Đến - Xuân Vũ Đường Đi Không Đến