The greatest thing you'll ever learn is just to love and be loved in return.

Eden Ahbez, "Nature Boy" (1948)

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 36
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2470 / 107
Cập nhật: 2015-07-18 13:06:46 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
hông hiểu bằng cách nào mà tôi đã theo kịp đoàn tôi trong chiều hôm đó, cố nhiên là tôi đến sau tất cả mọi người. Tôi nghĩ, nếu người ta mà biết được tôi đã cố gắng đến mức độ nào để tới đây thì họ sẽ thưởng cho tôi cái mề-đay bự nhất. Bây giờ viết lại cái ý nghĩ có vẻ mỉa mai này của tôi trên giấy tờ, tôi hãy còn lợm giọng khi nghĩ đến cái vinh quang mà người ta đã dành cho tôi trước khi tôi cất bước lên đường.
Cơn sốt rét đã lắng xuống nhưng sự mệt nhọc thì vọt lên cao độ.
Ai cũng lo công việc của mình, không còn thời giờ để mừng đón tôi, mà cũng lạ thật, tôi đã vất bỏ đi cái thói xấu công thần một cách dễ dàng. Đến nơi, tôi chỉ mong mắc võng và nằm, yên chí rằng trong đêm nay mình không cô độc giữa rừng.
Phần lớn anh chị em đang bận rộn bào chế các món ăn bằng khoai mì, những mẩu khoai mì vụng mà họ đã phải đi trên một tiếng đồng hồ để mót lấy, trên ruộng rẫy mà bộ đội đã nhổ trụi những khẩu phần của họ rồi.
Bây giờ thì thiên hạ bận rộn như ngày có giỗ. Kẻ thì tìm một phiến đá để đập và nghiến mì ra thành bột rồi nặn thành từng bánh đem nướng trên lửa than. Kẻ thì dồn vào trong ống nứa non đem đốt như kiểu người thiểu số nấu cơm nếp giữ nguyên hương nguyên chất. Hoặc kẻ thì vì không đủ sức làm hay vì tính giản dị, cứ đem luộc và ăn ngay.
Lâm đến mắc võng gần bên tôi và hỏi:
- Muốn ăn cái gì tớ làm cho?
Tôi trỏ tay dưới đít võng. Lâm nhìn theo và ngạc nhiên kêu lên khi thấy một củ mì quá ngon lành nằm trườn trườn trên mặt đất.
Tôi nói:
- Cậu muốn làm gì thì làm tùy thích!
Tính Lâm tỉ mỉ và hay vẽ vời. Lâm say sưa nhìn củ mì, cầm nó lên và vuốt ve mà nói:
- Ta nấu chè, chén một bữa đi bạn!
Tôi gắt:
- Làm sao đủ đường mà nấu?
- Mình còn!
- Úy trời đất!
- Ừa, thiệt mà! – Lâm tiếp – Hồi trước khi đi mình có mua thêm 250 gờ-ram. Đó là nhờ thằng bạn cho phiếu mình mua cả tháng của nó. Chớ không thì phải chạy đi mua cái phiếu đó giá cũng em em giá của 250 gờ-ram đường.
Tôi nghe đến chè thì nước miếng nước mồm tuôn ra không kịp nuốt. Thời buổi này giữa Trường Sơn còn 250 gờ-ram đường, không khéo bị “ăn cướp” đánh nhà chớ phải chơi đâu. Nhưng tôi lại lắc đầu:
- Đừng có phí như vậy cậu ạ! Nhỡ có ốm thì lấy gì!
- Thì cậu ốm rồi đấy, còn chờ chừng nào nữa? Hay là mình đâm nhuyễn ra vò viên nấu canh nêm mì chính (tức bột ngọt) rồi ăn cơm cùng với mắm ruốc!
Nói xong Lâm xem như đó là quyết định cuối cùng và sáng suốt nhất. Lâm hăm hở soạn bếp núc của Lâm, vừa hí hoáy vừa hỏi thăm tôi hoặc vừa pha trò để dò xem phản ứng của tôi mà đoán sức khoẻ của tôi.
Còn tôi thì cố gắng ghếch đầu lên mép võng mà trả lời câu được câu chăng với Lâm. Lâm là thằng bạn rất tốt đối với tôi. Chúng tôi quen nhau từ thuở bé, và Ông Trời cứ bắt hai đứa phải gần nhau luôn, không mấy khi xa nhau. Vì thế, gây gỗ, đụng chạm, cự nự nhiều hơn bất cứ đối với ai. Có lần giận nhau hằng năm, nhưng đó là sự hờn giận của những người yêu – tan rồi hợp, hợp rồi tan, và cuối cùng lần này hai đứa lại đi chung trên con đường mà sự vinh quang chúng tôi phải chia nhau gánh đội đến oằn cả vai, còng cả lưng, tối cả mặt mày.
Lâm vừa thổi lửa vừa nói:
- Mình nghĩ thương cô Oanh quá cậu ạ!
Tôi lặng thinh nhưng Lâm không cần sự đáp lại của tôi ở đây. Tôi đã biết thừa cái chuyện của cô Oanh cũng như chuyện của bao nhiêu cô khác. Nhưng Lâm yêu nhất cái tình nghĩa cô Oanh nên vướng bận mãi cho đến ngày ra đi.
- Tao mà còn ở lại năm nay ngoài đó thì nhất định tao lấy con Oanh, không có cách gì khác. Con gái Bắc ngoan, dễ yêu; con gái Nam hồn nhiên, chân thật. Đằng nào cũng hay cả! Ấy chết, con Thu nó có ngồi gần đây thì nó nghe.. nó yêu mình mất.
- À, được rồi. Mai họp đoàn em báo cáo anh phá hoại đoàn kết Nam Bắc nhé! – Thu đang ngồi o bế cái chân đau, vọt miệng đáp ngay.
- Ừ, cứ báo mạnh vào! Cái chân sưng mủ kia kìa không lo mà đắp, mà vặt, mà xoa bóp đi… à mà em có cần anh bóp không nào?
- Cậu bóp thì có mà sưng to thêm! – Một người nhạy miệng đáp, làm tiếng cười nổi lên họa theo.
Một người khác lại nói xen vào to hơn:
- Nào, nhà nữ múa sĩ Ngọc Thu có đồng ý cho võ sĩ Lâm bóp…không?
Anh bạn kéo dài tiếng “bóp” làm cho tiếng cười lúc nãy lại phát lên, chỗ thì rúc rích, chỗ thì sằng sặc. Có người đang ăn phun cả cơm ra ngoài.
- Không bóp thì cũng sưng rồi mà. – Một giọng lè nhè của một ông cụ – Bây giờ coi chừng nó chảy.. nước … trắng nước vàng ra đó!
- Nó sưng lâu quá rồi mà, để nguyên nó cũng chảy!
Câu chuyện pha trò cứ kéo dài mãi, nhưng không làm cho tôi hứng thú chút nào. Tôi loáng thoáng nghe tiếng cười, nhưng đầu óc tôi mơ đến những chuyện khác thiết thực hơn.
Tôi mơ ước có trước mặt tôi có một cái quán bán các thứ dưa chuối, chè đậu, bánh dày, bánh giò rất mất vệ sinh với những đàn ruồi xanh như những đàn phi cơ làm xao động cả buổi trưa.
Làm gì nhiều thế? Tôi chỉ cần một bà lão bán chè xanh dưới một gốc cây bã đậu rợp mát với những cái chén sứt mẽ vằn vện những cốt trà cũ, với những cái tủ kính nhỏ đầy ghét cáu và vỡ nát, bên trong có đựng những chiếc bánh chè lam có rắc một ít đậu phộng và mè rất cứng, mà bình thường ở ngoài đó không bao giờ tôi nghĩ tới việc phải để mắt tới.
Hay tôi lại thèm một ít nước béo cho vào tô phở, chỉ một ít thôi cũng đủ. Tôi như ngửi thấy mùi hương của những bát phở gà với những miếng mỡ mà tôi ưa thích nhất. Những con gà vàng ngậy kinh người treo trong những lồng kính. Tôi thèm tất cả, mơ tất cả những gì có thể cho vào mồm để mà nhai. Đời giản dị chỉ có thế thôi.
Biết bao ý nghĩ trước kia tôi không hề có nhưng một cơn sốt đổ xuống tôi, mang đến cùng với sức nóng và sức rét của nó, bao nhiêu là siêu vi trùng trong tư tưởng. Những ước mơ tôi mang nặng hôm qua bây giờ hoàn toàn phủi sạch.
Nằm ở đây giữa Trường Sơn này với một cơn sốt dài lê thê hàng chục cây sô đường rừng, tôi chỉ còn nghĩ tới một điều cụ thể nhất là cái gì để cho vào mồm và nuốt được.
Tôi chỉ cần một khẩu phần cơm cơ quan ba hào chẳng hạn với cục bột mì sừn sựt với bát ngô sền sệt một thỏi cá tanh rình bằng ngón tay và vài cọng rau muống dai nhách tua tủa những gốc rễ.
Thiên đường ở đâu? Thiên đường của người chiến sĩ vượt Trường Sơn là cái khẩu phần đó đó.
Ba lon gạo tối hậu dành để chống càn buộc thắt ngang trong ruột tượng cũng đã cạn rồi. Có người lượm gạo mục ở dọc đường của ai nứt ruột tượng đổ ra và giũ ruột tượng của mình lấy nốt những hạt gạo còn sót, cho tất cả vào canh cho có mùi gạo tí ti, húp cho cứng gối.
Phiền lòng quá, tủi thân quá!
Đây là chặn đường Kontum có lẽ. Tôi có cái bản đồ con con có hình nước ta nhưng nó bé nhỏ quá, nó chỉ chiếm hết lòng bàn tay tôi thôi, cho nên những địa danh của nó cũng không được ghi đầy đủ. Và không có địa bàn, không có làng, có xứ thổ dân nào, tôi làm sao biết được tôi đang ở cách xa những người tôi vừa chia tay là bao xa và những người tôi sắp được bắt tay là bao xa. Chỉ biết rằng tôi đang đón nhận cái phần thưởng đầu tiên cấp trên gửi tặng tôi là cơn sốt vừa qua cùng với một nồi cháo mì của một thằng bạn khổ – không có cái gì hơn là tấm lòng để giúp tôi.
Bừng mắt ra, tôi thấy rừng vây quanh tôi. Hoàn toàn xa lạ. Cái cảm giác đầu tiên của tôi là tôi đang lọt tõm giữa mênh mông. Và tôi sắp tan ra trong cái mênh mông đó.
Tôi phải mất ít nhất là vài giây để hiểu những sự việc vừa qua kể từ khi Thu chống cái gậy lê chân đi từng bước biến dần trước mắt tôi. Cái hình ảnh đầu tiên tôi nhớ ngay về buổi trưa hôm qua là cái hình ảnh của Thu.
Vì chung quanh tôi không có ai hết cả ngoài Thu.
Nhưng, thế thôi cũng đủ. Hình như Trời còn ngó lại cho tôi. Trời không muốn tôi quá cô đơn giữa cái rừng sâu nầy. Nhưng tôi chỉ hưởng được cái giây phút êm đềm đó trong một thoáng thôi rồi lại rơi vào cái khổ triền miên, cái khổ đeo đẳng, dằng dặc chặt không đứt, bứt không rời của Trường Sơn: đó là cái đi, cái đứng, cái ăn, cái ngủ, cái bệnh, cái tức, cái giận, cái thương, cái ghét … thực là một trăm thứ cái, mà cái nào cũng kỳ cục, khác thường, nó xoi, nó mói, nó cạo, nó gọt tâm tủy con người.
Giữa chúng tôi, hai đứa còn sót lại sau đoàn đây, một đứa Nam, một đứa Bắc, đứa đàn ông, đứa đàn bà, một đứa bệnh, một đứa tật, khác nhau cả, nhưng có điều giống nhau quá là đứa này sầu, đứa nọ cũng rầu.
Thu ngồi quay lưng ra tôi cho nên tôi thức mà Thu không biết. Những đốm nắng vàng vọt rời trên những phiến đá ẩm ướt rêu mốc mà hơi người không làm ấm lại nổi. Tóc Thu hồi còn ở Hà Nội tôi nhớ là đẹp lắm mà. Tóc con gái là đẹp lắm rồi, dù màu vàng hoe hay màu đen huyền, dù kẹp ngang vai hay uốn xoăn cũng đẹp, nhưng hôm nay thì tóc Thu không đẹp nữa rồi. Mắt tôi đâu còn tinh anh để nhìn tóc nàng?
Thu có đôi chân tuyệt đẹp của một diễn viên múa mà tôi chưa từng trông thấy ở bất cứ ai. Tôi thấy Thu là tôi đã nhìn đôi gót chân để mong có thể nhìn lên cao hơn ống chân, cao hơn tí nữa, như có lần tôi đã thấy gần trọn vẹn bộ đùi của Thu khi Thu xăn quần lội qua con suối.
Bây giờ đây đâu phải là tôi quên rằng tôi đã có một dịp hay ho như vậy, đâu phải tôi quên rằng người con gái ngồi trước mặt tôi đó đã có một cặp chân tuyệt mỹ! Nhưng tôi không buồn nghĩ đến cặp chân ấy nữa.
Người ta không còn thì giờ, đúng ra là không còn tâm hồn nào để nhìn cái đẹp nữa. Tôi còn phải dành trí khôn để ước lượng xem phải uống bao nhiêu kí-nin nữa để cắt cơn sốt, xem nếu tôi đi thì có đi nổi không, xem cây gậy của tôi có nặng so với sức lực của tôi bây giờ không, nhất là làm thế nào để cùng với cái cô diễn viên múa kia đuổi kịp theo đoàn v.v.. và v.v…
Và nếu tâm trí tôi có bắt buộc phải nghĩ tới đôi chân đẹp đó chăng đi nữa thì đôi mắt tôi, chúng cũng từ chối.
Chỉ sau vài hôm đi trên đường Trường Sơn thì mắt tôi bắt đầu không thấy núi đẹp như trong thơ nữa. Núi ôm ấp mây, núi quàng khăn tuyết … tất cả những nét đó hình như vô lý. Mắt tôi cứ hau háu như mắt cú vọ để tìm kiếm một cái đọt bứa, một cái mục chuối rừng còn sót lại hay một cái quai dép, một mẩu ni-lông của ai làm rớt dọc đường. Mắt tôi hễ mở ra thì bắt đầu nhìn những hòn đá chơm chởm gập ghềnh chỗ thấp chỗ cao, nhìn những bộ mặt vàng nẫu, những cặp chân cà tong cà teo run run khiêng pháo lên dốc.
Tất cả những gì đẹp đẽ cũng không cần thiết, đúng ra cũng không cần có ở đây.
Và dù là cái đẹp đó là cái riêng của tôi đi nữa, tôi cũng không cần. Tôi không cần nó, tôi không khát nó, tôi không thèm nó. Tôi cần, tôi khát, tôi thèm cái khác: ăn! Ăn cái gì thì ăn, nhưng núi đẹp và cặp chân vũ nữ tuyệt vời kia thì không thay cho món ăn được.
Hình như ánh mặt tôi gọi Thu cho nên Thu quay lại. Tôi không tỏ vẻ ngạc nhiên về sự ở lại của hai đứa và cũng không có vẻ vui mừng vì chỉ có hai đứa ở lại mà thôi.
Thu cố nhấc cái chân què đi tới ngồi phệt xuống bên võng của tôi và thở dài:
- Đoàn đi cả rồi anh!
Tôi nhìn Thu không đáp.
- Khổ quá đi mất!
Tôi cũng không đáp.
- Không biết rồi phải làm sao?
Sự lặng im vẫn kéo dài.
Tôi ngạc nhiên về sự sắt đá của tôi trước những câu than thở đồng cảnh ngộ của một cô gái. Tôi biết tôi phải nén lòng vì nếu tôi nói ra thì tôi sẽ nói những lời không đúng đắn về lập trường, về tình nghĩa, về sự có lý hay vô lý. Nếu tôi nói ra một câu thì những tiếng đầu tiên phải là những tiếng không có văn hoa, văn hoá.
Nhưng chửi ai, văng tục với ai?
- Anh hết sốt chưa? Thu hỏi.
- Qua cơn rồi em ạ!
- Không biết rồi ngày mai em ra sao, anh nhỉ?
- Thu chưa bao giờ bị sốt nên đâu hiểu sốt là thế nào!
Thu ngồi lặng thinh. Bây giờ thì chỉ còn có hai đứa, hai đứa bé mồ côi, khát sữa bú tay.
Một chốc Thu mới nói lại nguyên văn câu nói lúc nãy:
- Đoàn đã đi hết rồi anh ạ!
- Anh biết rồi.
Rồi hai đứa lặng thinh.
Tôi cố mở hai mí mắt nặng nề dày cộm của thằng sốt rét ra mà liếc nhìn chung quanh. Cảnh tượng thật là áo não, buồn thảm, bi đát, đau thương. Tất cả những chữ na ná như thế trong ngôn ngữ Việt Nam gom lại cũng không đủ tả cái cảnh chung quanh tôi lúc bấy giờ.
Những cái cọc hôm qua kín những võng và những tăng, những màn, những cái giàn nhỏ đầy những ba-lô, khăn túi, những cái bếp thì khói lửa tuy phải che đậy từng tí nhưng vẫn ấm áp tươi vui với ánh lửa và hương củi lửa. Tôi nghĩ rằng chỉ có những người đi rừng biền biệt xóm làng như chúng tôi mới hiểu nổi giá trị của lửa.
Hôm qua là cả một không khí hoạt động bánh trái vui nhộn, nhưng hôm nay đây, họ đã đi, mang theo họ cả khung trời. Chưa một lần nào tôi thấy vừa cô đơn vừa buồn tủi như hôm nay.
Thu đưa cho tôi hai mẩu giấy. Tôi không đọc ngay nhưng tôi biết đó là của anh đoàn phó và của Lâm – của Lâm, mảnh giấy tó hơn…
Chung quanh tôi mấy cái võng mắc tòng teng mà dưới mắt giao liên là những cái của nợ, vì những người này thường hay mò vào trạm của họ để căn nhắn, xin xỏ hoặc ỳ ra không chịu đi, tệ hơn nữa có những người nằm ngủ luôn không dậy, họ phải khiêng đi chôn cho khỏi thối trạm, có lẽ đó cũng là những người bị rơi rớt trên đường mà đoàn họ gửi lại núi rừng thiêng này – cũng như lũ chúng tôi đây.
Tôi nhìn xuống cái ga-men của tôi ngay đầu võng. Tôi không buồn nhặt nó lên. Vì cái kỷ niệm chiều hôm qua còn hơi ấm giữa tôi và Lâm sẽ làm cho tôi khổ hơn. Cái bánh làm bằng khoai mì, canh mì nêm bột ngọt… tất cả mâm cổ mà Lâm làm hôm qua, tôi không có thụ hưởng một tí gì. Cái củ mì to tướng của tôi vẫn còn nguyên đó. Vậy là Lâm chỉ dùng mì lượm mót của mình mà thôi. Đó là một nghĩa cử mà tôi phải ghi nhớ. Trên con đường này người ta chơi xấu với nhau từng chút một, nhất là miếng ăn. Miếng ăn là miếng tồi tàn! Lâm đã để lại cho tôi một tí đường trong số 250 gờ-ram của anh ta đang mang theo từ Hà Nội. Tôi không giỡ nắp ga-men ra, nhưng tôi vẫn trông thấy những hạt đường lấp lánh tình bạn. Lâm tốt đến thế đối với tôi vậy mà Lâm vẫn bỏ tôi mà đi với đoàn.
Bất giác tôi đưa mảnh giấy của Lâm lên mắt.
“Mình đi nhé! Thế nào cũng “nằm” lại ở vài trạm trước. Cậu sẽ bắt kịp. Đừng buồn nhé!”
Tôi buông mảnh giấy trên ngực tôi. Tôi nghe nước mắt ứa ra và từ từ trào ra tràn xuống má! Tôi biết Lâm cũng buồn, nhưng tôi hiểu nó lắm. Nó cũng không muốn bỏ tôi mà đi nhưng nó phải đi, và cơn sốt của nó (mà tôi đã thấy trước) bắt nó phải chờ tôi. Rồi lại tới phiên tôi phải bỏ nó mà đi và phải viết những lời như nó viết cho tôi hôm nay.
Thật tình tôi không thấy đói, không thấy buồn, không thấy cái gì cả. Tôi đã hoàn toàn biến thành một khối xương thịt vô tri. Tôi muốn nằm yên rồi chết… nếu không có tiếng the thé của Thu gọi tôi:
- Anh có ăn cháo không em nấu?
Trời ơi! Cái gương mặt của Thu bây giờ sao xấu đau xấu đớn thế? Bây giờ tôi trông thấy mà giật mình, không hiểu tại sao Thu đã xấu ra, hay tròng mắt tôi bị méo mó vì cơn sốt? Đằng nào thì cũng đáng buồn cả.
Tôi giụi mắt nhìn lại. Thực tình Thu xấu đi nhiều quá. Đôi mắt sâu và đôi môi tái nhợt cũng đủ làm cho vẻ đẹp của Thu mất hết sự lộng lẫy ngày xưa rồi. Mà có xưa gì cho lắm? Mới hơn một tháng đây thôi. Hồi ở nhà trường ai cũng ve vãn tán tỉnh nàng. Còn bây giờ người ta xa lánh vì đàn bà ở đây không dùng được vào việc gì cả, ngay như sắc đẹp là cái món ngon lành nhưng ở đâu chứ ở đây thì cũng vô dụng nốt. Mà cũng may, cái đó không còn có ở đây.
Tôi đáp:
- Anh cũng đang đói, từ trưa hôm qua tới giờ đâu có cái gì vô bụng.
Thu soạn cái ga-men của tôi ra. Quả thật Lâm đã để lại cho tôi một nhúm đường cát. Đây là lần thứ hai tôi nhận của Lâm thức ăn. Lần thứ nhất, lúc đó đi được hơn mươi ngày. Anh chị em còn sức. Một hôm trạm mời đoàn vào múa hát phục vụ cho giao liên, không rõ anh chị em được tặng món gì mà khi tan cuộc, Lâm rỉ tai tôi: “Chốc nữa tớ cho cậu món ăn đặc biệt”… Chiều hôm đó khi tôi sắp ăn cơm, Lâm đến gần bên tôi và thừa lúc không ai chú ý, Lâm xộc tay vào túi quần nắm ra một nắm rồi chúm lại rót xuống bàn tay tôi đang xoè ra để nhận lấy.
Tôi chú ý xem là cái gì. Đó chỉ là những hạt đậu phộng rang với muối. Chỉ có dăm hạt thôi vậy mà Lâm phải rót đến hai lần. Lần thứ nhất ba hạt, rồi chắc Lâm cảm thấy còn ít quá, Lâm lại hở mấy ngón tay ra vừa vặn cho hai hạt nữa rơì xuống. Thế cũng đã nhiều, trên đường này.
Mấy hôm sau đổi được mấy trái chuối rừng (giống như chuối hột trong Nam, nhưng trái chuối đầy hột chát ngầm không nuốt được) tôi cũng tuyên bố với Lâm: “Tớ sẽ cho cậu một món đặc biệt”. Đợi cho ai nấy đều ngủ hết tôi mới mò sang võng Lâm và dúi vào ngực Lâm một trái chuối rừng.
Bây giờ Lâm cho tôi mấy muỗng đường cát. Chỉ vậy thôi mà nước mắt tôi ứa ra, tôi không chùi kịp.
Thu nhúm lửa với mấy mụn củi nứa đêm qua Lâm còn bỏ lại và hơ mớ cháo khoai mì đủ âm ấm rồi sớt ra cái nắp ga-men trao cho tôi.
Thu nói:
- Bỏ vào một ít đường cho ngọt để ăn anh nhé, chắc anh đắng miệng lắm.
Tôi nâng chiếc nắp ga-men lên, ngửi mùi khói bốc từ mớ cháo, tôi biết rằng trong đó đã có đường rồi. Tôi kê miệng húp một miếng. Quả thật, cháo ngọt. Tôi muốn nuốt vào nhưng không hiểu vì sao, như bên trong như có một cái gì đang tràn ra, đẩy ngụm cháo phọt ra ngoài, tủa ra đầy đất.
Thu vội vã đỡ lấy nắp ga-men và kêu lên:
- Sao vậy anh? Ơ kìa?
Tôi khoác tay ý bảo không có chuyện gì đâu đừng cuống lên. Tôi biết sức khoẻ của tôi mất đi gần hết sau cơn sốt dồn dập khởi đầu từ ban trưa, ngưng một chập rồi lại sốt suốt đêm. Cho nên lúc sáng, đoàn cuốn tăng võng ra đi tôi hãy còn mê man, anh em từ giã tôi không hay biết gì hết.
Tôi định ngồi hẳn dậy, nhưng cái xương sống của tôi cứng đơ cứng ngắt như một khúc xương liền không có khớp. Nhưng tôi quyết không chịu thua, tôi nghếch đầu lên mép võng và lần này đến phiên cái cổ của tôi không giữ được cái đầu tôi nữa. Tôi gục hẳn xuống, mắt tôi nhìn mặt đất xoay vần. Tôi nôn, nhưng trong bụng tôi không có gì để mà nôn!
Thu vội vã ôm đầu tôi đặt vào võng. Bất giác tôi gào lên:
- Đ.m. chúng nó!
Quả tình tôi không thể im lặng lâu hơn được nữa. Đó là kết quả sự đè nén lâu ngày, kết quả của lòng tin bắt buộc.
Tôi thấy ân hận vì đã bôn ba hơn ba mươi ngày để đến đây, trên quãng đường không có cột số, cũng không có tất cả những gì cần thiết tối thiểu cho người đi đường. Nằm giữa chốn đây không có một tấc sắt trong tay, lấy gì bảo vệ thân sống chống lại cọp hùm rắn rít, chống lại những tên “bê quay” đã trở thành thổ phỉ còn hung ác tàn nhẫn hơn cả bọn phỉ mà người ta thường nguyền rủa. (Chữ “bê quay” này chốc nữa thì tôi sẽ giải thích, dẫn chứng với hằng trăm sự việc ly kỳ.)
Cha mẹ tôi sinh tôi ra cho tôi theo cách mạng chín năm chống Pháp rồi cho tôi đi ra Bắc để xây dựng lực lượng đặng trở về Nam thống nhất đất nước với lòng tin tưởng vô biên, có ngờ đâu tôi được đối xử như thế này? Tôi không còn nghĩ đến cái điều vinh quang mà người ta gắn cho tôi lúc tôi sắp ra đi – cái vinh quang chói lọi tưởng chừng bằng tất cả sự vinh quang của dân tộc ta trong thế kỷ đau thương này góp lại – nhưng lạy Chúa, con lạy Đức Mẹ nhân lành, nếu có thể, con xin quỳ gối mà trả lại tất cả cho người đã ban phát cho con, hoặc con xin lấy nó ra làm hiện vật để đánh đổi một sự nhỏ hơn nó gấp vạn lần, đó là tránh cho con cơn sốt sắp tới đây mà con cảm thấy nó đang lù lù đi tới.
Bây giờ tôi mới biết sốt rét rừng, mới hiểu tại sao người Pháp có đồn điền cao su trên rừng luôn luôn bao lưới tất cả các cửa ra vào, tôi hiểu rồi, hiểu rồi, hiểu bằng chính sự chịu đựng của thân xác tôi.
Trời ơi! sốt gì mà sốt vậy! Chỉ một cơn sốt thôi mà tôi cảm thấy tôi không còn cái gì nguyên vẹn trong người cả, từ lá phổi buồng tim, bộ óc cho đến những khớp xương, làn da và đến từng lỗ chân lông một. Tất cả đều hở ra, ọc ạch, xiêu vẹo.
Trời đất ơi! sốt gì mà sốt thế! Chỉ một cơn sốt thôi tôi đã nhìn trời ra màu xám ngoẹt. Từ vui đến buồn, từ buồn đến bi lụy. Tôi bây giờ đang gục xuống dưới cái lưỡi búa bi lụy của chính mình. Tôi chỉ còn nghĩ một điều: hận.
Tại sao người ta ném một cán bộ hai mươi năm chiến đấu, mười lăm tuổi đảng vào khu rừng này mà không cho một bước rút lui phòng thủ, không cho một thứ vũ khí trong tay? Con người là vốn quí nhất, Lê Nin hay Mác đã nói vậy, và Đảng Lao Động cũng lập lại câu đó bất cứ ở đâu.
Thì vỡ lẽ ra ở trên con đường Trường Sơn này cái vốn đó được đem ra xài với sự trân trọng nhất. Như hiện giờ nầy đây, như cái thằng tôi hiện giờ đang nằm đây này!
Mờ mờ trước mắt tôi, Thu vẫn ngồi ủ rủ, không rõ Thu nghĩ gì. Tội nghiệp! Cô nàng chắc hẳn là nhớ Hà Nội lắm. Gái Hà Nội mà! Xa Hà Hội một ngày đã thấy mất đi một tí gì trong người rồi, một tí duyên dáng, một tí lẳng lơ, một cái ý thơ mộng trữ tình do phong cảnh, do sinh khí, do cái đất ngàn năm văn vật gây nên, hiến dâng và thấm vào mà không người con gái Hà Nội nào không có, và không một người con gái nào có.
Thu như con cá nước ngọt bị ném ra biển.
Tôi không nhìn cũng biết cái chân Thu như thế nào rồi. Cái chân ngọc ngà, xoay bật như lò xo trên sân khấu phẳng như mặt hồ Gươm và mịn như nhung. Thu hãnh diện vì cái đẹp của đôi chân, cái tài ba của chúng nhưng bây giờ đây Thu lại nhìn nó như một tai vạ vô cùng. Đây! Thu cũng chính là cái “vốn quí” được sử dụng vô cùng trân trọng đấy!
Đường Đi Không Đến Đường Đi Không Đến - Xuân Vũ Đường Đi Không Đến