A book is like a garden carried in the pocket.

Chinese Proverb

 
 
 
 
 
Tác giả: Xuân Vũ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1703 / 24
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10 -
oàn tù kéo ra bãi tha ma. Tên lính gác bảo:
- Tụi bây tự do! Làm gì làm. Chỉ xin một việc. Ðừng trả thù tao. Tao hành hạ tụi bây là do lệnh trên chớ không phải do tự lòng ham muốn của tao. Ðánh một con vật còn thấy xấu hổ huống chi xử tệ đồng loại. Thôi đi làm gì thì làm không cần phải hỏi!
- Thưa cán bộ, chỉ một hôm nay thôi hay còn ngày mai ngày mốt nữa?
- Mãi mãi! Chúng bay sẽ được tự do.
Ðoàn tù chạy túa ra, tung dao, ném cuốc tưng bừng, la hét tở mở. Người tù già nhất cũng là tên tù thâm niên nhất bảo:
- Vậy phải kêu chúng nó dậy cho chúng nó hay.
- Vâng vâng phải đấy! Ðại ca phán có lý.
Rồi họ bắt đầu.
Bãi tranh phẳng lì không có bia núm đất hầu nhu mặt ruộng ai biết tên gì mà gọi. Ðúng ra khi chôn, người đồng tù có cắm một cái cây, một phiến đá làm dấu. Còn tên tuổi thì nhớ trong bụng chớ không được khắc. Thằng Duẩn thằng Ðồng nhân đạo thế đó. Nhưng dần dà rồi cũng quên đi, quên hết, quên cả thân mình thì làm sao còn nhớ tên bạn. Bộ óc bị giũa mòn không còn nếp nhớ nữa. Lớp thì chuyển trại xáo trộn hết, có ai đâu ở lại một nơi mà nhớ chuyện xưa tích cũ của vùng đất vô danh?
- Này, dậy dậy! mày tên gì?
Mặt đất bỗng run run nứt ra một mảng rồi một cái đầu tóc lụp xụp ngoi lên, lè nhè:
- Ai gọi? Ðây không phải quán hàng!
- Ừ thì chính không phải quán hàng nên tao mới gọi mày.
- Làm gì? Tôi nằm yên đây đã lâu rồi. Không ai quấy rầy, không bị ai mắng mỏ, không bị phạt kiên giam, kiền gì, không cơm lạt, cơm mặn. Tôi mong được yên muôn đời muôn kiếp.
- Sao mày ra nằm đây một mình xa lánh anh em? Trốn roi đòn hình phạt à? Hèn thế!
- Không, tui không hèn. 15 năm quân vụ, 8 vết thương - 1 cái ở sọ đầu chưa gắp miểng ra, ai dám bảo là hèn?
- Thế thì sao ra đây? Mà lại nằm, không đứng?
- Tử hình mà còn đứng được à?
- Tội gì?
- Tội à? Kể sao cho hết mà hỏi. Mấy thằng viết văn chỉ viết ba cái râu ria. Tội 15 năm chống cộng bằng máu. Tội đi ỉa gọi là đi lăng bác.
- À, tao nhớ ra rồi. Mày là thằng bị tử hình đầu tiên sau 75. Nó bắt tội thế nào mà ra Bắc?
- Nó bảo vô lễ với lãnh tụ tủ lạnh gì đó. Không có gì hơn.
- Mà sao chỗ tôn nghiêm của người ta mà mày lại gọi là cầu xí?
- Tôn nghiêm của chúng nó là cầu xí của tao!
- Thôi dậy đi!
- Dậy gì được. Tay vỗ vỗ cái đầu nghe còn viên đạn trong này. 2 viên xuyên ngực cũng còn nằm trỏng.
- Cố dấy chớ. Thời cơ đến rồi, nằm đó mãi có tội.
Cái mả bật tung. Một thân người ưót sũng dầm dề máu me, trồi, nhô vọt lên khỏi mặt đất.
- Còn anh này! Dậy đi thôi!
- Ai gọi thế?
- Tổ quốc, non sông, đồng bào, đồng đội!
- Ghê thế ư? Dậy thì dậy, nhưng nắp hòm ràng bằng mây rừng chắc quá, tông không đứt.
- Vươn vai mạnh lên. Không có gì ngăn được lòng yêu nước.
Pực! Nấm đất đổ qua. Một anh chàng đầu đội ca lô, áo rằn thủy quân lục chiến, ngơ ngác nhìn quanh:
- Ai gọi ta thế?
- Có ai cứu nước không?
- Nước mất rồi, còn đâu mà cứu?
- Tầm bậy! Chúng tao còn đây, nước nào mất được?
- Nước còn thì tôi nguyện hi sinh. Vết thương nặng mấy cũng lành.
- Sao ra nằm đây?
- Vượt ngục.
- À, nhớ rồi. Kỳ đó 15 thằng, bị bắt lại 6 xử bắn cả 6, còn 9 thằng trốn thoát, về sau lại bị bắt 3. Còn 3 biệt tin.
- Chúng nó về đồng bằng. Xuống U Minh. Tổ chức quân đoàn phục quốc. Chỉ có 3 thằng. Nhưng sức mạnh bằng 1 quân đoàn.
- Chúng nó bắn mày ở đâu?
- Bắn nát cả người. 9 viên AK, 12 viên K54. Nó bảo tôi đầu đảng nên bắn cho thật chết.
Ông tù già nhìn bãi tha ma lổm chổm cỏ cây, nhấp nhô những nấm đất, ngẫm nghĩ: có hàng vạn, làm sao gọi hết? Bèn kêu tù đốn cây làm một cái đàn rồi ông ta leo lên nói như truyền hịch xuất trận:
- Hỡi anh em đồng đội. Nay đất nước đã hết kỳ đau đớn, anh em hãy chổi dậy về lại đơn vị. Tướng tá còn đủ, đang chờ tay súng của anh em.
Ông tù, vừa dứt lời thì...
Một tiếng sấm nổ vang khói bốc mù tịt. Chập lâu khói tan thấy cũng hàng đàn người lúc nhúc đứng ngồi, đi chạy, ôm nhảy la hét.
Nào thằng trung úy trỏ c. vào mặt quản giáo. Nào thằng thượng sĩ chất vấn huấn luyện viên. Nào thằng nhà báo viết bài chế diễu Hồ chủ tịch. Nào anh cán bộ tuyên tin làm biểu ngữ cố ý kẻ chữ "bách" ra chữ "bất" thắng. Tất cả đều nằm ở đây vùi chôn xương thịt vô danh, không ngờ có ngày vùng dậy.
Ông tù hô như sấm:
- Tất cả nghe lệnh tôi.
- Có mặt.
- Xết thành hàng 18, súng cầm tay thẳng bước! Tiến!
Bỗng có tiếng kêu rên cuối bãi. Ông tù vội chạy đến. Tiếng rên ri rỉ từ dưới đất.
- Ai?
- Tôi. Huyệt sâu quá tôi không đội lên được!
Ðào, xới. Phút chốc. Một thanh niên trắng trẻo tóc ngắn, quần áo làm bằng giấy tả tơi rớt từng mảnh.
- Sao thế này? Ai giết?
- Tại tôi đào huyệt chôn tôi.
- Tại sao?
- Sống không bằng chết thì thà chết!
Người tù nhặt những mẩu giấy lên:
- Chữ nghĩa qúi thế này, sao làm thế?
- Tôi mang xuống dưới đó để xem tiếp.
- Anh ham chữ nghĩa đến thế ư?
- Tôi là người làm ra chữ nghĩa.
- Văn sĩ.
- Vâng - Tôi là văn sĩ và thi sĩ, không phải phường ăn mót, cũng không phải là con vẹt.
- Ðọc một bài, một câu, một chữ nghe thử.
- Yêu.
- Một chữ nữa!
- Ghét.
- Một câu trọn!
- Yêu nói yêu, ghét nói ghét!
- Kìa, người ta xúm lại nghe. Ðọc thêm xem.
- Dù sấm nổ trên đầu cũng không nói yêu thành ghét, không nói ghét thành yêu.
- Tiếp đi!
- Ai giật bút tôi.
Tôi cầm dao viết thơ trên đá - Hoan hô hoan hô thi sĩ vĩ đại!
- Rồi sao thi sĩ tự đào huyệt chôn mình?
- Vì sống trên đời phải nói ghét thành yêu và yêu thành ghét! Nên không muốn sống.
- Bây giờ thi sĩ muốn gì?
- Cho tôi đứng sau cùng hàng quân để được nói tự lòng tôi hai tiếng ghét và yêu!
Xin mời thi sĩ lên đứng hàng đầu và xin trao cây bút chúng tôi làm cờ chiến đấu. Rầm rầm. Sấm vang sét nổ. Trận chiến bắt đầu.
Núi lở đá tung. Biển trào cát dậy. Tiếng kêu của những lóng xương vuì. Gió gào hồn nước. Những manh chiếu mục nát gói thây, những mảnh ván ghép, những thân nứa làm hòm và những thây người vùi vội, tất cả đứng lên, xếp vào hàng trùng trùng điệp điệp, đá chạy cát bay.
Ông chỉ huy trưởng vừa ra lệnh điều động các đơn vị thì bỗng nghe gió thổi lai rai lạnh buốt như từ âm phủ vọng về.
Ông chỉ huỳ nghe ớn xương sống. Mặt trời bỗng bị mây áng đêm sụp xuống nhanh chóng. Rồi tùu dưới đất như có hằng ngàn con vật ùn ùn chui lên. Ông chỉ huy trưởng nhìn lại thì đó là những con người kỳ quái không có đầu. Càng lúc càng đông, họ kéo tới vây chung quanh ông chỉ huy. Ông hốt hoảng không biết đám cô hồn này ở đâu đến bèn hét lên:
- Các người không được làm chậm trễ công việc của ta.
- Chúng tôi không làm chậm trễ mà sẽ tiếp tay ông. Một tiếng nói vang vang ở thinh không. Vừa dứt bỗng thấy măt đất trắng xoá. Chỉ trong nháy mắt sóng biển trào dâng ngập lụt. Một ngọn sóng vươn vòi cao vút như cổ lạc đà đội thúng bông. Ðầu con lạc đà nhô lên khỏi biển.
- Chúng tôi không phải là ma quỉ, mà chính là người Việt Nam vượt biên. Chúng tôi quê ở Hải Phòng, Hà Nội, Ðà Nẵn, Cà Mau, Rạch Giá, khắp các miền đất nước đã dùng ghe đánh cá, ghe bầu, thuyền thúng, thùng phuy để vượt biển.
Người chỉ huy thét:
- Ðầu các người đâu mà chỉ còn cổ không vậy?
- Dạ, thủ cấp chúng tôi bán cho đảng rồi!
- Bán thủ cấp?
- Vâng, từ 6 đến 8 cây.
- Cây gì?
- Dạ, vàng ròng ạ. Người Tàu Chợ Lớn thì 15 cây. Có giao nộp thủ cấp chúng tôi mới được xuống ghe. Ðàn bà có chửa phải đóng 2 thủ cấp nghĩa là 8 hay 10 cây. Ðó là giá do Ðảng qui định, nhưng cán bộ tăng gấp đôi.
- Trẻ con chưa đẻ mà cũng phải bán thủ cấp?
- Vâng ạ! Nhưng bán xong rồi đâu phaỉ được đi trót lọt! Người ta lấy tiền rồi bắt trở lại. Nhưng đó cũng là may phước. Nhiều chuyến chúng cho đi, ra tới hải phận quốc tế, chúng báo cho tàu Hải quân chận bắn chết hết rồi kéo tàu về sơn phết lại bán cho những người vượt biên. Rồi lại bắn, cứ thế...Ðang nói bỗng có tiếng khóc oe oe.
- Tiếng trẻ sơ sinh đâu đây vậy?
- Dạ đó là người đàn bà đẻ con trên biển Ðông trong lúc ghe sắp chìm.
Từ duới những lượn sóng nhô lên một đứa bé đầu còn máu đỏ lòm.
- Thưa ông chỉ huy, mẹ tôi đẻ tôi ra trên sóng, đặt tên tôi là Thái Bình Dương, và cho tôi bú nước biển. Tôi đã 25 tuổi nhưng thân hình chỉ có thế này.
- Người là dòng dõi của Trưng Vương. Hãy đứng lên. Ta giao cho chỉ huy "đạo quân không đầu" này đi vào chiến trận.
Tức thì đứa bé vùng đứng lên vươn vai cao như núi.
Trùng trùng điệp điệp quân đi...
Bỗng một đoàn người kéo ngang, già trẻ trai gái đủ mặt.
Vai gánh, tay xách nách mang có vẻ nặng nhọc như đoàn dân công trong thời kháng chiến. Ðể tỏ tình quân dân cá nước, những người lính chia sẻ với đoàn người kia.
Những thứ họ mang vác là thanh sắt, bánh xe răng sắt vụt, soong chảo bể, thỏi gang chứa thành hình.
- Những cái này bà con lấy ở đâu vậy?
- Kia kìa, nhà máy "nấu thép Thái Nguyên" sù sụ đó.
- Sao vỡ ra từng mảng hết vậy?
- Chúng tôi đập lấy!
- Rồi đem đi đâu?
- Ðem qua bán cho người Tàu với giá đồng nát. Nhưng phải đập vỡ ra thì họ mới mua cho.
- Sao không để sản xuất gang thép làm cho nước nhà kỷ nghệ hoá. Xây dựng chủ nghĩa công sản.
- Từ ngày thành lập tới nay đã hơn 20 năm, có nấu được củ chì nào.
- Tại sao người Tàu mua rẻ vậy?
- Chớ sắt vụn mua mắc sao được! Trông kia. Tốp đi sau những người quăng bị cói. Biết cái gì đó không?
- Cái gì vậy?
- Ðó là giây thép cắt ngắn ra bằng gang tay. Họ mua với giá khá cao, lít gạo đổi ký giây thép. Nhưng nếu để nguyên khoanh thì họ không mua.
- Tại sao?
- Ai biết được. Còn toán đi sau cùng kia nữa. Họ khuân đội gánh những thúng rổ lỉnh kỉnh. Biết gì đó không?
- Nghe mùi thum thủm nhưng không đoán được là hàng gì. Cũng đem sang Tàu à?
- Vâng, họ mua cả. Nhưng phải đúng món hàng họ yêu cầu?
- Móng trâu, sừng trâu, quế chi, cánh kiến.
- Quế và cánh kiến thì họ mua để làm thuốc, hiểu rồi, nhưng móng và sừng trâu họ mua để làm gì? Các thứ ấy đâu có xài được việc gì?
- Không biết! Nhưng một cặp sừng trâu và 4 bộ móng đem sang đó, họ trả cho số tiền một con trâu thịt. Nhưng họ không mua trâu để làm thịt.
- Tại sao vậy?
- Không biết! Nhưng bọn xã viên hợp tác chúng tôi cúu đua nhau vật trâu lấy móng và sừng đem bán còn thịt thì đụng!
- Tiền bán trâu, đêm về mua lại trâu, lời chỗ thịt, lo gì không giàu.
- Họ có cho đem về đâu! Họ bắt mua soong nồi nhôm phích nước và bia Vạn Lực. Sẵn các quán đó đánh chén hết luôn. Ai giỏi tiết kiệm thì đem về được vài "nhân dân tệ" hoặc dăm hộp bia tặng cho ông chủ nhiệm để kỳ sau ổng cho vật trâu đi bán móng.
- Như vậy còn trâu đâu làm mùa?
- Chánh phủ xin quốc tế viện trợ nhân đạo! Ba cái thằng quốc tế mù. Tiền vô túi ai, chớ đâu có tay dân nghèo.
Đứa Bé Đi Tìm Cha Đứa Bé Đi Tìm Cha - Xuân Vũ