Để leo dốc cao, cần chầm chậm trước tiên.

Shakespeare

 
 
 
 
 
Tác giả: Sưu Tầm
Thể loại: Truyện Ngắn
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1305 / 10
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
ôi tần ngần đứng trước ngôi nhà bề thế,sang trọng nằm giữa phố T.P.Nơi đây là trụ sở của quỹ tín dụng Tương Lai.Với bộ quân phục bạc màu,đôi lép lê rẻ tiền và một thân hình xương xẩu tôi cảm thấy mắc cỡ nên chưa dám bước vào.
Tôi được bà chị dâu giới thiệu với ông xếp của “Tương lai” về phẩm hạnh của tôi, nể tình ông nhận tôi vào làm bảo vệ, hơn nữa, quá khứ của tôi cũng phù hợp với yêu cầu của ông.Theo chỗ bà chị dâu tôi cho biết thì quĩ Tuong Lai cần tuyển một nhân viên bảo vệ với trình độ văn hóa vừa phải, điều cốt yếu là đã từng làm lính canh tù. Lương tháng tương đương hai chỉ vàng.Vào thời điểm của năm 1988 thì chỗ làm này quả là lý tưởng. Rất nhiều người cậy cục xin vào nhưng chỉ đạt được điều kiện thứ nhất. Còn tôi, tôi đủ cả hai. Mười năm trong quân ngũ thì sáu năm tôi chuyển sang lính vũ trang canh tù. Tôi tại ngũ với thời gian dài như vậy cũng có lý do của nó.
Thời trai trẻ tôi đã có tượng trưng bày ở triển lãm, tuy không gây được om sòm trong giới tạo hình nhưng cũng có người gọi tôi là “nghệ sĩ”!? Trong thâm tâm tôi từ buổi ấy đã ngấm hai từ hư ảo ấy và cái chất “nghệ sĩ” ấy cứ bám riết lấy tôi, khiến cho cuộc đời binh nghiệp của tôi có những thuyên chuyển kỳ cục. Thời gian đóng quân ở Phúc Yên tôi dùng đất sét đen đắp một bưc tượng bán thân. Một cô gái với bộ ngực trần.Không ai biết rằng đó là người yêu của tôi. Khuôn mặt, mái tóc, dáng hình là của em, của Hường. Còn bộ ngực non trẻ ấy chỉ do tôi tưởng tượng mà đắp. Không hiểu sao nó hài hoà với dáng hình của Hường đến thế. Trong cảnh núi đồi vắng vẻ bức tượng có sức cuốn hút mãnh liệt. Nó làm rung động hầu hết cánh lính trẻ. Riêng chỉ có một người tỏ vẻ khó chịu, đó là đại đội trưởng của tôi. Anh ngắm bức tượng với ánh mắt xét nét rồi lạnh lùng bảo tôi cất đi. Hôm sau, tôi phải gói bức tượng vào vỏ bao xi măng rồi đem giấu đi. Sau đó tôi chuyển đơn vị. Tôi đến phục vụ ở một trại cải tạo trung ương. Tôi canh tù. Nơi đây là một vùng rừng thiêng nước độc. Khu lán trại nằm lọt thỏm trong một thung lũng, ba bề núi đá, một bề rừng, cách đường quốc lộ bốn cây số đường mòn và mười cây số đường xe ngựa. Môi trường sáng tác của tôi thật tuyệt vời. Ông trưởng ban giám thị đeo hàm trung tá công an,, ông gốc người Thái Bình, tính cương trực và ương ngạnh, khi ông biết tôi đeo đuổi nghệ thuật ông vỗ vai và bảo: “Thiên nhiên ở đây thì hùng vĩ, nhưng con người ở đây-những can phạm-thì rẩt lởm khởm,có những tên đã hết cả tính người, cậu phải cận thận”.
Tất cả những thuyên chuyển công tác dù xa xôi, khắc nghiệt đến mấy cũng không làm tôi nhụt chí bởi ở Hà Nội tôi còn có Hường, người tình chung thuỷ của tôi. Trong một lá thư Hường viết: “…Dù có phải đợi anh suốt đời chăng nữa, em vẫn đợi. Vì trên đời này chỉ có anh là người em yêu!” Giữa một không gian buồn tẻ và chán ngắt của những sự lặp lại, trong khuôn khổ hành chính của trại giam mà nhận được một tình yêu như vậy thì quả là nguồn sống. Nhưng, cuộc đời luôn chứng tỏ cho những người tuổi trẻ mộng mơ rằng, nó không ngon lành như một tấm bánh, nó luôn biến động khôn lường. Chỉ sau lá thư êm ái ấy mấy tháng, tôi đã nhận một cú sốc đầu đời, đó là khi nhận được lá thư tuyệt tình của Hường. Tâm trạng tôi rệu rã, tôi đem bức tượng bán thân ra gò đất cạnh vườn sắn nơi mà tôi thường dẫn tội phạm đến nhổ cỏ. Lùi lại khoảng vài mét, tôi lên đạn và giương khẩu CKC lên…tôi bắt đầu nheo mắt. Nhưng mặt trời buổi sáng bỗng loé sau lưng nàng. Cả khuôn mặt đen bóng như nhăn lại van xin. Tôi có cảm tưởng rằng cặp vú đang phập phồng trong nỗi lo sợ. Nó muốn chứng tỏ rằng nó sinh ra và tồn tại không phải để hứng đạn, nó biểu tượng cho tình yêu và sự sống. Đôi môi như mấp máy rên xiết: “Vô lý!Vô lý…” Phía sau tôi bỗng vang lên một giọng nói: “Bắn đi ông!” Tôi quay lại,hắn là Phí Thế tơn,con một chủ nhà hàng đặc sản nổi tiếng Hà Nội. Nhìn mặt hắn, không ai nghĩ rằng hắn lại là một kẻ dâm đãng đê tiện. Tội trạng của hắn chỉ là những hiếp dâm, bức dâm, cưỡng dâm. Hành vi đưa hắn lên đây “bóc lịch” ba năm là vụ cưỡng dâm một em gái mười bốn tuổi. Tôi nhìn hắn như nhìn một con quỉ. Tôi quát: “Mày ra đây làm gì?”. Hắn xum xoe: “Con xem trộm ông tập bắn”. Hắn đi về phía pho tượng như bị một sức hút thần quái. Tôi sẵng giọng: “Dừng lại!” Hắn đứng sững như bị bấm nút. Tôi không muốn có sự ô uế gần pho tượng. Có lẽ với khoảng cách gần như vậy, hắn đã kịp thẩm thấu được vẻ đẹp của nàng? Hắn bỗng quay ngoắt lại và hỏi tôi: “Bức tượng cô gái da đen này giống một người tình của con quá!” Tôi mắng nó: “Đừng có nói bậy!” Hắn gân cổ lên, bộ mặt đểu có vẻ chân thành, điều này khiến tôi cảm thấy gai gai. “Thưa ông, giống lắm, chỉ khác màu da”. Tôi bảo hắn: “Mày nói đi, chắc lại một giai thoại ướt át và bẩn thỉu chứ gì?”. Tôi muốn nghe thằng Tơn nói mà trong thâm tâm thì run rẩy bởi một điều tôi chợt linh cảm. Nó thú nhận: “Con bé này nó có người yêu đi lính, nó chung thuỷ đến ngu ngốc, con phải dùng cả thuốc ngủ lẫn thuốc kích dục mới chiếm đoạt được nó. Thưa ông, thật không ngờ, con được phá trinh”!. Lời tâm bạch của hắn khiến tôi sững sờ. Tôi thấy thương những người lính, đau xót thay cho người yêu của lính. Trong tôi lúc này không có điều riêng tư nữa, tôi nghĩ về đồng đội của tôi và người tình của họ. Tôi nhìn thằng Tơn, tôi căm ghét hắn đến nghẹt thở, người nó co dúm lại như khỉ gặp mưa. Cái mẽ ăn chơi của hắn đã xẹp hơi, thay vào đó là sự thảm hại chấy rận. Tôi cảm thấy ghê tởm khi đến gần hắn. Chỉ thiếu chút nữa thì tôi đã cho hắn một nhát lê. Tôi cố ghìm cơn tức giận và sự khinh bỉ để hỏi hắn bởi tôi muốn biết số phận của ngươi đàn bà bất hạnh kia ra sao. Tôi bắt hắn ngồi xuống phiến đá và hỏi: “Về sau mày đối xử với cô bé ta thế nào? Hắn trả lời thản nhiên: “Gia đinh con bồi thường hai triệu đồng khi biết cô ta có mang”. Tôi hỏi: “Thế là xong?”. Hắn trả lời: “Vâng! Còn gì nữa ạ, vừa rồi con có nghe tin cô ta sinh con trai”. Đối thoại với hắn mà cổ họng tôi cứ ứ lên một cục đắng. Vì tò mò mà tôi hỏi: “Tên cô ta là gì?’_ “Thưa ông tên cô ta là Lê Kim Hường!”. Tôi cảm thấy nhói ở tim. Tôi hỏi: “Nhà cô ta ở đâu?” Hắn trả lời nhưng âm vực có vẻ khác trước: “Thưa ông, ở số nhà 39 phố X”. Mỗi câu mỗi chữ của hắn là mỗi lưỡi dao sắc nhọn đâm vào tâm khảm của tôi. Thì ra, tình địch của tôi là hắn. Kẻ đang ngồi co ro trước mặt tôi kia đã khai tử một cuộc tình, đã chấm hết đời con gái của Hường và để lại trong tôi một khối u buốt nhói. Đầu tôi chợt loé lên một ý đồ đen tối: “Phải giết hắn!” Nhưng bây giờ thì chưa được, tôi cố nén cơn khùng quát hắn: “Cút ngay về lán!Đồ đểu!”. Hắn lủi nhanh như chuột. Còn tôi, tôi dùng báng súng nghiền nát pho tượng thành cám. Của đất xin về với đất. Màu đen của nó loang lổ trên nền đất đỏ, nhìn từ xa mặt đất như bị chảy máu.
…Tiếng ken két của hai cánh cửa xếp màu kem được cô nhân viên mở banh ra làm cho tôi cắt được những dòng hoài niệm. Đầu óc tôi bây giờ hay thế lắm, cứ mơ mơ màng màng: giữa cũ và mới. Những ngày ở trên trại, ông giám thị đã phải cảnh giáo tôi một lời khuyên chí tình: “Quá khứ là con hiện tại, hiện tại là cháu tương lai!?”. Có lẽ ông nhắc tôi, tất cả còn ở phía trước.
Tôi nhìn đồng hồ, đã chín giờ…tôi ngập ngừng bước chân vào “công sở”. Bên trái là một dãy bàn được ngăn ra từng ô bằng kính. Trước mỗi ô là một tấm kính mika mờ có khoét lỗ hình bán nguyệt. Trong mỗi ngăn là một khuôn mặt của “nam thanh, nữ tú”. Có vài ông khách ngồi hút thuốc phì phèo quanh một chiếc bàn rộng và thấp kê ở bên phải. Phía trong cùng là một buồng kính mờ kiểu mờ sương, thấp thoáng ẩn hiện hàng loạt những đồ đạc sang trong, phương tiện hiện đại mà chỉ vài năm trước thôi, có nằm mơ cũng không thấy. Trên cánh cửa kính mờ có gắn một tấm biển nền trắng muốt, chữ vàng:
PHÒNG CHỦ NHIỆM. Tôi đánh bạo hỏi một cô gái môi đỏ, mí xanh, mặc váy mini, tất trắng giầy da cũng trắng. Thấy cô ngồi cạnh điện thoại tôi đoán cô la thư ký:
- Em làm ơn cho anh hỏi, ông chủ nhiệm có đây không?
Cô liếc xéo về phía tôi, đôi mắt chớp nhanh như ánh đèn plát. Rồi cô quay người làm chiếc dây chuyền vàng óng chao đi chao lại trên cổ cô như đánh võng, cô đã đạt được sự làm dáng tự nhiên không thể chê vào đâu được. Tiếng của cô như tiếng hoạ mi:
- Chú ra dãy bàn kia ngồi chờ, xếp chưa đến.
Tôi đi về phía mấy người đang hút thuốc và ngồi theo yêu cầu của cô thư ký. Tôi thấy mọi người nhìn tôi với ánh mắt kém thiện cảm. Có lẽ họ cho rằng sự có mặt của tôi đã giảm đi chất sang trọng của văn phòng? Có tiếng rúc rích nhắc nhau: “Cẩn thận tiền nong”.Tôi cho rằng, lời cảnh cáo đó nhằm vào tôi, bởi tôi có lớp vỏ rẻ tiền, một bộ mặt đậm đặc vẻ phong sương. Tôi không cảm xấu hổ vì chuyện đó, vì lẽ, đời thường đã đón tiếp tôi với tất cả sự chân thực của nó. Thà như thế còn hơn, không có đen làm sao có trắng!? Khái niệm ấy đã giúp tôi tìm thấy hạnh phúc từ trong sự đau khổ, đã giúp tôi chịu được những “đòn đờI” chí tử. Tôi chợt nhận ra cái kiểu nhận người của ông chủ nhiệm quỹ Tương Lai, thật là uyên thâm. Ông ta coi tiền như phạm nhân!? Ông muốn cho tất cả chúng vào tù? Ông muốn lính canh tù bây giờ canh tiền? Những ý nghĩ của tôi bỗng nhẹ như một làn khói, tôi bỗng nhớ đến một kỷ niệm mà tôi cho rằng ít người gặp phải. Tôi ngờ vào cái chấn động này đã ảnh hưởng đến tư duy của tôi, do vậy, những tác phẩm của tôi bị méo mó!?
…Bốn giờ sáng ngày thứ năm, tôi được một phạm nhân đến báo: “Thằng Tơn trốn trại!” Tôi vơ vội cây súng rồi đánh thức đồng đội chia làm hai mũi truy tìm. Tôi giao cho đồng đội đi theo lối đường mòn. Còn tôi rẽ sang vườn sắn để vượt qua một gò đất, một khoảng rừng thưa sẽ gặp một con đường xe ngựa. Tôi đoán thằng Tơn chọn lối đi này. Có thể hắn bí mật ẩn nấp trong một hang động nào đó vài ngày rồi mới trốn. Tôi vượt qua gò đất thì đã sáng rõ mặt người. Vẫn không có một dấu vết nào của hắn, nhưng tôi vẫn linh cảm rằng hắn vừa đi qua đây. Rằng trước sau thì tôi cũng tìm ra hắn. Hắn có hai tội đã quá rõ ràng: Tội trốn trại, tội cướp đi của tôi một mối tình. Tôi leo sườn bên trái có nhiều bụi cây hơn. Núi đá ở vùng này nhiều nhưng thấp, nối tiếp nhau từng đợt và không hề được đặt tên. Khoảng nửa tiếng sau, tôi bắt gặp một mạch nước ngầm chảy ra từ một hang núi. Tôi vội nấp sau một tảng đá bám đầy dương xỉ. Tôi quan sát phía cửa hang, cách chỗ tôi độ một trăm mét… Tôi bỗng nhận thấy một làn khói mỏng tang vật vờ từ trong hang toả ra rồi nhanh chóng tan vào khoảng sáng. Đến lúc này thì không còn nghi ngờ gì nữa, thằng Tơn đang ở trong hang! Hắn đang hút thuốc. Thần kinh tôi trở lại thư giãn. Tôi nằm phục tự tin như một con linh miêu…mãi đển trưa, hắn mới uể oải bước ra khỏi hang, hắn có vẻ mệt. Dù sao thì tôi vẫn bị xúc động, có một chút gì đó pha lẫn hạnh phúc và hồi hộp nhưng vô cùng ngắn ngủi chợt đến với tôi. Hắn nghe ngóng,nhìn trước nhìn sau rồi bỗng nhanh nhẹn lao về một trái núi thấp trông nó như một chiếc nón úp, đằng sau trái núi ấy đã thấp thoáng khoảng rừng thưa. Tôi xốc súng bám theo…đợi cho hắn tiến sát chân núi, tôi lao lên rút ngắn khoảng cách và lên đạn giương súng hô: “Đứng lại!”. Hắn khựng lại một chút, hình như hắn hiểu được điều gì đã xảy ra, nhưng hắn vẫn chạy. Tôi bắn liền mấy phát chỉ thiên và vẫn ra lệnh cho hắn dừng lại mặc dù biết hắn chẳng còn cách nào khác. Hắn vẫn ngoan cố chạy thục mạng và bắt đầu chớm len vào chân núi. Ở thời điểm này, tôi chỉ cách hắn độ trên dưới mười mét, nếu tôi điểm xạ, chắc là không thể trượt được, hắn chết, còn tôi sẽ là kẻ lập công hoàn toàn tự nhiên và hợp lý. Không hiểu sao, lý trí của tôi lại loé lên một cách xử lý khác. Bởi lòng tự tin của tôi đã vượt qua sự căm thù. Tôi không muốn bắn sau lưng, tôi muốn dành cho hắn cái chết chính diện. Có lẽ hắn đã nhận ra tôi hơn là sợ cái chết nên đầu gối hắn ríu lại rồi ngã lăn xuống rệ núi. Tôi lặng lẽ tiến sát và chĩa súng về phía hắn:
-Phí Thế Tơn, tại sao trốn trại?
Mặt hắn cắt không con một hột máu, mồm thở hổn hển, hắn trả lời tôi mà đôi mắt đã mất thần:
-Thưa!…Con sợ ông trả thù! Ông giết con!
-Vậy mà mày có thoát chết đâu! Tới số rồi Tơn ơi!
Hắn bò lổm ngổm, rồi vái như tế sao, mồm lắp bắp:
-Xin ông tha chết cho con! Chuyện cô Hường chỉ là vô tình, khi mãn hạn tù con sẽ hậu tạ ông, con tôn thờ ông như thánh.
Tôi muốn quan sát sự phát tiểt cuối cùng của một mạng sống tạm gọi là con người sẽ tiến triển như thế nào? Nhất là hắn đang nhìn,đang cảm nhận thấy cái chết sắp đến…sự đê tiện, lòng chân thật, lời sám hối thánh thiện hoặc hèn nhát đến khốn nạn?
Tôi thầm nghĩ: có lẽ trời phật cũng không cứu được hắn thoát chết? Bởi tôi cảm thấy đã đến lúc xiết cò…bỗng nhiên hắn đứng vụt dậy, hành động này không làm tôi mất bình tĩnh vì phía sau hắn là núi đá, trước mặt hắn là họng súng bất thần nhả đạn, còn hắn, rệu rã và tả tơi như tàu lá chuối. Tôi đọc thấy nỗi tuyệt vọng vô bờ trên nét mặt hắn. Đôi chân hắn không còn run rẩy như trước…Như một con mèo vờn chuột, tự nhiên tôi lại chưa muốn giết hắn vội. Tất hất hàm ra hiệu cho hắn:
-Dù sao thì tao cũng cho mày được trối trăng trước khi chết!
Có lẽ hắn biết cái chết sắp đến với hắn là điều tất nhiêm nên giọng nói của hắn trở nên trễ nải và yếu ớt. Tôi cảm thấy hắn có vẻ thành thật hơn cả những điều hắn đã nói từ khi biết nói:
-Tôi không có gì để trăng trối cả, nhưng tôi muốn sống! Bởi vậy khi biết Hường là người yêu của ông nên tôi phải trốn chạy sự trả thù của ông, tôi sợ cái chết âm ỉ. Không ngờ điều đó lại nhanh đến thế. Thôi, tha được thì tha, bằng không thì ông bắn ngay đi!
Tôi không ngờ hắn lại có vẻ điềm tĩnh như vậy, nhưng đôi tay của tôi vẫn rê họng súng vào ngực hắn, bàn tay phải của tôi bắt đầu chuyển động, tôi dằn từng tiếng:
-Mày là tù trốn trại! Tao bắn mày vì trách nhiệm!
-Không! Ông bắn tôi vì hằn thù cá nhân! Nếu không vì nguyên nhân đó hẳn tôi không phải trốn trại, ông thừa hiểu rằng án của tôi chỉ còn hơn một năm nữa thôi.
-Nhưng thực tại là như vậy!
-Vâng! Ông có thể giết tôi rất hợp lý, nhưng lương tâm ông sẽ không thanh thản, trên đời này chỉ có tôi và ông cảm nhận được điều đó.
Trời ơi! Chả lẽ hắn, một quái thai lại có ý nghĩ như vậy sao? Tôi không thể để dù là một thây ma bảo tôi giết người vì hằn thù cá nhân được! Còn vì tình lại càng đốn mạt…Chỉ một chút những ý tưởng ấy lởn vởn trong đầu tôi cũng khiến tôi thay đổi quyết định đột ngột. Tôi thầm nghĩ, nếu giết hắn hẳn tôi cũng có chút hận thù cá nhân. Thằng bé con của Hường sẽ thành trẻ mồ côi. Biết đâu sau này khi mãn han tù hắn sẽ nghĩ lại, sẽ đón mẹ con Hường về, sẽ hạnh phúc. Tôi bảo hắn:
-Thôi! Đứng thẳng lên, tao tha chết cho mày…Mày không tin sao?
Hắn ngạc nhiên thực sự trước một biến cố mà theo hắn trên đời này không thể có được, hắn bỗng vụt chạy về trại mồm lẩm bẩm như một kẻ tâm thần:
-Vô lý thật!... Con xin ông!... Vô lý thật…
Sau những chuyện ấy, tâm hồn tôi trống hẫng, tôi tìm nguồn vui trong sáng tác, tôi làm tượng bằng tất cả những nguyên liệu bắt gặp. Nhưng hoàn toàn thất vọng, điều khiến tôi thất vọng không phải vì tôi chưa nổi danh, nó còn khủng khiếp hơn thế, bởi từ sau buổi ấy, sau một loạt cú đòn tinh thần giáng vào tôi mà theo tôi thì cú tha chết cho Phí Thế Tơn là chót…Tôi không làm sao đắp hoặc tạc được khuôn mặt của người. Những khuôn tượng của tôi cứ hao hao thú vật, nhiều khi ngắm nhìn, tôi còn thấy ghê hơn cả thú. Tôi tạm rút ra kết luận rằng, thật là thú thi rất thú, thật là người thì rất người, còn nửa người nửa thú như các pho tượng của tôi thì rất ác độc? Với tôi điều đó gần như cái chết.
Phí Thế tơn mãn hạn tù được một năm thì tôi xuất ngũ. Tôi trở về và đem theo từ vùng rừng núi những pho tượng nửa người nửa thú, nửa thú nửa người. Không của cải, không nghề nghiệp tâm hồn thương tật, một loại thương tật mà từ xưa đến nay không một ai được “chứng thương”. Lẽ ra tôi cũng thể có những cái mọi người đang có, nhưng với tôi bây giờ đang vô vọng. Những năm tháng gian khổ và hiu quạnh, hy vọng và say sưa tuy đã qua đi, nó như dòng nham thạch nóng bỏng, rồi cũng khô cứng cũng như tôi, tôi cũng có một chút chai lỳ…Tôi thấy mình cần phải sống, để tìm lại chất người trong tác phẩm cho dù có phải hết đời…Tôi mơ ước đến một lúc nào đó, với đôi bàn tay và sự ngẫu hứng của trí tuệ, tôi sẽ hoàn thành một pho tượng với đầy đủ những tính cách và biểu tượng của sự bắt đầu, đó là “A”…
Trong khi tôi đang nhìn tất cả mọi vật ( gồm cả con người ) với khái niệm “vận động vì mình” thì chợt cô thư ký có cái cổ mĩ miều gọi tôi:- Chú gì…ơi! Đến lượt chú vào gặp sếp rồi đấy, chú nhanh chân lên một tí!…
Tôi vội vã quặp chặt đôi dép lê mỏng quẹt và bước vào phòng chủ nhiệm.
Một người đàn ông béo tốt đeo kính gọng vàng mặc bộ đồ ký giả màu sáng đang phì phèo thuốc lá. Tôi chỉ kịp nhìn có vậy rồi lảng tránh cặp mắt xuống nhìn đôi dép của mình. Bởi tôi cảm thấy từ vóc dáng người đó như đang toả ra những tín hiệu cao sang và đường bệ. Còn tôi thì lôi thôi và lam lũ như cánh xe thồ lạc vào cảnh bồng lai hành chính. Những tia lấp loé của những đồ vật hiện đại như chĩa cả về phía tôi. Tôi liên tưởng đến những cạm bẫy? Tôi bỗng trở nên lúng túng và quê kệch. Tôi không biết bắt đầu như thế nào thì ông chủ nhiệm lên tiếng trước.
-Mời anh ngồi.
Ông hất hàm về phía chiếc ghế tựa bằng gỗ kê ở sát tường chứ không phải mấy chiếc ghế bọc da đệm mút kê ở trước mặt ông. Điều này khiến tôi cảm thấy tiện hơn. Tôi ấp úng:
-Báo cáo anh! Chị dâu tôi có…
À! Tôi biết rồi! Hồ sơ xin việc của anh tôi đã nhận từ tay bà Kiều Ánh Ngọc, tuy tôi có thời gian đọc nhưng tôi tin bà chị dâu của anh.
Tôi có cảm giác ông ta đang nhìn tôi với ánh mắt lộ liễu của thầy tướng, khiến cho tôi như bị chói ngợp. Tôi nghe chứ không dám nhìn, cũng không dám nói.
-Thôi được! chúng ta trao đổi ngay bây giờ, cố gắng nhanh và đơn giản.
-Vâng!
-Đúng là anh đã từng canh tù?
-Vâng!
-Choang? ( ám chỉ vũ trang ) hay cớm? ( ám chỉ CA )
-Tôi ở bên vũ trang.
Tự nhiên căn phòng trở nên lặng lẽ, chìm ngập sự thăm dò, có thể là do tôi cảm thấy thể hơn là mối lo ngại của kẻ xin việc.
Có tiếng chân giầy bước đi bước lại vẻ suy tư, rồi tiếng mở đóng ngăn kéo bàn giấy, tiếng giấy quệt vào nhau nghe đơn điệu. Hình như ông đang đọc hồ sơ của tôi? Tôi nghe rõ cả nhịp đập trái tim đã mỏi mệt của tôi, nó như tiếng giọt gianh sau cơn mưa đã tạnh.
Ông chủ nhiệm đi rất êm về phía tôi rồi lên tiếng:
-Rõ cả rồi! Thế mới biết quả đất này chưa to. Nào xin mời thượng sĩ Trần Văn, ân nhân của tôi hút thuốc. Xin ông đừng ngạc nhiên, tôi chỉ là Phí Thế Tơn, kẻ tù tội của ông đây.
Tôi bất giác thấy khắp người gai lạnh và sửng sốt đứng lên nhìn ông chủ nhiệm…mặc dù vẻ hồng hào phốp pháp đã che đậy khắp thân thể nhưng tôi đã nhận ra đúng hắn, Phí Thế Tơn qua ánh mắt. Thật ra, từ trong tận cùng của đôi mắt có vẻ đường bệ kia vẫn lung linh những tia đểu cáng, vẫn ngời lên sự hèn hạ. Tôi bỗng buột mồm.
-Thật thế sao?
-Lại không tin hả? Bây giờ thì đến lượt “anh bạn” nhé!
Tôi cau mặt theo thói quen những ngày còn ở trại. Và tôi bỗng chợt nhận ra rằng, ở hoàn cảnh này thì tôi thật sai lầm. Dù sao thì trong tâm khảm tôi bỗng thấy mình như một đứa con bị bỏ đói, cứ lơ lửng chơi vơi…
-Tôi nhận ra anh vẫn là Phí Thế Tơn!
-Nhưng bây giờ hoàn cảnh đã khác, ân nhân ạ! Và tôi sẽ trả ơn “ông” rất sòng phẳng!
-Làm gì có chuyện ấy!
-Có đấy!
Một thoáng trong đầu tôi nhói lên những nỗi âm ỉ! Chả lẽ bây giờ tôi lại gân cổ lên tranh luận với hắn hoặc lao vào hắn để đấm đá cho nguôi cơn đau khổ? Nhưng xét cho cùng, hắn nói thật lòng cũng như hắn đã từng thật lòng khi không thể tin rằng tôi tha chết cho hắn. Bây giờ hắn có vẻ thành đạt trong kinh tế, cả một bộ máy cho dù nho nhỏ hoạt động hợp pháp và hiệu quả.
Tôi thấy mình hởi lòng hởi dạ, bở đã tha chết cho hắn, nếu như giết hắn thì thật đáng tiếc. Chỉ nguyên những điều tôi vừa suy nghĩ cũng đủ để tôi tha thứ những đối thoại ngạo mạn của hắn đối với tôi hôm nay. Tôi thấy lòng mình trở lại thanh thản, lúc này tôi có thể chẩp nhận mọI thua thiệt, khổ ải để tìm lại bản ngã. Tôi không cần hắn cứu giúp cái gì hết. Hắn đã nhầm, tôi chỉ sợ hèn chứ không sợ nghèo. Tôi cảm thấy thương lại hắn hơn là ghen tị với hắn. Có thể, tôi không bao giờ được thừa hưởng hạnh phúc tột đỉnh của những thành quả đê tiện. Nhưng tôi nhìn thấy cái “chân” của sự cấu thành vật chất, tôi biết thưởng thức trọn vẹn men say của bình rượu vĩnh hằng.
Hắn trở lại bàn làm việc và nói:
-Tôi quyết định nhận anh vào làm bảo vệ với mức lương hàng tháng tương đương với bốn chỉ vàng chứ không phải hai như người khác. Tôi bổ sung thêm một điều kiện nhỏ nữa.
-Điều kiện gì?
-Anh phải giữ kín chuyện cũ của tôi cho đến chết!
Tôi nhìn hắn và một lần nữa phải thừa nhận rằng…hắn rất thật, lúc nào hắn cũng là Phí Thế Tơn, xứng đáng với sự sống và lòng nhân nhượng tôi dành cho hắn. Tôi bảo hắn:
-Tôi không nhận những “ân huệ” ấy vì tôi chỉ quen cho.Yên tâm đi, sẽ không ai biết chuyện “ấy” đâu. Tôi sẽ sống bằng công việc khác. Chả lẽ những người như tôi chỉ làm được bảo vệ? Ngay từ giờ phút này trở đi trong đầu thằng cựu thượng sĩ này sẽ không còn chuyện “ấy”, không còn Phí Thế Tơn!… Xin chào!
Tôi quay gót, mở cửa ra vĩnh biệt sau lưng một quá khứ…tôi bàng hoàng bước ra đường hoà vào dòng đời vô tận.
Dòng Đời Vô Tận Dòng Đời Vô Tận - Sưu Tầm